Hoàng Trường Sa

(Tưởng niệm 42 năm hải chiến Hoàng Sa 
của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 
 19/01/1974 – 19/01/2016)

Cao Nguyên

hq4haichienhoangsaƠi Hoàng Sa! Hỡi Trường sa!
Bi thương tiếng gọi sơn hà Việt Nam
Đang còn bị giặc xâm lăng
Nước trào rỉ máu, Đất oằn xót đau!

Ơi Tổ Quốc! Hỡi Đồng Bào
Yêu thương tiếng gọi thắm màu quê hương
Âm vang trống giục sa trường
Bạch Đằng dậy sóng quật cường oai nghiêm!

Giơ tay cao thét lời nguyền
Hận thù Bắc Thuộc hịch truyền xuất quân
Đánh cho giặc Hán kinh hồn
Muôn đời khiếp sợ tinh thần Văn Lang!

Hoàng Trường Sa của Việt Nam
Đã trong sử sách ngàn năm lưu truyền
Trống đồng hào khí linh thiêng
Hãy vang lên khắp mọi miền núi sông!

Triệu con tim một tấm lòng
Quyết tâm tiêu diệt thù trong giặc ngoài
Việt Nam ơi! Tổ Quốc ơi!
Triệu con dân Việt sẽ khơi sử hồng!

Từ Trường Sơn tới Biển Đông
Thịt da xương máu con Rồng cháu Tiên
Núi Sông là một mạch liền
Không ai có thể đảo điên sơn hà!

Cao Nguyên
Đông Bắc Mỹ – Jan 17, 2015

Paracel-Spratly Islands

In remembrance of The 42-year
Paracel Islands Sea Battle of The Republic of Vietnam Military Forces
(Jan. 19, 1974 – Jan. 19, 2016)

O Paracel Islands! Spratly Islands!
What a moan it was, the call of Vietnam’s Mountains and Rivers
For still being invaded by enemies
Waters overflowed with blood; lands bent down with pain

O Spratly Islands! O Paracel Islands! O Homeland! O Countrymen!
Love, the call deeply painted with homeland’s color
Resounding, the battle field drums called to forward
Bạch Đằng River rising up solemnly unyielding waves!

Holding up hands high with the roaring vows
Hostility against China’s domination, proclamation launched for soldiers to go forth
Fighting the Hans made them scared to their soul
For thousands of years in fear of Van Lang’ spirit

Paracel and Spratly Islands are of Vietnam
Already inscribed in History for thousand years to pass on
The bronze drums of sacred heroics
Let them resound all over the mountains and rivers

Million hearts but only one will
Determined to destroy outer and inner foes
O Vietnam! O Father Land!
Millions of citizens will make Hồng’s History to start

From the Long Mountain to the East Sea
All are the flesh and skin of Dragon’s and Fairy’s descendants
Mountains and rivers are one continual vein
Nobody can make any topsy-turvy reverse to Mountains and Rivers

Cao Nguyen
(Translator: William Hoàng)

Views: 456

Trận Tuyết Mùa Xuân Bất Ngờ

Truyện Nhật Bản của SAE SHUICHI
 SƠN TÙNG dịch từ bản Anh ngữ của Miyamoto Noriko

snow_0

– 1 –

Trong suốt hai mươi năm Osugi làm chủ một trà thất, chưa bao giờ xảy ra một việc như vậy trước đây.

Hoàng hôn đang xuống. Những cơn gió lạnh mùa đông không ngừng thổi, bứt đi và tung rải ra những chiếc lá vàng cháy cuối cùng của cây zelkova ở bên hông trà thất. Người đàn bà đến từ hướng Futatsuya trên xa lộ Tôkaiđô, trông giống như đang bị cơn gió săn đuổi. Bà ta ngồi sụp xuống chiếc ghế dài dưới mái hiên trà thất.

– Chào bà. Mừng bà chiếu cố trà thất của chúng tôi.

Osugi đang nghĩ đến việc đóng cửa, nhưng bây giờ nàng sẵn sàng rời chỗ ngồi bên lò sưởi và hối hả bước ra cửa.

Vào khoảng thời gian này hàng năm, dòng người hành hương đến Enoshima và Ôyama đột ngột ngưng lại, và khung cảnh trở nên yên tĩnh cho đến cuối năm. Vào mùa bận rộn, những người có sức khỏe đều rời Edo vào sáng sớm, đến các quán trọ ởFujisawa trên xa lộ Tôkaiđô trước khi trời tối và nghỉ đêm ở đó. Sáng hôm sau, họ đi lễ tại đền thờ thần tài – Banzai-ten – trên Enoshima, và đi ngang Fujisawa lần nữa trước khi trực chỉ Ôyama.

Tương đối ít người chọn phía lề đường đi ngang Tsujiđô, nơi trà thất tọa lạc. Dầu sao thì trà thất chỉ cách Enoshima có nửa dặm, vì vậy những người đi từ Enoshima để hành lễ tại Ôyama có thói quen đi gấp mà không dừng lại. Những người dừng chân nghỉ là những người già yếu đến từ hướng khác, từ Ôyama đến Enoshima, họ hưởng vội đôi phút nghỉ ngơi trước khi rảo bước trên bờ Vịnh Sagami để sang Enoshima ở phía bên kia.

Cái quán trà nhỏ không có nhiều khách hàng, nhưng Osuji đã cai quản nó từ khi mười chín tuổi và kết hôn với Kumazô, một người vác kiệu tại những quán trọ ở Fujisawa. Trước kia còn có bà mẹ chồng phụ giúp, bây giờ chỉ còn một mình.

– Hôm nay gió quá. Trời lạnh thật bất ngờ. Hẳn là bà phải mệt lắm.

Nói với giọng ấm áp, Osugi bước tới gần người khách hàng và nhận ra người đàn bà gập mình khó chịu, bám lấy một cây gậy tre với hai vai nhô lên. Người đàn bà ăn vận theo cách đi đường xa: một chiếc khăn tay được cột quanh đầu để chống gió, một chiếc giỏ tre bọc trong một miếng vải buộc ở lưng, cuốn xà-cạp, và bọc kín cổ tay và cánh tay. Nhưng trông bà không có vẻ là một người đi hành hương đền thờ ở Enoshima. Osugi liếc nhìn khuôn mặt và thân hình gầy còm của người đàn bà, và nghĩ rằng bà ta trẻ hơn mình, có lẽ là một thiếu phụ ở giữa lứa tuổi ba mươi. Bà ta có vẻ hoàn toàn suy kiệt.

– Tôi sẽ bưng trà nóng mời bà ngay. Bà sẽ bị lạnh ở ngoài ấy, xin mời bà vào bên trong.

Osugi nói qua vai người đàn bà trong khi quay vào trong để rót nước trà đậm và bưng nhanh ra ngoài cho người khách lạ.

Người thiếu phụ vẫn ngồi trên chiếc ghế dưới mái hiên trà thất, ngửa mặt nhìn Osugi để cảm ơn. Mái tóc rối ướt đẫm mồ hôi, và xõa xuống mặt với hai xương gò má nhô lên. Mặt bà đỏ bừng và vẫn còn thở một cách khó khăn. Osugi đặt tách trà bên trong quán và bước ra để nắm tay thiếu phụ và giúp bà đứng dậy.

Osugi kêu lên trong nỗi ngạc nhiên.

– Trời, bà sốt thế này!

Dưới bàn tay của Osugi, vai người thiếu phụ nóng bỏng và xương bả vai sắc nhọn dưới lớp áo kimono bằng vải phủ bụi đường.

Người thiếu phụ chống chế, nói rằng sẽ lại sức sau một lúc nghỉ ngơi, và tỏ ra không muốn làm phiền Osugi. Nhưng, Osugi trải một chiếc nệm trong căn phòng nhỏ bên cạnh phòng chứa đồ, giúp thiếuphụ cởi đôi dép rơm và đặt bà nằm lên giường. Nàng làm mát trán người thiếu phụ với một chiếc khăn ướt.

– Tên tôi là Okiku. Tôi đến từ Gotemba và đang trên đường tới thủ đô. Tôi rất tiếc đã làm phiền bà như thế này.

– Không có gì phiền cả, bạn thân mến. Sao bà không nghỉ lại đây đêm nay?

– Nhưng tôi không thể…

– Hãy ngủ yên một đêm, và cơn sốt của bà sẽ hạ xuống. Sáng mai bà sẽ khoẻ lại. Chỉ có tôi và chồng tôi ở đây, vì vậy bà không cần phải bận tâm về bất cứ điều gì.

Okiku, như bà tự gọi, cảm ơn Osugi lần nữa. Đôi mắt bà không chỉ đẫm lệ, mà còn sưng lên vì cơn sốt. Bà có vẻ thư dãn và nhắm đôi mắt lại. Bà không đẹp, nhưng có khuôn mặt tươi tắn phúc hậu, giờ đây trở nên xanh xao đáng thương với hai quầng đen bên dưới cặp mắt. Okuki không có vẻ là bị đau ốm bất ngờ, và đã quyết định đi Edo mặc dù sức khỏe yếu kém.

Đàn bà không đi xa một mình, và Osugi thắc mắc về lý do cuộc hành trình của Okiku.

Osugi đóng những tấm cửa gỗ của trà thất, rồi bắt đầu sửa soạn bữa ăn tối cho chồng và một ít cháo cho Okiku. Khi trời tối, gió thổi mạnh hơn bao giờ. Căn phòng của Okiku yên lặng giữa tiếng lay chuyển của cây zelkova to lớn và tiếng rung đập từng hồi của những tấm cửa gỗ. Osugi nhìn đăm đăm vào những ngọn lửa đỏ trong lò sưởi, băn khoăn về người đàn bà đau yếu. Nàng vẫn thường nhìn sâu vào những ngọn lửa, thả hồn trong suy tư, nhưng bây giờ ngọn lửa có vẻ thật qúy và bình yên đến nỗi nước mắt Osugi ứa ra vì xúc động với vận may của chính mình.

Osugi có thể đã mất ba đứa con vì bệnh tật khi chúng còn nhỏ, nhưng nay con trai đầu lòng của nàng đã mười chín tuổi và làm việc tại một lữ quán ở Enoshima, đứa con gái mười lăm tuổi đang học việc tại một tiệm làm bánh đậu ở Fujisawa. Nàng thực sự không có gì để phải lo âu. Cho đến hai năm trước trước đây, Osugi vẫn còn săn sóc bà mẹ chồng khi bà phải nằm một chỗ vì bại liệt. Mẹ già Ofuku được đưa đến cho Osugi, và vui lòng có một nàng dâu để được chăm sóc. Bà là loại người không làm hại bất cứ cái gì, ngay cả khi bắt được một con rận bà cũng chỉ thích thả nó vào một thùng nước. Ngay trước khi chết, bà chắp hai tay co quắp trước ngực như thể đang cầu nguyện, và cảm ơn Osugi. Mùa xuân này là giỗ thứ hai của bà. Chồng của Osugi, Kumazô, lớn hơn nàng bảy tuổi. Anh thích uống rượu, và vẫn còn hay đấm nhau với những người vác kiệu khác. Nhưng, anh là một người tốt có cá tính mạnh, và chăm lo cho Osugi. Họ nghèo, nhưng cái quán bán nước trà đủ bảo đảm cuộc sống cho họ.

Mùa xuân tới đây, Osugi sẽ được bốn mươi tuổi. Nàng chưa bao giờ đi cúng chùa ở Ôyama, chưa tới Edo, nhưng thỉnh thoảng nàng cố thu xếp để đi viếng ngôi đền ở Enoshima. Như vậy là đủ cho Osugi, và nàng không bao giờ cảm thấy thôi thúc phải đi xa.

– Phải chăng tôi là một người đàn bà không ham muốn? – Nàng thắc mắc, tự hỏi.

Nàng mỉm cười với hình ảnh hài hước của mình trong khi nhìn đăm đăm vào những ngọn lửa bập bùng.

Khi cháo chín, Osugi bưng vào cho Okiku. Nhưng, Okiku không muốn ăn, và chỉ cố đưa đôi đũa lên môi một hay hai lần. Cơn sốt của bà còn cao. Osugi ăn tối một mình. Mãi khuya Kumazô mới trở về nhà trong cơn say rượu.

Nghe Osugi báo tin về người khách lạ, Kumazô liếc vào căn phòng nhỏ qua chỗ rách trên tấm cửa giấy. Mặt đỏ gay vì rượu, anh tặc lưỡi.

– Bà định làm gì đây, vác lấy một phế nhân à?

– Hạ cái giọng ông xuống!

Osugi kéo tay áo chồng và rít giọng.

– Tôi định hỏi, tôi có thể làm gì nữa?

– Ờ, tôi nghĩ là tốt hơn bà nên làm cái gì bà cảm thấy thích hợp. Còn tôi, tôi đi lên giường ngủ.

Sáng sớm hôm sau, Kumazô rời nhà đi làm như thường lệ. Cơn gió đã ngưng thổi trong đêm, và một lớp sương giá trắng đã bám trên tấm thảm lá rải rác bên ngoài. Suốt đêm qua, Osugi đã thức dậy không biết bao nhiêu lần để chăm sóc Okiku, đem thuốc bắc sắc cho bà, thay nước trong chậu, làm mát trán bà với một chiếc khăn ướt. Nhưng, cho đến sáng cơn sốt không hạ giảm, và Okiku nằm liệt trên giường, suy kiệt. Xế trưa, Osugi mời một bác sĩ tới khám cho Okiku, nhưng ông ta chỉ lắc đầu. Trước khi ra về, ông ta bảo Osugi báo tin cho các viên chức trong tỉnh, hoặc tỉnh nhà của người bệnh. Quán trà có nhiều khách nên phải tới xế chiều Osugi mới lại quỳ một lần nữa bên chiếc gối của Okiku.

Okiku nhướng đôi mắt nửa nhắm nửa mở, với một tay tới cái giỏ tre nhỏ bọc vải bên cạnh chiếc gối và cố ngồi thẳng dậy trong khi thì thào những lời nói sảng:

– Tôi phải đi gặp Isuke.

– Không thể được đâu, bạn ạ, với tình trạng như thế này của bà.

– Osugi cúi mặt bên tai Okiku để hỏi – Isuke là một chàng trai ở Edo ư?

Okiku mở hai mắt và níu hai tay Osugi:

– Tôi biết tôi đang đau, nhưng tôi vẫn đi được! Tôi phải gặp Isuke khi tôi còn sống.

Okiku mỉm cười yếu ớt.

Bà khởi đầu kể về câu chuyện của mình, với giọng khỏe như đang vắt hết những giọt sức lực cuối cùng trong người. Và đây, nói một cách nôm na, những gì Okiku đã kể.

Tại Gotemba, một tỉnh nổi tiếng về nghề thủ công làm giỏ đan bằng tre, Okiku đã gắn bó sâu xa với Isuke, một thợ thủ công làm đồ bằng tre, khi anh ta hai mươi mốt tuổi và Okiku mười bảy. Họ thề thốt với nhau rằng một ngày kia họ sẽ trở thành vợ chồng, nhưng khi Okiku mười chín tuổi Isuke bỏ đi Edo, hứa hẹn sẽ lập gia đình với nàng một khi anh ta đạt tới đẳng cấp bậc thầy thủ công nghệ chuyên ngành về những giỏ tre hay những hộp sơn mài. Sau đó, họ viết thư cho nhau trong ba năm, nhưng rồi suốt mười lăm năm nàng không được tin gì về chàng. Dù vậy, Okiku vẫn tiếp tục chờ đợi.

Thế rồi, mới mười ngày trước đây, Okiku nghe tin đồn rằng Isuke vẫn còn ở Edo, làm việc trong một cửa hàng bán những hộp sơn mài tên là Yashuya tại Kyôbashi Yazaemonchô. Okiku quyết định làm một cuộc hành trình đơn độc dù đang đau yếu, và gạt sang một bên tất cả sự chống đối của những người chung quanh.

Một lần nữa Okiku xê dịch bàn tay gầy guộc về phía chiếc hộp bên cạnh gối. Osugi giúp gỡ bỏ lớp vải bọc bên ngoài.

– Chiếc giỏ tre nhỏ này – Okiku nói, mấy ngón tay vuốt ve cái giỏ – là của Isuke để lại cho tôi khi anh đi Edo. Anh tự làm nó đấy.

Khi nói như vậy, người đàn bà ở giữa lứa tuổi ba mươi mỉm cười như một cô gái nhỏ.

– Tôi là một con già khờ dại. Nhưng không sao. Bà quá tử tế với tôi, và nếu tôi phải chết trên đường đi, ít nhất tôi cũng có chiếc giỏ của anh ấy bên mình.

– Okiku, đừng nói dại.

– Tôi rất tiếc đã gây quá nhiều phiền nhiễu cho bà…

Okiku nhắm mắt lại, và một khoảnh khắc sau thở hơi cuối cùng. Bàn tay đặt trên chiếc giỏ tre buông lỏng xuống sàn, và bà nằm bất động.

Những tia nắng sớm của mặt trời vào đầu mùa đông chiếu sáng những tấm cửa lùa bằng giấy, nhuộm chúng thành màu đỏ như máu, và chói lọi trên gương mặt chết tái nhợt của người đàn bà.

– 2 –

Trong chiếc giỏ tre nhỏ có chiếc kimono may bằng tay cho đàn ông còn mới nguyên và bằng vải có nền sọc theo kiểu Komochijima. Trong chiếc giỏ cũng có vài món đồ trang sức và những đồ dùng cho chuyến đi xa của Okiku. Có lẽ Okiku đã may vội chiếc kimono cho Isuke mặc dù đang đau. Những đường kim mũi chỉ của chiếc kimono là những tình cảm của người đàn bà trong mười tám năm chờ đợi.

Người đàn bà quá vãng mang theo mình tờ giấy phép đi đường của một ngôi đền tại Gotemba nên Osugi quyết định giao trả mọi thứ cho vị trưởng giáo tại Honryuji, một ngôi đền kế cận. Khi một lữ khách chết trên đường đi, ngôi đền địa phương sẽ nhận lãnh thi thể, làm lễ cầu siêu, và báo tin cho giáo khu nơi cư trú của người chết. Osugi cũng yêu cầu gửi trả những vật tùy thân của Okiku, nhưng quyết định giữ lại chiếc giỏ tre và cái áo kimono của người đàn ông. Nàng cảm thấy muốn tự tay trao những di vật này cho Isuke, kẻ đang làm công tại một tiệm bán hộp sơn mài ở Edo, dựa theo tin tức đã được cung cấp.

Chiếc giỏ tre được nói là do Isuke làm là một món đồ đan bằng tre tầm thường. Nó không có vẻ gì là một tác phẩm xuất sắc, dù là dưới mắt Osugi. Nhưng, hình như Okiku đã dùng chiếc giỏ này rất cẩn thận trong nhiều năm, vì những góc cạnh vẫn còn nguyên không bị hư hại, và mặt tre lên nước do chất béo từ những ngón tay làm cho nó thành màu vàng hổ phách bóng láng như tình yêu của Okiku. Ít nhất một lần mỗi ngày, Isugi sờ vào chiếc giỏ tre một cách nhẹ nhàng, vuốt ve nó như chính nàng là Okiku đã mơn trớn nó mỗi ngày khi còn sống.

– Hồn vía bà hồi này có vẻ như ở đâu đâu. Quên người đàn bà ấy đi cho rồi. Bà đã đối xử tốt với bà ta. Không ai như bà, bận tâm đến một chuyện không đâu quá lâu như thế.

Kumazô nói như vậy. Nhưng vào lúc đêm khuya, trước khi Kumazô trở về nhà vào những lần công việc vác kiệu bắt phải đi xa, Osugi tự nhận ra mình đang lắng nghe ngọn gió bắc, tay vuốt ve cái giỏ tre và thì thầm trong lòng. “Chưa bao giờ trong suốt cuộc đời ta chỉ nghĩ đến một người đàn ông quá lâu như Okiku đã làm.”

Hình như Osugi có một mối ưu phiền lớn không nguôi – không phải vì nàng thiếu hạnh phúc với Kumazô về bất cứ phương diện nào.

“Tôi băn khoăn không hiểu Isuke là loại người như thế nào…Nhưng, đây là điều kỳ lạ đặc biệt. Tôi, sắp sửa bốn mươi tuổi, và đang có những ý nghĩ như vậy!” Osugi tự nhủ.

Những ngày mùa đông qua đi. Quán trà bận rộn vào cuối năm và đầu năm mới, với những lữ khách trên đường lui tới các ngôi đền ở Enoshima hay Ôyama. Công việc chỉ ổn định lại sau tuần lễ đầu tiên của năm mới.

Năm mới này cũng là sinh nhật thứ bốn mươi của Osugi, và nàng nói với Kumazô rằng nàng muốn đi Edo. Nàng bảo muốn ngắm cảnh thành phố và thăm đền Asakusa ít nhất một lần trong đời, và trong khi đó muốn giao trả cái giỏ tre và chiếc kimono. Kumazô đáp rằng nếu việc ấy đem lại sự bình ổn cho tâm trí nàng thì có thể đi một mình. Đây không phải là một cuộc hành trình thơ mộng. Nếu đi nhanh, nàng có thể tới đó và trở về trong đôi ngày, nghỉ đêm tại Edo.

Osugi ra khỏi nhà trước bình minh, với Kumazô tiễn chân vợ lên đường. Ăn vận thích hợp, Osugi đi dọc theo xa lộ Tôkaidô trong ánh nắng dịu dàng đầu xuân, băng qua những tỉnh lẻ Totsuka, Hodogaya và Kanagawa, và nhận ra đang vui hưởng chuyến du hành một mình đầu tiên chưa bao giờ trải qua trong đời. Nàng đã để chiếc kimono sọc do Okiku may vào trong cái giỏ tre do Ikuse đan, bọc bên ngoài bằng một tấm vải vuông và buộc vào lưng giống như Okiku đã làm. Điều đó khiến Osugi khích động, giống như chính nàng thay vì Okiku đang đi tới gặp một người đàn ông. Nhưng Isuke là một con người không tim đã bỏ rơi Okiku trong mười lăm năm dài. Có thể anh ta đã kết hôn với người đàn bà nào khác, và đang nuôi dưỡng một gia đình.

“Ta có nên nhân danh Okiku, nói cho anh ta biết cảm nghĩ của một phụ nữ bị bỏ rơi và thêm vài ý nghĩ của chính mình…”, Osugi tự hỏi.

Osugi ăn trưa với đồ hộp ở Kawasaki, và bầu trời trở nên u ám từ khi nàng đi trên cầu Rôkugô. Vào lúc nàng đi ngang Shinagawa, một trận tuyết nhẹ bắt đầu rơi. Phản ảnh sự thay đổi của thời tiết, tâm trí Osugi mang đầy nỗi oán hận Isuke. Nàng tiếp tục bứơc đi vào ngay khu vực thị tứ của Edo, không cả cảm thấy mệt mỏi, và bây giờ đang vui thích với chuyến đi một mình của nàng.

Trời đầy gió bụi, và tuyết bắt đầu rơi xuống thật sự khi Osugi tới Yashuya ở Yazaemonchô. Yashuya là một cửa hàng lớn, với nhiều rương hộp sơn mài, cả lớn lẫn nhỏ, được trưng bày bên trong. Có những hộp bằng tre lớn và dài, những hộp đan có ngăn kéo. Có rương và một cặp hộp bằng tre để buộc một đầu và khoác trên vai.

Có những hộp tre để vác. Có những chiếc hộp để ở góc nhà, loại hộp lớn để đựng quần áo, thùng đựng sách, và nhiều loại nữa.

Được một người học việc ra tiếp, Osugi cho biết lý do cuộc thăm viếng, một người đàn ông lớn tuổi trong đám thợ đan giỏ trong căn phòng lớn có sàn gỗ nhìn lên và nói:

– Nếu bà đi tìm Isuke, anh ta không có ở đây lúc này.

– Ơ…

– Anh ta là một thợ thủ công giang hồ. Hắn ở tiệm này một dạo vào mùa thu, nhưng không bao giờ tính chuyện ổn định. Thằng cha ấy là một tay thợ vụng, nhưng điều kỳ cục là dường như hắn lại có đầu óc của một bậc thầy.

– Vậy anh ấy không làm ở đây nữa à?

– Thỉnh thoảng hắn tới đây với những rương hộp do hắn làm.

– Bây giờ anh ấy ở đâu?

– Có thể ở dãy nhà trong con đường hẻm ở Shamisen Bori.

Chắc vì tội nghiệp Osugi đã tới cửa hàng trong cơn tuyết đổ, người thợ thủ công già bước ra cửa tiệm và chỉ dẫn đường đi tới Shamisen Bori.

Sau tám giờ tối Osugi mới tìm ra chỗ ở của Isuke trong con đường hẻm, chân nàng lội ngập trong tuyết giờ đã dày tới mười phân tây. Nàng có ý tới gặp Isuke và định sẽ đi tìm chỗ nghỉ đêm sau cuộc gặp mặt.

Nơi Isuke ở là một chỗ trọ hai phòng trong một dãy nhà hư hỏng, với ánh sáng chiếu qua những cánh cửa lùa ở lối vào.

