Nếu Muốn Gửi Về

Thơ Trần Văn Lương

Dạo:

Người ơi, nếu muốn gửi về,

Thì xin gửi những gì quê hương cần.

Nếu Muốn Gửi Về

 

Hỡi người bạn vượt biên từ năm ấy,

Được Trời thương cho trẩy bước tới nơi,

Tạ ơn người dù đang sống thảnh thơi,

Vẫn nhớ đến những mảnh đời kẹt lại.

 

Bạn bối rối, ngập ngừng, băn khoăn mãi,

Muốn hỏi tôi, nếu hải ngoại có lòng,

Phải gửi gì về để giúp non sông,

Tôi xin được có đôi dòng suy nghĩ.

                        ***

Xin đừng gửi về những đồ xa xỉ,

Những món hàng mang hiệu Ý, hiệu Tây,

Người dân đen ăn không đủ mỗi ngày,

Làm sao dám mơ mòng hay ngấm nghé.

 

Xin đừng gửi về bên đây ngoại tệ,

Sẽ vào tay bọn đồ tể bưng biền,

Còn dân đen chỉ được phép dùng tiền

Mà bọn chúng có quyền in tùy tiện.

 

Xin đừng gửi những “phái đoàn từ thiện”,

Ồn ào về “ban phúc”, tiện mua danh,

Chỉ béo cho lũ giặc có quyền hành,

Vì có kẻ nuôi dân lành thay chúng.

 

Xin đừng gửi lũ con buôn lợi dụng,

Đem đô la về lũng đoạn thị trường,

Làm giàu cùng đám cán bộ bất lương,

Mặc dân Việt trơ xương nằm ngắc ngoải.

 

Xin đừng gửi bầy “xướng ca vô loại”,

Chúng giờ đây ở hải ngoại hết thời,

Bèn trở về kiếm chác chút tiền tươi,

Nên nịnh nọt, nói những lời trâng tráo.

 

Xin đừng gửi nhóm người ham danh hão,

Được bạo quyền bốc láo tận trời cao,

Nên quay về, quên khổ nhục năm nao,

Ra mắt sách xong ồn ào họp báo.

 

Xin đừng gửi những tấm thân già lão,

Lận tiền còm, diện áo gấm xênh xang,

Về cả đàn tìm cưới dọc cưới ngang

Những thiếu nữ tuổi đáng hàng con cháu.

                                ***

Nhưng hãy gửi điều bạo quyền muốn giấu,

Để toàn dân được thấu hiểu rõ ràng

Ai là người làm đất mẹ tan hoang,

Ai là kẻ đã và đang bán nước.

 

Xin hãy gửi về quê hương kiến thức

Của người dân một đất nước tự do,

Biết đòi quyền được hạnh phúc ấm no,

Giúp vạch mặt bầy Cộng nô ác đức.

 

Nhưng trên hết xin gửi về tin tức,

Mà chúng tôi hằng háo hức muốn nghe:

– Rằng những người đang vất vưởng xa quê,

Vẫn còn giữ lời thề khi bỏ xứ;

 

– Rằng tuy sống nương nhờ nơi lữ thứ,

Lá Cờ Vàng vẫn rạng rỡ tung bay,

Vẫn được người tỵ nạn giữ trên tay,

Khắp các chốn vẫn đêm ngày hiện diện;

 

– Rằng khi có những chương trình thắp nến,

Dù xa xôi người vẫn đến thật đông,

Muôn câu ca, vạn ánh lửa một lòng,

Cùng nhớ tới thời biển Đông lận đận;

 

– Rằng đời sống dù muôn ngàn thứ bận,

Chẳng ai quên ngày Quốc Hận đau thương,

Người mang danh tỵ nạn vẫn xuống đường

Điểm mặt lũ gây nên trường đại họa;

 

– Rằng người Việt vẫn giữ gìn văn hóa,

Dù đêm ngày vất vả nẻo tha phương,

Vẫn không hề quên truyền thống quê hương,

Vẫn hành động đúng luân thường đạo lý;

 

– Rằng tiếng Việt được bảo tồn thật kỹ,

Không học đòi lũ khỉ ở bên kia,

Cứ “từ” này, “cụm từ” nọ tía lia,

Hết “tản mạn” lại “cực kỳ” “bức xúc”;

 

– Rằng ngọn lửa vẫn được truyền liên tục

Trong chương trình giáo dục thế hệ sau,

Để con em biết được bởi vì đâu

Cha mẹ chúng phải ôm sầu ly biệt;

 

– Rằng đất khách, người lưu vong gốc Việt,

Bao năm rồi vẫn đoàn kết trước sau,

Chẳng bao giờ khích bác tấn công nhau,

Chung vai gánh nỗi buồn đau mất nước.

                             ***

Nhưng chua xót, đó chỉ là mơ ước,

Những điều này thực tế được bao nhiêu.

Lòng người nay đã thay đổi quá nhiều,

Vì danh lợi nên sớm chiều trở mặt.

 

Dân trong nước thờ ơ không thắc mắc,

Kẻ ngoài về rặt nhắm mắt ăn chơi.

Đâu phải chỉ tại Trời,

Mà nước mất vào tay loài dị tộc.

Trần Văn Lương (CH8)

Cali, mùa Quốc Hận 2020

 

Views: 77

Chào người đội nón

Thơ Hoài Ziang Duy

Chào em anh giở nón ra
Chào nhân gian xuống định ra duyên phần
Ở đây một chốn phân thân
Đằng kía xóm vắng đâu cần hỏi han
Lệ làng cứ phải gặp quan
Cúi đầu vâng dạ bắt quàng kết thân
Còn thương tỏ dạ ân cần
Nắng kia sáng tỏ mãn phần đưa xa

Chào em anh bước vô nhà
Có ngôi chủ thứ trông ra khứ hồi
Đếm qua cây cảnh núi đồi
Mây kia bay khuất chỗ ngồi đổi thay
Nghĩa thời tình dụng hai tay
Rừng kia thêm lá gỗ thay một màu

Chào em anh đội nón vào
Phòng khi trời nắng ba đào quàng xiên
Đôi khi bước lạc đảo điên
Giả, chân, có lúc thánh hiền dột mưa
Nón theo thế cuộc thời xưa
Cần khi đem xuống, đong đưa, đội vào.

Hoài Ziang Duy

Views: 8

Chim Hồng Yến Sẽ Bay Lượn Đâu Đây

Thơ Lê Văn Bỉnh

Tháng Chín này em có về đây hội ngộ
Chim hồng yến* sẽ bay lượn đón em
Cất tiếng hót hân hoan chào thêm một lần gặp gỡ
Ai sẽ ra phi trường
Hồi hộp đón em
Bảng số xe có thể làm em ít nhiều bối rối
Xin hãy bỏ qua cho sự tình cờ
“Virginia is for lovers” **
Nếu hàng chữ này chỉ dành riêng cho “chúng mình” trong phút giây ngắn ngủi
Cũng là hạnh phúc anh hằng mơ ước
Có một thời không thể nào bày tỏ được

***
Tháng Chín này bạn có về đây hội ngộ
Cùng nâng ly rượu vang đỏ địa phương
Cho một chút ấm lòng
Thêm vài ly dành cho bạn bè vắng bóng
Một phút trầm tư kẻ trước người sau
Có một thời chúng mình say sưa lý tưởng
Háo hức tung cánh bay về các tỉnh quận xa xôi
Tuổi trẻ kia những toan đội đá vá trời
Rồi một hôm bầu trời sụp đổ
Mộng cao cao ảo ảnh phù du
Kẻ vào tù
Người phiêu bạt trên những xứ lạnh tuyết băng

