Hương Nhớ

Luân Tâm

rose-557797

 

Giặc giã qua rồi hương cố nhân
Trắng tay vẫn lạnh bước phong trần
Thanh gươm cổ tích sầu chinh chiến
Vó ngựa già nua bước ngập ngừng

Mắt mỏi trăng sao mộng ước nào
Cũng đành trả sách lại nghìn sau
Con đường mơ ước xa gần mất
Màu áo thương yêu cũng bạc màu

Tóc rụng những đêm thổn thức sầu
Gió khuya sương sớm lắm bể dâu
Dấu chân thơ dại quên hò hẹn
Nửa giận nửa mừng buổi gặp nhau

Dòng sông thề hứa mộng xuân xanh
Áo gấm vinh qui tình trọn tình
Đồng quê mắc cỡ hoa em thẹn
Chiếc nón nghiêng nghiêng ngây ngất nhìn

Mấy kiếp phong sương  mấy dặn dò
Biển xa sông rộng vẫn buồn lo
Người yêu bé bỏng sầu muôn thuở
Khói lửa làm cho lỗi hẹn hò

Nhớ tiếng cười vui như gió xuân
Nhớ bàn tay nhỏ dáng thiên thần
Khói sương thơm tóc mơ tình sử
Giọng nói chim ca bước ngập ngừng

Xa cách muôn trùng tiếng võng trưa
Bờ tre già đổ lá hững hờ
Hè sang cánh phượng ve sầu nhớ
Lớp học thân quen vẫn đợi chờ

Tâm sự trắng đêm đầu bạc đầu
Rượu nào chung thuỷ ấm môi nhau
Tha hương tuyết lạnh vai gầy nhớ
Áo ngủ mong manh giọng ngọt ngào

Có phải hư không những cõi lòng
Vai kề má tựa vẫn xa xăm
Người xưa hận hải mang mang hận
Một kiếp phù sinh mấy nhánh rong

Phân vân lạc lối bướm về đâu
Đêm tối bơ vơ bỗng lệ trào
Thân sao lận đận đường tăm tối
Lỡ bước phong sương lạc áo màu

Nhớ những đêm trăng gác trọ buồn
Lang thang phố nhỏ bước mù sương
Thềm ga vắng đợi con tàu vắng
Gió lạnh đường khuya tủi mặt đường

Gặp gỡ mùa thu áo mộng nào
Hàm răng tình tứ nhớ thương sao
Về mơ sao rụng hôn dòng tóc
Đầm ấm vòng tay thơm má đào

Cười vui chưa trọn giấc mơ hoa
Tiếng quốc thâu canh lẫn tiếng gà
Đường cũ trăng xưa đêm ngại bóng
Thương nhớ điên cuồng nát thịt da

Chén cạn hương thề thơm tóc mai
Nhìn nhau nghi hoặc tiếng thở dài
Buâng khuâng trời nước xanh màu áo
Em vẫn là hoa mộng kiếp nầy

Năm tháng hững hờ đêm nhớ đêm
Hồn thơ tình sử cũng là em
Trời thương màu mắt hiền nguyên thủy
Ai nhớ trần ai ai nhớ tiên

Bồ đào mỹ tưủ nhớ người xưa
Ta cạn thời gian quên gió mưa
Tri âm vẫn đẹp trăng mười sáu
Mây khói bờ vai áo lụa đùa

Mộng thực thiên thu sầu nối sầu
Hẹn hò mấy kiếp nỡ xa nhau
Cải trời dang dở tình rau đắng
Phận bạc lênh đênh gửi chốn nào

Suối cạn khô rồi nước về đâu
Cành rong tiền sử chết phương nào
Xin cho một bóng chim tăm cá
Mang lệ nghìn xưa khóc nghìn sau

Vĩnh biệt lòng đau thực không đành
Hồn đau vương vấn áo em xanh
Xin cho một chút hương chăn gối
Kiếp khác tìm nhau sẵn để dành…

MD 01/01/03
LuânTâm

Visits: 331

Năm Thân Nói Chuyện Khỉ

Phạm Thành Châu

nam con khi newTôi viết tào lao về Con Khỉ để quí vị đọc cho vui trong mấy ngày Tết. Phê bình tôi viết thế nầy, thế kia chỉ uổng công quí vị.

Xưa nay, báo chí Việt Nam có một lệ đáng yêu là: Năm Mới, cầm tinh con vật nào thì có một bài giới thiệu thân thế, sự nghiệp của con vật đó. Đồng bào ta, ở Âu, Mỹ vẫn giữ truyền thống sinh hoạt dân gian theo âm lịch. Không ai giỗ chạp theo dương lịch bao giờ. Vong linh những người quá cố chỉ căn cứ vào âm lịch để về với con cháu. Quan trọng nhất là ngày Tết âm lịch, là dịp để mọi người thân đoàn tụ, cúng lễ tổ tiên, lì xì mừng tuổi cho bọn trẻ, ăn uống, vui đùa.

Ở Mỹ, chỉ những tiểu bang đông người Việt, trên tờ “dương lịch” (lịch tây) mới có thêm phần “âm lịch” (lịch ta). Nhưng người bán lịch lại đặt in bên Đài Loan, bên Tàu nên phần âm lịch ghi chữ Tàu. Người Việt sống rải rác các tiểu bang khác chỉ biết có dương lịch, thế nên mới có chuyện vui như sau: “A lô! Chị Loan đó hả? Chúc mừng năm mới!”  “Năm mới gì? Bữa nay đã tháng hai rồi, còn mới mẻ gì nữa?” “Tôi chúc tết Âm lịch đó bà ơi!” “Ủa tết hồi nào vậy? Tôi đi làm, tối tăm mặt mũi. Thôi chết! Lát nữa, đi làm về, tôi phải vất mấy trái quít vô thùng rác. Năm mới xui lắm! ” “Sao vất đi, phí của. Quít có tội tình gì mà kiêng cử?” “Số là thế nầy. Để tôi kể cho bà nghe. Ông xã tôi đi làm mà than cực, than buồn, sợ ổng bỏ việc thì nguy. Không phải chuyện tiền bạc, mà mấy ông về hưu, không biết làm gì, ở không sinh bịnh. Bên Cali. của bà, cứ ra tiệm cà phê thì thiếu khối gì bạn bè để trò chuyện, lại có mấy em bưng cà phê, đưa đùi đưa ngực.”  “Các ông ngắm giải trí thì có liên hệ gì đến mấy trái quít mà đi vất thùng rác.”  “Thôi đi bà ơi! Bộ bà không biết quit là quit job à? Để quít trong nhà là báo điềm ông xã tôi quit job. Thôi! Tôi gọi lại sau nghe.Thằng xếp tới!”

Đồng bào miền Nam chúng ta, tính tình xuề xòa, sinh hoạt cũng xuề xòa. Để mấy trái mãn cầu, dừa, đu đủ, xoài trên bàn thờ thành điều ước cho năm mới. Cầu vừa đủ xài. Họ không cầu mong sức khỏe dồi dào, tiền vô như nước, vạn sự như ý. Tiền nhiều để làm gì mà phải bon chen, giành giật, gian dối? Chỉ cần có chút đỉnh đủ xài mỗi ngày là “an nhiên tự tại”. Về sức khỏe thì khỏi nói. Sống được ngày nào thì nhậu ngày đó. Trời kêu ai nấy dạ. Cũng chẳng thấy ai đứt gân máu, nằm một đống báo hại vợ con. Chỉ thỉnh thoảng có ông, nhậu xỉn, về nhà, giữa đường lủi vô bụi cây rồi khiêng về chôn. Đám ma bao giờ cũng có ca vọng cổ và nhậu. Đó là nói về thời trước 1975. Từ khi đảng và nhà nước Việt Cộng từ miền Bắc tràn vào chiếm miền Nam thì dân miền Nam te tua. Đất ruộng bị cướp, nhà bị chiếm, cơ sở sản xuất, tiệm buôn bị tịch thu. Rồi thêm mấy đợt đổi tiền, dân miền Nam trắng tay. Hàng trăm nghìn gia đình bị tống lên vùng núi rừng cao nguyên, gọi là Kinh Tế Mới, chết dần vì bịnh tật, đói khát. Thêm hàng mấy trăm nghìn quân, cán, chính, thầy tu, nhà buôn miền Nam bị đày ra Bắc, chết liệt địa.

Kể chuyện tết nhất ở miền Nam sau 1975 thì bi thảm lắm. Bi thảm nhất là người dân ở thôn quê, đặc biệt là vùng kinh tế mới. Xin được mấy giòng về xã hội kinh tế mới nghĩ gì, làm gì trong mấy ngày tết? (Tôi đi tù Cộng Sản, không đi kinh tế mới chỉ nhờ đọc báo mà kể lại cho quí vị nghe) Ngày tết, nhà tranh vách lá, trống trước trống sau, gạo không có, nhang tàn, khói lạnh, lấy gì làm lễ vật dâng cúng ông bà, tổ tiên? Họ ước gì? Thời “cầu vừa đủ xài”qua rồi. Ở kinh tế mới, họ tự chúc mình “ác liệt” hơn nhiều. Họ “phát huy sáng kiến”! Một ông tha về một trái xoài, ra chỗ sửa xe đạp lượm cái líp xe (ổ trục sên xe đạp), thêm cái bọt ba ga” (giá chở đồ sau xe đạp) người ta vất đi, đem về để trên bàn thờ, thành câu (tự chúc): “Xài líp ba ga”(xài thoải mái). Một ông thể hiện ý nghĩ tuyệt vọng của mình bằng cách chưng trên bàn thờ một gói tiêu, một tán đường,  thành “Tiêu tán đường.” Một ông khác trình bày tiếng thở dài của mình rất “ấn tượng.” Ông ta để trên bàn thờ một trái đu đủ, một trái điều, một trái bí đao, một trái khổ qua, thành: “Đủ điều đau khổ”. Cha mẹ sinh con thường đặt tên theo ước vọng ở tương lai. Con trai thì Hùng, Dũng, Anh Tài, con gái thì Hoa, Hồng, Ngọc, Ngà, Tuyết. Nhưng những gia đình trên kinh tế mới thì nhìn thấy tương lai đen tối của các con. Một ông sinh được ba đứa con, mỗi đứa có một tên, Tên Xui, tên Tận, tên Mạng. Một ông y tá ”ngụy”đặt tên con. Một đứa tên Hết, một đứa tên Thuốc, một đứa tên Chữa. Thật “Hết thuốc chữa!” Những ngày lễ lớn của đảng ta, dân kinh tế mới được tập họp lại để học tập Mừng đảng, ơn bác. Lại được ca hát cho thêm hồ hởi, phấn khởi (chới dới, bứt gân!). Có câu hát “Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác.” Dân ngồi dưới (đất) thì thầm với nhau: Con đường bác đi là con đường bi đát”

Bây giờ nói về năm Thân, tức là năm Con Khỉ. Tôi có kể cho bạn nghe một chuyện vui, bây giờ nhắc lại. Có một ông có bồ, kiểu sáng chở cơm đi ăn phở, trưa chở phở đi ăn cơm” (cơm là vợ, phở là bồ). Phải dấu kỹ! Vậy mà một sáng chủ nhật, cô bồ mò đến nhà ông ta. Thấy từ xa, ông ta hoảng kinh, chạy ra chận lại. Đi ngay.Trong nhà có con khỉ già ngồi trong đó! Con khỉ già là mụ dzợ ! Một chuyện khác, thuộc loại phản động, chỉ có người Bắc, thâm thúy và cay đắng mới nghĩ ra: Một cậu bé hỏi cô giáo: Thưa cô, Bác Hồ nóiTổ tiên ta là loài khỉ. Có đúng không ạ? “Đúng rồi! Tổ tiên bác Hồ là loài khỉ.” Và cô hỏi cả lớp: Có em nào trông giống bác Hồ không? Dạ không!

Trở lại với con khỉ. Các nhà sinh vật học chia các loài động vật thành nhiều chủng loại để dễ nghiên cứu. Loài gặm nhấm có chuột, thỏ.Loài có móng như trâu, bò. Có loài được gọi là thượng đẳng” (primates) gồm ba giống là khỉ (monkeys), giả nhân (apes) và loài người. Charles Darwins, người Anh, cho rằng: Khỉ tiến hóa thành người. Chỉ mấy ông bà vô thần cộng sản mới tin chứ chẳng ai tin. Vì trong các hóa thạch, chẳng thấy sinh vật trung gian nào giữa khỉ và người, chứng minh rằng khỉ tiến hóa thành người. Vả lại, bộ óc khỉ rất nhỏ so với óc người, không có hóa thạch khỉ trung gian”nào có bộ óc lớn gần với bộ óc người. Mà cũng chẳng thấy con khỉ nào trong rừng hay trong sở thú tiến hóa dần để thành con người. Chỉ có trong truyện Chiêu Quân Cống Hồ”của mấy chú chệt, vua phịa, rằng: Có ông Tô Vũ, làm quan nhà Hán (đầu Công Nguyên), đi sứ vào nước Hung Nô (rợ phương bắc nước Tàu) bị vua Hung Nô cho bốn “lịnh” (mỗi lịnh ba năm) tập trung cải tạo lên vùng sa mạc hoang vu, chăn mấy trăm con dê. Đến mùa đông tuyết phủ, vì đói và lạnh, Tô Vũ ngất xỉu. Tỉnh dậy, thấy có con khỉ cái đang đốt lửa cho ông ta sưởi, còn cho ăn, săn sóc tận tình. Thế là họ có với nhau bốn người con. Mười năm sau, xét thấy đương sự học tập tốt, lao động tốt, yên tâm cải tạo,vua Hung Nô tha về sum họp với gia đình, trở thành công dân chân chính, góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa bách chiến bách thắng. Thời đó không có cell phone, không có camera nên không thể chụp hình bốn đứa nhỏ, con của Tô Vũ hình dáng, mặt mũi ra sao? Ở miền Nam ta, trước 1975, báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà có đăng chuyện Người Lấy Khỉ”, rất hấp dẫn, báo in ra bao nhiêu, người ta xúm nhau mua đọc. Các báo khác ế nhè, bán không được tờ nào. Giận quá, các báo làm phóng sự, phịa lai lịch bà Bút Trà, bảo rằng Bà Bút Trà là con của ông người”với bà khỉ”đó.

Có Mấy Loài Khỉ? Nhiều vô số. Từ con khỉ nhỏ cỡ ngón chân cái đến con giả nhân, khỉ đột, cao to, nặng hàng trăm ký lô. Tôi thấy có hai loại khỉ. Loại có đuôi và loại không đuôi. Loại không đuôi thì quí vị có thấy rồi. Lúc nhỏ tôi nghe mấy ông kể chuyện Trong rừng có con đười ươi, người đi rừng bị đười ươi bắt được thì nó cầm hai tay người đó cứng ngắt rồi ngửa mặt lên trời, nhắm mắt, nhe răng cười suốt ngày cho đến khi mặt trời lặn thì moi ruột người đó ăn. Vì thế, người đi rừng phải thủ sẵn hai ống tre. Thấy đười ươi thì xỏ tay vô ống tre, đưa cho nó nắm, chờ khi nó nhe răng, nhắm mắt cười thì rút tay ra khỏi ống tre, bỏ chạy. Đó là chuyện xưa. Bây giờ ở Việt Nam, vô phước cho con đười ươi nào gặp mấy ông đi rừng thì chính mấy ông đi rừng đó nhe răng, nhắm mắt cười với nhau rồi móc ruột đười ươi ra nấu lẩu, đưa cay cũng được mấy xị. (Thế nên, vừa rồi, báo chí ở Việt Nam có đăng tấm hình một con đười ươi đưa hai tay có xỏ ống tre cho mấy ông đi rừng cầm, chờ mấy ông đó nhe răng, nhắm mắt cười là rút tay của nó ra, bỏ chạy). Tôi có thấy mấy tấm hình chụp một con khỉ bị người ta giết, cạo lông, để nằm chờ xẻ thịt, trông giống hệt đứa bé chết nằm đó.

Ở Châu Phi, vẫn còn những phiên chợ bán thịt rừng phơi khô, có bán khỉ khô, là khỉ nguyên con, phơi khô. Con khỉ khô nhe răng, tứ chi co rút lại như xác ướp. Người mua chỉ việc lột da, xé ăn, khỏi nấu nướng. Người Việt mình chưa hề thấy con khỉ khô xấu xí cỡ nào, nhưng có lẽ quí vị từng nghe đối đáp giữa cậu và cô như sau: Em yêu anh không?”Yêu cái con khỉ khô!” (Thà yêu con khỉ khô còn hơn yêu ông”). Vì ăn khỉ khô kiểu đó mà người châu Phi bị bịnh Ếch nhái”AIDS. Virus HIV (bịnh liệt kháng) tìm thấy trong khỉ đuôi xồm và khỉ mũi đốm. Virus Ebola (sốt xuất huyết không chữa được) và bệnh đậu khỉ (monkey pox) cũng do mấy ông bà ăn khỉ khô mà các bịnh đó lan tràn ra khắp thế gian. Ở Việt Nam, thời còn phe xã hội chủ nghĩa, Liên Xô nghiên cứu vũ khí hóa học hay chiến tranh vi trùng”gì đó phải dùng khỉ làm mẫu (vật thí nghiệm). Có lẽ là chất kịch độc, sợ thí nghiệm ở bên Liên Xô, rủi có chuyện gì xảy ra thì dân Nga lãnh đủ, nên các khoa học gia Liên Xô đem qua Việt Nam thực hiện thí nghiệm, có nguy hiểm, chết chóc do vi trùng hay chất độc thoát ra ngoài thì dân Việt chết, ráng chịu. Hiện nay mấy con khỉ làm vật thí nghiệm đó tồn tại” trên một hòn đảo ở Nha Trang, gọi là đảo Khỉ.

Đừng khinh loài vật sống theo bản năng, không suy nghĩ. Năm 1990, Christophe Boersch quan sát một bầy hắc tinh tinh ở rừng Tai, thuộc xứ biển Ngà. Chúng thường đập những trái cây có vỏ cứng bằng một hòn đá trên gốc cây. Một con khỉ con đập mãi không được, mẹ nó đến, xoay cạnh hòn đá thì đập được, lấy ruột của quả cho con ăn. Năm 1953, tại đảo Koshima (Nhật), ông Masao Kawai thấy một con khỉ cầm củ khoai dính đầy đất bẩn đem ra một dòng nước rửa sạch mới ăn. Sau bốn năm, phân nửa bầy khỉ đem khoai đi rửa trước khi ăn. Quí vị xem TV thường thấy cảnh mấy con khỉ dùng một cọng cỏ, đút vào lỗ của ổ kiến hoặc ổ mối rồi kéo ra. Kiến, mối bu vào, khỉ bỏ cọng cỏ vào mồm, ăn chúng. Con rái cá, mò mấy con sò dưới sông, nằm ngửa trên mặt nước, để con sò trên bụng, dùng con sò nầy đập lên con sò kia cho bể vỏ sò, lấy thịt ăn. Thú vật thường đùa giỡn nhau là thường. Có một con quạ có trò chơi rất lý thú. Mùa đông, tuyết phủ mái nhà, nó lấy cái lá hay gì đó, để trên nóc nhà rồi đứng lên trên. Cái lá (có con quạ trên đó) trượt trên tuyết xuống phần thấp của mái nhà. Con quạ chơi trò trượt tuyết như người. Chưa hết. Nó ngậm cái lá đó, đem lên nóc nhà, lại đứng lên lá và trượt tuyết tiếp. Con quạ, tuy vậy không khôn bằng con vẹt. Nó biết nói, biết suy diễn theo Tam đoạn luận”đàng hoàng. Chuyện như thế này. Có cô gái nuôi một con vẹt. Nhà không có ai, cô tắm xong, chả mặc áo quần, cứ thế thổn thệnh đi khắp nhà. Con vẹt nghiêng đầu nhìn và kêu lên:Thấy hết rồi nghe!” Lần nào cũng lải nhải câu đó khiến cô gái bực mình vặt trụi lông đầu con vẹt. Từ đó con vẹt chỉ ngắm mà không dám nói. (Tam Đoạn Luận tập 3, trang 50 chỉ rõ: Thấy thì làm thinh mà ngắm. Ngắm thì đừng nói. Nói thì bị vặt lông” ?!). Một lần có nhà sư vào nhà cô gái. Thấy đầu nhà sư không có tóc, con vẹt ngạc nhiên, hỏi Ủa! Thầy cũng thấy hết rồi sao?” Tôi ước được làm con vẹt đó. Nhưng miệng, lưỡi dùng vào việc khác. Dại gì nói để bị vặt lông.

Năm Khỉ, nhiều vị kể chuyện Tôn Ngộ Không, một con khỉ có tài thần thông biến hóa, theo phò Tam Tạng qua Ấn Độ thỉnh kinh Phật về Tàu. Có vị kể chuyện bà Từ Hi thái hậu đãi sứ thần tám nước Âu Mỹ, có món óc khỉ. Mấy chuyện bên Tàu đó, xưa rồi, ai cũng biết.

Tôi xin kể chuyện bên Ấn Độ, ít người biết. Người Ấn thờ hàng trăm,hàng nghìn thần. Thờ từ vật vô tri đến súc vật. Họ thờ thần bò. Mấy con bò đi nghênh ngang có khi nằm nghỉ ở ngã ba, ngã tư, người phải tránh ngài”. Ngài bò có đến các sạp rau quả xơi hết cũng phải kính cẩn đứng nhìn, không được xua đuổi. Tôi xem phóng sự thấy có đền thờ chuột. Chuột bò đầy trong đền, trên bàn thờ, trên cột đền trông thật dơ dáy. Tôi xem mà ghê người, tưởng như ngửi được mùi hôi thối của phân chuột. Người giữ đền có bổn phận nuôi chúng. Buổi sáng, ông ta bưng một khay sữa vào cho quí ngài chuột điểm tâm… Tại sao phải thờ súc vật? Người Ấn tin rằng. Mỗi con vật có thể là hiện thân của ông thần nầy hoặc bà thánh kia. Họ còn tin rằng có thể đó là tổ tiên, ông bà của họ, chết đi, đầu thai thành súc vật.

