Liên Hiệp Quốc: 70 Năm Hỗ Trợ Kinh Tế Xã Hội Thế Giới

Lê Văn Bỉnh

LHQ

Ngày 24/10/15 vừa qua, Liên Hiệp Quốc tròn 70 tuổi.  Được hình thành sau Thế Chiến Thứ Hai tại San Francisco để thay thế Hội Quốc Liên (The League of Nations) thành lập năm 1920 — vốn đã không được Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn, cũng như sự gia nhập trể của Đức (1926) và Liên Xô (1934), và nhất là đã không ngăn cản được cuộc chiến tàn khốc đang xảy ra — tổ chức mới này đã được chuẩn bị chu đáo với sự tham dự của 282 đại biểu và 2,400 nhân viên yểm trợ đến từ 51 quốc gia.  Sau 2 tháng làm việc, bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (Charter of the United Nations) đã được ký kết ngày 26/6/1945, tức 2 tuần lễ trước khi Đức và vài tháng trước khi Nhật Bản đầu hàng.

 Tổ chức LHQ ra đời nhằm 4 mục tiêu: (1) Duy trì hòa bình và an ninh thế giới, ngăn ngừa và loại trừ các đe dọa hòa bình, tôn trọng các nguyên tắc công lý và luật pháp quốc tế; (2) Phát triển mối bang giao hữu nghị giữa các quốc gia dựa trên quyền bình đẳng, tự quyết của các dân tộc, sử dụng mọi biện pháp thích nghi để duy trì hòa bình; (3) Đạt tới sự hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo; cổ vũ và khuyến khích tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cho mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo; và (4) Là trung tâm hài hòa hoạt động của các quốc gia để đạt các mục tiêu trên.

Nhìn qua, chúng ta nhận ngay ra rằng những người sáng lập LHQ có ý định liên kết an ninh và nghèo đói thế giới.  Theo họ, chính cuộc Đại Suy Thoái (Great Depression) vào đầu thập niên 1930  đã đem lại bất ổn kinh tế trên thế giới, giúp Đức Quốc Xã lên nắm chính quyền ở Đức và đưa thế gìới vào cuộc đại chiến tranh tàn phá và chết chóc. Tránh kinh tế sụp đổ có thể tránh được chiến tranh; đó là ước nguyện đầu tiên hình thành LHQ.

Bài viết này phác họa một số thành tựu riêng về phương diện kinh tế, xã hội mà LHQ mang lại sau 70 năm thành lập.

***

Về phương diện tổ chức, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (The General Assembly) là bộ phận có thẩm quyền tối cao của LHQ; gồm tất cả các quốc gia hội viên. Dưới đó là: Hội Đồng Bảo An (The Security Council), Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội (The Economic and Social Council), Hội Đồng Ủy Trị (The Trusteeship Council), Tòa Án Công Lý Quốc Tế (The International Court of Justice), và Văn Phòng Tổng Thư Ký (The Secretariat).

Thành phần, nhiệm vụ và sự điều hành của Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội (HĐKTXH) được qui định trong các Điều 61-72 của Hiến Chương.  Từ nhiều năm nay, HĐ gồm 54 thành viên do ĐHĐ bầu ra với nhiệm kỳ 3 năm. năm. Đa số thành viên đến từ các nước đang phát triển: 14 nước từ Châu Phi, 11 từ Châu Á, 6 từ Đông Âu, 10 từ Châu Mỹ Latin và Vùng Carribean,  13 từ Tây Âu hay nơi khác. HĐ họp mỗi năm 2 lần.

HĐ giám sát nhiều chương trình và quỹ, 9 phái bộ chức năng, 5 phái bộ cấp vùng, các cơ quan chuyên môn và nhiều bộ phận khác.  Nói chung, số cơ quan và các chương trình trực thuộc HĐKTXH qua thời gian được thêm bớt theo nhu cầu, ngân sách và đòi hỏi của số hội viên LHQ càng ngày càng đông.  Nhiệm vụ của HĐ nhiều khi trùng dụng, chòng chéo. Hiện nay, nhân số của LHQ nói chung khoảng 9000 người, tức đã giảm đi 25% sau đợt cải tổ hành chánh năm 1997.

Trong 5 nhóm dưới đây, xin chỉ liệt kê một số cơ quan mà chúng ta thường nghe nói đến.

1.Các Chương Trình và Quỹ:

  • Hội Nghị Thương Mại và Phát Triển LHQ (UN Conference and Trade, UNCTAD), sản sinh ra World Trade Organization, WTO
  • Chương Trình Phát Triển LHQ (UN Development Program. UNDP) có văn phòng trên 160 quốc gia, đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo đói, cải thiện môi sinh, phát triển bền vững, bảo vệ nhân quyền.
  • Văn Phòng Cao Ủy Tị Nạn LHQ (Office of the UN High Commissioner for Refugees, UNHCR)
  • Quỹ Nhi Đồng Quốc Tế LHQ (UN Children’s Fund)
  • Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới (World Food Program)
  • Chương Trình Môi Sinh LHQ (UN Environment Programme) v.v.

2.  Các Phái Bộ Chức Năng (Functional Commissions)

  • Dân Số và Phát Triển (Population and Development)
  • Phát Triển Xã Hội (Social Development)
  • Phát Triển Bền Vững (Sustainable Development)
  • Qui Chế Phụ Nữ (Status of Women)
  • Ma Túy (Narcotic Drugs)
  • Ngăn Ngừa Tội Phạm và Công Lý Hình Sự (Crime Prevention and Criminal Justice) v.v.

3. Năm Phái Bộ Cấp Vùng (Regional Commissions)

  • Phái Bộ Kinh Tế Châu Phi (Econ. Comm. for Africa)
  • Phái Bộ Kinh Tế Châu Âu (Econ. Comm. for Europe)
  • Phái Bộ Kinh Tế Châu Mỹ Latin và Vùng Caribbean (Econ. Comm. for Latin America and the Carribean)
  • Phái Bộ Kinh Tế và Xã Hội Châu Á và Vùng Thái Bình Dương (Econ & Soc. Comm for Asia and Pacific)
  • Phái Bộ Kinh Tế và Xã Hội Tây Á (Econ & Soc for Western Asia)

4. Các Cơ Quan Chuyên Môn (Specialized Agencies) Gồm 15 cơ quan tự trị, hoạt động với các bộ phận khác của LHQ qua sự phối hợp của HĐKTXH:

  • Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (International Labor Organization, ILO)
  • Tổ Chức Lương Nông LHQ (Food and Agriculture Organization of the UN, FAO)
  • Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization, WHO)
  • Nhóm Ngân Hàng Thế Giới (World Bank Group)
  • Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund, IMF)
  • Quỹ Phát Triển Nông Nghiệp Quốc Tế (International Fund for Agricultural Development, IFAD)
  • Tổ Chức Phát Triển Kỹ Nghệ LHQ (United Nations Industrial Organization (UNIDO) vv.

5. Các Ủy Ban Khác

  • Ủy Ban Chính Sách Phát Triển(Committee for Development Policy)
  • Ủy Ban Các Chuyên Gia Hành Chánh (Committee of Experts on Public Administration)
  • Ủy Ban Các Tổ Chức Phi Chính Phủ (Committee on Non-Governmental Organizations) v.v.

Hoạt động của 5 nhóm này được phối hợp nhằm “cải tiến mức sống, toàn dụng nhân công, điều kiện tiến bộ và phát triển kinh tế và xã hội” do Hiến Chương LHQ đề ra. Tuy nhiên đóng góp quan trọng nhất của LHQ nói chung, và HĐKTXH nói riêng, chính là cung cấp diễn đàn để các quốc gia phát biểu ý kiến và lập trường của mình đối với vấn đề an sinh và phát triển con người. Tiếng nói này có các tính chất sau đây: phổ quát (universality, bảo đảm tất cả quốc gia đều được quyền phát biểu ý kiến trước khi lấy quyết định), không cục bộ (impartiality, không vì lợi ích riêng lẻ nào), hiện diện toàn cầu (global presence, có mạng lưới lớn với nhiều trụ sở để thực hiện công tác phát triển); và cam kết (commitment, với các dân tộc khác của LHQ).

Trong 70 năm vừa qua, số quốc gia hội viên của LHQ đã tăng lên rất nhanh: từ 51 khi thành lập năm 1945; lên 67 năm 1955 với sự gia nhập của các quốc gia vừa thoát khỏi đô hộ sau Thế Chiến; rồi 159 năm 1989; và hiện nay là 195 sau sự tan vỡ của khối Cộng.

 Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ngoài 2 khối tư bản và cộng sản đối kháng nhau rõ rệt về chủ trương cũng như tổ chức chính trị và kinh tế, còn có “Phong Trào Không Liên Kết” (Non-aligned Movement), mà số hội viên cũng tăng lên từ từ: 25 năm 1961; lên đến 77 năm 1964, tiến đến việc thành lập  nhóm “Group of 77” (G-77) vào ngày 15/6  tạo sức mạnh chung của các nước đang phát triển  để thương lượng về thương mại và tiền tệ với các nước phát triển kinh tế Tây phương.

Một thập niên sau, vào năm 1974, gặp khó khăn vì cuộc khủng hoảng nhiên liệu do các nước sản xuất dầu hỏa gây ra, Nhóm 77 này –với số hội viên lúc bấy giờ lên trên 120– đã thúc đẩy LHQ đưa ra một trật tự kinh tế mới,với tên gọi là New International Economic Order (NIEO) nhằm thay thế cho trật tự đang bị Hoa Kỳ và các cường quốc kinh tế khác khống chế, với ý muốn được tham dự vào việc hình thành chính sách kinh tế thế giới. Tổ chức UNCTAD – lúc đó được gọi là câu lạc bộ của các nước nghèo — được hình thành từ đó. Tuy nhiên yêu cầu cải cách này của Nhóm không đem lại kết quả đáng kể. Lời hứa từ thập niên 1970 của các nước phát triển là bỏ ra 0,7% tổng sản lượng quốc gia (GNP) — về sau đổi thành tổng lợi tức quốc gia (GNI) — của mình cho mục tiêu trợ giúp (official development assistance, ODA, tức cho không và cho vay nhẹ lãi) các quốc gia nghèo, trong đó có hầu hết các hội viên của Nhóm, chỉ được mấy nước (Đan Mạch, Lục Xâm Bảo, Hòa Lan, Thụy Điển và Na Uy) giữ lời! Tuy nhiên về số tiền đóng góp, thì Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh và Nhật vẫn là những nước đóng góp nhiều nhất.

Lý do là có 2 khuynh hướng trái ngược nhau về viện trợ cho các nước đang phát triển, mặc dù cả hai đều đồng ý cần cứu trợ khẩn cấp trong trường hợp thiên tai, đói, bệnh hay xung đột vv. .  Một khuynh hướng phản đối, trong đó có kinh tế gia Hoa Kỳ William Easterly đã từng làm việc nhiều năm cho USAID, cho rằng viện trợ không giúp ích được bao nhiêu cho phát triển kinh tế vì nó không những làm cho nước nhận mất đi tinh thần tự lực cánh sinh, mà còn khiến họ ỷ lại và lệ  thuộc vào nước cấp viện.  Trong khi đó, Jeffrey Sachs lại chủ trương rằng các nước nghèo có thể tìm ra được lối thoát thích hợp nếu có nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài đưa vào. Chủ trương của Sachs được LHQ tán dương và ông là Cố Vấn Kinh Tế của LHQ trong nhiều năm nay.

Ngày nay, mặc dầu số hội viên lên đến 134, nhưng tên gọi của Nhóm vẫn đươc giữ như cũ. Có người cho rằng Nhóm 77 này là “một tổ chức trong một tổ chức.”  Nghĩa là về kinh tế và xã hội, LHQ  có  2 bộ  phận lớn “đồng sàn dị mộng” Thật vậy, trong khi các nước phát triển đặt trọng tâm vào các mục tiêu như ưu tiên vai trò thị trường, cai quản tốt (good governance), nguyên tắc pháp trị (rule of law), tôn trọng nhân quyền trong nước, thì các quốc gia đang phát triển lại đòi hỏi san bằng bất bình đẳng kinh tế, kêu gọi các nước giàu hãy giảm hoặc hủy nợ, tăng cường viện trợ, tạo điều kiện dễ dãi cho họ xuất cảng  vv. Vào các thập niên 1960-1970, các nước đang phát triển cho rằng chính quá khứ bị đô hộ đã làm cho họ phải chậm phát triển dù đã được độc lập về chính trị. Qua nhiều thập niên phát triển (decades of development) do LHQ chủ xướng, khởi đầu từ năm 1961, qua các chương trình viện trợ kỹ thuật, giáo dục, tư bản (cho không, hoặc cho vay nhẹ lãi từ các nước giàu hay Ngân Hàng Thế Giới), cũng như tạo điều kiện nhập cảng dễ dàng hơn (giảm hay bỏ hạn ngạch, thuế quan vv.) từ phía các nước giàu, nền kinh tế của hầu hết các nước đang phát triển cũng có thay đổi, nhưng không nhiều như mong muốn, thậm chí có vài nước còn thụt lùi.  Cuối cùng, thì đôi bên mới nhận thức được “chân lý”: Nguồn gốc chủ yếu cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia chính là tài nguyên nhân lực của quốc gia đó.  Vấn đề là làm sao phải khai thác và phát triển được tiềm năng nhân lực này – tài năng và sự sáng tạo — qua hệ thống giáo dục, y tế, cũng như tham dự của họ trong quá trình quyết định chính sách  và đường lối phát triển cộng đồng trong đó họ đang sinh sống.

Dưới bóng dù LHQ, kinh tế thế giới tiến tới toàn cầu – kinh tế thị trường — tương đối chậm.  Mới đầu qua cơ cấu GATT (General Agreement on Tariffs and Trade) hình thành từ 1947 và được xem là câu lạc bộ của các nước giàu có kỹ nghệ phát triển.  Lần lượt qua khá nhiều vòng đàm phán và thương lượng về thuế quan, hạn ngạch và những rào cản khác giữa các nước đã phát triển và đang phát triển.  Vòng đàm phán Uraguay bắt đầu tháng 9/1986 và kéo dài đến 87 tháng với 123 nước tham gia đưa đến sự thành lập WTO. Đến tháng 4/2015, WTO có 161 hội viên chính thức trong đó có cả Nga (8/2012 sau 18 năm thương lượng) và 23 hội viên quan sát, trong đó có Iran, Iraq).

