Chim Hồng Yến Sẽ Bay Lượn Đâu Đây

Thơ Lê Văn Bỉnh

Tháng Chín này em có về đây hội ngộ
Chim hồng yến* sẽ bay lượn đón em
Cất tiếng hót hân hoan chào thêm một lần gặp gỡ
Ai sẽ ra phi trường
Hồi hộp đón em
Bảng số xe có thể làm em ít nhiều bối rối
Xin hãy bỏ qua cho sự tình cờ
“Virginia is for lovers” **
Nếu hàng chữ này chỉ dành riêng cho “chúng mình” trong phút giây ngắn ngủi
Cũng là hạnh phúc anh hằng mơ ước
Có một thời không thể nào bày tỏ được

***
Tháng Chín này bạn có về đây hội ngộ
Cùng nâng ly rượu vang đỏ địa phương
Cho một chút ấm lòng
Thêm vài ly dành cho bạn bè vắng bóng
Một phút trầm tư kẻ trước người sau
Có một thời chúng mình say sưa lý tưởng
Háo hức tung cánh bay về các tỉnh quận xa xôi
Tuổi trẻ kia những toan đội đá vá trời
Rồi một hôm bầu trời sụp đổ
Mộng cao cao ảo ảnh phù du
Kẻ vào tù
Người phiêu bạt trên những xứ lạnh tuyết băng

***
Gánh nặng cuộc đời đôi vai em trỉu xuống
Những lo toan đất lạ trán bạn nhăn nheo
Bụi thời gian chúng ta giủ phủi cho nhau
Tất cả như sẽ qua mau thật mau
Khi những tia mắt ấm đan nhau biển đời sẽ lặng

***

Tháng Chín này em có về đây hội ngộ
Tháng Chín này bạn có về đây gặp gỡ
Gíó mùa thu thủa ban sơ nhắc nhở
Gió mùa thu giấc mộng cũ lại đong đầy
Chim hồng yến sẽ bay lượn đâu đây
Hót chào những tấm lòng
Vẫn với nhau như những ngày xưa ấy

Lê Văn Bỉnh

Tháng 6/2019

*Cardinal, con chim biểu tượng cho tiểu bang Virginia
** DMV design, trên hầu hết các bảng số xe tiểu bang Virginia

Views: 25

Tháng Tư Buồn

THƠ Út Cai Lậy *

Bốn bốn năm dân vẫn còn thống khổ
Từ ngày buồn của tháng mất Quê tôi
Tên Sài Gòn chỉ tạm thế tên thôi
Vẫn sống mãi trong lòng dân nước Việt
Bỏ nước ra đi lòng buồn tha thiết
Nhớ gia đình nhớ phố cũ trường xưa
Nhớ con đường vào những buổi chiều mưa
Tiếng mì gõ tiếng rao hàng phố vắng
Rồi lại nhớ những trưa hè rực nắng
Phượng sân trường nhắc nhở đến mùa thi
Lệnh động viên các Anh bước chân đi
Theo tiếng gọi núi sông xa bạn cũ
Ghi tên tòng quân sống đời quân ngũ
Xếp bút nghiên bỏ mộng ước tương lai
Ngoài sa trường chiến đấu thật hăng say
Mong đất nước thanh bình dân no ấm

Chốn địa đầu Tết không hoa tươi thắm
Pháo đì đùng thay bởi ánh hỏa châu
Mẹ và cha đã thức suốt canh thâu
Đêm trừ tịch vắng con lau nước mắt

Anh lính trẻ nhớ nhà lòng đau thắt
Mong thanh bình sớm trở lại như xưa
Cuối tháng tư trời vần vũ cơn mưa
Báo hiệu trước một tương lai đen tối

Hãy vùng lên thế hệ đang tiếp nối
Nắm tay nhau cùng “phất ngọn cờ vàng”
Để dân mình thoát khỏi cảnh lầm than
Sống Hạnh phúc An lành trên đất Mẹ

Út Cai Lậy

* Út Cai Lậy là bút danh của hiền thê anh Lê Phước Ninh ĐS16

Views: 138

Cầu Xưa

THƠ Lê Văn Bỉnh

Cầu xưa đã gẫy bao năm trước
Người ở bên kia kẻ bên này
Thương nhớ chờn vờn sâu đáy nước
Huynh đệ lờ mờ khói sóng bay

Tôi đi lặng lẽ người thua cuộc
Cuộc chiến đạn bom máu mặn môi
Cuộc tình trai trẻ tim đau buốt
Đành đứng chơ vơ một góc trời

Nhiều khi mơ thấy người năm cũ
Không còn dao động thủa ban xưa
Đôi lúc nghe người thù quá khứ
Một lời chào thôi ngại dối lừa

Em nói tôi nay là kẻ khác
Tôi biết mình kẻ thật vô tình
Anh bảo tôi xa lơ xa lắc
Tôi hiểu mình trong cuộc hành trình

Kẻ thua cuộc một người đã hết
Chết tình yêu lịm cả tình người
Chỉ sống lại bạn bè mỏi mệt
Trong xót xa may thấy nụ cười.