***
Gánh nặng cuộc đời đôi vai em trỉu xuống
Những lo toan đất lạ trán bạn nhăn nheo
Bụi thời gian chúng ta giủ phủi cho nhau
Tất cả như sẽ qua mau thật mau
Khi những tia mắt ấm đan nhau biển đời sẽ lặng

***

Tháng Chín này em có về đây hội ngộ
Tháng Chín này bạn có về đây gặp gỡ
Gíó mùa thu thủa ban sơ nhắc nhở
Gió mùa thu giấc mộng cũ lại đong đầy
Chim hồng yến sẽ bay lượn đâu đây
Hót chào những tấm lòng
Vẫn với nhau như những ngày xưa ấy

Lê Văn Bỉnh

Tháng 6/2019

*Cardinal, con chim biểu tượng cho tiểu bang Virginia
** DMV design, trên hầu hết các bảng số xe tiểu bang Virginia

Views: 24

Tháng Tư Buồn

THƠ Út Cai Lậy *

Bốn bốn năm dân vẫn còn thống khổ
Từ ngày buồn của tháng mất Quê tôi
Tên Sài Gòn chỉ tạm thế tên thôi
Vẫn sống mãi trong lòng dân nước Việt
Bỏ nước ra đi lòng buồn tha thiết
Nhớ gia đình nhớ phố cũ trường xưa
Nhớ con đường vào những buổi chiều mưa
Tiếng mì gõ tiếng rao hàng phố vắng
Rồi lại nhớ những trưa hè rực nắng
Phượng sân trường nhắc nhở đến mùa thi
Lệnh động viên các Anh bước chân đi
Theo tiếng gọi núi sông xa bạn cũ
Ghi tên tòng quân sống đời quân ngũ
Xếp bút nghiên bỏ mộng ước tương lai
Ngoài sa trường chiến đấu thật hăng say
Mong đất nước thanh bình dân no ấm

Chốn địa đầu Tết không hoa tươi thắm
Pháo đì đùng thay bởi ánh hỏa châu
Mẹ và cha đã thức suốt canh thâu
Đêm trừ tịch vắng con lau nước mắt

Anh lính trẻ nhớ nhà lòng đau thắt
Mong thanh bình sớm trở lại như xưa
Cuối tháng tư trời vần vũ cơn mưa
Báo hiệu trước một tương lai đen tối

Hãy vùng lên thế hệ đang tiếp nối
Nắm tay nhau cùng “phất ngọn cờ vàng”
Để dân mình thoát khỏi cảnh lầm than
Sống Hạnh phúc An lành trên đất Mẹ

Út Cai Lậy

* Út Cai Lậy là bút danh của hiền thê anh Lê Phước Ninh ĐS16

Views: 138

Cầu Xưa

THƠ Lê Văn Bỉnh

Cầu xưa đã gẫy bao năm trước
Người ở bên kia kẻ bên này
Thương nhớ chờn vờn sâu đáy nước
Huynh đệ lờ mờ khói sóng bay

Tôi đi lặng lẽ người thua cuộc
Cuộc chiến đạn bom máu mặn môi
Cuộc tình trai trẻ tim đau buốt
Đành đứng chơ vơ một góc trời

Nhiều khi mơ thấy người năm cũ
Không còn dao động thủa ban xưa
Đôi lúc nghe người thù quá khứ
Một lời chào thôi ngại dối lừa

Em nói tôi nay là kẻ khác
Tôi biết mình kẻ thật vô tình
Anh bảo tôi xa lơ xa lắc
Tôi hiểu mình trong cuộc hành trình

Kẻ thua cuộc một người đã hết
Chết tình yêu lịm cả tình người
Chỉ sống lại bạn bè mỏi mệt
Trong xót xa may thấy nụ cười.

Tôi soát lại những gì còn mất
Có một thời tôi đã nên người
Rồi sau đó lìa xa Cõi Thực
Mất cội nguồn hồn xác tả tơi

Tôi tò mò thêm câu ngắn ngủi
Hỏi cầu xưa xây lại hay chưa
Ai lại muốn suốt đời thui thủi
Sang bên kia … đôi lúc mong chờ

Lê Văn Bỉnh

Tháng Tư 2019

Views: 415

Nỗi Đau Buồn Tháng Tư

Tam Bách Đinh Bá Tâm

Ngày 21-4-75, dân Long Khánh trên đường đào thoát cộng sản

Đối với người Việt ở hải ngoại, hay cả người Việt yêu chuộng Tự do trong nước, 30 tháng Tư là ngày đau buồn nhất, kể từ năm 1975 và mãi mãi về sau. Riêng với tôi, một cựu công chức tốt nghiệp trường QGHC Sàigòn, đã từng phục vụ tại một quận nhỏ bé nhưng là một chiến trường thật sôi động, thì ngày tháng đau buồn đáng ghi nhớ bắt đầu từ 20 tháng 4, 1975. Nơi đó quân ta đã anh dũng chống trả với ba sư đoàn Việt Cộng trong gần nửa tháng. Sau đó, chúng tôi cùng với Sư đoàn 18 của tướng Lê Minh Đảo và các quân cán chính tại địa phương đã triệt thoái khỏi quận Xuân Lộc tỉnh Long Khánh, qua mật khu Bình Giã, về Bà Rịa, tỉnh Phước Tuy.

Sau gần sáu giờ hãi hùng di chuyển dưới đạn pháo của địch bằng xe jeep dân sự của quận, chúng tôi đã về đến Phước Tuy an toàn. Sau này chúng tôi mới biết rằng số quân nhân, sĩ quan đã hy sinh trong trận di tản này khá nhiều, trong đó có Trung tá Tiểu khu phó bị tử trận, Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng bị thương và bị địch bắt … Đoàn người di tản phải dừng lại ở Bà Rịa để kiểm tra. Quân nhân được tái phối trí để lập tuyến phòng thủ thủ đô Sài gòn. Cán bộ, công chức được phép về Sài gòn hay các tỉnh phụ cận…. Khi xe chúng tôi dừng lại ở Thủ Đức để ăn sáng đã nghe tin đồn có một số du kích đêm trước lẻn về tuyên truyền, kêu gọi dân chúng chuẩn bị “đón tiếp quân giải phóng”! Chúng tôi về đến Sài gòn vào buổi trưa. Sau đó tôi lái xe đưa các các nhân viên trong đoàn di tản ra bến ôtô bus để họ đón xe về nhà… Mọi người lưu luyến chia tay để rồi từ đó, bốn mươi năm qua, tôi chưa bao giờ gặp lại họ, những nhân viên đã đồng cam cộng khổ với tôi trong suốt thời gian ở Xuân Lộc, cũng như trên đường di tản đầy hiểm nguy đêm ấy …

* * *

Không khí tại Sài Gòn những ngày hạ tuần tháng Tư thật căng thẳng. Chúng tôi cho đục nền nhà, làm thang gác xuống nhà bố mẹ vợ tầng dưới để tránh pháo kích. Ngoài phố, người dân hối hả tìm đường di tản ra nước ngoài… Một buổi tối, bố mẹ vợ tôi đến thăm, ôm hôn giã từ các cháu nhỏ. Một ông chủ đóng tàu thân thiết với ông nhạc tôi đã hứa cho gia đình bố mẹ vợ tôi cùng đi ! Nhưng hai hôm sau, ông chủ tàu đã thất hứa, lo bôn tẩu trước!

