Đi thăm Australia và New Zealand

Đặng-Quốc-Tuấn 

                                                          

Australia và New Zealand thường được gọi là Down Under (Miệt Dưới) vì ở Nam Bán Cầu và “below” rất nhiều nước khác. Down Under được dùng từ cuối Thế-kỷ 19 và trở nên rất thông-dụng. Bản nhạc nổi tiếng “Down Under” của ban nhạc Men At Work đã quảng-bá thêm cho tên gọi thân-thương này với những lời ca yêu-mến:

Do you come from a land down under

Where women glow and men plunder

I come from a land down under

Where beer does flow and men chunder

Năm 2004, khi hoa-hậu Úc Jennifer Hawkins thắng giải Hoa-hậu Hoàn-vũ (Miss Universe), cô được giới-thiệu là Hoa-hậu của Miền Down Under.

Hội-ngộ Liên Khóa Úc Châu 2018

Tôi không gọi là HNLK Kỳ 4 như Ban Tổ-chức và nhiều người gọi vì theo tôi, đây là Kỳ 5. Năm 1999, Tổng Hội CSV/QGHC đã tổ-chức Họp Mặt lần đầu tiên ở Virginia. Năm 2014, Hội CSV/QGHC Texas tổ-chức cuộc Họp Mặt Kỳ 2 nhưng lại gọi là Kỳ 1. Một hội-viên Hội Miền Đông đã đính-chính nhưng Hội CSV/QGHC Texas vẫn giữ tên là Kỳ 1 và giải-thích rằng Họp Mặt Năm 1999 là Đại Hội QGHC Thế Giới, đêm Liên-hoan gọi là Đêm Hành Chánh Hội Ngộ chứ không phải Hội-nghị Liên Khóa; bởi vậy HNLK 2014 ở Houston là HNLK Kỳ 1. Tôi không hiểu sự khác biệt giữa “Đêm Hành Chánh Hội Ngộ” và “Hội Ngộ Liên Khóa” ra sao? Có lẽ chỉ nên đặt tên Họp Mặt theo năm và nơi tổ-chức, không cần “Kỳ” nữa. Nói vậy thôi chứ Hội CSV/QGHC nào tổ-chức họp mặt và đặt tên ra sao tôi cũng đi để gặp bạn-bè.

Tôi và Nhà Tôi vẫn có ý-định đi thăm vùng Miệt Dưới từ lâu nên khi Hội CSV/QGHC Úc tổ-chức HNLK 2018 tôi ghi tên ngay. HNLK 2018 được tổ-chức rất chu-đáo, thành-công tốt-đẹp. Trước ngày Đại-hội có tour đi Canberra, hai buổi họp-mặt “Tiền Hội-ngộ” và “Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô.” Sau ngày Đại-hội lại có tour Sydney, tour Symbio Wildlife Park và cruise Great Barrier Reef. Thật là qúa đầy đủ, ít cuộc họp mặt thân-hữu nào có nhiều “options” như vậy.

Trung Tâm Sinh Hoạt Văn Hóa Cộng Đồng

Tour Canberra do anh Đặng Văn Hiền hướng-dẫn. Anh Hiền vốn là một công-chức lâu năm ở đây nên hiểu biết rành-rẽ tổ-chức của chính-quyền Úc. Anh Hiền và người hướng-dẫn ở văn-phòng Quốc-hội đã đưa chúng tôi đi thăm các văn-phòng Thượng và Hạ Nghị-viện Úc. Đi thăm Australian War Memorial thấy hình ảnh cuộc chiến Việt Nam lại buồn nhớ đến hơn 3 triệu người Việt Nam chết, gần 60,000 chiến-sĩ Hoa Kỳ và Đồng Minh đã bỏ mình để ngăn làn sóng Đỏ ở Việt Nam, bảo-vệ tự-do cho Thế-giới. Xin cám-ơn Chính-phủ, Quân-đội, và nhân-dân Úc đã trực-tiếp tham chiến tại Việt Nam, khởi sự từ con số khiêm-nhường 30 Cố-vấn Quân-sự năm 1962 lên đến một lực-lượng hùng-mạnh 7,672 chiến-sĩ. Trước chiến tranh Afghanistan, chiến-tranh Việt Nam là cuộc chiến dài nhất trong lịch-sử Úc. Tuy chiến tranh Afghanistan dài hơn chiến-tranh Việt Nam, lực-lượng Quân-đội Úc ở Afghanistan lại ít hơn ở Việt Nam nhiều. Khoảng 60,000 chiến-sĩ Úc đã tham chiến tại Việt Nam, 521 chiến-sĩ Úc đã bỏ mình, và hơn 3,000 người bị thương. Chúng ta không thất trận ở Việt Nam, chúng ta đã thất trận ở Paris và Washington!

Trụ-sở Quốc-hội Australia

 

Sydney Opera House

Tour Sydney và Tour Symbio Wildlife Park do hai anh David Ngô và Lê Văn Thái hướng-dẫn đã đưa chúng tôi đi thăm hầu hết các thắng cảnh ở Sydney. Vào những đêm giao-thừa Dương lịch, tôi hay theo-dõi Năm Mới tuần-tự đến với các nước. Sydney, vì ở Down Under, nên là thành-phố lớn đầu tiên đón Năm Mới. Nhìn cảnh pháo bông rực-rỡ trên Sydney Opera House và Sydney Harbour Bridge, vợ chồng tôi vẫn có ý-định đến thăm nơi này vào một đêm giao-thừa. Nay tuy không phải là giao-thừa nhưng chúng tôi cũng đã được đi trên Harbour Bridge, vào thăm Opera House thì cũng mãn nguyện. Hàng năm có hơn 8 triệu người viếng thăm Sydney Opera House, một thắng cảnh được liệt-kê là UNESCO World Heritage Site. Tour Symbio Wildlife Park không hấp-dẫn cho lắm vì tôi không thấy con kangaroo mẹ đìu con trước bụng như tôi đã thấy ở Mỹ; kangaroo ở sở thú này nhỏ nhưng rất hiền và thân-thiện. Nhà Tôi rất thích con két trắng cứ luôn luôn chào “Hello” với nàng.

Sri Venkateswara Temple – Helensburg                            

Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô đựợc tổ-chức rất long-trọng và cảm-động. Hội CSV/QGHC Úc vẫn tổ-chức lễ này hàng năm nên có nhiều kinh-nghiệm, tổ-chức rất chu-đáo. Có Chủ Tế, Bồi Tế mặc áo thụng, khăn đóng cổ-truyền với tiếng chiêng, tiếng trống linh-thiêng. Có dâng hương, hoa, rượu, trà, bánh trái. Anh Trần Thiện Tích đã nói lên tình thầy trò đậm-đà và nỗi lòng biết ơn, thương-tiếc của CSV/QGHC với các Thầy, các Cô đã qua đời. Anh Tích và Chủ Tế Bùi Đức Hùng cũng nhắc đến một số đồng môn đã đi trước chúng ta, nhiều người đã anh-dũng hy-sinh cho Tổ-quốc. Đặc-biệt năm nay khi các CSV/QGHC tổ-chức Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô thì một vị Thầy khả-kính là Giáo-sư Nguyễn Khắc Nhân vừa nằm xuống ngày hôm trước ở Sydney. Nơi Thầy đang nằm chỉ cách chỗ các học-trò đang tổ-chức Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô một khoảng đường rất ngắn. Nguyện xin Thầy an-nghỉ và cầu mong hương-linh Thầy sớm siêu-thoát về Miền Cực Lạc. Riêng con, con không bao giờ quên ơn Thầy đã chấm Luận-văn Tốt-nghiệp Khóa Đốc-sự 10 của con hạng nhất trong lớp.[1]

Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô

Tôi sang Úc hơi trễ nên đã không còn gặp được một vài người bạn thân-thương đã đi trước chúng ta. Anh Lưu Văn Của học chung với tôi Khóa Cao-học 2. Anh Nguyễn Khoa Huân, huynh-trưởng Khóa Đốc-sự 2, một người bạn vong niên của tôi. Khi Anh làm Trưởng-ty Thuế-vụ Nha-trang / Khánh-hòa thì tôi làm Trưởng-ty Thuế-vụ Lâm-đồng, chúng tôi có chung một “xếp” và vẫn đi họp với nhau. Anh không nề-hà tuổi cao đã dấn thân ra làm Chủ-tịch Hội CSV/QGHC South New Wales với ý-định cùng ACE tổ-chức HNLK 2018 cho thật đẹp. HNLK chưa tới thì anh đã ra đi. Một đàn anh nữa là Anh Nguyễn Văn Thực làm Chánh Sự Vụ Sở Hành-chánh khi tôi về học Cao-học. Về Sài-gòn tôi phải thuê nhà hết gần $2,000 một tháng lại mất phụ-cấp chức-vụ nên ăn tiêu hơi thiếu thốn; tôi đi tìm việc làm thêm. Anh Thực lúc ấy đang coi Trung-tâm Văn-hóa Bình-dân vào buổi tối; anh nhường cho tôi khi biết tôi chưa tìm được việc làm. Hội Văn-hóa Bình-dân mở các lớp học vào buổi tối dạy chữ, dạy nghề cho các em lớn tuổi nhưng không có điều-kiện theo học các trường ban ngày. Hết khóa học, tôi trả lại anh Thực việc làm này và đi dạy học ở Trường Trung-học La-san Đức Minh. Tôi không bao giờ quên nghĩa-cử này của anh Thực đã dành cho tôi. Nói chuyện với chị Thực tôi mới biết anh Cung Đình Thanh, Luật-sư Chủ-tịch Hội Văn-hóa Bình-dân cũng mới mất ở Úc.

Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô

Một người bạn nữa tôi không được gặp là anh Đặng Gia Thoại; Thoại học chung với tôi Khóa Đốc-sự 10 lại ở cùng phòng trong Ký Túc Xá. Tôi quen biết hầu như hết mọi người trong gia-đình Thoại. Tôi còn học chung với chị Thoại ở Đại-học Văn-khoa Sài-gòn. Xem danh-sách, tôi có thấy chị Thoại ghi tên tham-dự Lễ Tưởng Niệm nhưng tôi đi quanh phòng họp mấy lần cũng không thấy chị. Sợ rằng không gặp Chị từ lâu nên tôi không nhận được Chị, tôi nhờ Dũng và Khôi là dân Khóa 10 ở Úc đi tìm mới hay Chị không đi dự được. Trong buổi Lễ Tưởng Niệm này, tôi đau buồn nhớ đến mấy người bạn thân-thương của tôi ở Úc mà tôi không còn gặp được nữa. Họ đã bỏ chúng ta sang bên ấy thành-lập một Chi-hội CSV/QGHC mới. Chắc chắn là Chi-hội của họ sẽ càng ngày càng đông hội-viên, Chi-hội của chúng ta ở lại sẽ càng ngày càng ít đi. Không biết ai sẽ là người cuối cùng ở lại cõi đời vô thường này?

Về đến Hoa Kỳ, nhà tôi, vốn là một nhà giáo, vẫn tấm-tắc khen-ngợi “Em chưa từng dự một Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô long-trọng và cảm-động như ở Úc.” Tôi đề-nghị các Hội CSV/QGHC và ACE/CSV gửi về Hội QGHC Úc Châu hình, ngày sinh, ngày qúa vãng của các thầy, các cô, các bạn CSV đã qua đời để Hội Úc Châu cập nhật Bàn Thờ. Nếu không đủ chỗ thì in hình nhỏ, nếu không có hình thì chỉ ghi tên trên bài-vị. Hiện nay Hội Úc Châu chỉ có hình của 8 Thầy.

Đêm Liên Hoan được tổ-chức rất tưng-bừng, náo-nhiệt, thành-công rực-rỡ. Văn-nghệ rất hay, MCs lưu-loát, thức ăn đầy-đủ. Đặc-biệt Ban Tổ-chức còn “đãi” anh em món thịt đuôi con Kangaroo. Nhà Tôi rời bàn ăn, không muốn nhìn tôi ăn thịt Kangaroo là một con vật Nhà Tôi rất thương-yêu vì chúng có tình mẫu tử vô cùng đặc-biệt.

Đêm Liên Hoan là một đêm tràn đầy niềm vui được “Hội Ngộ.” Video đẹp, rõ-ràng nhưng chỉ tiếc là mỗi khi anh Đượm hay MC giới-thiệu ai thì video vẫn chỉ chiếu hình anh Đượm hay MC chứ không thấy “long nhan” của người được giới-thiệu. Video cũng ít chiếu hình những bàn ở xa.

Đêm Liên-Hoan

Xin chân thành cám ơn Anh Hà, Anh Thái, Anh Đượm và Ban Tổ Chức đã bỏ công, bỏ của, bỏ thời giờ tổ-chức một cuộc Hội Ngộ vui-vẻ, chu-đáo, đẹp-đẽ, thành-công vượt bực mặc dù Cờ Luân Lưu đã có lần bị gửi trả lại cho Hội CSV/QGHC Nam Cali để tìm một hội khác tổ-chức HNLK 2018. Với tư cách là một thành viên của Hội CSV/QGHC Miền Đông, tôi đang lo-ngại cho Hội của tôi sang năm tới rất khó “qua mặt” được Hội CSV/QGHC Úc.

Đêm Liên-Hoan

Tổ-chức nào cũng có người khen, kẻ chê. Tôi có nghe loáng thoáng mấy lời “xì xào” của vài tham-dự viên và vài ACE trong Ban Tổ-chức nhưng, các anh ơi, không bao giờ chúng ta có thể thỏa-mãn 100% mọi người. Người không bao giờ bị chỉ-trích là người không làm gì và cũng chẳng bao giờ phát-biểu ý-kiến, chẳng bao giờ viết một bài gì. Học-viện QGHC đào-tạo sinh-viên thành những công-chức cao-cấp. Dù theo nhiều ngành hành-chánh, quân-sự khác nhau nhưng nói chung, các cựu sinh-viên này đều phải điều-khiển nhân-viên dưới quyền để đạt mục-đích phục-vụ dân chúng. Khi làm nhiệm-vụ này, chúng ta khó (có thể là không bao giờ) thỏa-mãn 100% nhân-viên dưới quyền và thỏa-mãn 100% dân chúng.

Cruise Sydney-Great Barrier Reef

Sau Đêm Liên Hoan, 56 người đi cruise Sydney-Great Barrier Reef với Carnival Legend. Tôi đã đi “cruise” nhiều lần và tôi không thích đi “cruise” vì tôi thấy rất “boring.” Tuy nhiên tôi thông-cảm rằng đi “cruise” là cách tổ-chức dễ nhất cho các Ban Tổ-chức họp mặt: không phải lo xe bus, không lo ăn uống, không cần tổ-chức tours, không sợ “trẻ lạc;” mọi việc đều do “cruise” lo hết. Nếu Ban Tổ-chức siêng thì lo chụp hình nhóm và sinh-hoạt nhóm trên tàu. Anh Đượm đã lo hết các vụ này, lo chu-đáo. Trong hai buổi Họp-mặt Nhóm trên tàu, anh Đượm bao ACE uống rượu “unlimited.” Tiền rượu, thuê phòng họp, thuê đàn, thuê chuyên-viên âm-thanh đều do tiền bonus của anh khi anh booked cruise cho ACE (cứ 8 cabins anh được một vé free). Anh đã không bỏ tiền bonus này vào túi mà bao ACE hết; tôi sợ tiền bonus này không đủ trả tiền rượu cho ACE; có lẽ “Cô Thắm” phải chi thêm. Hoan Hô Anh Chị Đượm!

