Nghẹn Ngào Gió Muối

Trần Văn Lương 

Dạo:

Dập dồn gió muối biển khơi,

Trên môi mặn chát lệ người xa quê.

Nghẹn Ngào Gió Muối

 Chiều ngắc ngoải, nắng chuồi trơn tuột,

Tháng Tư về giá buốt hồn câm.

Mây loang đáy nước tím bầm,

Trùng dương vẳng tiếng khóc thầm gọi nhau.

 

Manh áo cũ đượm màu gió muối,

Người tần ngần, tiếc nuối bâng quơ,

Mắt nhìn quanh quẩn ngẩn ngơ,

Thương bầy sóng nhỏ lên bờ phơi thây.

 

Buồn ngẫm lại từ ngày mất nước,

Biết bao người cất bước ra khơi,

Trời không cho được tới nơi,

Đành cam đáy biển ngậm cười xót xa.

 

Thân may mắn vượt qua bão tố,

Cuối cùng đà đến chỗ bình an.

Dù xa cách vạn quan san,

Vẫn nghe đòi đoạn ruột gan sớm chiều.

 

Kể từ lúc đánh liều tránh loạn,

Giữ lời thề tỵ nạn sắt son,

Bao lâu lũ giặc vẫn còn,

Thì đành đất khách mỏi mòn lất lây.

 

Quê hương cũ giờ đây xa lạ,

Người dần quên hết cả cội nguồn,

Tập tành rặt thói con buôn,

Bày mưu tính kế lách luồn lừa nhau.

 

Đất nước đã do Tàu làm chủ,

Chỉ bạo quyền no đủ giàu sang,

Mặc dân đói khổ trăm đàng,

Hằng mong chóng được nhẹ nhàng xuôi tay.

 

Biển quê mẹ nay đầy xác cá,

Thay xác người vốn rã từ lâu.

Bốn mươi năm lẻ bể dâu,

Biết bao nhiêu nước dưới cầu đã qua.

                             *

                       *          *

Hạnh phúc vẫn còn xa hun hút,

Dù mong chờ từng phút từng giây.

Run run bóc tấm lịch dày,

Mơ trong tuyệt vọng ngày xoay cơ trời.

 

 Chữ Quốc Hận ngàn đời mãi nhớ,

 Nợ máu này muôn thuở nào quên,

Dân Nam kiếp nạn triền miên,

Vừa ngơi khói lửa, đã liền cùm gông.

 

Bao ước vọng, mười không được một,

Mượn tiếng cười gượng đốt cơn đau.

Bạn bè đầu trắng phau phau,

Gặp nhau chỉ lúc tiễn nhau về trời.

 

Định mệnh chẳng thương người dân Việt,

Để giặc thù giết chết non sông.

Tháng Tư đến, mắt cay nồng,

Chừng nghe tiếng gió biển Đông triệu hồn.

 

 Nhìn sóng nước, bồn chồn ngơ ngác,

Chợt thấy mình chẳng khác u linh,

Ngày ngày câm điếc lặng thinh,

Khập khà khập khiễng một mình lang thang.

 

Chỉ còn lá Cờ Vàng ấp ủ,

Năm canh ru giấc ngủ tật nguyền,

Chập chờn nửa tỉnh nửa điên,

Con tim vất vưởng tận miền xa xôi.

                            *

                     *            *

Nghe mặn chát bờ môi nứt nẻ,

Phải chăng là lệ kẻ ly hương,

Hay là gió muối trùng dương,

Về khơi lại nỗi nhớ thương một đời?

Trần Văn Lương

Cali, đầu mùa Quốc Hận 2018

Visits: 160

Đôi Dòng Nhắn Muộn

Trần Văn Lương

Dạo:

Chào đời chẳng một ai hay,

Ra đi cũng muốn xuôi tay âm thầm.

Đôi Dòng Nhắn Muộn

Khi hay tin tôi mất, bạn hiền ơi,

Đừng phí sức tìm đến nơi thăm viếng,

Vì khi bạn lỡ tình cờ nghe tiếng,

Xác thân tôi tan biến đã lâu rồi.

 

Tôi biết mình sống chết cũng thế thôi,

Chẳng ai có rỗi hơi mà thương tiếc.

Ngày tôi đến với đời, không ai biết,

Thì ra đi chẳng thiết để người hay,

 

Nên dặn dò con cháu bấy lâu nay,

Khi tôi phải xuôi tay nằm đâu đó,

Đừng bày vẽ báo tin, đăng cáo phó,

Khiến bạn bè phải tỏ vẻ buồn đau,

 

Đánh đàng xa vất vả viếng tang nhau,

Có đáng sá gì đâu thằng tôi đó.

Tôi đã sống một đời như cây cỏ,

Có chết đi, cũng chẳng bõ công buồn.

 

Hãy xem tôi như là một tiếng chuông,

Trong giây phút chợt buông rồi lịm tắt.

Đừng nhọc lòng thắc mắc,

Chuyện tôi vừa có mặt ở trần gian.

 

Mấy mươi năm hưởng tuổi thọ trời ban,

Sống nhếch nhác, hoàn toàn vô tích sự.

Học đòi đôi ba chữ,

Chẳng ích gì cho xứ sở quê hương.

 

Hơn nửa kiếp tha phương,

Lang thang phường giá áo.

Phất phơ mãi, chẳng làm nên cơm cháo,

Chỉ ngày ngày ngơ ngáo ngóng trời xa.

 

Chưa một lần báo hiếu được mẹ cha,

Anh em cũng tựa hoa trôi dòng nước.

Ân trọng nghĩa sâu, chửa đền đáp được,

Càng sống lâu, càng rước lắm nợ nần.

 

Tết đến đã bao lần,

Vẫn mãi đợi mùa Xuân trên đất mẹ.

Tim cằn cỗi chỉ còn dăm giọt lệ,

Vắt thành câu kể lể nỗi đoạn trường.

 

Tính khật khùng, chẳng có mấy người thương,

Kẻ ghét bỏ, đầy đường không đếm xuể.

Lòng thầm luôn biết thế,

Nên lìa đời chẳng dám để ai hay.

 

Tôi muốn lúc chia tay,

Cũng giản dị như ngày rời bụng mẹ,

Chỉ có mặt vài người thân lặng lẽ,

Buồn hay vui cũng thế, giữ trong nhà.

 

Cuộc sống đà đầy ắp chuyện xót xa,

Tôi không muốn trò tang ma lịu địu,

Thành gánh nặng cháu con mình phải chịu,

Khiến chúng càng thêm bận bịu lôi thôi.

*****

Nếu tình cờ nghe tôi mất, bạn ơi,

Hãy phớt tỉnh, đừng phí lời thương tiếc,

Đừng vớ vẩn thốt lên câu vĩnh biệt,

Hoặc băn khoăn vì biết quá muộn màng.

 

Đừng hoài công sục sạo các nghĩa trang,

Đất nhân loại càng ngày càng khan hiếm.

Cũng đừng kiếm xương tàn tôi dưới biển,

Tôi dám nào làm ô nhiễm trùng khơi.

 

Nếu thương tôi, xin bạn hãy cười tươi,

Châm điếu thuốc, phà hơi theo làn gió,

Rồi nheo mắt, thở phào và nói nhỏ:

– Cuối cùng thằng khỉ đó cũng ra đi!

Trần Văn Lương (CH8)
Cali, 3/2018

Visits: 181

Thư Viện Thomas Jefferson và Phòng Đọc Sách Tiếng Việt

GS Cao Thị Lễ

Thư viện Thomas Jefferson là một trong hệ thống 23 thư viện của quận Fairfax. Thư viện tọa lạc tại số 7415 Arlington Blvd., Falls Church, VA 22042-7499. Thư viện vừa được tân trang cách đây vài năm, cơ sở khang trang, sáng sủa, thiết bị tân kỳ , nằm trong khu vực có nhiều người Việt sinh sống. Ngoài ra, thư viện có Phòng Đọc Sách Tiếng Việt với trên 4,600 sách đủ loại. Đây là thư viện có nhiều sách tiếng Việt nhất của quận. Đó là nhờ sự hợp tác của Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh (Hội CSVQGHC) và Hội Ái Hữu Quảng Đà  kể từ năm 2005 đến nay.

Sự Đóng Góp của Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh

Trước năm 2005, Thư Viện mua sách tiếng Việt từ vài nhà xuất bản ở California. Đa số là sách giải trí và số sách tiếng Việt ở thư viện rất hạn chế .

Vào tháng 12 năm 2005, Hội CSVQGHC và Hội Quảng Đà thành lập Ủy Ban Hỗ Trợ Sách Tiếng Việt cho Thư Viện Thomas Jefferson (Ủy Ban). Với sự hưởng ứng nồng nhiệt của đồng hương trong vùng, Ủy Ban đã trao tặng cho Thư Viện khoảng 3000 quyển sách tiếng Việt đủ thể loại. Điểm đặc biệt là nhờ vùng Hoa Thịnh Đốn và Phụ Cận là nơi tập trung các học giả, các văn thi sĩ nên đã được các vị nầy tặng nhiều quyển sách có giá trị văn học và biên khảo rất cao. Ngoài ra với sự ủng hộ tài chánh của một số hội viên, Hội cũng có một ngân sách khiêm tốn nhưng cũng đủ để mua hầu hết những sách mới xuất bản tại Hoa Kỳ .

Trong 12 năm nay, Ủy Ban thu góp được trên 5000 quyển sách. Ủy Ban chỉ chọn lọc được gần 3000  quyễn( 2523 tittles, 2964 copies)  phù hợp với văn hóa và tinh thần quốc gia dân tộc. Sau khi chọn xong, Ủy Ban phải  lập phiếu phân loại, tóm lược nội dung trước khi chuyển đến thư viện. Công tác nầy đòi hỏi rất nhiều thời giờ và thiện chí của các thành viên trong Ủy Ban .

Số sách tặng cho Thư viện rất phong phú gồm đủ thể loại. Sách giải trí gồm kiếm hiệp, truyện cổ Trung Quốc, tiểu thuyết ngắn, dài ,đủ loại, rất nhiều sách của Tự Lực Văn Đoàn và các văn thi sĩ nổi tiếng  trước 1945, từ 1945 đến 1975,  và sách xuất bản tại hải ngoại sau 1975. Đặc biệt là có rất nhiều sách về lịch sử, văn học, phong tục tập quán Việt Nam,  rất nhiều sách về chiến tranh Việt Nam, về cuộc xâm chiếm của Cộng Sản vào năm 1975 do các tướng lãnh và các phóng viên chiến trường viết lại. Ngoài ra có rất nhiều sách về tù cải tạo, vượt biên , về cuộc sống cơ cực của đồng bào quốc nội và sự phản tỉnh của một số cán bộ Cộng Sản. Hầu hết các sách có giá trị xuất bản  tại Virginia  hay California  Hội đều mua và đưa vào thư viện.  Có một số sách về chiến tranh Việt Nam viết bằng tiếng Anh rất hữu ích cho giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại muốn tìm hiểu về đất nước của mình. Tóm lại số sách tiếng Việt tại Thư Viện Thomas Jefferson rất phong phú và đa dạng, phù hợp cho mọi người và rất hữu ích cho các nhu cầu tìm hiểu, biên khảo, nghiên cứu ngoài nhu cầu giải trí. Hội sẽ đăng vào web-site (quocgiahanhchanhmd.com) Bảng Liệt Kê của các sách đã tặng cho Thư Viện với đầy đủ chi tiết: tên sách, tên tác giả vv…

Số sách do Ủy Ban Yểm Trợ tặng còn được phân phối cho hai thư viện khác nếu dư ra (nếu 3 bản thì bản thứ 2 và thứ 3 sẽ được tặng cho Thư Viện Woodrow Wilson ở Culmore, Falls Church  và George Mason  ở Annandale.

Thủ tục mượn sách 

Tại mỗi thư viện có một đội ngũ nhân viên chuyên môn giúp tìm sách tại chỗ,  trực tiếp trên các quầy sách  hay  qua máy vi tính. Tại Thư Viện Thomas Jefferson có nhiều nhân viên Việt Nam có thể hướng dẫn các bạn trong việc tìm và mượn sách.  Ngoài ra các bạn  có thể tìm sách, mượn sách, gia hạn  qua máy vi tính tại nhà mà không cần đến thư viện.

Web-site của Hệ Thống Thư Viện của Fairfax là: www.fairfaxcounty.gov/library. Nếu muốn tìm sách thì chọn “Catalog” trên web-site này.

Với “Dịch vụ mượn sách liên thư viện”, nếu thư viện gần nhà các bạn không có quyển sách bạn cần đọc, các bạn có thể đăng ký “đặt sách” (reserve) với thư viện gần nhà. Sách sẽ được chuyển ngay  đến thư viện của các bạn khi có  và sau khi đọc xong các bạn có thể đem trả tại thư viện gần nhà .

Theo Bản Tin của Hệ Thống Thư Viện:

  • Bạn có thể xin thẻ thư viện miễn phí tại các chi nhánh thư viện hay trên web-site thư viện. Để xin thẻ , bạn cần có ID hợp lệ, chứng minh là cư dân của quận Fairfax. Nếu không phải là  cư dân Fairfax, lệ phí là $27/năm. Ngoài sách tiếng Việt, Hệ Thống Thư Viện quận Fairfax còn có bộ sưu tập hai triệu hạng mục bao gồm sách, báo, tạp chí  xuất bản định kỳ và phương tiện kỹ thuật số bao gồm eBook bằng tiếng Anh .
  • Với thẻ thư viện , các bạn có thể mượn tài liệu từ 23 chi nhánh thư viện trong toàn quận Fairfax và tải về eBooks, eMagazine và eAudiobooks miễn phí. Ngoài ra, thẻ Thư viện còn cho phép các bạn truy cập vào các nguồn thông tin trực tuyến để nghiên cứu sâu hơn về kinh doanh, học thuật, y học, văn học, giải trí, tin tức, sức khỏe và tài chính .
  • Thời gian mượn sách là 3 tuần và được gia hạn 3 lần trừ khi sách được giữ chổ (on hold) cho khách hàng khác. Tài liệu điện tử (eBooks, eVideos và eAudiobooks) có thể mượn trong vòng 7, 14 hoặc 21 ngày và có thể mượn lại, nếu không được giữ (on hold) cho khách hàng khác
  • Tại thư viện Thomas Jefferson, số sách tiếng Việt được mượn hàng tuần trung bình là 250 quyển.

GS Cao Thị Lễ

Visits: 450

Ở Hiền Gặp Lành

Bửu Uyển

Từ lúc còn học Trung học, tôi đã thích nghề dạy học, thích được tiếp xúc, gần gũi với các em học sinh. Nhưng số phận lại không cho tôi đậu vào trường Sư Phạm, mà lại đậu vào trường Quốc Gia Hành Chánh.

            Sự  yêu thích nghề dạy học cứ theo  đuổi tôi , ngay cả khi tôi đã là một viên chức hành chánh.Năm 1967, tôi được bổ nhiệm làm Phó Quận Trưởng quận Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Sự yêu thích được dạy học đã thúc đẩy tôi làm đơn gởi đến Ty Giáo Dục tỉnh Thừa Thiên, sau khi được sự chấp thuận của Trung Tá Quận Trưởng.  Ty Giáo Dục Thừa Thiên đã đồng hóa văn bằng Tốt Nghiệp Quốc Gia Hành Chánh của tôi với văn bằng Cử Nhân. Và họ sắp xếp cho tôi dạy Công Dân Giáo Dục lớp Đệ Tứ và Quốc Văn lớp Đệ Ngũ tại trường Trung Học Phú Lộc. Tôi thỏa mãn với ước nguyện của mình là được sống và sinh hoạt với các em học sinh tươi trẻ . Tôi chăm chỉ giảng dạy và rất thương mến các em. Số học sinh của tôi vào khoảng 5, 6 chục em, cả nam lẫn nữ. Trong số các nam sinh lớp Đệ Tứ, tôi mến em Liêm nhất. Em thông minh, tánh tình hiền hòa, các bạn trong lớp ai cũng mến em.

            Một hôm, khi đi quan sát ở ấp Hòa Mậu, thuộc xã Lộc Trì, tình cờ tôi gặp em Liêm. Em sống chung với cha mẹ nơi đó và là đứa con duy nhất của gia đình. Liêm vui vẻ mời tôi ghé thăm gia đình em. Đây là một gia đình quá nghèo, nhà cửa rách nát , xiêu vẹo. Cha mẹ em trồng khoai  sắn quanh nhà , và chỉ  đi làm thuê, làm mướn cho những gia đình khá giả trong làng, chứ không có công việc làm  ổn định.  Tôi thành thật nói với Ông Sửu, cha của cháu Liêm: ” Thưa bác, nếu bây giờ bác có chút ít tiền, bác làm gì để  cải thiện cuộc sống của gia đình và nhất là giúp cho em Liêm được tiếp tục ăn học?” Ông Sửu trầm ngâm một chút , rồi nói : ” Thưa thầy, nếu tôi có ít tiền, tôi sẽ mua lại 2 sào ruộng ở gần nhà đây để canh tác, có thể sống được. Hai sào ruộng đó đã bị bỏ hoang từ mấy năm nay…” Sau đó, tôi đã nhờ ông Xã Trưởng liên lạc với chủ ruộng, mua lại phần đất ấy , rồi giao cho gia đình ông Sửu canh tác.

            Từ khi có hai sào ruộng để cày cấy, gia đình ông Sửu bắt đầu có cuộc sống tương đối đầy đủ, không còn thiếu thốn như trước nữa.

            Vào một ngày Chúa Nhật, vợ chồng tôi đi thăm một trại chăn nuôi heo và gà của Thầy Tứ ở Nam Giao. Thấy những con heo, giống Durock, da màu vàng, vừa lạ mắt vừa dễ thương. Tôi bèn nghĩ đến gia đình em Liêm, nên mua 2 con heo con, một cái, một đực, mang biếu gia đình ông Sửu. Ông Bà mừng rỡ và chăm sóc kỹ lưỡng lắm , nên heo chóng lớn.  Chỉ chín, mười tháng sau, ông Sửu khoe là heo đã gần 100kí.  Ông Sửu gầy giống cho heo đẻ. Lứa đầu tiên, heo đẻ được 7 con. Trong làng chưa ai có giống heo này, nên nhiều người hỏi mua, ông không bán. Nhưng sau thấy được giá, ông bán bớt 5 con, còn để lại 2 con tiếp tục nuôi gầy giống. Riêng con heo đực, bà con trong làng xin phối giống, ông cũng thu được khá nhiều tiền.

            Trong những ngày gần Tết Đinh Mùi, khi vào lớp học, tôi thấy nhiều em học sinh đã mặc áo quần mới. Nhưng em Liêm vẫn mặc áo quần bình thường như mọi ngày.

            Nhân dịp cuối tuần, vợ chồng chúng tôi qua chợ Đông Ba mua cho Liêm một bộ áo quần mới,   áo “sơ mi” trắng, quần dài màu xanh đậm. Hôm sau, tôi đem bộ áo quần mới  này tặng cho Liêm. Em mặc vừa vặn, nét mặt vui mừng , hớn hở. Ông Sửu cảm động nói : ” Cháu Liêm năm nay đã 15 tuổi, đây là lần đầu tiên cháu có một bộ áo quần mới nhân dịp Tết sắp đến, không biết nói gì cho hết  để cám ơn ông bà Phó

            Mấy tháng sau, vào một buổi trưa, ông Sửu đến tìm tôi ở quận, mặt mày buồn bã, ngơ ngác. Ông nhìn trước, nhìn sau, thấy không có ai, ông ghé sát vào tai  tôi và xúc động nói : “Ông Phó ơi , thằng Liêm bị “giải phóng’ bắt đi mất rồi, họ nói họ chiêu mộ thằng Liêm làm du kích chứ không có ý làm hại gì nó đâu !” Tôi sững sờ, thương cháu Liêm, và thương ông Sửu quá vì ông chỉ có một đứa con mà thôi. Tôi miễn cưỡng an ủi ông Sửu: “Bác yên lòng, bác sống thật thà, chất phác, chắc Trời sẽ thương đến cháu Liêm mà phù hộ cho cháu

            Khoảng năm 1968, 1969 và 1970, chính phủ giúp cho các xã, ấp trùng tu, tái thiết lại những cơ sở dân dụng công cộng như đê điều, cầu cống, đường sá, đình làng v.v. Dân chúng xã Lộc Tụ ( Quận Phú Lộc) đã lập dự án,xin trùng tu lại đình làng của xã,do đã bị hư hại nặng nề vì chiến tranh. Đơn xin của dân chúng xã Lộc Tụ đã được Hội Đồng Bình Định Và Phát Triển tỉnh Thừa Thiên chấp thuận, được Cơ Quan Viện Trợ Mỹ ( USAID) tài trợ.

            Với ngân khoản được cấp, và với quyết tâm xây dựng lại quê hương của dân chúng, đình làng xã Lộc Tụ đã được tái thìết, đẹp đẻ, uy nghi. Hội Đồng Xã quyết định tổ chức Lễ Khánh Thành đình làng mới một cách long trọng , với sự chủ tọa của Trung Tá Quận Trưởng. Nhưng Trung Tá Quận Trưởng  đã ủy nhiệm tôi thay mặt cho ông trong buổi Lễ Khánh Thành đó.

            Đến ngày, giờ đã được ấn định, tôi đi đến đình làng Thừa Lưu để làm nhiệm vụ. Đình làng nằm cách quốc lộ khoảng 500 mét. Khi xe của tôi dừng lại ở đầu con đường mòn dẫn vào đình làng, tôi thấy nhiều người đứng ở đó. Tôi nghĩ là họ đứng đón tôi như những lần trước. Nhưng khi tôi vừa bước xuống xe, thì hai vị bô lão đến nắm tay tôi và nghiêm nghị nói : “Ông Phó quay về quận ngay đi, ông không nên vào đây!”

            Nhìn vẻ mặt bồn chồn, lo lắng của mọi người chung quanh, tôi hiểu, họ không muốn tôi đi vào đình làng. Hình như có vấn đề gì đó không tốt lành sẽ xảy đến cho tôi, nếu tôi đi vào đó.

            Tôi vội vã lên xe quay về quận. Khi đến trụ sở xã Lộc Tụ,tôi vào văn phòng xã, sử dụng máy truyền tin của xã, liên lạc với Trung Tá Quận Trưởng, báo cáo sự việc vừa xảy ra.

            Với kinh nghiệm, Trung Tá hiểu ngay có một sự việc gì đó không bình thường, có thể xảy ra ở đình làng. Ông lập tức điều động 2 trung đội địa phương quân cơ hữu của quận, một tiểu đội Cảnh sát Dã Chiến, phối hợp với một trung đội Nghĩa Quân của xã, mở cuộc hành quân bao vây khu vực đình làng Thừa Lưu. Lực lượng hành quânđã mau chóng bắt được 2 tên du kích và 3 kẻ lạ mặt tình nghi. An Ninh Quân Đội đã lấy khẩu cung và khai thác ngay 2 tên du kích . Kết quả được biết :  Chúng âm mưu ám sát ngươì sẽ đến chủ tọa, cắt băng khánh thành đình làng, bằng cách bố trí 2 khẩu thượng liên, một khẩu đặt trên cây đa, một khẩu đặt trên nóc đình làng.  Cả 2 khẩu thượng liên đó đều chĩa mũi vào vị trí vị chủ tọa sẽ đứng cắt băng khánh thành. Mật lệnh khai hỏa là một hồi chiêng trống từ đình làng vang lên. Trường hợp âm mưu này được thực hiện , thì vị chủ tọa cắt băng khánh thành không thể nào thoát chết được. Nếu tôi không được cảm tình của dân chúng ở đây, họ sẽ không cảnh giác, và ngăn cản tôi đâu, có lẽ ngày đó tôi đã chết ở đình làng Thừa Lưu rồi.

            Ngày 30 tháng 8 năm 1970, toàn quốc tổ chức bầu cử bán phần Thượng Viện. Cuối ngày , tôi có nhiệm vụ áp tải tất cả thùng phiếu của Quận Phú Lộc về Tòa Hành Chánh tỉnh để kiểm phiếu. Đoàn xe chở thùng phiếu gồm nhiều chiếc, một xe bọc thép ( chạy bằng bánh cao su) dẫn đầu, kế đến là một xe GMC chở thùng phiếu, sau đó là 2 xe GMC chở Nghĩa Quân theo hộ tống. Khi đoàn xe đến một khoảng đồng trống gần xã Lộc Điền ( truồi) thì bị VC phục kích. Chúng bắn cháy chiếc xe bọc thép dẫn đầu, nhưng bị các nghĩa quân phản ứng dữ dội, chúng phải rút lui, không kịp phá chiếc xe chở thùng phiếu. Tôi hoảng sợ, nhảy ra khỏi xe, rồi lăn xuống một cái rãnh cạn bên đường. Tôi nghĩ rằng càng xa chiếc xe chở thùng phiếu , thì càng an toàn, nên tôi bò vào những bụi rậm gần đó. Quá lo sợ, trời lại tối nên tôi không nhận ra được phương hướng nào nữa. Tôi cứ cắm đầu, cắm cổ bò. Khi tôi bò đến một khoảng đất có nhiều bụi gai, thì một tiếng nói vang lên, tuy nhỏ nhưng rõ ràng : ” Ông Phó !  ông Phó ! dừng lại ngay, ông đi về hướng đó là chết, chúng nó bố trí dầy đặc ở đó. ” Phản ứng tự nhiên, tôi dừng lại, nhìn quanh xem  ai đã nói với tôi câu đó. Nhưng tôi rụng rời  kinh hải khi một du kích xuất hiện, tay lăm lăm khẩu súng AK47.Anh ta lôi tôi xuống một hố cá nhân gần đó, rồi lễ phép nói : “Thưa thầy, em là Liêm đây, thầy đừng sợ, thầy cứ nằm dưới hố cá nhân này , ém đến sáng, khi nào có lính quận đến, rồi hãy ra. Em đi đây.” Anh ta biến mất sau những bụi rậm.

             Đang nằm dưới hố, bỗng tay tôi chạm vào một con vật gì lạnh ngắt. Tôi rùng mình sợ hãi, vì nghĩ rằng đó là một con rắn. Trong hoàn cảnh nầy mà bị rắn độc cắn., thì vô phương cứu chữa. Nhờ một chút ánh sáng le lói của mãnh trăng hạ tuần từ trên cao rọi xuống, tôi thấy đó là một con nhái chứ không phải con rắn. Tôi bắt con nhái , rồi nhẹ nhàng thả nó lên miệng hố. Tôi thì thầm với nó : ” Nhái ơi, tau cứu mầy đấy nhé ! đi về nhà đi, kẻo cha mẹ mầy trông !”

            Tôi chợt nghĩ số phận của tôi, rồi sẽ ra sao đây. Tôi nhắm mắt lại và lâm râm cầu nguyện : ” Lạy Chúa, , lạy Mẹ. con xinphú thác mạng sống của con trong tay Chúa, trong tay Mẹ. Xin Chúa, xin Đức Mẹ che chở, phù hộ cho con !” Tự nhiên tôi thấy bớt sợ hãi, và trong đầu óc tôi, bắt đầu nhen nhóm chút hy vọng.

            Tôi nằm im dưới hố, nhưng câu nói của chú du kích mà tôi không nhìn rõ mặt, cứ văng vẳng bên tai tôi: “Thưa ông Phó, em là Liêm đây, thầy đừng sợ!”. Liêm là ai trong hàng ngũ địch quân mà lại cứu tôi. Đầu óc tôi rối loạn . Quá mệt mõi, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

            Tôi giật mình thức giấc, mơ hồ nghe như có tiếng bước chân đi trên lá khô. Nhìn qua kẽ lá ngụy trang trên miệng hố, tôi thấy Đại Úy Thuật, Chi Khu Phó, mặc đồ trận, tay cầm khẩu M16, dẫn đầu một toán lính, đi hàng ngang, đang tiến về phía tôi. Tôi mừng rỡ, la thật lớn : “Đại Úy Thuật, tôi  đây !” Đại Úy Thuật dừng lại , đứng im một lát rồi hô lớn : “Ai đó! lập lại đi !..” Tôi dùng hết sức mình, kêu lớn : ” Đại úy Thuật, tôi đây, Phó Uyển đây !” Đại úy Thuật và một nghĩa quân đến kéo tôi từ dưới hố lên. Tôi không đi được, nên một anh nghĩa quân phải cõng tôì đi về hướng quốc lộ.

             Đại Úy Thuật đã báo cáo  sự việc với Trung Tá Quận trưởng, nên khi chúng tôi vừa ra đến quốc lộ, đã thấy Trung Tá Quận Trưởng đứng đón tôi ở đó. Ông ôm chầm lấy tôi và cảm động nói : “Chúc mừng ông Phó, tôi cứ nghĩ là ông Phó đã bị tụi nó bắt đi rồi !”

            Trung Tá Quận trưởng cho xe đưa tôi lên nhà tôi ở Huế ngay. Bước vào nhà, tôi quá xúc động, ôm nhà tôi vào lòng, và chỉ nói được một tiếng “Em” khi nghĩ lại những sự việc đã xảy ra đêm hôm qua.

            Ngay khi ấy, nhiều xe hơi dừng lại trước nhà tôi. Đại Tá Tỉnh Trưởng, Ông Phó Tỉnh Trưởng, nhiều vị Trưởng Ty và vài nhân viên tháp tùng Đại Tá, đến thăm tôi. Đại Tá thân mật nắm tay tôi và nói : ” Chúc mừng ông Phó, thấy ông Phó trở về bình an, tôi mừng lắm ! Tối hôm qua, khi nhận được tin chẳng lành, tôi đã điện thoại cho Cha Trinh ở Giáo Xứ Phú Cam, nhờ Cha dâng một Thánh Lễ, xin bình an cho ông Phó . Thật bất ngờ, sáng nay nghe tin ông Phó an toàn trở về, tôi vui mừng lắm !”

            Mọi ngươì đến bắt tay chúc mừng tôi.  Thì ra việc tôi mất tích đêm hôm qua, đã gây xúc động  cho các giới chức tỉnh Thừa Thiên. Nay thấy tôi bình an trở về, ai cũng vui mừng. Nhưng không một ai biết lý do nào đã giúp tôi an toàn trở về.

            Khi những vị khách đã ra về, nhà tôi đến bên tôi, ngạc nhiên hỏi : ” Anh, có chuyện gì vậy ?” Tôi vỗ vỗ vào vai nhà tôi và nói :”Anh sẽ kể cho em nghe , chuyện dài dòng lắm !”

            Năm 1971, tôi được thuyên chuyển đi làm Phó Quận Hương Thủy. Cuối năm 1972, tôi được điều động ra làm Phó Tỉnh Trưởng Quảng Trị. Tháng 12 năm 1973, tôi lại được đổi vô làm việc ở tỉnh Phong Dinh ( Cần Thơ) cho đến ngày mất nước. Tôi đi tù cải tạo cho đến 1982 mới được cho về.

            Gia đình tôi đi dịnh cư ở Mỹ theo diện HO từ tháng 11/1992.

            Năm 2008, được tin bà mẹ nuôi của tôi đau nặng. Bà đang ở Vỹ Dạ, Huế. Năm ấy bà đã gần 100 tuổi. Vợ chồng chúng tôi vội vã về thăm bà. Ngoài thuốc men đầy đủ, mỗi ngày nhà tôi nấu cháo, hầm súp cho bà thời. Thật vui mừng, vì chỉ mấy ngày sau, bệnh tình của bà mẹ nuôi của tôi đã thuyên giảm, ăn uống bình thường, nói cười vui vẻ.

