Thăm Lại Chiến Trường Xưa

Thơ Trần Văn Lương

 

Dạo:

Xưa tuôn máu giữa chiến trường,

Nay tuôn lệ giữa quê hương không còn.

Thăm Lại Chiến Trường Xưa

 

Từng bước lẻ ngập ngừng theo tiếng nạng,

Nắng xoay chiều, chập choạng bóng thương binh.

Đích viếng thăm bỗng xuất hiện thình lình,

Người chưng hửng, tưởng rằng mình hoa mắt.

     

Sửng sốt nhìn quanh quất,

Tự hỏi mình có thật đến đúng nơi,

Xưa kia đã một thời,

Mình chấp nhận xương rơi cùng máu đổ?

 

Mấy mươi năm gian khổ,

Lất lây kiếm sống ở đô thành,

Cố chắt bóp để dành,

Làm một cuộc du hành thăm chốn cũ.

     

Muốn tìm tới chỗ mình từng tử thủ,

Cùng bạn bè chống lại lũ Cộng quân,

Để giữ gìn lãnh thổ, bảo vệ dân,

Và đã bỏ một phần thân thể lại.

 

Nhờ ít mốc thiên nhiên còn tồn tại,

Mò mẫm ra nơi đóng trại năm nao,

Nhưng còn đâu bao cát, thép gai rào,

Cùng hệ thống giao thông hào phòng thủ.

     

Lặng cúi đầu ủ rũ,

Hình ảnh xưa vần vũ kéo nhau về.

Mắt khép hờ, vật lộn với cơn mê,

Ôn lại trận đánh mùa hè năm đó.

                       *

                  *          *  

Trời rực cháy, mênh mông màu lửa đỏ,

Giặc cùng ta đụng độ suốt đêm ngày,

Súng lúc nào cũng nạp đạn luôn tay,

Xác chết cứ chất đầy như rơm rạ.

     

Trận đánh cuối thật vô cùng vất vả,

Cộng quân đông gần gấp cả chục lần,

Dùng biển người, không ngần ngại thí quân,

Nhưng vẫn bị ta cầm chân từng phút.

     

Đạn lớn nhỏ hai bên giành nhau trút,

Máu đào loang như nước lụt mùa mưa,

Mình kiên trì chống cự, gắng cù cưa,

Cả đại đội chỉ còn chưa đến chục.

    

Bạn bè thi nhau ngã gục,

Viện binh may vừa gấp rút đến nơi,

Thêm không quân tới yểm trợ kịp thời,

Quân ta dẹp tan biển người của giặc.

                       *

                  *         *

Tiếng cãi vã xé toang màn nắng gắt,

Người giật mình mở mắt thoáng nhìn quanh,

Đâu đấy toàn chuyện dối trá gian manh,

Lòng chợt tiếc thời giao tranh chống địch.

 

Chiến trường cũ giờ thành nơi du lịch,

Chẳng còn gì là vết tích ngày xưa,

Dân tình nay cũng quen thói lọc lừa,

Chuyện đạo đức như chưa hề hay biết.

 

Trẻ đua đòi trắc nết,

Già mải miết ăn chơi,

Ngày mất nước tới nơi,

Không một lời thắc mắc.

               

Người uất ức, sắc mặt dần tái ngắt,

Muốn hét lên, nhưng vắt chẳng ra lời,

Ngực phập phồng, dòng đau đớn chợt khơi,

Buồn so sánh hai cảnh đời trái ngược.

     

Cán bộ với bọn Tàu tiền như nước,

Cậy thế cậy quyền, ngang ngược khắp nơi,

Trong khi dân kiếm cả mấy tháng trời,

Không bằng chúng xài chơi trong thoáng chốc.

 

Rồi cố nén nỗi sầu đang chực bốc,

Nhìn người già cực nhọc đạp xích lô,

Kẻ tật nguyền, gầy ốm tựa xương khô,

Ôm vé số co ro ngồi rao bán.

     

Nhưng khi thấy đám mang danh “tỵ nạn”,

Kéo nhau về nhan nhản, miệng huyên hoa,

Người thương binh không kềm được xót xa,

Khối tuyệt vọng vỡ oà trên nạng gỗ.

Trần Văn Lương (CH 8)

Cali, đầu mùa Quốc Hận 2021   

Visits: 318

Mấy Bài Thơ Ngắn Tháng Ba 2021

Thơ Lê Văn Bỉnh

Chút Nụ Ngượng Ngùng

Mấy cành hoa đầu xuân

Chui trốn ngày tháng dài dịch lạnh

Hé chút nụ ngượng ngùng

 

Mắt Đỏ

Lệ em không đủ nhỏ

Cho quê hương đau khổ triền miên

Xem phim cho mắt đỏ

 

Tù Ngục Thêm

Người giam gữ đời em

Giờ đây đã ra đi vĩnh viễn

Em thấy tù ngục thêm

 

Lao Mình Vào Không Trung

Anh vội ra balcon

Trốn không khí trong phòng nghẹt thở

Lao mình vào không trung

 

Cội Nguồn

Lén qua Vườn Địa Đàng

Adam và Eva đang quấn quít

Ta thương yêu cội nguồn

 

Hạnh Phúc

Hạnh phúc trên cành cao

Như đôi chim giúp nhau rỉa cánh

Rồi vụt bay thật mau

 

Mắt Sáng hay Mù Lòa

Tám thập niên đã qua

Bước tới nghĩ lui đời nhanh chậm

Mắt sáng hay mù lòa

 

Tưởng Niệm

Chúng ta thường tưởng niệm

Những đồng đội anh dũng ra đi

Để thấy lòng khâm liệm

 

Lê Văn Bỉnh

tháng 3/2021

Visits: 77

Vợ Vắng Nhà Và Chuyện Nàng Hoa Phượng       

Truyện vui Phạm Thành Châu

Có một triết gia đã nói một câu mà quí ông rất thích “Người đàn ông có hai lần hạnh phúc. Lúc cưới vợ và lúc trở lại thành độc thân” Vì sao? Vì vợ nói nhiều quá và bị (phải) ăn các thứ vợ nấu. Vợ nói nhiều xảy ra từ thời con người còn ăn lông, ở hang. Đàn ông muốn săn thú rừng phải im lặng. Gây tiếng động thì con thú chạy mất! Trong lúc quí bà, trong hang đá “Tùng tam tụ ngũ”, chuyện trò với nhau, chờ chồng đem thịt rừng về nhậu. Đó là xét theo khảo cổ học. Theo nghiên cứu khoa học, thì trường y khoa Indiana ở Indianapolis cho biết, đàn ông chỉ dùng nửa bán cầu não, có tên là Temporal Lobe để nghe và nói. Các bà thì dùng cả hai bán cầu não. Bởi thế các bà học ngoại ngữ rất tài và có thể nói suốt ngày đêm không mỏi miệng. Còn theo thống kê thì mỗi ngày, quí ông, trung bình, nói hai nghìn (2,000) tiếng. Quí bà nói năm nghìn (5,000) tiếng. Đa số là để la lối với chồng con và “Thế hả?” với các bà bạn trên điện thoại. Đức Khổng Phu Tử kính mến đã nhiều lần thở dài mà rằng “Ba bà thành cái chợ!” Có ông kia, đi uống cà phê với bạn, báo tin.

– Tôi sắp li dị vợ.

Hỏi vì sao? Ông ta thở dài.

– Nó không hề mở miệng nói với tôi lời nào!

Các ông cười, chế nhạo.

– Xạo hoài! Liên Hiệp Quốc vừa công bố: Sinh vật quí hiếm (người vợ ít nói) đó đã tuyệt chủng từ lâu rồi!

Ông khác thì theo năn nỉ.

– Ông muốn vợ nói nhiều thì đổi vợ cho tôi đi. Vợ tôi nói nhiều quá. Chịu hết nỗi. Khi ngủ nó cũng “mớ”, miệng lảm nhảm suốt đêm.

–  OK! Đổi thì đổi, nhưng không được trả lại.

Một ông khác khoe.