– Xin lỗi, – Osugi gọi to, hạ chiếc nón tre phủ tuyết trên đầu.

Nàng khó nhận ra giọng nói của mình, nó như thật căng và sắc. Nàng bất chợt tự thấy hối tiếc đã đến đây đường đột như thế này. Và, đồng thời cũng cảm thấy sự hiện diện của nàng ở đây có thể an ủi linh hồn Okiku, và có thể giúp nàng xếp lại ký ức về người đàn bà ấy.

– Ai đấy? Ai thì cũng xin mời vào. – Một người đàn ông trả lời sau một thoáng yên lặng.

Osugi phủi tuyết bám trên chiếc kimono và bước vào cửa tiền bẩn thỉu chật hẹp, cúi gập mình và nói:

– Tôi từ Tsujimo đến, và tên là Osugi. Hẳn ông là Isuke.

– Ờ, vâng, chính tôi…

Isuke ngồi trên một chiếc chiếu rơm trải trên sàn gỗ. Hình như anh ta đang uống rượu, và một chai sakê rẻ tiền đang nằm trong tay khi anh nhìn Osugi một cách nghi ngại. Anh ta gầy như một cái gắp than, và hình như vào khoảng bốn mươi tuổi.

“Vậy ra đây là Isuke…Anh ta đang rung động!” – Osugi tự nhủ.

Anh ta có vẻ không giống một người đàn ông chải chuốt, hay vô tình, hoặc là cái gì khác như Osugi đã tưởng tượng. Tim nàng đập mạnh và nàng sợ Isuke, những cảm giác khiến nàng ngạc nhiên về chính mình. Qua tấm màn rách treo bên giường, nàng có thể nhìn thấy chiếc giường ngủ đã được xếp lại và một cái hộp đan dở dang bên cạnh ngọn đèn dầu. Có rất nhiều miếng tre róc và gỗ mỏng bỏ rải rác khắp phòng khiến Osugi khó mà tìm được một chỗ để đặt chân, và cũng nhận ra mùi sơn mài. Nàng cảm thấy nhẹ nhõm vì không thấy dấu vết của sự hiện diện của một phụ nữ.

“Anh ta ở một mình trong căn nhà này và làm giỏ tre.” – Osugi tự nhủ thầm.

– Bà muốn gì đây, người đàn bà xa lạ này? – Isuke hỏi với nụ cười méo mó, trong lúc Osugi nhìn quanh mà chưa nói ngay nàng đến đây làm gì.

– Ồ, xin lỗi.

Osugi cũng mỉm cười để che giấu sự bối rối. Họ cười và nhìn vào mắt nhau.

“Anh ta có đôi mắt thật đẹp!” Osugi kêu thầm.

Trước đây, chưa bao giờ nàng thấy cặp mắt đẹp như vậy nơi một người đàn ông. Thân hình xương xảu của anh ta có vẻ suy yếu, nhưng nụ cười hóm hỉnh giống như của một thằng con trai vừa bắt được một con côn trùng và không biết có nên thả ra hay không.

Osugi thu góp sức lực và bắt đầu nói về Okiku. Isuke trông xúc động, và nói:

– Mời bà bước vào trong phòng. Xin lỗi vì tôi không đốt lửa sưởi.

Anh ta bước tới cái lò trong bếp, và đứng đó như sẵn sàng châm lửa. Osugi ngăn cản anh ta bằng cách nói nàng sẽ đi ngay, rồi đi vào câu chuyện của nàng trong lúc ngồi xuống bực cửa giữa lối vào và căn phòng. Isuke ngồi xuống sàn lần nữa với hai tay đặt trên đầu gối, lắng nghe trong yên lặng. Nhưng, khi Osugi đẩy tới trước cái giỏ tre đựng chiếc kimono bằng vải, Isuke liếc nhìn rồi quay đi chỗ khác và nói:

– Tôi hiểu rồi. Okiku là…

Anh nhắm mắt yên lặng một lúc rồi nói:

– Cảm ơn bà đã tới đây trong cơn tuyết đổ chỉ để đưa cho tôi vật này. Nhưng, bà phải tự nhìn nhận…là con người hơi đa sự một chút, phải không?

Anh ta phun ra phần cuối cùng của những lời thì thầm, hầu như đang nói với chính mình. Osugi cảm thấy bị xúc phạm. Vậy là cuối cùng anh ta đã để lộ nguyên hình. Máu dâng lên trong huyết quản, nàng cố dằn nén để đừng buông ra những lời buộc tội người đàn ông không trung thành. Nhưng, trong khi nhìn anh ta với sự phản đối trong mắt, nàng nhận ra người đàn ông này đã nói đúng: điều nàng đã làm quả là táo bạo, là hành động của một phụ nữ trung niên đã đi quá xa.

– Vâng, tôi cho rằng đã đến lúc phải đi…

Osugi nói với giọng dằn nén và nghe một cảm giác trống rỗng không diễn tả được. Và cũng khó mà chịu được cái nhìn thương hại của người đàn ông với một bên vai nhô cao và cái đầu treo lơ lửng một cách buồn thảm.

Nàng quay lưng lại người đàn ông và mở cánh cửa lùa. Trong bóng tối của con đường hẻm, những bông tuyết đang rơi xoáy xuống mạnh hơn trước.

– Xin bà đợi một chút.

Osugi nghe giọng Isuke khản đục.

– Trong cơn tuyết nặng như vầy, bà sẽ không kiếm được bất cứ chỗ nào để nghỉ đêm đâu. Mọi quán trọ giờ này đều đã đóng cửa hết rồi.

– Nhưng, tôi phải đi.

Isuke lại nói trong lúc Osugi vẫn quay lưng về phía anh ta:

– Tên bà là Osugi, phải không? Tôi không buộc bà phải ở lại nếu bà không muốn, nhưng xin nói cho tôi thêm một chút nữa về Okiku.

– 3 –

Isuke đốt lửa sưởi cho Osugi, xếp những lát tre vào chiếc thùng sắt rỗng. Osugi không có nhiều lắm để nói về Okiku. Isuke không uống thêm rượu sakê, và gần như hoàn toàn bật động trong yên lặng.

Nhưng rồi anh ta nói:

– Tôi sẽ thức suốt đêm nay để làm cho xong cái hộp đan này, vì vậy bà khỏi bận tâm về tôi và xin cứ vào giường nghỉ.

Isuke nhanh nhẹn dọn chiếc giường duy nhất, kéo tấm màn che quanh giường, rồi đi tới ngồi nơi một góc phòng quay lưng lại Osugi.

Âm thanh từ những phần khác của dãy nhà dài thỉnh thoảng có thể nghe được, nhưng đã trở nên yên lặng từ lâu. Trận tuyết mùa xuân tiếp tục rơi một cách ồ ạt không ngừng.

Osugi quyết định nằm xuống với tất cả quần áo trên người. Nàng không ăn tối và bắt đầu cảm thấy đói nhiều đến nỗi nghĩ chắc không thể ngủ được, nhưng định bụng sẽ nằm cho đến khi trời sáng.

– Thật tội nghiệp cho Okiku, nhưng tôi đã say mê tre như bà thấy đó.

Isuke nói, như đang chuyện trò với chính mình, phá vỡ sự im lặng với cái lưng vẫn quay về Osugi. Rồi, từng chút một, anh ta bắt đầu nói về chuyện của mình.

– Không phải không có những người đàn bà khác sau Okiku. Và đúng là tôi đã bỏ rơi nàng, không có gì thay đổi được điều đó. Nhưng, tôi lang thang từ nơi này tới nơi nọ, nhìn ngắm tre, sờ mó nó, và trở nên đam mê…Và càng đam mê bao nhiêu, nó càng trở nên khó hiểu cho tôi bấy nhiêu…Một khúc tre hay gỗ có một mặt hướng về mặt trời và một mặt ở trong bóng tối, bà biết chứ. Tôi biết điều đó từ khi còn là một đứa bé để mũi thò lò. Vậy mà khi đến Edo như một thợ thủ công, tôi khám phá ra là đã không biết một điều. Osugi, khi so sánh cái mặt có ánh nắng và mặt trong bóng tối, mặt nào bà nghĩ là mềm dẻo và mạnh?

Lời nói thật bất ngờ. Osugi cảm thấy cơ thể căng lên trong bóng tối vì Isuke nói với mình và đáp:

– Vâng, bây giờ tôi không rõ.

Giọng Osugi thật trẻ như của một cô gái khiến nàng ngạc nhiên. Sau một thoáng suy nghĩ, nàng nói:

– Mặt mạnh chắc là mặt trong bóng tối hướng về gió bắc. Và mặt mềm là mặt quay ra ánh mặt trời, phải không?

Thật ra, trước đây chưa bao giờ nàng nghĩ tới cái mặt hướng bắc và mặt hướng nam của cùng một khúc tre lại có những đặc tính khác nhau.

– Tại sao bà nghĩ như vậy?

– Ơ, lạnh và sự bất lợi trong bóng tối làm cho mặt tối cứng mạnh. Và mặt tiếp nhận ánh nắng phát triển dễ dàng. Có phải vậy không?

– Bà nói đúng đấy, Osugi.

– Một nửa.

– Mặt có ánh mặt trời mạnh và cũng mềm dẻo. Mặt tối trở nên cứng và dòn. Con người cũng vậy. Sống trong bóng tốt không tốt. Nó làm cho ta thành cứng khô và méo mó. Hãy nhìn tôi đây, đang ở tuổi bốn mươi và như thế này đây.

Isuke cười thành tiếng như một cách tự chứng minh.

Osugi chân thật nói:

– Không hẳn như vậy. Luồng gió bắc khắc nghiệt làm cho anh mạnh mẽ. Những người chỉ đi trong ánh mặt trời trở thành khô kiệt và kiêu căng, và tôi không thích họ.

– Điều ấy có thể đúng với loài người. Nhưng không đúng với tre hay gỗ. Đó là điều tôi thích ở chúng. Chúng có thể ở trong ánh mặt trời mà không trở thành kênh kiệu với sự quan trọng của chúng. Chúng tiếp nhận những tia nắng và lớn mạnh. Cây lớn lên đầy những cành và ngạnh làm cho chúng vững mạnh. Ta cần đối xử với cả tre và gỗ giống như khi chúng ở trong thiên nhiên. Nếu ta hạ một cái cây đã sống trên núi một ngàn năm và chỉ dùng để làm một cái cột nhà, cái nhà ấy cũng sẽ đứng vững trong một ngàn năm.

Mặc dù cai quản một trà thất có nghĩa là được nghe về đủ thứ chuyện, nhưng đây là lần đầu tiên Osugi được nghe về những điều này.

– Và tre cũng như vậy à?

– Với những cây tre già ba năm hay năm năm, vấn đề là ta đừng xáo trộn mặt có ánh nắng và mặt tối của những lát tre, một hộp sơn mài hay một giỏ đan có thể tồn tại hai trăm hay ngay cả ba trăm năm.

Isuke quay lại đối diện với Osugi và lần đầu tiên mỉm cười sung sướng. Anh ta có vẻ như là một người khác.

– Nhưng, Osugi ạ, để có thể cầm một lát tre lên và qua cảm giác mà nói được nó thuộc phiá mặt trời hay phía bóng tối, phải mất ít nhất là mười năm học hỏi. Rồi dựa vào cảm nhận ấy, ta phải làm nhiều phán định trong việc đan tre. Không ai có thể dạy ta điều đó, và ngay cả nếu ta có thể làm được điều đó cũng không phải như vậy là đã trở thành một tay thủ công bậc sư đâu. Sau khi được luyện nghề khoảng mươi năm, người ta sẽ ba hoa như là một tay thợ thủ công có đẳng cấp, nhưng mà không có bao nhiêu người có thể

đan tre như cách nó lớn lên. Và trong trường hợp những hộp sơn mài, ta che phủ tre bằng giấy và sơn mài làm cho nó khó thở. Điều đó mới lại càng khó khăn hơn.

– Anh đang nói rằng những giỏ tre và hộp sơn mài hít thở à?

– Đúng vậy, Osugi. Người ta nói một cây tre mềm không bị gãy dưới sức nặng của tuyết. Nhưng, ngay cả một thanh tre thoạt trông có vẻ tốt, đừng bị đánh lừa. Tre là vật sống động, và nó đặt loài người chúng ta vào cuộc xét nghiệm. Một thợ thủ công với hai bàn tay đẹp là điều ngu ngốc. Không có gã nào với bàn tay sạch sẽ lại là một thợ thủ công thật sự.

“Với phụ nữ cũng vậy. Một ngưoi đàn bà với hai bàn tay đẹp không bao giờ biết đến sự khó nhọc.” Osugi thầm nghĩ.

Isuke tiếp tục nói với vách tường:

– Một khi bà cầm lên một thanh tre, và sau khi biết nó được trồng ở đồng bằng hay trên sườn một ngọn núi, rồi bà đan nó giống như bà là ánh mặt trời chiếu xuống nó hay là ngọn gió thổi qua nó. Một thợ thủ công kiên trì sẽ đan nó theo cách kiên trì, và một kẻ xốc nổi sẽ đan nó theo kiểu xốc nổi. Tại Yashuya có một thợ thủ công già tên là Matsu-san. Lão khởi sự làm việc trước khi mặt trời mọc, và lúc những người khác trong tiệm thức dậy, lão đã hoàn tất phần lớn công việc, đi tắm, hớp nhanh ly rượu, và ăn điểm tâm. Lão ăn vội vã, và trở lại làm việc ngay. Kiểu cách của ông già ấy trông có vẻ là một tay thợ cần mẫn, được coi là xuất sắc. Nhưng, nếu bà hỏi tôi, cho dù bà có thể làm xong công việc của ba người khi mặt trời còn cao, đó chỉ là sự mau lẹ và làm xong công việc. Đó không phải là một tay thủ công bậc thầy.

Osugi cảm thấy vui thích nhìn Isuke trở nên phấn chấn và nói năng lưu loát như một chuyên gia.

– Ồ, tôi thắc mắc không biết có phải là ông già ấy không. Chính ông ta đã nói anh là một người vụng về và giả vờ như là một tay thủ công bậc sư đấy. – Nàng nói và cười, liếc nhìn Isuke qua chỗ rách trên tấm màn che giường ngủ.

– Vụng về và giả vờ như một thủ công bậc sư không phải là tôi.

– Isuke đáp một cách nghiêm chỉnh – Tôi đã bốn mươi tuổi, và vẫn chưa đan được một món đồ tôi thích. Tôi không thể kiếm được việc làm tại bất cứ tiệm nào, vì vậy phải trôi nổi hết nơi này tới nơi khác như một ngọn gió khô, làm việc như một thợ thủ công lang thang có chút tay nghề. Đó là cái loại người bất hạnh vô giá trị mà tôi tự nhận là mình.

Isuke có vẻ khích động vì những lời tự bôi đen chính mình và chợt im lặng. Rồi nói:

– Nhưng, bà nên ngủ đi một chút.

Bỗng, Isuke chạy ra con đường hẻm.

Trong tiếng tuyết rơi không ngừng, có tiếng người xối nước tắm từ phía cái giếng. Một lát sau, Isuke trở lại, làm như đã quên sự có mặt của Osugi, ngồi thẳng lưng trước cái hộp sơn mài đang làm dở, với cái khăn vắt chéo vòng quanh đầu. Chiếc hộp này dài khoảng một thước và rộng độ sáu mươi phân tây, được dùng như một cái rương để đựng quần áo.

Đã quá nửa đêm từ lâu, và căn phòng trở lại yên tĩnh. Cơn gió có vẻ đã ngưng thổi, tất cả những gì có thể nghe thấy là tiếng động nhẹ của những bông tuyết dày đập vào tấm cửa lùa phía trước. Rồi, từ chỗ Isuke ngồi, có tiếng động khác nữa.

Soạch soạch, soạch soạch…

Nó giống như tiếng một người nào đó thở ra thật mạnh, được tạo ra một cách vô tình khi Isuke đan cái hộp. Qua chỗ rách trên tấm màn che giường, Osugi có thể trông thấy cái lưng người đàn ông.

Hình như Isuke dùng tay phải lấy những lát tre để bên phải và đan nhanh chúng bằng cả hai tay. Phía sau chiếc áo khoác ngắn của anh ta ướt mồ hôi và di động với những rung chuyển nhỏ, rõ ràng phản ảnh sự vận động của những bắp thịt nhỏ, xăn chắc.

Soạch soạch, soạch soạch…

Tấm lưng của người đàn ông trong khi làm việc đã xâm chiếm một cách hoàn toàn vô thức tâm trí người đàn bà tới thăm viếng anh ta vào cái đêm tuyết đổ này và đang nằm ngay bên cạnh anh ta. Dường như nó còn làm phát sinh một sự căng thẳng cao độ như sức mạnh của một ngọn dáo, đồng thời cũng tạo ra trong tâm tưởng ánh sáng mặt trời êm dịu và một cơn gió nhẹ.

Osugi thầm nhủ: “Người đàn ông này đã dâng hiến cuộc đời để làm những chiếc hộp sơn mài kia. Đây không phải là một cơn gió khô, đây là một luồng gió êm ái thổi qua một khóm tre.”

Osugi nghe một cảm giác ấm áp kỳ lạ phát tỏa trong đáy lòng.

Nàng cố nhắm mắt. Trong khoảng đen sau đôi mí mắt, nàng vẫn có thể nhìn thấy cái lưng của Isuke. Soạch soạch, soạch soạch… Sâu trong hai tai, nàng vẫn có thể nghe thấy hơi thở dũng mãnh của người đàn ông. Thân thể nàng dường như trở nên ẩm ướt. Nàng chống cự lại, và cùng một lúc lại ôm giữ lấy nó. Nhưng, nàng mau chóng rơi vào giấc ngủ.

Và nằm mơ.

Chìm sâu giữa những bông tuyết dày mùa xuân đang lặng lẽ tuôn rơi không ngừng, nàng và Isuke, hai kẻ gặp nhau lần đầu tiên trong đời, ôm nhau trong vòng tay. Osugi cầm bàn tay Isuke lên và ép nhẹ vào trước ngực nàng. Có những cục chai thô kệch trên ngón tay anh và vô số sẹo nhỏ, vậy mà lòng bàn tay lại dịu như bột, và những ngón tay cũng mềm mại. “Mi không được, mi không được,” giọng nàng réo gọi từ đâu đó, “chồng của mi cũng có cục chai trên vai vì vác kiệu.” Nhưng, Osugi cảm thấy như cả thân thể và linh hồn nàng tan chảy, và nhìn lên một cách mơ mộng từng bông tuyết đang nhảy múa trong khi rơi xuống từ trời cao đen thẳm. Chỉ có hai người, Isuke và nàng, tràn đầy hoan lạc trong vòng tay của nhau…

Khi nàng thức giấc, mặt trời buổi sáng chiếu chói lọi trên những tấm cửa bằng giấy. Trận tuyết suốt đêm qua đã chấm dứt, và bầu trời trong xanh của buổi sáng đầu xuân làm thành một vòng cầu ở trên.

Có mùi thơm của cơm vừa chín trong không khí. Hơi đang bay ra từ chỗ hở giữa cái nắp và mép chiếc nồi đặt trên bếp lò. Không thấy Isuke đâu cả, nhưng chiếc rương sơn mài đã làm xong được đặt ngay ngắn gần đó, và ngọn đèn dầu vẫn còn sáng trên cái kệ nhỏ gắn nơi vách tường.

– A, bà thức dậy rồi à. Bà ngủ ngon chứ?

Isuke nói với một nụ cười tươi vui. Một bó củ cải trắng vừa rửa xong chĩu nặng trên tay cho thấy Isuke vừa mới ra giếng trở về.

– Tôi rất tiếc đã ngủ quá giấc. Bây giờ tôi sẽ làm việc này.- Osugi nói một cách e thẹn, nhưng gần như giựt mớ củ cải trên tay Isuke.

Nàng khởi sự nấu món xúp misô.

–   Bà là người mà tôi phải cảm ơn về việc đã làm điều tôi ưa thích đêm hôm qua.- Isuke nói trong lúc hút thuốc lá với vẻ vui tươi hiển hiện.

Isuke chăm chú ngắm chiếc rương sơn mài vừa làm xong. Nhưng anh ta lắc đầu nhè nhẹ như thể còn có vài chỗ chưa được hoàn toàn ưng ý.

Dưới mắt Osugi, đây có vẻ như là một tác phẩm tuyệt vời và hoàn toàn độc đáo. Nàng sẽ yêu thích nếu có cái rương sau khi nó được phủ giấy và tráng sơn mài.

Một lát sau, ngồi đối diện nhau trong khi ăn sáng, Osugi bật ra nói với giọng rụt rè:

– Isuke, anh không thể cho tôi coi bàn tay anh, phải không?

– Cái gì đây, một điều hoàn toàn bất ngờ hả?

Isuke đặt đôi đũa xuống với một cái nhìn bối rối, rồi e thẹn xòe cả hai bàn tay. Có những cục chai trên đầu những ngón tay, và những sẹo nhỏ, nhưng trông bàn tay mềm dịu, đen thâm như đã được ngâm trong dầu tre thấm vào những nếp nhăn nhỏ nhất.

– Hai bàn tay dơ bẩn, phải không? Nhưng, nếu tôi rửa sạch tay, chúng sẽ bị tre làm cho xước hay đứt. Bà không thể đan tre nếu không có dầu trên bàn tay. Ngay cả khi bị đứt tay, bà cũng không nên dùng bất cứ loại thuốc mỡ nào. Chỉ việc liếm ít cái và rồi nó sẽ tự lành.

– Vâng, chúng giống như tay của một vị Phật. Cảm ơn anh đã cho tôi xem những ngón tay của anh.

Đã đến lúc phải chia tay. Osugi quá thích cái rương đan sơn mài mà Isuke đã làm xong trong một đêm tuyết đổ. Nhưng, nàng chỉ xin Isuke một khúc tre mỏng và tròn để dùng làm gậy chống đi đường.

Những người ở trong dãy nhà dài đang xúc dọn tuyết đã ngập trong con đường hẻm đến ba mươi phân tây. Isuke đưa nàng tới đầu ngõ Shamisen Bori và nói:

– Đây là một trận tuyết lớn, nhưng tuyết mùa xuân sẽ mau tan. Bà nên cẩn thận trên đường về nhà.

– Tôi sẽ cẩn thận.

– Tôi lại sắp sửa ra đi nữa. Một ngày gần đây, tôi sẽ đi viếng ngôi đền ở Enoshima và chắc chắn sẽ thăm trà thất của bà. Và khi tôi đi, – Isuke nhìn vào mắt nàng và đặt hai bàn tay lên hai vai nàng một cách dịu dàng như cử chỉ của một thanh niên trai trẻ – tôi hứa sẽ đem tặng chiếc hộp sơn mài độc nhất trong đời, chiếc đẹp nhất mà tôi chưa bao giờ làm được.

Kể từ ngày ấy, năm này sang năm khác, không biết bao nhiêu trận tuyết đã đổ xuống Tsujidô trên Tôkaidô, dù chúng có nhẹ hơn trận tuyết ở Edo.

Con trai của Osugi đã lấy vợ và nàng đã có cháu nội, con gái nàng cũng đã có chồng, Kumazô đã qua đời năm năm trước đây, và Osugi giờ đây đã ở tuổi sáu mươi.

Nhưng, trong suốt hai mươi năm qua, nàng không bao giờ quên Isuke, người đàn ông đã cùng nàng trải qua một đêm tuyết đổ. Đó không phải chỉ là một giấc mơ. Chiếc gậy tre nàng xin của Isuke giờ đây đã lên nước màu vàng hổ phách, được làm bóng bằng chất dầu từ bàn tay già nua của Osugi.

Vào lúc hoàng hôn một ngày tháng Chạp, khi trận tuyết đầu mùa nhẹ rơi lất phất, một ngưoi đàn ông ở lứa tuổi sáu mươi không biết từ đâu tới, ngồi xuống chiếc ghế dài dưới mái hiên trà thất. Osugi với mái tóc bạc bưng cho người lữ khách một tách nước trà đậm.

– Osugi đây, phải không? Cái này là của bà.

Người đàn ông có một cặp giỏ đan nối với nhau bằng một chiếc đai, một cái đeo phía trước và một cái ở đằng sau. Ông ta lấy từ trong một cái giỏ ra một chiếc hộp tre đan sơn mài để đựng sách và trao cho Osugi, nói:

– Một tháng trước đây, Isuke đã chết trên đường đi. Mấy năm sau này, anh ta không thể sử dụng tay một cách bình thường. Anh ta luôn luôn lăn một cặp hột bồ đào trong lòng bàn tay để làm mềm những ngón tay. Nhưng chiếc hộp sơn mài này…

Osugi không nghe gì nữa. Ép chiếc hộp sơn mài bóng láng vào ngực, nàng ngửi thấy mùi cơn gió nhẹ thổi qua bụi tre, và nghe tiếng động của hai hột bồ đào lúc lắc bên trong, va chạm vào nhau với những âm thanh sắc nhỏ. Có lẽ cùng những tiếng động phát ra khi chúng ở trong tay Isuke.