            Một hôm, chúng tôi nhận được điện thoại của chị Cam Đường, bạn học cùng lớp với nhà tôi , mời chúng tôi xuống Cầu Hai chơi, nhân dịp làng tổ chức cúng vị Thần Hoàng của làng. Chị ấy cho biết là vui lắm, ở xa về mà gặp dịp nầy là hên lắm đó ! Chúng tôi nhận lời mời của chị Cam Đường ngay, và hứa sẽ xuống Cầu Hai đúng ngày, giờ. Chúng tôi thuê một xe nhỏ để đi. Nhà tôi còn rủ thêm 2 người bạn nữa, cùng đi với chúng tôi.

            Đã được báo trước, nên khi xe vừa đến chợ Cầu Hai , đã thấy chị Cam Đường đứng đón chúng tôi. Chị ấy dẫn chúng tôi đến đình làng Đông Lưu ( Cầu Hai). Hôm nay là một ngày hội lớn của làng. Cờ đuôi nheo được treo khắp nơi. Dân làng hớn hở, tấp nập tụ tập ở đình làng.

            Chúng tôi vào ngồi ở hàng ghế cuối cùng của Giang Đại Sãnh. Trước mặt chúng tôi là một bàn thờ lớn, hoa quả, hương đèn rực rỡ; một con heo quay vàng rộm, đặt trên một cái bàn ở trước bàn thờ. Vừa ngồi yên chỗ, một hồi chuông,  trống bát nhã vang lên rộn rã, báo hiệu giờ hành lễ sắp đến. Một vị bô lão, mặc áo rộng xanh, đầu đội khăn đóng, bước ra nói với bà con tham dự lễ Chạp đang ngồi trong đại sãnh:” Thưa quí vị quan khách, thưa quí bà con, hôm nay chúng ta tụ họp nơi đây để cử hành lễ ” Chạp”, kính ngày húy kỵ Ngài khai canh  của vùng đất mà chúng ta đang sống. Với lòng thành kính và biết ơn, chúng ta sẽ cử hành những nghi lễ cổ truyền mà ông cha chúng ta đã truyền lại cho con cháu, để dâng lên Ngài khai canh. Trước khi cử hành các nghi lễ, chúng tôi xin giới thiệu một số quan khách đã đến tham dự ngày giỗ “Chạp” hôm nay. Chúng tôi xin giới thiệu Ông Phó Chủ Tịch Huyện Phú  Lộc, chúng tôi xin giới thiệu Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Xã Lộc Trì, chúng  tôi xin giới thiệu vị Đại diện Mặt Trận Tổ Quốc huyện Phú Lộc, chúng tôi xin giới thiệu đồng chí Lê Văn Liêm, Chỉ huy quân sự xã Lộc Trì..”

            Vừa nghe vị bô lão xướng tên Lê Văn Liêm, tôi sững sờ tự hỏi : ” Đây có phải là em Liêm, học trò của tôi ngày trước không ?”. Vừa vui mừng, vừa phân vân, tôi đi đến trước mặt người đàn ông vừa đứng dậy chào bà con khi được xướng tên là Lê Văn Liêm. Đứng trước mặt anh ấy, dù đã 41 năm trôi qua, tôi vẫn nhận ra ngay đây là em Liêm , người học trò của tôi ngày xưa, mà tôi thương mến. Tôi cảm động nói với Liêm : “Em Liêm, em có nhận ra tôi không ? Tôi là thầy Uyển đây” Chàng thanh niên sau một khoảnh khắc ngơ ngác, đã ôm chầm lấy tôi: “Ông Phó , ông Phó..”Liêm nghẹn ngào, không nói thêm gì được nữa, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má..

            Liêm quên mình đang đứng giữa đình làng, và có nhiều người hiện diện nơi đây, anh quay xuống hàng ghế kế cận và vui mừng gọi lớn : “Ba ! ông Phó đây nè!”

Một cụ già mặc áo dài đen, bịt khăn đóng, đứng bật dậy, chạy đến ôm chầm lấy tôi. Ông cảm động thì thầm bên tai tôi: ” Ông Phó, ông còn sống, tạ ơn trời đất” Đôi mắt ông đỏ hoe..

            Liêm nói với vị bô lão điều khiển chương trình: ” Thưa bác Hương Cả, tình cờ hôm nay, chúng tôi gặp lại một người bà con thân thiết của gia đình, đã thất lạc gần 50 năm nay. Xin bác cho phép gia đình chúng tôi về nhà trong chốc lát, chúng tôi sẽ trở lại ngay.”

            Liêm và ông Sửu kéo tay tôi ra ngoài. Ông bà Sửu cứ nắm chặt tay tôi, như sợ tôi biến đi mất ( ?)

            Nhà của ông bà Sửu bây giờ là một căn nhà gạch, lợp toles, không còn là một căn nhà lá lụp xụp như xưa nữa. Bước vào nhà, chúng tôi vừa ngồi xuống ghế, bỗng  ông bà Sửu và Liêm quì xuống trước mặt chúng tôi, rồi cùng cúi gập người , lạy 3 lạy, trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Tôi đỡ ông bà Sửu đứng dậy, và cảm động nói : “Hai bác làm gì vậy? Sao lại dành cho chúng tôi sự tôn kính quá to lớn như vậy ? Chúng tôi có công lao gì để xứng đáng nhận đại lễ này ?”. Ông Sửu nói ngay:”3 lạy nầy cũng chưa xứng đáng với công ơn mà ông Phó đã dành cho gia đình tôi” Ông chỉ ra đám ruộng ngoài xa, xanh mướt, mới trổ đòng đòng. Ông chỉ vào đàn heo đông đúc ở cuối vườn, ông chỉ vào căn nhà…và nói : ” Tất cả cũa cãi  nầy là của ông Phó đã cho gia đình tôi .”

            Tôi thân mật cầm tay ông Sửu và nói : ” Bác Sửu ơi, 2 sào ruộng và mấy con heo , có đáng gì so với ân huệ to lớn mà cháu Liêm đã dành cho tôi !”. Liêm vội ngắt lời tôi:” Thưa thầy, chuyện xảy ra đêm hôm ấy, không một ai hay biết. Vậy em xin thầy hãy quên chuyện ấy đi, em cám ơn thầy!” Ông Sửu không biết chuyện gì, chỉ trố mắt nhìn tôi và Liêm. Rồi ông nói tiếp : ” Năm 1971 nghe ông Phó đổi lên quận  Hương Thủy,chúng tôi có lên đó tìm ông Phó. Nhưng ở quận Hương Thủy cho biết ông Phó đã đổi ra Quảng Trị. Chúng tôi lại ra Quảng Trị, mong gặp được ông Phó , nhưng lúc đó, ông Phó đã đổi vô tỉnh Phong Dinh-Cần Thơ, tận trong Nam…cho đến 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi không hề biết tin tức gì về ông Phó nữa! Từ đó, chúng tôi chỉ sống với kỷ niệm, với lòng biết ơn và thương nhớ ông Phó. Chúng tôi cứ nghĩ là ông Phó đã chết, nên cha con chúng tôi thiết lập một bàn thờ, để thờ ông Phó. Trên bàn thờ không có ảnh, không có bài vị, chỉ có hai chữ “Ông Phó” do cháu Liêm viết lên một tấm bìa cứng. Tuy đơn sơ như thế, nhưng mỗi ngày, vợ chồng, cha con chúng tôi đều thắp nhang lên bàn thờ để tưởng nhớ đến ông Phó.”

            Bà Sửu tiếp lời ông Sửu: “Thưa ông Phó, ngày hôm nay được gặp lại ân nhân của gia đình chúng tôi, chúng tôi sẽ bắt gà, bắt vịt nuôi trong nhà để làm một bữa cơm thiết đãi ông bà Phó và các vị cùng đi. Ngày hạnh phúc hôm nay, chúng tôi đã trông chờ gần 50 năm rồi đó“.

            Nhưng một người bạn của nhà tôi, chị Như Quê nhắc nhỡ: “Anh chị Uyển ơi, chúng ta đã hẹn với các bạn ở Huế, trưa nay tụi mình sẽ dùng cơm với các bạn, mà bây giờ đã hơn 11 giờ rồi. Chúng ta nên xin phép hai bác Sửu, đi lên Huế kẽo các bạn chờ.”

            Tôi đành phải cáo lỗi với ông bà Sửu và cháu Liêm. Ông Sửu buồn buồn nói với chúng tôi : ” Gặp lại ông bà , chúng tôi vui mừng khôn xiết, mà ông bà đã vội ra đi, biết khi nào mới gặp lại ông bà.” Tôi an ủi ông bà Sửu: “Vì chúng tôi đã hẹn trước với các bạn, chúng tôi phải có mặt ở Huế trưa nay. Chúng tôi sẽ về thăm hai bác và cháu Liêm.” Ông bà Sửu và cháu Liêm , bùi ngùi từ biệt chúng tôi..Khi mọi người đã lên xe, chúng tôi vẫn thấy gia đình ông Sửu buồn bã nhìn theo.

            Chiếc xe con chở chúng tôi đã chạy đều trên quốc lộ, hướng về Huế. Bỗng chị Hồ Thị Hão, một người bạn của nhà tôi, nói với mọi người trên xe : ” Hôm nay, chúng tôi tình cờ biết được câu chuyện của anh Uyển và gia đình ông Sửu.Câu chuyện làm chúng tôi ngạc nhiên và xúc động lắm, nhất là đoạn kết, lại rất có hậu, làm chúng tôi nhớ đến vài câu ca dao, tục ngữ của quê hương mình, thật hay, thật đúng , như câu : “Trồng cây ngọt thì được ăn trái ngọt” hoặc câu : ” Gieo nhân nào thì gặt quả ấy” hay câu: ” Ở hiền thì gặp lành“…Xin chúc mừng anh chị Uyển !

Bửu Uyển

 (Tháng 1-2018)

Visits: 550

Năm Tuất Nói Chuyện Chó

Phạm Thành Châu

Năm ngoái là năm Dậu, tôi viết chuyện con gà. Năm nay là năm Tuất, tôi kể chuyện về con chó. Chuyện tào lao, không văn chương, triết lý gì cả. Đọc cho vui trong mấy ngày Tết, để mấy người già (như tôi) quên chuyện mình đã già thêm một tuổi. Đang “Sống qua ngày, chờ qua đời!”

Có cô gái Mỹ đi du lịch Việt Nam, bị chó rượt, cô đâm đầu chạy miệng kêu cứu “Heo! Heo!” (Help! Help!: Cứu tôi với!) Ông già ngồi trước hiên nói với bà vợ già “Nó không thấy con chó bao giờ nên gọi con chó là con heo!” Việt Nam mình cũng có thời kỳ chẳng thấy con chó bao giờ. Đó là thời “Toàn quốc kháng chiến”, chống thực dân Pháp, (1945-1954) trong vùng kháng chiến, người dân không được nuôi chó vì ban đêm, du kích đi, chó sủa, sẽ lộ hành tung. Phải diệt chó. Chó bị bắt làm thịt hết sạch nên ban đêm im lặng như tờ. Sau 1954, chia cắt đất nước, dân Hà Nội, từ năm 1954 đến năm 1983, gần ba mươi năm, không hề thấy “dung nhan” con chó ngoài đường như thế nào? Tôi biết bạn không tin nên xin đăng vài đoạn báo, trong một bài nói về việc cấm nuôi chó ở Hà Nội để chứng minh. Vị nào, trên 70 tuổi, ở Hà Nội ắt còn nhớ ở ngoài Bắc, sau hiệp định Geneve 1954, lúc đó, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là y sĩ Trần Duy Hưng, đã ra một văn bản cấm triệt để việc nuôi chó. Có nhiều lý do để cấm nuôi chó hồi ấy, nhưng có một lý do mạnh nhất, đó là nuôi chó tốn kém, trong khi đất nước còn gặp vô vàn khó khăn… Để triệt hạ chó, người ta tổ chức các đội bắt và đập chết chó. Cũng có qui định cho phép nuôi chó, nhưng xin được cái giấy phép nuôi chó còn khó hơn xin nhập hộ khẩu. Người nuôi chó phải đến Sở Nội Vụ (Sở Công An) với xác nhận của phường, quận để xin giấy phép nuôi chó, rồi phải làm “Hợp đồng nuôi chó”. Mỗi người chỉ nuôi được một con chó. Chó đẻ con, phải nộp chó con cho công an. Giấy phép có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Qui định thì như vậy nhưng chẳng ai được cấp giấy phép nuôi chó bao giờ, Nhiều người thích chó quá nên nuôi chui. Nuôi chó trong phòng kín, bịt rọ mõm. Nhưng rồi cũng có lúc gặp đại hoạ. Như ông Quyết ở đường Bà Triệu, chuyên nghề bán thuốc lào. Ông nuôi giấu hai con chó trong nhà suốt mấy năm. Vậy mà chẳng biết sơ sểnh thế nào, hai con chó chạy được ra ngoài. Cả phố chạy ra xem, người đi đường cũng ngừng lại xem, để biết “dung nhan mùa hạ con chó” như thế nào? Cảnh náo loạn, kẹt đường từ đường Bà Triệu đến đường Đại Cồ Việt. Thế là công an đến bắt hai con chó, truy tìm chủ nhân. Ông Quyết bị tù. Ra tù, ông lại lén lút nuôi chó. Người thứ nhì nuôi chó gặp nạn là ông Xuân ở Bạch Mai. Ít người nuôi hai con chó, vì hai chữ “khuyển” thành chữ “khốc”, không phải khóc mà là “khốc hại” Ông Xuân nuôi hai con chó nên mới ra nông nỗi. Hai con chó đẻ ra một bầy chó tám con. Có người đi mét công an. Công an ập vào, xét nhà. Công an kết tội ông là tư bản. Ông Xuân bị tịch thu chó, tịch thu cả nhà cửa, tài sản. Ông chỉ kịp ôm một con chó, chạy thoát về khu Tân Mai, tiếp tục nuôi chó. Có ông Sinh Gà, cũng mê nuôi chó. Ông có đến bốn con Bẹt Giê (berger). Công an xét nhà thì ông ôm chó trốn vào tủ. Lúc đó, chó chỉ kêu lên một tiếng là ông đi tù. Sau gần ba mươi năm, 1983, Hội Đồng Thành Phố Hà Nội nới lỏng việc cấm chó. Thế là mấy ông nuôi chó chui giàu to. Họ bán chó con với giá trên trời. Muốn lấy giống (nhảy đực) phải trả đến một chỉ vàng. Nhưng sau đó, chó nhập từ Thái Lan, mỗi lần cả nghìn con, chẳng ai nuôi chơi nữa. Họ đến các tiệm thịt chó nhậu cầy tơ. Phong trào ăn thịt chó phát triển khắp nơi. Sau đó, Thái Lan cấm xuất chó qua Việt Nam vì hội Bảo Vệ Súc Vật thế giới la ó nên Việt Nam thiếu chó để xơi, các cậu kẹt tiền có sáng kiến đi bắt trộm chó bán cho các quán thịt chó. Rồi người bắt chó trộm bị đánh đến chết, xe máy bị đốt. Thời Pháp thuộc thì có nạn đánh chó trộm đêm giao thừa. Số là, đêm giao thừa, người ta đốt pháo, chó sợ, chạy trốn ngoài đồng. Những người nghèo khó thường ra đồng rình đập chó dem về làm thịt ăn tết. Trai tráng trong làng cũng ra đồng, nhưng để rình đánh những người đánh chó trộm. Cảnh người đánh chó trộm tàn bạo cũng giống như thời nay, người ta đánh, có khi đến chết những người bắt trộm chó đem bán. Tôi xin trích mấy dòng về chuyện đánh chó của Tô Hoài trong tập truyện “Chuyện Cũ Hà Nội”… Chú Cát kể “Mọi năm, cứ đi giao thừa về tao lại cộp một con chó chạy sợ pháo, cũng là thêm thắt cho cái Tết. Nhưng mà bây giờ, thời buổi khó khăn. Vô phúc mà gặp đứa đi rình nó choảng vỡ đầu thằng đánh chó trộm. Năm nào, làng ta đã lôi một người Yên Thái, một người Kẻ Cáo về đầu xóm trói đánh gần chết đấy. Thế nào chúng nó cũng thù, tao sợ (tr. 359 tập 1).

Chuyện chó ở Việt Nam còn dài, dài qua đến xứ Mỹ. Sau 1975, người Việt bỏ xứ đi tìm tự do. Có ông kia vượt biển đến đảo. Hội thiện Tin Lành bảo lãnh ông ta qua Mỹ, đưa đến tạm trú trong một căn nhà bỏ trống. Sợ ông ta buồn vì sống một mình, hội đem đến một con chó cho ông ta có bạn. Trình độ Anh ngữ của ông ta (cũng cỡ tôi) không khá lắm. Ông ta chỉ biết nói có ba tiếng: OK, Good và Thank you!. Nhà thờ giao con chó cho ông ta và nói gì đó, ông ta trả lời “OK. Thank you!” Tuần sau, nhà thờ đến, không thấy con chó đâu, hỏi, ông ta không hiểu mới ra dấu và kêu “gâu, gâu!”, ông ta cười “Good. Thank you!” Nhà thờ phải ra dấu cả buổi, ông ta mới hiểu và trả lời “OK. chap, chap con chó. Ngon lắm! Good. Thank you!” (ông ta làm thịt con chó và xơi nó rồi!) Trước 1954, miền Nam VN, ít người ăn thịt chó. Năm 1954, chia cắt đất nước, gần một triệu người miền Bắc di cư vào Nam tìm tự do. Người Bắc ăn thịt chó nên ngã ba Ông Tạ, nơi người Bắc định cư, mới có bán thịt chó. Thời đó, về ban đêm, chó chạy rông đầy đường. Chúng cắn lộn giành chó cái, kêu sủa om sòm. Người nào muốn ăn thịt chó thì lấy cái lon kim loại rộng cỡ gang tay, một đầu kín, đầu kia, cắt giống như cái hom bắt cá. Bỏ thức ăn vào lon, chó đun dầu vô thì mắc kẹt trong đó, không thấy đường, cứ loay hoay tới lui, như múa lân, người bắt chó chỉ việc đến ôm, đem về làm thịt.

Nước ngoài gần Việt Nam nhất là Hàn Quốc, ăn thịt chó còn ác liệt hơn chúng ta nữa. Hàn quốc có hơn sáu nghìn (6.000) cửa hàng thịt chó. Mỗi năm xơi hơn một triệu con chó. Công nghiệp nuôi chó thịt phát đạt không ngừng. 92% đàn ông và 68% phụ nữ Hàn Quốc xơi thịt chó. Họ cho rằng thịt chó ngon nhất thiên hạ. Thế vận hội Seoul 1988, chính phủ phải yêu cầu các cửa hàng thịt chó tạm thời đóng cửa hoặc dời vô hẻm để tránh cho du khách kinh sợ. Năm 2002 giải túc cầu thế giới (Wold Cup), chính phủ Hàn Quốc cũng lại yêu cầu tương tự, nghĩa là các tiệm mộc tồn phải biến mất trên mặt tiền các đường phố. Ăn thịt chó thì chó “chơi” lại. Đại khái như thế nầy: Bà bạn thân của cựu tổng thống Đại Hàn Park Geun-hye có con chó, nhờ bạn trai coi sóc giùm để mình đi du lịch. Khi về, thấy con chó cưng của mình buồn bả, ốm o sao đó, sót ruột, bèn mắng chửi người bạn trai. Anh ta tức mình, âm thầm tìm kiếm, gom góp hồ sơ của hai bà (tổng thống và bà bạn) đưa ra ánh sáng. Thế là, như bạn biết, tổng thống Park Gueun-hye bị đưa ra tòa, cách chức và đi tù. Nguyên nhân cũng vì con chó. Chưa hết. Khi rời dinh tổng thống, bà bỏ lại chín (9) con chó của mình ở lại dinh (không đem theo) Thế là Hội BảoVệ Súc Vật và báo chí làm rùm beng lên. Kinh chưa? Chó có thể làm một tổng thống bay ghế!

Người Việt hải ngoại có câu “Chó sủa mặc chó, đoàn lữ hành cứ đi” để chỉ mấy ông bà lên mặt thầy đời, không bao giờ đi bầu nhưng cộng đồng làm gì cũng lên mặt chê bai, ra vẻ ta đây trí thức (“chồn lùi”, chữ của ông Chu Tử) gây chia rẽ, xáo trộn trong cộng đồng. Câu “Những con chó, chủ cho ăn, lại quay lại cắn tay chủ” để chỉ những người “Ăn cơm Quốc Gia thờ ma cộng sản” Trước 1975 hưởng bỗng lộc của chính phủ Quốc Gia, vinh thân phì gia, nhỡn nhơ, an toàn trong thành phố, trong khi bao chiến sĩ phải hi sinh ngoài chiến tuyến để bảo vệ họ, sau 1975, chạy ra nước ngoài rồi quay về VN liếm gót giày kẻ thù. Tiêu biểu như Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ (bọn xướng ca vô loài thì không kể xiết). Có một chuyện oái ăm về cộng đồng người Việt hải ngoại. Ở một tiểu bang miền đông bắc Hoa Kỳ . Đồng bào bầu ra một ban đại diện cộng đồng. Ông chủ tịch, trước đó, vỗ ngực, ta đây “chống cộng cùng mình” khi được bầu ra thì đổi hiến chương cộng đồng người Việt tiểu bang từ “Chống cộng” ra “không cộng sản” Nhiều người biết lý do, tôi thì không hiểu cái ông “Nguyễn Cao Kỳ tái sinh” nầy trở cờ từ lúc nào?!

Âu Mỹ cũng có món ăn “chó nóng” (hot dog), không phải vũ khí (chó lửa) nhưng cũng không phải làm bằng thịt chó. Lịch sử tên của món ăn Hotdog hơi dài dòng. Dân Mỹ cũng có “tứ khoái” như chúng ta nhưng không phải “ăn, ngủ…” mà thanh tao, công khai hơn nhiều. Đó là Baseball, Hotdog, Apple Pie và Chevrolet. Hotdog là món thịt bằm, nắn thành hình trụ, giống cái lạc xường kẹp vào bánh mì nhỏ, cầm ăn. Hotdog có tên nguyên thủy là Frankfuter, là món xúc xích sản xuất tại thành phố Frankfurt, nước Đức. Người Đức qua Mỹ, mang theo món Frankfuter, bày bán ở New York vào khoảng năm1860. Người Mỹ gọi món ăn này là Dachshund sausage. (Dachshunt là tên một loài chó nhỏ của Đức), về sau gọi là Dog sausage. Món nầy thường được những người bán dạo trong các sân bóng chày (baseball) Người ta giữ nóng trong các lò hấp nên được gọi là Hotdog.

Bạn có bao giờ “cưỡi chó” đi du lịch chưa? Có Greyhound (tên một loài chó), nhưng không phải chó mà là tên của một hãng xe bus đường trường. Tôi chưa đi bao giờ nhưng có thể an toàn hơn là tự lái xe đi. Thật lâu mới thấy báo đăng Greyhound gây tai nạn nhưng tôi thì cứ đụng xe hoài, hãng bảo hiểm nhờ tôi mà giàu thêm chút đỉnh.

Người xứ nào nuôi chó nhiều nhất? Người Mỹ. Theo thống kê (không biết năm nào?) 36% gia đình Mỹ nuôi khoảng 68 triệu con, gấp ba lần người Nga, 25 triệu con (hạng nhì). Chi phí nuôi chó ở Mỹ mỗi năm hết 34 tỷ 400 triệu USD, lớn hơn ngân sách quốc gia của nhiều nước trên thế giới, trung bình 1,266 USD mỗi con một năm (Làm bài toán chia sẽ thấy sai, nhưng tôi chỉ chép tài liệu và để nguyên). Đi đâu xa, phải thuê người trông nom chó. Tiểu bang Virginia, có Olde Town Pet Resort thuộc Fairfax county giữ chó, mỗi ngày 230 USD, là giá biểu cách nay khá lâu, bây giờ phải trả nhiều hơn.

Người Âu Mỹ thương yêu chó nhưng rất độc ác. Họ thiến các con chó đực. Bạn thử nhìn dưới đuôi mấy cậu chó sẽ thấy “trụi lủi!” giống hệt các quan thái giám trong cung các vua chúa. Xưa nay, chiến tranh xảy ra vì tranh giành. Các con chó đực cắn nhau cũng vì giành chó cái. Bị thiến rồi, làm ăn gì được đâu mà giành! Giành để làm gì? Bạn đã từng thấy. Gặp anh chó đực, chị chó cái chạy đến, đuôi lúc lắc, tai vểnh lên, đưa cái bàn tọa ra trước mũi chàng “mời anh xơi kẻo nguội!” nhưng chàng phe lờ! Thế nên chó đực Âu Mỹ hiền khô. Chúng gặp nhau, dù xa lạ, vẫn “Vẫy đuôi, vẫy đuôi chào nhau” Không phải chúng vui. Có gì vui đâu? Mặt cậu nào cũng nghiêm và buồn! Chào nhau “Hi!” chỉ vì lịch sự Âu Mỹ thôi.

Trong tập truyện “Nghìn Lẻ Một Đêm” (tôi xạo), kể chuyện về cây đèn thần Aladin. Một cô dẫn chó đi chơi bãi biển, thấy cây đèn thần trong bụi cây, bèn cầm lên, mân mê, sờ mó, thần đèn hiện ra “Ta cho ngươi một điều ước” Cô ta mừng quýnh “Em yêu con chó của em nhiều lắm, đi đâu em cũng dẫn theo, ngủ cũng ngủ chung. Xin thần biến con chó của em thành một chàng trai cao lớn, đẹp mê hồn và nhất là rất sung sức” Thần đèn nháy mắt với cậu chó và cười “OK.! Có ngay! Bum!’ Và cậu chó biến thành một anh chàng đẹp trai, khỏe mạnh. Cô gái mừng quá, lôi anh chàng chạy về khách sạn, đóng cửa lại. Tình hình diễn biến đến hồi gay cấn, cô nàng hào hển “Làm việc. Lẹ lên!” Anh chàng thở dài “Lúc anh là con chó, em thiến anh. Còn gì nữa đâu mà đòi với muốn!” Nàng đành thở dài hát tiếp “Thôi hết rồi, thôi hết rồi!” Nhưng đừng tưởng các cậu chó đó không biết suy nghĩ. Trước khi bị thiến, nhiều con chó yêu cầu nhân viên thú y ghi trên tấm lắc đeo ở cổ một câu “Hận người đen bạc”. Nỗi điên lên, chúng sẽ cắn người. Chúng cắn chân người lớn, cắn chết trẻ con. Có cặp vợ chồng, có con sơ sinh, cho ngủ riêng, nửa đêm, con chó nuôi trong nhà lôi đứa bé xuống, cắn chơi, đến nát đứa bé, máu me khắp nhà. Trời cứu! Bị chó cắn nhiều nhất là mấy ông bà đưa thư. Có ông đưa thư bị chó rượt, hoảng hồn, chạy băng qua đường, bị xe tung. Ông ta đưa chủ con chó đó ra tòa. Trong năm 2016, trên nước Mỹ, có đến 6,700 người đưa thư bị chó cắn. Nhiều nhất là Los Angeles (CA) 80 vụ, Houston (TX) 62 vụ, Cleveland (OH) 60 vụ.

Bạn có biết giống chó nào dữ nhất không? Bẹt giê? (German shepherd) Chưa phải. Đứng đầu là Dachshund, mình dài như mình ngựa, tiếp đến Chihuahua (bé tí mà thấy người lạ là sủa nhặng lên) rồi Jack Russell terrier, Akita, Australian cattle dog, Pit bull (cau có, bặm trợn) Beagle cuối cùng mới đến German shepherd. Chó dữ là chó thấy người lạ là sủa, gầm gừ nhe răng. Chó tấn công cắn người nhiều nhất là giống Pit bull. Mỗi năm, ở Mỹ có khoảng 12 người bị chó cắn chết, nhiều nhất là trẻ em. Thống kê quên kể đến giống chó Tây Tạng. Dân du mục miền tây bắc nước Tàu (Tây Tạng, Mông Cổ) thường nuôi giống chó nầy để chăn dê, cừu, trâu lùn. Thấy ngưòi lạ là chó tấn công ngay. Nó không cắn mà “táp” sứt thịt.

Con chó cao nhất thế giới có tên là George Khổng Lồ, giống Great Dane. Cao 1.09 mét nặng 111 kg. Chú George nầy xơi mỗi tháng 50 lí lô thức ăn. Ông David Nasser, chủ của chú chó George kể rằng. Trong một chuyến bay đến Chicago, phải mua cho chú George ba chỗ (ghế) để chú được thoải mái. Hành khách trên chuyến bay xúm lại ngắm nhìn rồi chụp hình chú George. Mất trật tự quá! Thế là phi hành đoàn phải mở đèn “Ngồi xuống. Thắt dây an toàn!”.

Giống chó nào đẹp nhất? Tôi chịu thua. Vì xem những cuộc thi chó đẹp trên TV, (Westminster Kennel Dog Show 2017) tôi thấy nhiều con chó quá sức đẹp, đẹp mê hồn không được giải thưởng mà những con tầm thường lại đứng nhất! Hóa ra họ chấm điểm thi chó cũng giống dân nhậu Việt Nam ta bình bầu chất lượng sản phẩm chó (nhất bạch, nhì vàng, tam khoan, tứ đốm!) Người dẫn chương trình giới thiệu nhiều con chó đắt giá. Có con giá đến 50,000 USD. Trong cuộc thi, tôi không thấy “chó trụi lông”. Có lẽ, cũng giống như thi hoa hậu người. Ngoài việc mặc đồ lót để xem “body” thí sinh còn phải mặc áo quần đẹp để chấm điểm thời trang. Chó trụi lông thì lấy gì mà chấm điểm trang phục? Trong lăng mộ các vua Ai Cập Pharao, hình vẽ các con chó đều không lông. Chó không lông thì có loại Dugo Argentino ở Argentina, loại Dalmatien ở Anh. Người Mỹ cũng như người Việt, tin dị đoan, không nuôi chó không lông. No hair! Xui tận mạng! Chó cạo sạch lông thì có đấy. Ở Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn, chó cạo sạch lông, thui vàng ươm, thơm phức. Không chỉ bán thịt chó, hiện nay, vùng ngã ba Ông Tạ còn có chó kiểng, chó quí hiếm. Nhiều tiệm cà phê có nuôi chó kiểng để khách yêu chó đến uống cà phê và vuốt ve các cô, chú chó (thật) hiền lành, dễ thương (sau đó qua tiệm thịt chó bên cạnh, nhậu).