Mãi đến đầu thiên niên kỷ này, LHQ mới đưa ra một lịch trình phát triển cụ thể có tính cách toàn cầu, được nhiều người tán dương mặc dù cho đó là tương đối trể.  Đó là Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ (The Millennium Development Goals, MDGs). Lịch trình này gồm 8 mục tiêu lớn (8 goals) với 14 chỉ tiêu (targets): (1) Xóa nạn cực nghèo và nạn đói (1990 – 2015 giảm nửa dân số mà lợi tức chỉ 1 đô la/ngày, và gỉảm nửa dân số chịu đói); (2) Đạt đưọc giáo dục phổ thông cấp một cho tất cả trẻ em trai gái; (3) Cổ vũ bình đẳng về giới tính và tăng quyền cho phụ nữ (dự ước không còn cách biệt giữa nam nữ trong giáo dục cấp 1 và cấp 2 vào năm 2005, và ở mọi cấp vào năm 2015; (4) Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em (2/3 cho trẻ dưới 5 tuổi); (5) Cải tiến sức khỏe của sản phụ (giảm 3/4 mức tử vong trong thời gian 1990 – 2015); (6) Chống các bệnh HIV/AID, sốt rét và các bệnh khác (giảm xuống phân nửa mỗi loại vào năm 2015); (7) Bảo đảm sự bền vững của môi sinh (hội nhập các nguyên tắc phát triển bền vững vào các chính sách và chương trình của mỗi quốc gia và đảo ngược sự mất mát về môi trường; giảm nửa số người không tiếp cận được nước uống vệ sinh vào năm 2015; cải thiện đời sống cho ít nhất 100 triệu người trong khu nhà ổ chuột; (8) Phát triển đối tác toàn cầu để phát triển (*Phát triểm thêm hệ thống thương mại và tài chính mở rộng, dựa trên qui luật, có thể tiên liệu được và không kỳ thị — bao gồm sự cai quản tốt, phát triển và giảm nghèo, quốc nội và quốc tế; *Đối phó với Những Nhu Cầu Đặc Biệt Của các Nước Chậm Phát Triển Nhất – bao gồm: miễn quan thuế và hạn ngạch cho hàng xuất cảng của các quốc gia này, đẩy mạnh chương trình giảm nợ cho Các Quốc Gia Với Nợ Nần Chồng Chất (Heavily Indebted Poor Countries, HIPCs) và hủy bỏ các món nợ song phương thuộc chính quyền, và viện trợ ODA hào phóng hơn cho những quốc gia cam kết giảm nghèo); *Đối phó với Những Nhu Cầu Đặc Biệt của các quốc gia nằm lọt trong đất liền và các đảo nhỏ (qua Chương Trình Hành Động Để Phát Triển Bền Vững Cho Các Tiểu Đảo Quốc Đang Phát Triển); *Đối phó toàn bộ với các vấn đề nợ nần của các nước đang phát triển qua các biện pháp quốc nội và quốc tế nhằm giúp kham đưọc nợ nần trong dài hạn; *Cộng tác với công ty sản xuất dược phẩm, cung cấp thuốc trị bịnh thiết yếu với giá phải chăng tại các nước đang phát triển; cộng tác với khu vực tư để giúp cho kỹ thuật mới, đặc biệt về thông tin và liên lạc có thể tới tay dân chúng.

Nhìn qua, người ta thấy 7 mục tiêu đầu tiên được chia cắt ra riêng lẻ và cụ thể; chứ không phải nói tổng quát là “phát triển” với GDP hay GNI tăng tỷ lệ mấy phần trăm như những thập niên trước đó. Lý do chính là khi đề cập đến phát triển, thì phải nói đến cả tăng trưởng (growth), về xuất lượng, lợi tức, vv. lẫn những thay đổi (changes) về cơ cấu tổ chức chính trị & hành chánh, phẩm chất đời sống dân chúng vv. Đó là điều mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam Cộng Sản trong nhiều năm trước đây, không muốn nói đến.  Sự chia cắt riêng lẻ này vừa tạo cơ hội và trách nhiệm đóng góp của các cơ quan trong 5 nhóm kể trên; nhưng đàng sau đó cũng là lý do để biện minh cho sự tồn tại của những cơ quan này.

Ngay cả mục tiêu “phát triển bền vững” đề cập ở mục tiêu 7 cũng là cả một lịch sử dằng co giữa 2 nhóm các nước phát triển và nhóm các nước đang phát triển. Ngay từ 1972, khi bàn về các ảnh hưởng xấu của phát triển kinh tế đối với môi sinh ô nhiễm, bà Thủ Tướng Ân Độ Indira Gandhi đã tuyên bố đưa ra một so sánh để đời.  Theo bà, “nghèo nàn là nguồn ô nhiễm lớn nhất” (poverty is the greatest polluter). Thoạt tiên, khi khái niệm phát triển kinh tế bền vững (sustainable devevelopment), tức phát triển mà không làm phương hại cho các thế hệ về sau, trở thành chủ trương của LHQ, thì nhiều nước Nam Bán Cầu cho rằng đây là âm mưu của các nước Bắc Bán Cầu “qua sông rồi rút cầu” để cản bước tiến kinh tế của họ.

Riêng mục tiêu thứ 8 được đề cập với 7 chỉ tiêu gồm nhiều chi tiết. Nhưng cái chung của tất cả 7 chỉ tiêu này là kêu gọi sự đóng góp hào hiệp từ các quốc gia phát triển, nghĩa là nhà giàu phải giúp nhà nghèo, vì đó là bổn phận, là nhân đạo.  Điều này nhắc chúng ta nhớ lại “viện trợ” trong thời kỳ chiến tranh lạnh.  Cũng xin nói rõ, “viện trợ” trong thống kê của các nước cấp viện trợ liệt kê nhiều thành phần rất ôm đồm và phức tạp.  Nó bao gồm: cho không, cho mượn, cho vay nhẹ lãi, bão kê nợ, xoá nợ, giảm nợ, gửi chuyên viên kỷ thuật đến, cấp học bỗng cho sinh viên du học, công chức tu nghiệp, dự hội nghị, vv. Không hiếm khi cho bằng tay mặt, lấy lại bằng tay trái, mà đôi khi lấy lại nhiều hơn cho ra!  Các nước “ít phát triển” (less developed countries) thủa đó cũng “làm eo làm sách”, mặc cả chính trị vì biết rằng nghiêng sang “tư bản” thì đưọc cấp cho cái nhà máy, một xa lộ; nghiêng sang “cộng sản” thì được cái cây cầu, thậm chí cả cái đập nước vv. Tuy nhiên, thử hỏi có mấy quốc gia cho đi mà không có hậu ý, không nghĩ tới quyền lợi của dân mình, những người phải đóng thuế?

Chủ trương viện trợ của LHQ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Điểm Thứ Tư (Point Four) trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20/01/1949 của Tổng Thống Mỹ Truman. Theo ông, những tiến bộ khoa học và những tân tiến kỹ nghệ của Hoa Kỳ nên được sử dụng để giúp cho việc tăng trưởng và cải thiện các vùng chậm phát triển (underdeveloped areas) – đang chiếm hơn nửa dân số thế giới. Chủ trương này được đưa ra để đối phó trong chiến tranh lạnh sau khi có sự than phiền của nhiều quốc gia Á, Phi và châu Mỹ Latin rằng Hoa Kỳ chỉ lo giúp Châu Âu tái thiết mà không ngó ngàng tới các nước cũng đang bị tàn phá vì chiến tranh.  Hẳn nhiều độc giả khó quên được rằng viện trợ kinh tế Hoa Kỳ  đầu tiên mà miền Nam Việt Nam nhận được là các xe và các toán nhân viên diệt trừ sốt rét, tượng trưng cho tiến bộ khoa học vừa nói.  Về sau, Tổng Thống Kennedy chủ trương dùng nhiều hình thức khác nữa để viện trợ cho các nước đang phát triển, như Đoàn Hoà Bình (Peace Corps), Thực Phẩm Phụng Sự Hòa Bình (Food for Peace) vv. với quan niệm “nước lên thì thuyền cũng lên.”

Qua thời gian, Ngân Hàng Thế Giới thay đổi quan niệm về phát triển, từ cho vay xây dựng nhà máy sản xuất thay thế nhập cảng, đến hạ tầng cơ sở vật chất như đường sá, cầu cống; rồi cho vay để xây trường học,  bệnh viện; sang giúp đỡ cải tiến cơ cấu tổ chức, đào tạo nhân sự.  Nói chung, LHQ và NHTG vẫn còn xem “viện trợ” là đòn bẩy đưa đến tiến bộ.  Người ta nghiệm ra rằng “viện trợ tư bản (vốn)” tỏ ra rất hữu hiệu với các quốc gia vốn đã có tiềm năng khoa học kỹ thuật –từ trước Thế Chiến — như các nước Châu Âu và Nhật Bản; và ít hoặc không hữu hiệu hơn đối với hầu hết những nước khác. Hơn nữa, gần đây nhất, hai nước đất rộng dân đông Hoa Lục và Ấn Độ đã tăng trưởng kinh tế rất nhanh, cho thấy họ không cần viện trợ tư bản của Tây phương.

Việc thay đổi định chế có thể giúp gì cho tăng trưởng kinh tế?  Đó là câu hỏi lâu nay được nhiều kinh tế gia của HĐKTXH đặt ra, nhất là với sự lớn mạnh của 2 nền kinh tế nói trên.  Hoa Lục ban đầu chỉ “mở các con đường làng” qua một ít cải tổ nông thôn, chỉ “mở cửa sổ” ra thế giới bên ngoài qua các khu kinh tế đặc biệt vùng duyên hải, và huy động mạnh mẽ tiết kiệm quốc nội vào công cuộc  đầu tư.  Nói chung, Hoa Lục chỉ từ từ mở cửa thị trường không thay đổi mấy về định chế và pháp luật.  Trong khi đó thì Ấn Độ, vốn đã là một nước dân chủ, quyết định sử dụng cải tổ rộng rãi luật pháp và định chế để đem lại tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế.  Hai khuynh hướng trái ngược này khiến không ít người nghi ngờ về tác dụng cải tổ định chế trước để chuẩn bị phát triển kinh tế. Hai khuynh hướng kinh tế Neo – Liberal Economics của thời kỳ Reagan – Thatcher, (đưa đến Washington Consenus) và Neo- Instututional Economics (đưa đến Beijing Consensus) làm cho người ta phân vân chưa biết dứt khoát chọn con đưòng nào.

Tuy nhiên có điều khá rõ là, trong trường kỳ, cải tổ định chế là điều không thể tránh được, để khỏi phải đổ vỡ, như trường hợp của nhiều nước Á Châu hồi đầu thập niên 1990, và có thể Hoa Lục trong những năm sắp tới.  Việt Nam Cộng Sản cũng đang và sẽ lâm vào hoàn cảnh khốn khó này.  Hiến Pháp 2013 có thêm vào đầu Điều 2

  1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Việc ghi vào Hiến pháp nguyên tắc “pháp quyền” (rule of law, trước 1975 gọi là “pháp trị”) chỉ nhằm hiện đại hóa cho đúng trào lưu trở lại của nguyên tắc pháp quyền mà các nước văn minh trên thế giới từ bao nhiêu thế kỷ nay hằng tôn trọng. Thật vậy, “rule of law” có nghĩa đen là “sự ngự trị của luật pháp”, tức luật pháp đứng trên hết; vua chúa, nhà nước, đảng phái, chức sắc cao cấp, nhân dân vv. ai ai cũng phải tuân theo; vì vậy nguyên tắc này còn gọi là “tính siêu việt của luật pháp” (the supremacy of law).  Qua lịch sử, “rule of law” được dùng để đối kháng với “rule of men”, tức sự cai trị của con người, với ý nghĩa là con người dù được coi là anh minh đến đâu đi nữa thì cũng có lúc không còn công chính khi vụ việc xảy ra có liên hệ đến mình hay người thân của mình. Ngày nay, luật pháp đề cập trong “rule of law” còn được gán thêm nhiều ý nghĩa, như không ai bị làm thiệt hại tổn thương nếu không được ghi trong luật pháp; luật phải phải được soạn thảo một cách dân chủ; luật pháp phải được phổ biến rộng rãi; không áp dụng hồi tố; phải áp dụng công bằng cho mọi người vv.  Còn “rule by law” có nghĩa là cai trị bằng luật pháp, kể cả luật pháp lỗi thời, bất công vv. do nhà nước độc tài hay độc đảng ban hành.  Ngày nay, mặc dù với sự có  mặt thường trực của LHQ ở Việt Nam, ai ai cũng thừa hiểu “rule of the Party” vẫn là nguyên tắc thống ngự, bàng bạc khắp nơi. Đó là nguyên nhân chính của các thảm hại kinh tế cũng như trật tự xã hội hiện nay. Chắc chắn là đức Khổng Tử sẽ không bao giờ dám bước xuống bệ thờ ở khuôn viên đại học Hà Nội để hạch hỏi vì sao không ai áp dụng nguyên tắc “đức trị” (dezhi, rule of virtue) của Ngài!

Sau cùng, xin mở một dấu ngoặc về viện trợ song phương.  Người viết muốn có đôi dòng về viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ (gọi tắt VTM) cho miền Nam trước đây — hy vọng sẽ có dịp đào sâu hơn trong một bài viết riêng biệt khác. Trước hết, đừng bao giờ vội vã lấy tổng số VTM theo các con số thống kê — với nhiều thành phần ôm đồm phức tạp như đã đề cập — rồi đem chia cho dân số, để đưa kết luận là mỗi gia đình người dân miền Nam được cho bạc triệu đô la trong 20 năm chiến tranh! Thêm nữa, VTM không “dễ ăn”, tức Mỹ trao đôla cho rồi chính phủ VNCH muốn làm gì thì làm theo ý mình, như nhiều người ngây thơ ngộ nhận.  Trái lại, VTM phải chịu rất nhiều cưỡng chế: chính sách ngoại giao; chủ trương và đường lối viện trợ của chính phủ Mỹ lúc bấy giờ (chẳng hạn chủ yếu chỉ về kỹ thuật, như đã nói); luôn nằm dưới mắt cú vọ dò xét của Quốc Hội Mỹ, nhất là của các vị nghị sĩ dân biểu không đồng ý với lập trường của Hành Pháp Hoa Kỳ, hay không thích nhà cầm quyền VNCH.  Nó còn chịu sự chi phối mạnh mẽ của các viên chức Mỹ tại Saigon (buộc VNCH phải thay đổi hối suất có lợi cho sở hữu chủ của đô la khi vào VN, buộc VNCH không được giữ quá 300 triệu đôla khi miền Nam có dư thừa ngoại tệ nhờ sự có mặt đông đúc của quân đội và nhân viên dân sự, mà phải dùng đô la sở hữu của mình trong thời gian ngắn nhất để nhập cảng TV, tủ lạnh, xe gắn máy vv, những thứ mà chính dư luận Hoa Kỳ cũng coi là xa xỉ trong chiến tranh; còn dư thì phải gửi vào ngân khố Mỹ; chịu sự chi phối của luật lệ Hoa Kỳ (mua hàng Mỹ phải chở về bằng tàu Mỹ với giá gấp đôi, phải dùng VTM mua hàng của các nước do Mỹ chỉ định, trong đó có Đài Loan, Thái Lan, Đại Hàn, Phi Luật Tân vv.).  Đó là chưa kể đến sự tham nhũng của một số viên chức phụ trách viện trợ, ăn chia với các nhà cung cấp ngoại quốc. Cố Vấn Ngô Đình Nhu có lúc than thở: “Đối phó với Việt Cộng đã khó, mà đối phó với người Mỹ lại còn khó hơn.”  Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, Phụ Tá Đặc Biệt về Kinh Tế Tài Chánh, Phủ Tổng Thống khi được người viết này hỏi vì sao chính quyền Mỹ không cho VNCH giữ nhiều ngoại tệ, đã không ngần ngại trả lời: “Họ e khi có nhiều tiền, chúng ta có thể làm phản.” Cách nay đúng 500 năm, Machiavelli người Ý trong quyển “Ông Hoàng” (The Prince) đã dặn dò “người nhận viện trợ” : “Và ông hoàng đó, người chỉ trông cậy vào lời hứa của họ (những người đề nghị giúp đỡ), mà không có những chuẩn bị khác, sẽ bị diệt vong mà thôi; bởi vì thứ tình hữu nghị do mua mà có chứ không do lòng quãng đại, và sự cao cả tinh thần được mua chứ không được đảm bảo, và mua khi tuyệt đối cần thiết, sẽ không đem lại lợi ích gì cho bạn.”