Vì là bài viết về con khỉ nên tôi xin mấy dòng về tục thờ khỉ ở Ấn Độ. Theo truyền thuyết, tại xứ Kishkinda, một vương quốc khỉ bên Ấn Độ, có một tướng khỉ, tên Hanuman, rất tài giỏi và nhiều phép thần thông. Có lần, Hanuman chơi nghịch, ngậm  cả mặt trời khiến khắp nơi tối thui, người ta phải năn nỉ Hanuman mới nhả mặt trời ra. Hanuman có thể biến thành to lớn, khổng lồ hoặc tự thu nhỏ bằng ngón tay. Về võ thuật, Hanuman có thể phóng lên mây, nhảy một cái xa ngàn dặm. Hanuman, chỉ với một tay, bưng nguyên một quả núi với đầy đủ cây cối trên đó. (Trong Tây Du Ký, tác giả đã chế biến thần Hanuman của Ấn Độ thành con khỉ Tôn Ngộ Không của Tàu. Thì ra, làm hàng giả, ăn cắp bản quyền của người ta (không chỉ hàng hóa mà cả trong văn hóa, nghệ thuật!) đã là bản chất chệt, có tự ngàn xưa rồi!) Vì tin chuyện thần thoại đó là có thật nên dân Ấn Độ làm tượng thờ khắp nơi. Quí vị du lịch Ấn Độ ắt thấy nhiều tượng thần khỉ Hanuman ở các công viên, nơi công cộng. Ở đâu tượng thần khỉ Hanuman cũng cao lớn, có đuôi dài, tay phải cầm cây trùy, tay trái bê quả núi. Dân Ấn tin rằng, khỉ là hiện thân của thần Hanuman nên lập nhiều đền thờ và nuôi khỉ. Ở New Delhi, khỉ có mặt khắp nơi, nhất là khu đồi Raisina. Khỉ nhảy nhót, leo trèo, phá phách trên đường phố, cướp giật hàng hóa, lục giỏ xách người đi chợ. Có con leo cột đèn, bị điện giật chết, người ta phải tổ chức lễ an táng ngài” thật long trọng. Có đánh trống, thổi kèn như đám ma của người Tàu ở Chợ Lớn (nhưng không thổi bài Love Story như đám ma của mấy chú thiếm Chợ Lớn). Đạo quân (Tam phủ) khỉ phá quá! Chịu hết nỗi, tòa án ra lịnh dời đền khỉ vào rừng, cấm không cho khỉ ăn nhưng chẳng ai dám động đến quí ngài khỉ, và vẫn cung phụng ngày ba bữa, tắm rửa thoải mái cho quí ngài. Đúng là trò khỉ!

Ở Việt Nam ta có tương truyền rằng mẹ ông Mạc Đỉnh Chi vào rừng bị khỉ hiếp, sinh ra ông, người nhỏ, tướng xấu xí, chân tay dài thòng, mắt láo liên như con khỉ nhưng rất thông minh. Ông thi đậu tiến sĩ, được nhà vua cử đi sứ sang Tàu. Nhân khi công chúa (Tàu) chết, vua Tàu muốn thử tài sứ Mạc Đỉnh Chi nên đề nghị ông làm một bài văn tế về cái chết của công chúa với chỉ một chữ Nhất. Trạng Mạc Đỉnh Chi hạ bút ngay:

Thiên hương nhất đóa vân.

Hồng lô nhất điểm tuyết.

Thượng uyển nhất chi hoa.

Giao trì nhất phiến nguyệt.

Ô hô!

Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết

(Trên trời một áng mây/ Lò hồng một giọt tuyết/ Thượng uyển một cành hoa/ Giao trì một vầng nguyệt/ Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết).

Quá hay!

Để chấm dứt bài nầy, tôi xin kể chuyện đức Phật, trong một lần thuyết pháp, có nhắc đến con khỉ để nêu một ẩn dụ: Trong kinh A Hàm có chép, Phật kể đại ý rằng: Có người thợ săn lấy nhựa cây gài bên thức ăn để nhử đàn khỉ. Có con khỉ đến bốc thức ăn, ngờ đâu dính nhựa cây, không gỡ ra được. Khỉ lấy tay kia gỡ ra, lại bị dính vào, khỉ lấy hai chân gỡ ra, cũng bị dính nốt. Khỉ dùng đuôi gỡ ra, cũng bị dính. Sau cùng khỉ dùng miệng cạp, cũng dính luôn. Thợ săn chỉ việc đến bắt khỉ. Đức Phật dạy: Này các tì kheo. Nhựa cây kia ví như lục dục, sáu bộ phận bị dính vào nhựa ví như lục căn. Như chú khỉ kia, khi lục căn bị dính vào lục dục thì sẽ bị ma quỉ tùy ý dẫn đi”.

Tuoi-Than

Phạm Thành Châu

Visits: 611

Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Florida Tổ Chức Họp Mặt Liên Khóa 2016

Xin mời theo dõi các thông báo dưới đây của Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Florida về việc tổ chức Họp Mặt Liên Khóa 2016 tại Florida, Hoa Kỳ.

Mọi việc liên quan đến Họp Mặt Liên Khóa CSV QGHC 2016 tại Florida, xin vui lòng liên lạc trực tiếp với Hội CSV QGHC Florida.

Phiếu ghi danh có thể tải xuống máy của bạn bằng cách bấm vào nút “download” ở phần dưới cùng của trang thông báo (chổ có mũi tên chỉ xuống, gần chữ “zoom 100%  secure“)

Visits: 534

Đợi Chờ

Nương song luống ngẩn ngơ lòng
Vắng chàng, điểm phấn trang hồng với ai?
Chinh Phụ Ngâm

Vũ Bá Hoan

doicho image

1-

Ánh nắng của buổi sáng sớm mùa hè, xuyên qua kính cửa sổ, chiếu dọi lên bức tường trong phòng ngủ vợ chồng Hoàng, khiến căn phòng trở nên sáng rực, và làm Hoàng tỉnh thức sau một giấc ngủ nướng. Thỉnh thoảng một luồng gió nhẹ thổi qua, đem theo mùi hương thơm thoang thoảng của cây hoa hoàng lan trồng ngoài vườn bên cạnh cửa sổ, tràn vào phòng ngủ, làm Hoàng cảm thấy khoan khoái dễ chịu sau một đêm ngủ đẫy giấc. Ngoài vườn, tiếng chim hót líu lo trên cành cây như chào đón ánh nắng ban mai của một ngày hè đẹp trời, khiến Hoàng nhớ đến bài hát “Hè Về” của Hùng Lân, anh cao hứng hát nho nhỏ: “Trời hồng hồng, Sáng trong trong. Ngàn phượng rung nắng ngoài song. Cành mềm mềm, gíó ru êm. Lọc mầu mây bích.ngọc qua mầu duyên… Đàn nhịp nhàng hát vang vang. Nhạc hòa thơ đón hè sang “. Hôm nay là ngày thứ bẩy, ngày cuốí tuần, Hoàng được nghỉ. Mặc dù đã 9 gìờ sáng, nhưng Hoàng vẫn không muốn ra khỏi giường, anh nằm nán lại để thư giãn bắp thịt  trong thân thể và như để đền bù vào những buổi sáng trong tuần, anh phải dậy sớm vào lúc 5 giờ  sáng để sửa soạn đi làm. Vợ Hoàng đã thức dậy từ sáng sớm, và đã ra khỏi nhà để đến sở làm vào lúc 6:30 . Ba đứa con ở tuổi teenage của vợ chồng Hoàng vẫn đang say sưa giấc điêp trong các phòng ngủ riêng của chúng. Căn nhà yên tịnh, ngoại trừ, thỉnh thoảng tiếng “tính, tình, tang, tình “   từ chiếc đồng hồ Grandfather ở phòng khách, đánh vang lên mỗi khi đổi giờ.

Vẫn nằm dài trên giường, Hoàng xoay nghiêng người, với tay lượm tờ báo Việt ngữ trên sàn nhà mà vợ anh đã đọc và vất xuống đó từ tối hôm qua, trước khi nàng đi vào giấc ngủ. Hoàng vừa mới đưa mắt lướt qua những tít trên trang nhất của tờ báo, thì tiếng điện thoại reọ, anh đưa tay nhắc ống liên hiệp ở chiếc điện thoại đặt trên nightstand cạnh đầu giường:

– Allo. Hoàng tôi nghe.

– Tôi, Hải đây.

–  Chào ông.

– Cậu có rảnh không? Đến tôi chơi, tôi có chút việc muốn nói với cậu.

– Có chuyện gi quan trọng không, thưa ông?

-Thì cứ đến, rồi sẽ biết.

Hoàng chần trừ một giây, rồi trả lời:

-Tôi sẽ đến vào lúc 11:00 giờ.

Ông Hải là cựu Thiếu Tá, Quận Trưởng. và là xếp cũ của Hoàng khi anh vừa mới tốt nghiêp ban Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, về nhận chức vụ Phó Quận Trưởng Hành Chánh vào đầu năm 1966 tại một quận thuộc tỉnh Phong Dinh. Cuối năm 1967, sau khi được vinh thăng Trung Tá, ông Hải thuyên chuyển về Saigòn, và kể từ đó, Hoàng không có dịp gặp lại ông. Khi còn làm việc chung ở quận, cách xưng hô giữa hai người theo chức vụ. Hoàng gọi ông Hải là Thiếu Tá, ông Hải gọi Hoàng là ông Phó Hành Chánh. Kể từ ngày gặp lại nhau trên đất nước Cờ Hoa – khi mà” hia mão “ và “ấn tín” của hai người đã rớt xuống Thái Bình Dương,  trong lúc bỏ của chạy lấy người, leo lên  tầu chạy trốn Việt Cộng –  họ đã thay đổi cách xưng hô. Ông Hải hơn Hoàng 15 tuổi, nên ông coi Hoàng như người em. Cùng chạy Cộng Sản sang Mỹ vào thời điểm miềm Nam rơi vào tay Cộng Sản hồi cuối tháng 4 năm 75 , Hoàng và ông Hải, như có duyên tiền định sống gần nhau, nên hai người  đã “tái ngộ” sau cuộc “ biển dâu “, và cùng định cư tại vùng Alexandria, tiểu bang Virginiạ, Hoa Kỳ

Vừa mở cửa bước vào trong nhà, Hoàng đã thấy ông Hải ngồi trên ghế đợi anh ở phòng khách, trước mặt ông, trên mặt bàn, có một bao thư. Ông Hải đưa tay ra dấu mời Hoàng ngồi xuống chiếc ghế đối diện ông:

– Cậu ngồi xuống đây, uống nước trà nóng.

Hoàng vừa kéo ghế ngồi, vừa hỏi ông Hải:

– Có chuyện gì vậy ông?

Ông Hải yên lặng, không trả lời ngay câu hỏi của Hoàng, cầm bình rót nước trà nóng mời Hoàng uống. Sau đó, ông cầm bao thư trên mặt bàn đưa cho Hoàng:

– Cậu có thư của người ở Việt nam mới qua gửi cho cậụ

Hoàng đưa tay đỡ lấy bao thư, và trước khi mở thư ra đọc, anh cầm chung trà nóng tỏa mùi hoa nhài thơm ngát, uống một hớp, nước trà nóng trôi qua cuống họng, Hoàng cảm thấy hơi đăng đắng; nhưng sau vài giây, anh laị cảm thấy vị ngọt đọng lại ở cổ. Hoàng nói:

– Trà này uống lúc đầu thấy đắng, nhưng một lúc sau lại có vị ngọt.

Ông Hải cầm bình trà rót thêm vào chung cho Hoàng :

–  Người ghiền và sành uống trà thì phải loại trà này mới ngon. Chính ra phải dùng nước mưa để pha trà, thì hương trà mớí giữ được nguyên chất, nước trà mới ngon. Không có nước mưa, tôi dùng nước máy để pha trà nên đã làm giảm mất phần nào hương trà.

Nhìn nét chữ viết tay ngoài bì thư đề tên ông Nguyễn Văn Hải, Hoàng thấy hơi quen, nhưng không biết là của ai, vì ngoài bì thư không có tên người gởi, mà chỉ có địa chỉ. Anh nói với ông Hải :

-Thư này gởi cho ông, chứ đâu phải cho tôi.

-Cậu cứ mở thư ra đọc thì sẽ biết.

Hoàng rút bức thư từ trong phong bì, mở ra đọc:

Ngày..  tháng .. năm ….

   Kính thăm bác,

 Thưa bác, nhìn ngoài bì thư, chắc bác đã đoán ra được cháu là con bé nào rồi! Cháu là con bé Thu, con của ông Trung Tá Nhân, bạn của bác đó bác. Cũng đã gần 20 năm rồi, chắc bác không còn nhớ đến cháu đâu; nhưng cháu thì nhớ rõ bác lắm. Bác bây giờ có lên được cân nào không? hay bác vẫn cao, vẫn gầy, vẫn khắc khổ như những ngày ở quê hương cũ? Hồi còn ở Viêt Nam, sau khi đi tù cải taọ về, Ba cháu thường nhắc đến bác luôn, ông thường kể những kỷ niệm hồi ông và bác làm việc ở cùng một đơn vị.

 Cách đây mấy bữa, cháu ghé thăm ba má cháu, và má cháu cho cháu hay ba cháu mới nhận được thư bác. Không biết vô tình hay cố ý, má cháu có tiết lộ một chút xíu, môt chút xíu thôi về tình trạng của một người mà cháu quí mến nhất, kính trọng nhất, người ấy luôn luôn ở trong lòng cháu bao nhiêu năm dàị, cháu muốn nói anh Hoàng, anh Hoàng làm Phó Quận Trưởng dưới quyền bác hồi còn ở Việt Nam, mà bác đã nói đến anh ấy trong thư gởi cho ba cháu, đó bác!.

 Cháu thật không ngờ, anh ấy vẫn còn sống và đã ở đây, an toàn trong gần 20 năm! Khi cháu nghe má cháu nói: “Thằng Hoàng và ông Hải chạy cùng một lượt vào cuối tháng 4/75 và hiện đang ở gần nhau, tiểu bang Virginiạ”. Cháu nghe vậy, nhưng không nói câu nào, phải nói là chưa nóí câu nào, thì bà lại tiếp theo một câu ngắn luôn “ thằng Hoàng  “bồ” của mầy hồi còn ở Việt Nam đó “. Cháu vừa nghe bà nói vậy, thì lặng người đi, cháu cảm thấy như có ai thò tay vào vặn trái tim cháu vậy! Viết đến đây cháu cảm thấy hai tay cháu run lên. Đêm đó cháu không ngủ được, cháu khóc rất nhiều, những giọt nước mắt sung sướng, vui mừng, những giọt nước mắt buồn tủi, uất ức. Cháu mừng vì anh Hoàng vẫn còn sống, cháu càng mừng hơn nữa là anh ấy không hề chịu một sự cực khổ đọa đầy trong trại cải tạọ. Cháu đau đớn, uất ức vì cháu đã chờ đợi anh trong gần 10 năm dài! Lúc ấy cháu nghĩ chắc anh đang ở trong trại cải tạo, nhưng cháu chờ đợi mãi vẫn không thấy một cái thư nào. Ngày nào cháu cũng nghĩ mình sẽ có thư của anh ấy, có tin của anh ấy. Cháu khổ biết bao, khóc bao nhiêu lần trên gối; mơ thấy mình sục sạo tìm kiếm anh ấy khắp nơị. Cháu vẫn mơ thấy anh Hoàng; cũng như mơ thấy cháu đi về chốn cũ để tìm gặp anh ấy rất thường, rất thường. Nói một cách thật lòng với bác, ảnh như cái bóng ma ám ảnh cháu suốt mười tám năm nay! Trong gần mười năm chờ đợi ảnh, cháu đã không care đến bề ngoài của mình nữa. Cháu có nhờ những người quen cũng đi tù, lục tìm tên ảnh trong các traị cải tạo. Nhưng …. sau cùng, cháu đã phải nghĩ anh ấy đã chết rồi, hoặc là trong những ngày ly loạn, hoặc là trong trại cải tạo nào đó. Vì có lý nào anh ấy không viết cho cháu một cái thư trong bao nhiêu năm. Cháu vẫn mơ thấy anh luôn, rất thường xuyên cháu thấy anh đến đón cháu đi chơi. Có lúc cháu đợi, mà không thấy anh tới. Cháu đã không mơ nữa cách đây 3 tuần, cháu đã không thấy anh ấy trong mơ nữa, mà trong lòng cháu muốn gặp  anh, hay it ra nói chuyện trực tiếp vớí ảnh, để hỏi anh, tại sao lại đối xử độc ác với cháu như vậy ? . Cháu vẫn cầu nguyện Bề Trên cho cháu một cơ hội được gặp lại anh ấy một lần cuối ở một chốn nào đó, dù là cõi chết, để hỏi anh một vài điều: anh đã làm gì, anh đã ra sao trong bao nhiêu năm nay?

 Thưa bác, sở dĩ cháu phải nóí với bác nhiều như vậy, cháu chỉ mong bác giúp cháu một chuyện mà thôi: cháu xin bác cho cháu biết địa chỉ của anh Hoàng, cháu chỉ muốn hỏi anh “tại sao”.  Cháu muốn ảnh cho cháu một lời giải thích. Và cháu muốn nói với anh rằng trong lòng cháu rất đau đớn. Rồi sau khi đã make clear xong mọi điều uất ức mà cháu để  trong lòng hơn 18 năm, cháu nghĩ rằng sẽ để anh lại behind mà sống cuộc đời bình thường của cháu, cuộc đời mà lẽ ra cháu phải có cách đây 18 năm !

Bác ơi! Cháu đã trải hết lòng mình cho bác thấy, bác hiểụ. Điều này sẽ không hề xẩy ra nếu cháu còn 18 tuổi, nhưng nay cháu đã già rồi, cháu biết cháu đang làm gì. Xin bác viết cho cháu vài hàng hay gọi điện thọai cho cháu. Cháu rất muốn gọi điên thoại cho bác, nhưng cháu không có số phone của bác.

 Xin bác liên lạc với cháu sớm lúc nào hay lúc ấỵ. Cháu rất cám ơn bác.

 Địa chỉ của cháu :——————

 Số phone nhà  cháu : ————-

 Xin bác gọi điện thọai cho cháu vào ngày thứ bẩy, cháu chờ tin bác nghe bác.

                                                                                                   Cháu ,

                                                                                          Nguyễn thi Anh Thu

 Đọc xong bức thư, Hoàng rất xúc động, ngồi yên lặng như người mất hồn, mặt anh trở nên thẫn thờ, xa vắng …  Hoàng không ngờ Thu đã qua Mỹ và đã tìm đươc anh. Từ ngày lâp gia đình khi mới qua Mỹ năm 1975, Hoàng đã cố gắng quên hình bóngThu trong dĩ vãng để sống trọn vẹn với tình yêu của người vợ ngoan, hiền hiện tại. Anh không bao giờ nghĩ có ngày sẽ gặp laị Thu, vì trong cảnh hỗn loạn, khi bỏ nước chạy trốn Việt Cộng ngày 30-4-75, kẻ ra đi, người ở lại, cách nhau nửa vòng trái đất, không biết bao giờ mới gặp lại được nhau. Giờ đây, trong phút chốc, tất cả những kỷ niệm của  thời hoa niên và hình bóng Thu, cùng mối tình dang dỡ với nàng, đã chôn vùi trong ký ức Hoàng gần 20 năm, nay đột nhiên bùng dậy như một  thước phim  sống động diễn ra trước mắt Hoàng.

2-

Sau tết Mậu Thân1968, lệnh tổng động viên được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành. Tất cả những sinh viên thuộc 14 phân khoa của viện đaị học Saigòn, và công tư chức có bằng Tú Tài trở lên, thuộc lớp tuổi từ 20-25 đều phải nhâp ngũ khoá sĩ quan trừ bị Thủ Đức ( khóa 1 hoặc 2/68) .Sau vụ tổng công kích Tết Mậu thân của Việt Cộng, chiến sự miền Nam càng ngày trở nên khốc liệt. Nhu cầu chiến trường cần thêm nhiều sĩ quan và binh sĩ để đốí phó với  những trận chiến khốc liệt do Cộng Sản Bắc Việt đưa quân vào đánh phá khắp 4 vùng chiến thuật.

Lần đầu tiên trong lịch sử trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, các tân binh sĩ quan được đưa đến huấn luyện quân sự taị Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, nơi huấn luyện các tân binh quân dịch (trước đây, từ khoá 1 đến khóa 27, các tân binh sĩ quan được huấn  luyện tại trường Bộ Binh Thủ Đức). Hơn một ngàn tân binh sĩ quan chia thành hai tiểu đoàn: Khóa 1/68 thuộc Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ; khóa 2/68 thuộc tiểu đoànTrần Bình Trọng . Cả hai khóa được huấn luyện cùng lúc trong 9 tuần lễ về căn bản quân sự của người lính tác chiến, đây là giai đoạn 1. Sau kỳ thi sát hạch giai đoạn 1, những tân binh sĩ quan đủ điểm, được gởi đến trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, học tiếp giai đoạn 2 thêm 6 tháng nữa, tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn Úy Những tân binh sĩ quan không đủ điểm trong kỳ thi sát hạch giai đoạn 1, được đưa ra trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang thụ huấn, ra trường vớí cấp bậc Trung Sĩ.

Hoàng vâng theo tiếng gọi Tổ Quốc, nhập ngũ khoá 2/68 sĩ  quan  trừ bị Thủ Đức, đã đủ điểm trong kỳ thi sát hạch giai đọan 1, được đưa qua trường Bộ Binh Thủ Đức học tiếp giai đoạn 2. Sau khi tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn Úy,bộ Quốc Phòng trả Hoàng về bộ Nội Vụ, và anh được  bổ nhiệm làm trưởng ty Kinh tế tỉnh Gò Công.  Nơi đây anh đã gặp và yêu Thu. Hoàng yêu Thu không phải chỉ vì sắc đẹp mộc mạc không son phấn của Thu mà còn vì Thu có một tâm hồn phong phú hơi lạ thường . Anh có cùng một quan điểm với Trương về tình yêu đối với người con gái : “ Yêu một người con gái chỉ đẹp thôi,không có một tâm hồn phong phú hơi lạ thường, thì tình yêu ấy chỉ là vật chất tầm thường “ ( Trương là nhân vật trong tiểu thuyết Bướm Trắng của Nhất Linh ) .Mối tình của hai người đã gắn bó thắm thiết, với những mộng ước xây đắp cho tương lai. Hoàng chờThu ra Trường Dược,anh sẽ cưới Thu .Hiện tại anh mới chỉ “cầu  hôn “với Thu bằng hai câu thơ mà anh đã ghi vào trang đầu cuốn nhật ký của Thu :Lậy Trời! Thu mãi chung tình. Khi em thôi học, chúng mình lấy nhau”. Nhưng định mệnh và duyên số của Hoàng và Thu đã cùng nổi trôi theo vận nước vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, ngày  Bắc Cộng bức tử  Việt Nam Cộng Hoà, đồng thời cũng là ngày bức tử mối tình giữa Hoàng và Thu .

