Phạm Thành Châu
Tôi viết tào lao về Con Khỉ để quí vị đọc cho vui trong mấy ngày Tết. Phê bình tôi viết thế nầy, thế kia chỉ uổng công quí vị.
Xưa nay, báo chí Việt Nam có một lệ đáng yêu là: Năm Mới, cầm tinh con vật nào thì có một bài giới thiệu thân thế, sự nghiệp của con vật đó. Đồng bào ta, ở Âu, Mỹ vẫn giữ truyền thống sinh hoạt dân gian theo âm lịch. Không ai giỗ chạp theo dương lịch bao giờ. Vong linh những người quá cố chỉ căn cứ vào âm lịch để về với con cháu. Quan trọng nhất là ngày Tết âm lịch, là dịp để mọi người thân đoàn tụ, cúng lễ tổ tiên, lì xì mừng tuổi cho bọn trẻ, ăn uống, vui đùa.
Ở Mỹ, chỉ những tiểu bang đông người Việt, trên tờ “dương lịch” (lịch tây) mới có thêm phần “âm lịch” (lịch ta). Nhưng người bán lịch lại đặt in bên Đài Loan, bên Tàu nên phần âm lịch ghi chữ Tàu. Người Việt sống rải rác các tiểu bang khác chỉ biết có dương lịch, thế nên mới có chuyện vui như sau: “A lô! Chị Loan đó hả? Chúc mừng năm mới!” “Năm mới gì? Bữa nay đã tháng hai rồi, còn mới mẻ gì nữa?” “Tôi chúc tết Âm lịch đó bà ơi!” “Ủa tết hồi nào vậy? Tôi đi làm, tối tăm mặt mũi. Thôi chết! Lát nữa, đi làm về, tôi phải vất mấy trái quít vô thùng rác. Năm mới xui lắm! ” “Sao vất đi, phí của. Quít có tội tình gì mà kiêng cử?” “Số là thế nầy. Để tôi kể cho bà nghe. Ông xã tôi đi làm mà than cực, than buồn, sợ ổng bỏ việc thì nguy. Không phải chuyện tiền bạc, mà mấy ông về hưu, không biết làm gì, ở không sinh bịnh. Bên Cali. của bà, cứ ra tiệm cà phê thì thiếu khối gì bạn bè để trò chuyện, lại có mấy em bưng cà phê, đưa đùi đưa ngực.” “Các ông ngắm giải trí thì có liên hệ gì đến mấy trái quít mà đi vất thùng rác.” “Thôi đi bà ơi! Bộ bà không biết quit là quit job à? Để quít trong nhà là báo điềm ông xã tôi quit job. Thôi! Tôi gọi lại sau nghe.Thằng xếp tới!”
Đồng bào miền Nam chúng ta, tính tình xuề xòa, sinh hoạt cũng xuề xòa. Để mấy trái mãn cầu, dừa, đu đủ, xoài trên bàn thờ thành điều ước cho năm mới. Cầu vừa đủ xài. Họ không cầu mong sức khỏe dồi dào, tiền vô như nước, vạn sự như ý. Tiền nhiều để làm gì mà phải bon chen, giành giật, gian dối? Chỉ cần có chút đỉnh đủ xài mỗi ngày là “an nhiên tự tại”. Về sức khỏe thì khỏi nói. Sống được ngày nào thì nhậu ngày đó. Trời kêu ai nấy dạ. Cũng chẳng thấy ai đứt gân máu, nằm một đống báo hại vợ con. Chỉ thỉnh thoảng có ông, nhậu xỉn, về nhà, giữa đường lủi vô bụi cây rồi khiêng về chôn. Đám ma bao giờ cũng có ca vọng cổ và nhậu. Đó là nói về thời trước 1975. Từ khi đảng và nhà nước Việt Cộng từ miền Bắc tràn vào chiếm miền Nam thì dân miền Nam te tua. Đất ruộng bị cướp, nhà bị chiếm, cơ sở sản xuất, tiệm buôn bị tịch thu. Rồi thêm mấy đợt đổi tiền, dân miền Nam trắng tay. Hàng trăm nghìn gia đình bị tống lên vùng núi rừng cao nguyên, gọi là Kinh Tế Mới, chết dần vì bịnh tật, đói khát. Thêm hàng mấy trăm nghìn quân, cán, chính, thầy tu, nhà buôn miền Nam bị đày ra Bắc, chết liệt địa.