Có một chuyện lạ và thú vị. Tôi đọc trong “Hậu Chuyện Kể Năm 2000” của Vũ Thư Hiên (tôi không quảng cáo sách của ông ta) có đoạn “Cũng phải kể một tối ở Berlin, chúng tôi đi chơi, về nhà Hòa, em gái Hiên, tại một chung cư. Ngay chân cầu thang, gặp một ông già người Đức, dắt theo một con chó to lớn. Trông thấy chúng tôi, nó sủa, miệng há, răng trắng nhởn, nhả ra từng tiếng sủa và đớp từng miếng không khí. Người Đức từng trên rất nhanh dắt con chó bước lên. Chúng tôi lên thang. Cửa buồng Hòa đã mở. Hòa đang ngồi chờ chúng tôi. Hiên hỏi “Sao em biết bọn anh về mà mở cửa sẵn?” Hòa vô tư nhất đời “Nghe tiếng chó sủa là em biết. Con chó này chỉ sủa người Việt Nam mình thôi. Không sủa người Đức” (p 458, 459) Tôi đoán chừng như thế nầy: Người mình thường nói. Ai ăn thịt chó, ra đường, chó sủa vì có mùi chó trên người. Hoặc bọn chó trên thế giới đã được cảnh báo nhau trên “mạng” (internet) rằng “Thấy người Việt phải đề phòng. Có thể họ bắt mình để ăn thịt hoặc bắt mình đem bán cho các tiệm nhậu thịt chó” Chó Âu Mỹ văn minh lắm. Con nào cũng có computer trong phòng và Iphone lận trong người. Chúng cũng email, message… với nhau hằng ngày. Dân chơi chó quí hiếm phải là người giàu có. Họ ở biệt thự, thuê người săn sóc chó. Mấy ông bà thường dẫn chó ra đường (ỉa bậy) để khoe chó, tưởng chó của mình đẹp nhất. Thử đưa đi thi chó đẹp xem sao? Mới vòng loại thôi là đã bị ra rìa rồi.

Tôi không thích chó. Không tắm, nó hôi rình. Lông chó khắp nơi. Vậy chứ nhiều người thương chó, xem như con. Xưng là “dad”, “mom” với chó. Cha mẹ thì tống vô nhà già, chó thì cưng. Tắm chó hằng ngày, hốt cứt chó, ngủ với chó, (36% ngủ với chó), chó bịnh thì quýnh lên, mất ăn mất ngủ. Có bà triệu phú, trước khi chết để di chúc cho “cậu chó” của bà năm triệu USD, giao cho nhà thờ chăm sóc, có luật sư theo dõi việc thi hành. Nhà thờ gặp xui. Số là thực đơn cho cậu chó có món thịt bò mềm. Người nuôi chó tiếc tiền, mua bạc nhạng, bầy nhầy về nấu cho cậu xơi. Cậu chó tủi thân, bỏ ăn. Vừa lúc luật sư đến, thấy “thân chủ” buồn rầu, trầm cảm, bèn tìm hiểu, phát hiện nội vụ. Vậy là nhà thờ mất quyền chăm sóc, mất luôn mấy triệu bạc! Công ty bảo hiểm chó, mèo Petplan đặt câu hỏi cho 1105 chủ chó mèo rằng. Nếu phải đi đến một hoang đảo không có người thì giữa chó mèo và bạn tình hoặc người phối ngẫu (chồng, vợ), chọn chó mèo hay người? Kết quả. Có đến 2/3 người chọn đem chó hoặc mèo theo. Bồ bịch, chồng, vợ đem theo chỉ thêm mất ngũ. Chó thả rông ngoài đường thường đuổi cắn người. Người ta gọi cảnh sát. Cảnh sát đến, nó tấn công luôn cảnh sát, cảnh sát rút chó lửa ra, phơ chó điên. Trung bình, mỗi năm cảnh sát Mỹ bắn chết 10,000 con chó. Ông Adrin Nazarian, dân biểu ở Cali. đưa ra dự luật buộc cảnh sát phải qua một khóa huấn luyện tìm hiểu tâm lý và hành động của chó.

Truyện “Cậu Chó” của Trần Đức Lai kể. Có bà thượng thư ngoại tình, sinh ra một cậu, mình mọc đầy lông, không biết nói, suốt ngày chỉ ăn và đòi “chơi”. Không cho cậu làm chuyện đó, cậu tru lên ỏm tỏi. Bà thượng thư phải mướn đến hai cô baby sitters, thay phiên nhau phục vụ mà cậu cứ tru liên tục khiến hai cô “Mệt muốn chết!” Ông nào muốn làm “Cậu Chó? Đưa tay lên!”.

Đố bạn. Có loài chó nào không có răng? Một bà Nam kỳ đến chơi nhà một bà người Huế. Mới đẩy cổng, một con chó xồ ra, bà ta thụt lùi. Bà bạn Huế bước ra, trấn an bạn “Cứ vô nhà đi. Hắn không cắn mô. Không răng mô” (Không sao đâu) Bà Nam kỳ lắc đầu “Hàm răng trắng nhỡn, ngó thấy ghê mà nói không răng!”

Bây giờ qua chuyện chó chết, người chết vì chó ở xứ Mỹ. Nhiều lắm! Cô Sara McBurnett lái xe trên xa lộ ở San José, cọ quẹt sao đó với xe của một cậu. Hai người ngừng xe, xuống đôi co. Lúc đó cô Sara đang bồng con chó cưng (tên là) Leo trên tay. Chàng kia thấy gai mắt, giật con chó Leo trên tay cô Sara ném xuống đường rồi lên xe bỏ đi. Xe sau chạy đến cán chết con Leo. Cô Sara đưa vụ việc lên net (internet) hứa sẽ thưởng 5,000 USD cho ai tìm ra người lái xe Ford Explorer (là người ném con chó của cô xuống đường cho xe cán) Thiên hạ góp thêm tiền, lên đến 120,000 USD để khuyến khích những người cần tiền đi tìm thủ phạm. Mười tháng sau Andrew Burnett bị bắt. Tòa xử trong bảy ngày, bồi thẩm đoàn họp trong 40 phút rồi tuyên bố “Andrew Burnett có tội. Ba năm tù” Và Andrew Burnett nổi danh khắp thế giới. Một chuyện chó khác. Vợ chồng (đều là) luật sư. Ông Marjorie Knoller và bà Rubert Noel có hai con chó, mỗi con nặng gần 60 kí lô, tấn công cô DianeWhipple, cắn cô chết. Vợ chồng luật sư, chủ chó, bình thản bước qua xác chết, vô nhà, còn nói “Vì nạn nhân xức nước hoa, chó bực mình, cắn chết ráng chịu”. Ra tòa, mỗi người lãnh 4 năm tù. Một chuyện chó nữa. Thành phố Buffalo. Newyork, chị Naomi lấy anh John được sáu tháng. Chị Naomi suốt ngày cứ ôm chó mà vuốt ve tâm sự, chả chịu làm gì. Một hôm, đi làm về, “mệt thấy mẹ!” mà anh John thấy vợ cứ ôm con chó mà vuốt ve, cơm nước chẳng thấy đâu! Giận quá, anh John giật con chó vất xuống nền nhà. Con chó kêu lên đau đớn. Chị Naomi, lấy súng, tương cho anh chồng John ba phát, chết queo. Một chuyện chó khác, xảy ra ở St. Jame, New York. Ông nhạc sĩ già Bryan Maher, 60 tuổi, đi uống cà phê, có đem theo con chó. Không được dẫn chó vô tiệm nên ông ta để chó trong xe, để máy xe nổ cho có hơi nóng sưởi chó. Con chó loay hoay sao đó ở cần hộp số khiến xe chạy thẳng vô tiệm cà phê. May, không ai việc gì. Mở cửa, chó vẫy đuôi, gâu gâu, ý muốn nói “Tôi biết lái xe rồi!”. Bà chủ tiệm cà phê Patricia McCathy thì thở dài “Thèm cà phê thì nói người ta mang ra. Đây đâu phải tiệm fastfood mà mầy drive through!”

Ở Á châu, giới ăn mày sợ chó và bị chó cắn nhiều nhất. Trong truyện kiếm hiệp Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung, xếp sòng giới ăn mày là Hồng Thất Công, có cây gậy đánh chó “Đả Cẩu Bổng” và truyền cho bọn ăn mày dưới trướng Đả Cẩu Bổng Pháp (cách đánh chó) để phòng thân.

Chó khôn ngoan và trung thành, thường được được huấn luyện để giúp người mù, người bịnh hoạn, tàn tật trong sinh hoạt, đi lại. Ông Stalnaker ở Phoenix, Arizona, có nuôi con chó Buddy. Một hôm ông ta bị lên cơn kinh phong, nằm lăn ra ở nền nhà. Con chó Buddy bấm 911 rồi sủa gâu gâu, cảnh sát đến đưa ông Stalnaker vào bịnh viện cứu chữa, hai ngày sau về nhà. Xem TV tôi thấy có con heo. Bà chủ bị sao đó, nằm lăn dưới nền nhà. Con heo ra đường đứng. Thấy xe nào chạy qua cũng tỏ vẻ muốn chận xe lại. Có anh thanh niên thấy lạ, ngừng xe, bước xuống. Con heo vẫy đuôi đi trước, anh ta theo sau, vô nhà. Thấy thế, bèn gọi xe cấp cứu đến, cứu được bà ta. Một chuyện chó khác. Một bà đem con chó cưng đến tiệm “Dog Beauty Salon” (Thẩm mỹ viện chó) để làm đẹp cho nó. Không hiểu “trim” (cắt tỉa, o bế bộ lông) con chó thế nào mà bị bà ta kiện chủ tiệm ra tòa “Tôi bảo. Cắt ngắn thôi. Salon lại làm trụi lũi, đưa cả da chó ra. Tôi buồn rầu, đau khổ khôn nguôi. Phải bồi thường một triệu đô la cho thiệt hại tinh thần và tình cảm của tôi”. Viện cớ phải tìm hiểu thêm sự việc, luật sư của bị đơn (chủ tiệm salon) xin hoãn vụ xử đến bốn tháng. Tòa đồng ý. Bốn tháng sau, bộ lông con chó mọc lại dài như “thuở ban đầu”. Tòa xử huề.

Nói về lông chó, tôi nhớ, thời trước 1975, ở Sài Gòn, đường Hàm Nghi có chợ chó, bán đủ các thú nhỏ. Chó, mèo, chuột bọ, rắn rết. Mấy ông bà bán chó lấy thuốc nhuộm tóc, nhuộm lông các con chó. Con thì lông vằn vện như con cọp, con thì lốm đốm như con beo. Các chàng lính Mỹ ngạc nhiên và khoái lắm. Mỗi chàng, khi hết nhiệm kỳ viễn chinh hoặc về phép thường ra Hàm Nghi mua một con “chó lai cọp, lai báo” đem về Mỹ để khoe với bạn bè. Không ngờ, sau mấy lần tắm cho chó, thuốc nhuộm phai dần, lòi ra bộ lông của “Ngày xưa Hoàng thị”. Việt Nam mình, phần đông, chẳng ai tắm cho chó, chỉ một lần duy nhất, dội nước sôi để cạo lông chó mà thôi!

Để chấm dứt, tôi xin kể vài chuyện con chó liên quan đến những nhân vật Việt Nam được nhiều người biết. Thời vua Tự Đức nhà Nguyễn có quan Phụ Chánh Đại Thần Tôn thất Thuyết, tính nóng nảy và hung ác. Vua Tự Đức bảo với cận thần “Tôn Thất Thuyết là kẻ ít học không thông việc đời, lại có tật quá nóng nảy nên hay nói càn” Khi giữ chức Tán Tương Quân Vụ, dưới quyền thống đốc Hoàng Kế Viêm, phụ trách quân thứ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Ông khó ngủ. Một đêm, có tiếng chó sủa khiến ông mất ngủ. Sáng ra, ông gọi lý trưởng làng đó đến, chém đầu. Thế là ông đến đâu, người ta giết sạch chó đến đó vì không ai muốn bị ông ta chặt đầu. Một lần khác, đóng quân tại nhà viên chánh tổng ở phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đêm khuya, ông giật mình, mất ngủ vì tiếng khóc của một đứa trẻ nhà bên cạnh. Ông ra lịnh đem đứa trẻ ra chém đầu.

Trong lịch sử Việt Nam có người nóng nảy và hung ác như Tôn Thất Thuyết thì cũng có một người rất thanh liêm, đạo đức như tổng thống Ngô Đình Diệm. Xin kể một chuyện cũng có liên hệ đến chuyện chó. Đó là “Ngã Ba Chuồng Chó”. Sau năm 1954, miền Nam còn yên tĩnh, thái bình. Một lần muốn di hành, xem dân chúng sinh hoạt ra sao về ban đêm, cố tổng thống Ngô Đình Diệm cho tài xế chở mình chạy một vòng Sài Gòn, Chợ Lớn. Rồi xe lăn bánh ra vùng ngoại ô. Xe lang thang đến Ngã Ba Chuồng Chó. Tổng thống ngạc nhiên. Khuya rồi mà ở đó vẫn ồn ào, náo nhiệt? Thình lình một bầy con gái, mắt xanh mỏ đỏ, áo hai dây, quần một ống, chận xe lại “Vô đây đi anh! Đi đâu cũng vậy. Đi em, em cám ơn!” Tài xế phải cho xe vọt qua. Tổng thống ngạc nhiên. Hỏi chuyện gì vậy? Tài xế phải khai thiệt “Ngã Năm Chuồng Chó” nầy là khu ổ điếm. Sáng hôm sau, tổng thống họp nội các, giận dữ, cách chức bộ trưởng Xã Hội, cách chức tỉnh trưởng Gia Định, cách chức quận trưởng Gò Vấp. (Cá nhân tôi trộm nghĩ: Lãnh đạo đất nước trong thời nhiễu nhương mà quá ngay thật, lấy “đức nhân” ra mà ban cho thần dân thì cái họa “phản thần thí chúa” của bọn quân phiệt không thể tránh khỏi)

Bây giờ qua chuyện ông đảng viên Cộng Sản bỏ đảng Hà Sĩ Phu. Năm Bính Tuất (2006), trên tờ An Ninh Thế Giới của Việt Cộng có bài viết của nhà báo (VC) Nguyễn Như Phong, gọi những đảng viên bỏ đảng là những kẻ xấu xa, không bằng con ngựa, con chó là hai con vật trung thành với chủ “Con không chê nhà khó, chó không chê chủ nghèo. Thế mà Hà Sĩ Phu lại thừa lúc đất nước mình còn nghèo để quay lưng lại với cái sự nghèo của đất nước, để đi ôm chân nước ngoài giàu có, mà phản bội đất nước” Ông Hà Sĩ Phu không thèm trả lời, chỉ tung lên mạng (internet) một bài tản mạn về sự trung thành của con chó như sau “Cha ông chúng ta tinh tế lắm: Cái chất đáng yêu nhất của con chó là trung thành với chủ, nhưng các cụ không bao giờ ví “Trung thành như chó” cả. Bởi sự trung thành, ở người, là một phẩm chất cao quí bao hàm cả lương tâm, trí tuệ, và bản lĩnh, khác xa với sự “trung thành” của loài vật, vốn chỉ là quan hệ bản năng đối với người chủ cho nó ăn. Câu ‘ăn cây nào, rào cây ấy’ cũng chỉ là lời khuyên về sự khôn ngoan, về tính thực tế chứ không phải chuẩn mực cho sự trung thành. Chỉ những tính chất phi nhân thì các cụ mới ví với chó ‘đểu như chó’, ‘lật mặt như chó’, ‘ngu như chó’. Đến câu ‘dại như chó’ thì thật lạ! Biết vẫy đuôi mừng chủ, bảo vệ chủ để được ăn thì khôn quá đi chứ, thế mà các cụ lại liệt khuyển ta vào loại dại. Cũng có khi các cụ khuyên nhủ: “Chó khôn không cắn càn”, nhưng các cụ thừa biết đã là chó thì thưởng thức thế nào được lẽ càn khôn…”. Viết về các nhà văn của đảng, nhà văn bỏ đảng Dương Thu Hương xếp loại “50% thích và yên tâm với kiếp ngựa, 30% hiểu nỗi thống khổ của thân trâu ngựa nhưng chỉ cúi đầu cam chịu, 15% máu nóng hơn, đủ dũng khí tốc vó đá vào chuồng lúc nửa đêm, khi chủ và bọn giữ ngựa ngủ say, chỉ còn 5% có tinh thần phản kháng ở nhiều cấp độ” Thực ra họ chỉ là bọn thư lại chứ chẳng phải nhà văn. Ông Hà Sĩ Phu dựa theo ý của ông nhà văn VC Nguyễn Như Phong. Bảo rằng “Đảng viên VC phải trung thành với đảng như những con chó trung thành với chủ” và trích mấy câu thơ của nhà thơ Tường Vân ở Hải Phòng như sau:

Bảo ra đường. Ra đường

Bảo nằm gầm giường. Nằm gầm giường

Bảo sủa. Sủa

Bảo im. Im

Và cứ thế triền miên.

Một đời con chó!

Phạm Thành Châu

Visits: 468

Ngày Xuân hồi tưởng âm thanh cũ

Nguyên Trần

Mai vàng rực rỡ chào Xuân

Chờ nghe em nói một lần yêu anh

Cứ mỗi độ xuân về, cây cối đâm chồi nẩy lộc, lá hoa tươi thắm rộn ràng, lòng người như xôn xao mở hội theo sự chuyển mình thiêng liêng của vũ trụ và tiết trời dịu mát, bỏ lại đàng sau một năm dài tất bật nhọc nhằn.
Để hồi tưởng lại những âm thanh cũ nơi quê hương giờ đã nghìn trùng xa cách, bần bút xin đưa quý vị và các bạn trở về một góc trời phiêu lãng qua những bản nhạc xuân một thời đã từng làm hồn ta xao xuyến ngất ngây.
Việt Nam chúng ta ngày xưa ăn Tết rất lâu, do vậy sau ngày 23 tháng Chạp đưa Ông Táo về Trời, các đài phát thanh Pháp Á, Saigon, Quân Đội đã bắt đầu cho phát thanh nhạc xuân suốt cho đến ngày mồng 7 mồng 8. Thôi thì trong hơn hai tuần lễ, chúng ta nghe nhạc xuân mệt nghỉ luôn.
Ngày xuân là ngày vui thú tưng bừng nên những bản nhạc xuân soạn theo nhịp nhanh vui như Valse rất dễ hấp dẫn con người. Chẳng thế mà 2 bản nhạc “Ly Rượu Mừng” của Phạm đình Chương và “Xuân Và Tuổi Trẻ” (bản nhạc duy nhất của nhạc sỹ gốc Minh Hương La Hối mất lúc còn trẻ) đã ăn sâu vào lòng người yêu nhạc.
Thử hỏi có lời chúc nào hàm súc và bình dị hơn là :
“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó…”
Ly rượu mừng(Phạm Đình Chương)

Hình bìa vài bản nhạc xưa

Với La Hối, cả một trời xuân rực rỡ, “ngàn hoa tươi thắm” trở về với lòng người rộn ràng với đất trời bao la :

“Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi thắm
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng”
Xuân và tuổi trẻ (La Hối)

Nhắc đến nhạc xuân mà không nhắc đến bản “Gái Xuân” của Từ Vũ phổ nhạc từ bài thơ mang cùng tên của Nguyễn Bính là cả một thiếu sót lớn lao. Thơ và nhạc quyện vào nhau thành một tiết tấu bất hủ mà ai nghe qua cũng thấy lòng lâng lâng bàng hoàng. Thực vậy, với điệu Tango Habanera hay cha cha cha lả lướt bay bướm, bài hát như cơn sóng bạt ngàn phủ chụp lấy hồn người bằng những âm thanh bay bổng tuyệt vời :
“Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ hoa mận nở
Gái Xuân giủ lụa trên sông Vân
. . . . .
Lòng xuân lơ đãng má xuân nồng
Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng
Đôi 8 xuân đi trên mái tóc
Đêm xuân cô ngủ có buồn không”
Thêm một bản nhạc Xuân phổ từ thơ cũng rất nổi tiếng là bài “Anh Cho Em Mùa Xuân” thơ Kim Tuấn, Nguyễn Hiền phổ nhạc. Cũng điệu Tango đưa chàng và nàng vào cơn đam mê tình ái chất ngất tuyệt vời:
“Anh cho em mùa xuân
Nụ hoa vàng mới nở
Chiều Đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn hè phố
Mắt buồn vin ngọn cây”

Sau những bài luân vũ, Tango sống động, ta hãy nghe Phạm Duy ru hồn người qua điệu Slow dìu dặt nhẹ nhàng trong bản nhạc “Hoa Xuân” đài các êm đềm qua tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh:
“Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung ròn”

Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mỗi độ Xuân về là gởi thiệp chúc Tết cho nhau và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Ý nghĩa đó đã được Lê Dinh và Minh Kỳ diễn đạt qua bài “Cánh thiệp đầu Xuân” với thể điệu Bolero đại chúng và lần đầu tiên trình làng bởi Lệ Thanh:

“Tôi chúc muôn người mọi điều ước muốn
Non nước vinh quang trong tia nắng thanh bình
Để người anh lính chiến quay về với gia đình
Tìm vui bên lửa ấm
Tôi chúc yên lành người người khắp chốn
Mong gió đưa duyên, cho cô gái xuân thì
Ước nguyện mau chóng thành rượu hồng xe duyên

Xuân về có chàng trai hân hoan gởi cho người yêu cả một trời xuân hoa mộng rực rỡ qua bản nhạc “Mùa Xuân Gởi Em”của Lê Dinh và Minh Kỳ :
“Anh chúc em thêm đẹp đôi má hồng
Đón xuân nồng lòng mang bao ước mong
Mong ước rồi mùa xuân tươi thắm mãi
Hoa bướm tung bay vui vầy khắp trời mây.”

Mà chẳng gì cứ người lớn, ngay cả con nít cũng thấy lòng phơi phới nôn nao, xuân tình rạo rực trong tiết xuân. Bởi thế chúng mới bày trò đám cưới giả như trong bản Nhạc “Đám Cưới Đầu Xuân” của Trần Thiện Thanh (nói nhỏ các bạn đây là bản nhạc tủ của bần bút mỗi khi dự tiệc cưới đó, cứ hát đi hát lại hoài nhưng quan khách của những đám cưới khác nhau thì đố ai biết mình chỉ có tẩy sất thôi đâu):
“Rồi một chiều nao em khoe áo mới xanh hơn mây trời
Hai đứa chung vui khi xuân vừa tới thơ ngây cuộc đời
Trò chơi trẻ con em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu
Chú rể ngẩn ngơ ra hái hoa cà (mà) làm quà cưới cô dâu”.

Tuổi trẻ, tình yêu và mùa xuân là những yếu tố gắn liền với nhau: tuổi trẻ bừng bừng nhựa sống, tình yêu là lẽ sống con người và mùa xuân tô điểm cuộc đời, ta hãy nghe tâm tình đó qua nhạc khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên”của Tuấn Khanh :

“Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em
Bao lần ngồi bên em nghe mùa xuân vừa đến
Em ơi! Hoa thắm rơi ngập đường trời nắng xế vương vương
Lòng nhớ tới em luôn khi chiều tàn trên mọi đàng”.

Mùa xuân khởi động cho tình yêu, cho hạnh phúc lứa đôi, cùng một suy tư trên, hai nhạc sỹ Minh Kỳ Lê Dinh đã họp soạn bản nhạc “Hạnh Phúc Đầu Xuân” :
“Thắm thoát là đây 1 mùa xuân mới với ngàn cánh mai vàng
Nụ cười trên môi trên làn má ai đón xuân tươi vừa sang”

Mùa Xuân là mùa của Đất Trời của lòng người với hoa lá cỏ cây rộn rịp hòa chung nhịp thở tình thương. Từ Đông sang Tây ai ai cũng quên ̣đi bao tất bật rộn ràng trong năm cũ để nô nức đón chào Xuân. Chẳng thể mà nhạc sĩ lừng danh người Áo Johann Strauss ̣(tác giả bản nhạc Valse bất hủ The Blue Danube) đã viết nên bản nhạc để đời
“ One day when we were young” cũng qua thể điệu Waltz dồn dập quay cuồng:
One day when we were young
That wonderful morning in May
You told me you loved me
When we were young one day
Sweet songs of spring were sung
And music was never so gay
You told me you loved me
When we were young one day
————————————

Trước đây, nhạc sĩ Phạm Duy có viết lời Việt cho bản nhạc nầy với tựa đề “ Khúc hát thanh xuân” mà hình như Thanh Lan hát đầu tiên:
Ngày ấy khi Xuân ra đời
Một trời bình minh có lũ chim vui
Có lứa đôi, yêu nhau rồi
Hẹn rằng còn mãi không nguôi

Nhạc lắng hương xuân bồi hồi
Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi
Nói với nhau, yêu nhau rồi
Một ngày còn mới tươi môi.——–

Theo phong tục Việt Nam thì trong ba ngày Tết, dù bôn ba xuôi ngược khắp nơi, ai ai củng phải thu xếp để về quê họp mặt vui vầy cùng gia đình, bạn hữu. Trong tryền thống thiêng liêng đó, ta có bản nhạc “Xuân Họp Mặt” của Văn Phụng qua thể điệu mambo nhún nhẩ̉y :
“Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng trong nắng vàng cất tiếng hát reo vang
Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng trong gió ngàn mừng đón xuân sang”

Họp mặt để chúng ta cùng hân hoan đón “Xuân Đã Về” của Minh Kỳ với thể điệu ballad dồn dập:
“Xuân đã về, xuân đã về! ngàn hoa hé môi cười tươi đón gió mới
Xuân đã về, xuân đã về! ta hát vang lên câu ca chào mừng xuân”.
Đến đây tưởng cũng nên nhắc lại một câu chuyện thương tâm nát lòng là nhạc sĩ Minh Kỳ đã bị bọn cầm thú VC sát hại dã man tại trại tù cải tạo Suối Máu-Biên Hòa vào ngày1/9/1975 như để ăn mừng ngày Quốc Khánh của chúng.
Xuân đến cùng những làn gió hiu hiu nhè nhẹ mà vua Tango Hoàng Trọng đã diễn tả trong “Gió Mùa Xuân Tới” với điệu cha cha cha thôi thúc :
“Gió mùa xuân tới, cánh hồng tươi thắm trong nắng vàng
Muôn bướm tung bay bao sắc tươi khoe cùng trời thắm”.

Nắng xuân trong sáng lung linh, nắng xuân nhẹ nhàng soi bóng em và anh nghiêng nghiêng trên ngàn hoa rực rỡ muôn màu, và tay trong tay chúng ta cùng nhau “Mừng Nắng Xuân Về” của Huỳnh Anh qua thể điệ̀u ballad rộn ràng:
“Nắng xuân về trên muôn hoa
Nắng xuân về trên khắp mọi nhà
Người người vui đón xuân đã về
Một mùa xuân mới chan chứa tình”.

Chúa Xuân bao giờ cũng lộng lẫy huy hoàng cho muôn loài đúng như bài ca “Xuân Muôn Thuở” diễn tả :
“Xuân về non nước huy hoàng trên màu nắng đẹp trên khóm hoa”.

Nàng Xuân yêu kiều đến độ ai ai cũng yêu thương như Nguyễn Hữu Thiết đã viết trong nhạc khúc “Nàng Xuân của tôi” qua thể điệu slow nhẹ nhàng réo rắt :
“Nàng Xuân đến dáng xuân diễm kiều thầm yêu ai đó
Nàng Xuân hởi với tôi hãy cùng cùng hòa tiếng tơ
Tôi đón Xuân với lòng thắm thiết
Tôi đón Xuân với niềm hân hoan
Tôi đón xuân với tình bát ngát
Tôi đón Xuân vô vàn niềm yêu …”
Xuân về với én lượn oanh ca, xuân về với đóa mai, lan, hồng nở đã gợi cho Nhật Bằng viết “Khúc Nhạc Ngày Xuân” với thể điệu pop tưng bừng rộn rịp:
“Ngàn hoa thắm tươi hé môi cười cùng chào đón xuân
Bầy chim tung cánh bay trên muôn cành cùng hát vang”….
Cũng trong nỗi rộn ràng đó, Phạm Đình Chương đã viết nên nhạc khúc “Đón Xuân” với thể điệu swing thật vui tươi sống động mà Như Quỳnh thường hát mỗi khi xuân về tại hải ngoại:
Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh muôn loài chim hót vang mọi nơi
Đem trong tiếng cười muôn kiếp người tình thương đắm đuối
Ánh xuân đem vui với đời”.
Nếu mùa xuân đem đến tin vui rạng rỡ cho đời thì mùa xuân cũng mang những băng khoăn, khắc khoải trong lòng chàng trai vừa chớm biết yêu nhưng không biết rằng người ta có yêu lại mình hay không. Ưu tư đó được Ngọc Bích diễn tả qua bài tango nổi tiếng của thập niên 4, 50, đó là bài “Mộng Chiều Xuân” :
“Mối tình đầu xuân ai thấu chăng
Lòng tha thiết vương theo tiếng đàn
Mơ đời ái ân những ngày phong trần
Sống trong mộng đẹp ngày xuân”.
Mặc cho thăng trầm dâu bể của cuộc đời, xuân lúc nào cũng rực rỡ huy hoàng như bài ca “Xuân Tươi” : “Xuân mang về ngàn ánh nắng mới
Hoa tươi cười cùng nhau reo vui
. . . . . . .
Ớ xuân ! Ý xuân nồng ấm, sắc xuân huy hoàng, dáng xuân yêu kiều”
Sau cơn biến động kinh hoàng 1975, một chàng trai trong phút hốt hoảng bàng hoàng đã bỏ người yêu và quê hương trong một đêm xuân để nàng bơ vơ sầu khổ như Lam Phương đã viết :”Chuyện Buồn Ngày Xuân” :
“Sao anh đành bỏ em để ra đi một mình giữa đêm xuân lạnh lùng,
Chim xa bầy còn thương tổ ấm huống chi người tội lắm anh ơi!”.
Giữa lúc mọi người nô nức đón xuân sang thì có người con gái đan áo mà nhớ nhung người tình cách xa dịu vợi qua nhạc khúc “Đan Áo Mùa Xuân” của Anh Bằng :
“Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ
Là thôi em mong nhớ xuân này chàng có về
Hỏi hoa hoa chẳng nói, hỏi mây mây lặng đứng
Hỏi gió gió ngập ngừng, hỏi nắng nắng ngại ngùng”.
Miền Nam tràn đầy tự do hạnh phúc nên mùa xuân cũng rực rỡ tưng bừng mà Văn Phụng đã ca ngợi qua bản “Xuân Miền Nam” trong thể điệu Cha Cha Cha nóng bỏng mời gọi:
“Miền Nam niềm vui chan chứa đêm mơ hồ
Miền Nam tình xuân sưởi ấm thêm đôi bờ
Giờ đây mùa xuân đang xóa tan mây mờ
Quên đi đau thương sầ̀u nhớ
Vica tung gieo nuồn sống đắp xây tự do
. . .Từ phương xa, đêm nay xuân về duyên dáng
Trên đôi môi nàng trinh nữ thắm nét son. ..”
Tuy nhiên xuân về mà không có người yêu bên cạnh thì thà chết sướng hơn như lời than thở qua bài ca “Nếu Xuân Này Vắng Anh” của Bảo Thu do Trang Mỹ Dung hát đầu tiên:
“Nếu xuân này vắng anh
Như lá khô buồn xa cành
Như giao thừa êm tiếng pháo
Mai úa sắc bên hiên thì đừng đến xuân ơi!”
Và tệ hại hơn nữa là xuân về mà bị đào cho “de” thì thật là cười đau khóc hận, cứ nằm trên gác xếp mà thở thở than than. Tâm trạng não nề này được Thúc Đăng ghi lại trong bản nhạc “Xuân Về Trên Gác Nhỏ” qua tiếng hát cao vút của Thanh Tuyền. Thiệt là đúng hoàn cảnh dở khóc dở cười của những chàng thất tình kinh niên như bần bút đây:
“Đào mai hé nhụy, xuân nay lại về chạnh nhớ bâng khuâng
Một mình bơ vơ nhìn ra phố nhỏ đón xuân thiên hạ tưng bừng
Tình xuân lại đến, nhớ thương lại về
Như nhắc bao u hoài vương vấn trong tôi chưa quên một người
Xuân thuở nào hẹn mùa yêu…”

Có những người lận đận lao đao với những cuộc tình không tới nên cứ mãi đi tìm lại một mùa Xuân của mình:
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân xưa cũ qua mất rồi
Mùa xuân đã rơi vào dĩ vãng
Mà xuân nay vẫn còn dư hương
————————————
(Tôi đi tìm lại một mùa Xuân-Đoàn Nguyên)

Tôi đi tìm lại một mùa Xuân

Chính em mang lại mùa Xuân Xanh

Tôi đã tìm trong giấc mộng lành

Mơ ước cuối đời trong nỗi nhớ

Bóng hình em dáng đẹp thanh thanh./.