Cũng khá may, những nguy hại của việc cho và nhận viện trợ song phương nói trên không phải là đa số trường hợp của viện trợ được đề cập ở Mục tiêu 8. Tuy nhiên, các các lợi lộc trời cho cũng như những món ngoại tệ dễ kiếm khác của nước nhận – nhưng khó kiếm từ phía người gửi đến — dễ sinh ra chứng bệnh Dutch Disease, nghĩa là nguồn tài nguyên “trời cho” này có thể đưa đến bất ổn về hối suất, đẩy giá sinh hoạt tăng cao, chuyển ngân lậu, “rửa tiền”, hoang phí, nhũng lạm vv.  Cái bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này thấy rõ ràng đã và đang phát triển tại Việt Nam trong nhiều năm nay sau khi đổi mới kinh tế.

Thật ra, các viện trợ song phương lẫn đa phương đều có những ràng buộc, hoặc ít hoặc nhiều. Cái khó vẫn là làm sao sử dụng cho hiệu quả. HĐKTXH, cũng như các bộ phận khác chỉ có thể đưa ra những hướng dẫn tổng quát. Còn việc sử dụng viện trợ cho có hiệu quả và hiệu năng còn tùy thuộc phần lớn vào khả năng và đạo đức nghề nghiệp của các gíới chức cũng như của sự tham gia của dân chúng liên hệ của các nước nhận viện trợ.

Tài nguyên nhân lực, vật lực của LHQ vốn đã hạn chế, lại còn bị phân tán manh múng, cho nên một sự phối hợp hoạt động của các cơ quan liên hệ là điều tối cần thiết mới có hy vọng giúp đỡ hữu hiệu các nước đang phát triển.  Vì vậy mà giữa năm 2005, Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan (cùng LHQ được giải Nobel Hòa Bình 2012) đã triệu tập một nhóm chuyên viên cao cấp thuộc 32 tổ chức của LHQ nhằm nghiên cứu biện pháp thích hợp.  Kết quả là tháng 11 năm 2006, bản phúc trình “Delivering As One” ra đời, và bắt đầu thực hiện vào năm sau.  Theo đó, LHQ sẽ hành động với “Một Lãnh Đạo, Một Chương Trình, Một Ngân Sách, Một Trụ Sở” tại các nước nhận trợ giúp. Việt Nam tình nguyện là một trong 8 thí điểm đầu tiên. Số quốc gia trong dự án tăng dần theo thời gian: 5 vào năm 2007; 20 vào 2009; 40 vào 2010 và 52 vào năm 2015.

   Trong phúc trình “Millennium Development Goal 8: Tasking Stock of the Global Partnership for Development 2015 MDG Task Force Report”, Tổng Thư Ký LHQ cho biết viện trợ từ các quốc gia phát triển từ US$ 81 tỉ năm 2000 lên US$ 134 tỉ năm 2014, tuy tăng 66%, nhưng chỉ đạt 0.30% GNI — thấp hơn tỷ lệ 0.37% của thập niên trước — phần chính do cuộc khủng hoảng tài chánh hồi cuối thập niên vừa qua.  Ngoài các nước Đan Mạch, Lục Xâm Bảo, Na Uy, Thụy Điển vốn đã đạt chỉ tiêu 0.70% từ lâu, lần này chỉ có thêm Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan.

Về phương diện thực hiện các mục tiêu, theo phúc trình của LHQ The Millenium Developing Goals Report 2015, thì sau 15 năm, thế giới đã có nhiều tiến bộ đáng khích lệ trong thời gian 15 năm qua. Chẳng hạn, đối với Mục Tiêu 1, thì số người cực nghèo (dưới US $1.25/ngày đã giảm từ 1, 9 tỷ năm 2000 xuống còn 836 triệu năm 2015 (tại VN, tỷ lệ đó là 58.1% xuống còn 14.5%) Cùng thời gian đó, con số trung lưu ($4/ngày) đã tăng lên gấp 3 lần; con số người thiếu dinh dưỡng giảm xuống từ 23.3% dân số xuống còn 12.9% (tại VN, tỷ lệ đó từ 41% xuống còn 11,75%).  Đối với Mục Tiêu 2, số trẻ em tiểu học toàn cầu bỏ trường xuống từ 100 triệu xuống còn 57 triệu. Tại VN, càng lên cao thì tỷ lệ rơi rớt càng tăng một cách đáng ngại. Chẳng hạn ở cấp 1, tỷ lệ trẻ em nữ ghi danh là 91,5% và nam là 92.3%; lên cấp 2, tỷ lệ đó là 82% và 81%; nhưng đến cấp 3 thì tỷ lệ chỉ còn 63.1% và 53%. Đối với Mục Tiêu 6, số người mang bệnh sốt rét giảm 37%, số người chết vì bệnh này giảm 58%, tức đạt được chỉ tiêu cho 15 năm qua;, tuy nhiên nó vẫn còn là mối đe dọa, tức còn đến 3,3 tỷ người trên 97 quốc gia còn mang bệnh.  Đối với Mục Tiêu 7, nạn phá rừng làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống (nước, không khí trong lành, thay đổi khí hậu) tuy có chậm lại, nhưng vẫn còn trầm trọng, nhất là tại Á Châụ (mất 2,2 triệu hecta/năm từ năm 2000 đến 2010.  Khí thải carbon dioxite tăng 50% trong thời gian đó, nhất là tại các nước có nền kinh tế đang lên (như Trung Quốc, Ấn Độ) gây ảnh hưởng vô cùng tai hại, khiến LHQ phải triệu tập Hội Nghị UN Framework Convention on Climate Change Conference vào tháng 12/16 nhằm cùng nhau tìm ra giải pháp hạ giảm nhiệt độ trái đất…Trong Mục Tiêu 8, xuất cảng từ các nước phát triển được miễn thuế quan để vào các nước phát triển đã tăng lên 65%. Phúc trình còn cho biết 95% dân số thế giới đã được phủ sóng cho điện thoại di động trong lúc số người có điện thoại di động tăng lên 10 lần (7, 2 tỷ người); tỷ lệ sử dụng Internet tăng từ 6% dân số lên 43% (3, 2 tỷ người) .

Phúc trình cũng cho thấy còn nhiều lãnh vực cần phải cải tiến:  bất bình đẳng về giới tính, giữa giàu và nghèo, giữa nông thôn và thành thị; ô nhiễm môi sinh; suy giảm tài nguyên thiên nhiên, trữ lượng thực phẩm (nhất là hải sản).

Một vấn đề lớn quan trọng không kém các yếu tố vật chất kể trên.  Đó là vấn đề nhân quyền. LHQ tự hào đã đưa ra luật pháp căn bản để bảo đảm nhân quyền, từ Universal Declaration of Human Rights, đến International Covenant on Civil and Political Rights, đến International on Economic, Social and Cultural Rights, United Nations Conventions Against Tortures (mà VN ký hồi tháng 10/2014). Ngoài ra, LHQ không thiếu những bộ phận chuyên trách như: The Human Rights Council, The Commission on Human Rights, The Human Rights Committee, The Committee on Economic, Social and Cutural Rights, và Committee Against Torture vv; nhưng vẫn không thể nào bảo vệ được nhân quyền cho toàn cầu vì LHQ không được ban cấp đầy đủ quyền lực, ngoại trừ Tòa Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court, ICC) lâu lâu mới nhóm xử một vài tội phạm chiến tranh, diệt chủng. VNCS không những được bầu làm một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền (Human Rights Council) sau khi ký công ước về tra tấn nói trên, mà còn có cả “một rừng luật”, nhưng tiếc thay, Hà Nội chỉ thích sử dụng “luật rừng” (chữ của luật gia thân Cộng Ngô Bá Thành), với đám “dư luận viên” thừa hành pháp luật.  Dân chúng gọi đó là “côn an”, tức côn đồ làm công an, hay công an giả danh côn đồ.

***

            Công bằng mà nói, kinh thế tế dân, cải tạo xã hội, tăng tiến nhân quyền là những nhiệm vụ mà nhà nước của mỗi quốc gia phải chủ yếu gánh vác đối với công dân của mình, LHQ chỉ đóng vai trò hỗ trợ mà thôi, nhất là đối với những quốc gia lúc nào cũng đề cao chủ quyền, cổ vũ tinh thần dân tộc, ca tụng tính độc đáo văn hóa của mình. Trong thời đại toàn cầu hiện nay qua ý thức liên lập và phương tiện thông tin, người ta lại càng đòi hỏi nhiều hơn ở LHQ về sứ mạng gìn giữ hòa bình, về hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội cùng nhân cao nhân quyền.  Đáp ứng của LHQ chỉ có thể đạt được trong chừng mực nào đó.  Điều này khiến một số người nổi giận, đòi hỏi giải tán tổ chức này, hay rút khỏi tổ chức hoặc không đóng góp phương tiện tài chánh cho nó hoạt động.  Có thể nói một cách không sai rằng nếu không có một tổ chức như LHQ thì trong 70 chục năm qua, sau mỗi lần khủng hoảng quân sự, chính trị, kinh tế, y tế vv., chắc chắn người ta cũng đã tìm cách thiết lập một tổ chức có chức năng tương tự như LHQ, hay tạo ra những cơ quan với chức năng như những cơ quan của LHQ hiện nay. Những thứ tân tạo này có thể  hoạt động hiệu năng và hiệu quả hơn hay không, thật khó mà đoán được. Chúng ta mơ ước LHQ sẽ đóng góp nhiều  hơn cho nhân loại.

Lê Văn Bỉnh

Virginia, tháng 11/2015

——————————–

Tài Liệu Tham Khảo

Bookmiller, Kirsten: The United Nations, New York, Chelsea House, 2008

Fasulo, Linda: An Insider’s Guide to the United Nations, 2nd ed., New Haven, Yale University Press, 2009

Hanhimaki, Jussi: The United Nations: A Very Short Introduction. 2nd ed., New York, Oxford University Press, 2015

International Monetary Fund: World Economic Outlook 2012: Coping with High Debt and Sluggish Growth, Washington DC, 2012

Rist, Gilbert: The History of Development: From Western Origins to Global Faith, 4th ed., New York, Zed Book, 2014

The World Bank: The MDGs after the Crisis, Washington DC, 2010

United Nations Department of Public Information: Basic Facts about the United Nations, Revised ed., New Yơrk. 2011

Wess, Thomas; Forsythe, David; Coate, Roger: & Pease, Kelly-Kate: The United Nations and Changing World Politics, 6th ed., Boulder, Westview Press, 2010

Views: 589

Ca Dao Thời Đại Xã Hội Chủ Nghĩa

 Vũ Bá Hoan   

vietnamwater-puppet-4413

Có lẽ từ ngày lập quốc tới nay, chưa có thời đại nào có nhiều ca dao được truyền tụng trong dân gian để chỉ trích những người cầm quyền và chính sách cai trị đất nước, như thời đại Xã Hội Chủ Nghĩa do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Kể từ ngày 30-4-1975 , VC xâm chiếm miền Nam tới nay, Sàigòn và Hà Nội có lẽ là nơi xuất phát nhiều ca dao chỉ trích chế độ VC nhất.

Người dân sống dưới chế độ độc tài đảng trị bị đàn áp và tước đoạt những quyền căn bản của con người như quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận và tự do đi laị.  Những  bloggers và thanh niên, thiếu nữ bầy tỏ lòng yêu nước qua việc chống Trung Cộng chiếm đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoặc bầy tỏ bất đồng chính kiến một cách ôn hòa về chính sách đảng trị, cũng đều bị Việt Cộng trấn áp dã man bằng cách kết án tù nhiều năm. Để tránh bạo quyền VC áp đặt cảnh tù tội khi công khai chỉ trích chính quyền, người dân đã dùng thể thức ca dao (một loại văn chương bình dân được lưu truyền trong dân gian mà tác giả những câu ca dao ấy không ai biết rõ tên tuổi) làm phương tiện đấu tranh chống lại bạo quyền Việt-Cộng. Người dân sáng tác những câu ca dao thời đại để chỉ trích và phản đối chính sách độc tài đảng trị của Cộng-Sản VN, đồng thời còn là một hình thức để họ xả nỗi uất ức, bất bình trước bạo quyền.

Những câu ca dao được trích dẫn trong bài viết là những câu đã được người viết sưu tầm trên sách báo hải ngoại hoặc trên mạng lưới điện toán. Sau đây, chúng ta hãy xem ngườì dân VN sống dưới XHCN chỉ trích những người lãnh đạo CSVN qua  những câu ca dao châm biếm rất độc đáo và sâu sắc, được truyền tụng khắp các miền đất nước.

  • Châm biếm và chỉ trích lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam

Có thể nói trong lịch sử VN, kể từ ngày dựng nước tới nay, chưa có một lãnh tụ nào bị người dân khinh miệt và thù oán như Hồ Chí Minh. Vào những năm đầu chiếm được miền Nam, người dân bị kiểm soát dưới hình thức hộ khẩu, họ thiếu ăn, thiếu mặc; vì thế họ căm tức chế độ VC, nên đã miệt thị HCM, ví ông ta như bộ phận sinh dục của họ, một hình thức sỉ nhục mà giới bình dân khi khinh ghét ai, thường đem ra  nhục mạ :Đọc tiếp…

Views: 4902

An Dưỡng Cuối Cùng

GS Cao Thị Lễ

old age

Tôi ngần ngại khá lâu trước khi viết về đề tài nầy vì đây là một việc mà không ai muốn nghe hoặc nghĩ đến mặc dù đó là sự thật không ai có thể tránh được: “Có sinh thì phải có tử”! Điều quan trọng là chúng ta phải chấp nhận và làm sao để cho mình trong những ngày cuối cuộc đời, cũng như để cho những người thân yêu đang chăm sóc mình, được thoải mái. Đây là mục đích của dịch vụ hospice.

