Vài Nét Về Khoá 6 Đốc Sự Quốc Gia Hành Chánh

Nguyễn Đắc Điều 

Hàng đứng: Lê văn Thêm, Thái hà Chung, Nguyễn đắc Điều, Trần Ngọc Bình, Hà Ngọc Nghinh, Trần thanh Sử. Hàng ngồi: Nguyễn Vịnh, Nguyễn Ngọc Vỵ, Nguyễn khai Sơn, Trương minh Nhuệ, Trần Nhật Ưng. (Quân trường Đồng Đế-Nha Trang: hình chụp khi thi hành 15 ngày phạt trọng cấm lúc về Học viện nhận bằng Tốt nghiệp “ra trình diện quân trường trễ vì không có máy bay”).

1/-Nhập học và tốt nghiệp:

Khóa 6 nhập học vào tháng 2 năm 1959 gồm có 51 sinh viên trúng tuyển so với 100 sinh viên dự tuyển. Đây là cuộc thi concours d’examen nên có lẽ không đủ số sinh viên có khả năng hội đủ điều kiện để trúng tuyển.

Sinh viên đậu thủ khoa nhập học là Nguyễn mạnh Huyên thi tại trung tâm Huế. Thời tôi học, Học viện tổ chức tuyển sinh tại 2 trung tâm, một tại Sài Gòn và một tại thị xã Huế. Tôi không biết việc tổ chức này khởi đầu và kết thúc vào năm nào. Sau khi thi năm thứ nhất có 17 sinh viên phải xuống học khóa 7, và có 3 sinh viên từ khóa 5 xuống học khóa 6 là Nguyễn văn Tiên, Trần thanh Sử và Nguyễn hữu Các. Tháng 1 năm 1962 có 36 sinh viên tốt nghiệp gồm 21 ban Hành Chánh và 15 ban Kinh Tài, trong số đó có 3 sinh viên gốc công chức, anh Nguyễn hữu Các không tốt nghiệp.

-Ngoài anh Nguyễn Ngọc Châu, sinh viên công chức, các sinh viên tốt nghiệp ban Hành Chánh xếp theo thứ tự như sau: Triệu Huỳnh Võ (thủ khoa), Trần Huỳnh Thanh, Nguyễn minh Quân, Nguyễn đắc Điều, Phạm Đức Nhuận, Lê minh Quang, Nguyễn văn Tiên, Trương minh Nhuệ, Nguyễn văn Đức, Nguyễn văn Quí, Nguyễn trọng Can, Đoàn Nghĩa, Ngô Đức Lưu, Nguyễn thành Long, Lê văn Thêm, Nguyễn thành Nhơn, Nguyễn văn Nho, Nguyễn công Khanh, Trần thanh Sử, Nguyễn khai Sơn.

Hàng 3: Quang, Điều, Sử, Trần Huỳnh Thanh, Nho (đeo kính đen), Nguyễn công Khanh (áo ca rô).  Hàng 2: Các, Trực, Quí, Triệu Huỳnh Võ, Đức, Nguyễn khai Sơn (đeo kính trắng). Hàng đầu: Thêm, Quân, Ngô Đức Lưu (đeo tang trước ngực), Đoàn Nghĩa, giáo sư Nguyễn quang Quýnh, Tiêu Ngọc Ninh, Lâm văn Mẫn, Trương minh Nhuệ. (Hình chụp trước thềm Học viện QGHC 4 Alexandre de Rhodes)

-Ban Kinh Tài ngoài hai anh sinh viên công chức Trương quang Sáng (thủ khoa) và Nguyễn văn Tri, các sinh viên tốt nghiệp theo thứ hạng : Hoàng Ngọc Diệp, Nguyễn Ngọc Vỵ, Bùi Xuân Thích, Nguyễn như Ky, Thái hà Chung, Hà Ngọc Nghinh, Trần Nhật Ưng, Nguyễn văn Thâu, Trần Ngọc Bình, Huỳnh văn Báu, Nguyễn Vịnh, chị Thái thị Minh Nghiêm và Trần công Toàn.

2/-Bổ nhiệm:

Sau khi tốt nghiệp ngoài chị Thái thị Minh Nghiêm được bổ nhiệm riêng, và 17 sinh viên được bổ nhiệm phục vụ tại Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, số còn lại được gửi ra Đồng Đế (Nha Trang) để thụ huấn quân sự.

Trong lúc phải ôm súng gác đêm hay đi di hành hàng 50,60 cây số khi thì lội suối băng rừng, khi thì đi trên đường tráng nhựa của quốc lộ 1 dưới nắng gay gắt của mùa hè Nha Trang làm lột da chân trong giầy botte de saut, hay đi giây tử thần, hay thực tập những bài học tấn công bắn bằng đạn thật thì không sao tránh khỏi những ghen tỵ với các bạn được bổ nhiệm làm việc trong văn phòng tại Phủ Đặc Uỷ; nhưng sau này trong một bài viết anh Tiêu Ngọc Ninh cho biết các anh được chọn sang Phủ Đặc Uỷ do một tờ trình của Sở Nghiên cứu Chính trị của bác sĩ Trần kim Tuyến thì mới ngộ ra các bạn được tuyển chọn là xứng đáng. (Tờ trình có nội dung trình bày sự tuyển chọn và thủ tục điều tra an ninh kỹ lưỡng về quá trình hoạt động của các đương sự và nó đã được chính Cố vấn Ngô đình Nhu đệ trình Tổng thống với bút phê “ Kính bẩm anh: đã duyệt xong và kính đề nghị cho bổ nhiệm”. Cùng thời gian này, tôi chợt nhớ khi trình diện để nhận nhiệm sở mới, nhóm Phó Đốc sự khóa 6 chúng tôi được vị Đặc Uỷ trưởng đầu tiên là Đại tá Nguyễn văn Y tiếp kiến và thân mật cho biết: “Các bạn là những viên ngọc quí được Thượng Cấp tuyển chọn về đây phục vụ… [Trích bài viết “Những chuyện ít ai biết” của tác giả Tiêu Ngọc Ninh trong Đặc san Nửa Thế Kỷ Hội Ngộ].)

Nghị Định khóa 6 QGHC tốt nghiệp Đồng Đế

18 sinh viên được theo học khóa 3 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch tại Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế-Nha Trang có biệt danh “Lò luyện thép” hay “Trường Đồng Đế đánh giầy cả đế” dưới quyền chỉ huy của Đại tá Đỗ Cao Trí.  Sau khóa học chỉ có 13 người tốt nghiệp Chuẩn úy xếp theo thứ tự : Nguyễn Ngọc Vỵ (thủ khoa), Thái hà Chung, Lê văn Thêm, Nguyễn Vịnh, Nguyễn đắc Điều, Nguyễn công Khanh, Nguyễn văn Tiên, Nguyễn khai Sơn, Trần thanh Sử, Hà Ngọc Nghinh, Trương minh Nhuệ, Nguyễn văn Nho vàTrần Nhật Ưng. Hai anh Ngô Đức Lưu và Nguyễn trọng Can không đủ sức khỏe: anh Lưu được trả về bộ Nội Vụ từ đầu khóa học nhưng anh Can bị quân trường giữ lại cho đến hết khóa. Các anh Trần Ngọc Bình, Trần công Toàn và Phạm Đức Nhuận không tốt nghiệp khóa quân sự Đồng Đế.

Sau khi tốt nghiệp khóa Đồng Đế vào tháng 12 năm 1962, các sinh viên ban Kinh Tài được bổ nhiệm làm Trưởng ty Thanh Niên thuộc Tổng Nha Thanh Niên gồm có: Nguyễn Ngọc Vỵ (Bình Định), Trần Nhật Ưng (Pleiku), Thái hà Chung (Đà Lạt), Nguyễn Vịnh (Bình Thuận), Hà Ngọc Nghinh (?).

Hàng đứng: Nguyễn minh Quân, Lê văn Thêm, Nguyễn văn Đức, Tiêu Ngọc Ninh, Trần Huỳnh Thanh, Nguyễn văn Quí (Dân biểu), Điều, Lê bỉnh Trực. Hàng ngồi: Nguyễn văn Nho, Đoàn Nghĩa, Nguyễn thành Long, Trần thanh Sử, Lê minh Quang, Lâm văn Mẫn. (Đi thăm Ký Nhi Viện- Khánh Hội).

Riêng sinh viên ban Hành Chánh được bổ nhiệm tại bộ Nội Vụ như sau: Nguyễn đắc Điều (Quảng Đức), Lê văn Thêm (Chương Thiện), Nguyễn văn Tiên (Phú Bổn), Trần thanh Sử (Long Khánh), Trương minh Nhuệ (Gia Định), Nguyễn công Khanh (Kiên Giang), Nguyễn khai Sơn và Phạm đức Nhuận (Phước Long), Nguyễn trọng Can (Phước Tuy), Nguyễn văn Nho (An Xuyên), Trần công Toàn (?); riêng Trần Ngọc Bình bị chậm bổ nhiệm một năm.

3/-Lễ tốt nghiệp:

Theo thông lệ những khoá đàn anh trước thì Lễ tốt nghiệp được ông Viện trưởng dẫn toàn thể sinh viên mặc complet trắng vào trình diện Tổng thống Ngô đình Diệm tại dinh Độc Lập và đồng thời nghe Tổng thống huấn dụ; nhưng kỳ này nhân dịp làm Lễ Khánh thành trụ sở mới của Học viện nên Lễ tốt nghiệp được tổ chức chung cho cả 3 khoá 5,6 ,7 và được diễn ra tại Đại giảng đường toạ lạc tại số 10 đường Trần quốc Toản, dưới quyền chủ toạ của Tổng thống Ngô đình Diệm, ông Cố vấn Ngô đình Nhu, bác sĩ Trần kim Tuyến cùng một số Bộ trưởng. Tất cả mọi sinh viên tốt nghiệp đều mặc complet mầu trắng. Riêng chúng tôi, các sinh viên đang thụ huấn quân sự tại trường Đồng Đế-Nha Trang thì mặc đồ đại lễ cũng mầu trắng. Các anh thủ khoa ban Hành Chánh khóa 5 Tô tiếng Nghĩa, khóa 6 Triệu Huỳnh Võ, khóa 7 Phan công Tâm được đích thân Tổng thống phát văn bằng tốt nghiệp. Đặc biệt nữa là các sinh viên thụ huấn quân sự tại Đồng Đế-Nha Trang lại được Tổng thống Ngô đình Diệm chủ toạ Lễ tốt nghiệp Chuẩn Uý khóa Ấp chiến lược: như vậy chúng tôi vinh dự được Tổng thống chủ toạ lễ tốt nghiệp cả Văn lẫn Võ. Sinh viên sỹ quan thủ khoa Nguyễn ngọc Vỵ được Tổng Thống Ngô đình Diệm trao cung tên để bắn đi bốn phương trời.

4/-Nhân vật nổi trội:

-Về ban Hành Chánh có:

*anh Triệu Huỳnh Võ từng giữ nhiều chức vụ Phụ tá Bộ Trưởng và Phụ tá Tổng trưởng;

*anh Lê văn Thêm giữ nhiều chức vụ Phó Tỉnh trưởng HC tại miền Tây, sau anh đắc cử do Hạ nghị viện bầu làm Giám sát viên của Viện Giám Sát.

*anh Phạm Đức Nhuận đã đỗ Thủ khoa năm thứ nhất Luật khoa và có bài viết đăng trong Nguyệt san Quê Hương là tập san chỉ đăng bài của các giáo sư Đại học Luật khoa.

*anh Nguyễn văn Quí đã đắc cử Dân biểu nhiều nhiệm kỳ tại đơn vị Hậu Nghĩa.

*anh Trần thanh Sử nổi tiếng là đẹp trai “đàn giỏi hát hay” nên có rất nhiều bóng hồng . Khi nghe được tin anh Sử gặp rắc rối về tình sử trong khi đi tập sự tại tỉnh Phước Tuy, nghiêm trọng đến độ Tỉnh trưởng phải viết báo cáo mật về Học viện, chị Thái thị Minh Nghiêm đã cười nói: “ Trần thanh Sử bị rắc rối là phải, sinh như nghệ, tử ư nghệ mà. [Trích bài viết “Tưởng niệm Đoàn Nghĩa” của tác giả Trần huỳnh Châu trong Đặc san Mùa Thu Nhớ Bạn.]

*anh Nguyễn thành Nhơn, sau khi tốt nghiệp anh làm một thời gian ngắn tại Phủ Đặc Uỷ và tỉnh Chương Thiện, rồi thuyên chuyển phục vụ tại tỉnh Biên Hoà từ Trưởng ty Nội an, Hành chánh, Chánh văn phòng và Phó Tỉnh trưởng cho tới ngày 30 tháng 4-1975. Đi tù Cải tạo từ Nam ra Bắc rồi định cư tại San Jose cùng vợ và 4 con. Anh là một mẫu người công chức gương mẫu, trung thành với lý tưởng quốc gia trước sau như một. Anh đã xuất bản 2 tuyển tập  “Một thời” và “Thao thức” tập hợp những bài viết đã đăng trên báo địa phương và những bài phát biểu trong các buổi biểu tình chống Việt cộng và bè lũ tay sai.

Điều, Nguyễn hữu Các (không tốt nghiệp), Trần Huỳnh Thanh, Nguyễn minh Quân, Lê bỉnh Trực(Bàng thính viên), Trần thanh Sử, Đoàn Nghĩa (mất tích khi vượt biên), Tiêu Ngọc Ninh, Nguyễn văn Nho, Nguyễn thành Nhơn. (Đi thăm hãng Shell- Nhà Bè)

-Về ban Kinh Tài có:

*anh Nguyễn Ngọc Vỵ là một trong 5 Quận Trưởng dân sự tại tỉnh Bình Định. (Trần dược Vũ, khóa 3, Nguyễn Ngọc Vỵ, khóa 6, Trần Hồng, Trương văn Tuyên và Phạm gia Định cùng khóa 8).

*anh Thái hà Chung làm Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao. (Hồi đó có 3 Phát ngôn viên: Đại tá Lâm đại diện cho bộ Quốc Phòng, Bùi bảo Trúc đại diện bộ Dân Vận, Thái hà Chung đại diện bộ Ngoại Giao tổ chức họp báo tại Trung tâm Báo Chí Quốc gia trên đường Tự Do để giải thích đường lối và chính sách của Chính Phủ cho ký giả trong và ngoài nước).

*anh Nguyễn văn Tri là sinh viên cao tuổi nhất của khoá. Anh có người em ruột là anh Nguyễn văn Nhi tốt nghiệp khoá 4 Đốc sự.

-Giữ chức Phó Tỉnh/Thị Trưởng HC:

Trần Huỳnh Thanh (An Xuyên, Darlac, Phong Dinh, Sa Đéc)

Nguyễn văn Tiên (Phú Bổn, Bình Thuận, Bình Dương)

Trương minh Nhuệ (Long Khánh)

Nguyễn trọng Can (Bình Long, Đà Lạt)

Lê văn Thêm (Chương Thiện, Kiên Giang, Định Tường)

Nguyễn thành Nhơn (Biên Hoà).

Trần thanh Sử (Quảng Đức, Bình Tuy)

Nguyễn khai Sơn (Phước Long)

Nguyễn Ngọc Vỵ (Quảng Đức, Cam Ranh, Darlac).

Bùi Xuân Thích (Bình Định, Quy Nhơn)

Nguyễn Vịnh (Chương Thiện, Phong Dinh).

Hàng đứng: Can, Nho, Khanh, Điều, Quang, Lâm văn Ty (nhân viên HV/QGHC),Nghĩa, Mẫn, Nguyễn Ngọc Châu, Quân, Các, (thân hữu),Thiện (y tá HV/QGHC) cúi đầu ở giữa: Bùi Xuân Thích (ban KT). Hàng ngồi: Quí, Thanh, Nhơn, Trực, Thêm, Nguyễn văn Đức. (Đi thăm Khu Trù mật Vị Thanh-Hoả Lựu)

5/-Những đồng môn quá vãng:

-Ngô Đức Lưu 35 tuổi (7-4-1972, tại Sài Gòn khi đang làm Trưởng ty Tài Chánh-Kiến Phong)

-Đoàn Nghĩa (1978) và Hà Ngọc Nghinh (1979): trên đường vượt biên.

-Thái thị Minh Nghiêm (1988, tại Việt Nam).

-Nguyễn văn Tiên (30-10-2009, tại Canada)

-Lê minh Quang (2005, tại Little Sài Gòn, Nam Cali)

-Trần Huỳnh Thanh (2011, tại Sacramento)

-Nguyễn như Ky (7-2010, tại Texas).

-Thái hà Chung (10-3-2014, tại Little Sài Gòn, Nam Cali).

-Huỳnh văn Báu (2014, tại Canada)

-Trương minh Nhuệ (17-12-2014, tại Đức quốc).

-Nguyễn văn Thâu (? tại Sài Gòn).

-Tiêu ngọc Ninh (6-12-2017, tại Oxnard, Nam Cali).

-Bùi Xuân Thích (31-1-2022, tại Boston).

-Trần thanh Sử (2022, tại Pháp quốc).

-Nguyễn thành Long (18-4-2023, tại Michigan).

-Nguyễn thành Nhơn 85 tuổi (28-4-2023, tại San Jose).

-Nguyễn Văn Tri mất ngày mùng 6 tháng 5 năm 2023 hưởng thọ 96 tuổi tại Sacramento, Bắc Cali

Tính từ người quá vãng đầu tiên 35 tuổi năm 1972 Ngô Đức Lưu đến người quá vãng mới đây 85 tuổi năm 2023 Nguyễn thành Nhơn thì khoảng cách vừa đúng nửa thế kỷ cho cả tuổi thọ lẫn thời gian. Đúng theo ý thơ của Khoa Nghi: “Đứa đã ra đi về cõi trước/ Đứa còn chậm bước xếp hàng sau”. Mà hàng sau của khóa 6 Đốc sự bây giờ ngắn lắm rồi. (Tỷ lệ 18/36).

6/-Trụ sở và Ban giảng huấn:

-khóa 6 học từ ngày khai giảng tới ngày thi mãn khóa tại số 4 đường Alexandre de Rhodes. Khóa 6 là khóa Đốc sự cuối cùng thi tốt nghiệp tại địa chỉ này; và cũng là khóa cuối cùng nhập học vào đầu năm. Các khóa tiếp theo nhập học vào tháng 9 hàng năm.

-ban Giảng huấn gồm các giáo sư cơ hữu của Học viện và các giáo sư thỉnh giảng từ Đại học Luật khoa. Sau đây là danh sách các giáo sư xếp theo vùng miền:

* Giáo sư sinh trưởng tại miền Nam và miền Trung:  Tôn thất Trạch, Cao hữu Đồng, Nguyễn Xuân Khương, Trần ngọc Liên, Trương ngọc Giàu, Trần văn Phò, Trần văn Binh, hai Đốc phủ sứ  có bằng Cử nhân Luật: Lê văn An và Bùi quang Ân, Phan tấn Chức, Châu tiến Khương và Nguyễn tấn Thành (giáo sư đại học Luật khoa).

*Giáo sư sinh trưởng miền Bắc: Vũ quốc Thông, Nghiêm Đằng, Trần văn Đỉnh, Trần văn Kiện, Nguyễn quang Quýnh, Nguyễn mạnh Tư, Vũ Uyển Văn, Lê đình Chân, Nguyễn Lê Giang, Nguyễn cao Hách và Nguyễn Độ (giáo sư đại học Luật khoa).

{Sở dĩ tôi ghi rõ thành phần giáo sư theo vùng miền vì tôi có đọc một bài mới đây nhận xét trước năm 1963 từ Viện trưởng tới lao công tài xế đều là người miền Bắc}.

7/- Lời đồn đoán và Thực tế

2 khóa sinh Nguyễn Đắc Điều và Nguyễn Ngọc Vỵ trình diện Quân trường Đồng Đế-Nha Trang

18 sinh viên tốt nghiệp khóa 6 ĐS được bổ nhiệm đãi lệnh tại Tổng nha Công vụ chờ đi thụ huấn quân sự, không có công việc gì làm chỉ đến tụ tập nghe ngóng tin tức, nên có một bạn tỏ ra “am hiểu tình hình” đưa ra lý do tại sao chúng tôi phải đi học quân sự:”Trong bảng đúc kết kế hoạch Kinh tế Hậu Chiến của phái đoàn Stanley-Vũ quốc Thúc có đưa ra giải pháp dân sự hóa nền hành chánh địa phương bằng cách thay thế các Quận trưởng quân đội bằng các Đốc sự, nhưng các Đốc sự này phải tham dự một khóa huấn luyện quân sự tại một quân trường như Đà Lạt hay Thủ Đức”. Sở dĩ có ý kiến này vì nếu đưa các Quận trưởng đi học hành chánh thì mất nhiều thời gian hơn là đưa các Đốc sự học quân sự. Khi học tại Học viện cứ mỗi năm, vào dịp hè, các nam sinh viên phải theo học lớp quân sự lúc thì tại vườn cao su Phú Thọ, lúc thì tại xa lộ Biên Hoà, lúc thì tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung của chương trình huấn luyện cấp Trung đội trưởng.
Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ làm tờ trình lên Tổng thống Ngô đình Diệm đề nghị chúng tôi theo học khóa 12 Thủ Đức cùng với các sinh viên bị động viên. Tổng thống bút phê trên tờ trình “Gửi tham dự khóa Chuẩn úy Hiện dịch tại Đồng Đế-Nha Trang”. Thế là 18 chúng tôi ra trình diện trường Hạ sĩ quan Đồng Đế-Nha Trang để theo học khóa 3 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch cùng với hơn 400 khóa sinh hạ sĩ quan được tuyển chọn học khóa này. Lúc tới quân trường chúng tôi mới được sĩ quan cán bộ cho biết, Tổng thống Ngô đình Diệm có ra kinh lý quân trường Đồng Đế vào hè năm 1961; và Chỉ huy trưởng quân trường đã dẫn Tổng thống quan sát các lớp học “Trung đội vượt sông”, “Trung đội tấn công tác xạ với đạn thật không phải đạn mã tử (đạn giả)”, “Kỹ thuật tuột núi”; và khi đoàn xe của Tổng thống di chuyển trên đường thì bắt gặp một trung đội vượt cầu khỉ (cấu tạo bởi 3 sợi dây) đi từ đồi này sang đồi kia. Tổng thống ấn tượng nhất khi chứng kiến cảnh các khóa sinh đi dây tử thần. Khi đó chúng tôi mới biết mục đích của Tổng thống gửi chúng tôi ra Đồng Đế để học tập kinh nghiệm thực hành tác chiến chứ không phải học lý thuyết chỉ huy như tại quân trường Thủ Đức. Tổng thống Ngô đình Diệm đã đến chủ tọa và đặt tên cho khóa 3 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch là “Ấp chiến lược” cùng tên với khóa 16 tốt nghiệp tại trường Võ bị Đà Lạt và khóa 12 tại trường Võ khoa Thủ Đức mãn khóa cùng năm.

Tượng chiến sĩ VNCH trong tư thế thao diễn nghỉ trên đỉnh núi Hòn Khô do khóa 3 Chuẩn úy Hiện dịch xây dựng theo sáng kiến của Tiểu đoàn phó sinh viên sĩ quan gốc QGHC Thái hà Chung(khóa 6 ĐS). Sau năm 1975, người dân vùng Đồng Đế có loan truyền mấy vần thơ sau : “Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ/ Em nằm xõa tóc đợi chờ ai?”. Hay: “Em nằm đấy, ngàn năm còn xõa tóc/ Ta muôn đời, thao diễn giữa trời mây/ Nghe nhung nhớ, rụng rời trên sườn núi/ Đá núi buồn, trăn trở với cỏ cây”. Rất tiếc tượng người lính VNCH trong tư thế thao diễn nghỉ nay đã bị đập phá, không còn dấu tích gì nữa.

Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp khóa 3 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch Đồng Đế, đa số 13 Đốc sự được bổ nhiệm phục vụ tại các tỉnh thuộc loại “rừng thiêng, nước độc”, và chúng tôi cũng không thắc mắc gì về lời đồn đoán dân sự hóa trong kế hoạch” Kinh tế Hậu chiến Stanley-Vũ quốc Thúc”.
Khi Trung tướng Đỗ cao Trí làm Tư lệnh Quân đoàn II kiêm Đại biểu Chính phủ Vùng 2 Chiến thuật đã ra chỉ thị “ Những Đốc sự nào đã tham dự các khóa 3, 3 phụ và 4 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch tại Đồng Đế khi giữ chức vụ Phó Quận trưởng được và phải mang cấp bậc Trung úy”. Chỉ có 3 khóa ĐS 6,7 và 8 tham dự các khóa huấn luyện quân sự này trước năm 1963 (Quân trường Đồng Đế tổ chức được có 4 khóa đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch).
Cũng trong thời gian Trung tướng Đỗ cao Trí giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II, bộ Nội Vụ có bổ nhiệm 5 ĐS giữ chức vụ Quận trưởng thay thế cho các Quận trưởng quân đội và được mang cấp bậc Trung úy tại tỉnh Bình Định, đó là: anh Trần dược Vũ (khóa 3), Quận trưởng An Túc, anh Nguyễn Ngọc Vỵ (khóa 6), Quận trưởng Bình Khê, anh Trương văn Tuyên (khóa 8), Quận trưởng Hoài Ân, anh Phạm gia Định (khóa 8), Quận trưởng An Nhơn, và anh Trần Hồng (khóa 8) thay thế anh Nguyễn Ngọc Vỵ trong cương vị Quận trưởng Bình Khê. (Anh Trương văn Tuyên đã được đặc cách thăng cấp Đại úy tại mặt trận trong trận chiến thắng đẩy lui cộng quân đánh trụ sở quận Hoài Ân).
Có phải việc bổ nhiệm các ĐS giữ chức vụ Quận trưởng tại tỉnh Bình Định là sự thử nghiệm thi hành khuyến cáo dân sự hóa nền hành chánh địa phương chăng? Nếu vậy, cũng chỉ là một sự thử nghiệm muộn màng và đoản kỳ có tính cách “cục bộ tượng trưng” cho nên cũng không có ảnh hưởng dây chuyền trong tổng thể nền hành chánh địa phương của Việt Nam Cộng hòa.
Dù các Quận trưởng dân sự này làm việc rất thành công và được bộ Nội Vụ tưởng thưởng cho thuyên chuyển nắm giữ chức vụ cao hơn trong ngành hành chánh như anh Trần dược Vũ làm Phó Thị trưởng thị xã Cam Ranh, anh Nguyễn Ngọc Vỵ làm Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đức và anh Phạm gia Định làm Phó Tỉnh trưởng tỉnh Kontum nhưng kế hoạch “dân sự hóa Quận trưởng” cũng dần dần chấm dứt. Tất cả các Quận trưởng vẫn do các quân nhân đảm nhiệm như cũ dù tại các Thị xã rất an ninh.
Báo chí thời đó đã gọi nền hành chánh công quyền của nền đệ Nhị Cộng hòa là quân đội trị dưới sự chỉ huy của “đảng kaki”.

8/-Hội ngộ:

Khóa 6 ĐS đã liên kết với khóa 7 và 8 để tổ chức 2 buổi hội ngộ:

-Hội Ngộ 40 năm khóa 6 & 7 ĐS vào ngày 4 và 5 tháng 9 năm 1999 tại Little Sài Gòn.

Bích chương 40 năm Hội ngộ “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn kiếm chồng Quốc Gia Hành Chánh”. Trong ngày cuối của buổi Hội ngộ, MC Thái hà Chung đã nói: “Xin cám ơn, lẽ ra nói cám ơn chúng mày nhưng vì có vợ chúng mày nên phải nói cám ơn các anh các chị đã cho nhau một ngày để nhớ”.

-Nửa Thế kỷ Hội ngộ khóa 6 & 7 & 8 tại Little Sài Gòn vào các ngày 25, 26, 27 tháng 9 năm 2009. Nguyễn ngọc Vỵ kết thúc một bài viết bằng nhận xét: “Những ai tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành Chánh là những người suy nghĩ như một ông Hoàng, nhưng phục vụ lại là một đầy tớ”.

Trong hình: Nguyễn thành Nhơn, Nguyễn văn Tri (KT), Triệu Huỳnh Võ, Nguyễn huy Lãng, Nguyễn đắc Điều, Nguyễn văn Nho, Nguyễn văn Phước (KT)

-Đặc san Mùa Thu nhớ bạn xuất bản năm 2010 phối hợp với các khóa Đốc sự 5,6,7 và 8. Đặc san gồm có 33 bài dầy401 trang.

Trước đây Học viện QGHC là nơi đào tạo cán bộ cao cấp cho quốc gia. Khi ngồi trên ghế nhà trường, người sinh viên chỉ học và học với một lý tưởng là bảo vệ tổ quốc và chống cộng. Từ Viện trưởng sáng lập Học viện là Giáo sư Trần Cửu Chấn, tới Giáo sư Vũ quốc Thông, đều là khoa bảng, không đảng phái nên nhờ đó sinh viên từ khi vô tới khi ra trường không bị móc nối vô đảng phái nào. Nhưng đến thời Giáo sư Nguyễn Văn Bông làm Viện trưởng thì tình trạng “trung lập giữa các đảng phái” không còn nữa. Nhiều sinh viên được kết nạp vô đảng của Giáo sư Bông là Phong trào Quốc gia Cấp tiến. Các đảng phái khác thấy thế cũng mở chiến dịch kết nạp trong Học viện. Thành ra không khí Học viện đang bị đảng phái hóa và địa phương hóa. Rất may là 3 khóa 6,7 và 8 của chúng tôi không rơi vào  trường hợp này vì đến khi chúng tôi tốt nghiệp, vẫn còn Giáo sư Vũ Quốc Thông làm Viện trưởng.
[Trích bài viết “Bốn mươi năm” của tác giả Đỗ tiến Đức trong Đặc san Mùa Thu Nhớ Bạn].

9/-Thay cho lời kết:

Khởi đi cho bài viết là nghe được tin buồn 2 đồng song Nguyễn thành Long và Nguyễn thành Nhơn ra đi vào tháng 4 năm 2023, nên tôi tìm những hình ảnh thời sinh viên ra coi lại thì ngộ ra đời sống thật vô thường : “Sắc bất thị không, không bất thị sắc/ Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Ngẫm ra đôi khi những học vị, chức tước như là một đám mây che nắng cho ta, hưởng được bóng mát; nhưng đôi khi đám mây đó lại trở thành mưa to gió lớn hay những trận bão cuồng phong lôi cuốn tất cả vợ con và tài sản mà chúng ta trong bao năm mới tạo dựng ra được. Đang loay hoay không biết kết thúc bài viết ra sao, thì ngày mùng 3 tháng 5 năm 2023, tôi nhận được thư của chị Nguyễn thị Ngoan, hiền thê của anh Nguyễn thành Nhơn, chuyển lá thư không ghi ngày của anh Nhơn viết cho tôi nhưng chưa gửi. Nguyên văn lá thư:

Thư Nguyễn thành Nhơn gửi trước khi quá vãng

Điều thân,

Đọc bài DUYÊN TU, cảm thấy thương bạn. Bao nhiêu công phu, kỳ vọng rốt lại hoàn không !. Đó là không phải nói chuyện bây giờ. Ngay cả ngày xưa ấy, e rằng địa phương cũng không đáp ứng lòng mong mỏi cải tiến công vụ của bạn được bao nhiêu. Nhưng bạn cũng đừng trách họ, bởi vì các anh, em cán bộ xã, ấp hồi ấy tất bật trăm công, ngàn việc. Nào là việc làng, việc ấp, nào lo an ninh bản thân, lại còn bươn chải lo sinh kế vì đồng lương đâu có bao nhiêu. Cho nên, “việc làm” đã hết hơi, hết sức làm sao nghĩ đến “việc TU” (nghiệp). Việc đời là như thế, xin bạn chớ buồn. Bằng như vẫn thấy lòng buồn man mác thì cứ gọi TOÀN KHÔNG Đỗ Đăng Tiến gửi cho bài VÔ THƯỜNG đọc chơi là hết chuyện.

Chúc Anh chị và bửu quyến MÙA GIÁNG SINH AN BÌNH.

Thân,

Nhơn”.

Xin mượn lời thư của đồng môn Nguyễn thành Nhơn làm lời kết cho bài viết.

Nguyễn Đắc Điều 

(San Diego, California 5-5-2023)

 

Lời BBT website HCMĐ:

Rất khó và rất hiếm tìm thấy và đọc được những bài viết như bài “Vài Nét về Khóa 6 Đốc Sự QGHC” của anh Nguyễn đắc Điều.

Khó, vì người viết phải có một trí nhớ vượt bậc để có thể nhớ lại được đầy đủ tên tuổi , những chuyện về tốt nghiệp,  nhiệm sở, hay trải nghiệm thăng trầm và những mất mát của những người bạn đồng khóa.

Hiếm, vì người viết còn kèm theo bài viết những tấm hình xưa cũ không thể dễ dàng tìm lại được – với chính xác danh tính của người trong hình và còn nêu rõ tấm hình chụp vào dịp nào.

BBT WEBSITE HCMĐ rất cảm ơn anh Nguyễn Đắc Điều đã cho phép đăng tải bài viết  của anh trên Trang Nhà HCMĐ.

Hy vọng rằng bài viết của anh Nguyễn Đắc  Điều sẽ được tiếp nối bằng những bài viết của quý niên trưởng khác  về nhiều khóa ĐS, CH  hay TS của Học Viện QGHC.

Mong lắm thay!

 

(*) Ghi chú thêm:

Đoạn 7 – “Lời đồn đoán và Thực tế” và hình ảnh trong đoạn này được tác giả Nguyễn đắc Điều bổ túc ngày 27/5/2023

 

 

 

Views: 1120

Hình Ảnh Dòng Sông Trong Thơ Phùng Minh Tiến

Minh Tâm Xuân Đỗ

Tôi biết đến thơ Phùng Minh Tiến khá lâu, có đến trên ba chục năm của thập niên sau năm 1975, khi làm kẻ tha hương trốn chạy quê hương. Sau này nhận ra nhau là bạn có nhiều cái “đồng” với nhau: đồng hương Quảng nam, đồng song từ thuở học sinh từ trường Tiểu học Chùa Bà Mụ, qua trường Công lập Trần Quí Cáp Hội An và cùng đồng song từ Học Viện Quốc gia Hành Chánh, trước khi bước chân vào đời và bây giờ trong tuổi lớn, gặp nhau trễ xứ tự do Hoa Kỳ.
Đầu khoảng năm 1980 hay 1981 gì đó, anh Lôi Tam, một nhà văn cũng có nhiều cái “đồng” khác, trên tờ Đặc san Quê hương từ Thủ đô Hoa Kỳ, Washington DC, giới thiệu một bài thơ tiêu biểu của Phùng Minh Tiến, bài “Dòng Sông Cát Lở”:

Tôi đưa em về dòng sông cát lở
Dòng sông ba mươi năm chảy xiết một đời
Này cánh hoa xanh soi trên hồn nước cạn
Em tìm thấy gì trong sỏi đá không vui...

Bài thơ ngắn 12 câu thơ, trong ba đoạn ngắt rời, trong một hơi thở đầy thi vị, xúc động về quê hương và những kỷ niệm một thời trẻ trung. Thời đó tôi như đang làm kẻ “lưu đày” trên xứ người Da Đỏ Oklahoma, sau khi thoát chạy từ thành phố miền biển Vũng Tàu, nơi tôi làm việc, với một gia đình nhỏ, vợ và ba con thơ, khi miền Nam, vùng đất tự do cuối cùng rơi vào tay Cộng sản.

Trong cái ngột ngạt về thông tin từ quê nhà, quê hương một ốc đảo như cắt lìa với thế giới bên ngoài. Tôi tìm quên ưu sầu trong viết lách. Viết như một cách thế hoá giải nỗi bất lực đang vây bủa chung quanh. Viết để tìm lại mình trong các kỷ niệm mông lung đổ về. Viết để tìm lấy lại mình của một quê hương đã mất. Viết như một gợi nhớ trong tâm thức, khơi lại các kỷ niệm từ thuở ấu thơ đến ngày trưởng thành vào đời. Những dòng thơ của Phùng Minh Tiến đến với tôi như những hành trang thiếu sót trong nỗi nhớ bỏng cháy:

Tôi đưa em qua ven bờ cát lậm
Năm tháng phôi pha nay lở, mai bồi
Dấu điêu linh còn ghi trên trán mỏi
Bàn chân ngoan cát cũng ngẩn ngơ lời.
Cát một đời nằm nghe sóng vỗ
Sông một đời chảy mãi khôn nguôi
Em là mây tình cờ qua đó
Một tháng, một năm rồi cũng ngậm ngùi.

Tôi sinh ra ở thôn quê, làng Ái Nghĩa, Quận Đại Lộc, nhưng lớn lên may mắn được gởi đi học hành và trưởng thành ở phố thị. Một kỷ niệm tôi nhớ mãi trong đời, gắn liền với dòng sông, khi tôi lên năm hay sáu tuổi: Một buổi trưa hè nóng bức, tôi theo người anh cả ra con sông Đào (dòng sông Ái Nghĩa, Đại Lộc) trước mặt nhà, để tắm mát. Anh tôi bước xuống nước, tôi đeo theo anh bên vai. Anh hụp mạnh xuống dòng sông, sãi tay bơi. Tôi sút tay, chìm lỉm, có lẽ uống khá nhiều nước vào bụng. Anh vói tay kéo tôi lên, xách vào bờ. Tôi điếng hồn, khóc nức nở. Anh đã không dỗ dành mà còn đe doạ sẽ ném tôi xuống nước, cho uống nước nữa, đến khi nào tự quơ tay, quơ chân, biết bơi. Anh chỉ tay vào tôi, hét lớn:
– Con trai không được khóc. Con trai phải biết bơi để tự cứu mình. Muốn biết bơi, phải chịu sặc nước, uống nước đầy bụng, nhiều lần, cho đến khi bơi giỏi.

Từ đó chắc tôi đã phải uống nhiều nước sông lắm, nhiều lần chìm lỉm trong dòng sông, để biết bơi và bơi giỏi. Và dòng sông gắn bó với tôi như một phần của đời sống. Và cũng từ nguyên do tiềm ẩn trên, khi đọc bài thơ “Dòng sông Cát Lở“ của Phùng Minh Tiến, tôi say sưa thích thú với kỷ niệm nằm sâu trong tiềm thức, trỗi dậy.

Phùng Minh Tiến làm thơ khá nhiều, từ khi còn là một học sinh ở trường Trần Quí Cáp Hội An, nhưng anh lại không gom góp lại, để in thành sách, nên đã thất lạc thật nhiều. Thơ Phùng Minh Tiến trải dài nhiều đề tài, nhiều lãnh vực, nhưng hình ảnh dòng sông sâu đậm nhất và mang nhiều ẩn dụ về cuộc đời trong kiếp sống vô thường. Dòng sông không những là biểu tượng đẹp trong văn chương, trong thơ nhạc mà còn là hình ảnh huy hoàng, bi hùng, lưu lại trong lịch sử oai hùng của từng quốc gia, từng dân tộc qua nhiều thời đại.

Với tôi, dòng sông gắn liền với những kỷ niệm từ thuở ấu thơ, rồi đến những ngày tản cư năm 1947 theo dòng sông Thu Bồn, chạy giặc Pháp , đặt lại nền độc lập lên xứ sở. Tôi biết thêm được các địa danh mới của quê hương: đập Vĩnh Trinh, thác Phường Rạnh, bến sông Trung Phước, đẹp như một bức tranh thủy mặc ngày xưa. Những ngày hồi cư, trở về ngôi nhà cũ bị giặc Pháp đốt cháy, tôi ngày ngày bơi lôi trên dòng sông Đào trước nhà, trước khi được gởi xuống Hội An trọ học, lại làm quen, bơi lội với bạn bè, trên dòng sông Thu Bồn, đổ về phố Hội.
Từ những kỷ niệm gắn chặt trong tâm thức tôi như vậy, đọc lại thơ Phùng Minh Tiến, tôi cảm nhận ra rằng, dòng sông trong thơ anh là biểu tượng siêu hình về cuộc đời, như một chiếc cầu nối vào suy tưởng tâm linh như Vũ Hoàng Chương:

Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở, này sông cát bồi.

Đọc lại mấy câu thơ Phùng Minh Tiến:

Tôi đưa em qua ven bờ cát lậm
Năm tháng phôi pha, nay lở, mai bồi
Dấu điêu linh còn ghi trên trán mỏi
Bàn chân ngoan, cát cũng ngẩn ngơ lời.
Cát một đời nằm nghe sóng vỗ
Sông một đời, chảy mãi khôn nguôi
Em là mây tình cờ qua đó
Một tháng, một năm, rồi cũng ngậm ngùi.

Những câu thơ đẹp vô cùng, thoát tục và đầy thiền vị. Và từ đó đọc lại các bài thơ của anh tôi đang có trong tay, gần như đa số các bài thơ nằm trong dòng thơ tâm linh, như vang lên từ tiếng chuông, tiếng mỏ đẫm màu sắc không.
Cuốn tiểu thuyết Siddhartha của nhà văn Đức Hermann Hesse mà Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch tuyệt vời qua tiếng Việt, “Câu Chuyện Dòng Sông”, nói về một nhân vật tên Siddhartha, người Ấn Độ, cùng thời với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa tâm linh của cuộc sống, đã trải qua biết bao thăng trầm, sung sướng, hạnh phúc lẫn khổ nạn. Cuối cùng nhìn thấy dòng sông lững lờ chảy, ngộ ra rằng cuộc sống chẳng khác nào dòng sông, vô thường như dòng nước chảy.
Sau khi đọc cuốn sách “Câu Chuyện Dòng Sông” mỗi lần từ Huế về quê thăm gia đình ở Ái Nghĩa, Đại Lộc, tôi đi xe đạp hoặc đi bộ, theo dọc bờ sông Đào về nhà, tôi nhận thấy các đổi thay về cây cối, nhà cửa hai bên bờ sông, và những lần mưa lụt lớn trước đó gây đất lở, làm thay đổi hẳn cả một thôn xóm, trông xa lạ như một nơi nào tôi mới đến lần đầu…
Hình ảnh đó còn trong tâm thức tôi, khi đọc thơ Phùng Minh Tiến, tôi như thấy lại trước mắt và đọc thầm câu thơ của Vũ Hoàng Chương “Kìa non đá lở, này sông cát bồi.”

Thơ Phùng Minh Tiến nặng về suy tưởng tâm linh. Ngoài hình ảnh dòng sông, biểu tượng của cuộc đời, Phùng Minh Tiến còn nói đến “Đôi Nẻo Có Không”:

Có cũng về
Không cũng về
Sao còn đứng đợi bến sông mê
Bốn phương gió nổi mùa hư ảo
Ngỏanh lại hoa xuân rụng não nề.
Có cũng về
Không cũng về
Về đâu non nước về đâu nhỉ?
Chảy xiết cuồng lưu, vọng khứ hề
Có cũng về
Không cũng về
Sáu bảy mươi năm làm lữ khách
Một chiều tuyết phủ với sương che .
Có cũng về
Không cũng về
Thanh xuân giờ đã xa biền biệt
Dừng lại bên sông lạnh bốn bề.

Thật sự, Phùng Minh Tiến cảm nhận cuộc đời qua nhiều khía cạnh, góc độ và thế nhìn, chứ nếu chỉ trích dẫn thơ anh qua các bài tâm linh, siêu hình về cuộc đời thì cũng cưỡng ép oan uổng. Đọc bài thơ “Vầng Trăng Hạnh Ngộ”, thấy thoải mái, nhẹ nhàng vô cùng:

Trăng của ngày xưa vẫn còn đây
Từ trong tiền kiếp đến nơi này
Biển dâu đã mấy lần dâu biển
Mùa đến, mùa đi, khuyết lại đầy
Trăng thuở thanh xuân, mùa hạnh ngộ
Trăng thời chinh chiến, khóc thương ai …
Nỗi trôi vẫn một vầng trăng cũ
Cũng đành đá nát với vàng phai .
…….
Chiều nay đi giữa rừng thay lá
Còn chút keo sơn buổi chuyển mùa
Tóc tơ ai đợi nghìn năm trước
Trăng về quạnh quẽ bến sông xưa

Hãy nghe anh nhìn qua bài thơ tự phát hoạ “Nụ Cười Chiêm Bao:”

Bây giờ tôi lại thương tôi
Bản lai diện mục nụ cười hư hao
Quê xưa chìm khuất nơi nao
Bước chân khổ hạnh lao xao bụi hồng
Tiền thân lạc cõi hư không
Em đi xa dấu ngựa hồng tìm đâu
Bao mùa nước chảy qua cầu
Sao còn đứng đợi đêm thâu mơ màng
Bây giờ tôi lại xa tôi
Biển xưa đã cạn, sông bồi đã xanh
Trăm năm hạt bụi viên thành
Trôi trong vô lượng, mong manh phận người
Bây giờ tôi bỏ luôn tôi
Bỏ xuân xanh, bỏ luân hồi, xưa, sau
Bỏ quê, bỏ xứ, bỏ chùa
“Giày rơm, áo vải”, chào thua cuộc đời
Ừ thôi cũng thế mà thôi
Được thua, hơn thiệt, nụ cười chiêm bao .

Ngay cả trong thơ tình cũng mang âm hưởng từ bi, như bài “Theo Em:”

Theo em dưới bóng Bồ Đề
Yêu em độ lượng vỗ về trong ta
Đông về buốt lạnh lời ca
Mùa xuân chợt đến tôi xa vội người
Hoang vu từ độ Em cười
Đôi tà khép mở áo vui thuở nào
Đường xưa trắng cả chiêm bao
Vang vang guốc mộc, lao xao bụi hồng
Ai ngờ rồi cũng hư không
Chim bay biển bắc, tìm mong biển nào
Dáng xưa giờ đã hư hao
Áo xưa chắc cũng phai màu còn đâu
Bao mùa nước chảy qua cầu
Ta giờ đã thất lạc nhau muôn trùng.

Một dịp anh về lại phố Hội, chốn xưa, một thời trai trẻ yêu thương tràn đầy trong tim, bài thơ “Tôi Về”:

Tôi về phố cũ đìu hiu
Sương pha núi dựng, mây chiều đầu non
Bến xưa khói sóng vẫn còn
Sông Thu chạnh nhớ đò ngang năm nào
Nửa đời chưa hết lao đao
Trăng mùa thu cũ, giờ sao úa màu
Sóng dồn lớp lớp, xưa, sau
Góc sân hoang lạnh, hương cau nhạt nhòa
Biển dâu mấy độ quan hà
Xa Em mùi tóc hiên sau vẫn còn.

Dòng sông “định mệnh” vẫn ám ảnh anh suốt đời. Cũng chính nơi cây đa, bến cũ, con đò xưa đó, khi anh về, đã biển dâu mấy độ, mộng thuở đầu đời đã vỗ cánh bay xa, nhưng dòng sông tâm thức vẫn chảy mãi trong anh không ngừng:

Tôi về thăm bến sông xưa
Còn đâu bến cũ mà đưa tiễn người …
Sông xưa nay lở, mai bồi
Bèo tan Cửa Đại, mây trôi phương nào?…
Biển trùng còn mãi lao xao
Bốn mươi năm lẻ làm sao quên người
Trời ơi chỉ một nụ cười
Theo nhau chỉ để luỵ người núi sông..

Chúng tôi bên ly cà phê ở quán đông bạn bè, hay đùa Phùng Minh Tiến chắc kiếp trước Anh là một thiền sư đạo hạnh, nhưng say mê nét đẹp của một thiện nữ, nên bị đọa, nay sống đời độc thân, làm thơ đầy thiền vị, và cuộc đời “sắc không” trong tình thương của từ bi, bác ái …

Thơ Phùng Minh Tiến làm đẹp cuộc đời!