Một trong những phong tục của dân tộc ta là xem bói đầu năm. Chả thế mà bài thơ Kim Tuấn đã được nhạc sĩ Lê Kim Khánh phổ nhạc “Thiên Duyên Tiền Định” thể điệu ballad vui nhộn như mùa Xuân, một thời nổi tiếng với Hùng Cường – Mai Lệ Huyền:
“Đầu năm hoa lá xôn xao nở như đón chào
Nhờ anh tiên đoán năm nay duyên nợ thế nào”

Đi lễ đầu năm cũng là một phong tục cổ truyền mà ta vẫn còn giữ, đi lễ để cầu xin may mắn hanh thông, để cầu duyên và để “cạo da đầu -ủa lộn- cầu gia đạo như bản nhạc “Câu Chuyện Đầu Năm” của Hoài An :
“Trên đường đi lễ xuân đầu năm
Qua một năm ruột rối tơ tằm
Năm mới nhiều ước vọng chờ mong
May nhiều rủi ít ngóng trông
Vui cùng pháo đỏ rượu hồng”
Có người đón xuân mà bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của những mùa xuân cũ bên người yêu nay đã cách xa. Ta hãy nghe nhạc khúc “Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa” của Châu Kỳ :
“Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa
Một chiều xuân anh đã hẹn hò
Như ướp tình trong cánh hoa mơ
Đưa hương theo làn gió anh nói rằng nên viết thành thơ”.
Giữa lúc người người hân hoan chào đón xuân thì thật thất thương những người chiến sỹ VNCH ở tận các tiền đồn xa xôi heo hút rừng núi cheo leo, ngày đêm canh phòng ngăn giặc, giữ yên bờ cõi để người hậu phương vui Tết yên bình. Với lính thì làm gì có mùa xuân khi quê hương chưa sạch bóng quân thù. Ta hãy nghe hoàn cảnh đó qua bản nhạc “Tôi Chưa Có Mùa Xuân” cũng của Châu Kỳ :
“Đợi hai, ba năm nữa, quê mình thôi khói lửa
Mời xuân đến với tôi. Giờ này còn nổi trôi
Riêng tôi xin từ chối, mà xuân chán gì nơi”.——–
Người lính chiến thân yêu của chúng ta đã bỏ lại sau lưng thành phố những người thương mòn mỏi đợi chờ, những cuộc vui tuổi trẻ, những ước vọng thanh xuân để đón xuân bằng : “Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền”
Phiên Gác Đêm Xuân – Nguyễn văn Đông
Hoặc :
“Đồn anh đóng ven rừng mai
Nếu mai không nở anh đâu biết xuân về hay chưa”
Đồn Vắng Chiều Xuân – Trần Thiện Thanh
Hay chua xót hơn : “Quà xuân anh chẳng có
Gác giặc từng giờ
Đời lính chiến lấy gì gửi về em”.
Phút Giao Mùa – Trần Thiện Thanh

Dù thế, lính vẫn không quên chúc Tết mọi người. Ta hãy nghe “Đầu Xuân Lính Chúc” của Tấn An- Hoài Linh qua thể điệu beguine rock rộn rịp nao nức như không khí ngày Xuân :
“Ngày đầu xuân chúc non nước thanh bình
Ngày mồng 2 chúc cho lứa đôi mình
Và mồng 3 anh chúc đôi mắt em xinh
Má em hồng nét tươi mãi trong lòng anh”.
Để bày tỏ, dù trong muôn một lòng thương mến lính, người hậu phương lúc nào cũng “Vui Xuân Nhớ Ơn Người Chiến Sỹ”, thăm viếng tiền đồn, thư từ quà tặng vào dịp đầu xuân và ngược lại lính rất trân trọng tình hậu phương. Ta hãy nghe lính tâm sự:
“Cám ơn ai khi xuân về vui thật là vui
Không quên người sương gió phương trời
Âu yếm gởi tình đi muôn nơi”.
Cảm Ơn – Trịnh Lâm Ngân
Trong thời chinh chiến, có biết bao bà Mẹ mỏi mắt chờ con trai về để cùng vui đón mùa xuân, nhưng đứa con đã biền biệt bốn phương trời với trọng trách diệt thù giữ yên bờ cõi:
“Mẹ ơi ! Hoa cúc hoa mai nở vàng
Đời con giờ đây đang lênh đênh
Đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn
Áo trận sờn vai bạc màu nhìn xuân về lòng buồn mênh mang”.
Mùa Xuân Của Mẹ – Trịnh Lâm Ngân

“Con biết bây giờ Mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngỏ mà tin con vẫn xa ngàn xa”.
Xuân Này Con Không Về – Trịnh Lâm Ngân

Nhưng cũng có lúc hai kẻ yêu nhau cũng tìm ra một mùa Xuân hạnh phúc trên đỉnh yên bình:

Rồi mai, có một lần tôi đưa em,
về trên đỉnh yên bình, hiền hòa
Một mùa xuân lên cao,
hôn lên làn tóc xõa, theo mây trôi, bềnh bồng…
Mùa Xuân trên đỉnh bình yên-Từ Công Phụng
Từ sau biến cố 30 tháng 04 năm 1975, nhiều người Việt Nam vì yêu chuộng tự do phải gạt nước mắt ra đi nhưng lòng luôn hoài vọng về những mùa Xuân yêu thương trên quê hương để rồi ngậm ngùi tự hỏi lòng là :
“Nơi ấy bây giờ còn có mùa Xuân
Có dáng nghiêng nghiêng nụ cười thật gần”
Em còn nhớ mùa Xuân- Ngô Thụy Miên

Những mùa Xuân tha hương là những mùa Xuân đau buồn u uất của đàn con xa xứ trong giấc hương quan mịt mờ:
“Chiều nay lê bước phiêu du
Thầm nhớ Xuân về làng cũ
Tình quê chan chứa trong lòng
Chua xót thay sầu tư hương”
Xuân tha hương- Phạm Đình Chương

Và sau cùng, trong vòng 5 năm nay, bản nhạc Pháp nổi tiếng “T’As le look Coco” của hai nhạc sĩ Marc Attali và Richard Anderson qua thể điệu techno nao nức sống động với lời và tựa Việt “Xuân yêu thương” của nhạc sĩ Đỗ Đ̀ình Phúc đã trở nên thật phổ biến trong cộng đống Việt Nam hải ngoại:
Xuân đã đến bên em
Ɗáng xuân tuуệt νời
Xuân đã đến bên người,
Xin người hãу cùng em νui xuân.
Mɑng hạnh ρhúc cho đời
Gió xuân tuуệt νời Mɑng sɑу đắm cho người Xin người cùng em νui xuân.
———————————–

Từ nãy giờ, chúng ta cùng nhau trở về với vùng âm thanh kỉ niệm qua những bản nhạc xuân thập niên 5, 60 mà bần bút cố ghi lại theo trí nhớ hẹp bề khổ. Do đó nếu có gì thiếu sót, xin các bạn đánh cho hai chữ đại xá. Chỉ cần biết rằng, cứ mỗi độ xuân về, lòng ta không khỏi bâng khuâng ngậm ngùi nhớ về quê hương với khung trời kỉ niệm mà trong đó những ca khúc Xuân vẫn man man bàng bạc trong tâm tưởng.
Sống ở xứ người tất bật rộn ràng, cuộc đời phù du tạm bợ, do vậy, gợi nhớ về dư hương xưa, hình ảnh cũ qua những bản nhạc xuân một thời để biết đâu từ đó ta có thể tìm lại chính hình bóng mình chập chờn trong dĩ vãng tưởng đã nhạt nhòa và để thấy mình vẫn “còn một chút gì để nhớ để thương”.
Mong rằng bài viết này là một món quà tinh thần nho nhỏ đến với người đọc trong những ngày xuân tha hương. Trong tâm tình đó, xin kính chúc quý vị và các bạn một năm mới an khang thịnh vượng để cùng nhau chào đón một mùa xuân nữa trên xứ người..

Nguyên Trần

-Toronto

Visits: 573

Kinh Tế Việt Nam 2017 và Đại Họa Lệ Thuộc Kinh Tế Trung Quốc

Nguyễn Bá Lộc

Năm 2017 là một mốc thời gian quan trọng của Việt Nam. Chế độ độc tài CS tiếp tục thêm nhiệm kỳ nữa. Nội bộ CSVN đấu đá mãnh liệt hơn trước qua chiêu bài “chống tham nhũng” trong sự tranh giành quyền lực nội bộ, và trong chủ trương tạo bề ngoài như một “ý chí phục thiện” để lấy niềm tin.

Về phương diện kinh tế, năm 2017 cũng là thời điểm quan trọng. Sau 30 năm “đổi mới” nửa vời và nhiều lệch lạc, bịnh tình kinh tế VN không hết mà còn tệ hại hơn. Mọi người chờ sự “đổi mạnh” “đổi đúng” và “đổi thật”. Nhưng, thực tế không như mong đợi. Những khó khăn kinh tế nghiêm trọng vẫn tồn tại và đe dọa tương lai. Mối nguy lớn nhứt của những vấn nạn nghiêm trọng năm qua là bước tiến nhanh của sự lệ thuộc kinh tế Trung quốc (TQ).

Qua vài con số rất tổng quát được chánh quyền công bố hồi đầu năm nay, kinh tế có vẻ như khá hơn. Chánh quyền muốn bày tỏ với dân và quốc tế có chút lạc quan trên con đường đang đi tới.   Nhưng thực sự các con số đó chưa nói hết thực trạng kinh tế hiện nay. Những cản trở quá lớn và đã kéo dài từ hàng chục năm qua hãy còn đó, và không hy vọng sớm giải quyết ổn thỏa.

Bên cạnh một số chỉ tiêu kinh tế có khá hơn so với năm 2016 về tỷ suất phát triển nhờ sự gia tăng xuất cảng và đầu tư ngoại quốc. Song, tiến triển nầy còn rất thấp, rất nhỏ, so với mức trung bình của các nước đang phát triển khác.

Để hiểu một phần nào thực trạng kinh tế đang vật lộn với những khó khăn lớn tồn tại cùng cái họa kinh tế từ TQ, chúng tôi xin trình bày tóm lược dưới đây qua hai phần chánh:

. Tiến bộ và trở ngại của Kinh tế Việt nam 2017

. Tai họa của sự lệ thuộc kinh tế Trung quốc

I. Tóm Lược Kinh Tế Việt Nam Năm 2017

Trên một một số lãnh vực trọng yếu, và với cái nhìn chung, thì kinh tế VN 2017 có được chút tiến bộ, so với thời kỳ kinh tế suy sụp nặng (2008-2015) và so với chính bản thân mình.

Nhưng với cái nhìn tổng quát và có nghiên cứu sâu hơn thì nền kinh tế hiện nay không có gì lạc quan, nó sống với nhiều mảnh bể lớn, nhiều hố sâu, nhiều mục nát, bên cạnh một vài hình ảnh kinh tế có vẻ hào nhoáng bề ngoài và gợi cảm cho những ai chỉ hiểu biết nó cách dễ dãi.

1. Một số tiến bộ kinh tế được công bố

Theo các con số đưa ra a Tổng cục thống kê cũng như một báo chí trong tháng đầu năm nầy, chúng ta ghi nhận

 Năm                                      2010            2012                2016                2017

*Tỷ số phát triển                   6.4%              5.2 %               6.2 %               6.8% (1)

(1)  Theo Tổng cục thống kê VN và báo Xinhua, TQ tỷ suất là 6.8%. Theo Ngân Hàng Thế Giới ước lượng 6.3%. Chỉ tiêu Quốc Hội đặt ra là  6.7%

Khó nói các con số thống kê của VN chính xác đến mức nào. Chỉ có thể nói kinh tế có khá hơn so với những năm từ 2009 đến 2015, và kém hơn các năm 2001-2008 đã đạt tỷ suất phát triển trung bình 8%.

Dù có đạt 6.8% thì hãy còn yếu. Vì các nước có mức độ phát triển tốt như Đài Loan, Nam Hàn Singapore trong giai đoạn đầu của phát triển luôn có tỷ xuất trên 9%. Và theo nhận xét của một số cơ quan quốc tế như World Bank, thì nếu VN muốn có sự phát triển tương đối bền vững để giữ có mức lợi tức đầu người trung bình cao, thì mức độ phát triển phải đạt từ 7% trở lên.

Một số chỉ tiêu có tiến triển khác:

   Năm                                                 2010                 2012                  2016                  2017

Tổng sản lượng  (tỷ mỹ kim)             $115.9              $135.5                    $195                $221  (*)

Đầu tư ngoại quốc (tỷ mỹ kim)         $19.9                   $16.3                     $18                   $33 (*)

Xuất khẩu   (tỷ mỹ kim)                     $72.2                $114.57               $175.94          $213.77 (*)

(*) theo Tổng cục thống kê

Theo báo cáo của VN thì năm 2017 tổng trị giá xuất nhập khẩu ước lượng 400 tỷ mk, và có xuất siêu 3.2 tỷ mk lần đầu sau 10 năm. Các năm trước thì có số nhập siêu trung bình 12.5 tỷ mk/năm trong khoảng thời gian 2006-2010, thời gian tung hoành của các tập đoàn kinh tế.

So với năm 2016, Đầu tư ngoại quốc tăng  82%  và Xuất khẩu tăng  20%

Trong FDI tăng cao chánh yếu là do đầu tư của TQ, chiếm vị thế thứ ba, từ vị trí thứ 9 trong trung bình 5 năm trước.

Hàng xuất khẩu chủ lực  2017 là: Dầu lửa, điện tử, quần áo giầy dép , thủy sản, gạo, cà phê. Các công ty ngoại quốc chiếm 65% tổng số hàng xuất cảng.

Tuy nhiên, nhập khẩu vẫn gia tăng. Đây là một trở ngại lớn. Đặc biệt  nhập siêu từ Trung quốc và làm VN lệ thuộc TQ tới mức nguy hiểm. Tổng trị giá xuất nhập VN – TQ 2017 tăng thêm 23% so với năm 2016. TQ là thị trường lớn thứ nhì của VN, Hoa kỳ thứ nhứt.

2. Hình ảnh kinh tế tổng thể

Mặc dù theo báo cáo, kinh tế 2017 có tiến bộ, nhưng nhìn chung hiện nay nó vẫn không bình thường và yếu kém. Trong 30 năm đổi mới kinh tế, chỉ có 10 năm là khá còn 20 năm kia là yếu hay suy sụp. Mặt dù bề ngoài có vẻ đi lên như một nước tân hưng.

Kinh tế VN giống như một chiếc xe song mã. Một con ngựa biểu trưng kinh tế nội địa thì vừa bịnh vừa đói, chạy không nổi. Còn con ngựa kia biểu trưng cho kinh tế đối ngoại có mạnh khỏe hơn, cố kéo con ngựa què. Chiếc xe ngựa đó lại còn bị nhiều cản trở, nhiều tai nạn hủy hoại  tiềm năng và khả năng của người dân và của đất nước.

Các đặc điểm kinh tế 2017 có thể tóm tắt như sau:

Chủ trương và sách lược kinh tế không thay đổi. Vẫn là mô hình “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Mặc dù Tổng Bí Thư và Thủ Tướng có tuyên bố hồi 2017 là sẽ đẩy mạnh khu kinh tế tư doanh thêm. Nhưng thực tế chưa có làm được điều gì có ý nghĩa. Về kinh tế đối ngoại, ở Hội nghị APEC hồi tháng 11/2017, chánh phủ có xác nhận với quốc tế, với doanh nhân quốc nội, là VN mở cửa cho kinh doanh, và cổ võ cho quyết tâm thực hiện chánh sách hội nhập, gia tăng mậu dịch và tạo điều kiện tốt cho doanh nhân nước ngoài.

Sức kinh tế còn yếu kém và không đủ sức “cất cánh” mà theo thông thường khi nền kinh tế một nước qua mức $2000/lợi tức đầu người, thì phải cố vươn lên, cố thoát bớt viện trợ vì không còn viện trợ với lãi xuất ưu đãi. Cải tiến kinh tế quốc nội, để bớt lệ thuộc kinh tế thế giới.

Trong hội nhập kinh tế, VN muốn cầu cạnh, muốn lợi dụng từ mọi quốc gia, nhứt là từ Hoa kỳ và TQ. Trong tình hình toàn cầu hóa hiện nay, nước nào cũng có yêu cầu của nước họ. Với sự mở rộng xuất cảng của TQ, Hoa kỳ xem lại các Hiệp ước mậu dịch mà Hoa kỳ chủ trương cần phải có sự công bằng trong giao thương quốc tế. Tuy nhiên Hoa kỳ vẫn giữ nguyên tắc về tự do và nhân quyền trong mậu dịch quốc tế.Còn TQ có con đường đi khác hơn, vừa dụ dỗ vừa ép buộc để kinh tế lẫn “tâm hồn” VN từ từ thành một bán thuộc địa. Hoa kỳ nay chủ trương công bằng trong hợp tác kinh tế, sự xuất siêu quá lớn với Hoa kỳ cần điều chỉnh lại và phải có qua có lại và tôn trọng những nguyên tắc quốc tế.

II. Những Vấn Nạn Nghiêm Trọng Vẫn Tồn Tại

Chúng tôi xin tóm tắt những vấn nạn kinh tế nghiêm trọng đã có từ lâu kéo dài tới ngày nay.

1. Về thực hiện sách lược kinh tế

VN không có chuyển biến thay đổi đáng kể về sách lược. Vẫn “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Chánh phủ có xác nhận yểm trợ, tạo điều kiện nhiều hơn cho kinh doanh tốt hơn cho khu vực tư. Trong khu vực tư có hai loại doanh nhân, loại chân chánh và loại gọi là “nhóm lợi ích”.

Trong kinh tế đối ngoại, Chánh phủ VN tuyên bố xác nhận mở rộng hội nhập toàn cầu (trong buổi họp APEC hồi tháng 11/2017), dù có kết quả tương đối khá, nhưng hãy còn nhiều trở lực không dễ giải quyết sớm. Một số vấn nạn cần sửa đổi như: Điều chỉnh luật lệ cho đúng theo quốc tế. Cho phép Công đoàn độc lập. Có Nhân quyền trong mậu dịch. Bảo vệ tác quyền. Ban hành cần thiết và theo tiêu chuẩn quốc tế như Luật lệ về đấu thầu, luật ngân hàng và tín dụng, Vấn đề sử dụng hữu hiệu viện trợ.Đặc biệt đối với TQ công minh về đầu tư về thầu dự án, về mậu dịch . Hàng hóa dư thừa công lao động thất nghiệp tuôn vào VN không được kiểm soát đàng hoàng.

2. Về khu vực kinh tế nhà nước

Có một số vấn đề nan giải

* Quốc doanh, cái bướu ung thư lớn. Mặc dù theo đuổi “kinh tế thị trường”. Nhưng vẫn theo chủ thuyết CS là “quốc doanh là chủ đạo”, nghĩa là “Tư bản nhà nước” phải trên hết, phải ưu tiên. Tư doanh bị chèn ép nhiều thứ, mặc dù khu vực nầy thu dụng nhân công rất nhiều hơn quốc doanh, và hiệu quả kinh tế lớn hơn quốc doanh nhiều lần.

Đầu tư công bừa bãi kéo dài từ hàng chục năm rồi. Quản lý kém và tham nhũng , mất mát thiệt hại trung bình 20% vốn đầu tư (hàng năm có khoảng 4-5 tỷ mỹ kim bị thất thoát). Đầu tư công không giảm trong năm rồi, mà còn chiếm tỷ phần quan trọng trong kế hoạch ngũ niên 2016-2020. Mức đầu tư công gia tăng gấp 3 lần mức phát triển kinh tế.  10 trên 11 Tập đoàn kinh tế bị lỗ nặng, 92 Tổng công ty thì chỉ có 30% có lời đóng góp cho ngân sách. Hàng trăm công ty nhỏ hơn nay vẫn còn. Chưa kể loại “kinh tế đặc biệt” do Quân đội, Công an, Tình báo nắm và gần như “bất khả xâm phạm” với nhiều tai hại. Trong hai năm qua chánh phủ có cắt giảm bớt một số dự án đầu tư công. Nhưng điều rõ ràng là khi chế độ CS còn thì đầu tư công vẫn giữ mức độ quan trọng. Vì đó là nguồn tiền của lớn chảy vào đảng viên và nhóm tư bản thân thuộc hay nhóm lợi ích.

Chương trình giải tư (hay cổ phần hóa).  Chương trình cổ phần hóa tiến triển rất chậm và nhiều mất mát do tham nhũng. Năm 2017 dự trù cổ phần hóa 137 quốc doanh , nhưng chỉ thực hiện được 44 cái (đạt 32%) , trong đó có 2 công ty “ngon” là Bia Saigon (Sabeco), công ty sữa (Vinamilk).  Còn 11 tập đoàn và nhiều tổng công ty chưa đụng tới dù phần lớn gần như tan nát .

3. Về Tài chánh công:

Ngân sách càng ngày càng thiếu hụt nhiều hơn. Chánh quyền phải tăng thuế (thuế Trị giá gia tăng VAT từ 10% lên 12%); đồng thời phải vay trong nước qua phát hành thêm công trái để bù sự thiếu hụt ngân sách. Thiếu hụt ngân sách lớn như hiện nay là một trong các nguyên nhân của lạm phát và cản trở sự phát triển.

Hệ thống ngân hàng vẫn còn là lãnh vực dơ bẩn, nhiều lạm dụng nhứt. Vì đó là một loại kinh doanh dễ sinh lời và dễ cố ý làm sai trái và có thể thu lợi nhanh chóng và to lớn. Tình trạng ngân hàng cụ thể vi phạm được phát hiện và bị ra tòa trong hai năm rồi. Đó là các ngân hàng Ocean Bank, Đông Á, Saigon Bank, Á châu. Còn nhiều ngân hàng có nhiều sai trái và tai hại cho nền kinh tế, cho dân chúng, chưa được chấn chỉnh và bị chế tài.

Công nợ gia tăng rất mạnh từ 10 năm qua và năm rồi tiếp tục gia tăng: Từ $64.49 tỷ mk năm 2012 lên $134.54 năm 2017.

Mức công nợ nói trên là nợ chánh phủ vay trực tiếp, chưa kể phần chánh phủ bảo lãnh cho quốc doanh, nếu kể vào (theo như nguyên tắc kế toán của quốc tế) thì lên tới 200 tỷ mk, 105% GDP (Thái lan 41% và Indonesia 56% ). Đó là tỷ lệ quá cao, nhứt là trong tình trạng ngân sách và tài chánh công quá suy yếu, dễ phá sản. Chánh phủ phải trả 4 tỷ mk năm rồi cho nợ quốc tế.  Trong đó thì nợ đáo hạn không trả nỗi (nợ xấu) rất cao và hết 70% là từ nợ quốc doanh . Tức là một phần tiền vốn của quốc doanh tiêu tan theo mây khói,

4. Về Hội nhập toàn cầu

Mặc dù trong nhiều năm VN có sự gia tăng về đầu tư ngoại quốc và xuất cảng. Nhưng hãy còn nhiều khuyết điểm, trở ngại  lớn.

Về đầu tư ngoại quốc, VN còn phải tiếp tục sửa đổi luật lệ cho đúng theo quốc tế. Những vấn đề chánh mà VN phải chuẩn bị và phải thực hiện. Đó là:  cho phép thành lập công đoàn độc lập. Xây dựng và bổ xung luật lệ và thực thi việc bảo vệ tác quyền. Công nhân rẽ nhưng năng xuất rất kém, kiến thức kỹ thuật yếu không đáp ứng với nhu cầu.

Về xuất nhập khẩu dù có gia tăng . Nhưng nhìn chung không bình thường. Đối với các đối tác Hoa kỳ, Âu châu, Nhựt bản là ba thị trường lớn nhứt và khó thay thế của VN thì còn nhiều bất cân bằng. Thứ hai là VN vẫn có trò ma giáo bán phá giá, và cho TQ mượn giấy xuất xứ để bán dùm cho TQ hàng dư thừa qua Mỹ và một số nước khác. Vấn đề nhập siêu, nhứt là mức dộ nhập siêu quá cao từ TQ . Điều nầy phải chấn chỉnh , nếu muốn giử được thị trường Hoa kỳ và Tây âu. VN phải khôn hơn, bớt sợ TQ bớt lệ thuộc kinh tế TQ .

5. Về Quản lý kinh tế vĩ mô và Bộ máy công quyền.

Bộ máy công quyền là công cụ quan trọng nhứt để thi hành mọi chánh sách. VN có bộ máy nầy quá tệ hại. Nó cồng kềnh và trùng lập hai bộ máy đảng và chánh phủ, nên chi phí điều hành quá lớn. Viên chức cán bộ không hiệu năng và tham nhũng cả hệ thống .

Bộ máy đó không vì dân và cho dân, nên thường có mâu thuẩn giữa dân và cán bộ. Tình trạng nầy làm cho sức phát triển yếu đi.

Tình trạng tham nhũng từ bộ máy Hành chánh hủy diệt phần lớn những kiến tạo . Tham nhũng ở VN thì quá kinh khủng và ai cũng biết. Tham nhũng có hệ thống, cán bộ đảng viên tạo ra  tham nhũng, vẽ ra luật lệ để cấu kết tham nhũng theo qui trình.

Tham nhũng chẳng những gây ra tai hại kinh tế rất lớn mà còn là nguyên nhân của vi phạm nhân quyền. Ai cũng biết mức độ và nguyên nhân tham nhũng ở VN. Nhưng năm qua nhờ chiến dịch chống tham nhũng, người ta thấy cụ thể hơn rõ ràng hơn tham nhũng VN qua các vụ Petro VN, các ngân hàng quốc doanh ngân hàng cổ phần, các trạm thu tiền lưu thông BOT.

III. Đại Họa Của Sự Lệ Thuộc Kinh Tế Trung Quốc

1. Khái lược kinh tế toàn cầu của TQ

Bá quyền TQ là chánh sách từ muôn đời. Dùng “sức mạnh TQ” đưa ra ngoài để giải quyết những vấn đề nội địa. Sau chiến tranh lạnh “ Bá quyền TQ” tiến mạnh hơn nhưng với những điều chỉnh mới và khôn hơn. Mục tiêu rộng lớn hơn. TQ khá thành công về kinh tế và đang xây dựng quân sự mạnh.

VN là một nước nằm trong ưu tiên cao của TQ. TQ thực hiện xâm lăng kinh tế VN rất nhanh và rất nguy hiểm. Đó là tai họa lớn nhứt, hơn cả sự nghèo đói của người dân.

Ngày nay, bá quyền TQ là một kết hợp của tinh thần cai trị và xâm chiếm của các bạo chúa Tàu,  của triết lý văn hóa phong kiến của một nước vĩ đại, của cái chủ thuyết CS không tưởng và gian manh, của Chủ nghĩa thực dân mới quỷ quyệt, và của chủ nghĩa thực tiễn. Trên phương diện kinh tế, TQ đi nước cờ dụ dỗ bằng tiền, sự hợp tác dựa trên căn bản lưỡng lợi. Và sau cùng có thể dùng bá đạo, áp bức nếu cần. Từng bước qua các hình thái gọi cách tượng trưng : “Cái bánh”, “Cái bẩy” và “ Dây thòng lọng”.

Kinh tế VN lệ thuộc Trung quốc (TQ) từ hơn 20 năm nay. VN đã bị dụ, đã mắc bẩy và đã vào tròng. VN – TQ đã ký kết nhiều thỏa ước kinh tế. Gần đây nhứt là vào tháng 11/2017, Tập Cận Bình và Trần Đại Quang ký kế hoạch hợp tác kinh tế 5 năm tại Hà nội. Khi Hoa kỳ rút ra khỏi Hiệp định TPP, thì TQ càng xâm nhập kinh tế VN nhiều hơn nữa. Năm qua, VN gia nhập các đại dự án quốc tế do TQ dứng đầu như dự án “One Belt one Road”.

2. Tóm tắt tiến trình xâm lấn kinh tế

Về mặt chiến lược, TQ  coi VN là một quốc gia ưu tiên số một cần nắm chặt. Còn CSVN ở thế yếu, cần chỗ dựa chắc, nên thường không cưỡng lại ý đồ của TQ.

Các sự kiện về sự xâm lăng kinh tế được ghi nhận như dưới đây .

Cam kết mạnh mẽ và rõ ràng giữa hai đảng và hai chánh phủ bắt đầu từ 1991. Năm 2007, Thành lập Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại. Mới nhứt là Thỏa ước hợp tác kinh tế toàn diện kỳ hồi tháng 11/2017 giữa Trần đại Quang và Tập cận Bình. Hai bên trao đổi qua các hiệp ước song phương và đa phương.

Sự trao đổi giữa hai lãnh đạo thường dễ dàng vì có chủ thuyết và mô hình kinh tế của hai nước  giống nhau .

Trên quan điểm và sự cấu kết, hai nước Việt Trung cụ thể hóa các Thỏa ước, đã có nhiều phái đoàn chánh phủ cũng như doanh nhân hai bên trao đổi kế hoạch đầu tư và mậu dịch cụ thể.

Về Đầu tư trực tiếp và thầu công trình lớn: TQ là một trong 4 nước có đầu tư ngoại quốc cao nhứt tại VN. TQ đầu tư gia tăng: 2 tỷ mỹ kim (năm 2012) lên $10.5 tỷ mk (2016) từ hạng 13 lên hạng 8, và năm 2017 nhiều hơn nữa. Theo báo cáo của  Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì chỉ riêng tháng giêng 2017, TQ đã đầu tư trực tiếp $340 triệu mk (chiếm 22% tổng số đầu tư ngoại quốc tại VN), và đứng hạng ba sau Singapore và Nam Hàn. Từ khi Hiệp định TTP được ký hồi đầu năm 2016, TQ đẩy rất mạnh đầu tư ở VN. Chỉ trong 10 tháng năm 2017, TQ đầu tư 214 dự án với tổng số vốn $1,6 tỷ mk (theo Vietnam Business News, tháng giêng 2018). Một mặt chận bớt ảnh hưởng kinh tế Hoa kỳ và đồng minh, mặt khác mượn chỗ xuất cảng hàng TQ  đang có nhiều khó khăn với Hoa kỳ. Các dự án đầu tư lớn như: thép, hóa chất , quặng mỏ, ciment, thủy điện, vải sợi, đồ gỗ. Vài năm gần đây chánh quyền TQ có chánh sách khuyến khích doanh nhân TQ sang nước khác mở cơ sở làm ăn cỡ vừa và nhỏ.