Cruise Great Barrier Reef

Chuyến đi “cruise” có một chuyện làm nhiều người bất-mãn là đã không được đi thăm Great Barrier Reef mặc dù tên chuyến đi là Sydney – Great Barrier Reef. Tàu Carnival chở hơn 2,500 hành-khách mà khi đi thăm Great Barrier Reef chỉ có một tàu nhỏ chở 60 người; khi chúng tôi ghi tên thì đã hết chỗ. Sau cùng, Carnival tăng thêm một tàu nhỏ 60 chỗ nữa, chúng tôi hí-hửng ghi tên. Sáng hôm sau Carnival thông-báo tàu nhỏ thứ hai không có glass bottom; như vậy hành-khách không nhìn thấy san-hô và cá lội. Chúng tôi đành hủy-bỏ chuyến đi thăm Great Barrier Reef và đi thăm quanh Airlie Beach. Đi Úc mà không thăm được Great Barrier Reef là một thiếu-sót lớn. Tụi tôi buồn mà anh Đượm cũng rất buồn.

Uluru / Ayers Rock

Đi “cruise” về, vợ chồng tôi tạm-biệt ACE rồi bay vào sa-mạc Úc thăm Uluru / Ayers Rock. Uluru là một hòn đá nguyên khối (monolith) lớn thứ nhì trên thế-giới, chỉ thua Mount Augustus (Burringurrah) ở Western Australia. Tính từ mặt đất, Uluru cao 348 m (1,142 ft) [2], nhưng nếu tính từ mực nước biển, Uluru ở độ cao 863 m (2,831 ft). Chu-vi hòn đá Uluru phần sát mặt đất là 9.4 km (5.8 mi). Người thổ-dân Anangu gọi hòn đá là Uluru, một địa-danh linh-thiêng của họ. Người Âu Châu tìm thấy Uluru năm 1872; năm sau họ đặt tên hòn đá là Ayers Rock để vinh-danh Sir Henry Ayers, Chief Secretary of South Australia. Sau vài lần thay đổi, tên chính-thức từ 2002 là “Uluru / Ayers Rock.”

Uluru / Ayers Rock

Uluru là một “hòn đảo núi” (inselberg hay island mountain) là một ngọn núi nổi lên giữa một vùng đất bằng-phẳng có khí-hậu khô, nóng. Hàng trăm triệu năm trước đây nước biển tràn ngập khu-vực này mang theo nhiều “phù-sa” gồm đất, cát và đá. Cát này rất lớn có đường kính từ 2 đến 4 millimeters. Nước biển rút đi mang theo đất nhưng để lại cát và đá tương-đối nặng hơn. Nhờ những chất hoá-học calcite, clays, và silica mang tới từ những dòng nước ngầm, cát và đá “dính” lại thành một khối: “sands” trở thành “sandstone,” Uluru là một sandstone (sa thạch). Sau hàng trăm triệu năm, khối sandstone này trở thành một hòn đá nguyên-khối trồi lên mặt đất trong thời-kỳ Petermann Orogeny[3] cách đây khoảng 550 triệu năm[4]. Cùng vào thời-gian này, những hòn đá ở vùng Kata Tjuṯa, cách Uluru 25 cây số, cũng được tạo dựng tương-tự như Uluru. Kata Tjuta có nhiều hòn đá nhưng đều nhỏ hơn Uluru. Ngày nay, cả Uluru và Kata Tjuta cùng nẳm chung trong Uluṟu–Kata Tjuṯa National Park.

Người thổ-dân Anangu tin rằng Uluru và Kata Tjuta là địa-danh linh-thiêng của họ; Uluru có nghĩa là “Mẹ Trái Đất” (Earth Mother). Tổ-tiên người Anangu đã định-cư tại vùng này từ 10,000 năm trước. Thổ dân Anangu không bao giờ bước chân trên mặt các hòn đá, nhất là Uluru, vì họ tin rằng đó là một điều bất-kính, một tội-lỗi với thần-linh của họ. Gần trăm năm qua, người Anangu cố-gắng vận-động Chính-phủ Úc cấm các du-khách đi trên mặt Uluru; có lúc họ thắng nhưng rồi lại thua. Năm 2017, Uluṟu–Kata Tjuṯa National Park mới ra quyết-định cấm không cho ai được leo qua Uluru kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2019. Tôi cũng muốn leo qua một lần cho biết nhưng hãng du-lịch của tôi rất thân-thiết với người Anangu nên không tổ-chức hoạt-động này; chúng tôi chỉ đi bộ quanh chân các hòn đá. Khi dừng lại uống trà, cà-phê chúng tôi cũng không được đổ trà, cà-phê, nước ngọt thừa xuống đất; cô hướng-dẫn-viên du-lịch đem những nước thừa này về đổ ở thành-phố. Cô ta nói thẳng với chúng tôi là không được tiểu tiện ở đây. Cô ta cho hay ngoài tính cách thiêng-liêng của vùng này, cây cỏ ở đây có thể chết vì những thứ “nước lạ” này, mà cây cỏ ở vùng sa-mạc rất quý. Nhà Tôi cũng không muốn tôi leo lên đỉnh Uluru vi dốc cao và trời nóng 106° F [5]. Kể từ thập-niên 1950s đã có 37 người chết vì leo qua Uluru và nhiều người khác phải nhờ trực-thăng chở về bệnh-viện.

Leo qua Uluru

 Uluru thay-đổi màu sắc trong ngày tùy theo thời-tiết, ánh sáng. Đặc-biệt Uluru có màu đỏ thắm tươi đẹp khi mặt trời mọc và lặn. Phần lớn du-khách tới đây đều đi thăm “Sunrise at Kata Tjuta” và “Sunset at Uluru”. Uluṟu–Kata Tjuṯa National Park có sẵn nhiều nơi để du-khách đứng coi cảnh này. Tôi cũng dậy từ 3:30 sáng vì xe bus đến đón lúc 4:30 để đi xem Sunrise at Kata Tjuta. Hàng ngàn người chen chúc nhau, máy hình trong tay, dành nhau chỗ tốt để xem những cảnh đẹp của mặt trời.

Sunset at Uluru

Uluru và Kata Tjuta là sa-mạc nhưng cũng có nhiều loại thú, đặc-biệt có Red Kangaroo, đà-điểu (emu), và lạc-đà (camel). Cuối thế-kỷ 19, người Anh mua lạc-đà từ Ấn Độ, Afghanistan để chuyên-chở dụng-cụ xây cất vào vùng sa-mạc Úc. Khi có phương-tiện chuyên-chở cơ-khí họ thả lạc-đà sống tự-do ở sa-mạc. Khí-hậu ở đây rất thích-hợp với lạc-đà nên hiện nay Úc có khoảng 700,000 con lạc-đà hoang; nhiều nhất trên thế-giới. Chính-phủ Úc đang tìm cách giảm số lạc-đà này vì chúng dành ăn cỏ, cây hiếm-hoi ở sa-mạc với những con vật khác. Nhiều người cũng tìm bắt lạc-đà hoang để bán sang Afghanistan, Pakistan vì lạc-đà ở những nơi này bị chết nhiều vì chiến-tranh. Giá một con lạc-đà bán sang Afghanistan hay Pakistan khoảng một triệu đồng Úc. ACE/CSV/QGHC nào còn khỏe-mạnh nên sang Úc bắt lạc-đà hoang; mỗi năm chỉ cần bắt được một con cũng đủ nhậu nhẹt lai-rai.

Sống ở vùng sa-mạc Uluru / Ayers Rock ba ngày là một kỷ-niệm khó quên của vợ chồng tôi. Ngày nào cũng nóng trên 100° F, ra khỏi cửa là lo đuổi ruồi, muỗi, và nhiều con “bugs” khác. Vậy mà chúng tôi rất vui-thích được thăm vùng sa-mạc cằn-cỗi này.

Melbourne

Vợ chồng tôi nằm ở Melbourne một tuần để chờ ngày đi “The Ghan” nên có nhiều thời-giờ thăm viếng Melbourne và vùng phụ-cận. Melbourne có nhiều tours du-lịch, có lẽ hai tours được nhều người đi nhất là “Great Ocean Road Tour” và “Phillip Island Penguin Parade Tour.”

Twelve Apostles

Tour Great Ocean Road đi thăm một vùng bờ biển đẹp với những trụ đá nằm dọc theo bờ biển (gần giống bờ biển Oregon). Có 12 trụ đá gọi là Twelve Apostles. Nếu đi vào buổi chiều thì có thể thấy cảnh đẹp của hoàng-hôn trên mặt biển: mặt trời từ từ lặn xuống mặt nước biển.