(Hết)

 Truyện Nhật Bản của SAE SHUICHI
 SƠN TÙNG dịch từ bản Anh ngữ của Miyamoto Noriko

Views: 374

Vĩnh Biệt Đinh Cường

Phạm thành Châu

Họa sĩ Ðinh Cường không còn nữa. Ông đã vào cõi vĩnh hằng ngày 7 tháng 1 năm 2016, hưởng thọ 77 tuổi.

dinh_cuong

Tôi quen biết họa sĩ Ðinh Cường trước năm 1975. Ông dạy hội họa ở Huế, tôi cũng làm việc ở Huế, Sau nầy ông cùng gia đình định cư ở tiểu bang Virginia, tôi cũng định cư ở Virginia. Ông Ðinh Cường có rất nhiều bạn, toàn văn nhân, thi sĩ nhất là giới họa sĩ. Từ khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam, bạn bè thường tìm đến ông. Tôi thì quen ông với tư cách bạn già (cùng trên 70 tuổi). Ði uống cà phê, trò chuyện mà có văn nghệ sĩ thì tôi không đến. Tôi không biết gì về thơ văn, hội họa cả. Chỉ ngày chủ nhật, tôi và mấy người bạn “tay ngang” (không phải văn nghệ sĩ) rủ ông Ðinh Cường ra tiệm phở Xe Lửa của ông Toàn Bò, là nơi tụ tập nhiều ông bạn già vui tính ngồi đấu láo chuyện tào lao thiên địa. Mấy ông bà nghệ sĩ thường tìm đến các tiệm cà phê yên tĩnh hơn. Họ là người cõi trên. Ông Ðinh Cường thì đi đâu cũng được. Ông ít nói. Chọc ghẹo, mỉa mai, châm biếm, kể cả phịa chuyện, ông cũng làm thinh. Có lần, một buổi sáng ở tiệm phở Xe Lửa, ông nhà báo Nguyễn Minh Nữu hỏi ông Ðinh Cường “Hôm qua, lúc hai, ba giờ sáng, ông đi với cô nào ngoài DC.?” (thủ đô Washington DC) Ông trả lời yếu xìu “Làm gì có!” Tài hoa như ông thì ắt lắm cô dụ dỗ. Chuyện riêng đó thì trời cũng không biết được. Vậy mà có người biết, rất rõ. Ðó là bà xã ông Ðinh Cường. Một lần tôi đưa ông Ðinh Cường từ tiệm cà phê về nhà ông ta. Lúc đó bà xã ông ta đang tưới cây trước sân. Xuống xe, ông Ðinh Cường, chỉ chỏ mấy buị hoa, khoe rằng “Hoa nầy đẹp lắm, hoa kia cũng đẹp lắm!” Bà xã ông ta “phán” ngay một câu “Hoa gì? Hoa biết nói!” Ông ta im re, lặng lẽ, nhẹ bước vào nhà. Có tật giật mình. Ðàn bà có thể tha thứ nhưng không bao giờ quên! Chủ nhật sau, tôi ra tiệm phở kể chuyện đó, người ta cười rần rần. Ông vẫn làm thinh. Chúng tôi bảo “Ngậm miệng ăn tiền”. Nói ăn tiền thì oan cho ông ta. Tất cả nhà thơ, nhà văn trên thế giới, kể cả Việt Nam xin tranh bìa (hàng trăm, hàng nghìn) cho tác phẩm của họ, ông đều vui vẻ gửi cho, nhưng không ai trả cho ông một đồng. Họ tưởng văn, thơ của họ quá tuyệt vời, nên họ hạ cố cho họa sĩ Ðinh Cường cái hân hạnh được có tranh bìa của “đại tác phẩm” của họ là đủ mừng rồi, tiền bạc gì! Tôi thì không. Hàng chục năm nay, mỗi năm hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Ðông Bắc Hoa Kỳ ra tờ đặc san mừng Xuân, tôi thường lấy tranh Ðinh Cường (dù lấy trên Internet) tôi cũng bắt Lê Hữu Em (vui vẻ) ký cái check 100 USD cho Ðinh Cường. Trăm đô, chỉ đủ một bữa cà phê với dinhcuong hcmdbạn bè, nhưng là cách mà chúng tôi biểu lộ sự kính trọng và biết ơn họa sĩ Ðinh Cường, một tài hoa của Việt Nam, đã để lại cho đời nhiều tác phẩm quí giá. Người làm báo ở hải ngoại thường vì lý tưởng và yêu nghề nên chẳng chẳng sung túc gì. Nhưng cũng có báo lưu ý chuyện đó, như báo Trẻ ở Texas và báo Doanh Nhân Cuối Tuần trả nhuận bút đầy đủ cho các bài thơ, bài viết về hội họa của họa sĩ Ðinh Cường. Ông ta ít nói. Có chọc ghẹo, mỉa mai thậm chí gọi ông ta là “Ðại Họa Gia”, ông ta chỉ cười. Có người nói xấu ông ta, nói xấu thậm tệ trên báo khiến nhiều người nổi giận, từ mặt, ông ta vẫn bỏ qua. “Ðại thiền sư” chưa chắc đã đạt được cái tâm bình thản, tự tại của Ðinh Cường. Ðinh Cường rất tốt với bạn. Bịnh hoạn, đi uống cà phê, bạn bè phải đón, đưa, vậy mà nghe bạn ở xa đến, đôi khi, ông tự lái xe đi đón, khiến gia đình lo lắng. Ông yếu người, mấy năm rồi. Một lần, đang lái xe, ông ngủ gục, khiến xe băng qua phần ngược chiều, chiếc xe bể nát, ông được đưa vô bịnh viện. Không sao cả! Lần khác, đang ăn uống với bạn bè, ông gục xuống. Xuất huyết não. Trực thăng đưa vô bịnh viện, mổ. Vẫn không sao. Chúng tôi bảo “Có bỏ ông vô cối giả, ông vẫn không sao cả!” Mới đây, trong một buổi cà phê, ông ta khoe, sắp triển lãm tranh. Tôi có bức tranh khỏa thân “Vũ nữ Kabuki” của Ðinh Cường, ông gạ tôi đổi một bức tranh khác “Tôi sắp triển lãm tranh khỏa thân”. Tôi lắc đầu “Cho mượn thì được. Sao không chép lại một bức giống như thế? Trước 1975, các phòng triển lãm tranh ở Sài Gòn. Hễ có khách hàng ngoại quốc đến mua bức tranh nào thì họa sĩ hẹn ít hôm sau đến lấy. Sau đó người họa sĩ chép lại bức tranh đó, giao cho khách hàng. Những tranh vẽ “Người đạp xích lô trên đường phố Sài Gòn dưới cơn mưa” được khách ngoại quốc ưa chuộng” Ông ta lắc đầu “Vẽ tranh là vẽ cái hồn, cái rung động, cao hứng của chính mình vào tranh. Làm sao vẽ lại lần nữa được?” Phòng khách nhà tôi nhỏ, nhưng đầy tranh Ðinh Cường, như một phòng triển lãm. “Tư cách” tôi chỉ chơi tranh cỡ nhỏ. Bức họa “Vũ Nữ Kabuki”, khỏa thân, khổ nhỏ. Tôi cắt một miếng giấy nhỏ, dán chỗ bụng, như chiếc váy. Bạn đến, tôi bảo “Thổi cho váy tốc lên. Sẽ thấy…” Vậy là ai cũng ngạc nhiên, thích thú khi chiêm ngưỡng đóa hải đường lồ lộ khoe sắc.

         Họa Sĩ Ðinh Cường bị ung thư. Những ngày cuối cùng, ông vẫn tỉnh táo, không lộ vẻ khó chịu hay đau đớn, nghe nói còn trả lời điện thoại, vẽ, làm thơ. Lúc ra đi, ông bình thản, thảnh thơi. Có lẽ không phải vì bịnh phác tác hay di căn mà vì “chemo” (hóa trị) quá mạnh, sức yếu, ông không chịu nỗi.

       Tôi ước được ra đi như Ðinh Cường. Nhẹ nhàng, nhanh chóng, không làm phiền người khác. Sống đến bảy mươi tuổi là quá đủ. Già cả, bịnh tật, lú lẫn…Sống thêm được gì?

Phạm Thành Châu

Views: 417

Cô Gái Huế với Tranh Thiếu Nữ của họa sĩ Ðinh Cường

Phạm Thành Châu

dinh cuongthieunutrong thanhnoi-1984

Trí nhớ, khoảng năm 1970, sau khi tốt nghiệp trường Hành Chánh, tôi được bổ về Thừa thiên, Huế, làm việc.  Nhiệm sở là quận Quảng Ðiền, với chức vụ Phó Quận Hành chánh. Quảng Ðiền cách Huế vài chục cây số, có cái địa danh rất nhiều người biết là phá Tam Giang với hai câu thơ “Thương em anh cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Phá Tam Giang cách quận lỵ, là chợ Ngũ Xã, chừng một cây số.

Thỉnh thoảng tôi ra đứng nhìn cái đầm nước rộng mông mênh đó mà chẳng thấy một chút xúc động, mơ mộng nào. Phía bên kia mờ mịt bờ dương liễu xanh thẫm, xa đến nỗi thành một vạch dài, chia cắt nước với trời. Sau lưng tôi là bờ đất với những cây dại rải rác. Làng xóm ở tít đằng xa. Sau lũy tre xơ xác là những ngôi nhà tre lụp xụp bên cạnh những thửa ruộng, những con đường quê vắng vẻ. Chiến tranh đã tiêu diệt một số người, một số khác tìm về thành phố sống lây lất, chỉ còn lại những người liều chết, sống bám ruộng đồng để săn sóc mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ …

Không rõ thời phát sinh hai câu thơ trên, phá Tam Giang nguy hiểm ra làm sao, chứ lúc đứng nhìn mặt nước yên tĩnh, bao la, tôi chẳng thấy sóng gió gì cả. Vậy mà cái anh chàng bạc tình nào đó nỡ ngâm nga hai câu thơ trên để nại lý do không thể vào Huế gặp “em”. Hay là anh ta cũng có cố gắng vượt truông nhà Hồ vào đến phá Tam Giang, thấy cảnh vật quá đìu hiu, anh ta cụt hứng, tặc lưỡi một cái và quay về với cô hàng xóm?

Ðã vậy có người còn bày đặt, thêm hai câu “Phá Tam Giang giờ này đã cạn. Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm”. Cô nào mà thèm nói như thế ? Thứ con trai hèn nhát, “thiếu tư cách” cỡ đó mà người đẹp phải năn nỉ ? Cô gái Huế, từ bao đời nay, là tiểu thư khuê các, vương tôn công tử thiếu điều quỳ lạy, chắc gì được để mắt đến, chưa nói đến gia pháp nghiêm minh, kín cổng cao tường, làm sao có chuyện liên hệ nam nữ, dù là quen biết, với một người con trai ở xa đến độ phải vượt truông nhà Hồ, vượt phá Tam Giang?…

Ủa? Thế còn tranh thiếu nữ của hoạ sĩ Ðinh Cường đâu, sao không nói đến? Xin thưa, vì yêu cô gái Huế quá nên tôi lạc đề. Mà cái tình yêu đó có nguyên nhân sâu xa nên tôi xin được phép dài dòng thêm chút nữa.

Năm đó tôi khoảng 15 tuổi, ở Hội An. Nhân dịp nghỉ hè, tôi rủ thằng bạn hàng xóm (đó là thằng Ðỗ Ðình Tân), hiện nay ở Philadelphia, làm một chuyến phiêu lưu ra Huế. Hai đứa tôi chưa biết Huế bao giờ, không có bà con nào ở Huế, vậy mà cứ đón xe đi bừa. Trong túi chẳng có nhiều, chỉ đủ trả tiền xe đò, còn thừa chút đỉnh thì ăn bánh mì không (không có nhân), uống nước máy bên đường. Chúng tôi xuống xe ở bến An Cựu, bắt đầu lang thang khắp nơi. Ðến giốc Nam Giao, qua nhà ga, thăm trường Ðồng Khánh, trường Quốc Học, qua cầu trường Tiền, đến chợ Ðông  Ba, vào thăm Ðại Nội…  Nghĩa là đọc sách, rồi hỏi người ta nơi nào nổi tiếng ở Huế là đến. Buổi chiều, sau khi rã cẳng, hai đứa tôi đến bãi cỏ trên bờ sông Hương, ngay trước  nhà sách Ưng Hạ  nằm dài ra, vừa chuyện trò vừa đón gió mát… Khi đèn đường sáng lên thì trời cũng chạng vạng. Hai đứa tôi chợt thấy bên kia đường, một cô bé đi qua, tay ôm chiếc chiếu. Cô lớn hơn tụi tôi khoảng vài tuổi, người mảnh khảnh, tóc ngang vai, mặt trái xoan dài trông vừa yểu điệu vừa ngây thơ. Có lẽ cô xem hai đứa tôi như em nên cử chỉ, lời nói rất tự nhiên tuy trong lúc đối đáp cô không xưng chị mà cũng không gọi tụi tôi bằng em. Giọng vui mà dịu dàng, cô nói là cho tụi tôi mượn chiếc chiếu để ngủ, sáng mai đem trả lại. Cô chỉ nhà cô, bên kia đường. Có lẽ ba mẹ cô đứng trên lầu thấy hai thằng nhỏ vô gia cư nên sai con gái đem qua cho mượn chiếu. Chúng tôi rất cảm động, lí nhí cám ơn. Ðã tử tế cho mượn chiếu, cô còn ân cần hỏi thăm mấy câu “Nhà ở mô?” “Ở Hội An” “Hội An là ở mô?” “Ði vô Ðà Nẵng rồi đi vô Hội An, xa lắm” “Có đi học không?” “Có, học trường Trần Quý Cáp”. Cô cười, miệng rất đẹp, mắt cũng rất đẹp. “Con trai đi chơi sướng hỉ”. Cô đi qua đường, vô nhà rồi mà hai đứa vẫn còn ngẩn ngơ. Ðược người đẹp nói chuyện thân mật như thế, là lần đầu trong đời nên tôi cứ tưởng cô là cô tiên trong truyện cổ tích vậy. Và hình ảnh cô, lời cô nói, đôi mắt, miệng cười của cô, tôi nhớ mãi đến bây giờ … Buồn ngủ lại gặp chiếu hoa, lại là chiếu do người đẹp đưa, chúng tôi trải lên cỏ, êm như nằm nệm. Hai đứa tôi ngủ thẳng một giấc đến sáng. Tỉnh dậy mới biết là bị mất giày sandale (giày có quai) và cả mũ hướng đạo (mũ rộng vành) nữa. Thời đó, giày có quai và mũ rộng vành là thời trang của học trò. Ðành mua một đôi giép rẻ tiền đi tạm.

dinhcuong theo em ve hue

Chừng đó tuổi mà tôi đã biết mê gái, nên tôi giành phần đi trả chiếu. Lần này tôi thấy cô đẹp hơn hôm qua, nhưng không biết làm thế nào để kéo dài thời gian gặp gỡ, tôi đành hỏi “Xuống sông tắm có được không?” Cô nhìn tôi, mắt sáng trưng vẻ như ngạc nhiên và cô cười “Ðược.” Ðoán chừng cô sẽ lên lầu xem hai đứa tôi làm gì nên tôi nổi máu anh hùng, cởi đồ nhảy xuống sông biểu diễn bơi lội. Cái bờ sông Hương rất cao, đứng nhìn qua bên kia, thấy gần nhưng xuống nước tôi bơi hoài, mỏi nhừ cả chân tay mà vẫn chưa đến bờ. Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp thì sông Hương đâu phải hẹp. Khi đến bờ bên kia, tôi sợ quá không dám bơi trở lại nữa. Thế là tôi cứ mình trần, mặc chiếc quần đùi ướt mem, chạy dọc bờ sông, lên cầu Trường Tiền, chạy vòng về chỗ cũ. Xứ Huế, bấy giờ, các bà gánh hàng bán ngoài chợ còn mặc áo dài, thì cảnh một thằng nhỏ cứ trần trùng trục chạy ngờ ngờ qua cầu trên đường phố là một chuyện lạ. Có lẽ họ tưởng tôi điên. Khi về đến  nơi, tôi nhìn qua bên kia đường, thấy cô bé đứng trên lầu, tựa lan can, nhìn tôi cười. Tôi không nhớ mình có mắc cỡ không, nhưng tôi cũng nhìn cô cười. Và tôi yêu cô ta từ đấy. Tự nhiên mà yêu chứ chẳng có nguyên nhân nào cả. Vì yêu cô bé đó mà tôi yêu lây tất cả các cô gái Huế. Tôi yêu lòng tốt của cha mẹ cô và yêu thương luôn người dân Huế .

Thời đó còn nghỉ hè, trường học đóng cửa, nhưng tôi cũng có gặp được nhiều người đẹp trên các đường phố. Cô nào cũng đẹp dịu dàng và làm điệu khi được con trai nhìn. Dĩ nhiên hai thằng nhà quê, ngơ  ngáo như tụi tôi thì cô nào mà thèm làm điệu.

Sau này, khi vào Sài Gòn học, xem triển lãm tranh của họa sĩ Ðinh Cường, thấy tranh thiếu nữ của ông ta, tôi biết ngay là ông vẽ các cô gái Huế. Ðúng hơn, ông vẽ cô bé mà tôi yêu. Nếu Từ Bi Hồng của Trung Hoa ngày xưa nổi tiếng vẽ về ngựa thì họa sĩ Ðinh Cường vẽ tranh thiếu nữ là tuyệt vời. Vị nào đã sống ở Huế một thời gian, đã thấm được cái hồn của Huế, đã cảm nhận được những gì giấu kín sau gương mặt bình thản như lạnh lùng của cô gái Huế thì mới thấy tranh ông đã thể hiện được cái nội tâm bí ẩn đó Dòng sông Hương lặng lờ, những con đường yên tĩnh. Ðại nội, lăng tẩm, đền đài lúc nào cũng như ngủ say với thời gian, ngay cả con người trên đường phố, cũng di chuyển từ tốn, thong thả … Nhưng không ai biết rằng, trong những khu vườn tưởng chừng vắng vẻ, trong những ngôi nhà cổ kính im lìm, ngay cả trong những cửa hàng buôn bán, những cuộc gặp gỡ quen biết, bao giờ cũng xôn xao những tin đồn, những lời đàm tiếu khắt khe, có khi đến cay độc của những người đàn bà, những cô gái thì thầm về những người đàn bà, những cô gái khác. Và thế là, như một truyền thống tất cả đều được giấu kín. Các cô, từ bé, đã được dặn dò là phải đề phòng một thứ gió độc, vô hình nhưng nguy hiểm, đó là dư luận. Người lớn tuổi làm gương cho lớp trẻ thấy cách thức che giấu những ý nghĩ, những tình cảm của mình. Nhưng khổ nỗi, tuổi mới lớn nào mà không mơ mộng. Tâm hồn cô nào cũng như sợi tơ trước gió, chỉ một chút giao động là đã ngân lên biết bao âm điệu ngọt ngào, thánh thót. Nhưng biết làm sao? Chỉ có họa sĩ Ðinh Cường mới “vẽ ” được những bâng khuâng, những mơ mộng vẩn vơ đó ẩn dưới cái vẻ yểu điệu thục nữ, dưới gương mặt dịu dàng nhưng làm như vô tình  của các cô gái Huế.

Thời còn đi học ở Sài Gòn trước 75, xem tranh Ðinh Cường, bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ hầu  hết các tranh thiếu nữ của ông, chân tay khẳng khiu, cổ cao, ngực chưa phát triển. Ðó là những cô bé điển hình trong những gia đình nền nếp ở Huế. Các cô được nuông chiều quá nên thành nhõng nhẽo, khó tính. Các bà mẹ thường kêu lên “Nó không chịu  ăn. Có ngon bao nhiêu, dỗ dành bao nhiêu, cũng chỉ ăn có chút xíu. Không biết tại sao nữa?” Thì tại sao! Tuổi đó phải ăn quà rong mới lớn được. Tuổi đó phải nô đùa, cười nói, chạy nhảy mới phát triển. Mà các bà mẹ Huế thì cấm tiệt. Thỉnh thoảng lắm, các cô mới lén rủ nhau đi ăn chè Cồn, ăn bánh bèo Vỹ Dạ. Bún mụ Rớt thì chỉ nghe người khác khen ngon hoặc họa hoằn lắm mới liều đi ăn thử, để biết với bạn bè . Ở nhà cũng có bún, có chè, nhưng các cô không thấy ngon vì không có bạn bè cùng sì sụp với nhau. Các cô không thấy ngon vì thiếu cái khung cảnh chộn rộn của quán ăn, thiếu làn gió mát sông Hương, thiếu cây cỏ, đường đất khó khăn khi chở nhau trên chiếc xe đạp và nhất là thiếu bóng dáng mấy cậu học trò cứ lởn vởn, lượn lờ chung quanh với những lời chọc ghẹo vu vơ, bóng gió …

Tôi nhớ mãi bức tranh ông vẽ một cô, giống cô bé đã cho hai đứa chúng tôi mượn chiếc chiếu. Cô choàng khăn nhiều màu rực rỡ. Có lẽ vào mùa thu, gió thổi tung chiếc khăn, thổi tung cả mái tóc, thổi tung cả tâm hồn mới lớn, yêu người, yêu đời của cô… Và những cành lá của hàng cây bên đường cũng lao xao, rung động. Nền là bầu trời xám nhưng vẫn còn sáng lên những tia nắng rực rỡ … Vẻ mặt cô điềm tĩnh, nhưng người xem vẫn cảm nhận được những xao xuyến trong lòng cô. Một bức khác, vẽ những cô gái đi chơi xuân. Hoa nở khắp nơi, hoa nở chung quanh các cô. Hàng cây bên đường cũng sáng lên như nở hoa. Vẫn những cô gái mới lớn nhưng trông các cô vui và bối rối, như đang túm tụm, quýnh quýu với nhau. Người xem tranh cứ tưởng vì mình ngắm các cô trong tranh khiến các cô mắc cỡ nhưng vui thích. Một bức khác vẽ một cô đi học, mắt nhìn thẳng, vẻ tự tin và “xem thường bọn con trai”. Bạn có khi nào ra Huế và đứng ngắm các cô nữ sinh Ðồng Khánh đi học về chưa? Nếu bạn gặp các cô về trên con đường nhỏ trong Thành Nội thì càng thú vị. Nên thơ vô cùng. Nhưng dù gặp bất cứ đâu, cũng chẳng có cô nào thèm nhìn bạn. Có điều bạn không ngờ, chỉ một cái liếc mắt, dáng người, vẻ mặt cử chỉ bạn đã được các cô nhận biết rất rõ ràng, tỉ mỉ. Các cô còn biết bạn nhìn cô nào nhiều nhất nữa. Nhưng tuyệt đối, không có cách nào bạn gợi chuyện mà các cô trả lời. Vì hễ trả lời là các cô bị dư luận đàm tiếu ngay. Ở Huế, hàng cây bên lối đi, ghế đá công viên, đèn đường buổi tối, bờ sông lộng gió … Chúng như có mắt có tai. Cô nào gặp ai ở đó, nói gì, làm gì, tức khắc, chúng kêu lên và cả thành phố đều biết. Các cô uất ức lắm, chỉ muốn phá vỡ, đạp tung ra, nhưng không được. Vậy là các cô làm cách mạng trong văn, thơ. Những chuyện tình nóng bỏng, những giao tiếp nam nữ nồng nàn, cuồng nhiệt… Các cô tung hê, rên rỉ, chửi rủa. Và chửi rủa thẳng vào cái nề nếp cổ hủ, khắt khe, lạc hậu của dư luận xứ Huế. Ða số các nữ sĩ nổi tiếng đều là người Huế. Có một cách giải thoát nữa là các cô theo gia đình ra khỏi Huế.  Lúc đó các cô như chim sổ lồng. Các cô vui tươi, thảnh thơi, thoải mái. Các cô cùng bạn bè thả rễu trên đường phố, liếng thoắng cười nói, cãi vã, sà vào hàng quà rong, chép miệng, hít hà vì cay, vì ngon, chẳng thèm nhìn chừng chung quanh như lúc còn ở Huế. Trong sân trường, các cô chạy nhảy, đuổi bắt nhau, rồi đốp chát, cả đến chọc ghẹo các bạn trai.

Thời còn trung học, ở trong Nam, lớp bạn có cô nào người Huế không? Thật tuyệt vời. Cả lớp như hân hạnh có được cô bạn tiểu thư đến học chung. Bạn vào lớp mà lòng cứ háo hức, muốn nổi bật trước người đẹp, nhất là khi được cô ta chuyện trò với bạn bằng thứ tiếng Huế pha giọng miền Nam, thì tim cứ mềm nhũn ra! Giọng cô vừ thánh thót  vừa ngập ngừng như nũng nịu .. Nũng nịu vì biết bạn bè, cả bạn gái nữa, thương yêu, nuông chìu.