Hospice là dịch vụ săn sóc những bệnh nhân mà bác sĩ và bệnh viện tuyên bố không còn chữa trị được nữa, chỉ còn độ 6 tháng hoặc ngắn hơn để sống mà thôi, nôm na là “bác sĩ đã chê rồi” (terminal illnesses). Trong những trường hợp nầy, gia đình sẽ vô cùng bối rối không biết làm thế nào . Có người đành mang bệnh nhân về nhà, con cháu thay phiên săn sóc và chuẩn bị việc tang lễ.  Có người nhứt định “còn nước còn tát” tìm cách chạy chữa khác như Đông y … Nhưng khổ nỗi là bệnh cứ  kéo dài nhiều tháng, con cháu phải đi làm kiếm sống và mệt mỏi trong việc săn sóc người bệnh. Người bệnh cũng đau khổ không kém vì không những đau đớn về thể xác mà còn đau buồn khi thấy con cháu bận rộn vì mình .

May mắn là ở Hoa Kỳ có dịch vụ hospice để giúp đỡ chúng ta trong những trường hợp như thế. Tuy nhiên người Việt chúng ta ít người biết đến dịch vụ nầy .

Quan Niệm Căn Bản của Hospice:

Quan niệm căn bản của hospice là giúp cho những bệnh nhân sắp lìa đời được thoải mái trong những ngày cuối cùng của cuộc đời bằng cách săn sóc những nhu cầu về thể xác, tình cảm, tinh thần và xã hội của bệnh nhân. Ngoài ra hospice cũng giúp đỡ gia đình bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn nầy.

Quan niệm về hospice đã được du nhập từ Anh Quốc vào thập niên 1970s. Sau đó hospices được phát triển nhanh chóng: vào năm 2007 có đến 1.4 triệu bệnh nhân sử dụng dịch vụ nầy và hơn 1/3 người Mỹ từ giã cõi đời qua các dịch vụ nầy.Đọc tiếp…

Views: 1492

Giới Thiệu Sách: “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và Cuộc Chiến Chống Đô Hộ Pháp Của Nhà Nguyễn” của GS Nguyễn Quốc Trị

Trần Hồng

GTS Nguyenv tuong

Giáo sư Nguyễn Quốc Trị đã dành 12 năm, thu thập tài liệu ở Thư viện Quốc Gia Hoa Kỳ, 5 văn khố của Pháp và ở các Trung Tâm lưu trữ khắp nơi, cũng như các tài liệu từ các cuộc hội nghị, hội thảo ở Việt Nam để viết ra thiên khảo cứu dày trên 1,000 trang, bao gồm các phong trào kháng chiến của Văn Thân cũng như sự lãnh đạo của Triều Nguyễn vào hậu bán thế kỷ thứ 19, trong đó có Phụ Chánh Nguyễn Văn Tường, nội tổ của tác giả là một Đại thần trọng yếu.

Tác giả đã đưa ra những bằng chứng từ các tài liệu nguyên thủy, được phối kiểm , phản bác những luận điệu xuyên tạc về văn hóa VN, vu cáo vua quan Nhà Nguyễn từ sử sách thuộc địa nhằm hỗ trợ cuộc xâm lăng của thực dân Pháp.

Để quý vị và các bạn dễ dàng theo dõi sự trình bày tác phẩm, chúng tôi xin liệt trình những điểm chính yếu của tác phẩm theo thứ tự thời gian.

TRIỀU ĐẠI GIA LONG, MINH MẠNG, THIỆU TRỊ, TỰ ĐỨC, KIẾN PHÚC, HÀM NGHI, DUY TÂN.

Tác giả đã đưa ra các bằng chứng chứng tỏ vua Gia Long là một minh quân, trí dũng vẹn toàn như:

  • Đối nội, Ngài biết thương yêu dân chúng, quân sĩ, thẳng tay trừ khử những kẻ loạn quyền, được tướng sĩ hết lòng hy sinh.
  • Đối ngoại, Ngài biết vận dụng sự yểm trợ từ các quốc gia bạn.
  • Tạo dựng một Việt Nam rộng lớn nhất từ trước đến đời Ngài.
  • Xây dựng một hệ thống chính quyền bề thế.

Tuy  nhiên đã có nhiều luận điệu xuyên tạc, nói xấu Ngài từ thực dân và những thành phần chống đối, kể cả nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hiện nay.

  1. Vua Gia Long nhờ Giám Mục Bá Đa Lộc cứu thoát khỏi phe Tây Sơn: Thực sự Vua được Thầy Cả VN Phao Lồ cứu thoát. (trang 263)
  1. Vua Gia Long rước Tây về dầy mồ: Hiệp ước Versailles (28/11/1787) được ký kết giữa Giám mục Bá Đa Lộc, thay mặt cho vua Gia Long và Tổng trưởng ngoại giao Pháp nhưng không hề được quốc trưởng hai nước phê chuẩn. Lý do chính là vì tình hình cách mạng ở Pháp rối bời. Chính phủ Pháp không còn khả năng nào nghĩ đến chuyện giúp Việt Nam nơi xa xôi. Quân Pháp không được gởi qua Việt Nam như dự liệu trong hiệp ước. Nhưng người Pháp do giám mục Bá Đa Lộc tuyển mộ (khoảng 368 người, trang 260) đều thuộc thành phần đào ngũ, chỉ giúp Việt Nam bảo trì vũ khí và thuyền bè.  Mọi quyết định có tầm vóc quốc gia đều được quyết định bởi nhà vua và các quan Việt Nam (trang 257).
  1. Vua Gia Long cỏng rắn Xiêm về cắn gà nhà: Lúc bại trận, vua Gia Long có chạy qua Xiêm lánh nạn và thần phục vua Xiêm, nhưng vua Gia Long đã giúp vua Xiêm đánh thắng Miến Điện.  Sau đó quân Xiêm qua giúp VN nhưng họ cướp bóc hiếp dân nên về sau vua không nhờ họ nữa.  Đến khi nhà Tây Sơn bất hòa, vua Gia Long về Việt Nam không cho triều đình Xiêm hay biết và sau này hai nước nối lại bang giao bình đẳng (trang 282- 287)
  1. Vua Gia Long bị vu cáo giết hại công thần như:
  • Công thần Đỗ Thành Nhân: Sự thực khi vua Gia Long lên vương vị hơn một năm, mới 20 tuổi bị thượng tướng công Đỗ Thành Nhân lạm quyền, tương tợ như trường hợp của chú mình là chúa Nguyễn Phúc Thuần chuyên quyền bởi Trương Phúc Loan, nên vua Gia Long phải triệt hạ Đỗ Thành Nhân để tránh hậu họa (trang 689).
  • Công thần Nguyễn Văn Thành: Vua Minh mạng không hề xử tử công thần Nguyễn văn Thành vì lẽ giản dị là ông đã tự tử chết dưới thời vua Gia Long, sau khi con ông là Nguyễn Văn Thuyên bị kết án tội phản nghịch (trang 408).
  • Công thần Tả Quân Lê văn Duyệt: Vua rất quý trọng và ông vẫn trung thành với nhà vua cho đến khi mãn phần. Tả Quân Lê Văn Duyệt chỉ bị kết án sau khi đã mất vì tội đã từng đỡ đầu cho Lê Văn Khôi lãnh đạo cuộc phản loạn ở Nam kỳ (trang 411-427)
  1. Vua Minh Mạng bị cho là bế quan tỏa cảng: Sự thực vua Minh Mạng tiếp tục đường lối ngoại giao của vua Gia Long. Minh Mạng thân thiện với tàu Pháp đến bán hàng hóa và quân dụng.  Vua cũng cho mua khí giới từ các thuộc địa của Âu Châu, ở Đông Nam Á. Vua đã cho chế tạo tàu thủy  để chạy bằng hơi nước. Vua tuyên bố rõ ràng là không nên bế quan tỏa cảng.  Vua đã dùng ngoại thương để canh tân kỹ thuật quân sự.  Đặc biệt là việc phát triển học ngoại ngữ  và dịch thuật để canh tân (trang 384-385).
  1. Vua Minh Mạng bị vu cáo là không thân thiện với người Pháp và chống đạo Gia Tô : Vua Minh Mạng đã đối xử với Pháp và đạo Gia Tô giống như vua Gia Long. Vua Minh Mạng vẫn giữ ông Chaigneau vừa làm Lãnh sự vừa đại diện cho mình (trang 396). Về đạo Gia Tô, Vua vẫn để tự do như dưới thời vua Gia Long, nhưng dưới thời Minh Mạng, đạo Gia Tô ở Pháp đã phục hồi tư thế sau cơn khủng hoảng vì cuộc cách mạng năm 1789, Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris  đã tới tấp gởi Thừa sai nhập lậu vào VN truyền đạo và hành đạo một cách bất hợp pháp, không cần biết đến chính quyền Việt Nam.  Vua chỉ thực sự cấm đạo vào năm 1832, 12 năm sau khi lên cầm quyền (trang 400).
  1. Vua Thiệu Trị diệt Đạo: Vua Thiệu Trị cũng theo đường lối của vua cha Minh Mạng không chủ trương cấm đạo, nhưng triều đình buộc các thừa sai và giáo dân Việt Nam phải tôn trọng văn hóa Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng tinh thần Khổng Mạnh, thờ cúng ông bà. Đó là điểm khó khăn nhất của các thừa sai đến truyền giáo tại các nước Á Châu, không riêng gì ở Việt Nam. Triều đình Thiệu Trị đã từng tuyên án tử hình một số thừa sai vi phạm an ninh quốc gia như ủng hộ các cuộc loạn chống triều đình, nhưng cũng chỉ giam cầm rồi phóng thích.  Đối với giáo dân Việt Nam vi phạm luật lệ an ninh quốc gia, nhà Vua ra lệnh giáo hóa (trang 558-559).  Tất cả những đường lối ôn hòa đó lại làm cho người Pháp xem Triều đình Việt Nam như là một giới lãnh đạo yếu kém, vì thế mới có chuyện vào mùa xuân năm 1847, chiến hạm Pháp ngang nhiên bắn chìm 5 chiến thuyền đồng Việt Nam ở vịnh Đà Nẳng, đòi Triều đình phải để các giáo sĩ hoàn toàn tự do hành đạo và để thương gia Pháp tự do buôn bán.  Từ đó vua Thiệu Trị mới có chính sách cứng rắn với giới thừa sai, nhưng cũng chỉ với giới thừa sai mà thôi (trang 560,562).
  1. Vua Tự Đức Diệt Đạo: Đối với đạo Gia Tô, dưới đời Tự Đức không quá đổi căng thẳng mãi cho đến khi Lãnh sự Pháp ở Thượng Hải Montigny đến gây sự bắn phá căn cứ Đà Nẳng vào năm 1856, tương tự như tàu Pháp bắn chìm 5 tàu đồng của Triều đình Thiệu Trị năm 1847.  Người Pháp tiếp tục yểm trợ cho các cuộc nổi loạn để ép VN ký Hiệp Ước 1862 nhường một số tỉnh cho người Pháp và Y Pha Nho  đến truyền đạo (trang 589-603).

NGUYỄN VĂN TƯỜNG, Phụ chính đại thần (1883–1885)

Kẻ Thù Không Đội Trời Chung Của Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp

Lưu đày và cái chết nơi biệt xứ (1885–30/7/1886) tại Papeete, một làng trên quần đảo Tahiti của Pháp

 Như vậy từ Triều đại Tự Đức, vào hậu bán thế kỷ 19 người Pháp đã bắt đầu tiến hành cuộc xâm lăng Việt Nam.

Trong ba triều đại Tự Đức, Kiến Phúc và Hàm Nghi có hai đại quan là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã phò tá nhà vua đóng vai trò quyết định trong công cuộc chiến đấu chống xâm lăng.

Ông Nguyễn Văn Tường đưa ra sách lượt “Hòa Để Thủ, Thủ Để Mưu Chiến” đã được Vua Tự Đức và các vua kế tiếp chấp thuận và áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Tường xin Vua Tự Đức bỏ ý định lấy lại ba tỉnh Miền Tây vì quân ta không đủ mạnh để thắng địch.  Thay vì đó, ta hãy dốc toàn lực vào việc giữ gìn  những phần đất còn lại.  Ông đã đại diện nhà vua ký Hiệp Uớc và Thương Ước ngày 31 tháng 8 năm 1874 theo đó Pháp trả lại 4 tỉnh Bắc kỳ đã chiếm đóng.  Pháp biếu cho VN 1,000 súng trường và 5 tầu chiến.  Bù lại VN phải nhường đứt 6 tỉnh Nam Kỳ mà Pháp đã chiếm đóng rồi.  Đây là một thắng lợi lớn của VN, công lớn của Phụ Chính Nguyễn Văn Tường.

Về  sau, khi người Pháp đã quyết tâm thôn tính Bắc kỳ bằng sức mạnh quân sự vượt trội Việt Nam, Ông Nguyễn văn Tường nhận định thời thế, biết quân ta không thể nào chống cự lại nổi quân địch, Ông khuyên Vua tạm bỏ Bắc kỳ để dồn lực phòng thủ Trung kỳ.

Ông Nguyễn Văn Tường đã thiết lập hệ thống sơn phòng là những chiến khu để phòng thủ quốc gia, chống ngoại xâm.

Hai ông Phụ Chánh Tường và Thuyết đã chuẩn bị Phong trào Cần Vương từ lâu.  Hy vọng các khu chiến Sơn phòng và lực lượng Cần Vương có thể tự lực chống Pháp mà không cần sự giúp đỡ của Tàu

Vua Hàm Nghi không thể ngồi chờ Tướng De Courcy đảo chánh buộc thi hành Hiệp Ước Bảo Hộ 6/6/1884 nên đêm 4/7/1885 đã đưa Vua rời Hoàng cung về Sơn phòng Quảng Trị, do Phụ Chánh Tôn Thất Thuyết hộ giá.  Phụ chánh Nguyễn Văn Tường ở lại kinh đô để bảo vệ hoàng cung và đàm phán với  Tướng De Courcy như kế hoạch “ Kẻ đánh người đàm” của nhà Vua

Khi Nguyễn văn Tường bước chân xuống tàu đi đày ở đảo Tahiti thì cuộc khởi nghĩa Cần Vương xảy ra khắp nơi.