TQ thầu thực hiện các dự án đầu tư công lớn, trên 100 triệu mỹ kim, thì tổng quát từ 5 năm nay, 80% các dự án xây dựng hạ tầng , điện nước hầm mỏ, chánh quyền VN giao cho TQ thực hiện. Các dự án lớn TQ thực hiện như:

Khai thác quặng nhôm ở miền Trung, Lâm đồng và Gia lai, năm 2008, với kinh phí hai dự án lên 950 triệu mỹ kim giao hết cho TQ. Dự án kéo dài hơn dự trù và phải tăng thêm kinh phí 20% vì kỹ thuật TQ kém và trang bị máy móc cũ đưa từ TQ qua. Nhôm xản xuất ra hai năm rồi, và bị lỗ vì TQ mua ép giá.

TQ thầu được nhiều dự án lớn: nhà máy điện Bình Tuy , Vĩnh Bình.. tổng cộng trên 2 tỷ mỹ kim,

Dự án Đường xe lửa Cát Linh- Hà Đông (2008) với chi phí đầu tư lúc đầu $552.89 triệu mk, trong đó tiền vay TQ $419 triệu. Đến 2016 tổng chi phí được điều chỉnh lên $868.04 triệu mk. Dự trù tới 2018 mới hoàn thành. Vì TQ cho vay nên buộc phải giao cho thầu TQ thực hiện. Hiện nay, mỗi năm VN phải trả nợ cho TQ  $28.8 triệu mk cho dự án nầy.

Dự án rất lớn khác là Dự án Hành lang Việt Trung (từ 2007) bao gồm các xa lộ nối TQ với 6 tỉnh biên giới VN và đường xe lửa nối Côn Minh thủ phủ Vân Nam, ngang qua Hà nội, đến Hải phòng. Kinh phí sơ khởi lên tới 2 tỷ mk, phân nửa do Ngân Hàng Phát Triển Á Châu cho vay và TQ bỏ vào phần lớn phần còn lại. Đến 2012 một số đoạn xa lộ được khánh thành. Năm rồi, hoàn tất tiếp dự án nầy. Khi ký thỏa ước hợp tác kinh tế hồi tháng 11/2016 hai chủ tịch nước cũng có nhắc lại việc hoàn thành đường xe lửa Vân Nam – Hải phòng.

Đáng lưu ý là hai năm vừa qua TQ đầu tư trực tiếp $300 triệu mk cho các dự án vải tơ sợi ở Đồng Nai , Tây Ninh. Chủ đích của TQ khi lập các nhà máy nầy là đi trước để cung cấp nguyên liệu cho ngành may mặc của VN khi có Hiệp định TPP, vì theo qui định của TPP thì hàng may mặc xuất cảng không được xử dụng nguyên liệu nhập từ nước không phải là thành viên của TPP. Trong tương lại TQ sẽ đầu tư trực tiếp nhiều hơn cho thị trường VN và cho xuất cảng với chứng chỉ xuất xứ là VN.

Hàng hóa Trung Quốc chuyên chở qua các cửa khẩu tràn ngập Việt Nam

Về xuất nhập khẩu: Trung bình từ năm 2010 -2016 hàng nhập từ TQ tăng 18%/năm, năm 2017 ước lượng tăng 15.3%. Theo Vietnam Business Forum tháng giêng 2018, thì tổng trị giá xuất nhập năm 2016 là 73 tỷ mk, và 11 tháng năm 2017 lên tới 82 tỷ mk, ước tính nguyên năm 2017 là 100 tỷ mk. Cộng xuất nhập hai chiều thì TQ là khách hàng giao thương lớn nhứt của VN.

Nhập siêu tăng từ $9 tỷ mk  (2007) lên $17.3 tỷ (2012) $28.9 tỷ (2015) 39 tỷ (2016) .

Về Du lịch: Du khách TQ đến VN rất đông. Có 2,7 triệu khách du lịch người Tàu đến VN trong năm 2016 (chiếm 27% tổng số khách). Và 11 tháng 2017 đó tới 3,6 triệu (chiếm 35%). (Theo Vietnam Business Forum, tháng giêng 2018).

3. Tai hại của sự lệ thuộc kinh tế TQ

Trong hoàn cảnh mà VN càng ngày càng lệ thuộc kinh tế TQ , những bi đát thấy được và chạm phải, cho VN trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Chủ trương bá quyền và mộng lên cường quốc kinh tế số một của TQ , làm VN khó thoát ra được sự kềm kẹp. Nhứt là với lãnh đạo cao cấp của CSVN muốn yên vị và có nhiều tiền của dễ bị mua chuộc. Trong sự tranh chấp Hoa kỳ và TQ, VN dường như muốn chủ trương đứng giữa trung lập kinh tế để lợi dụng nhiều phía, trong Hội nhập toàn cầu . Trên thực tế kinh tế cho tới nay như chúng ta thấy, VN vướn kẹt TQ quá nhiều và tại hại rất lớn. Cái thế mạnh của TQ khiến VN lệ thuộc kinh tế sâu hơn là vì hai nước cùng là CS, hai nước có chung biên giới khá dài, TQ có quá nhiều tiền.

Chánh sách TQ về viện trợ, đầu tư và mậu dịch không cần có điều kiện tự do, nhân quyền và dân quyền. Điều mà CSVN thấy thoải mái hơn thực hiện các thỏa ước với Hoa kỳ Tây Âu hay các nước tự do dân chủ khác.

Cách làm ăn chung hay thực thi các cam kết thì tiền bạc, chia chác sòng phẳng là trên hết, là đúng với “4 tốt và 16 chữ vàng”. Cho nên các viên chức VN muốn ký kết trao đổi với TQ hơn bất cứ quốc gia nào khác.

Do vậy, chuyện gì cũng xong, như nhập máy móc trang bị cũ bị loại ra ở TQ, đem qua VN bán lại với giá cao, rồi chia nhau tiền sai biêt. Thầu cho giá thấp sau đó xin tăng lên.

VN trở thành một kho hàng lớn của những hàng hóa dư thừa của TQ hay nơi tạm nhập hàng hay cấp giấy xuất xứ để xuất cảng qua Mỹ và Âu châu, để tránh né bớt thuế quan và sự bảo vệ mậu dịch của Hoa kỳ. (Như vụ VN xuất cảng thép qua Mỹ với thép của TQ chớ không phải thép VN sản xuất. Quan thuế Mỹ bắt được, bị Hoa kỳ đánh thuế 500 % cho các lô thép nầy hồi năm 2017).

Nông nghiệp và tư doanh VN bị doanh nhân TQ cạnh tranh và phá hoại gây nhiều thiệt hai cho nông dân.

Môi trường sống bị hại do việc TQ đẩy một số kỹ nghệ dơ bẩn ô nhiễm qua VN (như Formosa và công ty thép, xi măng).

Hàng hóa TQ tràn ngập VN, trong đó có hàng giả và hàng độc hại.

Do sự tiếp thu hoạt động kinh doanh nhập cư của TQ dễ dãi, đưa đến phiền lụy khác về an ninh và văn hóa.

Trên bình diện quốc tế, TQ không thể nhẹ tay với VN hay nói khác Biển Đông là vùng rất quan trọng đối với TQ. Biển Đông vừa có nhiều tài nguyên vừa là con đường giao thông hàng hải huyết mạch nối Thái bình dương và Ấn độ dương. Năm rồi, TQ ngang ngược đe dọa hay đuổi các công ty dầu khí Tây Ban Nha, Ấn độ đã ký hợp đồng khai thác dầu khí với VN.

IV. Hệ Lụy Nghiêm Trọng và Sự Vận Dụng Quốc Tế

1. Các hệ lụy nghiêm trọng

Chúng xin tóm tắt các hệ lụy quan trọng từ các vấn nạn kinh tế trình bày ở phần trên.

  • Chánh sách và đường lối kinh tế:

CSVN không muốn nền kinh tế được có Tự do , Dân chủ, Nhân quyền,  dù VN muốn chơi và lợi dụng khối tư bản để nhằm cũng cố đảng và để tham nhũng. Nếu VN không thay đổi chủ trương nầy thì kinh tế không thể có tiến bộ thực sự. Nếu không có con đường đúng, VN khó đạt tới lợi tức đầu người mức tối thiểu cần thiết khoảng $4000 Mỹ kim thì khó bước tới giai đoạn “cất cánh”và có khả năng tự điều chỉnh , và bớt bị “xâm lăng kinh tế”.

  •  Bất công kinh tế xã hội.

Qua các vụ án Petro VN ( Đinh La Thăng , Trịnh xuân Thanh), người dân thấy mức độ bất công quá lớn. Chỉ có khoảng 10% dân là cán bộ và tư bản thân thuộc tự ý và cố ý chiếm đoạt tài sản khổng lồ của quốc gia “theo qui trình”. Trong lúc đó 70% dân , nhứt là vùng quê, sống rất thiếu thốn và cơ cực. Bất công kinh tế xã hội làm cho dân không có niềm tin ở chánh quyền. Một nước muốn phát triển tốt thì phải có niềm tin của người dân và niềm tự hào dân tộc.

  • Quản lý sai phạm về ngân sách và tài chánh công.

Cổng chào (chi phí trên 20 triệu MK ) ở Quảng Ninh

Lý thuyết và thực tế của CS là coi tài sản tiền bạc của công là của đảng. Cho nên chánh quyền chi bừa bãi trong khi đất nước còn quá nghèo. ( Ví dụ hồi năm rồi tỉnh Quảng Ninh làm cổng chào trên 20 triệu mk , rồi Thái bình cũng thực hiện cổng chào tốn khoảng 30 triệu mk). Ngân sách thiếu tiền thì vay nợ hay tăng thuế. Đó là trở ngại cho kinh tế. Còn vay ở ngoại quốc thường là bị điều kiện chánh trị kèm theo, nhứt là vay của TQ, tưởng nhẹ lãi nhưng cuối cùng bị rơi vào những cái bẫy khác không dứt ra được.

Ngân sách VN chi tới 75% cho chi phí điều hành, đó là chi tiêu không tạo ra sản phẩm, nghĩa là không làm gia tăng tổng sản lượng quốc gia.

  • Bộ máy công quyền rất tệ hại.

Ai cũng thấy. Nhưng chánh quyền không muốn cải cách thực sự. Chương trình cải cách hành chánh trong 20 năm qua tốn rất nhiều chi phí nhưng không không kết quả. Hai vấn đề chủ yếu là nhân sự và các mục chi của ngân sách. Nhân sự thừa ít nhứt 30%,  nhưng không giảm được. Như vậy chứng tỏ sự tuyển mộ viên chức phần lớn là thân thuộc, tài năng không là điều kiện cần. Tệ trạng gần như công khai trong một số chức vụ quan trọng hay chức có cơ hội tham nhũng, sự bổ nhiệm có tánh cách cha truyền con nối hay chạy chọt tiền. Ngân sách chi cho Văn phòng Trung ương đảng chiếm 41% ngân sách điều hành, nó cao hơn chi phí điều hành của Văn phòng chánh phủ ( Theo Tờ Asia times tháng 1/2018, thì từ 2009-2015 ngân sách chi cho Văn phòng Trung ương đảng là 11.8 tỷ đồng).

Qua chiến dịch chống tham nhũng vừa qua, lòi ra sự tệ hại không tưởng tượng nỗi của hệ thống đảng và bộ máy công quyền và quốc doanh cấu kết với nhau rồi lại cấu kết chia phần (như các dự án BOT) với tư bản đỏ mà những người nầy là bà con thân thích hay chuyên gia làm kinh tài cho các quan chức lớn. Dĩ nhiên tài sản dân bị thiệt thòi. Các Vụ PVN, vụ các Ngân hàng nói trên đã bị xử tội “cố ý làm trái luật gây thiệt hại nghiêm trọng và tham nhũng “là điển hình của “văn hóa tham nhũng XHCN”. Và còn biết bao vụ vi phạm trầm trọng như vậy liệu Tổng bí thư có lôi ra không để tiếp tục chiến dịch làm trong sạch đảng?

2. Liệu có khả năng CSVN “hoàn lương“ không?

Bất cứ một quốc gia nào muốn phát triển kinh tế để thoát ra cảnh nghèo nàn lạc hậu thì phải có ít nhứt 3 điều:

– Một ý chí lựa chọn đường đi đúng, có quyết tâm.

– Một thiện tâm đặt quyền lợi đất nước trên quyền lợi cá nhân và phe nhóm.

– Và một tinh thần quốc gia dân tộc.

Nhưng qua 40 năm, CSVN tự vẽ cho mình một đường đi, một đám người tự nhận mình là từ dân. Tạo ra một bộ máy tự cho nó quyền tối thượng thu tóm hầu hết tài sản công và tư và quyền tiêu xài tài sản đó. Nền kinh tế VN ngày nay là sản phẩm của tập thể đó. Tập đoàn CSVN phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về sự lụng bại của nền kinh tế.

Liệu tương lai, có khả năng CSVN “hoàn lương” không?  Dựa vào quá khứ, căn cứ trên những gì họ đã làm, cũng như dựa trên các cá nhân lãnh đạo của CSVN, thì hy vọng CSVN  tự diễn biến, tự thay đổi thì rất khó. Không ai tin rằng CSVN thực lòng muốn tự “phục thiện” hay tự “hoàn lương”.

Vậy muốn có sự thay đổi mạnh về kinh tế để đa số người dân có được cuộc sống bình thường ít khổ đau, thì cần phải có nhiều tác động từ phía dân chúng và từ quốc tế.

3. Vận dụng yếu tố kinh tế quốc tế cho sự tranh đấu cho Nhân quyền và Dân chủ

Trong hoàn cảnh hiện tại về kinh tế lẫn chánh trị, tác động từ yếu tố kinh tế quốc tế VN có thể đem lại nhiều kết quả tốt.

Chúng ta có thể lợi dụng và vận dụng các qui định ràng buộc  quốc tế mà VN phải theo khi thi hành các Hiệp định mậu dịch và đầu tư ngoại quốc. VN bắt buộc phải tuân thủ các qui định nếu không sẽ không có quyền lợi. Những qui định quốc tế nầy trực tiếp hay gián tiếp tác động tốt chẳng những về kinh tế mà còn giúp cho quá trình tranh đấu cho Dân chủ và Nhân quyền.

Chúng ta có thể vận dụng được những gì? Những yếu tố tích cực khả dĩ nào?

Vận dụng các nguyên tắc của các Hiệp định mậu dịch tự do mà VN đã ký và sẽ ký. Như WTO, APEC, TPP11, VN – Âu châu và một  số Hiệp định song phương, như  VN với Hoa kỳ ,

Các quốc gia trên đều là các nước tư bản và theo nền kinh tế thị trường. Kể cà các cơ quan viện trợ hay kinh tế quốc tế đều theo chánh sách kinh tế tự do, như World Bank, IMF, UNDP, ADB…

VN rất cần đến những quốc gia và cơ quan quốc tế nầy.

Trong mọi thỏa ước kinh tế song phương hay đa phương đều có những qui định có tác dụng cải thiện dân quyền , nhân quyền , tự do và dân chủ trong kinh doanh, trong lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ công lý và chống tham nhũng. Dù CSVN không muốn hay né tránh hay giả dối trong những cam kết, khi đã vào sân chơi quốc tế là phải minh bạch và có trách nhiệm tuân thủ.

Vận dụng Luật Magnisky toàn cầu . Một trong các công cụ tranh đấu cải thiện Nhân quyền do Tham nhũng ở VN là thông qua luật Global Magnitsky Act. (Luật Magnitsky toàn cầu) mà Hoa kỳ ban hành hồi tháng 12/ 2017 và Canada hồi tháng 9/2017, và cả Anh, và một số nước nữa ở Âu châu. Tổng quát theo luật nầy Hoa kỳ chế tài cá nhân dính liu tham nhũng lớn và vi phạm nhân quyền bằng hai biện pháp: đóng băng tài sản viên chức liên hệ và cả thân nhân và cấm những người nầy vào Mỹ. Hoa kỳ vừa áp dụng luật nầy đối với một viên chức Miến Điện và vài viên chức Afganistan. Luật nầy sẽ có thể áp dụng cho các viên chức tham nhũng lớn và ác độc hiện dấu tài sản ở Mỹ, Canada.

Vận động quốc tế trong công cuộc chống TQ. Cả thế giới ngày nay e sợ mộng bá quyền và thực dân mới của TQ .  Những trường hợp kinh doanh hay viện trợ ma đầu và dối gạt của TQ  tại nhiều quốc gia. Một số nơi dân chúng đứng lên chống đối. Cho nên chúng ta cần tìm những cơ hội để phối hợp với những tổ chức chống TQ trên thế giới, nêu lên các vụ lừa gạt, đàn áp  vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế của TQ. Chống xâm lăng kinh tế TQ là một chánh nghĩa để tiến tới một trật tự thế giới tương đối bình an và lạc phúc.

Các Hội đoàn, Truyền thông trong và ngoài nước nay cần phối hợp với nhau cho một vận động mới  cho công cuộc đấu tranh trên mặt trận kinh tế.  Khi đạt được tiến bộ về Tự do, Dân chủ  kinh tế thời sẽ có tác dụng tốt về chuyển biến Chánh trị và Nhân quyền.

Nguyễn Bá Lộc (ĐS9/CH1)

California, 30 tháng Giêng – 2018.

Visits: 395

Đọc Lại Sách: Già Ơi … Chào Bạn của BS Đỗ Hồng Ngọc

Minh Tâm Xuân Đỗ

Trước năm 1975, tôi có đọc một số bài viết của Nhà văn Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc trên tập san Bách Khoa. Tôi rất thích lối viết nhẹ nhàng; nhưng các nhận định của ông rất sâu sắc về các vấn đề nhân văn, sức khỏe và tính nhân bản trong các bài viết đó.

Tháng Tư 75, thời cuộc đổi thay, Việt Nam rơi vào vòng cai trị hà khắc, độc đảng của chế độ Cộng Sản. Tôi may mắn đang làm việc tại thành phố miền biển Vũng Tàu, kịp thời lên ghe, chạy ra biển khơi trong làn pháo kích của quân Cộng Sản, tiến chiếm thành phố vào sáng sớm ngày 29 tháng Tư. Chúng tôi được một chiến hạm Đài Loan, trong chiến dịch cứu trợ người Tỵ Nạn Cộng Sản, thuộc Hạm đội 7 Hoa Kỳ, vớt đưa qua Phi Luật Tân và từ đó qua Mỹ làm kẻ mất quê hương, làm lại cuộc đời trong tuổi tam thập với một gia đình nho nhỏ, vợ và ba con thơ.

Trong viết lách và nhất là đọc sách báo, các bài viết trên báo mạng lưới điện toán, khi máy điện toán ra đời và mạng lưới điện toán phổ cập, đôi khi tôi có dịp “gặp” lại nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cũng trong những đề tài trên, cũng vẫn giọng văn nhẹ nhàng, thấm thía hơn và chấp nhận hơn, thấm đượm tinh thần từ bi, hỉ xã, vô thường, sắc không của nhà Phật.

Năm 2005, khi đến tuổi hưu trí và con cái đã thành đạt, có gia đình, ở xa cha mẹ, chúng tôi     chuyển về miền Nam California, vùng Little Saigon, gần gia đình, anh chị em, bạn bè cũ mới, tìm lại không khí quê hương đã mất trong hơn ba mươi năm.

Một anh bạn… không còn trẻ cho tôi hai cuốn sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, do một nhóm Phật Tử ấn tống nhân mùa Vu Lan 2012. Hai cuốn sách này nhà văn Đỗ Hồng Ngọc viết và in năm 1999 ở Sài Gòn Việt Nam.

Cuốn “Gươm Báu Trao Tay” nói về bộ kinh Kim Cang Bát Nhã, một bộ kinh quan trọng của nhà Phật. Và cuốn “Già Ơi… Chào Bạn” mà tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần và hôm nay giới thiệu … tuy khá muộn màn đến bạn bè.

***

Sách in khổ nhỏ, 6.5 x 6.5 inch, dày 134 trang, chữ cỡ 12, đọc dễ dàng, khỏi cần mang kính lão. Sách nhỏ có thể để trong tầm tay hay để trên đầu giường, trên xe hơi đang lái, khi xe ngừng, trong lúc đợi chờ bà xã đi mua thức ăn, đi shopping ở các malls…, mở sách ra đọc lại, các đoạn, các chương… bất cứ lúc nào thuận tiện, khỏi phải xem đồng hồ liên miên và thở phào nhẹ nhỏm, khi thấy bóng dáng nàng, bước ra khỏi tiệm. Trái lại, đọc Già Ơi… Chào Bạn, sao thấy thì giờ qua nhanh quá vậy, còn hỏi bà xã, “sao bữa ni em đi nhanh, mua đủ chưa?”.

Sách nhỏ, dày chỉ hơn 130 trang nếu đọc ngấu nghiến, chỉ khoảng chưa đến một giờ đồng hồ thì xong, nhưng đây là loại sách đọc chậm, từ từ, nhẩn nha, từng trang, từng mục, đôi khi ngừng lại, suy nghĩ hoặc tự cười thầm trước những nhận xét nho nhỏ, dí dõm của tác giả.

Các bài viết cũng kèm theo các hình vẽ minh họa, do chính tác giả vẽ, các nét chấm phá như những bức tranh thủy mặc Trung Hoa hay những bức tốc họa duyên dáng của nữ họa sĩ Bé Ký, hoặc những câu thơ sơ sài Haiku Nhật Bản, chứa đầy tư tưởng cao xa.

Sách có 8 chương, mục và một bài Lời Ngỏ ngắn, hai trang:

–  Già là gì?

–  Khi nào thì người ta già?

–  Mỗi người già một kiểu

–  Đời sống gia đình

–  Biết ơn mình

–  Những bệnh vô duyên

–  Một cách nhìn mới

–  Một tuổi già hạnh phúc

1/ Già là gì?

Làm sao định nghĩa được tình yêu cũng như làm sao định nghĩa được tuổi già. Hỏi ra “Già Là Gì”, thì câu hỏi trở nên ngớ ngẩn, “mát dây”, ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng bảo nói lên cho đầy đủ thì thật là khó. Không ai tự cho mình… già. Đó là một cảm giác chủ quan, rất chủ quan. Ai cũng nhìn người khác, thấy người khác… già hơn mình! Chúng ta đồng ý với tác giả điều này.

Đỗ Hồng Ngọc đưa ra các quan niệm của các nhà văn quốc tế làm dẫn chứng.

Nhà văn Pháp André Maurois có nói:” … thậm chí có khi ta chấp nhận tuổi đã cao đấy, tóc đã bạc đấy, nhưng vẫn có một trái tim không già, không muốn già”. Điều này cũng không xa lạ gì với các cụ nhà ta, cũng đã dõng dạc nói “ngũ thập niên tiền, nhị thập tam (năm mươi năm trước, (tớ) mới có hai mươi ba thôi!”, hay cợt nhã hơn “Già thì già mặt, già mày, chân tay già hết…lòng này còn non”, khi các cụ buông lời ong bướm, bị các cô chê “già…dịch! già mà …ham!”

Tác giả dẫn chứng tiếp, trong cuốn sách “Savoir se soigner pour bien vieillir” (biết tự chăm sóc để có một tuổi già khỏe mạnh) nói tiếp “năm tháng không có nghĩa lý gì!  Nó chỉ là yếu tố phụ. Có những người già lúc mới hai mươi vì không có niềm tin, không hy vọng và những người ngoài tám mươi còn trẻ vì đầy ắp những niềm tin và hy vọng, những kế hoạch không chỉ cho năm sau, tháng sau, mà còn cho ngày mai, ngày mốt….” Và họ khẳng định: “Tâm hồn không bao giờ già, nó trẻ vĩnh viễn.”.

Nghe các cụ này nói thật sướng, mình cảm thấy trẻ ra ngay. “Age is mostly a matter of mind. If you don’t mind, it doesn’t matter” (Tuổi tác là chuyện cái tâm, nếu ta không quan tâm, chả có vấn đề tuổi tác!”

Ông mang thêm Lâm Ngữ Đường ra thuyết phục độc giả :” Nghe một ông lão còn tráng kiện khoe mình còn trẻ, hoặc nghe người ta khen ông còn trẻ, tôi nghĩ có sự lầm lẫn về ngôn từ ở đây. Phải nói “Già mà khỏe” mới đúng chứ! Già mà khỏe là hạnh phúc nhất của con người, như vậy mà gọi là trẻ chả hóa ra làm giảm giá trị của hạnh phúc đi ư !  Không gì đẹp bắng một người già minh mẫn, hiền từ, khỏe mạnh, ôn tồn bàn về thế sự một cách từng trải…”.

Còn ai muốn cãi với tác giả không? (Hởi các ông bạn….già mà còn trẻ … hoặc trẻ mà đã già Quảng Nam… hay cãi của tôi ơi. Hết cãi nhé!).

Tác giả kết luận chương 1 này: ”Và như vậy già là một giai đoạn tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên khi người ta tích tuổi, cớ sao còn phải lảng tránh?  Có trẻ thì có già, đó là một nhịp điệu của vũ trụ, đâu cần phải khổ đau vì già, trái lại phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc”.

Khi đồng ý quan niệm được như vậy, theo tác giả, bạn có quyền nói :”Già Ơi!…. Chào Bạn”.

2/ Khi nào thì người ta già?

Chuyện tuổi già không còn là chuyện tầm phào, trà dư, tửu hậu nữa mà là chuyện …. quốc tế trong các hội nghị, có nghị trình, có tuyên ngôn đàng hoàng như Hội Nghị Quốc Tế về Tuổi Già tháng 7 năm 1996, tại Brazil, với tuyên ngôn Tuổi Già là một giai đoạn tất yếu, phổ quát, liên quan đến mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội.

Người già trên dân số thế giới càng ngày càng đông, nhất là phụ nữ (do tuổi thọ cao hơn nam giới). Phụ nữ lớn tuổi lại là một thành phần gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, cần được đặc biệt quan tâm giúp đỡ để họ có một tuổi già khỏe mạnh, hạnh phúc.

Già không phải là một cái bệnh, không thể tránh được, nhưng những bệnh tật, tàn phế của tuổi già, có thể tránh, hoặc giảm bớt bằng những biện pháp, chính sách, y học, xã hội, kinh tế và môi trường.

Vấn đề là làm sao có sự công bằng với người già trên thế giới vì sự chênh lệch, khác nhau giữa các châu lục, quốc gia, giàu nghèo, môi trường và điều kiện sinh sống.

Tổ chức Sức Khỏe Thế Giới (WHO) dự trù, đến năm 2020, sẽ có một tỷ người già trên tuổi 60. Làm sao cải tiến sức khỏe cho người già, để có một cuộc sống an vui, hạnh phúc? Câu hỏi rơi vào thinh không.

Câu trả lời cho vấn nạn “khi nào thì người ta già” vẫn rất mơ hồ. Người Á Đông quan niệm đời người chỉ vào khoảng sáu mươi năm. “60 năm là một kiếp người”, câu hát “60 năm cuộc đời” rất thời thượng trước đây nay không còn hợp nữa hoặc quan niệm “thất thập cổ lai hy” xưa và sai quá rồi. Ngày nay nam giới qua tuổi bảy mươi, tám mươi, bước vào 90 và  quí bà qua tuổi 80, 90 và bước vào 100 là chuyện không hiếm.

3/ Mỗi người già một kiểu

Đã biết rằng, trong thiên hạ, cứ 9 người thì có đến 10 ý. Vậy trong cuộc đời cứ 10 người, có đến…  11 kiểu già thì cũng dễ hiểu thôi! Mỗi người sống theo một ý, một cách, một quan niệm tùy thích. Mỗi người chịu ảnh hưởng của gia đình về di truyền. Mỗi người tùy thuộc vào tình trạng khá giả hoặc nghèo khó, có học vấn hay mù chữ. Có thể tùy thuộc về mọi phương diện của cuộc đời, từ khi còn trẻ, thì đến tuổi già, mỗi người già mỗi kiểu. Chẳng ai giống ai.

Có một chuyện khôi hài…. đen. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình về cách sống ảnh hưởng đến tuổi tác như thế nào. Người phóng viên phỏng vấn hai vị cao niên. Một vị đầu tóc bạc phơ, da thịt vẫn còn hồng hào, nói năng mạch lạc. Một trẻ hơn, mệt mỏi, xanh xao, chán nản.

Vị cao niên trả lời phỏng vấn: “Tôi năm nay hơn 80. Khi trẻ tôi sống điều độ. Cũng có một tí rượu chè, cà phê, cà pháo. Dục tình vừa phải. Tự chế”.

Cụ thứ hai thở ra, uể oải lắc đầu, khi trả lời: “Nghe cụ kia nói tôi mệt quá. Tôi đấy à, chơi thả dàn, tuốt luốt. Cuộc đời có bao lăm mà …khổ quá vậy”

Phỏng vấn viên vội hỏi trong ngạc nhiên, ngầm đôi chút… ngán: “Thế cụ năm nay bao nhiêu tuổi thọ…ạ?”

Ông ta lắc đầu: “Tôi đấy à? Tuổi tác làm gì? Tôi được… 35 tuổi rồi đấy! ».

Khán giả vỗ tay, cười vang.

Tác giả kể ra nhiều loại già: có kiểu già hóp, già sớm. Có kiểu già từ tốn, từ từ. Có kiểu già cái rụp, sau một cơn bịnh suýt chết. Có kiểu già do lo âu, buồn rầu, bất mãn với cuộc đời, « sinh bất phùng thời ». Có kiểu già hạnh phúc đem niềm vui cho gia đình, con cháu.

Có nhiều kiểu già khác nhau, khi nhìn những ngày sắp đến, ví dụ đến tuổi về nghỉ hưu. Có người  cảm thấy như được mới ra khỏi nhà tù trong bao năm phải làm việc. Trái lại có nhiều người nghe tin được nghỉ hưu, lo sợ những ngày sắp đến sẽ làm gì cho hết trong chán chường, thì giờ dư thừa!….Như nhà thơ Cao Tần đã than vào những ngày tháng đầu tiên trong đời lưu vong, làm kẻ mất quê hương ở Hoa Kỳ, sau tháng Tư đen  năm 1975, « ta làm gì cho hết nửa đời sau »!. (Thực sự sau hơn bốn mươi hai năm làm người mất quê hương, những người lưu vong đầu tiên đó, tiếp đến là những người không sợ chết, nhảy ra đại dương bao la trên những con thuyền tí hon, chống chỏi với bão tố, hải tặc, sự quay lưng vì mệt mỏi của lương tâm con người đã chai đá, rồi tiếp đến đợt nhưng kẻ bị xô đuổi ra khỏi quê hương bằng sự mặc cả với kẻ cựu thù Mỹ, đổi đồng tiền và sự công nhận chế độ Cộng Sản trên đất nước Việt Nam, bằng chương trình Tỵ Nạn Nhân đạo H.O. Lớp người đã chịu đày đọa dã man này đa số là tinh hoa của nền văn hóa tự do, nhân bản Việt Nam Cộng Hòa trong hơn hai mươi năm 1954-1975, đã ra đi mang thêm tinh hoa cho sự thành công của Người Di Dân Việt trên đất Hoa Kỳ và các nước tự do trên thế giới).

