Trên Cát

Thơ Lê Văn Bỉnh

 

Người thương binh loay hoay trên bãi biển

Đắp mô hình thủ đô cũ Sài Gòn

Tấp nập bộ hành đại lộ hẽm con

Xuất hiện thêm chợ mấy ngôi lớn nhỏ

 

Ngọn cờ tí teo mặt anh rạng rỡ

Nhiều mái trường đông đúc đám học sinh

Anh nói đây một thủ đô thanh bình

Dù xa xa vang vang bom đạn nổ

 

Khách đi qua bấm máy hình ghi nhớ

Anh mỉm cười cám ơn kỷ niệm này

Sóng biển vào trong vài giờ nữa đây

Sẽ xóa hết cảnh thanh bình trên cát

 

Khách vắng đi và nhanh trong chốc lát

Anh vẽ người chỉ còn lại một chân

Cánh tay cụt đong đưa nỗi nhọc nhằn

Nước lại xóa công trình vừa mới chớm

 

Nhìn sóng vỗ tràn lan anh cười lớn

Tác phẩm vẫn còn – đó chính là ta

Chứng tích một thời — dù khá phôi pha

Là thực tế  –không chỉ qua hình ảnh

 

Cứ vài tuần anh lại ra biển lạnh

Đắp mô hình thủ đô cũ Sài Gòn

Khách vẫn chụp hình – ảnh đó sẽ còn

Còn ảnh anh — người lắc lư trên cát.

 

Mưa mỗi lúc càng thêm nặng hạt

Gió vù vù như tích tụ trăm năm

Sóng điên cuồng gào thét ầm ầm

Anh về đâu — hay vẫn còn trên cát

 Lê Văn Bỉnh

Virginia Tháng Giêng 2018

Views: 189

Hoa Trang

Với sự đồng ý của nhân vật nữ trong truyện “Nhớ Huế” (trước đây), người viết xin ghi lại đúng các chi tiết trong câu chuyện nầy                                             

Phạm Thành Châu

Tốt nghiệp trường Hành Chánh, hắn về Thừa Thiên, được tỉnh đưa về làm việc  tại các quận thôn quê, lòng vòng hết quận nầy đến quận khác. Quận cuối cùng trước khi hắn lên cao nguyên là Nam Hòa, một quận, địa giới rất rộng, bao gồm một phần dãy Trường Sơn mà dân số chỉ độ sáu nghìn. Quận lỵ là chợ Tuần, quận đường là ngôi nhà nhỏ.

Ngoài tay quận trưởng trên chi khu thỉnh thoảng ghé vào, còn lại chỉ có hắn và vài ba nhân viên, mấy cái bàn ghế, một máy đánh chữ… chẳng khác gì một trụ sở ấp. Quận Nam Hòa cách Huế dăm bảy cây số, quận nghèo không có công xa. Tỉnh cấp cho hắn một chiếc xe gắn máy Honda. Quận Nam Hòa và một phần quận Hương Thủy tập trung hầu hết lăng tẩm, chùa chiền của Huế, cảnh trí u tịch, nên thơ. Lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, lăng Khải Định, lăng Thiệu Trị, chùa Từ Hiếu… Về mùa hè, các cô cậu sinh viên, học sinh tụ tập, sinh hoạt, vui chơi nơi các lăng tẩm, chùa chiền. Đẹp nhất, nên thơ nhất là rừng thông mênh mông, bạt ngàn trên đồi Thiên An. Những buổi sáng cuối tuần hắn thường chạy xe lên các nơi đó, một mình lang thang ngắm cảnh, đến trưa, ghé một quán ăn bên đường cho bữa ăn đơn sơ rồi về Huế xem phim, mua sách báo về nhà trọ nằm đọc, thư giản… Thế rồi, một hôm, hắn lên chùa Từ Hiếu, dựng xe, ngồi khuất sau một gốc cổ thụ, nhìn vơ vẫn cảnh vật chung quanh. Tính hắn thích tĩnh mịch nên với buổi sáng êm ả, vắng vẻ như thế, hắn có thể ngồi hàng giờ, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng chuông chùa vang vọng, ngân nga để mặc cho tâm trí chìm đắm trong hạnh phúc của hư vô. Trong lúc đang mơ màng thì hắn nghe tiếng xôn xao của những cô gái “Xe của ai mà bỏ ri hè?” Tiếng một cô khác “Ai mà bỏ, người ta đi chùa lạy Phật” “Tụi mình trong nớ ra, thấy ai lạ mô?” “Hay là của các thầy để quên ngoài ni. Để tao dẫn ra sau chùa” Biết các cô lầm nên hắn vội đứng dậy, kêu lên “Thưa các chị, xe của em!” Các cô giật mình sợ hãi, nhưng khi thấy hắn, mặt mũi hiền lành ra người có học nên các cô yên tâm “Eng ni (anh nầy) làm chi ngồi đây, rình ăn trộm chuông chùa phải khôn?” “Dạ không, em ngồi chơi” “Chơi với ai?” “Dạ. Em chơi một mình” Tuy cách đối đáp của hắn không được lương thiện, nhưng các cô ỷ đông nên bạo dạn. Các cô nhìn hắn, xì xầm điều gì có vẻ quan trọng, ngạc nhiên lắm “Tao nhớ có thấy hắn ở mô đó?!” “Tao cũng thấy quen quen” Con gái thường e lệ, rụt rè nhưng khi đi chơi chung với nhau, họ trở nên bạo dạn, gặp con trai đi một mình thì xúm nhau ăn hiếp, chọc ghẹo để vui cười với nhau. Một cô, như là đầu đàn, đứng chống nạnh, làm oai với hắn “Eng tên chi?” Hắn làm bộ sợ hãi “Dạ. Em tên Phó Nam Hòa” “Eng ở mô tới đây?” “Dạ. Em từ trong Nam ra đây” Một cô nói “Đứa mô ưng anh chàng ni thì hỏi gốc gác mà về làm dâu. Làm dâu trong nam sướng lắm đó nghe. Mụ mẹ chồng tốt lắm!” Cô vênh mặt “Nghe giọng nói thì biết rồi. Nhưng tôi muốn biết rõ, eng sinh ra từ nơi mô? Khôn phải nơi eng làm việc. Có hiểu khôn?” Hắn nhe răng cười “Em trả lời, nhưng chị đừng đánh em” “Chưa đánh mô. Nói đi!” Hắn làm bộ gãi đầu “Dạ. Thật khó nói tên nơi em được sinh ra! Em được sinh ra từ cùng một chỗ với chị đó!” Các cô ngớ ra rồi bỗng đỏ mặt, đập vai nhau cười rũ rượi. Một cô, trông có duyên, đôi má ửng hồng vì cười nhiều quá, nói với cô đầu đàn “Đáng đời mi chưa, Tiểu Thu? Nghe giọng miền Nam, mi tưởng dễ ăn hiếp. Lù khù vác lu mà chạy đó mi nà!” “Ơ! Cái con Khánh Trang ni! Chưa chi mà đã binh người ta! Mi ưng eng thì ta gả eng cho mi đó. Mi muốn hỏi chi thì hỏi đi, nhưng coi chừng. Miệng lưỡi eng ta không vừa đâu” Cô nầy, trông hiền lành nhưng cũng làm bộ dữ dằn, hỏi hắn “Vợ con để mô mà đi một mình?” Cô lúc nãy lại lên tiếng “Con ni vô duyên, tự nhiên hỏi vợ con người ta” “Lại mi nữa! Tao hỏi cho mi đó mi nà. Nè, tôi cho eng biết, có vợ con rồi thì về ru con, đừng đi ve gái mà chết nghe eng! Có người yêu rồi cũng không được ve gái. Ủa. Ngó chi tui mà mặt mũi khờ đặc ra rứa hè?” “Dạ, Mới thấy chị mà em đã mất hồn, mất vía. Chị đẹp thất kinh luôn!” Cô cười, đôi mắt đen sáng lên, cảm động và hãnh diện, nhưng rồi làm nghiêm “Tôi hỏi răng eng không trả lời? Vợ con mô?” “Dạ. Vợ ở đây” “Eng nói răng? Vợ eng có mặt trong tụi tui hả?” “Dạ. Đúng rồi. Vợ em là cô đẹp nhất trong các chị ở đây” “Tụi ni đứa mô cũng đẹp. Eng chỉ coi. Đứa mô là vợ eng?” Cô  quay hỏi các bạn “Đứa mô là vợ eng ni thì ra mà dắt về. Lấy dây mà cột vô chân giường, đừng thả rong mà có ngày mất chồng” Các cô đồng loạt giơ tay “Chồng của tui!” Cô hỏi hắn “Răng (sao) eng nhiều vợ quá vậy? Mấy ông vua chết sớm vì nhiều vợ quá đó eng nà!” “Em chỉ có một vợ thôi. Các chị ưng em mà giơ tay lên chứ em chỉ có một vợ thôi” “Vợ eng là đứa mô? Chỉ coi!” Các cô cười ngặt nghẽo, chỉ tay vào ngực mình, gật gật đầu “Em nè!” Hắn cũng giả bộ nhìn từng cô để tìm vợ rồi bất ngờ chỉ vào cô Khánh Trang “Dạ. Vợ em đây!” Cô la lên “A” lên rồi bước lùi “Ba mạ ơi! Mới gặp lần đầu bữa ni mà eng tỏ tình bất tử rứa hè?” Hắn trả lời kiểu tiểu thuyết ba xu “Dạ. Gặp em từ muôn kiếp trước” Các cô lại cười nói xôn xao, phá tan cảnh nghiêm trang, tĩnh mịch nơi cửa thiền. Cô đầu đàn, Tiểu Thu, hỏi “Eng có đi học không? Mặt mũi sáng sủa, đẹp trai mà ve gái kiểu rẻ tiền như rứa?” “Dạ. Em có đi học. Thưa mấy chị” “Học trường mô?” “Dạ. Trường Hậu Bổ” “Trường chi mà lạ rứa?” “Mấy chị không biết trường đó đâu. Nhưng em nghỉ học rồi. Em làm công chức sống qua ngày” “Công chức là chức gì?” “Chức đồng tri huyện” “Chức chi mà lạ rứa?” “Là phụ tá cho quan tri huyện. Bây giờ gọi là ông phó quận” Cô ta gật gù “Làm chi cũng được, miễn có tiền nuôi vợ con là tụi nầy gả Khánh Trang cho eng” “Rồi cô hỏi cô kia “Khánh Trang. Mi có ưng eng ni không mi? Không ưng thì nhường eng cho tao” “Răng mi biết tao không ưng mà giành chồng của tao?”  Các cô vỗ tay kêu lên “Làng trên xóm dưới ơi. Ra mà coi! Vợ lớn, vợ bé đánh nhau giành chồng nì!” Đúng là một buổi sáng vui chơi ngoài trời lành mạnh, tươi trẻ, đầy tiếng cười. Cô Tiểu Thu nói với hắn “Cám ơn eng đã đóng với tụi nầy một vở kịch vui. Kịch đã hạ màn rồi. Eng có thể đi chỗ khác cho tụi nầy được tự nhiên” Hắn ngồi lên xe “Dạ, cám ơn mấy chị, cám ơn em Khánh Trang. Tuần sau mấy chị có đến đây không? Cho em gặp. Được không?” “Chưa biết đi chỗ mô. Muốn gặp Khánh Trang thì nói, chơ gặp tụi ni mần chi. Lần sau, đến đây tụi ni tổ chức lễ cưới cho hai ôn mụ (ông bà), là cô dâu Khánh Trang và chú rể eng Phó si tình”.

            Thời còn đi học, hắn cũng có bạn gái, cũng rủ nhau đi coi hát, ăn quà rong, vui đùa, chọc ghẹo nhau nhưng rồi quên đi. Không hiểu sao, khi gặp cô Khánh Trang hắn đâm nhớ cô ta đến ngẩn ngơ. Cô hồn nhiên, vô tư mà làm vẻ người lớn nên trông rất dễ thương. Khi cô cười, phô hàm răng trắng đều, môi hồng, đôi mắt đen nhánh, thông minh, nhìn hắn thân ái, dịu dàng. Hắn cảm nhận được tình cảm cô dành cho hắn. Một buổi sáng thứ bảy, hắn dậy sớm, chạy xe vô chùa Từ Hiếu, không thấy ai, qua lăng Tự Đức cũng không! Hắn chạy vòng lên đồi Thiên An thì thấy các cô đang đuổi nhau, tiếng cười nói, náo nhiệt cả một góc rừng. Thấy hắn lò dò đến, các cô ngưng cười, tò mò đứng nhìn. Cô đầu đàn, Tiểu Thu, chặn hắn lại “Eng kia, đi mô rứa? Chỗ con gái, đến mần chi?” “Bữa trước, chị có hứa cho em gặp Khánh Trang” Cô kêu lên “Khánh Trang mô rồi. Ra mà gặp cái eng bị mi bắt mất hồn, mất vía đây nì” Các cô đẩy Khánh Trang ra đứng trước hắn. Cô đứng yên nhìn hắn, không cười. Mái tóc đen, dài, rủ xuống đồi ngực nhỏ. Quần jean, áo trắng ôm lấy thân hình thon gọn, hài hòa, tinh khiết. Các bạn cô im lặng, như nín thở vì ngạc nhiên. Lần đầu trong đời, các cô được thấy đôi mắt si mê đến ngây dại cuả một anh con trai đang chiêm ngưỡng cô bạn Khánh Trang của họ. Cô Tiểu Thu lên tiếng “Tụi ni làm mai cho hai ôn, mụ (ông, bà). Ôn, mụ nói đi! Anh yêu em, em yêu anh. Chú rể tương lai nói trước” Hắn nói “Cả tuần nay anh mất ngủ” Cô hỏi “Răng rứa? (vì sao?)” “Nhớ em Khánh Trang” “Mất ngủ mấy ngày thì chết?” “Mất ngủ sinh bịnh mới chết” Cô mím môi, nhìn hắn, mặt lạnh tanh “Em biết. Đó là bịnh tương tư. Khi mô anh chết, cho em biết. Em đến khóc đưa tiễn anh ra nghĩa trang buồn” Cả bọn chưng hửng! Một cô kêu lên “Khánh Trang! Răng mi tàn nhẫn với người ta rứa mi?” Không nói một lời, hắn quay lưng, xuống đồi. Có tiếng kêu “Anh Trương Chi ơi là anh Trương Chi!”.

 Hắn tự ái. Giận các cô, giận lây qua Khánh Trang, tuy biết rằng các cô tưởng hắn cũng là sinh viên với nhau vì hắn mới ra trường, tuổi chưa đến ba mươi, nên chọc ghẹo cho vui. Thực ra là lỗi của hắn. Làm công chức mà ăn mặc xuề xòa, đi lang thang, lại tán tỉnh các cô gái, chẳng ra “thể thống chính quyền” gì cả! Hắn cứ tưởng mình còn tự do như thời sinh viên mà không biết rằng, khi đã là công bộc của dân, thay mặt cho chính quyền, dù trong quản hạt nhỏ, cũng phải chửng chạc, nghiêm trang, người dân sẽ nhìn hắn để đánh giá chính quyền. Từ đó, hắn mới để ý đến trang phục, tư cách của mình. Áo quần bỏ giặt ủi, thẳng nếp. Thái độ, cách giao tiếp như người lớn. Hắn không lang thang ngắm cảnh ở các nơi vắng vẻ vào ngày cuối tuần mà đi dạo phố, vào các tiệm sách, xem phim với các bạn. Một buổi sáng chủ nhật, hắn cùng vài người bạn đứng trước rạp Tân Tân chờ xem phim. Hắn bỗng thấy từ cửa Thượng Tứ mấy cô gái, trong đó có cô Khánh Trang, đang đi đến. Vì giận họ, hắn làm như không thấy. Các cô cũng tỉnh bơ đi qua. Đi dược một quãng ngắn, bỗng nhiên cô Khánh Trang đi chậm lại, cô quay nhìn hắn, đưa bàn tay lên, vẫy nhẹ rồi đi nhanh theo các bạn. Cơn giận bỗng tiêu tan. Hắn lại thấy cô Khánh Trang đẹp và hiền lành như trước kia. Hắn đoán chừng, phải có nguyên nhân nào đó khiến cô, trước đây, phải đối xử như vậy. Một lần khác, vào buổi chiều, đang tìm một quyển sách trong nhà sách Ưng Hạ thì cô Khánh Trang vào, đứng bên cạnh. Cô mặc áo dài trắng như nữ sinh trung học. Hắn quay nhìn, cô cười, hắn cũng cười. Cô thì thầm “Em xin lỗi nghe! Bữa đó…” “Anh biết mà. Em đừng bận tâm. Em giả bộ ghét anh. Phải không?” “Sợ tụi bạn. Tụi hắn mà mét ba mạ em thì em chết” “Bữa nào cho anh gặp, được không?” “Sáng thứ bảy, anh lên dòng Thiên An sớm, chờ em phía sau tu viện, không ai thấy, nếu tụi em có đi chơi ở đó thì em sẽ đến với anh, nhưng chỉ vài phút thôi. Tụi hắn nghi ngờ thì nguy cho em” “Anh chỉ cần nhìn thấy em, dù một giây, cũng mừng rồi” Cô ngập ngừng “Em cứ nghĩ đến anh hoài, đến mất ngủ…” “Em mất ngủ từ bao giờ?” “Từ buổi sáng, thấy anh ở chùa Từ Hiếu. Em thấy anh dễ thương. Lúc đó, điều em sợ nhất là anh đã có người yêu, nên em mới hỏi…” Hắn lắc đầu “Anh chưa yêu ai. Cho đến khi gặp em” Hắn cầm một quyển sách, mở ra như chăm chú đọc, nhưng thì thầm với cô “Em đứng cạnh anh. Anh mừng run cả người. Em có thấy tay anh run không?” “Dạ có thấy. Em cũng đang run muốn chết! Thôi. Em về nghe!” “Cho vai anh chạm vai em. Được không?” “Dạ được!… Em về nghe!” Cô bước ra khỏi nhà sách, hắn cũng ra theo, cách cô một quãng ngắn. Thỉnh thoảng cô quay nhìn phía sau, thấy hắn nhưng không tỏ vẻ gì. Hắn như người mộng du, mắt đăm đăm nhìn tà áo dài tha thước, mái tóc dài phủ bờ vai, dáng đi dịu dàng của cô, chân hắn bước bừa tới trước, vấp vào mấy bà bán hàng rong, trán suýt đập vào trụ đèn. Đến cuối đường Trần Hưng Đạo, cô lắc đầu, tỏ ý không muốn hắn đi theo nữa. Rồi cô khuất dạng chỗ ngã rẽ vào đường Phan Bội Châu. Nhờ sáng kiến đó, hễ bọn con gái đi chơi ngoài trời trên đồi Thiên An thì cô Khánh Trang đến với hắn, dù chỉ năm, mười phút. Hai người ngồi bên vách tường đan viện Thiên An, khuất sau những cây thông um tùm, ai có đi ngang cũng không thấy được. Cô thường ngồi tựa đầu vào vai hắn, tay bứt từng cánh lá, thì thầm “Em ước được ngồi mãi bên anh như ri, suốt đời” Hắn nhìn cô, cười “Cứ ngồi mãi cho đến chết. Phải không?” Cô lắc đầu “Chết răng được! (chết sao được) Em với anh thành tượng đá chứ! Tượng đá rêu phong nhưng không tan rã, không chia lìa. Cứ ngồi hoài như ri (như thế nầy)” Hắn kéo cô sát vào lòng, hôn lên trán cô “Em dễ thương quá! Anh sẽ yêu thương, lo lắng cho em suốt đời. Anh có viết chút đỉnh. Anh sẽ viết về chuyện hai đứa mình, sau nầy về già, hai đứa đọc lại, có lẽ vui và cảm động lắm” “Em cũng có làm thơ. Chẳng hay ho gì nên không đề tên thật” “Nữ sĩ của anh bút hiệu gì?” “Gì mà nữ sĩ! Tên Hoa Trang. Nhớ nghe! Chỉ riêng anh biết tên Hoa Trang thôi” “Anh nhớ! Khi gặp riêng, anh gọi em là Hoa Trang. Hoa Trang của riêng anh”

Về sau, hình như các bạn biết chuyện hẹn hò của hai đứa nhưng làm lơ. Nhiều khi cô ngồi hàng giờ với hắn, cho đến trưa, nghe bạn kêu, cô mới vội chạy về. Mùa hè đã đi qua, sinh viên, học sinh lại đến trường, không còn tụ tập đi chơi ngoài trời nữa. Hắn không còn được gặp cô Khánh Trang. Thế nên, mỗi cuối tuần hoặc buổi chiều, hắn lang thang trên các con đường Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, mong gặp được cô Khánh Trang cho đỡ nhớ. Thỉnh thoảng các cô, trong đó có cô Khánh Trang, đi trên đường Trần Hưng Đạo, nhưng hai bên vẫn tảng lờ, như không thấy gì. Nhưng hắn biết và chờ đợi, cô Khánh Trang sẽ đi chậm lại, quay nhìn hắn và tặng hắn một nụ cười. Kể ra như thế cũng đủ cho hắn vui hưởng cuộc đời, nhưng có một lần, gặp nhau, thay vì đi thẳng, các cô chận hắn giữa đường, cô Tiểu Thu nói “Chia buồn với anh nghe, Khánh Trang sắp lên xe hoa rồi. Đừng gặp Khánh Trang nữa nghe!” “Thì trước giờ tôi cũng chỉ nhìn thôi!” “Tụi ni không muốn làm khó, nhưng anh nói chuyện với Khánh Trang là tụi ni bị vạ lây” Trong lúc đó, cô Khánh Trang xây lưng lại với hắn, yên lặng chờ các bạn rồi đi tiếp. Từ đó, hắn không còn thấy Khánh Trang đi ngoài phố với chúng bạn nữa. Các bạn cô cũng làm như không có hắn trên đời nầy.

 Hắn thấy chán nản và buồn. Càng nhớ cô Khánh Trang hắn càng quyết định rời Huế vì mọi nơi, đường phố, lăng tẫm, chùa chiền… nơi nào cũng hiển hiện hình bóng Khánh Trang. Hắn làm đơn xin đổi lên Cao Nguyên và chờ được thuyên chuyển.

 Thừa Thiên, Huế năm nào cũng có bão lụt. Người ta thường bảo nhau “Ông (Trời) tha nhưng Bà (Thủy, lũ) không tha, làm cho một trận hăm ba tháng mười” Nghĩa là phải chờ cho đến hết ngày hăm ba tháng mười âm lịch mới biết chắc năm đó hết bão lụt. Vì đôi khi ở Huế trời tạnh ráo, nhưng trên Trường Sơn mưa lớn, vậy là nước lũ tràn xuống. Phần thượng nguồn của sông Hương, sông Bồ, nước chảy giữa những vách đá dựng đứng nên dồn xuống đồng bằng rất nhanh và mãnh liệt. Ở thôn quê, nửa đêm nghe nước réo ngoài sông, giật mình mở cửa, nước đã vào đến nhà!

 Năm đó bão lụt lớn, ngoài đường nhiều cây cổ thụ đổ ngổn ngang. Quận Nam Hòa, nơi hắn làm việc, thật là bi thảm. Nhà cửa bị gió giật, mái, vách bay tứ tán. Bà con bơ vơ, co ro trong mưa lạnh. Đa số đồng bào là người tỵ nạn Cộng Sản. Họ ở trong các mái tôn (tôle) do chính phủ cấp, ngày ngày đi làm mướn hoặc khai khẩn các rẻo đất mà dân địa phương bỏ hoang để trồng khoai, sắn, bắp sống qua ngày. Trước kia họ cũng có ruộng vườn ở các thung lũng phì nhiêu trong dãy Trường Sơn  nhưng bị Việt Cộng về bắt đi bộ đội, dân công, đóng thuế, ủng hộ đủ thứ, lại thêm súng đạn hai bên bắn nhau, chịu không thấu, họ chạy về vùng Quốc Gia để đươc bảo vệ, giúp đỡ. Họ sống thật nghèo khổ, thiếu thốn. Từ ngày về làm phó quận Nam Hòa, hắn thường đến các hội thiện để xin cứu trợ. Hội Thánh Tin Lành, cơ quan Caritas (Công giáo), Hội Hồng Thập Tự Huế, Tổng Hội Sinh Viên Huế… thường đến các ấp phân phát thực phẩm, khám bệnh, phát thuốc, đắp đường, sửa nhà cho đồng bào. Ngay cả khi không có bão lụt, hắn vẫn đi vận động các hội đoàn đến các ấp chữa bịnh, tặng quà cho đồng bào nghèo.

Buổi chiều, sau một trận bão, đi làm về, hắn ghé hội Hồng Thập Tự. Anh Nghiên, chủ tịch hội đã chờ sẵn. Cả hai đồng ý sẽ đến các ấp bị nặng nhất trước tiên. Theo chương trình ngày mai, hội sẽ lên làng Đình Môn. Đây là nơi xa nhất, hẻo lánh nhất, nằm cạnh lăng Gia Long.

