Mùa Vu Lan Hà Nội

Thơ Lê Văn Bỉnh

Vụ xử án Đồng Tâm tại Hà Nội ngày 14-9

 

Mùa Vu Lan Hà Nội

Tòa xử vụ Đồng Tâm

Có khát chi mà vội

Uống máu tươi ngày rằm

 

Một cụ già chưa đủ

Phải thêm xác cháu con

Thịt mới ngon bữa cỗ

Đảng mới béo mới tròn

 

Dân đen chỉ thèm chết

Bao nhiêu thập niên rồi

Nô lệ dâng lợi ích

Lũ ký sinh đầy trời

 

Mùa Vu Lan Hà Nội

Tiếng chuông chùa hư không

Tịch liêu mùa lễ hội

Nghe tê tái triệu hồn

 

Lê Văn Bỉnh

Virginia, tháng 9 năm 2020

Views: 88

Sư Đoàn Tiền Giang

Trần Bạch Thu

Chuyến xe khách đến trại giam vào buổi xế chiều. Trời mây đen u ám vần vũ chùng xuống thấp như sắp chuyển mưa. Dưới đường thấp thoáng bóng công an đi lại quanh quất trước cổng dẫn ra con đường chính. Từ trong trại một đoàn người tù xếp hàng đôi đi ra ngồi xuống cạnh bên thành xe chờ gọi tên từng người đứng lên bước đến cửa cho công an khám xét trước khi lên xe. Tù nhân đi chân đất, đầu trần không được phép mang theo bất cứ một thứ gì. Tất cả đồ đạc vật dụng đã được nhét vào trong bao bố cá nhân gởi theo xe tải từ trưa. Im lặng bao trùm bầu không khí trên xe. Mọi người đang trên đường đến trại cải tạo Vườn Đào, nổi tiếng từ lâu với tên gọi chính thức rất đẹp – Mỹ Phước.

Tất cả tù nhân đã kết thúc giai đoạn tạm giam điều tra ở trại chấp pháp P15 hoặc cơ quan an ninh P12 sau đó được đưa xuống trại giam tỉnh Tiền Giang trong một vài tuần để chờ chuyến đi Mỹ Phước. Thành phần tù nhân bao gồm đủ loại từ vượt biên, vượt biển, hình sự, chính trị hay kinh tế nhưng đông nhất và ồn ào nhất là tù vượt biên.

Đoạn đường đi tới trại Mỹ Phước khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ. Từ Mỹ Tho đến ngã ba Long Định phố xá chen chúc hai bên đường tạo thành từng khu dân cư đông đúc, rồi từ ngã ba rẽ phải đi vào, nhà cửa bắt đầu thưa thớt dần. Hai bên đường cỏ dại, đưn lác mọc cao um tùm. Xe cộ, người đi vắng vẻ. Trông thật đìu hiu ảm đạm.

Xe dừng lại giữa đồng trống mênh mông, xa xa cổng trại làm bằng gỗ trên viết hai hàng chữ sơn đen “Trại cải tạo Mỹ Phước” hiện lên trơ trọi được bao bọc xung quanh bởi hàng rào dây kẽm gai dầy đặc. Chúng tôi xuống xe xếp thành hàng đôi điểm danh rồi lần lượt đi theo con đường đất nhỏ vào bên trong trại. Từ những ô cửa sổ bằng phên đất trong các dãy nhà dài dọc theo đường, hằng trăm con mắt tò mò nhìn ra theo dõi xem đoàn người tù được phân tán vào các dãy nhà. Họ hy vọng có người vào buồng mình để biết tin tức ở bên ngoài dù là rất ít, nhưng cũng đủ giúp cho họ đủ niềm tin sống sót chờ ngày về.

Tôi được phân vào dãy nhà ở góc trong cùng của trại dành cho tù nhân chính trị, gần dãy nhà tù nữ, mặc dù đa số tù nhân chuyển lên đợt nầy đều là “khách” vượt biên. Căn cứ vào kinh nghiệm của các đợt chuyển tù theo cách gối đầu, có nghĩa là trại thả đợt trước thì sẽ có đợt sau được chuyển lên từ Mỹ Tho trám vào, mỗi đợt như vậy thụ án ở trại cảo tạo chừng 6 tháng đến một năm là được thả. Ngược lại tù chính trị thì không có án và không biết được thời gian thụ án là bao lâu cho nên khi bị chuyển vào khu nầy thì mọi người ai nấy cũng đều nhìn bằng cặp mắt e ngại.

Ngay khi mới bước vào buồng giam tôi có cảm giác như đi lạc vào một nơi thâm u cùng cốc. Không gian tối lù mù chỉ có một bóng đèn tròn, vàng vọt ở giữa buồng. Mùi ẩm mốc hòa lẫn với mùi mồ hôi người xông lên nồng nực. Hai bên sạp ọp ẹp, lố nhố người đang ngồi dựa lưng vào vách không thấy rõ mặt chỉ thấy mờ nhạt, xanh xao một màu xám xịt. Buồng trưởng hướng dẫn đi một vòng tìm chỗ trống, cuối cùng đưa tôi đến gần nơi lối đi ra phía sau sát bờ kênh, ngay bên cạnh một người tù đang nằm bất động phủ toàn thân bằng một tấm mền đen mỏng che kín mặt ở cuối buồng.

Buồng giam nền đất lợp lá, vách phên luôn tuồn, tù nhân trải chiếu đệm trên sạp kết bằng cây đước ngủ ban đêm cũng như sinh hoạt ban ngày ăn uống tại chỗ trên manh chiếu nhỏ không hơn không kém. Mỗi tuần dọn vệ sinh một lần, nhưng cũng làm cho có lệ, chỉ quét rác thôi chứ không có tẩy rửa. Lâu ngày nền đất gồ ghề lên bóng láng như vảy cá đen thui. Đêm nằm ngủ mơ thấy như đang đi trên xe nhà rồng ra miền đất lạnh.

Mọi người ai đã từng ở trại Mỹ Phước đều biết địa ngục trần gian là có thật. Điều đầu tiên là đi ị phải đúng giờ. Mỗi sáng theo thứ tự từng dãy nhà chừng hơn 40 người xếp hàng ra dãy cầu tiêu cá đi tập thể trên chừng 10 căn chòi lá dừng sơ sài. Đi trên cây cầu khỉ lắt lẻo đang còn sợ té chưa kịp hoàn hồn thì công an đã ra lệnh khẩn trương cho đợt khác. Thời gian chừng nửa tiếng sau đó tất cả tập họp trở vô buồng cho dãy nhà khác đi ra.

Hôm đầu tiên đến trại đi cầu tiêu cá buổi sáng tôi thấy hơi khó, nhưng không sao, tự quên mình đi so với hình ảnh đập vào mắt, trông thấy vô cùng tội nghiệp khi đoàn tù nữ đi ra xếp hàng chờ. Bất ngờ một nữ tù nhân băng vượt lên phía trước vội vàng lao ngay xuống bờ cầu tiêu cá lềnh bềnh chất thải để ngắt thật nhanh vạt rau muống mọc quanh bờ. Nữ tù nhân nầy còn trẻ đã ở đây hơn 2 năm rồi mà không có thân nhân thăm nuôi. Công an thấy cũng làm lơ, quay mặt đi chỗ khác.

Mỹ Phước là vùng đất trũng phèn nặng nên mỗi buồng giam đều có một hàng lu nước phèn lọc bằng vôi hoặc tro để chắt nước uống và nấu ăn. Lao động chủ yếu là làm thủy lợi đắp đất thành từng luống trồng khóm. Đội cải tạo đi ra ngoài lao động trên nắng như đỗ lửa, dưới dầm chân quá gối trên kênh, xắn đất chuyền đắp lên luống. Bữa sau, hai ống quần đóng phèn bạc hoe, đỏ chạch. Chỉ một tuần thôi dưới chân nhất là ở các móng chân dính phèn vàng khè và mặt mày, tay chưn dộp da tróc vảy trông thật thảm thương.

Ngoài các đội lao động nông nghiệp, trong trại còn có nhiều đội đan lát hoặc làm các tạp vụ linh tinh mà phần lớn là tù vượt biên và tù nữ. Chung quanh trại ở tầm xa ngoài các rẫy khóm còn có các chốt canh giữ hoa màu do một số tù nhân tự giác trông coi, các tù nhân nầy thường đã thụ án hơn hai phần ba bản án hoặc ở đây trên 5 năm mà vụ án vẫn chưa kết thúc. Họ được đi lại tự do sinh hoạt riêng biệt trong các căn chòi lá chốt ở cuối rẫy. Đây là nơi cung cấp thực phẩm chui cho tù nhân trong trại. Dĩ nhiên cũng là nơi giúp các gia đình thu lượm tin tức của người thân đang bị giam bên trong, nhất là tù vượt biên thường có gia đình ở Sài Gòn hay các tỉnh xa xôi ngoài miền Trung. Công an chia chác tiền bạc qua những dịch vụ mua bán đổi chác và đồng thời cũng gián tiếp kiểm soát hàng hóa chuyển lậu vào trong trại.

Trong số các chốt nầy có một tù nhân bị bắt nguội trong một vụ án phản động và không có án. Khi chuyển lên đây anh đã nhiều lần vượt ngục và bị bắt lại. Bắt đi bắt lại mấy lần cho đến nay hơn 5 năm rồi mà cũng chưa được thả. Ra rẫy lao động mọi người thường hay liên lạc với anh ta để gởi mua thêm thức ăn tươi ngoài chợ Long Định vì ngoài nhiệm vụ canh giữ ở chốt anh còn được cán bộ cho theo ghe ra cầu kênh Xáng lấy chở nước ngọt về trại.

Quen dần anh tù tự giác tín cẩn tôi nên mới tiết lộ chi tiết về người tù ít nói lầm lì suốt ngày, gần mười năm không có ai thăm nuôi, nằm kế bên tôi trong buồng giam thuộc tổ lao động vệ sinh trong trại và đồng thời thỉnh thoảng anh ta cũng có nhờ tôi chuyển một ít gạo và cá mắm cho người tù nầy mà anh ta gọi là “ông thầy.”

Thật tình cờ và cũng rất thú vị khi được nằm kế bên và trò chuyện nhiều đêm với “ông thầy” tên thật là Trần văn Đ. nguyên sĩ quan tác chiến Sư Đoàn 7 Bộ binh quân lực VNCH, anh là nhân chứng sống và đang thụ án trong tù về một vụ án mà ít được nhắc tới sau nầy.

Câu chuyện bắt đầu với trí nhớ của một người tù 10 năm.

Tháng 8 năm 1977 cộng sản mở một phiên tòa tại Mỹ Tho để xử một vụ án âm mưu lật đổ chính quyền, tổ chức có danh xưng là Sư Đoàn Tiền Giang. Tuy luôn luôn nói là công khai nhưng không có thân nhân bị cáo tham dự cũng như không có phóng viên báo chí theo dõi và tường thuật, kể cả báo chí trong nước. Phiên tòa chỉ đọc cáo trạng trong khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Tất cả nhân viên pháp lý cũng như bồi thẩm nhân dân đều do chính quyền chỉ định. Tất cả bị can không có kháng án. Hoàng văn Ngãi, Tư lệnh sư đoàn, tử hình. Hai anh em Trương văn Thân (Bí danh Trần Minh Dũng), Tham Mưu Trưởng và Trương văn Dậy (Mười Dậy) Chỉ Huy Trưởng khu căn cứ Long An, mỗi người lãnh án 10 và 20 năm tù khổ sai. Khoảng hơn 10 người khác gồm có Lê Duy Phong (Sinh viên), Đỗ Hữu Thọ (Sinh viên), Phạm văn Quyền, Nguyễn văn Hiệp. Lê văn Điểu … và TVĐ. lãnh án từ 5 đến 10 năm tù giam. Tất cả đều bị bắt tại nhà Trần Minh Dũng vào buổi chiều tối ngày 10 tháng 10 năm 1976 và đem về biệt giam ở khám đường cũ, số 2 đường Lãnh Binh Cẩn, thành phố Mỹ Tho.