3-

Năm Hoàng quen Thu, nàng vừa tròn 18 tuổi, đang học đệ nhất ban A taị trường công lập Gò Công.  Dáng người Thu nhỏ nhắn, đầy đặn, nước da trắng hồng, khuôn mặt trái xoan, khi cười để lộ đôi hàm răng trắng đều như những hạt bắp. Thu thường nhéo yêu vào cánh tay Hoàng mỗi khi anh đọc câu thơ cuả Lưu Trọng Lư (?) để khen ngợi đôi mắt to tròn, đen láy, long lanh dưới cặp chân mày lá liễu của Thu: “Mắt em là một gìòng sông. Thuyền ta bơi lội trong giòng mắt em.”

Là nữ sinh của một tỉnh nhỏ thuộc miền Tây Nam Phần, mặc dầu gia đình khá giả, nhưng Thu ăn mặc rất giản dị, khi đi học, nàng thường mặc đồng phục áo dài trắng, như những nữ sinh đồng trang lứa với nàng.Thu là người con gái rất đa cảm, rất dễ xúc động trước cảnh thương tâm. Một hôm  nhìn thấy những người lính Địa Phương Quân bị thương nặng trong cuộc giao tranh với Việt Cộng ở chiến trường, được tải thương vào Quân Y Viện Gò Công, mắt nàng đã nhỏ lệ xót thương họ. Có lẽ vì bản tính đa cảm của Thu nên nàng thích mầu tím. Mỗi khi đi chơi với Hoàng nàng thường mặc áo dài màu tím hồng và quần trắng, trên đầu thắt chiếc Headband vải đồng mầu với chiêc áo dài mầu tím. Cách trang phục này, trông Thu chững chạc và đẹp thêm ra. Thu để tóc xõa xuống bờ vai, và hương thơm thoang thoảng mùi bồ kết gội đầu tỏa ra từ tóc Thu, khiến Hoàng nhớ đến hai câu thơ mà anh đã đọc khi còn học trung học: “Có ai bên cửa ngồi hong tóc. Để chảy lan thành một suối hương”.

Vào những ngày thứ bẩy cuốí tuần, Hoàng thường đến xin phép ba má Thu để chở nàng đi chơi. Hoàng đã tỏ ý với ba má Thu là anh muốn kết hôn với Thu. Vì anh là Trưởng Ty Kinh Tế của tỉnh, ba má Thu tin tưởng Hoàng sẽ không làm những điều sai trái để mất thanh danh giữa anh và gia đình Thu, nên ông bà rất vui vẻ để Thu tự do đi chơi vớí Hoàng.

Khi rảnh rỗi, Hoàng thưòng kèm toán và Anh văn cho Thu, nên Thu rất khá về hai môn nàỵ, và năm1971,Thu đã đậuTú Tài 2 hạng Bình. Sau đó, ba má Thu đã gởi nàng lên Saìgon học  Dược Khoa.

Một hôm đi chơi, ngồi trên bờ đá công viên sông Tiền Giang, dưới bóng mát của một cây đa lớn, Thu tâm sự vớí Hoàng :

–  Ba má em muốn em học Dược, để khì em trở thành Dược Sĩ, ba má em sẽ mở tiệm thuốc tây  để lấy lợi tức sinh sống vào lúc tuổi già .

– Vậy ba má em phải “hối lộ” anh, anh mới cấp giấy phép mở tiệm thuốc.

Thu tủm tỉm cười:

– Anh lấy bao nhiêu tiền?

Hoàng ẫm ờ:

– Anh không lấy tiền.

– Vậy anh lấy gì ?

– Anh “lấy” em!

Thu đưa ngón tay trỏ dí nhẹ vào trán Hoàng :

–  Ai thèm lấy anh. Cho anh sống suốt đời không vợ .

Cả hai cùng cười. Hoàng nắm bàn tay trắng, mềm maị với những ngón tay thon dài của Thu,   hỏi:

–  Lên Saigòn học Dược, em ở đâu?

–  Ba má em sẽ gởi em ở nhà dì Ba tại đường Cống Quỳnh. Tháng trước Dì Ba  xuống thăm, má em ngỏ lời, và dì đã vui vẻ chấp thuận, Dì còn nói với ba má em “ Con Thu ở nhà vợ chồng tôi để làm gương cho con Thảo nó học “

Thảo bằng tuổi Thu, là con gái duy nhất của dì dượng Ba, nên được nuông chìu, vì thế Thảo không học hành chăm chỉ, thi Tú Tài I bi rớt một năm 2 khoá liền, mãi đến năm sau mới đậu. Dì Ba là em gái má Thu, hai chị em rất thân và thương yêu nhau. Bà ngoại Thu mất sớm, khi má Thu và dì Ba còn nhỏ, được ông bà nội nuôi nấng, chăm sóc , dậy dỗ và cho ăn học .

Hoàng cầm bàn tay trái Thu đặt vào lòng bàn tay phải  anh, bóp  thật nhẹ, rồi âu yếm nói :

– Khi em lên Saigòn học, chắc anh nhớ em lắm, vì anh không được gặp em hằng ngày. Rồi dường như mới nghĩ ra một điều gì, Hoàng tiếp :

– Anh sẽ dùng xe gắn máy về Saigòn mỗi tuần vào ngày thứ Bẩy hoặc Chúa Nhât để được gặp em. Gò Công cách Saigòn không xa, đi xe Honda Dame qua cầu Nổi, phía Cần Đước chỉ mất 1 giờ là cùng.

Thu ngồi yên lặng không nói gì, tay phải nàng vân vê tà áo dài , theo đuổi ý nghĩ riêng của nàng: chương trình học Dược kéo dài 5 năm. Trong thời gian 5 năm dài, không biết Hoàng có chờ đợi nàng được không, hay anh sẽ theo đuổi một hình bóng nào khác .

Hoàng là người yêu đầu đời của Thu, nàng yêu Hoàng với tất cả tình yêu của người con gái trinh nguyên mới lớn .Thu chưa hề có kinh nghiệm yêu đương. Nàng chỉ hiểu đàn ông qua kinh nghiệm đọc tiểu thuyết và sách tâm lý học hoặc nghe các bà bạn của má Thu nói với nhau  rằng đàn ông dễ thay lòng đổi dạ và không chung tình ” Đàn ông năm bẩy lá gan, lá ở cùng vợ, lá toan cùng ngườì “ Thấy  vẻ mặt Thu trầm ngâm, Hoàng hỏi :

–  Em nghĩ gì vậy?

–  Em nghĩ về anh.

–  Em nghĩ về anh ra sao?

Thu nghiêng đầu nhìn thẳng vào mắt Hoàng :

–  Em biết hiện tại anh rất yêu em. Nhưng khi em xa anh, em sợ anh thay lòng đổi dạ. Người xưa thường nói: xa mặt, cách lòng. Riêng em, em hứa với anh: em chỉ yêu một mình anh, dù  được ở gần anh hay phải sống xa anh, lúc nào  em cũng nghĩ đến anh .

Hoàng âu yếm nắm bàn tay trắng ngần của Thu áp vào ngực anh nơi tim anh đang thổn thức về những lời yêu thương của Thu :

–  Cám ơn Thu về tình yêu của em dành cho anh. Anh chưa có ý định lập gia đình trong vài năm tới. Năm nay 25 tuổi, anh còn trẻ, hơn nữa anh mới ra trường, nên chưa muốn lập gia đình ngay lúc này. Ít nhất phải 5 năm nữa, anh mới nghĩ đến chuyện lập gia đình. Vì vậy trong 5 năm nữa là thời gian lý tưởng để chúng ta chờ đơị nhau. Lúc ấy anh vừa tròn 30 tuổi, em là cô Dược Sĩ ở tuổi 23. Chúng ta sẽ ăn mừng “đại đăng khoa và tiểu đăng khoa“cùng một lúc.! Rồi như để làm cho Thu yên tâm thêm, Hoàng nói tiếp :

–  Anh dự định ở Gò Công thêm một vài năm nữa, rồi sẽ nhờ người quen giúp thuyên chuyển về quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Như vậy anh sẽ được ở gần em và đồng thời anh có cơ hội trở lại học luật để lấy cho xong chứng chỉ cuối cùng  cuả văn bằng cử nhân. Em có  muốn như vậy không ?

Thu chớp mắt xúc động :

–  Được như vậy, em đâu còn đòì hỏi gì nữa. Em sẽ yên tâm học hành để ra trường đúng như  chương trình trường Dược đã ấn định. Và nhất là để không phụ công anh chờ đợi em.

Hoàng đưa cánh tay phải quàng qua eo Thu, kéo nàng sát vào người anh . Mùi thơm da thịt săn chắc của Thu thoang thoảng tỏa ra qua lớp áo dài mỏng của nàng, làm Hoàng ngây ngất. Hơi ấm cuả  hai người quyện vào nhau ,khiến Hoàng có ảo giác như hai thân xác đã hòa thành một. Hai người ngồi với nhau như vậy trong thinh lặng, không ai nói với ai một lời., để cho tình yêu thấm nhập vào từng thớ thịt cuả mỗi người .Thỉnh thoảng Hoàng lại ghì chặt Thu sát thêm vào người anh , khiến áo nịt ngực của nàng hơi căng ra, và mặt Thu hơi ửng  đỏ …

Thu rất vui mừng vì đã biết rõ ý định Hoàng chờ đơị nàng, và sẽ cưới nàng ngay sau khi nàng ra trường Dược .Thu muốn về nhà để nói cho ba má nàng biết về ý định của Hoàng, nhìn đồng hồ đeo tay, Thu  gỡ tay Hoàng ra khỏi hông nàng :

–  Mình ra đây ngồi từ lúc ăn trưa ở nhà hàng ra tới gìờ, đã lâu lắm rồi. Thôi về đi anh. Kẻo ba má em trông.

Chiều xuống chậm, nắng đã nhạt, gíó từ mặt nước sông thổi lên mát rợị. Xa xa giữa giòng sông những chiếc ghe máy chở đầy trái cây, rau cải, gà vịt…. đang vội vã chạy ngược xuôi về bến đậu. Phía bên kia bờ sông, mặt trời như một trái banh thật lớn đỏ vàng sáng rực, treo lơ lửng trên không trung, và đang từ từ đi xuống khuất sau rặng cây và dẫy núí ở cuối chân trời. Trên nền trời xanh bao la, từng đàn chim nhạn đang tung cánh bay về phương trời xa thẳm….

Hoàng hôn lên mái tóc thề đen mượt , thơm mùi bồ kết ở đầu Thu. Anh đứng dậy trước, nắm bàn tay trái Thu kéo nàng dứng lên. Hai người tay trong tay lững thững đi ra khỏi công viên, đến chỗ gửi xe gắn máy để lấy xe trở về nhà …

4.

Tình hình chiến sự miền Nam vào đầu tháng 2 năm 1975 đã trở nên sôi động tại các tỉnh ở miền Trung, nhưng thành phố Sàigòn vần còn yên ổn, người dân  Sài thành vần tổ chức đón mừng xuân Ất Mão, tuy không tưng bừng như mọi năm ..

Trước ngày về quê xum họp với gia đình đón mừng xuân Ất Mão, Thu và Hoàng ( lúc này Hoàng đã được thuyên chuyển về Gia Định ) được mời tham dự tiệc Tất Niên do một số nam nữ sinh viên trường Dược tổ chức tại một biệt thự khá lớn của bố mẹ một cô bạn rất thân cùng lớp ở trường Dược với Thu, tại đường Hiển Vương, quận 3 Sàigòn, vào chiều ngày 29 giáp tết. Ất Mão .Tiệc Tất Niên có khoảng 30 nam nữ sinh viên năm thứ tư trường Dược tham dư. Họ ăn uống, ca  hát,khiêu vũ, vui chơi để tiễn đưa năm cũ và đón mừng năm mới .

Thu có giọng hát rất truyền cảm và nàng hát khá hay. Thu yêu thích những bản nhạc trữ tình, đặc biệt, những nhạc phẩm ca tụng tình yêu lứa đôị. Hồi còn học lớp đệ Nhất ban A trung học Gò Công, Thu là trưởng ban văn nghệ của trường. Có lầnTiểu khu Gò Công tổ chức liên hoan chào mừng chiến thắng của một đại đội điạ phương quân tại sân vân động của tỉnh, ban văn nghệ trường Trung Học Gò Công được mời phối hợp với ban Tâm Lý Chiến của tiểu khu trong chương trình văn nghệ gíup vui cho quân nhân. Hôm ấy Thu đã hát bản “Hoa Soan Bên Thềm Cũ “ cuả nhạc sĩ Tuấn Khanh, được thính giả nhiệt liệt vỗ tay khen ngợi. Có người nói rằng nếu Thu tiếp tục con đường cầm ca, Thu sẽ là con “Nhạn Trắng” thứ 2 của Gò Công. Thu chỉ thích hát kiểu tài tử để mua vui với bạn bè, thâm tâm nàng không bao giờ muốn theo nghiệp cầm ca để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, nàng muốn theo đuổi con đường học vấn để trở thành Dược Sĩ như ba má nàng mong muốn để đền đáp công ơn dưỡng dục sinh thành của song thân nàng

Một số bạn trường Dược thân quen, biết Thu hát hay, đã yêu cầu nàng hát trong buổi tất niên  hôm ấy. Thu đã vui vẻ nhận lời, và nàng đã yêu cầu Hoàng đệm guitar cho nàng hát.. Trong lúc Hoàng đang so lại dây đàn guitar, Thu nói nhỏ vừa đủ để Hoàng nghe :

–  Em hát bài “Ngàn Thu Áo Tím” của Hoàng Trọng để riêng tặng anh trong đêm naỵ  Chắc hẳn anh còn nhớ ngày đầu tiên anh gặp em trong đám cưới con nhỏ bạn em, em cũng mặc áo tím như đêm naỵ Và hôm đó anh đã nói với em rằng :” màu tím là màu buồn, màu của chia lìa xa cách. Anh không thích mầu tím “…Em đã không “cãi” lại anh, và chỉ nhủ thầm : “ anh là người tin  nhảm “. Nói xong, Thu cầm tay Hoàng kéo anh đứng dậy đi ra chỗ đứng hát.

Tiếng đệm đàn dương cầm của Phương, người bạn gái chủ nhà , hòa âm với tiếng guitar của Hoàng đã làm Thu say đắm để hết tâm hồn diễn tả lời và nhạc của bản “Ngàn Thu Áo Tím “ : (1)

“Ngày xưa xa xôi em rất ưa mầu tím,

Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến,

Chiều xuống áo tím thường thướt tha

Bước trên đường gẩm hoa

Ngắm mây chiều lướt xa       

Từ khi yêu anh, anh bắt xa mầu tím

Sầu thương cho em, mơ ước chưa kịp đến

Trời đã rét mướt cùng gíó mưa

Khóc anh chiều tiễn đưa

Thế thôi tàn giấc mơ.                        

Anh xa xôi bóng mưa giăng mờ lối

Anh xa xôi áo bay trong chiều rơi

Anh xa xôi áo ôm tim lẻ loi

Tím lên khung trời nhớ nhung đầy vơi           

Từ khi xa anh, em vẫn yêu và nhớ

Mà sao anh đi ,đi mãi không về nữa

Một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ

Khóc  trong chiều gíó mưa

Khóc thương hình bóng xưa …                      

Ngàn thu mưa rơi trên áo em mầu tím

Ngàn thu đau thương, vương áo em mầu tím

Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau

Tháng năm còn lướt mau

Biết bao giờ thấy nhau …..

Tiếng hát vừa chấm dứt, một tràng pháo tay vang dội nổi lên. Thu mỉm cười, cúi đầu chào đáp lễ. Rồi nàng âu yếm nắm tay Hoàng  cùng đi về chỗ ngồị .

Cuộc vui kéo dài đến nửa đêm thì chấm đứt. Trước khi ra về, mọi người vui vẻ bắt tay, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất cho năm mới, hẹn gặp lại nhau tại trường Dược vào năm mới .

Trời đã về khuya, đường phố vắng xe chạy. Thỉnh thoảng một vài cơn gíó thổi qua, làm cành  lá trên các cây me hai bên lề đường va chạm mạnh vào nhau, phát ra tiếng kêu xào xạc trong đêm khuya. Vầng trăng thượng tuần lơ lửng trên nền trời trong xanh, tỏa ánh sáng yếu ớt xuống mặt đường phố Sàigòn. Thỉnh thoảng, một vài tiếng đại bác từ xa vọng về trong đêm khuya, và những ánh hỏa châu sáng rực được bắn lên trời định kỳ từ những đơn vị quân đội Việt Nam Cộng Hoà giữ an ninh cho vòng đai thủ đô Saigòn , như nhắc nhở người dân saìgòn đừng quên chiến tranh tàn khốc đang tiếp diễn trên quê hương ,ngay cả vào những ngày Tết  dân tộc cổ truyền thiêng liêng nhất..

Các sinh viên nam nữ trường Dược cười, nói vui vẻ, lần lượt rủ nhau ra về…Hoàng đưa xe gắn máy ra khỏi cổng biệt thự, anh ngồi lên yên xe, rồi bảo Thu :

-Em ngồi lên xe , nhớ ôm chặt lấy anh, kẻo té.

Thu yên lặng, ngoan ngoãn như một đứa trẻ nhỏ, làm theo lời người lớn bảo. Nàng vén tà áo dài phía sau, ngồi nghiêng lên yên xe, phía sau Hoàng. Tay trái nàng giữ tà áo dài trong lòng nàng, còn tay phải nàng vòng qua hông Hoàng ôm chặt lấy anh. Ngồi ở tư thế này, nửa thân phía trên người Thu áp sát vào lưng Hoàng, khiến hơi ấm da thịt Thu chuyền vào người Hoàng, làm anh cảm thấy rạo rực êm đềm và có cảm tưởng như Thu đã là vợ anh rồi. Khi thấy Thu đã ngồi an toàn trên xe, Hoàng rồ máy cho xe chạy về cuối phố, rồi quẹo phải ra đường chính để về nhà Thu.

Tình hình chính trị và quân sự tại miền Nam Việt Nam vào đầu tháng 3 và tháng 4 năm 1975 thay đổi rất nhanh nên Hoàng không có thì giờ xuống Gò Công để báo cho Thu biết về quyết định anh bỏ nước chạy trốn khi Cộng quân tiến chiếm Thủ đô Saì gon. Lần cuối cùng Hoàng gặp Thu là ngày anh đưa Thu về Gò Công nghỉ Têt sau buổi tiệc Tân Niên tại ngôi biệt thự của ba má người bạn gái Thu. Hoàng và Thu không còn cơ hội gặp lại nhau nữa và đã mất liên lạc với nhau kể từ ngày đó.

5.

Hoàng đọc đi đọc lại nhiều lần bức thư Thu viết cho ông Hải – thực ra chính là viết cho Hoàng. Anh suy nghĩ rất nhiều về viêc có nên gặp Thu theo lời nàng yêu cầu trong thư hay không. Tình yêu của Hoàng đối với Thu giờ đây giống như một đống lửa chỉ còn cháy âm ỷ trong tận cùng  cốt lõi của nó. Nói khác đi, trong thâm tâm Hoàng, anh vẫn còn yêu Thu, nhưng tình yêu của anh đối với Thu không còn mãnh liệt như 20 năm trước đây. Hoàng được biết, qua ông Hải, theo lời thân phụ Thu cho ông Hải biết, nàng đã lập gia đình vào năm 1985 với một cựu sĩ quan quân lực VNCH đi tù cải tạo về, và nay đã có 2 con.  Hoàng nửa muốn gặp Thu nửa lại không muốn. Anh muốn gặp mặt Thu dể nói lời xin lỗi và tạ từ tình yêu của anh đối với Thu .Đằng khác, Hoàng không muốn gặp lại Thu vì anh sợ chồng Thu biết được cuộc gặp gỡ giữa anh và Thu, sẽ hiểu lầm, khiến hạnh phúc gia đình nàng bị đe dọa. Điều này là mối quan tâm nhất đối Hoàng .Anh nhớ đến câu thơ của Hồ Dzếnh : “Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở. Đời hết vui khi đã vẹn câu thề” .Nghĩ vậy, Hoàng quyết định không gặp Thu, để Thu giữ mãi hình ảnh anh ngày còn trai trẻ, và anh cũng giữ mãi hình ảnh Thu đẹp ở thời thanh xuân của ngườì con gái mới lớn. Hoàng để tâm hồn anh lắng đọng một thời gian, sau đó anh quyết định viết cho Thu:

                           Ngày      tháng      năm      

  Thu yêu mến,

Anh rất mừng em đã thoát khỏi Việt nam,và đã đến được bến bờ tự do. Anh thật không ngờ có ngày chúng mình biết được tin nhau sau gần 20 xa cách! Tuy chúng ta chưa gặp mặt , nhưng ít ra, anh đang “gặp” lại em trên những trang giấy này. Đọc thư em, anh rất buồn. Anh không ngờ đã vô tình làm em buồn khổ, chờ đợi anh trong gần 10 năm dài. Anh thật đáng trách và có lỗi với em. Giờ đây anh không biết nói gì hơn ngoài lời tạ tội với em và mong em tha thứ cho anh. Anh cám ơn em về tình yêu của em đã dành cho anh trong những ngày em sống xa vắng anh.

Anh.bỏ saìgon ra đi vào giờ phút chót, ngoài dự định của anh. Trong lúc hốt hoảng, bối rối và quá gấp rút, anh không có thì giờ xuống Gò Công để nói cho em biết về quyết định ra đi của  anh. Anh được người bạn là sĩ quan Hải Quân, chỉ huy trưởng một chiến hạm, đưa anh lên tầu hải quân tại bến Bạch Đằng vào đêm 29-4-1975, thoát khỏi Việt nam trước khi Cộng quân tiến vào Saìgòn trưa ngày 30-4-75.