– Tôi có cách làm bà vợ hết nói. Để tôi kể cho quí vị nghe. Vợ tôi cũng nói cả ngày lẫn đêm. Một buổi tối, lên giường, tôi nói. “Em chiều anh đêm nay,được không?” Nàng hỏi. “Trong bao lâu?” Tôi nói “ Suốt đêm nay” Nàng hỏi “Sao bữa nay hăng quá vậy?” Tôi nói “Em cứ nhắm mắt ngủ. Đừng nói gì hết! Chuyện đó để anh lo” Nàng vui vẻ nhắm mắt ngủ (trong thế chờ!). Tôi cũng ngủ một giấc đến gần sáng thì thức dậy sửa soạn đi làm. Nàng chợt thức giấc, ngạc nhiên và giận dữ. Nói “Suốt đêm ông ngủ khò. Bắt tôi đi ngủ sớm mà có làm gì đâu? Bây giờ, dậy sớm để chạy làng phải không?” Tôi nói “Anh cần em chiều anh, là đi ngủ sớm, đừng nói gì cả để anh ngủ yên, lấy sức, sáng nay đi làm sớm”

Mấy ông gật gù.

– Hay. Hay! Rồi sao nữa?

– Thì nàng níu áo, bắt đền. Tôi “phải trả nợ quỉ thần”, lại đi làm trễ giờ.

Đọc đến đây, làm gì cũng có bà tức giận.

– Bộ các ông không nói nhiều sao?

– Xin thưa quí bà. Có ạ! Đó là cố đồng chí chủ tịch Phidel Castro của nước Cuba, từng đọc một bài diễn văn dài hơn 3 tiếng đồng hồ trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.. Và mới đây thôi đồng chí Kim Jong Un chủ tịch Bắc Hàn, thay vì đọc lời chúc Tết đầu năm 01-01-2020, đồng chí Un kính mến họp Hội Nghị Quân Ủy Trung Ương Mở Rộng, đã đọc một bài diễn văn dài bảy (7) tiếng đồng hồ. Đồng chí nào ngồi nghe mà ngáp hoặc ngủ gục thì tức khắc bị lôi ra, cho đi tàu suốt, ra nghĩa trang buồn, nằm nghe dế kêu.

Quí bà lắm lời trong nhà là chuyện bình thường. Vậy chứ có bà nào nói nhiều trước công chúng không? Nhiều lắm! Điển hình như tờ Spunik cho tin. Ngày 01 tháng 2 năm 2020, bà Bộ trưởng Tài chính Sithraman phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ dài 2 giờ, 38 phút khiến các ông nghị sĩ ngáp dài vì quá ngán.

Vợ hắn thì hơn các bà khác. Vừa nói vừa nạt vừa đánh chồng. Đi làm về, đã thấy nàng đứng chống nạnh với cái chổi lông gà.

– Ông nhìn đồng hồ coi! Giờ nầy mới mò về. Theo con đĩ chó nào mà về trễ cả nửa giờ? Đừng nói kẹt xe với tôi.

Và nàng vung cái chổi lông gà lên. Chỉ một cái lắc mình, hắn đã đứng xa nàng hai trượng, vòng tay thủ lễ.

– Tiểu nhân có điều gì thất thố, xin phu nhân lượng thứ!

Nàng bậm môi, tung chổi, tấn công liền. Hắn lùi lại.

– Tiểu nhân đi đây!

Rồi dùng thuật phi hành phóng chạy. Nàng ì ạch, như con vịt bầu, đuổi theo, miệng nheo nhéo.

– Đồ đàn ông mất nết. Có giỏi thi đứng lại!

Hắn chạy quanh nhà, nàng nổi xùng (ì ạch) đuổi tiếp. Vợ hắn hơi nặng cân, cỡ một tạ (100 kí lô). Bác sĩ bảo nàng phải chạy bộ mới bớt mập. Nàng hỏi.

– Tôi rượt ông xã tôi, có được không, bác sĩ?

Ông bác sĩ gật gù.

– Hai ông bà cùng chạy thì tốt quá, nhưng coi chừng, ông ta chạy luôn đến nhà bà khác thì phiền.

Hắn rất muốn giúp nàng giảm cân nên hắn chạy trước, nàng đuổi theo quanh nhà. Được một năm thì kết quả thật đáng kinh ngạc: Nàng sụt mất một nghìn (1,000) milligrams! Một lý do khác để nàng có dịp rượt đánh hắn, là vì hắn có máu dê. Ra đường, thấy người đẹp đưa ngực, đưa đùi, là hắn nhìn sửng “Bước đi rồi, con mắt còn có đuôi…” Nàng giận tím mặt. Về nhà, mới bước xuống xe, là nàng dùng hai ngón tay, kẹp miếng thịt bên hông hắn, vặn tréo, miệng đay nghiến.

– Tật dê không chừa! Tôi hỏi ông. Tôi khác mấy con chó cái đó chỗ nào mà ông nhìn muốn rớt con ngươi? Khác chỗ nào? Hả? Nói mau!

Hắn nói.

– Khác nhiều chỗ lắm!

Rồi tuông chạy, nàng lại rượt hắn.

Một lần khác, hắn đưa vợ đi chợ. Thông thường, hắn đẩy xe theo sau vợ. Vợ hắn muốn mua gì thì bốc bỏ vô xe. Hắn bỗng thấy một nàng đi vào chợ với đôi gò bồng đảo to, để lộ một nửa đồi ngực trắng hồng như hai trái bưởi (đã lột vỏ). Hắn như người mất hồn, đẩy xe theo cô ta đễ nhỉn trộm cái ngực bự, quên cả thế gian. Vợ hắn quay lại không thấy chồng, đi tìm, thấy hắn đứng nhìn sửng ngực người đẹp. Nàng kéo tai hắn, lôi đi. Về nhà, nàng đóng cửa lại, bắt hắn nằm sấp xuống xô pha, trở cán chổi lông gà. Vừa nhịp trên mông hắn vài cái là hắn đã mếu máo khóc như em bé. Vợ hắn tức cười nhưng làm nghiêm.

– Uả! Biết tội gì chưa? Đã đánh đâu mà khóc? Nín ngay! Tại sao thấy con đàn bà nào có ngực bự là ông cứ theo nhìn mê man, quên cả vợ con?

Hắn trả lời.

– Ngực nhỏ, nhà mình có rồi!

Nói xong hắn lại vùng dậy, tung cửa chạy ra đường.

Một hôm, nàng bảo hắn đi mua vé máy bay để nàng về Việt Nam thăm các dì của mấy cháu. Hắn hỏi.

– Em đi mấy ngày?

Nàng đáp.

– Một tháng!

Hắn tưởng mình đang nằm mơ, thấy Bụt hiện ra nói với hắn, (như trong truyên cổ tích) “Ta nói thế là để thử lòng nhà ngươi đấy thôi!” Nhưng đó là sự thật, không phải là giấc mơ. Hắn vội chạy đi mua vé máy bay, sợ nàng đổi ý thì mất vui. Hắn về, đưa vé máy bay cho nàng, mặt buồn thiu, cất tiếng hát “Em đi rồi… còn ai vuốt tóc tôi?” Hắn có tâm hồn nghệ sĩ, thi ca, hò, vè, hắn đều xuất sắc, Gặp chuyện gì hắn cũng có thể cất tiếng, hát hoặc ư ử ngâm vài câu thơ, nghe (rất) vừa dở vừa vô duyên. Lần nầy, hắn đóng kịch quá tệ, bị nàng lột mặt nạ.

– Đừng có vờ vịt. Tôi chưa lên máy bay là ông đã chạy theo mấy con “chó cái” đó rồi. Liệu cái thần hồn! Lạng quạng, tôi thiến tận gốc cho biết thân.

Hắn hát tiếp “Ngày mai em đi, ngày tháng bơ vơ đợi chờ…” Nàng không thèm cười, vớ lấy cái chổi lông gà. Thế là nàng lại rượt hắn.

Vợ vắng nhà. Đó là chân hạnh phúc. Vì sao? Vì không phải nhìn thấy mặt vợ. Có lần, vợ hắn trang điểm, diện áo quần đẹp, ẹo qua, ẹo lại trước gương soi, làm bộ thở dài để hắn chú ý và  khen nàng đẹp.

– Thỉnh thoảng, soi gương, thấy mình già và xấu quá! Thiệt, chán hết sức!

Hắn đồng tình ngay.