Suốt cả một cuộc đời , ông Nguyễn văn Tường đã đem tất cả tài trí của mình phò tá ba vua giúp nước chống ngoại xâm, nhưng đó cũng là cái đích cho sử sách thuộc địa nhắm vào bôi nhọ, triệt hạ uy tín của người có lập trường chống Pháp như bị vu cáo sau đây:

  1. Diệt Đạo và Giết Hại Văn Thân: Thực sự ông rất công bình với người đạo Đàng Ngoài đã theo Garnier chống Triều đình. Ông đã dẹp loạn Văn thân cực đoan Nghệ Tỉnh  nổi loạn sát hại người theo Đạo và chống cả triều đình. (trang 616).  Về  người theo Đạo ở Đàng Trong, Ông rất chân thành (trang 617).
  1. Truất Phế và Giết hại Vua Dục Đức: Thọ lãnh di chiếu của Vua Tự Đức truyền ngôi cho Hoàng tử Ưng Chân dù ông hoàng này có nhiều nét xấu, nhưng tệ hại nhất là đã theo Pháp bằng cách cung cấp tài liệu tối mật triều đình cho Đại Lý Pháp   Vì vậy hai phụ chánh Tường và Thuyết (đã dâng sớ lên Hoàng Thái hậu Từ Dụ (mẹ vua Tự Đức) tờ hạch tội buộc) phải hạ bệ, nhưng ông  Hoàng Dục Đức vẫn được tự do và sống đến thời vua Hàm Nghi chứ không phải bị chết như sử ghi chép (trang 647).
  2. Buộc Tội Giết hại Vua Hiệp Hòa: Theo chính sử Nhà Nguyễn thì sau khi ở ngôi một vài tuần, vua Hiệp Hòa đã ký Hiệp Ước Harmand ngày 25/8/1883 công nhận nền bảo hộ của Pháp và tìm cách trừ khử hai ông phụ chánh Tường và Thuyết trong khi triều đình đang ra sức chống lại sự đô hộ này. Cho nên hai ông phụ chánh đã bắt buộc phải đảo chánh phế bỏ Vua Hiệp Hòa.  Vua Hiệp Hòa không được thoát chết như Hoàng Tử Dục Đức  vì tòa Khâm sứ bây giờ đã nằm ở kinh thành, có  quân Pháp đã đóng ở Cửa Thuận lúc nào cũng có thể can thiệp (trang 651-652).
  3. Buộc Tội Loại Trừ các Vua Nhà Nguyễn để lên ngôi: Đó là kết quả của sự suy diễn ác ý của người Pháp vì họ nhận thấy hai ông phụ chánh Tường và Thuyết lãnh đạo phe chống Pháp loại các vua thân Pháp là Dục Đức và Hiệp Hòa, họ tung tin ông Tường muốn lên ngôi Vua (trang 493).
  4. Dư Luận Tranh Quyền với Tôn Thất Thuyết: Ông Thuyết là người chủ chiến và ông Tường là người có khuynh hướng điều đình nhưng cả hai ông đều quyết tâm phục vụ triều đình và chống thực dân Pháp.  Có sử  viết rằng Tôn Thất Thuyết ra lệnh đốt nhà ông Nguyễn Văn Tường vì ông Tường không tiếp tục theo nhà Vua đi Tân Sở. Sự thực lúc này trong cơn dầu sôi lửa bỏng, ông Tôn Thất Thuyết cũng không còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện nhỏ mọn ở tận kinh đô xa xôi.  Hơn nữa, nhiều bằng chứng  đã cho thấy rằng khi xảy ra cuộc binh biến, quân Pháp đã đốt phá hàng loạt nhà cửa ở vùng ông Tường, dĩ nhiên họ không tha nhà của một đại thần triều đình (trang 501).
  5. Vua Hàm Nghi Bị Ép Đi Chiến Khu Tân Sở: Điểm căn bản ở đây là tinh thần yêu nước và tính bất khuất của vua Hàm Nghi.  Khi về Tân Sở, Ngài đã gởi Dụ kêu gọi phong trào Cần Vương đứng lên cứu nước.  Trong 55 năm từ đấy, Ngài vẫn giữ thái độ bất khuất.  Một ông Vua bản tánh như thế không dễ gì bị bề tôi lừa gạt để làm theo ý muốn của họ.  Nhà vua đã quyết tâm rời bỏ ngai vàng để đi chiến khu cứu nước, đó là ý nguyện của Ngài.

Kết Luận

Trên đây là những điểm chính yếu mà Giáo sư Nguyễn Quốc Trị đã dày công tra cứu từ những tài liệu nguyên thủy khả tín, phản bác lại những điểm sai lầm của sử sách thuộc địa và những lý luận của kẻ xâm lăng thời hậu bán thế kỷ thứ 19.

Những nhà viết sử cận đại chắc chắn phải gặp những khó khăn nói ra sự thật vì những kẻ chiến thắng vẫn còn cầm quyền.  Giáo sư Nguyễn Quốc Trị đã cố gắng đính chính một phần của lịch sử thuộc địa và ông cũng ước mong có một cuốn lịch sử Việt Nam đầy đủ hơn.

Nhân đây, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, dù cuốn biên khảo nhằm giải oan cho nội tổ của tác giả là cụ  Nguyễn Văn Tường, nhưng vì cuộc đời của Phụ Chánh Nguyễn Văn Tường đã gắn liền với các triều vua  và đất nước trong thời kỳ chống Pháp, nên tác phẩm cũng đã nêu lên được lòng yêu nước cao độ, sự chiến đấu can cường của giới Văn Thân và sự lãnh  đạo khôn ngoan của vua quan nhà Nguyễn.  Nhưng trong cuộc chiến đấu này, thắng thua đâu phải hoàn toàn do người VN quyết định. Nhìn lại biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, ta sẽ thấy rõ điều ấy.

Xin nhắc lại, lịch sử  của nhân loại chưa bao giờ có một triều đại của một quốc gia nào đã có ba vị vua liên tiếp từ bỏ ngai vàng, để chiến đấu chống ngoại xâm và bị tù đày suốt cả cuộc đời, như các vua Hàm Nghị, Thành Thái và Duy Tân.

Trần Hồng   

GTS NVT muasach 2

 

Views: 1774

Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt và Cuộc Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ Năm 2016

Đỗ Quang Tỏa

cong hoa hay dan chu newTrong những năm gần đây, Cộng Đồng Người Mỹ gốc Việt (CĐNV) đã bắt đầu chú ý rất nhiều đến tiến trình vận động chính trị tại Hoa Kỳ, nhất là những cuộc bầu cử Tổng Thống. CĐNV đã nhận thấy rằng sau 40 năm, chúng ta phải có tiếng nói trong chính trường Hoa Kỳ để đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi của chính chúng ta. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài nhận định này, chúng tôi xin được chia ra làm hai phần. Phần một là quá trình tham gia vận động chính trị của CĐNV  trong những cuộc bầu cử Tổng Thống và phần hai là những đề nghị cho cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2016.

Tiến Trình Vận Động Chính Trị của Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt

Cho đến cuối thập niên 1980, người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ  mới bắt đầu vô quốc tịch và bắt đầu đi bỏ phiếu, nhất là tại các cuộc bầu cử Tổng Thống. Cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1980 và 1984, ứng cử viên Cộng Hoà Ronald Reagan đã đánh bại hai đối thủ đảng  Dân Chủ  là Carter (1980) và Walter Mondale (1984). Số người Việt đi bầu những năm 1984 và 1988 giữa ứng cử viên George Bush và Michael Dukakis (Dân Chủ) đã đa số bầu cho đảng Cộng Hòa vì cho là Đảng Cộng Hòa là chống Cộng và có một nền ngoại giao cứng rắn đối với các nước Cộng sản. Điển hình là vai trò của Tổng Thống Reagan đã đưa đến nền dân chủ ở Đông Âu và phá bỏ bức tường ngăn cách Đông và Tây Bá Linh.

Thập niên 1980 cũng cho thấy việc hình thành các tổ chức Người Việt với mục đích vận động chính trị tại Hoa Kỳ như Liên Đoàn Cử Tri người Mỹ gốc Việt, Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ (thành lập năm 1986) và một số tổ chức cộng đồng (TCCĐ) tại nhiều tiểu bang như Cộng Đồng Việt Nam tại vùng Washington D.C., MD & VA.  Tất cả các tổ chức này đều có mục đích khuyến khích người Mỹ gốc Việt ghi danh cử tri (voter registration) và đi bầu.  Dưới thời Tổng Thống George Bush (1988-1992) CĐNV vẫn tiếp tục ủng hộ Đảng Cộng Hoà và chỉ có một số ít ủng hộ Liên Danh Clinton-Gore trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1992.  Tuy nhiên những năm sau đó dưới thời Tổng Thống Clinton, chương trình HO đưa các cựu tù nhân chính trị và gia đình qua định cư tại Hoa Kỳ, bỏ cấm vận (1994) và bình thường hóa bang giao với Việt Nam (1995) đã gây ra sự chú ý rất nhiều của CĐNV trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1986 giữa ông Bill Clinton và Thượng Nghị Sĩ  Bob Dole.

Phải cho đến cuộc bầu cử năm 2000 giữa  ứng cử viên Al Gore và George W. Bush, chúng ta mới thấy có sự thay đổi trong suy luận chính trị của CĐNV. Thay vì chỉ bầu cho đảng Cộng Hòa vì chủ trương cứng rắn đối với các nước Cộng sản, CĐNV đã thấy cần phải suy xét thêm về các phúc lợi cho cộng đồng của mỗi đảng.  Thêm vào đó, nhiều tài liệu về chiến tranh Việt Nam cũng đã được tung ra cho thấy trên phương diện đối ngoại, nước Mỹ luôn luôn đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết.  Những lá thơ cam kết của Tổng Thống Richard Nixon gởi cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đều không có giá trị gì nữa khi Ngoại Trưởng Henry Kissinger đã thỏa hiệp  với Chu Ân Lai mở cửa  cho thương gia Mỹ vào thị trường Trung Cộng.  Ông Al Gore  đã thắng số phiếu phổ thông (Gore: 51,003,926 phiếu – Bush: 50,460,110 phiếu) nhưng đã thua số phiếu cử tri đoàn (Gore : 266 – Bush: 271).

Cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2004, CĐNV cũng đã không mạnh mẽ  ủng hộ ứng cử viên John Kerry vì cho là ông ta đã phản bội Việt Nam qua các hành động phản chiến của ông sau khi phục vụ tại Việt Nam.

Cuộc bầu cử năm 2008 lần đầu tiên đánh dấu sự chuyển hướng chính trị của CĐNV.  Tuy nhiên các cuộc nghiên cứu sau bầu cử (Exit Poll Survey) cho thấy  Cộng Đồng Người Mỹ gốc Á Châu đã bỏ phiếu cho Ông Barack Obama (76%), trong đó CĐNV có số phiếu thấp nhất cho Ông Obama.  Các cuộc nghiên cứu cho thấy đa số thành phần trẻ (thế hệ thứ hai) trong CĐNV đã bầu cho Ông Obama, trong khi đó số người Việt lớn tuổi thì bỏ cho Ông John McCain như một lá phiếu “biết ơn” thời gian ông đã bị Cộng sản cầm tù tại Việt Nam.  Cuộc bầu cử năm 2012 lần đầu tiên tất cả các cuộc nghiên cứu  cho thấy CĐNV đã bỏ phiếu nhiều hơn cho đảng Dân Chủ (61%) và lý do chính là những chương trình phúc lợi cho người có lợi tức thấp và người lớn tuổi.  Trong cuộc bầu cử Thống Đốc Tiểu Bang Virginia vào ngày 5 tháng 11, 2013, 71%  người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương đã bầu cho ứng cử viên Dân Chủ Terry McAuliffe, trong đó có 69% người Mỹ gốc Việt, 70% gốc Tàu và 83% gốc Ấn Độ.

Vài Nhận Xét và Đề Nghị về Bầu Cử Tổng Thống Năm 2016

Cộng Đồng Người Việt đã tiến những bước rất dài trong việc hội nhập vào dòng chính của chính trị Hoa Kỳ qua việc đi bỏ phiếu, đóng góp tài chính, qua các tổ chức khác nhau.  Tuy nhiên kết quả còn rất khiêm nhường.  Số người Mỹ gốc Việt được bổ nhiệm vào các chức vụ cao cấp trong chính quyền rất ít hoặc không có so với các cộng đồng Á Châu  khác.  Thỉnh nguyện thư cho Tòa  Bạch Ốc vào tháng 3, 2012 với trên 150 ngàn chữ ký, tuy gây tiếng vang trong CĐNV nhưng cũng đã không đưa đến một thay đổi quan trọng nào trong quan hệ Mỹ Việt, nhứt là không có sự cải thiện nào  về nhân quyền cho Việt Nam.

Nhận Xét 1: Tiền

CĐNV vẫn chưa có tổ chức để đóng góp một cách đáng kể  vào các vận động chính trị.  Hầu hết các cộng đồng gốc Á Châu đều có các Ủy Ban Vận Động Chính Trị hay còn gọi là  PAC (Political Action Committees) ở cấp liên bang (Federal PAC).  Các Ủy Ban này có quyền đi quyên góp tài chánh và sau đó sẽ ủng hộ các ứng cử viên nào ủng hộ đường lối  và chủ trương của họ. Năm 2012, CĐNV có một Federal PAC  gọi là Ủy Ban Vận Động Chính Trị cho Nhân Quyền cho Việt Nam (Human Rights For Viet Nam PAC) do luật sư Nguyễn Đỗ Phú tại Orange County thành lập. Theo báo cáo nộp cho cơ quan Bầu Cử Liên Bang, trong năm 2012, Human Rights For Viet Nam PAC thu được $110,720.00 và đã chi ra $26,683.00.  Tiền còn lại là $91,201.00 tính đến ngày 30 tháng 6, 2013.  Ủy ban Vận Động cho Obama của người Mỹ gốc Việt – Vietnamese Americans for Obama (VAFO) đã gây quỹ được hơn $200,000.00 trong cuộc bầu cử năm 2012.  Tuy nhiên so với quỹ tranh cử lên đến 1 tỉ đô la, những số tiền này quá nhỏ để gây sự quan tâm của ứng cử viên.  Trong khi đó , CĐNV có hơn 200.000 người làm thương mại và đã đóng góp hàng năm 28 tỉ đô vào nền kinh tế  Hoa Kỳ (Thống kê của Nha Thống kê 2007), số tiền CĐNV gởi về Việt Nam hàng năm cũng cả tỉ đô la, nhưng việc đóng góp cho các cuộc vận động chính trị còn rất thấp vì nhiều lý do, đứng đầu là sự thiếu tín nhiệm vào các tổ chức vận động chính trị, cũng như ý tưởng là các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ không có ảnh hưởng trực tiếp (dù có lợi hay hại) đến cá nhân hay gia đình.  Do đó, vấn đề thiết lập các PAC (cho cả hai đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa) với những mục tiêu trong sáng, thành phần lãnh đạo trẻ trung và mở rộng là điều cần thiết để gây quỹ trong CĐNV.