 Trên đường chạy trốn, anh hồì tưởng lại đêm tất niên tại ngôi biệt thự của bạn gái em. Đêm ấy, em đã hát bài “Ngàn Thu Áo Tím“, trong đó có những câu : “Khóc anh chiều tiễn đưa. Thế thôi tàn giấc mơ” và “ Mà sao anh đi, đi mãi không về nữa..  Khóc thương hình bóng xưa v..v..”.  Anh tự hỏi tại sao em hát bài đó để tặng riêng anh trong khi em thuộc nhiều bài hay  hơn, em lại không hát?. Phải chăng em đã “nói gở” báo trước ngày chúng mình phải xa cách nhau, mà  em đã “vô thức” biểu lộ ra  bằng những lời trong bài hát ? Phải chăng định mệnh đã an bài, và mối tình đôi ta bắt đầu chấm đứt từ đêm hôm ấy ?

 Em yêu, sở dĩ  anh không viết thư cho em là  vì anh không nhớ địa chỉ nhà em.Khi muốn đến nhà em, anh vừa đi vừa nhắm mắt cũng tới được. Vậy nhớ điạ chỉ để làm gì ? Hơn nữa Mỹ và Việt Nam là hai nước thù địch từ sau ngày 30-4-75, không có quan hệ ngoại giao, nên thư từ rất khó khăn.Và vì vậy ,anh coi chúng ta như đang sống ở hai thế giới âm dương cách biệt . Muốn gặp lại nhau, phải đợi tới khi chết .

  Khi việc định cư ở Mỹ tạm ổn định , anh đã lập gia đình với người con gái do người chị họ anh giới thiệu .Việc hôn nhân của anh theo “cách thức cổ điển “, tức là có người mai mối .Anh không hề date với cô ấy như anh đã từng date vói em hơn 4 năm .Sau khi quen cô ấy trong một thời gian ngắn, anh thấy cô ấy ngoan, hiền nên anh ngỏ lời cầu hôn, và cô ấy đã nhận lời . Con-thuyền-anh bắt đầu đậu tại bến-bờ-này từ đâỵ Vợ anh năm nay 38 tuổi, hơn em  một tuổi. Gia đình cô ấy không được khá giả nên sau khi học hết lớp12, cô ấy phải đi làm gíup đỡ gia đình, không có cơ hội được lên học đại học như em. Hiện nay anh và vợ anh sống rất hạnh phúc bên nhau và đã có 3 con .Kinh nghiệm cho anh thấy rằng tình yêu đến sau hôn nhân chỉ thiếu phần lãng mạn so với tình yêu đến trước hôn nhân . Nhưng nếu tình yêu đến trước mà hôn nhân  không thành, thì chỉ làm cho người trong cuộc đau buồn mà thôi …

 Em thấy đó, việc anh gặp vợ anh  như có ” duyên tiền định” đã xếp đặt từ trước .Định mệnh đã an bài, anh không thể biết trước, mà cũng không thể tránh được. Việc đến, nó sẽ phải đến . Cũng như việc anh và em phải chia lià xa cách nhau mà mình không thể tiên đoán được .

 Vợ anh làm teller cho nhà bank. Còn anh, mấy năm đầu ở Mỹ, anh làm cho một tiệm bánh, đến năm 1979, anh đi học accounting, và sau khi tốt nghiệp, anh làm cho hãng bảo hiểm nhân thọ từ dó đến nay. Đọc đến đây, em đã rõ cưộc đời riêng của anh hiện giờ ra sao.

 Anh đưa thư của em cho vợ anh đọc. Đọc xong, cô ấy bảo anh rằng cô ấy trả anh lại cho em, để 2 người yêu nhau cho trọn kiếp, nhưng với điều kiện : anh phải ra đi tay không, để lại 3 đứa con cho cô ấy, cùng căn nhà đứng tên chung…Anh không biết cô ấy nói thiệt hay nói đùa, nhưng trong thâm tâm anh, anh ước có phép thần để làm đảo ngược lại thời gian cách đây 20 năm, hoặc làm anh trẻ lại ở tuổi 30, để anh có thể làm lại cuộc đời  hầu đáp lại tình yêu của  em dành cho anh. Nay thì đã quá muộn, và anh thì chẳng có phép thần. Anh nay ở tuổi đã về già, đâu còn sức lực để làm lại cuộc nữa, anh không thể mang lại hạnh phúc cho em được ,nên dù thâm tâm anh có muốn, anh cũng đành give up. Hơn nữa vợ anh không phản bội anh, anh đâu có lý do phản bội cô ấy, và còn 3 đứa con anh nữa …

  Thu thương mến, mặc dầu anh không được diễm phúc cưới em làm vợ, nhưng anh vẫn thương yêu em như tình yêu người anh dành cho người em gái, và anh hằng cầu mong em luôn được hạnh phúc bên chồng con. Chúng ta đã gặp nhau trên đường đời, nhưng chúng ta không có duyên nợ với nhau, nên chúng ta đã không thành vợ chồng. Nay em đã yên phận gia đình bên chồng con, còn anh, anh có trách nhiêm với vợ con anh. Chúng ta hãy coi mối tình năm xưa là một kỷ niệm đẹp của tuổi thanh xuân trong cuộc đời chúng ta .

 Anh đã trải lòng mình (anh mượn chữ của em) trên 2 trang giấy, anh mong em hiểu và tha thứ  những lỗi lầm anh đã phạm trong quá khứ,làm em buồn khổ trong gần 20 năm xa cách nhaụ .Anh mượn 4 câu thơ của một nhà thơ tiền chiến để nói với em tất cả tình của anh dành cho em ở kiếp này :  

Hẹn đến luân hồi sẽ gặp nhau

Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau,

Chờ anh dưới gốc sim già, nhé  ,

Anh hái đưa em đóa mộng đầu .

 Vâng, anh hái trao em đóa mộng đầu để làm quà sính lễ xin cưới em làm người vợ muôn thuở .

                                                                                                                       Anh,

                                                                                                                      Hoàng

Hoàng viết xong bức thư, gấp lại, bỏ vào phong bì, rồi để vào trong ngăn kéo bàn viết. Ngày mai anh sẽ ra bưu điện gửi bảo đảm để chắc chắn thư sẽ đến tay Thu .

Chiếc đồng hồ Grandfather ở phòng khách ngân vang “tính, tình, tang tình”’ rồi gõ một tiếng “coong” độc nhất: báo hiệu một giờ đêm. Trong phòng ngủ, vợ và  3 đứa con Hoàng đang đắm chìm trong giấc điệp. Ngoài trời vạn vật chìm đắm trong đêm khuya yên tịnh. Hoàng vươn vai đứng dậy đi ra khỏi bàn viết, mở cửa phòng khách, bước xuống bậc tam cấp trước cửa nhà, rồi làm vài động tác hít thở. Một cơn gió nhẹ thổi qua, đem theo hơi lạnh ban đêm, làm mấy chiếc lá vàng trên cây phong lan trồng giữa vườn trước nhà, rơi lác đác xuống bãi cỏ xanh dưới ánh trăng  thu . Hoàng  buột miệng nói một mình:

–  Trời hơi se lạnh., đã bắt đầu chớm thu rồi .

Bất giác Hoàng ngẩng đầu nhìn lên bầu trời trong xanh đầy sao, ngay lúc ấy, một vì sao vừa đổi ngôi.  Hoàng lẩm bẩm  lặp lại câu Thu nói năm xưa, khi Thu và Hoàng ngồi chơi trong vườn sau nhà Thu, dưới ánh trăng rằm :

– Một linh hồn vừa lìa duơng thế .

Nói xong và nghe tiếng mình nói, Hoàng nhớ lại Thu nói với  anh : ngày xưa khi Thu còn bé, bà nội Thu  giải thích choThu về hiện tượng sao đổi ngôi : Hễ mỗi lần trên trời có một vì sao đổi ngôi, thì ở dưới thế có một linh hồn vừa mới lìa trần. Lớn lên Thu vẫn ngây thơ tin như vậy .

Ngoài đường lớn, một chiếc xe cứu thương chạy ngang qua khu nhà Hoàng, vừa chạy vừa hú còi ré  lên inh ỏi, phá tan sự tĩnh mịch trong đêm khuya….

Virginia , mạnh thu 2011

Vũ Bá Hoan

(1) Xin phép Nhạc Sĩ Hoàng Trọng cho trích lời bài nhạc “Ngàn Thu Áo Tím “ .

Visits: 458

Quanh Đại Hội XII Đảng Cộng Sản Việt Nam

Lê Văn Tư

Viet_party_congress_640x360_getty_nocredit

Trong một đất nước dân chủ, việc quan trọng nhất đối với người dân là bầu cử vị lãnh đạo tối cao, để chọn mặt gởi vàng, mọi người phải biết chương trình hành động, khả năng thuyết phục của từng ứng cử viên, khuynh hướng chung của cử tri thể hiện qua các cuộc thăm dò dư luận, không khí tranh cử nhờ thế thật hào hứng, kết quả bầu cử được mọi người háo hức chờ đợi, khác hẳn với các nước độc tài độc đảng như Việt Nam, người dân không có quyền bầu người lãnh đạo thực sự của mình, việc hệ trọng này do đảng quyết định một cách bí mật, người dân bị cấm xía vô, mặc dầu hiến pháp (HP) ghi rõ: «Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân» (Điều 2 HP), HP như vậy chẳng khác gì tờ giấy lộn, người dân chỉ ăn bánh vẽ.
Như đại hội (ĐH) đảng cộng sản hiện nay, mọi quyết định sinh mệnh đất nước do một nhóm người thuộc đảng cộng sản thu hẹp trong bộ chính trị (BCT), hiện gồm 16 người, từ đó họ đưa ra 4 nhân vật nắm quyền trong guồng máy cai trị, được coi là tứ trụ triều đình (tứ nhân bang), đó là tổng bí thư (TBT), chủ tịch nước (CTN), thủ tướng (TT) và chủ tịch quốc hội (CTQH).
Theo HP: «Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.» (Đ 86), TT là người đứng đầu chính phủ, mà «Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp.» (Đ 94), cả hai đều do QH bầu và chịu trách nhiệm trước QH, nhưng vai trò của chủ tịch QH lại rất mờ nhạt: «Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; … » (Đ 72), tuy 3 nhân vật này được qui định trong HP nhưng thực quyền lại thuộc nhân vật thứ tư không có nêu danh trong HP.
HP ghi rõ: «Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.» (Đ 119) nhưng không có điều khoản nào dành cho tên thứ tư này cả, tức không có qui định trách nhiệm hay quyền hạn nào nhưng quyền uy lại bao trùm cả nước, đó là TBT đảng cộng sản.
Tưởng cũng cần nhắc qua về cơ chế quyền lực bắt đầu từ ĐH đảng, mỗi 5 năm họp một lần, kỳ này gồm 1510 đại biểu cấp cơ sở, đại diện cho 4,5 triệu đảng viên, họ bầu ra BCHTƯ gồm ủy viên chính thức và dự khuyết (180 ủy viên chính thức, 20 dự khuyết), «Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư trong số Uỷ viên Bộ Chính trị; thành lập Ban Bí thư gồm Tổng Bí thư, một số Uỷ viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số Uỷ viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.» (Đ17 Điều lệ đảng); điểm cần ghi nhận là TBT trước hết phải là thành viên BCT, tức coi như được bầu 2 lần.
Thoạt nhìn tưởng là dân chủ lắm, nhưng kỳ thực mọi ủy viên trung ương và thành viên trong BCHTƯ, BCT, … đều được sắp xếp trước theo đúng tiêu chuẩn định sẵn, nhưng lần sắp xếp này có điều bất thường trong nhóm chóp bu, nhiều tin tức tiết lộ là có sự tranh chấp gay gắt giữa Nguyễn Phú Trọng (NPT) được BCT hậu thuẫn và Nguyễn Tấn Dũng (NTD) được BCHTƯ hậu thuẫn, việc hục hặc giữa 2 nhân vật này âm ỉ từ lâu, lộ rõ nhứt là từ khi BCT toan tính hạ bệ đồng chí X (ám chỉ NTD) trong hội nghị BCHTƯ 6 (tháng 10-2012) bằng biện pháp kỷ luật nhưng BCHTƯ lại không chấp thuận, khiến blogueur Trương Duy Nhất “đặt câu hỏi: “Tại sao cái tên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- người bị BCT yêu cầu kỷ luật cũng không dám công khai, phải nói trại ra là “một đồng chí ủy viên BCT” như kiểu không dám gọi đích danh mấy loại tàu cướp của Trung Quốc mà phải gọi là “tàu lạ” vậy?» (trong bài tựa: Không nêu tên ‘đồng chí X’ là hèn hạ?), khiến ông Lê Đăng Doanh ngạc nhiên: «Điều đáng chú ý là, Bộ Chính trị đã 100% đồng ý là xin nhận khuyết điểm, và xin Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật tập thể Bộ Chính trị và một thành viên, một Ủy viên của Bộ Chính trị. Điều đáng ngạc nhiên là sau đó, Ban Chấp hành Trung ương đã không đồng ý, cả kỷ luật Bộ Chính trị, cũng như kỷ luật «đồng chí».
Thật vậy, NTD không những chẳng bị hạ bệ mà còn được BCHTƯ xếp vào hàng được tín nhiệm nhứt (hơn cả Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng), theo kết quả đánh giá trong hội nghị 10 vào đầu năm 2015:

Nguyễn Tấn Dũng: 152 điểm tín nhiệm cao

Trương Tấn Sang: 149

Nguyễn Phú Trọng: 135

Nguyễn Sinh Hùng: 126

Sự kiện này xác nhận uy thế của NTD trong đảng hơn NPT, xét về mặt quyền hạn thì thủ tướng đứng hàng thứ 3 trong tứ trụ nhưng quyền lợi hơn hẳn mấy tên kia, nên hục hặc nhau cũng chẳng qua là trâu cột ghét trâu ăn, nhờ có phương tiện nên NTD mua chuộc được nhiều đàn em, gây thanh thế trong BCHTƯ, dựa vào đó mà nhiều nhà bình luận trong cũng như ngoài nước đều suy đoán là NTD nắm thế thượng phong trong cuộc tranh giành quyền lực hiện nay.
Nhưng nhiều tin tức tiết lộ gần đây, thế cờ đã đảo ngược, phe NPT đang thắng thế, áp đặt mọi rào cản ngăn chận phe NTD phản phé như trước đây:
– một mặt dựa vào điều lệ đảng, quy chế bầu cử, điều 13 Quyết định số 244/QĐ-TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng: «Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.», tức BCT nắm độc quyền giới thiệu người vào BCT, gọi là «chốt danh sách» (hiểu là khóa sổ ghi danh), một khi NTD bị gạt ra khỏi danh sách đề cử hay ứng cử vào BCT thì con đường hoạn lộ coi như chấm dứt.
– một mặt đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắc khe (các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi, ..tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc…), xem qua ai cũng biết là nhắm vào NTD, đặc biệt là cho đàn em tung ra những đòn hạ tiện để bôi bác lẫn nhau.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A: « ….Về mặt tranh giành quyền lực, họ sử dụng những biện pháp vô cùng thô bỉ và bẩn thỉu để sát hại lẫn nhau. Điều đó chỉ chứng tỏ những người như thế và một cái tổ chức như thế không có tư cách để làm lãnh đạo…. » (trả lời phỏng vấn đài RFI ngày 11-1-2016)

Cứ nhìn vào những điều bất thường trong việc chuẩn bị ĐH tất thấy mức độ tranh chấp khốc liệt là dường nào!

Về sắp xếp nhân sự, các phiên họp BCHTƯ 13 (từ 14 đến 21-12-2015) và 14 (từ 1 đến 13-1-2016) chỉ cách nhau mươi ngày, cách đại hội một tuần lễ (từ 21 đến 28-1-2016), vấn đề sắp xếp nhân sự vẫn chưa ngã ngũ, hôm bế mạc hội nghị trung ương 13, TBT phát biểu: «Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ và biểu quyết, nhất trí cao thông qua danh sách đề cử các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa 11 (cả chính thức và dự khuyết) trong độ tuổi và các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa 11 thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa 12.», nhưng thật sự đã có sự bất đồng nghiêm trọng đến độ phải gấp rút tổ chức thêm hội nghị 14, gọi là để «Tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự chủ chốt khóa XII, thảo luận, xem xét, quyết định công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XII.»

Về tuổi tác, NPT tuy quá tuổi qui định, lại lớn tuổi nhứt trong BCT, cách 5 tuổi so với nhóm kế tiếp (72 tuổi trong khi Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, 67, NTD chưa tới 67) vẫn được quyền ở lại vài năm nữa, gọi đó là thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khoá XII, qua phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ hôm 16-1-2016, ông Vũ Ngọc Hoàng – ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương cho biết: «Trung ương đã thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” giới thiệu tái cử khóa XII. Trước hết Trung ương bỏ phiếu quyết định chọn phương án một trường hợp “đặc biệt”, hai trường hợp “đặc biệt” hay ba trường hợp “đặc biệt”. Cuối cùng Trung ương quyết định chọn phương án một trường hợp “đặc biệt”, vì yêu cầu cần trẻ hóa, yêu cầu ổn định, cần có một sự kế thừa trong tình hình hiện nay, đoàn kết, tập hợp lực lượng. Bộ Chính trị cũng đề nghị như thế.»
Tiết lộ này giải mã tin đồn nếu cho NTD ngồi lại (hai trường hợp “đặc biệt”) thì Trương Tấn Sang cũng đòi ngồi lại (ba trường hợp “đặc biệt”), cuối cùng chọn phương án một trường hợp “đặc biệt”, điều này xác nhận Trương Tấn Sang cùng phe NPT trong âm mưu triệt hạ đồng chí X; cũng cần nhắc lại các tiêu chuẩn nhằm loại NTD trong đó có tiêu chuẩn «tham vọng quyền lực», nay chính Nguyễn Phú Trọng lại là người tham quyền cố vị.
Lưu dụng một tên già nua nhứt cầm chịt đảng có nghĩa là các đảng viên khác đều thiếu khả năng (toàn một lũ ăn hại đái nát!), việc lưu dụng tạm thời có thể hiểu là việc tranh ăn vẫn chưa ngã ngũ.

Về việc bảo vệ an ninh ĐH, đảng phải huy động «hơn 5.000 cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân cùng các phương tiện trang, thiết bị chuyên dụng chống bạo động, khủng bố với quyết tâm bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, với tinh thần, chủ động trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ.», làm gì cần phải huy động một lực lượng hùng hậu chống bạo động, khủng bố để bảo vệ một phiên họp giữa các đồng chí với nhau, sự kiện này cho thấy sự rạn nứt nội bộ nghiêm trọng đến độ là họ đang sống trong hoảng loạn.

Trong cuộc thư hùng sống mái này, hai bên thắng thua đều sứt đầu mẻ trán, đảng cộng sản như con quái vật bị chấn thương, mối thâm thù Trọng -Dũng sẽ di căn, bọn thắng chắc chắn sẽ tiếp tục đè bẹp phe thua, phe thua sẽ tìm mưu kế phản ứng lại, biết đâu đây lại là cơ may để người dân nhập cuộc hơn nữa, tạm thời có thể thúc đẩy phe muốn chuyển hóa đất nước theo chiều hướng dân chủ, đà dân chủ hóa sẽ được tăng tốc, còn phe phản động đang lâm vào thế yếu, đà dân chủ cũng có thể nhờ đó mà vươn lên.
Nghĩ thật khôi hài mấy tiêu chí đại hội:”Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Đổi mới”.

Thực tế chứng minh hoàn toàn ngược lại:
– «Đoàn kết» giữa các đồng chí là những đòn ngầm sát phạt lẫn nhau,

– «Dân chủ» là những người cũ hay sắp sửa ra đi chọn trước thành phần lãnh đạo mới,

– «Kỷ cương» là tùy tiện sửa đổi những nguyên tắc căn bản về ứng cử bầu cử, tự cho mình có quyền lưu nhiệm,

– «Đổi mới mà thực ra là chúng ta lùi lại chứ không phải đổi mới. Đổi mới là so với những cái chúng ta đã làm sai 20 năm thì gọi là đổi mới.» (Gs Trần Phương góp ý ở ĐH11), đúng như Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh vạch ra trong bài tham luận trước ĐH ngày 22-1-2016: «Nhìn lại thực tế 30 năm qua, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất của công cuộc đổi mới là đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường.», xem thế thì đủ biết đảng cộng sản đã kéo lùi đà tiến của dân tộc là dường nào!

Đúng như các nguồn tin tiết lộ, kết quả bầu cử BCHTƯ và BCT đúng theo dàn dựng trước, tứ nhân bang được xếp vào hàng đầu BCT:
1. Nguyễn Phú Trọng (1), tái Tổng Bí thư.
2. Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an
3. Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội

6. Nguyễn Xuân Phúc, Phó TT

Trong đó, 3 nhân vật được chỉ định trước:
Chủ tịch nước: Trần Đại Quang (2)
Thủ tướng; Nguyễn Xuân Phúc (3)
Chủ tịch quốc hội: Nguyễn Thị Kim Ngân
các đại biểu QH chỉ làm nhiệm vụ hợp thức hóa quyết định của đảng, các đại biểu đảng viên phải làm theo chỉ thị đã đành, kỳ dư cũng chỉ là những con rối.

(1) Nguyễn Phú Trọng, không có lời nào phản đối ngay khi Tàu đặt dàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014
(2) Trần Đại Quang, gốc bộ trưởng công an, người ra lịnh đàn áp thô bạo các cuộc xuống đường chống quân xâm lược Tàu
(3) Nguyễn Xuân Phúc, gốc phó Thủ Tướng, người hô hào chống tham nhũng nhưng có nhiều nhà cửa nguy nga cả trong lẫn ngoài nước, con cái du học ăn chơi trác táng, cũng là người cấu kết với Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang trong âm mưu hạ bệ NTD (theo blog Chân dung quyền lực: http://chandungquyenluc.blogspot.ru/, tuy đã ngưng hoạt động nhưng vẫn có thể vào xem các tài liệu lưu trữ).
Một ít «thành tích» đối với quân xâm lược và đất nước của họ cho thấy việc mong đợi «đổi mới hệ thống chính trị là điều kiện để phát triển» như tham luận của ông Bùi Quang Vinh hãy còn xa vời.