– Đúng vậy! Em thì thỉnh thoảng mới soi gương nhìn dung nhan mình. Còn anh thì ngày nào, giờ nào cũng nhìn thấy em. Chỉ muốn nhảy sông chết quách!

Nàng co chân, rút chiếc giày, ném vào người hắn rồi vớ lấy cái chổi lông gà. Hắn lại tuông chạy. Nàng, bước thấp, bước cao (một chân không giày), vừa rượt hắn vừa khóc hu, hu!. Hắn phải quay lại, ôm vợ, xin lỗi ríu rít.

– Sorry! Em đẹp nhất thế gian. Mấy con hoa hậu thế giới, so với em, là đồ bỏ!

Hạnh phúc thứ hai khi vợ vắng nhà là không phải ăn các món vợ nấu. Nhiều ông chồng, đôi khi, để làm vui lòng vợ, khen một món nào đó do vợ nấu. Chớ chơi dại! Vợ sẽ nấu mãi món đó, chồng ăn mãi món đó. Ăn tới “lòi cuống họng!”. Vừa rồi, đầu năm 2020, một đại họa giáng xuống thế gian, người chết như rạ. Đó là nàng Covid-19 hạ sơn, giết mấy triệu người. Chính phủ các nước vội ra lịnh “Cách ly” Ai ở nhà nấy. Văn phòng, xí nghiệp, nhà hàng… đóng cửa. “Nhàn cư vi bất thiện”, các bà nghĩ đến trò nấu nướng. Các bà sưu tầm cách nấu các món ăn, càng kỳ lạ càng hấp dẫn. Bà nầy nấu xong, dọn ra, chụp hình gửi cho các bà khác. Các bà trầm trồ “Chị nấu cách nào? Chỉ cho em với!” Rồi bắt chồng đi chợ (các bà không dám đi, sợ lây bịnh Covid-19, để chồng đi chợ, rủi có chết thì mình còn có dịp lên xe hoa lần nữa) Các bà lại hì hục nấu nướng, rồi lại chụp hình, gửi các chiến hữu, sau đó bắt ông chồng ăn, làm “vật thí nghiệm” (Rủi có trúng độc mà chết thì cũng đúng như “Lời nguyện cầu” của quí bà). Trong tám cái khổ của lũ đàn ông, có “Tắng oán hội” khổ. Nghĩa là đau khổ khi phải sống với (ai đó) mà mình không ưa. cái khổ thứ hai là “Cầu bất đắc” khổ. Nghĩa là muốn chết quách để khỏi phải nhìn thấy “người kia” mà không chết được, cũng là khổ. Có ông nọ, lúc sắp đưọc nằm ngủ trong lòng chị “Sáu… Tấm” có mấy lời trăn trối với vợ.

– Khi tôi chết, “Đừng quăng tôi ra biển”(nhại thơ Mr. Lê), bà cũng đừng nấu nướng gì cả. Cứ ra “tiệm cơm chỉ” (bán thức ăn nấu sẵn, thích món nào, chỉ món đó) mua về cúng tôi.

Bà vợ hỏi.

– Ông nói tôi nghe. Tại sao?

Ông chồng thều thào.

– Các món bà nấu, tôi “bị” ăn suốt mấy chục năm, ngán đến tận cổ. Tôi chết bà lại nấu cúng tôi, chỉ ngửi thấy mùi, tôi đã khiếp vía, không dám hưởng, sẽ thành ma đói, không siêu thoát được.

Bà vợ đay nghiến.

– Tôi sẽ chết theo để nấu cho ông ăn.

Ông chồng thất kinh.

– Tôi lạy bà. Để tôi đi một mình.

Nói xong, thở hắt ra, linh hồn “cấp tốc” phóng chạy vào hư không. (Như những chuyện tôi đã kể trước đây. Nhiều ông, trước giờ lâm chung cũng đã lạy “giả từ” vợ kiểu đó)

Trở lại chuyện vợ hắn về Việt Nam. Trên đường đưa nàng đến phi trường, hắn lại hát nho nhỏ “Người ơi! Chốn xa xăm biết người nhớ tôi những gì?…” Mặt lạnh tanh, nàng nói “Xạo đủ rồi!”. Hắn cười hề hề rồi liếc nhìn gương mặt hầm hầm của nàng để biết chắc gương mặt ‘đáng yêu’ đó sẽ không hiện diện trong cuộc đời hắn trong một tháng. Sau khi nàng lên máy bay, hắn ‘lưu luyến’ đứng nhìn chiếc máy bay (có nàng trong đó) lên cao dần cho đến khi chỉ còn là một chấm nhỏ, khuất vào trong mây trời, hắn mới tát vào mặt mình mấy cái, để biết chắc mình không nằm mơ, rồi ngâm nga “Vợ đi! Ừ nhỉ, vợ đi thực. Nàng giờ đây ở trên máy bay. Nàng giờ đây nhỏ như hạt bụi. Ta giờ đây, phải nhậu cho say…” Và hắn reo lên “Ha ha! Không thấy mặt vợ đến một tháng luôn!” Rồi nhảy chân sáo, ra xe, mở chai ‘Thằng Johny đi bộ’ (Johny Walker, đã mua, giấu kỹ cho giờ phút nầy), tì tì từng ngụm, mắt ngước nhìn mấy cánh chim đang lướt trên bầu trời xanh bao la, để suy ngẫm và thưởng thức hai chữ Tự Do. Hắn cứ ngồi lơ tơ mơ như thế cho đến khi dã rượu, hắn lái xe về mà cứ hồi hộp, lo lắng, không hiểu, vợ còn ở nhà hay đã về Việt Nam? Ngay đêm đầu tiên, nằm ngủ trên giường, thỉnh thoảng hắn quờ quạng khắp giường, thấy trống vắng, biết chắc vợ không nằm bên cạnh, hắn mỉm cười, chìm vào giấc ngủ (cô đơn!).

VÀ CHUYỆN NÀNG HOA PHƯỢNG 

Sáng hôm sau, trước khi đi làm, hắn móc điện thoại.

– A lô! Em Hoa Phượng đó hả? Anh Ba đây!

– Anh Ba nào vậy?

– Anh Ba Trợn đây!

– Dạ. Chào anh Ba Trợn. Em Hoa Phượng nghe anh đây!

– Trưa nay, giờ lunch (nghỉ ăn trưa) mình ra chợ Eden (tiểu bang VA) kiếm gì ăn?

– Dạ. Cám ơn anh. Khoảng mười hai giờ. Em sẽ ra với anh.

Nàng Hoa Phượng nầy là một trong các cô bạn rất thân của hắn, nhưng tình bạn còn rất trong sáng, không như các cô, bà khác (đã hết trong sáng). Sau khi chào hỏi, ngồi vào bàn, hắn làm bộ ngạc nhiên nói với người đẹp.

– Em là ảo thuật gia tài ba nhất ở đây.

Nàng cảnh giác.

– Em có ảo, iếc gì đâu?

– Em làm cách nào mà chung quanh đây anh chẳng thấy ai. Chỉ thấy mình em!

Rồi hắn cất giọng vịt đực hát “… Và hỏi tại sao thế giới đông người anh chỉ thấy riêng em?”

Cô bậm môi rồi nhìn hắn phì cười.

– Miệng ông dẻo như kẹo mạch nha!

Đàn ông có tật xấu là thấy đàn bà, con gái là cứ lỏ mắt nhìn mấy điểm chiến lược của người ta. Vì tò mò chứ chẳng ham muốn gì. Chỉ cần thoáng qua, các ông biết ngay hai quả đào tiên là thật hay ‘made in China’, quả cam hay trái mướp. Sách Thiên Mệnh Kinh (Tàu) có câu “Thiếu nữ như trái nho tươi, nạ dòng như trái nho khô!”. Quí bà mặc quần đùi ra đường là các ông nhìn chăm chăm, chẳng phải chiêm ngưỡng mà vì tò mò, xem đùi nàng có mấy con trùn (nổi gân xanh). Các bà, các cô biết “tật” của các ông là cứ nửa kín, nửa hở các ông mới lỏ mắt nhìn mê mẩn chứ mấy cô gái sắc tộc để ngực trần hay ở các bãi biển, người ta mặc hai mảnh tí xíu, các ông đâu thèm nhìn? Mà cũng chẳng có gì tội lỗi vì các bà cũng cần các ông ngắm nghía. Mình có đẹp, có hấp dẫn người ta mới ngắm nhìn. Bị ngó lơ mới đáng tủi thân. Nhưng xin quí ông đừng nhìn “nham nhở” quá khiến quí bà “nhột”. Trước khi đi đâu, quí cô, quí bà bỏ hàng giờ để trang điểm, lựa chọn áo quần để làm gì? Để “khoe” với các ông. Trên đời nầy mà không có đàn ông thì quí bà hoặc trùm kín mít như bên Ả Rập hoặc chẳng thèm mặc áo quần làm gì cho mất thì giờ. Cứ “vườn không, nhà trống” mà thổn thệnh ngoài đường “Cho gió mát cái bàn chân, cho gió mát cái cùi tay…” Ở bên Âu Châu có hội khỏa thân, ra bãi biển, chẳng ai thèm nhìn ai. Các bà, các cô không mặc áo quần thì cũng giống như con chim công, con chim phượng hoàng bị vặt trụi lông, chẳng biết đẹp ở chỗ nào?