Đi tour Great Ocean Road, chúng tôi được đi ngang một khu-vực đồi núi thấp với những đồng cỏ mênh-mông; bò, cừu tràn-lan trên đồng cỏ. Khu này do các cựu-chiến-binh Thế Chiến II định-cư. Sau cuộc Thế Chiến II, các cựu-chiến-binh Úc không có việc làm lại không còn lương quân-nhân nên rất nghèo-đói. Chính-phủ Úc đem họ lên vùng rừng núi âm-u này để khai-hoang. Chính-phủ không đầy họ lên đây như một Vùng Kinh-tế Mới của Việt Cộng; Chính-phủ Úc đem theo máy ủi đất hạng nặng, máy cày, máy cưa…để phá rừng làm rẫy rồi bán đất cho các cựu-chiến-binh với một giá tượng-trưng, gần như cho không.

Chính-phủ và nhân-dân Úc luôn luôn kính-trọng và biết ơn các cựu-chiến-binh. Hầu như thành-phố lớn nào cũng có các Trung-tâm trưng-bày hình ảnh các cuộc chiến-tranh mà người Úc đã tham-dự. Các cựu-chiến-binh Việt-Nam cũng được Úc công-nhận vì đã chiến-đấu cạnh chiến-sĩ Úc trong cuộc Chiến-tranh Việt-Nam; các cựu-chiến-binh Việt-Nam cũng được hưởng quyền-lợi về ý-tế, hưu-bổng…như cựu-chiến-binh Úc. Thật là một Tình Huynh Đệ Chi Binh không đâu có trên thế-giới. Chính-phủ Hoa-kỳ đã đài-thọ hầu hết chiến-phí cho cuộc chiến Việt-Nam nhưng sau cuộc chiến, họ cũng không có một chính-sách cựu-chiến-binh cho người Việt như ở Úc. Mấy trăm chiến-sĩ Biệt-kích đã phải mướn luật-sư kiện Chính-phủ Hoa-kỳ mới được bồi-hoàn mỗi người vài nghìn US Dollars, tiền lương cho mấy chục năm bị tù. Họ đã được Hoa-kỳ tuyển-dụng (trực-tiếp hoặc gián-tiếp), huấn-luyện và thả dù ra Miền Bắc để hoạt-động gián-điệp. Đa số bị bắt và bị tù nhiều năm. Năm 1973, họ cũng không được nằm trong chương-trình trao-đổi tù-binh như đã quy-định trong Hiệp-định Đình-chiến Paris vì họ là những”chiến-binh không có quân số.” Thật ra Chính-phủ và nhân-dân Hoa-kỳ đã hy-sinh rất nhiều trong việc định-cư mấy triệu người Việt-Nam gồm những người tị-nạn năm 1975, những người vượt biển, vượt biên, những người đến Hoa-kỳ theo chương-trình đoàn-tụ gia-đình ODP và “Chương Trình Tái Định Cư Những Cựu Tù Nhân Chính Trị.”[6]. Chúng tôi xin thành tâm cám-ơn Chính-phủ và nhân-dân Hoa-kỳ đã mở rộng vòng tay đón-tiếp chúng tôi, chúng tôi không hề than-vãn, so-sánh với chính-sách cựu-chiến-binh của Úc. Chương Trình Tái Định Cư Những Cựu Tù Nhân Chính Trị và Gia-đình là một quyền-lợi đặc-biệt, vĩ-đại cho các cựu-chiến-binh Việt-Nam, một chương trình đầy ắp tình người, hoàn-toàn ngược lại với chính-sách dã-man, tàn-bạo, vô nhân đạo, không còn tình người của các trại học-tập, cải-tạo của Cộng-sản Việt-nam.

Knickers, một con bò khổng-lồ ở Australia  

Những khu rừng âm-u, khỉ ho cò gáy đã được các cựu-chiến-binh Úc khai-phá thành những đồng cỏ mênh-mông, bò, cừu tràn-lan. Vùng nầy bây giờ là xương sống của nền chăn-nuôi ở Úc. Năm 2017, dân-số Úc là 24.3 triệu người; họ có 27.8 triệu con bò, 99.3 triệu con cừu; như vậy mỗi người Úc có hơn một con bò và hơn 4 con cừu. Úc đứng thứ 4 trong năm nước trên thế-giới có số bò nhiều hơn dân số. Làm sao mà họ đói được? Nhìn những đàn bò, đàn cừu đi ăn trên những đồng cỏ mênh-mông mà thương cho những con bò, con trâu ở quê-hương mình, thương cho dân mình!

Cừu ở Australia

Tour Phillip Island Penguin Parade thì không được như ý muốn. Nhìn hình quảng-cáo cũng như nhớ lại hình ảnh trên TV, tôi tưởng sẽ được thấy hàng ngàn con penguins chạy lạch-bạch trên bãi cát đề về nhà. Không có như vậy. Ngồi chờ gần hai giờ, tôi chỉ thấy có 12 con penguins chạy từ biển qua bãi cát đề về nhà trong đám cỏ. Gió biển lạnh quá nên vợ chồng tôi bỏ cuộc, đi lên nhà hàng ăn chờ xe bus đến đón. Trời lạnh nhưng vẫn có hàng ngàn người ngồi dưới bãi biển chờ xem “Penguin Parade.” Không ngờ trên đường về chúng tôi lại thấy rất nhiều penguins chạydọc theo con đường dẫn lên nhà hàng ăn. Thì ra có nhiều con penguins đã vượt bãi cát ở những chỗ tối nên chúng tôi không thấy. Chính lúc thất vọng nhất lại được xem vài trăm con penguins. Penguins ở đây rất nhỏ, chỉ nhỏ bằng con vịt; penguins ở Australia và New Zealand là penguins nhỏ nhất trên thế-giới.

Penguins ở Australia

Những tours du-lịch ở Melbourne có rất nhiều du-khách Tầu; tour nào họ cũng chiếm hơn một nửa. Họ đi thành từng đoàn, có hướng-dẫn-viên du-lịch người Tầu. Họ nói chuyện lớn tiếng như chỗ không người, chen ngang vào những hàng người đang xếp hàng chờ đợi. Họ hút thuốc lá, xả rác công-khai. Năm ngoái vợ chồng tôi đi sang Âu Châu cũng đã gặp cảnh này. Nhiều người Âu Tây liếc nhìn mình làm mình xấu-hổ; chắc họ cũng tưởng vợ chồng tôi là Tầu, có những hành-động xấu tương-tự. Ở khu xem “Penguin Parade” luôn luôn có những loan-báo bằng tiếng Tầu theo sau loan-báo bằng tiếng Anh. Phi-trường, khách-sạn ở Melbourne cũng in chữ Tầu ở dưới các bảng chỉ-dẫn bằng chữ Anh. Nhiều người Tầu có máy “thông-dịch” nhỏ: họ nói vào máy bằng tiếng Tầu rồi bấm nút dịch sang tiếng Anh. Đôi khi tôi và người Úc cũng chẳng hiểu lời dịch tiếng Anh của họ khi muốn giúp-đỡ vài du-khách Tầu.

Theo Tổ-chức Du-lịch thế-giới của Liên Hiệp Quốc, du khách Tầu chi $257.7 tỷ USD trong năm 2017, đứng nhất trên thế-giới trong khi du khách Hoa-kỳ (đứng thứ nhì trên thế-giới) chỉ tiêu có $135.0 tỷ USD. Năm 2017 có 130.5 triệu người Tầu du-lịch nước ngoài, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước. Du-khách Tầu là mối lo lớn cho các nước trên thế-giới dù họ mang đến lợi-ích kinh-tế qua ngành du-lịch. Nhưng lợi mà họ đem lại không bằng cái hại họ gây ra về môi-sinh, về thuần-phong mỹ-tục của dân chúng địa-phương.