Dầu trong tình huống nào, khuynh hướng dân chủ hóa không ngừng gia tăng, các yếu tố thiên thời -địa lợi -nhân hòa đang dần dần hội đủ, phong trào xã hội dân sự đang phát triển, một khi các tổ chức dân sự độc lập bành trướng thì các hoạt động chính thống và ngoại vi của đảng sẽ teo tóp dần (báo tư nhân xuất hiện, không ai đọc báo đảng, nghiệp đoàn độc lập ra đời, công nhân sẽ bỏ công đoàn nhà nước, …

Khởi điểm của một quá trình kết thúc chế độ độc tài đảng trị bắt đầu.
Một vận hội mới đang mở ra.

Lê Văn Tư (ĐS 8)

Visits: 529

Liên Hiệp Quốc: 70 Năm Hỗ Trợ Kinh Tế Xã Hội Thế Giới

Lê Văn Bỉnh

LHQ

Ngày 24/10/15 vừa qua, Liên Hiệp Quốc tròn 70 tuổi.  Được hình thành sau Thế Chiến Thứ Hai tại San Francisco để thay thế Hội Quốc Liên (The League of Nations) thành lập năm 1920 — vốn đã không được Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn, cũng như sự gia nhập trể của Đức (1926) và Liên Xô (1934), và nhất là đã không ngăn cản được cuộc chiến tàn khốc đang xảy ra — tổ chức mới này đã được chuẩn bị chu đáo với sự tham dự của 282 đại biểu và 2,400 nhân viên yểm trợ đến từ 51 quốc gia.  Sau 2 tháng làm việc, bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (Charter of the United Nations) đã được ký kết ngày 26/6/1945, tức 2 tuần lễ trước khi Đức và vài tháng trước khi Nhật Bản đầu hàng.

 Tổ chức LHQ ra đời nhằm 4 mục tiêu: (1) Duy trì hòa bình và an ninh thế giới, ngăn ngừa và loại trừ các đe dọa hòa bình, tôn trọng các nguyên tắc công lý và luật pháp quốc tế; (2) Phát triển mối bang giao hữu nghị giữa các quốc gia dựa trên quyền bình đẳng, tự quyết của các dân tộc, sử dụng mọi biện pháp thích nghi để duy trì hòa bình; (3) Đạt tới sự hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo; cổ vũ và khuyến khích tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cho mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo; và (4) Là trung tâm hài hòa hoạt động của các quốc gia để đạt các mục tiêu trên.

Nhìn qua, chúng ta nhận ngay ra rằng những người sáng lập LHQ có ý định liên kết an ninh và nghèo đói thế giới.  Theo họ, chính cuộc Đại Suy Thoái (Great Depression) vào đầu thập niên 1930  đã đem lại bất ổn kinh tế trên thế giới, giúp Đức Quốc Xã lên nắm chính quyền ở Đức và đưa thế gìới vào cuộc đại chiến tranh tàn phá và chết chóc. Tránh kinh tế sụp đổ có thể tránh được chiến tranh; đó là ước nguyện đầu tiên hình thành LHQ.

Bài viết này phác họa một số thành tựu riêng về phương diện kinh tế, xã hội mà LHQ mang lại sau 70 năm thành lập.

***

Về phương diện tổ chức, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (The General Assembly) là bộ phận có thẩm quyền tối cao của LHQ; gồm tất cả các quốc gia hội viên. Dưới đó là: Hội Đồng Bảo An (The Security Council), Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội (The Economic and Social Council), Hội Đồng Ủy Trị (The Trusteeship Council), Tòa Án Công Lý Quốc Tế (The International Court of Justice), và Văn Phòng Tổng Thư Ký (The Secretariat).

Thành phần, nhiệm vụ và sự điều hành của Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội (HĐKTXH) được qui định trong các Điều 61-72 của Hiến Chương.  Từ nhiều năm nay, HĐ gồm 54 thành viên do ĐHĐ bầu ra với nhiệm kỳ 3 năm. năm. Đa số thành viên đến từ các nước đang phát triển: 14 nước từ Châu Phi, 11 từ Châu Á, 6 từ Đông Âu, 10 từ Châu Mỹ Latin và Vùng Carribean,  13 từ Tây Âu hay nơi khác. HĐ họp mỗi năm 2 lần.

HĐ giám sát nhiều chương trình và quỹ, 9 phái bộ chức năng, 5 phái bộ cấp vùng, các cơ quan chuyên môn và nhiều bộ phận khác.  Nói chung, số cơ quan và các chương trình trực thuộc HĐKTXH qua thời gian được thêm bớt theo nhu cầu, ngân sách và đòi hỏi của số hội viên LHQ càng ngày càng đông.  Nhiệm vụ của HĐ nhiều khi trùng dụng, chòng chéo. Hiện nay, nhân số của LHQ nói chung khoảng 9000 người, tức đã giảm đi 25% sau đợt cải tổ hành chánh năm 1997.

Trong 5 nhóm dưới đây, xin chỉ liệt kê một số cơ quan mà chúng ta thường nghe nói đến.

1.Các Chương Trình và Quỹ:

  • Hội Nghị Thương Mại và Phát Triển LHQ (UN Conference and Trade, UNCTAD), sản sinh ra World Trade Organization, WTO
  • Chương Trình Phát Triển LHQ (UN Development Program. UNDP) có văn phòng trên 160 quốc gia, đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo đói, cải thiện môi sinh, phát triển bền vững, bảo vệ nhân quyền.
  • Văn Phòng Cao Ủy Tị Nạn LHQ (Office of the UN High Commissioner for Refugees, UNHCR)
  • Quỹ Nhi Đồng Quốc Tế LHQ (UN Children’s Fund)
  • Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới (World Food Program)
  • Chương Trình Môi Sinh LHQ (UN Environment Programme) v.v.

2.  Các Phái Bộ Chức Năng (Functional Commissions)

  • Dân Số và Phát Triển (Population and Development)
  • Phát Triển Xã Hội (Social Development)
  • Phát Triển Bền Vững (Sustainable Development)
  • Qui Chế Phụ Nữ (Status of Women)
  • Ma Túy (Narcotic Drugs)
  • Ngăn Ngừa Tội Phạm và Công Lý Hình Sự (Crime Prevention and Criminal Justice) v.v.

3. Năm Phái Bộ Cấp Vùng (Regional Commissions)

  • Phái Bộ Kinh Tế Châu Phi (Econ. Comm. for Africa)
  • Phái Bộ Kinh Tế Châu Âu (Econ. Comm. for Europe)
  • Phái Bộ Kinh Tế Châu Mỹ Latin và Vùng Caribbean (Econ. Comm. for Latin America and the Carribean)
  • Phái Bộ Kinh Tế và Xã Hội Châu Á và Vùng Thái Bình Dương (Econ & Soc. Comm for Asia and Pacific)
  • Phái Bộ Kinh Tế và Xã Hội Tây Á (Econ & Soc for Western Asia)

4. Các Cơ Quan Chuyên Môn (Specialized Agencies) Gồm 15 cơ quan tự trị, hoạt động với các bộ phận khác của LHQ qua sự phối hợp của HĐKTXH:

  • Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (International Labor Organization, ILO)
  • Tổ Chức Lương Nông LHQ (Food and Agriculture Organization of the UN, FAO)
  • Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization, WHO)
  • Nhóm Ngân Hàng Thế Giới (World Bank Group)
  • Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund, IMF)
  • Quỹ Phát Triển Nông Nghiệp Quốc Tế (International Fund for Agricultural Development, IFAD)
  • Tổ Chức Phát Triển Kỹ Nghệ LHQ (United Nations Industrial Organization (UNIDO) vv.

5. Các Ủy Ban Khác

  • Ủy Ban Chính Sách Phát Triển(Committee for Development Policy)
  • Ủy Ban Các Chuyên Gia Hành Chánh (Committee of Experts on Public Administration)
  • Ủy Ban Các Tổ Chức Phi Chính Phủ (Committee on Non-Governmental Organizations) v.v.

Hoạt động của 5 nhóm này được phối hợp nhằm “cải tiến mức sống, toàn dụng nhân công, điều kiện tiến bộ và phát triển kinh tế và xã hội” do Hiến Chương LHQ đề ra. Tuy nhiên đóng góp quan trọng nhất của LHQ nói chung, và HĐKTXH nói riêng, chính là cung cấp diễn đàn để các quốc gia phát biểu ý kiến và lập trường của mình đối với vấn đề an sinh và phát triển con người. Tiếng nói này có các tính chất sau đây: phổ quát (universality, bảo đảm tất cả quốc gia đều được quyền phát biểu ý kiến trước khi lấy quyết định), không cục bộ (impartiality, không vì lợi ích riêng lẻ nào), hiện diện toàn cầu (global presence, có mạng lưới lớn với nhiều trụ sở để thực hiện công tác phát triển); và cam kết (commitment, với các dân tộc khác của LHQ).

Trong 70 năm vừa qua, số quốc gia hội viên của LHQ đã tăng lên rất nhanh: từ 51 khi thành lập năm 1945; lên 67 năm 1955 với sự gia nhập của các quốc gia vừa thoát khỏi đô hộ sau Thế Chiến; rồi 159 năm 1989; và hiện nay là 195 sau sự tan vỡ của khối Cộng.

 Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ngoài 2 khối tư bản và cộng sản đối kháng nhau rõ rệt về chủ trương cũng như tổ chức chính trị và kinh tế, còn có “Phong Trào Không Liên Kết” (Non-aligned Movement), mà số hội viên cũng tăng lên từ từ: 25 năm 1961; lên đến 77 năm 1964, tiến đến việc thành lập  nhóm “Group of 77” (G-77) vào ngày 15/6  tạo sức mạnh chung của các nước đang phát triển  để thương lượng về thương mại và tiền tệ với các nước phát triển kinh tế Tây phương.

Một thập niên sau, vào năm 1974, gặp khó khăn vì cuộc khủng hoảng nhiên liệu do các nước sản xuất dầu hỏa gây ra, Nhóm 77 này –với số hội viên lúc bấy giờ lên trên 120– đã thúc đẩy LHQ đưa ra một trật tự kinh tế mới,với tên gọi là New International Economic Order (NIEO) nhằm thay thế cho trật tự đang bị Hoa Kỳ và các cường quốc kinh tế khác khống chế, với ý muốn được tham dự vào việc hình thành chính sách kinh tế thế giới. Tổ chức UNCTAD – lúc đó được gọi là câu lạc bộ của các nước nghèo — được hình thành từ đó. Tuy nhiên yêu cầu cải cách này của Nhóm không đem lại kết quả đáng kể. Lời hứa từ thập niên 1970 của các nước phát triển là bỏ ra 0,7% tổng sản lượng quốc gia (GNP) — về sau đổi thành tổng lợi tức quốc gia (GNI) — của mình cho mục tiêu trợ giúp (official development assistance, ODA, tức cho không và cho vay nhẹ lãi) các quốc gia nghèo, trong đó có hầu hết các hội viên của Nhóm, chỉ được mấy nước (Đan Mạch, Lục Xâm Bảo, Hòa Lan, Thụy Điển và Na Uy) giữ lời! Tuy nhiên về số tiền đóng góp, thì Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh và Nhật vẫn là những nước đóng góp nhiều nhất.

Lý do là có 2 khuynh hướng trái ngược nhau về viện trợ cho các nước đang phát triển, mặc dù cả hai đều đồng ý cần cứu trợ khẩn cấp trong trường hợp thiên tai, đói, bệnh hay xung đột vv. .  Một khuynh hướng phản đối, trong đó có kinh tế gia Hoa Kỳ William Easterly đã từng làm việc nhiều năm cho USAID, cho rằng viện trợ không giúp ích được bao nhiêu cho phát triển kinh tế vì nó không những làm cho nước nhận mất đi tinh thần tự lực cánh sinh, mà còn khiến họ ỷ lại và lệ  thuộc vào nước cấp viện.  Trong khi đó, Jeffrey Sachs lại chủ trương rằng các nước nghèo có thể tìm ra được lối thoát thích hợp nếu có nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài đưa vào. Chủ trương của Sachs được LHQ tán dương và ông là Cố Vấn Kinh Tế của LHQ trong nhiều năm nay.

Ngày nay, mặc dầu số hội viên lên đến 134, nhưng tên gọi của Nhóm vẫn đươc giữ như cũ. Có người cho rằng Nhóm 77 này là “một tổ chức trong một tổ chức.”  Nghĩa là về kinh tế và xã hội, LHQ  có  2 bộ  phận lớn “đồng sàn dị mộng” Thật vậy, trong khi các nước phát triển đặt trọng tâm vào các mục tiêu như ưu tiên vai trò thị trường, cai quản tốt (good governance), nguyên tắc pháp trị (rule of law), tôn trọng nhân quyền trong nước, thì các quốc gia đang phát triển lại đòi hỏi san bằng bất bình đẳng kinh tế, kêu gọi các nước giàu hãy giảm hoặc hủy nợ, tăng cường viện trợ, tạo điều kiện dễ dãi cho họ xuất cảng  vv. Vào các thập niên 1960-1970, các nước đang phát triển cho rằng chính quá khứ bị đô hộ đã làm cho họ phải chậm phát triển dù đã được độc lập về chính trị. Qua nhiều thập niên phát triển (decades of development) do LHQ chủ xướng, khởi đầu từ năm 1961, qua các chương trình viện trợ kỹ thuật, giáo dục, tư bản (cho không, hoặc cho vay nhẹ lãi từ các nước giàu hay Ngân Hàng Thế Giới), cũng như tạo điều kiện nhập cảng dễ dàng hơn (giảm hay bỏ hạn ngạch, thuế quan vv.) từ phía các nước giàu, nền kinh tế của hầu hết các nước đang phát triển cũng có thay đổi, nhưng không nhiều như mong muốn, thậm chí có vài nước còn thụt lùi.  Cuối cùng, thì đôi bên mới nhận thức được “chân lý”: Nguồn gốc chủ yếu cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia chính là tài nguyên nhân lực của quốc gia đó.  Vấn đề là làm sao phải khai thác và phát triển được tiềm năng nhân lực này – tài năng và sự sáng tạo — qua hệ thống giáo dục, y tế, cũng như tham dự của họ trong quá trình quyết định chính sách  và đường lối phát triển cộng đồng trong đó họ đang sinh sống.

Dưới bóng dù LHQ, kinh tế thế giới tiến tới toàn cầu – kinh tế thị trường — tương đối chậm.  Mới đầu qua cơ cấu GATT (General Agreement on Tariffs and Trade) hình thành từ 1947 và được xem là câu lạc bộ của các nước giàu có kỹ nghệ phát triển.  Lần lượt qua khá nhiều vòng đàm phán và thương lượng về thuế quan, hạn ngạch và những rào cản khác giữa các nước đã phát triển và đang phát triển.  Vòng đàm phán Uraguay bắt đầu tháng 9/1986 và kéo dài đến 87 tháng với 123 nước tham gia đưa đến sự thành lập WTO. Đến tháng 4/2015, WTO có 161 hội viên chính thức trong đó có cả Nga (8/2012 sau 18 năm thương lượng) và 23 hội viên quan sát, trong đó có Iran, Iraq).

Mãi đến đầu thiên niên kỷ này, LHQ mới đưa ra một lịch trình phát triển cụ thể có tính cách toàn cầu, được nhiều người tán dương mặc dù cho đó là tương đối trể.  Đó là Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ (The Millennium Development Goals, MDGs). Lịch trình này gồm 8 mục tiêu lớn (8 goals) với 14 chỉ tiêu (targets): (1) Xóa nạn cực nghèo và nạn đói (1990 – 2015 giảm nửa dân số mà lợi tức chỉ 1 đô la/ngày, và gỉảm nửa dân số chịu đói); (2) Đạt đưọc giáo dục phổ thông cấp một cho tất cả trẻ em trai gái; (3) Cổ vũ bình đẳng về giới tính và tăng quyền cho phụ nữ (dự ước không còn cách biệt giữa nam nữ trong giáo dục cấp 1 và cấp 2 vào năm 2005, và ở mọi cấp vào năm 2015; (4) Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em (2/3 cho trẻ dưới 5 tuổi); (5) Cải tiến sức khỏe của sản phụ (giảm 3/4 mức tử vong trong thời gian 1990 – 2015); (6) Chống các bệnh HIV/AID, sốt rét và các bệnh khác (giảm xuống phân nửa mỗi loại vào năm 2015); (7) Bảo đảm sự bền vững của môi sinh (hội nhập các nguyên tắc phát triển bền vững vào các chính sách và chương trình của mỗi quốc gia và đảo ngược sự mất mát về môi trường; giảm nửa số người không tiếp cận được nước uống vệ sinh vào năm 2015; cải thiện đời sống cho ít nhất 100 triệu người trong khu nhà ổ chuột; (8) Phát triển đối tác toàn cầu để phát triển (*Phát triểm thêm hệ thống thương mại và tài chính mở rộng, dựa trên qui luật, có thể tiên liệu được và không kỳ thị — bao gồm sự cai quản tốt, phát triển và giảm nghèo, quốc nội và quốc tế; *Đối phó với Những Nhu Cầu Đặc Biệt Của các Nước Chậm Phát Triển Nhất – bao gồm: miễn quan thuế và hạn ngạch cho hàng xuất cảng của các quốc gia này, đẩy mạnh chương trình giảm nợ cho Các Quốc Gia Với Nợ Nần Chồng Chất (Heavily Indebted Poor Countries, HIPCs) và hủy bỏ các món nợ song phương thuộc chính quyền, và viện trợ ODA hào phóng hơn cho những quốc gia cam kết giảm nghèo); *Đối phó với Những Nhu Cầu Đặc Biệt của các quốc gia nằm lọt trong đất liền và các đảo nhỏ (qua Chương Trình Hành Động Để Phát Triển Bền Vững Cho Các Tiểu Đảo Quốc Đang Phát Triển); *Đối phó toàn bộ với các vấn đề nợ nần của các nước đang phát triển qua các biện pháp quốc nội và quốc tế nhằm giúp kham đưọc nợ nần trong dài hạn; *Cộng tác với công ty sản xuất dược phẩm, cung cấp thuốc trị bịnh thiết yếu với giá phải chăng tại các nước đang phát triển; cộng tác với khu vực tư để giúp cho kỹ thuật mới, đặc biệt về thông tin và liên lạc có thể tới tay dân chúng.

Nhìn qua, người ta thấy 7 mục tiêu đầu tiên được chia cắt ra riêng lẻ và cụ thể; chứ không phải nói tổng quát là “phát triển” với GDP hay GNI tăng tỷ lệ mấy phần trăm như những thập niên trước đó. Lý do chính là khi đề cập đến phát triển, thì phải nói đến cả tăng trưởng (growth), về xuất lượng, lợi tức, vv. lẫn những thay đổi (changes) về cơ cấu tổ chức chính trị & hành chánh, phẩm chất đời sống dân chúng vv. Đó là điều mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam Cộng Sản trong nhiều năm trước đây, không muốn nói đến.  Sự chia cắt riêng lẻ này vừa tạo cơ hội và trách nhiệm đóng góp của các cơ quan trong 5 nhóm kể trên; nhưng đàng sau đó cũng là lý do để biện minh cho sự tồn tại của những cơ quan này.

Ngay cả mục tiêu “phát triển bền vững” đề cập ở mục tiêu 7 cũng là cả một lịch sử dằng co giữa 2 nhóm các nước phát triển và nhóm các nước đang phát triển. Ngay từ 1972, khi bàn về các ảnh hưởng xấu của phát triển kinh tế đối với môi sinh ô nhiễm, bà Thủ Tướng Ân Độ Indira Gandhi đã tuyên bố đưa ra một so sánh để đời.  Theo bà, “nghèo nàn là nguồn ô nhiễm lớn nhất” (poverty is the greatest polluter). Thoạt tiên, khi khái niệm phát triển kinh tế bền vững (sustainable devevelopment), tức phát triển mà không làm phương hại cho các thế hệ về sau, trở thành chủ trương của LHQ, thì nhiều nước Nam Bán Cầu cho rằng đây là âm mưu của các nước Bắc Bán Cầu “qua sông rồi rút cầu” để cản bước tiến kinh tế của họ.

Riêng mục tiêu thứ 8 được đề cập với 7 chỉ tiêu gồm nhiều chi tiết. Nhưng cái chung của tất cả 7 chỉ tiêu này là kêu gọi sự đóng góp hào hiệp từ các quốc gia phát triển, nghĩa là nhà giàu phải giúp nhà nghèo, vì đó là bổn phận, là nhân đạo.  Điều này nhắc chúng ta nhớ lại “viện trợ” trong thời kỳ chiến tranh lạnh.  Cũng xin nói rõ, “viện trợ” trong thống kê của các nước cấp viện trợ liệt kê nhiều thành phần rất ôm đồm và phức tạp.  Nó bao gồm: cho không, cho mượn, cho vay nhẹ lãi, bão kê nợ, xoá nợ, giảm nợ, gửi chuyên viên kỷ thuật đến, cấp học bỗng cho sinh viên du học, công chức tu nghiệp, dự hội nghị, vv. Không hiếm khi cho bằng tay mặt, lấy lại bằng tay trái, mà đôi khi lấy lại nhiều hơn cho ra!  Các nước “ít phát triển” (less developed countries) thủa đó cũng “làm eo làm sách”, mặc cả chính trị vì biết rằng nghiêng sang “tư bản” thì đưọc cấp cho cái nhà máy, một xa lộ; nghiêng sang “cộng sản” thì được cái cây cầu, thậm chí cả cái đập nước vv. Tuy nhiên, thử hỏi có mấy quốc gia cho đi mà không có hậu ý, không nghĩ tới quyền lợi của dân mình, những người phải đóng thuế?

Chủ trương viện trợ của LHQ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Điểm Thứ Tư (Point Four) trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20/01/1949 của Tổng Thống Mỹ Truman. Theo ông, những tiến bộ khoa học và những tân tiến kỹ nghệ của Hoa Kỳ nên được sử dụng để giúp cho việc tăng trưởng và cải thiện các vùng chậm phát triển (underdeveloped areas) – đang chiếm hơn nửa dân số thế giới. Chủ trương này được đưa ra để đối phó trong chiến tranh lạnh sau khi có sự than phiền của nhiều quốc gia Á, Phi và châu Mỹ Latin rằng Hoa Kỳ chỉ lo giúp Châu Âu tái thiết mà không ngó ngàng tới các nước cũng đang bị tàn phá vì chiến tranh.  Hẳn nhiều độc giả khó quên được rằng viện trợ kinh tế Hoa Kỳ  đầu tiên mà miền Nam Việt Nam nhận được là các xe và các toán nhân viên diệt trừ sốt rét, tượng trưng cho tiến bộ khoa học vừa nói.  Về sau, Tổng Thống Kennedy chủ trương dùng nhiều hình thức khác nữa để viện trợ cho các nước đang phát triển, như Đoàn Hoà Bình (Peace Corps), Thực Phẩm Phụng Sự Hòa Bình (Food for Peace) vv. với quan niệm “nước lên thì thuyền cũng lên.”