Trở lại chuyện cậu Ba Trợn. Nàng Hoa Phượng ngồi trước mặt, trang phục lịch sự, kín đáo, chỉ dưới cổ, để trần một chút ngực trắng nuốt, mà mắt hắn cứ láo liên, nhìn trộm. Đàn bà nhạy cảm với đôi mắt đàn ông về mấy vụ nầy. Nàng biết, mỉm cười hỏi.

– Âm mưu gì đây? Không hi vọng gì đâu!

Bị lộ tẩy, hắn làm bộ rầu rỉ.

– Vui sướng gì! Vợ về Việt Nam…

Nàng ngạc nhiên.

– Anh mà cũng nhớ vợ?

– Không phải. Vợ anh về Việt Nam, đem luôn chìa khóa cửa. Tối nay không biết ngủ đâu!

Nàng lại cười.

– Thì ngủ khách sạn. Nhà em đông người lắm.

Đó là cách hắn “thả thính” dọ đường, mục đích cho người đẹp hiểu ý. Nếu nàng “lơ lửng” thì sẽ có chút hi vọng. Nghe trả lời như thế, hắn ngỡ mình sắp được ôm nàng Hoa Phượng trong vòng tay. Không ngờ, nàng cảnh giác, mấy lần sau, hắn mời nàng đi ăn thì bị từ chối thẳng thừng. Nàng chỉ đồng ý cho gặp trên điện thoại mươi phút thôi. Thấy nàng quyết liệt, mà một tuần đã trôi qua, hắn sốt ruột, đổi chiến thuật. Hắn khen nàng đẹp trên điện thoại. Khen từ mái tóc, gương mặt, đôi mắt cho đến hình dáng. Dĩ nhiên hắn phải khen đúng để nàng soi gương, mỉm cười và hài lòng. Đàn bà, con gái có chỗ yếu là được ai khen thì có cảm tình với người đó. Hắn thêm một bước nữa. Hắn tỉ tê rằng nhớ nàng, mong được gặp mặt cho đỡ nhớ. Nàng không trả lời, có lẽ còn đắn đo. Hắn biết, không lẽ nàng “Ừ!” ngay. Và hắn chờ đợi.

Một buổi chiều mùa thu, trời mưa lất phất và lạnh. Cảnh nầy làm các cô hơi lớn tuổi, độc thân, buồn ghê lắm. Không có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn cô đơn! Nàng Hoa Phượng gọi cho hắn.

– Em đi công chuyện, ngang nhà anh, em sẽ ghé thăm, độ năm phút thôi. Vì chuyện gấp nên em đến thăm anh là đi liền.

– Em có thể đến sớm, để chuyện trò lâu một chút? Cả tháng (xạo!) nay, em có cho anh gặp đâu!

Im lặng. Một phút sau.

– Bảy giờ em đến, bảy rưỡi em đi.

Ôi chà chà! Nửa giờ! Rõ ràng là nàng Hoa Phượng đã phó mặc số phận đẩy đưa, đến bến bờ nào cũng… OK!.

Hắn đi nấu trà, đem bộ đồ trà chưng trong tủ búp-phê ra, để trên bàn khách cho thêm phần long trọng. Nàng Hoa Phượng đến, hắn mở cửa mời vào. Nàng ngồi đối diện. Hắn rót trà mời. Trong ánh đèn mờ, hắn thấy trang phục nàng sang trọng, son phấn cẩn thận, chứng tỏ nàng  có đi đâu đó thật chứ không phịa chuyện để đến gặp hắn. Coi bộ gay go đây! Các bậc thức giả  có câu “Tri hành hợp nhất” nghĩa là khi ‘biết’ đối tượng muốn gì thì mình phải làm sao cho đương sự ‘hợp ý nhất’. Nhưng nàng có ý nghĩ giống như hắn không? Chợt nàng xem đồng hồ tay. Hắn thử đoán, nàng sốt ruột, muốn đi công chuyện hay muốn nói với hắn “Coi chừng hết giờ!”? Trò chuyện thêm mấy câu nữa, nàng nói.

– Thôi, em về!

Hắn cũng nói.

– Anh cũng đi công chuyện ngay bây giờ. Để anh tắt đèn!

Hắn đứng lên, tắt đèn. Tối thui!

Tôi, (người kể chuyện nầy) chưng hửng! Mà quí bạn đọc cũng chán nản “Tưởng gì gay cấn sắp xẩy ra. Mất công theo dõi nãy giờ!” Mà tôi có muốn kể tiếp, tả tình, tả cảnh cũng chẳng thấy gì. Tối mò mò!  Vả lại, họ sắp rời nhà, ra xe. Nhưng khoan. Xin lắng nghe. Trong bóng tối dày đặc, có tiếng nàng Hoa Phượng.

– Chìa khóa xe em đâu rồi?

– Anh đang giữ đây.

– Cho em, để em về.

– Cho anh hôn, anh đưa chìa khóa.

Yên lặng…

– Để em về!

Có tiếng rù rì của hắn, nghe không rõ nhưng đoán chừng hắn đang tỉ tê gì đấy với người đẹp. Nàng Hoa Phượng, giọng miễn cưỡng.

– Để em về kẻo trễ.

Lại tiếng thì thầm. Nàng cũng thì thầm.

– Đừng anh! Đừng làm em sợ!…

Rồi thì, tất cả rơi vào im lặng. Sự im lặng đáng sợ! Thưa quí bạn đọc kính mến. Quí bạn thử đoán xem chuyện gì đang xảy ra trong căn phòng tối om kia? Tôi thú thật, chịu thua! Trong nhà mà bị mất điện thì thành người mù, chả thấy đường mà làm việc gì!

Thời gian như ngừng trôi. Bỗng (trong bóng tối) có tiếng cười rúc rich.

– Anh là đồ ‘quỉ xứ!’. Làm người ta sợ muốn chết. Lần sau em không dám đến thăm anh nữa đâu!

Hắn cất tiếng hát “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Hết rồi còn chi đâu em ơi!”.

Có tiếng đập lưng hắn thình thịch

– Hết rồi thì đưa chìa khóa xe cho ngưòi ta về. Mở đèn lên. Quần áo xốc xếch hết cả rồi nè!

Đọc chuyện nầy, xin quí bà đừng trách rằng “Lũ đàn ông các ông như gậy thằng mù, chỗ nào cũng thọt được!” Xin thưa rằng. Bản tính đàn ông vốn tò mò mà người nữ lại là một sinh vật bí ẩn. Càng huyền bí, mơ hồ càng khiến lũ đàn ông say mê theo đuổi, khám phá. Ai lên mặt trăng. Quí ông. Ai đã cắm cờ trên đỉnh Everest? Cũng quí ông. Ai đã tìm ra Châu Mỹ? Cũng quí ông. Ai là chồng của quí bà? Cũng quí ông. Thế nên, thưa quí cô chưa chồng, quí bà độc thân, xin hãy thông cảm cho nàng Hoa Phượng cô đơn của hắn.