Tôi soát lại những gì còn mất
Có một thời tôi đã nên người
Rồi sau đó lìa xa Cõi Thực
Mất cội nguồn hồn xác tả tơi

Tôi tò mò thêm câu ngắn ngủi
Hỏi cầu xưa xây lại hay chưa
Ai lại muốn suốt đời thui thủi
Sang bên kia … đôi lúc mong chờ

Lê Văn Bỉnh

Tháng Tư 2019

Views: 415

Thơ cho ngày sau, có người tìm thấy

Hoài Ziang Duy

Tôi viết bài thơ cho năm tháng sau nầy
Cho chính chúng ta
Những người nằm xuống
Không còn chứng nhân trong câu chuyện kể
Khi quá khứ trôi xuôi
Thời gian bước tới
Là những lãng quên
Ở năm, ở tháng, ở tuổi chất chồng
Cuộc sống nuôi thân

Thế hệ con trẻ rồi sẽ hỏi nhau
Việt Nam tôi đâu?
Sao thân phiêu bạt?
Xa lấy cội nguồn ngút ngàn trùng lấp
Xa lấy tình xa, xứ người lưu lạc

Làm sao nhắc nhớ
Từng đoàn người bỏ nước ra đi
Trên những chuyến bay, chuyến tàu ra khơi ngày cuối
Ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm
Một ngày chung cuộc tan hàng
Miền Nam Việt Nam

Rồi đời sau không thể nào quên
Như cơn lốc cuốn đi
Như tiếng thét rền thảm nạn
Như câu ai oán động lòng
Cả thế giới mở rộng vòng tay
Cứu vớt triệu người tìm đường vượt thoát

Sống còn không biết về đâu
Biển muôn trùng, sóng gíó ngàn khơi
Hãi hùng cho lần vĩnh biệt
Phận người đánh đổi
Hãm hiếp, phơi thây
Cái giá hy sinh phải trả cho hai tiếng
Tự do

Cũng từ đó định kiếp người Việt lưu vong
Khắp cùng thế giới

Rồi một ngày, như thể ngày sau
Con lớn lên lập thân nơi xứ người,
Nói tiếng mẹ đẻ đất nước cưu mang
Như sự thể tình cờ
Đọc lấy bài thơ nầy, hiểu lấy
Đất nước Việt Nam với hai chủ nghĩa
Hai miền Nam Bắc phân tranh
Hai mươi mốt năm cuộc chiến tương tàn
Hơn hai triệu người nằm xuống
Hiểu lấy cuộc cờ thất bại năm xưa
Cái giá hy sinh đành thôi ở dân tộc nhược tiểu
Cho bàn cờ sự thế

Ranh giới đồng minh là sự bội phản
Xoá đi sanh linh một dân tộc
Đổi dời mệnh nước
Tiếng oán hờn đeo đẳng
Sao thể nào yên!

Ra đi là chắc không về nữa
Ngóng về quê mẹ thẳm ngàn khơi
Nhắn dùm tôi câu nói nửa lời
Khi nước mắt khóc trời chưa muốn sáng

Sống hôm nay không còn bên lửa đạn
Một kiếp người không có Tổ quốc lâm chung
Tôi là ai?
Lẫn trong dòng dân Việt.
Sao không có chính danh
Thân phận mình

Là ai?
Để nói lời thương tưởng
Thế giới nầy không có đồng minh gần gũi
Không có kẻ thù trước mặt sau lưng
Không là ai, mới nhận ra chính mình?
Từ máu xương dân tộc
Từ mộ phần
Cha ông nằm xuống

Bài thơ nầy được viết từ người bỏ nước ra đi
Mang theo một trang sử buồn
Chữ nghĩa sống còn hôm nay
Đau lấy nỗi đau
Nói lại một thời khuất bóng
Chuyện cũ. Đã xa
Chỉ gần hơn
Cổ tích.