Quận Cam, California
Minh Tâm Xuân Đỗ

Views: 51

Năm Mão

Phạm Thành Châu

ăm nay là năm Mão, cầm tinh con Mèo. Các báo Xuân làm gì cũng có một bài về mèo. Lịch thì có hình con mèo. Nhà nào cũng có mèo, ai cũng biết rõ về nó, chẳng có gì lạ, nên viết sao cho độc giả mới đọc nửa chừng thì không thèm đọc nữa mới thật là khó. Thông thường, người ta viết nhiều nhất là về những nhân vật (đúng ra là những danh nhân đã chết) có tuổi con mèo, cũng có người viết về những năm Mão trong lịch sử. Cứ lôi bài cũ (báo xuân) từ mười hai năm trước ra xào nấu, thêm chút gia vị vào là thành bài của mình. Hoặc cứ lấy quyển mười Hai Con Giáp ra chép lại. Tôi cũng chẳng hơn gì những vị đó, nhưng có để tâm sưu tập những bài về mèo từ các báo đã đăng, dành dụm những tài liệu, tin tức liên quan đến con mèo, nay kể ra, để bạn đọc giải trí trong mấy ngày xuân. Người ta nói Chữ Mão, tiếng Tàu nghĩa là thỏ, tiếng Việt nghĩa là mèo (?) Tôi không biết chắc nhưng lịch Tàu thì để hình con thỏ vào năm Mão. Người miền Trung và miền Nam gọi mão là mẹo (tí, sửu, dần, mẹo, thìn, tị…) Tiếng Anh gọi mèo là cat, tiếng Pháp là chat, tiếng Đức katze, tiếng Tây Ban Nha gato, tiếng Nhật neko, tiếng Ả Rập kitte… Con mèo có thể kêu khoảng sáu mươi thứ tiếng khác nhau để bày tỏ cảm nghĩ của mình, đặc biệt nó gào thét khi làm tình, nhưng đối thoại với người, nó chỉ kêu meo, meo để xin ăn mà thôi. Cũng có khi nó kêu rù rù nho nhỏ lúc bạn âu yếm nó hoặc lúc nó dụi đầu vào người bạn để chờ được vuốt ve. Có lẽ vì các cô bồ nhí của mấy ông già cũng nũng nịu kiểu đó nên được gọi là mèo. Chính mắt tôi thấy trong TV, một con mèo nói tiếng Mỹ. Bà chủ nói gì, nó nói theo (độ năm ba tiếng thôi). Bác sĩ thú y nói trong thanh quản con mèo đó có dị tật. Hình như chuyện Ba Giai Tú Xuất có kể, Ba Giai đánh cuộc với cô hàng nước rằng con mèo cô ta biết tiếng người. Cô hàng nhận lời, Ba Giai xách tai con mèo lên, bấm móng tay vào tai mèo và hỏi “Của cô hàng tròn hay méo?”, con mèo đau quá kêu lên: “Méo, méo!”. Có vài chuyện vui về mèo. Một ông quá lười biếng nên chết đói. Xuống âm phủ, Diêm Vương phán: “Nhà ngươi lười quá nên ta cho ngươi đầu thai làm con mèo, phải tự mình bắt chuột mà ăn.” Anh ta năn nỉ Diêm Vương: “Xin ngài cho con làm con mèo đen có chấm trắng trên mũi.” Diêm Vương ngạc nhiên “Để làm gì?” “Thưa, ban đêm con nằm trong bóng tối, bọn chuột thấy chắm trắng tưởng hột cơm, mò đến, con bắt ăn thịt, khỏi phải đi đâu cả.” Một con mèo khác rình hoài mà không bắt được chuột, nó giả giọng chuột kêu chít, chít! Bọn chuột tưởng đồng loại, bò ra khỏi hang, bị mèo bắt ăn thịt. Ăn xong mèo gật gù. Biết ngoại ngữ cũng dễ sống hơn bọn không chịu đến trường sinh ngữ để học thêm. Một chuyện vui khác. Cô giáo bảo học trò tả con mèo. Một cậu viết: “Nhà em có một con mèo, nhưng em chưa thấy nó, mẹ em cũng chưa thấy nó. Mẹ em nói -Ba mầy có mèo, nhưng tao chưa bắt được. Trước sau gì tao cũng tìm ra.”Một lần khác, cô giáo bảo tả con khỉ, cũng cậu học trò đó, viết “Nhà em có nuôi một con khỉ. Một buổi sáng chủ nhật, có một cô đến nhà em, ba em chạy ra bảo -Đừng vô nhà, có con khỉ già ngồi trong đó!”
Mèo bự nhất, có thể nặng từ sáu đến mười kí lô, đó là giống Main Coon, lai tạo từ mèo rừng Bắc Mỹ với mèo hoang tiểu bang Maine. Một ông bạn, gặp tôi, khoe rằng sắp lập một xí nghiệp nuôi mèo và chuột. Ông bạn giải thích: Giai đoạn đầu, tôi nuôi một mớ chuột, khi chuột sinh sôi nẩy nở nhiều rồi, tôi nuôi mèo, lấy chuột cho mèo ăn. Khi mèo lớn, sinh con đẻ cháu, tôi giết mèo, lấy da đem thuộc, làm áo ấm, ví, xách tay… cho quí bà, thịt mèo đem nuôi chuột. Vậy là vòng tròn khép kín, chỉ tốn công, khỏi tốn thực phẩm nuôi mèo và chuột. Anh ta nhờ tôi nghiên cứu giùm về con số chính xác, mèo sinh sản ra sao? Tôi tìm đọc về mèo và cho anh ta những số liệu sau: Mèo đẻ hai lứa một năm. Trong năm năm sống sót được hai mươi tám con, với mười lứa đẻ. Mèo mẹ sinh con, con sinh cháu, cháu sinh chắt, chút, chít … sau ba năm có được ba trăm tám mươi hai con, sau bốn năm, hai nghìn hai trăm con, sau năm năm, mười hai nghìn sáu trăm tám chục con… sau mười năm có hơn tám mươi triệu con. Anh bạn tôi sáng mắt lên. Giàu thấy rõ mà chẳng ai biết ! Sau đó tôi không còn gặp anh bạn đó nữa, cũng không nghe về Xí nghiệp mèo chuột của anh ta.

Toàn thế giới có sáu trăm triệu con mèo, riêng nước Mỹ có hơn bảy chục triệu con. Các bà thích nuôi mèo vì nó giúp các bà đỡ buồn chán (depress), coi như người bạn hiền lành. Nuôi mèo ở các nước Âu Mỹ phiền phức lắm, phải có bảng tên đeo vào cổ mèo, phải đi bác sĩ chích ngừa, khám bịnh, phải cho ăn đúng thực phẩm, phải tắm rửa, dọn vệ sinh cho nó (hốt phân), vì nhà luôn đóng cửa, mèo không ra ngoài phóng uế được, không như ở xứ ta, chút xương cá với mấy muỗng cơm là xong. Mèo, chó Âu Mỹ mà cho ăn như thế nó sẽ bị tiêu chảy, rụng lông rồi chết. Mấy ông bà Âu Mỹ thường chụp hình chó, mèo của mình, để rủi chó, mèo có đi lạc thì làm một bảng cáo thị, có đủ tên tuổi con vật với hình ảnh, số điện thoại của chủ rồi đem treo ở các ngã tư trong xóm. Ai tìm thấy thì cho chủ biết, nhận về. Có người nuôi mèo chung với chuột, vì mèo (Âu Mỹ) không ăn thịt chuột, và chó cũng không ruợt cắn mèo bao giờ. Nhưng mèo hoang thì cũng giống như mèo ở xứ ta. Chúng đi hoang vì chủ nó dọn nhà mà không mang chúng theo, chủ nhà mới không cho vô nhà. Mỗi năm ở Mỹ có cả triệu con mèo bị bỏ hoang. Xóm tôi ở, có mấy con mèo hoang, khuya nào chúng cũng đi lùng sục chuột bọ trong các vườn nhà người ta. Chúng thích nhất là trèo cây bắt tổ chim. Ở Âu Mỹ, bắt giết súc vật là phạm pháp, thế nên chim chóc sinh sôi nay nở khắp trong vườn, trong rừng. Vườn nhà tôi có rất nhiều chim đến làm tổ, khi thấy có trứng trong tổ (chúng làm tổ trong các buội cây rất thấp) tôi phải lấy thuốc trừ sâu bọ xịt dưới gốc cây, cành lá chung quang để mèo không đánh hơi được, nhờ vậy lũ chim non được sống sót. Có một bà Mỹ già, tối nào cũng đem thực phẩm mèo ra sau vướn nuôi lũ mèo hoang, có đến mấy chục con tụ tập, giành ăn, meo meo ồn ào, hàng xóm kêu cảnh sát. Không hiểu sao, cảnh sát lại cấm bà ta cho mèo ăn? Ở Âu Mỹ, mấy người già thích sống một mình, không muốn con cháu đến quấy rầy, thế nên có một bà cụ chết, mấy ngày sau, nghe mùi hôi, hàng xóm gọi cảnh sát đến. Mở cửa ra, có đến hàng trăm con mèo đang vây quanh xác chết, kêu gào vì đói. Sở Mục Súc phải đóng cửa, vây bắt từng con. TV chiếu, mèo lớn, mèo nhỏ chạy lung tung, trên lầu, trong bếp, trong kẹt tủ … Thông thường, sở bắt súc vật đi lạc về, nhốt vô chuồng, ai muốn nuôi thì đến xin. Mèo, chó nhiều quá, không ai xin thì phải giết bớt. Ở Việt Nam mà có mấy dịp đó thì các quán nhậu đặc sản phát tài. Một bà cụ Mỹ, có con mèo bịnh chết, bà ta sắm cho nó một quan tài giá năm trăm đô la, lại tốn một mớ tiền mua đất ở nghĩa trang súc vật để xây mộ cho nó. Thỉnh thoảng bà cụ đi thăm mộ, chuyện trò với vong linh con mèo thân yêu. Ở các xứ văn minh, con cái không có cái tình với cha mẹ như người Á Đông. Cha mẹ nuôi con như làm bổn phận, con đến tuổi trưởng thành là rời nhà cha mẹ, đi thẳng, họa hoằn lắm mới gọi điện thoại hỏi thăm. Mà cha mẹ cũng thích sống một mình trong nhà hoặc gửi thân nơi các nhà dưỡng lão, chờ ngày nhắm mắt xuôi tay. Họ không thích con cháu đến làm phiền. Thế nên, con mèo, con chó là bạn thân nhất của người già. Có mấy chuyện (cũ và mới) về mèo, kể ra đây để bạn đọc cho vui. Nursing Home (nhà già) tên là Steere ở Providence, Rhode Island có nuôi một con mèo đen trắng (có hình trên báo) tên là Oscar. Nó rất hiền và ngoan, các cụ thích vuốt ve, âu yếm. Nhưng nó có tật lạ là hễ tối nào nó nhảy lên giường người nào nằm thì làm gì người đó, hôm sau sẽ chết. Có lần, người ta đem bỏ nó lên giường một người hấp hối, nó nhảy xuống chạy qua phòng một người mạnh khỏe mà nằm. Quả nhiên, hôm sau, người hấp hối hồi tỉnh còn người mạnh khỏe kia, tối ngủ rồi ngủ luôn, không dậy nữa (chết). Đảo Peratjio ở Ấn Độ Dương, không có người nhưng lại có hàng nghìn con mèo. Số là năm 1850, có một chiếc tàu biển bị đắm vì đá ngầm, những người sống sót lên được đảo nhưng cũng chết sau đó vì bịnh dịch, chỉ còn vài con mèo, chúng sống nhờ bắt cá ven bờ biển. Đến nay, ghé vào đảo đó, vẫn thấy đầy mèo. Đảo Ishima ở Nhật có quá nhiều chuột, người ta bèn đem mèo các nơi khác đến bắt chuột, ít lâu sau, chuột hết sạch mà mèo thì đông hơn chuột trước đây, mà lại không có gì ăn, chúng vào bếp ăn vụng, ra chợ rình vồ thịt cá, tha chạy đi, người ta đi chợ, chúng cũng nhảy vô giỏ cướp thịt cá. Bài báo không nói cách giải quyết nạn mão mãn ra sao?

Năm 1902, Walter William, một nha sĩ đến Tahiti hành nghề ở thủ đô Papeete, ông ta chữa răng cho quốc vương Pomare giỏi quá nên quốc vương tặng ông ta một hòn đảo, chỉ có dừa chứ không có người. Đến nơi thì thấy toàn chuột. Ông ta quay về thủ đô Papeete treo bảng mua mèo, được hơn hai trăm con, đem qua đảo cho bắt chuột. Chuột không còn, mà dân số mèo lại tăng lên, nhưng mèo không phá hại như chuột, không đục khoét dừa non và mèo cũng biết ra bờ biển rình bắt cá sống qua ngày. Ngày 2 tháng 9 năm 2009, ở tiểu bang Texas, ông Gil Smith lái xe từ thị xã Gilbert đến thành phố Kearny, trên quãng đường một trăm hai mươi cây số. Ông ta không biết có con mèo của mình đang ôm cứng cái bánh xe dự phòng dưới gầm xe. Nếu nó buông chân, ắt bị xe sau cán chết. Khi đến nơi, nghe mèo kêu, ông ta đem nó ra rồi gọi báo chí, truyền hình đến khoe con mèo khôn ngoan. Ngày 26 tháng 8 năm 2010, bà quả phụ Monika Hoppert, sáu mươi tuổi ở Studthgen, nước Đức, kêu thợ đến thay bồn tắm. Ông thợ đặt bồn tắm mà không biết có con mèo dưới đó. Hàng xóm nghe mèo kêu mà không biết từ đâu, qua hỏi, bà Monika Hoppert bèn cho người dở bồn tắm lên. Con mèo nằm trong đó mấy tuần mà không chết. Trước đây, nó nặng gần sáu kí lô, đem ra chỉ còn một kí sáu. Vậy mà nó sống được ! Năm 2008 cô bé Kirstas Hicks ở Adelaide, Úc châu, đi du lịch với gia đình, nhân tiện ghé thăm ông bà ngoại, cô đem con mèo gửi cho ông bà ngoại (ở cách nhà cô một nghìn sáu trăm cây số). Đi nghỉ hè về thì ông bà ngoại báo con mèo đi đâu mất rồi, tìm không ra. Một năm sau, một buổi sáng, mẹ cô bé Kirstas Hicks thấy một con mèo ốm trơ xương, trụi lông, sút móng, khắp mình đầy vết thương lở loét nằm trước cửa. Thấy tội nghiệp, bà ta đem vào nhà cho ăn. Khi cô bé Kirstas Hicks đi học về thấy thì kêu lên -Con Howie của con đây mà! Thì ra con mèo đã vượt một nghìn sáu trăm cây số, băng qua sa mạc, rừng rậm, sông hồ, chiến đấu với thú dữ để sống còn mà về với cô chủ nhỏ. Ở Việt Nam, trước đây, người ta bảo ăn thịt mèo xui (mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang), về sau, thịt mèo, thịt rắn được xếp vào đặc sản. Thế nên, ở thôn quê, các tay buôn thu mua rồi chuyển hết mèo với rắn lên thành thị để cung cấp cho các quán nhậu. Không có mèo và rắn bắt chuột nên chuột sinh sôi, nẩy nở đầy đồng, phá hại mùa màng, cũng may, sau đó, lại dấy lên phong trào nhậu chuột đồng, người ta lại đổ xô đi bắt chuột để cung phụng cho mấy ông thần ve chai. Thế là cân bằng sinh thái !

Bây giờ kể chuyện đời xưa về con mèo. Đó là chuyện Linh Miêu Hoán Chúa đời Tống bên Tàu. Chuyện hơi dài dòng, xin kiên nhẫn và cũng xin hiểu rằng. Chuyện đã được tiểu thuyết hóa thành dã sử (Vạn Huê Lầu?) thành tuồng hát, với tình tiết gay cấn, lâm ly và bao giờ kết thúc cũng có hậu. Vị nào trên sáu mươi tuổi ắt đã từng xem sách hoặc xem hát bộ (Bao Công Tra Án Quách Hòe) xem cải lương (Linh Miêu Hoán Chúa) ắt còn nhớ.

Chuyện xảy ra thời Ngũ Đại Tàn Đường, khoảng thế kỷ thứ 10. Lúc bấy giờ, bên Tàu, giặc giả khắp nơi, mỗi người hùng cứ một phương. Có Quách Ngạn Oai, là nguyên soái Phàn Châu, tự xưng làm vua, lập nên nhà Hậu Châu. Ngạn Oai chết, Sài Vinh, xuất thân bán dù, là cháu vợ Ngạn Oai, nối ngôi, hiệu là Châu Thái Tôn. Bấy giờ Triệu Khuôn Dẫn, em kết nghĩa với Sài Vinh, làm chức Kiểm Điểm Sứ, nắm binh quyền. Châu Thái Tôn (Sài Vinh) chết, con là Tông Huấn, mới bảy tuổi lên nối ngôi. Nhân giặc Khiết Đơn quấy phá biên cương, Khuôn Dẫn đem quân tiểu trừ. Khi kéo binh đến Trần Kiều thì các tướng bàn nhau tôn Khuân Dẫn làm vua, truất phế Tông Tuấn. Khuôn Dẫn lập nên nhà Tống. Sử Tàu gọi vụ đảo chánh nầy là Binh Biến Trần Kiều, năm 960. Nhà Tống truyền ngôi mấy đời, đến đời Tống Chơn Tông thì xảy ra vụ án Linh Miêu Hoán Chúa.

Chuyện như thế nầy. Tống Chơn Tông có hoàng hậu họ Lưu, không có con, vua lại yêu thương một quí phi tên là Lý Thần Phi. Khi Tống Chơn Tông xuất chinh đi đánh Khiết Đơn thì Lý Thần Phi có bầu và sinh con trai. Lưu hoàng hậu đến thăm Lý Thần Phi, thấy Lý Thần Phi đang hôn mê, bèn sai thái giám Quách Hòe đem một con mèo thay vào và đưa đứa bé cho cung nữ Thể Vân đem giết đi. Thể Vân đem đứa bé giao cho thái giám Trần Lâm rồi nhảy xuống hồ tự tử. Trần Lâm trao đứa bé cho Lộ Huê Vương là anh em chú bác với Tống Chơn Tông. Lấy lý do Lý Thần Phi sinh quái thai, Lưu hoàng hậu bắt nhốt Lý Thần Phi vào Bích Vân Cung (Tống Chơn Tông đi đánh giặc chưa về), sau đó sai thái giám Quách Hòe đốt Bích Vân Cung, cố ý giết Lý Thần Phi. Âm mưu bị cung nữ Khấu Thừa Ngự biết, bèn báo cho Lý Thần Phi trốn thoát, còn mình giả làm Lý Thần Phi chịu chết cháy. Như vậy, coi như Tống Chơn Tông không có con nối dõi. Khi Tống Chơn Tông chết, triều đình đề nghị cho con Lộ Huê Vương lên nối ngôi, đó là Triệu (?) Trinh (con Lý Thần Phi nhưng không ai biết). Triệu Trinh làm vua tức Tống Nhân Tông. Thời Tống Nhân Tông được xem là cực thịnh của vương triều nhà Tống. Tống Nhân Tông có nhiều nhân tài như Vương An Thạch, Âu Dương Tu, Phạm Trọng Yếm… (Nhân vật tể tướng Vương An Thạch nầy đã làm một việc có liên quan đến Việt Nam thời bấy giờ. Vương An Thạch chủ trương đánh chiếm Việt Nam nên cho dự trữ lương thực, khí giới ở các tỉnh sát biên giới với Việt Nam. Ung Châu là nơi tập trung quân đánh đường bộ vào Việt Nam, Khâm Châu, Liêm Châu là cánh quân đường thủy. Biết được âm mưu của kẻ thù, vua Lý Nhân Tông sai tướng Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem quân đánh vào các nơi đó, tịch thu và phá hủy tất cả lương thực, khí giới, tiêu diệt và bắt làm tù binh hàng vạn quân địch. Tướng Tàu là Trương Thủ Tiết và Tô Giám bị chém đầu). Đứng đầu bên văn có đại thần Bao Công, bên võ có Tống Địch Thanh. Bao Công tên là Bao Chửng, đậu tiến sĩ đời Tống Thái Tông, làm quan đến chức phủ doãn (đô trưởng) phủ Khai Phong, là kinh đô nhà Tống. Bao Công nổi tiếng là người xét án giỏi và công minh. Đọc truyện Tàu “Thất Hiệp Ngũ Nghĩa kể chuyện về bao Công rất hấp dẫn. Một lần đi phát chẩn cho nạn nhân bão lụt sông Hoàng Hà, đến phủ Đại Danh, Bao Công bị gió thổi bay mất mũ, bèn nghi ngờ có điều gì oan khuất trong thiên hạ đây, nên cho dừng quân, viết trát, sai hai thuộc tướng là Trương Long, Triệu Hổ đi bắt Lạc Mạo Phong (gió thổi bay mũ). Hai tướng lên đường mà không biết đi đâu để bắt Lạc Mạo Phong. Gió lại nổi lên, thổi bay cái trát vào thúng cải của Quách Hải Thọ, là tên bán cải kiếm tiền nuôi mẹ bị mù. Thế là hai tướng bắt Quách Hải Thọ về nộp cho Bao Công. Bao Công thấy bắt người vô tội mới đền tiền và thả về. Quách Hải Thọ mang tiền về lò gạch, là nơi cư ngụ, khoe với mẹ. Người mẹ mù đó chính là Lý Thần Phi và Quách Hải Thọ là con nuôi của bà ta. Nghe rõ sự tình, Lý Thần Phi sai Hải Thọ đến gặp Bao Công và bảo Mẹ tôi truyền ngài đến cho mẹ tôi dạy việc. Bao Công sinh nghi, bèn đích thân đến lò gạch, là nơi cư ngụ của Lý Thần Phi. Bao Công phải chui vào lò gạch còn bị bà già mù dõng dạc. Nếu phải Bao Long Đồ sao chưa quì xuống mà ra mắt ta? Bao Công không biết đó là Lý Thần Phi, nhưng là quan xử án nên phải chịu nhục để tìm cho ra oan khuất của người dân. Bà già mù (Lý Thần Phi) tra hỏi Bao Công đủ điều. Sau khi biết chắc đó là Bao Công, bà ta mới kể lại mọi chuyện. Xác nhận được bà già mù là Lý Thần Phi, Bao Công về triều tâu lại với Tống Nhân Tông (là con của bà Lý Thần Phi, được thái giám Trần Lâm giao cho Lộ Huê Vương làm con nuôi, sau được tôn làm vua). Tống Nhân Tông cho bắt Quách Hòe, tra khảo. Đánh đập đến gần chết, Quách Hòe cũng không chịu khai vì sợ liên lụy đến Lưu thái hậu (trước là Lưu hoàng hậu, chủ mưu). Quách Hòe nói -Có đánh tao chết thì xuống âm phủ, họa may tao mới khai với Diêm Vương. Bao Công bèn thiết trí một nơi âm u, lạnh lẽo, giả làm âm phủ, có diêm vương, có ngưu đầu mã diện, có hồn ma kêu khóc… rồi đánh cho Quách Hòe bất tỉnh và đem đến nơi âm cảnh giả đó. Quách Hòe tỉnh dậy, tưởng mình chết thật, mới khai ra mọi chuyện. Cuối cùng, kẻ ác đền tội, Lý Thần Phi được trời cho sáng mắt, đoàn tụ với con (là vua Tống Nhân Tông), Quách Hải Thọ được phong làm quan nhưng chỉ xin lãnh lương, nằm nhà chứ không chịu đi nhận việc.

Chuyện con mèo của năm Mão đến đây là hết.

Phạm Thành Châu

(chaupham3276@gmail.com)

Views: 32

Tiếng Anh Ở Mỹ

Truyện vui Phạm Thành Châu

Người đời thường “Tốt khoe, xấu che”, hắn thì xin kể mấy cái dốt của mình để bạn, đọc giải trí. Một thứ dốt tầm thường chứ chẳng văn chương, triết lý gì đáng để hắn làm bộ “Khiêm nhưòng cũng là cách tự cao”. Đó là dốt tiếng Anh của hắn.

Trước khi nói về tiếng Anh ở Mỹ, xin có mấy dòng về tiếng Anh của hắn khi còn ở Việt Nam. Nói đúng ra, cái dốt tiếng Anh của hắn kéo dài từ Việt Nam qua đến Mỹ, cho đến cả chục năm sau, dốt vẫn hoàn dốt! Chuyện nầy vắn tắt thôi, sau đó là những chuyện vui để bạn đọc giết thì giờ.

Sau khi tốt nghiệp trung học, khoảng thập niên 1960, hắn vào Sài Gòn để theo nghiệp đèn sách. Việc đầu tiên của một cậu học trò du học (nội địa) là phải tìm việc làm để sống. Lúc đó, đài phát thanh ra thông cáo. Nha Viễn Thông Bộ Nội Vụ VNCH. tuyển chuyên viên sửa chữa máy viễn thông, sẽ được huấn luyện trong 9 tháng sau đó được học thêm tiếng Anh (6 tháng nữa) để qua Mỹ học về máy truyền tin mới, sẽ viện trợ cho Việt Nam. Các bài học tiếng Anh chuyên môn, nếu dịch ra tiếng Việt cũng ít người biết rõ, như “biến điệu biên độ, biến điệu tần số, chùm tia, cộng hưởng, cảm ứng điện từ…” Sau hai khóa học tiếng Anh về chuyên môn, (trong lúc chờ đợi du học Mỹ), hắn được điều về khu Viễn Thông Biên Hòa để sửa chữa máy viễn thông của các tỉnh thuộc vùng 3 Chiến Thuật VNCH (Biên Hòa, Phước Long, Long Khánh, Bình Long, Hậu Nghĩa…)             Khu Viễn Thông Biên Hòa, là một tòa nhà hai tầng nằm trong thành phố Biên Hòa, gần bờ sông Đồng Nai. Trên lầu là chỗ để máy Teletype và chỗ là việc của một cố vấn Mỹ, thỉnh thoảng từ Sài gòn lên một buổi rồi đi. Tuy trong khu viễn thông có nhiều chuyên viên nhưng họ là thợ sửa radio ngoài đời tuyển vô, nên chỉ mình hắn biết chút ít về tiếng Anh (về viễn thông) nên hắn thường cùng với các chuyên viên Philippines đi thiết trí trụ antenna, sửa chữa các máy viễn thông trong vùng 3 chiến thuật. Hắn còn phải  làm thông dịch cho mấy cậu Philippines nầy với chính quyền địa phương. Những tưởng với chút vốn tiếng Anh đó, khi qua Mỹ hắn sẽ được dễ dàng phần nào trong giao tiếp với người bản xứ. Không ngờ mấy cậu Philippines nầy nói tiếng Anh theo giọng Spanish, như mấy cậu Mễ ở Mỹ, cứ nhấn mạnh tiếng nào có chữ “r” “năm bờ rờ, pho rờ” (number four) còn thêm tiếng Tagalog (tiếng mẹ đẻ của người Philippine), làm hắn muốn điên cái đầu.