Nửa đời sau của người di dân Việt khá thành công cho chính họ và thế hệ con cháu tiếp theo, làm nên nhưng dự cảm của nhà thơ Cao Tần đưa đẩy người di dân Việt lấp đầy cuộc đời còn lại với niềm tin mãnh liệt vào tương lai, chứ không thất bại trong đau thương như sự lo ngại ban đầu.

Tuổi già được trọng vọng hay bỏ bê cũng tùy thuộc vào nền văn hóa của nơi người già đang sinh sống hết quảng đời còn lại của mình. Trong nền văn hóa kính lão đắc thọ thật sự của ta trước đây, cha mẹ, ông bà, khi về già được con cháu nuôi nấng, chăm sóc cung kính. Người già cảm thấy hạnh phúc, an vui và mãn nguyện về cuộc đời và gia đình.

Trái lại trong các nền văn hóa coi trọng giá trị  kinh tế, hiệu năng, tốc độ, sức mạnh, trẻ đẹp… người già trở thành lực cản, mang mặc cảm tự ti, dư thừa, chuẩn bị vào viện dưỡng lão. Nghe thật đau lòng nhưng như trên tôi đã nói, cũng tùy thuộc vào nền văn hóa họ mang trong dòng máu và thế hệ sau còn giữ lại phần nào hay không.

Già cũng nên giữ bề ngoài, cử chỉ, giao tiếp chừng mực của tuổi già. Tuổi già không thể se sua, diêm dúa , mạnh bạo…. như thời còn trẻ. Không tự ti cũng không tự tôn, cứ khoe khoang mãi một thời huy hoàng đã qua, thực hay quá cường điệu, hư cấu. Nên điều chỉnh chính mình cho hợp với hoàn cảnh, tạo niềm vui cho mình và mọi người chung quanh (Theo sách Làm Đẹp của Nguyễn Hiến Lê, bản dịch Lâm Ngữ Đường) do tác giả trích dẫn.

4/ Đời sống gia đình

Càng lớn tuổi, người già càng cần sống trong một gia đình có không khí yêu thương, kính trọng, hòa thuận. Anh bạn tôi cứ ngẩn ngơ đến rơm rớm nước mắt, khi nói chuyện đến con cái, khi cậu con trai út đi học xa. Tôi cười, chê anh ta «yếu» quá. Nhưng khi cậu con trai út tôi, 18 tuổi, xong trung học, được học bỗng đi học xa nhà như hai anh chị nó, tôi cũng buồn buồn nhưng bà xã thì cứ khóc hoài khi thấy mấy đứa con nhà hàng xóm chạy chơi nô đùa. Đó là khi chúng tôi chưa qua tuổi năm mươi, chưa già. Để khuây khỏa, chúng tôi buổi chiều đi bộ ngoài công viên hay trong các malls thương xá trước khi về nhà tắm rữa, đi ngủ ngon.

Trong hưu trí, bất cứ ông bà nội ngoại nào, khi có đứa cháu nội, ngoại đầu tiên đều trân quí, nâng niu, bồng ẳm, hơn xa khi có đứa con đầu lòng. Tưởng về hưu, rảnh rổi trong tuổi già, hóa ra lại bận tối tít lo cho cháu nội, ngoại. La khổ như bộng nhưng rồi vẫn ôm lấy cháu mà…khổ nhưng lại thấy rất sung sướng, hãnh diện, hạnh phúc.

Ở cái tuổi «chớm già», khi mới nghỉ hưu có nhiều cái «sốc» lắm như các nhà tâm lý học đã nói. Đầu tiên là «sốc» về đời sống tình dục lứa đôi….xuống cấp dần dần…. dần dần, rồi cũng nghỉ hưu. Và đến bệnh hoạn.Trong thời gian chủ nhân nó bận bịu tíu tít trong công ăn, việc làm, nó cũng nằm ngủ yên nơi nào đó. Nay thấy chủ nhân nó thảnh thơi, nó cũng ló mòi, cũng «ba cao, một thấp (cao mỡ, cao máu, cao đường và thấp khớp», xuất hiện. Vào tuổi thất thập, bát thập, tai bắt đầu nghểnh ngảng. Mắt thay kính hằng năm, vẫn mập mờ.

Theo các nhà tâm lý học, ở tuổi vào già hay chớm già, các bà hay buồn vu vơ, thường có cảm giác hụt hẩng, băn khoăn, dễ gây tranh cãi với chồng trong bất kỳ việc nhỏ nhặt nào. Các bà cảm thấy nơi ông chồng mà mình khâm phục khi còn trẻ nay sao ngớ nga. ngớ ngẩng, chậm chạp, rù rờ, « xuống cấp » nhanh quá.

Các ông thấy càng ngày càng ít tự tin. Có nhiều ông nhìn lại một thời huy hoàng, trẻ trung, trở nên tiếc nuối, dễ bị bực bội, khi bị chỉ trích, cãi nhau và càng ngày càng thu hẹp giao tiếp, càng rút về cố thủ tiền đồn cuối cùng, bên vợ và các cháu nội ngoại gần gũi.

Tuy nhiên có những gia đình, hai vợ chồng già sống bên nhau rất hòa hợp, an vui, chia xẻ các vấn đề từ gia đình, xã hội và hăng hái tham gia các nhóm bạn bè cùng lứa tuổi trong thể dục, giải trí, từ thiện, giúp đỡ người khác và tìm thấy niềm vui tưởng như đã mất.

Các nhà tâm lý học nhận thấy về già khi mình nhìn được người khác khổ hơn mình, cần trợ giúp về tinh thần hoặc vật chất, người già cảm thấy vui lên, thấy cuộc sống bên nhau quí nhất cho đến ngày xa nhau, về bên kia thế giới.

Tác giả, nhà văn Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lại trích thêm cuốn « Sống Đẹp » do ông Nguyễn Hiến Lê dịch của Lâm Ngữ Dường, kể chuyện họa sư danh tiếng đời Nguyên, Trung Hoa, là Triệu Mạnh Phú về già lại muốn cưới một người thiếp trẻ, xinh đẹp. Bà vợ già của ông viết mấy câu thơ :

…. Lấy một nắm đất sét,

Nắn thành hình anh,

Đắp thành hình em,

Rồi đập phá cả hai, nhào chung lại.

Lại nắn thành hình anh

Lại đắp thành hình em.

Trong chất đất của em, có anh

Trong chất đất của anh, có em….

Ông đọc bài thơ, cảm động, không đòi cưới bà thiếp nữa. Lâm Ngữ Đường ví von: “Trong hôn nhân, bà là nước, ông là đất sét. Nước thấm vào đất sét thành hình. Đất sét giữ nước. Nước lưu động, sinh hoạt trong đất sét…”

Ông Phan Khôi ngày trước có bài thơ “Tình Già” thì ngày nay các thế hệ hậu bối, khi vào già, chả lẽ không có những mối tình già cũng đẹp hoặc đẹp hơn sao!.

5/ Biết ơn mình

Đây là một nhận xét mà khi tôi đọc đến đoạn này, tôi bật cười và cảm thấy thấm thía với nhận xét dí dỏm nhưng sâu sắc này.

Ai cũng biết rằng, do sự dạy dỗ từ gia đình, học đường, cuộc sống, từ trẻ thơ đến tuổi trưởng thành, vào đời, ta luôn luôn biết ơn, cám ơn mọi người, từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bà con lối xóm đến đồng bào cùng quốc gia, dân tộc, đến cả nhân loại, trực tiếp hay gián tiếp góp phần cho đời sống của ta, đến tuổi vào già. Nhưng ít khi có ai dạy cho ta biết…..ơn ta. Điều này bị cho là vị kỷ, lố bịch, kỳ cục.

Tác giả cho biết, trong thời gian ông giữ mục Phòng Mạch cho tờ báo Mực Tím, ông nhận được rất nhiều thư của độc giả trẻ, tuổi mới lớn kêu ca về hình thể, nhan sắc, tự sỉ vả mình thậm tệ. Nhiều em còn có ý muốn tự tử, muốn chết đi cho khuất mắt vì… vài vết mụn trứng cá trên mặt, làm mất vẻ đẹp của mình và chán đời.

Ngay cả người lớn tuổi cũng vậy.  Nếu hằng ngày soi gương thấy hình ảnh mình mỗi ngày càng già đi, da nhăn, tóc bạc, người bờ phờ, thì buồn bực, khổ sở. Các bà đi thẩm mỹ viện, các ông lo âu, buồn bực, càng sinh thêm bệnh hoạn, không biết than vãn cùng ai.

Nhưng có ai trên đời mà không …già, không bệnh hoạn khi tuổi càng ngày càng cao . Đó là lẽ đương nhiên của luật tuần hoàn, của lẽ vô thường.

Nhưng ông biết rằng nói chuyện với mấy ông già này rất khó. Để thuyết phục, tác giả Đỗ Hồng Ngọc viết :”Có món đồ dùng nào mà xài vĩnh viễn đâu, ngay cả đến những máy móc tinh xảo nhất, được làm bằng những thứ kim loại tốt nhất…đến lúc nào đó, nó cũng phải hư, vất đi. Như vậy nhiều người trong chúng ta có thể vỗ  ngực nói rằng, mình đã xài đời mình đến sáu, bảy chục năm mà hãy còn ngon lành đó chứ! Vậy ta phải biết ơn ta nhiều hơn”.

Là một bác sĩ y khoa được đào tạo dưới thời Việt Nam Cộng Hòa còn sót lại tại Việt Nam ngày nay, ông đã đem hiểu biết, quan sát về y học, về kinh nghiệm điều trị để kêu gọi độc giả, nhất là độc giả ….không còn trẻ, hay độc giả….bạn già, hãy tự thương mình, biết ơn mình, săn sóc chính mình đúng hơn để có một cơ thể khỏe mạnh, một cuộc sống hạnh phúc.

Ông thử đưa ra vài ba ví dụ. Hãy thử xem bộ xương. Cơ thể ta có trên hai trăm cái xương, lớn nhỏ, nối kết lại với nhau nhờ các khớp. Đến tuổi già, có bao giờ bộ xương, các khớp được bôi dầu trét mở gì đâu, vậy mà nó vẫn làm việc trơn tru. Sao ta không biết ơn nó.

Thử xem tiếp bộ máy tuần hoàn. Trái tim mỗi ngày co bóp cả trăm ngàn lần để đẩy một khối lượng máu, khoảng 8000 kgs máu, không ngừng nghỉ, kể cả khi ta ngủ.

Đã vậy con người không những không nhớ, không biết ơn mà nhiều khi còn hành hạ, đầu độc nó bằng rượu, chè, cà phê, thuốc lá vv….Chưa kể trong văn, thơ, nhạc lại lên án trái tim, nào trái tim gian dối, trái tim ngục tù, trái tim phản bội. Đủ hết. Không ai thương nó, tội nghiệp cho nó.

Khi nó có vấn đề là nguy to, nào mổ tim bypass, thông tim, mang máy trợ tim … lúc đó buồn lo, thương tiếc thì đã hơi….muộn.

Trái lại tôn thờ cá nhân mình quá, thân xác mình quá mức như các ông Cộng Sản còn sót lại như Cộng Sản Việt Nam, cho mình là “đỉnh cao trí tuệ của loài người” (hơn cả con khỉ của nhà bác hoc Darwin) thì không còn ngôn ngữ nào để nói nữa.

Thôi ta nên bỏ cái đám cá kèo Việt Cộng vào giỏ rác lịch sử như các tiền nhân của Cộng Sản, các ông Marx, Hegel, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh…. để trở lại với các vấn đề nhân sinh bình thường….như đang bàn về cuốn sách nhỏ Già Ơi…Chào Bạn của Đỗ Hồng Ngọc.

Chương này là chương ông viết nhiều, kỷ lưỡng, sâu sắc và nghiên cứu công phu.

Mạch máu của ta cũng giống như ống nước. Khi còn mới thì nó dẻo dai, co giãn dễ dàng. Khi cũ đi thì nó giòn, dễ hư, dễ gãy. Mạch máu của các …bạn già ta cũng không khác gì. Lớn tuổi có thể bị cao áp huyết, dễ gây nhiều biến chứng. Cao áp huyết cộng với cao mỡ, tiểu đường có thể tạo nhiều nguy hiểm cho tim mạch, tai biến mạch máu não …

Rồi xem qua phổi. Đây là nơi không khí được trao đổi cho sự sống. Con người có thể nhịn đói, nhịn khát trong thời hạn nào đó, chứ không thể nhịn thở quá năm phút. Thiếu dưỡng khí (oxy) khoảng năm phút, các tế bào não sẽ bị hủy hoại, không phục hồi lại được.

Thở vào, thở ra quan trọng vô cùng cho sự sống. Đừng nghĩ rằng, thở chỉ là một cử động phản xạ của cơ thể và không thèm để ý đến nó.

Trái với các cơ phận khác của cơ thể, hơi thở và phổi con người có thể luyện tập được, để giữ sức khỏe tốt mà còn làm cho sức khỏe tăng cường thêm lên. Khi làm việc nặng nhọc, chạy nhanh, cơ thể mỏi rã rời, cần hít vào thật sâu, thở ra nhẹ nhàng, trong chốc lát, ta cảm thấy khỏe lại và có thể tiếp tục làm việc hay chạy tiếp.

Khi hít không khí vào thật sâu, không khí chạy xuống đến tân rún (gọi là huyệt đan điền), giúp cho các cơ phận nằm sâu trong cơ thể tiếp nhận dưỡng khí mới, tốt, khỏe lên, hoạt động tốt hơn là vậy. Do đó, càng lớn tuổi, ta cần tập thể dục đều đặn hơn, tập hít thở sâu vào, thở ra chậm rãi, đẩy thán khí ra khỏi buồng phổi, tránh được nhiều bệnh hơn cho phổi, tránh được các cơn ho sù sụ khi trái trời, trở lạnh, giao mùa. và ít phải uống các loại thuốc ho.

Hơi thở còn có tác dụng tâm lý nữa. Đó là khi ta hít vào thật sâu, thở ra nhẹ nhàng, thoải mái, ta cảm thấy khỏe hẳn ra, hết stress, hết lo âu, thấy yêu đời, yêu người, yêu…  tưng bừng, dù ở tuổi bảy mươi, tám mươi, chín mươi hay chuẩn bị qua bên kia Miền Cực Lạc.

Sau phổi, tác giả Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tiếp tục, qua kiến thức của một vị lương y, giới thiệu thêm cho các…. bạn già, biết thêm về hai cơ phận quan trọng khác mà ta không ngờ. Đó là cái miệng và cái bao tử.

Ông lấy kinh nghiệm của người xưa, để thuyết phục các bạn già. Đó là tư tưởng của triết gia Trung Hoa vào thế kỷ 16, Lý Lập Ông, trong cuốn Nhân Tình Ngẫu Hứng. Ông triết gia này bảo rằng “xét trong cơ thể con người, tai, mắt, mũi, họng, chân tay, thân thể, hết thảy đều cần thiết ….Chỉ có hai cái rất cần thiết cho con người, mà trời phú cho ta, là …. cái miệng và cái bao tử, nhưng lại là nguồn gốc của tất cả những hệ lụy của con người, từ ngàn xưa đến nay và có lẽ cả ngàn… sau nữa!.

Do cái miệng và cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, mới sinh ra những tranh chấp, mưu mô gian trá, mới phải đặt ra hình pháp….

Lâm Ngữ Đường đồng ý nên cũng bảo “Chúng ta có một cái bao không đáy, gọi là…. bao tử. Nó ảnh hưởng đến văn minh của nhân loại…. Các hội nghị quốc tế dù có căng thẳng đến mức thế nào đi nữa, đến giờ đói bụng, đều phải ngừng lại, để ăn cái đã….” Lâm Ngữ Đường tiếp :”Nếu con người có được cái diều như diều chim, có cái dạ dày của loài nhai lại, chắc là không có chiến tranh với nhau, từ cục bộ đến chiến tranh thế giời. Con vật loài ăn cỏ, ăn hạt, đều hiền lành. Loài ăn thịt đều dữ dằn, hiếu sát….” Ông diễu thêm :”Gà trống thích đá nhau không phải vì tranh thức ăn, mà chỉ vì ….gà mái.” Con người nếu chỉ có cái diều, chỉ ăn cỏ cây, hoa quả, cây trái và nhai lại, cũng có thể có các cuộc chiến tranh nhỏ nhỏ, không đến nỗi phải dùng bom đạn, nguyên tử, khinh khí, để tận diệt nhau và tận diệt cà trái đất này.

Nhưng tội nghiệp cho cái bao tử không đáy, nó phải làm việc cật lực, lo việc co bóp, nhào nặn thức ăn uống, suốt dêm ngày để cung cấp cho con người chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống. Nó làm việc ngày đêm mà ta không hề hay biết.

Trái lại ta đâu có biết giá trị công việc khó nhọc của cái bao tử, chứ đừng nói đến biết ơn nó. Ngược lại ta sẵn sàng, tộn, xực, nhồi nhét, càng nhiều càng khoái chí. Ăn hết, không bao giờ ngừng nghỉ. Không bao giờ kể đó là rắn, rít, thằn lằn, tắc kè, chuột, bọ, cào cào, châu chấu, nghêu sò, ốc, hến…. Ta còn đổ vào bao tử rượu đế, bia, whisky  vv… Tới một lúc nào đó, bao tử chịu không nổi nữa, có vấn đề… mới chịu chạy thầy, chạy thuốc, đi nhà thương cắt bỏ một phần bao tử. Hối hận thì cũng muộn.

Hệ tiêu hóa được điều khiển bởi một hệ thần kinh tự động, ngoài ý muốn của ta. Các tình trạng căng thẳng, lo âu, sợ hãi hoặc vui vẻ quá mức, đều có tác dụng đến bộ phận tiêu hóa, như khi …vui quá, sợ quá, vãi… ra quần, tè…. ra quần mà không biết. Điều này được bác sĩ Ivan Pavlov (1849-1936), Nobel Y khoa năm 1904, một nhà Sinh vật học, người Nga thí nghiệm trên các con chó, để phân tích “phản xạ có điều kiện”. Khi cho chó ăn, ông đánh một tiếng kẻng. Nhiều lần thí nghiệm, lặp đi, lặp lại như vậy. Khi đánh tiếng kẻng mà không có thức ăn, con chó vẫn tiết ra nước miếng và chất vị toan trong hệ tiêu hóa.

Sau này Lenin áp dụng định luật này vào chính sách lương thực, hứa rằng, dưới chế độ Cộng Sản, con người làm theo sức mình, hưởng quyền lợi theo nhu cầu, làm chết đói bao nhiêu triệu dân Nga trong cuộc Cách Mạng Vô Sản (1917) và chế độ Cộng Sản tại Liên Bang Sô Viết (USSR), từ năm 1922 đến khi Cộng Sản sụp đổ năm 1991.

Tác giả Đỗ Hồng Ngọc lại kéo Lâm Ngữ Đường vui theo với nhận xét :”Đối với tôi, hạnh phúc trước hết là vấn đề tiêu hóa. Ruột ta mà vận động điều hòa, ta có hạnh phúc. Không thì ta khổ sở lắm”. Nói thẳng ra, khi ta kẹt quá trong việc muốn đi tiêu, đi tiểu mà chẳng kiếm đâu ra nhà vệ sinh hoặc nơi nào kín đáo, thì khổ sở vô cùng. Xã được cái “bầu tâm sự”, thì thật là hạnh phúc. Ai cho bạc triệu chưa chắc sung sướng hơn! Và những người táo bón quanh năm, mặt mày lúc nào cũng nhăn nhó, khổ sở, đăm chiêu. Diễu thiệt nhưng đúng quá chứ còn cãi gì được!

Trong hệ tiêu hóa, bộ răng cũng rất quan trọng. Khi còn trẻ, răng chưa có vấn đề, nhưng khi tuổi càng ngày càng cao, răng trở nên lung lay, đau nhức, là một vấn đề sức khỏe tốn kém.

Việt Nam cũng như các nước nghèo khác, vì nghèo nên ít chăm sóc bộ răng kỷ lưỡng từ khi còn trẻ, để đến khi bị đau nhức mới đi nhổ bởi các thợ nhổ răng, chứ không phải Nha Sĩ có học đầy đủ về y khoa và nha khoa đại học. (Đôi khi ra chợ nhổ răng quảng cáo, do các tên làm xiếc Sơn Đông mãi võ, vừa đánh trống, vừa đùa với con khỉ, nhổ răng bằng một sợi chỉ, cột vào chiếc răng đang  đau, úm ba la, giật thật mạnh, chiếc răng văng ra, máu đổ đầy miệng. Về nhà súc nước muối năm ba bữa mới hết đau. Sợ đến… già).

Theo tiết lộ của bác sĩ thân cận của Mao Trạch Đông, chính Mao buổi sáng thức dậy uống trà, dùng nước trà nóng súc miệng chứ không bao giờ đánh răng và không bao giờ săn sóc bộ răng. Ông trùm của bao nhiêu tỷ dân Trung Hoa mà cũng không biết thế nào là sự quan trọng của sức khỏe của răng, thì các tỷ dân Tàu lấy đó làm gương noi theo.

Các bộ phận khác như măt, tai, mũi, họng…. cũng vậy. Bộ phận nào trên cơ thể do cha mẹ sinh ra, đều quan trọng cho sự sống, không những ta phải biết ơn nó, săn sóc nó, vì đó là chính săn sóc cho ta đến cuối đời.

6/ Những bệnh vô duyên

Đã gọi bệnh là do đau ốm, thân thể có vấn đề. Còn bệnh vô duyên là gì? Tác giả Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ y khoa, luôn luôn gần gũi với bệnh nhân, với chữa trị bệnh, đã gọi những bệnh vô duyên:” đó là những bệnh không đáng có”.

Bệnh vô duyên có thể do chính thầy thuốc gây ra cho ta, dù là ngoài ý muốn (iatrogenic), có thể do sự nhầm lẫn của thầy thuốc, trong khi chẩn bệnh, chữa trị, trong lúc giải phẩu, cho toa  …

Có thể do chính ta, người thân trong gia đình, bạn bè, lối xóm, nhân viên tâm lý xã hội ….mách thuốc do biết người này, người kia có bệnh tương tự, chạy chữa cách này cách khác, lành bệnh, nay bày vẽ cho ta làm theo. Lành bệnh đâu không thấy, nhiều khi gây thêm bệnh, mới khổ.

Cơ thể của người cao tuổi, về khả năng thích ứng càng ngày càng yếu đi, thuốc men nhiều lại sinh thêm bệnh do sự hấp thụ thuốc chậm trong lúc khả năng đào thải ảnh hưởng thuốc lại càng chậm hơn, chưa kể còn tùy cơ thể từng người hợp với thuốc này, thuốc khác.

Ngoài ra, trong khi chữa trị, người bệnh thường được bác sĩ giới thiệu, hoặc do chính bệnh nhân muốn, đến các trung tâm thử nghiệm. Nhiều khi đi tùm lum, đủ nơi làm cho người bệnh mỏi mệt thêm, gây tình trạng gần như khủng hoảng tâm bệnh lý!

Trong lúc đó, nhiều lời nói ra, nói vào, góp ý nhưng lại làm cho người bệnh hoang mang. Nhiều khi rơi vào tình trạng “lắm thầy… thối ma, lắm người ta ….thối….”.

Bệnh vô duyên nhiều vô kể. Đã nói đó là … vô duyên thì thôi đừng nghe tào lao mà chẳng giúp ích gì, lại làm cho ta lo sợ… vô duyên thêm.

7/ Một cách nhìn mới

Đã biết rằng con người không làm sao tránh khỏi bệnh hoạn, ngay cả khi còn trẻ, khỏe mạnh. Trong tiến trình của đời người, sau sinh. lão, thì tới bệnh. Để hết bệnh hoạn, khi lâm bệnh thì lo việc thuốc men, tịnh dưỡng cho lành bệnh. Thuốc men có thể nhanh, làm dứt bệnh, trở lại lành mạnh, hạnh phúc. Có thể gặp bệnh nặng, thuốc men, chạy đủ thầy này, thầy nọ, bệnh vẫn chưa khỏi. Tác giả khuyên bệnh nhân hãy bình tỉnh, tiếp tục chữa chạy. Bệnh chưa nặng, chưa có gì nguy kịch mà đã rơi vào tình trạng ưu sầu, lo lắng quá độ, nhiều khi làm bệnh nặng thêm.

Tác giả lấy hai ví dụ làm bằng chứng:

a/ Bệnh cao áp huyết: là một bác sĩ điều trị, ông kể, có những bệnh nhân, khi mới có triệu chứng bệnh cao áp huyết, khi đo, đã hoảng hốt, ôm cái máy đo hằng giờ. Càng đo, mức chênh lệch trên máy càng nhảy lung tung, càng hoảng sợ. Lo sợ đến mất ăn, mất ngủ, làm người phờ phạc, bệnh càng có vẻ càng ngày càng tệ hại thêm. Thật sự, mức cao, thấp của áp huyết, lên xuống là chuyện bình thường. Càng lo sợ, hồi họp, tim càng đập nhanh chậm, làm mức đo lên xuống bất thường thêm. Hãy an tâm, tỉnh dưỡng, nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ, vui chơi với con cháu, đọc sách, làm vườn…. Khi khỏe trong người, với thuốc men bác sĩ cho, uống đúng liều lượng, áp huyết sẽ trở lại bình thường hoặc không còn lên xuống bất thường nữa.

b/ Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính, do những rối loạn về sự điều hòa đường huyết, có thể đo đạt bằng máy móc điện tử, độ lên xuống của đường trong máu. Nhưng tác động của bệnh tiểu đường với từng người bệnh ra sao, với các quan hệ gia đình, xã hội, năng lực làm việc, đời sống kinh tế vv… của từng người bệnh từ lâu nay không được để ý đến.

Có những bệnh nhân khi khám phá ra mình bị bệnh tiểu đường, dù là tiểu đường loại 2 (có thể do di truyền), nhẹ thôi nhưng lại quá lo âu, sợ hãi, kiêng cữ quá độ, không còn biết đến ăn ngon, ngủ yên. Trong lúc đó người cũng bị bệnh tiểu đường như vậy mà lại  an vui, hoạt động khỏe mạnh, tích cực, vui sống, vẫn giữ bình thường các quan hệ xã hội, giao tế, vừa kiểm soát được lượng đường với những phương pháp y khoa và thuốc men ngày nay, vừa có cuộc sống bình thường, hạnh phúc.

Do kinh nghiệm khi chữa trị cho các bệnh nhân, tác giả nhận thấy rằng, việc thuyết phục bệnh nhân đừng quá lo lắng, sợ hãi khi khám phá ra mình đang bị các chứng bệnh thật bất trị, chết người, tuy thầm lặng, ít hy vọng được người nghe chấp nhận.

Để thuyết phục độc giả, tác giả đem quan niệm của cơ quan Sức Khỏe Thế Giới WHO, cho rằng, sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn thoải mái, hài lòng (well being) về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh tật.

WHO cũng đưa thêm bảng liệt kê, đánh giá về phẩm chất của cuộc sống, đó là hạnh phúc của con người. Đây lại là một vấn đề thật khó khăn tùy thuộc nhiều yếu tố như nền văn hóa nơi con người đang sinh sống và nhiều yếu tố khác. Như vậy có vẻ chủ quan, nó đòi hỏi cần một sự hiểu biết và thông cảm giữa bệnh nhân và thầy thuốc, để tạo bầu không khí tin tưởng trong sự điều trị. Một khuynh hướng chỉ có thể có ở các nước giàu mạnh, văn minh, có bảo hiểm y tế tốt và sự chăm sóc bệnh nhân tốt. Những nước nghèo và nền y tế trì trệ, xem thường sự chăm sóc và quyền được hưởng sự săn sóc kỹ lưỡng, không xem phẩm chất của nền y tế là quan trọng, thì khuynh hướng này thật khó có được..

Điều này bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đưa ra như một ước mơ lý tưởng của một vị lương y nhưng khó khăn tại các nước không tôn trọng quyền người dân như Việt Nam dưới sự cai trị độc dảng, hà khắc, cướp bóc tài sản của người dân chứ đừng nói đến tôn trong quyền của người dân.

8/ Một Tuổi Già Hạnh Phúc

Tuổi già và Hạnh phúc là hai yếu tố tương đối chủ quan, mơ hồ ít được mọi người đồng ý với nhau. Tuy nhiên nếu có thể nhân nhượng nhau, tránh tranh cãi ráo riết, có bốn yếu tố trong cuộc sống, người ta có thể tựu trung đồng ý với nhau về tuổi già và hạnh phúc. Đó là Sức khỏe, Nơi ăn chốn ở, Lợi tức (thu nhập), và Khả năng Hoạt động.

Bốn yếu tố này có thể trông thấy, đo lường được, dù chỉ tương đối. Khi bốn yếu tố trên tạm đầy đủ, thoải mái, con người có thể hưởng trạng thái Hạnh phúc, dù tuổi càng ngày càng cao.

Kahlil Gibran (triết gia, nghệ sĩ, nhà văn Mỹ gốc Lebanon 1883-1930) viết:

“ Wake at dawn with winged heart

and give thanks for another day of loving”

Chuyển qua Việt ngữ:

“ Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Ta được thêm ngày nữa để yêu thương”

(Nguyễn Nhật Ánh)

Thật đẹp.

***

Trong phần Lời Ngỏ, chính tác giả đã nói, “năm 1999 năm Quốc Tế Người Cao Tuổi, tôi viết cuốn sách nhỏ này để tặng…. mình và những bạn bè cùng lứa, những người đang bước vào bậc thềm của tuổi…. già và đã có thể mỉm cười rạng rỡ, “Già Ơi!….Chào Bạn”.

Để có thêm tài liệu giới thiệu độc giả cho bài Điểm Sách nhỏ này, tôi vào Google tìm thêm tiểu sử của Nhà văn, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, được biết, ông có trang nhà riêng, đầy đủ các bài viết của ông và các bạn văn, thường trao đổi với nhau.

Qua trang nhà của ông, Đỗ Hồng Ngọc người Phan Thiết. Năm 1954 ông học lớp Đệ Thất trường Trung Học Phan Bội Châu, Phan Thiết. Năm 1962, đậu Tú Tài II và do sự khuyến cáo của nhà văn, nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê, ông học PCP (Lý,Hóa, Nhiên), đại học khoa học, để vào học trường Đại Học Y khoa Sài Gòn.

Tốt nghiệp bác sĩ Y khoa đại học Y Khoa Sài Gòn, ngoài việc hành nghề y khoa, ông là Giảng Viên môn Nhi Khoa tại trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia từ năm 1972 đến năm 1975, thời Việt Nam Cộng Hòa và sau đó vẫn còn được giữ lại trong việc giảng dạy môn này đến năm 1982.

Ông có ba cái đam mê: dạy học, văn chương và nghề y (săn sóc sức khỏe cho con người). Ba đam mê này, ông theo đuổi đến cùng với lòng nhiệt thành, không do danh vọng, tiền tài, áp bức.

Tác giả bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không những là một vị thầy thuốc có lương tâm, nhưng còn là một lương y chấp nhận sống trong địa ngục Cộng Sản, để cứu vớt con người bị tước đoạt tất cả các quyền tự do của con người, trong đó quyền tự do mưu cầu sống còn, mưu cầu hạnh phúc của con người mà các quốc gia văn minh công nhận và bảo vệ.