Hoài Ziang Duy

(trích thi tập “ĐỨNG TỰA BÊN ĐỜI, xuất bản tháng 4/2019)

Views: 86

Còn Gặp Nhau

Thơ Bửu Uyển

Khai Bút đầu năm 2019

Còn gặp nhau thì hãy cứ mơ ,

Ngắm trăng viễn xứ ghép vần thơ ,

Mơ về quê Mẹ thương thương Huế

Xa cách ngàn năm vẫn đợi chờ

 

Còn gặp nhau thì hãy cứ yêu

Giang sơn gấm vóc đẹp mỹ miều

Yêu thầy, yêu bạn, yêu trường cũ ,

Yêu lũy tre xanh nhuốm nắng chiều

 

Còn gặp nhau thì hãy hàn huyên,

Chuyện tình, chuyện nghĩa,  chuyện nhân duyên .

Ơn cha, nghĩa mẹ, tình non nước ,

Giữ lấy cơ đồ của tổ tiên

 

Còn gặp nhau thì hãy nguyện cầu,

Cầu cho đất nước hết thương đau.

Mưa thuận gió hòa trên quê Mẹ.

Ngàn trùng xa cách vẫn thương nhau.

Bửu Uyển (ĐS 11)

Views: 429

Quê Mình Giờ Thế Đó

Trần Văn Lương

Dạo:
Nhìn về chốn cũ mà đau,
Lương tâm, nhân tính từ lâu không còn.
 

 Quê Mình Giờ Thế Đó

 
Trăng nhỏ giọt trên mái đầu bạc phếch,
Người già ngồi, ngốc nghếch ngước nhìn mây.
Quanh gót chân vương vãi đống báo ngày
Đầy tin tức đắng cay từ quê mẹ.
 
Lòng muốn khóc, nhưng mắt không còn lệ,
Thoáng nhìn quanh rồi lặng lẽ cúi đầu,
Cắn chặt môi, đè nén chuỗi thương đau
Đang cuồn cuộn tranh nhau gầy giông gió.
                 
                              ***
Trời đất hỡi, quê mình giờ thế đó,
Chỉ mới vừa nhuộm đỏ mấy mươi năm,
Mà đã thành một địa ngục tối tăm,
Thành hang ổ bọn phi cầm phi thú.
 
Đất nước Việt, nhưng giặc Tàu làm chủ,
Đám cầm quyền chỉ là lũ gia nô,
Vâng lệnh ngoại bang, hành động điên rồ,
Theo vết của tên tội đồ dân tộc.
 
Vét tiền bạc chuyển dần ra ngoại quốc,
Đẩy cháu con đi “du học” xứ người,
Học hành gì, toàn chỉ có ăn chơi,
Sắm xe cộ, tậu cơ ngơi khắp chốn.
 
Để chuẩn bị sẵn sàng nơi ẩn trốn,
Sau khi Tàu xâm chiếm trọn quê cha,
Chẳng điều gì dẫu hèn mạt xấu xa,
Mà chúng chịu buông tha hay từ bỏ.
 
Nhưng lớn nhất là tội làm sụp đổ
Cả một nền đạo đức tổ tiên ta
Đã hy sinh dốc xương máu mình ra
Để gầy dựng cho nước nhà thuở trước.
 
Nhìn tư cách của người dân một nước,
Thì ít nhiều cũng biết được rồi đây,
Xứ sở này sẽ nhẹ bước cao bay,
Hay sớm muộn cũng có ngày xóa sổ.
 
Ngắm quê cũ, lòng càng thêm xấu hổ,
Đạo đức dân mình xuống hố thật nhanh,
Từ đám già cho đến lũ trẻ ranh,
Đâu cũng thấy toàn gian manh độc ác.
 
Vì tổ quốc biểu tình thì lác đác,
Nhưng hùa đi đại nhạc hội thì đông,
Mặc cho Tàu dần chiếm đoạt non sông,
Miễn mình được nghe văn công hò hét.
 
Rồi lớn bé xuống chật đường gào thét, 
Nhảy cẫng lên mừng kết quả trận banh,
Nhưng trong khi đất nước mẹ tan tành,
Vẫn lãnh đạm làm thinh không nhúc nhích.
 
Kéo nhau đi du lịch,
Giở lắm trò lố bịch, lưu manh,
Vào xứ người mà ăn cắp như ranh,
Trơ trẽn lộ toàn hành vi bỉ ổi.
 
Về giáo dục, nói ra càng tức tối,
Học sinh thì gian dối đến thành tinh,
Đám thầy bà càng đáng rủa đáng khinh,
Còn xảo trá hơn học sinh vạn bội.
 