Những ngày sau đó, tôi đi lang thang đến nhà bạn bè, hy vọng gặp vận may để tìm đường di tản. Vô vọng, tôi bước vào rạp Cinê Nguyễn Văn Hảo trên đường Trần Hưng Đạo, xem một phim Pháp. Như thường lệ, trước khi xem phim, khán giả đứng lên nghiêm chỉnh chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà. Nhìn lá cờ thân yêu đang phất phới trên màn ảnh lớn trước mắt, bỗng nhiên tôi nhớ đến lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới trong ánh lửa pháo kích của địch sau lưng chúng tôi như vẫy tay giã biệt, khi chúng tôi rút khỏi chiến trường Xuân Lộc mấy ngày trước đó …Hôm nay, chào lá quốc kỳ thân yêu trong một rạp hát ở Sài gòn, tôi có cảm giác mình lại phải di tản một lần nữa, trước khi Cộng Sản vào đây. Nhưng đi đâu, bằng cách nào ? Hai giòng lệ ứa ra, lăn dài xuống đôi má hóp, nhạt nhoà đôi mắt mang kính cận của tôi lúc ấy! Tôi không còn lòng dạ nào xem hết cuốn phim, bèn bước ra khỏi rạp với tâm trạng lo lắng bồn chồn!

Chiều ngày 26-4, tôi đứng trước nhà nghe tin tức, bên cạnh vợ đang bế con gái út mới hai tháng tuổi. Các con khác đã đi học về, đang quây quần chơi với mẹ. Ông Đại úy Hải quân ở cạnh nhà tôi, đậu xe đậu lại nói nhỏ với tôi:

-Tàu chúng tôi rời bến đêm nay. Ông và gia đình có muốn đi với chúng tôi, hãy chuẩn bị sẵn sàng. Khoảng mươi lăm phút nữa, tôi sẽ xuống đây chở ông bà đi ngay…

Thấy tôi do dự, ông ta nói tiếp:

-Bằng mọi cách, mình phải đi thôi! Sĩ quan như tôi, công chức như ông, chúng nó vào đây sẽ giết hết! Tôi di cư từ Bắc vào Nam năm 54, đã từng nếm mùi Cộng Sản rồi ông ạ. Đi thôi, đừng do dự gì cả!

Tôi quay sang vợ đang lo lắng nhìn tôi. Tôi nhìn ba đứa con tuổi từ ba đến năm tuổi đang đứng quanh mẹ chúng, cười nói vô tư. Đứa con gái út mới hai tháng, còn lim dim ngủ trong vòng tay mẹ. Tôi bỗng do dự: đi hay ở?

Tôi quay sang nói với vợ:

-Các con còn bé quá, làm sao chịu nổi sóng gió mà đi. Hơn nữa em mới sinh xong, còn yếu lắm…!

Vợ tôi im lặng trao cô bé út cho bà ngoại, bước lên lầu bỏ quần áo tôi vào chiếc túi xách du lịch. Đoạn đến bên tôi, tháo chiếc nhẫn vàng đeo vào tay tôi, nói nhỏ:

-Anh cứ để mẹ con em ở nhà với bố mẹ. Đừng lo chi cả! Anh cứ đi một mình. Việt Cộng vào đây, anh sẽ bị hiểm nguy như ông Đại úy nói đó!

Tôi nhìn nàng, người vợ đã từng lo lắng chờ đợi tôi gần nửa tháng khi địch quân bao vây quận Xuân Lộc. Người vợ đã có ý tưởng hy sinh cuộc sống chính mình và bốn con thơ để tôi ra đi một mình. Tôi bỗng liên tưởng đến truyện Anh Phải Sống của Khái Hưng, trong đó người vợ buông mình theo giòng nước lũ sông Hồng, để chồng sống sót, nuôi ba con thơ dại… Giờ đây nỡ nào tôi ra đi một mình, để nàng với bốn đứa con nhỏ ở lại hay sao? Đã ra đi, làm sao có thể trở lại, khi quê hương đất nước bị Cộng sản thống trị. Và rồi vợ chồng sẽ mãi mãi chia lìa; các con sẽ mãi mãi không gặp lại bố…Thế thì tôi ra đi làm gì? Khi ông Đại úy trở lại, hỏi tôi đã chuẩn bị xong chưa để ra đi, tôi im lặng lắc đầu … Ông nhìn tôi, ánh mắt ngạc nhiên lẫn buồn rầu. Đó là lần cuối cùng chúng tôi nhìn nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau…

Sài gòn vào những ngày gần cuối tháng Tư năm ấy, trở nên hoảng loạn. Tin tức chiến sự bi quan từng ngày. Đêm 25 tháng 4, Tổng thống Thiệu lên TV trần tình về tình hình đất nước, đổ lỗi cho người Mỹ không viện trợ đầy đủ cho Việt Nam Cộng Hoà để ngăn chặn làn sóng CS xâm lăng…Sau đó dùng xe hơi riêng, cùng đoàn tùy tùng lên máy bay của Đại sứ Mỹ ra đi… Những đêm kế tiếp, VC từ bên kia sông Sàìgòn pháo kích vào thành phố. Ban ngày người ta đi hôi của tại các nhà giàu đã di tản…

Đến sáng ngày 30 tháng Tư, một người chú của tôi đã chạy trốn Việt Cộng từ Miền Trung, vội chạy đến đến hốt hoảng nói với tôi:

-Cháu ơi! Việt Cọng đã vào đến Hoà Hưng rồi … Liệu tìm đường mà chạy đi thôi!

-Nhưng thưa chú, chạy đi đâu bâu giờ?

Chú cháu nhìn nhau, đau buồn và tuyệt vọng…

Đến 10 giờ rưỡi trưa, nhạc trên đài phát thanh Sài gòn vụt tắt.… Có tiếng của tướng Dương Văn Minh, nhân danh Tổng thống và Tổng tư lệnh quân lực Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh cho các đơn vị quân đội đầu hàng…Sau đó là tiếng hát, tiếng đàn ghi ta của Trịnh Công Sơn, vang lên ca khúc phản chiến “Nối Vòng Tay Lớn”…Tôi ngồi phịch xuống giường, nhìn trừng trừng vào chiếc Radio vừa phát ra những lời kêu gọi đầu hàng, buồn rầu vô hạn. Hai dòng nước mắt thất vọng và căm tức chảy dài xuống má! Hỡi ôi! Cuộc chiến đấu bảo vệ Tự do của quân dân cán chính Miền Nam đã kết thúc nhanh chóng và tủi nhục như thế này sao?

Trưa hôm ấy, tôi bước ra ngoài để xem quang cảnh náo động ngoài đường. Người ta đổ xô đi làm quen với những “chú bộ đội”, với dép râu nón cối, súng AK kè kè bên hông…Người ta ngắm nhìn họ như những “sinh vật lạ” mà lâu nay chỉ nghe, chứ chưa thấy tận mắt. Người ta hỏi những câu ngô nghê chỉ cốt làm quen với đám “chủ mới”, đầy quyền uy với súng đạn và bạo tàn! Trên đường phố, xe hơi quân sự chạy qua chạy lại, với những “tên cách mạng giờ thứ 25” , với băng đỏ quấn cánh tay, mồm la hét trong những chiếc loa cầm tay, náo động cả khu phố! Có tin đồn về một cảnh sát viên của “chế độ cũ” vừa tự tử ở “ngã tư quốc tế”, không xa nhà chúng tôi…Rồi một sĩ quan tự kết liễi đời mình cạnh bức tượng Thủy Quân Lục Chìến ở cuối đường Lê Lợi, Sài Gòn…

Khi trở về nhà, tôi gặp một người láng giềng trong cư xá công chức gia đình tôi ở từ lâu. Anh này trước đây thỉnh thoảng hỏi thăm tôi mỗi khi tôi từ Quận về phép. Anh chỉ chiếc xe Jeep dân sự của quận Xuân Lộc đậu trước nhà – chiếc xe tôi đậu nơi đó từ ngày di tản từ Xuân Lộc về đây:

-Xe riêng của anh, hay xe của Quận anh làm việc đó?