Phạm Thành Châu

Visits: 148

Hạnh Phúc, Khổ Đau, và Em

Thơ Lê Văn Bỉnh

Thân tặng những cặp vợ chồng già đã có một thời sóng gió

Hình như có điều gì em chưa hiểu rõ

Giữa Hạnh Phúc và Khổ Đau

 

Hạnh Phúc mong manh khoảnh khắc

Đến nhà bếp đến bàn ăn

Đến phòng khách đến giường ngủ

Hay khi chúng ta cùng quanh quẩn dọn dẹp cửa nhà

Nếu em không nhanh tay chụp lấy

Còn đợi chờ đong  đếm cho đầy

Nó sẽ vụt bay đi

Bằng đôi cánh dài rất khỏe

Rồi nó đậu trên hàng dậu láng giềng

Hay trên vai bạn bè quen thuộc

Nhìn em mỉm cười

Tiếc cho cơ hội đã vuột trôi

Để  bây giờ em đứng một mình

Cô đơn buồn bã

Cảm nhận trên tấm lưng còng già cổi

Những năm tháng dài lê thê đè nặng khổ đau

Em cố sức vùng vẫy thoát mau

Đôi khi em thành công

Cứ gọi là thành công

Đập vỡ khổ đau ra từng mảnh vụn

Cẩn thận quét gom chôn vùi đâu đó

Hay tung rải ra biển khơi ào ào sóng gió

Những mảnh vụn tưởng chừng như biến như tan

Em đâu ngờ còn vướng lại trong tim

Chỉ một ít thôi

Vâng chỉ một ít thôi

Rồi sau đó lớn lên

Lớn lên

Tích tụ từ từ thành từng  tảng

Lại làm tim em đau nhói vô cùng

 

Em yêu

Hình như em chưa rõ được điều này

Và hạnh phúc chúng ta cứ vuột khỏi tầm tay

Lê Văn Bỉnh

Giáng Sinh 2020

 

Visits: 347

Đâu Những Xe Buýt Vàng

Thơ Lê Văn Bỉnh

Ảnh: Faifax County News Center

Ta về mang gió mát

Cho bầu trời thanh thanh

Lòng ta thêm dào dạt

Trong không khí trong lành

***

Hình như chút tĩnh lặng

Làm cho ta băn khoăn

Đường phố sao trống vắng

Cho bước ta ngại ngần

***

Bây giờ ta mới rõ

Thiếu tiếng cười vang râng

Bầy trẻ thơ trước ngõ

Đợi những xe buýt vàng

***

Kìa xa sau cửa kính

Lãng vãng chú Jason

Cô Rachael xúng xính

Như đợi xe buýt vàng

***

Ta thẩn thờ ngơ ngẩn

Đâu những xe buýt vàng

Giờ tan trường yên ắng

Nỗi buồn lại  mang mang

Lê Văn Bỉnh

(Mùa Tụ Trường Niên Học 2020 -21)

 

 

 

 

 

 

Visits: 161

Mùa Vu Lan Hà Nội

Thơ Lê Văn Bỉnh

Vụ xử án Đồng Tâm tại Hà Nội ngày 14-9

 

Mùa Vu Lan Hà Nội

Tòa xử vụ Đồng Tâm

Có khát chi mà vội

Uống máu tươi ngày rằm

 

Một cụ già chưa đủ

Phải thêm xác cháu con

Thịt mới ngon bữa cỗ

Đảng mới béo mới tròn

 

Dân đen chỉ thèm chết

Bao nhiêu thập niên rồi

Nô lệ dâng lợi ích

Lũ ký sinh đầy trời

 

Mùa Vu Lan Hà Nội

Tiếng chuông chùa hư không

Tịch liêu mùa lễ hội

Nghe tê tái triệu hồn

 

Lê Văn Bỉnh

Virginia, tháng 9 năm 2020

Visits: 88

Sư Đoàn Tiền Giang

Trần Bạch Thu

Chuyến xe khách đến trại giam vào buổi xế chiều. Trời mây đen u ám vần vũ chùng xuống thấp như sắp chuyển mưa. Dưới đường thấp thoáng bóng công an đi lại quanh quất trước cổng dẫn ra con đường chính. Từ trong trại một đoàn người tù xếp hàng đôi đi ra ngồi xuống cạnh bên thành xe chờ gọi tên từng người đứng lên bước đến cửa cho công an khám xét trước khi lên xe. Tù nhân đi chân đất, đầu trần không được phép mang theo bất cứ một thứ gì. Tất cả đồ đạc vật dụng đã được nhét vào trong bao bố cá nhân gởi theo xe tải từ trưa. Im lặng bao trùm bầu không khí trên xe. Mọi người đang trên đường đến trại cải tạo Vườn Đào, nổi tiếng từ lâu với tên gọi chính thức rất đẹp – Mỹ Phước.

Tất cả tù nhân đã kết thúc giai đoạn tạm giam điều tra ở trại chấp pháp P15 hoặc cơ quan an ninh P12 sau đó được đưa xuống trại giam tỉnh Tiền Giang trong một vài tuần để chờ chuyến đi Mỹ Phước. Thành phần tù nhân bao gồm đủ loại từ vượt biên, vượt biển, hình sự, chính trị hay kinh tế nhưng đông nhất và ồn ào nhất là tù vượt biên.

Đoạn đường đi tới trại Mỹ Phước khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ. Từ Mỹ Tho đến ngã ba Long Định phố xá chen chúc hai bên đường tạo thành từng khu dân cư đông đúc, rồi từ ngã ba rẽ phải đi vào, nhà cửa bắt đầu thưa thớt dần. Hai bên đường cỏ dại, đưn lác mọc cao um tùm. Xe cộ, người đi vắng vẻ. Trông thật đìu hiu ảm đạm.

Xe dừng lại giữa đồng trống mênh mông, xa xa cổng trại làm bằng gỗ trên viết hai hàng chữ sơn đen “Trại cải tạo Mỹ Phước” hiện lên trơ trọi được bao bọc xung quanh bởi hàng rào dây kẽm gai dầy đặc. Chúng tôi xuống xe xếp thành hàng đôi điểm danh rồi lần lượt đi theo con đường đất nhỏ vào bên trong trại. Từ những ô cửa sổ bằng phên đất trong các dãy nhà dài dọc theo đường, hằng trăm con mắt tò mò nhìn ra theo dõi xem đoàn người tù được phân tán vào các dãy nhà. Họ hy vọng có người vào buồng mình để biết tin tức ở bên ngoài dù là rất ít, nhưng cũng đủ giúp cho họ đủ niềm tin sống sót chờ ngày về.

Tôi được phân vào dãy nhà ở góc trong cùng của trại dành cho tù nhân chính trị, gần dãy nhà tù nữ, mặc dù đa số tù nhân chuyển lên đợt nầy đều là “khách” vượt biên. Căn cứ vào kinh nghiệm của các đợt chuyển tù theo cách gối đầu, có nghĩa là trại thả đợt trước thì sẽ có đợt sau được chuyển lên từ Mỹ Tho trám vào, mỗi đợt như vậy thụ án ở trại cảo tạo chừng 6 tháng đến một năm là được thả. Ngược lại tù chính trị thì không có án và không biết được thời gian thụ án là bao lâu cho nên khi bị chuyển vào khu nầy thì mọi người ai nấy cũng đều nhìn bằng cặp mắt e ngại.

Ngay khi mới bước vào buồng giam tôi có cảm giác như đi lạc vào một nơi thâm u cùng cốc. Không gian tối lù mù chỉ có một bóng đèn tròn, vàng vọt ở giữa buồng. Mùi ẩm mốc hòa lẫn với mùi mồ hôi người xông lên nồng nực. Hai bên sạp ọp ẹp, lố nhố người đang ngồi dựa lưng vào vách không thấy rõ mặt chỉ thấy mờ nhạt, xanh xao một màu xám xịt. Buồng trưởng hướng dẫn đi một vòng tìm chỗ trống, cuối cùng đưa tôi đến gần nơi lối đi ra phía sau sát bờ kênh, ngay bên cạnh một người tù đang nằm bất động phủ toàn thân bằng một tấm mền đen mỏng che kín mặt ở cuối buồng.

Buồng giam nền đất lợp lá, vách phên luôn tuồn, tù nhân trải chiếu đệm trên sạp kết bằng cây đước ngủ ban đêm cũng như sinh hoạt ban ngày ăn uống tại chỗ trên manh chiếu nhỏ không hơn không kém. Mỗi tuần dọn vệ sinh một lần, nhưng cũng làm cho có lệ, chỉ quét rác thôi chứ không có tẩy rửa. Lâu ngày nền đất gồ ghề lên bóng láng như vảy cá đen thui. Đêm nằm ngủ mơ thấy như đang đi trên xe nhà rồng ra miền đất lạnh.