 Sáng hôm đó, xe của hội Hồng Thập Tự đổ hội viên trước văn phòng quận, rồi đi đò máy ngược lên nguồn hữu sông Hương. Đến trưa thì mưa bắt đầu nặng hạt, nước dâng lên. Hắn vội thuê đò máy lên rước đoàn cứu trợ về, vì nếu còn nấn ná, nước chảy xiết, không có ghe đò nào dám lên đón cả. Vì xuôi giòng nên lúc về rất nhanh. Trời u ám, lất phất mưa và gió lạnh. Các hội viên co ro trong áo mưa, chỉ mong chóng về lại Huế nhưng xe của hội đã quay về rồi, đúng hẹn, chiều mới lên đón đoàn. Anh Nghiên, trưởng đoàn, đề nghị đi bộ lên lăng Khải Định tránh gió. Lăng xây tựa vào một ngọn đồi, kiến trúc toàn đá thanh và cẩm thạch, theo kiểu lai căng nửa Âu, nửa Á. Hắn ra chợ Tuần mua bánh mì và đường cho các bạn đỡ lòng. Một bạn khác lấy xe gắn máy của hắn chạy về Huế gọi xe lên đón đoàn. Tuổi trẻ thật hồn nhiên, các đoàn viên vừa ăn vừa ca hát. Hắn và anh Nghiên cùng vài bạn ngồi ở góc lăng chuyện trò. Trong lúc các bạn đang ăn uống, cười đùa, hắn đứng lên xin được có mấy lời cùng đoàn cứu trợ. “Nhân tiện đây tôi xin thưa với anh trưởng đoàn và các anh chị hội viên hội Hồng Thập Tự Thừa Thiên, Huế. Trong thời gian qua hội đã dành nhiều ưu tiên cho quận Nam Hòa. Chính quyền cũng như đồng bào không bao giờ quên tấm lòng vàng của các bạn. Mong các bạn tiếp tục giúp đỡ đồng bào Nam Hòa. Ít lâu nữa, ông phó quận mới đến thay, tôi sẽ giới thiệu ông ta với các bạn” Mọi người ngạc nhiên “Ủa, chớ eng đi mô?” “Tôi xin lên Cao Nguyên. Ở hoài một chỗ cũng chán…” “Có phải vì thất tình người đẹp nên bỏ Huế mà đi chớ chi?” “Cứ coi như vậy, cho có vẻ lãng mạn. Người đẹp lên xe hoa rồi! Nhắc lại thêm buồn” Có người hỏi “Người yêu là em nào? Cho biết tên được không?” “Tôi cũng định hỏi xem có ai biết gì về cô ta không. Cô tên Khánh Trang” “Ở đây cũng có Khánh Trang. Khánh Trang mô rồi? Đứng lên cho ông phó coi có đúng là người đã bắt hồn, bắt vía ông ta không?” Trong đám đông, một cô đứng lên. Hắn kinh ngạc khi thấy đó là cô Khánh Trang. Hóa ra những cô đi chơi trên đồi Thiên An đều có mặt trong đoàn cứu trợ. Hắn không biết cô Khánh Trang có mặt trong đoàn. Vì người nào cũng mặc áo mưa, trùm đầu, khó thấy rõ mặt, vả lại hắn chẳng quan tâm đến ai cả. Ngay buổi sáng, lúc đoàn cứu trợ đến quận, cô Khánh Trang đã thấy hắn, mừng rỡ nhưng không dám đến gặp, vì ba mạ cô đã cấm cô liên lạc với hắn. Khi cô Khánh Trang đứng lên, hắn sửng sờ “Em ở đây mà anh tìm khắp nơi!” Hai người đứng nhìn nhau. Các bạn im lặng, mắt không rời ánh mắt si dại của đôi tình nhân. Hắn bước tới, cô Khánh Trang đưa hai tay ra, chờ đợi. Hắn ôm cô vào lòng, nhắm mắt lại. Cô tựa đầu trên vai hắn. Cô khóc. Lúc đầu, cô mím môi tự kìm chế nhưng rồi cô khóc oà, khóc nức nở. Hắn vỗ nhẹ lưng cô, thì thầm “Cám ơn em. Em Hoa Trang của anh. Lâu quá, không gặp em. Anh nhớ em quá mà không biết tìm em ở đâu?” Cô nghẹn ngào “Anh ở đây, thỉnh thoảng em còn hi vọng được nhìn thấy anh. Bây giờ, anh bỏ em, anh đi. Nhớ anh, em biết tìm anh ở đâu!”  Nhiều cô bạn ứa nước mắt khóc theo với cô.                                          Bỗng có tiếng kêu “Xe lên đón đoàn đến rồi!” Mọi người đứng lên, lặng lẽ đi ra cho đôi bạn được tự nhiên. Cô tựa đầu vào ngực hắn yên lặng. Hắn luồn bàn tay vào tóc cô, chải ra sau và hôn lên trán cô “Em lên xe. Các bạn đang chờ” Cô lắc đầu “Em không đi đâu hết. Em muốn chết ở đây. Chết bên anh…” Hắn vỗ về “Đi với anh một quãng đường ngắn nữa. Giỏi anh thương!” Cô ngoan ngoãn vịn vai hắn bước xuống tam cấp trước lăng đến chiếc xe bên vệ đường. Ngồi trên xe, cô vẫn khóc thút thít. Cô bạn ngồi bên cạnh, ôm vai cô mà không biết nói thế nào để an ủi cô. Cô đưa tay ra, hắn đứng dưới đường, cầm lấy tay cô. Người lái xe chờ đến khi họ buông tay ra mới cho xe chạy. Cô vẫy tay “Nhớ viết thư cho em. Nghe anh!” Cả đoàn vẫy tay từ biệt hắn. Hắn cũng vẫy tay. Nước mắt ứa ra, hắn đứng nhìn cho đến khi xe khuất sau rặng cây phía xa.

 Tối đó anh Nghiên, trưởng đoàn hội Hồng Thập Tự, đến rủ hắn đi uống cà phê. Anh nói là cả hội đều biết chuyện Khánh Trang và hắn. Nhưng ông bố Khánh Trang, là bác sĩ, thì ngăn cấm. Ông bảo Khánh Trang còn vài năm nữa sẽ tốt nghiệp bác sĩ, phải lo học… Hình như ông nhắm được một chàng rể tương lai cũng là bác sĩ. Không hiểu ông ta cấm đoán cách nào mà Khánh Trang đến hội ngồi khóc và nói “Ba mạ hỏi, em nói thật, ba mạ giận, cấm em không được gặp anh ấy nữa!”.

 Hắn rời Huế, lên Cao Nguyên làm việc mà hồn vía để cả ở Huế. Nghe cô, bà nào nói giọng Huế là hắn nhớ Khánh Trang đến thẩn thờ. Nhưng hắn không liên lạc với các bạn ở Huế để biết tin tức về Khánh Trang. Mỗi người đã có một định mệnh khác. Sợi dây đã bị cắt đứt. Hắn vĩnh viễn mất Khánh Trang.

            Rồi mất nước, năm 1975. Sau bảy năm tù Cộng Sản, hắn không về quê mà ở nhờ nhà một người bạn ở Sài Gòn. Hắn mướn một chiếc xích lô đạp kiếm sống. Có hôm hắn ngủ luôn trên xe. Một thân một mình, hắn sống thảnh thơi, vô tư. Thế rồi có vụ HO đi Mỹ, lúc đó hắn lại nghĩ đến Huế, đến Khánh Trang. Hắn phải về thăm Huế một chuyến.

            Ngồi trên xe lửa gập ghềnh, huyên náo vì tiếng bánh sắt, tiếng người nói, hắn phân vân bây giờ Huế ra sao, cô Khánh Trang ra sao?  Đến Huế, hắn vào thành nội thăm người chủ nhà trọ trước đây. Hắn mượn chủ nhà chiếc xe đạp, sáng hôm sau hắn đạp xe lên vùng Nam Hòa thăm lại cảnh cũ. Lăng tẩm, chùa chiền vẫn thế, nhưng hắn thì đã khác xưa. Mất nước, hắn thấy mình không còn chút liên hệ gì đến nơi nầy nữa. Hắn lên đồi Vọng Cảnh nhìn về các thôn xóm của quận Nam Hòa, nơi hắn từng sống với đồng bào, những người dân nghèo khổ trong những ngày chiến tranh khói lửa, tang thương.

            Hôm sau hắn dọ hỏi và được biết cô Khánh Trang có mở phòng mạch gần chợ An Cựu. Hắn quyết định đến thăm cô lần cuối.

 Chiều hôm đó, phòng mạch của cô đông khách. Hắn ghi tên vào danh sách khách chờ “Phó Nam Hòa” và lấy một số thứ tự cầm trên tay. Trong lúc chờ đợi, hắn phân vân, lát nữa vô gặp cô Khánh Trang, hắn sẽ làm gì, nói gì? Nếu cô không nhận ra hắn, không nhớ chuyện cũ thì sao? Có lẽ hắn sẽ khai một bịnh vớ vẩn nào đó cho xong. Ngồi suy nghĩ miên man cho đến khi nghe gọi đến số của hắn, hắn đứng lên bước vào phòng mạch. Một người đàn bà mặc áo choàng trắng, đeo kiếng trắng, hắn đoán là bác sĩ, đang chăm chú viết tên bệnh nhân (tên hắn) vào một mảnh giấy nhỏ, có lẽ là toa thuốc sẽ cấp cho hắn. Hắn vẫn đứng nhưng không dám nhìn mặt cô ta. Hắn mất bình tĩnh mà không hiểu mình đang sợ điều gì?! “Mời ông ngồi!” Hắn ngồi xuống ghế đối diện “Ông đau răng đây? (Bịnh sao đây?)” Hắn nhìn thoáng cô ta, cố nhớ lại hình ảnh cô sinh viên ngày xưa để so sánh với cô bác sĩ hiện tại “Tôi chỉ cảm sơ sài” Cô đo áp huyết rồi móc ống nghe vào tai “Ông xây lưng lại” Hắn xoay người, hướng mặt vào vách, nhìn vơ vẩn mấy tấm hình chụp cảnh lăng tẩm treo trên vách “Ông nói tiếng Nam, lại họ Phó? Họ nầy hiếm lắm. Ông ra Huế bao lâu rồi? Ông đi công tác?” “Tôi vừa đến Huế hôm kia. Tôi có họ khác, tên khác, nhưng trước đây, người ta thường gọi tôi như thế. Trước bảy lăm, Thừa Thiên, Huế có nhiều người họ Phó. Mỗi quận có một người họ Phó. Phó quận Nhứt, Phó Quảng Điền, Phó Nam Hòa…” Hắn nói giọng đều đều trong khi cô bác sĩ đè cái ống nghe lên lưng hắn “Ông hít mạnh vào… Thở ra từ từ… Không có gì đáng lo. Như vậy ở Huế có nhiều người họ Phó? Nhưng tôi chưa gặp hay biết ai có họ đó bao giờ” “Sau bảy lăm, mấy họ đó bị tru di tam tộc rồi, bác sĩ” “Ông nói chi lạ rứa! Có ai bị tru di gì đâu?” “Tru di từ từ” “Bây giờ ông quay lại, để tôi nghe ngực ông. Ông có bị ho, bị nóng lạnh, bị tức ngực, đau bụng hay mất ngủ gì không?” Hắn xoay người lại, đối diện với cô bác sĩ “Mấy hôm nay tôi bị mất ngủ” Hắn vẫn không dám nhìn thẳng cô bác sĩ, nhưng hình ảnh cô sinh viên ngày xưa như hiện rõ trên gương mặt cô ta. Đôi mắt vẫn sáng lên, thông minh và đằm thắm như trước kia, nhưng làn da hồng mịn trên gương mặt hình trái xoan đã được tô lên một lớp phấn hồng và cuối mắt, ở khóe miệng đã có những nếp nhăn. Ngực cô ta, dưới chiếc áo choàng trắng, hình như lớn hơn. Ngực cô Khánh Trang, lúc trước, nhỏ như trái cam, tròn và căng cứng, da trắng hồng, thơm mùi con gái thanh tân “Ông há miệng ra!” Hắn há miệng. Cô bác sĩ nhìn hắn và bỗng nhiên cô buông ống nghe “Anh! Anh đến thăm em sao không báo trước? Em có bao giờ nhìn kỹ bệnh nhân của em đâu! Anh thay đổi nhiều quá! Anh chờ em một phút” Cô ra ngoài phòng khách. Hắn nghe tiếng cô nhỏ nhẹ “Tôi có người bịnh cần khám thật kỹ. Bác cảm phiền chờ hơi lâu một chút. Cám ơn nghe!” Hắn rung động cả thần trí. Câu nói dịu dàng từ ngoài phòng khách khiến hắn bồi hồi, nhớ Hoa Trang đến mềm lòng. Đúng là giọng nói của người yêu ngày xưa. Hắn tưởng như nghe cả tiếng gió thổi qua rừng thông, vi vu trên đồi Thiên An, nghe cả tiếng xôn xao của các bạn cô cười nói dưới chân đồi. Nhưng em Hoa Trang đâu?

            Tiếng chân cô bác sĩ đi vào khiến hắn mở mắt ra. Cô ngồi đối diện với hắn, gỡ mắt kiếng đặt lên bàn và nhìn hắn mỉm cười. Nụ cười thân thiện, vui mừng. Hắn bỗng nhận ra là cô bác sĩ nầy và người yêu của hắn khác nhau. Cũng gương mặt đó, nhưng không còn nét ngây thơ, trong sáng của ngày xưa mà thay bằng thái độ chửng chạc của người từng trải. Thời gian, bao nhiêu năm, đã tách rời hai người. Một cô sinh viên ngày xưa và một người đàn bà ngày nay. Hắn buồn quá. Cô Khánh Trang nhìn hắn “Bây giờ anh kể em nghe. Sau khi rời Huế, anh đi đâu? Em có nghe anh lên Cao Nguyên, rồi sao nữa? Ủa! Sao anh buồn quá vậy?” “Xin lỗi bác sĩ. Tôi có người thân vừa mới mất. Bác sĩ có cho phép tôi được khóc trong lúc nầy không?” “Xin chia buồn với anh. Nhưng đời người, ai cũng phải đối diện với điều đó. Có lẽ đó là người thân nhất của anh?” “Tôi chỉ có người thân duy nhất đó thôi. Người đó, có lẽ bác sĩ còn nhớ tên” “Ôi! Cũng quen với tôi nữa? Anh có thể cho tôi biết tên được không? Vì sao người đó chết?” “Em Hoa Trang. Đã chết rồi!” Cô ngồi lặng người… Rồi cô thở dài, cô cầm lấy hai bàn tay hắn, thì thầm “Đừng anh! Tội nghiệp em! Anh nỡ nào giết chết em. Giết chết Hoa Trang của anh?” Cả hai yên lặng. Không gian yên tĩnh lạ thường. Hắn cúi nhìn bàn tay ấm và dịu dàng của cô. Từ đôi bàn tay, hắn như thấy rõ Khánh Trang ngày xưa. Khánh Trang trong trắng và quyến rũ đã từng khiến hắn ước ao được mãi mãi nâng niu, ấp ủ. Cô thì thầm “Em cám ơn anh vẫn còn nhớ đến Hoa Trang. Người đi xa bao giờ cũng mau quên hơn người ở lại. Thời thế đổi thay, ba me em mất rồi, bạn bè tan tác, chỉ mình em bơ vơ với những kỉ niệm cũ. Bao nhiêu năm rồi, em vẫn không quên được những ngày vô tư, đẹp đẽ của em với anh, với các bạn thân yêu. Nhiều khi cứ tưởng chuyện thời còn đi học chỉ là giấc mơ về một xứ thần tiên nào đó, vì hiện tại quá khắc nghiệt. Nước mất, nhà tan. Tan nát hết cả rồi! Em có về thành phố quê anh để tìm anh, nhưng chẳng ai biết. Em vẫn tự trách mình quá yếu đuối, để mất anh. Em hiểu được tình yêu nhưng không biết hạnh phúc là gì?” Cô thở dài. Rồi bỗng nhiên cô nhoẻn miệng cười, mắt sáng lên như vừa tìm thấy niềm vui “Chỉ có anh. Nếu anh và em là vợ chồng thì dù khổ cực, dù xa anh, em nhớ anh, lo sợ cho anh cũng là hạnh phúc của em. Anh cười lên với em đi! Mừng với em được gặp lại anh” Hắn cười thiểu não “Tôi mừng cho Hoa Trang. Trong hoàn cảnh bi thảm của miền Nam mà cô được như thế nầy là may mắn lắm rồi” “Khó khăn lắm mới mở được phòng mạch chui nầy đó anh” “Tôi đến thăm Hoa Trang lần cuối, tháng sau tôi đi Mỹ” “Anh đi với cả gia đình?” “Tôi chỉ còn bà mẹ. Tôi đi với bà cụ” “Hôm nào anh rời Huế?” “Vài hôm nữa. Huế buồn quá. Cũng may, có cô Hoa Trang vừa tặng cho nụ cười cũng an ủi” “Nếu anh ở lại lâu hơn thì cô Hoa Trang của anh sẽ tặng anh nhiều nụ cười nữa!” Bỗng nhiên hắn nhận ra. Cô Hoa Trang ngày xưa của hắn đã chết thật rồi. Cô Hoa Trang nầy chỉ là người bạn. Tại sao hắn không vui? Hắn vừa có một cô bạn mới. Cô Khánh Trang như cũng vừa nhận ra điều đó. Bao nhiêu năm xa cách. Tình yêu sôi nổi của thời sinh viên đã lắng xuống, chỉ còn tình thân ái đằm thắm và tín cẩn nhau của hai người bạn thân. Cả hai nhìn nhau cùng cười, lòng thanh thản. Hắn ôm cô Khánh Trang, hôn lên trán cô. Cô nói “Sáng mai, lúc tám giờ, em mời anh đi điểm tâm với em” Hắn làm bộ e ngại “Ăn điểm tâm hay ăn đòn?” Cô véo vai hắn “Không có đâu!” Khi tiễn hắn ra, vì có bịnh nhân nên cô làm nghiêm “Sáng mai ông đến sớm, tôi mới có thì giờ khám kỹ hơn. Chào ông!” Ra khỏi phòng mạch, đi được mấy bước, hắn bỗng khựng lại. Hóa ra hắn đã trắng tay. Quê hương, đất nước đã vào tay kẻ thù, sự nghiệp cũng không còn. Hắn ra Huế để tìm người yêu thì người yêu đã thành người bạn. Rồi đây, hắn sẽ lưu lạc đến một xứ sở xa lạ, nơi mà hắn chẳng thể hình dung được nó như thế nào? Nếu không mất nước, hắn không phải đi đâu cả. Trước đây, bao nhiêu sinh viên miền Nam du học, thành tài, đều về với quê hương.

            Hắn đi ra phía bờ sông, tìm một thềm đá bên sông An Cựu, ngồi lặng nhìn giòng sông. Buổi chiều vắng vẻ, êm đềm. Hai bên bờ sông không một bóng người, chỉ có hàng cây đang nghiêng mình, soi bóng trên mặt nước. Hắn nghiệm ra, đời hắn và mối tình của hắn, cũng chỉ như giòng nước đang lặng lờ trôi, đã qua rồi thì không có cách nào trở lại được. Không còn gì. Hắn nhìn đăm đăm giòng sông và tưởng tượng. Nếu đi ngược lên thượng nguồn, sông An Cựu sẽ nhập vào sông Hương, đi qua những xóm làng yên tĩnh muôn đời. Kim Long, chùa Thiên Mụ, đồi Vọng Cảnh… rồi đến bến đò Tuần, đó là quận lỵ Nam Hòa, nơi trước đây hắn đã làm việc. Hắn nhớ đến những viên chức xã ấp thật thà, cần mẫn, nhớ đến đồng bào nghèo khổ vì chiến tranh. Hắn nhớ đến em Hoa Trang xinh tươi, đôi mắt đằm thắm, dịu dàng nhìn hắn, làn môi thanh xuân hé nở nụ cười. Cả hai, tay trong tay, đứng giữa rừng thông bạt ngàn trên đồi Thiên An…

 Khám bịnh nhân cuối cùng xong, bác sĩ Khánh Trang dẫn xe gắn máy ra, khóa cửa. Cô bỗng thấy một chiếc xe đạp dựng ở vách phòng mạch. Có thể của bịnh nhân để quên. Cô chợt mỉm cười “Anh chàng nầy, cái gì cũng quên, chỉ nhớ mỗi một mình cô Hoa Trang! Buồn quá, ra bờ sông ngồi thở dài chứ gì?” Cô lấy khóa còng, khóa hai xe vào nhau rồi đi bộ ra bờ sông. Cô đến sau lưng mà hắn không hay biết. Cô đứng chống nạnh, giả giọng miền Nam “Ê! Ông kia. Đừng thất tình mà nhảy xuống sông à nghe! Tui sẽ nhảy theo đó!.” Hắn quay nhìn. Cô cười “Cho em ngồi chung với!”.

Phạm Thành Châu

THƠ HOA TRANG

(ht gửi ptc)

hoa tường vi nở muộn màng trên phố           

ngày em về thăm quê hương anh

không còn ai quen biết

không còn ai nhắc nhở

chỉ mình em ngồi thương nhớ

những con đường in dấu anh qua

hoa trái mọng chín trong vườn xanh

mắt anh cười say hơn nụ hôn cay

hơi rượu nồng ủ đời anh ấm lại

gửi ở đâu tài hoa cũ

mười ngón tay nghệ sĩ

ngòi bút anh sáng như ánh sao

trong hồn người vô tận

cuộc đời đã hết

nước đã trôi thuyền vỡ vụn

mẹ già chưa một lần gặp mặt

xưa mơ chuyện vợ chồng

mang mẹ về trông con cho anh viết

Hoa Trang tàn trên mảnh vườn đổ nát

tài hoa anh trôi về cuối con sông

chỗ tiếc thương mênh mông gặp biển

lệ đổ gian nan em chờ bến bờ nào.

 