Điểm qua các thành phần trong xã hội,
Bắt đầu từ cán bộ tới dân đen,
Từ “giáo sư”, “tiến sĩ” tới phu phen,
Đâu cũng chỉ xem đồng tiền trên hết.
 
Khi đạo đức bị hoàn toàn hủy diệt,
Và lương tâm cũng biền biệt ra đi,
Thì chẳng cần phải có phép tiên tri,
Cũng biết rõ được cái gì sẽ đến.
                    
                          ***
Chạnh nhớ lại lời thề khi vượt biển,
Tiếng sụt sùi đêm tách bến ra khơi,
Mới đây thôi đã mấy chục năm rồi,
Lòng già bỗng thấy bồi hồi vô hạn.
 
Nhìn một số người mang danh “tỵ nạn”,
Lại càng thêm buồn nản lẫn xót xa,
Kẻ “thăm quê”, kẻ du lịch “dối già”,
Kẻ “từ thiện”, kẻ về “ra mắt sách”.
 
Nhặt đống báo, vất vô thùng cái toạch,
Miệng lầm bầm tự than trách khôn nguôi,
Lối quê nhà đà vĩnh viễn xa xôi,
Chút hy vọng nhỏ nhoi đành lịm tắt.
 
Trạm xe buýt, ánh đèn mờ hiu hắt,
Khác chi đời kẻ ngắc ngoải tha phương,
Đã đến chặng cuối đường,
Còn phải khóc nhìn quê hương sắp mất.

Trần Văn Lương

Cali, 11/2018

Views: 420

Bóng Ma

Lê Văn Bỉnh

(Thêm stanza cuối để mong tìm gặp lại nhà thơ DƯƠNG QUÂN)

 

Trở về hoang vắng như sa mạc,

Thất thểu đi tìm cội tích xưa.

Nhật ký dẫu nhiều trang thất lạc,

Mấy mươi năm ký ức chưa mờ.

 

Lòng khao khát, kìa xa ốc đảo;

Bước tự do, đôi mắt cay cay.

Đâu sự thật và đâu hư ảo?

Bốn hướng mịt mờ hơi nước bay.

 

Trong sương khói ngóng về Bắc Đẩu,

Trùng trùng vây phủ bóng mây đen.

Lập lòe đom đóm tìm nơi đậu,

Ta thấy trong ta những yếu hèn.

 

Ở đây ngày ngắn ta thành bụi,

Đêm vô tận dài lại hoá thân:

Con đà điểu già vương mang tội

Chui đầu xuống cát biết bao lần.

 

Chợt nghe ai nói gì trong óc,

Mà ngỡ nghìn chim tiếng gọi đàn.

Vườn mơ thơm ngát em mời mọc;

Kèn trống quân thù gịuc thúc vang.

 

Biết trả lời sao khi em hỏi;

Ta còn chưa biết hết lòng ta.

Xin em đừng nhớ, đừng mong đợi;

Ta sống dật dờ … một bóng ma.

 

Ta mơ từ xa triệu ngọn đuốc

Sáng rực lên rừng lửa bập bùng,

Tiếng hò reo đón chào “hồn nước”*

Sẽ trở về sau cuộc phế hưng.

 

Lê Văn Bỉnh

—————–

  • Chữ của nhà thơ Lưu Nguyên Đạt trong bài “Chúng Tôi Còn Hồn Nước” trên blog Việt Thức

Views: 242

Bữa Cơm Cay Đắng

Dương Quân

Vì ngày 30.4.75, viết cho Cựu SV/QGHC

Hôm nay mừng bạn trở về đây

Chén rượu hàn huyên rót thật đầy

Nhắc lại từng tên bao bạn cũ

Kẻ còn, người mất buổi chia tay

 

Buổi ấy bàng hoàng sáng tháng tư

Bổng dưng tan nát cả cơ đồ

Nước non tang tóc, người di hận

Tử sĩ hồn nương nặng bóng cờ

 

Bạn ta, người chết tận rừng sâu

Giữa tuổi thanh xuân, bị ngục tù

Nhiều kẻ vùi thân lòng biển lớn

Tiếng hờn theo gió thoảng vi vu

 

Hỡi ơi! Nhứt khứ hề, vong quốc

Còn gặp nhau đây xiết nỗi mừng

Lại nhớ những người xa vĩnh viễn

Nhạt nhòa đáy cốc rượu rưng rưng

 

Uống đi! Đời đắng như men đắng

Dốc cạn hồ trường, hỏi tuổi nhau

Bạc thếch thời gian trên mái tóc

Một đời lưu lạc sớm qua mau

 