Làm việc ở Huế, tôi thường lảng vảng trước nhà cô bé ngày xưa đã cho tôi mượn chiếc chiếu, trên đường Trần Hưng Ðạo, nhưng hình như nhà đã đổi chủ. Không thấy cô nhưng hễ đi ngang qua là tôi vẫn dòm chừng, vừa hy vọng vừa buồn vẩn vơ. Tôi  được biết họa sĩ Ðinh Cường cũng ở Huế, ông dạy Hội họa ở trường Mỹ thuật,  và các trường Ðồng Khánh, Quốc Học, Thành Nội (Hèn chi ông vẽ các cô nữ sinh Ðồng Khánh hay quá!), nhưng tôi không quan tâm đến ông, chỉ chờ ông triển lãm tranh để đi xem mà thôi. Vả lại, mình không phải văn nghệ sĩ, tiếp xúc với họ, mình thành lạc lõng ngay. Chuyện gặp gỡ sau đây, bạn sẽ thấy các ông văn nghệ sĩ, càng tài hoa càng không giống “người phàm” chút nào.

dinhcuong de nho hue

Một buổi tối, có người bạn đánh xe đến rủ tôi vào Ðại nội thăm họa sĩ Ðinh Cường. Xe chạy qua cửa Hiển Nhơn, vào các con đường hẹp, lát đá, hai bên là tường cao, cây cối um tùm, đèn đường tù mù, vàng vọt. Ðại Nội, tức hoàng cung là nơi gia đình nhà vua ở và làm việc, nay bỏ hoang. Ban ngày, vào Ðại Nội, đã thấy vắng vẻ, ban đêm lại càng âm u như cảnh liêu trai, người lẫn lộn với hồn ma, bóng quế. Nhà hoạ sĩ Ðinh Cường ở cạnh trường Mỹ Thuật Huế, trước đây là văn phòng của hoàng đế Bảo Ðại khi ngài còn làm Quốc trưởng. Khi chúng tôi xuống xe, đã thấy trước nhà ông mấy vị ngồi quanh một cái bàn nhỏ, tay cầm một ly rượu, im lặng như mấy pho tượng. Bạn tôi giới thiệu tôi với họ, chỉ thấy họ gục gặc đầu thay lời chào. Tôi cũng làm như vậy cho hợp cách. Tôi được biết đó là những họa sĩ Văn Ðen, Mai Chửng, Hiếu Ðệ, Bửu Chỉ, Trịnh Cung… và một số nhà văn nổi tiếng từ Sài Gòn ra. Rồi ông Ðinh Cường từ trong nhà đi ra. Ông rót cho chúng tôi ly rượu, tôi cũng cầm và ngồi xuống như họ. Ngồi một lát, tôi chán, đòi về. Lúc đó ông Ðinh Cường mới nhờ tôi sáng mai, chủ nhật, đưa dùm mấy người bạn từ Sài Gòn ra, đi xem lăng tẩm, chùa chiền. Tôi nhận lời nhưng báo trước là xe tôi tệ lắm, sợ mất uy tín mấy ông mà thôi. Nguyên nhân, là khi về nhận nhiệm sở thì không có phương tiện cho ông phó (là tôi) đi công tác. Tay Quận trưởng mới lôi chiếc xe Jeep phế thải từ thời Thế chiến thứ hai ra, kêu mấy tay thợ sử máy cày đến, đục đục, gõ gõ, lui cui mấ ngày thì xe nổ máy, nhưng cái trần thì mục rã, thành một lỗ trống hoác phía trên. Sáng hôm sau, khi tôi đưa chiếc xe cà tàng đó đến thì các ông đứng sẵn ở đấy cứ trố mắt ra mà trầm trồ, suýt soa, coi bộ khoái chí lắm. Khi xe chạy, các ông chen nhau đứng lên, thò đầu qua cái trần xe thủng, nhìn phố xá, nói cười hí hửng như trẻ con. Thiên hạ đi đường nhìn các ông mà kinh ngạc. Cả đến ông cảnh sát chỉ đường trước ty Thông tin cũng đứng nhìn sững, quên cả nhiệm vụ. Nhưng khi xe ra ngoại ô, đến chùa Từ Hiếu thì các ông trở lại yên lặng. Mỗi ông đứng riêng một góc. Ông thì nhì vô chùa, ông thì ngóng ra đồi thông, ông lại quay ra mấy cái mả … Chẳng biết các ông suy nghĩ gì mà không nói với nhau tiếng nào? Tôi chán nhưng cũng đành ngồi ngáp gió, chờ các ông chứ không bỏ về được. Xem thế đủ biết các ông văn nghệ sĩ không giống ai. Nhưng cũng có nhiều người lại thích giao thiệp với họ, kiểu dựa hơi để kiếm chút thơm lây. Giống như tên đánh xe cho quan Tể tướng ngày xưa bên Tàu vậy. Người ta chào quan Tể tướng mà tên đánh xe tưởng người ta chào hắn, mặt cứ vênh lên. Thì chính tôi cũng là tên đánh xe, đang khoe nhặng lên đây nè !

Nữa, lại lạc đề rồi! Xin lỗi, tôi xin trở lại chuyện tranh thiếu nữ của họa sĩ Ðinh Cường. Năm 75, sập tiệm. Tôi đi tù rồi đi HO qua Mỹ. Xui khiến sao tôi và hoạ sĩ Ðinh Cường ở cùng tiểu bang Virginia, nhà cũng gần nhau. Ông không nhớ ra tôi nhưng tôi thì nhận ra ông vì ông trông giống hình ông Tổng thống Mỹ trong tờ trăm Ðô la.

Tôi xin phép được đến nhà ông để xem tranh.  Tranh ông bây giờ tuyệt vời hơn trước, từ bố cục, đường nét đến màu sắc. Nhất là màu sắc, ông đi màu như ông đã “ngộ ” với màu, chìm đắm, hòa nhập với màu vào tranh. Ông vẽ tranh bằng cái tâm, cái hồn của ông chứ không bằng tay, bằng cọ … khiến người xem rung động, hạnh phúc… Nhiều nhà văn, nhà thơ hải ngoại ra sách đều nhờ ông cái tranh bìa. Thơ, truyện có hay có dở, nhưng rủi mua nhằm sách dở thì cái tranh bìa Ðinh Cường cũng an ủi rất nhiều. Cái bìa lộng lẫy, sang trọng đã đáng tiền rồi.

Có lần nghe đài RFI (Pháp) phỏng vấn, ông bảo có chịu ảnh hưởng của họa sĩ Modigliani, nhất là về tranh thiếu nữ, nhưng tôi vẫn thấy tranh ông có những nét độc đáo, rất Việt Nam, rất Huế.  Hình như ông đang mở ra một hướng mới cho tranh ông. Có những bức tranh, phải vừa thưởng thức vừa suy tư để tìm xem nhân vật trong tranh đang nghĩ gì, và sẽ làm gì ?… Tuyệt vời nhất là tranh khỏa thân. Chỉ vài đường cọ, tất cả hiện nguyên một cô gái. Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên. Nhưng trông cô ngây thơ, hoang dã và thánh thiện đến độ người xem không thấy ham muốn gì hơn là ao ước được ôm hôn cô và cảm thấy mình cũng thánh thiện như cô. Tôi nhớ cô bé ngày xưa, nhớ tranh thiếu nữ của ông quá. Tôi đến để tìm xem, nhưng ông không còn vẽ các cô  gái mới lớn nữa mà ông vẽ các cô đã trưởng thành, nẩy nở toàn vẹn, giống như tranh phụ nữ vài thế kỷ trước. Nhưng tranh cổ điển quá khêu gợi, quá dung tục. Tranh ông kín đáo hơn. Chỉ để lộ một phần quần trắng ở chỗ mông tròn lẳn, thơm tho, như mời gọi, mà tà áo dài không che hết được. Vẻ mặt cô gái như trầm ngâm, suy tư…

Tôi nghĩ đến cô bé ngày xưa đã cho tôi mượn chiếc chiếu, bây giờ có lẽ cô cũng đã lớn như thế Nhưng hiện nay cô ta ra sao? Cô ta ở đâu? Cô đâu có ngờ rằng, một lần cô vô tình nhìn tôi cười mà tôi nhớ đến cô mãi.

Họa sĩ Ðinh Cường không còn vẽ tranh thiếu nữ tuổi mới lớn nữa. Ông đã để những cô bé mới lớn đó và cả những mơ mộng, nhớ nhung vẩn vơ của tôi ở lại bên kia bờ đại dương xa xôi.

Phạm Thành Châu

Views: 1323

Giới thiệu Sách ”The Soul of Success”, tạm dịch “Cốt Lõi của Sự Thành Công”. Với sự đóng góp của Giáo Sư Trương Hoàng Lem

Đỗ Quang Tỏa

GS Lem new

GS Lem sinh tại Bến Tre nhưng lớn lên và theo học tại Sàigòn. Cuộc đời và sự nghiệp của GS Lem cũng thăng trầm như vận nước Việt Nam trong những thập niên 1945-1975.

Ra đời và đi làm sớm, nhưng nhờ khả năng làm việc và học vấn xuất sắc GS đã được gởi đi du học tại Hoa Kỳ vào năm 1955 và sau đó được tiếp tục đi học tại Anh Quốc. Năm 1960, sau khi tốt nghiệp ban đốc sự khóa 4 của trường QGHC, giáo sư đã được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ quan trọng trong Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà. Sau khi kết hôn với Ông Trần Tử Oai Bernard năm 1957 và có bốn người con, hai trai, hai gái, giáo sư vẫn vừa tiếp tục học, vừa đi làm công chức, và vừa chu toàn nhiệm vụ trong gia đình với các con nhỏ. GS Lem đã không ngừng phấn đấu để đi đến thành công mà vẫn dung hoà được những nhu cầu khác biệt từ gia đình, việc làm, xã hội và đất nước.

Trở về nước năm 1970 sau khi đã lấy được bằng Tiến Sĩ Công Quyền tại Đại Học University of Southern California (USC), GS đã giảng dạy tại Trường Quốc Gia Hành Chánh và sau đó được bổ nhiệm làm Phó Viện Trưởng của trường. Sau Hiệp Định Paris vào tháng giêng năm 1973, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã phát động chương trình Cải Tổ Hành Chánh sâu rộng và GS Lem đã được chỉ định là người hoạch định và thi hành công cuộc cải tổ vĩ đại này với chức vụ Phụ Tá Tổng Ủy Trưởng Tổng Ủy Công Vụ. Sau khi Đại Tá Quách Huỳnh Hà được bổ nhiệm làm Đô Trưởng Thành Phố Saigon, GS Lem được đề cử làm Quyền Tổng Ủy Trưởng và là người phụ nữ giữ chức vụ cao cấp nhất trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974-1975.

Rời Saigon vào những giờ phút chót của cuộc chiến, sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 với mẹ già và hai người con gái nhỏ, GS đã phải bắt đầu gầy dựng một cuộc sống mới tại Hoa Kỳ bằng con số không. Nhưng nhờ khả năng học vấn và kinh nghiệm về tổ chức, GS đã được trường đại học George Washington mời làm giảng viên và sau đó đã tham gia vào đội ngũ chuyên gia cao cấp của Ngân Hàng Thế Giới (The World Bank). Năm 1989, GS thành lập công ty Tư Vấn Thế Giới, L.T. Associates (LTA) đặt trụ sở tại thủ đô Washington D.C., gần Tòa Bạch Ốc. Tính đến năm 2012, LTA đã huấn luyện cho trên 5000 công chức và cán bộ cao cấp của các nước Á Châu, Phi Châu và nước Belize thuộc châu Mỹ La Tinh. LTA được nổi tiếng qua các chương trình huấn luyện về kỷ năng lãnh đạo, phác họa chiến lược và quản trị nhân lực.

“The Soul of Success” đã cho thấy sự thành công của mỗi cá nhân không chỉ dựa trên sự giàu sang hay địa vị đã gặt hái được mà còn phải đánh giá trên những trở ngại mà cá nhân đó đã vượt qua để đạt được những gì mong muốn. “The Soul of Success” chứa đựng một ý tưởng mới rất đáng được chú ý đến, nhất là ở xã hội Hoa Kỳ, trong đó sự sở hữu vật chất luôn được đề cao và xem đó là thước đo của sự thành công.

Đọc “The Soul of Success”, nhất là cho các con em Việt Nam lớn lên tại Mỹ, để thấy những gương thành công của nhiều người trên nhiều lãnh vực khác nhau. Từ đó, chúng ta sẽ nhận ra một nhân sinh quan mới và một định nghĩa rất rộng mở về sự thành công.

Đỗ Quang Tỏa (CH 8)

Ghi chú:

Liên lạc mua sách: Xin email anh Vũ Bá Hoan: vubahoan05@yahoo.com ( ấn phí: $19.95 )  

Views: 608

Nhất Chi Mai

Phạm Thành Châu

“Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai”    

                    Thiền sư Mãn Giác

nhâchimai   

Lúc còn dưới tiểu học, bài tập làm văn nào cũng bắt đầu bằng hai chữ nhân dịp, kể chuyện nầy tôi cũng xin “nhân dịp”.

Nhân dịp được thất nghiệp, máu giang hồ nổi lên, tôi bèn rủ một người bạn làm một chuyến du lịch vòng quanh nước Mỹ để thăm bạn bè. Bạn tôi có số nhờ vợ. Vợ chồng hắn có một tiệm chạp phô bán gạo, mắm, ớt, tỏi đủ thứ bà rằng. Vợ hắn cưng hắn rất mực, hễ hắn làm gì có vẻ lao động chân tay là bị cự ngay “Không ai mượn làm chuyện đó, tránh ra!” Ðúng là hắn tốt nghiệp “ngạch cai trị”! Hắn muốn gì, vợ hắn đều răm rắp tuân lịnh một cách vui vẻ. Còn tôi thuộc loại tứ cố vô thân, chẳng có vợ con, nhà cửa gì nên rất thảnh thơi.

Chúng tôi ở miền Ðông Bắc Hoa Kỳ, dự định đi xuống miền Nam, vòng qua Cali, rồi lên phía Tây Bắc.

Lúc đó vào cuối năm âm lịch, khoảng tháng hai dương lịch mà tuyết và gió lạnh vẫn chưa bớt, nhưng càng về phương Nam, trời ấm dần. Trạm đầu tiên cũng là trạm chính mà tôi cố ý ghé là nhà Hùng ở tiểu bang Georgia. Vợ chồng Hùng đã chờ sẵn ở phi trường đón chúng tôi về nhà. Hôm đó đúng vào ngày ba mươi Tết, trời đã về chiều, gió hơi lạnh lại lất phất mưa, giống hệt những ngày giáp Tết ở miền Trung Việt Nam. Nhà Hùng không lớn lắm nhưng có vườn cây cảnh rất đẹp, đứng trên lầu nhìn ra giòng sông phía xa, bên kia là những đồi cây xanh, lờ mờ trong sương như một bức tranh Tàu. Hai đứa tôi được giành cho hai căn phòng nhỏ trên lầu. Tắm rửa xong thì đã sẵn một bàn đồ nhậu ở sân thượng mà Hùng gọi là tiệc đón Giao Thừa. Vợ Hùng làm đồ nhậu rất tuyệt. Nhớ lại sau ngày sập tiệm bảy lăm ở Sài Gòn, mấy tay hành chánh chạy được về cũng khá đông, thường được Hùng mời về nhà nhậu mấy bữa trước khi đun đầu vô rọ cải tạo. Hùng làm ở Bộ Kinh Tế nên thời gian đầu vẫn được “lưu dung”, sau khi mấy cậu việt cộng quen việc rồi thì được đuổi về, dù sao cũng thoát được nạn đi tù.

 Vợ Hùng, người Bắc, rất khéo chế biến món ăn. Cô ta vẫn như trước kia, thỉnh thoảng dưới bếp chạy lên canh chừng, xem thiếu món gì thì tiếp tế. Cô có một đức tính rất quí là chẳng bao giờ bỏ vào tai những gì chúng tôi nói với nhau. Bây giờ lớn cả rồi, chuyện lăng nhăng không còn thú vị nữa. Chúng tôi thích nói chuyện mĩa mai, thâm thúy hơn. Sau hơn hai mươi  năm chúng tôi mới gặp nhau, ôn lại bao kỷ niệm, từ những ngày sống trong ký túc xá ở đường Trần Quốc Toản cho đến khi ra trường mỗi đứa một nơi. Chúng tôi chỉ kể lại những chuyện vui, chuyện oái ăm thôi. Thực ra, ở tù rồi ra tù, đâu cũng vậy, chẳng có gì đáng buồn. Ngay cả việc tôi bị vợ bỏ cũng chẳng làm tôi quan tâm, tuy nhiên bạn bè thường rất ngại, không muốn nhắc đến chuyện đó, tưởng như thế là lấy cây mà chọt vào vết thương lòng của tôi khiến tôi đau đớn lắm. Ai cũng coi tôi như kẻ ngã ngựa, bỏ vợ thì được chứ vợ bỏ đúng là mất mặt nam nhi. Ngày tôi qua xứ Mỹ, có được số điện thoại, tôi gọi cho Hùng, vợ Hùng mừng lắm cứ giành điện thoại hỏi tôi đủ điều, nhưng khi nghe tôi bảo “Bị vợ bỏ rồi” là không hỏi nữa. Ðàn bà rất tò mò chuyện nầy, vợ Hùng coi bộ ấm ức muốn biết vì sao tôi bị vợ bỏ? Bây giờ vợ tôi ở đâu, có chồng khác là ai? Tôi biết tâm lý đó nên khi rượu đã ngà ngà, tôi bảo.

– Tôi biết bà Hùng muốn nghe chuyện tôi bị vợ bỏ ra sao. Bây giờ tôi kể, coi như món quà tôi tặng bà, để bà khỏi thắc mắc hoài tội nghiệp.

Cô ta làm bộ miễn cưỡng.

– Cái ông nầy! Ai lại đi nghe chuyện đời tư của người ta.

– Bộ bà không muốn nghe sao? Thì thôi, tôi kể nho nhỏ cho phe đàn ông nghe.

– Ông nầy… Cứ coi như chuyện đùa. Nhưng ông kể chứ không ai ép đâu nhé!

– Nhưng bà đã lo cho mấy đứa nhỏ ăn chưa, hay bắt chúng nhịn miệng đãi khách?

– Có cô chúng lo rồi. Ðáng lẽ cho cô ấy và các cháu lên chào hai bác, nhưng vì hai bác còn mệt nên để ngày mai.

– Ðược rồi ngồi xuống đấy, tôi kể, nhưng hơi dài dòng một chút. Tôi quen vợ tôi trong một tiệc cưới của một người bà con ở Ða Lạt. Lúc đó tôi học năm thứ hai Ðốc Sự Hành Chánh. Tiệc cưới nào cũng giống nhau, nhưng mình là người ở Sài Gòn náo nhiệt, lên Ða Lạt tự nhiên thấy khác liền, cảnh đẹp mà buổi tối thật yên tĩnh. Tôi được xếp ngồi cạnh một cô gái coi cũng đẹp, nhưng điều làm tôi chú ý là vẻ điềm đạm, chín chắn của cô. Cô thường yên lặng như chìm đắm vào một ý nghĩ nào đó. Tôi gợi chuyện thì được biết cô đang học luật ở Sài Gòn. Chúng tôi trao đổi nhau địa chỉ trước khi ra về, nhưng ngay lúc đó trời đổ mưa. Tôi hỏi cô ta về bằng gì, cô bảo có người nhà đem xe đến đón. Từ nhà hàng ra cổng phải qua một vườn hoa, tôi hỏi cô xe hiệu gì, màu gì để tôi ra xem chừng, hễ xe đến tôi sẽ báo, cô khỏi phải ra vào ướt át. Cô bảo nhà có ba chiếc xe nhỏ nên không biết xe nào sẽ đến đón. Thời đó, ai sắm được một chiếc xe du lịch đã là sang trọng rồi, đằng nầy gia đình cô có đến ba chiếc ắt phải giàu và đông người lắm. Hôm sau tôi đến thăm cô. Ðó là một ngôi biệt thự rất xinh, trên đồi thông trông ra hồ Xuân Hương thật nên thơ. Cô sống một mình, phía sau là gia đình người quản gia và nhà để xe. Cô bảo còn gia đình người chị nữa nhưng đã đi Ðức nghỉ hè rồi vì người chị có chồng dân Ðức. Sau đó về Sài Gòn cô hay đến ký túc xá trường Hành Chánh thăm tôi. Chúng tôi thường đưa nhau đi ăn quà rong, xem ciné giống như những cặp tình nhân khác. Tính cô ít nói, ít khi biểu lộ tình cảm. Vậy mà chúng tôi cưới nhau không phải do tôi ngõ ý mà là cô ta. Tôi nhớ năm đó, sau hôm thi tốt nghiệp xong tôi và cô đi xem phim ở rạp Rex. Phim dở quá, chúng tôi nói chuyện rì rầm với nhau. Ðột nhiên cô hỏi “Ra trường rồi anh có định lấy vợ không?” “Về các tỉnh buồn lắm, có lẽ phải kiếm một cô vợ” “Anh có định cưới em không?” “Không! Bồ bịch nhau thì được” “Sao vậy?” “Vì gia đình em giàu quá, người ta bảo anh đào mỏ, vả lại em dư sức lấy kỹ sư, bác sĩ, chọn anh làm gì” “Em không hiểu ý anh muốn nói gì!” “Em sung sướng quen rồi, nếu theo anh về tỉnh lẻ, có khi về các quận thôn quê, em chịu sao thấu” “Anh đừng lo chuyện đó. Hay là anh chê em, hay là anh đang yêu ai?” “Anh không chê em, anh cũng yêu em nữa, nhưng yêu ít hơn một người khác” Cô tò mò một cách bình tĩnh “Em có thể biết được người đó là ai không và chuyện hai người đi tới đâu rồi, có định cưới nhau không?” “Ðúng ra là chuyện một người chứ không phải hai người. Anh yêu cô ta hơn hai năm rồi, trước khi gặp em nữa kia, nhưng cô ta không đáp lại vì cô đang có người yêu. Thực ra anh được gặp và nói chuyện có một lần thôi, còn những lần khác chỉ ngồi trong quán bên đường nhìn cô ta . Anh tưởng quen với em sẽ quên được cô ta vì em đẹp hơn, nhưng rồi chẳng có gì thay đổi trong tình yêu của anh” “Anh yêu thì cứ yêu nhưng đừng hy vọng gì, đừng phá đám người ta. Ngoài ra còn có người nào anh có cảm tình nhất?” “Sau đó là em” “Không chê em, cũng có yêu em nữa, anh lại thấy cần một người vợ, vậy anh chọn ai?” Tôi ngạc nhiên trước lối lý luận thẳng thắn và thực tế của cô. Lúc bấy giờ tôi không có một chút ý niệm gì về gia đình cả vì giấc mơ của tôi về một ngày được sống với người con gái tôi yêu đơn phương kia chỉ là không tưởng.

Thế là chúng tôi cưới nhau. Hôm ra trường, chọn nhiệm sở ở Bộ Nội Vụ, vợ tôi dặn, cố chọn cho được tỉnh Lâm Ðồng. Chuyện đó quá dễ vì tôi đậu cao, nhiều ưu tiên hơn các bạn, nhưng tôi thắc mắc thì vợ tôi kể rằng. Chị cô có chồâng dân Ðức, họ đang thầu vận chuyển tất cả những gì của quân đội Ðồng Minh từ các hải cảng miền Trung lên Cao Nguyên, làm chủ hàng mấy chục chiếc xe tải. Họ còn có cả một hệ thống đại lý phân bón và thuốc sát trùng cho toàn miền Trung. Nay thấy cô em lập gia đình, cô chị nhường cho em các đại lý từ Dầu Dây, Long Khánh lên đến Di Linh, Ðức Trọng “Nhưng anh không quen hoạnh họe hay năn nỉ ai cả!” “Anh khỏi làm gì, chỉ cần các cán bộ xã, ấp biết anh là chồng em là đủ, còn mọi việc để em” Tôi nghe có lý nên làm theo như lời vợ tôi dặn. Tôi làm trưởng ty Hành Chánh tỉnh Lâm Ðồng. Những dịp tỉnh họp quận, xã tôi vui vẻ chào hỏi mọi người, có khi mời họ uống cà phê, ăn điểm tâm nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến chuyện làm ăn của vợ tôi. Chúng tôi dọn lên Ða Lạt, mỗi tuần tôi về nhà một lần. Vợ tôi sinh được một thằng con rất kháu khỉnh. Công việc kinh doanh của vợ tôi cũng chẳng có gì vất vả, thỉnh thoảng cô đi một vòng các đại lý để thăm viếng, tìm hiểu còn mọi việc có nhân viên lo cả.