Ngược dòng thời gian, kể từ khi có lệnh đầu hàng từ Tướng Dương Văn Minh trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 tất cả sĩ quan binh lính cùng viên chức tại địa phương đều rời khỏi cơ sở hoặc nơi đơn vị đồn trú. Sau đó, đa phần đều ra trình diện đi cải tạo theo như thông báo trên báo chí và đài phát thanh cộng sản. Một số khác vẫn còn lẫn trốn không ra trình diện. Có người mai danh ẩn tích về các vùng xa xôi hẻo lánh tận miền Thất Sơn, Châu Đốc hay xuống vùng U Minh, Cà Mau. Lâu dần biệt tích, có thể họ đã vượt biên hoặc chết không ai biết. Cũng có người chờ tham gia các tổ chức kháng chiến được móc nối từ nước ngoài như trong vụ án Trần văn Bá sau nầy.

Chỉ một thời gian ngắn sau ngày cộng sản chiếm đóng toàn miền Nam, họ đã biểu lộ rõ dã tâm thống trị đất nước Việt Nam bằng một chế độ độc tài hà khắc. Giam cầm, lưu đày các sĩ quan, viên chức VNCH vô thời hạn. Ngược đãi thành phần trí thức, học giả miền Nam. Trấn áp dân chúng rời thành phố đi các vùng rừng thiêng nước độc để cán bộ đảng viên miền Bắc trán vào chiếm ngụ nhà cửa trong thành phố hoặc các vùng đất đai trù phú trong Nam. Kể từ giữa năm 1976 họ ban hành các chính sách phân biệt đối xử với các thành phần xã hội. Người miền Nam sinh sống trong vùng do VNCH kiểm soát bị loại ra khỏi các sinh hoạt công quyền kể cả trong các lãnh vực kinh tế và xã hội. Không đủ sức để chống đối lại kẻ xâm lược, một làn sóng vượt biên vượt biển đã trở thành phong trào rộng khắp trên toàn miền Nam.

Lúc bấy giờ, sư đoàn Tiền Giang là một tổ chức sớm nhất ở trong Nam chống lại sự cầm quyền của cộng sản. Thành phần tham gia đa số là quân nhân, viên chức VNCH đã cải tạo về hoặc còn lẫn trốn trong vùng Tiền Giang từ sau ngày cộng sản chiếm đóng. Tên gọi là sư đoàn nhưng chưa có trang bị vũ khí trong giai đoạn hình thành và chuẩn bị hoạt động như một phong trào nhân dân nổi dậy chống lại cộng sản. Cấp chỉ huy sư đoàn là các nhà hoạt động chính trị thời VNCH như ông Trương văn Thân là sáng lập viên đảng Tân Đại Việt, cùng thời với GS. Nguyễn Ngọc Huy, nguyên Trưởng Ty Nông Nghiệp tỉnh Định Tường. Trung Tá Hoàng văn Ngãi là Sĩ quan Tham mưu, Tiểu khu Định Tường. Lê văn Điểu là Tỉnh Đoàn trưởng Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Kiên Giang.

Theo kế hoạch của tổ chức thì sư đoàn sẽ là lực lượng nồng cốt một khi tổ chức ra mắt công khai chống lại nhà cầm quyền cộng sản được dư luận quốc tế quan tâm cũng như sự ủng hộ, tài trợ của nước ngoài. Sư đoàn thành lập vào đầu tháng tư năm 1976 tại Mỹ Tho dưới sự chỉ đạo của Trần Minh Dũng (Tư Thân). Hoạt động chính yếu lúc bấy giờ là tổ chức rải truyền đơn chống cộng sản. Tuyên truyền kết nạp cảm tình viên và thành viên hoạt động. Cho đến khi bộ chỉ huy bị vây bắt tại nhà Tư Thân, đường Pasteur, thành phố Mỹ Tho thì thành viên sư đoàn hầu như có mặt khắp nơi trên vùng lãnh thổ của ba tỉnh Long An, Định Tường và Kiến Hòa. Sau ngày 10 tháng 10 năm 1976 công an Tiền Giang ráo riết truy lùng bắt tiếp các thành viên hoạt động của sư đoàn.

Bắt đầu là khu căn cứ ở Long An do Mười Dậy chỉ huy. Công an phối hợp với bộ đội địa phương dùng súng tấn công căn cứ gây thiệt mạng nhiều người và bắt sống một số người tay không có vũ khí. Một số vượt thoát ra ngoài bị bộ đội rượt theo bắn chết. Số còn lại ẩn trốn trong nhà dân và thoát đi về hướng Mộc Hóa.

Sau đó công an dùng các phương tiện giam cầm dã man đối với tù nhân bị bắt. Tra tấn, biệt giam và cùm chân trong phòng tối là đòn cân não để khai thác tin tức. Càng lúc họ càng truy ra nhiều manh mối hơn và đi lùng bắt nguội (không có lệnh của Tòa án) khắp nơi. Thành phần bị bắt bao gồm đủ mọi loại từ sĩ quan, binh lính VNCH cho đến các giới chức trong chính quyền cũ tại địa phương, Trong đó có cả các viên chức tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh (QGHC). Công an ruồng bố trong các cư xá công chức cũ và trại gia binh trước đây. Chỉ trong vòng 10 ngày khám đường cũ chật kín người, công an chuyển một số tù nhân xuống trại giam mới, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho chừng khoảng 4km.

Trong thời gian 6 tháng, công an truy lùng bắt tất cả mọi người có liên quan đến những người bị bắt từ quan hệ gia đình cho đến bạn bè người quen, thân thuộc. Tháng 4 năm 1977 công an chuyển tất cả những người bị bắt vì tham gia sư đoàn Tiền Giang xuống trại giam chính của tỉnh. Tình hình căng thẳng khiến cho nhiều người có liên quan chưa bị bắt bỏ trốn dây chuyền, mặc dù không có liên can gì cả. Một người bị bắt kéo theo hàng chục người bị công an bắt đi thẩm vấn. Thật ra tổ chức cũng chỉ mới còn trong vòng tụ họp và tuyên truyền tham gia với tính cách cảm tình viên thì nhiều nhưng tuyên thệ tham gia vẫn còn rất ít trừ những người chủ chốt.

Cộng sản giấu nhẹm các sự kiện trong vụ án và mở một phiên tòa nhanh chóng để xử các bị can. Theo lời một nhân vật có thẩm quyền cho biết vụ án được Mai Chí Thọ chỉ đạo không khoan nhượng. Không biết cộng sản xử kín bao nhiêu người, chết hay sống trong mười năm qua không có tin tức. Anh cho biết lúc còn ở trại giam Tiền Giang, có thời gian anh bị nhốt chung với hai anh Lê Tấn Trạng và Ngô Ngọc Vĩnh (QGHC).

Vụ án Sư Đoàn Tiền Giang khép lại khi tòa tuyên án chính thức và những người bị bắt sau đó đều có lệnh tập trung cải tạo 3 năm vào cuối năm 1977. Phạm nhân được đưa đi các trại cải tạo tại địa phương hoặc án nhẹ hơn được đưa đi khu nông nghiệp Cồn Tròn ở Cái Bè thuộc Tỉnh ủy Tiền Giang, ở đây phạm nhân sinh hoạt thoải mái, làm việc hưởng theo chế độ công nhân một thời gian ngắn trước khi được trả tự do về với gia đình.

Từ khi được đưa đến trại Mỹ Phước, trong tù anh Đ. thường chỉ nghe ngóng và quan tâm đến tin tức ở nước ngoài. Thật là phấn khởi khi biết được phong trào phục quốc của nhóm Mai văn Hạnh và Trần văn Bá đã về tới Cà Mau. Hay là phong trào kháng chiến của Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đã về tới biên giới Lào – Việt. Ngoài các tổ chức trên anh còn luôn biểu lộ sự kính ngưỡng đến các “anh hùng” Võ Đại Tôn và Lý Tống.

Tết năm 1989 tôi được trả tự do. Trước khi biết tin có lệnh được thả hai hôm, tôi và anh có tâm sự nhiều điều. Điều sau cùng anh nói:

– Tôi bây giờ không còn hy vọng gì. Trừ phi các anh ra ngoài còn giữ được tinh thần phục quốc VNCH.

Ra khỏi cổng trại Mỹ Phước tôi bước lên xe mà đầu còn ngoảnh lại. Bóng anh mờ dần sau khung cửa sổ chằng chịt dây hàng rào kẽm gai. Tôi thầm khấn.

Trần Bạch Thu (ĐS 17)

Views: 478

Giấc Mơ Trở Lại Đồi 29

Thơ Lê Văn Bỉnh

 

Đêm qua trong giấc mơ

Toàn thân tôi bừng nóng

Đau đau cổ họng

Ho khan rồi khó thở

Những đám vi khuẩn đỏ

Ồ ạt chui vào phổi

Hung hăng đào xới

Phá vỡ hàng vạn phế nan

Khi tôi sắp xỉu ngất

Bỗng cửa phòng mở bật

Mấy làn gió mát

Từ một đỉnh đồi xa

Thổi vào mũi miệng vô vàn hạt phấn hoa

Hai buồng phổi đầy dưỡng khí và thân tôi hồng hào trở lại

Chúng ta phải sống và tập hợp dưới chân đồi xưa

Tiếng vọng vang vang oai phong hiệu lệnh

***

Ngọn đồi đó chúng tôi từng dừng quân

Đóng lại một đêm

Đồi 29 ai dễ gì quên

Cao độ trùng tên với ngày cận cuối tháng Tư

Chúng tôi đã vội vã leo lên

Hì hục cuốc đào công sự

Những ụ súng to nhỏ bố trí sẵn sàng

Lệnh chờ đánh tập hậu

Đại quân địch sẽ qua thung lũng dưới chân đồi này

Nhưng sáng hôm sau

Khi mặt trời vừa lên cao

Chợt có lệnh đầu hàng

Chúng tôi bàng hoàng

Đắn đo do dự

Cả đơn vị tức tưởi gục đầu

Quân phục cởi ra giấu cùng súng đạn

Vào những hốc đá

Lần lượt bước xuống chân đồi

***

Vừa hồi sức tôi cùng đồng đội

Quay trở lại ngọn đồi xưa

Hoang vu u tịch

Những mái tóc bạc vờn bay trong gió

Những khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ

Những bàn tay gầy guộc ốm o

Chúng tôi nhìn lên đồi

Nhạt nhòe nước mắt

Đồi 29 hôm nay sao cao quá

Những chướng ngại không thể vượt qua

Những bộ quân phuc kia ơi còn như xưa hay mục nát

Những khẩu súng kia ơi còn như xưa hay rỉ sét

Bốn mươi lăm năm háo hức chờ đợi

Còn lại đây hồn xác thẫn thờ

Đau xót

Lê Văn Bỉnh, ĐS 10

Virginia, tháng Tư 2020

Views: 156

Tháng tư, bức tường đá đen *

Hoài Ziang Duy

Tôi đứng nhìn em

Người thiếu phụ đứng ở bức tường đá đen

Có chồng chết ở chiến trường Việt nam

Mấy chục năm qua như lời em kể

Mỗi năm tháng tư

Hoa đào mở hội

Trên mặt phẳng đá đen cuộc đời trơ trụi

Năm mươi bảy ngàn chiến binh, quan, quân ghi dấu

Thấy lại tên chồng

Hồi ức chuyện năm xưa

Mấy mươi năm qua, lịch sử nhục vinh còn đó

Tên kề tên không phân biệt chức danh

Khi chết đi thân người nằm xuống

Cũng cầm bằng

Một nghĩa như nhau

 

Em trở về, tôi tháng tư đen

Tìm lại tên ai trên bức tường hồi ức

Tôi bâng khuâng lòng đêm canh thức

Xương máu đồng bào

Đồng đội tôi

Người lính vô danh

 

Đâu có bức tường nào ghi đủ chiến cuộc Việt Nam

Cả triệu người nhà tan phận nát

Sau chiến tranh, chiến binh người lưu lạc

Có còn đâu tổ quốc quay về

Dẫu hôm nay, cho cùng màu da mẫu hệ

Thấy sống còn

Đâu có nghĩa như nhau

 

Hỡi cô gái ở bức tường đá đen

Em dò lấy tên người thân quá cố

Có thấy tôi, mang tên người chết trước

Sử xanh kia sao buông bỏ nửa chừng

 

Không biết em nghĩ gì ở tháng tư

Tôi đứng đây vịn cành đào trĩu nặng

Bức tường đen, đứng ngoài xa thầm lặng

Vẫn thấy gần nước mất với khăn tang.