Mọi người ai đã từng ở trại Mỹ Phước đều biết địa ngục trần gian là có thật. Điều đầu tiên là đi ị phải đúng giờ. Mỗi sáng theo thứ tự từng dãy nhà chừng hơn 40 người xếp hàng ra dãy cầu tiêu cá đi tập thể trên chừng 10 căn chòi lá dừng sơ sài. Đi trên cây cầu khỉ lắt lẻo đang còn sợ té chưa kịp hoàn hồn thì công an đã ra lệnh khẩn trương cho đợt khác. Thời gian chừng nửa tiếng sau đó tất cả tập họp trở vô buồng cho dãy nhà khác đi ra.

Hôm đầu tiên đến trại đi cầu tiêu cá buổi sáng tôi thấy hơi khó, nhưng không sao, tự quên mình đi so với hình ảnh đập vào mắt, trông thấy vô cùng tội nghiệp khi đoàn tù nữ đi ra xếp hàng chờ. Bất ngờ một nữ tù nhân băng vượt lên phía trước vội vàng lao ngay xuống bờ cầu tiêu cá lềnh bềnh chất thải để ngắt thật nhanh vạt rau muống mọc quanh bờ. Nữ tù nhân nầy còn trẻ đã ở đây hơn 2 năm rồi mà không có thân nhân thăm nuôi. Công an thấy cũng làm lơ, quay mặt đi chỗ khác.

Mỹ Phước là vùng đất trũng phèn nặng nên mỗi buồng giam đều có một hàng lu nước phèn lọc bằng vôi hoặc tro để chắt nước uống và nấu ăn. Lao động chủ yếu là làm thủy lợi đắp đất thành từng luống trồng khóm. Đội cải tạo đi ra ngoài lao động trên nắng như đỗ lửa, dưới dầm chân quá gối trên kênh, xắn đất chuyền đắp lên luống. Bữa sau, hai ống quần đóng phèn bạc hoe, đỏ chạch. Chỉ một tuần thôi dưới chân nhất là ở các móng chân dính phèn vàng khè và mặt mày, tay chưn dộp da tróc vảy trông thật thảm thương.

Ngoài các đội lao động nông nghiệp, trong trại còn có nhiều đội đan lát hoặc làm các tạp vụ linh tinh mà phần lớn là tù vượt biên và tù nữ. Chung quanh trại ở tầm xa ngoài các rẫy khóm còn có các chốt canh giữ hoa màu do một số tù nhân tự giác trông coi, các tù nhân nầy thường đã thụ án hơn hai phần ba bản án hoặc ở đây trên 5 năm mà vụ án vẫn chưa kết thúc. Họ được đi lại tự do sinh hoạt riêng biệt trong các căn chòi lá chốt ở cuối rẫy. Đây là nơi cung cấp thực phẩm chui cho tù nhân trong trại. Dĩ nhiên cũng là nơi giúp các gia đình thu lượm tin tức của người thân đang bị giam bên trong, nhất là tù vượt biên thường có gia đình ở Sài Gòn hay các tỉnh xa xôi ngoài miền Trung. Công an chia chác tiền bạc qua những dịch vụ mua bán đổi chác và đồng thời cũng gián tiếp kiểm soát hàng hóa chuyển lậu vào trong trại.

Trong số các chốt nầy có một tù nhân bị bắt nguội trong một vụ án phản động và không có án. Khi chuyển lên đây anh đã nhiều lần vượt ngục và bị bắt lại. Bắt đi bắt lại mấy lần cho đến nay hơn 5 năm rồi mà cũng chưa được thả. Ra rẫy lao động mọi người thường hay liên lạc với anh ta để gởi mua thêm thức ăn tươi ngoài chợ Long Định vì ngoài nhiệm vụ canh giữ ở chốt anh còn được cán bộ cho theo ghe ra cầu kênh Xáng lấy chở nước ngọt về trại.

Quen dần anh tù tự giác tín cẩn tôi nên mới tiết lộ chi tiết về người tù ít nói lầm lì suốt ngày, gần mười năm không có ai thăm nuôi, nằm kế bên tôi trong buồng giam thuộc tổ lao động vệ sinh trong trại và đồng thời thỉnh thoảng anh ta cũng có nhờ tôi chuyển một ít gạo và cá mắm cho người tù nầy mà anh ta gọi là “ông thầy.”

Thật tình cờ và cũng rất thú vị khi được nằm kế bên và trò chuyện nhiều đêm với “ông thầy” tên thật là Trần văn Đ. nguyên sĩ quan tác chiến Sư Đoàn 7 Bộ binh quân lực VNCH, anh là nhân chứng sống và đang thụ án trong tù về một vụ án mà ít được nhắc tới sau nầy.

Câu chuyện bắt đầu với trí nhớ của một người tù 10 năm.

Tháng 8 năm 1977 cộng sản mở một phiên tòa tại Mỹ Tho để xử một vụ án âm mưu lật đổ chính quyền, tổ chức có danh xưng là Sư Đoàn Tiền Giang. Tuy luôn luôn nói là công khai nhưng không có thân nhân bị cáo tham dự cũng như không có phóng viên báo chí theo dõi và tường thuật, kể cả báo chí trong nước. Phiên tòa chỉ đọc cáo trạng trong khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Tất cả nhân viên pháp lý cũng như bồi thẩm nhân dân đều do chính quyền chỉ định. Tất cả bị can không có kháng án. Hoàng văn Ngãi, Tư lệnh sư đoàn, tử hình. Hai anh em Trương văn Thân (Bí danh Trần Minh Dũng), Tham Mưu Trưởng và Trương văn Dậy (Mười Dậy) Chỉ Huy Trưởng khu căn cứ Long An, mỗi người lãnh án 10 và 20 năm tù khổ sai. Khoảng hơn 10 người khác gồm có Lê Duy Phong (Sinh viên), Đỗ Hữu Thọ (Sinh viên), Phạm văn Quyền, Nguyễn văn Hiệp. Lê văn Điểu … và TVĐ. lãnh án từ 5 đến 10 năm tù giam. Tất cả đều bị bắt tại nhà Trần Minh Dũng vào buổi chiều tối ngày 10 tháng 10 năm 1976 và đem về biệt giam ở khám đường cũ, số 2 đường Lãnh Binh Cẩn, thành phố Mỹ Tho.

Ngược dòng thời gian, kể từ khi có lệnh đầu hàng từ Tướng Dương Văn Minh trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 tất cả sĩ quan binh lính cùng viên chức tại địa phương đều rời khỏi cơ sở hoặc nơi đơn vị đồn trú. Sau đó, đa phần đều ra trình diện đi cải tạo theo như thông báo trên báo chí và đài phát thanh cộng sản. Một số khác vẫn còn lẫn trốn không ra trình diện. Có người mai danh ẩn tích về các vùng xa xôi hẻo lánh tận miền Thất Sơn, Châu Đốc hay xuống vùng U Minh, Cà Mau. Lâu dần biệt tích, có thể họ đã vượt biên hoặc chết không ai biết. Cũng có người chờ tham gia các tổ chức kháng chiến được móc nối từ nước ngoài như trong vụ án Trần văn Bá sau nầy.

Chỉ một thời gian ngắn sau ngày cộng sản chiếm đóng toàn miền Nam, họ đã biểu lộ rõ dã tâm thống trị đất nước Việt Nam bằng một chế độ độc tài hà khắc. Giam cầm, lưu đày các sĩ quan, viên chức VNCH vô thời hạn. Ngược đãi thành phần trí thức, học giả miền Nam. Trấn áp dân chúng rời thành phố đi các vùng rừng thiêng nước độc để cán bộ đảng viên miền Bắc trán vào chiếm ngụ nhà cửa trong thành phố hoặc các vùng đất đai trù phú trong Nam. Kể từ giữa năm 1976 họ ban hành các chính sách phân biệt đối xử với các thành phần xã hội. Người miền Nam sinh sống trong vùng do VNCH kiểm soát bị loại ra khỏi các sinh hoạt công quyền kể cả trong các lãnh vực kinh tế và xã hội. Không đủ sức để chống đối lại kẻ xâm lược, một làn sóng vượt biên vượt biển đã trở thành phong trào rộng khắp trên toàn miền Nam.