Chúng tôi sống với nhau được ba năm thì xảy ra vụ sập tiệm năm bảy lăm (1975). Trước vụ di tản chiến thuật từ Cao Nguyên về, tôi được thư của vợ tôi từ Sài Gòn nhắn tôi về gấp, tòa đại sứ Ðức sẽ đưa cả gia đình lên máy bay, tên tôi đã có trong danh sách chuyến bay rồi. Sau đó tôi lại được liên tiếp hai lá thư cầm tay nữa. Tôi viết trả lời vì bận việc, nếu không về kịp gia đình cứ đi trước, đừng lo cho tôi. Thực ra Ða Lạt, Lâm Ðồng đâu có bị địch tấn công, mà công việc các ty, sở tòa Hành Chánh lúc đó cũng chẳng ai cần nữa, nhưng tôi không rời nhiệm sở. Sau nầy tôi mới biết, không phải chỉ riêng tôi, biết bao đơn vị hành chánh, cảnh sát, quân đội…cấp chỉ huy bỏ đơn vị vì họ biết tình thế đã tuyệt vọng, Nhiều ông tướng đã tự sát, nhiều sĩ quan tự sát tập thể. Họ đã không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ đất nước, bảo vệ đồng bào. Riêng người lính cấp thấp, cả đến nhân dân tự vệ, vẫn không rời vị trí chiến đấu cho đến khi gục chết vẫn không hề ân hận điều gì. Họ cảm thấy đất nước lâm nguy, bi đát đến độ chỉ biết đem thân ra chống đỡ một cách tuyệt vọng, quên cả bản thân, cha mẹ, vợ con. Khi tôi về thì tất cả đã đi rồi. Tôi đi tù, và bây giờ ngồi đây. Chuyện chỉ có thế.

Vợ Hùng có vẻ bất mãn.

– Nhưng ông phải tìm cho ra vợ con chứ. Ông không thương vợ con ông à?

– Thương chứ, nhưng tìm vợ con để làm gì. Mỗi người đã có một số phận. Cứ để cho vợ tôi coi như tôi đã chết rồi. Hơn hai mươi năm không có tin tức chồng, dù thương yêu bao nhiêu, cô ta cũng không thể làm hòn vọng phu được. Còn thằng con, có thể mẹ nó bảo rằng tôi đãõ chết hoặc người cha sau nầy là cha ruột của nó. Ở bên Ðức chắc chắn họ sung sướng, thế là tôi yên tâm. Làm xáo trộn sự yên tĩnh của họ chẳng có lợi cho ai cả.

 Mọi người yên lặng như đang tưởng niệm đến bao mối tình, bao gia đình tan nát vì chiến tranh. Và trong không khí yên bình của một đêm cuối năm nơi xứ người, bỗng xôn sao trong tâm tưởng hình ảnh đất nước thân yêu năm nào trong những ngày khói lửa tang thương…

Vợ Hùng chợt lên tiếng.

– Theo ông kể thì chẳng biết vợ ông có thương yêu ông không nữa?

– Lúc đầu tôi cũng phân vân như thế. Nhưng càng về sau, sống với nhau, tôi mới hiểu tấm lòng của vợ tôi. Người con gái dù có yêu ai bao nhiêu cũng không bao giờ tỏ tình trước, vậy mà cô ta dám gợi ý cho tôi cưới cô, nhưng khi biết được tim tôi đã gởi cho người khác, tuy tranh đấu được tôi trong vòng tay, nhưng cô không bao giờ biểu lộ tình cảm nữa. Cô đã dâng tôi cả trái tim, tâm hồn và cả cuộc đời, nhưng chỉ nhận được ở tôi cái bản năng, cái lương tri của một người chồng có học, đứng đắn thế thôi. Tôi thấy mình ở tù là đáng đời, chăúng phải vì việt cộng trả thù mà chính Trời phạt tôi đã phụ một tấm chân tình. Tôi không xứng đáng với tình yêu của cô ta. Hạnh phúc trong tay không chịu hưởng lại chỉ tơ tưởng đến một bóng hình xa xôi, vô vọng. Tôi vừa đau đớn vừa cầu mong cô yêu được người chồng sau nầy.

– Nhưng theo ông kể, ông chỉ gặp cô gái kia chỉ một lần mà lại yêu say mê, dai dẳng như thế, chuyện cũng khó tin.

– Chính tôi cũng không hiểu mình nữa. Có lẽ Trương Chi giải thích được vì sao anh ta chỉ gặp Mỵ Nương có một lần mà thất tình đến độ quả tim hóa đá luôn.

– Ông thử kể cô ta hương trời sắc nước ra sao và gặp trong trường hợp nào?

– Chuyện chẳng có gì ly kỳ nhưng hơi rắc rối. Tôi nhớ lễ Giáng Sinh năm đó, tôi cùng vài người bạn đi nhà thờ Ðức Bà xem người ta đi lễ. Tất cả các lối đến nhà thờ đều cấm xe cộ nên ngang chợ Bến Thành chúng tôi gửi xe đi bộ, chen lấn với mọi nguời tìm ngắm người đẹp. Một lúc sau tôi bị lạc mất bạn. Ðang nhướng cổ tìm kiếm, bỗng tôi thấy một cô gái cũng đang ngơ ngác nhìn quanh, có lẽ cô cũng lạc bạn như tôi. Trong mắt tôi, cô nổi bật như đóa hoa rực rỡ giữa đám cỏ dại. Chẳng phải cô đẹp nhưng có những nét đặc biệt mà tôi tưởng như quen biết, thân yêu từ lâu lắm. Da cô ngăm ngăm, hai mắt đen nhánh dưới đôi lông mày rậm, khi tôi đến gần, cô nhìn tôi với tia nhìn sáng rực như quật mạnh vào nơi sâu kín nhất tâm hồn khiến tôi ngất ngây. Tôi rung động cả thần trí lẫn thể xác, như chết chìm trong một hạnh phúc tái ngộ đâu từ kiếp trước. Giây phút bất chợt đó, tôi biết tôi đã yêu. Trang phục cô màu đen, tóc ngang vai, cô cài trên tóc một đóa hoa vàng, không rõ hoa giấy hay hoa nhựa, hai tai cô cũng có hai đóa hoa vàng nhỏ. Hình ảnh đầu tiên đó đến bây giờ vẫn còn nguyên trong trí tôi. Khi tôi đến gần cô thì giòng người như đặc cứng. Cô bị xô đẩy và muốn thoát ra khỏi đám đông một cách tuyệt vọng. Tôi đến phía sau cô đẩy những cậu thanh niên vừa la cười vừa giả vờ ngã vào người cô. Chúng tưởng tôi là người thân của cô nên lảng ra. Hai tay tôi giăng ra như một cái khung và cô ở giữa được an toàn. Chúng tôi trôi theo giòng người. Cô biết tôi bảo vệ cho cô nhưng không nói gì. Thỉnh thoảng cô khựng lại, ngã vào ngực tôi. Ðầu cô vừa tầm mũi tôi, tôi nhận được mùi thơm con gái ngọt ngào từ mái tóc, từ người cô toát ra. Giòng người càng chen lấn, cô càng như nằm trọn trong vòng tay tôi, nhưng tuyệt nhiên tôi không có một ý nghĩ vẫn đục nào. Cô thân yêu, qúi giá và cao sang đến độ tôi tưởng mình là tên nô lệ được hân hạnh bảo vệ cho một nữ hoàng. Buổi tối hỗn độn như thế mà tôi thấy thế gian vắng lặng chỉ còn mình tôi với cô ta mà thôi. Mùi thơm đó, làn da mềm mại của lưng cô, ngực cô, cánh tay cô cứ vương vấn mãi trong tôi thành một ước ao mãnh liệt đến bơ vơ vì tuyệt vọng.

Khi chúng tôi thoát ra khỏi đám đông, cô quay lại nhìn tôi mỉm cười. Ðời tôi chưa bao giờ thấy một nụ cười đẹp và làm tôi sung sướng đến như thế, và đó là lần duy nhất tôi được ân sủng tuyệt vời cô ban cho. Rồi cô bước nhanh hơn như muốn rời tôi. Tôi vẫn đi theo, cô quay lại nói “Cám ơn” Tôi cố đi song song với cô và hỏi “Cô đi nhà thờ phải không?” Cô gật đầu, tôi nói “Cho tôi đi theo với” “Ðể làm gì?” “Ðể cầu nguyện với Chúa” “Cầu nguyện gì?” “Cầu nguyện cho chúng mình yêu nhau” Cô quay nhìn tôi, lắc đầu “Không được đâu! Tôi có người yêu rồi” Tôi kêu lên “Thôi chết! Tôi làm sao sống nổi đây!” Cô làm thinh đi nhanh hơn nữa. Biết là cô chán tôi vì câu tán tỉnh rẻ tiền đó nên tôi đi chậm lại, tần ngần nhìn theo cô đang khuất dần vào đám đông.

Thế là tôi thành kẻ thất tình. Chiều nào tôi cũng ra đường Lê Lợi, quãng từ chợ Bến Thành đến đường Tự Do, đi lang thang lên xuống để hy vọng mong manh gặp lại cô. Trước kia tôi cũng có thói quen lang thang như thế, ghé nhà sách Khai Trí tìm một quyển sách, vô quán cà phê ngồi nhìn thiên hạ qua lại, bây giờ tôi được thêm cái thú nhớ cô và hi vọng. Ðôi khi tôi đến cả nhà thờ Ðức Bà, đứng dưới tượng Ðức Mẹ lầm thầm cầu nguyện “Lạy Mẹ cho con gặp lại nàng, chỉ một lần nữa thôi, con nhớ nàng lắm!”. Tôi không phải con chiên công giáo, nhưng hình như Ðức Mẹ nghe thấy và thế là tôi được gặp cô ta lần thứ hai. Hôm đó tôi ra chợ Bến Thành coi thiên hạ sắm Tết. Từ xa, chỉ thấy dáng người tôi biết ngay là cô ta rồi. Cô đi với bạn trai, cô mặc áo màu xanh nhưng vẫn đeo đôi hoa vàng. Lần nầy tôi quyết theo cô đến nhà. Cũng may, chỗ gửi xe của tôi và cô gần nhau nên tôi theo cô về đến quận Tư. Hóa ra là nhà người bạn học mà tôi có đến vài lần nhưng tôi chỉ đứng ngoài chờ hắn vào lấy gì đó trước khi đi chơi với nhau. Lẽ ra với người khác đó là dịp bằng vàng để được làm quen với cô ta, nhưng vì biết cô đã có người yêu lại thêm mặc cảm cô chẳng thèm để mắt đến tôi nên tôi không dám đến nhà người bạn ấy nữa, sợ cô ta gặp tôi, nhớ ra, rồi kể lại chuyện tán tỉnh lăng nhăng của tôi, chỉ thêm xấu hổ chứ chẳng được gì.

Thế rồi mỗi buổi chiều tôi vào một quán cà phê trước nhà cô chờ ngắm cô đi học về, khi thì với người yêu, khi thì một mình. Trong đời dù trai hay gái, ai cũng trải qua vài mối tình bất ngờ, đơn phương như thế nhưng rồi cũng sẽ quên đi vì đó chỉ là mối tình vô vọng. Duy với cô, tôi không bao giờ quên. Tôi có một buổi tối để bỗng nhiên yêu cô để rồi suốt đời mơ tưởng đến côâ. Sau nầy ra trường đi làm việc nơi xa nhưng có dịp về Sài Gòn tôi lại ghé quán cà phê ngồi nhìn qua nhà cô. Có lẽ cô đã theo chồng nhưng tôi vẫn tưởng tượng rằng cô vẫn còn ở trong đó, vẫn đi lại, nói năng, sinh hoạt bình thường. Ðó là cách để tôi đỡ nhớ cô, để mơ tưởng được nhìn thấy cô. Ngay cả khi đi tù về, tôi hành nghề đạp xích lô, mỗi khi ngang trước nhà cô là tôi gác xe ngồi nhìn vơ vẩn, làm như đang chờ khách. Dù tôi biết nhà đã đổi chủ từ lâu nhưng khi đến nơi thân yêu mơ hồ ấy tôi cảm thấy cuộc đời lẻ loi của mình như có một chút an ủi, một chút vui.

Nếu nói rằng mỗi người một định mệnh thì đúng là tôi sinh ra chỉ yêu có mình cô ta thôi.

Mọi người vẫn yên lặng. Vợ Hùng phê bình một câu.

– Tưởng ông kể chuyện tình lâm ly, gay cấn lắm, không ngờ chẳng có gì cả. Thế ông có biết bây giờ cô ta ở đâu, ra sao không?

– Câu đó tôi định hỏi vợ chồng bà.

– Cái ông nầy! Vợ chồng tôi có dính dáng gì đến người ông yêu đâu?

– Sao không? Ðó là cô Mai, em gái ông Hùng.

Vợ Hùng trợn mắt lên vì ngạc nhiên. Hùng gật gù bảo.

– Tớ nhớ ra rồi, lúc ở trường Hành Chánh, tớ có nghe hình như có cậu nào yêu em tớ, tớ không để ý, hóa ra là cậu.

– Tôi vượt cả nghìn cây số xuống đây chỉ cốt hỏi một câu là bây giờ cô Mai ra sao? Chiến tranh, ly loạn… Tôi chỉ sợ cô gặp chuyện không may.

– Chồng cô là thiếu tá nhảy dù, tự sát với các sĩ quan khác trong trại nhảy dù Hoàng Hoa Thám ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm. Hai đứa con tốt nghiệp đại học, đã lập gia đình, hiện cô sống một mình.

Vợ Hùng bảo tôi “Chờ đấy!”, rồi vội vả xuống lầu. Một lúc sau, cô đi lên và nói lớn.

– Cô ấy đang ở bên Việt Nam, ông có dám về tỏ tình một lần nữa không?

– Tôi ước được gặp cô ta một lần nữa, cho đỡ nhớ. Lúc đó có lẽ tôi sẽ liều mạng bảo với cô rằng “Tôi yêu cô” Thế là tôi mãn nguyện rồi. Còn chuyện cô đáp lại, coi bộ khó vì lúc trai trẻ còn bị làm ngơ, bây giờ thì hi vọng gì.

– Nhưng cô ta cũng lớn tuổi rồi, sợ ông không nhận ra nữa đấy.

– Làm sao tôi quên được đôi mắt và miệng cười. Chỉ  cần thấy dáng người sau lưng, tôi tin mình sẽ nhận ra cô ngay.

Ðã hai mươi năm chúng tôi mới có dịp nhậu nhẹt, cười nói thoải mái với nhau. Tôi không biết uống rượu, chỉ một lon bia là đã mơ màng rồi, nhưng tối đó tôi uống hơn chục lon, quả là một kỷ lục. Có điều sau đó tôi phải chạy vào phòng vệ sinh ói thốc tháo ra. Tôi chỉ kịp giật nước, rửa mặt qua loa là mắt tối sầm lại, đứng không vững, các bạn vội dìu tôi lên giường. Người tôi toát mồ hôi, nằm bẹp, nhưng một lát sau cũng cảm thấy có bàn tay dịu dàng dùng khăn nóng lau mặt tôi rồi đắp mền cho tôi.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, người vẫn còn ngầy ngật, đầu nhức nhối khó chịu. Tôi nghe tiếng vợ Hùng dặn dò ai đó ở dưới nhà.

– Khi ông ấy dậy nhớ chỉ viên thuốc trên bàn rồi pha cho ông ấy một ly cà phê, hỏi có ăn cháo không thì nấu. Tụi nầy đi chợ độ một giờ sau sẽ về. Tôi giao ông ấy cho cô trách nhiệm đấy nhé!

Có tiếng đối đáp nho nhỏ rồi tiếng cười rộ lên, tiếng chân xa dần ra phía sân nhà.

Tôi dậy đánh răng, rửa mặt xong lần xuống bếp. Nhà vắng hoe, trên bàn ăn có ly nước lạnh và viên thuốc. Tôi ngồi xuống uống thuốc rồi dùng tay xoa xoa mặt, miết mấy ngón tay lên lông mày cho bớt nhức đầu. Bỗng tôi nghe tiếng nói.

– Anh uống cà phê nhé!

Tôi ngẩn lên thấy một người đàn bà quay lưng về phía tôi đang vặn bếp ga, tiếng lửa cháy phì phì nho nhỏ.

– Dạ, chị cho xin một ly.

– Anh ăn cháo nhé!

– Dạ không, cám ơn chị.

– Gớm, lúc tối các ông nhậu nhẹt… Sao mà lắm thế?

Tôi lừ nhừ trả lời.

– Bạn bè lâu ngày mới gặp nhau.

Người đàn bà mặc đồ đen, nhìn sau lưng dáng thon thả, tóc hơi ngắn, đôi vai nhỏ. Tôi chợt rúng động tâm thần, người run lên.

– Cô Mai!

Cô quay nhìn tôi, môi mím lại như đang dọa nạt một em bé, nhưng đôi mắt cô sáng lên một nụ cười trìu mến, long lanh niềm vui. Hai tai cô vẫn y nguyên hai đóa hoa vàng, giống như hoa mai, loại hoa chỉ nở vào dịp Tết ở quê nhà. Cô nói chậm rãi.

– Từ nay … Em cấm anh không được uống rượu nhiều nữa.

Sau nầy cô ta kể với tôi rằng cô đã khóc khi rình nghe tất cả.

Phạm Thành Châu

Views: 399

Kén Chồng Cho Con

Phạm Thành Châu

chiec-nhan-cuoi

Ở xứ Mỹ nầy, thời đại văn minh mà nói chuyện cha mẹ kén chồng cho con thì nghe lạ tai. Vậy mà chuyện đó lại xảy ra. Chẳng phải ông bà giàu có, sợ gặp thằng rễ đào mỏ, mà cũng chẳng phải cô gái thuộc loại ngây thơ, e thẹn, kín cổng cao tường không dám tiếp xúc với ai. Sự thực, cô đã trên ba mươi. Cô cũng xông xáo vào xã hội để kiếm sống, cũng nói năng giao thiệp rộng rãi. Cô lại đẹp nữa. Vậy mà gặp cậu nào còn độc thân là ông bà vui vẻ mời ghé nhà. Chẳng thấy ai quí khách bằng ông bà, nhưng sau đó, hình như không đạt tiêu chuẩn nào đó, ông bà lại mời chàng khác ghé thăm, chuyện vãn. Những chuyện trên hắn chỉ nghe trong cộng đồng người Việt bàn tán thế thôi. Ông bố cô gái, hắn biết, vì trước bảy lăm, hắn là nhân viên dưới quyền ông. Cả đến cô gái, hắn cũng biết nữa, nhưng hiện nay những tiêu chuẩn chọn khách đông sàng của ông bà thì ai cũng mù tịt. Ðẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, chống cộng? Tất cả chỉ là giả thiết. Sở dĩ thêm tiêu chuẩn chống cộng vào đây vì trong các cuộc mít – ting của người Việt đòi nhân quyền, tự do cho đồng bào trong nước, ông bà đều dẫn cô gái theo. Ðể tăng cường sức mạnh cho cộng đồng hay để ông bà chọn anh chàng nào tố cộng hăng say? Hay để cho cô dễ tìm chồng giữa chốn ba quân? Tất cả vẫn còn trong vòng bí mật. Có một điều là bọn con trai, từ mới lớn cho đến sồn sồn đều suýt soa là cô quá đẹp. Đẹp dịu dàng, quí phái, thấy cô chỉ muốn ngắm mãi rồi thở dài vì biết mình không hy vọng gì.

            Xin dài dòng về những điều hắn biết về ông bà và cô gái.

Năm 1973 hắn tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, được bổ về làm phó quận một tỉnh miền Trung. Lúc đó ông ta là đại tá tỉnh trưởng. Trong thời gian làm việc ở quận, thỉnh thoảng hắn phải về tỉnh họp. Hắn thấy ông có một phong thái rất đặc biệt. Ông như một ông vua con với bá quan. Thân mật nhưng có khoảng cách rõ ràng. Ông hết lòng với dân nhưng phục vụ dân như một thiên mệnh hơn là bổn phận, tưởng như chức tỉnh trưởng do trời ban cho chứ không phải do tổng thống bổ nhiệm, đúng ra ông giống như “ngài quận công” em ruột “đương kim hoàng đế” ngày xưa vậy. Chẳng bao giờ ông giữ kẻ điều gì. Ông muốn là làm. Có một chuyện thực. Một lần ông báo sẽ ra quận thanh tra. Tay quận trưởng cùng đoàn tùy tùng trong đó có cả hắn ra bãi đáp nghênh đón. Trực thăng hạ xuống, ông đứng yên vài phút cho tay quận trưởng trình diện, xong ông lẳng lặng đi quanh hàng rào phòng thủ quận chi khu. Ông đi trước, phía sau là phái đoàn rồng rắn đi lòng vòng qua các giao thông hào, ụ súng, vọng gác. Ðột nhiên tay quận trưởng lùi lại, ra dấu cho tất cả cùng lùi lại, yên lặng. Trời ạ! Ông đứng tè ở góc vọng gác. Chuyện nầy – chỉ có sai về thời gian thôi- kẻ nào sáng tác, nói láo, sẽ bị trời đánh.

            Ông có một thói quen buồn cười mà ai cũng bàn tán. Khi làm việc ở tòa Hành Chánh tỉnh, ông thường đến các ty phòng nội thuộc. Vừa nói mấy câu là ông vỗ vỗ túi áo rồi hỏi “Có thuốc không?” Ai cũng biết trước nên thủ sẵn một gói thuốc ông thường hút, đưa ra, ông lại hỏi “Có quẹt không?” Ðưa quẹt cho ông, mồi thuốc xong, ông bỏ tất cả vào túi áo mình rồi đi nơi khác. Có điều lạ là không ai biết ông vất thuốc với quẹt ở đâu mà ngay sau đó chính ông tìm cũng không ra, rồi lại hỏi “Có thuốc không?” Mà chẳng phải ông nghiện thuốc, chỉ bặp bặp vài hơi là cắm điếu thuốc xuống cái gạt tàn, nói mấy câu, lại mồi thuốc, hút tiếp, lại dụi bỏ. Ngồi họp mà có ông là hắn được cái thú đếm xem ông hút bao nhiêu điếu thuốc trong buổi họp. Ðến ngày mất nước, ông không bỏ chạy, ông đi tù. Lúc ở trại cải tạo Long Thành hắn có gặp ông. Vẫn vẻ phong lưu, bất cần thiên hạ nên trông ông chẳng mất phong độ gì cả. Sau đó ông được đày ra Bắc. Chẳng biết bao lâu, cuộc đời dâu bể… Khi hắn qua Mỹ, ở Virginia, tình cờ gặp ông một lần. Chuyện nầy hồi sau sẽ rõ.

            Còn chuyện hắn biết cô gái út của ông cũng có nguyên do. Năm đó, gần đến Tết, tay thiếu tá quận trưởng của hắn ngồi than thở là Tết nhất mà không có quà cáp cho xếp thì thật khó coi. Hắn ta rầu rỉ bảo.

– Nhưng trong túi moa tài sản chừng mươi nghìn, biết mua cái gì bây giờ? Một cành mai thì chắc có đứa đem đến rồi, mà thứ mai chấm trần nhà kia, tiền đâu chịu thấu. Một cặp bông hồng hay vạn thọ thì hẻo quá!

Hắn đề nghị mua một món đồ cổ, chẳng ai biết trị giá của nó nhưng trông đã đẹp lại quí. Thế là hắn được giao nhiệm vụ đó. Hắn đến tiệm đồ cổ, chỗ chân cầu Gia Hội mua một cái tô, không biết cổ thực hay giả, lơn tơn đến dinh tỉnh trưởng. Ông đại tá không có nhà, chỉ có cô gái út ra tiếp. Cô mới mười lăm, mười sáu mà đẹp kỳ lạ. Cô học trường Ðồng Khánh, từ dinh tỉnh trưởng, nơi cô ở, cô chỉ đi mấy phút là đến trường. Hắn ngồi tán tỉnh tía lia, đáng lẽ để cái tô lại, nhưng hắn ôm về, hẹn với em hôm sau đến nữa. Dĩ nhiên hắn đến vào giờ công vụ thì làm sao ông bố có nhà. Thế là hắn và em nói chuyện sa đà, đến chiều hắn lại ôm cái tô về. Sở dĩ hắn đến được nhiều lần như thế là vì hắn về thuật lại với tay quận trưởng. Tay chịu chơi nầy sai tài xế lấy xe jeep đưa hắn đến dinh tỉnh trưởng. Thấy xe quận quen thuộc, tay gác cổng không thắc mắc gì. Tuy nhiên một lần ông tỉnh trưởng về sớm.

– Moa nghe mấy bữa nay toa cứ ôm cái tô vô ra đây mãi. Rứa là đủ rồi hỉ! Chờ ít năm, con út Mai lớn chút nữa, lúc đó mỗi lần đến đây, toa cứ nộp một cái tô, cái dĩa cổ chi đó là được. Moa hứa với toa nhưng không bảo đảm gì cả nghe!

Dù sao thì em   cũng đã cho hắn hôn em một lần và cả hai cũng có tặng hình cho nhau gọi là “Ðể kỷ niệm những ngày mới quen nhau” Hình em mặc váy đầm, tóc thắc bím, ôm búp bê. Hình hắn tặng em là cảnh hắn đứng vênh mặt trước trường Hành Chánh, chụp hôm tốt nghiệp, coi rất bảnh trai. Sau tấm hình hắn ghi cho em một câu đúng điệu nhạc vàng “Anh hứa yêu em suốt một đời”.