 

*( Bức tường tưởng niệm chiến tranh VN tại Washington D.C.)

Hoài Ziang Duy

(trích trong thi tập “ĐỨNG TỰA BÊN ĐỜI”, xuất bản tháng 4-2019)

Views: 349

Trận đánh Quận đường Đak-Tô năm 1969

Tôn Thất Hùng

Dân hành chánh, trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam thường được nghe dư luận cho là ít can đảm. Bài viết của một cựu sinh viên Học viện Quốc Gia Hành Chánh, (QGHC) vừa là cựu sinh viên trường sĩ quan trừ bị Thủ-Đức K1/ 68, hồi ký về trận đánh của quân chính quy Bắc-Việt tấn công vào quận đường Đak-Tô. Bài viết trình bày tinh thần anh dũng của nghĩa quân, bộ chỉ huy chi khu địa phương quân và tài điều quân hợp tác đồng bộ giữa Trung tá Quận trưởng, Ban Cố vấn Mỹ cùng hỏa lực yểm trợ đã đẩy lùi cuộc tấn công này.

 

Cá nhân người viết (NV) cũng như bao thanh niên cùng trang lứa, không ai muốn làm người hùng. Trong cuộc chiến Quốc Cộng, là trách nhiệm làm trai đúng với 3 tín niệm: “Tổ quốc, Danh dự, Trách nhiệm”, nên mọi người tùy hoàn cảnh, địa vị, đã đem hết trách nhiệm để bảo vệ Miền Nam cho đến ngày tàn cuộc.

Ngày 7 tháng 12 năm 1967, NV tốt nghiệp khóa 12 Đốc-sự QGHC. Tháng 3/1968 thụ huấn 9 tuần Khóa sinh dự bị Sĩ Quan ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Tháng 6/1968 sang Trường Bộ Binh Thủ-Đức. Vừa đặt chân xuống là đã được K.27 đàn anh chào mừng, cho chạy hai vòng Vũ Đình Trường, cũng đã thực hiện tốt đẹp, vì đã được thụ huấn ở Quang Trung, mà các đàn anh không bao giờ được biết.

Tháng 10/1968 lên Kontum, vào thời điểm NV đã vào tuổi 22. Ở nhà đàn anh Lê văn Minh, khoá 10. Ngày hôm sau 8/10, Thiếu tá Quận trưởng Đak-Tô Lò văn Bảo, đến nhà đón về Quận bằng trực thăng. Từ Tỉnh lỵ Kontum theo quốc lộ 14 lên Quận đường Đak-Tô là 57 kilomét. Sau Tết Mậu Thân 1968, địch thường xuyên bắn phá, đặt mìn trên đoạn đường Võ Định, Ngô Trang và con dốc dài Đakma-Konhring, là hai nơi nguy hiểm nhất. Ngày nào cũng có xe chở̉ khách, xe quân đội bị mìn hoặc bị phục kích bắn sẻ, làm cho nhiều thường dân và quân nhân bị tử thương, nên đoạn đường này được báo chí mệnh danh là “tử lộ”, và tên Đak-Tô được báo chí Mỹ mệnh danh là “The Hell of Dakto’’, tạm dịch ‘’Hỏa ngục Đak-Tô’’. Vì di chuyển bằng đường bộ là đùa với tử thần, nên trong suốt thời gian từ tháng 10/ 1968 cho đến tháng 3/1970, NV thường xuyên được trực thăng chở về dự họp ở Tòa Hành chánh Tỉnh, chỉ khi nào không có máy bay, thì mới di chuyển bằng xe của Quận.

Lần đầu tiên được di chuyển bằng trực thăng, từ cao độ trên 3000 mét, NV đã thấy nào là rừng già đang vào Thu, lá vàng núi non trùng điệp, nào là cảnh thác nước Yali trắng xóa dưới ánh mặt trời, nào là đồi hoang, nào là sông Dakla nước chảy ngược dòng, cùng với những thung lũng trải dài sâu rộng. Hai đỉnh núi Ngok-wan, Ngok-xi, còn loang lổ cây rừng cháy đen, đất lở, vết tích của trận đánh năm 1965, do cố Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam chỉ huy, cùng với Chiến đoàn Dù, đã làm nên chiến tích. Mãi say sưa thưởng ngoạn, trực thăng đã đáp xuống sân bay nhỏ trước cổng Quận đường hồi nào không hay.

Thiếu tá Lò văn Bảo, sinh năm 1934, hơn NV 12 tuổi, xuất thân Khóa 8 Sĩ quan Võ bị Đà Lạt năm 1954, người Thái trắng, con một Chánh tổng ở Lai châu,. Sau khi tốt nghiệp trung học trường Pháp, đã từng được du học Mỹ, nên nói tiếng Anh rất lưu loát. Trước khi về làm Quận trưởng ông đã nhiều năm giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng thuộc Trung Đoàn 42 biệt lập, đồn trú tại Thị trấn Tân Cảnh. Trung Đoàn trưởng là Trung tá Đinh Thế Thoại, người Nùng và hầu hết gần 4 Tiểu Đoàn đều là người Thái, Nùng, Mường thuộc các tỉnh thượng du Bắc Việt.

(Dakto Camp)

Sau biến cố Tết Mậu-Thân 1968, chính quyền quân sự ở trung ương, đã giao thêm chức vụ Chỉ Huy trưởng Lực lượng Nhân Dân Tự Vệ (NDTV) Quận cho Phó Quận trưởng. Xét thấy với nhiệm vụ là cấp trưởng của guồng máy hành chánh Quận, nay thời chiến chức vụ Chi Khu Trưởng kiêm nhiệm Quận trưởng, phải có trách niệm cho sự mất còn của Quận và Quận đường. Thiết nghĩ Thiếu tá Quận trưởng giữ Quận, thì Chuẩn uý Phó Quận, cũng phải cùng với Quận trưởng bảo vệ Quận là hợp lý. Bên cạnh văn phòng Quận và Bộ Chỉ Huy Chi Khu, từ trước năm 1963, thời cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, chính quyền Tỉnh đã xây thêm một căn nhà gạch, làm hành dinh, để cho cố Tổng Thống có nơi nghỉ qua đêm, khi đến kinh lý Quận. Vợ chồng Thiếu tá đã cư ngụ ở đó, cùng với 2 cháu nhỏ. Trước đây các đàn anh tiền nhiệm đều ở Thị trấn Tân Cảnh, cách Quận đường vài cây số. Thị trấn luôn đông đúc, náo nhiệt. Dân cư ở đây bao gồm gia đình các sĩ quan và quân nhân của Trung đòan 42, và rất đông thường dân buôn bán, cung cấp dịch vụ cho cả Trung đoàn, trên dưới 2500 người. Ở Tân Cảnh có rạp hát, có nhiều quán ăn, giải khát nên các đàn anh thường đến ở đó. Cố đàn anh Nguyễn Khánh, Khoá 8, trước đây đầu năm 1968, đã về nhậm chức Phó Tỉnh trưởng Quảng Nam. Trong buổi ăn tối với vợ chồng Thiếu tá, nhìn thấy có một phòng đối diện với phòng ngủ của Thiếu tá còn trống, NV đề nghị xin cho ở căn phòng này. Thiếu tá đồng ý vì ông nghĩ là NV sẽ có mặt tại chỗ, thay thế ông trong bất kỳ công việc nào cần thiết khi ông vắng mặt. Mỗi thứ bảy, chủ nhật vợ chồng Ông Quận trưởng đều cho NV tháp tùng, đến thăm các gia đình bạn bè vừa là đồng hương ở Bắc Thái, vừa là thuộc cấp cũ. Quý vị có biết không, tập tục của người Thái như sau: khách đến nhà là phải uống rượu cho đến say mèm mới được cho về. Chủ xị thường là các bà Thầy pháp, hôm nào quý bà làm chủ xị, thường có luật uống rượu khác nhau. Mỗi bà ra lịnh mỗi cách, có lần một bà ra lịnh cầm bát bằng tay trái, mà khách vì uống nhiều, tửu nhập ngôn xuất, nên khi đến lượt mình, quên cầm bát qua tay mặt, thì phải chịu phạt 10 bát rượu liên tiếp. NVcũng đã được nếm mùi rượu phạt này, đến độ đến bát thứ 10, thì các mạch máu đều giản ra căng thẳng muốn đứt luôn. Khi vừa về đến nhà, có bao nhiêu chai soda trong tủ lạnh của ông Quận trưởng, NV đều đổ vào họng hết, mặc dù ngoài trời rất lạnh. Có nhiều đêm trăng non trên đường từ Quận đường xuống Tân cảnh qua “eo tử thần”, nơi cố Trung tá Lai văn Chu Trung Đoàn trưởng bị phục kích tử thương năm 1965, thì Thiếu tá cho hai nghĩa quân người Thượng nhảy xuống canh phòng, khi về thì bốc theo. Thiếu tá rất biết đãi người, đi đâu ông cũng ngồi ở ghế tài xế và để NV ngồi ở ghế trưởng xa.