Qua thời gian, Ngân Hàng Thế Giới thay đổi quan niệm về phát triển, từ cho vay xây dựng nhà máy sản xuất thay thế nhập cảng, đến hạ tầng cơ sở vật chất như đường sá, cầu cống; rồi cho vay để xây trường học,  bệnh viện; sang giúp đỡ cải tiến cơ cấu tổ chức, đào tạo nhân sự.  Nói chung, LHQ và NHTG vẫn còn xem “viện trợ” là đòn bẩy đưa đến tiến bộ.  Người ta nghiệm ra rằng “viện trợ tư bản (vốn)” tỏ ra rất hữu hiệu với các quốc gia vốn đã có tiềm năng khoa học kỹ thuật –từ trước Thế Chiến — như các nước Châu Âu và Nhật Bản; và ít hoặc không hữu hiệu hơn đối với hầu hết những nước khác. Hơn nữa, gần đây nhất, hai nước đất rộng dân đông Hoa Lục và Ấn Độ đã tăng trưởng kinh tế rất nhanh, cho thấy họ không cần viện trợ tư bản của Tây phương.

Việc thay đổi định chế có thể giúp gì cho tăng trưởng kinh tế?  Đó là câu hỏi lâu nay được nhiều kinh tế gia của HĐKTXH đặt ra, nhất là với sự lớn mạnh của 2 nền kinh tế nói trên.  Hoa Lục ban đầu chỉ “mở các con đường làng” qua một ít cải tổ nông thôn, chỉ “mở cửa sổ” ra thế giới bên ngoài qua các khu kinh tế đặc biệt vùng duyên hải, và huy động mạnh mẽ tiết kiệm quốc nội vào công cuộc  đầu tư.  Nói chung, Hoa Lục chỉ từ từ mở cửa thị trường không thay đổi mấy về định chế và pháp luật.  Trong khi đó thì Ấn Độ, vốn đã là một nước dân chủ, quyết định sử dụng cải tổ rộng rãi luật pháp và định chế để đem lại tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế.  Hai khuynh hướng trái ngược này khiến không ít người nghi ngờ về tác dụng cải tổ định chế trước để chuẩn bị phát triển kinh tế. Hai khuynh hướng kinh tế Neo – Liberal Economics của thời kỳ Reagan – Thatcher, (đưa đến Washington Consenus) và Neo- Instututional Economics (đưa đến Beijing Consensus) làm cho người ta phân vân chưa biết dứt khoát chọn con đưòng nào.

Tuy nhiên có điều khá rõ là, trong trường kỳ, cải tổ định chế là điều không thể tránh được, để khỏi phải đổ vỡ, như trường hợp của nhiều nước Á Châu hồi đầu thập niên 1990, và có thể Hoa Lục trong những năm sắp tới.  Việt Nam Cộng Sản cũng đang và sẽ lâm vào hoàn cảnh khốn khó này.  Hiến Pháp 2013 có thêm vào đầu Điều 2

  1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Việc ghi vào Hiến pháp nguyên tắc “pháp quyền” (rule of law, trước 1975 gọi là “pháp trị”) chỉ nhằm hiện đại hóa cho đúng trào lưu trở lại của nguyên tắc pháp quyền mà các nước văn minh trên thế giới từ bao nhiêu thế kỷ nay hằng tôn trọng. Thật vậy, “rule of law” có nghĩa đen là “sự ngự trị của luật pháp”, tức luật pháp đứng trên hết; vua chúa, nhà nước, đảng phái, chức sắc cao cấp, nhân dân vv. ai ai cũng phải tuân theo; vì vậy nguyên tắc này còn gọi là “tính siêu việt của luật pháp” (the supremacy of law).  Qua lịch sử, “rule of law” được dùng để đối kháng với “rule of men”, tức sự cai trị của con người, với ý nghĩa là con người dù được coi là anh minh đến đâu đi nữa thì cũng có lúc không còn công chính khi vụ việc xảy ra có liên hệ đến mình hay người thân của mình. Ngày nay, luật pháp đề cập trong “rule of law” còn được gán thêm nhiều ý nghĩa, như không ai bị làm thiệt hại tổn thương nếu không được ghi trong luật pháp; luật phải phải được soạn thảo một cách dân chủ; luật pháp phải được phổ biến rộng rãi; không áp dụng hồi tố; phải áp dụng công bằng cho mọi người vv.  Còn “rule by law” có nghĩa là cai trị bằng luật pháp, kể cả luật pháp lỗi thời, bất công vv. do nhà nước độc tài hay độc đảng ban hành.  Ngày nay, mặc dù với sự có  mặt thường trực của LHQ ở Việt Nam, ai ai cũng thừa hiểu “rule of the Party” vẫn là nguyên tắc thống ngự, bàng bạc khắp nơi. Đó là nguyên nhân chính của các thảm hại kinh tế cũng như trật tự xã hội hiện nay. Chắc chắn là đức Khổng Tử sẽ không bao giờ dám bước xuống bệ thờ ở khuôn viên đại học Hà Nội để hạch hỏi vì sao không ai áp dụng nguyên tắc “đức trị” (dezhi, rule of virtue) của Ngài!

Sau cùng, xin mở một dấu ngoặc về viện trợ song phương.  Người viết muốn có đôi dòng về viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ (gọi tắt VTM) cho miền Nam trước đây — hy vọng sẽ có dịp đào sâu hơn trong một bài viết riêng biệt khác. Trước hết, đừng bao giờ vội vã lấy tổng số VTM theo các con số thống kê — với nhiều thành phần ôm đồm phức tạp như đã đề cập — rồi đem chia cho dân số, để đưa kết luận là mỗi gia đình người dân miền Nam được cho bạc triệu đô la trong 20 năm chiến tranh! Thêm nữa, VTM không “dễ ăn”, tức Mỹ trao đôla cho rồi chính phủ VNCH muốn làm gì thì làm theo ý mình, như nhiều người ngây thơ ngộ nhận.  Trái lại, VTM phải chịu rất nhiều cưỡng chế: chính sách ngoại giao; chủ trương và đường lối viện trợ của chính phủ Mỹ lúc bấy giờ (chẳng hạn chủ yếu chỉ về kỹ thuật, như đã nói); luôn nằm dưới mắt cú vọ dò xét của Quốc Hội Mỹ, nhất là của các vị nghị sĩ dân biểu không đồng ý với lập trường của Hành Pháp Hoa Kỳ, hay không thích nhà cầm quyền VNCH.  Nó còn chịu sự chi phối mạnh mẽ của các viên chức Mỹ tại Saigon (buộc VNCH phải thay đổi hối suất có lợi cho sở hữu chủ của đô la khi vào VN, buộc VNCH không được giữ quá 300 triệu đôla khi miền Nam có dư thừa ngoại tệ nhờ sự có mặt đông đúc của quân đội và nhân viên dân sự, mà phải dùng đô la sở hữu của mình trong thời gian ngắn nhất để nhập cảng TV, tủ lạnh, xe gắn máy vv, những thứ mà chính dư luận Hoa Kỳ cũng coi là xa xỉ trong chiến tranh; còn dư thì phải gửi vào ngân khố Mỹ; chịu sự chi phối của luật lệ Hoa Kỳ (mua hàng Mỹ phải chở về bằng tàu Mỹ với giá gấp đôi, phải dùng VTM mua hàng của các nước do Mỹ chỉ định, trong đó có Đài Loan, Thái Lan, Đại Hàn, Phi Luật Tân vv.).  Đó là chưa kể đến sự tham nhũng của một số viên chức phụ trách viện trợ, ăn chia với các nhà cung cấp ngoại quốc. Cố Vấn Ngô Đình Nhu có lúc than thở: “Đối phó với Việt Cộng đã khó, mà đối phó với người Mỹ lại còn khó hơn.”  Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, Phụ Tá Đặc Biệt về Kinh Tế Tài Chánh, Phủ Tổng Thống khi được người viết này hỏi vì sao chính quyền Mỹ không cho VNCH giữ nhiều ngoại tệ, đã không ngần ngại trả lời: “Họ e khi có nhiều tiền, chúng ta có thể làm phản.” Cách nay đúng 500 năm, Machiavelli người Ý trong quyển “Ông Hoàng” (The Prince) đã dặn dò “người nhận viện trợ” : “Và ông hoàng đó, người chỉ trông cậy vào lời hứa của họ (những người đề nghị giúp đỡ), mà không có những chuẩn bị khác, sẽ bị diệt vong mà thôi; bởi vì thứ tình hữu nghị do mua mà có chứ không do lòng quãng đại, và sự cao cả tinh thần được mua chứ không được đảm bảo, và mua khi tuyệt đối cần thiết, sẽ không đem lại lợi ích gì cho bạn.”

Cũng khá may, những nguy hại của việc cho và nhận viện trợ song phương nói trên không phải là đa số trường hợp của viện trợ được đề cập ở Mục tiêu 8. Tuy nhiên, các các lợi lộc trời cho cũng như những món ngoại tệ dễ kiếm khác của nước nhận – nhưng khó kiếm từ phía người gửi đến — dễ sinh ra chứng bệnh Dutch Disease, nghĩa là nguồn tài nguyên “trời cho” này có thể đưa đến bất ổn về hối suất, đẩy giá sinh hoạt tăng cao, chuyển ngân lậu, “rửa tiền”, hoang phí, nhũng lạm vv.  Cái bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này thấy rõ ràng đã và đang phát triển tại Việt Nam trong nhiều năm nay sau khi đổi mới kinh tế.

Thật ra, các viện trợ song phương lẫn đa phương đều có những ràng buộc, hoặc ít hoặc nhiều. Cái khó vẫn là làm sao sử dụng cho hiệu quả. HĐKTXH, cũng như các bộ phận khác chỉ có thể đưa ra những hướng dẫn tổng quát. Còn việc sử dụng viện trợ cho có hiệu quả và hiệu năng còn tùy thuộc phần lớn vào khả năng và đạo đức nghề nghiệp của các gíới chức cũng như của sự tham gia của dân chúng liên hệ của các nước nhận viện trợ.

Tài nguyên nhân lực, vật lực của LHQ vốn đã hạn chế, lại còn bị phân tán manh múng, cho nên một sự phối hợp hoạt động của các cơ quan liên hệ là điều tối cần thiết mới có hy vọng giúp đỡ hữu hiệu các nước đang phát triển.  Vì vậy mà giữa năm 2005, Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan (cùng LHQ được giải Nobel Hòa Bình 2012) đã triệu tập một nhóm chuyên viên cao cấp thuộc 32 tổ chức của LHQ nhằm nghiên cứu biện pháp thích hợp.  Kết quả là tháng 11 năm 2006, bản phúc trình “Delivering As One” ra đời, và bắt đầu thực hiện vào năm sau.  Theo đó, LHQ sẽ hành động với “Một Lãnh Đạo, Một Chương Trình, Một Ngân Sách, Một Trụ Sở” tại các nước nhận trợ giúp. Việt Nam tình nguyện là một trong 8 thí điểm đầu tiên. Số quốc gia trong dự án tăng dần theo thời gian: 5 vào năm 2007; 20 vào 2009; 40 vào 2010 và 52 vào năm 2015.

   Trong phúc trình “Millennium Development Goal 8: Tasking Stock of the Global Partnership for Development 2015 MDG Task Force Report”, Tổng Thư Ký LHQ cho biết viện trợ từ các quốc gia phát triển từ US$ 81 tỉ năm 2000 lên US$ 134 tỉ năm 2014, tuy tăng 66%, nhưng chỉ đạt 0.30% GNI — thấp hơn tỷ lệ 0.37% của thập niên trước — phần chính do cuộc khủng hoảng tài chánh hồi cuối thập niên vừa qua.  Ngoài các nước Đan Mạch, Lục Xâm Bảo, Na Uy, Thụy Điển vốn đã đạt chỉ tiêu 0.70% từ lâu, lần này chỉ có thêm Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan.

Về phương diện thực hiện các mục tiêu, theo phúc trình của LHQ The Millenium Developing Goals Report 2015, thì sau 15 năm, thế giới đã có nhiều tiến bộ đáng khích lệ trong thời gian 15 năm qua. Chẳng hạn, đối với Mục Tiêu 1, thì số người cực nghèo (dưới US $1.25/ngày đã giảm từ 1, 9 tỷ năm 2000 xuống còn 836 triệu năm 2015 (tại VN, tỷ lệ đó là 58.1% xuống còn 14.5%) Cùng thời gian đó, con số trung lưu ($4/ngày) đã tăng lên gấp 3 lần; con số người thiếu dinh dưỡng giảm xuống từ 23.3% dân số xuống còn 12.9% (tại VN, tỷ lệ đó từ 41% xuống còn 11,75%).  Đối với Mục Tiêu 2, số trẻ em tiểu học toàn cầu bỏ trường xuống từ 100 triệu xuống còn 57 triệu. Tại VN, càng lên cao thì tỷ lệ rơi rớt càng tăng một cách đáng ngại. Chẳng hạn ở cấp 1, tỷ lệ trẻ em nữ ghi danh là 91,5% và nam là 92.3%; lên cấp 2, tỷ lệ đó là 82% và 81%; nhưng đến cấp 3 thì tỷ lệ chỉ còn 63.1% và 53%. Đối với Mục Tiêu 6, số người mang bệnh sốt rét giảm 37%, số người chết vì bệnh này giảm 58%, tức đạt được chỉ tiêu cho 15 năm qua;, tuy nhiên nó vẫn còn là mối đe dọa, tức còn đến 3,3 tỷ người trên 97 quốc gia còn mang bệnh.  Đối với Mục Tiêu 7, nạn phá rừng làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống (nước, không khí trong lành, thay đổi khí hậu) tuy có chậm lại, nhưng vẫn còn trầm trọng, nhất là tại Á Châụ (mất 2,2 triệu hecta/năm từ năm 2000 đến 2010.  Khí thải carbon dioxite tăng 50% trong thời gian đó, nhất là tại các nước có nền kinh tế đang lên (như Trung Quốc, Ấn Độ) gây ảnh hưởng vô cùng tai hại, khiến LHQ phải triệu tập Hội Nghị UN Framework Convention on Climate Change Conference vào tháng 12/16 nhằm cùng nhau tìm ra giải pháp hạ giảm nhiệt độ trái đất…Trong Mục Tiêu 8, xuất cảng từ các nước phát triển được miễn thuế quan để vào các nước phát triển đã tăng lên 65%. Phúc trình còn cho biết 95% dân số thế giới đã được phủ sóng cho điện thoại di động trong lúc số người có điện thoại di động tăng lên 10 lần (7, 2 tỷ người); tỷ lệ sử dụng Internet tăng từ 6% dân số lên 43% (3, 2 tỷ người) .

Phúc trình cũng cho thấy còn nhiều lãnh vực cần phải cải tiến:  bất bình đẳng về giới tính, giữa giàu và nghèo, giữa nông thôn và thành thị; ô nhiễm môi sinh; suy giảm tài nguyên thiên nhiên, trữ lượng thực phẩm (nhất là hải sản).

Một vấn đề lớn quan trọng không kém các yếu tố vật chất kể trên.  Đó là vấn đề nhân quyền. LHQ tự hào đã đưa ra luật pháp căn bản để bảo đảm nhân quyền, từ Universal Declaration of Human Rights, đến International Covenant on Civil and Political Rights, đến International on Economic, Social and Cultural Rights, United Nations Conventions Against Tortures (mà VN ký hồi tháng 10/2014). Ngoài ra, LHQ không thiếu những bộ phận chuyên trách như: The Human Rights Council, The Commission on Human Rights, The Human Rights Committee, The Committee on Economic, Social and Cutural Rights, và Committee Against Torture vv; nhưng vẫn không thể nào bảo vệ được nhân quyền cho toàn cầu vì LHQ không được ban cấp đầy đủ quyền lực, ngoại trừ Tòa Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court, ICC) lâu lâu mới nhóm xử một vài tội phạm chiến tranh, diệt chủng. VNCS không những được bầu làm một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền (Human Rights Council) sau khi ký công ước về tra tấn nói trên, mà còn có cả “một rừng luật”, nhưng tiếc thay, Hà Nội chỉ thích sử dụng “luật rừng” (chữ của luật gia thân Cộng Ngô Bá Thành), với đám “dư luận viên” thừa hành pháp luật.  Dân chúng gọi đó là “côn an”, tức côn đồ làm công an, hay công an giả danh côn đồ.

***

            Công bằng mà nói, kinh thế tế dân, cải tạo xã hội, tăng tiến nhân quyền là những nhiệm vụ mà nhà nước của mỗi quốc gia phải chủ yếu gánh vác đối với công dân của mình, LHQ chỉ đóng vai trò hỗ trợ mà thôi, nhất là đối với những quốc gia lúc nào cũng đề cao chủ quyền, cổ vũ tinh thần dân tộc, ca tụng tính độc đáo văn hóa của mình. Trong thời đại toàn cầu hiện nay qua ý thức liên lập và phương tiện thông tin, người ta lại càng đòi hỏi nhiều hơn ở LHQ về sứ mạng gìn giữ hòa bình, về hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội cùng nhân cao nhân quyền.  Đáp ứng của LHQ chỉ có thể đạt được trong chừng mực nào đó.  Điều này khiến một số người nổi giận, đòi hỏi giải tán tổ chức này, hay rút khỏi tổ chức hoặc không đóng góp phương tiện tài chánh cho nó hoạt động.  Có thể nói một cách không sai rằng nếu không có một tổ chức như LHQ thì trong 70 chục năm qua, sau mỗi lần khủng hoảng quân sự, chính trị, kinh tế, y tế vv., chắc chắn người ta cũng đã tìm cách thiết lập một tổ chức có chức năng tương tự như LHQ, hay tạo ra những cơ quan với chức năng như những cơ quan của LHQ hiện nay. Những thứ tân tạo này có thể  hoạt động hiệu năng và hiệu quả hơn hay không, thật khó mà đoán được. Chúng ta mơ ước LHQ sẽ đóng góp nhiều  hơn cho nhân loại.

Lê Văn Bỉnh

Virginia, tháng 11/2015

——————————–

Tài Liệu Tham Khảo

Bookmiller, Kirsten: The United Nations, New York, Chelsea House, 2008

Fasulo, Linda: An Insider’s Guide to the United Nations, 2nd ed., New Haven, Yale University Press, 2009

Hanhimaki, Jussi: The United Nations: A Very Short Introduction. 2nd ed., New York, Oxford University Press, 2015

International Monetary Fund: World Economic Outlook 2012: Coping with High Debt and Sluggish Growth, Washington DC, 2012

Rist, Gilbert: The History of Development: From Western Origins to Global Faith, 4th ed., New York, Zed Book, 2014

The World Bank: The MDGs after the Crisis, Washington DC, 2010

United Nations Department of Public Information: Basic Facts about the United Nations, Revised ed., New Yơrk. 2011

Wess, Thomas; Forsythe, David; Coate, Roger: & Pease, Kelly-Kate: The United Nations and Changing World Politics, 6th ed., Boulder, Westview Press, 2010

Visits: 589

Ca Dao Thời Đại Xã Hội Chủ Nghĩa

 Vũ Bá Hoan   

vietnamwater-puppet-4413

Có lẽ từ ngày lập quốc tới nay, chưa có thời đại nào có nhiều ca dao được truyền tụng trong dân gian để chỉ trích những người cầm quyền và chính sách cai trị đất nước, như thời đại Xã Hội Chủ Nghĩa do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Kể từ ngày 30-4-1975 , VC xâm chiếm miền Nam tới nay, Sàigòn và Hà Nội có lẽ là nơi xuất phát nhiều ca dao chỉ trích chế độ VC nhất.

Người dân sống dưới chế độ độc tài đảng trị bị đàn áp và tước đoạt những quyền căn bản của con người như quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận và tự do đi laị.  Những  bloggers và thanh niên, thiếu nữ bầy tỏ lòng yêu nước qua việc chống Trung Cộng chiếm đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoặc bầy tỏ bất đồng chính kiến một cách ôn hòa về chính sách đảng trị, cũng đều bị Việt Cộng trấn áp dã man bằng cách kết án tù nhiều năm. Để tránh bạo quyền VC áp đặt cảnh tù tội khi công khai chỉ trích chính quyền, người dân đã dùng thể thức ca dao (một loại văn chương bình dân được lưu truyền trong dân gian mà tác giả những câu ca dao ấy không ai biết rõ tên tuổi) làm phương tiện đấu tranh chống lại bạo quyền Việt-Cộng. Người dân sáng tác những câu ca dao thời đại để chỉ trích và phản đối chính sách độc tài đảng trị của Cộng-Sản VN, đồng thời còn là một hình thức để họ xả nỗi uất ức, bất bình trước bạo quyền.

Những câu ca dao được trích dẫn trong bài viết là những câu đã được người viết sưu tầm trên sách báo hải ngoại hoặc trên mạng lưới điện toán. Sau đây, chúng ta hãy xem ngườì dân VN sống dưới XHCN chỉ trích những người lãnh đạo CSVN qua  những câu ca dao châm biếm rất độc đáo và sâu sắc, được truyền tụng khắp các miền đất nước.

  • Châm biếm và chỉ trích lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam

Có thể nói trong lịch sử VN, kể từ ngày dựng nước tới nay, chưa có một lãnh tụ nào bị người dân khinh miệt và thù oán như Hồ Chí Minh. Vào những năm đầu chiếm được miền Nam, người dân bị kiểm soát dưới hình thức hộ khẩu, họ thiếu ăn, thiếu mặc; vì thế họ căm tức chế độ VC, nên đã miệt thị HCM, ví ông ta như bộ phận sinh dục của họ, một hình thức sỉ nhục mà giới bình dân khi khinh ghét ai, thường đem ra  nhục mạ :Đọc tiếp…

Visits: 4769

An Dưỡng Cuối Cùng

GS Cao Thị Lễ

old age

Tôi ngần ngại khá lâu trước khi viết về đề tài nầy vì đây là một việc mà không ai muốn nghe hoặc nghĩ đến mặc dù đó là sự thật không ai có thể tránh được: “Có sinh thì phải có tử”! Điều quan trọng là chúng ta phải chấp nhận và làm sao để cho mình trong những ngày cuối cuộc đời, cũng như để cho những người thân yêu đang chăm sóc mình, được thoải mái. Đây là mục đích của dịch vụ hospice.