Kể chuyện tết nhất ở miền Nam sau 1975 thì bi thảm lắm. Bi thảm nhất là người dân ở thôn quê, đặc biệt là vùng kinh tế mới. Xin được mấy giòng về xã hội kinh tế mới nghĩ gì, làm gì trong mấy ngày tết? (Tôi đi tù Cộng Sản, không đi kinh tế mới chỉ nhờ đọc báo mà kể lại cho quí vị nghe) Ngày tết, nhà tranh vách lá, trống trước trống sau, gạo không có, nhang tàn, khói lạnh, lấy gì làm lễ vật dâng cúng ông bà, tổ tiên? Họ ước gì? Thời “cầu vừa đủ xài”qua rồi. Ở kinh tế mới, họ tự chúc mình “ác liệt” hơn nhiều. Họ “phát huy sáng kiến”! Một ông tha về một trái xoài, ra chỗ sửa xe đạp lượm cái líp xe (ổ trục sên xe đạp), thêm cái bọt ba ga” (giá chở đồ sau xe đạp) người ta vất đi, đem về để trên bàn thờ, thành câu (tự chúc): “Xài líp ba ga”(xài thoải mái). Một ông thể hiện ý nghĩ tuyệt vọng của mình bằng cách chưng trên bàn thờ một gói tiêu, một tán đường, thành “Tiêu tán đường.” Một ông khác trình bày tiếng thở dài của mình rất “ấn tượng.” Ông ta để trên bàn thờ một trái đu đủ, một trái điều, một trái bí đao, một trái khổ qua, thành: “Đủ điều đau khổ”. Cha mẹ sinh con thường đặt tên theo ước vọng ở tương lai. Con trai thì Hùng, Dũng, Anh Tài, con gái thì Hoa, Hồng, Ngọc, Ngà, Tuyết. Nhưng những gia đình trên kinh tế mới thì nhìn thấy tương lai đen tối của các con. Một ông sinh được ba đứa con, mỗi đứa có một tên, Tên Xui, tên Tận, tên Mạng. Một ông y tá ”ngụy”đặt tên con. Một đứa tên Hết, một đứa tên Thuốc, một đứa tên Chữa. Thật “Hết thuốc chữa!” Những ngày lễ lớn của đảng ta, dân kinh tế mới được tập họp lại để học tập Mừng đảng, ơn bác. Lại được ca hát cho thêm hồ hởi, phấn khởi (chới dới, bứt gân!). Có câu hát “Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác.” Dân ngồi dưới (đất) thì thầm với nhau: Con đường bác đi là con đường bi đát”
Bây giờ nói về năm Thân, tức là năm Con Khỉ. Tôi có kể cho bạn nghe một chuyện vui, bây giờ nhắc lại. Có một ông có bồ, kiểu sáng chở cơm đi ăn phở, trưa chở phở đi ăn cơm” (cơm là vợ, phở là bồ). Phải dấu kỹ! Vậy mà một sáng chủ nhật, cô bồ mò đến nhà ông ta. Thấy từ xa, ông ta hoảng kinh, chạy ra chận lại. Đi ngay.Trong nhà có con khỉ già ngồi trong đó! Con khỉ già là mụ dzợ ! Một chuyện khác, thuộc loại phản động, chỉ có người Bắc, thâm thúy và cay đắng mới nghĩ ra: Một cậu bé hỏi cô giáo: Thưa cô, Bác Hồ nóiTổ tiên ta là loài khỉ. Có đúng không ạ? “Đúng rồi! Tổ tiên bác Hồ là loài khỉ.” Và cô hỏi cả lớp: Có em nào trông giống bác Hồ không? Dạ không!