Cuộc sống giữa NV và gia đình Thiếu tá có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Bà Thiếu tá cứ nhắc hoài là có lần cháu trai tên Lôi làm gì sai đó, Thiếu tá định đánh đòn nặng, NV vội chạy đến kịp thời ẵm cháu, chạy lẹ thoát trận lôi đình của ông. Ngày thường các sắc dân Thượng khi vào văn phòng Quận, từ cách xa 10 mét là cúi đầu chào, mời Bót Phó, Bót Quận đi “bắt cái rượu”, vì Lễ Hội truyền thống, nhưng một khi trong tình trạng say xỉn, thì chạy vào cặp hông 2 Bót kéo đi, khỏi có lễ phép gì cả. Ban đêm Ban Cố vấn Mỹ sang mời uống rựợu, vào những ngày Lễ Hội của Mỹ, cho nên NV thường cặp nách “Ông già đi bộ” hoặc bẻ cổ lùn Ngài Nã Phá Luân, ngày ngày say men rượu cần, đêm đêm bia rượu hội ngộ.
Cũng có đôi lần, sau khi thu nhận các nguồn tin tình báo từ Ban 2, Cảnh sát, An ninh Quân đội và ban Cố vấn Mỹ, Bộ Chỉ huy Chi khu kết luận là đich sẽ tấn công vào Quận đường bất cứ lúc nào, thì Thiếu tá liền cho vợ con về Tùng Nghĩa, Đà Lạt trước đó vài ngày. (Tùng Nghĩa là nơi định cư của dân tộc Bắc Thái, và các sắc dân thượng du Bắc Việt, khi di cư vào Miền Nam sau năm 1954). Thiếu tá và Bộ Chỉ huy Chi khu, luôn luôn được đặt trong tình trạng báo động. Khi chỉ còn lại hai người, ông đã tâm sự rất nhiều với NV. ông thích bia Miller, thuốc lá Marlboro, còn NV thì Lucky, rồi thì trao đổi ý kiến về hiện tình đất nước, về việc cán binh Bắc Việt bị xiềng chân vào các súng phòng không, mà Trung tá và NV đã chứng kiến vài hôm trước, trong tháng 10/1969, khi quân Bắc Việt tấn công vào Tổng Konhring. Mỗi khi phi tuần F.4 dội bom vào bọn chúng, tiêu diệt các mũi tiến công, dập tắt hết các khẩu thượng liên, đại liên, B.40 và AK.47, đến khi phi tuần thứ hai vào vùng, thì vẫn còn nghe độc nhất tiếng súng phòng không tác xạ vào các phi tuần F.4 này mà thôi. Nhiều hôm mãi say sưa chuyện trò đến thật khuya, khi ngoài trời Tây Nguyên sương đêm rơi xuống giá lạnh, hai người mới chia tay về phòng.

Đầu năm 1969, ông Bảo được thăng cấp Trung tá. Mặt trận B.3 đã nhiều lần ra lịnh tấn công vào Quận đường. Sau Tết 1969, hai đaị đội chính quy Bắc Việt tấn công vào Quận. Đêm hôm ấy NV về Tỉnh họp, ngày hôm sau trở lại Quận, thì Trung tá cho biết đã bắt được một cán binh người Thừa Thiên, thuộc Quận Quảng Điền ven biển. Người này bị bắt khi tấn công vào Quận, bị chống trả mãnh liệt, không biết lối đào thoát, cùng đường phải nhảy xuống hố phân ẩn núp. Sáng sớm hôm sau một nghĩa quân đi cầu nghe tiếng lạ, soi đèn bấm bắt được. Trung tá nói: “Ông Phó người Huế, nhờ hỏi giùm tôi mấy câu”. Trung uý Trưởng Ban 2 và Chuẩn uý Ban 5, đưa anh cán binh Việt cộng vào, trong bộ quân phục nghĩa quân màu xanh mới, sau khi đã được tắm gội sạch sẽ. NV kéo ghế mời ngồi, tay mở tù lạnh, lấy ra chai rựợu ngọt Lychee trái vãi, quà của chủ trại cưa gỗ nhân dịp Tết Kỷ Dậu, rót vào ly mời uống. Anh ta e dè, NV bèn uống một hớp, rồi đưa cho anh ta uống. NV hỏi “Anh đã được ăn no chưa?” Anh ta bảo là “có”. Mở gói thuốc Lucky thơm phức, mời anh một điếu, bật lửa cho mình, rồi bật lửa cho anh. Anh cho biết quê quán ở Quận Quảng Điền, Tỉnh Thừa Thiên, bị bắt đi bộ đội trước Tết Mậu Thân 1968. Đã theo đường mòn Hồ Chí Minh vào Nam, nay thuộc Mặt trận B3, hay là Mật khu Bông Hồng. Trung tá Quận trưởng giao bộ đội VC cho Tiểu đoàn 3, Trung Đoàn 42, dẫn theo hành quân khai thác và chỉ điểm các hầm vũ khí VC cất dấu. Do sơ hở của đơn vị canh phòng, người cán binh VC này đã lăn xuống đồi trốn mất. Sau đó anh này đã dẫn hai Đại đội chính quy Bắc Việt vào tấn công Quận đường Đak-tô lần thứ hai.

Cuộc tấn công vào Quận đường tháng 11 năm 1969

Từ đầu tháng 11/1969, địch quân đã pháo kích vào sân cờ Quận đường nhiều lần. Vào ngày Thứ Hai, lúc toàn Bộ Chi khu, các sĩ quan, binh sĩ và các chi sở hành chánh, đang trong giờ chào Quốc kỳ, thì địch phóng nhiều hỏa tiễn 122 ly vào. Tiếng hú tử thần rít qua đầu, Trung tá Quận trưởng cho lịnh mọi người vào hầm ẩn núp, sau đó là ban hành lịnh giới nghiêm, cho trung đội công vụ kéo dây kẽm gai, chặn hai lối vào Quận đường. Sau nhiều ngày pháo kích bằng hỏa tiển 122 ly, để áp đảo tinh thần quân phòng thủ, ngày Thứ Hai trung tuần tháng 11, tin tức tình báo từ Ban 2, Cảnh sát và đặc biệt là từ Ban Cố vấn Mỹ, do máy dò độ nóng ghi nhận chính xác, VC đang di chuyển về hướng Quận với khoảng hơn 200 người, và có thể tấn công vào lúc 12 giờ khuya. Thiếu tá Culp, Cố vấn Trưởng, đã cùng họp với các sĩ quan Chi Khu, Trung tá Quận trưởng và NV. Vừa họp vừa uống bia. Vài hôm trước đó, theo yêu cầu của Ban Cố vấn, Quận đã quyết định cho đại bác 175 ly từ Ben-Hét (Ben-Hét là Trại Lực lượng biên phòng, nằm cách xa ngã 3 biên giới Việt Miên Lào chừng 6 miles), bắn thí điểm vào các nơi tiên liệu là đường tiến binh và chém vè của chúng. Tiếng nổ 175 ly nghe ù tai nhức óc, ngộp tim. Sau mỗi trái nổ, liền tiếp theo là nhiều tiếng nổ phụ của các chuổi đạn nổ chùm sát thương. Cùng trong thời gian này, bà Trung tá và hai con nhỏ đã được đưa về Tùng nghĩa vài ngày trước đó. Cuộc họp từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối là kết thúc. Tất cả sĩ quan, nghĩa quân các Ban, đều vào vị trí chiến đấu tại các pháo tháp phòng ngự với trung liên Bar, xuống giao thông hào dưới địa đạo phòng thủ. Lực lượng phòng ngự có khoảng một trung đội nghĩa quân người Thượng, cùng với nhân số sáu Ban Chi khu gồm: Sĩ quan, Hạ sĩ quan và binh sĩ Địa phương quân khoảng 20 người. Tổng cọng vừa NQ và ĐPQ trên dưới 60 tay súng. Trung sĩ Lưu, người Quảng Bình, xem lại vị trí khẩu súng cối 4.6, chuẩn bị phản pháo với bản đồ có các tọa độ đã chấm sẵn. Vào thời điểm này chưa có trung đội pháo binh 105 ly trực thuộc cấp Chi khu.

(Dakto Base)

Khi địch pháo 130 ly có đầu đạn nổ chậm, chui qua bao cát rồi mới nổ. Trung tá Quận trưởng cho Trung đội công vụ, làm bao cát phòng thủ ở trong phòng ngủ ông. Ông ta hỏi NV có muốn làm bao cát không? Vì thuộc loại Chuẩn úy nai tơ, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ và vì không cho mình là người quan trọng, thêm tốn công sức của lính, nên NV đã nói “cám ơn, không’’. Bất cứ ai đã qua thời gian thụ huấn quân sự, đều có được thói quen là: đang ngũ mà luôn cảnh giác, cảnh giác này chỉ mất đi, khi ta bị bệnh hoặc đã uống nhiều rượu. Đang nằm thiu thiu trên giường gỗ, bỗng dưng nghe tiếng pháo 82, nổ dồn dập cùng với đại liên, AK 47 áp đảo, có tiếng nổ rớt ngay ngoài sân cờ, cách phòng ngủ khoảng 2,3 mét. Có trái nổ ngay tại văn phòng Quận, NV xem đồng hồ tay đúng 12 giờ đêm, không có cảm giác sợ hải là gì cả. Tháng 4/1968 lúc còn ở Quang Trung, có đêm bị VC pháo kích. Trong ánh sáng hỏa châu, nghe bắn hù dọa cũng không cảm thấy lo âu, thầm bảo: “Mày pháo tao trên 15 phút thì tao mới dậy, nếu không thì tiếp tục ngủ”. Đạn súng cối vẫn tiếp tục nổ, hòa cùng nhiều tiếng đại liên của địch nổ dòn sát phạt xối xả. Và đây rồi tiếng nổ của cây trung liên Bar, ở pháo tháp phòng ngự sau nhà vang lên chát chúa. Khói mù khét lẹt ùa vào phòng khách. Vì đã chuẩn bị nên đã trang phục tác chiến, với giày trận trước khi lên giường, NV đeo vội khẩu P38 ngắn nòng, hối hả bước ra cửa sau .Trong tiếng súng liên thanh của ta và địch, hoà với mùi khói, nghe tiếng la của anh nghĩa quân Thượng cận vệ: ‘’ Ai đó?’’, ‘’Bót Phó đây, sao em?’’. Tiếng trung liên vẫn nổ chát chúa. Tiếng đại liên địch nổ liên hồi. Nhiều tiếng bộc phá nổ ầm dưới hàng kẽm gai phòng thủ quanh Quận. Tiếng AK47 nổ khắp bốn phía.” Nó đánh tới rồi, Bót Quận đâu?” ” Xem kỹ, bắn đi. Bót kêu Bót Quận ngay”. Vài bước vội quay lại. Trong tiếng đạn pháo, tiếng bộc phá, tiếng đại liên nổ dồn dập, khói khét lẹt mù mịt, NV đập cửa phòng Trung tá Quận trưởng thật mạnh, vì mỗi giây chậm trễ là phải trả giá rất đắc. Phòng kín quá, bao cát dày quá, chừng hai phút sau Trung tá bước ra: “Gì vậy ông Phó ?”. ” Dạ nó đánh tới nơi rồi”. Trung tá vội gọi ngay Thiếu tá Culp. Bước ra sân cờ thì hỏa châu đã soi sáng. Chiến trường đã được soi sáng rõ mồn một, nghe tiếng súng cối 4.6 của Trung sĩ Lưu, liên tiếp phản pháo vào các vị trí tấn công của địch. Từ các pháo tháp phòng thủ, tiếng nổ chát chúa của nhiều khẩu trung liên Bar, cùng tiếng AR.15 (sau này thay bằng AR.16), NV theo liền Trung tá. Các sĩ quan Chi khu đã có mặt ở các vị trí phòng thủ, cùng với Trung tá Bảo, Đại úy Bửu Uyên, Chi khu Phó kiêm nhiệm Trưởng ban 3 và Chuẩn úy trưởng khẩu cối 4.6, quyết định chấm tọa độ phản pháo. Thiếu tá Culp, Cố vấn Trưởng, Trung uý Nhảy Dù Furnman, người cùng đi ngủ Ấp với NV, thường xuyên đến các xã ấp xa xôi hẻo lánh nguy hiểm, trong Chương Trình Hành Chánh về Làng của chính quyền, đã có mặt tại chổ. Thiếu tá Cố vấn, sau khi hội ý với Trung tá Bảo, đã gọi về Quân Đoàn. Tiếng súng đại liên M.60 của Ban Cố Vấn, tiếng súng Garant, Carbine, Shotgun của lực lượng Nhân Dân Tự Vệ Xã Toumorong đang tị nạn, nằm sau Quận đường thi nhau nổ, hoà cùng với đủ loại vũ khí của ta và địch, dưới ánh sáng hoả châu, đã tạo nên một cảnh chiến trường sôi động. Súng đạn nổ vang trời, nhiều lằn đạn đan chéo nhau chi chít tạo thành những chuổi dài lửa liên tục nhắm vào cả hai bên ta và địch. Chợt một trái 82 nổ ầm gây khói lửa, nhiều mãnh đạn cùng đất sõi tung tóe lên. Chuẩn uý Kim, Ban NDTV bị thương ở tay trái, được Trung úy trợ y Thiện và Ban Quân Y kịp thời băng bó ngay. Tay mặt vẫn tiếp tục cầm súng. Địch có ý đồ tấn công vào Quận đường và Xã Toumorong cùng một lúc.