Tôi trả lời “người bạn tốt” mà tôi quen từ khi anh ta vào ở cư xá này:

-Tôi làm gì có tiền mua xe?…Đó là công xa của quận, mang số ẩn tế, anh thấy đó !

Anh ta “cảnh báo” tôi:

-Anh liệu mà giao nộp sớm cho “mấy ông cách mạng”, kẻo sau này rắc rối lắm đó!

Sau này tôi mới biết “người bạn tốt” mà tôi tưởng lầm bấy lâu nay, lại là tay VC nằm vùng, nhận nhiệm vụ, theo dõi tôi – cũng như những “đối tượng” khác từ lâu! Chẳng bao lâu sau, anh ta lên làm “tổ trưởng dân phố” trong cư xá.

Nghe người bạn lên tiếng “cảnh báo”, tôi sực nhớ những đến giấy tờ, khuôn dấu mang theo từ quận Xuân Lộc. Tôi gói ghém những khuôn dấu của cơ quan hành chánh quận Xuân Lộc, bỏ vào túi, đem đi ném xuống sông Sài gòn …Theo sử sách, trong trận vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm 1789, tướng Tàu Tôn Sĩ Nghị đã vội vã một mình một ngựa, không kịp mang giáp trụ, trốn chạy với đám loạn quân, bỏ lại cả ấn tín…Còn chúng tôi, mặc dù phải rút lui khỏi trận địa Xuân Lộc, chúng tôi vẫn trật tự nghiêm chỉnh, vẫn không để những khuôn dấu quận Xuân Lộc – biểu tượng của nền hành chánh Việt Nam Cộng Hòa – rơi vào tay kẻ địch! Nhìn giòng nước cuồn cuộn chảy, nhận chìm những khuôn dấu đã từng quen thuộc với chúng tôi trong hơn hai năm làm việc tại quận Xuân Lộc, mà lòng buồn vô hạn!

Bỗng nhiên tôi nhớ đến một buổi chiều mùa đông âm u bên bờ sông Vệ cuối năm 1954. Hôm ấy gia đình chúng tôi đang chờ chiếc đò bên kia sông sang chở khách. Bên kia sông, lá cờ vàng đang phất phới tung bay trong gió đông, gợi trí tò mò lẫn ước mơ của cậu thiếu niên đã sống chín năm trong tăm tối của Việt Minh! Bên kia sông là cuộc sống huy hoàng, là tương lai tươi sáng mà cậu thiếu niên và gia đình đang mong ước, chờ đợi. Hai mươi mốt năm sau, vào buổi chiều cuối tháng 4 năm 1975, tôi ngồi bên bờ sông Sài Gòn, nhìn làn nước đục trôi đi mà nghĩ đến thân phận mình, tương lai và gia đình mình, đến những người bạn “đồng cảnh ngã ngựa” không biết ngày mai những “kẻ thắng cuộc” sẽ ra “đòn thù” thế nào đây?

* * *

Sáng hôm nay, một buổi sáng đầu tháng Tư của Mùa Quốc Nạn, nắng ấm rực rỡ chan hoà vùng đất tỵ nạn miền Nam California. Tôi đi giữa đại lộ Bolsa thênh thang mà nhớ đến những ngày tháng cũ khi chiến trường Việt Nam sôi sục vào thời điểm bốn mươi năm trước. Chiến tranh đã tàn từ lâu, nhưng những ám ảnh về ngày tháng u buồn năm xưa vẫn theo đuổi tôi suốt một quãng thời gian dài gần nửa thế kỷ; suốt một quãng đường dài gần nửa vòng trái đất. Từ trại tập trung Cộng sản ở miền Nam ra miền Bắc Việt Nam.; và rồi mười năm sau, từ một đất nước mất cả độc lập, dân chủ lẫn tự do… tôi đã đến một xứ sở ấm no hạnh phúc, đầy đủ tự do, nhân quyền này… Xứ sở ấy cách xa cách quê hương cũ của tôi đến nửa vòng trái đất, đến một Thái Bình Dương bao la bát ngát . Tôi đã nhận nơi này làm quê hương thứ hai, với tất cả sự cảm mến chân thành…

Khi tôi đậu xe trước một khu chợ đông đảo khách hàng người Việt, bỗng thấy một người hát rong đang ôm đàn, hát một ca khúc mà đã lâu lắm tôi chưa được nghe. Đó là một thanh niên gốc Việt trẻ tuổi, đứng bên chiếc xe hơi cũ, trên mui có đặt chiếc loa thùng, tay cầm chiếc micro… đang say sưa hát bài Một Mai Giã Từ Vũ Khí của cố nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân. Tiếng người ca sĩ trẻ đầy xúc cảm, vang vang trong khu đậu xe trống vắng vào buổi sáng tinh sương, giữa lòng phố chính khu Little Sài Gòn. Tôi im lặng đứng nghe, lòng rưng rưng theo tiếng ca trầm bổng nức nở , sâu lắng của anh:

Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn

Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi Ngoài con tim héo em ơi

Xin trả lại đây, bỏ lại đây Thép gai giăng với lũy hào sâu

Lỗ châu mai với những địa lôi

Ðã bao phen máu anh tuôn, cho còn lại đến mãi bây giờ…

Chàng trai trẻ kia, khi “chinh chiến tàn”, có lẽ hãy còn bé lắm. Nhưng bố anh, người chiến sĩ can trường của những ngày cuộc chiến sôi sục trước năm 1975, có lẽ đã nằm xuống khi chiến cuộc chưa tàn! Máu ông đã tuôn ra, với ước mơ về “một ngày chinh chiến tàn”. Để rồi khi ngưng tiếng súng ngoài chiến trận, “đất nước thống nhất”, máu người dân tiếp tục tuôn rơi trước mũi súng đàn áp tàn bạo của “chính quyền cách mạng”! Và hàng triệu người đã tìm mọi cách bỏ nước ra đi, hàng nghìn người đã bỏ xác ngoài biển cả, trong các trại cải tạo của CS…!

Hôm nay, những ngày gần đến tháng Tư đau buồn, tiếng hát của anh gợi đã gợi lại trong tôi tôi vết thương lòng bốn mươi năm về trước… Hãy hát lên đi, hát nữa lên đi hỡi những người trẻ tuổi Việt Nam của thế hệ hôm nay. Để tiếng hát xoá đi nỗi u buồn, đớn đau của những ngày Sài gòn sụp đổ. Để tiếng hát xua đi những tăm tối hiện tại, làm bừng lên chút ánh sáng tươi đẹp cho một thế giới huy hoàng trong tương lai. Nơi đó sẽ không còn độc tài tham lam, không còn gông cùm đấu tố, không còn áp bức bạo tàn…

Tam Bách Đinh Bá Tâm (ĐS 12)

Views: 237

Trăng Rọi Sông Dài

Trần Bạch Thu

Tôi rời Kontum chiều ngày 8 tháng 3 năm 1975 trên chuyến bay của hãng Hàng Không Việt Nam cùng với một số viên chức thuộc tỉnh như Ty Xã Hội, Công Chánh, Sở Học Chánh cũng như Trung Tâm Bình Định Phát Triển để dự phiên họp tổng kết chương trình định cư, khẩn hoang lập ấp (KHLA) của địa phương tại Phủ Phó Thủ Tướng. Trong thời gian họp ở Sài Gòn báo chí và đài truyền thanh, truyền hình loan tin Cộng quân tấn công Ban mê Thuột ngày 10 tháng 3 năm 1975 và chỉ ba ngày sau là hoàn toàn thất thủ.
Họp xong ở Phủ Phó Thủ Tướng tôi về trình diện Bộ Nội Vụ vì Hàng Không Việt Nam đã hủy tất cả các chuyến bay về cao nguyên trong đó có Kontum và Pleiku. Văn phòng Phụ tá Đặc Biệt Tổng Trưởng Nội Vụ gọi điện giúp đăng ký chuyến bay quân sự về Pleiku ngày 16 tháng 3 năm 1975. Sáng hôm ấy tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất cùng với Trung Tá Lộc, Quận trưởng Quận Kontum lúc 6 giờ sáng chờ chuyến bay đi Pleiku. Sau gần hai giờ chờ đợi, nhân viên phụ trách chuyến bay thông báo vì lý do an ninh chuyến bay bị hủy bỏ. Kế hoạch Di Tản Chiến Thuật bắt đầu đúng vào ngày nầy.