”The Ghan” là một trong những đoàn tàu vận chuyển hành-khách bằng đường sắt dài nhất trên thế-giới, chạy xuyên qua sa-mạc Úc. Cái tên “The Ghan” và huy-hiệu hình một người cưỡi lạc-đà được đặt theo tên Afghanistan (hay còn gọi là Ghan) vì lạc-đà nhập-cảng từ Afghanistan đã đưa những người thám-hiểm đầu tiên vượt qua sa-mạc Úc vào cuối thế kỷ 19.

The Ghan

The Ghan chạy từ Adelaide, miền Nam nước Úc, tới Darwin, miền Bắc[7] . The Ghan đi qua rất nhiều địa danh tuyệt vời của Australia như: Alice Springs, Tennant Creek, Kulgera, Kingoonya, Katherine… với chiều dài quãng đường là 2,979 km. Chuyến tàu đi hết 3 ngày 2 đêm[8]. Hiện nay, The Ghan có ba loại vé: Red Service, Gold Service, và Platinum Service; gía vé rất khác nhau. Gold Service lại chia ra mấy loại nữa. Đoàn xe có chiều dài trung-bình 902 meters có 25 giường Platinum Service, 258 giường Gold Service và một số toa Red Service, nhà hàng ăn, máy điện, toa chứa nước, diesel, và các vật-liệu khác.

The Ghan

Đầu tháng 6 tôi vào website của The Ghan để xem tin-tức chứ không định mua vé vì sớm quá; mãi ngày 1 tháng 11 Cruise Great Barrier Reef mới về lại Sydney. Không ngờ khi vào website của The Ghan tôi mới biết hầu hết vé các chuyến xe sau ngày 1 tháng 11 đã “sold out.” Chuyến ngày 4 tháng 11 thì còn mấy vé Gold Service nhưng đi chuyến này thì hơi trục-trặc vì tôi định thăm Melbourne trước The Ghan. Chuyến xe ngày 11 tháng 11 thì Gold Service và Red Service đều “sold out,” chỉ còn vé Platinum Service.

The Ghan chạy qua vùng sa-mạc khô-cằn, cây cỏ thấp, thưa-thớt. Đất phần lớn màu đỏ nên người ta gọi vùng này là “Red Centre” bao gồm Uluru, Kata Tjuṯa và là trung-tâm-điểm của Australian Outback. Thỉnh-thoảng tôi thấy vài con bò, cừu mà tôi không biết là bò hoang, cừu hoang hay của thổ-dân nuôi? Tôi thấy có nhiều đám muối trắng, không biết muối này có liên-hệ gì đến nước biển mấy triệu năm trước hay không?

The Ghan

Mặt Trời mọc ở sa-mạc Úc

Từ Adelaide, trạm dừng đầu tiên là Manguri. Chúng tôi xuống tàu từ 4 giờ sáng để xem mặt trời mọc. Manguri chỉ là trạm xe lửa của The Ghan ở giữa sa-mạc chứ không phải là một thành-phố. Chúng tôi quây-quần quanh hai đống lửa trại để ăn sáng chờ mặt trời mọc. Chúng ta quen dùng những chữ mặt trời mọc, sunrise, mặt trời lặn, sunset là sai, hoàn-toàn phản khoa-học. Mặt trời không mọc, không lặn mà đứng yên một chỗ bởi vì mặt trời là một định-tinh. Thời Cổ Hy-lạp, những chữ này được coi là rất đúng vì người ta tin rằng trái đất là trung-tâm của vũ-trụ; mặt trời, mặt trăng và các tinh tú xoay quanh trái đất (terracentric).

The Ghan

Nitmiluk Gorgges

Trước khi đến Darwin, The Ghan dừng lại rất lâu ở hai trạm Alice Springs và Katherine. Ở hai trạm này, du-khách chọn đi những tours du-lịch địa-phương khác nhau. Alice Springs là một thành-phố nằm giữa sa-mạc mà cũng có một Đài Kỷ-niệm các trận chiến Quân-đội Úc đã tham-dự, trong đó có Việt-Nam. Katherine có nhiều cảnh đẹp hơn, tôi chọn đi thuyền trên sông Katherine để thăm các Nitmiluk Gorgges; phong-cảnh rất đẹp.

Tưởng cần nói thêm là ở Melbourne, du-khách người Tầu chiếm hơn 50%; ở Uluru / Ayers Rock tỉ-lệ này chỉ còn dưới 10%. Đi The Ghan, chúng tôi chỉ gặp một người Á Châu (Nhật Bản) trong số gần một ngàn du-khách.

New Zealand:Kia Ora!”

Kia Ora là tiếng chào thông-dụng ở New Zealand. Kia Ora nguyên nghĩa là “Chào mạnh giỏi” và thường dùng như “Hello.” New Zealand rất đẹp nên du-lịch là một phần quan-trọng trong nền kinh-tế New Zealand. Năm 2016, New Zealand thu được $12.9 tỷ USD về du-lịch (5.6% GDP) và xử-dụng 7.5% nhân lực toàn quốc.

New Zealand đứng thứ hai trong năm nước có số bò nhiều hơn số dân. Năm 2017, dân-số New Zealand là 4.6 triệu mà có tới 9.9 triệu con bò và 39.6 triệu con cừu. Tính ra mỗi người dân New Zealand có 2.17 con bò và 8.6 con cừu. Đi đâu cũng thấy đồng cỏ mênh-mông; bò, cừu đầy đồng; vườn nho, vườn kiwi tươi-tốt.

Nữ Hoàng Anh cũng là Nữ Hoàng của Australia và New Zealand[9]; tuy nhiên, quyền-hành nằm trong tay các Thủ-tướng (Prime Minister). Thủ-tướng hiện-tại của New Zealand là Jacinda Ardern. Bà là nữ lãnh-tụ quốc-gia trẻ nhất trên thế-giới. Bà là người lãnh-tụ quốc-gia thứ hai sinh con khi tại chức [10]. Tuy nhiên Bà Ardern lại là lãnh-tụ quốc-gia thứ nhất bế con nhỏ đi họp Liên Hiệp Quốc. Tòa nhà Dinh Thủ-tướng có mái tròn với nhiều khuôn cửa sổ trông giống như một tổ ong nên dân chúng gọi đùa là “Beehive;” Chính-phủ New Zealand bèn đặt tên website của mình là “beehive.govt.nz.” Dân chúng gọi Jacinda Ardern là “Queen Bee.”

New Zealand chọn con chim kiwi là biểu-tượng cho đất nước mình nên người ta gọi người dân New Zealand là Kiwi. Khi dùng để gọi người New Zealand chữ Kiwi viết với chữ K hoa, khi dùng để chỉ chim kiwi, chữ kiwi viết với chữ k thường. Ngoài ra, khi dùng để chỉ người New Zealand, chữ Kiwis có “s” cho số nhiều nhưng khi dùng để chỉ chim kiwi thì số nhiều cũng không có “s”. Bởi vậy “two Kiwis” là hai người New Zealand còn “two kiwi” là hai con chim kiwi. Rất nhiều người trên thế-giới, kể cả người Việt-Nam, đều biết hình chim kiwi. Các bạn đi lính chắc còn nhớ dầu đánh giày hiệu kiwi; đây là một sản-phẩm của New Zealand đang bán trên khắp các nước trên thế-giới và con chim kiwi này là biểu-tượng cho nước New Zealand.

Auckland

Auckland là thành-phố lớn nhất New Zealand có dân-số 1.6 triệu người, khoảng một phần ba dân-số New Zealand. Trước đây (1842 – 1865) Auckland là thủ-đô của New Zealand. Tôi ở Khách-sạn SkyCity Hotel nằm sát cạnh Sky Tower. Sky Tower cao 328 meters, cao hơn Tháp Eiffel 28 meters và cao gấp 3.5 lần Tượng Nữ Thần Tự-do. Sky Tower có thể chịu-đựng được động đất với cường độ 8.0 độ Richter. Auckland là thành-phố duy nhất trên thế-giới được xây-dựng trên một vùng núi lửa vẫn còn hoạt-động. Cũng nhờ núi lửa, Auckland có nhiều động đá (caves) rất đẹp.