            Ðáng lẽ chuyện tình của hắn với em còn dài, nhưng sau đó sập tiệm. Hắn đi tù, ông bố em cũng đi tù. Em như cánh chim giữa cơn bão, phiêu bạt về phương trời nào hắn không rõ. Hình em tặng hắn cũng đánh mất từ lâu. Cho đến khi nghe chuyện ông bà kén chồng cho em, hắn vẫn không hình dung được em ra sao, vì lâu quá, nhưng vẫn nhớ là em rất đẹp. Và nếu trước kia, đứng trước em hắn tự tin bao nhiêu thì nay hắn không dám gặp cả em nữa vì mặc cảm tự ti. Ra tù, thân tàn ma dại, qua xứ Mỹ hắn cũng chẳng hơn gì con gà mắc mưa, hắn đứng bán Mc Donald!

            Cho đến một sáng chủ nhật, hắn ghé tiệm chạp phô mua ít vật thực. Vừa ra khỏi xe hắn thấy một chiếc xe nhỏ chạy trước, xe cảnh sát chớp đèn chạy sau. Hai xe ngừng lại trước tiệm chạp phô. Tay cảnh sát xuống xe đến hỏi thăm sức khỏe người lái xe, có lẽ vi phạm giao thông gì đó. Hóa ra đó là ông bà đại tá tỉnh trưởng của hắn ngày trước. Hắn thấy tay cảnh sát Mỹ xì xồ mấy câu nhưng ông vẫn tỉnh bơ, chẳng nói năng một tiếng, cứ ngồi nhìn tay cảnh sát như người xem TV nhìn cái quảng cáo. Không vui, không buồn, không sợ, không xun xoe… và cứ trơ ra như thế. Có lẽ tay cảnh sát tưởng ông bà không biết tiếng Mỹ nên đến nhờ hắn thông dịch. Hắn nói.

– Sorry! He Chinese, me Vietnamese, no talk, no hear!

Anh ta chán cả hắn nên lắc đầu, lên xe bỏ đi. Lúc đó ông mới nhìn hắn cười chúm chím rồi hai ông bà vô tiệm. Hắn có thể đến chào hỏi, tự giới thiệu để chuyện trò nhưng kẹt vì biết ông bà đang kén rễ nên hắn nghĩ tốt hơn đừng để họ tưởng mình có ý đồ gì. Nghe nói có mấy tên bác sĩ, kỷ sư đẹp trai, đi xe đắt tiền còn bị loại, sá gì đến hắn mà đèo bòng nên hắn phe lờ. Trong lúc hắn đứng trước quày đồ khô thì ông ta đến bảo.

– Toa thấy moa có nhanh trí không, làm rứa là hắn chịu thua, mình khỏi bị ticket.

– Tôi thấy đại tá mới biết cách đó. Cái khó là giữ vẻ mặt sao cho tay cảnh sát vừa chán nản vừa thông cảm mới được. Tôi mà làm thế, hắn còng tay ngay.

Ông ta ngạc nhiên.

– Ủa, sao toa biết moa?

Lúc đó hắn mới bảo là hắn có làm phó quận trong lúc ông làm tỉnh trưởng. Thế là cả hai vui vẻ chuyện trò. Lát sau bà vợ ông ta đến, sau khi giới thiệu nhau, họ đã trở nên thân mật. Ðàn bà đều giống nhau, thích tò mò chuyện đời tư người khác.

– Chớ vợ con mô mà đi chợ một mình?

– Tôi chẳng có vợ con gì cả. Như lúc nãy ông đại tá biết, tôi ra trường năm bảy ba, đến năm bảy lăm sập tiệm. Tôi đi tù về, không ai thèm nhìn, đến khi có vụ HO thì chẳng hề quen biết mà cũng có người kêu gã con cho, tôi chán quá, không thèm lấy vợ nữa.

Ông ta xen vào.

– Moa mà như toa đi chợ chi cho mệt. Ghé tiệm, quán ăn nào đó, ăn xong trả tiền, khỏi chợ búa phiền phức.

– Nhưng tôi còn bà mẹ, mọi khi tôi đưa bà cụ đi chợ, mấy hôm nay bà cụ mệt, dặn tôi mua các thứ về bà cụ nấu.

            Chuyện trò đến đấy thì hắn xin cáo từ, ông bà có mời hắn ghé nhà, cho số nhà, số điện thoại đàng hoàng. Hắn không có thì giờ thăm viếng linh tinh, vả lại tuổi tác chênh lệch mà gia cảnh cũng không thích hợp nên hắn quên luôn. Bẵng đi một thời gian, một sáng chủ nhật, đi chợ, hắn lại gặp ông bà. Họ coi bộ mừng rỡ lắm, nhất định mời hắn ghé thăm nhà, uống trà nói chuyện cho vui. Nể tình, hắn theo họ về nhà. Ðó là một căn apartment, chẳng giàu sang gì, nhưng cách bài trí sắp xếp trong nhà ra người phong nhã, trí thức. Lúc ngồi ở phòng khách, cô gái út của ông bà có pha trà mời hắn. Hắn không dám nhìn sợ bất nhã, nhưng thoáng thấy, hắn nhận ra ngay cô bé ngày xưa và cô vẫn đẹp, còn đậm đà hơn trước nữa. Thực ra hắn biết thân phận mình nên dững dưng. Sáng hôm đó, ông bà nghe hắn nói lại những nhận xét, cảm tưởng của hắn lúc ông ta làm tỉnh trưởng, họ cười như chưa bao giờ vui đến thế. Dĩ nhiên hắn chẳng dại gì nhắc đến chuyện hắn tán tỉnh cô út của ông bà, coi nham nhở quá, vả lại cô ta mà nghe được, ghét hắn ra mặt thì chẳng vui gì. Những lần sau đó, ông bà có gọi điện thoại mời hắn đến uống trà trò chuyện. Hắn không thích nhưng có cô gái út ra mời khách, nghe mấy tiếng “Mời chú ạ!” ngọt như đường và tuy chỉ thấy có hai bàn tay mà hắn đã vấn vương người đẹp rồi. Một lần nhân chủ nhà vô ý, hắn nhìn quanh tìm cô ta thì y như là cô đang làm gì đó ngay tầm mắt hắn. Lúc đó cô đăm đăm nhìn lại hắn và tặng hắn một nụ cười. Hắn chới với, ngất ngây như say rượu. Cả tuần lễ sau, hình ảnh người đẹp cứ ở mãi trong đầu hắn. Nhưng hắn đã lớn, lại ở tù ra nên chín chắn chuyện đời chứ không bộp chộp như mấy cậu thanh niên. Giá như thắn tốt nghiệp đại học Mỹ, có job thơm, hắn đã đường hoàng nhào vô một cách tự tin. Về ngoại giao thì hắn đã có chút cảm tình của ông bà rồi, đối với cô ta, nếu không mặc cảm hắn đâu có khù khờ, ú ớ như bây giờ. Thế nên tim hắn rung động nhưng đầu óc hắn tỉnh táo. Hắn dặn lòng “Yêu thì cứ yêu cho đời có chút hương vị, nhưng chớ dại mà biểu lộ cho người ta biết, chắc chắn bị từ chối, lại rước thêm cái xấu hổ vào thân. Nhớ nhé!” Có câu hát “Khi cố quên lại càng nhớ thêm” hắn thì khác, hể cố quên là hắn quên bẵng. Hắn lại hay nản chí, thấy chẳng hy vọng gì nên cứ lơ là dần.

Cho đến một buổi sáng, hắn nghe điện thoại reo.

– Thưa chú, ba mạ cháu mời chú qua uống trà.

Các cô gái Huế mà pha giọng miền Nam nói chuyện thì nghe như chim hót, ngọt ngào, ngây thơ không thể tả. Hắn giả giọng Huế hỏi lại.

– Ba mạ cháu ở mô rứa?

– Dạ, ở nhà.

– Còn cháu ở mô?

– Dạ, cũng ở nhà.

– Rứa là biết rồi đó. Cám ơn cháu, chú qua ngay bây chừ.

Hắn phân vân, tại sao ông bố không gọi mà để cô gái gọi hắn? Khi hắn đến, mọi việc vẫn như trước, người đẹp ra mời trà, rồi chuyện trên trời, dưới đất. Ðến khi giả từ ông bà lại hỏi.

– Bà cụ có mạnh khỏe không?

– Dạ, cám ơn. Những người lớn tuổi không bịnh nầy thì bịnh kia.

Hắn tố thêm một đòn về gia cảnh của hắn.

– Tôi đi làm không đủ tiêu, bà cụ phải giữ trẻ cho người ta.Tôi thật xấu hổ, không nuôi nổi mẹ.

Tưởng ông bà sẽ dội ngược không ngờ lại hỏi địa chỉ và bảo sẽ đến thăm. Kể dài dòng chỉ tổ mất thì giờ. Ðại khái họ đến thăm lúc hắn đi làm. Mẹ hắn chất phác nên gần như ông bà nắm vững gia phả và đời tư của thắn. Theo mẹ hắn kể, ông bà cứ suýt soa rằng hắn có hiếu, họ rất quí trọng những người con có hiếu. Ông bà cũng nói về gia đình họ, về cô út đã lớn mà không chịu lấy chồng. Cứ bảo sợ gặp người không tốt, bỏ cha mẹ già không ai săn sóc tội nghiệp. Mẹ hắn vừa kể vừa cười coi bộ hắn lọt mắt xanh của gia đình kia rồi. Hắn không nói gì, sợ mẹ buồn, nhưng hắn bắt đầu nghi ngờ về thái độ của họ. Họ có điên mới đem gã cô út xinh đẹp như hoa cho một thằng không ra gì như hắn. Còn cô út nếu bằng lòng thì thần kinh cũng không hơn gì bố mẹ. Nhưng rõ ràng họ đã lộ ý rồi. Hắn đánh cờ tướng loại khá, khi đối phương đi một nước cờ, nếu không hiểu mục đích của nước cờ đó, tuyệt đối hắn không tấn công. Hắn bắt đầu đưa giả thiết, nhưng không giả thiết nào đứng vững. Thế nên hắn rút quân về thủ bằng cách báo với họ ý định sẽ đi tiểu bang khác làm ăn, ở đây sống khó khăn quá (Hắn chuẩn bị đi thực). Xong hắn chờ đối phương đi nước thứ hai.

            Hôm đó, thứ bảy đầu năm, cộng đồng Việt Nam có lệ chào quốc kỳ trước chợ Eden. Tối thứ sáu, đi làm về, hắn được điện thoại của mẹ cô gái gọi.

– Sáng mai Tuấn có đi chào cờ ngoài Eden không?

– Dạ cháu cũng chưa có ý định, phải đưa bà cụ đi chợ, e trễ mất.

– Tuấn cố gắng đưa bác và em Mai ra Eden sáng mai lúc chín rưỡi. Xe của em bị hư, còn ba nó phải ra sớm, chuẩn bị trước cho buổi lễ.

– Dạ, cháu sẽ cố gắng đưa bác và cô Mai ra đúng giờ.

Nước cờ đến đây đã rõ mục đích. Họ đẩy cây xe ngon lành đến trước miệng con chốt, nhưng nguyên nhân vẫn còn trong vòng bí mật. Ông bố đã lùi một bước để bà mẹ đứng ra đạo diễn, rủi thất bại cũng giữ được tướng an toàn.

            Sáng đó, thấy hắn ăn mặc tươm tất, mẹ hắn lại cười. Ðàn bà nhạy cảm chuyện nầy lắm, huống gì đó là một bà mẹ. Bà biết hắn đã yêu cô gái. Chính hắn cũng không hiểu mình yêu cô ta từ lúc nào. Tình yêu không đến trực tiếp từ cô gái mà đi vòng từ bố mẹ cô ta. Hắn không cần biết nguyên nhân, nhưng sự sắp xếp của họ khiến hắn cảm động và hắn tin chắc rằng sự sốt sắng đó đã được thúc đẩy từ cô gái cưng của họ. Nhưng hắn với cô ta đâu có tình ý nhau bao giờ?

            Ðến nơi hắn để hai mẹ con vào đứng với đồng bào. Hắn thối thác chào quốc kỳ. Khi mới đặt chân lên đất Mỹ, lần đầu thấy lại lá cờ vàng ba sọc đỏ, hắn đứng khóc ngon lành như một đứa trẻ. Ngày Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng, hắn cũng khóc cả buổi mà không hiểu sao lòng mình tan nát đến như vậy. Ngày đầu tiên cắp sách đến trường, hắn đã chào cờ, hát quốc ca… Tình yêu nước đến lặng lẽ trong tim hắn theo thời gian như tình yêu thương mẹ, khi mất nước, mất mẹ mới thấy mình bơ vơ. Thế nên hắn chỉ sợ mọi người thấy hắn khóc khi nghe bài quốc ca. Một lý do nữa là hắn nghĩ “Ðứng cạnh cô thì thích quá rồi, nhưng rủi cô xích ra xa hoặc bỏ đi chỗ khác thì có nước độn thổ mới hết nhục” “Thấy người ta tử tế tưởng bở” Hắn yêu cô, ông bà tử tế với hắn nhưng chuyện cô yêu lại hắn là viễn vông, vô căn cứ. Cho nên khi nghe hắn bảo sợ bị xúc động khi chào cờ phải đi tránh chỗ khác, bà mẹ thông cảm nhưng cô gái xụ mặt lại. Thấy cô như giận, hắn mừng trong bụng, muốn đổi ý nhưng đã lỡ rồi nên đành vào một tiệm sách tìm đọc vớ vẩn nhưng hồn vía để cả ngoài kia, lòng tự trách “Chào quốc kỳ chảy nước mắt có gì mắc cỡ. Dễ gì được đứng gần người đẹp. Dại quá! Biết bao giờ mới có dịp như thế nầy” Nghe chào cờ xong, hắn đi ra, định cà rà theo nói chuyện với cô ta nhưng mẹ cô lại nhờ hắn đưa bà vềø sớm, còn cô gái thì ở lại với bố. Hắn đành vâng lời. Về đến nhà, bà mẹ lại bảo hắn vô nhà nhờ chút chuyện. Hắn lại vâng lời. Hắn ngồi ở phòng khách. Chẳng cần rào đón, sau khi hỏi hắn sẽ đi tiểu bang nào, ngày nào đi, đột nhiên bà vào thẳng vấn đề. Bà nói về cô út hiếu thảo của bà không chịu vượt biên, ở lại với mẹ, vất vả, tần tảo để thăm nuôi bố. Qua xứ Mỹ, nói gì cô cũng không chịu lấy chồng, sợ bỏ cha mẹ già không ai săn sóc. Cô ra điều kiện chỉ lấy người có hiếu với cha mẹ thôi. Nay thấy hắn thương mẹ cô đồng ý ngay. Hắn nghe mà tưởng mình mơ. Ðời nay mà có cha mẹ hạ mình năn nỉ gã con gái xinh đẹp, nết na cho một thằng chẳng ra gì như hắn!?.Hắn biết ông bà sốt ruột thật vì cô gái đã lớn mà cứ ở vậy, nhưng lý do chữ hiếu hình như là cái cớ thôi, chứ nguyên nhân nội vụ thì chưa rõ. Thế nên hắn xin phép bà được gặp riêng cô Mai để nói chuyện thông cảm nhau trước khi hắn nhận ân sủng đó. Bà mẹ chịu liền.

            Thế rồi một buổi chiều, hắn đến gõ cửa, cô ra mở cửa. Cô chào hắn mà không cười, vẻ mặt nghiêm trang, nhưng hắn nhận được từ đôi mắt cô những tia nhìn như reo vui.

– Chào chú ạ!

– Chú đến thăm Mai.

– Dạ, mời chú vào.

Cô lùi lại, hắn bước vào, cô gần như đứng sát bên hắn. Cô mặc một bộ đồ lụa trắng, hơi rộng nên trông thước tha. Mặt cô bầu bỉnh, có đánh chút phấn hồng, mắt đen nhánh. Vì cô thấp hơn hắn nên khi cô ngước nhìn, đôi mắt cô đẹp hết sức, vừa long lanh vừa như ngạc nhiên điều gì.

– Có ông bà cụ ở nhà không?

– Dạ không. Mời chú ngồi.

Cô ngồi đối diện. Cô rót nước trà rồi mở hộp bánh ra,

– Mời chú!

Hắn cầm tách trà lên nhấm nháp rồi làm bộ suýt soa như bị nóng lắm. Bấy giờ cô mới cười.

– Trà còn nóng, cháu vừa mới pha.

Hắn cầm tách trà nửa chừng và nhìn cô. Cô cúi mặt xuống. Chúa ơi! Cô đẹp thế kia, trong trắng thế kia sao lại chịu đi bên cạnh cuộc đời bầm dập của hắn được? Thật khó tin!

– Mai biết vì sao chú đến thăm Mai không?

– Dạ không.

– Thế mạ có nói chuyện nầy không?

– Dạ có.

Không khí như căng thẳng, hắn phải sửa giọng nhẹ nhàng hơn.

– Chú xin lỗi làm Mai bối rối. Bây giờ chú đề nghị thế nầy, mình kể chuyện linh tinh gì đó cho vui.

– Dạ.

– Trước hết chú kể chuyện của chú cho Mai nghe. Chú học hành chánh ra trường làm phó quận được hơn một năm thì đi tù sáu năm. Ra tù chú làm đủ nghề đạp xích lô, bán vé số… Qua đây chú đi chùi nhà rồi bán Mc Donald. Kể ra thời đi học có vui chút đỉnh, đi làm cũng vui nhưng sau đó chán ngấy, hết đi tù thì làm những nghề mạt hạng.

Cô vẫn cúi đầu và nói.

– Chú thử lập gia đình, sẽ hết buồn ngay.

– Không đơn giản như Mai tưởng đâu. Muốn tiến đến hôn nhân phải có tình yêu. Vì có yêu người ta mình mới chịu đựng được những va chạm, khó khăn khi sống với nhau. Cho nên phải cẩn thận khi lập gia đình. Không yêu thà sống một mình còn hơn.

Cô ngước lên, nhìn thẳng vào mắt hắn.

– Chú đã lập gia đình và đã thất bại, đã tan vỡ rồi phải không?

– Chú chưa lập gia đình, vì chú có yêu ai đâu.

– Cháu không tin, tuổi chú mà chưa yêu ai, cháu không tin.

– Chú cũng không tin cả mình nữa. Có người có biết bao nhiêu mối tình, nhưng chú thì chẳng có gì. Khi đi làm có yêu chút đỉnh, nhưng sau đó chẳng còn nhớ nhau nữa. Nước mất, nhà tan vui thú gì mà yêu với đương.

– Chú tính xem đã yêu bao nhiêu người và bây giờ còn nhớ người nào?

– Trước kia cũng có quen một cô, cũng anh anh, em em vài câu, nhưng chỉ khoảng vài tuần. Cô ấy có cho chú hôn một lần trên trán. Rồi nước mất tình cũng mất luôn. Cô ấy đã quên hẵn chú rồi. Lâu quá rồi! Thế Mai có mối tình nào lâm ly kể cho chú nghe với.

– Chuyện của cháu cũng chẳng lâm ly gì. Lúc đó cháu mới lớn, có yêu một anh, rồi cũng như chú, khi mất nước, quá khổ, tâm trí đâu mà yêu ai.

– Nghe nói sau bảy lăm, Mai không vượt biên, ở lại Việt Nam với mạ kiếm tiền thăm nuôi ba trong tù.

– Lúc lộn xộn, trước ngày đầu hàng, mạ cháu bán được căn nhà. Hú vía, nếu trễ mấy ngày là bị chúng vô tịch thu rồi. Nhờ thế mấy chị của cháu mới có tiền vượt biên, nhưng sau đó thì nghèo lắm. Cháu với mạ cháu phải ra đường bán quần áo cũ, bị công an rượt chạy muốn chết.

Kể đến đấy cô lại cười, thật hồn nhiên. Hắn biết cô đã hết bối rối rồi.

– Có lẽ cũng giống như chú, sau đó không nhớ nhau, không gặp nhau, không nghĩ đến nhau nữa. Thế là xù! Phải không?

– Ðâu có như chu,ù gì cũng quên. Mấy năm sau đó, cháu biết được anh ấy cũng ở Sài Gòn, cháu đến thăm mấy lần.

– Gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, kể lễ tâm sự nhớ thương nhau. Chà, mùi dữ!

– Ảnh không biết cháu, ảnh không nhớ ra cháu, cháu cũng không nhắc nữa. Thật bực mình, người đâu mau quên.

– Chỉ cần nhắc vài câu là anh ta nhớ ra ngay.

– Gần cả chục năm, biết đâu anh ấy đã lập gia đình thì sao?! Nên cháu chỉ đi ngang qua, nhìn cho đỡ nhớ mà không nói chuyện bao giờ. Ðến khi dọ hỏi được biết là anh ấy còn độc thân thì tìm không ra. Anh ấy đã đi HO rồi.

Rồi cô thở dài.

– Bây giờ cháu cũng còn bực. Tức muốn chết được!

– Chú biết rồi, vì thế nên Mai giận đời, định đón một chiếc xe hoa nào đó, leo đại lên cho đỡ cô đơn chứ gì?

– Cháu cũng muốn thế cho bỏ ghét, nhưng cháu yêu anh ấy…Rồi lại giận anh ấy, thấy cháu rõ ràng mà không thèm nhìn.

– Ðể chú đoán có đúng không nghe. Ðó là một chàng sĩ quan Ðà Lạt đẹp trai, hào hoa, làm dưới quyền ông cụ. Anh ta gặp cô nữ sinh đẹp quá, hai người yêu nhau. Theo chú có lẽ anh chàng cũng ở tù mút mùa như bọn chú. Nhưng sau khi ra tù, nhờ gia đình khá giả, anh ta đi buôn, loại mánh mung như thuốc tây, trầm, vàng chẳng hạn. Nghề nầy mau giàu lắm. Anh ta đi xe dream, hút thuốc có cán. Lúc đó Mai ngồi bên đường với mạ bán quần áo cũ nên mặc cảm không nhìn mặt. Còn anh ta vì lâu quá nên quên người đẹp thuở nào, vả lại khi có tiền thì bao người đẹp khác chạy theo, phải không?

– Chú đoán đúng một phần. Anh ấy cũng đi cải tạo, nhưng sau về nghèo lắm. Bán vé số ở Sài Gòn

– Chú cũng từng bán vé số, cứ nói tên, nói chỗ anh chàng hành nghề là chú biết ngay.

Cô cười bí mật.

– Ðố chú biết đó! Anh ấy bán vé số chỗ nhà thờ Ðức Bà, trước Bộ Xã Hội cũ.

– Chú có ngồi đó chú biết rõ. Có phải đại úy Minh, thiếu tá Tuấn, trung úy Ðại… Cũng không phải luôn. Chú chịu. Nhưng những người đó đều có gia đình cả rồi mà.

Hắn nhìn đồng hồ.

– Bây giờ cho chú nói lý do chú đến gặp Mai. Hôm chú được mạ Mai nói về chuyện chú với Mai, chú rất bất ngờ và cảm động. Chú cám ơn lòng tốt của Mai đã để ý đến chú. Vì chú sắp đi xa nên nhân tiện chú nói vài điều, mong Mai thông cảm. Thú thực chú có yêu Mai, tình yêu đâu từ trước kia bây giờ sống dậy, nhưng chú biết thân phận mình nên im lặng. Rồi bất ngờ nghe đề nghị đó chú không hiểu vì sao? Chú thua sút mọi người về mọi phương diện, chú cháu mình cũng chưa hề chuyện trò, tình ý gì nhau và chú chắc Mai cũng không hề yêu chú. Vậy thì lý do nào? Xin Mai cho chú một thời gian, hy vọng chúng ta tìm hiểu nhau rồi sẽ quyết định cũng không muộn. Tuần tới chú sẽ rời Virginia, chúc Mai ở lại tìm được một tình yêu, và lời chú khuyên Mai nên sống cho con tim mình, cho tương lai của mình. Ba mạ đâu có sống đời với mình, phải không? Phải có tình yêu trước khi quyết định tiến đến hôn nhân, chứ đừng nghe lời ba mạ, sau nầy hối cũng không kịp.

– Nói xong hắn định đứng dậy. Cô ngước nhìn hắn vẻ giận dữ.

– Thật, xin lỗi chú chứ chú…ngu quá! Chú khuyên cháu nên lấy người mình yêu. Vậy chứ cháu yêu chú thì sao?

– Trời đất! Làm gì có chuyện đó… Không lẽ chỉ mấy lần bưng nước trà mời chú mà lại yêu chú được?!

– Chú nói thật không? Cháu cho chú biết điều nầy. Theo cháu. Ði ngã nầy.

Cô đi trước, hắn rụt rè theo sau. Căn apartment chỉ có hai phòng, cô mở cửa một phòng, đi vào “Vô đây!” Hắn sợ quá, chỉ dám đứng ở cửa nhìn vào. Cô chỉ vào một tấm hình cỡ tấm bưu thiếp để trên bàn nhỏ cạnh đầu giường.

– Chú biết ai đây không? Sau tấm hình viết gì không?

– Chú đâu thấy gì, xa quá. Hình như anh chàng nào đứng đấy. Cho chú xem kỹ, có thể chú nhận ra anh chàng bán vé số tốt phước được lọt vào mắt xanh của Mai.

Cô gỡ tấm hình trong khung ra, đưa hắn.

– Nhìn kỹ xem là ai?