Có một chuyện vui về anh chàng cố vấn Mỹ của nha Viễn Thông, Bộ Nội Vụ. Anh ta thỉnh thoảng từ Sài Gòn lên khu Viễn Thông Biên Hòa, làm việc trên lầu Nhân viên thường lên đó làm việc, đôi khi bình luận vui về anh chàng cố vấn Mỹ nầy, anh ta tỉnh bơ như người điếc nặng. Vậy mà, một buổi chiều thứ sáu, hắn xin quá giang xe anh ta về Sài Gòn. Trên xa lộ, trời mưa mà anh ta lái chạy ào ào. Lúc đó, có một chiếc xe đò Traction đen cứ chàng ràng trước xe khiến anh ta bực mình. Lúc qua mặt, anh ta thò đầu ra chửi thề ông tài xế “ĐM. mầy! Mầy chạy kiểu gì vậy?”. Hắn về nha Viễn Thông kể lại, ai cũng cười bảo “CIA thứ dữ đó! Nghe tiếng Việt tài lắm! Phiden Castro treo giá cái đầu anh ta một triệu Mỹ kim” (nước Cu Ba nghèo, thời giá đó là rất lớn).

Sau hơn hai năm làm việc với toán chuyên viên Philippines, thì có tin, việc đi Mỹ du học bị bãi bỏ. Cả bọn tan hàng, đứa thì vô Hải quân, Không quân, Võ bị Đa Lạt… Hắn thi vào trường Hành Chánh, hành nghề cạo giấy (công chức).

Bây giờ kể qua chuyện miền Nam bị Bắc thuộc năm 1975, hắn đi tù khổ sai hơn sáu năm. Khoảng thập niên 1990, hắn cùng gia đình qua Mỹ theo chương trình HO.

Trong lúc được trợ cấp xã hội, hắn đi kiếm việc làm. Một người bạn (Vũ bá Hoan) giới thiệu hắn đến một văn phòng, gặp người phỏng vấn. Sau vài câu hỏi vớ vẩn về gia đình, tuổi tác… bà người Mỹ hỏi hắn “Có xe đi làm không?” Hắn trả lời “Có!” Rồi bà hỏi tiếp “How about your “mêphs?” Bà ta nói nhanh nên hắn nghĩ đó là chữ “map” (bản đồ. Lái xe thì phải biết đường đi, phải có bản đồ) Nên hắn trả lời “Rất tiếc. Tôi không biết gì về map (bản đồ)!” Bà ta lắc đầu. Hóa ra đó là chữ Maths. (Mathematics, toán) Như thế hắn đã trả lời là không biết gì về toán học! Nếu viết lên giấy thì mọi chuyện sẽ dễ dàng, nhưng họ cần người nghe và trả lời trong công việc. Một lần khác, đến xin việc ở một cây xăng, hắn gặp may. Ông chủ cây xăng hỏi linh tinh vài chuyện. Nghe hắn mới đến Mỹ, ông ta bỏ ra một nắm bạc cắc (coins) gồm quarters, dimes, nickels,  pennies… và bảo “Sắp lại thành mỗi đô la riêng xem sao?” Hắn loay hoay một lúc thì làm được. Từ đó, hắn làm nghề bán xăng (cashier) cho đến khi về hưu.

Ở Mỹ lúc nào cũng có các lớp tiếng Anh ESL (English as a Second Language), học buổi tối, hoàn toàn miễn phí, có bà không chịu học, đi đâu dẫn con theo, nhờ nó thông dịch. Cũng có ông không cho vợ đi học tiếng Anh, đó là những ông già về Việt Nam cưới vợ trẻ, đem qua Mỹ, nhốt trong nhà, sợ sổng ra, nó theo trai! (mà nó theo trai thiệt!). Hắn có ông bạn (P.Đ.Th.), khi còn ở Việt Nam, chuyên dịch những sách tiếng Anh cao cấp như khoa học, kỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc… Anh ta còn ra sách “Tiếng Anh Đàm Thoại”, bán đắc như tôm tươi, vậy mà khi qua Mỹ, đi xin việc, anh ta thú nhận với hắn rằng “Con Mỹ phỏng vấn chỉ mới hỏi một câu đầu tiên là tao té ngửa, bò càng. Tao không hiểu gì cả!”. Một ông, lớn tuổi, kể. Ông ta đến trường cộng đồng ghi tên học tiếng Mỹ. Để xếp lớp, học viên phải viết một bài ngắn bằng tiếng Anh, rồi nghe (A, B, C quẹt) cũng bằng tiếng Anh để xem trình độ. Sau đó, mọi người đều có giấy gọi đi học, riêng anh ta thì không. Bèn đến trường hỏi. Nhà trường giải thích rằng. Bài viết bằng tiếng Anh của anh ta quá hay nhưng khi nghe máy thì chẳng trả lời được gì cả. Trường không biết phải xếp anh ta vào lớp học nào? Nghe nói, ông Nguyễn Hiến Lê, nổi tiếng dịch sách Anh, Tây, Tàu. Có một tác giả Mỹ, đến thăm, phải bút đàm, vì nghe không hiểu, nói không được. Một ông khác người gốc Hungary, đã tốt nghiệp đại học về tâm lý và hành nghề trong nước (Hung) rồi. Giữa năm 1970, gia đình được sang Mỹ sống đời tị nạn, ông lấy lại bằng cao học tâm lý và may mắn tìm ngay được việc làm nhưng năm nào người ta cũng buộc ông ta phải theo học mãi mấy lớp (nghe, đọc, nói tiếng Mỹ) nầy từ năm, sáu năm nay rồi, với lý do là ông vẫn nói “sượng” tiếng Mỹ nên bệnh nhân đa số không chịu thổ lộ tâm sự của họ. Trên TV, đôi khi người Ấn Độ nói tiếng Anh phải có phụ đề tiếng Anh, người Mỹ mới hiểu.

Hóa ra, đọc và viết ngoại ngữ là một việc, nghe và nói lại là một việc khác. Nếu (ở quê nhà) học tiếng Anh theo như sách vở mà không đàm thoại, sẽ lâm vào tình trạng sau đây. Khi người đối diện hỏi một câu tiếng Anh. Câu đó sẽ hiện ra trong trí của người nghe, tự giải nghĩa, khi hiểu rồi mới xuất hiện câu trả lời để (đọc) cho người kia biết! Đó là thất bại của người không có dịp thực hành.

Những đứa trẻ Việt Nam, lớn lên ở Mỹ, tiếp xúc thường xuyên với bạn bè người bản xứ ở lớp học, ngoài xã hội, chúng nói y chang dân Mỹ. Chúng nói nhanh, đôi khi cha mẹ không hiểu! Người Mỹ đen, ở Mỹ đã mấy đời, nói tiếng Anh, giọng vẫn khác Mỹ trắng! Nghe radio, giọng Mỹ đen biết liền.

Hắn không có khiếu về nghe và nói. Ngay trong tiếng Việt, hắn viết được chút đỉnh, nhưng khi nói (tiếng Việt) lại không thành câu, ngọng nghịu như người mất lưỡi! Thời trước, có giáo sư Phan Thiện Giới, cũng bị “bịnh” ấy. khi giảng bài thì cứ lắp bắp, nhưng có đọc các bài viết của giáo sư mới biết ông ta rất giỏi. (Hắn không có ý so sánh mình với giáo sư Phan Thiện Giới)

Xin kể vài cái dốt của hắn trong tiếng Anh cho bạn nghe chơi. Một lần, (là cashier) hắn gọi cho một khách hàng, báo tin “Your credit card is expired” Bà khách “What?” liền. Rõ ràng, giấy tờ nào cũng ghi Expired là hết hạn. Hóa ra, chữ đó để chỉ cái chết. Phải dùng expiration date. Một lần khác, hắn gọi đến trường xin phép cho thằng con nghỉ bịnh. Hắn nói “My son is sick” Cô ta “Happy birthday…” Chúc mừng sinh nhật con mầy (six years old)” Đúng ra phải nói get sick (bịnh). Nhiều ông lớn tuổi, thời trẻ, có học Pháp văn. Qua Mỹ, biết được nhiều chữ hơi giống tiếng Pháp rồi đọc thành tiếng Pháp! Kinh nghiệm, trong giao tiếp có câu chào “How are you?” (Ông (bà) mạnh khỏe không?). Một bà Việt Nam, đi làm, người ta hỏi vậy, bà ta bảo rằng có đau đầu hoặc mất ngủ gì đó. Ít lâu sau người ta cho nghỉ việc (bịnh hoài!). Thực ra đó là câu xã giao thôi. Mình có sắp chết cũng chỉ nên trả lời “I am fine. Thank you!”.                                                                          Sau đây là vài chuyện vui về tiếng Anh.

Ở Mỹ, nhiều người (Mỹ) có con được nhà trường gửi về nhà giấy khen học giỏi. Cha mẹ thường dán cản sau xe mình sticker câu “My son is honor student at X. school” Có người (có lẽ con không học giỏi), dán sau xe mình câu “Your son is an honor student, but my son can beat the shit out of your son” (Con ông học giỏi, nhưng con tôi có thể đánh con ông vãi cứt) hoặc “Your kid may be an honor student, but you are still an idiot” (Con ông có thể là học sinh danh dự nhưng ông vẫn là thằng ngu xuẩn). Có người dán ở cản xe câu “My Westie is smarter than your honor student” (Westie, (là tên con mèo, con chó gì đó), thông minh hơn đứa học giỏi của mầy).

Ở Tiệp Khắc, trước một văn phòng du lịch có câu “Take one of our horse driven city tours. We guarantee no miscarriages” (Ý nói, mời khách du lịch thành phố bằng xe ngựa, không bao giờ lỡ xe. Nhưng chữ “miscarriage” là sẩy thai. Chữ lỡ xe là “miss the carriage”). Một khách sạn ở Bắc Kinh có câu tiếng Anh “The manager passed the water” (Quản lý đã đái…) Ý muốn nói “Quản lý xác nhận là nước (sạch) đạt tiêu chuẩn”.

Bây giờ qua chuyện bên Tàu. Người Việt mình nhờ dùng chữ La tinh nên các danh từ riêng (tên người, địa danh…) của Âu Mỹ có thể phiên âm dễ dàng hoặc để nguyên ta vẫn đọc được. Nhưng người Tàu phiên dịch tiếng Anh theo chữ Hán, kiểu Montesquieu, mình đọc theo chữ Nho (Hán-Việt) thành “Mạnh Đức Tư Cưu”, Washington thành “Hoa Thịnh Đốn” rất khó hiểu!

Sau đây mời bạn đọc một bản tin chữ Tàu được chuyển qua  tiếng Việt bằng tiếng Phổ thông. Để bạn thấy được cái rắc rối là tại sao một danh từ riêng của tiếng Tây, tiếng Mỹ lại biến dạng thành tiếng Việt mà khi đọc lên người Âu, Mỹ cũng mù tịt? Và người Việt cứ theo tiếng Tàu mà đọc, qua lối chữ Nôm (?), cũng không biết tên thật Mạnh Đức Tư Cưu hay Hoa Thịnh Đốn gốc tiếng Tây, tiếng Mỹ là gì?

Ví dụ tiếng Mạnh Đức Tư Cư u? Đâu ra?

Nó đây! Montesquieu  孟德斯鳩 Mengdesijiu.                       

Còn Hoa Thịnh Đốn? Có ngay! Washington  華盛頓 Huashengdun.                                 

          Sau đây là một bản tin của chú Ba (tàu), không ghi ngày tháng nào, được chúng tôi sưu tầm, đối chiếu để bạn đọc “Điên Cái Đầu” chơi! (Cám ơn “ông đồ trẻ” Nguyễn Thụy Đan đã giúp đỡ)

Thượng nghị sĩ Ước Hàn Khắc Lý (John Kerry) 約翰克里 Yuehan Keli của tiểu bang Mã Tát Chư Tắc (Massachussetts) 麻薩諸塞 Masazhusei  có thể ra tranh cử tổng thống vào năm 2008. Ông bắt đầu vận động từ tỉnh nhà là Ba Thổ Đốn (Boston) 波士頓 Poshidun. Ông Ước Hàn Khắc Lý học tại đại học Da Lỗ (Yale) 耶魯 Yelu.

Tổng thống Kiều Thị Bố Thập (George Bush), 喬治布什 Qiaozhi Bushi có vợ là Lao Lạp Bố Thập (Laura Bush), 勞拉布什 Laola Bushi, cũng học ở Da Lỗ, và học cao học ở đại học Cáp Phật (Harvard). Ông Bố Thập (Bush) ở tiểu bang Đắc Khắc Tát Tư (Texas), lên làm tổng thống năm 2.000, sau khi ông Khắc Lâm Đốn (Clinton), 克林頓 Kelindun rời chính trường. Ông Bố Thập mất nhiều đồng minh trong cuộc chiến tại Y Lạp Khắc (Iraq) 伊拉克 Yilake.

Thủ tướng Anh, Bố Lai Nhĩ (Blair) 布萊爾 Bulaier, Khắc-lâm-đốn 克林頓 Kelindun cũng không tán thành lập trường của ông Bố Thập, nhất là sau vụ tấn công Phí Lư Kiệt (Falluja) 費盧傑 Feilujie

Tình cờ tôi tìm thấy trên Internet một bản văn của một bác sĩ Việt viết tiếng Việt, hướng dẫn điều trị cho đồng hương, vì sợ họ không rành tiếng Mỹ. Đáng lẽ, chỉ nhờ người nào đó dịch ra tiếng Việt từ tiếng Anh là xong, nhưng anh ta, vì tự tin ở trình độ tiếng Việt (level: Cái book nó té!) của mình, đã tra tự điển và cứ thế mà điền vào.

Mời bạn thử làm thầy bói, đoán xem vị bác sĩ muốn nói gì?

 

Phạm Thành Châu

 

Views: 24

Nhắc đến những người Hội An

Đỗ Hữu Long

Phố cổ Hội An (ảnh: Pixabay/Tri Le)

Những diễn tiến nghiệt ngã cuả lịch sử dân tộc từ giữa thế kỷ 20 cho đến nay đã đưa các thế hệ người Hội An phân tán đến những nơi xa lạ. Một số người không thể tiếp xúc với nhau trực diện, nhưng qua phương tiện truyền thông, sử sách hoặc một vài cơ hội hi hữu, họ cũng có dịp tưởng nhớ đến nhau với một số chi tiết liên hệ biểu lộ qua bài viết.

Phóng viên nhiếp nh chiến tranh Việt Nam Lê Minh Thái.

Phóng viên chiến trường Lê Minh Thái tại trận địa An Lộc 1972 (ảnh : AP Photo/Quynh Thai)

Theo bản tin AP ngày 24 tháng 10 năm 2014 cuả Julie Watson, Ông  Lê Minh Thái, một phóng viên nhiếp ảnh chiến tranh Việt Nam đã từ trần ngày 10/10/2014 tại một nhà dưỡng lão ở Encinitas, tiểu bang California- hưởng thọ 93 tuổi sau bảy năm lưu trú tại đây.

Theo lời kể cuả những người thân thuộc, ông Thái là trưởng nam cuả một gia đình thương nghiệp tại thành phố cổ Hội An, Việt Nam. Ông trở thành một nhân viên cuả giới truyền thông Sài gòn khi làm việc với Associated Press vào thập niên 1950 và sau đó cộng tác với tạp chí Life Time trong suốt cuộc chiến Việt Nam.

Ông cũng liên hệ chặt chẽ với Chính Quyền và Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng như tận tình giúp đở các phóng viên ngoại quốc di chuyển khắp lảnh thổ miền Nam Việt Nam. Ông cũng là nhiếp ảnh viên đặc biệt cuả Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và đã được Tổng Thống yêu cầu chụp những tấm hình chân dung chính thức. Ông cũng xông xáo săn hình trong những căng thẳng bùng nổ giữa Sài Gòn gồm những cuộc biểu tình cuả sư sải và sinh viên trong lúc chiến tranh leo thang.

Năm 1963 ông giúp tuần báo Time mở văn phòng tại Sài Gòn. Người Mỹ thường đến tiệm ảnh cuả ông ở Sài Gòn để chụp hình gởi về gia đình. Ông cũng mời quân nhân Mỹ đến nghỉ ngơi tại nhà hoặc đưa đi dạo phố.

Mở đầu sự nghiệp, ông cung cấp tin tức cho tuần báo Pháp Paris Match. Ông cũng có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ, và tiếp theo là phóng viên tại Geneve cung cấp tin tức thoả hiệp hoà bình chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Ông Thái và gia đình đi Mỹ ngày 23 tháng 4 năm 1975 sau nhiều tháng làm việc giúp đở nhân viên Time Life di tản. Ông định cư tại Los Angeles, tiếp tục làm việc cho báo Times đồng thời mở một tiệm chụp hình dành cho khách Việt Nam làm thủ tục cư trú. Ông chấm dứt làm việc với báo Time năm 1984 nhưng vẫn tiếp tục hành nghề chụp hình khi về hưu.

Vào tuổi thanh niên, ông Thái rời Việt Nam để theo học quân sự tại Học Viện Quân Sự Côn Minh (Kunming Military Academy) miền Nam Trung Hoa. Trong cuộc chiến Hoa-Nhật, Ông gia nhập hàng ngủ Trung Hoa Quốc Dân Đảng trong cương vị một sĩ quan tình báo có nhiệm vụ nhận diện những cãm tình viên thân Nhật Bản. Ông bị trúng một viên đạn bên cạnh sườn và mang trong người suốt đời. Ông chấm dứt liên lạc với Trung Hoa Dân Quốc khi Pháp tái lập kiễm soát Việt Nam sau Thế chiến II. Ông Thái làm giáo viên tại Hội An một thời gian và di chuyển sang Lào với vợ, mở trường học, làm nhiếp ảnh viên cho hoàng gia Lào truớc khi trở lại Việt Nam năm 1953.

Ông sống với vợ -bà Ying- sáu con và sáu người cháu tại Carlsbad, tiểu bang Cali.

Ông Thái hưởng thọ 93 tuổi, suy ra ông sinh năm 1921, như vậy trong khúc quanh lịch sử năm 1945, ông đang độ thanh xuân 24 tuổi. Tiểu sử cuả ông Thái làm người dân phố Hội nhớ đến nhạc sĩ tài hoa La Hối, tác giả bản nhạc bất hủ Xuân và Tuổi Trẻ.

Nhạc sĩ La Hối.

Nhạc sĩ La Hối (nguồn: Internet)

Nhạc sĩ La Hối là một thành viên trong tổ chức cuả cư dân Hội An gốc Hoa chống Nhật, bị hiến binh Nhật bắt tháng 5 năm 1945, tra khảo và bắn chết với mười đồng chí, chôn chung một huyệt mộ tại chân núi Phước Tường lúc 25 tuổi. Sau khi Nhật đầu hàng, di hài cuả nhạc sĩ và các tử sĩ được thanh thiếu niên Hoa kiều ở Hội An tổ chức nghi lễ trang trọng đưa về an táng tại nghiã trang đối diên với chuà Chúc Thánh.  Thời thiếu niên, chúng tôi có dịp nhìn ngắm hình hoạ chân dung nhạc sĩ La Hối và các liệt sĩ trưng bày trong sảnh đường cánh phải chuà Ngũ Bang đường Cường Để.

Như vậy có thể nghĩ rằng ông Lê Minh Thái là người cùng một đoàn thể với nhạc sĩ La Hối, nhưng đuợc cấp trên điều động đi học quân sự và tình báo tại Học Viên Quân Sự Côn Minh nên tránh thoát cuộc tàn sát cuả quân phiệt Nhật.

Việc theo học các trường quân sự tại Trung Hoa Dân Quốc vẫn là những cơ hội hiếm hoi dành cho một vài cá nhân thuộc những lực lượng cách mạng Việt Nam lưu vong tại Trung Hoa hoặc họat động tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Ông Thái được đưa đi từ Hội An đến thủ phủ Vân Nam, quả là một sự chiếu cố đăc biệt cuả Trung Hoa Quốc Dân Đảng đối với một gia đình uy tín và hữu công.

Cư dân thành phố Hội An từ thời Pháp thuộc đến năm 1954 có một sắc thái đặc biệt với đa số người gốc Minh Hương. Vào thời chúng tôi, bạn học người Minh Hương nhiều lắm, họ chỉ biết tiếng Việt và học chữ Việt, nhưng vào thế hệ qúi ông La Hối, Lê Minh Thái (1920) văn tự và ngôn ngữ chắc hẵn phải nghiêng về Hán văn, Pháp văn, Hoa ngữ, Pháp ngữ. Ngay như bản nhạc Xuân và Tuổi Trẻ, phần lời ca lúc ban đầu do nghệ sĩ Diệp Tuyền Hoa viết bằng chữ Hán. Năm 1946, khi nhà văn Thế Lữ đưa đoàn kịch nói Anh Vũ xuôi Nam, đến Hội An trình diễn, cảm khái cuộc đời cuả tác giả và giai điệu cuả bản nhạc nên xin phép soạn lời ca bằng tiếng Việt, lưu truyền đến ngày nay.

Từ những sự kiện kể trên, có vài người nghĩ rằng ông Lê Minh Thái mang một họ nào khác. Đọc chính sử và dã sử Trung Hoa, người ta hiếm thấy nhân vật họ Lê trong khi họ Lê rất phổ biến trong sách vở Việt Nam, phát tích từ những nơi sơn dã thuần Việt, cổ Việt như Ninh Bình, Lam Sơn. Trước Hiệp Định Geneve, Hội An có nhiều cửa hàng trưng bày đẹp mắt, nhưng muốn tìm mua những vật dụng kim khí như đinh, ốc, kềm, buá… phải ghé tiệm La Thiên Hoà. Cụ La Thiên Hoà cũng là một cội nguồn cuả một tôn tộc, con cháu nội ngoại đông đảo và thành đạt.

Hồi chánh viên hữu công La Thanh Đồng.CHƯƠNG TRÌNH CHIÊU HỒI CỦA VNCH – biển xưa

Anh La Thanh Đồng là trung úy bộ binh công sản Bắc Việt gốc người Hội An, Quảng Nam. Theo tài liệu The Chieu Hoi Program of Viet Nam cuả SGM Herbert A. Friedman, anh Đồng hồi chánh ngày 20 tháng Giêng năm 1968 với thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ Khe Sanh.

Trận chiến Khe Sanh khai hoả ngày 21 tháng Giêng năm 1968, truớc tổng công kích Tết Mậu Thân chín ngày, đựợc nhiều tài liệu và nhiều tác giả nhắc đến với đầy đủ chi tiết.

Một chiến dịch oanh tạc khổng lồ bằng không quân yễm trợ cho thủy quân lục chiến cố thủ Khe sanh. Kể đến giữa tháng Tư, hơn 100.000 tấn bom -tương đương với sức tàn phá cuả năm quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima- do phi cơ của không quân, hải quân, thủy quân lục chiến ném xuống xung quanh căn cứ. Tính ra, mỗi ngày có 1.300 tấn bom được xử dụng hay là 5 tấn cho mỗi đầu người cộng quân Bắc Việt với tổng số ước lượng khoảng 20.000 cán binh tham chiến. Ngoài ra, 158.000 đạn đại pháo cũng được bắn vào những khu đồi núi trong khu vực, bình quân mỗi cán binh cộng sản nhận lảnh 8 quả đạn.

Âm thanh cuả trận đánh Khe Sanh vang dội đến Toà Bạch Ốc, các đô thị lớn cuả Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Tổng Thống Johnson ra lệnh phải giữ Khe Sanh bằng mọi giá. Tuớng Westmoreland cũng nhắc đến vũ khí nguyên tử (Nguyên văn: In late January, General Westmoreland had warned that if the situation near the DMZ and at Khe Sanh worsened drastically, nuclear or chemical weapons might have to be used)

Hồi chánh viên La Thanh Đồng cung cấp kế hoạch hành quân tổng quát cuả cộng quân Bắc Việt và tiến trình cuả trận đánh. Anh trình bày rõ mưu toan cộng quân tiến chiếm Đồi 861 và Đồi 881S để mở đầu cuộc tấn công chính thức nhắm vào trận điạ Khe Sanh. Trong cuộc giáp chiến, cộng quân sẽ đuợc yễm trợ bằng pháo binh hạng nặng đã được che chắn kỹ lưỡng trong dảy núi Co Roc thuộc lãnh thổ Lào. Kể từ khi Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến Việt Nam, Khe Sanh là nỗ lực quan trọng nhất do tướng Giáp chỉ huy. Chiến thắng cuả thủy quân lục chiến Mỹ tại Khe Sanh có thể là phần đóng góp tin tức từ người hồi chánh qúi báu nầy.  (Nguyên văn: The Marine’s victory at Khe Sanh can be attributed in part to the information gained from this valuable Chiêu Hồi).

Sau đó, anh La Thanh Đồng được Bộ Chiêu Hồi tuyển dụng làm đại đội trưởng võ trang tuyên truyền, trú đóng tại trung tâm chiêu hồi Cần Thơ. Anh Đồng là một nguồn tin sống vô giá, cũng là ân nhân cuả người Mỹ vì vậy thỉnh thoảng vẫn có những người Mỹ đến thăm viếng, phối kiểm tin tức, tặng quà.