Views: 261

Trại Phong Hòa Vân

Bửu Uyển

Chiều ngày 2 tháng 6 năm 2008, từ Saigon, chúng tôi đến Huế bằng xe lửa. Sáng hôm sau, chúng tôi được người quen hướng dẫn đi thăm Trại Phong Hòa Vân. Xe đưa chúng tôi đến thị trấn Liên Chiểu, cách Huế khoảng 90 cây số về phía Nam, từ đó chúng tôi đi ghe dọc theo bờ biển dưới chân đèo Hải Vân để đến thôn Hoà Vân nơi có Trại Phong Hòa Vân. Gió biển mát rười rượi, mặt biển phẳng lặng, ghe đưa chúng tôi nhẹ nhàng hướng về thôn Hoà Vân. Khoảng 30 phút sau, chúng tôi đến Trại Phong Hòa Vân.
Đã được báo trước, nên khi ghe của chúng tôi vừa đến, đã thấy vài người đứng trên bến đón chúng tôi. Anh Đức, người phụ trách quản lý trại niềm nỡ chào hỏi chúng tôi. Anh giới thiệu với chúng tôi Xơ Lợi, người nữ tu lớn tuổi đã phục vụ ở đây lâu năm. Anh Đức nhờ Xơ Lợi hướng dẫn chúng tôi đi thăm trại. Trước mắt chúng tôi là những mái nhà “tôn” nhỏ bé, nằm rải rác đây đó. Xơ Lợi giải thích: “Đó là nhà của những bệnh nhân đã lành bệnh, họ không còn phải sống tập trung trong trại gọi là nội trú nữa, họ ra sống ở ngoài, họ trồng khoai, trồng sắn và sinh sống như những người bình thường khác”. Chúng tôi ghé thăm nhiều nhà, ai cũng vui vẻ chào hỏi chúng tôi. Nhà của họ là những gian nhà nhỏ lợp “tôn”, vách ván. Phần lớn họ sống độc thân. Nhưng cũng có nhiều người lập gia đình với nhau, có con cái.
Tôi hỏi Xơ Lợi: “Thế con của họ có bị di truyền không ?”
Xơ Lợi cho biết: “Từ lúc các em mới sinh ra đã được xét nghiệm máu, nhiều em có vi trùng bệnh phong trong máu, nhưng vì phát hiện sớm nên chữa trị được ngay, cũng có em không có vi trùng gì hết, nên các em đó lớn lên một cách bình thường, đến tuổi cũng đi học như các trẻ em khác”.
Họ sống giản dị và nghèo nàn quá. Nhiều gia đình Công Giáo, thiết lập một bàn thờ đơn sơ ở trên vách nhà với Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ. Nhưng một điều làm tôi chú ý là nhà nào cũng có treo hình một Xơ còn trẻ, người nhỏ nhắn. Tôi hỏi Xơ Lợi: “Thưa Xơ, tôi thấy nhà nào ở đây cũng có treo hình một Xơ trẻ. Xơ đó là ai vậy?” Xơ vui vẻ cho tôi biết: “Đó là hình Xơ Têrêsa Phạm Thị Phương Anh”.
Tôi ngạc nhiên: “Xơ Phương Anh là ai mà lại được bệnh nhân ở đây yêu mến như thế?”
Xơ Lợi nói ngay: “Xơ Phương Anh là ân nhân của các bệnh nhân ở đây! ”
Tôi tò mò nói với Xơ Lợi: “Xin Xơ cho tôi biết thêm về Xơ Phương Anh.”
Xơ Lợi kể cho tôi nghe: ” Xơ PhạmThị Phương Anh là con gái của một gia đình Phật Giáo giàu có ở Saigon, gia đình Xơ còn có nhiều cơ sở kinh doanh ở Huế nữa. Thuở nhỏ, bé Phương Anh học trường Regina Pacis ở đường Tú Xương, Saigon; Xơ được tiếp xúc với cuộc sống thánh thiện của các Xơ ở đó, và được hấp thụ một nền giáo dục Công Giáo, nên bé Phương Anh đã sớm có lòng mến Chúa và yêu người. Có lần Xơ Phương Anh tâm sự: Lúc nhỏ, khi học ở Regina Pacis, Xơ rất thích ngắm nhìn tượng Đức Mẹ, gương mặt hiền từ và nhân ái của Đức Mẹ đã lôi cuốn sự ngưỡng mộ của Xơ, và Xơ đã yêu mến Đức Mẹ không biết từ lúc nào. Năm 1962, Xơ đậu tú tài toàn phần. Xơ tiếp tục học Đại Học Dược Khoa Saigon và tốt nghiệp Dược Sĩ năm 1967. Gia đình chuẩn bị mở nhà thuốc tây cho Xơ, và mua cho Xơ một xe hơi hiệu Dauphine. Nhưng một hôm, Xơ lái xe vô nhà Dòng Regina Pacis và xin ở lại tu. Các Xơ ở đó rất ngạc nhiên, không biết phải giải quyết ra sao, các Xơ phải liên lạc với gia đình của Xơ Phương Anh. Gia đình của Xơ ngăn cản bằng cách đưa Xơ đi Pháp tiếp tục học Tiến Sĩ Dược Khoa. Xơ ở chung với gia đình người anh ruột và một người dì tại thành phố Bordeaux.
Mặc dù gia đình không bằng lòng cho Xơ theo đạo, nhưng lòng yêu mến Chúa và Đức Mẹ của Xơ ngày một tràn đầy, nên một năm sau, Xơ Phương Anh đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội tại Nhà Thờ Saint Joseph ở Bordeaux. Con đường sống đạo của Xơ Phương Anh không dừng lại ở đó. Một thời gian sau, Xơ xin vào tu ở Dòng Thánh Phao Lồ ở Lyon.
Gia đình Xơ phản đối rất là quyết liệt. Mẹ của Xơ từ Saigon vội vã qua Pháp, đến Nhà Dòng để thăm Xơ. Mẹ Bề Trên, đặc biệt cho phép mẹ của Xơ ở lại với Xơ trong Nhà Dòng mấy ngày liền. Bà đã thấy tận mắt cuộc sống đạo đức và an lành của Xơ trong Nhà Dòng, và bà đã thay đổi hoàn toàn cảm nghĩ của bà về việc tu trì của con gái bà. Hôm bà từ giả Xơ Phương Anh để trở về Việt Nam, bà cầm tay Xơ và nói: ” Mạ về hí, con cứ vui vẻ tiếp tục cuộc sống lý tưởng của con. Không có mạ bên cạnh, nhưng mạ biết từ nay con đã có Chúa, có Đức Mẹ nâng đỡ, yêu thương nên mạ rất an tâm.”
Xơ Phương Anh có một người dì đang sống ở Pháp, thỉnh thoảng bà đến Nhà Dòng thăm Xơ. Thật bất ngờ, mấy năm sau dì của Xơ xin theo đạo. Có lẽ đây là hoa quả đầu tiên do lời cầu nguyện của Xơ Phương Anh.
Năm 1972, Xơ được khấn trọn đời. Thánh lễ khấn hứa được Nhà Dòng tổ chức ở nhà thờ Saint Joseph, thành phố Lyon. Mọi ngươì thân trong gia đình của Xơ đều hiện diện trong thánh lễ. Sau Lễ khấn trọn đời, Xơ được Nhà Dòng chuyển về Việt Nam. Xơ là một Dược Sĩ, nên Mẹ Bề Trên đưa Xơ vào phục vụ ở Bệnh viện Saint Paul, Saigon. Không hiểu do nguyên nhân nào thúc đẩy, Xơ Phương Anh chuyên chú nghiên cứu về bệnh phong cùi. Và cũng không biết do ai giới thiệu, Xơ Phương Anh xin Mẹ Bề Trên cho Xơ về phục vụ bệnh nhân phong cùi ở Trại Phong Hòa Vân, Huế. Mẹ Bề Trên thấy Xơ ốm yếu, sợ Xơ Không chịu nổi những khổ nhọc khi phục vụ bệnh nhân phong cùi, nên Mẹ Bề Trên không chấp thuận. Nhưng Xơ Phương Anh tiếp tục khẩn khoản xin được đi phục vụ bệnh nhân phong cùi, cuối cùng Mẹ Bề Trên phải chấp thuận cho Xơ đi.
Xơ Lợi nói tiếp: “Tôi đến phục vụ ở Trại Phong Hòa Vân này sau Xơ Phương Anh. Tôi đưa bác đến gặp một vài bệnh nhân lớn tuổi, họ đã sống ở đây không dưới ba, bốn chục năm, họ sẽ cho quý vị biết rõ hơn về Xơ Phương Anh.”
Chúng tôi đến gặp bác Nguyễn Một, năm nay bác đã 78 tuổi. Căn bệnh phong cùi quái ác đã cướp mất hai chân của bác, và cách đây mấy tháng bác bị mù hoàn toàn. Bác đang ở trại nội trú, dành cho những người bệnh nặng. Cùng ở chung với Bác Một, còn có bảy bệnh nhân khác nữa; phần nhiều là những người lớn tuổi, chỉ có ông Nguyễn Đức Hòa tương đối trẻ, ông sinh năm 1969. Tất cả bệnh nhân đều bị bệnh phong cùi ăn mất tay, mất chân, tai, mũi … Trông họ thật đáng thương, không ai cầm được nước mắt. Có đến đây gặp họ, nói chuyện với họ, nhìn tận mắt những thương tật của họ, xem nơi ăn, chốn ở của họ, chúng ta mới cảm nghiệm được sự bất hạnh của những bệnh nhân phong cùi.
Tôi vô cùng cảm phục và thương mến họ. Tôi không nghe ai than thở hay oán trách về những đau đớn, bệnh tật mà họ đang gánh chịu, họ là những kẻ khốn khổ nhất trên thế gian này. Nhưng họ đã dạy cho chúng ta bài học “Xin Vâng”. Bài học vỡ lòng và cũng là bài học cuối cùng rất thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.
Tôi đến gần Bác Một, bác ngồi trên chiếc giường tre ọp ẹp, với một manh chiếu đơn sơ trải lên. Bác bị mù cà hai mắt, nên Chúa lại ban cho bác một giác quan khác, bác nhận biết ngay khi chúng tôi đến gần; bác chào chúng tôi:
– Chào ông bà, chắc ông bà từ xa đến đây.
Tôi vội vã trả lời:
– Dạ chúng tôi ở xa, may mắn được đến đây thăm các bác.
Bác Một vui vẻ nói:
– Thật quí hoá, trại này ở xa xôi, cách trở, mà quý ông bà cũng lặn lội đến thăm chúng tôi, xin cám ơn quý ông bà . Chúng tôi đã không bị bỏ quên.
Tôi nghẹn ngào:
– Thưa bác, chúng tôi không biết nói gì cho đủ để an ủi quý bác.
Tôi chợt nhìn về cuối phòng, trên vách tường có treo bức ảnh của Xơ Phương Anh. Tôi hỏi Bác Một:
– Thưa bác, bức ảnh treo ở cuối phòng là ai rứa bác?
Bác Một hướng về cuối phòng rồi nói:
– Tui không thấy gì cả, nhưng tui thường hướng về bức ảnh cuối phòng để tưởng nhớ đến Xơ Phương Anh.
Tôi nói với Bác Một:
-Thưa bác, bác có thể cho tôi biết vài điều về Xơ Phương Anh được không ạ!
Bác Một trầm ngâm, nhìn về một khoảng xa xôi nào đó, rồi bác chậm rãi nói:
” Tôi không nhớ rõ là tháng, năm nào, nhưng chắc chắn là trước năm 1975, chúng tôi có nghe một Xơ ở Pháp về, sẽ đến đây phục vụ bệnh nhân. Chúng tôi nghĩ Xơ ở Pháp về chắc là cao ráo, mập mạp lắm. Nhưng khi Xơ Phương Anh đến đây, chúng tôi ngạc nhiên thấy Xơ là một cô gái nhỏ nhắn, giản dị ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Có lẽ Xơ chỉ cao khoảng một mét năm, nặng không quá 40 kí lô. Xơ không mặc áo dòng như các bà Xơ khác, Xơ mặc một bộ bà ba hết sức bình dị. Xơ Phương Anh đến Trại Phong Hòa Vân vào một buổi chiều mùa đông, mưa lâm râm buồn bã. Chúng tôi vào chào Xơ, Xơ dịu dàng hỏi han từng người. Ai nhìn Xơ, cũng thấy ngay một nốt ruồi khá lớn trên gương mặt hiền lành, khả ái của Xơ. Xơ luôn luôn mĩm cười với mọi người. Trong những giây phút đầu tiên ấy, anh chị em bệnh nhân chúng tôi đã có ngay cảm tình với vị nữ tu bé nhỏ mới đến trại.
Sau khi Xơ Minh, Quản Lý Trại sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho Xơ, Xơ vội vã đi thăm trại, thăm bệnh nhân. Nói là trại, nhưng lúc đó chỉ có năm ba gian nhà tranh rách nát và một “nhà nội trú” lớn hơn, nhưng cũng quá hư dột, trống trước, trống sau. Xơ hỏi chúng tôi: “Nhà của các bác như thế này ư?” Ngay lúc đó, một cơn gió lạnh buốt ùa vào. Tôi thấy Xơ rùng mình. Xơ được hướng dẫn đến thăm nhà nội trú, có lẽ đây là lần đầu tiên Xơ Phương Anh nhìn thấy những khuôn mặt sứt mẻ của bệnh nhân phong cùi, và phần lớn họ đều mất tay, mất chân…Xơ đã úp mặt vào vách và khóc nức nở. Thấy Xơ quá cảm động, chúng tôi cũng khóc theo.
Xơ đến bên giường Bà Xuân, sau khi chào hỏi bà, Xơ cầm lên cái mền mà bà ấy đang trùm cả đầu, cái mền đã quá cũ, rách nát tả tơi. Xơ lại rươm rướm nước mắt, Xơ quay lại hỏi tôi: “Sao không thấy ai có mùng cả” Tôi cười: “Ở đây làm gì có mùng!”
Xơ đến từng giường, thăm hỏi tất cả bệnh nhân ở khu nội trú. Dù đây là lần đầu tiên Xơ gặp những bệnh nhân, nhưng lời nói, cử chỉ của Xơ, thân mật, gần gũi, giống như Xơ đã quen biết với họ từ lâu.
Sau khi đi thăm bệnh nhân, Xơ trở về phòng của Xơ. Đêm đó, chúng tôi thấy Xơ chong đèn thật khuya. Xơ viết lách gì đó.
Mấy ngày sau, chúng tôi thấy một chiếc ghe lớn câp bến trước trại, họ chở gỗ, ván, tole, ciment đến, không biết để làm gì. Thì ra Xơ Phương Anh kêu người đến sửa lại nhà cửa của bệnh nhân. Chỉ vài tuần sau, nhà cửa ở đây như mới, nhà nào cũng lợp tole, vách ván, nền nhà được tráng ciment cao ráo. Đây là mùa đông đầu tiên, bệnh nhân được sống trong những căn nhà đàng hoàng, kín đáo, không bị gió rét ùa vào như trước nữa.
Khoảng năm, bảy ngày sau, anh em bệnh nhân chúng tôi nhận được mỗi người một cái mền, một cái mùng và một chiếc chiếu mới. Chúng tôi như sống trong mơ.”
Bác Một ngừng lại một lúc, rồi kể tiếp:
“Ông biết không, từ khi Xơ Phương Anh về ở đây với chúng tôi, chúng tôi không còn thiếu ăn như trước nũa. Vài ba ngày lại có ghe ở Lăng Cô ra, chở gạo, cá , thịt đến cho chúng tôi. Suốt mấy chục năm, chưa bao giờ bệnh nhân chúng tôi lại được ăn uống đầy đủ như vậy. Thuốc men chữa trị cho bệnh nhân cũng được Xơ Phương Anh lo cho đầy đủ, không còn chữa cầm chừng như trước nữa.
Xơ còn cho cất một nhà nguyện nhỏ, tuy đơn sơ nhưng có chỗ cho những bệnh nhân Công Giáo vào đọc kinh, cầu nguyện. Nhiều bệnh nhân không phải Công Giáo cũng thường vào đó ngồi nghỉ ngơi.
Tôi còn nhớ, từ những ngày đầu tiên mới đến trại, khi tiếp xúc, săn sóc cho những bệnh nhân mà Xơ mới gặp lần đầu, Xơ cũng đối xử hết sức thân thiết, gần gũi như những người thân trong gia đình. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả bệnh nhân ở đây đều yêu mến Xơ. Không biết từ lúc nào, chúng tôi thân mật gọi Xơ là Mẹ Têrêsa dù Xơ còn rất trẻ. Xơ phục vụ, săn sóc bệnh nhân với tất cả lòng yêu thương, trìu mến của Xơ. Khi làm thuốc, thay băng ở chân, Xơ bảo chúng tôi ngồi ngay ngắn, rồi Xơ cúi xuống rửa vết thương và băng lại cho chúng tôi. Khi đến phiên tôi được Xơ làm thuốc, thay băng ở chân, tôi ngồi đưa chân cho Xơ chùi rửa, xức thuốc, băng bó, tôi thầm nghĩ : “Dù tôi có chết đi sống lại đôi ba lần cũng chưa đủ để đền đáp ân tình này cho Xơ.”
Có lần tôi hỏi Xơ: “Sao Xơ có thể quên mình, hy sinh cho bệnh nhân một cách tận tụy như thế?” Xơ mỉm cười: “Vì tôi yêu Chúa . Mà Chúa là anh chị em đó!”
Bác Một dừng lại, trầm ngâm, có lẽ bác đang nhớ đến người nữ tu nhỏ bé, đã hy sinh cả cuộc đời cho những bệnh nhân phong cùi như bác…Bác khóc!
Qua cơn xúc động, bác nói tiếp: “Tôi suy nghĩ nhiều về câu nói của Xơ. Thật vậy chỉ có yêu Chúa hết lòng, mới có thể thầm lặng phục vụ cho bệnh nhân phong cùi từ ngày này qua ngày khác được. Trên thế gian này, có hàng trăm cách hy sinh cho tha nhân, nhưng hy sinh tình nguyện săn sóc cho những bệnh nhân phong cùi có lẽ là sự hy sinh to lớn nhất, và đẹp lòng Chúa nhất. Anh em bệnh nhân chúng tôi yêu mến Xơ, và nhờ tấm gương thánh thiện của Xơ, chúng tôi cũng yêu Chúa. Lúc tôi mới đến trại này, hơn một trăm bệnh nhân mà chỉ có năm, sáu người Công Giáo. Nhưng từ khi Xơ Phương Anh về đây phục vụ, lòng tin yêu đặc biệt của Xơ dành cho Chúa, làm cho nhiều anh chị em bệnh nhân tò mò, tìm hiểu về “Ông Chúa” nào đó là động lực thúc đẩy Xơ sống hiền lành, khiêm nhường, hy sinh trọn vẹn cho bệnh nhân như thế.
Xơ Phương Anh mở một lớp hướng dẫn cho những bệnh nhân muốn tìm hiểu về đạo Công Giáo. Kết quả thật bất ngờ, nhiều anh chị em xin theo đạo. Xơ Phương Anh đã ra họ đạo Lăng Cô gần đó, mời Cha Bửu Hiệp vào rửa tội cho sáu bệnh nhân, trong đó có tôi. Số anh chị em bệnh nhân xin theo đạo cứ tăng dần. Bây giờ trong nhà nguyện, lúc nào cũng có vài ba bệnh nhân Công Giáo ngồi đọc kinh cầu nguyện.”
Bác Một lấy trong túi ra một tràng hạt Mân Côi cũ kỹ, bác nói : “Đây là vật kỷ niệm quí giá của đời tôi, xâu chuỗi này do Xơ Phương Anh đã tặng cho tôi, ngày tôi chiụ phép rửa tội. Xơ ân cần dặn tôi: “Bác nên lần chuỗi mỗi ngày để dâng kính Đức Mẹ vì Đức Mẹ nhơn từ lắm, Đức Mẹ yêu thương hết mọi người , Đức Mẹ yêu thương bác lắm đó.”
Lòng sùng kính Đức Mẹ được tỏa ra từ lời nói đến việc làm của Xơ hàng ngày. Khi băng bó, săn sóc cho chúng tôi, Xơ thường kể cho chúng tôi nghe những nhơn đức của Đức Mẹ. Có ai than thở điều gì với Xơ, hoặc có bệnh nhân đau đớn rên xiết, Xơ nhỏ nhẹ khuyên: “Anh chị hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, Đức Mẹ yêu thương anh chị lắm. Đức Mẹ đang chờ anh chị ngỏ lời để Đức mẹ cứu giúp”. Xơ luôn luôn xác nhận: “Chưa hề có ai xin gì cùng Đức Mẹ mà chẳng được.”
Từ ngày Xơ Phương Anh về phục vụ ở Trại Phong Hòa Vân này, cuộc sống của các bệnh nhân ở đây hoàn toàn thay đổi, cả vật chất lẫn tinh thần. Ngoài những tiện nghi vật chất, một món quà mà chúng tôi cho là to lớn nhất mà Xơ Phương Anh đã đem đến cho chúng tôi, đó là niềm tin. Chúng tôi tự hào mình là những con người không bị lãng quên, chúng tôi đang được chữa trị , chăm sóc, chúng tôi đang được yêu thương. Dù có đau đớn về thể xác, nhưng chúng tôi cảm thấy đang sống trong hạnh phúc vì chúng tôi được yêu thương.
Nhưng, những ngày hạnh phúc đó đã sớm qua đi. Khoảng ba, bốn năm sau, vì tận tụy làm việc quá nhiều, sức khỏe của Xơ Phương Anh sa sút trầm trọng. Xơ gầy hẵn đi, thường lên cơn sốt và ho rũ rượi. Chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của Xơ. Cuối cùng, phải cho người lên Huế, báo với thân nhân của Xơ , đem Xơ đi bệnh viện.
Hôm Xơ xuống ghe để lên Huế, chúng tôi đứng chật bãi biển để tiễn đưa Xơ. Xơ cầm tay từ giả từng người. Xơ khóc, chúng tôi cũng khóc. Xơ nói: ” Tôi mong chóng được lành bệnh để trở về với anh chị em.” Ghe rời bến đã xa, chúng tôi thấy Xơ vẫn đứng đăm chiêu nhìn về phía Trại Phong Hòa Vân.
Sau khi Xơ Phương Anh rời khỏi trại, anh chị em bệnh nhân chúng tôi thay phiên nhau quét dọn, giữ gìn sạch sẽ nơi ở của Xơ, xem như Xơ đang ở với chúng tôi vậy. Chúng tôi yêu mến Xơ, chúng tôi nhớ Xơ lắm. Ai cũng ước mong Xơ sớm trở lại với Trại Phong Hòa Vân. Nhưng ngày tháng đợi chờ cứ qua đi, không có tin tức gì của Xơ.
Chúng tôi thấy trên bàn làm việc của Xơ có một tấm ảnh nhỏ, chụp nhân dịp ngày Xơ khấn trọn đời ở Pháp, chúng tôi sang tấm ảnh ấy ra. Nhà nào, phòng nào ở đây cũng xin được treo bức ảnh của Xơ Phương Anh, như một cử chỉ nhớ ơn Xơ. Chúng tôi thương nhớ Xơ, nhớ từng lời nói ngọt ngào, nhớ từng cử chỉ chăm sóc đầy trìu mến của Xơ. Xơ Phương Anh đã cho chúng tôi quá nhiều. Thỉnh thoảng vài bệnh nhân đứng ngắm nhìn bức ảnh của Xơ và khóc.”
Ngừng lại một lúc, rồi với giọng đầy xúc động, bác Một nói: ” Xơ Phương Anh là người chị, là người Mẹ, là ân nhân của chúng tôi. Tình thương dịu hiền của Xơ dành cho chúng tôi, là liều thuốc linh nghiệm cứu sống bệnh nhân phong cùi ở đây. Hằng ngày, chúng tôi tạ ơn Chúa vì Ngài đã gửi đến cho bệnh nhân phong cùi Trại Phong Hòa Vân chúng tôi một nguồn an ủi vô tận, đó là Xơ Têresa Phạm thị Phương Anh.”

Bửu Uyển

Views: 324

Lệ Thiên Đường

Tôn Thất Hùng

Ngày em lạc bước trần gian
Hạc vàng quay quắc bạt ngàn tìm em

 

T ơ trời vương màu áo
Mắt ngọc nắng lụa vàng
Tóc mây hương khuê các
Dáng liễu thanh đài trang

Rêu phủ xanh tường cũ
Chiều Thu phiến nắng vàng
Tan trường cùng chung bước
Ðông giá đón Xuân sang

Có lần về xe trễ
Ðông khách cố chen lên
Ngỡ ngàng qua ánh mắt
Trần thế thêm nàng tiên

Trong khoang xe chật chội
Chợt sáng giữa u tối
Áo trắng lạc thiên đường
Giáng trần đang bối rối

Xuống xe theo từng bước
In dấu hài đi trước
Bừng đỏ đôi má hồng
Kiêu sa đi không ngước

Tất niên mở dạ tiệc
Ðông đủ các bạn thân
Chủ đề đêm văn nghệ
Ca khúc tình mùa Xuân

Giáng Hương, Quyến, Ngọc Yến
Cả một trời xuân xanh
“Bến xuân “Như Ý chọn
Thanh Trúc “ Tà áo xanh”

Chủ đề nhạc tình yêu
Ca ngợi tình muôn thuở
Thu “Lá đổ muôn chiều”
Lá vàng khóc tình yêu

Lâng lâng hồn nghệ sĩ
Mê đắm sắc thiên hương
Say tình ca men rượu
Rã cánh mộng thiên đường

Tân xuân mồng một Tết
Tiếng súng đồng nổ dòn
Dầm mưa phùn cùng dự
Lễ thượng kỳ ngọ môn

Giặc chiếm Huế đầu Xuân
Sau binh biến Mậu thân
Rơi lệ mừng tái ngộ
Tay trong tay giai nhân

Thiên đường yêu thơ mộng
Trần thế nặng phồn hoa
Tuổi xuân đầy lý tưởng
Tay trắng về núi xa

Cuộc chiến đang ác liệt
Giặc tràn ngập biên cương
Cõi ngoài lo giúp nước
Nơi hỏa ngục chiến trường

Mỗi lần được về phép
Hạnh phúc ngồi bên nhau
Êm đềm nhìn phiến nắng
Tường cũ rêu xanh màu

Ba năm trước về phép
Ban toán hỏng Tú tài
“Văn chương” lời khuyên bảo
Lần cuối đã Luật hai

Crystal mở cửa hàng
Nhiều bướm ong giàu sang
Ngọc ngà đời nhung lụa
Phụ mẫu kén rễ vàng

Này “Hương xưa, Hoài cảm”
Băng nhạc dành tặng Hương
Tình trần mong manh quý
Chút hạnh phúc thiên đường

Hương kéo tay ra cửa
Ngây thơ mãi bên nhau
Tay trong tay vĩnh cửu
Hạnh phúc đến bạc đầu

Nghĩa mẫu ở phòng bên
Quát ầm “Hương mẹ bảo”
Lệ tình rơi tuyệt vọng
Thôi vĩnh biệt giáng tiên

Tây nguyên mai rừng nở
Chốn cũ nơi hậu phương
Nắng vườn đào còn nhớ
Phút luyến tình tơ vương

Nước mất đời đảo điên
Cướp tra khảo kiếm tiền
Lìa trần đương danh sắc
Về chốn xưa bình yên

Áo trắng hồi thiên đường
Hồn nhiên quên trần thế
Tình trần xưa chạnh nhớ
Theo gió trời tơ vương

Một chút tình thơ mộng
Trần gian mãi còn hương
Nơi vĩnh hằng còn đọng

Hạt sương lệ thiên đường

Có những đêm về sáng
Long lanh những hạt sương
Lệ tình xưa áo trắng
Thanh thoát lìa thiên đường

Cánh hồng sương long lanh
Tinh khiết tình mong manh
Hạnh phúc thời thơ mộng
Vĩnh hằng tình xuân xanh

Hồng trần hoa ngát hương
Khuya khoắc hoa đẫm sương
Nơi vĩnh hằng thanh tịnh
Hương bình an thiên đường

Tôn Thất Hùng
14/1/2017

Views: 496

Rượu Mềm Lòng Nhân

Hồi ký của một công bộc thời chiến

Tôn Thất Hùng

 

Công bộc phải biết vâng lời dù sai nguyên tắc

  Phục vụ ở hai quận Đaktô, Kontum và Ty Nội An tỉnh Kontum  gần 4 năm, từ 10/68 đến 2/1972, người viết (NV) lập gia đình và xin thuyên chuyển về Thị xã Cần Thơ, tân lập. Vị Thị Trưởng kiêm Tỉnh trưởng Phong  Dinh lại tống đi Quận Thuận Nhơn, tên cũ là Khắc Nhơn. Địa danh  này nổi tiếng  là nơi  sát thương: Tỉnh trưởng – Đại tá Nguyễn văn Khương, lên cố Chuẩn – tướng-, một Đại úy Quận trưởng, Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt, Tiểu đoàn trưởng  44 BĐQ, tử thương ở Bà đầm -Thác lác. Tình hình an ninh toàn quận thật bi đát. Sau khi được đổi tên từ Khắ́c sang Thuận, tình hình an ninh có phần đỡ hơn, nhưng các vị Quận trưởng không chết thì cũng bị thương nặng, trường hợp Trung tá DTN.

  Sau hai lần được hai đàn anh Phó Thị trưởng K1 và Phó Tỉnh trưởng K6 tiếp v/v khiếu nại Tỉnh trưởng đã tự quyền điều động NV từ Thị xã sang Tỉnh là trái với nguyên tắc hành chánh, cả hai đàn anh đều khuyên là nên tuân hành. Biết là mình bị ép nhưng phải thi hành. Hai tháng sau, một đồng môn được đưa từ Bộ thay chỗ NV ở Tòa Thị chính Cần Thơ.

Tháng 4 năm 1972, khi tham dự khóa học Cán bộ hoá công chức ở Rạch Dừa, gặp Thứ trưởng Nội  vụ Lê Công Chất (NV đã có lần  đón tiếp Ông vào tháng 3/1969 lúc ông đi thăm quận Đaktô). Sau khi nghe qua vấn đề khiếu nại, ông khuyên là nên vâng lời. Đồng môn Phó quận cũ, tốt nghiệp Cao học Hành chánh K4, đã bỏ về Tòa Hành chánh Tỉnh từ lâu, sau đó làm Trưởng ty Kinh tế, đến ngày 30/ 4/ 1975 là người đứng ra tiếp thu Tòa Hành chánh Tỉnh Phong Dinh và Toà Thị chính Cần Thơ.

 Nhìn địa thế văn phòng quận Thuận Nhơn, không hàng rào bao bọc, không ụ đất phòng thủ, không cổng gác, NV  biết là không an toàn  nhưng còn an tâm hơn là nếu ra khu nhà dân ở. Ban ngày  làm việc, có một cảnh sát viên canh gác, thêm  một  cận vệ. Vì quận đường  nằ̀m ở ngoài  vòng đai an  ninh của Chi khu nên  mỗi đêm đều có một trung  đội  ĐPQ được tăng phái đến bảo vệ. Một số quân nhân đã giúp  đào một hồ  nuôi cá  tra làm chỗ đi cầu cho văn phòng và dân chúng, vừa làm chướng ngại  rào cản khi VC tấn công. Vợ chồng  người viết  cùng ở trong văn phòng quận, nên chiều chiều, các gia đình Nghĩa quân trong khu gia binh thường đến chơi và xem truyền hình cùng vợ chồng NV. Quen với cảnh sống dưới địa đạo ở quận đường Đaktô, nhiều đêm  thức trắ́ng bên cạnh các Nghĩa quân người  Thượng và vợ con họ, cùng chống trả  các lần tấn công của  quân chính quy BV,  nay lại  gần gủi với gia đình vợ con  NQ người miền Nam, vợ chồng NV đã hiểu thêm những khó khăn thiếu thốn và những nổi bất hạnh của họ.