Hắn không tin ở mắt mình. Ðó là hình hắn, chụp hôm tốt nghiệp trước trường Hành Chánh, sau tấm hình vẫn còn rõ câu hát nhạc vàng “Anh hứa yêu em suốt một đời” Tấm hình hắn tặng cô, qua bao năm với bao thăng trầm, cô vẫn còn giữ, hình cô tặng hắn thì hắn vất nơi nào, lúc nào không rõ.

– Ôi! Hình chú đây mà!

Cô ngồi trên giường, xây lưng về phía hắn, hai chân co lên, trên đầu gối là cái gối. Cô úp mặt vào gối yên lặng. Vai cô rung lên nhè nhẹ. Cô khóc, có lẽ vì giận hắn vô tình.

– Cho chú xin lỗi. Chú vẫn nhớ chuyện cũ, nhưng tưởng Mai đã quên. Sao không nhắc, một câu thôi là chú hiểu ra ngay.

– Ðâu có dịp nào. Hôm chào cờ ở Eden cũng bỏ đi… Mà biết còn nhớ người ta không hay đã yêu ai rồi?

– Chú nhớ chứ nhưng chú mặc cảm. Chú đâu dám mơ đến giây phút nầy. Hỏi thực Mai, rủi chú bảo đã yêu ai rồi thì sao?

– Mặc kệ… Người ta tìm muốn chết!

Yên lặng một lát.

– Hôm nào đi?

– Bây giờ có họa là điên mới bỏ đi. Trúng số độc đắc chú cũng không mừng bằng. Chú không biết nói gì để cám ơn Mai. Chú…

Cô quay lại, mắt còn đỏ hoe, cô chỉ cái khung hình còn nằm trên giường.

– Chú, chú hoài. Bộ ai ăn thịt sao cứ đứng ngoài đó? Bỏ hình lại vào khung, để lại trên bàn cho em , rồi ngồi xuống đây, em hỏi. Lúc ở tù ai thăm nuôi anh?

– Có thăm chứ không có nuôi. Mẹ anh nghèo quá, các anh của anh cũng ở tù cả.

– Em cũng đoán vậy nên cố tìm mà không biết anh ở trại nào, gia đình ở đâu để thăm nuôi. Em lo quá!

Rồi cô lại cười, nhưng nước mắt chảy dài trên má.

Ðây là chuyện cổ tích đẹp nhất trong những ngày buồn thảm nhất của nước Việt Nam Cộng Hoà. Cũng còn nhiều chuyện cổ tích sáng ngời hơn, đẹp đẻ hơn, ai cũng biết nhưng không bao giờ kể ra. Ðó là quả tim của những bà mẹ, những bà vợ, những người con dành trọn cho con, cho chồng, cho cha đang chết dần mòn trong ngục tù cộng sản.

Hôm đám cưới, vợ chồng hắn phải đi từng bàn tiệc chào mừng quan khách, bà con, bạn bè. Mỗi nơi cô dâu chú rễ phải uống với khách một ly rượu nhỏ. Vợ hắn chỉ thấm môi nên hắn phải uống hết. Nhiều ly nhỏ thành ly cối. Hắn không biết uống rượu nên say mềm. Bố vợ hắn cũng say. Ông say vì vui nên nói hơi nhiều. Khi khách khứa đã về cả rồi, ông đến bên cạnh, vỗ vai hắn lè nhè.

– Cụ mi rứa là tốt phước. Không có ai chung tình như con Út Mai của moa. Cụ mi biết không? Hắn hành vợ chồng moa đi tìm cụ mi chết xác luôn. Bốn năm đi bốn nơi. Nam Cali tìm cụ mi, Bắc Cali tìm cụ mi, xuống Texas tìm cụ mi, qua đây tìm cụ mi. Chỗ mô cũng tham gia cộng đồng, cũng hội họp. Hắn nói moa có hứa với cụ mi rồi thì phải tìm cụ mi cho hắn. Nhưng moa có nhớ hứa hẹn gì, khi mô đâu? Mà vợ chồng moa đâu biết cụ mi là ai, mặt mũi ra răng. Tấm hình, mấy chục năm, có ai trẻ mãi không già? Rứa mới chết chớ! Rứa là gặp đứa mô tuổi cụ mi cũng rước về nhà cho hắn nhận diện. Hú vía, hắn còn đòi đi Canada và Úc tìm cụ mi nữa đó. Mà moa nói có ai đi HO qua đó đâu?!..

Phạm Thành Châu

Views: 443

Nỗi Lòng Bên Thắng, Bên Thua

Lê Đức Luận

Me gia

Trước đây người ta thường bảo muốn có cái nhìn khách quan và trung thực trong một giai đoạn lịch sử cần phải đợi 50 năm sau. Bây giờ với phương tiện truyền thông tân tiến thời gian có ngắn hơn. Nhưng vì nhiều lý do như hoàn cảnh gia đình, xã hội, giáo dục, ý thức hệ, đảng phái …v…v… và sự thiếu lương thiện nơi con người, nên nhiều sự kiện lịch sử đã khuất lấp, bị bóp méo, vê tròn theo định hướng làm cho các thế hệ sau này muốn tìm hiểu sự thật của lịch sử rất hoang mang …

Bài này người viết chỉ nói lên nỗi ưu tư về những uẩn khúc trong lịch sử Việt Nam cận đại. Nhiều người đã yêu cầu “PHẢI TRẢ LẠI SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ”. Nhưng ai là người có thẩm quyền và đủ uy tín để làm chuyện đó?

Người ta đã viết những sự việc xảy ra từ mắt thấy tai nghe, từ những nguồn tin được đăng tải trên báo chí, từ các phương tiện truyền thông (radio, tv), từ các cuộc phỏng vấn, từ những tin đồn, những giai thoại, hay từ những truyền thuyết mang tính huyền thoại … Thậm chí từ suy đoán, cảm nghĩ, tưởng tượng theo nhu cầu tuyên truyền cho một định hướng, rồi in thành sách và gọi đó là “lịch sử”.

Có những nhà viết sử chân chính muốn ghi lại trung thực những sự kiện để người đời sau biết những biến cố đã xảy ra trong một giai đoạn nào đó, nhưng không ít người ghi lại lịch sử với những mưu đồ.  Đó chính là vấn đề gây ra những nghi vấn, ngộ nhận và làm mất niềm tin vào những trang sử trung thực … nhất là lịch sử Việt Nam cận đại.

Cũng chính vì mưu đồ cho một mục đích nào đó mà con người đã chối bỏ đạo đức và lương tri, áp dụng sách lược “nói dối, nói dối, nói dối mãi người ta sẽ tin …” Đó là một vấn nạn của lịch sử.

Không phải đợi đến khi quyển The Prince (Hoàng Tử) của Niccolo Macheavelli, xuất bản năm 1613 chỉ dẫn các nhà cầm quyền phải biết “nói dối, bưng bít đi kèm với bạo lực”; hay quyển Mein Kampf (Đời Tôi Chiến Đấu) xuất bản năm 1925 tại Đức, theo đó Hitler tẩy não con người, bắt con người phải phục tùng tuyệt đối và áp dụng sách lược “nói dối, nói dối mãi người ta sẽ tin”; còn Joseph Gobbels, bộ trưởng thông tin của Đức Quốc Xã bảo rằng: “Nhồi vào đầu chúng 60% chuyện thật, 40% giả dối, nhồi liên tục đến 1.000 lần, cái láo sẽ làm chúng tin là thật” mà từ  thời Xuân Thu bên Trung Quốc đã áp dụng chuyện “nói dối” cho những mưu đồ. Chuyện rằng: Mẹ Tăng Sâm đang ngồi quay tơ, thì bỗng một người chạy vào nói “Tăng Sâm giết người”. Bà không tin đứa con hiền lành của bà có thể giết người. Lúc sau, một người khác chạy vào bảo, “Tăng Sâm giết người”. Bà hơi giật mình bán tín, bán nghi. Nhưng đến lần thứ ba, một người nữa hớt hãi chạy vào báo, “Tăng Sâm giết người”. Lúc này bà mẹ sợ cuống cuồng, bỗng bật dậy và hốt hoảng chạy ra khỏi nhà …

Trong những trang sử Việt Nam cận đại có nhiều điều không đúng sự thật — Chuyện có viết thành không; chuyện không viết thành có; lộng giả thành chân —  Rồi người viết sau trích dẫn sách của người viết trước để cho tác phẩm của mình thêm giá trị vì “viết có sách mách có chứng”. Có ngờ đâu những ông “tiền bối” được người đời gọi là “sử gia” đã viết “bố láo” … Chuyện anh hùng Lê Văn Tám đã in thành sách – quay thành phim; đã đặt tên đường – tên công viên … Câu chuyện được viết ra do một GS sử học có tiếng tăm — ông Trần Huy Liệu — người từng giữ những chức vụ như trưởng ban nghiên cứu Văn-Sử-Địa, Chủ tịch Hội Khoa Học lịch Sử VN, Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Khoa Học Xã Hội kiêm Viện Trưởng Viện Sử Học của chính quyền Hà Nội, lại là “chuyện láo “. Điều này được ông Phan Huy Lê, GS sử học Đại Học Quốc Gia Hà Nội, từng giữ chức Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN của Miền Bắc cho biết là ông Trần Huy Liệu đã căn dặn – “Đến khi đất nước yên ổn, cần phải nói lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám. Các anh là nhà sử học nên nói lại giùm tôi, khi tôi không còn …”

Đây là điều được nói ra từ những sử gia có tên tuổi, tiếng tăm chứ không phải là phường “bá vơ”. Cũng như sau Năm 1975,Việt Cộng phao tin ông Nguyễn Văn Thiệu, cựu Tổng Thống VNCH, mang 16 tấn vàng trong ngân khố quốc gia VNCH ra nước ngoài làm của riêng và sống cuộc đời rất xa hoa, nhiều người đã tin như vậy … Bây giờ thì ai cũng biết, đó là “chuyện không có thật”.

Cũng chính vì những mưu đồ chính trị, người ta đã áp dụng nhuần nhuyễn sách lược tuyên truyền dối trá, bưng bít kèm theo bạo lực đã  làm cho lòng người bấn loạn, hoài nghi và bơ vơ … trong lúc giao thời. Cho nên thi sĩ  Vũ Hoàng Chương mới than: “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ/ Một đôi người u uất nỗi trơ vơ”.

Ngày nay, Internet đã mang lại nguồn thông tin dồi dào, và không ai có thể bưng bít được nữa. Nhưng có một số người thiếu lương thiện đã lợi dụng sự “tự do của Internet” tung lên mạng những tin tức thiếu trung thực hay có dụng ý, khiến cho người đọc ít nhiều đã mất tin tưởng những tin tức trên mạng Internet.

Trong những năm gần đây người ta lại đi tìm sự trung thực của lịch sử qua các hồ sơ được giải mật. Trong các bài viết về lịch sử thường thấy tác giả ghi chú ngày, tháng giải mật và nơi lưu trữ  hồ sơ hay cho in bản sao hồ sơ đó ngay trên bài viết để bảo đảm giá trị của nguồn tin …  Nhưng ai đã từng đến những thư viện như Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ chẳng hạn để tìm tài liệu cho một bài khảo cứu về lịch sử sẽ thấy một hồ sơ được giải mật không phải bạch hóa mọi vấn đề mà có khi “giải mật từng phần”, ngay cả trên trang giải mật cũng bôi đen vài dòng hay năm ba chữ. Thế là chuyện “bí mật” tưởng đã “bật mí “nào ngờ nó lại “bị mất” –Mất thời giờ, mất hứng thú,- mất cả niềm tin !!! — Lại trở về với mấy anh chàng mù sờ voi …

Nói thế thì chẳng tìm đâu ra cội nguồn đích thực của lịch sử. Đó là mối ưu tư và nỗi lòng bâng khuâng  của những người muốn đi tìm SỰ THỰC để trả lại cho LỊCH SỬ.

 Lịch sử Việt Nam trong giai đoạn từ 1945 đến 1975 có nhiều uẩn khúc và phức tạp. Nếu đọc lịch sử VN trong giai đoạn này mà không đối chiếu xuyên suốt; không có những nhận định khách quan, chỉ đếm xác người để luận thành bại thì chẳng khác nào như đọc một chuyện kiếm hiệp …

Mấy ngày sau khi ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam đến Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn (7-7-2015), người viết ngồi nghe một già, một trẻ bàn luận về lịch sử và chính trị, xin ghi lại để chúng ta cùng suy ngẫm.

Người trẻ là con của một sĩ quan QL/ VNCH. Sau năm 1975 người cha bị đưa vào trại tập trung cải tạo. Anh ta được mẹ nuôi dưỡng và lớn lên, học hành dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa. Cách nay mười mấy năm, anh ta cùng gia đình theo cha sang Mỹ dưới diện HO, rồi tiếp tục học tập ở các trường đại học tại Hoa Kỳ – tốt nghiệp kỹ sư điện tử và đang có việc làm tốt tại đây …

Còn người già là bạn “nối khố” của người viết. Ông không bị đưa vào các trại cải tạo hay nếm trải cái “thú đau thương” dưới chế độ mới, vì thời điểm 1975 ông ta đang tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Ông thích đọc và nghiên cứu lịch sử …

Chuyện bắt đầu bằng câu hỏi của người trẻ:

“Cháu thấy người cộng sản đã hy sinh và chịu quá nhiều gian khổ trong hai cuộc chiến tranh đánh Pháp và chống Mỹ mà tại sao họ cứ bị dân mình chống đối và nguyền rủa?”

Người già trả lời:

“Bởi vì hai cuộc chiến tranh ấy KHÔNG CẦN THIẾT và đã trở nên VÔ ÍCH mà còn làm cho dân ta tốn quá nhiều xương máu.”

“Tại sao lại thế – Họ đã có công đem lại độc lập và thống nhất đất nước đấy chứ?” Lời người trẻ.

Ông già hỏi lại:

“Sau đệ nhị thế chiến, bọn thực dân đế quốc phương Tây lần luợt phải trao trả độc lập cho các xứ thuộc địa. Vậy theo hiểu biết của cháu thì Việt Nam được độc lập vào ngày nào và dân tộc mình có hưởng được một nền độc lập thực sự hay chưa?”

“Theo sự hiểu biết của cháu: 2 Tháng 9 Năm1945 là ngày Độc Lập của nước ta, nhưng “ Độc Lập dân tộc” còn rất mơ hồ …” Người trẻ trả lời.

Người già chậm rải nói:

“Nhiều người đã hiểu như thế. Nhưng vào giai đoạn cuối của thế chiến thứ hai, ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp và nắm chính quyền ở Đông Dương. Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam ngày 11-3-1945. Vua Bảo Đại công bố hủy bỏ Hòa Ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 và đọc bản tuyên ngôn độc lập, đồng thời ủy nhiệm học giả Trần Trọng Kim thành lập chính phủ. Từ đó quốc hiệu Đế Quốc Việt Nam ra đời; quốc kỳ có nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ ly màu đỏ thẫm; quốc ca là bài Đăng Đàn Cung; vẫn giữ Kinh Đô ở Huế.”

Vậy 11-3-1945 là ngày Độc Lập đầu tiên của nước ta sau 61 năm bị người Pháp chính thức đặt nền đô hộ trên toàn cõi VN.

Rồi tình hình quân sự và chính trị thế giới có những biến chuyển quan trọng. Ngày 6 và ngày 9 tháng 8 năm1945, Hoa Kỳ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Nhật Hoàng phải tuyên bố đầu hàng các nước Đồng Minh. Chính phủ Trần Trọng Kim được Nhật bảo trợ lâm vào tình trạng khủng hoảng …

Lợi dụng tình thế này, trong một cuộc biểu tình của dân chúng và công chức ở Hà Nội để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim thì  các đảng viên cộng sản núp dưới danh nghĩa Mặt Trận Việt Minh do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo đã dùng bạo lực biến cuộc biểu tình này thành cuộc cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim và buộc vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 2-9-1945 ông Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại vườn hoa Ba Đình-Hà Nội, tuyên bố thành lập Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; ông Hồ Chí Minh lên làm Chủ tịch nước; quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng; bài hát Tiến Quân Ca của Văn Cao được chọn làm quốc ca. Lấy Hà Nội làm Thủ Đô.

Tuyên ngôn Độc Lập lần thứ hai đem lại luồng sinh khí mới cho dân tộc. Lúc này khí thế của toàn dân trào dâng niềm hy vọng và phấn khởi. Một cơ hội thuận lợi để xây dựng nền Độc Lập tự chủ cho nước nhà dù thực dân Pháp, nhất là phe Charles  de Gaulle có âm mưu muốn tái lập chế độ thuộc địa ở Đông Dương cũng khó đảo ngược trào lưu của lịch sử. Nhưng bất hạnh cho dân tộc Việt Nam, vừa thoát ách đô hộ của thực dân Pháp không được bao lâu lại rơi vào cảnh chinh chiến điêu tàn !!! .

Nhiều người nghĩ rằng, nếu vua Bảo Đại không thoái vị và chính phủ Trần Trọng Kim còn tồn tại thì lịch sử Việt Nam đã đi vào một ngã rẽ khác, không có nhiều biến động tồi tệ như vậy(?) Và rồi Việt Nam cũng sẽ được Độc Lập như các nước Nam Dương, Miến Điện, Mã Lai, Phi Luật Tân mà không lâm vào cảnh chiến tranh.

Và rằng nếu ông Hồ Chí Minh không theo chủ trương độc tài, đảng trị và sắt máu của “khối Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế” để bành trướng chủ nghĩa cộng sản thì lịch sử VN cận đại không có những trang đầy máu và nước mắt như thế.

Lịch sử VN đã không đi vào một trong hai chữ “NẾU” đó. Sau khi Việt Minh cướp được chính quyền, đảng Cộng Sản VN tìm đủ mọi cách triệt tiêu các đảng phái có khuynh hướng theo “Chủ Nghĩa Dân Tộc” để giành quyền lãnh đạo độc tôn. Ngay cả việc ký với chính phủ Pháp các Hiệp ước sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946  rất bất lợi cho nền Độc lập của nước nhà, ông Hồ Chí Minh vẫn tiến hành để có thêm thời gian thanh toán nốt các thành phần không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản.

Thời gian đó người ta sợ nhất hai tiếng “việt gian” — Ai không ủng hộ Việt Minh là “việt gian”; cũng như sau năm 1975 người ta sợ hai tiếng “phản động” — Ai không theo “cách mạng” là “phản động”… Bị gán vào người mấy chữ “việt gian-phản động”, sớm – muộn gì cũng bị loại trừ — không bị thủ tiêu cũng bị tù đày …

Đó là nguyên nhân gây nên phân hóa và hận thù giữa những người cùng chung huyết thống.

Các đảng phái theo khuynh hướng lấy “Quốc Gia Dân Tộc” làm gốc cùng những người không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản đã đứng chung một chiến tuyến, vừa đánh thực dân để giành độc lập vừa chống lại sự bành trướng của cộng sản.

Trong tình huống đó, các đoàn thể chính trị thành lập Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia Liên Hiệp (gồm Cao Đài, Hòa Hảo, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng …)  ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại đàm phán với Pháp về nền độc lập của VN. Qua nhiều cuộc đàm phán, cuối cùng Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và Cựu Hoàng Bảo Đại ký Hiệp Ước Elysée xác nhận nền độc lập của VN vào ngày 8-3-1949. Quốc Gia Việt Nam được thành lập, cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc Trưởng; Quốc kỳ là cờ vàng ba sọc đỏ; Quốc ca là bản “Thanh Niên Hành Khúc” của Lưu Hữu Phước. Sài Gòn được chọn làm Thủ Đô.

Vậy sau năm 1945 nước Việt Nam có ba lần tuyên cáo Độc lập – Ngày 11-3-1945; Ngày 2-9-1945; Ngày 8-3-1949 – Nhưng không lâu sau đó, đất nước ta lại đi vào con đường lệ thuộc ngọai bang, và rồi đưa đến những cuộc chiến tranh  huynh đệ tương tàn. Đó là nỗi đau của dân tộc !!!

Người già ngừng một chút rồi tiếp tục với giọng trầm buồn:

“Cháu nên nhớ trước năm 1945, nước ta có nhiều đảng phái, hoạt động song hành và cùng hướng về một mục đích là giành lại độc lập cho nước nhà chứ không chủ trương tiêu diệt lẫn nhau.

Từ khi hình thành nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, được Liên Xô, Trung Cộng và các nước cộng sản Đông Âu công nhận; rồi Quốc Gia Việt Nam ra đời, được 51 quốc gia trên toàn thế giới công nhận, Tổ quốc Việt Nam đã chia thành hai mảnh — Một mảnh bị lấp dưới bóng cờ “búa liềm”, để tiến lên “Thế gìới đại đồng” — Một mảnh che khuất dưới bóng “cờ hoa”, hướng về “Tự do Dân chủ”.

Cũng từ đây, những “xảo diệu” của ngôn từ chính trị được khai thác đến tột đỉnh để kích động lòng yêu nước, nào là:  “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” , hay “ Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc (lời của TT Kennedy)…”. Rồi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản tranh giữ “độc quyền yêu nước” — Họ đã nhân danh vì “ Độc Lập – Tự Do” mà bắt hằng vạn…vạn người phải tuân theo, nếu không sẽ bị thủ tiêu, tù đày…

Sau chín năm kháng chiến gian khổ, ngày 20-7-1954, một hiệp định đình chiến được ký kết tại Genève (Geneva) trong sự giàn xếp và áp đặt đầy mưu đồ của các cường quốc với sự thỏa thuận của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Đây là một hiệp định đã gây nên thảm họa lâu dài cho dân tộc Việt Nam – Lãnh thổ bị phân chia – Gia đình bị ly tán –Tình tự dân tộc  tiêu tan — và rồi cả hai miền Nam – Bắc đều mất nền tự chủ để cho các thế lực ngoại bang lợi dụng, tranh giành ảnh hưởng trên xương máu của đồng bào ta qua các cuộc chiến tranh tàn khốc sau này.

Nghe nói sau khi ký kết, phái đoàn của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do ông Phạm Văn Đồng hướng dẫn đã ôm nhau khóc …Không hiểu họ khóc vì sung sướng hay vì tủi hận bởi Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Cộng thúc ép?… Còn Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, đại diện cho chính phủ Quốc Gia Việt Nam đã không ký vào Hiêp Định và cũng ra bờ hồ Geneva (Thụy Sĩ) ngồi khóc … Những giọt nước mắt này đã báo trước sự chẳng lành cho dân tộc VN.

Người trẻ ngắt lời:

“Nhưng theo Hiệp định Genève 1954 qui định chỉ hai năm sau sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước kia mà?”

Người già trầm ngâm nói tiếp:

“Tình hình chính trị Việt Nam và thế giới trong giai đoạn này rất phức tạp. Sử liệu rất nhiều, chú không trưng dẫn chi tiết từng trang sử, điều đó cháu có thể tìm đọc các nguồn tài liệu từ hai bên Quốc Gia và Việt Cộng và cả lịch sử thế giới với sự tỉnh táo và đối chiếu cháu sẽ hiểu lý do tại sao.  Ở đây chú chỉ nói lên  thân phận đau buồn của một dân tộc nhược tiểu.”

                     Sau đệ nhị thế chiến, thế giới phân thành hai cực: Thế giới “Tư Bản tự do”, đứng đẩu là Mỹ, Anh, Pháp, và “Cộng Sản chuyên chính”, đứng đầu là Nga, Tàu. Hai thế lực này ra sức tranh giành ảnh hưởng ở các nước chậm tiến hay đang phát triển, đồng thời họ thi nhau chạy đua vũ trang. Người ta gọi đây là”thời kỳ chiến tranh lạnh”.

                     Nước Việt Nam ta nằm vào vị thế chiến lược quan trọng trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Khối cộng sản Nga Tàu muốn dùng Miền Bắc làm bàn đạp để “xích hóa” các nước trong vùng ĐNA, nên thúc đẩy Bắc Việt làm đội quân tiên phong dưới chiêu bài “Giải phóng dân tộc” để phản công Tây Phương… Còn phe Tư Bản quyết ngăn chặn làn sóng xâm lăng của cộng sản với học thuyết Domino. Miền Nam VN được xem như quân cờ đầu trong ván bài Domino. Nếu Miền Nam VN lọt vào tay cộng sản sẽ kéo theo sự sụp đổ ở các nước ĐNA. Thế là Miền Nam VN trở thành “Tiền đồn của Thế giới Tự do”. Học thuyết này được Mỹ áp dụng trong nhiều thập niên kể từ thời TT Dwright D. Eisenhower cho đến khi Mỹ bắt tay được với Trung Cộng.