Trở lại với con khỉ. Các nhà sinh vật học chia các loài động vật thành nhiều chủng loại để dễ nghiên cứu. Loài gặm nhấm có chuột, thỏ.Loài có móng như trâu, bò. Có loài được gọi là thượng đẳng” (primates) gồm ba giống là khỉ (monkeys), giả nhân (apes) và loài người. Charles Darwins, người Anh, cho rằng: Khỉ tiến hóa thành người. Chỉ mấy ông bà vô thần cộng sản mới tin chứ chẳng ai tin. Vì trong các hóa thạch, chẳng thấy sinh vật trung gian nào giữa khỉ và người, chứng minh rằng khỉ tiến hóa thành người. Vả lại, bộ óc khỉ rất nhỏ so với óc người, không có hóa thạch khỉ trung gian”nào có bộ óc lớn gần với bộ óc người. Mà cũng chẳng thấy con khỉ nào trong rừng hay trong sở thú tiến hóa dần để thành con người. Chỉ có trong truyện Chiêu Quân Cống Hồ”của mấy chú chệt, vua phịa, rằng: Có ông Tô Vũ, làm quan nhà Hán (đầu Công Nguyên), đi sứ vào nước Hung Nô (rợ phương bắc nước Tàu) bị vua Hung Nô cho bốn “lịnh” (mỗi lịnh ba năm) tập trung cải tạo lên vùng sa mạc hoang vu, chăn mấy trăm con dê. Đến mùa đông tuyết phủ, vì đói và lạnh, Tô Vũ ngất xỉu. Tỉnh dậy, thấy có con khỉ cái đang đốt lửa cho ông ta sưởi, còn cho ăn, săn sóc tận tình. Thế là họ có với nhau bốn người con. Mười năm sau, xét thấy đương sự học tập tốt, lao động tốt, yên tâm cải tạo,vua Hung Nô tha về sum họp với gia đình, trở thành công dân chân chính, góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa bách chiến bách thắng. Thời đó không có cell phone, không có camera nên không thể chụp hình bốn đứa nhỏ, con của Tô Vũ hình dáng, mặt mũi ra sao? Ở miền Nam ta, trước 1975, báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà có đăng chuyện Người Lấy Khỉ”, rất hấp dẫn, báo in ra bao nhiêu, người ta xúm nhau mua đọc. Các báo khác ế nhè, bán không được tờ nào. Giận quá, các báo làm phóng sự, phịa lai lịch bà Bút Trà, bảo rằng Bà Bút Trà là con của ông người”với bà khỉ”đó.
Có Mấy Loài Khỉ? Nhiều vô số. Từ con khỉ nhỏ cỡ ngón chân cái đến con giả nhân, khỉ đột, cao to, nặng hàng trăm ký lô. Tôi thấy có hai loại khỉ. Loại có đuôi và loại không đuôi. Loại không đuôi thì quí vị có thấy rồi. Lúc nhỏ tôi nghe mấy ông kể chuyện Trong rừng có con đười ươi, người đi rừng bị đười ươi bắt được thì nó cầm hai tay người đó cứng ngắt rồi ngửa mặt lên trời, nhắm mắt, nhe răng cười suốt ngày cho đến khi mặt trời lặn thì moi ruột người đó ăn. Vì thế, người đi rừng phải thủ sẵn hai ống tre. Thấy đười ươi thì xỏ tay vô ống tre, đưa cho nó nắm, chờ khi nó nhe răng, nhắm mắt cười thì rút tay ra khỏi ống tre, bỏ chạy. Đó là chuyện xưa. Bây giờ ở Việt Nam, vô phước cho con đười ươi nào gặp mấy ông đi rừng thì chính mấy ông đi rừng đó nhe răng, nhắm mắt cười với nhau rồi móc ruột đười ươi ra nấu lẩu, đưa cay cũng được mấy xị. (Thế nên, vừa rồi, báo chí ở Việt Nam có đăng tấm hình một con đười ươi đưa hai tay có xỏ ống tre cho mấy ông đi rừng cầm, chờ mấy ông đó nhe răng, nhắm mắt cười là rút tay của nó ra, bỏ chạy). Tôi có thấy mấy tấm hình chụp một con khỉ bị người ta giết, cạo lông, để nằm chờ xẻ thịt, trông giống hệt đứa bé chết nằm đó.