Vốn là người Quảng Nam, nhỏ con, chơn chất, sinh hoạt và làm việc giữa những đồng đội hồi chánh viên thuộc các đơn vị cộng sản điạ phương miền đồng bằng sông Cữu, anh Đồng cảm thấy khó khăn, cô đơn, anh ngỏ ý muốn được thuyên chuyển về trung ương hoặc một điạ phương thích hợp. Một viên chức hành chánh cuả Bộ Chiêu Hồi phụ trách Quân Khu IV ghi nhận nguyện vọng cuả anh và tìm cơ hội gíup đở. Tuy nhiên sự thay đổi nhiệm sở đến Quân Khu II, Nha Trang đã xảy ra và lời hứa với người đồng hương không thực hiện được vẫn là mối ám ảnh khó quên.

Sự rút quân và cắt viện trợ cuả Hoa Kỳ kéo theo sự sụp đổ cuả Việt Nam Cộng Hoà tạo ra nổi thất vọng, đau đớn khôn nguôi đối với quân dân cán chính Miền Nam. Riêng đối với các hồi chánh viên đã tích cực đóng góp tin tức, tham gia các cuộc hành quân tiểu trừ cộng sản, cảm thấy tuyệt vọng và phẫn uất cùng cực vì họ là những đối tượng bị Mafia cộng sản xem là phản đảng và bị trả thù tàn bạo nhất.

           ******

Hội An, một thành phố đa văn hoá gồm các màu sắc Việt, Hoa, Nhật (Chuà Cầu), Pháp (nhà thờ Công Giáo). Cho đến 1955, người Việt gốc Hoa giữ ưu thế về sở hữu bất động sản và các hoạt động thương mại. Tiêp theo, khi chính quyền Việt Nam Cộng Hoà được thiết lập vững vàng với Quốc Hội và Hiến Pháp, cuộc sống tại các đô thị phát triển nhanh chóng, lôi cuốn đông đảo cư dân các quận xa, gần đến sinh cơ lập nghiệp, trong khi môt số thanh thiếu niên gốc rễ Hội An, Đà Nẵng có dịp hướng vào Sàigòn và các tỉnh, thị miền Nam. Tuy đua chen trong khung cảnh mới lạ, năng động và hấp dẫn, một số người vẫn giữ những quyến luyến, những lưu niệm từ khi mới lớn đến lúc ra đi.

Nhắc lại Hội An với những cá nhân đặc biệt là tâm trạng “hoài hương” cuả một người luống tuổi chưa có dịp trở lại thăm bà con, mồ mã, bạn bè, “cảnh cũ người xưa” cuả quê hương xứ Quảng kể từ 1990, khi chuẩn bị tham gia chương trình H.O. tị nạn cộng sản.

Đỗ Hữu Long

 

Views: 22

Cọp Nam Bộ

Phạm Thành Châu

            Báo Xuân tiếng Việt có “Truyền thống” là năm “cầm tinh” con vật nào thì có một bài nghiên cứu về con vật đó. Ở hải ngoại, tôi thường viết cho các báo Xuân về các con vật của năm. Khi có nhiều báo xin bài thì phải có nhiều bài khác nhau, tuy chỉ nói về một con vật duy nhất của năm đó, nên rất mất công truy tìm tài liệu. Hiện nay (2022) đa số Báo Giấy “Sống qua ngày, chờ qua đời” vì người ta có Internet, mở ra là biết ngay tin tức đang xảy ra trên thế giới. Vì thế, báo chí chẳng còn bao nhiêu, việc viết cho báo cũng đã đơn giản. Nhưng dù sao cũng phải viết cẩn thận!

            Trước khi vào bài “Nghiên cứu” về con Cọp, có một chuyện không xưa lắm, cách nay gần 70 năm, có liên quan đến “Con cọp”. Đó là Phong trào Cải Cách Ruộng Đất của Việt Minh cộng sản năm 1953 – 1956. Chuyện kể rằng: Trong thời kháng chiến chống Pháp, bà Nguyễn thị Năm, còn gọi là bà Cát Hanh Long, là chủ đồn điền ở Thái Nguyên, giàu có, từng ủng hộ Việt Minh 20. 000 đồng bạc Đông Dương (tương đương 700 lượng vàng) cùng với 100 lượng vàng, nuôi cả trung đoàn Việt Minh, nuôi “ăn dầm nằm dề” trong nhà, các “đồng chí” chủ chốt: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm văn Đồng, Võ nguyên Giáp, Nguyễng chí Thanh… Vậy mà trong Cải Cách Ruộng Đất, bà Nguyễn thị Năm là người đầu tiên trong số 172.008 nạn nhân bị giết chết. Trong hồi ký “Làm người là khó”, Đoàn duy Thành (phó thủ tướng 1982 – 1990) kể . Khi chuẩn bị đưa bà Nguyễn thị Năm ra đấu tố, Hồ chí Minh nói “Chẳng lẽ mở đầu Cải Cách Ruộng Đất lại bắn một phụ nữ địa chủ hay sao?” Cán bộ thừa hành báo cáo là có hỏi cố vấn Trung quốc và được bảo rằng “Hổ đực hay hổ cái đều ăn thịt người cả!” Thế là bà Nguyễn thị Năm “được” xử tử và “Bác” đổ tội cho con hổ!

            Đảng Cộng Sản có biệt tài là giết dân mình. Cộng sản Nga giết dân Nga, Cộng Tàu giết dân Tàu, Cộng sản Việt Nam giết dân Việt, Cộng sản Combuchia giết dân Miên. Chưa đến 100 năm mà Cộng sản trên thế giới đã giết hơn 100 triệu người.

            Trở lại chuyện Con Hổ.

 Hổ là chữ Hán, cọp là chữ Nôm. Xin được dùng chữ “Cọp” trong bài cho dễ đọc.

            Ông Ba Mươi, ông hùm, ông kễnh là tên gọi con cọp nhưng vì quá sợ “ngài” (sợ như sợ cọp) nên người ta nói tránh ra như vậy. Cũng có tích về tên gọi “ông ba mươi” rằng, ngày xưa, miền Trung và miền Nam rất nhiều cọp, chúng thường vào xóm bắt gia súc, hoặc rình vồ người đi trong rừng, vì thế quan trên treo giải thưởng, ai giết được cọp thì được ba mươi quan tiền nhưng cũng đánh ba mươi hèo (tượng trưng) để hồn “ngài cọp” không còn giận kẻ đã giết mình. Cũng có giả thiết rằng. Thời “Gia Long tẩu quốc”, bị quân Tây Sơn đuổi bắt, chạy vô rừng trốn, không có gì ăn, binh tướng tưởng chừng chết đói, may sao có con hổ, thỉnh thoảng tha đến một con vật săn được như nai, chồn, heo… Nhờ vậy mà Gia Long và binh tướng mới sống qua ngày để tìm đường thoát khỏi vòng vây. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long ra lệnh, nơi nào có cọp thì phải làm miếu thờ, ai giết được cọp được thưởng nhưng cũng bị đánh ba mươi hèo để lấy lòng vong linh “Ông Cọp”.

            Khoảng thế kỷ 17, 18 từ miền trung Việt Nam trở vào đều là rừng rậm hoang vu, thú rừng đầy dẫy, người Việt đi khai phá bị thú dữ như cọp beo, rắn rết sát hại rất nhiều. Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức có ghi: “Giữa ngày tết năm 1771, cọp từ rừng Sác, phía Cần Giuộc, từng bầy kéo về chợ Tân Kiểng, trên đường vào Chợ Lớn, làm dân chúng kinh hoàng…” Nghĩa là đồng bào ở quận tư, quận bảy bây giờ đứng bên nầy nhìn qua bên kia sông thấy cọp đi ngờ ngờ, hỏi sao không sợ! Nghe nói trò chơi “Bầu Cua Cá Cọp” do người Tàu phổ biến. Trên miếng giấy vẽ hình các con thú bầu, cua, cá, cọp… để người chơi đặt tiền. Không ai dám đặt tiền vào hình con cọp, sợ thất lễ với “ngài”, nên người ta bỏ hình con cọp mà thay vào bằng hình con nai. Đình miếu nào cũng có bình phong vẽ hoặc đắp nổi (phù điêu) hình cọp để thờ “ngài”, và họ tin rằng, cọp thật đến, thấy “chúa sơn lâm” trên bình phong là biết “đất đã có chủ”. Cọp đánh dấu lãnh thổ mình bằng nước tiểu. Muốn giành lãnh thổ (vùng săn mồi) cọp phải tấn công đối phương. Trước khi xông vào phải nhe nanh múa vuốt, gầm gừ ra oai, nhưng đối phương (trên bình phong) vẫn bình tỉnh, không hoảng sợ, mà (tấn công) phóng vào bình phong thì là đập đầu vô đá, vậy là cọp thật rút lui. Ở chân núi, lối vào rừng, ngày xưa người ta lập “miếu ông cọp” để dân sơn tràng (đi rừng) vào thắp nhang, xin phép sơn thần thổ địa và ông cọp vào núi tìm mật ong, đốn cây, săn bắn, tìm trầm. Đôi khi người ta để ở đấy một con thú nhỏ để ông cọp đến ăn no thì chỉ tìm chỗ ngủ, không bắt người. Ở Ấn Độ, vùng Băng Gan (Bengal), nổi tiếng về cọp dữ. Người dân vào rừng thường mang mặt nạ về phía sau đầu, nhìn tưởng người đi thụt lùi. Họ tin rằng, cọp chỉ vồ từ đằng sau con mồi nên thấy mặt người, cọp theo mãi, vẫn thấy con mồi nhìn mình nên bỏ đi. Người thượng cao nguyên Việt Nam vẫn có tục vác chà gạt trên vai, mũi nhọn hướng về phía sau, cọp biết nếu vồ con mồi sẽ bị đầu nhọn chà gạt đâm nên không dám tấn công. Cọp săn mồi bằng cách bò thật sát đến từ phía sau con mồi. Khi khoảng cách còn độ năm mét, cọp chạy đến thật nhanh và phóng lên lưng con mồi, cắn vào gáy, ôm ghịt con mồi, chờ đến khi con mồi vùng vẫy và đuối sức ngã xuống mới cắn vào cổ họng cho con mồi nghẹt thở chết. Cọp ăn no, tìm chỗ ngủ, không đi đâu nữa.

            Châu Phi không có cọp mà chỉ có sư tử và beo (báo). Châu Á cũng có sư tử, nhưng là “sư tử Hà Đông” để chỉ các bà (người) vợ dữ dằn hay ăn hiếp chồng, ghen tương bậy bạ.

            Vào các thế kỷ trước, có đến hàng trăm nghìn cọp Châu Á. Hiện nay chỉ còn khoảng năm nghìn (5000) cọp mà đến ba nghìn (3000) đang cư trú trong các sở thú. Việt Nam ta hiện còn khoảng ba trăm (300) cọp, kể cả cọp được người nuôi. Cọp ở rừng thọ độ ba mươi tuổi, cọp nuôi, sống được hai mươi lăm năm. Cọp trưởng thành nặng nhất độ ba trăm kí lô. Dân số cọp giảm vì môi trường sinh sống bị thâu hẹp (phá rừng trồng trọt, xây cất), nguy hại nhất là bị người ta săn bắn để bán cho mấy chú ba Tàu lấy xương nấu cao. Một con cọp lớn cho mười lăm kí xương, theo thời giá cách đây mười năm, (2012) bán được hai chục nghìn đô la Mỹ. Một bộ da cọp bán được mười lăm nghìn đô la. Hiện nay giá cao gấp đôi. Cao hổ cốt không phải nấu toàn bằng xương cọp mà thêm vào xương khỉ, xương nai, xương dê núi (sơn dương) cho đủ bộ gọi là “quân thần tá sứ”. Khi có được một miếng cao hổ cốt thì ra tiệm thuốc bắc bổ một thang (thiên niên kiện, địa tiên… chủ tiệm thuốc rất rành chuyện nầy) đem về ngâm rượu. Chờ thuốc ngấm, tối, trước khi đi ngủ, làm một ly nhỏ (xây chừng), sáng hôm sau khỏe người, không còn đau lưng, nhức xương nữa. Người đau yếu thì cho độ mười gam cao hổ cốt vào bụng gà ác (gà ri, gà da đen) hay bồ câu non, chưng cách thủy. Khi gà rục, đem ra ăn. Người bịnh nặng không ăn được thì uống nước cũng rất “bổ dương?!”.

            Báo Hà Nội đăng tin, ngày 17 tháng 10 năm 2021 vừa rồi, công an chận bắt một xe taxi chở hai con cọp đông lạnh. Một con nặng 90 kí lô, con kia 40 kí lô. Người bị bắt khai đã mua cọp ở Thanh Hóa, định đem vào Hà Nội bán. Báo Tuổi Trẻ cho biết, một kí lô xương cọp có thể bán với giá 50 triệu đồng (hơn 2.000 USD). Một lạng ta cao hổ cốt có giá từ 20 đến 25 triệu đồng, tương đương với vàng! Săn được một con cọp, đem bán, đủ sức xây nhà lầu.

            Hiệu quả của cao hổ cốt thì không chắc lắm, nhưng thời xưa, bên Tàu, chỉ hoàng đế, các đại thần, đại gia mới đủ tư cách (có tiền) dùng cao hổ cốt. Có thể đó là một thứ Viagra thời nay vậy thôi. Uống vô thì hăng hái chuyện nam nữ, nhưng sau đó “hết xíu oách”. Mấy ông hoàng đế Tàu chết sớm (thường ở tuổi bốn mươi), vì tam cung lục viện có đến mấy nghìn người đẹp, đêm nào cũng “lâm hạnh” (làm chuyện đó) vài ba em, chưa đủ vòng thì “hoàng đế băng hà!”. Nhiều ông vua “tiếc của trời”, chết rồi còn bắt phải chôn sống cung nữ theo với ông ta, để ngài ngự xuống âm phủ còn có người đẹp mà “lâm hạnh” tiếp.

            Vì xương cọp ngày càng hiếm nên người ta nấu cao khỉ, nai, dê giả là cao hổ cốt. Có người nấu xương sư tử (cao sư cốt?) cũng đắc giá lắm vì bảo rằng sư tử mạnh hơn cọp. Báo đăng, có một ông Việt Nam qua Châu Phi mua xương sư tử nấu “Cao sư cốt”. Không rõ ông ta kinh doanh ngành nầy được bao lâu, nhưng có lần vì tích trữ xương trong nhà thối quá, bay mùi qua hàng xóm, vậy là cảnh sát đến. Ngoài một mớ xương sư tử hôi thối cảnh sát còn tìm thấy rất nhiều sừng tê giác và đô la.

            Người miền Nam sinh con trai đầu lòng không gọi là con cả mà gọi thứ hai (thằng hai, anh hai, chú hai…) vì kiêng chức vụ hương cả trong làng. Lại có chuyện kể rằng. Ở làng Châu Bình, tỉnh Bến Tre, lúc làng vừa thành lập, những người được bầu làm hương cả đều bị cọp vồ. Dân làng bèn cử cọp chúa trong vùng làm hương cả. Một buổi lễ được tổ chức ngoài bìa làng. Một tờ cử (nhiệm vụ lịnh) được viết trên giấy hồng điều, bỏ vô ống tre. Một đầu heo làm lễ vật. Chức sắc trong làng cùng dân chúng tề tựu ở đó, long trọng mời cọp chúa làm “đại hương cả”. Đêm đó, cọp đến ăn đầu heo và tha tờ cử (làm đại hương cả) đi. Năm sau, chức sắc và dân làng lại tổ chức lễ tấn phong (renew) chức đại hương cả cho cọp chúa. Cũng đầu heo và tờ cử mới đặt ở đấy. Tối đến, cọp ra ăn đầu heo, bỏ tờ cử năm ngoái (đã tha đi), cắp tờ cử mới đi. Cứ thế. Thời xưa, người Việt vào miền Nam khai hoang, thú dữ đầy rừng, phải chống trả, đề phòng để tự vệ. từ đó phát sinh những chuyện truyền khẩu trong dân gian. Người ta còn tin rằng, người nào bị cọp ăn thịt thì hồn không siêu thoát mà phải theo hầu con cọp đó (gọi là hổ trành). Hổ trành thường xúi thân nhân ra nộp mạng cho cọp để thế chỗ cho hồn cũ đi đầu thai kiếp khác. Trong tác phẩm “Thần Hổ” của tác giả Tchya (Đái Đức Tuấn?) có kể chuyện hổ trành, lúc nhỏ, tôi đọc, vừa sợ vừa thích.

            Dân miền Nam thường nói “Coi hát cọp”, là coi hát không phải mua vé vào cửa. Có sự tích như sau. Thời trước, dân mình đi khai phá miền nam rất gian khổ. Đất còn đầy phèn, trồng cây gì cũng chết, lại thêm cọp, cá sấu, rắn rết dẫy đầy “U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường. Dưới sông cá lội, trên rừng cọp đua”. Đời sống khó khăn vất vả, bịnh hoạn không thuốc men “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội như bánh canh”, cả đời chỉ lo miếng ăn, chẳng biết thành thị là gì, giải trí là gì! Đến thời thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, dân chúng vùng lên chống ngoại xâm. Những người yêu nước chống Pháp (làm quốc sự) bị truy nã, thường trốn về vùng U Minh, Cà Mau sống lẫn lộn với dân chúng. Họ họp nhau lập gánh hát bội, đi thuyền lang thang, nơi nầy hát vài hôm, nơi khác năm bảy hôm để đồng bào xem. Ai hảo tâm thì cho ít gạo, cá, sống qua ngày chứ không bán vé vô cửa. Để khỏi bị “hùm tha, sấu gắp”, dân làng dựng sân khấu giữa sông, theo kiểu nhà sàn, cột bằng cừ tràm, lợp lá dừa nước. Xung quanh lại đóng cừ như hàng rào dưới nước để sấu không thể vào rình mồi được. Người xem bơi thuyền đến, ngồi trên thuyền xem hát cho an toàn. Vậy mà trên bờ, cọp tụ lại cả bầy, cùng nằm xem hát bội với bà con. Khi gánh hát dọn đi, thỉnh thoảng qua đấy, người ta vẫn còn thấy lũ cọp nằm cú rũ, như chờ gánh hát quay lại, diễn cho chúng xem. Như vậy “coi hát cọp” để chỉ người chuyên coi hát chui, không mua vé.

            Sau đây là chuyện “Cọp Côn Đảo”. Thời Pháp thuộc, tù Côn Đảo vượt ngục nhiều quá. Thực dân Pháp mới nẩy ra sáng kiến, chở ba con cọp ra Côn Đảo, tập họp tù, cho xem để tù sợ không dám trốn trại, rồi thả cọp vào rừng (trên đảo), để cọp bắt thú rừng, rắn rết, chuột bọ và tù (vượt ngục) để ăn. Bọn chủ ngục không biết rằng, khi tù vào làm trong rừng (đốn củi, đục đá cho trại) thấy “con gì cục cựa, trừ con bù lon” là bắt ăn sạch, vì đói quá. Tù đi làm chẳng dại gì đi lẻ tẻ để bị “cọp chụp” (vồ). Thế nên cọp chẳng có gì bỏ bụng, đói meo, đi không nổi, thấy người là lủi chỗ khác. Tù thấy cọp cũng bỏ chạy, nhưng sau, biết cọp đói nên vây lại, đập chết ăn thịt. Thịt được hai con thì cai tù biết, bèn cắt một người tù, mỗi ngày gánh cơm ra bờ biển, đổ ra đấy cho cọp đến ăn. Nhưng ăn cơm thiếu “chất đạm”, chẳng bổ béo gì, nên cọp tự “cải thiện” bằng cách mò cua, bắt ốc sống qua ngày. Không ngờ một hôm, cọp gặp một con ốc tai tượng (loại ốc dính vào đá) rất lớn đang há miệng chờ mồi (tảo). Cọp thấy thịt ốc ngon quá, bèn thò chân moi thịt ốc. Ốc đóng nắp lại, cọp kẹt chân trong đó. Loại ốc nầy, vỏ kết cứng vô đá, cọp rút chân ra không được. Thủy triều lên, cọp chết ngộp.

            Để chấm dứt bài nầy, tôi xin kể vài chuyện về cọp. Ở Mỹ có ông da đen, không phải dân Châu Phi mà lai Căm Bu Chia. Anh ta là vô địch đánh góp (golf). Ở đâu treo giải đánh góp là anh ta đến thi đấu và bợ tiền thưởng với cúp về. Hiện nay anh ta là triệu phú. Nhà chất đầy cúp đánh góp. Anh ta tên Tiger Woods (Rừng Hổ? Hổ Rừng?). Việt Nam ta, xưa kia cũng có ông Lê Như Hổ, nổi tiếng ăn nhiều và đánh giặc giỏi. Cụ Hoàng Hoa Thám, lãnh tụ kháng chiến chống Pháp được mệnh danh là Hùm Yên Thế.

            Người mình thường tin vào số mệnh, nên mới có chuyện kể rằng. Một cậu được thầy bói phán rằng, ngày đó, tháng đó sẽ bị chết vì cọp. Cậu ta sợ lắm, không đi sở thú, biết ai tên Hổ, tên Cọp thì tránh xa. Còn vài hôm là hết “hạn tai ương”, cậu ta mừng lắm, đến nhà bạn chơi, thấy trên tường có treo bức tranh con cọp, bèn đập tay vào mặt cọp và nói “Mầy chẳng làm gì được tao!” không ngờ trên bức tranh, bà chủ nhà may vá gì đó, tiện tay, gắn cây kim may lên bức tranh, cậu ta đập ta vào cây kim. Hôm sau, bị nhiễm trùng phong đòn gánh, chết.

            Hiện nay, người ta chỉ xem tranh mới biết con cọp ra sao chứ ít khi thấy tận mắt con cọp thực, vậy mà cũng có người chết vì bị cọp vồ. Vừa rồi, báo đăng, có hai công nhân trồng cây bên chuồng thú Đại Nam, tỉnh Bình Dương, một con cọp sổng chuồng vồ chết một ông, ông kia nhanh chân nhảy xuống nước thoát chết.

            Thêm vài chuyện vui về cọp. Một ông rất sợ vợ và bà vợ rất dữ. Bữa nọ, nhân vợ đi đâu đó, bèn mời bạn bè đến nhà nhậu chơi. Rượu vào lời ra, ông ta phét lác “Các ông sợ vợ chứ tôi tôi thì không. Vợ tôi hỗn hào là tôi trị trắng máu. Tôi dữ như cọp, vợ tôi sợ tôi lắm. Tôi gầm lên là vợ tôi xanh mặt” Không ngờ bà vợ về, đứng sau lưng, mấy ông bạn nhậu ra dấu, ông ta quay nhìn, thấy vợ thì run cầm cập. Bà vợ nhẹ nhàng hỏi “Ông là con cọp. Dữ lắm hả? Tôi sợ ông khiếp vía hả?” Ông ta nhanh trí đáp “Dạ phải. Tôi là con cọp, nhưng bà là Võ Tòng” (chuyện Tàu, có Võ Tòng, tay không đánh chết cọp).

            Một ông thất nghiệp, vào sở thú xin việc. Ông giám đốc nói “Sở thú tôi có con giả nhân, làm trò hay lắm. Nhờ nó mà khách đến xem rất đông. Chẳng may, nó vừa chết, chúng tôi lột da để dành. Anh có thể mang lốt con dã nhân đó, vào chuồng làm trò cho khách xem được không? Tôi trả lương gấp đôi công nhân ở đây”            Anh ta đồng ý, mang lốt giả nhân vào chuồng làm trò, thiên hạ không biết, vỗ tay hoan hô ầm ỷ. Hứng chí, anh ta nhảy nhót, đánh đu đủ trò. Không ngờ đánh đu cách nào lại văng qua chuồng cọp (hổ), nằm một đống. Con cọp gầm gừ, nhe nanh, múa vuốt xông đến, há miệng cắn con giả nhân (giả). Anh chàng làm giả nhân than một câu “Than ôi, Số ta chết vì miệng cọp!” và nhắm mắt chờ chết. Con cọp ghé sát tai anh ta thì thầm “Anh mới vào làm đây phải không? Tôi làm cọp ở đây hơn nửa năm rồi”.

            Chuyện cọp đến đây là hết. Sang năm tôi sẽ kể chuyện mèo (năm Mão) cho quí vị nghe.

Phạm Thành Châu

Views: 204

Mưu Sinh Ở Mỹ và Tuổi Già

Phạm Thành Châu

Đây là chuyện kể của mấy ông bà già người Việt ở Mỹ. Già rồi, hưu trí, không biết làm gì, ngồi nhớ chuyện xưa. Tôi nhớ rất nhiều chuyện xưa, nếu kể ra đây, biết bao giờ cho hết! Chỉ một chuyện kể sau đây thôi, cũng khiến bạn, đọc mệt nghỉ. Đó là chuyện cách nay khoảng ba mươi năm, từ ngày đầu đến xứ Mỹ, tha phương cầu thực với hai bàn tay trắng cho đến hôm nay, tuổi đã trên tám mươi, sắp lên đường vào cõi hư vô. Bôn ba một kiếp ngưòi, để rồi gia tài đem theo với mình cũng chỉ là cỗ quan tài!