 Ở nơi đặc biệt, tái ngộ đàn anh đặc biệt   

  Từ năm 1970, khoá 11 Đốc sự  “dzách lầu” được mùa làm Phó Tỉnh, Phó Thị: Từ Quảng Trị có Bửu Uyển; Thừa Thiên – Huế có Cường Cọp,Thuyết; Quảng Tín có Thiệu; KonTum: Khoa VC, Cường Tồ, Cửu sừng; Thạnh Pleiku; Phước đói, Chức, Phúc, Quang, Cảnh, Phát bấn, Lương cho đến Trần văn Chí,Vĩnh Bình. Tổng cộng là 16 đàn anh ưu tú  giữ chức vụ PTT, được xem là thành công nhất cho đời công chức. Bên cạnh những đàn anh tinh hoa cũng có một mảnh đời đàn anh kém may mắn, đó là anh PVT, cùng K11, người miền Nam.  Ở̉ chung trong ký túc xá, anh T có một cá tính đặc biệt là bất cứ ai khạc nhổ trước mặt anh là anh vung tay đánh ngay. NV cũng đã từng được anh T ra đòn. Sau nhiều năm ra trường mỗi người mỗi nơi, mãi lo với công việc và sự sống còn từng ngày trong cuộc chiến vệ quốc nên khó gặp nhau. Một hôm,  đàn anh T bất thần viếng thăm đàn em. Anh T xuất hiện lúc gần 10 sáng mùa Hè năm 1973 trong bộ quân phục màu vàng đi phép, trên cổ là hai mai vàng, đầu trần tóc dài, mũ nồi vàng  xếp nằ̀m trên cầu vai trái. Mặt xám đen, giọng thều thào. Bất ngờ và sững sốt, NV cảm thương cho đàn anh, tức tốc đứng dậy cầm lấy tay anh và hỏi chuyện. Anh T cho hay là vì bất đồng với viên Đại tá Tỉnh trưởng Chương Thiện, anh đã được trả về Bộ Quốc phòng, nay phục vụ ở Tiểu đoàn ĐPQ  418 Chương Thiện. Anh cần giúp đỡ. NV vội bỏ phong bì 3000 đồng. Sau đó nhân mùa bầu cử, phải đặt thêm một thùng phiếu cho tiểu đoàn tăng phái này,  NV  đã đến thăm Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng và gửi gắm đàn anh nhờ Thiếu tá giúp đỡ. Trong một chầu bia, Thiếu tá Đại, TĐT, cho  hay :“Trung uý T như người mất trí, ra quán ăn, ăn xong không trả tiền, chủ quán hỏi thì ông đưa tay chỉ vào cái lon hai mai vàng  và ra khỏi quán. Việc này cứ tái diễn hằ̀ng ngày”. NV không làm sao khác hơn là xin lỗi viên Thiếu tá, sau đó gặp ngay Xã trưởng  xã Thạnh Hòa – Rạch Gòi, nhờ hỏi xem là Trung úy T đã chưa trả tiền quán nào, NV sẽ hoàn trả cho các quán đó. Xã trưởng là chủ nhà máy xay lúa, ông bảo “Để xã lo cho”. Đàn anh Võ Trung  Hải K11, năm xưa cùng phòng  với anh T ở ký túc xá, nay  đang làm  Phó quận Phong Phú, gần Thuận Nhơn có được bạn cũ viếng hay không?

Đồng hồ Longines dỏm đổi Rolex vàng

   Tháng 3/1973,Thiếu Tá TMH, thay TrungTá PT, làm Quận trưởng Thuận Nhơn. Tháng 4/1973 có tân Tỉnh,Thị trưởng mới. tân Quận trưởng, xuất thân Khóa 20 Đà lạt, cùng khóa với người bạn thân HTM, nên Quận trưởng và Phó quận rất tương đắ́c. Một hôm đầu tháng 6/1973, anh Quận trưởng nhờ NVmột việc: anh  tháo chiếc đồng hồ Rolex vàng (mới đổi khẩu P38 ngắ́n nòng, bá nạm bạc của anh cho một anh bạn cùng khóa) đưa cho  NV và vội vàng đeo vào tay cái Longines dỏm của NV. Vô cùng ngạc nhiên, vội hỏi chuyện. Anh cho hay là khoảng 20 phút sau phải trình diện Đại tá Tỉnh trưởng. Ngày hôm sau, với vẽ mặt không vui, anh Quận Trưởng nhờ NV ngày mốt tiếp ĐTTT ở Ấp Thạnh Xuân, xã Thạnh Hòa và Đại táTT sẽ ngủ đêm ở đó, vì anh cáo bệnh. Trước đó, tháng 5/ 1973, NV đã được vị tân Tỉnh trưởng này gọi về trình diện vì “đã  tự ý  hoàn ngân trên 20 triệu tiền trợ cấp nạn nhân chiến tranh có tên trong danh sách, nhưng không có người nhận. Hoàn ngân  mà không  trình qua Tỉnh trưởng, nên đã được Đại tá TT với vẻ mặt đầy giận dữ dạy cho NV một bài học về  quản trị tiền bạc. Tháng 7 năm 1973, vị phó quận cũ, Cao học 4, đã thay thế NV làm phát ngân viên tiền trợ cấp cho nạn nhân chiến cuộc ở xã Tân Bình. Số tiền không ai nhận lên quá con số 20 triệu, anh Phó này đã cùng với ĐTTT chia nhau một mẻ tiền lớn, có thể anh Phó này đã nộp tiền cho Việt cộng. Chừng bốn  tháng sau, vị ĐTTT được trả về Bộ Quốc phòng, mặc dù vào tháng 5 trước đây, khi vào trình diện, NV đã trông thấy lá cờ 1 sao trên bàn của Tỉnh trưởng .

Nơi tử địa gặp thiền sư

 Tháng 7 năm 1972, một chiều nước nổi ngập nền văn phòng quận, mặc bộ bà ba đen ngồi câu cá rô và đuổi rắn, chợt trông xa xa thấy một vị sư dong dỏng cao mặt hiền, mắt sáng, thần từ, chân dép tay nải vàng. Người hỏi “Thưa có phải ông phó ?” “Dạ phải sư”. “Xin ký cho phép hành lễ An vị tượng Bồ Tát Dược Sư Quan Thế Âm ở̉ Thiền viện Dược sư, xã Tân – Bình”. “Dạ Sư cần mấy ngày”. “Dạ ba ngày”.

Nhân dịp có một nghĩa quân vừa mới tử trận, nhà nghèo không thỉnh được sư về làm lễ đã hai ngày rồi, NV ướm lời “xin sư từ bi làm lễ cho gia đình tử sĩ vui lòng”. Vị sư trẻ, bằng tuổi NV, thưa rằng: “Mô Phật”. Thế là sư đi cùng với NV chừng năm phút là đến khu gia binh. Quen với lễ nghi, người vội mở tay nải lấy ra nào chuông nào mõ, khoác áo đại tràng và bắt đầu hành lễ. Tiếng chuông tiếng mõ vang lên, đèn nến sáng, khói hương nghi ngút.  Cha mẹ, vợ và gia đình tử sĩ  nước mắt đầm đìa vì quá xúc động.   NV có dịp lễ bái vong linh người vừa nằ̀m xuống. Cảm kích tâm từ, sau gần hai giờ làm đủ mọi lễ nghi, NV đưa sư xuống ghe xuôi kinh Xà No về xã Tân Bình.  Ngày an vị tượng, NV theo lời mời, đã tham dự  lễ và cùng phát biểu một đôi lời. Khi được hỏi “Cơ duyên nào sư phát tâm?”  Sư  quê ở Kinh Cùng, Tân-Bình  cho hay “Năm 10 tuổi, nhà nghèo, mỗi đêm nhân mùa nước nổi thường giúp cha mẹ, đầu đội đèn khí đá, tay nơm tay dao, theo con nước chém cá, lươn, rùa, cua, ếch đem về cho cha mẹ bán. Một hôm như thường lệ, mãi mê theo con nước, bỗng nghe một tiếng khè, hết hồn chợt nhìn xuống thì nhận ra là bàn chân mặt đang đạp trên cổ con rắ́n hổ mang, thay vì rắn cụp đầu cắn bàn chân theo phản xạ nhưng cái đầu rắn to lớn kia không làm theo bản năng. Trái lại, cậu bé 10 tuổi lại phản ứng tự vệ để cứu nguy cho mình. Một  nhát dao là đầu rắn bay. Cậu bé vừa sợ hãi vừa lo âu, vội mang cá và con rắn hổ về nhà. Sau khi nghe qua câu chuyện, cha cậu bảo rằng: “Con đã chém nhằm con rắn tu. Nếu đạp nhằm con khác thì mạng con khó toàn”. Sau biến cố này, trong đầu cậu bé luôn luôn tự hỏi ” Tại sao mình lại chém chết con rắn tu”. Đi đứng nằm ngồi đều nghe vang vang câu hỏi này. Chờ đến năm 15 tuổi, sau nhiều năm giúp cha mẹ, cậu bé cúi xin phụ mẫu đi tu. Sau nhiều năm theo học cậu bé đã là một Đại Đức, xin về quê nhà lập chùa để hóa độ chúng sinh, Chùa Dược Sư của Đại Đức Thích Huệ Hiền rất khiêm nhượng “mái tranh vách tôn”, nhưng đệ tử rất đông. Sau ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris có  hiệu lực, Sư đã phát tâm tự thiêu để cầu quốc thái dân an. Người viết đã xin sư đừng tự thiêu vì tăng chúng và phật tử đang cần sư, không có vị sư nào khi sinh tiền, chúng sinh đang cần sư giáo hóa lại tự thiêu để lấy xá lợi. Tháng 7 năm 1973, sau khi uống rượu với bạn-Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng ở xã Tân Bình – ai chậm thì được tắm đầu, người viết ra về sau khi bạn đã ngủ say. Trên đường về nhớ sư ghé thăm. Sư  đang tịnh khẩu  để cầu nguyện cho một đại đức đang bịnh. Sư bút đàm “ông Phó thuyết pháp”, người viết: “Say rượu không pháp”. Sư bút đàm: “Rượu là rượu pháp là pháp”, người viết: “uống rượu không Phật.” Sư bút đàm “rượu là rượu Phật là Phật.” Người viết “xin cho mời tăng chúng” . Khi tăng chúng tụ tập đông đủ, tiện thể  có cuốn  “Thiếu Thất lục môn  của Bồ Đề Đạt Ma ” ở trên bàn, người viết nhờ một sư  mở bất cứ trang nào hỏi  thì có câu trả lời.  Khi thuyết pháp xong, sư Huệ Hiền mô Phật cám ơn. Tháng 11 năm 1975, sáu tháng sau khi Việt cộng chiếm Miền Nam, Sư Huệ Hiền cùng toàn thể đệ tử đã ngồi tự thiêu ngay trong chùa Dược sư để phản đối Việt Cộng đàn áp Phật giáo.

 Tổ chức Đảng Dân  chủ và Rượu mềm lòng nhân

   Tháng 3 năm 1973  xăng dầu lên giá. Sau khi kiểm kê cây xăng ngay quận lỵ, kết toán khoảng gần 40.000 đồng phụ trội  theo giá mới, người viết hỏi  chủ :” Số tiền này ông  sẽ giải quyết thế nào? – Thiếu tá Quận trưởng 10,000 đ, ông Phó 10.000 đ, CHT/CSQG 5000đ,Trưởng chi An ninh QĐ 5000đ. Nghĩ đến gia đình binh sĩ, nghĩa quân trong trại gia binh  và dân phố, người viết vội nhờ Chi Thông tin phát loa thông báo cho mọi người đến mua, có trưởng ban kinh tế giám sát: không ai được mua mỗi thứ quá 20 lít.

 Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Tổng Thống Thiệu đã cấp thời ra lịnh cho các Tỉnh Quận  tổ chức đảng Dân Chủ. Tất cả viên chức trong chính quyền ở cấp quận, xã, ấp đều là đảng viên, có bí danh . Người viết hộc tốc xuôi ngược thi hành bất kể ngày đêm cho xong danh sách và ngày ra mắt đảng bộ. Lúc này Việt cộng ám sát, đặt bom nhiều nơi  nên  mỗi chiều trước khi ngủ, người viết đều đi xem xét các cửa văn phòng Quận xem có bị đặt bom không ? Ấp Thạnh Xuân, cách Quận đường  chừng 2 km, Việt cộng tàn sát cả gia đình Phó Ấp cả thảy là 8 người. Một đêm trong tháng 4 /1973,người viết  xuống xã Tân Hòa lấy danh sách. Sau một chầu nhậu với Xã trưởng và Trưởng cuộc CSQG, vào khoảng 11 giờ đêm,  khi  ngồi vào “hobo”Johnson  2 máy thì Trưởng cuộc CSQG vội đưa khẩu M79  và dây đạn. Ông ta dặn ngang kinh 2500 mét thì phải chạy lẹ.  Kinh Xà No nước đang ròng, trăng mờ, gió mát, áo trắng thời sinh viên, tay cầm khẩu phóng lựu M79. Chợt nghe phía bờ trái có tiếng va chạm ở khu mã đá, cứ ngỡ là có người bị bịnh cần cấp cứu, vội kêu chú Nghiệp lái  tàu dừng lại, lấy đèn pin rọi vào và kêu có ai bịnh thì xuống bờ, có tàu  đưa cấp cứu, một mặt thì rọi vào mặt cho trên bờ  nhận diện. Chờ đợi chừng 10 phút không nghe trả lời, chợt nghe tiếng lên đạn. Chú lái tàu la lớn: “Dọt ông Phó”. Hai máy Johnson dọt lẹ, một tràng AK 47 rít qua đầu. Trạm gác NQ ở kinh 2500m vội kêu về Quận. Trăng sáng đẹp và cả hai người đều thoát tử vong. Hobo dừng ngay cầu tàu, đông đảo binh sĩ cùng vợ con đang chờ xem thế nào? Rời hobo, cám ơn tất cả mọi người đã chờ đón và nhớ đừng nói cho vợ con NV. Chợt thấy vợ tay ẳm con thơ ngay trong đám đông.

 Tết Giáp Dần,1974, lệnh của Tỉnh  trưởng không được rời quận. Phong Dinh là một tỉnh lớn rất nhiều quận. Khoảng 11 giờ sáng  ngày mồng một Tết, Đại tá Tỉnh trưởng đi trực thăng thăm quận, ông vui vẽ bắt tay. Nhờ vậy mà NV được đổi sang quận Thuận Trung vì khi thăm quận này không thấy phó quận. Khóa đàn em này đã về Sài gòn ăn Tết. Đêm 14 tháng 12 năm 1974, VC đánh quận Thuận Nhơn.Văn phòng quận tan nát, trưởng ban hành chánh bị bắt, đại uý  trưởng ban 3 chi khu bị tử thương. Thiếu tá  Quận trưởng Ngô văn Sửu bị thương ở mặt, thều thào  tử thủ trong hầm chỉ huy, gọi tướng Lê văn Hưng đang  bay thị sát cho pháo binh bắn phủ đầu vào hầm. Riêng phó Quận Thuận Nhơn – khóa sau, hơn NV  7 tuổi – hàng ngày: sáng 10 giờ từ  thị xã  Cần Thơ xuống Quận, 2 giờ chiều về lại Cần Thơ, nên không mệnh hệ gì.  Chỉ lưu lại trong lòng quân dân cán chính quận Thuận Nhơn  một ấn tượng không mấy  tốt đẹp cho Học viện  QGHC.

Cái uy của đàn anh Phó Tỉnh

   Trong suốt gần 8 năm làm việc, NV có dịp gần gủi hai vị Phó Tỉnh và học được nhiều bài học lý thú. Anh Phạm Gia Định và anh Nguyễn Hữu Dậu cùng K8 Đốc sự. Anh Định thương NV như một người  em, anh Dậu đã làm cho một Trung tá Quận trưởng phải khuất phục. Sau Tết  Giáp dần, NV sang Thuận Trung trình sự vụ lịnh do ĐT/TT Phong Dinh ký, nhưng viên Trung Tá Quận trưởng-gốc BĐQ, từng làm trại trưởng BĐQ Ben Hét ở Đaktô, tỉnh  Kontum –  không chấp nhận. Ông ta muốn lưu giữ anh Phó quận cũ, NV về lại tòa Tỉnh, anh Dậu bảo về lại Thuận Nhơn. Đầu tháng 3/1974, NV sang Thuận Trung thì mối liên hệ giữa trưởng và phó đã không có gì tốt đẹp. Bao nhiêu chi phí của gia đình Trung tá đều do xã Thạnh Phú gánh chịu, không biết các xã khác phụ giúp bao nhiêu. Uỷ viên Tài chánh xã nhiều lần trình sổ sách đều khóc. NV  trình cho anh Dậu. Anh xuống Thuận Trung vào tháng 8 năm 1974. Trung Tá Quận trưởng đã cho một trung đội dàn chào anh. Áo trắng sinh viên với cái mũ xanh rộng vành đi rừng, bước qua hàng quân thật oai vệ. Sau đó anh và Quận trưởng, có NV tháp tùng, ngồi ghe máy ra ngay văn phòng xã Thạnh Phú. Trước mặt Trung tá Quận trưởng và đông đủ Xã trưởng, chủ tịch HĐX,Trưởng cuộc CSQG, thiếu úy  phân chi khu trưởng ở trong sân văn phòng xã, sau khi lướt qua  mục thu chi của ngân sách xã, anh Phó tỉnh hỏi: Sao mục du di kinh phi nhiều quá vậy? Còn hóa đơn thanh toán máy phát điện ở đâu? Không thấy máy phát điện? Ủy viên tài chánh xã ú ớ … Anh ném cuốn ngân sách xã ngay mặt ủy viên tài chánh trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Trung tá Quận trưởng thì mặt tái đi. Liền sau đó anh Phó Tỉnh về Tỉnh ngay, không dự buổi cơm chiều do Quận trưởng thiết đãi .

   Vài giòng ký sự của một kẻ sĩ văn võ đầy đủ trong thời chiến, đã đem hết lý tưởng phục vụ quê hương, bảo vệ danh tiếng của Học viện, không hề biết luồn cúi, có thể sẽ làm mất lòng một số anh chị đồng môn. Xin quý vị niệm tình tha thứ cho. Xưa các cụ dạy “Tam thập nhi lập “ mà kẻ hậu sinh này chưa đầy 29 tuổi khi nước mất.  Cái giá phải trả cho lý tưởng này rất đắt hoặc là vô giá phải không quý Anh Chị?

Tôn Thất Hùng  (ĐS 12)

11 tháng 11 năm 2017. Kỷ niệm 50 năm ra trường.

Views: 411

Đôi Bông Tai

 Trần Bạch Thu

     Dọc đường nhấp nhô xe cộ nối đuôi nhau đang đổ dồn ra xa lộ buổi chiều. Hai bên đường phố rực rỡ ánh đèn màu đủ loại, những dây đèn trang trí chung quanh mái nhà thòng xuống lơ lững nhiều cảnh lạ thật vui mắt. Trên sân nhà nào cũng có hang đá chúa hài đồng, ông già Noel hay vài con nai được quấn đèn chung quanh sáng lóe đang cử động nhấp nháy theo ánh đèn chi chít. Tan sở về mà lòng rộn vui vì trong tay đang cầm một tấm check tiền thưởng cuối năm đủ để mua một món quà như đã hứa với lòng từ nhiều năm trước.

        Lâu nay tôi quen thân với một anh bạn người Mỹ cùng làm ở sở có người chị làm quản lý cho một công ty kinh doanh đồ trang sức hột xoàn kim cương ở thành phố Tustin. Thân lắm, có khi cũng đã gần 10 năm. Hắn thường gọi đùa tôi là Mr. Rice vì ngày nào, tháng nào hay năm nào buổi ăn trưa của tôi cũng là cơm trắng với đồ ăn mặn mang theo từ nhà. Ít khi lắm mới có một bữa trưa góp tiền mua Hamburger McDonald ăn chung mà khoái khẩu nhất vẫn là french fries (khoai tây chiên) chấm ketchup (sốt cà chua). Những lần như thế tôi thường hay nói với hắn là tôi rất ít ăn thịt từ thuở nhỏ vì nhà nghèo, đông anh em và cũng đã có lúc tôi định ăn chay (vegetarian) trường theo mẹ.

        Cả tuần trước Giáng sinh, công việc ở sở không nhiều lắm, mọi người chỉ lo trang trí cây thông Noel lớn ở giữa tiền sảnh, sắp xếp quà tặng lẫn nhau giữa các nhân viên trong không khí nhộn nhịp chờ lãnh tiền thưởng. Tôi cũng lất phất vòng quanh các phòng ban nhưng không để ý nhiều lắm mà chỉ lo dặn đi dặn lại anh bạn người Mỹ thân lâu nay nhờ giới thiệu và cho xin địa chỉ cũng như hẹn giờ với người chị của hắn vào buổi chiều trước khi nghĩ lễ để đến gian hàng của chị ấy. Hắn lộ vẻ ngạc nhiên.

        – Đến đó để làm gì?

        – Mua một đôi bông tai.

        – Thật vậy sao.

        Tôi gật đầu và hơi mĩm cười đắc ý. Lệch chiếc mũ ông già Noel một bên hắn cũng cười và chen chân cùng với mọi người vừa mang quà ra xe vừa luôn miệng Merry Christmas. Merry Christmas… Thật vui.

* * *

        Hồi mới học năm thứ hai ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Sài Gòn tôi được lãnh lương hằng tháng như một công chức ngạch B nên rất dư dã. Do đó tôi thường hay trích 1/3 tiền lương để gởi về cho mẹ giúp gia đình nuôi em. Từ đó về sau tôi vẫn giữ mức trợ giúp như vậy cho tới khi miền Nam sụp đổ. Ba anh em lớn trong gia đình tôi cũng đều phụ mẹ y như vậy. Đứa em kế là Hải quân nên 3, 4 tháng mới lên bờ về nhà một lần. Thói quen khi về đến nhà sau khi đã chi tiêu đủ các khoản ở đơn vị là đưa hết tiền cho mẹ giữ rồi sau đó xin lại xài dần cho đến trước khi đi, mẹ muốn đưa lại bao nhiêu cũng được. Hải quân gì mà hiền vậy. Bạn bẻ ở đơn vị thường hay trêu chọc là “Thầy Tu” nhưng lại dành tiền cho mẹ nhiều nhất. Đứa em thứ hai là Quân Cảnh đóng ờ Sài Gòn, mẹ biết rõ tánh hay ăn xài rất rộng nên mẹ giao cho mỗi một việc là giúp đứa em gái kế đang đi học ở Trường Luật, trả tiền trọ và cơm tháng cho em. Gia đình anh em tôi trai gái 9 người, khi mất nước đứa em út mới 3 tuổi.

        Trong hoàn cảnh gia đình đông anh em như vậy nên mẹ tập cho các con tính tiết kiệm. Thiệt thòi từ nhỏ anh em tôi ít có tham gia vào các thú vui giải trí như đi xem phim hay đua đòi theo bạn. Chỉ ráng học hành cho thật giỏi và anh em trong nhà chơi với nhau thôi ít có đàn đúm ra ngoài. Muốn mua cái gì thì cố gắng dành dụm cho tới khi đủ rồi mới mua. Mẹ không thích mua đồ trả góp hay mua chịu. Nghèo thì nhịn chứ không mượn nợ.

        Cả nhà đều biết mẹ quán xuyến nhiều việc, lo cho mọi người không kể chồng con. Mẹ thương ngoại lắm. Lúc ba còn đi làm, mẹ luôn bàn với ba để trích ít tiền luơng gởi về cho ngoại hằng tháng. Đi đâu, ở đâu mẹ cũng nhớ về Cai Lậy. “Tội nghiệp ngoại già rồi con” anh em tôi nghe câu nầy không biết bao nhiêu lần. Hôm đưa đám bà ngoại, khi chuyển quan tài qua con lạch nhỏ bằng xuồng ba lá, đến giữa dòng xuồng nghiêng sắp lật may nhờ Hai Cầm huy động bà con kịp thời chen vai chịu đỡ và lót thêm chuối cây mới lần lần đưa xuồng qua được tới bờ bên kia. Khi về mẹ nói nếu xuồng lật chắc mẹ chết theo luôn. Từ đó mẹ luôn nhắc đến và lo cho gia đình Hai Cầm như người thân cật ruột trong nhà. Thọ ơn thì phải đền ơn. Đơn giản vậy thôi. Mẹ nói.

        Nhớ hồi Tết Mậu Thân tưởng đâu ba bị bắt chắc chết, mẹ lặn lội về quê ra tận ngoài vàm Long Khánh nhờ bà con bên ngoại cứu giúp. May thật, người làng biết mẹ nên tận tình giúp đỡ, nữa đêm có người mang xuồng đưa ba trốn thoát khỏi vùng xôi đậu do Cộng sản kiểm soát. Từ đó ba bệnh luôn, nghĩ việc và gia cảnh đến hồi túng quẫn. Mẹ bắt đầu bươn chải nuôi chồng con. Được vài năm kịp thời anh em tôi lớn lên học hành tốt nghiệp đi làm. Mẹ mừng lắm, mọi việc bắt đầu ổn định.

        Đời mẹ chỉ có một ước muốn là các con mình trở thành Thầy, Cô giáo là mẹ mãn nguyện. Nhưng mà có được đâu. Con cái lớn lên theo thời cuộc và vận mệnh mỗi đứa làm một nghề khác nhau. Đã vậy mà ba anh con trai lớn, tuổi sấp sỉ 24, 25 rồi đi làm xa mà vẫn chưa có đứa nào nói đến chuyện vợ con gì hết. Mẹ đang lo lắm.

        Chưa làm sui được thì Cộng sản tràn về. Nước lại chảy ngược, mấy đứa em nhỏ phải vất vả vừa học vừa nuôi heo, đan lát may vá thêm để dành tiền phụ giúp mẹ đi thăm nuôi các anh đang cải tạo. Mà một vài năm cho cam, đàng nầy đằng đẳng có người tới năm, mười năm. Chịu sao cho thấu. Cùng cực bán hết nhà cửa tài sản làm vốn mua bán hàng vặt để sống đấp đổi qua ngày.