(Phi Trường Đak-Tô)

Chừng 20 phút sau, hai chiếc Hỏa Long Spooky nhào xuống. Đánh không đẹp thì thôi!. Hỏa châu thay nhau soi sáng chiến trường. Từ trên hai chiếc trực thăng võ trang, phi công cho hạ sát hàng rào phòng thủ, phóng rockets. Lửa cháy ngùn ngụt. Tiếng cánh quạt nổ lớn làm chủ chiến trường, át hẳn các tiếng súng tấn công của địch. Địch quân chưa kịp phản ứng gì thì đã được nghe nhiều tiếng nổ kinh hồn chính xác khủng khiếp. Từng tên lửa sát thương nhắm vào các đặc công cảm tử, bộc phá nổ tung, hoà cùng với nhiều tiếng nổ của các mìn Claymore chống tấn công, làm banh xác những kẻ xâm lăng mù quáng do bị nhồi sọ. Đồng thời bốn cây Đại liên M.60 từ trên hai chiếc Hỏa long, nhắm đúng, chính xác khạc đạn liên hồi, tạo thành những chuổi dài lửa, viên sau nối tiếp với viên trước mang thần chết đến cho đám địch quân cộng sản. Cứ sau một vòng bắn tên lửa và đại liên thì Hoả Long quay ngay lại, tiếp tục gieo kinh hoàng chết chóc cho hai đại đội chính quy sinh Bắc tử Nam này. Tiếng bộc phá im ngay, tiếng đại liên thưa dần. Sau gần 20 phút làm chủ chiến trường, hai chiếc Hỏa Long rời khỏi trận địa. Một phi tuần F.4 vào vùng, dội bom chính xác vào các vị trí tấn công và đường rút lui của chúng, khoảng 5 giờ sáng, địch rút lui mang theo nhiều tên bị thương và tử thương. Đến 6 giờ sáng, tiếng súng giao tranh đã ngưng bặt, chiến trường đã trở lại im lắng. NV và các Sĩ quan Quận, Ban NDTVệ, Bình định Phát triển rời công sự, đi ra khỏi cổng Quận, cùng với trung đội phòng thủ để lục soát chiến trường. Vì hiếu kỳ và trong trách nhiệm chỉ huy trưởng NDTV Quận, muốn biết tổn thất lực lượng NDTV Toumorong về nhân mạng và vũ khí như thế nào, nên NV đã theo chân các Nghĩa Quân (NQ) và NDTV Xã tỵ nạn, cho lệnh lục soát các bụi cây dọc hai bên đường. Kết quả Trưởng Ấp thuộc Xã tỵ nạn và NQ đã bắt đựợc một cán binh Bắc Việt, đang ẩn núp trong lùm vì không biết đườ̀ng thoát chạy. Trưởng Ấp có vợ vừa bị trúng đạn súng cối chết, ông ta vung dao rừng định chém đầu tên Việt cộng, NV vội đưa tay ngăn cản và bảo: – “Để Bót Quận lo”, trước ánh mắt ngỡ ngàng, sững sốt, đầy nổi kinh hoàng khiếp sợ, pha lẫn sự bàng hoàng ngạc nhiên của cán binh VC, vốn đựơc học tập vào giải phóng các Xã Ấp bị Mỹ Ngụy kềm kẹp, sao bây giờ lại bị người được giải phóng muốn chém đầu”. Qua thẩm vấn, tên tù binh khai là người Thái Trắng ở Lai Châu, trùng quê với Trung tá Quận trưởng. Quanh đây nồng nặc mùi hôi thối khét lẹt của thây người, do bị rockets của Hỏa Long tác xạ, có thây bầy nhầy chỉ còn gan ruột, nằm vắt trên hàng rào kẽm gai, có thây trong túi quần cụt có vài viên “Hùng Lực”(viên thuốc kích thích chém giết), một ít lương khô của Trung cộng. Lần lượt lục soát cẩn thận các bụi cây quanh vòng đai an ninh Quận, NV đã nhìn thấy nhiều vết máu loang lổ kéo dài trên cỏ, chứng tỏ đơn vị VC tấn công, bọn chúng đã mang theo đồng bọn bị thương nặng khi chúng chém vè. Trời thì quá lạnh, mà sao bọn đặc công này, chỉ với một cái quần cụt mình trần, lại dám liều thân chui vào đặt bộc phá, trên nhiều hàng rào kẽm gai đã được Quận phòng thủ, gàì đặt dày đặc sẵn nhiều mìn Claymore, mìn chống tấn công, thì NV cũng phải bái phục ma lực tuyên truyền của Việt cộng. Giao tù binh cho Ban 5 và Ban 2 Chi Khu giải quyết. Khoảng 8 giờ sáng, cố Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn, Tỉnh Trưởng và Đại tá Cố vấn Trưởng Tiếu Khu Kon Tum, đáp trực thăng xuống Quận đường. Trung tá Bảo đã trình một khẩu K.54, cùng hai khẩu CKC súng trường bá đỏ. Nhờ đã chuẩn bị trước, nên khi các toán đặc công cảm tử đặt bộc phá, cùng với chiến thuật tiền pháo hậu xung, đã bị Chi Khu phản pháo chận đứng, với hỏa lực khủng khiếp của Hỏa Long, cùng với sức chống trả mãnh liệt kiên cường của NQ, đã tiêu diệt kịp thời các mũi đặc công, không để cho chúng vượt qua được hàng rào phòng thủ Quận đường. Do nhiều kinh nghiệm chiến trường và tài điều quân của Trung Tá Quận trưởng, hai đại đội chính quy Bắc Việt, đã bị thảm bại, bỏ lại chiến trường nhiều xác chết và vũ khí, một số cán binh bị bắt làm tù binh, một số đông bị tử thương và bị thương, được mang đi chưa được kiểm chứng. Đó là câu trả lời thực tế cho các cán binh sinh Bắc tử Nam, thấm thía về sự tuyên truyền chính trị xảo quyệt, của Đảng Cộng sản Việt Nam qua chiêu bài: Giải phóng Miền Nam.

(Dak-Tô Hill)

Cũng trong ngày này, khoảng 9 giờ sáng, khi mở cửa văn phòng, NV thấy nguyên một quả đạn 82 ly rớt ngay bàn Phó Quận. Trái cối không nổ, mũi nhọn đầu đạn gây một dấu lõm lớn. Một sĩ quan và ba nghĩa quân bị thương nhẹ, không ai bị tử thương. Vài phòng bị hư nát, nhiều mái tôn bị lũng hoặc bị bay mất. Trong trận đụng độ này, Trung sĩ Lưu được tưởng thưởng huy chương và thăng cấp Trung sĩ nhất.
Sau khi di tản khỏi Đak-Tô trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, Trung Tá Bảo đã đảm nhiệm chức vụ Tỉnh trưởng Tỉnh Phú Bổn. Ước nguyện sau cùng của ông là muốn được làm một Đại tá hồi hưu. Nghe đâu ông và gia đình đã được định cư ở Hoa-Kỳ.
***

Grand Rapids, Michigan, March, 30. 2020

Tôn Thất Hùng

Cựu Đốc Sự K.12
Cựu Trung Uý K.1/68.

Views: 647

Nếu Muốn Gửi Về

Thơ Trần Văn Lương

Dạo:

Người ơi, nếu muốn gửi về,

Thì xin gửi những gì quê hương cần.

Nếu Muốn Gửi Về

 

Hỡi người bạn vượt biên từ năm ấy,

Được Trời thương cho trẩy bước tới nơi,

Tạ ơn người dù đang sống thảnh thơi,

Vẫn nhớ đến những mảnh đời kẹt lại.

 

Bạn bối rối, ngập ngừng, băn khoăn mãi,

Muốn hỏi tôi, nếu hải ngoại có lòng,

Phải gửi gì về để giúp non sông,

Tôi xin được có đôi dòng suy nghĩ.

                        ***

Xin đừng gửi về những đồ xa xỉ,

Những món hàng mang hiệu Ý, hiệu Tây,

Người dân đen ăn không đủ mỗi ngày,

Làm sao dám mơ mòng hay ngấm nghé.

 

Xin đừng gửi về bên đây ngoại tệ,

Sẽ vào tay bọn đồ tể bưng biền,

Còn dân đen chỉ được phép dùng tiền

Mà bọn chúng có quyền in tùy tiện.

 

Xin đừng gửi những “phái đoàn từ thiện”,

Ồn ào về “ban phúc”, tiện mua danh,

Chỉ béo cho lũ giặc có quyền hành,

Vì có kẻ nuôi dân lành thay chúng.

 

Xin đừng gửi lũ con buôn lợi dụng,

Đem đô la về lũng đoạn thị trường,

Làm giàu cùng đám cán bộ bất lương,

Mặc dân Việt trơ xương nằm ngắc ngoải.

 

Xin đừng gửi bầy “xướng ca vô loại”,

Chúng giờ đây ở hải ngoại hết thời,

Bèn trở về kiếm chác chút tiền tươi,

Nên nịnh nọt, nói những lời trâng tráo.

 

Xin đừng gửi nhóm người ham danh hão,

Được bạo quyền bốc láo tận trời cao,

Nên quay về, quên khổ nhục năm nao,

Ra mắt sách xong ồn ào họp báo.

 

Xin đừng gửi những tấm thân già lão,

Lận tiền còm, diện áo gấm xênh xang,

Về cả đàn tìm cưới dọc cưới ngang

Những thiếu nữ tuổi đáng hàng con cháu.

                                ***

Nhưng hãy gửi điều bạo quyền muốn giấu,

Để toàn dân được thấu hiểu rõ ràng

Ai là người làm đất mẹ tan hoang,

Ai là kẻ đã và đang bán nước.

 

Xin hãy gửi về quê hương kiến thức

Của người dân một đất nước tự do,

Biết đòi quyền được hạnh phúc ấm no,

Giúp vạch mặt bầy Cộng nô ác đức.

 

Nhưng trên hết xin gửi về tin tức,

Mà chúng tôi hằng háo hức muốn nghe:

– Rằng những người đang vất vưởng xa quê,

Vẫn còn giữ lời thề khi bỏ xứ;

 

– Rằng tuy sống nương nhờ nơi lữ thứ,

Lá Cờ Vàng vẫn rạng rỡ tung bay,

Vẫn được người tỵ nạn giữ trên tay,

Khắp các chốn vẫn đêm ngày hiện diện;

 

– Rằng khi có những chương trình thắp nến,

Dù xa xôi người vẫn đến thật đông,

Muôn câu ca, vạn ánh lửa một lòng,

Cùng nhớ tới thời biển Đông lận đận;

 

– Rằng đời sống dù muôn ngàn thứ bận,

Chẳng ai quên ngày Quốc Hận đau thương,

Người mang danh tỵ nạn vẫn xuống đường

Điểm mặt lũ gây nên trường đại họa;

 

– Rằng người Việt vẫn giữ gìn văn hóa,

Dù đêm ngày vất vả nẻo tha phương,

Vẫn không hề quên truyền thống quê hương,

Vẫn hành động đúng luân thường đạo lý;

 

– Rằng tiếng Việt được bảo tồn thật kỹ,

Không học đòi lũ khỉ ở bên kia,

Cứ “từ” này, “cụm từ” nọ tía lia,

Hết “tản mạn” lại “cực kỳ” “bức xúc”;

 

– Rằng ngọn lửa vẫn được truyền liên tục

Trong chương trình giáo dục thế hệ sau,

Để con em biết được bởi vì đâu

Cha mẹ chúng phải ôm sầu ly biệt;

 

– Rằng đất khách, người lưu vong gốc Việt,

Bao năm rồi vẫn đoàn kết trước sau,

Chẳng bao giờ khích bác tấn công nhau,

Chung vai gánh nỗi buồn đau mất nước.