Chút lòng mời bữa cơm đơn giản

Mấy chén dành riêng bạn đã xa

Thắp nén trầm hương xin tưởng niệm

Hãy về hiển hiện ở quanh ta

 

Dù bạn về đây hay ở đâu

Vẫn như ngày trước lúc ban đầu

Ngậm ngùi đất khách niềm thương cảm

Chí cả thu vào khóe mắt sâu

 

Có thể sang năm không gặp nữa

Những người có mặt buổi hôm nay

Chỉ mong tình bạn luôn trong sáng

Nhựt nguyệt hằng soi thế giới nầy

 

Mong thấy quê hương được thái bình

Dân hiền thoát khỏi cảnh điêu linh

Bạo tàn sớm phải vào tiêu diệt

Trang sử đau buồn khép lại nhanh

Dương Quân (ĐS14)

Views: 261

Nghẹn Ngào Gió Muối

Trần Văn Lương 

Dạo:

Dập dồn gió muối biển khơi,

Trên môi mặn chát lệ người xa quê.

Nghẹn Ngào Gió Muối

 Chiều ngắc ngoải, nắng chuồi trơn tuột,

Tháng Tư về giá buốt hồn câm.

Mây loang đáy nước tím bầm,

Trùng dương vẳng tiếng khóc thầm gọi nhau.

 

Manh áo cũ đượm màu gió muối,

Người tần ngần, tiếc nuối bâng quơ,

Mắt nhìn quanh quẩn ngẩn ngơ,

Thương bầy sóng nhỏ lên bờ phơi thây.

 

Buồn ngẫm lại từ ngày mất nước,

Biết bao người cất bước ra khơi,

Trời không cho được tới nơi,

Đành cam đáy biển ngậm cười xót xa.

 

Thân may mắn vượt qua bão tố,

Cuối cùng đà đến chỗ bình an.

Dù xa cách vạn quan san,

Vẫn nghe đòi đoạn ruột gan sớm chiều.

 

Kể từ lúc đánh liều tránh loạn,

Giữ lời thề tỵ nạn sắt son,

Bao lâu lũ giặc vẫn còn,

Thì đành đất khách mỏi mòn lất lây.

 

Quê hương cũ giờ đây xa lạ,

Người dần quên hết cả cội nguồn,

Tập tành rặt thói con buôn,

Bày mưu tính kế lách luồn lừa nhau.

 

Đất nước đã do Tàu làm chủ,

Chỉ bạo quyền no đủ giàu sang,

Mặc dân đói khổ trăm đàng,

Hằng mong chóng được nhẹ nhàng xuôi tay.

 

Biển quê mẹ nay đầy xác cá,

Thay xác người vốn rã từ lâu.

Bốn mươi năm lẻ bể dâu,

Biết bao nhiêu nước dưới cầu đã qua.

                             *

                       *          *

Hạnh phúc vẫn còn xa hun hút,

Dù mong chờ từng phút từng giây.

Run run bóc tấm lịch dày,

Mơ trong tuyệt vọng ngày xoay cơ trời.

 

 Chữ Quốc Hận ngàn đời mãi nhớ,

 Nợ máu này muôn thuở nào quên,

Dân Nam kiếp nạn triền miên,

Vừa ngơi khói lửa, đã liền cùm gông.

 

Bao ước vọng, mười không được một,

Mượn tiếng cười gượng đốt cơn đau.

Bạn bè đầu trắng phau phau,

Gặp nhau chỉ lúc tiễn nhau về trời.

 

Định mệnh chẳng thương người dân Việt,

Để giặc thù giết chết non sông.

Tháng Tư đến, mắt cay nồng,

Chừng nghe tiếng gió biển Đông triệu hồn.

 

 Nhìn sóng nước, bồn chồn ngơ ngác,

Chợt thấy mình chẳng khác u linh,

Ngày ngày câm điếc lặng thinh,

Khập khà khập khiễng một mình lang thang.

 

Chỉ còn lá Cờ Vàng ấp ủ,

Năm canh ru giấc ngủ tật nguyền,

Chập chờn nửa tỉnh nửa điên,

Con tim vất vưởng tận miền xa xôi.

                            *

                     *            *

Nghe mặn chát bờ môi nứt nẻ,

Phải chăng là lệ kẻ ly hương,

Hay là gió muối trùng dương,

Về khơi lại nỗi nhớ thương một đời?

Trần Văn Lương

Cali, đầu mùa Quốc Hận 2018

Views: 160