        Khi tôi về sau gần mười năm dài cải tạo ngoài miền Bắc thì nhà đã trống trước trống sau, cảnh vật xác xơ, tiêu điều. Buồn lắm. Còn sống sót là may rồi con à. Mẹ thường hay nói như vậy để an ủi và khuyên các con ráng chịu đựng trong hoàn cảnh khó khăn đầy ức hiếp. Được nữa năm, lúc tôi còn đang trong vòng quản chế không được cấp giấy phép đi đường nhưng mẹ vẫn quyết định môt mình cùng với cô em gái út ra Kontum làm đám hỏi cho tôi. Đến lúc đó, cả nhà mới hay là trong những năm tôi còn đi làm gởi tiền về hằng tháng, mẹ luôn dành dụm chút ít cho đến khi đủ mua một đôi bông tai hột xoàn để dành cho con cưới vợ sau nầy. Nhà có khó khăn thế nào, bán tất cả nhưng trừ hai món là đôi bông tai và chiếc nhẫn hột xanh mà cô Trâm đã đưa cho tôi đeo, mang theo về Sài Gòn “để nhớ đến em” hồi tháng 3 năm 1975.

        Nát vỏ cũng còn bờ tre. Trong đám hỏi mọi người hết cả họ bên nhà gái và bà con lối xóm ai nấy cũng đều trầm trồ khen ngợi đôi bông tai to sáng và đẹp, nỗi bật chưa từng thấy. Xứng đáng công chờ đợi mười năm. Mẹ rất hãnh diện và vui lắm khi chính tận tay đeo đôi bông tai cho cô Trâm.

        Sau khi mãn hạn quản chế tại địa phương tôi đi ngay ra Kontum để làm đám cưới. Trước khi đi, nhà nghèo lắm, hai mẹ con bàn nhau lấy chiếc nhẫn hột xanh của cô Trâm tặng hồi trước đem ra thợ bạc đánh thành hai chiếc nhẫn cưới để làm lễ trao nhẫn ở nhà thờ.

        Lễ cưới diễn ra tại nhà thờ Tân Hương, Kontum. Giáo dân đông nghẹt. Cha Luca BT. chủ tế và ngoài những nghi thức thông thường trong Lễ cưới. Dịp nầy Cha còn cảm khái nhắc lại tình yêu của cô dâu chú rễ trãi qua bao phong ba bão tố trong hơn 10 năm đã làm sáng danh “Sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không thể phân chia.” Cảm động vô cùng.

        Khi về nhà đãi tiệc, cô dâu thay áo cưới mặc áo dài đội khánh để ra chào khách, lúc vén tóc lên sửa lại cho ngay tôi ngạc nhiên không thấy em đeo đôi bông tai mà mẹ mang ra Kontum hồi làm đám hỏi. Tôi hỏi đâu rồi. Em ứa nước mắt. Khách đông và lại chắc có điều gì đó bất ổn nên tôi không tiện hỏi tiếp, hai đứa cố gắng vui vẻ ra tiếp khách đang ồn ào, chật cứng đầy ở phòng khách, ngoài sân.

        Xong tiệc cưới, mấy hôm sau trực nhớ tôi hỏi lại về việc đôi bông tai. Em lặng lẽ vô tủ đồ trong buồng mang ra một chiếc hộp nhỏ mở ra còn thấy rõ hai hàng chữ mạ vàng trên nền lụa trắng đã ngã màu, tiệm vàng “H. N.” trên dưới bằng hai thứ tiếng Việt và Hoa. Em nói.

        – Đôi bông tai giả anh à.

        Tôi chết điếng người, mắt dán chặt vào đôi bông tai còn gài cứng trên đáy hộp.

        – Sao em biết.

        Số là sau đám hỏi có người bà con trước năm 75 có tiệm mua bán vàng bạc, hột xoàn kim cương tại chợ Kontum thấy đôi bông tai to và sáng quá nên tò mò sinh nghi bảo em đem ra nhà thử mới biết là hột xoàn giả. Mợ Tư cam đoan với ba má là như vậy.

        – Ba má nói gì.

        – Ba nói để thủng thẳng rồi hỏi lại anh.

        Cả đời ba gắn bó với xứ đạo Tân Hương, Kontum. Đi tu từ năm 10 tuổi. Không được Chúa gọi, ba xuất ra đời và làm Biện nhà thờ suốt nhiều năm. Mỗi khi gặp khó khăn ba đều luôn nguyện dâng hết cho Chúa và thường hay nói là Chúa cho vác Thánh Giá noi gương Ngài nên không phàn nàn gì cả. Phiền muộn sớm tiêu tan.

        Đám cưới xong, mười ngày sau tôi về lại Cai Lậy nôn nóng hỏi mẹ sao vậy. Mẹ bảo là mẹ cũng không biết. Hôm sau hai mẹ con xuống tận làng Nhị Mỹ tìm tới nhà bà chủ tiệm vàng HN. ngày trước. Vừa thấy mẹ con tôi bước vào bà khóc ngay.

        – Dì Năm thương con. Hồi trước con lỡ dại.

        Sau đó nghe kể hoàn cảnh khó khăn hiện nay của gia đình, mẹ tôi thở dài. Khi nhà nước phát động chính sách cải tạo công thương nghiệp ở huyện, chủ tiệm vàng HN. đã tẩu tán tài sản cho người em gái có chồng là thầy giáo để may ra còn giữ được của cải. Nhưng sao đó gia đình người em giựt luôn số tài sản đã gởi và ông chủ tiệm bị bắt đi cải tạo. Được mấy năm, trại cho ra ngoài tự giác chăn dê và hay ra chợ mua thực phẩm về trại cho cán bộ. Một hôm tay còn cầm gậy chăn dê đầu đội nón cời, quần áo rách rưới bám theo xe ra chợ bị ngã xuống đường và qua đời. Cả gia đình tản lạc tứ phương chỉ còn bà chủ tiệm trở về quê trụ lại làm mướn sống trong nghèo nàn khốn khổ.

        Để chuộc lại lỗi lầm, bà chủ tiệm định viết một miếng giấy xác nhận nợ đưa cho mẹ mang ra chợ trao cho người em gái giúp trả dùm. Nhưng mẹ kêu thôi. Người ta đã giựt của cải, tài sản của chị mình rồi thì người dưng còn ăn thua gì. Giờ ai cũng khổ cả làm khó nhau chi. Mẹ bảo thôi và chỉ muốn biết sự thật để khỏi ái náy với gia đình bên sui nhà gái mà thôi.

        Trên đường về đi dọc theo đường Bến Cát, hai mẹ con biết thật là mẹ đã mua lầm đôi bông tai giả nhưng nghĩ lại mọi chuyện cũng hạnh thông, không có gì xui xẻo lắm. Khi có chuyện gì buồn hay khó khăn mẹ im lặng và mắt hay chớp liên hồi là tôi biết mẹ đang niệm Phật. Tự dưng tôi nhớ đến câu ca dao thuộc làu từ nhỏ.

Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm
.”

* * *

        Hằng năm cứ đến ngày Noel tất cả gia đình anh chị em cùng với Ba đi dự Thánh Lễ chung với nhau ở nhà thờ St. Lucy, Long Beach. Sau đó cùng về nhà tôi để ăn tiệc nửa đêm. Mấy năm đầu trên đất Mỹ còn ít người nên ăn xong là quây quần bên cây Noel trong phòng khách để mở quà Giáng Sinh ngay, nhưng sau nầy anh em từ Kontum qua Mỹ đoàn tụ con cháu đông nên năm nào cũng đợi đến sáng hôm sau ngày 25 mới mở quà. Thường thì quà chỉ để vui cho trẻ nhỏ thôi còn người lớn thì cái quần, cái áo ấm hay đôi khi chỉ tấm thẻ gift card là được. Đặc biệt năm nay, giáng sinh năm thứ mười trên nước Mỹ tôi có một món quà cho bà xã được chính tay tôi gói cẩn thận.

        Khi mở gói quà ra là một đôi bông tai hột xoàn Mỹ còn đựng trong hộp mới tinh. Bà xã muốn khóc bèn đưa cho ba xem và nói đỡ.

        – Ba coi thiệt hay giả.

        Ba hơi cảm động, các em tụm quanh yêu cầu tôi đeo vào cho chị và cố làm dáng như đám cưới thật để chụp hình.

        Tối hôm sau tôi gọi điện thoại về cho mẹ, thăm hỏi như mọi khi và cũng cho mẹ biết là tôi đã mua được một đôi bông tai hột xoàn Mỹ. Mẹ hỏi:

        – Con mua bao nhiêu?

        – Cũng bằng với giá má mua đôi bông hồi xưa nhưng nhỏ hơn.

        Tôi nói cho mẹ yên tâm là hột xoàn thiệt mua có giấy chứng nhận đàng hoàng và do người quen giúp. Trò chuyện vui một chút rồi thì cũng tới điệp khúc quen thuộc.

        – Chừng nào con về ? … đặng cho má coi hột xoàn Mỹ ra sao.

        Tôi nợ mẹ câu hỏi nầy không biết bao giờ mới trả đủ. Lần lửa tôi về không kịp. Mẹ mất.

        Trước đây mẹ luôn ám ảnh bởi cảnh xuồng nghiêng sắp lật hồi đưa ngoại về đất nhà chôn cất nên mẹ muốn sau khi mất được nằm gần bên cố ngoại trên đất chùa, miếng đất mà cố ngoại đã hiến tặng để cất chùa hồi mấy trăm năm về trước ở dưới chân cầu. Hòa thượng trụ trì đã làm phép an táng mộ phần cho mẹ trên khoảnh đất nhỏ vừa đủ để đặt cổ quan tài ở chính giữa gò bên cạnh mộ cố tổ ông bà.

        Hôm ra viếng mẹ lần cuối trước khi về Mỹ tôi lấy khăn lau mộ bia. Tần ngần hồi lâu, chợt nhớ đến ước muốn lần sau cùng của mẹ qua điện thoại tôi khóc thầm. Giả thiệt gì rồi cũng đều là vô thường. Má ơi.

        Gió sông cầu đúc thổi chiều về hơi mát dịu. Tôi ngước nhìn ảnh mẹ đang cười trên mộ bia mà trong lòng yên ắng trở lại rồi quay đi.

 Trần Bạch Thu

Views: 416

 Lá Thư Từ Ngục Tối

Trần Văn Lương

Dạo:
Vì thương vận nước điêu linh,
Nên người phải đón Giáng Sinh trong tù.
 
(Để tỏ lòng kính phục đối với những vị anh thư 
nước Việt đang phải đón Giáng Sinh trong ngục tù 
Cộng sản chỉ vì lòng yêu nước đã can đảm lên tiếng
bảo vệ nhân quyền, tự do và độc lập cho quê hương)

Blogger “Mẹ Nấm” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị CSVN tuyên án 10 năm tù từ 29/6/2017

 Lá thư Từ Ngục Tối

Đêm đặc quánh, người tù ngồi chết lặng,
Tiếng đàn ca văng vẳng lắng qua song,
Gắng gượng xua nỗi tuyệt vọng trong lòng,
Tay nguệch ngoạc đôi dòng cho con gái.
                          ***
Con yêu dấu, Giáng Sinh đà trở lại,
Mẹ lần đầu phải xa ngoại, xa con.
Chốn ngục tù dù khổ sở héo hon,
Lòng mẹ vẫn sắt son cùng đất nước.
 
Biết làm sao khác được,
Khi bạo quyền đang tàn ngược với dân.
Mẹ cúi đầu chịu lỗi với người thân,
Và xin ngoại tha cho phần bất hiếu.
 
Mẹ tin tưởng ngoại và con đều hiểu
Nỗi khốn cùng của bao triệu dân Nam.
Nếu mình không tiêu diệt lũ gian tham,
Thì sẽ mất giang san vào tay Chệt.
 
Quê hương là trên hết,
Mẹ có chết cũng đành,
Nhưng dặn lòng phải bền bỉ đấu tranh,
Không muốn thấy dân mình thành nô lệ.
 
Con và ngoại đêm nay cùng đi lễ,
Hãy cầu xin cho mẹ được kiên cường,
Cho dân lành thôi gánh chịu đau thương,
Cho đất nước thoát con đường bất hạnh.
 
Con có biết nhiều trẻ em đêm thánh,
Cũng như con dường chịu cảnh “mồ côi”,
Đón Giáng Sinh mà đòi đoạn khúc nôi,
Thương cha mẹ mỏi mòn nơi tù ngục.
 
Họ như mẹ đã chối từ hạnh phúc
Của riêng mình để liên tục dấn thân,
Cất lên giùm tiếng nói của người dân,
Đem xương máu thắp dần từng ngọn đuốc.
 
Mẹ thầm hiểu, đây chỉ là mơ ước,
Nhưng nếu toàn dân vì nước một lòng
Chịu hy sinh để cứu vớt non sông,
Thì Cộng sản quyết sẽ không tồn tại.
 
Mẹ mong mỏi dân ta đừng ỷ lại,
Đất nước mình, mình phải tự thân lo.
Đừng cậy trông vào “thế giới tự do”,
Ai cũng chỉ bo bo quyền lợi họ.
 
Họ chỉ phán dăm ba câu này nọ
Để tuyên dương cùng cổ võ vu vơ.
Tội dân mình vẫn cứ mãi ngây thơ,
Ôm ảo vọng ngóng chờ hè đổ tuyết.
 
Thương con cháu ngày sau trên đất Việt,
Tìm cội nguồn nào biết hỏi nơi đâu.
Máu Rồng Tiên đã pha trộn khác màu,
Lịch sử cũng bị giặc Tàu viết lại.
 
Chung quy bởi lũ cầm quyền vô loại,
Mà chúng mình mãi mãi mất quê hương,
Người dân lành gánh chịu lắm đau thương,
Cả đất nước là một trường oan nghiệt.
 
Tổ quốc sẽ vẫn muôn đời bất diệt,
Dù giặc Tàu đem nước Việt xóa tên,
Nếu mọi người vẫn một dạ trung kiên,
Luôn nhớ đến công tổ tiên gầy dựng.
 
Nhưng đau đớn, dân đã quen hờ hững,
Biết bao giờ mới khứng chịu đứng lên,
Kẻ đêm ngày lo hưởng thụ triền miên,
Kẻ quên hết thời vượt biên khốn khó.
                         ***
Người buông bút, đèn mờ cay mắt đỏ,
Lời thánh ca về theo gió nấu nung,
Miệng lâm râm câu “Đêm Thánh Vô Cùng”,
Nỗi chua xót chợt bùng như lửa hạ.
Trần Văn Lương
 Cali, 12/2017

Views: 292

Lạm Bàn Về Đúng – Sai Trong Mấy Thói Quen và Suy Nghĩ

Lê Văn Bỉnh

Mấy ngày sau khi phim bắt đầu chiếu, một người bạn già từ Texas gọi điện thoại hỏi tôi đã xem phim The Vietnam War chưa.  Ông bạn biết tôi vốn là một người hay tò mò tìm hiểu đủ thứ trên đời, thì chắc là đã không thể bỏ qua một cơ hội hiếm có này, cho nên hỏi để bàn cho đỡ buồn miệng.

 Thú thật, hai năm nay sau khi về hưu, tôi chẳng làm được chuyện gì cho đàng hoàng nghiêm túc.  Hăm hở về hưu nghĩ rằng sẽ có thì giờ rảnh rổi đi du lịch và viết lách. Về du lịch, thì nhiều năm nay tôi chưa ra khỏi cái quận Fairfax này, không biết vì sao. Ai hỏi, tôi đổ lỗi là vì bà xã không muốn đi, thì tôi cũng không vui mà đi một mình để tỏ ra mình là một người chồng già luôn nghĩ đến bà vợ … cũng không còn trẻ. Bà ấy lấy lý do là ngồi trên phi cơ hay xe hơi, xe buýt thì đau lưng, đau chân, mặc dầu bà ấy vẫn tiếp tục đi làm mỗi tuần năm ngày để có quyền độc lập tài chánh, và mạnh miệng nói rằng “Tôi làm việc nuôi cả gia đình!”  Còn tôi, sau khi “nghiên cứu về hạnh phúc” dưới con mắt của người học kinh tế, được biết là cái vui của một chuyến du lịch chỉ để lại trong đầu những hình ảnh đẹp 15 ngày mà thôi; đó là chưa kể đến nhiều lúc mình già cả lỡ lời với bạn hữu, thì … tới chết mình và họ cũng không quên nỗi, cho nên hoan hỉ ngồi yên nhìn mấy cái va ly nặng trỉu đầy bụi bặm sắm từ thiên niên kỷ trước.  Tôi còn tự nhủ làm chủ bút không đăng bài, hay chỉ sửa bài cũng làm mất bạn bè nhiều rồi; không nên mất thêm nữa.   Ngoài ra tôi cũng ngại không biết vào phi trường thì làm sao in ra được cái boarding pass.  Lần cuối tôi đi máy bay là 10 năm trước.  Dĩ nhiên, không biết thì hỏi và một khi mình đã hỏi, thì chắc chắn sẽ được chỉ dẫn hoặc người ta làm dùm cho, nhưng vẫn ngại, cái ngại của … Tư Ếch đi Saigon.

 Về viết lách, thì vì Hội Cựu SVQGHC Miền Đông đã giao hẹn cho mỗi năm phải ra mắt đặc san “Hành Chánh Miền Đông” cho kịp ngày họp đầu năm dương lịch, cho nên đành phải chạy lên chạy xuống basement lục lọi tài liệu cố gắng viết cho được một bài, hay lật mấy cuốn tự điển để sửa chính tả cho độc giả bớt (bớt không có nghĩa là ) ngứa mắt. Vì vậy bạn bè còn thấy tên tôi thỉnh thoảng xuất hiện!

Để trả lời ông bạn trên, tôi thú thật trong mấy ngày trước đó, thỉnh thoảng tôi mới mở TV hay computer một lần, viện lý do chẳng hy vọng gì thấy truyền thông Mỹ tìm ra hay trình bày được “sự thật”, cho nên không muốn mất thêm thì giờ . Tuy nhiên tôi vẫn nói với ông bạn già một câu đại ý là người Mỹ lúc đầu đúng về chiến tranh ở Việt Nam, nhưng sau đó là sai, và sai mãi cho tới ngày nay! Và làm cho thế giới cũng … sai theo.  Anh bạn già chờ đợi tôi nói thêm chi tiết, nghĩ rằng tôi sẽ nói dong dài về chính trị.  Tôi chỉ cười, và hứa với anh là sẽ … bàn về văn phạm tiếng Anh (English grammar) đối với  việc này. Vì phân tích chính trị, chiến luợc chiến thuật, quản lý bộ máy chiến tranh, thì đã có vô số sách báo viết rồi, trong đó có ông bạn này của tôi.

Và hôm nay, tôi giữ lời hứa với ông bạn ấỵ.  Và cũng muốn chia xẻ với quý độc giả cũng như thỉnh ý quý vị về mấy chuyện phiếm này. Nhưng trước khi bàn về chuyện phiếm … lớn này, tôi xin mạn phép lạm bàn vài chuyện phiếm bé tí, vì chuyện phiếm bé tí thì dễ … nhận ra và có thể tự động điều chỉnh cho đúng.

Vốn là một sinh viên kém Anh văn, tôi phải vật lộn với ngọai ngữ này nhiều năm trước khi được cho đi Mỹ học … kinh tế hai năm.  Đến khi nghe giảng bài, thấy hay thì đến lúc phải xách vali về.  Sử dụng tiếng Anh khi làm việc với chuyên gia kinh tế Đài Loan chưa được một năm … thì  vào tù 5 năm, chữ nghĩa cũng rơi rớt lần theo sức nặng của thân thể và theo màu đen của tóc .  Đầu óc, thân xác chỉ được nuôi dưỡng bằng bo bo, mì lát phơi khô mà mấy con heo thấy cũng lắc lắc cái đầu, thì còn chi trí nhớ.  Ra tù cải tạo, đi dạy Anh văn, phải soạn bài mệt nghỉ, vì mình là tay ngang.  Tôi đã phải thường xuyên đạp xe lang thang các chợ sách, đường sá lùng kiếm sách cũ cần thiết và nhất là phải vừa túi tiền.  Sau vài ba năm, thì mới cảm thấy tự tin … đứng lớp!  Khi sang Mỹ, đầu óc của tôi vẫn còn là đầu óc … méo mó của một thầy giáo dạy ESL (English as a Second Language): ngữ pháp đúng hay sai, phát âm đúng sai, viết hiệu quả (effective wrting) hay không.  Lúc chưa có internet, thì  khi có điều gì nghi ngờ thì tra cứu … rách nát cả mấy cuốn tự hay tò mò hỏi người Mỹ đồng sở vv.

Chỉ vài ngày sau khi định cư ở Virginia, thì óc tò mò của thầy giáo ESL của tôi bắt đầu hoạt động lại khi nghe người ta phát âm sai tên Maryland của tiểu bang lân cận.  Tôi nhớ một quyển sách dành cho thầy giáo ESL đưa ra “qui tắc”:  Chỉ trong vài địa danh tận cùng bằng chữ (-land), thì chữ (-land) đó mới phát âm như  (land ) nghĩa là đất,  chẳng hạn Thailand. Kỳ dư phải đọc khác đi (nghe như âm /ơ/ tiếng Việt), thí dụ như Holland, New Zealand, Maryland.

Nhiều người  phát âm sai, chỉ vì thấy chữ (land) quen quá, không cần phải để ý gì thêm nữa!  Cũng quá quen như south, north mà  trong  đó (th) được phát âm /th/ như trong chữ (thank, think, theater).  Tuy nhiên, dưới hình thức tính từ, southern, northern thì  (th) lại đưọc phát âm thành /th/ như trong (the, then, this).

Hầu hết những người lớn tuổi đều đọc chữ computer với âm /t/ rất rõ ràng trong khi các bạn trẻ hay con nít học hành ở đây đều phát âm chữ (t) đó thành âm /đ/.  Khi nói nhanh, thì chữ  (t) được phát âm ra như thế.  Đây là trường hợp của những chữ thường gặp, như water, later, letter vv.  “Qui tắc” mà tôi học được là:  chữ (t)  giữa 2 nguyên âm mà nguyên âm trước được nhấn mạnh thì phát âm như /đ/. Thậm chí, một số người nói nhanh, thì trong chữ county, chữ (n) biến đi và chữ (t) cũng nghe như /đ/. Có lần tôi đã nghe một ông bố … già phân trần: “Thằng con tôi bị “đớ lưỡi”, sửa nó hoài không được! Nếu ở Việt Nam, tôi sẽ cú đầu nó rồi! “ May quá, nếu nó u đầu, chắc là ông phải gặp cảnh sát, và chính ông mới là người “đớ lưỡi!”

Nếu để ý, chúng ta còn nghe chữ (a) trong a book đọc từng chữ phải đọc là /ê/ trong tiếng Việt (ABC mà!),  nhưng khi đọc/ nói nhanh thì chữ (a) được nghe như /ơ/ trong tiếng Việt.  “Qui tắc”: Articles nằm trong một nhóm từ, hay trong câu thì  được đọc yếu đi; chúng chỉ đóng vai trò hành tiêu ớt tỏi!  Cũng vậy, khi nói nhanh/nối  vần (link) thì this year, could you, can’t you  vv. sẽ nghe khác với khi đọc từng chữ.

Trẻ em nghe sao nói vậy, bắt chước khá dễ dàng.  Người lớn, nhất là những người đã từng sai đâu đấy rồi, đã từng “tiếp xúc” với tiếng Anh chỉ thuần qua sách vở, thì nghe trước, rồi qua đầu óc phân tích, suy nghĩ  xong,  mới nói! Đầu óc phân tích đưa chúng ta về “qui tắc”, về “thói quen” mà khi hai thứ này … không đúng, thì chúng ta nói sai … như thường lệ!  Nếu biết được vài “qui tắc”, chúng ta có thể tự điều chỉnh lại. Nói tiếng Anh bằng “qui tắc”! Nghe thật buồn cười! Nhưng sự thực, nhiều người làm như thế, trong đó có người viết! Chúng ta không thể nào … trẻ trở lại để dễ bắt chước.  Càng không được  … tái sinh ở Mỹ  để trở thành “native speakers”.

Qua các thí dụ trên, chúng ta thấy sai quen rồi tưởng cái sai đó là đúng.  Và khi tưởng nó đúng, thì hành động, đối phó theo hướng đó.  Hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi nghe người lớn phê phán các nhà  sư , các người  ăn chay qua câu “ăn mặn nói ngay, ăn chay nói dại”, và nói theo, thì bị thầy giáo cú cho mấy cái vào đầu. Thầy giáo của tôi giảng rằng câu đúng là “ăn mặn nói ngay, ăn chay nói trại”.  Nói trại, tức nói tránh né, chẳng hạn Vĩnh Long thành Vãng Long để khỏi “phạm húy”, tức  tên của một quan chức lớn đương quyền. Viết chính tả sai, thì cây thước của thầy giáo sửa lại giùm; chỉ khổ cho hai bàn tay sưng đỏ nhiều ngày; và nhờ vậy mà là chính tả khá hơn mặc dầu là dân Nam Kỳ ít nhất cũng ba đời!

Thêm một cái đúng/sai quan trọng rất phổ biến trong cộng đồng chúng ta.  Đi trễ giờ … hóa ra đi đúng giờ!  Thiệp mời ghi giờ khai mạc là 7 giờ tối; nhưng khi đứng lên chào cờ, thì đồng hồ chỉ 8 giờ, thậm chí 8:30 tối! Bà xã tôi khi bị giục phải nhanh lên để đến cho đúng giờ như thiệp mời, thì lại cằn nhằn bảo không có hội đoàn nào ở đây lại khai mạc đúng giờ.  Khi đến nơi, thấy 7 giờ rồi mà nhà hàng còn trống trơn, bà mạnh dạn phân trần với bạn bè:  “Em đã bảo đâu có ai khai mạc đúng giờ, mà ổng cứ thúc lên thúc xuống.”  Rõ ràng đúng thành sai; sai thành đúng!

Cũng nhân nói về tiệc tùng! Chủ nhân thường gọi khách mời là “quan khách” mặc dù có nhiều người xưa nay chưa từng làm quan; hoặc đã từng làm “quan”, nay lại không muốn bị gọi là “quan” nữa.   Thiết nghĩ gọi “Quý khách” đã là đủ đẹp đủ tốt rồi!  Lại có chủ nhân “xin phép nói tiếng Anh với người ngoại quốc”! Ơ hay!  Mình đã có quốc tịch rồi, thì Hoa Kỳ cũng là “nước của mình”. Còn nếu mình chưa là công dân Mỹ, thì đây đâu phải là nước của mình mà lại “cả gan” gọi họ là “người ngoại quốc.”  Thiết nghĩ nên gọi là “những người không nói tiếng Việt” (non-Vietnamese speakers) có lẽ thích hợp hơn, mặc dù trong đó cũng có một số nhỏ nhờ ăn phở và nước mắm nên hiểu và nói được “tiếng nước ta”, có khi viết tiếng Hán Việt, chính tả còn giỏi hơn ta nữa!