Chỉ một tuần lễ sau, quân dân hỗn loạn từ cao nguyên đã lần lượt tràn về tới miền duyên hải, mọi người đang cố gắng nhanh chóng đi về Nha Trang, Khánh Hòa vì có tin đồn không biết do đâu là đã có thỏa thuận cắt đất từ vĩ tuyến 13 trở ra sẽ thuộc quyền kiểm soát của Chánh phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Lúc nầy thời sự biến chuyển rất nhanh chóng, không thể tưởng tượng được, bộ đội Bắc Việt tràn tới đâu, dân chúng chạy tránh tới đó, cứ càng xa vào trong Nam càng tốt và cảm thấy an toàn hơn.

Tình hình chiến sự dồn dập và lan nhanh khiến cho mọi người xôn xao bàn tán khắp mọi nơi trong thành phố. Suốt thời gian nầy tôi ở Sài Gòn trong khi các viên chức di tản về tới Sài Gòn càng lúc càng đông nên giới chức ở Bộ cho phép đặt luôn Văn phòng đại diện tỉnh cạnh Bộ để điều hành các công việc thuộc tỉnh và làm công tác tiếp nhận các viên chức di tản từ Kontum về Sài Gòn, chủ yếu là xác minh nhân viên thuộc tỉnh để họ được lãnh tiền và nhận thực phẩm cứu trợ. Mỗi người trên đường di tản về Sài Gòn là môt câu chuyện thương tâm đầy nước mắt. May rủi khôn lường.

Ngày 30 tháng 3 tin Đà Nẵng thất thủ làm rúng động toàn miền Nam nhưng cũng chưa có dấu hiệu gì hoảng hốt vì còn “quân mạnh tướng bền.” Cho đến khi Mặt trận Phan Rang bị tràn ngập ngày 15 tháng 4 và Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi bị địch bắt sống thì sự hoang mang, dao động lên đến tột độ. Một tuần lễ sau, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu từ chức, mọi người bắt đầu tìm mọi cách để di tản. Bắt đầu là các nhân viên làm sở Mỹ và thân nhân có danh sách di tản ở Tòa Đại Sứ Mỹ hay Phi trường Tân Sơn Nhất.
Một số bạn bè thân thiết và người quen đề nghị tôi nên ra đi theo họ. Đến lúc nầy tôi vẫn chưa tin rằng miền Nam bại trận vì ít nhất VNCH cũng còn làm chủ một số tỉnh thuộc quân đoàn 3 và quân đoàn 4 với đầy đủ lực lượng và phương tiện chiến đấu. Về phương diện chính trị các tổ chức và phe phái tại miền Nam qua tin tức từ trại Davis, trụ sở Ủy Ban Liện Hợp Quân Sự bốn bên đã áp lực Tổng Thống Thiệu từ chức thì sẽ có đàm phán về một thể chế chính trị hòa hợp hòa giải cho miền Nam. Sau khi Phó Tổng Thống Hương lên thay thì lại có tin là chỉ có Đại tướng Dương Văn Minh mới có đàm phán. Đến đây thì tình hình gần như nguy ngập. Tướng Nguyễn Cao Kỳ hô hào tại xứ đạo Tân Sa Châu kêu gọi tử thủ không di tản ra nước ngoài “không có mắm tôm mà ăn” nhưng lại không có lực lượng. Tướng Nguyễn văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn 3 và một số viên chức cũng như đảng phái dự tính một cuộc đảo chánh.

Đến khi Đại tướng Dương văn Minh nhận quyền từ Tổng Thống Trần văn Hương trong phiên họp khoáng đại lưỡng viện quốc hội cũng còn hiệu triệu quân nhân các cấp hãy giữ vững tay súng. Nội các Vũ văn Mẫu đang còn sắp xếp nhân sự, ra tuyên cáo yêu cầu người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam và thông tin là sắp có giải pháp hòa bình thì các sư đoàn Bắc Việt đã vây kín Sài Gòn.

Sáng ngày 28 tháng 4 năm 1975 ba anh em tôi ra bến Bạch Đằng ăn sáng và bàn thảo chuyện xuống tàu di tản, đứa em kế là Hải quân cơ khí tại Hải quân công xưởng cho biết tình hình rất nguy ngập không thể nào chần chừ được nữa, mọi người đang chen nhau xuống tàu di tản càng lúc càng đông. Cho đến lúc đó, tôi vẫn không có ý niệm ra đi sống ở nước ngoài, lại càng không thể di tản, tránh đi một thời gian rồi trở về khi tình hình tạm lắng nên tôi quyết định không đi và thuyết phục các em là tình hình tuy xấu nhưng so với hồi tết Mậu Thân cũng chưa đến hồi tuyệt vọng. Vả lại dân chúng thì được, sau khi tình hình ổn định có quay về cũng không sao chứ quân nhân, công chức thì không được. Phần hy vọng rằng có thể có giải pháp hòa hợp hòa giải trên vùng đất còn lại nếu có cắt đất phân chia vùng lãnh thổ đôi bên. Đứa em thứ hai là Quân cảnh nên đồng ý là dĩ nhiên. Ăn xong ngồi uống chưa hết ly cà phê sữa đá, đứa em kế đã đứng lên đội kết-pi, sửa lại cho ngay ngắn rồi nói: “Thôi anh về nói với ba má em đi.”

Nhìn theo bóng quân phục màu xanh nước biển thu nhỏ dần sau cổng trại, hai anh em tôi không nói được lời nào, cũng không buồn đứng lên đưa tiễn, chỉ với tay lấy điếu thuốc Ruby quân tiếp vụ, bật lửa mồi thuốc và rời quán.

Đêm hôm ấy hai anh em qua Thủ Thiêm ngủ ở nhà người quen gần bến đò. Suốt đêm tàu đò qua lại đưa người vội vã di tản ra các tàu lớn. Những ngọn đèn dầu lấp lánh trên sông như bầy đom đóm. Xa xa ánh trăng chiếu loang loáng trên mặt nước lung linh rọi dài một vùng sương phủ mênh mông. Lặng thinh buồn rười rượi chờ sáng.

Sài Gòn thất thủ tôi ra trình diện học tập cải tạo theo diện ngụy quyền tại trường Nữ Trung học Trưng Vương đúng với nội dung thông cáo của Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn ghi rõ trại viên phải chuẩn bị quần áo, mùng mền vật dụng cá nhân và mang theo tiền để đóng tiền ăn trong một tháng. Khi nghe thông báo trên đài phát thanh cũng như trên báo “Sài Gòn giải phóng” về điều kiện và thời gian học tập cải tạo một tháng, các viên chức chế độ cũ hiện đang cư ngụ trong thành phố ai nấy đều đang hồi hộp chờ đợi sự thể ra sao, nay nghe được tin nầy mọi người rất hân hoan lo thu xếp để đến nơi trình diện đúng hạn.