Multilingualballots

Nhận Định 2: Lá Phiếu

Thống kê dân số năm 2010 ước định dân số người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ là 1,548,449 người, đứng thứ ba của người Mỹ gốc Á ( Trung Hoa 3,347,229 người, Ấn Độ: 2,843,291 và Phi Luật Tân: 2,555,923).  Người Mỹ gốc Việt ở đông nhứt tại 10 tiểu bang: Cali (581,000), Texas (210,000), Washington (67,000), Florida (58,000), Virginia (54,000), Georgia (45,000), Massachusetts (43,000), Pennsylvania (39,000), New York (29,0000) và Louisiana (28,000). Trong cộng đồng người Mỹ gốc Á thì có khoảng 48% ghi tên đi bầu  và từ 55% đến 71% cử tri đi bầu nhất là các cuộc bầu cử Tổng Thống. Do đó, với khoảng 300,000 đến 350,000 cử tri ở rải rác  trong 10 tiểu bang, CĐNV không đủ  số phiếu để làm thay đổi kết quả  bầu cử Tổng Thống. Tuy nhiên, qua cuộc bầu cử năm 2000 (tiểu bang Florida đã là yếu tố quyết định thắng bại giữa Gore và Bush) và cuộc bầu cử năm 2008 (một số tiểu bang quyết định như Virginia và Florida), chúng ta phải biết cách vận động các tiểu bang “xôi đậu” (swing states) và dồn nổ lực cũng như tài chánh vào những tiểu bang đó. Một điểm quan trọng nữa là CĐNV phải tham gia thiệt sớm, ví dụ ngay từ bây giờ, cho cuộc bầu cử năm 2016.  Bước đầu tiên là sửa soạn tham gia vào các cuộc bầu sơ bộ (Primary) nhất là các cử tri gốc Việt sinh sống tại tiểu bang Iowa hay New Hamshire, nơi đã đưa ra các ứng cử viên Tổng Thống cho cả hai Đảng.  Số người tham dự các cuộc bầu cử sơ bộ thường rất nhỏ, nếu tham gia đông đảo vào các cuộc bầu sơ bộ, do đó dù có số ít cử tri, CĐNV vẫn có thể gây được nhiều sự chú ý.

Nhận Xét 3: Tổ Chức

Các ủy ban vận động của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa  chỉ chú ý đến các tổ chức có tính cách toàn quốc (National Organizations), do đó tập thể CĐNV phải có những tổ chức toàn quốc để làm việc vận động cử tri và gây quỹ mới có thể gây chú ý, tiếng vang và hy vọng các Ủy ban Vận Động của cả hai đảng sẽ chú ý đến.  Để đo lường mức độ thành công của các tổ chức CĐNV này, chúng ta có thể coi cả hai đảng có bỏ tiền vào quỹ vận động truyền thông của CĐNV hay không ? Quảng cáo bằng tiếng Tây Ban Nha đã trở thành một điều kiện quan trọng trong tiến trình vận động của cả hai đảng. Một điều quan trọng nữa là  những tổ chức CĐNV vận động chính trị phải có các  thành phần trẻ tuổi tham dự và nắm vai trò trọng yếu. Thành phần trẻ (25-50 tuổi)  thường có ba yếu tố quan trọng để thành công: (1) địa vị xã hội và khả năng tài chính, (2) các liên hệ cá nhân với các đoàn thể khác qua trường học, việc làm hay các tổ chức xã hội khác (social media network) và (3) khả năng sinh ngữ để có thể truyền đạt mục đích qua các giới truyền thông hay chính quyền Hoa Kỳ.  Cả hai tổ chức VAFO và Human Rights For Vietnam PAC đều có thành phần trẻ này trong Hội Đồng Quản Trị .

Nhận Xét 4: Mục Đích

Có phiếu, có tiền và có tổ chức, chúng ta cần phải có một hay nhiều mục đích rõ rệt là chúng ta đòi hỏi điều gì? Sự đòi hỏi này có thiết thực và khả thi không? Và đây có phải là sự đòi hỏi của đa số tập thể CĐNV hay không? Thiếu một mục đích chung hay một mục đích được đa số chấp nhận sẽ lại dẫn đến sự chia rẽ, lủng củng nôi bộ và thất bại trong việc gây quỹ.  Thêm vào đó, khi đã có mục đích, chúng ta phải biết cách đưa những thông tin này vào đúng chổ, thuyết phục đúng người và đúng lúc.

Có được như vậy, công cuộc vận động chính trị của CĐNV tại Hoa Kỳ  sẽ sớm được thành công.  Năm 2016 sẽ là một năm  của thế hệ thứ hai trong CĐNV và họ sẽ nắm một vai trò quan trọng trong cuộc vận động bầu cử Tổng Thống năm 2016.

Phụ lục: Hỏi – Đáp về Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2016

Hỏi: Tôi nghe nói người dân Hoa Kỳ KHÔNG trực tiếp bỏ phiếu bầu cho Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Có đúng không?

Đáp: Đúng, vì  Tổng Thống và Phó Tổng Thống được bầu chọn bởi một Cử Tri Đoàn (Electoral College). Số cử tri đoàn và sự lựa chọn do luật lệ của mỗi tiểu bang quy định. Số cử tri đoàn trong mỗi tiểu bang sẽ bằng số đại diện dân cử (Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ).

Ví dụ, tiểu bang Virginia có 11 Dân Biểu Quốc Hội và 2 Thượng Nghị Sĩ Liên Bang, tổng cộng là 13 người. Do đó, số cử tri đoàn của Virginia sẽ là 13 người. Tổng số Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ là 435 người, 100 Thượng Nghị Sĩ và Thủ Đô Washington, D.C. được quy định có 3 cử tri đoàn (dù là không có Dân Biểu Quốc Hội hay Thượng Nghị Sĩ nào). Do đó, tổng số cử tri đoàn trên toàn quốc sẽ là 538 người. Muốn trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ, ứng cử viên phải có ít nhất là 270 cử tri đoàn. Con số 270 này được gọi là “magic number”.

2016-Projections-7001

Hỏi: Vậy cử tri đoàn có phải là “người” thực sự không hay chỉ là một con số điển hình? Tại sao tôi không thấy tên của cử tri đoàn trên lá phiếu lúc tôi đi bầu?

Đáp: Cử tri (electors) trong Cử Tri Đoàn (Electoral College) là người thực sự. Họ thường được đề cử lên trong các đại hội Đảng ở cấp tiểu bang và sau đó do các vị lãnh đạo của các đảng có ứng cử viên ra tranh cử sẽ đề bạt lên Ủy Ban Bầu Cử Tiểu Bang (State Board of Election). Số cử tri (electors) được đề cử sẽ bằng số cử tri đoàn do luật tiểu bang ấn định. Xin xem thêm về phần lựa chọn cử tri đoàn vì rất phức tạp và tùy theo luật của mỗi tiểu bang.

Hỏi: Như vậy lá phiếu của tôi khi đi bầu Tổng Thống có giá trị gì không?

Đáp: Rất có giá trị vì số cử tri đoàn bầu cho một ứng cử viên nào sẽ tùy thuộc vào số phiếu bầu cho ứng cử viên đó trong tiểu bang. Đây là quy luật “Winner Takes All” hay “ Được Ăn Cả, Ngã Về Không”.

Ví dụ, ứng cử viên Obama đã thắng số phiếu bầu ở Tiểu Bang Virginia năm 2012, do đó toàn bộ 13 cử tri đoàn (electors) của Tiểu Bang Virginia đều về tay Obama. Nên nhớ dù chỉ thắng có 1 phiếu, ứng cử viên cũng sẽ lấy hết số cử tri đoàn (ngoại  trừ trường hợp hai tiểu bang Maine và Nebraska là cho phép phân chia số cử tri đoàn theo số phiếu phổ thông). Do đó trên thực tế, chúng ta có thể coi là chúng ta được trực tiếp chọn lựa Tổng Thống và Phó Tổng Thống.

Hỏi: Nếu cử tri đoàn quyết định chính thức ai sẽ là Tổng Thống và Phó Tổng Thống, tại sao ngay sau khi bầu cử, họ đã tuyên bố ai đắc cử mà không chờ cử tri đoàn tuyên bố?

Đáp: Như đã nói ở trên, ai thắng số phiếu qua cuộc phổ thông đầu phiếu sẽ thắng tất cả cử tri đoàn của tiểu bang đó. Do đó sau khi số phiếu đã kiểm xong, ứng cử viên có thể tiên đoán là mình đắc cử dựa trên số phiếu tiểu bang. Ngoại trừ trường hợp năm 2000, giữa ứng cử viên Al Gore và George Bush. Ứng cử viên Gore đã thắng hơn 500 ngàn phiếu trên toàn quốc, nhưng lại thua số cử tri đoàn  (Gore 267 electors – Bush 271) sau khi thua Florida nên G. Bush đã trở thành Tổng Thống.

Cử tri đoàn thường sẽ họp vào tuần lễ thứ nhất của tháng 1 sau ngày bầu cử vào tháng 11 năm trước. Dựa vào số phiếu trong tiểu bang, ứng cử viên nào nhiều phiếu nhất sẽ được toàn thể cử tri đoàn dồn phiếu cho (trừ Maine và Nebraska). Sau khi kết quả cuộc bầu phiếu của cử tri đoàn được chứng nhận với tất cả chữ ký của cử tri đoàn, bản chính sẽ được Thống Đốc tiểu bang ký tên và chuyển cho Chủ Tịch Thượng Viện Hoa Kỳ. Vị Chủ Tịch Thượng Viện Hoa Kỳ sau đó sẽ triệu tập một phiên họp khoáng đại lưỡng viện để chứng nhận kết quả bầu cử. Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện sẽ là người nhận lời tuyên thệ của vị Tân Tổng Thống, năm nay sẽ vào ngày 27 tháng 1 năm 2017. Do đó, thủ tục bỏ phiếu của cử tri đoàn để lựa chọn Tổng Thống và Phó Tổng Thống thực ra cũng chỉ là hình thức thôi vì kết quả thực sự là dựa trên cuộc phổ thông đầu phiếu.

Hỏi: Năm 2016 tôi thấy Đảng Dân Chủ có 3 ứng cử viên và Đảng Cộng Hòa có hơn 10 người, vậy ai sẽ là ứng cử viên chính thức, dựa vào đâu và khi nào chúng ta sẽ biết?

Đáp: Sau cuộc bầu cử sơ khởi (primary election) tại các tiểu bang Iowa, New Hamsphire, South Carolina vào đầu tháng 2 và các tiểu bang khác sau đó (Virginia sẽ vào tháng 3), chúng ta sẽ có một ý niệm ai sẽ được Đảng Dân Chủ hoặc Cộng Hòa đề cử.

Thông thường muốn trở thành ứng cử viên (nominee) của đảng, các ứng cử viên (candidate) phải thắng trong số mấy tiểu bang bầu thử trước này, vì dựa trên kết quả của các cuộc bầu cử sơ khởi ở các tiểu bang này, số người ủng hộ tiền sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa sẽ có các cuộc họp (convention) ở cấp tiểu bang để lựa chọn đại biểu (delegate) và các đại biểu này sẽ lựa chọn ứng cử viên chính thức của Đảng tại đại hội đảng toàn quốc.

Năm nay Đại Hội Đảng Cộng Hòa sẽ họp vào trung tuần tháng 7 tại Cleveland, Ohio và Đảng Dân Chủ vào cuối tháng 7 tại Philadelphia, Pennsylvania. Thông thường vào khoảng tháng 6 của năm bầu cử, ai là ứng cử viên sẽ được biết trước ngày đại hội đảng cấp tiểu bang để ứng cử viên này có thì giờ đi vận động. Ví dụ, năm 2008, trước đại hội đảng Dân Chủ ở tiểu bang Virginia, có hai ứng cử viên là Bà Hillary Clinton và Ông Barack Obama. Trước đại hội Đảng Dân Chủ tại tiểu bang Virginia vào tháng 6, 2008, tất cả các đại diện của Bà Hillary đã “được yêu cầu” chuyển qua cho Ông Obama. Do đó, tại Đại Hội Đảng Dân Chủ, ứng cử viên Obama đã được toàn thể đại biểu bầu lên để có sự thống nhất trong đảng.  Năm nay, Bà Hillary có chiều hướng sẽ được đề cử. Ngược lại Đảng Cộng Hòa có thể sẽ không biết được ai là ứng cử viên, cho đến ngày Đại hội Đảng Cộng Hòa tại Cleveland. Lúc đó, các đại biểu mới tham dự cuộc bỏ phiếu và người nào nhiều phiếu nhất sẽ là ứng cử viên Đảng Cộng Hòa. Sự lo ngại của Đảng Cộng Hòa là nếu ứng cử viên của Đảng được lựa chọn quá trễ, số tài nguyên và thì giờ đã bỏ phí vào chuyện nội bộ và có thể có sự chia rẽ nên khó thắng ở cuộc phổ thông đầu phiếu vào tháng 11. Do đó, hy vọng chúng ta sẽ biết ai là ứng cử viên Dân Chủ hay Cộng Hòa vào tháng 6  năm 2016.

Hỏi: Tôi nghe nói có tiểu bang được coi là sẽ nghiêng hẵn về một đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa, và có một số tiểu bang có thể bầu cho đảng này hay đảng kia tùy theo ứng cử viên và những tiểu bang này được gọi là “swing states” có đúng không?

Đáp: Đúng như vậy. Danh từ “swing states” để chỉ những tiểu bang có thể bầu cho đảng này hoặc đảng kia và chữ này được các vận động viên hay các chiến lược gia của đảng phái chính trị  xử dụng để họ có thể biết nên tập trung công cuộc vận động bầu cử vào tiểu bang nào.

Cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2012 cho thấy các tiểu bang Florida, Virginia, Ohio, Pennsylvania, Colorado Nevada được coi như “swing states”, do đó rất nhiều sự đầu tư đã được dồn vào những tiểu bang này. Đây cũng là một điểm quan trọng CĐNV cần để ý đến vì chúng ta có nhiều phiếu nhất ở hai tiểu bang: California và Texas nhưng hai tiểu bang này được coi là “one-party state” nghĩa là California sẽ bầu cho ứng cử viên Đảng Dân Chủ và Texas thì bầu cho ứng cử viên Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử năm 2016. Do đó,  số phiếu vài trăm ngàn của chúng ta ít được chú ý đến. Ngược lại, nếu CĐNV biết cách vận động, với số phiếu chỉ là hai ba ngàn nhưng ở tiểu bang “swing states” như Florida, Virginia, Ohio, Pennsylvania và Colorado thì rất là quan trọng. Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội đòi hỏi các ứng cử viên Tổng Thống phải chú ý đến các yêu cầu của chúng ta.

toi da bo phieu

Kết luận: Chúng ta phải ghi danh đi bầu (registration), đi bầu (vote) và chọn lựa những ứng cử viên xứng đáng đại diện cho quyền lợi của chúng ta tại Hoa Kỳ.