Đúng ra, đây là những “Kỷ niệm” mà đa số những người lớn tuổi đến Mỹ đã trải qua. Với thế hệ trẻ, về sau, khi đọc bài nầy, chúng sẽ không ngờ ông bà, cha mẹ chúng đã phải mưu sinh với quá nhiều khổ cực, vất vả nơi xứ người.

            Mấy ông, bà HO, khi đến Mỹ, tuổi đã trên năm mươi, lo kiếm tiền mà nuôi con, lo chuyện ăn, ở, thời gian, tâm trí đâu mà học với hành như bọn trẻ! Phần khác, sức lực đã cạn kiệt vì cả chục năm trong nhà tù Cộng sản, mang trong người nhiều thứ bịnh, nên chỉ có thể làm được những việc lao động nhẹ với đồng lương ít ỏi.

Năm 1991, gia đình chúng tôi qua Mỹ theo chương trình HO. Người bạn đồng môn (Quốc Gia Hành Chánh) vừa là bạn tù, là Ngô Đình Hoa, vượt biên qua trước, bảo trợ gia đình tôi về ở tạm dưới basement trong nhà anh ta. Ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, đa số các nhà đều có tầng hầm, gọi là basement. Người Mỹ xây nhà có cái basement nầy (ông bạn tôi đã mua lại) là để chứa máy giặt, máy sấy, máy nước nóng, máy điều hòa nhiệt độ (AC). Người Mỹ không nghĩ rằng sẽ có những người Việt tị nạn như gia đình chúng tôi sẽ vào ở trong đó. Thế nên họ đã bắt ống nước, ống hơi dẫn nhiệt, ống nước thải, dây điện… chạy lung tung trên trần basement, chẳng khác gì mấy cái xưởng máy trong phim trinh thám mà James Bond thường mò vô để truy tìm bọn tội phạm quốc tế.

Khi chúng tôi đến Mỹ thì ông bạn kêu thợ đến ngăn ra một phòng ở basement cho gia đình tôi trú ngụ. Anh thợ nầy, cũng người Việt, loại tay ngang, làm rất nhanh nhưng cũng rất ẩu tả. Anh ta chỉ làm bốn bức vách cách nhiệt với cửa ra vào là thành một cái phòng! Đến mùa đông, (thường lạnh dưới 0 độ C) hơi lạnh từ các kẻ hở của vách cách nhiệt, bốc ra như sương khói, thấy rõ như hơi lạnh trong ngăn đá của tủ lạnh vậy. Lạnh đến độ đắp mấy cái mền cũng lạnh, đắp không kỹ, hơi lạnh từ chỗ hở luồn vào như cái lưỡi của con ma le, liếm cái lưng, cái bụng, nên người cứ  run lên, vợ con cũng run cầm cập, ngủ không được. Vợ chồng tôi phải ôm thằng con hai tuổi vào lòng để truyền hơi ấm cho nó. Lúc mới đến Mỹ, chưa quen giờ giấc nên cứ đến một, hai giờ trưa (ở Việt Nam là khuya) là tôi buồn ngủ ríu mắt, nhưng tối lại, hai mắt cứ mở thao láo, nằm để thấm thía cái lạnh lẻo nơi xứ người.                                                 

Bạn sẽ hỏi “Sao không mua một cái máy sưởi điện về mà sưởi?” Có máy sưởi đấy chứ! Chủ nhà cũng có để sẵn một cái heater nhưng nhỏ chút xíu, mỗi cạnh chưa đến gang tay, để sát tay vào thì thấy ấm, nhưng dùng cho cả cái phòng thì chẳng hiệu quả gì. Thời đó chưa có cái heater to như cái nón như bây giờ. Mới đến Mỹ, như mán xuống phố, có biết mô tê gì! Tôi cứ nghĩ trên lầu, chắc ai cũng lạnh như mình, nhưng họ “quen rồi” mình than lạnh thì lòi cái “nhà quê” ra. Trước đó, đọc báo, tôi thấy ở Iceland, mùa đông, lạnh dưới 0 độ C mà người ta cho em bé ngủ ngoài trời, cho trẻ có sức đề kháng tốt, nên tôi nghĩ, ở Mỹ cũng vậy. “Lạnh cỡ nầy đối với người đã từng ở Mỹ, có lẽ là bình thường!”. Bấy giờ tôi chưa biết cái máy điều hòa nhiệt độ (AC) là gì cả! Mà cái máy nầy cứ chạy ầm ầm dưới basement, ngay cạnh phòng chúng tôi, chỉ thổi hơi nóng lên tầng trên, nên cái basement vẫn là cái tủ đá lạnh ngắt.

            Ở basement có thêm cái khổ nữa là nghe tiếng nước chảy trong các ống thoát nước. Tầng trên làm gì, dưới nầy biết hết. Nghe nước chảy ro ro mãi thì cầu cho trên đó tắm mau xong. Nước chảy cái ào rồi róc rách qua các ống bự trên trần basement lại tưởng tượng đến chất thải của con người đang vui vẻ jogging (chạy thể thao) vòng vèo trên đầu mình.

            Chắc bạn lại hỏi “Sao không “mu” (move) chỗ khác? Ăn eo phe (welfare, trợ cấp), có tiền chính phủ cho, tìm cái apartment mà thuê?” Thì tôi cũng nghĩ như bạn vậy. Nhưng hết trợ cấp thì tiền đâu mà trả tiền thuê nhà? Nhưng mùa hè, ở basement lại mát vì nó nằm dưới mặt đất. Hơn nữa, mình từ xứ cộng sản, đã từng ở tù khổ sai, ra tù vẫn đói rách, được vậy là tốt rồi. Tạm trú nhà bạn thì tiền trả tượng trưng thôi, dành giụm chút đỉnh, “rủi có gì!”, nơi xứ người còn xoay xở được. Đó là lo xa. Ngay chính tôi, khi còn ở Việt Nam, đi tù về mà lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một cái xách nhỏ, đựng áo quần, mùng mền, thuốc men. Hễ nghe công an Việt Cộng gõ cửa là cầm luôn cái xách trong tay ra mở cửa. Có đi tù tiếp cũng đã chuẩn bị sẵn rồi. Thế nên, ông HO nào qua Mỹ, tìm được đồng nào, lận lưng đồng đó, xin đừng cười là keo kiệt.

            Trợ cấp của chính phủ chỉ đủ lây lất trong thời gian đầu, nên phải lo mà tìm việc sớm nếu không muốn cả nhà lâm nguy. Thế nên, khi đến Mỹ, không lâu, chúng tôi phải tìm việc làm. Nhưng muốn đi làm phải có chiếc xe là phương tiện đi lại. Nhờ vợ chồng Ngô Đình Hoa và các con của bạn đưa, đón mãi cũng bất tiện. Nhân tiện đây, xin cám ơn vợ chồng bạn Ngô Đình Hoa và các cháu đã vui vẻ giúp đỡ chúng tôi trong những ngày khó khăn khi mới đến xứ lạ còn ngơ ngáo. Một ông bạn cùng tù, Đinh Văn Kỷ, qua trước, xin đâu đó một chiếc xe cũ. Đi inspection (xét xe) không passed vì cái dè xe cọ vào bánh xe. Tôi đục cái dè cho hở xa bánh xe. Thật may! passed! Xong thủ tục cho chiếc xe, tôi lái đi làm. Không hiểu sao, đang ngon trớn, đến đèn đỏ, tôi đạp thắng, xe cứ chạy tuột, không chịu ngừng! May quá. Đường vắng! Tôi bỏ xe bên đường, đi tìm điện thoại công cộng (lúc đó chưa có handphone), nhờ cậu con của Ngô Đình Hoa đến chở về, xe thì câu đi sửa.

Ngày trước, tôi lái công xa đi làm nên qua Mỹ, tôi chỉ tập lái cho quen rồi đi thi lấy bằng lái không khó khăn lắm. Lúc thi lái (có ông Mỹ, giám khảo ngồi bên cạnh), tôi để ý và nhớ những con đường nào đã lái đi qua. Sau nầy, tôi giúp rất nhiều đồng hương đi thi lấy bằng lái, bằng cách tôi hướng dẫn họ lái xe (thi thử) qua những con đường mà giám khảo thường bảo thí sinh lái vào. Chỉ chạy vài lần là họ thuộc lòng, (còn nhớ cả những bảng stop), không còn lo lắng, bối rối khi có giám khảo ngồi bên cạnh. Đồng hương HO. mới qua, tiền đâu mà đóng học phí lái xe, cũng chưa có tiền mua xe. Xe cũ, dơ dáy, giám khảo không chịu ngồi vào. Tôi phải đem xe tôi cho họ tập lái. Trước hết, tôi đưa họ vào công viên, lúc vắng người, cho tập lái lòng vòng, đến khi vững tay mới cho ra đường phố. (Rồi mượn xe mới cho họ đi thi). Đường sá ở Mỹ tấp nập mà người tập lái thì ngơ ngáo, lóng ngóng. Khi tôi nhắc chừng, họ càng quýnh quáng! Cũng may, người Mỹ thấy cách lái xe đó là họ biết liền nên thường tránh đường cho xe qua. Lúc đó tôi không biết rằng. Người không có tên trong hợp đồng bảo hiểm xe mà gây tai nạn thì hãng không chịu bồi thường. Bây giờ nhớ lại mà lạnh người. Tính ra lúc đó tôi đã giúp vài ba chục gia đình, vợ chồng, con cái, khỏi tốn tiền học lái xe.

Khi đã có xe rồi, tôi tìm việc làm.Việc gì cũng làm, miễn có tiền là được. Chủ trả bao nhiêu cũng tốt vì tôi có biết mô tê gì mà so sánh hơn thua! Công việc đầu tiên của tôi là làm vệ sinh các cao ốc, nhưng bị người chủ thầu đồng hương bóc lột dữ quá. Tên chủ nầy, miệng dẻo quẹo, lúc nào cũng nói nhân đạo “Tội nghiệp đồng hương! Để tôi cho mấy anh lãnh tiền mặt, chính phủ không biết. Nếu biết, họ cắt eo-phe (trợ cấp) còn bỏ tù nữa” Sau nầy tôi (cùng với mấy ông HO) mới biết là hắn dọa rồi bắt mỗi người tụi tôi làm gấp ba người khác (mà tiền công chỉ tính một người)

            Sau khi chia tay với tên chủ đồng hương ác ôn, tôi tìm được job khác là rửa chén dĩa, nồi niêu, làm vệ sinh, phụ việc vặt cho mụ làm bếp của một nhà hàng người Á Châu (không phải người Việt). Nhiệm vụ tôi là buổi chiều đến sớm hút bụi nhà hàng, làm vệ sinh mọi nơi. Mụ nhà bếp cũng đến sớm để chuẩn bị thức ăn, đồ nhậu. Tối, khách mới đến. Mụ bếp nầy, tiếng Anh, chỉ dùng động từ “Tu quơ” (tay) để sai tôi. Chúng tôi đến sớm, chẳng có ai, nên mụ bắt tôi đấm lưng, bóp chưn, bóp tay cho mụ. Mụ khoảng gần năm mươi, mập nu, mắt một mí, híp lại như mắt heo luộc, trên ngón tay không thấy đeo nhẫn cưới, chắc còn là “nàng trinh nữ tên Thi”. Đấm bóp cho mụ ta xong tôi mới được làm việc khác. Một lần tôi đến, cửa mở nhưng không thấy mụ ta. Tôi đi hút bụi xong thì lấy đồ nghề đi dọn vệ sinh. Khi vô phòng vệ sinh nữ, tôi vô tình mở cửa một ngăn, thấy mụ ta ngồi chóc ngóc trong đó (mà không gài cửa!) Tôi dội ngược. Vậy mà tối hôm đó, mặt mụ ta hầm hầm. Tôi thấy thế báo với bà chủ nhà hàng, nghỉ việc. Có làm, mụ nhà bếp sẽ gièm pha, chủ cũng së cho nghỉ thôi.

           Sau đó, tôi xin làm thu ngân (cashier) cho một cây xăng. Cây xăng nầy của một ông chủ Mỹ và một mụ phụ tá người Á châu (không phải người Việt) Mụ ta không phải vợ ông Mỹ, có lẽ hùn hạp bằng “vốn tự có”.

             Tôi nghe một anh chàng thợ sửa xe người Việt làm ở đó kể rằng. Có lần anh ta vô tình đẩy cửa văn phòng mụ  ta, thấy thằng thợ máy (người Trung Đông) đang bóp chưn cho mụ ta. Mỗi khi người chủ Mỹ kia đi vắng thì anh chàng thợ máy được gọi vào văn phòng để “bóp chưn bóp tay”, (Lại bóp chưn, bóp tay!) Mụ nầy đi chân vòng kiềng. Sách tướng có nói “Đàn bà đi chân vòng kiềng, mỗi ngày không có đàn ông, sẽ phát điên!”. Mụ phụ tá nầy đã làm một việc bất lương, là khi không có chủ ở đấy, hễ khách trả tiền sửa xe bằng tiền mặt thì mụ ta xé bỏ (phi tang) cái bản lưu (copy) sửa xe, tiền mặt thì bỏ túi, sau khi dúi cho thợ sửa xe một ít tiền và dặn đừng cho chủ biết. Thời đó (thập niên 1990), đa số xài tiền mặt, ít người dùng thẻ tín dụng (credit card) Ít lâu sau, cây xăng phá sản! Tôi làm cashier cho một cây xăng khác.

         Trong việc ngồi bán xăng, buổi tối, nhất là về khuya, cũng có vài chuyện vui. Có bà khách mỗi khi đền đổ xăng còn làm thêm việc truyền giáo. Bà ta nói nhiều lắm. Đại ý. Phải tin Chúa để khi chết không phải vào hỏa ngục mà còn được cứu rỗi, lên Thiên Đàng. Tôi ậm ừ cho qua chuyện, nhưng bà ta lại tưởng tôi xiêu lòng, nên có dịp là nói về cứu rỗi. Tôi đành phải nói với bà ta “Bản thân tôi, tôi còn không tin được mình, làm sao tôi tin được người khác?” Bà ta không giận, chỉ cười. Thêm một chuyện nữa. Có bà khách buổi tối, đến đổ xăng, cứ rủ tôi về nhà bà ta để làm điều gì đó (do something)? Tôi nói cám ơn. “Sorry!” Một bà khác, còn táo bạo hơn. Gần cây xăng, có một tiệm rượu, có vũ sexy, (nhiều bà cũng thích đến xem) có lẽ bà nầy uống rượu ở đó, say khước, đậu xe ngay trước cửa quầy, vào hỏi tôi “Mấy giờ mầy (you) về?” Tôi nói “Khoảng mười một giờ” “Tao chờ. Tao sẽ cùng về nhà với mầy” “Không được đâu! Nhà tôi đông người lắm!” “Thì mầy về nhà tao. Tao ra ngoài xe chờ mầy”. Rồi bà ta ra xe, nằm ngủ khò! Hết giờ làm. Tôi rón rén, ra xe, về. Ở Âu Mỹ, chuyện các bà gạ tình là bình thường, Nhưng có ông nào dám đụng đến người đàn bà say rượu nầy không? Tù mục xương đấy!

            Bấy giờ coi như tôi có việc làm, lương rất thấp, chỉ đủ chi tiêu các thứ. Vợ tôi thì đi may ăn công, theo sản phẩm. (Thời đó, may gia công chưa chuyển qua Trung Cộng) Ví dụ may cái túi áo giá mấy xu đó, ngày may được bao nhiêu túi áo cứ tính thành tiền mà lãnh, cố lắm, ngày được vài chục đô là tối đa. Thấy khó sống, vợ tôi đi bán “hotdog” (bán thức ăn và nước ngọt) trên một xe nhỏ (trailer) đặt dọc lề đường thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington DC). Cứ bán được trăm đô, chủ trả hai mươi đô. Cũng đỡ khổ, nhưng mùa đông, đã lạnh mà tuyết bay mù trời, chẳng có du khách nào ra đường. Cả ngày, bán tối đa được trăm đô, chủ chia cho hai mươi đô, bằng một giờ làm việc của một công nhân Mỹ hạng bét. Tóm lại gia đình tôi đủ sống qua ngày, nhưng chả lẽ ở mãi dưới cái basement của người bạn?

          Có người quen xúi mua nhà “Mầy mướn nhà cũng trả chừng đó, mua nhà trả hơn chút đỉnh, nhưng sau đó mầy sẽ có nhà, nếu mướn nhà, mầy hết mướn là ra tay không” Tôi nghe cũng có lý, nên có ý tìm nhà. Tôi xem báo hoặc xách xe lội xóm. Thấy giá nhà, tôi tính nhẩm. Với số lương lúc đó của cả hai vợ chồng, thì dù có dán băng keo bốn cái miệng lại (vợ chồng và hai con), nghĩa là không ăn uống, không tiêu xài gì hết, chúng tôi cũng không đủ trả góp tiền nhà hàng tháng. Tôi bàn với vợ, tôi sẽ làm thêm vài jobs nữa, vợ tôi đi học nghề hớt tóc. Thế là tôi làm ba jobs cả thảy, cũng chỉ một nghề thu tiền cho cây xăng. Buổi sáng, tôi dậy thật sớm, đến cây xăng thứ nhất làm việc, từ bảy giờ sáng đến ba giờ chiều, xong shift (buổi làm), tôi chạy qua cây xăng thứ hai, gần mười hai giờ khuya mới về. Thứ Bảy, Chủ Nhật, tôi “chơi” luôn cây xăng thứ ba. Tính ra tôi làm hơn chín chục tiếng mỗi tuần. Tôi chịu đựng trong mấy năm, khi vợ tôi học xong, ra nghề hớt tóc, uốn tóc, lương cũng khá. Sau hơn ba năm, chúng tôi để dành được một ít tiền. Tôi lại tìm nhà để mua. Có người bạn chỉ cho tôi một ngôi nhà trong xóm, gần chỗ chúng tôi đang ở. Anh ta bảo “Nhà nầy lúc đầu đòi hai trăm nghìn đô (thời giá năm 1992). Hai năm rồi, nghe nói bớt còn trăm sáu cũng không ai mua. Bây giờ có lẽ chủ hạ giá nữa. Anh đến xem” Tôi đến, thấy cái nhà đó giống cái chuồng gà công nghiệp bên Việt Nam, thấp tè, cũng không đến nổi. Nhưng sao giá thấp như thế mà không có ai mua? Tôi nghĩ nhà có ma, người ta sợ. Tôi gọi một ông bạn làm realtor (môi giới mua bán nhà). Ông bạn nầy đưa tôi vô nhà và bắt đầu chê nhà cũ, chỗ nầy phải sửa, cái kia phải thay, mục đích cho chủ nhà nghe. Realtor mà chê là phải đúng. Theo luật, người môi giới (realtor) bên mua không được tiếp xúc thẳng với chủ nhà mà phải liên lạc với môi giới bên bán. Anh ta xúi tôi vô gặp chủ nhà đòi bớt giá. Có lẽ mấy năm mà không bán được nhà, chủ nhà phát nản, nên sau một lúc kỳ kèo, chủ nhà chịu bán. Tính ra hơn ba năm chúng tôi mới ra khỏi cái basement của người bạn.

            Khi dọn vào, tôi mới biết lý do người ta chê. Nhà quá cũ, tuổi cũng trên nửa thế kỷ. Thiết kế hết sức kỳ cục! Cái máy điều hòa không khí (AC) đặt ngay giữa nhà, ba căn phòng nhỏ chút xíu vây quanh. Khi cái máy (AC) đó chạy thì giống như xe lửa qua cầu. Nghe ầm ầm, nhà rung rinh như động đất. Mà nó chạy cho còn quí. Mùa đông mở máy, con quái vật đó chỉ kêu lên chứ không “chạy” Nghĩa là hơi cũng có xịt ra nhưng không thấy hơi nóng đâu cả! Tôi gọi cho một người thợ quen. Anh ta đến “Có sửa cũng xài tạm, máy quá cũ!” Sửa xong, nó có nóng chút đỉnh, nhưng anh thợ vừa đi khỏi thì hơi nóng cũng theo anh ta đi đâu mất! Đành mua mỗi phòng một cái hít (heater) nhỏ xài tạm.

            Đến mùa hè, mở máy lạnh, cũng có xịt hơi nhưng chẳng lạnh gì cả! Tôi lại kêu thợ. Anh ta đến, bảo “Bôm gas!”. Bôm gas xong, nó cũng chỉ thổi hơi nóng chứ chẳng lạnh chút nào! Anh thợ bảo “Cái máy AC nầy có lẽ là sản phẩm đầu tiên của hãng sản xuất. Xưa quá! Rã rệu lắm rồi!Phải thay cái mới” Giá mà cái máy AC nầy biết nói, có lẽ nó sẽ chửi thề ghê lắm. “Tao già sáu bảy chục tuổi rồi mà còn bắt xịt hơi nóng rồi xịt hơi lạnh. Mầy hỏi ông già mầy có xịt nổi không mà bắt tao xịt?” Sau cái máy AC thì đến mấy cái vòi nước. Tắt nước rồi mà nước vẫn chảy, giống như mấy bà đi cắt mắt, nhắm mắt mà mắt vẫn mở vậy. Kêu thợ đến thay xong thì nước lại nghẹt, chỗ nào cũng nghẹt, nước không chịu thoát đi, nhất là cái phòng vệ sinh! Kêu thợ, anh ta đến “Nhà nầy cũ quá rồi. Mấy cái ống thoát nước bằng gang, bị rỉ sét nghẹt cứng rồi” “Bây giờ phải làm sao?” “Thì đục tường mà thay ống mới” Lại tốn thêm mớ tiền nữa! Nếu kể ra cho đủ các phiền toái, bực mình khi mua nhà cũ thì chẳng bao giờ hết. Mái nhà dột, thay mái xong thì đến mấy cánh cửa. Cửa nào cũng hở, mùa đông hơi lạnh theo các khe hở vào nhà, lại kêu thợ! Lại móc túi! Tiền có bao nhiêu cũng chỉ đủ trả mấy cái bills (giấy đòi tiền) điện, nước, rác, điện thoại, bảo hiểm xe, sửa nhà…

            Kể ra tụi tôi cũng liều mạng mua nhà, chứ lương hướng chẳng bao nhiêu. Nhưng tụi tôi cũng gặp may. Thứ nhất là vợ tôi làm nghề hớt tóc ngày càng đông khách rì quếch (request, khách đến chỉ yêu cầu một người thợ mà họ thích) nên tiền “típ” cũng khá.

         Chuyện mua nhà ở Mỹ của vợ chồng tôi cách đây hơn hai mươi năm, thuộc thế hệ thứ nhất của dân HO. Tuổi cao, sức khỏe suy nhược, chỉ làm được những việc nhẹ, lương hướng chẳng bao nhiêu. Mà mình không có cái nhà để cho con cái đi, về, cũng tủi thân chúng.

         Nhà tôi tuy nhỏ hẹp nhưng tấm lòng rộng mở, bạn bè rất hứng thú khi được vợ chồng tôi mời đến ngắm hoa và ăn uống, cười đùa, thân ái như anh em trong gia đình. Vợ tôi nấu ăn ngon, được các bạn khen thật tình. Anh em trong hội cựu SV Quốc Gia Hành Chánh. Bà con trong hội Quảng Đà, mỗi lần họp mặt khoảng trên hai mươi người. Nhà nhỏ nhưng vườn rộng. Mỗi năm, sau mùa đông lạnh giá, chúng tôi trồng hoa khắp nơi. Trước sân, quanh nhà, các loài hoa đua nhau khoe sắc. Các bạn vui thích ngắm hoa, chụp hình. Tôi có máy copy, sang hình, bỏ vào khung hình nhỏ, tặng các bạn làm kỷ niệm. Hàng xóm cũng đến ngắm hoa và chụp hình, nhất là các cô gái trẻ.

            Đến thế hệ thứ hai. Con của mấy ông bà HO học hành nên người, lương cao thì chuyện chúng mua nhà to, biệt thự, coi như chuyện nhỏ.

            Nhưng dù sao, mỗi khi vợ chồng chúng cùng các cháu về thăm ông bà, chắc chắn chúng vẫn cảm nhận được mùi mồ hôi vì lao động chân tay vất vả của cha mẹ còn phảng phất trong nhà. Chúng cũng như nghe được tiếng lịch kịch của cha mẹ dậy rất sớm đi làm. Rồi đến khuya, đang ngủ, chúng nghe tiếng mở cửa, tiếng đóng cửa của cha mẹ đi làm về. Công việc của cha mẹ chúng đâu có ngồi trước cái computer như chúng mà phải chịu đựng tuyết lạnh hay cái nóng nung người ngoài trời, kiếm mấy đồng một giờ về nuôi chúng ăn học, trả tiền nhà, tiền điện, nước.