Bây giờ xin lạm bàn vài chuyện phiếm … lớn hơn một chút và kêu gọi sự góp ý của quý Anh Chị.

“The Vietnam War” hay “The Vietnamese War”?

Mấy tháng sau khi đến Hoa Kỳ theo chương trình HO, tôi được một cơ quan không vụ lợi có tên là The Center for Applied Linguistics thuê làm việc cho một bộ phận của cơ quan này, có tên là  Refugee Services Center.

RSC được thành lập sau khi có những đợt di tản lớn của người Đông Dương đến định cư, phần lớn ngân sách do Bộ Ngoại Giao cung cấp, nhằm tài trợ các công tác giáo dục người tị nạn (cung cấp tài liệu hướng dẫn, sách giáo khoa, giảng dạy Anh ngữ) qua các cơ quan thiện nguyện tại các trại tị nạn bên Á châu.   Một nhà báo làm việc chung cho tôi mượn một quyển sách mà tựa đề có chữ “The Vietnam War …” Đầu óc thầy giáo ESL của tôi liền tự hỏi: Sao lại “The Vietnam War” mà không là “The Vietnamese War”?  Trước đây trong lịch sử Hoa Kỳ đã có The Spanish War, The Korean War, mà Spanish, Korean là những tính từ (adjectives), vậy sao không dùng tính từ Vietnamese mà lại dùng danh từ Vietnam?  Tôi hỏi anh nhà báo người Mỹ chính gốc này — anh còn có thêm bằng Master of Teaching ESL.  Anh đứng một lúc, cười cười, rồi nói có lẽ người ta … quen dùng rồi.  Tôi viết email hỏi một vị chuyên trả lời thắc mắc về ngữ pháp cho độc giả của tờ báo The Atlantic. Câu trả lời cũng đại để là nhóm từ “The Vietnam War” đã được quen dùng, không nên thắc mắc.  Như vậy, câu hỏi của vẫn chưa được trả lời … ổn thỏa!

Một hôm, nhân thắc mắc tại sao nhiều sách báo viết là “newly arrived refugees” .  Động từ  to arrive là intransitive verb  cho nên về grammar thì không thể dùng past participle như vậy rồi lại giải thích “bị/được” như người Việt mình –trừ một vài ngoại lệ trong đó có to retire—trong khi đó nếu đúng ngữ pháp thì phải là  “newly arriving refugees” ),  tôi bèn đem thắc mắc sang hỏi một anh tiến sĩ trẻ Mỹ trắng vui tính làm việc ở một department kế bên.  Anh ta đang dạy ở một đại học danh tiếng trong vùng DC, và đã từng len lỏi chơi basket ball  nhiều tháng với đám trẻ Mỹ đen để nghiên cứu ngôn ngữ của chúng.  Anh xướng âm hai nhóm từ này lên mấy lần, rồi kết luận rằng xướng lên, thì “newly arriving refugees” nghe Ăng Lê quá (sounds Bristish English).  Về nhà một mình, tôi cũng ráng tập xướng lên cả hai nhóm từ này nhiều lần, nhưng lưỡi đã quen với bánh mì thịt nguội rồi, làm sao phân biệt nỗi hamburger có vị Anh hay Mỹ!  Về sau, thấy có nhiều tác giả cũng viết “newly arriving refugees” thì tôi thấy yên lòng. Như vậy, cả hai đều đúng! Grammar rules chưa bị diệt vong!

Thấy có thể tin cậy anh ta được, tôi đưa thêm thắc mắc về “The Vietnam War” và “The Vietnamese War”.  Anh lại xướng âm mỗi nhóm từ nhiều lần, rồi kết luận “The Vietnam War” dễ nói hơn, vì bớt đi một âm.  Nhưng anh cũng “an ủi” tôi rằng thắc mắc của tôi cũng có thể là đề tài đáng nghiên cứu.  (Vừa rồi đây, tôi nhờ con bé cháu ngoại 7 tuổi sinh ở đây nói lên hai nhóm từ này mỗi thứ vài lần; cháu nói rằng “Vietnam” dễ nói hơn “Vietnamese”!)  Nhưng vị tiến sĩ kia không cho tôi biết là viết/nói “The Vietnamese War” có đúng ngữ pháp không.  Tôi ôm cái thắc mắc này hơn hai chục năm nay, và không tin rằng viết/ nói “The Vietnamese War” là sai … ngữ pháp!  Đọc khá nhiều sách Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, trong đó có cả tiểu thuyết, thơ, mà chưa thấy ai viết “The Vietnamese War” cả.   Thế mới phiền cho một người non-native speaker lại trọng“qui tắc (ngữ pháp) nửa vời” như tôi.

Tôi bèn đưa ra giả thuyết là lúc đầu người ta viết/nói  “the war in Vietnam” , hay “the Vietnamese war”, rồi sau đó nói “the Vietnam War”, hay “Vietnam War” cho gọn, thậm chí “Nam War” nữa , khi mà cuộc chiến bên kia bờ Thái Bình Dương  càng ngày càng đi vào đề tài thảo luận nơi  chỗ làm, bàn ăn, cũng như trong sinh hoạt của  của gia đình người Mỹ (TV, thảo luận vv.) Trong quyển sách dày 8-9 trăm trang có tựa đề “The Vietnamese War:  Revolution and Social Change in the Mekong Data 1930-1975” (tôi chỉ  có  bản rút ngắn cũng đã dày trên 500 trang chữ nhỏ li ti (Consise Edition, xb 2006),  tác giả David W.P. Elliott (bạn học trước đây với Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng và GS Tạ Văn Tài, lúc cả 3 còn học tại University of Virginia; bỏ học vì quân vụ, rồi làm cho Rand Corporation nghiên cứu về VN  etc., có vợ Việt) đưa ra sự khác biệt giữa 2 cụm từ như sau : “the term ‘Vietnam War’ has come to mean what happened to Americans in Vietnam –or even in the United States , when the ‘Vietnam War’ is used for convenience to refer to 1960-75 period.” (trang xvi); rồi ông dẫn lời của bà cựu Ngoại Trưởng  (thời Tổng Thống Clinton) Madeleine Albright “The time has come to think of Vietnam as a country, not a war” mà viết rằng: “ For that reason, this book titled The Vietnamese War, an effort to provide a more complete understanding of one of the defining events of the twentieth centurỵ” (trang 4).

Nói khác đi, theo Elliot, khi người Mỹ nói “The Vietnam War” là họ nghĩ tới chuyện người Mỹ đánh nhau với Việt Cộng, dội bom ngoài Bắc, nhảy dù xuống và trở thành tù binh ở Hà Nội ; biểu tình, thay đối chiến lước, chiến thuật, không tái cử ở Hoa Kỳ vv. Nghĩa là tất cả … mọi thứ trên đời  khi liên quan đến thời kỳ chiến tranh  1960-75  thì thuộc “The Vietnam War”.  Còn thời gian trước đó, sau đó, hay không liên quan đến chiến tranh, thì … không!  Vậy thì một thường dân người Việt chết vì bệnh ở Định Tường vào Tết Mậu Thân 1968, thì không được viết “He died  during the Vietnam War” mà phải viết “He died during the Vietnamese War” trong một cuốn sách hồi ký có tựa đề “The Vietnam War ….” ? Chiến tranh Triều Tiên xảy ra ở … Korea có đi vào sinh hoạt quân sự, chính trị, dân sự của người Mỹ hay không mà không gọi là “The Korea War”, mà lại gọi là “The Korean War”?

Theo thiển ý, Elliott đưa ra định nghĩa khá đặc thù này chỉ nhằm để định hướng hay giải thích nội dung của quyển sách riêng của ông mà thôi.  Nói khác đi, có bao nhiêu người đã nghĩ là “The Vietnam War” và “The Vietnamese War” có nghĩa khác nhau đến thế?  Nếu quý độc giả nào tình cờ biết đuợc ai là người đầu tiên sử dụng nhóm từ “The Vietnam War” và vào lúc nào, xin vui lòng cho biết.  Các tự điển lớn, thỉnh thoảng có cung cấp xuất xứ của một số từ, hy vọng trong tương lai sẽ có xuất xứ của cụm từ “The Vietnam War.”

Lại xin thêm chuyện này cho vui có liên hệ đến chữ Vietnam.  Trước đây, Giáo Sư Nghiêm Đằng có viết một quyển sách do East-West Center Press (Honolulu) xuất bản năm 1965, có tựa đề là Viet-Nam: Politics and Public Administration (bảo đảm vẫn còn thấy hay nếu ai muốn nhớ lại chuyên xưa).   Xin lưu ý quý độc giả cái dấu gạch nối (hyphen) giữa hai chữ Viet và Nam.  Tôi mua sách cũ về, liền tò mò mở ngay trang index để tìm adjective, thì thấy ngay mấy chữ Vietnamese, với 2 chữ Viet và nam dính liền nhau, trong khi là danh từ thì viết riêng.  Nhiều sách báo tiếng Pháp viết Việt Nam tách rời, với 2 chữ hoa V và N (Viet-Nam). Ngay cả Bernard Fall, khi viết bằng tiếng Anh cũng làm như thế (Viet-Nam Witness 1953-1966 do Pall Mall Press, London xuất bản năm 1966). Đừng quên là trong những văn thư chính thức của VNCH, tên của quốc gia cũng viết tách rời ra!  Hỡi ôi! Mình muốn chữ viết chữ Việt Nam thành 2 chữ … độc lập một chút cũng … không được! Huống hồ những chuyện… đại sự khác, thì làm sao hành động độc lập được!

Và sau cùng ở chuyện phiếm liên quan đến “The Vietnam War” này, xin kể lại một chút về dấu chân của sinh viên QGHC trên xứ Mỹ.  Như nhiều độc giả biết ở Nam California có một trường đại học tư có tên là University of Southern California.  Trước 1975, nổi tiếng về nhiều ngành học trong đó có kịch nghệ, hành chánh chánh công quyền, giáo dục, thương mại, dĩ nhiên number #1 về College Football. Các giáo sư HVQGHC như Nguyễn Quốc Trị, Trương Hoàng Lem, Cao Thị Lễ, Phan Thanh Ngô, Nguyễn Văn Thư đều tốt nghiệp từ đây; nhưng có lẽ anh Triệu Huỳnh Võ, thủ khoa khóa 7 là người đến đây học đầu tiên.  Anh Ngô (thủ khoa CH 1) có lúc làm Hội Trưởng Hội Sinh Viên Việt Nam tại USC, đã cùng sinh viên Việt ở USC và các trường lân cận tổ chức một cuộc chống đối Jane Fonda kịch liệt.

 Hai năm sau, người viết này đến USC (giữa tháng 9/72, sau khi Quân Lực VNCH tái chiếm Quãng Trị và lệnh cấm xuất ngoại được giải tỏa), chân ướt chân ráo, được đẩy ra thay anh Hội Trưởng thuộc Bộ Giáo Dục đang học Community Education   Chỉ mấy tháng sau đó, mặc dù cận kề những ngày thi, tôi đã cùng các  bạn sinh viên VN (học bỗng và tự túc)  tại USC và các anh chị sinh viên Việt trẻ tuổi hơn  từ  7-8 trường lân cận đã cùng kiều bào (do Tòa Tổng Lãnh Sự  Việt Nam tại San Francisco đưa xuống)  và một xe buýt khoảng 40 sinh viên Mỹ thuộc nhóm Young Americans for Freedom (YAF)  của đảng Cộng Hòa tại USC, tổng cộng khoảng 500 người  đi đón Tổng Thống Thiệu và phái đoàn từ Honolulu đến  Los Angeles, để rồi sau đó phái đoàn  xuống San Clemente họp với Tổng Thống Nixon. Tôi nghĩ đây là cuộc tập họp đông đảo nhất của người Việt tại Hoa Kỳ thủa đó.

Ngoài ba thủ khoa QGHC cơ hữu ở USC (Cao Thị Lễ , Phan Thanh Ngô và Nguyễn Văn Thư) còn có thêm hai thủ khoa khác là  Cao Văn Hở (Georgetown Universty, Wahsington DC) và Trần Văn Dương (Syracuse University, NY).  Hai anh này trên đường đi dự một khóa hội thảo cũng nhiệt tình ghé xin tham dự mang theo bức thư giới thiệu của Đại Sứ VNCH tại Liên Hiệp Quốc (Lê Phượng Chì) “kính gửi Anh Lê Văn Bình.”  Đến khi gặp tôi, hai anh chưng hửng vì đâu có ngờ tôi cũng được sang Mỹ học.  Chúng tôi biết nhau hồi còn ở chung Ký Túc Xá; nếu tên tôi được bỏ đúng dấu, có thể hai anh sẽ đoán ra. Tôi không là thủ khoa; đi học bỗng theo Chương Trình Kinh Tế Hậu Chiến” (1 PhD, 8 MA và 8 ngắn hạn 6 tháng, trong đó gần phân nửa là cựu SVQGHC) — khác với Chương Trình Kinh Tế Hậu Chiến của GS Vũ Quốc Thúc.

Trong đám phản chiến Mỹ Việt không quá 30 người cầm cờ Hippie Mỹ (US Flag with Peace Sign Hippie) phía bên kia đường, có một cậu sinh viên trẻ hình như lúc đó mới học năm thứ hai, mà nay là giáo sư Sử tại một tiểu bang nhỏ, thỉnh thoảng được các chương trình tiếng Việt của vài đài phát thanh Âu Mỹ phỏng vấn về tình hình chính trị quân sự Á châu; nghe kỹ thì nhận ra là các lời bình luận đều có lợi cho Hà Nội.  Dĩ nhiên! Nếu không, thì vị giáo sư này đành mất hết thành tích chông chiến tranh ả?  Trước đó, nhóm phản chiến của cậu ta có gọi điện thoại đến xin xem phim “Người Cày Có Ruộng” do anh em chúng tôi tổ chức tại phòng lounge của building VKC của USC, tôi có đặt điều kiện là nhóm anh ta phải chào cờ Việt Nam Cộng Hoà cùng với chúng tôi. Dĩ nhiên nhóm cậu ta không đến.  Và cũng để đối phó với tin đồn rằng đi đón phái đoàn VNCH, chúng tôi mỗi người nhận 30 đôla, tôi đã long trọng tuyên bố là “Tôi thề trên sinh mạng vợ và hai con tôi là trừ vài ba chục đôla dùng mua cột cờ và cờ VNCH (để tránh mang tiếng dùng tiền học bỗng của USAID), tôi không nhận thêm đồng nào của Tòa Đại Sứ VNCH ở Washington DC hay Tòa Tổng Lãnh Sự ở San Francisco”.  Anh chị em thành viên trong Ban Tổ Chức cũng tránh dị nghị đã không tham dự buổi tiệc do phái đoàn nhã ý khoản đãi, khi chúng tôi được cho biết cuộc họp báo với sự hiện diện của TT Thiệu đã được dự trù trước đây không thực hiện được vào giờ chót.  Sau đó, Ban Tổ Chức chia tay với lương tâm yên ổn, và một chút tự hào về bổn phận công dân của mình.

Buồn thay mọi sự xảy ra về sau cho đất nước không tốt đẹp như mong ước toát ra từ cái logo có  3 chữ “Cooperation in Peace” vẽ trên chiếc máy bay 727 chở phái đoàn VNCH.

Người viết sau đó cũng thêm một lần (1973) cùng anh chị em sinh viên Việt và nhóm YAP đến phản đối Jane Fonda qua mấy cái loa cầm tay “Debate! Debate! Fonda! Debate!” để “ phá”  cuộc nói chuyện của cô ta  sau chuyến cô ta thăm Hà Nội về. Tôi còn nhớ rõ cô ta mặc cái dress màu đen, đứng gần tượng đồng Trojan (biểu tượng của USC), mồ hôi nhuể nhại và mặt mày phấn son nhòe nhoẹt  (lúc đó là lunch time, đông sinh viên, trời nóng)  và chung quanh có 7-8 tay cận vệ mặc toàn đen, tên nào cũng đều lực lưỡng, cao cở  6 feet!  Thủa đó USC là trường của con nhà giàu (bị chế giễu là University of Spoiled Children), cha mẹ thì bảo thủ, nhưng đa số sinh viên lại cấp tiến, chống đối chính quyền Tổng Thống Nixon kịch liệt (bảng hiệu lưu thông STOP thì họ thêm vào chữ Nixon; chữ X trong tên Nixon được viết thành chữ Vạn Đức Quốc Xã; họ tổ chức biểu tình cởi truồng để chống Nixon bao che trong vụ bao che (coverup) Watergate,  vv. ) cho nên Jane Fonda mới có chỗ lai vãng. Bà Nixon và nhiều viên chức Tòa Bạch Ốc dính trong vụ Watergate lúc bấy giờ cũng từng là YAP của trường này, họ cũng quậy dữ lắm!

Sau này, cái huy chương Presidential Medal of Fredom mà Tổng Thống Obama trao cho Jane Fonda (Jane Hanoi) năm 2016 quả là cái huy chương đâm sâu thêm vào tim (bà đã từng đâm sau lưng rồi) của nhiều các cựu chiến binh Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt hải ngoại mình.  Một người  … bị trao cho cái giải thưởng Nobel  Hòa Bình quá sớm (để đừng gửi quân Mỹ đi quậy phá thế giới và đã vô cùng hoan hỉ 6-7 năm kế tiếp ngồi tự xoa xoa cái đầu ít tóc  nhìn Trung Cộng mạnh dần … mạnh dần đến dư sức để tác oai tác oái Biển Đông, khi giật mình nghĩ lại, thì đã quá chậm rồi, dù có mấy ông Trump cũng không đảo ngược tình thế được)  đã tròng huy chương vào cổ … bà già cái giải … hòa mình với kẻ thù của hằng trăm ngàn lính Mỹ và lăng mạ mấy trăm tù binh Mỹ ở Hà Nội bằng những bài phát biểu trên đài phát thanh Hà Nội rõ ràng do Hà Nội viết sẵn (Xin đọc thêm Aid and Comfort: Jane Fonda in North Vietnam mà Henry Holzer và Erika Holzer là tác giả).  Người ta thường nói cái huy chương có hai mặt, tôi không rõ mặt trái cái huy chương  trao cho “Jane Hanoi” ra sao, chứ còn nửa cái giải Nobel Hòa Bình mà Kissinger chia với Lê Đức Thọ (không đến nhận) đã được trao bằng check, sau đó được đầu tư, có thể thành bạc triệu  rồi. Không rõ Ngài Kissinger có được mời đến dự lễ trao huy chương cho “Jane Hanoi” không.  Cũng không rõ “Jane Hanoi” có được Bộ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh tặng cho vài bản chụp những bức thư (copied letters) mà gia đình gửi cho tù binh John McCain lúc ông ngồi tù ở Hà Nội để bà ta “tùy nghi” hay không.  (Trong chuyến công tác năm nay tướng  NCV đã trao tặng McCain bản chính (original copies) những bức thư này sau khi giữ chúng hơn 45 năm!) Riêng đối với nhiều nhà văn, nhà báo, nhà làm phim Mỹ khác, thì tội nghiệp thay những bản phác họa  mà họ dự tính viết về  những “siêu sao” Hà  Nội  sau 1975 đã bị họ lẵng lặng vất đi không thương tiếc!

Không bao lâu sau đó, tên của người viết những dòng chữ này và của các anh chị đại diện của các trường đã kể lại xuất hiện trên một trang quảng cáo trả tiền của tờ The Washington Post để phản đối Trung Cộng chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Viết lại đây tôi không có chút ý gì khoe khoang “thành tích”, mà chỉ muốn tường trình với độc giả thân mến rằng anh chị em chúng tôi thuở ấy cũng cố làm một chút gì đó.

Độc Tài Hay Không Độc Tài?

Từng là một học sinh, một sinh viên, một nhà giáo, tôi không quên rằng giữa điểm 0 và  điểm 10, cũng như giữa điểm F và điểm A , cũng còn nhiều điểm khác! Đến khi tiếp xúc “Nhập Môn Chủ Nghĩa Thực Dụng”, tôi mới “ngộ” ra rằng giữa  Đúng và Sai, Trắng và Đen, Yêu và Ghét, Xấu và Tốt, Thiện và Ác, Chánh và Tà, Đạo Đức và Vô Luân,  Duy Lý và Duy Nghiệm, Nhất Nguyên và Đa Nguyên, vv.  còn có những … cái khác nữa! Ngay cả giữa Nam và Nữ, từ ngàn xưa cũng đã âm thầm ẩn hiện … “những người khác” mà ngày nay ở Mỹ gọi tắt là LGBT. [Trong bộ truyện  “Ngàn Lẻ Một Đêm”,  sách dịch Miền Bắc đưa vào sau Tháng Tư Đen, những người này được gọi là “những kẻ hai lòng” (sic)] trong khi ở Miền  Nam, chúng ta thường gọi là “homo”, “đồng tính”, và người bình dân gọi là “bóng”].  Con người vốn đã quen với lý luận nhị nguyên (dualism), thậm chí nhất nguyên (monism), nên ít khi rộng lượng đối với kẻ đối thoại mà mình cho là HOÀN TOÀN SAI trong khi nghĩ mình là HOÀN TOÀN ĐÚNG –mặc dù đôi bên đều có đúng có sai.  Quan điểm nhị nguyên này đã đưa nhân loại đến biết bao nhiêu xung đột, từ trong gia đình cũng như ngoài xã hội và giữa các quốc gia với nhau.

 Để đáp lại thịnh tình của ông bạn già Texas nói từ đầu bài (Nguyễn)Trọng Đạt, một nhà giáo trước khi vào QGHC và mấy chục năm nay là nhà biên khảo nhiều sách báo đáng đọc về chiến tranh Việt Nam (trong đó có bài viết về bộ phim “The Vietnam War”  sau khi ông ấy … tức mình rồi tò mò ngồi xem từ đầu đến cuối), tôi xin bạo  dạn đưa ra ý kiến sau đây.  Cũng như hằng trăm tác giả Mỹ khác, hai nhà sản xuất trên đã đứng trên … rõ ràng làm phim theo quan điểm của “bên thua cuộc”.  Thua tức là kém, dỡ hơn “bên thắng cuộc”.  Nếu không, thì đâu có thua! Họ thấy có bổn phận phải ca tụng “bên thắng cuộc” bằng mọi giá, và đổ  lỗi cho “đồng minh thua cuộc” càng nhiều càng tốt,  để họ cảm thấy bớt tức hơn. Cuộc chiến Việt Nam xảy ra trong thời kỳ mà theo ngành quản trị học đương thời, sự thành công phải được đánh giá theo hai tiêu chuẩn thống soái: “hiệu  quả” (effectiveness) và “hiệu năng” (efficiency).  Nôm na là đem lại kết quả và ít tốn kém.

Theo phái đoàn cố vấn Michigan State University, cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người  đích thân theo dõi việc xây cất Học Viện QGHC của chúng ta.  Cũng chính ông là người đến khánh thành Học Viện năm 1962.  Khóa 10 là khóa đầu tiên học trọn vẹn 3 năm tại đây (các khóa 8 và 9 đã học một thời gian trước đó tại trụ sở Bộ Ngoại Giao). Học Viện là niềm hãnh diện của TT Diệm.  Ông đã hãnh diện mời nhiều quốc khách đến thăm viếng:  Quốc Vương và Hoàng Hậu Thái Lan trẻ đẹp;  Phó Tổng Thống Đài Loan Trần Thành hoạt bát  và rất vui tính, vv.  Đây là nơi các giáo sư và sinh viên thường xuyên thảo luận về hai tiêu chuẩn hiệu quả và hiệu năng nói trên, cùng với các công tác của nhà hành chánh theo POSDCORB (Planning, Organizing, Staffing, Developing, Coordinating Reporting, Budgeting, được đưa ra từ thập niên 1930, nhưng vẫn phổ biến nhiều thập niên sau đó) của Gulick & Urwick trong chỉ huy, quản trị công sở và ngân sách, cũng như trong các trường hợp hành chánh điển hình.

 Chúng ta hẳn biết rằng chiến tranh Việt Nam, từ nguyên thủy cho đến khi chấm dứt, đã trải dài qua 7 đời Tổng Thống, 3 vị trước Kennedy và 3 vị sau Kennedy. Đây là kể cả Tổng Thống Roosevelt, người mà trước và trong khi Hoa Kỳ tham gia Đệ Nhị Thế Chiến đã chủ trương giải phóng các nước thuộc địa một khi Đồng Minh chiến thắng. Ông đã cố công thuyết phục Stalin theo lập trường của mình, vì không hy vọng gì ở Churchill bởi lẽ nước Anh có cũng quá nhiều thuộc địạ không dễ gì chi/u buông, và ông không muốn Pháp trở lại Đông Dương   Ông cũng suy tính khá cẩn thận tầm quan trọng của Đông Dương, nhất là về kinh tế. Có thể nói chính Roosevelt và nhà ngoại giao George Kennan, người đưa ra chủ thuyết về việc kiềm chế sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản (sau đổi ý) đã lưu lại một dấu ấn lớn trong các chính quyền Mỹ sau đó về vai trò của Đông Dương trong chiến tranh lạnh. Tổng Thống Diệm và VNCH có thể sẽ may mắn hơn nếu được một nước “đồng minh” lãnh đạo bởi một chính quyền “ngộ” được giữa hai điểm A và F, còn có những điểm khác nữa.  Xin mở dấu ngoặc:  Tổng Thống Diệm đã từng được một giáo sư của MSU (khi trường này còn là một college) mời từ Nhật sang Mỹ làm counselor cho trường, và từ đó, giúp ông gặp gỡ một số nhà lãnh đạo tôn giáo và chính khách quan trọng của Hoa Kỳ. Khi về nước chấp chánh, ông đã mời một phái đoàn đông đảo MSU sang giúp. Trong khi cả phái bộ USOM chỉ có khoảng 165 nhân viên, phái đoàn MSU lúc nhiều nhất lên đến 32 người do Chính phủ  Hoa Kỳ  đài thọ  (chưa kể nhân viên người Việt khoảng 100 người do USOM và VN cùng đài thọ), đa số là giáo chức, dĩ nhiên có không ít nhân viên CIA  được cài vào (giới chức Saigon nhận ra họ ngay vì họ nói tiếng Pháp lưu loát hơn các giáo chức thực sự)  sang giúp soạn thảo chương trình đào tạo cũng như giảng dạy  sinh viên Học Viện QGHC, và Cảnh Sát Quốc Gia, hai ngành mà MSU tỏ ra  khá mạnh.