Ở Châu Phi, vẫn còn những phiên chợ bán thịt rừng phơi khô, có bán khỉ khô, là khỉ nguyên con, phơi khô. Con khỉ khô nhe răng, tứ chi co rút lại như xác ướp. Người mua chỉ việc lột da, xé ăn, khỏi nấu nướng. Người Việt mình chưa hề thấy con khỉ khô xấu xí cỡ nào, nhưng có lẽ quí vị từng nghe đối đáp giữa cậu và cô như sau: Em yêu anh không?”Yêu cái con khỉ khô!” (Thà yêu con khỉ khô còn hơn yêu ông”). Vì ăn khỉ khô kiểu đó mà người châu Phi bị bịnh Ếch nhái”AIDS. Virus HIV (bịnh liệt kháng) tìm thấy trong khỉ đuôi xồm và khỉ mũi đốm. Virus Ebola (sốt xuất huyết không chữa được) và bệnh đậu khỉ (monkey pox) cũng do mấy ông bà ăn khỉ khô mà các bịnh đó lan tràn ra khắp thế gian. Ở Việt Nam, thời còn phe xã hội chủ nghĩa, Liên Xô nghiên cứu vũ khí hóa học hay chiến tranh vi trùng”gì đó phải dùng khỉ làm mẫu (vật thí nghiệm). Có lẽ là chất kịch độc, sợ thí nghiệm ở bên Liên Xô, rủi có chuyện gì xảy ra thì dân Nga lãnh đủ, nên các khoa học gia Liên Xô đem qua Việt Nam thực hiện thí nghiệm, có nguy hiểm, chết chóc do vi trùng hay chất độc thoát ra ngoài thì dân Việt chết, ráng chịu. Hiện nay mấy con khỉ làm vật thí nghiệm đó tồn tại” trên một hòn đảo ở Nha Trang, gọi là đảo Khỉ.
Đừng khinh loài vật sống theo bản năng, không suy nghĩ. Năm 1990, Christophe Boersch quan sát một bầy hắc tinh tinh ở rừng Tai, thuộc xứ biển Ngà. Chúng thường đập những trái cây có vỏ cứng bằng một hòn đá trên gốc cây. Một con khỉ con đập mãi không được, mẹ nó đến, xoay cạnh hòn đá thì đập được, lấy ruột của quả cho con ăn. Năm 1953, tại đảo Koshima (Nhật), ông Masao Kawai thấy một con khỉ cầm củ khoai dính đầy đất bẩn đem ra một dòng nước rửa sạch mới ăn. Sau bốn năm, phân nửa bầy khỉ đem khoai đi rửa trước khi ăn. Quí vị xem TV thường thấy cảnh mấy con khỉ dùng một cọng cỏ, đút vào lỗ của ổ kiến hoặc ổ mối rồi kéo ra. Kiến, mối bu vào, khỉ bỏ cọng cỏ vào mồm, ăn chúng. Con rái cá, mò mấy con sò dưới sông, nằm ngửa trên mặt nước, để con sò trên bụng, dùng con sò nầy đập lên con sò kia cho bể vỏ sò, lấy thịt ăn. Thú vật thường đùa giỡn nhau là thường. Có một con quạ có trò