            Có lẽ bạn sẽ hỏi “Vậy cái nhà chuồng gà của anh bây giờ ra sao? Sửa lại chưa? Bán, mua nhà khác chưa?” Xin thưa. Vợ chồng tôi vẫn ở nhà đó. Có điều lạ, sau đó, nhà vùng tôi ở đột nhiên lên giá. Ông bạn realtor hỏi tôi “Nhà ông bây giờ bán giá gấp đôi, vẫn có người mua ngay” Nhưng tôi trả lời “Để sau nầy con tôi bán

            Bụi hoa ngoài sân tôi cũng thương, những vết bẩn trên tường các con tôi làm bẩn, tôi cũng thương (và cứ để nguyên cho đến bây giờ). Vả lại, vợ chồng tôi đã lớn tuổi, chẳng muốn ganh đua, hơn thua ai. Ngu gì mua cái nhà cho bự, nhiều phòng, chỉ ngủ vài phòng, để rồi cày mà nuôi mấy tay tư bản, cho vay cắt cổ.

Phạm Thành Châu

Views: 8

Dịch Covid-19 (2020) Với Người Già

Phạm Thành Châu

                                                      (Mao Trạch Đông: Thiên hạ đại loạn, ta (nước Tàu) được lợi )                                           

Đây là một bài phóng sự, nhưng nên giữ lại để cho các thế hệ sau cảm nhận được sự kinh hoàng mà Trung Cộng đã gieo rắc con Covid-19 Vũ Hán trên khắp mặt địa cầu. Nó lây nhiễm tràn lan, rất nhanh, giết chết hàng triệu người trong một thời gian ngắn, tàn bạo hơn chiến tranh thế giới. Tuy nước Mỹ đã chích ngừa (vaccine) cho hầu hết dân Mỹ nhưng số bịnh nhân lây nhiễm Covid-19 ở các nước chậm phát triển vẫn tiếp tục gia tăng.

Bài viết nầy gồm ba phần. Thời kỳ kinh hoàng, hỗn loạn khi Covid-19 bùng phát khắp thế giới. Người chết la liệt, y khoa nổ lực hết sức mình chống đỡ trong cố gắng gần như tuyệt vọng để cứu người. Tiếp theo là khoa học sản xuất được vaccine (chủng ngừa), mọi người lại cuống cuồng tìm mọi cách để được ưu tiên chích ngừa. Phần ba. Nước Mỹ đã hoàn tất chủng ngừa. Y tế Mỹ thở phào, chỉ còn lo chữa trị những người không chịu chích ngừa để rồi lâm bịnh nặng vì Covid-19. Trong khi đó (năm 2021) nhiều nước vẫn tiếp tục chống đỡ Covid-19 trong vô vọng vì dân không đủ ăn, tiền đâu mà mua thuốc chủng ngừa?

Một điều đáng kính phục là ở tiểu bang Virginia, trong khi mọi người cố thủ trong nhà, cửa đóng then cài, thì lại có một nhóm người Việt, dù lớn tuổi vẫn đóng góp, nấu nướng, xông pha đi phân phối thực phẩm, thức ăn đến những người già nua ở các nhà dưỡng lão, các gia đình neo đơn. Điểm tập trung là tiệm bánh Hương Bình ở chợ Eden. Họ làm vì từ tâm chứ không có mục đích gì khác. Không chỉ riêng thời gian dịch Covid-19 hoành hành mà trước và sau đó, họ vẫn âm thầm phân phối những bữa ăn nóng, ngon lành, hợp khẩu vị cho những người già yếu, quan quả, cô đơn trong vùng Virginia.

Các bạn trẻ chẳng bao giờ nghĩ đến lúc mình sẽ chết. Nghe tin một người bạn từ giã cõi đời vì tai nạn, vì một căn bịnh nào đó, bạn đến tiễn biệt và nghĩ đó là chuyện của người ta, không liên hệ gì đến mình. Ngay cả đến nguời lớn tuổi cũng không hề nghĩ rằng mình cũng đến lúc sẽ nằm bất động như thế. Chẳng phải vô tâm mà vì sợ, như trẻ con sợ ma, không dám đứng trong bóng tối.

Khoảng tháng 3 năm 2020, bệnh dịch Covid-19, phát xuất từ Vũ Hán, một thành phố bên Tàu, lây lan khắp thế giới. Nó tàn sát, đa số là những người lớn tuổi. Đã già mà còn thêm bịnh nền (bịnh nặng có sẵn) trong người thì lưỡi hái của nó vung lên lấy mạng trong chớp mắt. Không chạy đâu thoát được! Từ trước đến nay, bịnh gì cũng có thuốc chữa, chỉ có bịnh Civid-19 (thời điểm nầy) là không có thuốc chữa. Đó mới là điều khủng khiếp. Thần chết như đang đứng trước cửa. Không biết lúc nào vào nhà lôi mình đi? Người già không dám ra đường, không dám tiếp xúc với ai, vì sợ lây nhiễm. Họ cố thủ trong nhà, cửa đóng then cài, hy vọng con virút không thể chui vào được (!?). Con cái, bạn bè muốn tiếp tế lương thực cho họ thì để thức ăn trước cửa rồi đi xa, trong nhà sẽ ra lấy vô, nấu lại (cho con vi rút chết) trước khi ăn. Có một bà lão sợ “nó” đến độ không dám ra cửa lấy đồ tiếp tế, cứ để đấy. Gần cả tuần, hàng xóm thấy lạ, gọi cảnh sát, mở cửa. Bà ta suýt chết đói. Con vi rút nầy không phải vi trùng mà nó bay tán loạn trong không khí, bám đầy người, dính vô đồ vật, vô tay, chui vô mũi… người nào đến gần là bị lây nhiễm. Đau cổ họng, nhức mình, sốt. Đến khi thở không được, đưa vô bịnh viện, chỉ thở oxy vài hôm, ngáp ngáp rồi chết. Thân nhân, bạn bè không (dám) được gặp, nhìn mặt để vĩnh biệt, để tránh lây lan.

Khi số tử vong lên cao độ, nhiều người sợ đến quẩn trí. Báo chí đưa vài tin điển hình. Tại Thụy Điển, bố mẹ dùng ván, đóng đinh chặn cửa nhốt 3 đứa trẻ, từ 10 đến 17 tuổi, ngăn chúng rời khỏi nhà, từ tháng 3 đến tháng 7- 2020. Sự việc bị phát giác, vợ chồng nầy bị đưa ra tòa. Đến khi có vaccine (thuốc chủng ngừa), vì số thuốc  giới hạn chỉ dành cho người lớn tuổi, bị bịnh nặng thì ở Florida, có 2 phụ nữ giả dạng bà lão để được ưu tiên chích ngừa cũng bị phát hiện. Một chuyện khác. Eodney Baker, giám đốc điều hành casino và vợ là nữ diễn viên Ekaterina Baker, đã thuê máy bay đến tận Beaver Creek, một cộng đồng hẻo lánh dành cho người da đỏ. Cặp nầy vờ khai là nhân viên một nhà nghỉ địa phương để được chích ngừa. Họ bị bắt ở sân bay và bị phạt 1,800 USD. Ở Mỹ bà cụ Fran Goldman, 90 tuổi, lội bộ trong tuyết 9,7 km đi chích ngừa cho kịp hẹn, vì không đến kịp phải lấy hẹn lại thì khó biết đến ngày nào!(có khi gặp tử thần trước ngày đến hẹn) Cuối năm 2020, tổng thống Philippines, Duterte tuyên bố. Nếu Mỹ không cung cấp vaccine Covid-19 cho Philippines thì sẽ ngưng VFA (hiệp ước các lực lượng quân sự thăm viếng, tập trận). Chính phủ Mỹ thì tuyên bố rằng. Mỹ sẽ không giúp đỡ các quốc gia khác cho đến khi tất cả người Mỹ đã được chích ngừa. Từ khi chính phủ của tổng thống Joe Biden lên cầm quyền (tháng 1 năm 2021) thì vaccine Covid-19 ê hề, chích tràn lan, trong lúc các xứ khác chạy quanh mà vẫn không có vaccine để cứu dân mình.

Chính phủ Arab Saudi ra lịnh cấm hành hương đến Mecca và Medina vô thời hạn, nhưng tín đồ Hồi giáo cho rằng, tình trạng cách biệt cộng đồng khiến mọi người có cảm giác xa Allah (Thượng Đế). Họ tin rằng. Cứ đến các đền thờ, cầu nguyện và hôn lên các bức tường, các cây cột ở đền thờ thì sẽ được Allah bảo vệ, khỏi lây nhiễm. Kết cục, hơn 500 vụ lây nhiễm bùng phát ngay sau đó. Còn người Ấn Độ theo đạo Hindu, cơn dịch đang bùng phát, cần cách ly thì họ kéo xuống tắm sông Hằng (ngày 14 tháng 4 – 2021) để cầu xin thần linh che chở. Tức thì, hơn 2.500 trường hợp lây nhiễm bùng phát ngay sau đó. Hiện nay (tháng 4- 2021) ở Bombay, Ấn độ, cứ 4 người thì có đến 3 người vướng Covid-19. Thống kê ngày 18 tháng 6 – 2021, thế giới có trên 178.264.356 người lây nhiễm với trên 3.859.364 tử vong

 Riêng Ấn Độ có 24 triệu người bị lây nhiễm với trên 262 nghìn tử vong. Con số thực phải gấp 40 lần hơn (Theo dư luận, con số người chết trên 6 triệu). Dân Ấn có tục lệ hỏa thiêu, nên người chết nhiều quá thì họ sẽ bẻ luôn cành cây trong công viên rồi đốt xác đùng đùng ngay trên hè phố, nhà nghèo chả có tiền mua củi mà cũng không thể bẻ trộm cành cây công viên thì lén lút vác xác thân nhân đến cửa nhà tang lễ quẳng đấy rồi bỏ xác chạy lấy người, hoặc giản tiện hơn nữa là để nguyên xác tống xuống sông Hằng cho nổi lềnh bềnh. Virus trong xác cứ thế hòa lẫn vào nước sông rồi theo hạ nguồn trôi đi đâu thì trôi, dính tiếp vào ai thì dính, trong khi nước sông Hằng vốn vẫn chu du khắp châu Á.

Thứ nhất là Ấn Độ nhiều lễ hội tôn giáo hàng đầu thế giới. Người chết ngay bên cạnh làm sao họ lại không biết, nhưng vẫn vài chục ngàn người Ấn tắm chung trong lễ hội tôn giáo Kumbh Mela. Chả mấy ai thèm đeo khẩu trang. Họ dấp nước sông Hằng lên người, rồi úp mặt vào phân bò sền sệt bảo thần linh sẽ phù hộ. Họ thà chết Covid-19 cũng được chứ nhất định không chịu bỏ việc hành hương.  Thủ tướng cũng không thể cấm lễ hội được vì quyền lực của các giáo sĩ Bà la môn ở đây là tối thượng (Là đẳng cấp thứ nhất trong 5 đẳng cấp). Gọi là phép vua thua lệ làng là vậy!

Đây là lỗi của chính phủ Ấn Độ. Tháng 3 – 2020, bộ trưởng Y Tế Harsh Vardhan tuyên bố Ấn Độ đang trong “giai đoạn cuối” của dịch Covid-19 và bắt đầu xuất số lượng oxy khổng lồ (tăng738% sản lượng) và 193 triệu liều vaccine ra các nước khác. Đến khi dịch đợt 2 bùng phát thì không còn gì để chữa bịnh cho dân! Dân Ấn chết liệt địa vì không có oxy. Người ta cho rằng, khi Ấn Độ chận đứng được Covid-19 đợt 1 thì Trung Cộng phóng vào Ấn Độ “Covid-19 biến thể  đợt 2” khiến chính phủ Ấn bó tay!

Đã vậy, ngày 25 tháng 4 năm 2021, Trung Cộng tuyên bố không cho máy bay chở vật phẩm y tế qua Ấn Độ. Số người chết ở Ấn Độ nhiều đến nỗi không kịp chôn hoặc thiêu xác. Người dân bỏ mặc thân nhân trong bịnh viện. Bịnh viện đành vất xác xuống sông Hằng. Xác trôi giạt khắp nơi. Thuốc chích ngừa cho tín đồ Hồi giáo lại gặp trở ngại lớn ở các xứ Trung Đông và Do Thái khi họ biết, trong vaccine Covid-19 có chất Gelatin, gốc từ thịt heo. Dân Hồi giáo và Do Thái giáo cấm ăn thịt heo. Nhiều cuộc tranh luận nổ ra. Nếu chích vaccine thì phạm luật Hồi giáo, ngược lại thì chết. Rốt cuộc mọi người vui vẻ khi một giáo sỹ tuyên bố “Luật cấm ăn chứ đâu có cấm chích”. Một chuyện nữa. Tiến sĩ Pilar Mazzetti, bộ trưởng Y tế Peru bí mật tiêm vaccine Covid-19 cho tổng thống. Việc phát giác, Ông bộ trưởng phải từ chức (12-2-2021)

Cộng đồng người Việt ở hải ngoại càng rúng động hơn. Người già thất thần khi thấy rõ cái chết của những người quen biết (cỡ tuổi mình). Bạn bè, thân quyến chết hằng ngày, chết liệt địa! Tuần trước, ông X. mới gọi nói chuyện, hôm qua đã nghe “đi” rồi. Mình mới đến nhà thăm ông K. hôm kia, thấy vẫn mạnh khỏe, cười nói vui vẻ, vậy mà vừa nghe, đã được đưa vô bịnh viện, thở oxy (và chờ chết). Đưa vô bịnh viện cũng chết mà nằm nhà cũng chết! “Chết không kịp ngáp!”. Giở tờ báo, mấy trang sau đầy cáo phó với chia buồn. Mấy ông bà già thường mở báo chí, internet xem cáo phó với phân ưu, để biết những người quen biết nào đã từ giã cõi trần? Báo chí, truyền hình, email, YouTube… đăng toàn những tin về số người lây nhiễm, số người chết từng ngày, từng quốc gia. Đa số các bà quẩn trí thành trầm cảm vì lo sợ không biết lúc nào đến lượt mình? Coi bộ các ông rất thản nhiên. Đa số các ông là lính chiến, trước 1975, đã quen chiến trận, xem cái chết “nhẹ tựa lông hồng”. Làm người lính chiến, sống nay, chết mai, họ chẳng hề bận tâm. Thế nên, mỗi ngày, mở mắt thức dậy lại thêm một niềm vui, là mình vẫn còn sống nhăn, trong khi nhiều người cỡ tuổi mình hoặc nhỏ hơn mà đã leo lên bàn thờ rồi. Bản thân lão già nầy (tôi), hơn tám chục, cũng chẳng sợ gì, vẫn cứ nhởn nhơ ra chợ Eden (tiểu bang Virginia) ăn uống, cà phê, cà pháo, tán phét với mấy ông bạn “xâm mình!” mà chẳng hề ho hen, nóng sốt, đau nhức gì cả. Tôi và các ông bạn tuyên bố “Sống đến tuổi nầy quá đủ rồi. Vi rút tụi bây có ngon thì cứ bắt đi. Tứ khoái chẳng ham, bịnh già (cao máu, cao mỡ, tiểu đường, thấp khớp…) hành hạ, sống thêm chật đất, khi đau ốm chỉ làm phiền người khác chứ sướng ích gì?” Hóa ra, lũ vi rút cũng tránh mặt mấy người lì lợm, chỉ ăn hiếp những người yếu bóng vía. Tinh thần suy sụp thì sức đề kháng cũng giảm đi.

Đôi vợ chồng trên 90 tuổi, sau 70 năm sống bên nhau, cả hai vướng covid-19 đang nằm chờ giây phút cuối đời, cùng nắm tay nhau vào cõi hư vô.         

Các nhà dưỡng lão vắng người vì một số lớn bị Covid-19 đến bắt hồn đi biệt tích (chết), một số khác thì con cháu đón về nhà lánh nạn. Bấy giờ, trên nước Mỹ, nhiều người nhiễm  Covid-19 và bệnh già, thường chọn chết tại nhà thay vì tại bệnh viện hay viện dưỡng lão. Họ muốn được gần gủi người thân trong giây phút vĩnh biệt. Ở Indonesia, khi người Hồi giáo chết vì Covid-19, thân nhân thường trộm xác đem về tắm rửa, chôn cất theo lễ nghi Hồì giáo, họ bảo. Nếu không thì linh hồn người chết sẽ không được về với Allah mà phải ở lại thế gian và đi lang thang thành những bóng ma. Một bài báo, ngày 2 tháng 4 năm 2021 đăng tin. Ở Malaysia, cộng đồng người Hoa đốt những bộ vàng mã mô phỏng khẩu trang, bình cồn rửa tay, bộ kim chích vaccine, ngừa vi rút vào lễ Thanh Minh để “người cõi âm” phòng chống Covid-19.

Một chuyện khác. Theo Daily Mall, một đoạn video cho thấy. Vài giây sau khi vị linh mục cất lời cầu nguyện thì bàn tay của người chết (vì Covid-19) động đậy và các ngón tay đang di chuyển dưới tấm kính nắp quan tài. Thì ra “Cô” Vid-19 đã bắt lầm người!

Theo nhà toán học Kit Yates thì hiện có khoảng 2 tỷ tỷ vi rút SARS – CoV-2 đang xuất hiện trên khắp thế giới. Một con vi rút có đường kính trung bình 100 nanomet, từ đó tính ra thể tích của một vi rút. Toàn bộ vi rút trên thế giới có thể nằm gọn trong một lon nước ngọt.

Tính đến 8 tháng 5 năm 2021 trên thế giới, đã có  155.886.756 người lây nhiễm với  3.257.603 người chết, chưa kể nhiều quốc gia thống kê thấp, giấu số thực tế (Trung cộng, Ấn Độ) hoặc không thống kê được (châu Phi). Covid-19 đã giết hơn 10,000 bác sĩ, y tá, y công, và những người làm công tác Y tế, Xã hội. Riêng nước Mỹ, đứng đầu thế giới với số người nhiễm dịch Covid-19, tính đến ngày 7 tháng 5 năm 2021 là 33.321.244 người và số người chết là 593.148 người. Ngày 24 tháng 2 năm 2021, tổng thống Joe Biden đã làm lễ tưởng niệm hơn 500 nghìn người Mỹ đã chết vì Covid-19. Công sở treo cờ rũ 5 ngày. Số tử vong vì Covid-19 ở Mỹ cao hơn số lính Mỹ chết trong thế chiến 2 và chiến tranh Việt Nam cộng lại.  Nhiều quốc gia, người chết không kịp chôn hoặc hỏa táng. Ngay tại New York, gần 700 thi thể người chết vì Covid-19 chất đầy trong những chiếc xe đông lạnh đã hơn 6 tháng nay (2020), vì không kịp chôn. Mặc dù thuốc chủng ngừa đã nghiên cứu thành công và đang phân phối ở các nước phát triển. Nhưng nước nghèo không đủ ăn, lấy gì mua thuốc chủng, nên tử thần mặc sức tung hoành. Dân nghèo ở Ấn Độ sợ chết đói hơn sợ covid-19!

Một cái chết vô duyên xảy ra ở Ấn Độ. Một ông mắc Covid-19 được đưa vô bịnh viện, cho thở Oxy. Bữa đó, trời nóng trên 40 độ C, thân nhân bèn đem một máy điều hòa nhiệt độ (AC) vào cho bịnh nhân bớt nóng. Loay hoay tìm ổ cắm điện cho máy điều hòa không thấy, người nhà bèn rút dây cắm (điện) của máy thở Oxy. Mấy phút sau, thiếu oxy, người bịnh thành “quá cố!”

Tiểu bang New Mexico cho biết. Ba người thiệt mạng, ba người trong tình trạng nguy ngập và một người bị mù vĩnh viễn vì uống dung dịch khử trùng tay có chứa methanol.

Tổng thống Trump phát biểu “Tôi thấy chất khử trùng (tay) hạ gục virus trong một phút, một phút thôi. Và có cách nào để chúng ta làm điều tương tự bằng cách tiêm vào bên trong cơ thể hay tẩy sạch chúng không?” Ý tưởng “tiêm thuốc khử trùng” và “chiếu ánh sáng” khiến các chuyên gia y tế phản đối, cho rằng đây là phương pháp “tự sát”. Thật hết ý!

Sau đây là những trích đoạn từ bài “Hé lộ nỗ lực cứu Trump trước Covid-19 năm 2020”. “Trump bắt đầu có triệu chứng Covid-19 vào ngày 1/10/2020 và thông báo trên Twitter rằng ông và đệ nhất phu nhân dương tính với nCoV. Vài giờ sau, ông sốt cao, lượng oxy trong máu giảm xuống dưới 94%, có thời điểm trong khoảng 80-90%” “Trump vốn không muốn nhập viện, nhưng các phụ tá đã đưa ra hai lựa chọn. Ông có thể đến bệnh viện vào ngày 2/10, trong khi ông có thể tự đi bộ hoặc nếu ông chờ thêm, máy ảnh có thể chụp được cảnh ông phải dời đi bằng xe lăn hay giường di động. Họ sẽ không thể giấu được tình trạng của ông”… “Ít nhất hai trong số những người đã được thông báo tóm tắt về tình trạng sức khỏe của Trump vào cuối tuần đó nói rằng ông bị ốm nặng và lo sợ ông sẽ không qua khỏi. Những người thân cận với chánh văn phòng của Trump, Mark Meadowns, nói rằng ông rất lo sợ Trump có thể qua đời. Chiều 3/10, tình trạng của Trump bắt đầu cải thiện. Một nguồn tin cho rằng các kháng thể đơn dòng đã giúp tổng thống phục hồi nhanh chóng” “Redfield xem truyền hình trực tiếp từ nhà. Ông cầu nguyện khi Trump đi lên các bực thang, cầu nguyện rằng Trump sẽ tỏ ra khiêm tốn, nhắc nhở mọi người rằng bất kỳ ai cũng có thể nhiễm nCoV, rằng ông sẽ nói với họ cách họ có thể bảo vệ bản thân và người thân. Nhưng Trump không như vậy. Lúc đó Redfield biết rằng mọi chuyện đã kết thúc. Trump cho thấy ông không hề thay đổi. Cách ông phản ứng trước đại dịch sẽ không thay đổi”         

Đúng ra, chính phủ của tổng thống Trump đã đốc thúc FDA cấp giấy phép (trước ngày 11/12/2020) cho viện bào chế Pfizer sản xuất vaccine chống Covid-19, phân phối ưu tiên cho những người làm công tác y tế. Máy bay, xe vận tải đặc biệt đã phân phối trên toàn nước Mỹ gồm 150 bệnh viện và 450 trung tâm chích ngừa từ thứ hai (14/12/2020) và các ngày sau đó. Công ty công nghệ sinh học Moderna, sau đó, thành công với vaccine (25/11/2020) có thể bảo quản ở nhiệt độ âm 20 độ C. Đến đầu năm 2021, Joe Biden đắc cử tổng thống, ông phát động chiến dịch chích ngừa (vaccine Covid-19) trên khắp nước Mỹ. Mỗi ngày sẽ có 6 xe tải đi ra từ nhà máy chuyển hàng (vaccine) cho các hãng chuyển phát nhanh bằng đường hàng không (Fedex, UPS, DHL…) để bảo đảm hàng được giao trong 2 ngày trong nước Mỹ. Đến giữa tháng 5 năm 2021, đa số dân Mỹ đã được chích ngừa, chỉ một số tuổi trẻ không chịu chích ngừa. Chính phủ các tiểu bang phải tặng tiền như ở tiểu bang California, người nào đi chích ngừa thì được tặng một phiếu mua hàng trị giá 50 USD lại còn xổ số, có người đi chích ngừa trúng số 1 triệu USD. Tiểu bang Ohio cũng tổ chức xổ số cho những người tham gia chích ngừa. Giữa tháng 5 – 2021 có cô gái trúng thưởng một triệu ($1.000.000) USD. Một cậu học sinh trúng giải, được chính phủ tài trợ mọi phí tổn cho đến khi tốt nghiệp đại học. Trong tai nạn dịch Covid-19, kinh tế Mỹ suy thoái, chính phủ Liên Bang tặng không cho mỗi công dân trên hai nghìn ($2.000) USD, sinh con được chu cấp ba trăm ($300) USD mỗi tháng, ngoài ra, những người thất nghiệp đuợc trợ cấp thất nghiệp dài dài. Vậy mà cũng có đến hàng trăm nghìn người không (thèm) nhận những số tiền trợ cấp đó? Mục đích chính phû bơm tiền cho dân xài để kích thích nền kinh tế đang suy thoái vì Covid-19. Về thuốc chích ngừa, nước Mỹ còn dư thừa quá nhiều, có chương trình tặng vaccine cho các nước thân hữu.

Chính phủ các tiểu bang tìm đủ cách để dân chích ngừa Covid-19, vậy mà một số người không chịu đi chích ngừa, khiến nạn dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan, số người chết vẫn leo thang. Trong tháng 6-2021 số người chết là trên 10.000 người. Ngày 5 tháng 7-2021 bác sĩ Anthony thông báo. “99% những người chết nầy vì đã không chịu chích ngừa”. Đến tháng giữa 7-2021, số người chết ở Mỹ trên 623.435, (thế giới trên 4 triệu).