Lúc bấy giờ, sư đoàn Tiền Giang là một tổ chức sớm nhất ở trong Nam chống lại sự cầm quyền của cộng sản. Thành phần tham gia đa số là quân nhân, viên chức VNCH đã cải tạo về hoặc còn lẫn trốn trong vùng Tiền Giang từ sau ngày cộng sản chiếm đóng. Tên gọi là sư đoàn nhưng chưa có trang bị vũ khí trong giai đoạn hình thành và chuẩn bị hoạt động như một phong trào nhân dân nổi dậy chống lại cộng sản. Cấp chỉ huy sư đoàn là các nhà hoạt động chính trị thời VNCH như ông Trương văn Thân là sáng lập viên đảng Tân Đại Việt, cùng thời với GS. Nguyễn Ngọc Huy, nguyên Trưởng Ty Nông Nghiệp tỉnh Định Tường. Trung Tá Hoàng văn Ngãi là Sĩ quan Tham mưu, Tiểu khu Định Tường. Lê văn Điểu là Tỉnh Đoàn trưởng Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Kiên Giang.

Theo kế hoạch của tổ chức thì sư đoàn sẽ là lực lượng nồng cốt một khi tổ chức ra mắt công khai chống lại nhà cầm quyền cộng sản được dư luận quốc tế quan tâm cũng như sự ủng hộ, tài trợ của nước ngoài. Sư đoàn thành lập vào đầu tháng tư năm 1976 tại Mỹ Tho dưới sự chỉ đạo của Trần Minh Dũng (Tư Thân). Hoạt động chính yếu lúc bấy giờ là tổ chức rải truyền đơn chống cộng sản. Tuyên truyền kết nạp cảm tình viên và thành viên hoạt động. Cho đến khi bộ chỉ huy bị vây bắt tại nhà Tư Thân, đường Pasteur, thành phố Mỹ Tho thì thành viên sư đoàn hầu như có mặt khắp nơi trên vùng lãnh thổ của ba tỉnh Long An, Định Tường và Kiến Hòa. Sau ngày 10 tháng 10 năm 1976 công an Tiền Giang ráo riết truy lùng bắt tiếp các thành viên hoạt động của sư đoàn.

Bắt đầu là khu căn cứ ở Long An do Mười Dậy chỉ huy. Công an phối hợp với bộ đội địa phương dùng súng tấn công căn cứ gây thiệt mạng nhiều người và bắt sống một số người tay không có vũ khí. Một số vượt thoát ra ngoài bị bộ đội rượt theo bắn chết. Số còn lại ẩn trốn trong nhà dân và thoát đi về hướng Mộc Hóa.

Sau đó công an dùng các phương tiện giam cầm dã man đối với tù nhân bị bắt. Tra tấn, biệt giam và cùm chân trong phòng tối là đòn cân não để khai thác tin tức. Càng lúc họ càng truy ra nhiều manh mối hơn và đi lùng bắt nguội (không có lệnh của Tòa án) khắp nơi. Thành phần bị bắt bao gồm đủ mọi loại từ sĩ quan, binh lính VNCH cho đến các giới chức trong chính quyền cũ tại địa phương, Trong đó có cả các viên chức tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh (QGHC). Công an ruồng bố trong các cư xá công chức cũ và trại gia binh trước đây. Chỉ trong vòng 10 ngày khám đường cũ chật kín người, công an chuyển một số tù nhân xuống trại giam mới, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho chừng khoảng 4km.

Trong thời gian 6 tháng, công an truy lùng bắt tất cả mọi người có liên quan đến những người bị bắt từ quan hệ gia đình cho đến bạn bè người quen, thân thuộc. Tháng 4 năm 1977 công an chuyển tất cả những người bị bắt vì tham gia sư đoàn Tiền Giang xuống trại giam chính của tỉnh. Tình hình căng thẳng khiến cho nhiều người có liên quan chưa bị bắt bỏ trốn dây chuyền, mặc dù không có liên can gì cả. Một người bị bắt kéo theo hàng chục người bị công an bắt đi thẩm vấn. Thật ra tổ chức cũng chỉ mới còn trong vòng tụ họp và tuyên truyền tham gia với tính cách cảm tình viên thì nhiều nhưng tuyên thệ tham gia vẫn còn rất ít trừ những người chủ chốt.

Cộng sản giấu nhẹm các sự kiện trong vụ án và mở một phiên tòa nhanh chóng để xử các bị can. Theo lời một nhân vật có thẩm quyền cho biết vụ án được Mai Chí Thọ chỉ đạo không khoan nhượng. Không biết cộng sản xử kín bao nhiêu người, chết hay sống trong mười năm qua không có tin tức. Anh cho biết lúc còn ở trại giam Tiền Giang, có thời gian anh bị nhốt chung với hai anh Lê Tấn Trạng và Ngô Ngọc Vĩnh (QGHC).

Vụ án Sư Đoàn Tiền Giang khép lại khi tòa tuyên án chính thức và những người bị bắt sau đó đều có lệnh tập trung cải tạo 3 năm vào cuối năm 1977. Phạm nhân được đưa đi các trại cải tạo tại địa phương hoặc án nhẹ hơn được đưa đi khu nông nghiệp Cồn Tròn ở Cái Bè thuộc Tỉnh ủy Tiền Giang, ở đây phạm nhân sinh hoạt thoải mái, làm việc hưởng theo chế độ công nhân một thời gian ngắn trước khi được trả tự do về với gia đình.

Từ khi được đưa đến trại Mỹ Phước, trong tù anh Đ. thường chỉ nghe ngóng và quan tâm đến tin tức ở nước ngoài. Thật là phấn khởi khi biết được phong trào phục quốc của nhóm Mai văn Hạnh và Trần văn Bá đã về tới Cà Mau. Hay là phong trào kháng chiến của Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đã về tới biên giới Lào – Việt. Ngoài các tổ chức trên anh còn luôn biểu lộ sự kính ngưỡng đến các “anh hùng” Võ Đại Tôn và Lý Tống.

Tết năm 1989 tôi được trả tự do. Trước khi biết tin có lệnh được thả hai hôm, tôi và anh có tâm sự nhiều điều. Điều sau cùng anh nói:

– Tôi bây giờ không còn hy vọng gì. Trừ phi các anh ra ngoài còn giữ được tinh thần phục quốc VNCH.

Ra khỏi cổng trại Mỹ Phước tôi bước lên xe mà đầu còn ngoảnh lại. Bóng anh mờ dần sau khung cửa sổ chằng chịt dây hàng rào kẽm gai. Tôi thầm khấn.

Trần Bạch Thu (ĐS 17)

Visits: 415

Giấc Mơ Trở Lại Đồi 29

Thơ Lê Văn Bỉnh

 