 Một vài nhân viên trong đoàn khi trở về nước đã viết báo công kích chính phủ VNCH, riêng biệt công kích kịch liệt bà Ngô Đình Nhu.  Do đó, sau 2 năm hết khế ước, TT Diệm không bằng lòng gia hạn. Những bài báo này đã đóng một vai trò không nhỏ phát khởi phong trào phản chiến tại các đại học Hoa Kỳ.  (Muốn biết thêm chi tiết về hoạt động của MSU tại Miền Nam dưới thời TT Ngô Đình Diệm, xin đọc Technical Assistance in Vietnam: The Michigan Sate University Experience  do hai giáo sư  Robert Scigliano và  Guy H. Fox viết, xb năm 1965;   Forging a Fateful Alliance: Michigan Sate University and the Vietnam War, tác giả là John Ernst, xuất bản năm 1998; Aid Under Fire: National Building and The Vietnam War, do Jessica Elking viết,  The University Press of Kentecky xb năm 2016, vv.)

Trong thời gian dài trước khi xảy ra cuộc đảo chính lật đổ TT Diệm năm 1963, Tổng Thống Kenneny đã nghe đầy tai về những than phiền chê trách, nhiều khi không đáng, về TT Diệm.  Chẳng hạn sau cuộc viếng thăm Saigon chỉ vài ba ngày, Đại Sứ Mỹ tại Ấn Độ John K. Galbraith, một giáo sư kinh tế của Harvard rất thân cận và tín cẩn của TT Kennedy, đã viết về Toà Bạch Ốc chê TT Diệm là quan liêu: đi công tác miền Trung về phi trường Tân Sơn Nhứt cũng “đòi” các Bộ Trưởng ra đón; từ phi trường về Dinh Độc Lập phải được tiền hô hậu ủng.  Những phiên họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, ngay từ 1961 đã nêu lên sự can thiệp của Hà Nội, Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa và trách cứ chính phủ Saigon không cải tiến nỗi tình hình an ninh; đã coi hai lần mưu sát bất thành TT Diệm …  là những chỉ dấu của nền độc tài chuyên chế, không được lòng dân.  Vụ Phật giáo được truyền thông thổi phồng chỉ là một cái cớ lớn, là một giọt nước tràn.  Cái tiêu chuẩn “hiệu quả” và “hiệu năng” thời thượng của kinh tế gia Galbraith, của “nhà quản lý khoa học tài năng” Mc Namara, và của những “the best and the brightest”  cộng thêm giới truyền thông (cũng được xem là elites) thủa đó thúc đẩy TT Kennedy hành động khá vội vàng hấp tấp, nếu không gọi là quá bất công.

Tướng Hoàng Lạc trong chương có tên “Blind Design” đóng góp vào quyển sách có tựa đề Prelude to Tragedy: Vietnam 1960-1965 do Harvey Neese và John O‘ Donnel hiệu đính, và  Naval Institue Press xb năm 2001, tr. 70, đã ghi lại nhận xét của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, xin tạm dịch ra như sau: “Chống Cộng  đã khó rồi, nhưng đối phó với Hoa Kỳ với tư cách một đồng minh lại càng khó hơn.  Chính sách của Hoa Kỳ thay đổi thường xuyên với những mục tiêu thay đổi.  Những siêu quyền lực như những nhà tư bản Mỹ, cũng như những người Cộng Sản Liên Xô, không có bạn lâu dài hay kẻ thù lâu dài, cả hai chỉ có những lợi ích lâu dài mà thôi.” Những bài diễn văn đầy hứa hẹn của các TT Mỹ, những cuộc đón tiếp long trọng, những bắt tay thân mật … sẽ không còn giá trị nữa khi quyền lợi của họ thay đổi.  Điều an ủi cho dân quân Miền Nam, đặc biệt là sinh viên,  lúc đó là họ không bị chính quyền VNCH bắt bớ giam cầm khi họ biểu tình hay viết báo bày tỏ suy nghĩ và lập trường của mình đối với “những người bạn đồng minh.”

Trong quyển sách Friendly Tyrants: An American Dilemna (do Daniel Pipes và Adam Garfinkle hiệu đính, St. Martin’s Press xb năm 1991), bàn về những nhà độc tài bạo ngược thân hữu của Hoa Kỳ, Douglas Pike, một học giả về Việt Nam, có đóng góp một chương với tựa đề “South Vietnam: Autopsy of a Compound Crisis” (tr. 41 -61). Theo Pike, so với những nhà độc tài bạo ngược thời đó ở Á châu như Lý Thừa Vãng của Nam Triều Tiên, Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Ferdinad Marcos của Phi Luật Tân, thì Tổng Thống Diệm không nên được xem là nhà độc tài bạo ngược vì (1) thời gian tại chức của TT Diệm ngắn hơn nhiều; (2) không thể xếp ông theo tiêu chuẩn độc tài chuyên chế cổ điển hay đương thời của người Mỹ: Ông không tàn bạo, ích kỷ, hay ngạo mạn. Ông là người có học, từng đi đây đó nhiều nơi, và có đầu óc cấp tiến hơn nhiều so với Bảo Đại, người tiền nhiệm của ông. Quan trọng hơn nữa, ông không tùy tiện sử dụng lắm quyền hành.  (He was not brutal, mean, or arrogant. He was educated, cosmopolitan, and far more liberal than the Bao Dai that preceded him. More important, he did not dispose of very much authoritỵ); (3) đường lối  chính trị và quân sự của các chính phủ liên tiếp của Miền Nam hầu hết  đều là phản ứng đối với các áp lực càng ngày càng gia tăng của bên ngoài, đặc biệt  của Hà Nội, Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa, thì chính quyền Hoa Kỳ, qua các loại viện trợ, đáng lẽ phải tạo một trái đệm  cho sự tự phát triển của một chính quyền non trẻ, thì lại tạo thêm áp lực nặng nề chỉ vì họ bị sức ép mạnh mẽ của giới truyền thông và dân chúng Mỹ, cũng của chính những người trong chính quyền nhưng không thân thiện với VNCH.

 Theo Joseph G. Morgan trong quyển The Vietnam Lobby: The American Friends of Vietnam (1955-1975), do The University of North Carolina Press, xb n ăm 2000, thì hiệp hội  The American Friends  of Vietnam này quá nghèo nàn (vì không có sự đóng  góp của các công ty Hoa Kỳ; TT Diệm  không muốn người Mỹ đầu tư vào VN mà ông  chủ trương thành lập các công ty quốc doanh khi nền kỹ nghệ còn quá non trẻ, một chủ trương phát triển kinh tế phổ biến trên thế giới vào 2 thập niên 1950- 1960) nên không đủ khả năng vận động hành lang với các chính trị gia Hoa Kỳ.  Chính vì những lý do đó mà TT Diệm bị loại một cách oan uổng và tức tưởi, kéo theo sự suy sụp mấy năm liền sau đó của nền Cộng Hòa ở Miền Nam. Vả chăng, giàu có và dư thừa ngoại tệ (gần 20 tỷ đô la thủa đó, chỉ đứng thứ nhì, sau Tây Đức, nếu người viết nhớ không sai) để có thể lobby thêm, nhưng “nước Đài Loan” vào đầu thập niên 1970 cũng đành đau khổ nhìn cái ghế của mình bị mất tại Liên Hiệp Quốc, sau khi Nixon gặp gỡ Mao Trạch Đông. Biết làm gì hơn, khi mà mục tiêu của Hoa Kỳ đã thay đổi.  Tuy nhiên, lobby đã giúp Đài Loan tồn tại như hiện trạng.

Đôi khi nhìn lại, chúng ta tự hỏi có nên “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” chăng? Nếu quản lý của chúng ta thật giỏi –đạt điểm A như họ muốn — về quản lý trong mọi phương diện chính trị, hành chánh, quân đội, thì có lẽ sẽ không có cảnh “đồng minh tháo chạy.”  Dĩ nhiên, khả năng của chúng ta không thể đạt được điểm A mà họ mong đợi!  Đòi hỏi một người làm những việc vượt quá xa  khả năng của mình,  có phải chăng là bất công –nếu không nói  là … mất trí?   Đây là cái vòng lẩn quẩn của kẻ ban phát viện trợ và người nhận viện trợ vậy.

Trên đây là đôi điều tôi xin lạm bàn với ông bạn chuyên viết cuộc chiến Việt Nam. Dưới đây xin thêm một lạm bàn khác, về “văn nghệ”, một lãnh vực mà tôi thực sự mù tịt.

Nhạc Vàng hay “Nhạc Vàng”?

Quý độc giả chắc hẳn đã lưu ý tới cái ngoặc kép trên.  Nhạc Vàng không nằm giữa hai ngoặc kép là chữ của chúng ta, bên bại trận — nếu quả thực nó có trước 1975.  “Nhạc Vàng” nằm giữa hai ngoặc kép, còn gọi là “Nhạc Vàng nháy nháy” là tiếng của “bên thắng cuộc”.

Sau khi chiếm được Miền Nam, Hà Nội tung vào những người mà họ xem là ưu tú nhất của mình, đặc biệt ca sĩ có giọng cao vút, các văn nghệ sĩ như Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh (ông này đi vào rao giảng thành tích CNXH tại trại tù làng cô nhi Long Thành, giải lao bằng bia khiến công an quản giáo phải đỏ mặt), nhiều sách của nhà xuất bản Sự Thật (mà vị giám đốc xuất bản P.T.T. là bố ruột của một nhà văn chống Cộng nổi tiếng ở Miền Nam, và cũng là bố vợ của một cựu SVQGHC, vợ anh tự tử khi anh còn trong tù bỏ lại 4-5 đứa con thơ ) vv.   Có một bài ca mà câu mở đầu đã làm cho trên 3000 em chúng tôi lạnh suốt nhiều năm sau đó “Anh ở nơi nầy chưa thấy mùa đông” (?) Vâng, họ nhất quyết mang cái lạnh, cái đói cũng như những thử nghiệm, định chế, kỹ thuật –làm tàn hại ngoài Bắc chưa đủ– vào Miền Nam để cho cùng khổ bằng nhau, như hợp tác xã, nông trường, thuỷ lợi vv.

Trong sách vở, có những chữ mà người bình dân khó hiểu hay không thể hiểu; nhưng những người có tiếp xúc với chữ nghĩa Pháp, Anh thì nhận ra đưọc xuất xứ của chúng, chẳng hạn chủ nghĩa sô-vin, trang bị tận răng, mang dấu ấn thời đại vv.   Anh em tù chúng tôi nhận ngay ra đó là những chữ dịch, nhưng không rõ được dịch thẳng từ tiếng Anh, tiếng Pháp hay lại phải qua tiếng Nga, tiếng Hoa cho an toàn vì lý do chính trị (thân Tây phương, xét lại vv.). Khi còn trong tù, chúng tôi  thường tự hỏi hai nhóm từ “nhạc vàng” và “công đoàn vàng” xuất phát từ đâu.  Ai cũng biết rõ là “nhạc vàng” được gán cho hầu hết các bài nhạc lưu hành trước đây, và “công đoàn vàng” chỉ các nghiệp đoàn lao động hoạt động trước 1975 ở Miền Nam.  Sơn phết màu vàng lên để chê bai chúng xấu xa, bệnh hoạn, không lành mạnh, và dĩ nhiên phải bị cấm đoán. Nhưng chúng được dịch từ đâu? Mà vì sao lại “vàng”? Tôi không tin là màu vàng này có liên quan gì đến màu cờ của VNCH cả.

Sau khi ra tù (cuối năm 1980), tôi kiếm sống bằng nghề đi dạy Anh Văn (cộng thêm nghề đi bán cà-rem cây ở một trường học).   Một hôm, một học viên người lớn hỏi, tại sao người ta dùng “nhạc vàng” để chỉ “nhạc ngụy, nhạc phản động”. Trong nhà tôi còn một quyển tự điển lớn tiếng Anh xuất bản đầu thập niên 1970 mà tôi mua giá rẻ với tư cách là hội viên của Books of the Month khi còn đi học bên Mỹ (May quá, nhà  ôi chưa bán cho mấy cô mua ve chai, giấy vụn.  Nếu bà ấy bán đi, cũng được chút ít tiền vì nó rất nặng ký).  Tra tự điển này, thấy có nhóm từ “yellow journalism” (báo chí vàng) và tôi liền đặt giả thuyết là “nhạc vàng” và “công đoàn vàng” có liên hệ đến “báo chí vàng”.

Vì vậy mà khi đến Mỹ thấy trên vài tờ báo xuất bản ở Virginia có cái quảng cáo “Nhạc Vàng Chiều Chủ Nhật”, và khi nghe hai ca nhạc sĩ / MC trên một băng nhạc cũng dùng “nhạc vàng” để chỉ nhạc tình cảm, lãng mạn Miền Nam trước 1975, tôi liền viết vài trang trên blog “Đốc Sự 16”, do đồng môn tài hoa Vũ Hùng thiết lập, để bày tỏ suy nghĩ của mình. (Sau khi Vũ Hùng qua đời, họa sĩ Vĩnh Nguyễn tiếp nối với “Tiếng Thông Reo”, hy sinh nhiều thời giờ, công sức để tạo một forum rộng rãi và đẹp đẽ cho cựu SVQGHC và thân hữu.  Many thanks to our Websmaster/Blogger!).  Trong mấy năm nay, cụm từ “nhạc vàng” đã được hầu hết những nhà sản xuất băng đĩa nhạc lớn nhỏ — kể cả nhà sản xuất mà một MC được nhiều người xem là chịu khó nghiên cứu — truyền thanh, truyền hình, sách báo trong và ngoài Việt Nam, thân Cộng cũng như chống Cộng sử dụng không dè dặt để chỉ nhạc tình cảm lãng mạn ở Miền Nam viết ra trước 1975.

Bài viết nói trên không còn trong files cũ. Quyển tự điển to lớn nặng ký đó cũng không tìm mua được ở Mỹ mặc dù tôi đã lên nhiều websites sách cũ (hình như nó cái tên khá dài, mà tôi còn nhớ mang máng:  Webster’s New World Dictionary of the American English, Desk/ Index Dictionay- De Luxe, trong đó có phân biệt các chữ dễ lẫn lộn chẳng hạn tool/instrument /equipment vv. đã khiến tôi cẩn thận hơn khi dùng tiếng Anh, nhất là những chữ mà người ta cho là đồng nghĩa.)  Với vài tài liệu hiện có trong nhà, tôi xin cống hiến thêm một ít chi tiết về “yellow journalism”.

Tự điển Webster’s NewWorld College Dictionary, Fourth Edition do Michael Agnes hiệu đính, Wiley Publushing, Inc. xuất bản năm 2008, trang 1659, cho biết “yellow journalism” xuất xứ từ việc dùng mực màu vàng, nhằm thu hút độc giả, để in bộ tranh hài hước từng kỳ (a comic strip) có tựa đề là “ TheYellow Kid” trên tờ báo The New York World năm 1895, và định nghĩa “báo chí vàng” như sau: “sự sử dụng những phương pháp giật gân hay bừa bãi một cách rẻ tiền trong báo chí, vv. để hấp dẫn hay ảnh hưởng độc giả” (the use of cheaply sensational or unscrupulous methods in newspapers, etc. to attract or influence readers).  Câu chuyện về “Khỉ Cà Mau” đăng trên báo Sài Gòn Mới  của bà Bút Trà hồi thập niên 1960 là một thí dụ điển hình về  “báo chí vàng” ở Miền Nam trước đây, mặc dù câu chuyện không in trên nền mực vàng!

The Encyclopedia Britannica (15th edition), Volume 12, trang 832 còn đưa thêm chi tiết là cụm từ này được chế ra (coined) để mô tả chiến thuật cạnh tranh bằng tin tức giật gân do tờ The New York World sử dụng để cạnh tranh với tờ The New York Journal, mãi sang đến đầu thế kỷ sau tờ The World mới thôi.

 Tóm lại, trong mấy chục năm liền kể từ khi còn ở Việt Nam, tôi vẫn tin yellow journalism là nguồn gốc của “nhạc vàng”, nhưng đôi khi thấy không ổn khi nghĩ nó cũng là nguồn gốc của “công đoàn vàng” vì đối với Hà Nội, những nghiệp đoàn Miền Nam, trong đó có Tổng Liên Đoàn Lao Công, đều được coi là “phản động” đáng bị trừng trị!  (Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và Trường Cao Đẳng Quốc Phòng còn được gọi là “phản động nhất”)

Khi tôi đặt giả thuyết là chữ “vàng” trong hai cụm từ “nhạc vàng” và “công đoàn vàng” (xin độc giả lưu ý là sau 1975 hai từ này thường đi chung) có thể xuất xứ từ cụm từ yellow journalism, thì một đồng môn vốn rời Saigon từ hồi tháng 4/75, đã ngạc nhiên buột miệng nói: “Cộng sản lại sophisticated (anh ta dùng tiếng Anh, tạm dịch lịch lãm, sành sỏi) đến thế à? Vậy mà tôi cứ tưởng … Người ta bảo họ gọi nhà bảo sanh là ‘xưởng đẻ’ đồng hồ có lịch ngày tháng là “đồng hồ có cửa sổ.” Đúng!  Sự thực là mấy anh bộ đội nhà quê thiếu từ dùng đã nói như thế.  Nhưng không phải tất cả “bên thắng cuộc” đều ngô nghê đâu! Tôi xin kể câu chuyện thật sau đây để độc giả suy gẫm.

Như nhiều độc giả biết, trại tù Cải Tạo Long Thành (Biên Hòa), mà lúc đầu nhà cầm quyền  gọi là Trường NV-15 ,  là nơi giam giữ hơn 3000 viên chức chế độ cũ,  phân ra 4 nhóm, ở trong nhiều dãy nhà  riêng biệt : Khối Cảnh Sát từ cấp Thiếu Tá trở lên; Khối Trung Ương Tình Báo từ Trung Cấp trở lên; Khối Đảng Phái từ cấp Tỉnh Hội trở lên; và Khối Dân Sự  gồm Hành Pháp (từ Phó Quận trở lên), Lập Pháp (Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ, Giám Đốc các văn phòng trực thuộc) và Tư Pháp (từ Biện Lý, Thẩm Phán trở lên).  Có thể đây là thành phần gạo cội (cream), trí thức của miền Nam. Một lệnh được đưa ra khi chúng tôi chưa bị khóa nhốt trong phòng với các máng vệ sinh:  Ban đêm ai muốn ra khỏi phòng để đi tiêu hay tiểu –cách phòng chừng 20-50 mét, thì phải hô to: “Báo cáo cán bộ, cho tôi đi ỉa.” hay “Báo cáo cán bộ, cho tôi đi đái.”  Xin quý độc giả thử nghĩ tới cảnh vị cựu Chủ Tịch Hạ Viện già nua, một cựu bác sĩ giám đốc bệnh viện lớn tuổi, một cựu thẩm phán tối cao pháp viện nghiêm nghị, vv. mà phải thốt lên các câu nói có mấy tiếng “ỉa, đái” như  vậy thì họ cảm thấy xấu hổ biết bao nhiêu!  Nhiều độc giả có thể nghĩ rằng tù và cai tù đều dùng ngôn ngữ giống nhau thì có gì là xấu hổ.

Sai, nếu quý vị nghĩ như thế!

Vì trại tù Long Thành là nơi giam giữ nhiều trí thức, chính trị gia “gạo cội” của Miền Nam (trong đó có cả cụ Vũ Hồng Khanh, từng làm Phó Chủ Tịch Nước dưới Hồ Chí Minh hồi 1945) cho nên Hà Nội thấy cần phải đưa bọn công an độc hiểm nhất của Miền Bắc vào cai quản để tìm mọi cách hạ nhục chúng tôi.  Thóa mạ, khinh bỉ chúng tôi bằng những nhóm từ “ngụy quân, ngụy quyền”, “cúc cung tận tụy”, “chó săn”, “ăn bơ thừa, sữa cặn” vv. họ chưa thấy đủ, họ còn buộc chúng tôi phải tự miệng mình thốt ra những tiếng “đái”, “ỉa” họ mới thấy hả dạ.  Dĩ nhiên, họ không dùng những tiếng “dơ bẩn” đó cho chính họ, mà dùng những tiếng “sạch sẽ “ hơn! Thật vậy, không lâu sau đó, khi tôi cùng vài bạn tù khác được lệnh ra khu doanh trại của đám cai tù để chạy dây điện, tôi đọc thấy những cái bảng viết rất đúng chính tả và dùng chữ cũng sạch hơn: “Chỗ tiêu”, “Chỗ tiểu”.  Đúng là ngôn ngữ cũng mang tính chất giai cấp. Hay nói rõ hơn, họ độc hiểm đến độ nhiều người trong chúng ta không nhìn ra nỗi!

Quyển tự điển nói trên (trang 1659) cũng định nghĩa yellow là cowardly (hèn); craven (nhát).  Một quyển tự điển lớn khác (Webster’s New Universal Unbridged Dictionary, Deluxe, Second Edition, 1985, trang 2118) định nghĩa yellow là cowardly (hèn); untrustworthy (không đáng tin cậy); lacking courage (thiếu can đảm).  Tôi cũng cảm thấy hiểu “nhạc vàng” và “công đoàn vàng” theo những định nghĩa này thì cũng còn đáng nghi ngờ.   Trong cả hai định nghĩa này, yellow được xem là một từ không trang trọng (informal, colloquialism).

Có thể nguồn gốc của những từ được xem là dịch này phát xuất từ châu Âu chăng? Quyển tự điển The Dictionary of Phrase and Fable xuất bản năm 1975, tr. 1317-18, cho biết như sau: “Ở  Pháp những cánh cửa của nhà những kẻ phản bội được sơn hay phủ giấy màu vàng. Trong vài quốc gia, luật bắt buộc người Do Thái phải mặc quần áo màu vàng, bởi vì họ đã phản bội Chúa.  Juda trong các bức tranh thời Trung Cổ mặc màu vàng.“ Ấn bản 1975 này là bản in lại từ ấn  bản được hiệu đính năm 1894 mà thủa đó đã bán đến 100.000 quyển.  Còn bản đầu tiên ra đời năm 1870.Tác giả là nhà biên khảo là Rev. E. Cobham Brewer, LL.D., vốn là một nhà giáo.

Theo thiển ý, hai chữ “nhạc vàng” và “công đoàn vàng” có thể xuất phát từ điển tích này. Nói rõ hơn: Màu vàng chỉ sự phản bội.  “Bên thắng cuộc” gọi chúng ta là những kẻ phản bội.  Chúng ta có nên tự nhận mình là những kẻ phản bội chăng?

Tóm lại, qua những giả thuyết trên, màu vàng được sử dụng để để nói xấu, để chê bai, để bài bác vv. chứ không có gì nên thơ (như lá vàng rơi!) hay phảng phất màu quốc kỳ VNCH cả như nhiều người đã nghĩ.  Trước 1975 ở Miền Nam, tuyệt đối không thấy hai cụm từ “nhạc vàng” và “công đoàn vàng.” Tiếc thay, tác giả của các nhóm từ “nhạc vàng” và “công đoàn vàng” có thể đã không còn sống nữa để cho biết mình dịch từ đâu. Nhiệm vụ lịch sử của các dịch giả đó đã hoàn thành tốt đẹp rồi!

Là kẻ bại trận trong một cuộc chiến tranh mà mình luôn nghĩ là mình có lý tưởng, biết rõ có chiến tuyến, thì cũng như nhiều bạn tù khác, tôi chấp nhận số phận hẩm hiu của mình: yếu nên thua, thua thì bị tù; ở tù thì bị khinh khi, hành hạ.  Đó là chuyện không có gì khó hiểu.

 Nhưng giờ đây, thật tình tôi cảm thấy không vui khi có nhiều người mà tôi thật tình nghĩ chỉ vì họ vô tâm, thiếu hiểu biết nên mới hân hoan đón nhận những thứ  độc hại mà “bên thắng cuộc”  đã khéo léo văn hoa sử dụng, rồi lại dùng phương tiện và uy tín sẵn có của mình mà ồn ào phổ biến cùng khắp qua các phương tiện truyền thông.  Khốn nỗi, độc giả và khán thính giả lại ngưỡng mộ và tin cậy họ.  Đó mới là điều nguy hiểm, rất đáng lo ngại. Xin mọi người hãy nghĩ lại! Nhưng thôi.  Đây cũng chỉ là một giả thuyết bên cạnh những giả thuyết khác!  Chứng minh đúng hay sai, xin tùy quý độc giả xét định.

Và trước khi chấm dứt mấy chuyện lạm bàn lẩm cẩm này, người viết thành thực xin quý độc giả thông cảm cho cái thói quen lắm lời và hay nhìn lỗi phải của ngưòi khác, một thói xấu dễ làm cho người khác khó chịu.  Xin quý vị tha thứ cho một nhà giáo vốn không được đào tạo chuyên nghiệp mà lại kiếm sống khá nhiều năm bằng cách “bán cháo phổi” từ khi còn học, và sau khi tốt nghiệp Cao Học (dạy Sử Địa ở Trung Học, kèm trẻ tại gia đủ thứ môn); dạy Kinh Tế ở vài Đại Học tư khi ở Mỹ về; đạp xe cọc cạch đi dạy Anh Văn trên khắp hang cùng ngõ hẻm ở Saigon sau khi ở tù 5 năm ra vv)!   Một lần nữa, xin quý vị lượng thứ.  Xin đa tạ!