Hậu quả của cơn dịch Covid-19 thật khủng khiếp. Kinh tế suy thoái trầm trọng. Người ta suy đoán. Sau khi dịch Covid-19 đã bị chận đứng, phải 3 năm sau kinh tế thế giới mới gượng dậy nỗi. Tình trạng xã hội bị xáo trộn. Thất nghiệp tràn lan, Lệnh cách ly khiến mọi người bị tù túng trong bốn bức tưòng, thế là vợ chồng bực bội, gây gỗ, đưa nhau ra tòa (Corona-divorce) Nhưng có nhiều nơi tòa hoãn xử ly hôn, ly dị. Thế là họ về nhà, chẳng biết làm gì? Bèn đem “cờ” ra đánh theo thơ bà Hồ Xuân Hương. “Chàng lừa thiếp đang khi bất ý, đâm tốt đầu dú dí vô cung…”

Chỉ mươi năm sau, nước Mỹ sẽ có thế hệ “Quaranteen” (trẻ cách ly)

Bạn đọc đến đây tất đã biết hết cái nguy hiểm của con Covid-19 rồi. Nó giết người nhanh như chớp. Nhưng người bị lây nhiễm sẽ đau đớn ra sao trước khi chết? Cách cứu chữa của bịnh viện như thế nào? Mọi diễn biến đó, bạn không thể nào biết được vì bạn không trải qua, bạn vẫn còn sống. Sau đây là bài viết của bác sĩ Minh Ngọc trong bài “Nỗi Cô Đơn Của Đá” (Xin phép bác sĩ, được trích một số đoạn trong bài viết của bác sĩ ) sĩ)

(New York USA) “Làm việc tới khuya, anh tắt đèn đi ngủ. Bỗng anh thấy cổ họng đau đau. Anh ngồi dậy, đi ra tủ lạnh rót nước uống rồi trở lại giường ngủ. Gần sáng, anh giật mình thức dậy, đầu nhức như búa bổ, người ớn lạnh khó chịu. Anh đi lấy một viên Motrin uống rồi nằm nghỉ, chắc hôm nay không làm việc được rồi. Anh ngủ vùi tới quá trưa, tỉnh dậy không thấy đỡ, ăn một chút súp đóng hộp Campbell rồi uống thêm một viên Motrin. Khi cô (người yêu) gọi, anh không nói chuyện được vì cổ họng đau rát, anh cố trấn an cô rằng có lẽ vì anh thức khuya làm việc, mai chắc sẽ khởe hơn. Buổi tối ngực anh ran ran, anh muốn ho mà phải nén lại vì vừa dợm ho là ngực đau tức không chịu nỗi. Cả đêm anh trở mình bên nào cũng đau và khó chịu, ngực đau đến mức không thở được. Anh hít Albuterol mấy lần vẫn không thấy đỡ. Chờ mãi đến chín giờ sáng để gọi văn phòng bác sĩ vẫn trị bịnh suyễn cho anh. Vị bác sĩ chăm chú lắng nghe, hỏi anh về đồng sự mắc Covid-19 ở sở. Anh bảo không biết đích xác là ai nên không thể nói là gần người ấy nhiều không. Vị bác sĩ bảo: “Anh phải đi cấp cứu” Anh cãi “Chắc tôi bị cúm thôi bác sĩ, vài ngày là hết có chi đâu” Vị bác sĩ nghiêm nghị “Không, anh nghe lời tôi, đừng coi thường”…                                                                                                                       

Người bảo vệ đeo khẩu trang, găng tay chẳng khác bác sĩ phẩu thuật trên phim, chận anh lại, hỏi, anh khai bác sĩ bảo đi cấp cứu ở cổng nầy. Anh ta hỏi tên rồi bốc đìện thoại gọi vào. Chừng một phút sau, một đoàn bốn năm người trùm kín mít từ đầu tới chân như phi hành gia vội vã đẩy một chiếc băng ca ra, bắt anh nằm lên rồi đẩy nhanh vào phòng. Họ nhanh chóng gắn các thứ phụ tùng lên người anh để các con số nhịp tim, huyết áp và độ bảo hòa oxygen hiện lên màn hình. Một người nhìn lên các con số rồi bảo cho chụp mặt nạ dưỡng khi lên mặt anh. Hơi oxygen mát lạnh phả vào mũi và miệng khiến anh dễ chịu hơn một chút. Một người lấy nhệt độ của anh vừa xong, họ đem đến hai viên Tylenol cho anh uống. Hai người khác cũng vừa đặt xong đường truyền tĩnh mạch, một bao muối sinh lý nhỏ giọt theo ống nhựa mảnh mai chảy vào người anh. Một người nữa dùng que dài có bông gòn ở đầu như Q-tip chọc vào trong mũi anh rồi bỏ vào ông nghiệm đóng nắp lại. Xong xuôi, họ đi ra khỏi phòng. Một người đẩy chiếc máy cồng kềnh vào phòng, đặt một tấm hình vuông dưới lưng anh, điều chỉnh máy ngay bên trên người anh, lui ra ngoài cửa, tay bấm chiếc nút đang cầm một tiếng “tách” khô khan, rồi anh ta lấy ấm vuông ấy ra, đặt bên hông anh, lại bấm thêm một cái nữa. Anh ta đem tấm vuông ấy bọc vào một cái bao để riêng, đẩy cái máy ra ngoài, đóng kín cửa… Bỗng con số màu xanh dương tụt xuống, chớp báo động inh ỏi. Cô (BS) đứng bật dậy, bấm cái nút to màu xanh trên tường rồi mở cửa chạy vụt vào phòng, rút quä bóng oxygen cấp cứu trên đầu giường, úp mặt nạ lên mặt chàng trai, bóp bóng liên tục đẩy oxygen vào phổi. Hai điều dưỡng chạy tới, đẩy xe thuốc cấp cứu đến trước cửa phòng, nhanh nhẹn bẻ khóa, mở ngăn kéo lấy ra ống thở và đèn đặt nội khí quản cho cô. Cô mau chóng đặt ống thở, nối với máy thở bên cạnh giường. Con số màu xanh dương vọt lên 85 nhưng không lên nữa dù cô đặt oxygen 100%…                                                                                

Cô thở dài, bước ra ngoài, tháo bộ đồ trang bị, gỡ bỏ khẩu trang, rửa tay với xà bông, rồi bước lại bàn làm việc, bấm số gọi cha mẹ của anh…                                                          

Chàng trai suy yếu dần dần. Những chỉ số liên tục xấu đi. Máy thở oxygen không giúp được hai lá phổi bị hư hại. Gan và thận suy nặng. Mọi người trong khoa Săn sóc đặc biệt nhìn nhau u ám lắc đầu. Người bệnh không còn hy vọng gì cứu nỗi”.

Và cùng với bài “Cuối Mùa Dịch”, (xin phép trích vài đoạn) bác sĩ Minh Ngọc tóm tắt, nước Mỹ (New York) đã dứt điểm Covid-19 như sau.

Từ cuối tháng 3-2021, các bác sĩ bắt đầu hình thành kế hoạch cụ thể hơn căn cứ vào những kinh nghiệm bước đầu – không chữa theo phác đồ ARDS nữa mà hổ trợ hô hấp bằng BiPAP hay CPAP, chỉ đặt nội khí quản khi bịnh nhân thực sự suy hô hấp nặng cần thở máy, cho xét nghiệm chức năng đông máu thường xuyên để phát hiện sớm và chữa kịp thời bằng thuốc kháng đông alteplase (tPA). Các thuốc thử nghiệm hydroxychloroquine, remdesivir, lerolimab được áp dụng, có còn hơn không. Chưa bao giờ thấy FDA duyệt nhanh và nhiều như vậy, phê chuẩn ào ào đủ loại thuốc và xét nghiệm. Nhiều chương trình nghiên cứu thử luôn thuốc kẽm, pepcid, sinh tố D… nói chung nghĩ ra được món gì khả dĩ chống được con virus này là thử hết. Bệnh nhân và gia đình bệnh nhân được đề nghị thử thuốc gì cũng gật đầu, biết đâu công hiệu thì sao! Rốt cuộc chẳng biết nhờ các biện pháp phòng ngừa, nhờ thay đổi cách điều trị hay nhờ các thứ thuốc chữa bá bệnh mà các bệnh nhân tháng 4 hồi phục nhanh chóng, xuất viện ào ào, tinh thần làm việc của bác sĩ, điều dưỡng phấn chấn hẳn, thừa thắng xông lên. Trên tường bệnh viện xuất hiện tấm bảng đen ghi bằng phấn, mỗi ngày thay đổi con số xuất viện, lên tới trên con số ngàn. Hai trại cấp cứu dã chiến trong sân bệnh viện đã dỡ bỏ bớt một, còn giữ một trại tuy trống nhưng để phòng đợt dịch thứ hai. Đội cấp cứu đường thở đâm ra “thất nghiệp”, nhiều ngày ngồi ngáp ruồi chẳng ai gọi, bèn phân vào phòng mổ. Phòng mổ “sạch” (Covid-19 âm tính) ngày càng bận rộn, làm việc toàn thời gian. Tuần qua là tuần đầu tiên phòng mổ “sạch” đạt 75% số phòng hoạt động. Các anh chị BS Ngoại khoa và điều dưỡng phòng mổ chính thức không còn làm việc ở Cấp cứu và ICU nữa, trở lại với áo mũ dao kéo, BS gây mê thôi không còn chạy đi cấp cứu đường thở, trở lại với máy móc thuốc men… Trở lại với hoạt động bình thường trong bệnh viện, là điều vẫn ước ao hàng ngày khi đang vất vả đối phó với bệnh nhân la liệt khắp nơi, vậy mà lại bùi ngùi tiếc nuối! Nhớ không khí căng thẳng, mỗi người tất bật làm việc trong trang phục kín mít, những ánh mắt trao đổi thầm lặng qua kính bảo hộ – lo lắng, hy vọng – khi các chỉ số nhảy lên xuống trên màn hình, gương mặt thất thần của bệnh nhân dán mắt vào các nhân viên như cầu cứu. Từ chỗ hoang mang lo sợ những ngày đầu, mọi người trở nên thuần thục, hăng hái, quên cả nguy hiểm dốc sức cứu chữa từng sinh mạng, tự nhiên cảm thấy những ngày giờ làm việc của mình có một ý nghĩa nào đó, không chỉ là một công việc lãnh lương hai tuần một lần… Một điều tôi biết chắc, khi dịch tái phát, đội ngũ y tế nay đã  dày dạn kinh nghiệm, sẵn sàng đương đầu với con virus ghê gớm, các trang bị bảo hộ tích trữ đủ dùng nhiều tháng, máy thở và thiết bị hô hấp được cung cấp quá số lượng cần dùng nằm trong kho chờ sẵn. Chúng tôi không còn sợ nó” 

Một điều đáng quan tâm, vì con Covid-19 phát xuất từ thành phố Vũ Hán bên Trung Hoa nên khắp nơi trên thế giới, người ta ghét người Tàu, nhất là ở Mỹ, hễ thấy người tóc đen, da vàng, mũi tẹt là họ kỳ thị, đôi khi nhục mạ, tấn công. “Hãy cút về xứ của chúng mày!”… Quí ông bà Việt Nam quá khích (cuồng Trump đến thô lỗ, cục cằn) nên suy ngẫm lại thân phận của người tỵ nạn. Người Mễ, người Phi Châu nhập cư rất ý thức, không hề biểu lộ chính kiến. Cái giấy chứng nhận công dân Hoa Kỳ được cấp phát chỉ là thủ tục hành chánh, có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào, trục xuất bất cứ lúc nào nếu ta phạm pháp. Người da đen sinh sống ở xứ Mỹ hàng trăm năm vẫn bị kỳ thị, xem như công dân hạng hai, bị chẹt cổ đến chết, thi công dân hạng ba, là người nhập cư da vàng dễ dàng bị người da trắng và cả da đen tấn công. Nên thận trọng trong sinh hoạt và những phát biểu. Trong thế chiến 2, khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng, hàng trăm nghìn người Mỹ gốc Nhật đều bị tập trung lại một chỗ. Gần giống như trại tập trung cải tạo vậy. Hết.

Phạm Thành Châu

Views: 103

Hy Vọng Khởi Đi Từ Màu Đen

Nguyễn Quang Dũng

1.

Tháng 5 1981. Tôi và vợ cùng hai đứa con, một trai một gái, quyết định vượt biển, vượt thoát khỏi quê hương Việt Nam khốn khó đang sống ngột ngạt trong cuộc đổi đời dưới chế độ kiểm soát tù tội của chính quyền cộng sản từ phương bắc.

Đây là lần vượt biên thứ tư của gia đình tôi, ba lần trước đều bị bỏ rơi, phải trở về, may mắn là không bị bắt, cũng như chưa ra biển.

2.

Lần này, chuyến vượt biên thành công. Chiếc tàu nhỏ dùng chạy đường sông được sửa mủi tàu để có thể vượt sóng biển, thoát khỏi lòng sông ở cửa Cần Giờ, Long An, trực chỉ biển lớn.

Những người tổ chức của chiếc tàu vượt biên mang theo 60 người, mãi mấy ngày sau tôi mới biết, chỉ có một kế hoạch duy nhất là chạy ra hải phận quốc tế và tìm tàu lớn để mong được cứu vớt. Chúng tôi mất đúng năm ngày đêm chỉ để thực hiện được mục tiêu này: Chạy được tới hải phận quốc tế, tìm thấy được nhiều chiếc tàu hàng hải lớn. Nhưng duy chỉ là mỗi lần xả máy lại gần để cầu cứu thì những chiếc tàu sắt lớn này im lặng lừng lững bỏ đi, không hề quan tâm đến những dấu hiệu S.O.S của chúng tôi.

Ngày thứ sáu lênh đênh giữa biển khơi trong những cuộc đuổi bắt và cầu cứu vô vọng, tôi biết được từ người tổ chức là chiếc tàu nhỏ của chúng tôi đã gần cạn xăng dầu và nước uống. Sẽ phải ngưng lại việc rượt đuổi theo tàu lớn và nước uống sẽ được phân phối hết sức hạn chế .

Những mệt mỏi. lo âu và thất vọng hiện ra ở gương mặt mỗi người lớn. Những đứa nhỏ nằm la liệt trên sàn tàu, ói mửa, hốc hác…

Tối hôm đó. Biển động.

Trời đen.

Biển đen.

Những con sóng đen ngòm, với độ cao và độ nghiêng đến chóng mặt.

Lần đầu tiên trong đời, tôi ở trong lòng biển động, giữa trùng khơi sâu thẳm.

Tôi sống ở Nha Trang từ nhỏ. Biển vẫn là niềm vui và gần gủi trong đời sống của tôi. Khi lớn lên, hàng ngày trước khi đi học, tôi thường ra biển từ sáng sớm để ngụp lặn bơi lội trong làn nước xanh mặn mát ấm. Biển do vậy là những nỗi niềm thân thiết rất riêng tư của tôi. Tôi biết Biển có những lúc là Biển của hiền hòa yên tĩnh, cùng nhịp với tiếng gió thông reo hay ánh trăng đêm rằm nhẹ nhàng tỏa sáng mặt biển đêm. Tôi biết Biển có những khi gầm thét, hung dữ trong những ngày bão lớn với những con sóng xám đen cao ngất lừng lững từ xa chạy vào và đập vỡ tung bờ cát trắng.

Nhưng tôi chỉ mới biết Biển khi chân tôi đứng trên mặt đất yên ổn nhìn Biển cuồng nộ. Chưa một lần tôi cảm nhận được cái nhỏ bé mong manh đến không tưởng của chiếc tàu nhỏ  như một cọng rơm giữa biển đen sóng dậy. Không một chỗ tựa. Tôi nhìn thấy chung quanh tôi là biển nước đen ngòm hun hút đến tận trời xa đen thẳm. Biển động đang sắp sửa nhận chìm chúng tôi xuống đáy biển sâu!  Ý tưởng đó, sắc như con dao nhọn bén, đâm thẳng trong đầu tôi.

Sợ hãi ập tới. Như con sóng lớn đen ngòm kia đang ập tới, nhận chìm và chiếm ngự  tôi trọn vẹn. Không gì cản nỗi.

3.

Sợ hãi là một thứ tình tự lạ lùng và ma quái. Tôi nhận ra trong đời tôi, tôi có nhiều nỗi sợ linh tinh, thường là những dấu hiệu báo trước một loại hiểm nguy hay bất trắc nào đó tôi nhắc tôi nên tránh. Tôi gọi nó là sợ hãi nhỏ. Thường vì nhỏ nên chuyện vượt qua loại sợ này cũng là chuyện nhỏ.

Nhưng tôi cũng nhận ra sự hiện hữu của một thứ sợ hãi với mức độ và tầm cỡ kinh khủng, ảnh hưởng và tác động cùng lúc trên nhiều người. Thứ sợ hãi này liên quan đến những biến cố lớn trong đời sống mỗi người.  Và cũng thường tình, người ta dùng màu đen để diễn tả một cánh ngắn gọn nhưng đầy đủ về những biến cố mang tính phá hoại hay bi thảm này. Tháng Tư Đen chẳng hạn, tên gọi ngắn cho  biến cố 30-4-1975, nhận chìm hàng triệu người miền Nam Việt Nam trong bóng đen của sợ hãi, chết chóc và bi thảm trong thân phận những người thua trận và mất nước.

Trải qua và vượt qua biển nước mênh mông đen kịt tối hôm mưa gió đó, tôi nhận ra tại sao màu đen gắn liền với sợ hãi trong tôi bấy giờ:

Đơn giản bởi vì tôi sợ những gì tôi không hình dung, không thấy được.

Biển động ngoài trùng khơi xa thẳm hôm đó chỉ toàn là một màu đen.

Biển đen. Trời đen.

Trong bóng tối, tôi không nhìn thấy được gì ngoài màu đen. Và chính trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra tôi không là gì hết khi đem cái hữu hạn của tôi đặt trước cái vô cùng của trời đất. Những gì tôi biết, tôi thấy, không là gì hết trước khoảng không của hằng hà vô số những gì tôi không thể biết và không thể thấy.

Chỉ như vậy: Tôi sợ.

 

4.

Tháng 4 năm 2020, Tháng Tư Đen của cả thế giới.

Con vi khuẩn nhỏ nhưng với khả năng phá hoại khủng khiếp đã làm cả thế giới sợ hãi.

Cho đến nay, đầu năm 2021, hàng triệu người chết. Hàng triệu người bị lây nhiễm phải nhập viện và vất vả chiến đấu tồn sinh. Đời sống và sinh hoạt thường nhật bị xáo trộn đến cùng cực. Lệnh cách ly và hạn chế mọi sinh hoạt tụ họp hay sinh hoạt mang tính giao tiếp làm mọi người co rúm trong sợ hãi.

Cha mẹ con cái xa cách ông bà. Người yêu người không còn biểu hiện ở những xiết chặt của vòng tay ôm, không còn những nụ hôn gần gũi ngọt ngào, không còn những nụ cười vui. Không còn ai thấy ai. Tôi có cảm tưởng dường như những ngày tháng của Tháng Tư Đen 46 năm trước lại trở về. Người xa người trong những chia xa, ngăn cách.

Và tôi cũng nhận ra len lõi đâu đó trong tâm trí dường như là nỗi sợ hãi khi đối diện với nhiều điều tôi không biết, không thấy được và không lường trước được. Con vi khuẩn nguy hiểm lây lan trong không khí là kẻ thù độc hại và khi nhìn thấy nó thì đồng nghĩa là tôi đã gục ngã. Nỗi sợ hãi này không khác gì nỗi sợ lúc tôi ở trong lòng biển đen trong chuyến vượt biển năm nào.

Chỉ khác một điều: Vào Tháng Tư Đen 1975 tôi biết rất ít về những gì sắp sửa xảy ra trong lúc ở Tháng Tư Đen 2020 thông tin về dịch bệnh lại nhiều đến mức không tưởng. Các cơn bão thông tin này với những phương tiện truyền thông hiện đại từ những chiếc điện thoại cầm tay nhỏ xíu lan truyền đi rộng rãi, khuếch tán lớn thêm mãi về cái hữu hạn của kiến thức loài người hay những-điều-không-biết của con người đứng trước bệnh tật.

5.

Nhưng điều tôi chưa viết ở đây là tối hôm biển động trong chuyến vượt biên của tôi và gia đình, đêm tối tôi tưởng là đã vùi thây trong lòng biển như hàng trăm ngàn thuyền nhân khác trên đường tìm tự do, biển lớn hay Trời Phật đã nhẹ tay không dìm chết những sinh mạng nhỏ nhoi kia, trong đó có tôi, đang loi ngoi trên làn nước mênh mông. Và còn ban phát những giọt nước cứu tinh.

Là mưa. Những giọt nước mưa lúc đó quý hơn vàng. Trong đêm tối, mưa ướt ngọt trong môi miệng tôi. Chúng tôi loay hoay hứng mưa dự trữ nước uống, cộng thêm kinh nghiệm của người lái tàu biết cách cỡi sóng và nhờ vậy cầm cự, sống sót thêm được vài ngày. Hai ngày sau, sau khi bàn thảo rút kinh nghiệm, chúng tôi đổi cách cầu cứu: Chiếc tàu nhỏ của chúng tôi sẽ ngừng máy, thả neo, đốt khói đen, giăng bản vải S.O.S và khi thấy tàu hàng hải lớn thì những người biết bơi sẽ nhảy xuống biển vẫy tay kêu cứu.

Kế hoạch này thành công một nửa: Một tàu hàng hải của Trung Cộng đã dừng lại cung cấp cho chúng tôi mọi thứ cần thiết: thức ăn, nước uống, xăng dầu và quan trọng nhất là bản đồ hàng hải hướng dẫn chúng tôi đi đến Mã Lai. Họ không cứu chúng tôi âu cũng là may mắn vì dĩ nhiên là chúng tôi không muốn chạy họa cộng sản lại đến một xứ cộng sản khác.

Bốn ngày sau đó chúng tôi tấp vào thương cảng Singapore thì bị tàu tuần quốc gia này kéo ngược ra, bảo là họ không nhận người tỵ nạn từ Việt Nam, họ khuyên chúng tôi đi đến Phi Luật Tân. Không còn cách nào khác hơn, tàu chúng tôi đâm vào bờ biển Mã Lai, thả người vào bờ và đục tàu, đánh chìm chiếc tàu nhỏ. Sáu chục thuyền nhân của tàu chúng tôi sau đó cũng gia nhập đại gia đình của người Việt tỵ nạn tại đảo Pulau Bidong.

 

6.

Tôi nhận ra trong tuyệt vọng của đói khát và đối diện với tử vong trong chuyến vượt biển năm nào thì hy vọng đến cho tôi cơ hội tiếp tục tồn sinh.

Đến bây giờ có một lý lẽ rất đơn giản mà tôi trực nghiệm từ những trải nghiệm của đời sống là tôi luôn sống trong cái hữu hạn của kiếp người. Cái biết của tôi không là gì hết trong cái vô hạn của Trời Đất.

Cũng cho đến bây giờ tôi vẫn còn tự hỏi: Làm sao tôi còn sống sót trong lúc hàng trăm ngàn người vượt biển tìm tự do  như tôi vùi thây trong lòng biển sâu? Có chăng Trời Phật với những sắp xếp mà loài người không biết được?

Và tôi cũng như triệu tỷ người khác trên trái đất này là những kẻ không-hiểu-gì, loay hoay cả đời trong những tất bật mang tính đối cực, nhị nguyên, cái lý lẽ hai-mặt-của một-đồng-tiền: Sáng-Tối. Vui-Buồn. Sướng-Khổ. Thăng-Trầm. Giàu-Nghèo. No-Đói. Trẻ-Già. Khóc-Cười. Sống-Chết…

Nhưng có một điều tôi hiểu rõ, một cách chắc chắn, là không khi nào tôi có thể ở mãi trong một mặt của đời sống. Tôi không thể có bình an mãi được vì đời sống vốn đầy dẫy những bất an giăng bủa chung quanh. Tôi không thể sống khỏe mãi được vì hàng triệu vi khuẩn gây đủ thứ bệnh tật tìm đủ mọi cơ hội để xâm nhâp các cơ quan chức năng của cơ thể tôi. Và không chóng thì chầy thì tôi sẽ chết vì lẽ đơn giản tôi không thể sống mãi được. Vậy thì tại sao tôi phải sống co rúm trong sợ hãi vì mãi lo bám víu một mặt nào đó của cái đồng-tiền-hai-mặt?

Cũng như trong bóng tối mênh mông của đêm trên biển động tôi tìm thấy hy vọng từ những giọt nước của Trời. Và sau đó là ánh sáng và bình lặng của Biển lớn.

Cũng như lúc này, ở đây,  trong trắng lạnh của tuyết giá một ngày cuối năm âm lịch tôi nhìn thấy con chim anh vũ đỏ từ đâu bay lượn về đáp xuống trước sân nhà bình thản  ngắm tuyết rơi.

Ơ hay! Nếu tôi không biết gì về cái lẽ chuyển vận vô hạn, vô cùng của Trời Đất, của Sống và Chết, thì không có lý do gì tôi phải sống trong lo sợ và bám víu. Buông Xả tôi sẽ Nắm Bắt được Cái Đẹp của màu đỏ con chim Anh Vũ trên màu trắng của Tuyết.

Còn gì cần thiết phải nghĩ ngợi lôi thôi?

Nguyễn Quang Dũng

tháng 2/2021

Views: 130