Chúng ta những người Việt Nam sống ngoài sự kềm kẹp của chế độ phi nhân Cộng Sản từ sau ngày 30 tháng tư năm 1975, đã quằn quại đau đớn làm kẻ mất quê hương, từ những ngày Cộng Sản chiếm đoạt Miền Nam, đến những đợt người Việt Nam trong nước, không thể sống được dưới chế độ tàn ác, cướp bóc của chính quyền Cộng Sản, bỏ nước ra đi trên những con thuyền nhỏ bé dưới bão tố, hải tặc, sóng biển, nếu may mằn sống còn, được đến các bến bờ tự do, nhờ bàn tay nhân đạo của thế giới, cứu vớt. Tiếp đến những đợt được ra đi do thân nhân bảo lãnh, những đợt ra đi do các thương lượng giữa chính phủ Hoa Kỳ, Cộng Sản chịu chấp nhận để những người bị đày đọa, được đưa gia đình đi tìm tự do, sống còn và mang hy vọng cho con cháu, thế hệ tương lai.

Quên đi những đau thương ban đầu của kẻ bị tước đoạt tất cả, chịu tất cả nhục nhằn để sống còn, để bảo vệ con cháu. Chúng ta đã từ đau thương, đứng lên từ những đôi chân run rẩy, làm lại cuộc sống, đào tạo thế hệ con cháu có đầy đủ kiến thức, để vươn lên, sánh vai cùng bạn bè các giống dân đến trước, hòa nhập vào xã hội mới và sau một thời gian ngắn kỷ lục, đã là thế hệ di dân thứ hai thành công trên miền đất tự do.

Với các tiêu chuẩn sức khỏe tốt, nơi ăn chốn ở an toàn, thu nhập đầy đủ, và khả năng hoạt động còn tốt trong lứa tuổi hưu trí, người Việt hải ngoại hầu như đạt được hạnh phúc của con người.

Đỗ Hồng Ngọc là một nhà văn, thầy thuốc có từ tâm, có trái tim Bồ Tát, chấp nhận vào địa ngục để mong cứu vớt phần nào những kẻ khốn cùng trong xã hội Cộng Sản. Các điều ông viết lên là những ước mơ của người Việt Nam hiện nay chưa có được.

Chúng ta cầu mong các ước mơ của nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và của người Việt Nam thành hiện thực.

Minh Tâm Xuân Đỗ

Nam California chớm thu 2017

 

Visits: 2228

Tóm Lược Sách: Writer, Sailor, Soldier, Spy: Ernest Hemingway’s Secret Adventures 1935-1961 của tác giả Nicolas Reynolds

ERNEST HEMINGWAY: NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU BÍ MẬT 1935-1961
Nhà Văn – Thủy Thủ – Chiến Binh – Gián Điệp

Lê Trung Hiếu

Ernest Hemingway là nhà văn Mỹ nổi tiếng trên thế giới, đã được giải thưởng Nobel văn chương năm 1954. Nhiều truyện tiểu thuyết của ông được quay thành phim, hấp dẫn hằng triệu khán giả trên mọi lục địa. Tuy vậy, hầu như độc giả có rất ít thông tin về cuộc sống nội tâm đầy uẩn khúc và hoạt động sôi nổi của nhà văn. Nguyên nhân ông qua đời vào năm 61 tuổi vẫn còn là một nghi vấn từ hơn nửa thế kỷ nay. Vào tháng 3 năm 201, nhà xuất bản William Morrow đã phát hành tác phẩm “Writer, Sailor, Soldier, Spy: Ernest Hemingway’s Secret Adventures 1931 -1961”, tác giả là Nicolas Reynolds, một viên chức tình báo lâu đời của chính quyền Mỹ, nguyên là đại tá Thủy Quân Lục Chiến, tốt nghiệp Khoa Lịch Sử của Đại Học Oxford. Điều ngạc nhiên là nhan đề của cuốn sách. Những chữ Writer, Sailor và Soldier thì độc giả dễ dàng hiểu được qua sinh hoạt đời thường và cá tính của những nhân vật chính trong các tiểu thuyết A Farewell To Arms, For Whom the Bell Told, The Sun Also Rises, The Snow On The Kilimandjaro và nhiều truyện ngắn về chiến tranh. Nhưng chữ Spy là một thắc mắc thúc đẩy người đọc tìm hiểu. Tác giả Nicolas Reynolds dựa vào những công trình văn chương, cuộc sống hiện thực cũng như những hồ sơ mật được giải mã của các cơ quan tình báo KGB,OSS,FBI và bộ Ngoại Giao Mỹ để phác họa trung thực cuộc đời đầy sóng gió, lòng thương người, tình yêu quê hương và tổ quốc của Ernest Hemingway dành cho nước Mỹ.
Dựa vào tài liệu trong cuốn sách nói trên, chúng ta thử tìm hiểu cuộc sống của Ernest Hemingway trong thời gian năm 1935 -1961 qua các tiểu mục sau đây:
1. Nguyên nhân tiếp cận Liên-Xô
2. Ernest Hemingway và nội chiến Tây ban Nha
3. Ernest Hemingway đến Trung Hoa
4. Hoạt động của Ernest Hemingway trong thời Thế Chiến 2
5. Phóng viên chiến trường đến Paris và trở về Cuba
6. Nỗi bận tâm của Ernest Hemingway
7. Thời gian còn lại.

1. Nguyên nhân tiếp cận Liên Xô 1935

Ernest Hemingway nổi tiếng trên văn đàn nước Mỹ từ lúc còn trẻ. Đối thủ của ông ta chỉ là một nhóm nhỏ. Truyện của ông không những được độc giả Mỹ ưa thích mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Nga và phổ biến rộng rãi ở nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang Xô-Viết, đất nước mà văn chương được xem là công cụ tuyên truyền cho chế độ chính trị. Vào tháng 8 năm 1935, giới phê bình văn học ở Mỹ đã làm Hemingway mếch lòng và cảm thấy không được trọng vọng ở Mỹ. Trong lúc phân tâm, ông nhận được một bản dịch tiếng Nga những truyện của ông. Người dịch là Ivan Khaslin, một nhà văn nổi tiếng ở Liên-Xô. Hemingway rất sung sướng khi đọc bài giới thiệu của Ivan Khaskin. Nhà văn này khen ngợi văn tài Hemingway và cho biết truyện của ông đã làm say mê độc giả Liên Xô. Hemingway vội vã viết ngay một lá thư cám ơn Khaskin và ông thật là sung sướng biết bao khi có người hiểu được những điều mình viết ra,” không giống những cảm nghĩ mà giới phê bình văn học ở New York đã viết về ông”. Hemingway cũng nhấn mạnh rằng tuy ông hài lòng khi có thêm độc giả Liên-Xô, nhưng ông sẽ không bao giờ trở thành một người cộng sản hay một cảm tình viên cộng sản. Trong một lá thư khác, Hemingway bày tỏ : “nhà văn giống như dân du mục, họ không trung thành với bất cứ chính quyền nào,” và “sẽ không bao giờ ưa chuộng chính thể họ đang sinh sống.” Ông cũng tiết lộ bạn bè khuyên ông nên từ bỏ tình bằng hữu nếu Kashkin sử dụng đường lối duy vật của chủ nghĩa marxist để lôi cuốn ông vào địa bàn hoạt động của cộng sản Liên-Xô.
Thị trường chứng khoáng sụp đổ từ năm 1929 kéo dài tình trạng công nhân thất nghiệp ở Mỹ và nhiều nước tư bản khác là cơ hội để Liên Xô và giới khuynh tả Mỹ nhúng tay vào nội tình chính trị ở Mỹ. Luận điệu tuyên truyền của họ là dưới chế độ Marxist trong tương lai sẽ không còn cảnh người bóc lột người, không ai bị thất nghiệp và đói khổ. Nazi Đức và Fascist Ý chống đối tư tưởng này. Hitler kết án người Do Thái (Jews) và Cộng Sản là nguyên nhân gây ra tình trạng thất nghiệp ở Đức và toàn thế giới. Để giải quyết tình trạng thoái trào kinh tế, Hitler và Mussolini đề xuất các biện pháp: dẹp yên bạo loạn, động viên nhân lực vào chiến tranh, chiếm đoạt tất cả những gì chúng ta cần thiết từ quân thù. Chính khuynh hướng này giúp Mussolini cuốn hút thành phần thiên tả ở Mỹ.
Hemingway cùng với Gellhorn, người vợ thứ ba (1), dời nhà về Keys West trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 1929. Keys West bao gồm nhiều đảo nhỏ trong vùng biển Caribean gần thành phố Miami. Tại đây, ông quen biết John Dos Passos, một nhà trí thức đến từ thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland. Cả hai đều có cùng một sở thích: cuộc sống ngoài trời với săn bắn và câu cá. Từ năm 1930, thiên tai làm cho thị trấn trên tiễu đảo lâm vào tình trạng suy sụp kinh tế. Đến năm 1934, Keys West bị phá sản. Chi nhánh của Ngân Hàng Trung Ương Franklin Delano Roosevelt nhảy vào nắm quyền điều hành Federal Emergency Relief Administration (FERA). Theo Dos Passos, biện pháp cứu nguy của FERA không hữu hiệu vì đã biến “một thành phố của những ngư dân độc lập và những người sản xuất và bán hàng trái luật (bootleggers) trở thành những người nghèo khó.” Hemingway tán đồng nhận định này. Theo Hemingway, những cựu chiến binh và ngư dân phải chấp nhận làm cu-li vì họ không còn chọn lựa nào khác trong mùa mưa bão. Từ đó dư luận nẩy sinh ra cuộc phân biệt giai cấp giàu và nghèo. Joe North, một trong những chủ bút cộng sản ở tạp chí New Masses nắm lấy cơ hội, vội vã điện hỏi thăm sự việc xảy ra như thế nào. North đang cần có tin tức để bôi nhọ kế hoạch phục hồi kinh tế New Deal của Tân Tổng Thống Franklin Roosevelt. Theo quan điểm của những người cộng sản, chính quyền tổng thống Roosevelt chẳng khác gì chính quyền tổng thống Hoover, chỉ có ngoại lệ: tân tổng thống che giấu chính sách tư bản của ông ta bằng những nụ cười. Vì vậy North thuyết phục Hemingway viết bài phê phán cho báo New Masses. Tạp chí này đăng bài của Hemingway dưới tựa đề: “ Ai Đã Ám Sát Những Cựu Chiến Binh?” vào số báo ra ngày 17 tháng Chín năm 1935. Bài báo chỉ trích và gán cho chính quyền Roosevelt duy trì “nạn thất nghiệp, đói khát và chết chóc ” khi sử dụng những cựu chíến binh dưới hình thức cu-li để thực hiện các công trình ở Keys West. Ban chủ biên nêu ra nhiều câu hỏi như “ Ai đã đưa cựu chiến binh ra làm việc ở đảo ? “ Ai đã bỏ rơi họ trong suốt mùa mưa bão?” “Ai đã thất bại vì không di tản cựu chiến binh để bảo vệ họ ?”
Tiếng vang của bài báo lan rộng trong quần chúng. Trước tiên tạp chí Times đăng tải phát biểu của George Worley, luật sư tiểu bang Florida, “ không ai chịu trách nhiệm về sự thất bại vì không di tản những cựu chiến binh … trước khi mưa bão giết chết 458 người.” Hemingway phản biện và Times đưa lên báo câu hỏi của Hemingway: “ Những cựu chiến binh bị bỏ rơi cho đến chết như thế nào ?” Nhật báo Dailey Worker đi xa hơn nữa bằng cách in tên Hemingway với hàng tin chữ lớn “Tiểu thuyết gia tìm thấy thi thể những người đàn ông chết trên bờ biển Keys West.” Nhà văn Nga Kashkin dịch tiêu đề này ra tiếng Nga và đăng trên tạp chí văn chương của ông ta. Khi những gián điệp của Xô-Viết đọc bài báo của Hemingway, họ chú trọng đến đường hướng Hemingway chỉ trích nhà cầm quyền Mỹ. Nó vạch ra những tệ đoan người nghèo và những kẻ bị các viên chức quyền thế khinh thị phải chịu đựng không phải do trận bão gây ra mà xuất phát từ phía chính quyền Mỹ. Gián điệp Nga tin tưởng rằng người dân Mỹ chấp nhận lập luận chính trị của Hemingway vì ông là một nhà văn nổi tiếng và được kính trọng. Vì vậy cơ quan tình báo Xô-Viết tìm mọi cách gài nam hay nữ điệp viên để liên lạc và dụ dỗ Hemingway hoạt động cho họ.
Điêu khắc gia người Anh Jason Gurney là người có tư tưởng khuynh tả. Khi ông ta đến Tây Ban Nha để chiến đấu trong phe Republic, tiết lộ cho những chiến hữu ngoại quốc tình nguyện biết: tình báo Liên Xô gài người hoạt động cho Republic để truy tầm những người Nga theo phe Trosky đang hoạt động chính trị ở Tây Ban Nha. Theo Jason, tình báo Liên-Xô: “luôn luôn có nhà tù và nhiều trung tâm thẩm vấn bí mật tại một vài nơi trong vùng lân cận.” “Tình báo Liên-Xô biến dạng một trong những trung tâm này thành lò hỏa thiêu.” Tin tức về người bị mất tích và sau đó không bao giờ thấy là phổ biến trong dư luận ở Tây Ban Nha trong thời nội chiến. Vì vậy tuy Hemingway gặp gỡ điệp viên Nga nhưng ông cân nhắc lợi hại để hoạt động theo đường lối riêng biệt của ông. Ông thay đổi tầm nhìn chiến lược nhanh chóng. Trước tiên ông viết bài cổ vỏ cuộc đấu tranh của phe Republican và chê bai đường lối độc tài của phe Nationalist do tướng Franco lãnh đạo. Kế tiếp ông gởi đăng bài viết về sự quan tâm của ông đối với sự khổ đau của con người và tán dương thành quả chân lấm tay bùn của giới lao động và nói rõ ông không tán thành chế dộ Sô-Viết mặc dù nó ủng hộ phe Republican. Theo ông “Sô-viết là bộ mặt nhơ bẩn của người Nga, nhưng tôi không thích bất cứ chính phủ nào.”

2. Ernest Hemingway và nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939:

Năm 1937, Hemingway đến Tây Ban Nha để viết phóng sự về cuộc nội chiến bùng nổ vào mùa hè năm trước giữa một bên là Lực Lượng Quốc Gia do tướng Francisco Franco lãnh đạo chống đối lại Chính quyền Cộng Hòa hợp pháp. Những người theo phe của tướng Franco cho rằng phe Cộng Hòa phạm phải hai điều quan trọng: điều hành không có hiệu quả và nhiều thành viên mưu toan đưa đất nước và dân tộc đi theo khuynh hướng thiên tả. Lực lượng của tướng Franco bao gồm những đại địa chủ (great landowners), giới quân sự, và tín đồ Thiên Chúa Giáo chống lại lực lượng Cộng Hoà bao gồm những người theo xã hội chủ nghĩa (socialists), cộng sản chủ nghĩa (communists), nghiệp đoàn thương mãi (trade union) và những người thuộc phái vô chính phủ (anarchists). Tình hình chiến tranh càng ngày càng trở nên phức tạp hơn khi nước ngoài can thiệp vào nội bộ của Tây Ban Nha. Hitler và Mussolini (Ý đại lợi) liên kết với Franco bằng cách trợ giúp vũ khí, cố vấn và quân lính. Stalin (Liên-Xô) viện trợ cho lực lượng Cộng Hòa các loại vật dụng chiến tranh như Hitler và Mussolini nhưng với số lượng ít hơn nhiều. Chỉ có điều khác biệt là Liên Xô cung cấp rất nhiều cố vấn và nhân viên mật vụ. Trong số này nổi bật một viên chức tên là Alexander Orlov.
Cơ quan tình báo Liên-Xô NKVD (People’s Commissariat for Internal Affairs) – về sau gọi là KGB – phái Orlov đến Tây Ban Nha vào tháng 8, 1936 để giúp phe Cộng hòa tổ chức tình báo và lực lượng hổ trợ bán quân sự (paramilitary support). Đồng thời Orlov cũng có nhiệm vụ phát triển thế lực của Liên-Xô và ảnh hưởng của Đảng Cộng Sản Tây Ban Nha. Điệp viên Liên-Xô thường đến nghỉ ngơi tại khách sạn Gaylor sang trọng. Khi Hemingway trở lại Madrid vào tháng 9, 1937, ông đến khách sạn này để gặp Gustave Regler, bạn quen biết từ trước. Regler là người cộng sản Đức, phụ trách giảng giải chủ nghiã cọng sản cho thành viên trong Đoàn Tình Nguyện Quân Quốc Tế. Hemingway nói với Regler ông muốn đi tìm hiểu du kích quân Cộng Hoà (Republican Guerrillas). Regler báo cho Orlov biết ý muốn của Hemingway. Orlov sắp xếp cho Hemingway đến trại huấn luyện du kích bí mật ở trong khu vực của tình báo NKVD. Hemingway lấy làm cảm kích khi nghe trình chương trình huấn luyện qua từng giai đoạn cùng đi thăm hiện trường tác xạ và bắn súng do Nga chế tạo. Đến năm 1938, Orlov gặp lại Hemingway lần nữa và nghĩ rằng Hemingway chấp nhận hợp tác. Sau đó Orlov tiết lộ cho một viên chức tình báo Mỹ đã về hưu biết chính NKVD vận động Hemingway đến Tây Ban Nha để trở thành một nhân vật có tiếng nói quan trọng của phe Cộng Hòa. “ Thông qua những vận động của Liên-Xô và Liên Minh Báo New York, Chính Phủ Cộng Hòa đã ký một hợp đồng với Hemingway …” Theo FBI, điều cáo buộc này không đúng vì giới tình báo Mỹ biết sự kiện Hemingway đến Tây Ban Nha xuất phát từ nhiều lý do: Hemingway mến chuộng đất nước Tây Ban Nha, ông thật sự muốn tham gia vào cuộc chiến để có cảm giác mạnh, lãnh tiền nhuận bút lớn vì bài viết sẽ được tính tiền theo từng chữ. Nhà văn Josephine Herbst thân thiết với Hemingway từ hồi còn ở Paris hiểu rõ Hemingway hơn Orlov. Theo Herst, lúc bấy giờ Hemingway cũng như nhiều nhà văn khác“ đang ở trong quá trình chuyển biến tâm tư nên việc đi Tây Ban Nha chỉ có tính giai đoạn mà thôi .”
Cuộc nội chiến Tây Ban Nha chấm dứt với sự chiến thắng của phe Franco. Sau khi phe Franco chiếm thành phố Barcelona vào đầu năm 1939, hàng chục ngàn binh sĩ Cộng Hòa, người ủng hộ và cảm tình viên đổ xô tìm đường di tản chạy về nước Pháp. Những ai bị tình nghi là thành viên của phe Cộng Hòa đều bị đem ra xử bắn. Những chiến binh tình nguyện Anh, Canada và Mỹ trở về nước với mặc cảm bị nghi ngờ theo Cộng Sản vì đã chiến đấu trong lực lượng thân Liên-Xô. Giới tình báo Mỹ luôn luôn theo dõi những hoạt động của những công dân có khuynh hướng thiên tả và những cựu chiến binh Mỹ tình nguyện chiến đấu trong hàng ngũ Cộng Hoà Tây Ban Nha bị tình nghi và phân biệt đối xử. Chiến binh người Nga có thể trở về Liên-Xô nhưng về sau bị loại trừ vì Staline xem họ là những kẻ không xứng đáng. Còn những chiến binh người Đức, và Ý không thể trở về nước của họ và vô vọng vì nhiều nước trên thế giới không muốn chứa chấp họ. Ernest Hemingway cảm thấy đau lòng và thương cho thân phận con người thua trận trong một cuộc chiến.

3. Ernest Hemingway đến Trung Hoa 1941:

Là người theo phe Cộng Hoà nên Hemingway cảm thấy thất vọng và tinh thần hầu như bị suy sụp. Tuy vậy, Hemingway tự cứu mình thoát ra khỏi bế tắc bằng cách khép mình vào công việc. Trong một lá thư gởi Kashkin, Hemingway bày tỏ lòng mình: “ Đối với chiến tranh, một khi đã khởi sự thì phải chiến thắng, đó là điều mà chúng ta không làm được. Chiến tranh chỉ là giai đoạn, tôi không bị giết vậy thì tôi phải làm việc. “ Ông khoe với Kashkin đã viết mười lăm ngàn chữ trên giấy. Ông sẽ viết truyện ngắn và tiểu thuyết về chiến tranh. Trong lúc Hemingway để tâm vào việc viết tiểu thuyết, tình hình Âu Châu trở nên suy đồi. Các nước trên lục địa Tây Âu tìm cách liên minh quân sự với Liên-Xô để chống lại Đức nhưng thất bại. Ngày 23 tháng Tám năm 1939, hai vị bộ trưởng ngoại giao Đức và Liên-Xô công bố hiệp ước tương thân không tấn công xâm chiếm lẫn nhau. Cả hai nước cùng bí mật ký một phụ bản (addendum) đồng lòng thôn tính những nước nhỏ ở Đông Âu. Nạn nhân đầu tiên là Ba-Lan. Ở phía Tây Âu, Đức cũng thôn tính Pháp vào năm 1939. Sau đó không lâu, Đức Ý Nhật liên kết thành phe Trục gây chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hitler xé bỏ hoà ước với Liên-Xô, đưa quân xâm lấn nước này. Đức oanh tạc Anh. Nhật đổ bộ lên bán đảo Liêu Đông của Trung Hoa và Nam Á Châu, tấn công Pearl Harbor và xâm chiếm Philippines. Mỹ tuyên chiến với Nhật. Các nước Anh, Pháp, Mỹ, Liên-Xô và Trung Hoa liên minh chống lại phe Trục. Trước khi Mỹ tham gia chiến đấu, Hemingway cho ra mắt độc giả tiểu thuyết For Whom The Bell Told ở New York. Sau đó ông ta cùng với bà vợ thứ hai Gellhorn thực hiện một chuyến du hành bằng đường biển đến Trung Quốc vào đầu năm 1941.
Từ nhiều năm trước, Trung Hoa chiến đấu chống Nhật Bản xâm lăng. Đây là một cuộc chiến tranh tàn bạo không có ngày chấm dứt. Tham vọng của Nhật rất cụ thể, họ muốn chiếm đoạt tài nguyên và lãnh thổ. Họ không quan tâm đến những biện pháp họ thực hiện để đoạt được mục tiêu. Họ giết hàng loạt người Trung Hoa, bất kể là quân nhân hay dân sự. Sự kiện này gợi lại trong tâm trí Hemingway những cảnh tượng kinh hoàng trong thời nội chiến ở Tây Ban Nha do phe Franco gây ra. Đó là về mặt nổi của chiến tranh chống ngoại xâm. Về mặt chìm, một cuộc tranh chấp ác liệt giữa lực lượng Quốc Dân Đảng (Kuomintang) do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo và phe Cộng Sản do Mao Trạch Đông và Châu Ân Lai cầm đầu, đang xảy ra trên đất nước Trung Hoa. Hemingway và Gellhorn đã tiếp xúc với Tưởng Giới Thạch (TGThạch) và Châu Ân Lai (ChALai). Trung gian dàn xếp những cuộc tiếp xúc là một người đàn bà Đức, vợ của một người cộng sản Trung Hoa. Phải chăng tình báo Liên-Xô ngầm vận động Hemingway đến Trung-Hoa? Điều này không xảy ra vì hồ sơ mật của tình báo Liên-Xô vào năm 1948 ghi nhận “sự liên lạc không được tái lập với ‘Argo’ (bí danh của Hemingway ở Trung Hoa). Hơn nửa Hemingway khéo léo sử dụng những tin tức do TGThạch và ChALai tiết lộ để viết bài đăng báo. Trong một lần được các phóng viên khác phỏng vấn, ông đã giải thích: Quân đội của TGThạch giữ một vai trò quan trọng trong việc chống Nhật Bản vì đã cầm chân quân Nhật trên lãnh thổ Trung Hoa để Mỹ bảo vệ các tiền đồn ở Thái Bình Dương. Ông cũng mong muốn lực lượng Cộng Sản tạo được nhiều chiến thắng. Ông không phê phán hay hạ thấp phe nào vì không muốn làm giảm tinh thần và ý chí quyết chiến của người Trung Hoa đối với phát xít Nhật Bản. Đồng thời ông không bày tỏ quan niệm tiêu cực về các triển vọng Anh và Mỹ đánh thắng phe Trục, mặc dù ông vẫn còn hận chính quyền Roosevelt không hổ trợ lực lượng Republican trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Do thái độ trung dung về hai phe Quốc-Cộng đang tranh chấp quyền lực ở Trung Quốc, một số người nghi ngờ tình báo Sô-Viết đưa Hemingway đến Trung Hoa đề thăm dò tình hình. Lý do là trong giai đoạn này, Liên Xô đang trợ giúp vũ khí cho cả hai phe Quốc-Cộng chống lại Nhật Bản. Nói một cách đúng đắn Hemingway không làm gián điệp cho Liên-Xô. Cả hai phe Quốc-Cộng Trung Hoa tiếp xúc với vợ chồng nhà văn vì muốn sử dụng Hemingway để chuyển một thông điệp thuận lợi cho riêng phe của mình đến công luận và chính quyền Mỹ ngay khi Hemingway vừa mới từ Trung Hoa trở về Mỹ. Còn Bộ Trưởng Tài Chánh Morgenthau chỉ muốn nghe ý kiến cá nhân của Hemingway về Trung Hoa, ngoài ra không lưu ý đến việc gì khác. Cuộc tiếp xúc giữa Morgenthau và Hemingway do ông Harry Dexter White sắp xếp. White là nhân vật quan trọng trong Bộ Ngân Khố Mỹ nhờ Hemingway thu thập tin tức về tình hình Trung Hoa vào năm 1941. White là cánh tay mặt của Morgenthau đồng thời là cảm tình viên của Đảng Cộng-Sản Sô-Viết. Sau chiến tranh White lộ diện làm gián điệp cho Liên-Xô. Có thể ông White đã tiết lộ nội dung của cuộc gặp gỡ nói trên cho tình báo Liên-Xô nhưng không có bằng chứng về chuyện này.