Lê Văn Bỉnh

Virginia, Tháng 10 Năm 2017

Views: 695

Thời gian còn lại

Khánh Hà

Hãy trân trọng thời gian còn lại

Một ngày, một tuần hay bao lâu

Chẳng biết lúc nào thì khép lại

Bỏ lại sau lưng thế giới  sầu

 

Đáng lẽ ra cuộc đời quá đẹp

Trời sanh ai cũng có nụ cuời

Nếu tặng nhau mỗi lần gặp mặt

Là cho nhau một món quà vui

 

Trong thiên nhiên bao nhiêu kỳ thú

Từ đóa hoa nhỏ bé bên đuờng

Đến khí trời, núi non, sông biển

Và khoảng không mầu nhiệm khôn luờng

 

Chung quanh ta tràn đầy ân sủng

Nếu mở lòng cảm nhận tình thuơng

Không tham cầu si mê vọng tuởng

Thế giới ta cả một thiên đuởng

 

Khánh Hà

Views: 248

Ngôn Ngoại

Tâm Thanh

Tôi về Việt Nam ăn Tết, khi trở ra, gặp một chuyện trên máy bay, tới bây giờ vẫn còn lấy làm lạ. Tôi cũng hơi áy náy nữa, nên mong bà ngồi bên tôi chuyến đó, ghế số 27E, tình cờ đọc được bài này sẽ cho tôi biết tin bà có bình an không, mặc dầu khi chia tay, bà ra dấu hiệu ‘Cứ yên tâm’.

    Đầu tiên khi lên máy bay tôi đã thấy bà chiếm chỗ của tôi, 27D, mà ngủ li bì. Lạ thật, mới lên máy bay đã ngủ. Tôi không dám đánh thức vì thấy mặt bà co giật một cách khổ não, chỉ sợ đụng phải lỡ bà lăn đùng ra thì mang vạ. Đấy, cái gì tôi cũng cứ nói thật, xin bà bỏ qua. Cuối cùng, vì bị hành khách đi sau thúc quá, tôi đành bước qua người bà mà vào chỗ ngồi tạm. Trước khi máy bay chuyển bánh ra phi đạo để cất cánh, cô tiếp viên tới kiểm soát, thấy bà chưa cài dây an toàn, lại bảo tôi cài cho bà. Một sự lầm tưởng tai hại. Nhưng tôi không đủ lanh trí để cải chính một cách tế nhị, chẳng lẽ tự dưng tôi nói ‘bả không phải vợ tôi’? Vả lại, cài giùm cái dây có cần gì phải là vợ chồng? Tôi nghiêng qua người bà tìm mối dây bên kia, nghe nồng nực mùi dầu cù là. Tôi nín thở cài khóa, tiếng kim loại ăn khớp kêu crắc xác nhận là tôi đã làm chu đáo một nhiệm vụ nhỏ, nhưng có thể trở thành lớn, nếu nói dại có trục trặc gì xảy ra. Nhưng máy bay cất cánh an toàn. Khi đèn báo hiệu cho phép cởi dây an toàn, tôi cởi cho mình, rồi tần ngần nghĩ đã cài cho bà, thì tôi cũng nên cởi cho bà.

    – Ê! Làm gì kỳ vậy, cha già mắc dịch!

    ‘Chát!’ Bàn tay tôi bị bắt quả tang đang thò sang lòng bà. Tôi vừa giận vừa xấu hổ, ức quá mà không dám gây sự lại. Thôi thì phải tự an ủi là bà chưa ngoác mồm tuôn ra một tràng xỉ vả nặng hơn nữa, và còn may là hành khách chung quanh coi bộ không ai chú ý tới lời ‘vu cáo’ trắng trợn kia. Tôi đành im lặng chịu trận cho tới khi nghe bà nói trổng:

    – Mắc đái thấy mụ nội. Bao giờ máy bay mới ghé đổ nước, cho hành khách đi đái không biết?

    Được dịp ‘đáp lễ’ sự lỗ mãng của bà bằng sự đàng hoàng và kẻ cả của mình, tôi chỉ giùm làm phước:

    – Toilette ở trước mặt kia kìa, bà.

    Bà ngơ ngác nhìn lên rồi ngơ ngác nhìn lại tôi:

    – ‘Toa với lết’. ‘Lết’ đi đâu cha nội? Tui mắc đái xón ra quần bây giờ nè. Chạy te không kịp, ở đó mà ‘lết’.

    Tôi bỗng nhận ra bên cạnh tôi là một người đàn bà, mặt thuôn dài, lưỡng quyền cao, khá đẹp, nhưng quê như một cục đất. Tôi hết giận:

    – Bà có biết đọc … xa tới đằng kia nổi không?

    – Chữ ta thì đánh vần được chớ, sao không? Mắc cái chữ Tây ôn dịch gì đâu. Mà biển gì kẻ chữ bằng con kiến!

    – Bà khỏi cần đọc chữ cũng được. Lên đó, thấy có cái cửa nào có vẽ hình ông Tây với bà Đầm, thì bà vào mà … đái.

    Bà vừa nhổm dậy đã bị sợi đai trì lại, la to:

    – Ối chu cha! Con mẹ đứa nào nó cột eo ếch tui, tế mồ tế mả nhà nó!

    Tôi im thin thít, không dám tự thú nhận ‘tội ác’ của mình, chỉ giúp bà mở khóa

dây. Giữa lúc không hề dám mong đợi, tôi lại được bà ban cho một nụ cười tươi rói, và một giọng ỏn ẻn:

    – Té ra hồi nãy chú tính cởi trói cho tui hả? Không biết đứa mắc dịch nào đi tầu đi xe mà còn phá.

    Rồi bà lảo đảo đi lên cầu tiêu, lâu lắm mới thấy trở lại:

    – Không thấy nhà cầu đâu hết. Chú giắt tui đi được hôn?

    Tôi tính nói ‘bảo đảm bà không kiếm ra cái cầu cá tra trên máy bay đâu’, nhưng lại im lặng hướng dẫn bà lên cầu tiêu, mở một cửa trống chỉ cho bà vào. Bà ngạc nhiên:

    – Thì hồi nẫy người ta cũng chỉ cho tui cái tủ kín bưng như vầy. Có cầu kiều mẹ gì đâu?

    Đã trót thì trét, tôi kéo bà vào hẳn bên trong, chỉ cho bà cách ngồi cầu, xé giấy, cách bấm nút xối cầu, rửa tay bằng xà bông, và thoa nước thơm, đủ lễ bộ. Để chắc ăn, tôi bảo bà làm ơn thực tập thử cái thủ tục quan trọng nhất là nhấn vào cái nút xối cầu. Bà vừa thò tay nhấn nút, tiếng cống hút rồ lên như cọp táp gà con, bà ôm chầm lấy tôi la:

    – Trời đất thiên địa ơi! Con gì nó rống quá trời!

    Khi tôi để bà ở lại và đi ra, có một một cậu Việt Nam đứng chờ, nhìn một cách hóm hỉnh nói nhỏ:

    – Ông bà tình ghê!

    Câu này, chắc hôm đó bà không nghe đâu, nhỉ? Về chỗ, tôi vẫn ngồi vào cái ghế đã bị đổi, đầu tràn ngập những dấu hỏi về người đàn bà kỳ lạ. Bà đi với ai? Đi đâu? Làm gì? Khi bà trở lại, lò dò mãi không tìm thấy chỗ, tôi phải vẫy tay, kêu:

    – Bà ơi! Đằng này nè!

    Tôi nghe từ hàng ghế sau, phía bên trái có giọng đàn bà, tiếng Việt:

    – Ông già lấy được bà vợ đẹp, chỉ tội quê không để đâu hết.

    Bụng tôi thon thót theo mỗi bước chân của bà, chỉ lo ngại cho những cái đầu người ngồi dẫy bìa bị tay bà quơ phải, lỡ mà bà nhằm cái đầu tóc giả của một ông Tây mà vịn thì tôi phải tuyên bố ‘ly dị’ ngay tại chỗ. Nhưng tôi thở phào khi cuối cùng bà tới được chỗ ngồi bình an, gieo bàn tọa cái rầm, thả ra mùi ‘eau de Cologne’ pha lẫn mùi dầu cù là lổn ngổn.

    – Bà đi máy bay lần đầu?

    – Chớ lần mấy?

    – Bà đi đâu ạ?

    – Phần-lan.

    – Bà đi thăm bà con bên đó, chắc?

    – Bà con hồi nào? Theo chồng.

    – Ông nhà sang Phần-lan lâu chưa?

    – Chả người Phần-lan …

    Bà kể bà làm nghề chèo ghe đưa khách tại bến đò Vĩnh Long. Chở bạn hàng cũng có, mà sau này chở khách du lịch cũng có. Thường thì bà chậm chân, không tranh được mấy mối khách du lịch béo bở. Một hôm bà để ý có một ông khách Tây cứ ngồi uống cà phê đá mà nhìn bà cả buổi, ‘cái đầu xồm không nhúc nhích’ và ‘cái môi đỏ chót liếm lia’. Cuối cùng ông đứng lên ra bến, đưa tay gạt hết mấy thằng giành mối ra một bên, mà tiến thẳng lại ghe bà, chẳng nói chẳng rằng, bước xuống, và bà chèo ghe cho ông coi cảnh trên sông Cổ Chiên. Bà nói tiếp:

    – Tối về chả rút bóp ra một xấp tiền đô. Tui hổng dám lấy. Thằng chả xòe ra biểu lấy một ít cũng được. Nhưng chú tính coi – ai lấy kỳ vậy?

    Cô tiếp viên đưa khay ăn tới. Tôi giúp bà hạ bàn con xuống, chọn nước uống, và chỉ bà cách dùng mấy thứ lỉnh kỉnh như dao nĩa, khăn ăn v.v. Và tôi ngạc nhiên tại sao một người chèo đò nhà quê mà có bàn tay búp mang đẹp như vậy. Bà cầm dao ăn như cầm búa, nhưng ăn vén khéo và rất … bạo -so với các mệnh phụ phu nhân khác. Vẻ tự nhiên của bà và những món ăn hấp dẫn với rượu vang khiến tôi phấn chấn tinh thần. Tôi thấy đã đủ thân mật để nói đùa:

    – Bà không lấy tiền, chứng tỏ bà mê ông rồi?

    Bà cười khinh khích:

    – Mê cái mốc xì họ. Bộ ghe chùa sao? Tôi lấy cái tờ có vẽ số 1.

    – Sao bà không lấy tờ vẽ số 10 hay 20?

    – Lấy đủ công mình thôi chớ.

    – Rồi sau đó?

    – Sau đó hả? Mấy bữa sau, bữa nào chả cũng trở lại thuê ghe tui đi chơi lòng vòng… Rồi chả đòi lấy tui.

    – Ý! Chết mẹ người ta chưa!

    Dầu biết trước bà đang trên đường đi về nhà chồng, tôi buông ra một câu sững sờ như thế vì hồi kết cuộc tới một cách đột ngột quá. Không ngờ tiếng reo của tôi đã đậm đà giọng của bà, thốt ra mà thấy sướng cổ họng.  Nhưng thấy sau đó bà im bặt, tôi lại lo bà giận tôi lỗ mãng.

    – Xin lỗi nhé!

    – Lỗi gì?

    – Dạ, không.

    Tôi chờ đợi một câu truyện hấp dẫn, có đầu đuôi hơn. Tôi muốn biết buổi hẹn hò đầu tiên ở đâu? ông tỏ tình thế nào? tại sao bà biết ông thương mình thiệt? cái gì làm cho bà thích ông? ông làm nghề gì? có tổ chức đám cưới không? Nhưng bà không kể nữa, tiếp tục ăn món tráng miệng, khen ngon.

    Tôi uống sang ly Cognac thứ ba, nghe ra giọng nhừa nhựa của chính mình:

    – Dô! Dô! Mừng cho mối tình của bà! Đẹp thấy … mẹ!

    Bà nhìn tôi, cau mặt:

    – Ê! Chú hổng nên bắt chước tui ăn nói cái kiểu ẩu tả đó.

    Thế ra bà vẫn biết mình ăn nói khác thường. Tôi chữa:

    – Bà nói ngon lành hết xảy, chứ đâu có … ẩu tả.

    – Chú nói thiệt tình hay xí gạt tui?

    – Tui xí gạt bà làm mẹ gì? Bà là người tốt muốn chết.

    – Chú coi bộ cũng được, nên tui khuyên chú đừng bắt chước tui. Tui trót học thói xấu, không sửa được. Không muốn sửa. Thằng khốn nạn đó …

    Tôi ngạc nhiên, tại sao mới ‘thằng chả’ thân mật đã lên cấp ‘thằng khốn nạn’?

    – Bà nói ai … khốn nạn?

    – Thằng chồng của má tui.

    – ‘Chồng của má’, tức thị là cha ?

    – Cha ghẻ tui đó. Mà tui có kêu chả bằng cha đâu.

    – Sao vậy?

    – Nó nhậu say rồi đánh đập mẹ tui tối ngày. Một hôm nó định giở trò súc vật  với tui, mẹ tui bắt gặp, nó đánh mẹ tui bất tỉnh nhơn sự, tui quơ con dao yếm, huơ cho nó ớn mà giang ra, ai dè nó tự lao thây vào lãnh dao, chết ngắt. Đúng là số chả chết. Bị thần Lưu Linh vật. Tui .. tui không cố ý. Ông ta cũng thông cảm cho tui như vậy. Tui chỉ bị ba năm cải tạo. Lúc má tui đau nặng, người ta lại thả cho về sớm gần năm để nuôi bả.

    Bà ngưng kể, khóc. Tôi im lặng để bà khóc tự nhiên, nhưng thấy bà khóc mãi, tôi an ủi:

    – Việc đã qua rồi. Bà đừng buồn nữa.

    Bà mủi lòng, khóc mùi hơn:

    – Tui nhớ má tui với thằng Mẫn quá. Tui bỏ đi thiệt là tệ. Không ai coi chừng má tui với nó hết trơn.

    – Thằng Mẫn là ai?

    –  Nó là em cùng mẹ khác cha với tui. Nó bị tàn tật, què giò.

    – Cha em là ai?

    – Thằng chồng mắc toi của mẹ tui, chứ ai?

    Tôi quay nhìn khuôn mặt hiền lành đẫm nước mắt và nghĩ có lẽ chính khuôn mặt này đã làm cho các quan tòa giảm khinh cho bà tội vô ý giết người. Phải tay tôi, đã cho bà trắng án. Rồi như bấm nút, bà nín bặt, chùi nước mắt, nói ráo hoảnh:

    – Bảy năm cãi lộn với thằng cha ghẻ và hai năm cải tạo, hết thảy chín năm, tui quen ăn nói ba trợn. Sửa lại thấy … miệng lạt nhách.

    Bà nói xong than:

    – Tui mắc ói quá. Trước khi lên máy bay đã uống ba viên thuốc, mà còn mắc ói.

    – Hèn gì bà vừa lên máy bay đã ngủ li bì.

    Tôi vừa kịp banh cái bao ói thì bà ọc ra. Bà lại lấy dầu cù là ra xức. Cái nồng nàn của những chuyến đò đêm, cái ngất ngưởng của những chuyến xe đò trưa nắng, cái bệnh viện lưu động đó, dầu cù là con hổ. Hai mươi năm mới gặp lại, gặp lại vẫn nồng. Tôi bật ghế cho bà nằm nghỉ. Tôi cũng ngả người, nhắm mắt, suy nghĩ miên man về câu truyện của bà. Thỉnh thoảng tôi hé mắt, thấy bà chăm chú coi phim trên bàn ảnh truyền hình. Tôi chỉ cho bà đeo ống nghe. Tay chạm phải bộ tóc thật rậm, khỏe mạnh.

    Không biết máy bay đã bay tới đâu và mấy giờ ở dưới mặt đất. Tôi có cảm tưởng thời gian và không gian như đọng lại ở một nơi xa lạ, không liên quan tới trái đất. Nhưng tôi vẫn tưởng tượng dưới đó hàng mấy tỉ người đang lao xao cười, khóc, nói thật và nói dối, thông cảm và ngộ nhận, bằng nhiều thứ ngôn ngữ, chân ngôn xen lẫn ngụy ngôn.

    Tôi thức giấc đã nghe nhiều người rục rịch. Bà đã bật ghế thẳng, ngồi đan áo, tôi hỏi:

    – Bà không ngủ?

    – Ngủ mẹ gì được. Vừa chợp mắt đã nghe tiếng gà gáy.

    Tôi ngạc nhiên:

    – Trên máy bay, làm gì có gà kìa?

    Bà không do dự:

    – Chắc nó gáy trong đầu tui. Bị ở nhà quê, nghe gà gáy riết, quen đi, cứ gần hừng sáng là nghe gà gáy trong tai.

    Hình như bà giao tiếp với thế giới bên ngoài bằng trực giác. Thuần trực giác. Tôi chắc người đàn ông gặp bà trên bến đò Vĩnh Long cũng có trực giác rất mạnh. Tôi thích nghe tiếp câu truyện về họ.

    – Tại sao ông không về Việt Nam … rước dâu?

    – Chú đừng kiêu ngạo tui… Chả đòi sang đó chớ. Nhưng tui không cho. Tui nói dìa chi tốn tiền. Tui xin món tiền đó cho thằng Mẫn ăn học, chả bằng lòng, gởi tiền dìa rồi.

    Khi bà dẹp len và kim đan để chuẩn bị ăn điểm tâm, tôi hỏi:

    – Bà đan áo cho ông?

    – Bển nghe nói lạnh lắm.

    Chúng tôi ăn xong, máy bay qua một vùng ‘ổ gà trời’, hổng lên hổng xuống. Đèn báo nhắc cài dây an toàn. Lần này tôi chỉ cho bà cái khóa. Hành khách đi máy bay gặp những báo hiệu cài dây thế nào cũng ít nhiều lo lắng. Rủi ro, ai biết? Loa phóng thanh loan báo có bão, nhưng hành khách có thể yên tâm. Tôi lòn tay dưới gầm ghế, lấy cái phao cấp cứu. Bà hỏi:

    – Cái gì vậy?

    – Cái phao cấp cứu. Tôi chỉ kiểm soát xem nó có đó không, để mình yên tâm.

    – Tui đi sông đi nước hai chục năm trời, chẳng phao phiếc gì, cũng chẳng chết. Hôm đầu thằng chả xuống ghe cũng bày đặt hỏi phao, tui nói không cần, chả cũng chịu. Riết rồi chả nói đi ghe với tui mà không mang phao mới thích.

    Bà không lộ một thoáng lo âu nào. Tôi có cảm tưởng người đàn bà này bay trên 10 ngàn bộ cao mà tưởng mình đang bơi xuồng trên sông Cổ Chiên, xuồng lật, chỉ việc nhào xuống nước bơi. Tôi cất phao trở lại chỗ cũ, hỏi:

    – Bà có chắc ông sẽ ra đón không?

    – Tui chắc mà. Tui biết ai là người tin được. Tui biết thằng cha này không bao giờ nói xạo.

    Tôi nhớ một sự tích trong Tân ước: Một hôm thuyền của các môn đệ gặp sóng gió, Chúa Giêsu đi trên mặt nước ra với họ, nhưng họ càng sợ hơn vì tưởng là ma. Chúa nói ‘Thày đây, đừng sợ’. Đại môn đệ Phêrô mừng quá nói ‘Nếu là Thày thì xin cho con đi trên mặt nước đến với Thày’. Chúa phán ‘Con lại đây!’ Phêrô bước xuống, đi trên mặt nước, được mấy bước, thấy sóng to quá, ông đâm hoảng, và chìm xuống, Chúa phải đưa tay ra đỡ lên thuyền. Ngài trách yêu ‘Cái đồ yếu lòng tin!’

    Tôi cảm phục lòng tin của bà lắm, bà ạ: Bà bước thẳng lên mây đến với chồng. Tôi nghĩ mọi người trên chuyến bay này đều biết trước về cuộc hành trình, và biết điểm tới. Chỉ có bà nhắm mắt mà bước lên mây, không biết điểm tới nằm chỗ nào trên mặt đất. Bà đi tới với chồng, chứ không đi tới một nơi nào cả. Không một giây hồ nghi. Câu hỏi ‘Liệu ông chồng có tới đón không?’ chỉ bám vào đầu tôi, một con người thường thấy quá nhiều sóng lớn trên biển đời, lòng tin thường bị nhận chìm, đến nỗi mỗi bước đi về sau trở thành một dấu hỏi.

    Tôi phải chờ bảy tiếng đồng hồ tại Copenhagen để được chuyển máy bay đi Oslo. Lịch trình bay đã ghi như vậy từ đầu. Còn bà, theo lịch trình lẽ ra chỉ phải chờ ba tiếng để chuyển máy bay, nhưng vì trục trặc đình công sao đó, phải thêm hai tiếng trễ nải. Chính hai tiếng trễ nải này khiến cho tôi lo ngại giùm bà. Tôi đề nghị:

    – Bà nên báo cho chồng bà biết máy bay trễ.

    – Chả biết mà … Cái gì chả cũng biết hết đó.

    ‘Cái gì chả cũng biết’, đã tin ắng đi như vậy, thì thôi, kệ bà. Tôi hướng dẫn bà  đi coi các gian hàng trong sân bay. Bà bị kích thích mạnh vì vẻ choáng lệ và đồ vật bày trong các cửa hiệu. Bà trầm trồ, reo vui. Tôi hỏi bà có định mua cái gì làm quà cho chồng không, vì đồ ở đây miễn thuế, rẻ hơn ở ngoài, bà nói:

    – Tui mang theo nhiều đồ lắm, khỏi cần mua. Chú đừng cười nghe, tôi may ba bộ birama, kho một nồi tôm, và mua năm ký bánh phòng tôm, hai ký kẹo dừa. Nghe nói mấy thứ này ở bên tây không có. Mèn ơi! Tây u gì mà nó thích ăn tôm kho tầu gì đâu …

    Đi với bà, tôi có cái vui thích như đi bên cạnh một đứa trẻ tò mò. Trẻ ngoan nữa, vì bà từ chối khi tôi đề nghị mua tặng một cái máy sấy tóc mà bà rất thích.

    – Ai lại để chú mua, kỳ chết. Để chả mua cho tui, nếu tui còn thích.

    Theo tôi, bà có một bộ tóc mây quá đẹp. Tôi hy vọng ông chồng sẽ thuyết phục được bà đừng uốn tóc. Tôi thăm dò:

    – Tóc bà để tự nhiên như thế đẹp hơn.

    – Biết đâu thằng chả.

    ‘Biết đâu thằng chả’, thế là cả nhan sắc bà cũng giao cho ông luôn.

    – Hèn gì.

    – Chú lẩm bẩm cái gì?

    – Dạ, không. À, tôi định nói con gấu bông kia nhỏ bé quá, hèn gì ai cũng muốn bồng.

    Tuy nhiên, bà càng tin tưởng, phó thác một cách ngây thơ, đầu óc đầy sạn của tôi càng nghi ngại. Rủi chồng bà không tới, bà sẽ xoay xở ra sao ở nơi xa lạ? Khi đi qua một trạm điện thoại, tôi đề nghị:

    – Bà nên điện thoại cho ông báo tin báy bay trễ, để ông khỏi lo.

    Bà ngẫm nghĩ, rồi trả lời:

    – Chú nói có lý. Nhưng làm sao ra nhà dây thép gió bây giờ?

    Tôi lấy cái thẻ nhựa của tôi tra vào máy điện thoại, và quay số bà ghi trong một tờ giấy nhét cẩn thận trong bóp. Chuông điện thoại reo. Bỗng tôi ngại ngùng, có thể nào người đàn ông nghe tiếng tôi ở đầu dây bên này, biết tôi đứng bên cạnh vợ ông và đâm ghen không. Tôi vội trao máy cho bà trước khi đầu dây bên kia trả lời. Tôi nghe bà la oang oang bằng tiếng Việt :

    – Ê! Ông Ron đó hả! Ê ông có nghe không, Ron, Ron, Ron?!

    Bà nói liên hồi, xăng xái. Bà bụm bàn tay trước ống nói mà hét lên, cũng không có tiếng trả lời. Tôi nhớ chúng ta thử lại nhiều lần, bà nhỉ. Nhưng không ai trả lời. Tôi an ủi:

    – Có lẽ ông đã đi đón bà, và đang chờ ngoài phi trường.

    Sắp tới giờ bà phải lên máy bay, tôi cần được giải đáp vấn nạn lớn nhất rằng tại sao một con người ăn nói mộc mạc như bà lại có thể làm cho một người đàn ông lạ say mê cưới làm vợ. Và, mặc dầu bà thường kể ‘chả biểu, chả nói’, nhưng nói bằng ngôn ngữ gì? Suốt cuộc hành trình, tôi biết bà không hiểu một chữ tiếng Tây tiếng Mỹ, làm cách nào ông bà hiểu nhau, hiểu một cách thâm sâu như thế? Cụ thể nhất là có thiệt ông hẹn bà sang Phần-lan chuyến này? Và có chắc tất cả mọi truyện không bắt đầu từ một sự … hiểu lầm nào đó do bất đồng ngôn ngữ? Tôi hắng giặng hỏi:

    – Tôi hỏi không phải, ông bà nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt hay tiếng Phần-lan?

    Bà xăng xái:

    – Tiếng Việt mình, thằng chả có hiểu con mẹ gì.  Còn cái tiếng quỉ tiếng ma gì của chả, tui cũng đách hiểu.

    Cũng hay. Nhờ không biết tiếng Việt, ông khỏi cần hiểu ‘con mẹ’ với ‘cái đách’ là gì. Có lẽ chỉ cần hiểu gật đầu là ‘có’ và lắc đầu là ‘không’ , hai tín hiệu mà nếu thông suốt, minh bạch, con người đỡ được bao nhiêu phiền trược trong cái biên giới u minh nửa không, nửa có, của ngôn ngữ. Tôi nghe nói bộ óc điện toán cũng chỉ biết ‘gật đầu’ và ‘lắc đầu’. Phương chi, con người, không phải chỉ có bộ óc, mà còn trái tim kỳ diệu. Điều này làm cho tôi, khi tiếng loa mời hành khách đi Helsinki vang lên, cảm thấy bớt áy náy. Cái gì làm cho một người đàn ông từ Helsinki sang tận bến đò Vĩnh Long gặp bà, thì cũng đang hướng dẫn bà từ Vĩnh Long sang Helsinki bình an.

    Bà le te ra cổng số 39, tươm tất trong cái áo vét xanh đậm và quần tây thẳng nếp. Tôi đứng ngoài, bịn rịn nhìn theo, bà quay lại vẫy tay. Cái vẫy tay cũng không giống ai, bàn tay đưa ngang vai, lòng úp xuống, ngón tay phẩy phẩy ra phía ngoài, như giục tôi cứ đi đi. Cứ yên tâm.

Tâm Thanh

Views: 772