Hospice là dịch vụ săn sóc những bệnh nhân mà bác sĩ và bệnh viện tuyên bố không còn chữa trị được nữa, chỉ còn độ 6 tháng hoặc ngắn hơn để sống mà thôi, nôm na là “bác sĩ đã chê rồi” (terminal illnesses). Trong những trường hợp nầy, gia đình sẽ vô cùng bối rối không biết làm thế nào . Có người đành mang bệnh nhân về nhà, con cháu thay phiên săn sóc và chuẩn bị việc tang lễ.  Có người nhứt định “còn nước còn tát” tìm cách chạy chữa khác như Đông y … Nhưng khổ nỗi là bệnh cứ  kéo dài nhiều tháng, con cháu phải đi làm kiếm sống và mệt mỏi trong việc săn sóc người bệnh. Người bệnh cũng đau khổ không kém vì không những đau đớn về thể xác mà còn đau buồn khi thấy con cháu bận rộn vì mình .

May mắn là ở Hoa Kỳ có dịch vụ hospice để giúp đỡ chúng ta trong những trường hợp như thế. Tuy nhiên người Việt chúng ta ít người biết đến dịch vụ nầy .

Quan Niệm Căn Bản của Hospice:

Quan niệm căn bản của hospice là giúp cho những bệnh nhân sắp lìa đời được thoải mái trong những ngày cuối cùng của cuộc đời bằng cách săn sóc những nhu cầu về thể xác, tình cảm, tinh thần và xã hội của bệnh nhân. Ngoài ra hospice cũng giúp đỡ gia đình bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn nầy.

Quan niệm về hospice đã được du nhập từ Anh Quốc vào thập niên 1970s. Sau đó hospices được phát triển nhanh chóng: vào năm 2007 có đến 1.4 triệu bệnh nhân sử dụng dịch vụ nầy và hơn 1/3 người Mỹ từ giã cõi đời qua các dịch vụ nầy.Đọc tiếp…

Visits: 1478

Giới Thiệu Sách: “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và Cuộc Chiến Chống Đô Hộ Pháp Của Nhà Nguyễn” của GS Nguyễn Quốc Trị

Trần Hồng

GTS Nguyenv tuong

Giáo sư Nguyễn Quốc Trị đã dành 12 năm, thu thập tài liệu ở Thư viện Quốc Gia Hoa Kỳ, 5 văn khố của Pháp và ở các Trung Tâm lưu trữ khắp nơi, cũng như các tài liệu từ các cuộc hội nghị, hội thảo ở Việt Nam để viết ra thiên khảo cứu dày trên 1,000 trang, bao gồm các phong trào kháng chiến của Văn Thân cũng như sự lãnh đạo của Triều Nguyễn vào hậu bán thế kỷ thứ 19, trong đó có Phụ Chánh Nguyễn Văn Tường, nội tổ của tác giả là một Đại thần trọng yếu.

Tác giả đã đưa ra những bằng chứng từ các tài liệu nguyên thủy, được phối kiểm , phản bác những luận điệu xuyên tạc về văn hóa VN, vu cáo vua quan Nhà Nguyễn từ sử sách thuộc địa nhằm hỗ trợ cuộc xâm lăng của thực dân Pháp.

Để quý vị và các bạn dễ dàng theo dõi sự trình bày tác phẩm, chúng tôi xin liệt trình những điểm chính yếu của tác phẩm theo thứ tự thời gian.

TRIỀU ĐẠI GIA LONG, MINH MẠNG, THIỆU TRỊ, TỰ ĐỨC, KIẾN PHÚC, HÀM NGHI, DUY TÂN.

Tác giả đã đưa ra các bằng chứng chứng tỏ vua Gia Long là một minh quân, trí dũng vẹn toàn như:

  • Đối nội, Ngài biết thương yêu dân chúng, quân sĩ, thẳng tay trừ khử những kẻ loạn quyền, được tướng sĩ hết lòng hy sinh.
  • Đối ngoại, Ngài biết vận dụng sự yểm trợ từ các quốc gia bạn.
  • Tạo dựng một Việt Nam rộng lớn nhất từ trước đến đời Ngài.
  • Xây dựng một hệ thống chính quyền bề thế.

Tuy  nhiên đã có nhiều luận điệu xuyên tạc, nói xấu Ngài từ thực dân và những thành phần chống đối, kể cả nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hiện nay.

  1. Vua Gia Long nhờ Giám Mục Bá Đa Lộc cứu thoát khỏi phe Tây Sơn: Thực sự Vua được Thầy Cả VN Phao Lồ cứu thoát. (trang 263)
  1. Vua Gia Long rước Tây về dầy mồ: Hiệp ước Versailles (28/11/1787) được ký kết giữa Giám mục Bá Đa Lộc, thay mặt cho vua Gia Long và Tổng trưởng ngoại giao Pháp nhưng không hề được quốc trưởng hai nước phê chuẩn. Lý do chính là vì tình hình cách mạng ở Pháp rối bời. Chính phủ Pháp không còn khả năng nào nghĩ đến chuyện giúp Việt Nam nơi xa xôi. Quân Pháp không được gởi qua Việt Nam như dự liệu trong hiệp ước. Nhưng người Pháp do giám mục Bá Đa Lộc tuyển mộ (khoảng 368 người, trang 260) đều thuộc thành phần đào ngũ, chỉ giúp Việt Nam bảo trì vũ khí và thuyền bè.  Mọi quyết định có tầm vóc quốc gia đều được quyết định bởi nhà vua và các quan Việt Nam (trang 257).
  1. Vua Gia Long cỏng rắn Xiêm về cắn gà nhà: Lúc bại trận, vua Gia Long có chạy qua Xiêm lánh nạn và thần phục vua Xiêm, nhưng vua Gia Long đã giúp vua Xiêm đánh thắng Miến Điện.  Sau đó quân Xiêm qua giúp VN nhưng họ cướp bóc hiếp dân nên về sau vua không nhờ họ nữa.  Đến khi nhà Tây Sơn bất hòa, vua Gia Long về Việt Nam không cho triều đình Xiêm hay biết và sau này hai nước nối lại bang giao bình đẳng (trang 282- 287)
  1. Vua Gia Long bị vu cáo giết hại công thần như:
  • Công thần Đỗ Thành Nhân: Sự thực khi vua Gia Long lên vương vị hơn một năm, mới 20 tuổi bị thượng tướng công Đỗ Thành Nhân lạm quyền, tương tợ như trường hợp của chú mình là chúa Nguyễn Phúc Thuần chuyên quyền bởi Trương Phúc Loan, nên vua Gia Long phải triệt hạ Đỗ Thành Nhân để tránh hậu họa (trang 689).
  • Công thần Nguyễn Văn Thành: Vua Minh mạng không hề xử tử công thần Nguyễn văn Thành vì lẽ giản dị là ông đã tự tử chết dưới thời vua Gia Long, sau khi con ông là Nguyễn Văn Thuyên bị kết án tội phản nghịch (trang 408).
  • Công thần Tả Quân Lê văn Duyệt: Vua rất quý trọng và ông vẫn trung thành với nhà vua cho đến khi mãn phần. Tả Quân Lê Văn Duyệt chỉ bị kết án sau khi đã mất vì tội đã từng đỡ đầu cho Lê Văn Khôi lãnh đạo cuộc phản loạn ở Nam kỳ (trang 411-427)
  1. Vua Minh Mạng bị cho là bế quan tỏa cảng: Sự thực vua Minh Mạng tiếp tục đường lối ngoại giao của vua Gia Long. Minh Mạng thân thiện với tàu Pháp đến bán hàng hóa và quân dụng.  Vua cũng cho mua khí giới từ các thuộc địa của Âu Châu, ở Đông Nam Á. Vua đã cho chế tạo tàu thủy  để chạy bằng hơi nước. Vua tuyên bố rõ ràng là không nên bế quan tỏa cảng.  Vua đã dùng ngoại thương để canh tân kỹ thuật quân sự.  Đặc biệt là việc phát triển học ngoại ngữ  và dịch thuật để canh tân (trang 384-385).
  1. Vua Minh Mạng bị vu cáo là không thân thiện với người Pháp và chống đạo Gia Tô : Vua Minh Mạng đã đối xử với Pháp và đạo Gia Tô giống như vua Gia Long. Vua Minh Mạng vẫn giữ ông Chaigneau vừa làm Lãnh sự vừa đại diện cho mình (trang 396). Về đạo Gia Tô, Vua vẫn để tự do như dưới thời vua Gia Long, nhưng dưới thời Minh Mạng, đạo Gia Tô ở Pháp đã phục hồi tư thế sau cơn khủng hoảng vì cuộc cách mạng năm 1789, Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris  đã tới tấp gởi Thừa sai nhập lậu vào VN truyền đạo và hành đạo một cách bất hợp pháp, không cần biết đến chính quyền Việt Nam.  Vua chỉ thực sự cấm đạo vào năm 1832, 12 năm sau khi lên cầm quyền (trang 400).
  1. Vua Thiệu Trị diệt Đạo: Vua Thiệu Trị cũng theo đường lối của vua cha Minh Mạng không chủ trương cấm đạo, nhưng triều đình buộc các thừa sai và giáo dân Việt Nam phải tôn trọng văn hóa Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng tinh thần Khổng Mạnh, thờ cúng ông bà. Đó là điểm khó khăn nhất của các thừa sai đến truyền giáo tại các nước Á Châu, không riêng gì ở Việt Nam. Triều đình Thiệu Trị đã từng tuyên án tử hình một số thừa sai vi phạm an ninh quốc gia như ủng hộ các cuộc loạn chống triều đình, nhưng cũng chỉ giam cầm rồi phóng thích.  Đối với giáo dân Việt Nam vi phạm luật lệ an ninh quốc gia, nhà Vua ra lệnh giáo hóa (trang 558-559).  Tất cả những đường lối ôn hòa đó lại làm cho người Pháp xem Triều đình Việt Nam như là một giới lãnh đạo yếu kém, vì thế mới có chuyện vào mùa xuân năm 1847, chiến hạm Pháp ngang nhiên bắn chìm 5 chiến thuyền đồng Việt Nam ở vịnh Đà Nẳng, đòi Triều đình phải để các giáo sĩ hoàn toàn tự do hành đạo và để thương gia Pháp tự do buôn bán.  Từ đó vua Thiệu Trị mới có chính sách cứng rắn với giới thừa sai, nhưng cũng chỉ với giới thừa sai mà thôi (trang 560,562).
  1. Vua Tự Đức Diệt Đạo: Đối với đạo Gia Tô, dưới đời Tự Đức không quá đổi căng thẳng mãi cho đến khi Lãnh sự Pháp ở Thượng Hải Montigny đến gây sự bắn phá căn cứ Đà Nẳng vào năm 1856, tương tự như tàu Pháp bắn chìm 5 tàu đồng của Triều đình Thiệu Trị năm 1847.  Người Pháp tiếp tục yểm trợ cho các cuộc nổi loạn để ép VN ký Hiệp Ước 1862 nhường một số tỉnh cho người Pháp và Y Pha Nho  đến truyền đạo (trang 589-603).

NGUYỄN VĂN TƯỜNG, Phụ chính đại thần (1883–1885)

Kẻ Thù Không Đội Trời Chung Của Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp

Lưu đày và cái chết nơi biệt xứ (1885–30/7/1886) tại Papeete, một làng trên quần đảo Tahiti của Pháp

 Như vậy từ Triều đại Tự Đức, vào hậu bán thế kỷ 19 người Pháp đã bắt đầu tiến hành cuộc xâm lăng Việt Nam.

Trong ba triều đại Tự Đức, Kiến Phúc và Hàm Nghi có hai đại quan là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã phò tá nhà vua đóng vai trò quyết định trong công cuộc chiến đấu chống xâm lăng.

Ông Nguyễn Văn Tường đưa ra sách lượt “Hòa Để Thủ, Thủ Để Mưu Chiến” đã được Vua Tự Đức và các vua kế tiếp chấp thuận và áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Tường xin Vua Tự Đức bỏ ý định lấy lại ba tỉnh Miền Tây vì quân ta không đủ mạnh để thắng địch.  Thay vì đó, ta hãy dốc toàn lực vào việc giữ gìn  những phần đất còn lại.  Ông đã đại diện nhà vua ký Hiệp Uớc và Thương Ước ngày 31 tháng 8 năm 1874 theo đó Pháp trả lại 4 tỉnh Bắc kỳ đã chiếm đóng.  Pháp biếu cho VN 1,000 súng trường và 5 tầu chiến.  Bù lại VN phải nhường đứt 6 tỉnh Nam Kỳ mà Pháp đã chiếm đóng rồi.  Đây là một thắng lợi lớn của VN, công lớn của Phụ Chính Nguyễn Văn Tường.

Về  sau, khi người Pháp đã quyết tâm thôn tính Bắc kỳ bằng sức mạnh quân sự vượt trội Việt Nam, Ông Nguyễn văn Tường nhận định thời thế, biết quân ta không thể nào chống cự lại nổi quân địch, Ông khuyên Vua tạm bỏ Bắc kỳ để dồn lực phòng thủ Trung kỳ.

Ông Nguyễn Văn Tường đã thiết lập hệ thống sơn phòng là những chiến khu để phòng thủ quốc gia, chống ngoại xâm.

Hai ông Phụ Chánh Tường và Thuyết đã chuẩn bị Phong trào Cần Vương từ lâu.  Hy vọng các khu chiến Sơn phòng và lực lượng Cần Vương có thể tự lực chống Pháp mà không cần sự giúp đỡ của Tàu

Vua Hàm Nghi không thể ngồi chờ Tướng De Courcy đảo chánh buộc thi hành Hiệp Ước Bảo Hộ 6/6/1884 nên đêm 4/7/1885 đã đưa Vua rời Hoàng cung về Sơn phòng Quảng Trị, do Phụ Chánh Tôn Thất Thuyết hộ giá.  Phụ chánh Nguyễn Văn Tường ở lại kinh đô để bảo vệ hoàng cung và đàm phán với  Tướng De Courcy như kế hoạch “ Kẻ đánh người đàm” của nhà Vua

Khi Nguyễn văn Tường bước chân xuống tàu đi đày ở đảo Tahiti thì cuộc khởi nghĩa Cần Vương xảy ra khắp nơi.

Suốt cả một cuộc đời , ông Nguyễn văn Tường đã đem tất cả tài trí của mình phò tá ba vua giúp nước chống ngoại xâm, nhưng đó cũng là cái đích cho sử sách thuộc địa nhắm vào bôi nhọ, triệt hạ uy tín của người có lập trường chống Pháp như bị vu cáo sau đây:

  1. Diệt Đạo và Giết Hại Văn Thân: Thực sự ông rất công bình với người đạo Đàng Ngoài đã theo Garnier chống Triều đình. Ông đã dẹp loạn Văn thân cực đoan Nghệ Tỉnh  nổi loạn sát hại người theo Đạo và chống cả triều đình. (trang 616).  Về  người theo Đạo ở Đàng Trong, Ông rất chân thành (trang 617).
  1. Truất Phế và Giết hại Vua Dục Đức: Thọ lãnh di chiếu của Vua Tự Đức truyền ngôi cho Hoàng tử Ưng Chân dù ông hoàng này có nhiều nét xấu, nhưng tệ hại nhất là đã theo Pháp bằng cách cung cấp tài liệu tối mật triều đình cho Đại Lý Pháp   Vì vậy hai phụ chánh Tường và Thuyết (đã dâng sớ lên Hoàng Thái hậu Từ Dụ (mẹ vua Tự Đức) tờ hạch tội buộc) phải hạ bệ, nhưng ông  Hoàng Dục Đức vẫn được tự do và sống đến thời vua Hàm Nghi chứ không phải bị chết như sử ghi chép (trang 647).
  2. Buộc Tội Giết hại Vua Hiệp Hòa: Theo chính sử Nhà Nguyễn thì sau khi ở ngôi một vài tuần, vua Hiệp Hòa đã ký Hiệp Ước Harmand ngày 25/8/1883 công nhận nền bảo hộ của Pháp và tìm cách trừ khử hai ông phụ chánh Tường và Thuyết trong khi triều đình đang ra sức chống lại sự đô hộ này. Cho nên hai ông phụ chánh đã bắt buộc phải đảo chánh phế bỏ Vua Hiệp Hòa.  Vua Hiệp Hòa không được thoát chết như Hoàng Tử Dục Đức  vì tòa Khâm sứ bây giờ đã nằm ở kinh thành, có  quân Pháp đã đóng ở Cửa Thuận lúc nào cũng có thể can thiệp (trang 651-652).
  3. Buộc Tội Loại Trừ các Vua Nhà Nguyễn để lên ngôi: Đó là kết quả của sự suy diễn ác ý của người Pháp vì họ nhận thấy hai ông phụ chánh Tường và Thuyết lãnh đạo phe chống Pháp loại các vua thân Pháp là Dục Đức và Hiệp Hòa, họ tung tin ông Tường muốn lên ngôi Vua (trang 493).
  4. Dư Luận Tranh Quyền với Tôn Thất Thuyết: Ông Thuyết là người chủ chiến và ông Tường là người có khuynh hướng điều đình nhưng cả hai ông đều quyết tâm phục vụ triều đình và chống thực dân Pháp.  Có sử  viết rằng Tôn Thất Thuyết ra lệnh đốt nhà ông Nguyễn Văn Tường vì ông Tường không tiếp tục theo nhà Vua đi Tân Sở. Sự thực lúc này trong cơn dầu sôi lửa bỏng, ông Tôn Thất Thuyết cũng không còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện nhỏ mọn ở tận kinh đô xa xôi.  Hơn nữa, nhiều bằng chứng  đã cho thấy rằng khi xảy ra cuộc binh biến, quân Pháp đã đốt phá hàng loạt nhà cửa ở vùng ông Tường, dĩ nhiên họ không tha nhà của một đại thần triều đình (trang 501).
  5. Vua Hàm Nghi Bị Ép Đi Chiến Khu Tân Sở: Điểm căn bản ở đây là tinh thần yêu nước và tính bất khuất của vua Hàm Nghi.  Khi về Tân Sở, Ngài đã gởi Dụ kêu gọi phong trào Cần Vương đứng lên cứu nước.  Trong 55 năm từ đấy, Ngài vẫn giữ thái độ bất khuất.  Một ông Vua bản tánh như thế không dễ gì bị bề tôi lừa gạt để làm theo ý muốn của họ.  Nhà vua đã quyết tâm rời bỏ ngai vàng để đi chiến khu cứu nước, đó là ý nguyện của Ngài.

Kết Luận

Trên đây là những điểm chính yếu mà Giáo sư Nguyễn Quốc Trị đã dày công tra cứu từ những tài liệu nguyên thủy khả tín, phản bác lại những điểm sai lầm của sử sách thuộc địa và những lý luận của kẻ xâm lăng thời hậu bán thế kỷ thứ 19.

Những nhà viết sử cận đại chắc chắn phải gặp những khó khăn nói ra sự thật vì những kẻ chiến thắng vẫn còn cầm quyền.  Giáo sư Nguyễn Quốc Trị đã cố gắng đính chính một phần của lịch sử thuộc địa và ông cũng ước mong có một cuốn lịch sử Việt Nam đầy đủ hơn.

Nhân đây, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, dù cuốn biên khảo nhằm giải oan cho nội tổ của tác giả là cụ  Nguyễn Văn Tường, nhưng vì cuộc đời của Phụ Chánh Nguyễn Văn Tường đã gắn liền với các triều vua  và đất nước trong thời kỳ chống Pháp, nên tác phẩm cũng đã nêu lên được lòng yêu nước cao độ, sự chiến đấu can cường của giới Văn Thân và sự lãnh  đạo khôn ngoan của vua quan nhà Nguyễn.  Nhưng trong cuộc chiến đấu này, thắng thua đâu phải hoàn toàn do người VN quyết định. Nhìn lại biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, ta sẽ thấy rõ điều ấy.

Xin nhắc lại, lịch sử  của nhân loại chưa bao giờ có một triều đại của một quốc gia nào đã có ba vị vua liên tiếp từ bỏ ngai vàng, để chiến đấu chống ngoại xâm và bị tù đày suốt cả cuộc đời, như các vua Hàm Nghị, Thành Thái và Duy Tân.

Trần Hồng   

GTS NVT muasach 2

 

Visits: 1764

Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt và Cuộc Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ Năm 2016

Đỗ Quang Tỏa

cong hoa hay dan chu newTrong những năm gần đây, Cộng Đồng Người Mỹ gốc Việt (CĐNV) đã bắt đầu chú ý rất nhiều đến tiến trình vận động chính trị tại Hoa Kỳ, nhất là những cuộc bầu cử Tổng Thống. CĐNV đã nhận thấy rằng sau 40 năm, chúng ta phải có tiếng nói trong chính trường Hoa Kỳ để đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi của chính chúng ta. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài nhận định này, chúng tôi xin được chia ra làm hai phần. Phần một là quá trình tham gia vận động chính trị của CĐNV  trong những cuộc bầu cử Tổng Thống và phần hai là những đề nghị cho cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2016.

Tiến Trình Vận Động Chính Trị của Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt

Cho đến cuối thập niên 1980, người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ  mới bắt đầu vô quốc tịch và bắt đầu đi bỏ phiếu, nhất là tại các cuộc bầu cử Tổng Thống. Cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1980 và 1984, ứng cử viên Cộng Hoà Ronald Reagan đã đánh bại hai đối thủ đảng  Dân Chủ  là Carter (1980) và Walter Mondale (1984). Số người Việt đi bầu những năm 1984 và 1988 giữa ứng cử viên George Bush và Michael Dukakis (Dân Chủ) đã đa số bầu cho đảng Cộng Hòa vì cho là Đảng Cộng Hòa là chống Cộng và có một nền ngoại giao cứng rắn đối với các nước Cộng sản. Điển hình là vai trò của Tổng Thống Reagan đã đưa đến nền dân chủ ở Đông Âu và phá bỏ bức tường ngăn cách Đông và Tây Bá Linh.