Đỗ Quang Tỏa

Virginia, January 2016

Views: 568

Đường Vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh

Nguyễn Ngọc Cường

truong qghc

Xong tú tài toàn phần, vì ham rong chơi nhất là lại quá mê mẩn với ánh đèn mầu đầy ma lực quyến rũ của các khiêu vũ trường nên tôi đã thất bại nhiều năm liên tiếp tại các trường đại học ở nhiều nơi khác nhau.  Nhận thấy rõ yếu điểm của bản thân nên tôi bèn bỏ học để trở thành tư chức về ngành kế toán sau một khóa huấn luyện ngắn hạn cho hãng bào chế dược phẩm Roussel ở Sàigòn.  Sau đó ít lâu tôi bỏ nghề cạo giấy vì thấy nó buồn tẻ, đều đặn, mẫu mực, ngày nào cũng như ngày ấy với một số lớn tên thuốc thuộc nằm lòng, những hóa đơn đặt mua hàng của các pharmacy quen thuộc, số lượng thuốc mẫu hàng ngày dành cho những trình dược viên để mang đi quảng cáo tại các văn phòng bác sĩ đã làm cho tôi nản lòng.  Hơn nữa tiếng máy đánh chữ lóc cóc vang lên đều đặn một cách tẻ lạnh thật buồn chán gần như suốt ngày trong phòng làm việc đã tạo cho tôi cái cảm giác sợ sệt vì tưởng rằng hình như mình đã già, già lắm rồi thì phải.

Từ trước đến giờ tôi vẫn nhìn các công chức qua hình bóng nghiêm khắc của thân phụ tôi với vẻ e dè, kính cẩn, sợ hãi vì không hiểu tại sao tôi lại cảm thấy quý vị công chức hình như đều có vẻ đạo mạo, khép kín, trang nghiêm, già nua, khô khan và cằn cỗi.  Từ ý nghĩ này cộng thêm với kinh nghiệm bản thân qua những ngày tháng làm việc tại hãng Roussel đã khiến cho tôi lúc trước không hề có ý định nộp đơn dự kỳ thi tuyển sinh viên vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh thì giờ đây lại vững chắc hơn: không thể nào tôi lại vào học ngôi trường đó để trở thành công chức cả, dù là công chức cấp nào cũng vậy thôi mặc dù tôi rất thích ngôi trường này vì quá bề thế, khang trang lẫn uy nghi, có thể nói đây là ngôi trường đẹp nhất ở Sàigòn.

Sau khi rời hãng Roussel tôi bất ngờ trở thành viên thông ngôn cho Sư Đoàn 7 Không Quân Hoa Kỳ đóng tại phi trường Tân Sơn Nhất.  Công việc này có lẽ thích hợp với tôi hơn là ngồi cạo giấy trong văn phòng.  Suốt ngày tôi, cùng với hai viên quân cảnh Mỹ trên chiếc xe Jeep lùn, lang thang khắp nơi trong phi trường, kể cả phố xá lẫn các bar rượu để thông dịch các sự việc xô sát, cãi cọ, tranh chấp… giữa các quân nhân Mỹ với người Việt Nam.

Đây là một công việc tôi rất thích thú vì được tiếp xúc với nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, biết thêm được nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, kể cả cuộc sống bạt mạng, không cần biết đến tương lai của các cô chiêu đãi viên làm việc tại các bar rượu và quan trọng nhất là trau dồi thêm môn Anh ngữ.  Trong thời gian này không hiểu sao tôi lại đột nhiên trở nên mê say đọc thơ văn trên các sách báo, tạp chí đến lãng quên hẳn tiếng nhạc bập bùng vẫn đều đặn vang vọng trong ánh đèn mầu quyến rũ tại các vũ trường. Tôi mê say đọc các vần thơ óng chuốt, diễm lệ cùng những áng văn mượt mà, mê hoặc, lãng mạn dễ làm say đắm lòng người của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đương thời.  Tôi mến mộ nhất là tạp chí Văn do nhà văn một thời lẫy lừng làm chủ bút: Mai Thảo.  Ông có lẽ là một nhà văn tôi yêu thích với lối viết trữ tình, ngọt ngào, cách dùng chữ điêu luyện và cách ngắt câu khác lạ nhưng thật tuyệt vời. Tôi đã say mê đọc các sách ông viết: Đêm Giã Từ Hà Nội, Mái Tóc Dĩ Vãng, Tháng Giêng Cỏ Non, Khi Mùa Mưa Tới, Mười Đêm Ngà Ngọc .… tuy nhiên tác phẩm “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” đã  đặc biệt lôi cuốn tôi hơn cả và có lẽ đã thay đổi hẳn con người tôi.

Qua tác phẩm này, tôi thấy nhân vật nam chính (vì quá lâu nên đã quên tên) thật hào hùng, can đảm lẫn oai nghi.  Lúc chọn nhiệm sở sau khi tốt nghiệp trường đào tạo viên chức hành chánh cao cấp thời nước Pháp còn ảnh hưởng nặng nề đến các chính quyền quốc gia còn non trẻ, nhân vật chính này đã tình nguyện đi trấn nhậm một quận hẻo lánh, mất an ninh thuộc miền Thượng Du Bắc Việt, nơi tất cả các vị Quận Trưởng tiền nhiệm đều bị Việt Minh ám sát chết.  Với tất cả sự lanh lợi, thông minh, mưu lược cùng may mắn diệu kỳ nên vị Quận Trưởng trẻ tuổi này đã vượt qua nhiều hiểm nguy, thoát khỏi những cái bẫy thâm độc do Việt Minh dựng lên nhằm trừ khử một viên chức quốc gia đã quá nhiệt tình với công vụ.  Ông đã hoàn thành thật xuất sắc sứ mạng mang đến cuộc sống tạm an bình và ấm no cho người dân sở tại.  Ông trở nên một cái gai cần phải nhổ của Việt Minh địa phương.  Vì công việc trị nước, an dân vị Quận Trưởng này đã tiếp xúc thường xuyên với một cô gái trẻ đẹp trong vùng.  Cô gái này, một nữ giao liên của Việt Minh, đã được lệnh kết thân để rồi giết viên Quận Trưởng khi có dịp.  Hình như đôi bên đều có cảm tình với nhau nên trong một lần giáp mặt người Quận Trưởng tài hoa cô đã can đảm nói rõ âm mưu thanh toán ông mà cô là người lãnh nhiệm vụ đó.  Bọn Việt Minh sở tại biết rõ chuyện này nên chúng đã bắt cô cùng kết án cô tội phản bội.  Chúng tìm mọi cách ép buộc cô viết thư tới vị Quận Trưởng để xin ông đem quân đi cứu cô ta với hy vọng nhân cơ hội này chúng sẽ phục kích giết được ông.

Với cách hành văn thật bay bướm, tài tình, nhà văn Mai Thảo đã cho người đọc thấy mưu lược vô song cùng lòng dũng cảm hiếm có của vị Quận Trưởng văn võ toàn tài này khi ông phối hợp với đội quân Pháp- Việt địa phương đi giải cứu cô.  Cuộc hành quân thành công, cô gái được cứu thoát.  Trên đường về, một cán bộ Việt Minh bị thương nặng đã bất ngờ tỉnh dậy và nhắm súng bắn vào người Quận Trưởng.  Cô gái trông thấy kịp vội đem cả thân mình lấp họng súng oan nghiệt để che chở cho người ơn.  Cuối cùng tên Việt Minh đó bị bắn chết, người Quận Trưởng oai hùng kia bình an vô sự nhưng cô gái trẻ đẹp đã lãnh viên đạn định mệnh ngay tim để rồi trút hơi thở cuối cùng trên tay vị Quận Trưởng sau khi cố gắng thều thào thốt nên câu: “Em yêu anh”.  Người Quận Trưởng đầy bản lĩnh này đã khóc ngất khi vuốt mắt cho người con gái bạc mệnh chết trên tay mình.  Câu chuyện thật ai oán và cảm động, nhưng xúc động hơn nữa là người Quận Trưởng đã nhờ bệnh viện địa phương lấy viên đạn đã cướp đi mạng sống của cô gái ra khỏi thân xác cô và làm thành một món trang sức ông luôn luôn đeo trên người.  Ông thường xuyên ra thăm mộ người xấu số và hứa với cô ông sẽ nhớ mãi tình cảm đẹp cô đã dành cho và ông sẽ không bao giờ rời xa viên đạn đồng đã kết liễu đời cô như một cách luôn ấp ủ trái tim cô trong lòng ông.  Có lẽ trong tâm tình đó mà nhà văn Mai Thảo đã đặt tên cho tác phẩm tuyệt diệu này là “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” chăng ?

Câu chuyện trên, hình như chỉ có thể xẩy ra trong trí tưởng tượng độc nhất vô nhị của nhà văn nổi tiếng đó, đã làm tôi thẫn thờ trong nhiều ngày liền và tự nhiên mơ ước mình muốn trở thành người Quận trưởng này.  Qua tác phẩm “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI”, tôi không còn thấy công việc của công chức là nhàm chán nữa, nó có một cái gì đó thật là phiêu lưu, mạo hiểm và sinh động không kém phần lãng mạn nhất là khi người sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, sau lúc tốt nghiệp, thường lãnh nhiệm vụ Phó Quận Trưởng tại các quận đa số là hẻo lánh, thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.

Có thể nói chính tác phẩm  “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” đã làm tôi nôn nức tới liền số 10 Trần Quốc Toản, Sàigòn để hỏi thăm về kỳ thi tuyển sắp tới cùng các bài thi tuyển.  Tôi đã thận trọng hỏi thăm nhiều người  (tôi nhớ không rõ lắm hình như một trong những người tôi gõ cửa để hỏi là anh Nguyễn Văn Thực, ĐS 7, Chủ Sự phòng Công Tác Sinh Viên lúc bấy giờ).  Những người tôi hỏi thăm đều sốt sắng chỉ cho tôi những loại sách, những bài nghiên cứu về chính trị để đọc, để học hầu có thể làm bài suông sẻ trong kỳ thi sắp tới.  Cũng may mắn là từ khi hỏi thăm như vậy đến ngày thi tuyển còn đến những ba tháng trường, tạm đủ để tôi “gạo” kỹ càng những sách vở đã được chỉ dẫn.

Hình như “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” đã quyện vào cuộc đời tôi khi cho tôi đậu ngay kỳ thi đầu tiên vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh để nhập học khóa Đốc Sự 14 mặc dầu tôi rất dốt về môn chính trị học.  Bốn năm học trôi qua nhanh chóng.  Tôi chỉ là một sinh viên trung bình nên trong kỳ thi tuyển đã đậu chính giữa trong danh sách 100 người, do vậy khi ra trường tôi cũng tốt nghiệp lại ngay giữa với thứ hạng 40 trong số 81 sinh viên tốt nghiệp lớp Đốc Sự 14. Trước ngày chọn nhiệm sở, gia đình, người thân đều khuyến khích tôi làm tại Sàigòn, vì tâm lý thông thường là không ai muốn người thân ruột thịt của mình phải làm việc tại nơi đèo heo hút gió vào thời điểm chiến cuộc đang gia tăng ác liệt, có thể nguy hiểm đến bản thân.   Nhưng rồi với ý tưởng mơ đến “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” nên tôi đã chọn Bộ Nội Vụ để đi làm việc ở địa phương mặc dù tôi cũng còn có thể chọn được một vài bộ để làm việc ngay tại Sàigòn hoa lệ.

Trong buổi chọn địa phương do Bộ Nội Vụ tổ chức, tôi thấy hình như có một sự sắp đặt huyền bí nào đó khi tôi dự định chọn tỉnh Bình Thuận (Thị trấn Phan Thiết, quê hương nước mắm), một tỉnh tương đối an ninh so với những tỉnh còn lại trên danh sách chọn và lại gần Sàigòn nữa thì cái miệng tôi lại nói là Bình Định (Thị trấn Quy Nhơn, Liên Khu 5 cũ của Việt Minh). Thích chí vì chọn được tỉnh vừa ý không được bao lâu thì tôi chợt nhận ra sự lầm lẫn tai hại của mình.  Ngó lên bảng danh sách thì hai người bạn sắp hạng kế sau tôi đã lấp đầy hai chỗ dành cho tỉnh Bình Thuận rồi.  Chỉ còn biết thở dài vì lỗi của mình, tôi miễn cưỡng đi ra thành phố Quy Nhơn trình diện với hai bạn trong danh sách đi Bình Định.  Kể ra tâm lý con người cũng thật rắc rối, mơ chuyện phiêu lưu, mạo hiểm mà vẫn muốn chọn nơi tương đối an toàn!

Tỉnh Bình Định lúc đó đang cần ba Phó Quận Trưởng cho ba quận mà hai quận khá tốt là Bình Khê (Quê hương Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, rất gần thành phố Quy Nhơn) và Hoài Nhơn (với Thị trấn Bồng Sơn, một xứ dừa sầm uất, rất thơ mộng và tình tứ nhưng khá xa Quy Nhơn).  Những tưởng là sẽ chọn Quận theo thứ tự giống như khi chọn Bộ và Tỉnh lúc còn ở Sàigòn, tôi có ý nghiêng về quận Bình Khê vì gần Quy Nhơn.  Nhưng rồi hỡi ơi, chẳng có chọn hay lựa gì cả, tôi đứng đầu danh sách đi tỉnh Bình Định thì lại bị “cấp trên” chỉ định “quẳng” về quận Hoài Ân, một quận miền núi, nằm trên một tỉnh lộ bằng đất ngoằn nghoèo bò giữa những đồi núi cao và dòng Lại Giang xuôi ra biển từ miền núi non Trường Sơn hiểm trở.  Thêm một lần nữa chỗ làm việc tôi định tâm lựa chọn lại vượt khỏi tầm tay vì một nguyên do ngoài ý muốn.  Có lẽ đây là một thiên duyên hay định mệnh ???