4. Ernest Hemingway hoạt động trong thời Thế Chiến thứ Hai 1942-1943:

Trong thời thế chiến thứ hai, nước Cuba đứng về phe Đồng Minh Anh-Pháp-Mỹ- Nga-Trung Hoa chống lại phe Trục Đức-Ý-Nhật. Cuba là một đảo quốc ở trong vùng biển Caribean, chỉ cách xa Keys West 90 dặm Anh. Từ lâu nước Mỹ thịnh vượng hầu như tự cho mình có quyền can thiệp vào tình hình chính trị của Cuba. Sau năm 1932, Ernest Hemingway đến Cuba nhiều lần để câu cá biển. Đến cuối thập niên này ông chọn Cuba làm nơi cư trú. Ông mua một ngôi nhà trên một ngọn đồi chỉ cách Thủ đô Havana vài dặm Anh và từ mặt tiền nhìn thấy biển ở khoảng cách vừa tầm nhìn. Ngôi nhà có tên là Finca Vigia, xây vào năm 1886 giữa một khu vườn rộng lớn trồng chuối và cây cảnh. Tại đây Hemingway cùng với vợ vừa hưởng thú an nhàn vừa có thái độ chờ xem tình hình cuộc chiến sẽ diễn biến như thế nào.
Lúc bấy giờ, một điệp viên người Đức theo chủ nghĩa cộng sản tên là Richard Sorge làm phóng viên ngoại quốc thường trú ở Tokyo. Ông ta giả vờ năng nổ hoạt động với Tòa Đại Sứ Đức ở Tokyo để lấy tin tức. Nhờ vậy ông ta báo cho Staline biết trước để chuẩn bị đối phó khi Hitler ồ ạt tấn công Nga. Nhưng Staline không quan tâm đến. Winston Churchill, thủ tướng Anh, cũng báo cho Staline biết tin này nhưng Staline lờ đi. Hitler đưa 45 sư đoàn bộ binh và lực lượng một lần nữa rồi đi Moscow cùng với vợ. Bây giờ Hemingway được đích thân Molotov mời thăm viếng Liên-Xô, nhưng ông không nhận lời. Giới quan sát thời cuộc đặt câu hỏi. Tại sao Liên Xô mời Hemingway đến viếng đất nước trong lúc các thành phố văn hóa như Moscow và Leningrad còn đầy dấu vết xâm lăng của quân đội Hitler? Câu trả lời là (1) Moscow muốn tạo cơ hội để ban tham mưu tình báo Liên-Xô gặp trực tiếp Hemingway và biến Hemingway trở thành một điệp viên đa năng hoàn hão. Hoặc (2) Moscow muốn nhờ Hemingway viết vài bài báo ca ngợi quân đội Liên Xô để vận động giới chính trị gia và những nhân vật quan trọng trong chính quyền Mỹ giúp đỡ vì Liên-Xô đang cần bạn bè và vũ khí. Hemingway không nhận lời vì ông ta nghĩ đến thất bại về truyền thông mà ông đã sử dụng để hy vọng Tổng Thống Roosevelt ủng hộ phe Republica trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha trong thập niên 1930.
Chiến tranh thế giới thứ hai đi vào khúc quanh lịch sử khi Nhật tấn công Pearl Harbor vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Máy bay Nhật tàn sát gần 2 ngàn quân nhân. Trong khi Pearl Harbor còn đang bốc khói, Đức tuyên chiến với Mỹ. Mỹ đáp trả bằng cách tuyên chiến với Nhật và Đức. Đồng thời Mỹ liên kết với Anh Pháp Nga Trung Hoa đánh phe Trục Đức Ý Nhật. Hemingway nhận được tin Pearl Harbor bị Nhật tấn công khi đang trên đường từ Mỹ trở lại Cuba. Trong lần trở lại này, Hemingway tiếp xúc với nhiều bạn bè ngoại quốc và Mỹ. Lúc bấy giờ trong cộng đồng Tây Ban Nha có nhiều người giả dạng thuơng nhân để hoạt động tình báo, thăm dò tin tức để báo động với Hitler và Mussolini. Tòa Đại Sứ Mỹ ở thủ đô Havana báo cho Washington biết Hemingway không e ngại thành phần phát-xít ở đây và sẵn sàng đụng độ hay đi truy lùng bọn chúng. Một nhà ngoại giao khác có tên là Robert P. Joyce, là bạn thân của Hemingway. Vào khoảng đầu năm 1942 nhà văn nói với Joyce, ông ta muốn đóng góp khả năng của mình vào cuộc chiến bằng cách tổ chức một cơ sở phản gián ở Havana. Hemingway trình bày với Joyce phương thức phản tình báo mà ông đã học hỏi trong khi làm việc với tổ phản gián của phe Republican trong cuộc nội chiến Tây ban Nha. Joyce báo cáo ý kiến của Hemingway với Đại Sứ Mỹ Spruille Braden, cấp trên của Joyce. Ông Đại Sứ tán thành việc thành lập một tổ phản gián tài tử. Braden gọi Hemingway là “người bạn của mọi người dân” ở Havana và Tòa Đại Sứ là nơi quy tụ bạn bè. Đến tháng 8 năm 1942, Braden báo cho bộ phận tham mưu biết ông quyết định giao công tác tình báo cho Hemingway thực hiện. “Theo dõi hoạt động của kẻ thù phát-xít Tây Ban Nha mà FBI thất bại truy lùng tin tức.” Hemingway vui vẽ nhận nhiệm vụ và đặt tên là Tổ Crook Factory khác với Ban Tội Phạm mà Toà Đại Sứ thường sử dụng để hoạt động. Công việc làm của Hemingway cũng bị một vài viên chức tình báo chỉ trích và xem là vô giá trị khi họ tường trình về Washington. Nhưng tin tức do Hemingway cung cấp lại được ông Đại Sứ Mỹ đánh điện về Washington công nhận “ việc khai triển những sinh hoạt của người Tây Ban Nha là đúng, kiểm tra kỹ lưỡng, tái kiểm tra và chứng tỏ rất xác thực.” Để tránh tình trạng xung đột nghề nghiệp giữa Hemingway tình báo tài tử và nhân viên tình báo nhà nghề, ông Edgar Hoover, Giám Đốc FBI luôn luôn dặn dò mọi người ở Havana: “ sử dụng phong cách ngoại giao để thảo luận với ông Đại Sứ Braden nếu thấy điều bất lợi khi ông ta giao việc cho một người không phải là công chức chuyên nghiệp trong ngành tình báo mà lại là người hoạt động tình báo tài tử như Hemingway.”
Thực tế cho thấy Đại Sứ Braden biết cách sử dụng nhân sự. Ông đã mạnh dạn giao việc cho Hemingway. Nhà văn thường đưa tàu Pilar đi đánh cá trong vùng biển Caribean ở về hướng Bắc của nước Cuba. Pilar dài 38 feet, đúng ra nó chỉ là một chiếc thuyền câu cá biển. Hemingway biến Pilar thành một tàu gián điệp trong hai năm 1942 và 1943. Khi thực hiện nhiệm vụ gián điệp, nó có vẻ ma quái với thân tàu màu đen, chạy sát mặt nước, khó thấy ngay cả khi lướt sóng giữa ban ngày. Hemingway sử dụng Pillar để trợ lực cho Trung Tá John W. Thomason Jr. và cơ quan tình báo Hải Quân Mỹ. Công việc này phù hợp với sở thích của ông vì ông vừa tham gia chiến tranh vừa được sống trên sóng nước. Nó cũng gợi cho ông cái thú mạo hiểm và hoạt động bắp thịt ở ngoài trời với biển cả mênh mông. Nó khác xa với chuyện làm gián điệp cổ điển cho phe Cộng Hòa thân Liên-Xô trong thời nội chiến Tây Ban Nha hay hoạt động phản gián cho toà Đại Sứ Mỹ ở Havana. Nhưng điều ông khoái chí là đảm nhiệm chức vụ thuyền trưởng tàu Pilar để làm việc cho nước Mỹ. Lúc bấy giờ, nhiều tàu chiến Mỹ bị tàu ngầm Đức đánh chìm trong nhiều phần của biển Đại Tây Dương. Tàu Pilar có nhiệm vụ tuần tra bờ biển phía Bắc của Cuba và điện báo cho Hải Quân Mỹ biết mỗi khi thấy tàu ngầm Đức nổi lên mặt biển. Đồng thời Pilar cũng thi hành tác chiến như đánh chìm tàu U-boat, mặc dù tàu này lớn và dài đến 250 feet và được trang bị súng 10.5 cm (deck gun 10.5 cm). Súng này có khả năng bắn thuyền nhỏ bay khỏi mặt nước với chỉ một phát súng. Hemingway thi hành nhiệm vụ này như thế nào? Hải quân Đức thấy tàu nhỏ đang đánh cá. Ngư phủ tàu Pilar hy vọng tàu Đức sẽ cặp hông Pilar để mua hay tịch thu cá và nước ngọt. Lúc đó ngư phủ tàu Pilar sẽ tấn công tàu địch bằng súng bazookas, súng máy, lựu đạn và satchel charge ( bộc phá ?). Hemingway còn sử dụng một dụng cụ thể thao của người Basque để tung lựu đạn rất nhanh và xa. Thoạt trông cuộc giao tranh thật là phù phiếm, không ai tin vào chiến thắng, nhưng thật sự đã thành công vì tạo được yếu tố “bất ngờ và thủy thủ được huấn luyện kỹ lưỡng.”
Pilar bắt đầu tham gia chiến đấu vào mùa hè 1942, trước tiên là những cuộc hành quân có tính cách huấn luyện. Hemingway càng ngày càng tin tưởng khả năng điều hành của mình và nhận thêm khí cụ. Ông đưa tàu Pilar ra khơi xa bờ hơn, có khi tàu chạy về hướng Tây Bắc đến một đảo cát ở cuối eo biển Bahamas. Thủy thủ lên đảo, cắm lều và luân phiên canh tàu địch. Đại sứ Braden đánh giá rất cao sự đóng góp công sức của Hemingway trong chiến tranh. Khi cuộc hành trình cuối cùng của tàu Pilar chấm dứt vào mùa hè 1943, vì sự đe dọa của tàu U-boat đã giảm, ông Đại Sứ viết thư cám ơn Hemingway về tất cả những dịch vụ mà nhà văn đã thực hiện trên đất liền và trên biển.

5.Phóng viên chiến trường đến Paris 1944 và trở về sống ở Cuba 1945-1960:

Tình hình chiến sự trên các lục địa Âu, Á và Phi bắt đầu thay đổi chiều hướng. Lực lượng Đồng Minh phản công. Anh tung quân đánh các vị trí quân sự của Đức ở Vùng Bắc Phi và Vùng Trung Đông, Mỹ tái chiếm Phillipines từ tay Nhật Bản. Vào ngày 6 tháng 6 năm1944, Mỹ đổ bộ lên Normandie, đẩy quân Đức lui về nội địa Pháp. Kháng chiến Pháp hoạt động mạnh mẽ hơn để gây rối quân Đức. Hemingway giã từ Cuba và Mỹ để vừa tham gia chiến trận vừa làm phóng viên chiến trường. Hemmingway đảm nhiệm chức vụ trưởng cơ quan tình báo ở Rambouillet, một thành phố nhỏ, trinh sát những con đường mà lực lượng Đồng minh có thể sử dụng để tiến quân về Paris. Trong lúc Hemmingway và người tài xế đang đi trên một chiếc xe jeep trong con đường làng, họ gặp một nhóm kháng chiến quân người Pháp, trang bị nhiều thứ vũ khí khác nhau. Đây là những người trẻ theo cộng sản rất cực đoan. Hemingway trình bày mục đích của chuyến đi bằng tiếng Pháp nên họ rất khâm phục và yêu cầu được theo nhà văn đến Paris. Dọc đường đoàn người chiếm một đồn lính Đức vừa bỏ hoang. Lúc này Hemingway tìm cách liên lạc với một đơn vị lính Mỹ gần nhất để báo cáo tình trạng của ông và những điều ông đã thấy ở dọc đường. Hemingway phối hợp với Đại Tá David K. E. Bruce, thuộc tình báo OSS của Mỹ, cung cấp cho Tướng Leclerc, chỉ huy trưởng lực lượng kháng chiến Pháp, những tin tức về quân đội Đức từ Rembouillet đến Paris và dành cho đoàn quân của Tướng Leclerc vinh dự tiến vào Paris đầu tiên.
Đến tháng giêng 1945, chiến tranh ở Châu Âu dần dần tàn lụi. Hemingway trở về nhà ở Cuba vào tháng 3 năm 1945 trên chuyến máy bay vượt Đại Tây Dương. Khi về đến ngôi nhà Finca, ông bắt đầu sắp xếp thời gian để viết truyện, mỗi ngày viết vài giờ và bắt đầu viết từ lúc bình minh. Có thể nói trong thời gian chiến tranh lạnh 1946 đến 1957, Cuba là nơi ẩn dật an toàn của Hemingway. Cuốn tiểu thuyết The Old Man and The Sea được giải thưởng Pulitzer vào năm 1953 và ông lãnh giải thưởng Nobel văn chương vào năm 1954. Những người danh tiếng như nữ tài tử Ingrid Bergman, đạo diễn John Houston, và bạn bè khắp năm châu khen ngợi và tôn vinh Hemingway là người vĩ đại. Nhưng ông không cảm thấy vĩ đại. Ông không đến Stockhom, thủ đô của Thụy Điển để nhận giải thưởng; ông chỉ gởi một điện văn chấp nhận và phản ánh tâm tư của một nhà văn và số phận của tác phẩm khi ra đời. Ông bắt đầu điện văn bằng câu: “Cố gắng hết sức để viết văn hay đòi hỏi nhà văn phải sống một cuôc đời lẻ loi.” “ Thành danh trong tâm can công chúng khi hắn lột tả được sự cô đơn của bản thân mình và tác phẩm của hắn thường bị hư hỏng. Nhưng hắn luôn luôn cố gắng để tạo được “một điều gì chưa ai làm được hay những kẻ khác đã thử làm và thất bại.”
Hemingway sống an nhàn ở Cuba với những thú vui như câu cá, săn bắn, xem chọi gà, và nhâm nhi vài ly với bạn bè, nhưng ông vẫn quan tâm đến chính trị. Cuba bắt đầu trở nên bất ổn sau biến cố Cựu Trung Sĩ Quân Đội Fulgencio Batista đoạt chính quyền vào tháng Ba năm 1952. Ông tuyên bố thành lập một nền dân chủ khuôn phép (disciplined democracy). Thực chất của chế độ là tạo cơ hội để tập đoàn cầm quyền tham lam vơ vét của cải để làm giàu cho Bastista và bộ hạ trung thành với ông ta, đồng thời kinh doanh gian dối với những nhà đầu tư ngoại quốc để trục lợi. (Nên gọi chế độ là Kleptocracy thì đúng hơn). Ngoài những công ty của Mỹ còn có Mafia đầu tư vào khách sạn và sòng bài, biến Havana trở thành nơi du hí của khách du lịch Mỹ. Người dân Cuba bất mãn với chế độ tham ô Bastista. Các thành phần khuynh tả hay chống đế quốc hay dân chủ kết hợp thành từng nhóm chống đối Batista.
Trong số những người lãnh đạo các nhóm chống chính phủ, nổi bật nhất là Fidel Castro, một thanh niên 25 tuổi. Vào năm 20 tuổi (1947), Fidel Castro đã tham gia hoạt động chính trị lật đổ nhà độc tài Rafael Trujillo ở nước Dominican Republic. Sau khi thất bại trong một cuộc tranh cử, Fidel Castro nhận định biện pháp duy nhất để lật đổ Batista là sử dụng vũ lực. Vào năm 1953, lực lượng vũ trang của Fidel tấn công đồn binh Moncada trong thành phố Santiago, nhưng thất bại. Fidel bị Batista bắt giam, đến năm 1955 Batista tin rằng Fidel không còn là mối đe dọa nên thả ra. Fidel lại chiêu mộ người tình nguyện, lập chiến khu ở vùng núi cách xa Havana để vừa chiến đấu bằng vũ lực vừa kêu gọi dân chúng Cuba đình công bãi thị. Cuộc đấu tranh thành công đưa Fidel Castro lên nắm chính quyền. Hemingway gặp Fidel Castro lần đầu tiên vào năm 1960 khi ông tổ chức một cuộc thi câu cá. Kết qủa Fidel về hạng nhất vì câu được con cá nặng nhất. Khi nhà văn trao giải thưởng cho nhà vô địch, Fidel nói với Hemingway, ông ta ngưỡng mộ văn tài và học được nhiều điều hay trong cuốn tiểu thuyết For Whom The Bell Told và cho nhà văn biết ông ta đã đút cuốn truyện vào ba-lô để đem vào rừng. Đây là lần gặp gỡ độc nhất giữa nhà văn và nhà cách mạng. Lúc bấy giờ sự bang giao giữa Mỹ và Cuba đang gặp khó khăn. Fidel Castro tổ chức một cuộc biểu tình chống Mỹ vào ngày Fourth of July tại trung tâm thủ đô Havana. Hai ngày sau,Tổng Thống Eisenhower ra lệnh cắt khẩu phần nhập cảng đường của Cuba. Toà Đại Sứ Mỹ khuyên công dân Mỹ rời khỏi Cuba. Fidel trả đủa bằng cách đe dọa người Mỹ và tài sản của họ trên đất nước Cuba. Hành độngnày gây khó xử cho Hemingway vì Fidel vẫn mong muốn nhà văn tiếp tục cư ngụ tại ngôi nhà của ông ở Havana. Hemingway thổ lộ với bạn bè: ông không thể nào an tâm ở lại Cuba trong khi những người Mỹ khác đang bị xua đuổi và nước Mỹ đang bị nhục mạ… Cuối cùng Hemingway cùng với gia đình lên một chiếc phà giã từ Havana để trở về Keys West vào ngày 25 tháng Bảy. Sau đó ông bay đi New York và Châu Âu.

6. Nổi bận tâm của Ernest Hemingway 1935-1961:

Những chuổi sự kiện thực tế và tưởng tượng lẫn lộn trong tâm trí của Hemingway trong suốt một thời gian dài, bao gồm: (i) Hồ sơ FBI, (ii) Gián điệp Liên-Xô và Hemingway, (iii) Hemingway và phong trào cách mạng Fidel Castro.
(i) Hồ sơ FBI: Trước khi Mỹ tham gia Thế Chiến 2, FBI lập một bảng ghi nhớ về khuynh hướng thiên tả của Hemingway và Hemingway ủng hộ các thành phần của lực lượng Republica Tây Ban Nha như: sư đoàn Abraham Lincoln, “hội đồng Cộng sản…hổ trợ nền Dân Chủ TâyBan Nha.” Về sau những chi tiết này trở thành vấn đề quan tâm trong hồ sơ an ninh của FBI. Sau trận đánh Pearl Harbor, Toà Đại Sứ Mỹ tiếp xúc với FBI về kế hoạch sử dụng Hemingway điều hành bộ phận trinh sát trá hình. Chính sự kiện này đã quấy rầy Hemingway. Về chuyện này, ông Hoover, Giám Đốc FBI ra lệnh cho nhân viên của ông viết một bảng tường trình những điều gì FBI biết về Hemingway. Kết qủa FBI đã công nhận “không có tin tức chính xác để buộc Hemingway dính líu với Đảng Cộng Sản…hay ông ta đã và đang là đảng viên Cộng Sản.”
Cũng trong khoảng thời gian này, FBI thiết lập hồ sơ số 64-23312 về hoạt động của Hemingway. Số 64 là “Hồ sơ linh tinh về ngoại quốc” trong đó có những vấn đề ở Cuba. Rất nhiều thông tin trong hồ sơ nói về những sự đụng chạm giữa “Crook Factory” của Hemingway và FBI ở Cuba cũng như những đặc điểm tình báo của Hemingway. Có thông tin lại mô tả mối quan tâm của FBI về việc Hemingway có thể viết một cuốn sách chỉ trích FBI trong tương lai. Đây là điều Giám Đốc Hoover muốn tránh né. Hồ sơ số 64 không nhằm mục đích điều tra để truy tố Hemingway về hình sự: tội gián điệp. Năm 1955, một nhân viên FBI rà xét lại một loạt hồ sơ được thiết lập từ năm 1938, đã kết luận “không có một cuộc điều tra nào … do FBI tiến hành liên quan đến cá nhân Hemingway.” Từ năm 1942 ông đã sai lạc khi nghĩ rằng chính phủ Mỹ lưu ý và đòi hỏi ông chứng tỏ lòng tin cậy đối với công quyền. Thư từ của ông cũng như mọi công dân khác đều bị kiểm duyệt trong thời kỳ chiến tranh. Không ai theo dõi ông trong suốt thời gian ông sống ở Cuba hay New York. Không những thế, năm 1947 ông được mời đến dự một buổi lễ long trọng do Tòa Đại Sứ ở Cuba tổ chức để nhận Huy Chương Đồng của Lục Quân Mỹ, tưởng thưởng những công trạng ông đã thực hiện trong thời chiến tranh. Một vị Đại Tá trong lễ phục nhà binh đã gắn huy chương lên ngực áo của ông sau khi một vị phụ tá đọc bảng tuyên dương thành tích trong thời gian ông làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường sau ngày D và thời gian Ông cùng với Đại tá David Brown tại mặt trận với tiểu đoàn Bộ Binh thứ 22. Bảng tuyên dương ghi nhận Hemingway “thành thạo kỹ thuật quân sự tân tiến” và “hoạt động dưới lửa đạn trong vùng giao tranh để đem đến cho độc giả những bức ảnh sống động về những khó khăn và chiến thắng của binh sĩ nơi tiền tuyến.” Tuy vậy ông tỏ vẻ không hài lòng và thắc mắc tại sao ông không được tặng thưởng một huy chương cao quý hơn, Distinguished Service Cross – DSC.
(ii) Điệp viên Liên-Xô và Hemingway trong thời chiến tranh lạnh: Vào tháng 7 năm 1948, tờ báo lá cải New York quãng bá bà hoàng “Red Ring Bared by blond Queen) có khả năng vạch trần những điều gì nàng biết về gián điệp Liên-xô ở Mỹ. Vài ngày sau cơ quan the HouseUn-American Activitiec Committee mời nàng đến điều trần. Tại đây người ta biết tên nàng là Elizabeth Bentley, tốt nghiệp trường Vassar, gia nhập đảng Cộng Sản năm 1935 tại New York. Nàng làm việc và sống chung với Jacob Golos. Jacob Golos là người ủng hộ đảng cộng sản trong thời cách mạng Nga. Ông di cư sang Mỹ và trở thành nhân viên của NKVD ở New York. Ông tuyển dụng Hemingway cho “công việc của chúng ta (our work)” vào cuối năm 1940 hay đầu năm 1941. Ông chết vào ngày lễ Tạ Ơn năm 1943. Golos cho Bentley biết một số tin tình báo. Nàng đã khai rất nhiều người Mỹ làm gián điệp cho Liên-Xô từ Bạch Cung cho đến Ngân Khố, Bộ Ngoại Giao và Bộ Tư Pháp kể cả thám tử của OSS, cơ quan tình báo thời chiến tranh. Nàng khai Ducan Lee, viên chức OSS, trao cho nàng một số tin tức giống như tin Lee đã bỏ vào hộp thư của tướng Donovan. Bentley không biết Hemingway, nàng chỉ nghe Golos nói tên Hemingway mà thôi. Đến tháng 1 năm 1952, hai người Mỹ cộng sản, Julius và Ethel Rosenberg bị Tòa New York xử về vai trò của họ trong việc ăn cắp bí mật về bom nguyên tử Mỹ. Tại phiên xử, Bentley khai Golos và Hemmingway đã bí mật gặp Julius. Sau khi Golos chết, Bentley đầu thú với FBI và đưa ra bằng chứng phản lại Golos. Nhờ vậy Mỹ giải được mật mã của Liên Xô. Chuyện khai báo của Bentley làm Hemingway bận tậm trong một thời gian dài vì Hemingway đã tiếp xúc với Golos trong thời nội chiến Tây Ban Nha.
(iii) Fidel Castro và phong trào cách mạng: Vào khoảng tháng 2, 1957 Herber L’ Matthews, phóng viên báo New York Times, bạn thân của Hemingway, đến Cuba để viết một loạt bài phóng sự về Fidel Castro và phong trào tranh đấu dành chính quyền ở Cuba. Vào một buổi tối, Mathews đến nhà Hemingway dùng cơm. Trong lúc ngà ngà men rượu Mathews tán dương Castro là nhân vật chính trị cương quyết đấu tranh chống đế quốc và phát-xít, giống như tâm trạng của Hemingway khi chiến đấu và cổ động cho phe Cộng Hòa được Staline ủng hộ năm 1936. Fidel Castro là người theo cánh tả chứ không phải là Cộng Sản. Fidel Castro đang lãnh đạo một lực lượng du kích, lập chiến khu ở vùng rừng núi để chống lại chế độ độc tài và tham nhũng Batista. Matthews còn cho Hemingway biết Fidel Castro không những đọc mà còn học những điều hay trong cuốn tiểu thuyết For Whom The Bell Told. Mathew còn tiết lộ Fidel Castro đã nói với ông ta: “chúng tôi đem … (cuốn sách) vào núi , và nó dạy cho chúng tôi biết chiến tranh du kích như thế nào.” Những điều Mathews nói ra tác động mạnh đến tâm hồn Hemingway. Vì vậy Hemingway viết nhiều bài báo bênh vực Fidel Castro trong thời gian chống đối Batista và sau khi nắm chính quyền trong tay.
Qua mùa Xuân 1958 Hemingway cùng Mary, người vợ thứ tư và Gregorio Fuentes, công nhân canh tàu lái chiếc Pilar đi câu cá ở vùng biển phía Bắc Cuba. Biển động sóng lớn nên Hemingway neo tàu lại. Mary thả mồi câu vừa lúc Hemingway lái tàu ra xa bờ khoảng 10 miles. Nhà văn giao tay lái cho vợ còn ông ta và Gregorio có công việc riêng cần làm. Từ trên bong tàu Mary nhìn xuống qua khe hở thấy hai người đàn ông mở nhiều hộc và đem ra ngoài nhiều loại súng lớn, súng trường, súng shotgun cưa nòng, lựu đạn, ống đựng đạn và thắt lưng mang đạn dược. Mary đã nằm ngủ bên trên kho vũ khí mà nàng không hay biết. Bây giờ hai người đàn ông đem tất cả súng ống đạn dược quăng xuống biển. Hemingway không cho Mary biết xuất xứ của mớ vũ khí này và tại sao dấu dưới hầm tàu Pilar. Mãi về sau Gregorio mới nói cho Mary biết Hemingway sai Gregoria cất dấu để: ”trang bị cho phong trào cách mạng.” Sự việc này cũng là mối bận tâm của Hemingway về sau này. Có lẽ ông sợ FBI nghi ngờ ông đã trợ giúp Fidel Castro chống chính quyền Cuba thân Mỹ vào những năm 1960-1961 để đưa đất nước Cuba vào con đường cộng sản.

7. Thời gian còn lại từ tháng 8/1960 đến tháng 7/1961:

Vào ngày 15 tháng 8, 1960 Mary nhận được thư của chồng từ Châu Âu gởi về. Thư cho biết “cơ thể và trí nảo của Hemingway bị suy sụp vì làm việc quá sức.” A. E. Hotchner, nhà văn và ký giả Mỹ, sinh năm 1920, đã từng đến Havana năm 1948 để phỏng vấn Hemingway và trở nên bạn thân của Hemingway, bay qua Châu Âu đưa Hemingway về lại New York để Mary lo chăm sóc. Mary và Hotchner lo tìm chuyên viên giúp đỡ. Trước tiên họ tham khảo với bác sĩ tâm sinh lý về căn bệnh của Heminhway ở New York. Kế tiếp theo khuyến cáo của bác sĩ, họ đưa Hemingway đến điều trị ở bệnh viện Mayo Clinic, thành phố Rochester, tiẻu bang Minnesota. Hemingway được Bác Sĩ Howard Rome chẩn đoán ông mắc bệnh trầm cảm nghiêm trọng vì bị thêm chứng rối loạn tinh thần (depression complicated by paranoia). Cách chửa trị là chạy điện (electroconvulsive therapy). Cách này không thông dụng vào thời bấy giờ. Khi chửa trị, bác sĩ gây mê Hemingway, ràng ông vào bàn và gắn điện cực (electrodes) vào màng tang để dòng điện chạy lên não. Sau khi chạy điện từ 11 đến 15 lần, bệnh hầu như thuyên giảm, nhưng nhà văn lại có mối lo khác. Ông sợ dòng điện sẽ xoá trí nhớ của ông (quả thật, mất trí nhớ là một phản ứng nghịch thường xảy ra). Ông thường nói với Hotchener, trí não là nơi ông chứa đựng nguồn vốn của ông ; một khi ông bị mất hết vốn, ông không làm việc được. Ông bị chứng hoang tưởng (delusion). Ông nghĩ rằng ông bị FBI theo dõi từ khi ông trở về từ Châu Âu năm 1960. Đối với ông, những người nào không mặc quần jeans và mang giày ống cao-bồi đều đáng bị nghi ngờ là nhân viên FBI. Theo ông, nhân viên FBI luôn luôn mặc suits màu sậm và áo sơ-mi trắng để đi làm việc. Khi Hotchener hỏi vì sao ông nghĩ FBI chú ý đến ông, ông trả lời vì những “cuốn sách nghi ngờ” mà ông đã viết, bạn ông là ai và ông đang sống ở đâu … “với những người cộng sản Cuba.” Hemingway còn chờ đợi FBI đến bắt ông và thẩm vấn ông.
Vào khoảng đầu năm 1961, bang giao giữa Mỹ và Cuba trở nên tồi tệ. Hemingway suy nghĩ nhiều về những biến chuyển chính trị ở Cuba. Một người bạn tên Mathew viết thư cho Hemingway “chỉ trích những sự quá đáng, liên hệ với cộng sản Liên-Xô, Cách Mạng công khai bày tỏ thái độ cực đoan chống Mỹ”. Chính quyền Tổng Thống Eisenhower không bằng lòng, bang giao giữa hai nước trở nên nghiêm trọng. Ngày 17 tháng 4 năm 1961, một lực lượng 1,400 người Cuba lưu vong, được CIA huấn luyện và trang bị vũ khí đổ bộ lên bờ biển phía Nam Cuba. Đại biểu Cuba tuyên bố ở Liên Hiệp Quốc lúc 11:00 AM “sáng nay Cuba bị một lực lượng cướp biển xâm lăng dưới sự chỉ huy… của Mỹ.” Lực lượng này bị quân đội Cuba đánh tan. Đến ngày 20 tháng 4, Fidel Castro tuyên bố chiến thắng.” Báo Times đăng lời tuyên bố này vào ngày hôm sau. Castro kịch liệt chống Mỹ. Hemingway có thiện cảm với Cuba nhưng ông không thế nào chống lại đất nước của ông. Sự dày vò tâm lý này gợi lại vết thương lòng mà ông trải nghiệm trong thời nội chiến Tây Ban Nha, một sự chọn lựa bắt buộc ông phải nghiêng về nước Mỹ thân yêu. Về cuộc sống nội tâm, ông biết là ông không thể nào trở về nhà, đi dạo dưới tàng lá rặng cây ceiba ở trước cửa lớn của ngôi nhà Finca, hay lái tàu Pilar ra khỏi hải cảng rồi chạy ngang qua lâu đài Tây Ban Nha cổ kính hay buổi chiều ra quán Floridita uống rượu Papa Dobles với bạn bè. Nội tâm và ngoại cảnh đều mang lại sự buồn chán. Vì vậy căn bệnh của ông trở nên trầm trọng. Những người thân nhận thấy ông có triệu chứng muốn tự tử. Buổi sáng ngày 21 tháng 4, Mary thấy ông ngồi trong phòng khách với khẩu súng trường shotgun trong tay và hai viên đạn trên ngưởng cửa ở trong tầm tay với. Mary nhỏ nhẻ nói với ông về những dự định mà hai người còn có thể thực hiện như đi Mexico, trở lại thăm viếng Paris, có thể tham dự một cuộc săn bắn ở Phi Châu. Khi người bạn thân, bác sĩ Saviers đến đo huyết áp và khuyên ông bỏ súng xuống, ông nghe lời. Sau đó Mary và bác sĩ Savier lại sắp xếp chuyến bay để đưa ông vào lại nhà thương Mayo Clinic. Tại phi trường Casper, Wyoming, ông muốn lao mình vào cánh quạt máy bay. Đến tháng 6, bác sĩ bệnh viện Mayo Clinic quyết định cho ông về nhà. Mary cảm thấy nghi ngờ. Hemingway làm một việc ông thích nhất ở trên cõi đời. “VIẾT.” Ông viết một lá thư cho con trai René, dặn dò René chăm sóc “mấy con mèo, mấy con chó thân yêu và ngôi nhà Finca. ” Ông đoan quyết với con trai dầu cho điều gì xảy ra, Papa vẫn luôn luôn nhớ đến con.
Vào buổi sáng thứ Bảy ngày 1 tháng Bảy 1961, nắng ráo và ấm cúng, Hemingway rủ Brown cùng đi bộ lên ngọn đồi ở phía Bắc ngôi nhà. Sau đó hai người lái xe dạo phố thăm bạn bè. Buổi chiều Hemingway đải Mary và Brown, đấu thủ quyền Anh (the boxer,) ăn tối tại tiệm ăn quen thuộc Christina ở dưới phố. Ba người ngồi vào bàn ở trong góc tiệm và có thể nhìn thấy bất cứ khách hàng nào ở trong tiệm. Trong khi đang ăn, Hemingway nhìn sang bàn bên cạnh và hỏi cô hầu bàn về hai người đàn ông ngồi ở đó. Cô hầu bàn nghĩ họ là những người bán hàng ở phố lân cận. Bổng nhiên Hemingway nói ”Không vào ngày thứ Bảy”. Khi thấy cô hầu bàn nhún vai, Hemingway dịu giọng giải thích, “Họ là FBI”. Sáng hôm sau, Mary thức dậy khi nghe một tiếng động tựa như hai hộc bàn chạm vào nhau. Nàng đi xuống tầng trệt để xem xét. Nàng thấy Hemingway chết ở tiền đình phòng khách, nơi nàng đã lấy khẩu súng và đem cất vào tháng Tư. Hemingway đã thức dậy sớm trước tất cả mọi người, lặng lẽ bước xuống cầu thang với khẩu súng shotgun hai nòng, kết liểu cuộc đời của một đại văn hào Mỹ, người đã tích cực chiến đấu cho những điều mà ông tin tưởng.

Lê Trung Hiếu

Visits: 263

Trên Cát

Thơ Lê Văn Bỉnh

 

Người thương binh loay hoay trên bãi biển

Đắp mô hình thủ đô cũ Sài Gòn

Tấp nập bộ hành đại lộ hẽm con

Xuất hiện thêm chợ mấy ngôi lớn nhỏ

 

Ngọn cờ tí teo mặt anh rạng rỡ

Nhiều mái trường đông đúc đám học sinh

Anh nói đây một thủ đô thanh bình

Dù xa xa vang vang bom đạn nổ

 

Khách đi qua bấm máy hình ghi nhớ

Anh mỉm cười cám ơn kỷ niệm này

Sóng biển vào trong vài giờ nữa đây

Sẽ xóa hết cảnh thanh bình trên cát

 

Khách vắng đi và nhanh trong chốc lát

Anh vẽ người chỉ còn lại một chân

Cánh tay cụt đong đưa nỗi nhọc nhằn

Nước lại xóa công trình vừa mới chớm

 

Nhìn sóng vỗ tràn lan anh cười lớn

Tác phẩm vẫn còn – đó chính là ta

Chứng tích một thời — dù khá phôi pha

Là thực tế  –không chỉ qua hình ảnh

 

Cứ vài tuần anh lại ra biển lạnh

Đắp mô hình thủ đô cũ Sài Gòn

Khách vẫn chụp hình – ảnh đó sẽ còn

Còn ảnh anh — người lắc lư trên cát.

 

Mưa mỗi lúc càng thêm nặng hạt

Gió vù vù như tích tụ trăm năm

Sóng điên cuồng gào thét ầm ầm

Anh về đâu — hay vẫn còn trên cát

 Lê Văn Bỉnh

Virginia Tháng Giêng 2018

Visits: 189