chơi rất lý thú. Mùa đông, tuyết phủ mái nhà, nó lấy cái lá hay gì đó, để trên nóc nhà rồi đứng lên trên. Cái lá (có con quạ trên đó) trượt trên tuyết xuống phần thấp của mái nhà. Con quạ chơi trò trượt tuyết như người. Chưa hết. Nó ngậm cái lá đó, đem lên nóc nhà, lại đứng lên lá và trượt tuyết tiếp. Con quạ, tuy vậy không khôn bằng con vẹt. Nó biết nói, biết suy diễn theo Tam đoạn luận”đàng hoàng. Chuyện như thế này. Có cô gái nuôi một con vẹt. Nhà không có ai, cô tắm xong, chả mặc áo quần, cứ thế thổn thệnh đi khắp nhà. Con vẹt nghiêng đầu nhìn và kêu lên:Thấy hết rồi nghe!” Lần nào cũng lải nhải câu đó khiến cô gái bực mình vặt trụi lông đầu con vẹt. Từ đó con vẹt chỉ ngắm mà không dám nói. (Tam Đoạn Luận tập 3, trang 50 chỉ rõ: Thấy thì làm thinh mà ngắm. Ngắm thì đừng nói. Nói thì bị vặt lông” ?!). Một lần có nhà sư vào nhà cô gái. Thấy đầu nhà sư không có tóc, con vẹt ngạc nhiên, hỏi Ủa! Thầy cũng thấy hết rồi sao?” Tôi ước được làm con vẹt đó. Nhưng miệng, lưỡi dùng vào việc khác. Dại gì nói để bị vặt lông.
Năm Khỉ, nhiều vị kể chuyện Tôn Ngộ Không, một con khỉ có tài thần thông biến hóa, theo phò Tam Tạng qua Ấn Độ thỉnh kinh Phật về Tàu. Có vị kể chuyện bà Từ Hi thái hậu đãi sứ thần tám nước Âu Mỹ, có món óc khỉ. Mấy chuyện bên Tàu đó, xưa rồi, ai cũng biết.
Tôi xin kể chuyện bên Ấn Độ, ít người biết. Người Ấn thờ hàng trăm,hàng nghìn thần. Thờ từ vật vô tri đến súc vật. Họ thờ thần bò. Mấy con bò đi nghênh ngang có khi nằm nghỉ ở ngã ba, ngã tư, người phải tránh ngài”. Ngài bò có đến các sạp rau quả xơi hết cũng phải kính cẩn đứng nhìn, không được xua đuổi. Tôi xem phóng sự thấy có đền thờ chuột. Chuột bò đầy trong đền, trên bàn thờ, trên cột đền trông thật dơ dáy. Tôi xem mà ghê người, tưởng như ngửi được mùi hôi thối của phân chuột. Người giữ đền có bổn phận nuôi chúng. Buổi sáng, ông ta bưng một khay sữa vào cho quí ngài chuột điểm tâm… Tại sao phải thờ súc vật? Người Ấn tin rằng. Mỗi con vật có thể là hiện thân của ông thần nầy hoặc bà thánh kia. Họ còn tin rằng có thể đó là tổ tiên, ông bà của họ, chết đi, đầu thai thành súc vật.