Trụ sở Quận Hoài Ân là một gian nhà gạch nhỏ nằm lưng chừng một ngọn đồi cao khoảng hơn 10 mét, trên đỉnh đồi là Chi Khu Hoài Ân.  Tôi là một dân sự duy nhất cư ngụ tại Chi Khu, ban ngày xuống văn phòng Quận làm việc, đến chiều thì lại bò lên Chi khu chằng chịt hàng rào kẽm gai phòng thủ với lô cốt tứ phía tua tủa những súng đạn.  Một trung đội pháo binh với hai khẩu đại bác 105 ly thuộc Sư Đoàn 22 đóng ngay trên đồi cách phòng ngủ của tôi khoảng chừng 20 mét, ngày đêm thường xuyên bằn ùng oằng với tiếng nổ đinh tai nhức óc làm rung cả giường chiếu (có lẽ vì vậy mà dạo này tôi hơi bị lãng tai chăng?)

Tôi được biết ngọn đồi này là địa điểm thứ ba của trụ sở Quận/Chi Khu chỉ trong vòng năm, sáu năm trở lại.  Những ngọn đồi trước đều bị quân chính quy Việt Cộng san bằng vì đây rất gần vùng An Lão nơi đặt đại bản doanh của Sư Đoàn 3 Sao Vàng VC, hầu hết quân nhân đồn trú trên đồi đều hy sinh, kể cả Quận Trưởng lẫn Phó Quận Trưởng (thường ở ké trong Chi Khu vì dưới làng không được an toàn về đêm).  Lúc đầu tôi cũng hơi “lạnh cẳng” khi đêm về cô độc trên đồi và nghĩ đến lúc ngọn đồi bị địch quân tràn ngập như đã từng xẩy ra tại các ngọn đồi trước đây, việc gì sẽ xẩy ra nhỉ?  Không khéo rồi tôi sẽ là tên đầu tiên của khóa Đốc Sự 14, đi trấn nhậm quận, sớm vội vã rửa chân leo lên bàn thờ ngồi nhìn đời chơi chăng???  Lo sợ quá rồi đâm ra chai lì.  Viên Quận Trưởng cũng cung cấp cho tôi vũ khí các loại, đạn dược, nón sắt, áo giáp như một quân nhân chính hiệu và cười cười nói: “Biết đâu ông Phó cũng có lúc sẽ cần đến nó” !

Công việc hàng ngày đã giúp tôi quên đi những lo âu, bất trắc, hiểm nguy có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.  Những lúc đi các xã, ấp với những viên chức địa phương tôi tìm lại được sự bình yên tâm hồn qua những vườn dừa bạt ngàn mát mắt với những ngọn gió nhè nhẹ mơn trớn da thịt, dòng Lại Giang lững lờ trôi thật hiền hòa với những bánh xe bằng tre quay đều nhờ dòng nước chẩy để mang nước dưới sông tưới vào ruộng đồng chung quanh càng làm tăng thêm vẻ thanh bình, dù là mong manh, của quận lỵ.  Cuộc sống ban ngày tại miền thôn dã sao yên bình, êm ả lẫn thơ mộng đến thế !

Thỉnh thoảng tôi ghé vào một quán bán đủ thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày lớn nhất của xã quận lỵ uống nước dừa khi thì cùng viên chức xã ấp, lúc thì cùng các sĩ quan trẻ của Chi Khu, cũng là dịp để biết thêm sinh hoạt mua bán của người dân.  Ghé riết rồi đâm ra ghiền nước dừa tươi mát ruợi, ngọt lịm với cô chủ quán trẻ trung, xinh sắn, lễ phép, nhỏ nhẹ.  Cô thật dễ nhìn và đáng mến với nước da trắng bóc thường thấy của các cô gái xứ dừa cộng thêm với nhan sắc trên trung bình cùng nét e ấp, thẹn thùng thật duyên dáng khi có người chọc ghẹo hoặc thả lời bóng gió tán tỉnh, nhất là khi cô lại hiện diện tại một nơi gần như là cùng trời cuối đất này.  Hình như Tạo Hóa đã ban cho mọi người tính đam mê, ưa chuộng  nét hay, vẻ đẹp, từ cái đẹp tráng lệ hoặc hùng vĩ của thiên nhiên hay những đóa hoa đủ loại rực rỡ khoe mầu, hoặc những áng văn thơ trữ tình đến nét đẹp thanh thoát của người con gái.  Chính lòng mến chuộng này đã dệt thành những vần thơ, những áng văn, những bản nhạc, những bức tranh tuyệt diệu sưởi ấm lòng người, làm cho cuộc sống đáng yêu và có ý nghĩa hơn.  Tôi cũng không thoát khỏi điều đó nên nhiều lúc cũng cảm thấy xao xuyến trước hình bóng cô mặc dầu đã có gia đình ở Sàigòn.

Các sĩ quan trẻ của Chi Khu Hoài Ân có vẻ đều trồng cây si tại quán này nhưng dường như cô chưa để ý đến một ai cả vẫn tiếp đón mọi khách hàng thật vô tư và hồn nhiên.  Bỗng một hôm nhân lúc tôi tới chỗ cô đứng để trả tiền mấy trái dừa tươi đã uống cô đã thấp giọng bảo tôi: “Cuối tuần này ông Phó không nên về Quy Nhơn bằng xe quận” rồi tiếp tục công việc đang làm của một người coi quán nước.

Trên đường về lại văn phòng Quận tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói ngắn gọn gần như ra lệnh này.  Làm sao cô biết được tôi thỉnh thoảng về Quy Nhơn vào dịp cuối tuần bằng công xa của Quận vì cô thường bận bịu túi bụi với công việc coi quán cơ mà?  Có chuyện gì sẽ xẩy ra vào cuối tuần sắp đến, chuyện không hay, tai nạn dọc đường hay VC phục kích bắn sẻ?  Chuyện VC bắn sẻ thì thường xẩy ra trên con đường đất quanh co dài gần mười cây số chạy từ Quận ra Quốc Lộ 1, mà nếu có việc này xẩy ra thì tại sao cô lại biết ?  Quan trọng nhất là nguyên nhân đã khiến cô cho tôi biết ?  Gần như suốt đêm đó tôi mất ngủ để cố tìm ra đáp số cho những câu hỏi đó thường lởn vởn trong đầu.  Cả ngày kế tiếp tôi vẫn không tìm ra câu trả lời.  “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” chợt hiện rõ nét nơi tôi.  Tôi bỗng ngẩn người tự hỏi: “Không lẽ câu chuyện tôi mê mẩn ngày trước lại xẩy đến với tôi”?

Không muốn đặt cả sinh mạng mình vào một canh bạc tuy mơ hồ nhưng cũng có thể xẩy ra, tuần đó tôi không về Quy Nhơn và cũng thay đổi hẳn thói quen trước đây thường hay thăm xã ấp vào các ngày giờ nhất định trong tuần.  Khi cần về tỉnh lỵ vì công vụ tôi thỉnh thoảng dùng xe Honda ôm khi vào buổi sáng, lúc thì buổi trưa và quan trọng nhất là lơi hẳn việc đến quán quen thuộc để uống nước dừa.

Sau đó ít lâu trong một buổi tiếp dân để nghe những thắc mắc, khiếu nại thường được tổ chức hàng tháng tại ngay văn phòng quận, cô chủ quán vào gặp tôi với lý do ghi trong phiếu tiếp kiến dân “thắc mắc về việc nộp thuế của quán”.  Trong buổi tiếp chuyện cô chỉ nói lanh quanh và đề cập rất sơ sài về việc chính quyền xã sở tại thu thuế quán của cô.  Tôi chợt lạnh hẳn người khi cô hạ giọng nói nhỏ đủ cho tôi nghe trước khi cô từ giã: “Tuần tới ông Phó không nên dùng xe Quận để chở tài liệu bầu cử về”

Vào thời điểm đó cuộc bầu cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống VNCH sắp tiến hành.  Các Phó Quận Trưởng phải về tỉnh lỵ dự buổi thuyết trình về việc bầu cử cùng cách thức tổ chức các phòng phiếu trong quận trách nhiệm đồng thời chở những tài liệu liên quan đến cuộc bầu cử về quận của mình để về phổ biến lại cho các xã ấp.  Người tài xế cùng một thư ký trong quận đã được tôi thông báo về chuyến đi Quy Nhơn dự họp này để họ chuẩn bị.  Chi tiết chuyến đi trên đã lọt đến tai cô chủ quán.  Qua sự việc này, tôi thấy không còn nghi ngờ gì nữa: cô đúng là giao liên VC mà tôi đã thoáng nghĩ ra từ lần trước, nhưng tôi muốn tìm hiểu ai đã thông báo cho cô biết cùng lý do cô đã nói cho tôi nghe, không lẽ cô lại giống như cô gái trong “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI”? Tôi nhớ rõ là từ trước đến giờ tôi chưa làm một điều gì không thích hợp với vai trò của một Phó Quận Trưởng, không hề có ý tưởng bông lơn, lơi lả, đùa cợt hay định tán tỉnh cô gái này hoặc với bất cứ một phụ nữ nào trong quận cả.  Ngôn ngữ cùng cử chỉ của tôi rất chừng mực và đứng đắn, chỉ thỉnh thoảng một thoáng rung động thầm kín của một con người bình thường trước vẻ đẹp diễm tuyệt của Tạo Hóa mà thôi.  Còn cô tại sao cô lại có cảm tình với tôi, có lẽ cô, qua một nhân viên nào đó trong quận, đã biết tôi có gia đình rồi cơ mà.  Nhưng rồi tôi chợt nghĩ có lẽ nhịp đập con tim không cần nguyên do hay lý lẽ ???

Buổi sáng dự định về tỉnh họp đó, tôi đã nhờ một cảnh sát quận mặc thường phục chạy Honda chở tôi về Quy Nhơn và căn dặn viên tài xế lái xe quận theo sau tôi khoảng năm phút.  Về đến tỉnh tôi bàng hoàng hay tin chiếc xe quận trên đường về tỉnh đã bị mìn phá nổ tan tành, tài xế và thư ký trên xe đều hy sinh vì công vụ.

Tôi thẫn thờ trong suốt buổi họp.  Tôi đã thoát chết và người cứu tôi chính là cô gái xinh đẹp chủ quán nước dừa.  Nhưng tại sao cô lại cứu tôi?  Tại sao?  Hay là….,tôi vội lắc đầu, như vậy thì thế nào cô gái này cũng bị xử phạt thật nặng nề vì đã để xổng con mồi là viên Phó Quận trưởng sở tại.  Lòng tôi chợt chùng xuống với nhiều ý nghĩ ngổn ngang và thầm cầu mong sẽ sớm nhận được một lá thư tương tự như thư mà người Quận Trưởng trong “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” đã nhận.  Vì mãi suy nghĩ về những điều hệ trọng mới xẩy ra tại quận Hoài Ân nên hầu như tôi chẳng lãnh hội được một điều gì trong buổi họp đó cả.  Sau đó tôi đã phải thức trắng đêm để đọc những tài liệu hướng dẫn dầy cộm cùng hỏi thăm các chi tiết chưa hiểu rõ nơi những Phó Quận Trưởng khác để có thể hoàn tất cuộc bầu cử như đã ấn định.

Khoảng độ hơn một tuần lễ sau đó thì quán của cô đột nhiên đóng cửa, không ai rõ lý do cũng như không biết cô dọn đi đâu.  Đáng lẽ ngay từ đầu tôi nên nói toàn câu chuyện này cho người Quận trưởng kiêm Chi Khu Trưởng hay mọi việc để ông có thể, qua Ban Hai, biết thêm nhiều chi tiết cùng thảo luận với nhau cách đối phó, nhưng tôi đã không làm như vậy có lẽ vì ngựa non háu đá muốn thử chính sức mình hoặc cũng vì ảnh hưởng tình tiết của “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” nên khi cô chủ quán biến mất giờ đây tôi không thể hỏi vị Quận Trưởng này để biết thêm được một điều gì cả.  Tôi đành ngậm hột thị để tự vấn lòng.  Như vậy “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” chỉ ứng nghiệm có một nửa vào trường hợp của tôi mà thôi, không có thư xin giải cứu cũng như không có cuộc hành quân gây nên thảm cảnh chia lìa chết chóc, xót xa ở đoạn chót như trong truyện.  Tôi luôn cầu nguyện cho cô luôn được an bình trong mọi tình cảnh khắc nghiệt nhất vì dù sao cô ấy cũng là ân nhân đã cứu sống tôi.  Trong chiến trận Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, quận Hoài Ân bị tàn phá nặng nề, nhiều quân nhân thuộc Trung Đoàn 41 Sư Đoàn 22 Bộ Binh đã tử trận trong cuộc hành quân giải tỏa quận.  Dù không còn làm việc tại Hoài Ân vào lúc đó nữa nhưng tôi vẫn cố liên lạc với người quen để tìm tin tức của cô chủ quán năm nào, nhưng chỉ hoài công, không một chút tin gì về cô cả.  Tôi tin là VC đã thủ tiêu cô ta để trừng phạt cũng như ngăn ngừa truờng hợp bội phản khác có thể tái diễn trong mai hậu.

Tất cả mọi việc hầu như lần lần khuất hẳn dưới lớp bụi mờ của thời gian, nhất là sau cuộc đổi đời bi thảm của Miền Nam vào năm 1975. Tôi đã gần như quên hẳn câu chuyện cô chủ quán này vì cứ nghĩ rằng cô đã vĩnh viễn không còn hiện diện trên cõi nhân gian nữa cho đến một ngày tôi đã gặp lại cô ngay tại miền đất Hoa Kỳ tạm dung này nhưng không phải dưới vóc dáng của một thôn nữ có vẻ e ấp, thẹn thùng, mộc mạc xa xưa mà là với vẻ thật đài các, kiêu sa của bậc mệnh phụ quyền quý, sang cả.  Những cảm xúc cùng tình tiết của cuộc trùng phùng thật bất ngờ đó đã tạo nên ngẫu hứng để tôi dệt nên truyện ngắn đầu tay: “Quận Đầu Đời” cách đây đã khá lâu.  Có lẽ kết thúc của một mảnh nhỏ cuộc đời này đẹp và ý nghĩa hơn đoạn kết trong “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI”.  Tôi chủ quan nghĩ vậy.

Mỗi một cựu sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh chúng ta khi bước chân vào ngưỡng cửa ngôi trường thân yêu này đều có một lý do riêng biệt, có thể là lý tưởng, hoài bão, cơ duyên….. Nhưng dù với một lý do nào đi chăng nữa chúng ta đều hãnh diện có một mẫu số chung đó là đã xuất thân từ ngôi trường danh tiếng, lẫy lừng xưa kia của một Miền Nam yêu dấu ngày nào với niềm tự hào vô bờ bến. Do vậy tôi cầu mong cũng như hy vọng và tin tưởng dạt dào niềm tự hào đó luôn luôn trường tồn với thời gian.

New York, Tháng 11 Năm 2008
Nguyễn Ngọc Cường,  ĐS 14

Views: 983