                             ***

Nhưng chua xót, đó chỉ là mơ ước,

Những điều này thực tế được bao nhiêu.

Lòng người nay đã thay đổi quá nhiều,

Vì danh lợi nên sớm chiều trở mặt.

 

Dân trong nước thờ ơ không thắc mắc,

Kẻ ngoài về rặt nhắm mắt ăn chơi.

Đâu phải chỉ tại Trời,

Mà nước mất vào tay loài dị tộc.

Trần Văn Lương (CH8)

Cali, mùa Quốc Hận 2020

 

Views: 77

Đại Họa Kinh Tế Do Đại Dịch Coronavirus

Nguyễn Bá Lộc

Đại dịch coronavirus là một tai họa lớn cho nhân loại. Nạn dịch nầy xẩy ra từ tháng 12-2019 tại Vũ Hán, Trung quốc. Trong khoảng hai tháng sau, nó lan mạnh ra tới nhiều quốc gia. Cho tới ngày 12 tháng tư -2020 trên thế giới đã có 184 nước chịu tai nạn khủng khiếp nầy với gần 2 triệu người bị nhiễm bịnh và hơn 120,000 người chết. Tai họa nầy còn tiếp diễn và là mối lo sợ to lớn của nhiều nước, vì nó tiến quá nhanh mà lại chưa có thuốc trị. Hầu hết người dân phải cách ly phải xa nơi đông người, nên tạo ra bế tắc và sụp đổ lớn về kinh tế, tai hại hơn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hồi năm 2008.
Không kể đại dịch nầy tiêu diệt nhiều sinh mạng, nó còn làm thiệt hại kinh tế toàn cầu toàn diện và khó phục hồi. Mỗi quốc gia có mức độ thiệt hại kinh tế khác nhau. Chiến trận với coronavirus mới có hơn ba tháng, và chưa chấm dứt. Điều rõ ràng là trận chiến càng kéo dài thì kinh tế bị thiệt hại càng lớn và sự phục hồi càng khó khăn.
Nhiều quốc gia đã bị đặt trong tình trạng khẩn cấp và lo sợ. Ngoài việc chống đỡ trên mặt trận y tế, còn phải lo liệu trên mặt kinh tế và đời sống của dân. Về kinh tế, các chánh quyền đã có một số biện pháp cứu nguy.
Trên bình diện quốc tế, có sự xáo trộn mậu dịch và đầu tư. Và một số vấn đề đặt ra và tương lai có một số điều chỉnh
Dưới đây, tôi xin tóm lược cách sơ khởi trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế to lớn và nhanh chóng nầy trên cả thế giới, và một số quốc gia quan trọng như Hoa kỳ, Trung quốc và Việt nam.

1. Thiệt hại kinh tế thế giới do đại dịch

Kinh tế thế giới bị sụp đổ gần toàn diện. Dưới đây là các điểm chánh:

a/ Thiệt hại sơ khởi kinh tế thế giới .

Nền kinh tế toàn cầu có mối liên hệ chặc chẽ với nhau trên nhiều mặt nhiều lãnh vực. Cho nên sự thiệt hại lớn của những quốc gia mạnh về mậu dịch và đầu tư ngoại quốc thì ảnh hưởng. Đàng nầy đại dịch xẩy ra hơn phân nữa thế giới. Do đó lần nầy kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng và trên mọi mặt, từ sản xuất, đến tiêu thụ, vận chuyển, và tài chánh.
Theo Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới (World Bank, WB) David Malpass : “Ngoài tai họa về sức khỏe và sinh mạng con người, chúng ta đang phải đón nhận cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu”.
Theo cơ quan OECD và của một số trung tâm nghiên cứu thì năm 2020, tỷ suất phát triển kinh tế thế giới chỉ còn độ 1.5%, tỷ suất nầy là 2.9% năm 2019. Theo World Economic Forum thì kinh tế thế giới có thể bị mất $2.3 ngàn tỷ.
Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) khủng khoảng kỳ nầy nặng hơn các lần khủng hoảng tài chánh trước kia (2008-2009).
Các ngành quan trọng bị ảnh hưởng nặng như:
Tài chánh, chứng khoán xuống thê thảm (cả ngàn điểm) và không ổn định của các thị trường Trung quốc, Hoa kỳ, Anh và Nhựt.
Xuất nhập cảng cũng giảm mạnh, nhứt là ngành không cần thiết lắm và hệ thống tiếp liệu dây chuyền (supply chain).
Chuyển vận, và du lịch. Hàng không bị nặng nhứt. Riêng hàng không và cruises thiệt hai 30 tỷ, (theo ước lượng của ABC News). Hàng không thế giới có thể mất $113 tỷ trong năm 2020
Giá dầu sụt 18% ngay trong tháng đầu có đại dịch (Theo Trung tâm nghiên cứu BESA). Các quốc gia sản xuất dầu lửa (OPEC) cắt giảm 25%.
Ngành ngân hàng và các định chế tài chánh khác.
Tai họa ác nghiệt hơn cho các nước nghèo về mặt kinh tế lẫn xã hội.

b/ Biện pháp trợ giúp cấp thời của quốc tế và của các chánh quyền

Ngân khoản trợ cấp sơ khởi của các cơ quan quốc tế:
Ngân Hàng Thế Giới (WB): Gói trợ cấp $160 tỷ cho các quốc gia trong 15 tháng tới. Gồm 14 tỷ cứu trợ khẩn cấp nhứt là cho dụng cụ và thiết bị y tế. $2 tỷ cho xây cất ngay cơ sở y tế khẩn cấp. $2 tỷ cho mậu dịch, trong đó có chuỗi cung ứng “supply chain”. $2 tỷ cho vốn hoạt động của tiểu thương. Và $2 tỷ cho vận chuyển tiếp tế.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund, IMF) bỏ ra $50 tỷ cho cứu cấp những quốc gia bị nặng nhứt và yếu kém.
Ngoài ra WB và IMF cho các nước nghèo hoãn trả nợ ít nhứt một năm.
Các quốc gia có đại dịch đều có đưa ra trợ cấp nhứt thời chống đỡ tăng cường hệ thống y tế và phục hồi kinh tế, nhiều hay ít tùy sức lực kinh tế và sự tàn phá lớn hay nhỏ.
Ví dụ một số nước:
Hầu hết các quốc gia cũng bỏ ra số tiền lớn để giải quyết đại dịch và phục hồi kinh tế. Hoa kỳ (US) đã có một package lớn là $2.2 ngàn tỷ và sẽ còn nữa. Trung quốc (TQ) khoảng 600 tỷ qua Ngân hàng trung ương đưa xuống các ngành thương mại và kỹ nghệ giúp cho các hoạt động sản xuất thương mại. Đức bỏ ra khoảng 600 tỷ gói hỗ trợ. Pháp cũng có kế hoạch cứu kinh tế với khoảng 500 tỷ, Canada bỏ ra 52 tỷ. Nhựt ngoài gói trợ cấp còn bỏ ra 2 tỷ mỹ kim giúp cho các công ty nào ở TQ trở về Nhựt. VN cũng có chương trình cứu nguy nhưng tới giờ còn quá nhỏ.

2. Một số vấn đề kinh tế thế giới qua đại dịch cần điều chỉnh

Qua đại nạn một số vấn đề quốc tế nổi lên, từ tổ chức quốc tế đến mậu dịch có trục trặc và có thể phải điều chỉnh. Qua đại dịch kỳ nầy, nền kinh tế thế giới có khá nhiều vấn nạn. Ở đây xin nêu ra hai vấn đề: (1) Sách lược Toàn cầu hóa, và (2) sự lũng đoạn thị trường thế giới của TQ.

a/ Về Toàn cầu hóa (TCH, Globalization) và mậu dịch tự do.

Nhìn chung, Toàn cầu hóa có kết quả tốt. Nhờ nó kinh tế thế giới ổn định hơn. Các nước nghèo được khá hơn. Sự hợp tác giữa các quốc gia tốt hơn, chẳng những về mặt kinh tế mà cả về mặt xã hội và nhân quyền. Các công ty đa quốc ào ạt tìm nơi đầu tư có nhiều thuận lợi hơn. Cũng từ khi TQ tham gia mạnh mẽ vào thị trường thế giới từ khoảng năm 2000 và rồi dần trở thành nước đứng đầu về chế tạo và xuất cảng toàn cầu thì mô hình và hoạt động TCH bị lệch lạc và bị TQ lợi dụng cho âm mưu bá quyền của cái gọi là “Giấc mộng Trung hoa”. Các nước tư bản vốn chủ trương mậu dịch tự do chịu nhiều thiệt hại.
TQ lợi dụng nhiều thứ trong sách lược TCH. Chẳng hạn lợi dụng “qui chế nước đang phát triển” (status of developing country) của WTO để được tự bảo vệ kỹ nghệ, để trợ giá, phá giá, để lủng đoạn tiền tệ. TQ dùng tiền mua chuộc lãnh tụ một số quốc gia nghèo và tham nhũng để tạo thế mạnh trên toàn cầu.
Trong giai đoạn đại dịch vừa qua có những trục trặc lớn về mậu dịch toàn cầu, đặc biệt là hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu “global supplies chain” mà TQ nắm đầu mối và thực hiện sự lũng đoạn kinh tế thế giới.
Một nhà nghiên cứu kinh tế quốc tế có nêu ra một số ý kiến nay cần phải xem lại nguyên tắc và mô hình TCH. Có một số suy nghĩ của một số nhà nghiên cứu:
Mậu dịch tự do hoàn toàn hay có hạn chế và điều nầy gần như một dạng “Bảo hộ mậu dịch”(Protectionism). Nói khác đi để đối phó trò ma giáo của TQ, các nước cần xem lại sự an toàn và an ninh kinh tế quốc gia. Cần có sự nhập cảng chọn lọc và có tính chiến lược hơn, trong khi đó vẫn giữ nguyên tắc mậu dịch tự do.
Thứ hai là sự hợp tác và đầu tư ồ ạt của một số ngành kỹ nghệ mang đến TQ chẳng những làm giàu cho một nước gian ác muốn thống lãnh toàn cầu, mà còn làm kinh tế nước nhà có nhiều khó khăn không dễ giải quyết như hàng chục năm qua, nhứt là khi có đại nạn. Ý niệm nầy có thể đi tới một loại “Chủ nghĩa quốc gia”( Nationalism) dưới một dạng nào đó hay một mức độ nào đó, và điều nầy đi ngược lại chủ trương nền kinh tế tự do trong hơn nửa thế kỹ nay.
Các ý kiến trên còn đang tranh cãi.