Auckland với Sky Tower

Trên đường từ Auckland đến Rotorua, chúng tôi ghé thăm Động Waitomo Glowworm. Động này không lớn bằng Động Luray Caverns ở Virginia nhưng Waitomo Glowworm Caves không có đèn điện, chỉ có nhiều ánh-sáng của những con glowworms bám trên trần, trên tường, có chỗ phải đi bằng thuyền nên có vẻ âm-u, kỳ-bí như trong truyện kiếm-hiệp. Glowworms là những côn-trùng phát ra ánh sáng như con đom đóm. Glowworms có nhiều loại và có ở nhiều nơi trên thế-giới nhưng con Glowworms Arachnocampa Luminosa sống trong Waitomo Glowworm Caves thì chỉ có ở New Zealand. Đời sống của con glowworm này kéo dài độ 11 tháng và chia ra làm 4 thời-kỳ: trứng, ấu-trùng, con nhộng, và con glowworm. Con glowworm mẹ đẻ từng chùm trứng, mỗi chùm có khoảng từ 30 đến 40 trứng. Sau 20 ngày trứng nở ra con ấu trùng. Ấu trùng tự làm tổ, phát ra ánh sáng để dẫn-dụ những con mồi. Tổ nó làm bằng những sợi tơ có nhựa dính nên dễ bắt mồi. Ấu trùng sống như vậy khoảng 9 tháng thì biến thành con nhộng tương tự nhộng tằm. Con nhộng sống 13 ngày thì cắn tổ nở thành con glowworm giống như một con muỗi to. Con glowworm không có miệng nên sẽ chết đói sau vài ngày. Nhiệm-vụ của chúng trong vài ngày ngắn-ngủi này là giao-hợp và đẻ trứng; mỗi con glowworm cái đẻ độ 120 trứng. Cuộc đời của chúng còn buồn hơn đời sống con ve sầu.

Glowworms trong Waitomo Glowworm Caves

Waitomo Glowworm Caves không cho chụp hình, quay phim. Hình tôi đứng trong Động là một hình ghép. Trước khi vào Động họ chụp hình cho mọi người, chụp đủ kiểu. Khi cô thợ chụp hình yêu-cầu tôi chỉ tay lên trời, tôi không hiểu ý định của cô ta. Cô ta ghép hình này với một hình trong Động, ngón tay tôi chỉ lên những con glowworms như diễn-tả cảnh đẹp kỳ bí của chúng. Những hình này họ bán cho du-khách rất dễ-dàng[11] .

Trung-tâm-điểm của Waitomo Glowworm Caves là “The Cathedral,” chỗ cao nhất trong Động có nhiệt độ 14° C (57° F) quanh năm suốt tháng. Sự cấu-tạo của trần và vách tường thạch-nhũ chung quanh The Cathedral đã khuếch-tán âm-thanh một cách tuyệt-vời. Nhóm du-khách nào cũng có một người hát ở The Cathedral. Đi xa The Cathedral vẫn còn nghe thấy du-khách Tầu hát. Có đoàn du-khách Tầu đã sửa-soạn trước đồng ca một bài ca hùng-tráng; chắc là nhạc Cách-mạng Văn-hóa hoặc nhạc chiếm Trường-sa, Hoàng-sa của Việt-Nam. Tôi định trở lại The Cathedral để hát bài Hội-nghị Diên Hồng hoặc Bạch Đằng Giang để trả lời họ nhưng thấy cũng hơi lố-bịch nên lại thôi. Hơn nữa nhóm tôi đã có một người Đức hát một bài nhạc cổ-điển Tây-phương rất hay.

Waitomo Glowworm Caves

30 triệu năm trước, Waitomo ở sâu dưới mặt nước[12] với những hòn đá vôi bắt-đầu hình thành. Khi núi lửa hoạt-động đã đẩy những hòn đá vôi này trồi lên mặt nước; những hòn đá vôi này cũng bị rạn-nứt tạo ra nhiều khe nhỏ. Nước chảy qua những khe này chảy vào khoảng trống bên dưới. Đá vôi theo nước đọng lại ở chỗ nhỏ nước trên trần và ở chỗ nước nhỏ xuống nền. Chỗ đá vôi đọng lại trên trần gọi là “stalactites,” chỗ đá vôi đọng lại dưới nền là “stalagmites.” Cứ mỗi 100 năm đá vôi đọng lại được một phân khối (1 cubic centimeter). Khi stalactites gặp stalagmites sẽ tạo nên một cây thạch-nhũ từ trần xuống nền gọi là “helicti,” chu-kỳ này cần mấy trăm nghìn năm mới hoàn-thành.

Nông-trại Agrodome

Quanh vùng Auckland chúng tôi còn đi thăm nông-trại Agrodome xem họ cắt lông cừu, dùng chó đuổi cừu vào chuồng…Trước đây tôi cứ tưởng trái kiwi mọc trên cây (trees) nhưng đến Agrodome tôi mới biết kiwi leo như nho (vines); gốc và nhành đều lớn hơn cây nho nhiều. New Zealand trồng rất nhiều kiwi. Phải tới năm 1966 Hoa-kỳ mới nếm thử mùi-vị trái kiwi và những trái kiwi đầu tiên này đã nhập-cảng từ New Zealand. Ngày nay nhiều người Mỹ “nghiện” mùi-vị ngọt, chát, chua của kiwi và thích những chất bổ-dưỡng của kiwi. Có thuyết cho rằng tên trái kiwi do người New Zealand đặt ra từ giữa thế-kỷ 20. Họ đổi tên từ “gooseberry”[13] thành “kiwi” vì thấy trái kiwi và cái bụng con chim kiwi hơi giống nhau. Mặt khác, thời ấy các sản-phẩm mang tên Kiwi, hình ảnh tượng-trưng của New Zealand, được hưởng thuế nhẹ.

Chúng tôi thăm làng Te Puia để xem những tục-lệ cổ-truyền của người Maori. Buổi tối, chúng tôi lại ghé thăm Mitai Maori Village để xem những vũ-khúc văn-hóa cổ-truyền của họ, xem họ diễn lại những chiến trận trên sông. Tối đó chúng tôi thưởng-thức “hangi dinner” của người Maori, một bữa ăn nấu trên đá nóng. Họ đào một hầm sâu, đốt củi thành than rồi kê một tấm đá lớn trên mặt than hồng. Gà, cừu, khoai tây, các loại rau đuợc “nướng” trên tấm đá nóng này.

Mitai Maori Village

Trên đường từ Rotorua đi Napier, chúng tôi đi ngang rừng Kaingaroa, một rừng thông nhân tạo lớn nhất thế-giới, rộng 2,900 cây số vuông. Xe bus chạy 100 cây số một giờ mà đi mãi vẫn không hết rừng thông nhân tạo. Dân số New Zealand chưa tới 5 triệu (ít hơn dân số nhiều thành-phố) mà họ trồng được một rừng thông vĩ-đại như vậy trong khi Việt-Nam cứ chặt cây rừng bán cho Nhật và Tầu.

Napier là một thành-phố nhỏ, dân-số khoảng 64 ngàn, nhưng đón tiếp nhiều du-khách nhờ kiến- trúc Arc Deco, hòa nhạc, và hải-cảng quan-trọng. Trận động đất năm 1931 hầu như hủy-diệt Napier, nhất là khu trung-tâm thành-phố. Trận động đất cường-độ 7.8 này giết hại 256 người và là một thiên-tai giết hại nhiều người nhất trong lịch-sử New Zealand. Bên cạnh sự tàn-phá kinh-khủng này, trận động đất lại tạo nên 40 cây số vuông đất mới vì đã nâng vùng bờ biển lên khoảng 2 meters (đáy Đầm Ahuriri Lagoon được nâng lên 2.7 meters). Người hướng-dẫn-viên du-lịch đưa chúng tôi đi thăm thành-phố thỉnh-thoảng lại dậm chân xuống sàn xe “This was water before.”