Tôi về Mỹ Tho nói với mọi người về thông cáo trên, ai cũng có vẻ nghi ngờ vì số sĩ quan và viên chức trình diện ở Mỹ Tho đã bị nhốt hết vào trong khám đường rồi và nghe đâu đang chuẩn bị đưa vào trại Vườn Đào (Mỹ Phước Tây) để lao động, chớ có nghe học hành cải tạo gì đâu?

Lên Sài Gòn đúng ngày tôi trình diện ban đầu ở trường Gia Long, không ngờ mọi người đã đến rất đông từ sáng sớm nên đến phiên tôi, địa điểm trường Gia Long đã hết chỗ, cán binh cộng sản hướng dẫn sang trường Trưng Vương trình diện.

Khi đến nơi người đông như kiến, xếp hàng đôi dài dọc theo đường trước cổng trường. Lâu lâu chừng hai mươi phút, cán binh mở cổng cho từng tốp người vào độ năm phút thì ngăn lại và chờ, cứ thế cho đến xế trưa, số người được vào bên trong không biết là bao nhiêu, nhưng theo suy đoán có lẽ cũng sắp hết chỗ chứa. Quả thật khi đến lượt tôi vừa vào lọt bên trong thì nghe bên ngoài nhiều loạt súng nổ vì số người chen nhau tràn lên phía trước xô ngã cổng rào khi nghe cán binh thông báo đợt nầy là đợt cuối, những ai còn ở lại bên ngoài về nhà chờ lệnh mới.

Lạ thật, khi vào đến bên trong, xếp hàng đứng trước một dãy bàn, mỗi bàn có ba cán binh, nam có nữ có, còn rất trẻ, dáng điệu ở trong quê mới ra, ăn mặc đồ bà ba đen, trời nóng mà quấn khăn rằn, đội mũ tai bèo, hình như đọc chữ không được nên hỏi đi hỏi lại nhiều lần mặc dù đã trình giấy đăng ký rõ ràng và chỉ có một người viết danh sách nên mức độ tiếp nhận rất chậm. Sau khi đã ghi được vào danh sách, mọi người túa vào trong các phòng học, lo trải chỗ nằm chen chúc trên sàn gạch bông xen kẻ giữa các dãy bàn ghế còn nguyên tại chỗ, không được di dời đi nơi khác, lệnh cán binh đưa ra mọi người phải chấp hành, không được đi lại linh tinh. Hàng ngày có hai chuyến xe chở cơm nước tới, thấy có ghi bảng hiệu Nhà hàng Đồng Khánh.

Được ba ngày, tới ngày thứ tư, thình lình nửa đêm cán binh đến từng phòng tắt đèn, rọn đèn pin vào ra lệnh im lặng, khẩn trương tập họp dưới sân trường. Tất cả lặng câm trong bóng tối, cán binh cộng sản rọi đèn pin trên mảnh giấy nhỏ, đọc tên một số ít người tách riêng ra, trong số đó tôi biết có người là nhân viên Ngân hàng quốc gia.

Sau đó tất cả mọi người đều lên xe đò chở khách trên hai mươi chiếc di chuyển ra khỏi thành phố. Gió lạnh thổi phần phật trên những tấm bạt che kín cửa sổ, hòa lẫn với tiếng máy xe nổ đều đều. Mọi người cùng đưa mắt nhìn lơ đễnh về phía trước, không mường tượng được gì và lặng im bao trùm lên khoảng không gian bít bùng tối mờ mờ trong xe, nghe chừng như đang đi về nơi vô định.

Đến gần bốn giờ sáng, trời còn tối om, đoàn xe rẽ vào khu vực gồm nhiều dãy nhà bỏ trống. Một số người nhận ra ngay là làng Cô Nhi Long Thành do ông Tư Sự xây dựng trước đây, giờ đã bỏ hoang từ nhiều năm nay. Nhờ ánh sáng của mấy chục chiếc xe đậu xuôi ngược rọi chung quanh khu vực vắng vẻ mà đoàn người mới bước xuống xe nhanh chóng và xếp hàng trên những bãi đất trống, đến khi có lệnh của cán binh cộng sản từng tốp khoảng gần hai trăm người mới lần lượt túa vào trong những căn nhà trống trơn chỉ có tường chung quanh và vách ngăn thành ba, bốn buồng mà không có cửa. Mọi người tự do kiếm chỗ ổn định hành lý và tụ tập nhau thành từng khu gồm những người quen biết hoặc thân thiết nhau từ trước khi trình diện cải tạo.

Chờ đến sáng rõ, không thấy cán binh cộng sản ở đâu mọi người mới bắt đầu ra ngoài các bãi đất trống để quan sát. Ngoài những dãy nhà trống lợp tôn xi-măng còn lại toàn khu vực rộng lớn hoang vu chỉ mọc đầy cỏ dại cao gần nửa người, không có hàng rào chung quanh. Không có dấu hiệu có người sinh sống, không có nước. Gần đến xế chiều mới có một xe bồn loại nhỏ chở nước tới, cả ngàn người xếp hàng tới tối để nhận được một xô nước vì xe bồn cứ hết nước lại đi lấy và mọi người cứ xếp hàng chờ.

Ngày hôm sau mới có xe chở cơm tới với cá khô. Gần cả tháng trời như vậy, cán binh cộng sản mới điều động mọi người tự xây cất khu nhà bếp, căn-tin và ổn định phân chia thành tổ, đội trong từng nhà. Sau đó sửa chữa hội trường dã chiến, lợp tôn, đóng từng thanh gỗ ngang làm thành ghế ngồi hai bên trên nền đất.

Ban đầu, mỗi tuần cả trại lên hội trường nghe cán binh cộng sản thuyết giảng vài ngày, tối về sinh hoạt, kiểm điểm hoặc thu hoạch và thường thì đêm nào cũng có ca hát các bài ca cách mạng do các nhạc sĩ miền Bắc sáng tác trong thời kỳ chiến tranh, dần dần về sau là các bài ca mới do một số trại viên sáng tác. Thỉnh thoảng cũng có một vài cán bộ cao cấp vào trại thuyết giảng. Tôi còn nhớ có một lần cán bộ thuyết giảng là nhà văn Hoài Thanh với đề tài thơ văn Bác Hồ, điều làm tôi nhớ mãi không phải là nội dung của bài thuyết giảng mà là hình ảnh cứ chừng năm đến mười phút lại có một cán binh đến rót bia để sẵn trên bục cho diễn giả vừa ngụm bia vừa nói về văn thơ của Bác Hồ say sưa đến sùi bọt mà không biết là bọt mép hay bọt bia.

Gần nửa năm, chương trình học tập gồm 11 bài như Đế quốc Mỹ là kẻ thù số một; Nguỵ quân, nguỵ quyền là tay sai của Đế quốc Mỹ; Tình hình mới, nhiệm vụ mới. v…v… Trong thời gian học tập cũng có một vài đợt được trả tự do, cán binh cộng sản tung tin qua các Nhà Trưởng là chương trình học tập đã xong khiến mọi người ai nấy cũng đều hy vọng là sẽ được ra trại sớm. Sau đó cán binh cộng sản, một số chuyển sang mặc áo vàng và một số khác được thay thế bằng công an.

Trại bắt đầu tổ chức thành tổ đội lao động và bắt đầu xây tường rào kiên cố chung quanh trại và đồng thời sửa chữa các căn nhà trống trước đây thành các buồng giam có cửa. Các đội sinh hoạt theo tiếng kẻng báo giờ và chủ yếu là lao động ngày hai buổi theo chế độ, nội qui của trại giam từ đó. Không có chế độ thăm nuôi, chỉ được nhận quà của gia đình hằng tháng 5 kg theo địa chỉ hộp thư 15NV (“mười năm anh về.”) Cấm tiết lộ địa điểm, nơi giam giữ khi gởi thơ về cho gia đình xin quà.