b/ Trung quốc và chuỗi cung ứng toàn cầu về y cụ và dược liệu

Dụng cụ y khoa và dược phẩm (Health care and Medical products) là phần quan trọng nhứt trong việc chống đỡ đại dịch. Trong ba tháng qua, hầu hết các nước bị virus corona nhiều ở trong tình trạng thiếu hụt các sản phẩm trên. Thứ hai là các hàng hóa trên bị TQ lũng đoạn để vừa tạo lợi ích kinh tế vừa về mặt chánh trị quốc tế.
Đây là phần quan trọng nguy hiểm của “Global supplies chain” do TQ nắm đa số và đang sử dụng như một công cụ chánh trị. Theo World market tháng 3/2020 :
Tỷ phần Global supplies chain của TQ tăng rất nhanh từ 4% (2002) lên 20% (2019).
Trong bài nầy tôi chỉ nêu ra hàng hóa liên hệ y tế, vì có rất nhiều hàng hóa khác như đồ parts xe hơi, điện tử, kim loại cũng dưới đầu mối TQ nắm. Hoa kỳ và Tây Âu đang kẹt nhiều nhứt.
Hoa kỳ lệ thuộc sản phẩm y tế của TQ, nhập từ TQ năm 2019 như sau (Theo tài liệu của Congrestional Research Service, CRS, April/6/2020) :
Dược liệu (Pharmaceutical products): $1,560,469,274 – 80% nhu cầu.
Thuốc trụ sinh (Antibiotics): $307,137,836 – 90% nhu cầu
Dụng cụ y tế (Medical instruments, Appliances, and parts): $1,700,501,270
Y cụ chữa bịnh (Mechano-Therapy and Respiration Apparatus): $1,386,955,875
Và còn nhiều thứ nữa cho chăm sóc sức khỏe.
Tổng cộng trong năm 2019, Hoa kỳ nhập các loại Medical supplies từ TQ là :
$224,573,271,721 (nguồn: CRS)
Trong quá khứ sự lệ thuộc sản phẩm y tế quá lớn như trên, nay bị đại dịch, các công ty sản xuất từ trước tại Hoa kỳ không nhiều lại có một số công ty chuyển qua TQ. Nên Hoa kỳ Tây Âu nay bị lúng túng nhiều.
Cho tới nay có một số dấu hiệu cho thấy TQ đã có kế hoạch đầu cơ Medical supplies nhân vụ đại dịch. Một số điều ghi nhận :
Tháng 2/2020, chánh quyền TQ đưa sản phẩm y tế trước kia thuộc bộ Information Industry and Technology quản lý sang qua cơ quan kiểm soát sản phẩm chiến lược kiểm soát chặc chẽ từ sản xuất tới xuất cảng. TQ còn đặt sản phẩm y tế nằm trong danh sách hàng hóa quan trọng mà TQ phải thực hiện trong kế hoạch “Made in China 2025”. Điều nầy TQ đúng vì trên giới hầu hết các nước đã kỹ nghệ hóa không hoặc sản xuất rất ít hàng nầy. Và thực tế, TQ nắm ưu thế.
Cũng trong tháng 2, TQ ra lịnh cấm các công ty kể cả công ty ngoại quốc, xuất cảng sản phẩm y tế các loại, lấy lý do để dùng trong nước. Nhiều yêu cầu nhập cảng từ bên ngoài bị hủy bỏ. Trong lúc nhu cầu về sản phẩm y tế tăng lên mạnh tại nhiều nước.
Trong các công ty bị cấm xuất cảng có công ty 3M, một công ty rất lớn của Mỹ ở TQ, không thể đưa hàng về Hoa kỳ khi Hoa kỳ đang thiếu hụt nhiều. Điều nầy sai luật của WTO, theo luật nầy thì một quốc gia thành viên chỉ “không xuất cảng vì an ninh quốc gia”. Sau đó, một quyết định của G20 đưa ra ngày 30/3/2020 yêu cầu các nước phải mở cho xuất cảng sản phẩm y tế.
Đồng thời Chánh quyền TQ ra lịnh sản xuất thật nhiều dụng cụ y tế phòng chống coronavirus.
Và trong khoảng thời gian nầy TQ đi nhập cảng rất nhiều sản phẩm y tế từ nhiều nước. Hàng trong nước với hàng nhập được tồn trữ thật nhiều. TQ nhập 1.2 tỷ mask, máy trợ tim, áo quần bảo hộ y tế từ cuối tháng giêng đến cuối tháng hai (Theo Reddit).
Sau đó qua giai đoạn thế giới bị đại dịch tràn lan, TQ tung hàng ra trên nhiều nước. Một phần nhỏ là tặng cứu trợ, phần lớn bán với giá rất cao.
Trong tháng ba, khi có nhiều nước bị đại dịch nặng: Ý, Tây Ban Nha, Pháp , Hoa kỳ thì TQ tung loại hàng nầy tới. Truyền thông TQ rêu rao TQ là nước duy nhứt làm từ thiện lớn. TQ tự coi như ân nhân của nhân loại. Hàng y tế TQ rất nhiều nhưng giá cao và thứ dõm. Hoặc gạ trao đổi có điều kiện như khi thương thảo với Pháp yêu cầu Pháp cho công ty Huawei thiết lập ở Pháp thì sẽ có đầy đủ. Mặt khác, TQ xuất cảng lẫn hàng giả không đạt tiêu chuẩn, như khẩu trang , máy trợ tim giả giao cho Hòa Lan và Tây Ban Nha, và Tiệp Khắc và bị các nước nầy tố cáo.
TQ ép FDA của Mỹ giảm tiêu chuẩn sản phẩm y tế sản xuất ở TQ để đưa vào Mỹ.
Do tình trạng trên, một số quốc gia có phản ứng. Hoa Kỳ ra lịnh một số công ty trong nước sản xuất sản phẩm y tế nhanh cho nhu cầu, qua xử dụng quyền trong thời chiến (luật Defense Production Act). Pháp, Anh cũng có quyết định phát triển công ty nội địa sản xuất trong nước.
Tuy nhiên còn rất nhiều nước không tự túc được sản phẩm y tế, phải nhập của TQ. Cho tới cuối tháng ba, có 58 nước đã ký hợp đồng và 71 nước đang sửa soạn ký để mua sản phẩm y tế TQ cho đại dịch.
Trên đây là một kinh nghiệm đau thương về “Global supplies chain” mà Tàu nắm gần hết. Khi trong nước có nhu cầu, sản xuất nội địa gần như bị bế tắt, và nhập thì bị TQ làm khó khăn hay bị đặt điều kiện. Vấn đề nầy cần phải được điều chỉnh lại.

3. Thiệt hại kinh tế Hoa kỳ do đại dịch

Với nền kinh tế hàng đầu thế giới và số người bị bịnh đứng đầu thế giới. Cho tới ngày 12 tháng tư Hoa kỳ có hơn 560,000 người mắc bệnh và có hơn 4200 người chết. Các biện pháp ngăn ngừa toàn nước cùng sự sợ hãi của người dân làm nền kinh tế phải bị bể nát nhiều lãnh vực từ sản xuất, chuyển vận, dịch vụ đến tiêu thụ. Nền kinh tế Hoa Kỳ bị suy sụp nặng thì kinh tế thế giới bị ảnh hưởng theo.

a/ Kinh tế trong nước.

Chỉ có hơn một tháng bị đại họa, kinh tế trong nước bị suy sụp quá nặng nề
Sản xuất bị giảm mạnh. Hầu hết các cơ sở sản xuất bị giảm hay bị ngừng, nhứt là lãnh vực tiểu doanh nghiệp.
Thất nghiệp tăng từ 3.3 triệu lên 6.6 triệu trong vòng 2 tuần tháng ba, và đến giữa tháng tư con số nầy lên tới trên 16 triệu.
Hàng quán và mọi dịch vụ, trung tâm giải trí, thể thao.. đóng cửa vì người dân không ra ngoài.
Cho tới ngày 9 tháng 4, có tới 96% hành khách máy bay bị mất.
Thị trường chứng khoán bị giao động mạnh nhứt kể từ 2008. Mấy ngày nay tăng lại phần nào do có gói trợ cấp kinh tế.

b/ Kinh tế đối ngoại .

Ngoại thương cũng bị suy thoái theo vì nhu cầu hàng hóa thông thường bị giảm nhu cầu, vì công nhân ngại đi làm, vì chuỗi cung ứng nguyên liệu của TQ bị sụt giảm.
Tai họa từ “chuỗi cung ứng“ quốc tế mà Hoa Kỳ kỳ nầy thấy rõ ràng nhứt. Hoa Kỳ và nhiều nước thấy được sự tai hại của sự lệ thuộc kinh tế bá đạo kiểu TQ. (Chi tiết nầy tôi trình bày ở phần 2).
Sự thỏa thuận phần 1 của chiến tranh mậu dịch Hoa kỳ -TQ ký hồi 15 tháng giệng và có hiệu lực 15 tháng hai/2020 bị ảnh hưởng phần nào của đại dịch. Chiến tranh mậu dịch các giai đoạn tới của hai nước sẽ thảo luận sau đại dịch.
Mặc dù hàng hóa sản xuất tại Hoa kỳ phần lớn tiêu thụ trong nước. Nhưng sự đình trệ các công ty máy bay , xe hơi, hàng điện tử kỹ thuật cao, máy móc xuất cảng của Hoa kỳ có ảnh hưởng kinh tế Hoa kỳ và mậu dịch thế giới.

c/ Sự can thiệp của chánh quyền

Chánh quyền Hoa kỳ đang chiến đấu trên hai mặt trận: Thứ nhứt là chống coronavirus, thứ hai là phục hồi kinh tế.
Về phương diện kinh tế, chánh phủ đang thi hành luật CARE với ngân khoản rất lớn là $2,2 00 tỷ. Số tiền trợ giúp trên mọi mặt. Trước hết là ngành y tế, kế là giúp người tiêu thụ, tiền cho không và tiền thất nghiệp, thứ ba là Doanh nghiệp nhỏ, và phần rất lớn trợ cấp cho một số ngành đặc biệt bị tổn thất nặng, như hàng không chẳng hạn.
Chánh quyền Mỹ muốn kinh tế phục hồi sớm. Tổng Thống định mở lại kinh tế từ ngày tháng 5 nầy. Nhưng đang có những ý kiến trái ngược nhau. Vì không dễ dàng khi đại dịch chưa giảm mạnh. Lo sợ của quần chúng còn cao. Nhưng nếu trì trệ kinh tế càng lâu thì thiệt hại càng lớn.
Trong dài hạn, chắc Hoa kỳ phải có một số điều chỉ với TQ trong thương mại và đầu tư. Mà Thỏa ước vừa ký chỉ có một phần của bước đầu của hai cường quốc kinh tế. Trong đó có sự điều chỉnh “chuổi cung ứng toàn cầu” tôi trình bày ở phần trên; cũng như vấn đề an ninh kinh tế với TQ phải xem trọng trong an ninh quốc gia.