Thập niên 1980 cũng cho thấy việc hình thành các tổ chức Người Việt với mục đích vận động chính trị tại Hoa Kỳ như Liên Đoàn Cử Tri người Mỹ gốc Việt, Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ (thành lập năm 1986) và một số tổ chức cộng đồng (TCCĐ) tại nhiều tiểu bang như Cộng Đồng Việt Nam tại vùng Washington D.C., MD & VA.  Tất cả các tổ chức này đều có mục đích khuyến khích người Mỹ gốc Việt ghi danh cử tri (voter registration) và đi bầu.  Dưới thời Tổng Thống George Bush (1988-1992) CĐNV vẫn tiếp tục ủng hộ Đảng Cộng Hoà và chỉ có một số ít ủng hộ Liên Danh Clinton-Gore trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1992.  Tuy nhiên những năm sau đó dưới thời Tổng Thống Clinton, chương trình HO đưa các cựu tù nhân chính trị và gia đình qua định cư tại Hoa Kỳ, bỏ cấm vận (1994) và bình thường hóa bang giao với Việt Nam (1995) đã gây ra sự chú ý rất nhiều của CĐNV trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1986 giữa ông Bill Clinton và Thượng Nghị Sĩ  Bob Dole.

Phải cho đến cuộc bầu cử năm 2000 giữa  ứng cử viên Al Gore và George W. Bush, chúng ta mới thấy có sự thay đổi trong suy luận chính trị của CĐNV. Thay vì chỉ bầu cho đảng Cộng Hòa vì chủ trương cứng rắn đối với các nước Cộng sản, CĐNV đã thấy cần phải suy xét thêm về các phúc lợi cho cộng đồng của mỗi đảng.  Thêm vào đó, nhiều tài liệu về chiến tranh Việt Nam cũng đã được tung ra cho thấy trên phương diện đối ngoại, nước Mỹ luôn luôn đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết.  Những lá thơ cam kết của Tổng Thống Richard Nixon gởi cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đều không có giá trị gì nữa khi Ngoại Trưởng Henry Kissinger đã thỏa hiệp  với Chu Ân Lai mở cửa  cho thương gia Mỹ vào thị trường Trung Cộng.  Ông Al Gore  đã thắng số phiếu phổ thông (Gore: 51,003,926 phiếu – Bush: 50,460,110 phiếu) nhưng đã thua số phiếu cử tri đoàn (Gore : 266 – Bush: 271).

Cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2004, CĐNV cũng đã không mạnh mẽ  ủng hộ ứng cử viên John Kerry vì cho là ông ta đã phản bội Việt Nam qua các hành động phản chiến của ông sau khi phục vụ tại Việt Nam.

Cuộc bầu cử năm 2008 lần đầu tiên đánh dấu sự chuyển hướng chính trị của CĐNV.  Tuy nhiên các cuộc nghiên cứu sau bầu cử (Exit Poll Survey) cho thấy  Cộng Đồng Người Mỹ gốc Á Châu đã bỏ phiếu cho Ông Barack Obama (76%), trong đó CĐNV có số phiếu thấp nhất cho Ông Obama.  Các cuộc nghiên cứu cho thấy đa số thành phần trẻ (thế hệ thứ hai) trong CĐNV đã bầu cho Ông Obama, trong khi đó số người Việt lớn tuổi thì bỏ cho Ông John McCain như một lá phiếu “biết ơn” thời gian ông đã bị Cộng sản cầm tù tại Việt Nam.  Cuộc bầu cử năm 2012 lần đầu tiên tất cả các cuộc nghiên cứu  cho thấy CĐNV đã bỏ phiếu nhiều hơn cho đảng Dân Chủ (61%) và lý do chính là những chương trình phúc lợi cho người có lợi tức thấp và người lớn tuổi.  Trong cuộc bầu cử Thống Đốc Tiểu Bang Virginia vào ngày 5 tháng 11, 2013, 71%  người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương đã bầu cho ứng cử viên Dân Chủ Terry McAuliffe, trong đó có 69% người Mỹ gốc Việt, 70% gốc Tàu và 83% gốc Ấn Độ.

Vài Nhận Xét và Đề Nghị về Bầu Cử Tổng Thống Năm 2016

Cộng Đồng Người Việt đã tiến những bước rất dài trong việc hội nhập vào dòng chính của chính trị Hoa Kỳ qua việc đi bỏ phiếu, đóng góp tài chính, qua các tổ chức khác nhau.  Tuy nhiên kết quả còn rất khiêm nhường.  Số người Mỹ gốc Việt được bổ nhiệm vào các chức vụ cao cấp trong chính quyền rất ít hoặc không có so với các cộng đồng Á Châu  khác.  Thỉnh nguyện thư cho Tòa  Bạch Ốc vào tháng 3, 2012 với trên 150 ngàn chữ ký, tuy gây tiếng vang trong CĐNV nhưng cũng đã không đưa đến một thay đổi quan trọng nào trong quan hệ Mỹ Việt, nhứt là không có sự cải thiện nào  về nhân quyền cho Việt Nam.

Nhận Xét 1: Tiền

CĐNV vẫn chưa có tổ chức để đóng góp một cách đáng kể  vào các vận động chính trị.  Hầu hết các cộng đồng gốc Á Châu đều có các Ủy Ban Vận Động Chính Trị hay còn gọi là  PAC (Political Action Committees) ở cấp liên bang (Federal PAC).  Các Ủy Ban này có quyền đi quyên góp tài chánh và sau đó sẽ ủng hộ các ứng cử viên nào ủng hộ đường lối  và chủ trương của họ. Năm 2012, CĐNV có một Federal PAC  gọi là Ủy Ban Vận Động Chính Trị cho Nhân Quyền cho Việt Nam (Human Rights For Viet Nam PAC) do luật sư Nguyễn Đỗ Phú tại Orange County thành lập. Theo báo cáo nộp cho cơ quan Bầu Cử Liên Bang, trong năm 2012, Human Rights For Viet Nam PAC thu được $110,720.00 và đã chi ra $26,683.00.  Tiền còn lại là $91,201.00 tính đến ngày 30 tháng 6, 2013.  Ủy ban Vận Động cho Obama của người Mỹ gốc Việt – Vietnamese Americans for Obama (VAFO) đã gây quỹ được hơn $200,000.00 trong cuộc bầu cử năm 2012.  Tuy nhiên so với quỹ tranh cử lên đến 1 tỉ đô la, những số tiền này quá nhỏ để gây sự quan tâm của ứng cử viên.  Trong khi đó , CĐNV có hơn 200.000 người làm thương mại và đã đóng góp hàng năm 28 tỉ đô vào nền kinh tế  Hoa Kỳ (Thống kê của Nha Thống kê 2007), số tiền CĐNV gởi về Việt Nam hàng năm cũng cả tỉ đô la, nhưng việc đóng góp cho các cuộc vận động chính trị còn rất thấp vì nhiều lý do, đứng đầu là sự thiếu tín nhiệm vào các tổ chức vận động chính trị, cũng như ý tưởng là các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ không có ảnh hưởng trực tiếp (dù có lợi hay hại) đến cá nhân hay gia đình.  Do đó, vấn đề thiết lập các PAC (cho cả hai đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa) với những mục tiêu trong sáng, thành phần lãnh đạo trẻ trung và mở rộng là điều cần thiết để gây quỹ trong CĐNV.

Multilingualballots

Nhận Định 2: Lá Phiếu

Thống kê dân số năm 2010 ước định dân số người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ là 1,548,449 người, đứng thứ ba của người Mỹ gốc Á ( Trung Hoa 3,347,229 người, Ấn Độ: 2,843,291 và Phi Luật Tân: 2,555,923).  Người Mỹ gốc Việt ở đông nhứt tại 10 tiểu bang: Cali (581,000), Texas (210,000), Washington (67,000), Florida (58,000), Virginia (54,000), Georgia (45,000), Massachusetts (43,000), Pennsylvania (39,000), New York (29,0000) và Louisiana (28,000). Trong cộng đồng người Mỹ gốc Á thì có khoảng 48% ghi tên đi bầu  và từ 55% đến 71% cử tri đi bầu nhất là các cuộc bầu cử Tổng Thống. Do đó, với khoảng 300,000 đến 350,000 cử tri ở rải rác  trong 10 tiểu bang, CĐNV không đủ  số phiếu để làm thay đổi kết quả  bầu cử Tổng Thống. Tuy nhiên, qua cuộc bầu cử năm 2000 (tiểu bang Florida đã là yếu tố quyết định thắng bại giữa Gore và Bush) và cuộc bầu cử năm 2008 (một số tiểu bang quyết định như Virginia và Florida), chúng ta phải biết cách vận động các tiểu bang “xôi đậu” (swing states) và dồn nổ lực cũng như tài chánh vào những tiểu bang đó. Một điểm quan trọng nữa là CĐNV phải tham gia thiệt sớm, ví dụ ngay từ bây giờ, cho cuộc bầu cử năm 2016.  Bước đầu tiên là sửa soạn tham gia vào các cuộc bầu sơ bộ (Primary) nhất là các cử tri gốc Việt sinh sống tại tiểu bang Iowa hay New Hamshire, nơi đã đưa ra các ứng cử viên Tổng Thống cho cả hai Đảng.  Số người tham dự các cuộc bầu cử sơ bộ thường rất nhỏ, nếu tham gia đông đảo vào các cuộc bầu sơ bộ, do đó dù có số ít cử tri, CĐNV vẫn có thể gây được nhiều sự chú ý.

Nhận Xét 3: Tổ Chức

Các ủy ban vận động của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa  chỉ chú ý đến các tổ chức có tính cách toàn quốc (National Organizations), do đó tập thể CĐNV phải có những tổ chức toàn quốc để làm việc vận động cử tri và gây quỹ mới có thể gây chú ý, tiếng vang và hy vọng các Ủy ban Vận Động của cả hai đảng sẽ chú ý đến.  Để đo lường mức độ thành công của các tổ chức CĐNV này, chúng ta có thể coi cả hai đảng có bỏ tiền vào quỹ vận động truyền thông của CĐNV hay không ? Quảng cáo bằng tiếng Tây Ban Nha đã trở thành một điều kiện quan trọng trong tiến trình vận động của cả hai đảng. Một điều quan trọng nữa là  những tổ chức CĐNV vận động chính trị phải có các  thành phần trẻ tuổi tham dự và nắm vai trò trọng yếu. Thành phần trẻ (25-50 tuổi)  thường có ba yếu tố quan trọng để thành công: (1) địa vị xã hội và khả năng tài chính, (2) các liên hệ cá nhân với các đoàn thể khác qua trường học, việc làm hay các tổ chức xã hội khác (social media network) và (3) khả năng sinh ngữ để có thể truyền đạt mục đích qua các giới truyền thông hay chính quyền Hoa Kỳ.  Cả hai tổ chức VAFO và Human Rights For Vietnam PAC đều có thành phần trẻ này trong Hội Đồng Quản Trị .

Nhận Xét 4: Mục Đích

Có phiếu, có tiền và có tổ chức, chúng ta cần phải có một hay nhiều mục đích rõ rệt là chúng ta đòi hỏi điều gì? Sự đòi hỏi này có thiết thực và khả thi không? Và đây có phải là sự đòi hỏi của đa số tập thể CĐNV hay không? Thiếu một mục đích chung hay một mục đích được đa số chấp nhận sẽ lại dẫn đến sự chia rẽ, lủng củng nôi bộ và thất bại trong việc gây quỹ.  Thêm vào đó, khi đã có mục đích, chúng ta phải biết cách đưa những thông tin này vào đúng chổ, thuyết phục đúng người và đúng lúc.

Có được như vậy, công cuộc vận động chính trị của CĐNV tại Hoa Kỳ  sẽ sớm được thành công.  Năm 2016 sẽ là một năm  của thế hệ thứ hai trong CĐNV và họ sẽ nắm một vai trò quan trọng trong cuộc vận động bầu cử Tổng Thống năm 2016.

Phụ lục: Hỏi – Đáp về Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2016

Hỏi: Tôi nghe nói người dân Hoa Kỳ KHÔNG trực tiếp bỏ phiếu bầu cho Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Có đúng không?

Đáp: Đúng, vì  Tổng Thống và Phó Tổng Thống được bầu chọn bởi một Cử Tri Đoàn (Electoral College). Số cử tri đoàn và sự lựa chọn do luật lệ của mỗi tiểu bang quy định. Số cử tri đoàn trong mỗi tiểu bang sẽ bằng số đại diện dân cử (Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ).

Ví dụ, tiểu bang Virginia có 11 Dân Biểu Quốc Hội và 2 Thượng Nghị Sĩ Liên Bang, tổng cộng là 13 người. Do đó, số cử tri đoàn của Virginia sẽ là 13 người. Tổng số Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ là 435 người, 100 Thượng Nghị Sĩ và Thủ Đô Washington, D.C. được quy định có 3 cử tri đoàn (dù là không có Dân Biểu Quốc Hội hay Thượng Nghị Sĩ nào). Do đó, tổng số cử tri đoàn trên toàn quốc sẽ là 538 người. Muốn trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ, ứng cử viên phải có ít nhất là 270 cử tri đoàn. Con số 270 này được gọi là “magic number”.

2016-Projections-7001

Hỏi: Vậy cử tri đoàn có phải là “người” thực sự không hay chỉ là một con số điển hình? Tại sao tôi không thấy tên của cử tri đoàn trên lá phiếu lúc tôi đi bầu?

Đáp: Cử tri (electors) trong Cử Tri Đoàn (Electoral College) là người thực sự. Họ thường được đề cử lên trong các đại hội Đảng ở cấp tiểu bang và sau đó do các vị lãnh đạo của các đảng có ứng cử viên ra tranh cử sẽ đề bạt lên Ủy Ban Bầu Cử Tiểu Bang (State Board of Election). Số cử tri (electors) được đề cử sẽ bằng số cử tri đoàn do luật tiểu bang ấn định. Xin xem thêm về phần lựa chọn cử tri đoàn vì rất phức tạp và tùy theo luật của mỗi tiểu bang.

Hỏi: Như vậy lá phiếu của tôi khi đi bầu Tổng Thống có giá trị gì không?

Đáp: Rất có giá trị vì số cử tri đoàn bầu cho một ứng cử viên nào sẽ tùy thuộc vào số phiếu bầu cho ứng cử viên đó trong tiểu bang. Đây là quy luật “Winner Takes All” hay “ Được Ăn Cả, Ngã Về Không”.

Ví dụ, ứng cử viên Obama đã thắng số phiếu bầu ở Tiểu Bang Virginia năm 2012, do đó toàn bộ 13 cử tri đoàn (electors) của Tiểu Bang Virginia đều về tay Obama. Nên nhớ dù chỉ thắng có 1 phiếu, ứng cử viên cũng sẽ lấy hết số cử tri đoàn (ngoại  trừ trường hợp hai tiểu bang Maine và Nebraska là cho phép phân chia số cử tri đoàn theo số phiếu phổ thông). Do đó trên thực tế, chúng ta có thể coi là chúng ta được trực tiếp chọn lựa Tổng Thống và Phó Tổng Thống.

Hỏi: Nếu cử tri đoàn quyết định chính thức ai sẽ là Tổng Thống và Phó Tổng Thống, tại sao ngay sau khi bầu cử, họ đã tuyên bố ai đắc cử mà không chờ cử tri đoàn tuyên bố?

Đáp: Như đã nói ở trên, ai thắng số phiếu qua cuộc phổ thông đầu phiếu sẽ thắng tất cả cử tri đoàn của tiểu bang đó. Do đó sau khi số phiếu đã kiểm xong, ứng cử viên có thể tiên đoán là mình đắc cử dựa trên số phiếu tiểu bang. Ngoại trừ trường hợp năm 2000, giữa ứng cử viên Al Gore và George Bush. Ứng cử viên Gore đã thắng hơn 500 ngàn phiếu trên toàn quốc, nhưng lại thua số cử tri đoàn  (Gore 267 electors – Bush 271) sau khi thua Florida nên G. Bush đã trở thành Tổng Thống.

Cử tri đoàn thường sẽ họp vào tuần lễ thứ nhất của tháng 1 sau ngày bầu cử vào tháng 11 năm trước. Dựa vào số phiếu trong tiểu bang, ứng cử viên nào nhiều phiếu nhất sẽ được toàn thể cử tri đoàn dồn phiếu cho (trừ Maine và Nebraska). Sau khi kết quả cuộc bầu phiếu của cử tri đoàn được chứng nhận với tất cả chữ ký của cử tri đoàn, bản chính sẽ được Thống Đốc tiểu bang ký tên và chuyển cho Chủ Tịch Thượng Viện Hoa Kỳ. Vị Chủ Tịch Thượng Viện Hoa Kỳ sau đó sẽ triệu tập một phiên họp khoáng đại lưỡng viện để chứng nhận kết quả bầu cử. Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện sẽ là người nhận lời tuyên thệ của vị Tân Tổng Thống, năm nay sẽ vào ngày 27 tháng 1 năm 2017. Do đó, thủ tục bỏ phiếu của cử tri đoàn để lựa chọn Tổng Thống và Phó Tổng Thống thực ra cũng chỉ là hình thức thôi vì kết quả thực sự là dựa trên cuộc phổ thông đầu phiếu.

Hỏi: Năm 2016 tôi thấy Đảng Dân Chủ có 3 ứng cử viên và Đảng Cộng Hòa có hơn 10 người, vậy ai sẽ là ứng cử viên chính thức, dựa vào đâu và khi nào chúng ta sẽ biết?

Đáp: Sau cuộc bầu cử sơ khởi (primary election) tại các tiểu bang Iowa, New Hamsphire, South Carolina vào đầu tháng 2 và các tiểu bang khác sau đó (Virginia sẽ vào tháng 3), chúng ta sẽ có một ý niệm ai sẽ được Đảng Dân Chủ hoặc Cộng Hòa đề cử.

Thông thường muốn trở thành ứng cử viên (nominee) của đảng, các ứng cử viên (candidate) phải thắng trong số mấy tiểu bang bầu thử trước này, vì dựa trên kết quả của các cuộc bầu cử sơ khởi ở các tiểu bang này, số người ủng hộ tiền sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa sẽ có các cuộc họp (convention) ở cấp tiểu bang để lựa chọn đại biểu (delegate) và các đại biểu này sẽ lựa chọn ứng cử viên chính thức của Đảng tại đại hội đảng toàn quốc.

Năm nay Đại Hội Đảng Cộng Hòa sẽ họp vào trung tuần tháng 7 tại Cleveland, Ohio và Đảng Dân Chủ vào cuối tháng 7 tại Philadelphia, Pennsylvania. Thông thường vào khoảng tháng 6 của năm bầu cử, ai là ứng cử viên sẽ được biết trước ngày đại hội đảng cấp tiểu bang để ứng cử viên này có thì giờ đi vận động. Ví dụ, năm 2008, trước đại hội đảng Dân Chủ ở tiểu bang Virginia, có hai ứng cử viên là Bà Hillary Clinton và Ông Barack Obama. Trước đại hội Đảng Dân Chủ tại tiểu bang Virginia vào tháng 6, 2008, tất cả các đại diện của Bà Hillary đã “được yêu cầu” chuyển qua cho Ông Obama. Do đó, tại Đại Hội Đảng Dân Chủ, ứng cử viên Obama đã được toàn thể đại biểu bầu lên để có sự thống nhất trong đảng.  Năm nay, Bà Hillary có chiều hướng sẽ được đề cử. Ngược lại Đảng Cộng Hòa có thể sẽ không biết được ai là ứng cử viên, cho đến ngày Đại hội Đảng Cộng Hòa tại Cleveland. Lúc đó, các đại biểu mới tham dự cuộc bỏ phiếu và người nào nhiều phiếu nhất sẽ là ứng cử viên Đảng Cộng Hòa. Sự lo ngại của Đảng Cộng Hòa là nếu ứng cử viên của Đảng được lựa chọn quá trễ, số tài nguyên và thì giờ đã bỏ phí vào chuyện nội bộ và có thể có sự chia rẽ nên khó thắng ở cuộc phổ thông đầu phiếu vào tháng 11. Do đó, hy vọng chúng ta sẽ biết ai là ứng cử viên Dân Chủ hay Cộng Hòa vào tháng 6  năm 2016.

Hỏi: Tôi nghe nói có tiểu bang được coi là sẽ nghiêng hẵn về một đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa, và có một số tiểu bang có thể bầu cho đảng này hay đảng kia tùy theo ứng cử viên và những tiểu bang này được gọi là “swing states” có đúng không?

Đáp: Đúng như vậy. Danh từ “swing states” để chỉ những tiểu bang có thể bầu cho đảng này hoặc đảng kia và chữ này được các vận động viên hay các chiến lược gia của đảng phái chính trị  xử dụng để họ có thể biết nên tập trung công cuộc vận động bầu cử vào tiểu bang nào.

Cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2012 cho thấy các tiểu bang Florida, Virginia, Ohio, Pennsylvania, Colorado Nevada được coi như “swing states”, do đó rất nhiều sự đầu tư đã được dồn vào những tiểu bang này. Đây cũng là một điểm quan trọng CĐNV cần để ý đến vì chúng ta có nhiều phiếu nhất ở hai tiểu bang: California và Texas nhưng hai tiểu bang này được coi là “one-party state” nghĩa là California sẽ bầu cho ứng cử viên Đảng Dân Chủ và Texas thì bầu cho ứng cử viên Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử năm 2016. Do đó,  số phiếu vài trăm ngàn của chúng ta ít được chú ý đến. Ngược lại, nếu CĐNV biết cách vận động, với số phiếu chỉ là hai ba ngàn nhưng ở tiểu bang “swing states” như Florida, Virginia, Ohio, Pennsylvania và Colorado thì rất là quan trọng. Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội đòi hỏi các ứng cử viên Tổng Thống phải chú ý đến các yêu cầu của chúng ta.

toi da bo phieu

Kết luận: Chúng ta phải ghi danh đi bầu (registration), đi bầu (vote) và chọn lựa những ứng cử viên xứng đáng đại diện cho quyền lợi của chúng ta tại Hoa Kỳ.

Đỗ Quang Tỏa

Virginia, January 2016

Visits: 568