                    Từ ngày anh “bộ đội Cụ Hồ” dùng súng của Nga Tàu đi đánh “anh lính Cộng Hòa” đang ôm súng Mỹ giữ vững “Tiền đồn của Thế giới Tự do”, một luồng  tư tưởng mới “thổi” vào cả hai miền Nam Bắc Việt Nam mà tiếng “thời thượng” gọi là “chiến tranh ý thức hệ”. Các nhà bình luận thời sự chính trị thi nhau “kháo” — Các tay bồi bút thi nhau “khích”: Hãy xả thân vì nghĩa vụ Quốc Tế vô sản; hay, chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ Tiền Đồn Thế giới Tự do. Trong khi nghĩa vụ thiết thân đối với DÂN TÔC ít khi được nhắc đến …

                       Bất hạnh cho dân tộc Việt Nam là đã có những lãnh tụ “say men quyền lực”. Cho nên đã bị các cường quốc lợi dụng. Từ chiến tranh du kích đưa đến cuộc chiến tranh qui ước, biến quê hương ta thành nơi thử nghiệm vũ khí mới của hai phe Tư bản và Cộng sản, gây ra bao nhiêu thảm họa cho dân tộc VN …

                    Nói đến đây chú nhớ lại lời của một ông cụ ở Quảng Ngãi khi chú đi làm công tác tuyên truyền – Giải thích Hiệp định Paris.

                    Ông cụ bảo: “Người dân chúng tôi khổ lắm, ban đêm các ông trên núi về bắt dân chúng tụ họp nghe đường lối của “cách mạng”, rồi bắt dân chúng đóng thuế để nuôi đoàn quân đi “giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế vô sản”. Ban ngày thì ra đây nghe các ông nói chuyện chính trị “bàn tròn , bàn vuông …”. Nếu như ngoài Bắc đừng nhận chiến cụ của Nga Tàu; Miền Nam không có Mỹ viện trợ vũ khí thì đất nước này đâu có tang hoang, người dân đâu có chịu cảnh lầm than, chết chóc… Không có vũ khí ngoại bang, các ông chóp bu có tranh giành quyền tước đi đến chỗ xô xát thì bất quá cũng u đầu, sứt trán chứ  đâu đến nỗi bi thảm như thế này … Cần gì phải mang xác qua tận bên Tây, bên Tàu mà họp cho tốn kém, bảo mấy ổng về đây, về cái làng xa xôi hẻo lánh này cũng được, nghe dân làng nói chuyện phải trái để hòa giải với nhau… Lão già này cứ tưởng tượng nước Việt Nam mình giống như một gia đình có hai anh em, cha mẹ để lại một gia tài mà người nào cũng tham lam muốn hưởng trọn, sinh ra bất hòa, mấy ông hàng xóm thấy vậy xía vào gây thêm chia rẽ. Thế là anh em kiện cáo – đem ruộng , vườn bán cho ông hàng xóm, lấy tiền “cúng” cho mấy ông thầy kiện và quan tòa. Cuối cùng hai anh em đều te tua – trắng tay …”  

Người trẻ  ngắt lời, đặt câu hỏi:

“Người dân bình thường còn hiểu được như vậy, chẳng lẽ những nhà lãnh đạo chính trị không thấy được hay sao?”

“Có đấy!”  Người già trả lời, rồi ông nói tiếp:

“Tết Nguyên Đán Năm 1963, “Cụ Hồ” đã nhờ Đại sứ Ấn Độ trong Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến mang tặng “Cụ Ngô” hai cành đào với thiệp chúc Tết. Nhiều người suy luận rằng Cụ Ngô đã thấy trước chiến tranh sẽ đem đến tai họa cho dân tộc, nên không đồng ý cho quân tác chiến của Mỹ vào Miền Nam VN. Lòng yêu nước , thương dân chân thành của Cụ Ngô làm Cụ Hồ ngưỡng mộ — tặng hai cành đào…Có người lại nghĩ đây là “mưu thâm” của Cụ Hồ chơi “hiểm” Cụ Ngô – làm cho chính phủ Mỹ nghi ngờ quyết tâm chống Cộng của Cụ Ngô (?) …

Sau đó Cụ Ngô bị Mỹ tìm cách lật đổ và sát hại. Vậy xem ra Cụ Ngô là chiến sĩ đầu tiên đã hy sinh cho sự nghiệp “chống Mỹ cứu nước”. Trong một chúc thư Cụ Hồ có ghi lời “thương tiếc”.  Cụ Hồ sống thêm mấy năm nữa và chết già nhờ vào lòng trung thành với Marx, với Mao.

Hai Cụ đã đi vào lịch sử Việt Nam cận đại với nhiều ảnh hưởng lớn. Bây giờ một Cụ nằm trong lăng tẩm nguy nga, một Cụ nằm dưới nấm mồ hiu quạnh, không biết Hai Cụ có nhìn thấy cảnh chinh chiến điêu linh trong mấy chục năm trường mà con dân đã gánh chịu và giờ đây  có nhìn về quê hương VN đang điêu đứng trước nạn xâm lược của giặc Tàu?

Nói đến đây ông bạn già tỏ vẻ u buồn quay sang hỏi tôi:

“Ông là người có nhiều “ân oán” với cộng sản, họ nhốt ông bảy, tám năm trong “trại cải tạo”, vậy ông cho biết cảm nghĩ thế nào về việc dân chúng mình cứ chống đối và nguyền rủa những người cộng sản, như cháu nó vừa đặt câu hỏi.”

“Tôi chẳng oán hận gì về việc bị tù đày cả — Bên thắng hành hạ bên thua là chuyện thường tình … Tôi chỉ hận là họ dùng mọi thủ đoạn để cướp chính quyền, chiếm Miền Nam, nhưng rồi không  đem lại hạnh phúc cho toàn dân và đã làm cho đất nước suy đồi … Nhìn lân bang mà tủi hổ cho đất nước, cho dân tộc mình.”

Ông bạn già nổi nóng, mặt đỏ lên, gằn giọng hỏi tôi:

“Ông mà cũng dùng chữ “Bên thắng – Bên thua” à?. Những tiếng người ta “áp đặt” mà cứ dùng thành quen miệng rồi để thành “phản xạ”. Những ngày sau 75, rất thường nghe mấy tiếng “giải phóng”, “cách mạng”, “ngụy”… Dần dà những tiếng ấy ít thấy xuất hiện trên báo chí; dân chúng không còn dùng mấy tiếng đó để gọi người bên Quốc Gia hay Cộng Sản vì sự thực của lịch sử đã được phơi bày cho họ HIỂU và thực trạng xã hội đã cho họ THẤY…”

“Bây giờ thì đẻ ra chữ “Bên Thắng Cuộc”- Thắng “cái con mẹ gì” — Ông vạch cho tôi thấy họ thắng ở chỗ nào? — Tôi chỉ thấy từ chết đến bị thương thôi…Vậy mà có người dùng chữ ấy trong văn nói và cả trong văn viết, thế mới lạ …”

Ông bạn già nổi cơn giận, nói năng  thoải mái và có thái độ hung hăng như hồi trẻ, còn đi học và hình như quên có thằng cháu trẻ ngồi bên cạnh. Tôi tìm cách hạ hỏa:

“Ý ông muốn nói đến quyển “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức chứ gì? Ông đã đọc hết chưa?”

“Đọc hết rồi – Cũng ba cái chuyện “thâm cung bí sử”- những thủ đoạn  lừa đảo hay khôn vặt của các tay lãnh tụ cộng sản – đúng sai thời gian sẽ trả lời. “Bố láo” là cái tên sách”.

Tôi thêm vào cho vui câu chuyện:

“Thì ông hay thích đọc những chuyện “thâm cung bí sử”. Nhớ cái thời trọ học ở Nha Trang, ông nhịn gói xôi điểm tâm buổi sáng để mua mấy tờ báo kể chuyện “ Đệ Nhất Phu Nhân”; có khi ông đọc say sưa quên cả học bài thi …Tôi nhớ năm đó ông “đội sổ”. Bây giờ y viết ra những điều ít ai biết, thế là gãi đúng chỗ ngứa của ông rồi …?”

“Y đọc lịch sử chưa “tới”, nên mới đặt tên sách “ bố láo “ như vậy, nhưng “bực” là nhiều người đã dùng chữ này của y mà không suy xét và còn gán thêm chữ “Bên thua cuộc”cho đối nhau”.

Nói đến đây ông già đẩy sang tôi xấp giấy photo copy, rồi tiếp:

“Ông đọc sẽ thấy “ai thắng ai “, “ai giải phóng ai” – Ai là “Bên thắng cuộc”.

Tôi liền bán cái:

“Ông đã đọc rồi thì giải thích cho mọi người nghe luôn.”

Ông già được thể, đổi thế ngồi, chiêu ngụm nước, vào đề:

“Ngày 30-4-1975, các anh “bộ đội Cụ Hồ” lái xe tăng ủi sập  cổng Dinh Độc Lập , cắm cờ MTGPMN trên nóc dinh “TT ngụy” thì ở Hoa Thịnh Đốn, Kissinger đã nhảy cửng lên, vươn hai tay hình chữ V, thét lớn : “chúng ta thắng rồi”… Thắng vì “xù” được 3 tỷ 2 tiền bồi thường chiến tranh. Nhưng đây mới chỉ là “Màn Thứ Nhất”; Màn kế tiếp là “mười năm cấm vận” làm cho Việt cộng “hụt hơi”…phải cầu cạnh Mỹ thì ai cũng thấy. Rồi Mỹ ra tay nghĩa hiệp cho VN vào WTO (World Trade Organization), TPP (Trans-Pacific Partnership), tình hữu nghị của hai nước Việt-Mỹ trở nên “thắm thiết” …”Thắm thiết” không phải vì “núi liền núi – sông liền sông” hay “môi hở răng lạnh” mà vì cái biển Thái Bình …Rồi nay mai “chúng nó” đánh nhau họ lại hô hào dân ta hãy “Vượt Trùng Dương đi cứu Biển” như trước đây đã kêu gọi thanh niên Miền Bắc “Vượt Trường Sơn đi cứu nước”.

Gần hai mươi năm quyết đánh cho “Mỹ cút, Ngụy nhào”, bao nhiêu sinh mạng đã bị vùi dập trên rừng Trường Sơn hay trong các làng mạc, phố phường Miền Nam, nay lại mời Mỹ trở lại,  Thế là “công cốc”- Giã tràng xe cát biển đông – Vậy không nói là “Vô Ích” thì dùng tiếng gì đây?”

Từ ngày Kissinger giả đò “đau bụng”(8-7-1971), trốn đám ký giả ở Pakistan, bí mật bay sang Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Ngày 28-2-1972, Thông cáo chung  Thượng Hải giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ra đời, số phận Việt Nam đã được định đoạt ..

Nhưng không phải đợi đến năm 1972, mà trước đó “sư phụ” của Mỹ, tướng độc nhãn Moshe Dayan, Bộ trưởng quốc phòng Do Thái đã đến Việt Nam xem xét tình hình, rồi khuyến cáo – “Muốn thắng cộng sản, phải để cộng sản thắng trước trong cuộc chiến tranh này”. Sau này “đệ tử” Kissinger có lẽ nghe theo lời khuyến cáo đó, đã bằng đủ mọi thủ đoạn triệt tiêu VNCH.

Lẽ ra từ 1968 trở đi không cần phải mất hằng triệu sinh linh như đã xảy ra, nhưng các người lãnh đạo Mìền Bắc vẫn tiếp tục đưa cán bộ, bộ đội “đi B” (vào chiến trường Miền Nam) để rồi một số vĩnh viễn không trở lại với ánh sáng mặt trời …Còn Miền Nam phải chống trả nhiều cuộc tấn công  — Tết Mậu Thân , Quảng Trị, Bình Long-An Lộc … Nghĩ  lại, người VN nào mà không thấy xót xa về Tết Mậu Thân, cho một Đại Lộ Kinh Hoàng, cho Mùa Hè Đỏ Lửa  (theo tiếng của Phan Nhật  Nam) và những trận “mưa bom” trên đất Bắc.

Nếu như những người lãnh đạo hồi đó sáng suốt thì máu của con dân VN đã không đổ ra cho một cuộc chiến tranh “KHÔNG CẦN THIẾT” như  vậy …

Ông già chỉ vào xấp giấy copy bảo tôi:

“Ông đọc các hồ sơ này sẽ thấy dã tâm của  cường quốc và thân phận người dân xứ nhược tiểu… — Trong cuộc chiến hai mươi năm, cả hai Miền Nam – Bắc nhận súng đạn của chúng (các cường quốc) đánh nhau đến “trời long đất lở”… Đến khi chúng chán cái màn “tọa sơn quan hổ đấu” — Chúng quay sang thương lượng, mặc cả trên xương máu và sự đau khổ của dân tộc mình”.

Ông già với giọng đầy phẩn uất, tiếp tục nói:

“Ông xem Chu Ân Lai và Kissinger đã bàn thảo, định đoạt số phận của Việt Nam như thế nào — Khi Hoa kỳ và Trung Cộng bắt tay nhau việc đầu tiên là giải quyết chiến tranh Việt Nam trên căn bản “Hai bên đều có lợi” — Phía Hoa Kỳ có nhu cầu rút quân trong “danh dự”. Thế nào gọi là “rút quân trong danh dự”? – là “phải có thời gian vừa đủ”(decent interval) sau khi Mỹ rút quân, nghĩa là phải để Miền Nam sống còn một thời gian. Trung Quốc phải kềm chế Hà Nội, không để cho Hà Nội tiến hành cuộc xâm lăng Miến Nam sớm hơn dự định. Cho nên Chu Ân Lai đã đề nghị với Lê Duẫn thôi nhận viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc sẽ “viện trợ trọn gói”, nhưng kinh nghiệm đau thương của hiệp định Genève, Lê Duẫn không theo lời “bảo” của Chu Ân Lai vẫn tiếp tục nhận viện trợ của Nga. Còn nhu cầu của phía Trung Quốc là được làm chủ tình hình ở VN, Hoa kỳ không được can thiệp vào. Hai bên cam kết “nước sông không phạm nước giếng” (nói theo kiểu chuyện kiếm hiệp của Kim Dung)”.

 Họ (HK và TQ) đã giữ lời hứa, cho nên khi B-52 Mỹ dội bom xuống Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 18-12-1972 đến 29-12- 1972 — Mỹ gọi là chiến dịch Linerbacker II (Linerbacker I, thực hiện hồi tháng 5-1972 để xem khả năng phòng không của Bắc Việt) để cảnh cáo Lê Đức Thọ, trưởng phái đoàn Hòa đàm Ba Lê “cái tật vừa đánh vừa đàm”, bỏ hội nghị (15-12-1972) về Hà Nội không hẹn ngày trở lại, làm cuộc hòa đàm bế tắc. Mười hai ngày đêm oanh tạc đã gây thiệt nặng nề cho Bắc Việt (thật ra chỉ có 11 ngày, vì Mỹ ngừng dội bom ngày Giáng Sinh), vậy mà “đàn anh” Trung quốc quên cái “Nghĩa vụ quốc tế”, chẳng có hành động cụ thể nào để cứu “đàn em” đang te tua …”

Và sau này Hoa kỳ đã “đáp lễ” trong vụ “Hải chiến Hoàng Sa”. Họ đã làm ngơ, quên đi những “cam kết với đồng minh”, để cho tàu Hải quân VNCH đơn phương đánh lại tàu Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều, đang tiến chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong khi Hạm Đội 7 của Mỹ đang hoạt động bao vùng ở gần đó. Như vậy là “nước sông không phạm nước giếng” — Mỹ để cho Trung Cộng tự do hành động.

Đọc mấy trang hồi ký của Khrusov, cựu Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô, mới thấy cái “đểu”của các cường quốc đối với các nước “nhược tiểu chư hầu”. Y nói: Nếu như Nixon tiếp tục oanh tạc vài ngày nữa, Mỹ sẽ làm chủ bầu trời Miền Bắc, vì không còn hỏa tiễn SAM để hạ máy bay B-52, Hà Nội sẽ đầu hàng. Nhưng Nga cũng khuyến cáo Mỹ chớ đi quá xa, hành động “vừa đủ” để khuất phục Hà Nội thì Nga sẽ không gởi thêm hỏa tiễn SAM và sẽ giúp Mỹ giải quyết chiến tranh VN. Mỹ đã hành động “vừa đủ”- Ngưng ném bom – Lê Đức Thọ đã trở lại Paris ký kết Hiệp định theo điều kiện của Mỹ về vấn đề tù binh … Y còn tiết lộ thêm, Nga cũng chỉ viện trợ cho Bắc Việt “vừa đủ” để chống lại các vũ khí tối tân của Mỹ.

Báo chí Hà Nội loan tải rằng đã thắng Mỹ trong trận chiến “Điện Biên Phủ Trên Không”. Xem ra thì chẳng khác nào mấy anh chàng ngồi đáy giếng xem “chúng nó” chơi trò “điện tử” trên không. Vì khi phóng các hỏa tiễn SA-4, SA-5 lên máy bay B-52 đều có chuyên viên Nga cố vấn kỹ thuật …chứ “o du kích” mò mẫm khẩu súng ba càng “bóp cò” vài cái thì làm sao đạn tới được B-52…?.

Bây giờ ông già có vẻ bình tỉnh hơn, chua chát nói:

“Bên nhận được viện trợ cũng chết – Bên không nhận được cũng chết… Cả dân tộc ta đều chết !!!”

“Đấy cháu xem, anh “lính Cộng Hòa”, trong đó có ba cháu,  bao nhiêu năm ôm súng của Mỹ, bảo vệ “tiền đồn” cho Thế giới Tự Do. Đến khi Mỹ bắt tay được với Trung cộng  — bàn cờ chính trị thế giới được sắp lại, vai trò anh lính cộng hòa không còn cần thiết nên không nhận được viện trợ. Bấy giờ anh chỉ mong “đủ đạn”… để bảo vệ mảnh đất quê hương, không để Miền Bắc tràn vào. Nhưng nào có được, anh bàng hoàng theo lịnh “buông súng đầu hàng…”

Còn anh “Bộ đội Cụ Hồ”, nhận được viện trợ dồi dào từ phía Nga Tàu- Súng đạn ê hề tha hồ mà bắn – bắn vào anh lính Cộng Hòa, bắn vào thành phố, tấn công vũ bão, khói lửa tơi bời  … Nhưng “Anh Ba” (Ba Tàu) ghi sổ từng viên đạn, từng bánh lương khô v…v…Chiếm xong Miền Nam “Anh Ba” bắt đầu tính sổ đòi nợ; không trả nổi “Anh Ba” lấy đất, tước đảo, giành biển và bắt buộc theo những điều kiện Anh Ba đề ra…Kèn cựa – cự nự. Anh Ba “Dạy cho một bài học” (chiến tranh biên giới Hoa Việt 1979).

 Cái hệ lụy của 2 cuộc chiến tranh kéo dài đến nay vẫn chưa dứt, bởi vì chính phủ Hà Nội lệ thuộc và vay mượn quá nhiều vào Bắc Kinh trong 2 cuộc chiến tranh đó. Lê Duẫn, tổng bí thư đảng cộng sản VN đã từng tuyên bố:  “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc”.

Người trẻ trầm ngâm rồi phát biểu:

“Vậy “mất” nhiều mà “được” chẳng bao nhiêu?”

“Ừ!  Được “một” mà mất “mười” — Đảng cộng sản giành được quyền thống trị — một số đảng viên được hưởng lợi – trở nên giàu có … Còn Nước thì mất đất, mất đảo, mất biển; Dân thì mất tự do dân chủ…”

Khi tàn cuộc chiến “anh lính Cộng Hòa” te tua trong các trại tù “cải tạo” hay lưu lạc nơi đất khách quê người … Còn “anh bộ đội Cụ Hồ” sau khi “giải phóng” Miền Nam được thân nhân di cư vào Nam từ năm 1954 tặng cho cái “đổng”, cái “đài”, rồi cũng trở về với ruộng đồng lam lũ … Ở thành phố Sài gòn, người ta thấy bên này đường anh thương binh bộ đội Cụ Hồ bày “đồ nghề” ngồi vá lốp xe đạp – Bên kia đường anh thương binh lính Cộng Hòa vêu vao ngồi đợi khách sau “tủ” bán thuốc lá lẻ. Ở Hà Nội, có những “anh hùng Điện Biên” ngày nào, bây gìờ tất tả đạp xe từ ngoại thành, đèo theo những bó rau muống vào bán cho khách ở chợ Đồng Xuân. Càng nói càng thấy đau lòng …

Cho nên chớ có cường điệu “Bên thắng-Bên thua” trong cuộc chiến Quốc- Cộng vừa qua. Đây là cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” do các cường quốc “áp đặt” thông qua những những người lãnh đạo VN “say men quyền lực” làm cho đất nước ta tang hoang, dân tộc ta điêu đứng …

Phải “thấy” trong mấy mươi năm qua Dân tộc Việt Nam đã “THUA TO” trong “canh bạc chính trị thế giới”.

Phải “nói”  Hoa Kỳ và Trung Quốc đã “THẮNG” trong cuộc chiến tranh này. Chúng ta — cả hai Miền Nam — Bắc đều “THUA”. Phải xóa bỏ cái “ảo tưởng chiến thắng” và cái “mặc cảm chiến bại” mà cùng nhau xây dựng lại quê hương để mong theo kịp với các lân bang …

Chớ “cường điệu” mà tạo nên sự “hãnh tiến vô lối”. Nó chỉ khơi thêm “niềm đau dân tộc”…

Nên “hiểu” đảng phái từ dân tộc mà ra – Đảng phái có thể đổi thay-không tồn tại. Nhưng Dân tộc sẽ trường tồn. Cho nên phải đặt quyền lợi Dân Tộc lên trên hết thảy …

Đừng mơ tưởng “một thế giới đại đồng” hay tin tưởng vào những cam kết của “đồng minh”… Không một Quốc gia Dân tộc nào cống hiến quyền lợi của mình cho một xứ sở khác mà không có đìều kiện.

“Bác ái và tình thương” chỉ tìm thấy nơi tôn giáo. Chớ có đi tìm nó trong chính trị … Cho nên nuôi dưỡng ý chí “tự lực-tự cường”; giữ gìn thể thống Quốc Gia và tự ái Dân Tộc để khỏi hổ thẹn với tiền nhân và không để lại tủi nhục cho con cháu …

Phải thấy những khuyết điểm, sai lầm của người đi trước để rút kinh nghiệm mà điều chỉnh hành động ở đời này và khuyên bảo những thế hệ mai sau ….

Người xưa đã nói: “Người thầy thuốc sai lầm giết chết một bệnh nhân; người làm chính trị sai lầm hủy diệt một dân tộc; người làm văn hóa tư tưởng sai lầm sẽ thui chột một vài thế hệ”.

Buổi chiều mùa Thu, ngồi nghe một già, một trẻ bàn chuyện chính sự, tôi thấy lòng buồn rười rượi … Nhìn những chiếc lá vàng lìa cành và biết nó sẽ trải qua mùa đông băng gíá rồi sẽ tan vào lòng đất…  Mùa Xuân đến cũng từ nơi lá rụng sẽ nẩy chồi, thay lá mượt mà hơn. Bỗng dưng tôi liên tưởng đến những biến chuyển chính trị của nước nhà …Thế hệ già nua, giáo điều nên ra đi để thế hệ trẻ viết nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt.

Tôi tin tưởng và hy vọng rồi sẽ như thế …

Lê Đức Luận

Views: 450

Vai Trò và Thành Quả của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh

Gs Cao Thị Lễ

hocvien qghc tqt

Tôi được may mắn vừa là sinh viên vừa là nhân viên giảng huấn của Học Viện. Ngoài ra, tôi còn có được kinh nghiệm học và giảng dạy tại đại học Hoa Kỳ. Với những kinh nghiệm nầy, tôi xin cố gắng trình bày sau đây những suy nghĩ của tôi về vai trò và thành quả của ngôi trường thân yêu của chúng ta, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.

 Bài nầy gồm 3 phần :

  • Việc đào tạo công chức cao cấp trước ngày thành lập Trường Quốc Gia Hành Chánh.
  • Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
  • Vài ý kiến về Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
I- Việc Đào Tạo Nhân Viên Hành Chánh Cao Cấp Trước Ngày Thành Lập Trường Quốc Gia Hành Chánh năm 1952.

(Phần nầy được viết theo  tài liệu biên khảo của Giáo Sư Trần Văn Binh đề ngày 25 tháng 2 năm 1992)

Trước khi Pháp trao trả nền độc lập cho Việt Nam vào năm 1948, công chức cao cấp của nền Hành Chánh Đông Dương gồm 2 ngạch :

a- Ngạch Âu : gồm có Tham Biện (Administrateur des Services Civils) và Chủ Sự (Chef de Bureau des Services Civils).

b- Ngạch Đông Dương: gồm các tham tá (commis).

Tham Biện được tuyển chọn bằng 3 cách:

  • sinh viên tốt nghiệp trường Pháp Quốc Hải Ngoại (Ecole de la France d’Outremer).
  • chuyển từ ngạch Biên Tập Viên (Redacteur des services civils) có bằng cử nhân luật, văn hay khoa học.
  • qua một cuộc thi tuyển vào ngạch phó tham biện hạng 3. Kỳ thi nầy dành cho nhân viên phó tham biện hạng 1 (Ngạch Phó Tham Biện bắt đầu từ hạng 1, cao nhất là hạng 3).

Ngạch Tham Tá (commis) được tuyển dụng từ các sinh viên tốt nghiệp trường Pháp Chính Hà Nội hay qua một kỳ thi chuyên nghiệp dành cho các ứng cử viên có bằng tú tài hay thơ ký với 6 năm thâm niên công vụ.Đọc tiếp…

Views: 889