Cải tạo tại Long Thành được một năm cho đến một buổi chiều sau khi cơm nước xong xuôi có kẻng tập họp bất thường, mọi người rất lo lắng về số phận của mình vì trước đó thỉnh thoảng cũng có tập họp như vậy, tôi còn nhớ có một buổi chiều trời chạng vạng cán binh cộng sản đi xe jeep tới trại và áp tải bốn người về Quảng Ngãi mà trong đó tôi có quen biết một người. Lần nầy cán bộ trại đọc danh sánh hơi dài hơn 250 người, sau đó được cách ly và cán bộ cho biết là sẽ di chuyển đến một nơi có điều kiện học tập, lao động tốt hơn.

Nhưng thật sự lại là một chuyến đi kinh hoàng hơn mấy lần trước, những người có tên trong danh sách bị còng tay lên xe tải chở xuống bến Tân Cảng, nửa đêm đem nhốt xuống hầm tàu Sông Hương mấy ngày đêm chở ra miền Bắc giam ở trại Phú Sơn, Bắc Thái. Khi Trung quốc tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979 thì được đưa về trại Ba Sao, Hà Nam Ninh. Đến năm 1982 lại bị còng tay đẩy lên xe lửa ở ga Phủ Lý xuôi Nam về trại Z30D, Hàm Tân.

Lúc ở trại Long Thành còn hy vọng được về trong vài ba tháng, đến giữa năm khi có chánh sách mười điểm của chính phủ Cộng Hòa Miền Nam công bố cải tạo từ một đến ba năm cũng còn hy vọng. Nhưng khi xuống tàu ra miền Bắc thì hết hy vọng, nhất là khi gặp lại các quân nhân bị bắt từ hồi Tết Mậu Thân năm 1968 cho đến nay vẫn còn giam rải rác ở trong các trại. Kinh hoàng hơn nữa khi biết được rằng một số quân nhân, viên chức từ thời 1954 vẫn còn bị giam giữ và số khác được thả ra nhưng bị chỉ định vùng cư trú vĩnh viễn ở các tỉnh miền Thượng du, Bắc Việt.

Lao động cải tạo đói rét trên miền Bắc đến năm thứ ba coi như đã kiệt sức, sống chết gần kề, không có chế độ thăm nuôi, thậm chí người thân còn chưa biết rõ là bị giam cầm ở đâu. Bệnh tật không thuốc men, mỗi sáng sau tiếng kẻng báo thức ra sân điểm danh, sạp nào còn phủ mùng thì tổ trưởng tạp dịch vào thu dọn đưa người không chịu dậy điểm danh âm thầm ra đồi đá bên kia suối. Có hôm một lượt có đến hai, ba người như thế thì may mắn hơn được bó chiếu đặt trên xe cải tiến và có nhiều người đi theo sau vì đồi đá bazan năm người đào một huyệt từ sáng đến chiều chỉ sâu được chừng một mét. Huyệt được phủ đá vụn, bằng phẳng, không ghi dấu. Tổ trường tạp dịch trước khi xuống đồi thường hay ngớ ngẫn đứng trước mộ không biết cầu nguyện gì mà không thấy làm dấu thánh giá hay chấp tay xá chỉ nghe lẩm nhẩm: “Người yêu người sống để yêu nhau” (Thơ Tố Hữu).

Người chết đã thế còn người sống ra sao? Đến muối mà còn phải pha nước màu làm bằng gạo rang cháy khét và mỗi bữa ăn chỉ được phát ba muỗng thì nói chi đến cơm gạo, chỉ bo bo và sắn lát làm chuẩn, mỗi người một chén sắt. Như thế cũng còn sống được miễn là đừng có nhận tin buồn gia đình tan nát ở bên ngoài vì có khi nhận được tin như thế lại lo buồn mãi là sẽ ra đồi đá sớm hơn.

Thư từ trại qui định chừng đôi ba tháng mới được viết một lá thư gởi về cho gia đình không được ghi địa chỉ nơi gởi mà chỉ ghi mã số giống như hồi ở trại Long Thành là 15NV và ít khi nhận được thư hồi âm. Thư qua kiểm duyệt của cán bộ trại giam, nếu không đúng mẫu thì bị kiểm điểm vừa không được gởi đi mà còn bị kỷ luật và phạt không được gởi thư lần tới.

Một số tù nhân, trước kia khi di cư vào Nam hồi năm 1954 còn thân nhân ở lại miền Bắc nay đã trở thành cán bộ là được thăm nuôi cũng chỉ có vài ba ký đường, kẹo bánh và thuốc lào, một số khác được bảo lãnh ra khỏi trại, chính nhờ số anh em nầy mà một số anh em thân tình mới gởi được thư “chui” nhờ đem ra Hà Nội gởi về cho gia đình. Tôi cũng gởi được một lá thư về cho gia đình với nội dung thực sự là không biết được ngày về và nói với mẹ rằng con sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn, may ra nếu còn sống con sẽ trở về với gia đình.

Năm năm sau mẹ tôi ra Bắc lần đầu tiên thăm nuôi. Từ Cai Lậy lên Sài Gòn ngủ qua đêm, hôm sau theo đường xe lửa mất mấy hôm mới ra đến ga Phủ Lý, Nam Định rồi thuê xe trâu cùng với vài người nữa cũng đi thăm nuôi cùng vào trại Ba Sao.

Đường vào trại ngoằn ngoèo, quanh co, hai bên vách núi đá vôi lởm chởm, nhô ra nhiều hình thù trông rất là kỳ quái. Được non chừng mười hai cây số thì xuống xe bên đường lộ đá, sau đó thuê người gánh quà đi dọc theo đường đất chừng non cây số thì đến khu nhà thăm nuôi nghỉ qua đêm, hôm sau mới được gặp thân nhân. Trại Ba Sao có ba phân trại A, B và C. Tôi ở phân trại C là phân trại trước tiên, vào thêm độ năm cây số nữa là phân trại A và cuối cùng nằm sâu trong vách núi là phân trại B.

Thời gian gặp mặt ngắn ngủi quá, tôi có hỏi về mọi chuyện, nhưng mẹ nói nhà mình khổ quá, cũng không biết cô Trâm ra sao nữa, mẹ nói thỉnh thoảng hai đứa em gái tôi làm ở tổ hợp bánh kẹo tại thị trấn đi Sài Gòn mua hàng cho tổ hợp thỉnh thoảng có ghé nhà anh Suy vẫn còn ở trong chung cư Nguyễn Thiện Thuật nhưng cũng không có tin tức gì nhiều về cô Trâm ngoài Kontum. “Nhưng chắc cũng khổ như nhà mình.” Mẹ tôi nói trong nghẹn ngào.

Trên đoạn đường từ căn nhà tranh vách đất làm nơi thăm nuôi về đến cổng lán trại tôi khóc mù mịt, không thấy đường thấy xá gì cả cho đến khi anh bạn tạp dịch thuộc đội nhà bếp nhắc nhở là nên bình tỉnh thì cán bộ kiểm tra quà thăm nuôi sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tôi cố gắng mím môi quẹt nước mắt cho thật khô, nhưng đến khi cán bộ dỡ ra xem, kiểm tra từng món quà mà mẹ tôi đem từ Nam ra Bắc thăm nuôi thì tự nhiên nước mắt tôi ứa ra không cầm lại được nữa.

May mắn lắm, tôi là người cuối cùng, hơn nữa đã gần đến giờ đóng cửa trại nên cán bộ không nói gì, quay đi và ra lệnh khẩn trương mang quà vào trại. Nhanh chóng anh bạn giúp tôi chuyển quà vào trại đầy đủ và an toàn.