Ahuriri Lagoon trước (trái) và sau (phải) trận động đất

Mission Estate do các Cha người Pháp thành-lập ở New Zealand vào năm 1838 nhằm mục-đích giảng Đạo Thiên Chúa. Năm 1851, Mission Estate xây-cất trụ-sở ở Pakowhai nhằm nuôi bò, trồng nho và cây ăn trái. Mission Estate là nhà máy làm rượu nho đầu-tiên ở New Zealand. Năm 1858, các Cha mua được một miếng đất mới ở gần Napier nên dọn về đây. Trụ-sở Nhà Dòng là một căn nhà gỗ rất lớn. Các Cha cắt căn nhà này ra làm 11 phần và chuyển về miếng đất mới bằng các dụng-cụ di-chuyển thô-sơ. Các Cha làm thêm căn phòng chính rồi ghép 11 “miếng nhà” từ trụ-sở cũ vào. Riêng Nhà Thờ thì các Cha không chuyển về và quyết-định xây một Nhà Thờ mới bằng đá. Trận động đất 1931 đã phá-hủy Nhà Thờ đá, giết hại 2 linh-mục và 7 tu-sĩ trong khi trụ-sở Nhà Dòng ghép lại bằng 12 “miếng” bằng gỗ lại không việc gì. Thật là kỳ-lạ!

Năm 1931, tờ báo The Dominion nói “Napier là một thành-phố đã bị xoá tên trên bản-đồ” (Napier as a town has been wiped off the map). Mười năm sau, tờ báo New Zealand Listener nhận-xét “Napier đã sống lại từ tro tàn như một con chim Phượng Hoàng” (Napier had risen from the ashes like a phoenix).[14]

Wellington là thủ-đô của New Zealand được gọi là “the World’s Coolest Little Capital” bởi vì trung-tâm thành-phố chỉ rộng khoảng một cây số vuông. Tòa nhà trụ-sở của Chính-phủ là một trong những căn nhà gỗ lớn nhất trên thế-giới. Wellington rất đẹp nhờ có biển, đồi núi bao quanh.

Wellington – New Zealand

Người dân Wellington có những kỷ-niệm đẹp với US Marines. Đầu năm 1942, Chính-phủ New Zealand rất lo sẽ bị Nhật tấn-công trong khi hầu hết lực-lượng New Zealand đang chiến-đấu bên cạnh Quân-đội Anh ở Âu Châu và Trung Đông. Cùng lúc đó, Hoa Kỳ sửa-soạn tấn-công Nhật nên muốn tìm một căn-cứ quân-sự để tổ-chức một hậu-phương vững-chắc nhằm yểm-trợ mặt-trận Thái Bình Dương và săn-sóc các thương binh. New Zealand là một địa-điểm lý-tưởng. Giữa năm 1942, Sư-đoàn 2 US Marines đã đổ-bộ lên Wellington làm đẹp lòng cả ba nước New Zealand, Hoa-kỳ, và Anh. US Marines trải quân bảo-vệ thủ-đô Wellington và các quân-nhân Công-giáo thường đi xem lễ ở Nhà Thờ Old St. Paul’s. Dần dần giáo-dân và Marines đã vun-đắp những tình bạn thân-thiết, đậm-đà. Từ đó đến nay, năm nào Nhà Thờ Old St. Paul’s cũng cử-hành một Lễ Cầu-nguyện cho US Marines. Trong Nhà Thờ vẫn còn treo lá cờ của Second Division of the US Marines và cờ Hoa Kỳ; Quốc kỳ này chỉ có 48 sao vì hồi ấy, Hoa Kỳ chưa có hai tiểu-bang Alaska và Hawaii. Ngày nay, nhiều người dân Wellington, dù sinh ra sau năm 1942, cũng biết tên những con đường, nhà thương…do US Marines xây nên. Một điểm dễ thương nữa là Wellington có một khu phố mang tên Brooklyn, cạnh Brooklyn là Central Park; Wellington có nhiều đường phố mang tên các tổng-thống Mỹ.

Cờ trong Nhà Thờ Old St. Paul’s

Đến Wellington thì phải đi thăm vườn hồng, đi Cable Car, đi lên đỉnh Mount Victoria, và đi xe Tram. Có hai vườn hồng mà vườn nào cũng có hàng trăm loại hoa hồng khác nhau. Mount Victoria cao 196 meters nên từ trên đó có thể nhìn thấy toàn cảnh Wellington. Xe Tram gần giống như xe điện ở Hà Nội; ngồi trên xe Tram có thể đi khắp thành-phố, rẻ hơn mua một tour “sightseeing.” Wellington đẹp đến nỗi Nhà Tôi muốn dọn qua Wellington ở vài năm để tránh nghe về Tổng-thống Trump.

Christchurch

Năm 1848, John Robert Godley đề-nghị đặt tên cho thành-phố là Christchurch; Godley vốn tốt-nghiệp từ Trường Đại-hoc Christ Church ở Oxford, Anh-Quốc. Christchurch được gọi là “The Garden City” nên rất hãnh-diện với các vườn hoa của mình, nhất là “Christchurch Botanic Garden” rộng 52 mẫu (acres). Vườn này trồng rất nhiều loại cây, hoa trên thế-giới. Có cả cây Red Wood đem từ California sang trồng hơn 100 năm trước, vườn hồng có hơn 250 loại hồng khác nhau. Christchurch Botanic Garden không thu tiền vào cửa nhưng những hãng du-lịch cho thuê xe, thuê thuyền đi thăm các nơi trong vườn. Mỗi năm có hơn 1.1 triệu du-khách thăm-viếng Christchurch Botanic Garden.

Christchurch Botanic Garden

Muốn nhìn Christchurch từ một góc cạnh khác thì đi xe “Gondola,” một toa xe nhỏ treo vào giây “cable” rồi kéo lên đỉnh núi hoặc đưa xuống mặt đất tương-tự như “Ski Lift” ở những núi trượt tuyết. Christchurch Gondola đưa du-khách lên đỉnh núi Cavendish, cao 445 meters trên mực nước biển. Từ trên cao, Christchurch giống như cảnh thần tiên.

Christchurch nhìn từ Mount Cavendish

Năm 2010, một trận động đất cường-độ 7.1 đã tàn-phá Christchurch nặng-nề nhưng không có ai chết. Năm 2011, một trận động đất 6.3 yếu hơn lại giết hại 185 người. Kể từ 2010 đến 2014, có 4,558 trận động đất có cường-độ lớn hơn 3.0. Rất nhiều tòa nhà bị hư-hại mà đến nay vẫn chưa tu-bổ xong kể cả Vương-cung Thánh-đường Christchurch. Thánh-đường này thuộc Giáo-hội Anglican được xây từ 1864 và hoàn-tất năm 1904; Thánh-đường bị hư-hại trầm-trọng sau nhiều trận động đất. Năm 2012 Tòa Giám-mục quyết-định phá-hủy ngôi Thánh-đường rồi xây một Nhà Thờ mới nhưng có nhiều nhóm dân phản-đối; UNESCO World Heritage Centre cũng hậu-thuẫn cho những nhóm này. Phá-hủy rồi xây một Nhà Thờ mới sẽ tốn-kém từ $56 triệu tới $74 triệu, và cần từ 4 đến 9 năm trong khi sửa-chữa lại sẽ tốn-kém từ $104 triệu tới $221 triệu, và cần từ 6 đến 22 năm. Tiền bồi-thường từ bảo-hiểm động đất là $40 triệu. Tòa Giám-mục không chịu sửa-chữa vì qúa đắt, phần lớn giáo-dân cũng đang bị hư-hại nhà cửa nên không thể đòi-hỏi họ đóng góp nhiều cho việc sửa-chữa Nhà Thờ. Các nhóm dân phản-đối kiện Tòa Giám-mục và họ thắng. Năm 2017, Tòa Giám-mục quyết-định sẽ sửa-chữa Vương-cung Thánh-đường Christchurch.

Christchurch là cửa ngõ đi xuống Nam Cực. Không-quân và Hải-quân Hoa-Kỳ cộng thêm Không quân New Zealand và Không-quân Australia đều lấy phi-trường Christchurch làm điểm xuất-phát để đi tiếp-tế cho các căn-cứ McMurdo và Scott Bases ở Nam Cực. Hậu-cứ Christchurch chứa hàng ngàn bộ quần áo và đồ phụ-tùng để chống lại nhiệt-độ cực lạnh dùng cho các chương-trình của Hoa-Kỳ ở Nam Cực.