4. Kinh tế Trung Quốc do hậu quả đại dịch

TQ là nước xuất phát đại dịch từ tháng 12/2019. Về số người bị bịnh và người chết không cao bằng Hoa kỳ, mà nhiều người nghi là TQ dấu bớt rất nhiều chỉ có hơn 3000 người chết và 81,000 người bi bịnh. Nhưng thực tế kinh tế TQ bị thiệt hại rất nặng nề, trong nước cũng như giao thương quốc tế. TQ đang mở lại hoạt động kinh tế và muốn chứng tỏ với thế giới là kinh tế sớm bình phục. Xuất nhập cảng và đầu tư ngoại quốc là phần chánh yếu, TQ muốn các nước vẫn tiếp tục giao dịch bình thường. Theo một số nhà nghiên cứu thì hiện nay và về lâu dài kinh tế TQ có sứt mẽ to lớn trong nội địa cũng như trong kinh tế đối ngoại. Trong phản ứng của một số dân chúng, sự bất đồng ý kiến trong nội bộ đảng CSTQ, cũng như những chỉ trích bất lợi của nhiều nước với TQ trong sự xuất phát coronavirus, sự hợp tác kinh tế và chánh trị một cách gian dối trên nhiều mặt trong đại nạn nầy.

a/ Kinh tế trong nước

Tổng quát: Tỷ suất phát triển dự tính trước đại dịch 5.5%, sau đại nạn nầy sụt xuống còn 2.9- 3% /2020 (Theo ngân hàng Goldman Sachs). Như vậy kinh tế TQ có thể bị giảm gần 50% so với 2019. Theo Ngân hàng thế giới ước tính thì năm nay TQ chỉ đạt 2.3%.
Về sản xuất: Gồm các hảng xưởng đóng cửa . Ngành chế biến sản xuất giảm 20% trong tháng 2/2020. Đầu tư nội địa giảm 30.2% (theo World Market ngầy 27/3/20)
Chỉ trong nửa tháng ba, đã có tới 10 triệu người thất nghiệp mới.Con số nầy chắc phải cao lắm.
Tiêu thụ giảm 20.5% (Theo World market)
Cuối tháng rồi chánh quyền ra lịnh giải tỏa, cho nhà máy và cơ sở thương mại mở cửa lại. Nhưng có 1/3 hảng xưởng cho rằng họ gặp khó khăn là nguyên liệu thiếu và thị trường bị thu hẹp. Các tiệm bán lẻ giảm 20% trong hai tháng giêng và tháng hai.
Ngành xe hơi số bán ra trong tháng hai/2020 giảm 80% so với năm rồi. (Theo OECD)
Ngành nhà đất bị dao động mạnh.
Tiêu thụ: TQ thiếu hụt lương thực phải nhập.
TQ có nợ công rất lớn (300% GDP) nay phải tung ra món tiền rất lớn để cứu kinh tế thì lạm phát sẽ tăng cao.
Mặt khác thị trường chứng khoáng giảm sụt mạnh .
Các hảng hàng không bị giảm khách tới 90%. (Theo National Interest)

b/ Kinh tế đối ngoại

Kinh tế TQ mạnh chính yếu nhờ xuất cảng. Hai năm trước kinh tế TQ đã bị suy yếu rồi. Nay bị hậu quả đại dịch, tình trạng càng xấu thêm.
Về xuất cảng trong hai tháng giêng và hai/2020, giảm sụt 17%, nhập cảng giảm 4% (Theo Reutrs ngày 6 tháng 3). Nhập siêu là 709 tỷ (trước kia TQ luôn xuất siêu). Xuất siêu với Mỹ hai tháng qua là 25.37 tỷ, năm trước cùng thời kỳ là 42.16 tỷ.
TQ lợi dụng tình hình gia tăng xuất khẩu rất lớn các loại sản phẩm y tế như máy trợ tim, mask, quần áo chống vi khuẩn cho hơn một trăm quốc gia đã ký hợp đồng mua của TQ.
Một số công ty ngoại quốc như công ty Fiat-Chrysler tạm ngừng sản xuất đồ parts xe cho Serbia, công ty Hyundai cũng tạm ngừng sản xuất cho hảng chánh ở Korea. Công ty viễn thông Apple tạm ngưng.

c/ Sự can thiệp và chỉ đạo của chánh quyền TQ

Là nước độc tài toàn trị, CSTQ trọn quyền chỉ đạo và yểm trợ kinh tế trong mọi lãnh vực.
Cho tới nay chỉ thấy Ngân hàng trung ương cho ra một gói lớn hỗ trợ kinh tế là 570 tỷ mỹ kim để hỗ trợ cho thương mại và sản xuất.
Ngân hàng trung ương cũng bỏ ra 394 tỷ để phân phát cho các địa phương chi cho ngành y tế
Chánh quyền cho giảm thuế và hoãn thuế. Ngân hàng cắt giảm lãi suất.
Tuy chánh quyền tuyên bố hết coronasvirus, cho mở lại mọi sinh hoạt. Nhưng dân chúng còn hãi hùng vì có một số bịnh nhân mới. Nội bộ đảng có xào xáo và có thể đấu đá mạnh. Trên thế giới thì càng ngày càng nổi lên sự thù ghét TQ cho rằng đảng CSTQ nhúng tay trong việc bành trướng đại dịch ra thế giới.

5. Kinh tế Việt Nam trong đại nạn coronavirus

Theo báo cáo của chánh quyền VN thì cho tới nay bịnh dịch corona coi như quá nhỏ. Chỉ có trên 280 người bị bịnh và không có người chết. Nhưng sự thật chắc không phải vậy. Vì một nước có hàng triệu du khách TQ, có hệ thống y tế rất kém, có khả năng tài chánh rất yếu, một chế độ độc tài, dân chúng phức tạp sẽ đối phó nhiều vấn nạn.
Nhưng hãy nhìn thực tế trên đường phố trong làng xóm, trong bịnh viện, cách phong tỏa của chánh quyền và qua người dân, hệ quả tai hại kinh tế của VN cũng khá lớn và sự phục hồi không dễ dàng.

a/ Sự bể vở kinh tế và hậu quả

Theo tin tức ghi nhận được thì sự khó khăn lớn cho mọi người dân. Từ các nhà máy, các hàng quán, dịch vụ chuyên chở, tới nông nghiệp.
Sự sụp đổ kinh tế kỳ nầy là toàn diện. Từ sản xuất đến thương mại đến nông nghiệp, xuất nhập cảng, tài chánh công và ngân hàng.
Mức tăng trưởng năm nay chỉ còn độ 4.9% ( World Bank ước tính), chỉ tiêu VN đặt là 6.8-7% .
Lạm phát tăng do chánh phủ phải in thêm tiền cho đại nạn. Giá cả gia tăng. Người nghèo thêm khổ. Nợ công tăng, công chi xáo trộn.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất hay thương mại sẽ bị giảm tới 70% (Theo WB)
Xuất cảng và đầu tư ngoại quốc giảm . Đây là trụ cột chánh của kinh tế VN, nên ảnh hưởng lớn.
Về xuất cảng bị ảnh hưởng vì các thị trường ngoại quốc đều co cụm lại. Về đầu tư ngoại quốc có thể vừa bị thiệt hại trong đoản kỳ, nhưng trung hạn và dài hạn rất có thể có lợi cho VN vì một số nhà đầu tư ngoại quốc có ý định chuyển ra khỏi TQ nhiều hơn trước. Theo WB đầu tư ngoại quốc tại VN sẽ bị giảm 50%.trong năm nay.
Riêng việc mất tiền thuế ước tính độ 27000 tỷ đồng (1.16 tỷ US). Đây là sự mất mát đáng kể vì VN luôn có thiếu hụt ngân sách.
Chánh quyền đang dự trù bỏ ra một gói cứu trợ lớn là 7,7 tỷ mỹ kim và chờ Quốc hội thông qua. Nhiều người cho rằng chánh quyền CS sẽ lợi dụng việc dùng tiền dân lớn như vậy để tham nhũng. Một phần tiền sẽ vào khu quốc doanh hay chánh quyền các cấp.
Nhiều ngành lệ thuộc nguyên liệu ở ngoại quốc nay bị giảm sản xuất như may dệt, giày, linh kiện điện tử.
Thất nghiệt cao, tiền cho trợ cấp thất nghiệp là gánh nặng to lớn.
Những người nghèo chiếm đa số gồm nông dân, người buôn gánh bán bưng, người chạy xe ôm.. giờ không còn tiền đâu để sống.
Một lãnh vực quan trọng VN có số thu ngoại tệ lớn là du lịch. Du khách phần lớn là từ TQ , Nam Hàn, Nhựt và và Âu Mỹ. Hiện nay các nước nầy bị đại dịch và chánh quyền phong tỏa không đi ngoại quốc trong đó có VN. Ngành du lịch có thể mất 5-6 tỷ Mỹ kim.

b/ Sự phục hồi khó khăn và nhiều đau thương

Dù đại dịch nhẹ theo như chánh quyền CS nói. Có nghĩa là kinh tế bị đỗ vỡ ít. Nhưng sự phục hồi kinh tế của VN rất khó khăn. Vì các lý do:
Sự mâu thuẩn giữa hai nguyên tắc kinh tế vừa tự do vừa XHCN. Chánh quyền nắm gần hết của cải kinh tế kể cả đi vay mượn hay in thêm tiền.
Nền kinh tế không bền vững và có tiềm năng yếu kém. Mà sự phục hồi đòi hỏi sự cố gắng vươn lên cách đồng bộ. Quốc doanh bị lỗ nặng. Tư doanh dù đông nhưng qui mô quá nhỏ, thiếu vốn thiếu kỹ thuật, trừ một số ít của tư bản đỏ. Khu nông nghiệp càng thiếu khả năng phục hồi và thị trường bấp bênh. Khu vực kinh tế đối ngoại dù rất khá trong mấy năm qua, nhưng phải lệ thuộc nguyên liệu và nhà đầu tư ngoại quốc và thị trường ngoại quốc có bình ổn trở lại không.
Về tài chánh tiền tệ càng không vững vàng. Ngân sách luôn thiếu hụt. Nợ công gồm vay trong nước (in tiền) và vay ngoại quốc quá cao, trên 120% GDP, VN trả tiền nợ quá cao thấm nhiều trong nền kinh tế vốn yếu đuối.
Sự bất quân bình bất ổn trong cơ cấu kinh tế. Khu vực quốc doanh 70% bị lỗ nhưng được cứu trợ ưu tiên. .
Khu vực nghèo nhứt và đông nhứt bị tai họa lớn nhứt là người mua bán rất nhỏ, công nhân , nông dân không được chánh phủ bỏ ra số tiền kích thích kinh tế nào.
Ngoài công cuộc ngăn chận và điều trị bịnh, chánh quyền VN cũng cố gắng giúp đỡ các ngành kinh doanh bớt thiệt hại. Còn kế hoạch trợ giúp để phục hồi chưa có.
Chánh quyền VN có một số biện pháp cứu trợ cấp thời gồm:
Hoãn đóng thuế doanh nghiệp, thuế đất.
Chánh phủ bỏ ra số tiền rất nhỏ 180,000 tỷ đồng (gần 100 triệu đô) để giúp cho các cơ sở kinh doanh vay.
Chưa thấy biện pháp toàn diện cho sự phục hồi. Ngay cả cho sự ổn định phần nào đời sống quá khó khăn của dân hiện nay. Mới đây chánh phủ đưa qua Quốc hội một gói lớn cho trợ cấp kinh tế xã hội là 7,7 tỷ mỹ kim.
Ngoài ra, sự cản trở cho sự bình phục kinh tế còn do bộ máy hành chánh công quyền của nhà nước và của đảng quá to, quá tham nhũng và thiếu khả năng. Tiền của bỏ ra kể cả tiền vay của các định chế quốc tế sẽ bị lọt rất nhiều vào túi đảng viên và viên chức.
Trong chế độ độc tài thì không có niềm tin của dân với chánh quyền, nên mọi kế hoạch nhà nước đưa ra không có kết quả tốt.

Trên đây là tóm tắt sơ khởi về đại họa kinh tế do đại dịch coronavius gây ra trên toàn thế giới trong ba tháng qua. Sự thiệt hại quá lớn, toàn diện và toàn thế giới. Nỗi sợ hãi và niềm đau quá lớn cho nhân loại nói chung còn đó. Sự phục hồi cho tới giờ còn quá nhiều khó khăn.

Nguyễn Bá Lộc (ĐS9/CH1)

Cali ngày 14 tháng 4 năm 2020

Views: 93