Kể từ đó hằng năm mẹ tôi dù khó khăn thế mấy cũng lần lượt dẫn các em tôi ra trại Ba Sao thăm nuôi cho gặp mặt anh vì sợ bị giam lâu quá tôi sẽ chết mất trong tù. Em út tôi năm đó mới học lớp 6, nhà nghèo, cha bị bệnh, mẹ buôn bán hàng rong, ba anh trai đi cải tạo mấy năm chưa về, chị lớn đang học trường Luật thì phải về quê đi làm hợp tác xã bánh kẹo ở thị trấn để được lãnh tem phiếu. Trong hoàn cảnh khó khăn vô cùng đó em tôi vẫn đi học và học rất giỏi. Những mong là khi tôi về sẽ được khen ngợi. Lúc bấy giờ ai cũng nghĩ rằng cải tạo đôi ba tháng hoặc cùng lắm là một hoặc hai năm thôi vì đã có chính sách được công bố rõ ràng. Mãi đến gần năm thứ ba, gia đình mới biết là tôi đã được chuyển ra miền Bắc ban đầu ở trại Phú Sơn, Bắc Thái sau chuyển về trại Ba Sao, Nam Hà.
Hy vọng còn lại, không mong gì được về sớm, là làm sao có tiền để đi thăm nuôi gặp mặt. Em còn nhỏ, nhà nghèo nên biết lo, thường hay năn nỉ xin mẹ đi chợ khi nào có heo thừa vú, bán rẻ thì mua về nuôi, nhớ là mua heo nái. Người còn không đủ ăn lấy gì mà nuôi heo mà lại là heo nái nữa mới khó. Mẹ tôi nói hằng ngày sau giờ học, em tôi thường đi vòng khắp xóm xin chuối cây đã chặt buồng về xắc trộn ít cám cho heo ăn. Đợt đầu được bầy ít con, đem bán lấy tiền mua cám nhiều hơn nuôi đợt hai. Trời không phụ, nuôi được vài lứa heo được khá tiền mẹ bảo con gái lớn nên sửa soạn chút đỉnh, may mặc quần áo cho tươm tất. Em chẳng nói gì. Một buổi tối, em nói với má là con đã để dành đủ tiền, má lo xin phép và mua đồ đi thăm nuôi anh Hai, lâu quá rồi má. Mẹ tôi khóc hết nước mắt.

Nhờ có thăm nuôi mà hai đứa em gái tôi liên lạc với anh Suy thường hơn và mẹ tôi cho biết rằng cô Trâm, vị hôn thê tương lai của tôi, hồi tháng 3 năm 1975 cùng với gia đình di tản ban đầu thuê xe đi từ Kontum đến Phú Bổn, sau đó xe hư và bị kẹt đường nên mọi người phải đi bộ mấy ngày mới tới bờ sông Ba, lúc còn đang ở bên nầy bờ chưa qua sông thì chiến trận khốc liệt xảy ra, bộ đội Bắc Việt nã trọng pháo vào đoàn người di tản dân quân hổn loạn, thương vong vô số kể. Em cùng với gia đình chạy lạc vào trong rừng, đói khát tưởng đâu đã bỏ mạng, may nhờ có người Thượng quen với gia đình trước đây giúp đỡ dẫn ngược đường về nguyên quán an toàn và hiện nay cô Trâm vẫn còn ở Kontum, có sạp mua bán ngoài chợ để phụ giúp mẹ nuôi ba đang cải tạo và các em.

Đến khi được chuyển trại về Hàm Tân, tình hình tương đối dễ thở, ăn uống được cải thiện tốt hơn nhờ trồng trọt thêm. Mẹ tôi đi thăm nuôi thường hơn, hằng tháng đều có gởi thơ cho cô Trâm biết, lúc đầu cô có gởi quà về nhà tôi để tập trung cho mẹ đem đi, sau đó cô Trâm xin địa chỉ để gởi trực tiếp về địa chỉ trại và lần nào ngoài đường tán, chuối khô bao giờ cũng có vài ba chai dầu gió. Tôi trở thành đại lý dầu gió ở trại Z30D. Vui mừng nhất là nhận được thư em vẫn chờ anh. Bấy giờ đã gần mười năm./.

Trần Bạch Thu (ĐS 17)

Views: 229

Thơ cho ngày sau, có người tìm thấy

Hoài Ziang Duy

Tôi viết bài thơ cho năm tháng sau nầy
Cho chính chúng ta
Những người nằm xuống
Không còn chứng nhân trong câu chuyện kể
Khi quá khứ trôi xuôi
Thời gian bước tới
Là những lãng quên
Ở năm, ở tháng, ở tuổi chất chồng
Cuộc sống nuôi thân

Thế hệ con trẻ rồi sẽ hỏi nhau
Việt Nam tôi đâu?
Sao thân phiêu bạt?
Xa lấy cội nguồn ngút ngàn trùng lấp
Xa lấy tình xa, xứ người lưu lạc

Làm sao nhắc nhớ
Từng đoàn người bỏ nước ra đi
Trên những chuyến bay, chuyến tàu ra khơi ngày cuối
Ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm
Một ngày chung cuộc tan hàng
Miền Nam Việt Nam

Rồi đời sau không thể nào quên
Như cơn lốc cuốn đi
Như tiếng thét rền thảm nạn
Như câu ai oán động lòng
Cả thế giới mở rộng vòng tay
Cứu vớt triệu người tìm đường vượt thoát

Sống còn không biết về đâu
Biển muôn trùng, sóng gíó ngàn khơi
Hãi hùng cho lần vĩnh biệt
Phận người đánh đổi
Hãm hiếp, phơi thây
Cái giá hy sinh phải trả cho hai tiếng
Tự do

Cũng từ đó định kiếp người Việt lưu vong
Khắp cùng thế giới

Rồi một ngày, như thể ngày sau
Con lớn lên lập thân nơi xứ người,
Nói tiếng mẹ đẻ đất nước cưu mang
Như sự thể tình cờ
Đọc lấy bài thơ nầy, hiểu lấy
Đất nước Việt Nam với hai chủ nghĩa
Hai miền Nam Bắc phân tranh
Hai mươi mốt năm cuộc chiến tương tàn
Hơn hai triệu người nằm xuống
Hiểu lấy cuộc cờ thất bại năm xưa
Cái giá hy sinh đành thôi ở dân tộc nhược tiểu
Cho bàn cờ sự thế

Ranh giới đồng minh là sự bội phản
Xoá đi sanh linh một dân tộc
Đổi dời mệnh nước
Tiếng oán hờn đeo đẳng
Sao thể nào yên!

Ra đi là chắc không về nữa
Ngóng về quê mẹ thẳm ngàn khơi
Nhắn dùm tôi câu nói nửa lời
Khi nước mắt khóc trời chưa muốn sáng

Sống hôm nay không còn bên lửa đạn
Một kiếp người không có Tổ quốc lâm chung
Tôi là ai?
Lẫn trong dòng dân Việt.
Sao không có chính danh
Thân phận mình

Là ai?
Để nói lời thương tưởng
Thế giới nầy không có đồng minh gần gũi
Không có kẻ thù trước mặt sau lưng
Không là ai, mới nhận ra chính mình?
Từ máu xương dân tộc
Từ mộ phần
Cha ông nằm xuống

Bài thơ nầy được viết từ người bỏ nước ra đi
Mang theo một trang sử buồn
Chữ nghĩa sống còn hôm nay
Đau lấy nỗi đau
Nói lại một thời khuất bóng
Chuyện cũ. Đã xa
Chỉ gần hơn
Cổ tích.

Hoài Ziang Duy

(trích thi tập “ĐỨNG TỰA BÊN ĐỜI, xuất bản tháng 4/2019)

Views: 86