Vì là bài viết về con khỉ nên tôi xin mấy dòng về tục thờ khỉ ở Ấn Độ. Theo truyền thuyết, tại xứ Kishkinda, một vương quốc khỉ bên Ấn Độ, có một tướng khỉ, tên Hanuman, rất tài giỏi và nhiều phép thần thông. Có lần, Hanuman chơi nghịch, ngậm cả mặt trời khiến khắp nơi tối thui, người ta phải năn nỉ Hanuman mới nhả mặt trời ra. Hanuman có thể biến thành to lớn, khổng lồ hoặc tự thu nhỏ bằng ngón tay. Về võ thuật, Hanuman có thể phóng lên mây, nhảy một cái xa ngàn dặm. Hanuman, chỉ với một tay, bưng nguyên một quả núi với đầy đủ cây cối trên đó. (Trong Tây Du Ký, tác giả đã chế biến thần Hanuman của Ấn Độ thành con khỉ Tôn Ngộ Không của Tàu. Thì ra, làm hàng giả, ăn cắp bản quyền của người ta (không chỉ hàng hóa mà cả trong văn hóa, nghệ thuật!) đã là bản chất chệt, có tự ngàn xưa rồi!) Vì tin chuyện thần thoại đó là có thật nên dân Ấn Độ làm tượng thờ khắp nơi. Quí vị du lịch Ấn Độ ắt thấy nhiều tượng thần khỉ Hanuman ở các công viên, nơi công cộng. Ở đâu tượng thần khỉ Hanuman cũng cao lớn, có đuôi dài, tay phải cầm cây trùy, tay trái bê quả núi. Dân Ấn tin rằng, khỉ là hiện thân của thần Hanuman nên lập nhiều đền thờ và nuôi khỉ. Ở New Delhi, khỉ có mặt khắp nơi, nhất là khu đồi Raisina. Khỉ nhảy nhót, leo trèo, phá phách trên đường phố, cướp giật hàng hóa, lục giỏ xách người đi chợ. Có con leo cột đèn, bị điện giật chết, người ta phải tổ chức lễ an táng ngài” thật long trọng. Có đánh trống, thổi kèn như đám ma của người Tàu ở Chợ Lớn (nhưng không thổi bài Love Story như đám ma của mấy chú thiếm Chợ Lớn). Đạo quân (Tam phủ) khỉ phá quá! Chịu hết nỗi, tòa án ra lịnh dời đền khỉ vào rừng, cấm không cho khỉ ăn nhưng chẳng ai dám động đến quí ngài khỉ, và vẫn cung phụng ngày ba bữa, tắm rửa thoải mái cho quí ngài. Đúng là trò khỉ!
Ở Việt Nam ta có tương truyền rằng mẹ ông Mạc Đỉnh Chi vào rừng bị khỉ hiếp, sinh ra ông, người nhỏ, tướng xấu xí, chân tay dài thòng, mắt láo liên như con khỉ nhưng rất thông minh. Ông thi đậu tiến sĩ, được nhà vua cử đi sứ sang Tàu. Nhân khi công chúa (Tàu) chết, vua Tàu muốn thử tài sứ Mạc Đỉnh Chi nên đề nghị ông làm một bài văn tế về cái chết của công chúa với chỉ một chữ Nhất. Trạng Mạc Đỉnh Chi hạ bút ngay:
Thiên hương nhất đóa vân.
Hồng lô nhất điểm tuyết.
Thượng uyển nhất chi hoa.
Giao trì nhất phiến nguyệt.
Ô hô!
Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết
(Trên trời một áng mây/ Lò hồng một giọt tuyết/ Thượng uyển một cành hoa/ Giao trì một vầng nguyệt/ Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết).
Quá hay!
Để chấm dứt bài nầy, tôi xin kể chuyện đức Phật, trong một lần thuyết pháp, có nhắc đến con khỉ để nêu một ẩn dụ: Trong kinh A Hàm có chép, Phật kể đại ý rằng: Có người thợ săn lấy nhựa cây gài bên thức ăn để nhử đàn khỉ. Có con khỉ đến bốc thức ăn, ngờ đâu dính nhựa cây, không gỡ ra được. Khỉ lấy tay kia gỡ ra, lại bị dính vào, khỉ lấy hai chân gỡ ra, cũng bị dính nốt. Khỉ dùng đuôi gỡ ra, cũng bị dính. Sau cùng khỉ dùng miệng cạp, cũng dính luôn. Thợ săn chỉ việc đến bắt khỉ. Đức Phật dạy: Này các tì kheo. Nhựa cây kia ví như lục dục, sáu bộ phận bị dính vào nhựa ví như lục căn. Như chú khỉ kia, khi lục căn bị dính vào lục dục thì sẽ bị ma quỉ tùy ý dẫn đi”.
Phạm Thành Châu
Views: 614