Đêm qua trong giấc mơ

Toàn thân tôi bừng nóng

Đau đau cổ họng

Ho khan rồi khó thở

Những đám vi khuẩn đỏ

Ồ ạt chui vào phổi

Hung hăng đào xới

Phá vỡ hàng vạn phế nan

Khi tôi sắp xỉu ngất

Bỗng cửa phòng mở bật

Mấy làn gió mát

Từ một đỉnh đồi xa

Thổi vào mũi miệng vô vàn hạt phấn hoa

Hai buồng phổi đầy dưỡng khí và thân tôi hồng hào trở lại

Chúng ta phải sống và tập hợp dưới chân đồi xưa

Tiếng vọng vang vang oai phong hiệu lệnh

***

Ngọn đồi đó chúng tôi từng dừng quân

Đóng lại một đêm

Đồi 29 ai dễ gì quên

Cao độ trùng tên với ngày cận cuối tháng Tư

Chúng tôi đã vội vã leo lên

Hì hục cuốc đào công sự

Những ụ súng to nhỏ bố trí sẵn sàng

Lệnh chờ đánh tập hậu

Đại quân địch sẽ qua thung lũng dưới chân đồi này

Nhưng sáng hôm sau

Khi mặt trời vừa lên cao

Chợt có lệnh đầu hàng

Chúng tôi bàng hoàng

Đắn đo do dự

Cả đơn vị tức tưởi gục đầu

Quân phục cởi ra giấu cùng súng đạn

Vào những hốc đá

Lần lượt bước xuống chân đồi

***

Vừa hồi sức tôi cùng đồng đội

Quay trở lại ngọn đồi xưa

Hoang vu u tịch

Những mái tóc bạc vờn bay trong gió

Những khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ

Những bàn tay gầy guộc ốm o

Chúng tôi nhìn lên đồi

Nhạt nhòe nước mắt

Đồi 29 hôm nay sao cao quá

Những chướng ngại không thể vượt qua

Những bộ quân phuc kia ơi còn như xưa hay mục nát

Những khẩu súng kia ơi còn như xưa hay rỉ sét

Bốn mươi lăm năm háo hức chờ đợi

Còn lại đây hồn xác thẫn thờ

Đau xót

Lê Văn Bỉnh, ĐS 10

Virginia, tháng Tư 2020

Visits: 154

Tháng tư, bức tường đá đen *

Hoài Ziang Duy

Tôi đứng nhìn em

Người thiếu phụ đứng ở bức tường đá đen

Có chồng chết ở chiến trường Việt nam

Mấy chục năm qua như lời em kể

Mỗi năm tháng tư

Hoa đào mở hội

Trên mặt phẳng đá đen cuộc đời trơ trụi

Năm mươi bảy ngàn chiến binh, quan, quân ghi dấu

Thấy lại tên chồng

Hồi ức chuyện năm xưa

Mấy mươi năm qua, lịch sử nhục vinh còn đó

Tên kề tên không phân biệt chức danh

Khi chết đi thân người nằm xuống

Cũng cầm bằng

Một nghĩa như nhau

 

Em trở về, tôi tháng tư đen

Tìm lại tên ai trên bức tường hồi ức

Tôi bâng khuâng lòng đêm canh thức

Xương máu đồng bào

Đồng đội tôi

Người lính vô danh

 

Đâu có bức tường nào ghi đủ chiến cuộc Việt Nam

Cả triệu người nhà tan phận nát

Sau chiến tranh, chiến binh người lưu lạc

Có còn đâu tổ quốc quay về

Dẫu hôm nay, cho cùng màu da mẫu hệ

Thấy sống còn

Đâu có nghĩa như nhau

 

Hỡi cô gái ở bức tường đá đen

Em dò lấy tên người thân quá cố

Có thấy tôi, mang tên người chết trước

Sử xanh kia sao buông bỏ nửa chừng

 

Không biết em nghĩ gì ở tháng tư

Tôi đứng đây vịn cành đào trĩu nặng

Bức tường đen, đứng ngoài xa thầm lặng

Vẫn thấy gần nước mất với khăn tang.

 

*( Bức tường tưởng niệm chiến tranh VN tại Washington D.C.)

Hoài Ziang Duy

(trích trong thi tập “ĐỨNG TỰA BÊN ĐỜI”, xuất bản tháng 4-2019)

Visits: 348

Nếu Muốn Gửi Về

Thơ Trần Văn Lương

Dạo:

Người ơi, nếu muốn gửi về,

Thì xin gửi những gì quê hương cần.

Nếu Muốn Gửi Về

 

Hỡi người bạn vượt biên từ năm ấy,

Được Trời thương cho trẩy bước tới nơi,

Tạ ơn người dù đang sống thảnh thơi,

Vẫn nhớ đến những mảnh đời kẹt lại.

 

Bạn bối rối, ngập ngừng, băn khoăn mãi,

Muốn hỏi tôi, nếu hải ngoại có lòng,

Phải gửi gì về để giúp non sông,

Tôi xin được có đôi dòng suy nghĩ.

                        ***

Xin đừng gửi về những đồ xa xỉ,

Những món hàng mang hiệu Ý, hiệu Tây,

Người dân đen ăn không đủ mỗi ngày,

Làm sao dám mơ mòng hay ngấm nghé.

 

Xin đừng gửi về bên đây ngoại tệ,

Sẽ vào tay bọn đồ tể bưng biền,

Còn dân đen chỉ được phép dùng tiền

Mà bọn chúng có quyền in tùy tiện.

 

Xin đừng gửi những “phái đoàn từ thiện”,

Ồn ào về “ban phúc”, tiện mua danh,

Chỉ béo cho lũ giặc có quyền hành,

Vì có kẻ nuôi dân lành thay chúng.

 

Xin đừng gửi lũ con buôn lợi dụng,

Đem đô la về lũng đoạn thị trường,

Làm giàu cùng đám cán bộ bất lương,

Mặc dân Việt trơ xương nằm ngắc ngoải.

 

Xin đừng gửi bầy “xướng ca vô loại”,

Chúng giờ đây ở hải ngoại hết thời,

Bèn trở về kiếm chác chút tiền tươi,

Nên nịnh nọt, nói những lời trâng tráo.

 

Xin đừng gửi nhóm người ham danh hão,

Được bạo quyền bốc láo tận trời cao,

Nên quay về, quên khổ nhục năm nao,

Ra mắt sách xong ồn ào họp báo.

 

Xin đừng gửi những tấm thân già lão,

Lận tiền còm, diện áo gấm xênh xang,

Về cả đàn tìm cưới dọc cưới ngang

Những thiếu nữ tuổi đáng hàng con cháu.

                                ***

Nhưng hãy gửi điều bạo quyền muốn giấu,

Để toàn dân được thấu hiểu rõ ràng

Ai là người làm đất mẹ tan hoang,

Ai là kẻ đã và đang bán nước.

 

Xin hãy gửi về quê hương kiến thức

Của người dân một đất nước tự do,

Biết đòi quyền được hạnh phúc ấm no,

Giúp vạch mặt bầy Cộng nô ác đức.

 

Nhưng trên hết xin gửi về tin tức,

Mà chúng tôi hằng háo hức muốn nghe:

– Rằng những người đang vất vưởng xa quê,

Vẫn còn giữ lời thề khi bỏ xứ;

 

– Rằng tuy sống nương nhờ nơi lữ thứ,

Lá Cờ Vàng vẫn rạng rỡ tung bay,

Vẫn được người tỵ nạn giữ trên tay,

Khắp các chốn vẫn đêm ngày hiện diện;

 

– Rằng khi có những chương trình thắp nến,

Dù xa xôi người vẫn đến thật đông,

Muôn câu ca, vạn ánh lửa một lòng,

Cùng nhớ tới thời biển Đông lận đận;

 

– Rằng đời sống dù muôn ngàn thứ bận,

Chẳng ai quên ngày Quốc Hận đau thương,

Người mang danh tỵ nạn vẫn xuống đường

Điểm mặt lũ gây nên trường đại họa;

 

– Rằng người Việt vẫn giữ gìn văn hóa,

Dù đêm ngày vất vả nẻo tha phương,

Vẫn không hề quên truyền thống quê hương,

Vẫn hành động đúng luân thường đạo lý;

 

– Rằng tiếng Việt được bảo tồn thật kỹ,

Không học đòi lũ khỉ ở bên kia,

Cứ “từ” này, “cụm từ” nọ tía lia,

Hết “tản mạn” lại “cực kỳ” “bức xúc”;

 

– Rằng ngọn lửa vẫn được truyền liên tục

Trong chương trình giáo dục thế hệ sau,

Để con em biết được bởi vì đâu

Cha mẹ chúng phải ôm sầu ly biệt;

 

– Rằng đất khách, người lưu vong gốc Việt,

Bao năm rồi vẫn đoàn kết trước sau,

Chẳng bao giờ khích bác tấn công nhau,

Chung vai gánh nỗi buồn đau mất nước.

                             ***

Nhưng chua xót, đó chỉ là mơ ước,

Những điều này thực tế được bao nhiêu.

Lòng người nay đã thay đổi quá nhiều,

Vì danh lợi nên sớm chiều trở mặt.

 

Dân trong nước thờ ơ không thắc mắc,

Kẻ ngoài về rặt nhắm mắt ăn chơi.

Đâu phải chỉ tại Trời,

Mà nước mất vào tay loài dị tộc.

Trần Văn Lương (CH8)

Cali, mùa Quốc Hận 2020

 

Visits: 77