Christchurch là thành-phố cuối cùng của cuộc du-lịch “Miệt Dưới” 40 ngày của hai vợ chồng tôi. Đi dự HNLK năm nay còn là dịp hai đứa tôi kỷ-niệm hơn nửa thế-kỷ chung sống bên nhau, hơn nửa thế-kỷ trôi-nổi theo vận-mệnh đất nước. Ở New Zealand chúng tôi đi tour của hãng Thrifty Tours New Zealand nhưng suốt 9 ngày này tôi không gặp một nhân-viên nào của Thrifty Tours; họ chỉ là người trung-gian thuê các hãng du-lịch địa-phương để ghép lại thành 9 ngày du-lịch cho vợ chồng tôi. Từ trước tới nay, khi du-lịch nước ngoài, tôi đều đi với hãng Grand European Travel hay Trafalgar; họ tổ-chức khác hẳn Thrifty Tours. Grand European đón mình từ nhà, đưa mình về lại nhà sau tour. Tour dù dài, dù ngắn cũng chỉ có một hướng-dẫn-viên du-lịch đi với mình từ đầu đến cuối (đôi khi họ có thêm hướng-dẫn-viên người địa-phương). Nhóm du-khách đi tour với mình cũng không thay-đổi. Ở New Zealand 9 ngày, chúng tôi đi với hơn mười hãng du-lịch khác nhau, hướng-dẫn-viên du-lịch cũng như bạn du-khách cũng thay-đổi theo mỗi tour địa-phương. Mặt khác, mua tours ở Australia và New Zealand phải đọc kỹ chi-tiết vì nhiều tours rẻ họ cắm trại (camping) chứ không ở khách-sạn hoặc mình phải lái xe lấy.

Anh Nguyễn Trường Phát, Hội QGHC Miền Đông HK, nhận cờ Luân Lưu từ Anh Nhan Tử Hà

Cảm tạ Chúa, cám ơn Thượng-đế đã cho chúng con sống đến tuổi này lại cho chúng con còn sức-khỏe để đi đây đi đó. Cám ơn Anh Nhan Tử Hà, Anh Lê Văn Thái, Anh David Ngô Văn Đượm và các ACE trong Ban Tổ-chức HNLK 2018, các ca-sĩ, nhạc-sĩ, MCs.. đã cho chúng tôi có cơ-hội gặp mặt nhau; cám ơn Anh Nguyễn Văn Sáu đã như con thoi chuyển tin từ Úc đến chúng tôi. Cám ơn tất cả ACE/QGHC ở Úc đã đón-tiếp chúng tôi rất niềm-nở, thân-thiện, chan-hòa tình-nghĩa ACE đồng song, đồng môn. Hẹn gặp lại các ACE trong kỳ HNLK 2019 ở Washington. Tuổi chúng ta đều đã 6, 7, 8 bó; hãy tận-dụng những ngày còn lại ít-ỏi của chúng ta để gặp mặt nhau, hàn-huyên, thăm hỏi nhau. Tôi xin cám ơn hai anh David Ngô Văn Đượm và Nhan Tử Hà đã sốt-sắng gửi cho tôi nhiều tài-liệu du-lịch Australia và New Zealand.

Tôi đi Úc về trễ nên giữa Tháng 12 mà vẫn chưa viết xong bài này thì vừa nghe tin Chị Trần Thiện Tích mới qua đời ở Úc. Khi sang Úc, vợ chồng tôi có ghé thăm Chị vì Chị không đi họp HNLK. Anh Tích học với tôi ở Cao-học 2, Chị Mỹ Nam học với tôi ở Đại-học Văn-khoa Sài-Gòn. Vừa được gặp lại Chị thì nay Chị đã ra đi. Mong xin Chị an-nghỉ, quên đi cõi đời vô thường này và nguyện cầu hương-linh Chị Mỹ Nam, Pháp-danh Tâm Tường sớm tiêu-diêu Miền Vĩnh Hằng.

Đặng-Quốc-Tuấn

ĐS 10 / CH 2

12/2018


Ghi chú:

[1] Tôi được giải nhất Luận-văn Tốt-nghiệp Khóa Đốc-sự 10 và Khóa Cao-học 2 (Ban Hành-chánh) nhưng ở cả hai khóa, tôi đều đồng điểm với một sinh-viên khác. Cả hai lần Giáo-sư Bông đều phải họp Hội-đồng Giáo-sư để chọn một sinh-viên nhất vì Học-viện muốn tặng một quyển Luận-văn chiếm Giải Nhất cho vị Chủ-tọa Lễ Tốt-nghiệp. May mắn thay, tôi được Hội-đồng Giáo-sư chọn cả hai lần. Cám-ơn Thầy Nguyễn Văn Bông, Thầy Nguyễn Khắc Nhân, Thầy Nguyễn Văn Tương và các Thầy, Cô khác đã chọn con. Nhờ vậy con đã có đủ lòng tự tin khi viết Luận-án Tiến-sĩ Tài-chính / Kế-toán ở Pace University, Hoa-Kỳ. Lần này con đã chiếm giải Nhất mà không có sinh-viên nào đồng điểm vì cả 5 vị Giáo-sư chấm Luận-án Tiến-sĩ của con đều cho con A+.

[2] phần dưới mặt đất của Uluru lớn hơn phần trên mặt đất nhiều

[3] Orogeny là sự tạo núi hay mountain building

[4] ký-hiệu là 550 Ma (Ma viết tắt chữ megaannum, đơn-vị đo thời-gian cho một triệu năm)

[5] bây giờ đang Mùa Xuân; Mùa Hè có thể nóng tới 115° F (46° C), mùa Đông có thể xuống

tới 23° F (-5° C).

[6] Từ nhiều năm nay, chúng ta quen dùng tên “Chương-trình H.O.” theo nghĩa HO là Humanitarian Operation nhưng có người cho rằng chữ “H” là chữ viết tắt chữ “Hồ-sơ” của Hà-nội, 0 không phải là chữ O mà là số zero; H 01 là Hồ-sơ 01 chứ không phải là HO 1, H 02 là Hồ-sơ 02 chứ không phải là HO 2… Những Hồ-sơ từ 10 trở lên không có số zero nữa (H 11, H 12….). Cộng-sản Việt-nam đã lợi-dụng tên sai-lạc H.O. Humanitarian Operation này để tuyên-truyền cho một chính-sách nhân-đạo tưởng-tượng của họ. Tôi tìm (chỉ “Googled” sơ thôi chứ chưa nghiên-cứu kỹ) trong vài hồ-sơ của Bộ Ngoại-giao Hoa-kỳ thì không thấy họ dùng chữ “H.O. Humanitarian Operation.” (In 1989, the Reagan administration entered into an agreement with the Vietnamese government, pursuant to which Vietnam would free all former ARVN soldiers and officials held in re-education camps and allow them to emigrate to the United States under the Orderly Departure Program (ODP)).  Tôi sẽ tìm hiểu thêm về vấn-đề này.

[7] tàu sẽ đi ngược lại cho chuyến tàu Southbound, bán vé riêng biệt

[8] có những chuyến xe đặc-biệt, “The Ghan Expedition,” đi 4 ngày 3 đêm, giá vé đắt hơn

[9] New Zealand vốn là thuộc-địa của Anh từ 1841, được độc-lập năm 1947.

[10] người thứ nhất là Thủ-tướng Benazir Bhutto của Pakistan

[11] tương-tự như các du-thuyền

[12] Waitomo là chữ Maori; wai có nghĩa là nước, tomo là động sâu

[13] tên gọi trái kiwi ở Tầu; Tầu là nước trồng kiwi nhiều nhất trên thế-giới.

[14] Con chim Phượng Hoàng khi gìa gần chết lại nhẩy vào “tắm” trong lửa để trẻ lại như thời son trẻ.

Views: 650

Posted in van.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *