Khía Cạnh Luật Pháp Việt Nam Về Vấn Đề Công Đoàn Và Tham Nhũng

Nguyễn Bá Lộc

Công nhân Công ty Pouchen VN tràn xuống đường đình công 24/3/2018 ( ảnh BBC News )

Trong lãnh vực kinh tế xã hội, VNCS vi phạm nhân quyền rất trầm trọng và không suy giảm trong thời gian gần đây.  Hai vấn nạn nghiêm trọng của  nhân quyền về mặt kinh tế xã hội là quyền công nhântham nhũng. Hậu quả của hai vấn nạn nầy có liên hệ chặc chẽ đến đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người dân và của cộng đồng quốc gia. Đây là vấn đề rất rộng lớn, tôi chỉ nêu ra ở đây khía cạnh pháp lý và sự thực thi luật pháp VNCS trong thời gian gần đây của vấn đề nầy.

Mặt khác, quyền công nhântham nhũng còn là hai trong những điều kiện bắt buộc qui định trong các hiệp định mậu dịch quốc tế thuộc loại mới , có tầm mức rất quan trọng mà VN cam kết và thực hiện trong năm 2020 và 2021, vì hội nhập kinh tế toàn cầu là con đường ưu tiên số một của VN để phát triển kinh tế.

Mục đích và vai trò của luật pháp CS là để bảo vệ đảng và ổn định đảng, chớ không phải là giúp cho người dân và xã hội được an toàn, công bằng và phát triển. Cho nên luật pháp XHCN có nhiều khác biệt và mập mờ từ việc làm luật lệ tới việc thi hành luật.

Dưới đây là tóm tắt vài khía cạnh luật pháp VN về hai vấn đề công đoàn và tham nhũng.

I. LUẬT LỆ VỀ CÔNG ĐOÀN

1. Sự thay đổi và cải sửa Luật Lao Động 2019

Luật Lao động VN , từ hàng chục năm trước có rất nhiều khuyết điểm và không giống với luật tại nhiều nước có dân chủ tự do. Nay dưới nhiều áp lực quốc tế, luật lao động được thay đổi hồi tháng 11- 2019, và có hiệu lực từ tháng giêng – 2021. Luật gồm 17 chương và 219 điều khoản, qui định nhiều thứ và sửa đổi hay bổ sung một số điều. Trong đó có qui định về một loại công đoàn mới.

 Đạo luật mới về công đoàn qui định bởi điều 170 “mọi công dân có quyền gia nhập công đoàn”. Công đoàn là một trong những quyền quan trọng của công nhân mà từ trước tới nay do đảng CS nắm giữ và điều hành phục vụ mục tiêu chánh trị của đảng. Đó là Tổng Công Đoàn Lao Động VN trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ). Nó không phục vụ công nhân. Chẳng những quyền lợi chánh đáng của công nhân không được bảo vệ mà CSVN còn đàn áp công nhân hay tổ chức bảo vệ công nhân dưới nhiều hình thức , trong đó có việc lạm dụng luật lệ hình sự để hù dọa và đàn áp công nhân.

Đồng thời khi ban hành Luật Lao động mới nầy, VN phê chuẩn ba điều khoản quan trọng của Công Ước Lao động thế giới (ILO) vào tháng 8-2019 mà VN có gia nhập công ước quốc tế từ nhiều năm trước. Đó là điều 87 qui định về công đoàn độc lập, nhưng tới 2023 mới có hiệu lực, điều 98 qui định về chống lao động cưỡng bức, có hiệu lực vào năm 2022, và điều 105 qui định về quyền thương lượng tập thể có hiệu lực từ 2021.

Dù có chút tiến bộ, nhưng Luật Lao động 2019 hãy còn lờ mờ, chưa đầy đủ, nhất là qua giai đoạn thực thi sẽ có khá nhiều khó khăn, và sự tranh đấu cho quyền lợi công nhân còn phải tiếp tục. Bây giờ thì còn quá sớm để có nhận xét đầy đủ về việc thi hành luật mới. Nhưng công nhân và những người hoạt động cho sự độc lập và sự chân chính của công đoàn cần theo dõi và tiếp tục tranh đấu để nó phù hợp với luật quốc tế. Đặc biệt là hai HĐ mậu dịch mà VN có ký là CPTPP (2019) và EVFTA (2020). Năm qua, VN cũng có đưa ra Nghị định 145 ngày 13-12-2020, chi tiết hóa Luật Lao Động 2019.

Theo yêu cầu và qui định bắt buộc của cả hai HĐ nói trên, VN phải thay đổi luật lao động và sự tương quan giữa luật lao động và lợi ích kinh tế quốc tế.

2. Luật về công đoàn mới còn thiếu sót và sự thực thi còn khó khăn

Liên quan tới công đoàn, có ba điểm chánh nêu lên ở đây là:

Tính cách độc lập và tự do trong thực hiện công đoàn mới. Theo luật 2019 thì tổ chức công đoàn (Trade Union/Workers Union) được gọi là Ban đại diện công nhân (Representative of workers Organization) đ.170 .Trên nguyên tắc tại mỗi xí nghiệp, công nhân được tự do bầu Ban đại diện. Các Ban đại diện chỉ được thực hiện ở cấp cơ sở, tức là xí nghiệp. Không có nói đến Ban đại diện sẽ được tiến tới cấp cao hơn hay rộng hơn như Công đoàn, Tổng công đoàn.

Như vậy Tổng Công Đoàn Lao Động VN (TCĐ), theo luật cũ và là tổ chức của đảng vẫn còn rất mạnh. Đầu tiên là tổ chức nầy bao trùm cả nước và cả các ngành. Khi đó thì BĐD theo luật mới rất nhỏ, chỉ ở cấp cơ sở, bên cạnh một tổ chức rất lớn và được chánh quyền cung cấp tài chánh và nhân sự, như vậy BĐD làm sao có một sức mạnh khả dĩ nào để bảo vệ quyền lợi công nhân cách trung thực. Ngoài ra, tại mỗi xí nghiệp chánh quyền có thể thỏa hiệp với chủ nhân bổ nhiệm một cán bộ công đoàn, hay vẫn còn công đoàn cũ của đảng, và xung đột có thể xẩy ra. Chánh quyền lại có cơ hội chụp mũ.

Một thực tế khó khăn nữa là TCĐ thì đi từ trên xuống. Trong một số văn kiện của chánh phủ ghi “cấp cao của BĐD là thuộc cấp của TCĐ ở quận hay tỉnh (trong điều khoảng về biểu tình). Còn BĐD thì đi từ dưới lên nếu sau nầy có một Liên đoàn công nhân độc lập tương đối mạnh và chánh quyền đồng ý thì mới có thể tiến lên cấp cao.

Vai trò và sách lược của chánh quyền. Trong chế độ độc tài toàn trị thì đảng phải nắm lực lượng công nhân. Điều nầy ai cũng biết rõ sự kềm kẹp công nhân trong hơn 50 năm qua, mà ở bên Tàu cũng vậy thôi. Vấn đề đặt ra bây giờ là, thế giới biến đổi, VN phải biến cải. Dưới áp lực của quốc tế nhất là từ các nước tự do dân chủ có đối tác với VN. VN phải thay đổi để có quyền lợi kinh tế. Lần nầy chỉ là bước đầu. Và còn nhiều điều phải cải sửa nhân quyền, tự do dân chủ. Trong đó có công đoàn độc lập.

Có một số điều chánh quyền VN hứa sẽ làm, có một số vấn đề chánh quyền nầy không dễ dàng để làm.

Những qui định chi tiết hóa, như VN hứa sẽ có văn kiện thực hiện Ban Đại Diện (BĐD) vào cuối 2020. Nhưng nay chưa thấy. Theo luật thì BĐD chỉ đăng ký. Nhưng chánh quyền Tỉnh phải được chấp thuận. Như vậy có ý là danh sách phải thông qua. Cán bộ công đoàn tại cơ sở do TLĐ phối hợp chủ nhân lựa ra và vẫn sinh hoạt. TLĐ sẽ nắm các BĐD công đoàn cơ sở như thế nào? Sẽ có những xung đột nào giữa công đoàn quốc doanh và công đoàn chân chánh?

Chánh quyền tìm cách ngăn chận các cuộc biểu tình theo luật mới. Thực sự qui định về biểu tình theo luật mới chỉ có một điểm khác là đình công do BĐD cơ sở hay Liên BĐD tổ chức, nhưng phải xin phép chánh quyền Quận hay Tỉnh cho phép mới được. Theo luật cũ thì muốn đình công phải do công đoàn thuộc TLĐ tổ chức. Và thực tế mấy chục năm không có cuộc đình công nào do TCĐ, mà tất cả đều tự phát (trên 7000 cuộc đình công trong khoảng 10 năm).  Do đó các cuộc đình công đều bị giải tán. Tương lai cũng còn nhiều khó khăn vì nếu không được chánh quyền chấp thuận thi sẽ không thực hiện chánh thức được. Và do đó sẽ có nhiều xô xát, và đàn áp với công an và nhiều người bị tù.

Tiếp theo là chánh quyền VN phải có văn kiện và cho phép thành lập các Ban Tư Vấn cho công nhân theo qui định của HĐ CPTPP và EVFTA. Cho tới nay chưa thấy thực hiện. Các Hội đoàn dân sự có được quyền tham gia vào các Tổ chức này. Và qua các Tổ chức, Hội đoàn chánh thức thì có tư cách liên lạc với các thành viên ngoại quốc có ký ước với VN.

Mặt khác còn phải chuẩn bị đối phó với nhiều cuộc đình công trong tương lai.

Sự phức tạp của “công đoàn mới” và thử thách cho công nhân . Đối với công nhân và các nhà tranh đấu cho công nhân thì sự cải sửa luật lao động kỳ nầy có một sự tiến bộ. Mà luật mới có cải sửa, nhưng phần lớn là các qui định thông thường của quyền lợi công nhân.  Tuy nhiên hãy còn nhiều điều quan trọng chưa đầy đủ. Như công đoàn độc lập thực sự, quyền đình công, và quyền thương lượng tập thể.

Trước hết, nên có văn phòng tư vấn cho công nhân để lo nhiều vấn đề trong đó việc đăng ký thành lập BĐD. Lựa chọn thành viên đúng đắn. Theo dõi và có thể can thiệp việc Công đoàn quốc doanh hoặc cán bộ Lao động của chánh quyền chen vào làm mất tính cách độc lập của BĐD công đoàn.

Các tổ chức tranh đấu cho công nhân ngay bây giờ cần nên theo dõi và góp ý với chánh quyền (theo nguyên tắc có được quyền nầy) về việc thành lập Ủy ban hòa giải lao động, gồm có 15 thành viên,  5 từ chánh quyền, 5 từ các tổ chức  nghề nghiệp, như tổ chức doanh nhân, phòng thương mại, Luật sư đoàn.. và 5 người từ BĐD công nhân. Như vậy phía chánh quyền và thân chánh quyền có tới 10 thành viên. công nhân ở thế yếu, chưa kể trường hợp thành phần đại diện từ công đoàn là từ TLĐLĐ cũ.

Các tổ chức bênh vực công nhân còn phải theo dõi sự thành hình Ban tư vấn từ Hội đoàn dân sự (HĐ CPTPP) và ban theo dõi sự áp dụng HĐ EVFTA  có tên “Domestic Adviory Groups, DAG”, từ các Hội đoàn phi chánh phủ theo như qui định của HĐ EVFTA.

Những cái lờ mờ thiếu sót là sự cố tình. Chánh quyền sẽ dùng nó như cái bẩy hay lợi dụng luật đồng ý cho có để thông qua với các quốc gia thành viên hay tổ chức quốc tế. Rồi sau đó tính sau.

Trên nguyên tắc luật lệ cũng như trên thực tế, quyền lợi công nhân hay công đoàn độc lập thật sự sẽ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là bước có tiến triển mới và công nhân hay các Hội đoàn dân sự thấy đây là cơ hội và cố gắng đẩy mạnh thêm các bước tới trong tương lai.

II. LUẬT LỆ VỀ THAM NHŨNG  

2020 Corruption Perceptions Index reveals widespread corruption is weakening COVID-19 response, threatening global recovery - Transparency International

Việt Nam xếp hạng thứ 104/180 quốc gia năm 2020 về tệ nạn tham nhũng

Tham nhũng tại VN là quốc nạn và bất trị.

Tham nhũng là một vi phạm nhân quyền nghiệm trọng. Vì sự tàn phá của nó không phải chỉ cho một số cá nhân mà còn cho cả nền kinh tế quốc dân. Sự độc hại của nó không phải chỉ về vật chất mà là sự hũy hoại những giá trị đạo đức cho nhiều thế hệ.

Theo World Economic Forum 09/12/2019 thì tham nhũng làm mất đi 2.26  ngàn tỷ mỹ kim  mỗi năm tại các nước đang phát triển. Mà VN là một trong 10 nước đứng đầu tham nhũng.

Ở VNCS vấn đề nầy được nói quá nhiều gần như nhàm chán. Song, trên phương diện bảo vệ giá trị con người, vấn đề còn phải được nêu ra, trên một góc cạnh nào đó. Hôm nay, tôi xin nêu ra đây một khía cạnh của tham nhũng ở VN. Đó là hệ thống luật lệ và việc thi hành luật lệ bài trừ tham nhũng trong gần đây, giai đoạn mà VN đã có những cam kết với quốc tế qua các Hiệp định mậu dịch.

1. Tóm tắt  luật lệ và chánh sách chống tham nhũng của VN

VN ký nhận vào Công ước quốc quốc tế chống tham nhũng (United Nation Convention against Corruption (UNCAC) vào năm 2003. Đây là một trong 19 Công ước quốc tế quan trọng chống vi phạm hình sự. Công ước nầy được đại Hội đồng LHQ thông qua tháng10-2003 và có hiệu lực ngày 14-12-2005.

Công ước nầy rất nhiều điều khoản mà các quốc quốc gia thành viên phải tôn trọng.

Trong các điều khoản đó có điều 13, nói về “sư tham gia của cộng đồng xã hội” (participation of the society). Theo đó các quốc gia thành viên phải khuyến khích và cam kết để cho các cá nhân và Hội đoàn dân sự tham dự vào công cuộc chống tham nhũng.

Nhưng mãi đến năm 2009, VN mới phê chuẩn Công ước và có hiệu lực từ 18-9-2009.

Điều 13 của công ước qui định chi tiết như sau: “Mỗi quốc gia phải có những biện pháp thích hợp, tùy theo phương tiện và nguyên tắc luật pháp của mình, vận động sự tham gia của các cá nhân và tập thể ngoài chánh quyền, như Hội đoàn dân sự (civil society), tổ chức phi chánh phủ (non-government organization), và tổ chức cộng đồng (community- based organization), vào việc ngăn ngừa và tranh đấu chống tham nhũng”.

Điều 13 của Công ước cũng còn có biện pháp khuyến khích sự tham gia của dân chúng như là gia tăng sự minh bạch trong tiến trình làm luật lệ, trong sự tiếp thu tin tức từ chánh quyền, giáo dục dân chúng về chống tham nhũng. Đó là các điều tổng quát cho mọi quốc gia.(Theo bài viết của Transparence International, Ensuring participation of society in corruption fight in Vietnam, do báo Vietnam Law đăng ngày 26/4/2016).

Còn với VN thì chánh quyền có làm trách nhiệm theo Công ước mà VN đã ký không?

Trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao VN gởi cho LHQ về việc thi hành công ước nầy có xác nhận VN  thi hành công ước theo sự phối hợp với Luật quốc nội của VN. Tức là linh động.

Năm 2005 VN ban hành luật và Nghị định 47 chi tiết hóa luật nầy về phòng chống tham nhũng (Anti corruption Law), và luật được bổ sung năm 2007 và 2012. Chương VI của luật nầy nói về “Vai trò và trách nhiêm của xã hội trong việc phòng và chống tham nhũng”.

Tuy nhiên, theo luật Phòng chống tham nhũng của VN thì trong điều nói về “sự tham gia của xã hội” (participation of society) thì thành phần xã hội mà chánh quyền cho tham gia gồm bốn thứ tổ chức: 1.Mặt trận tổ quốc, 2.Báo chí, 3.Hội đoàn kinh doanh và Hội chuyên gia.4.Ban kiểm sát  nhân dân (cấp địa phương). Bốn thành phần trên của luật VN thì không phản ánh đúng tinh thần công ước UNCAC. Sự thiếu sót quan trọng là các Hội đoàn dân sư (Civil society organization) và Hội đoàn phi chánh phủ (non-governmental organization) độc lập.

Như  một điều lờ mờ khác theo kiểu Luật XHCN là: Nghị định 47 chỉ nói các hội đoàn có qui định được quyền có ý kiến. Nhưng không nói rõ ý kiến có giá trị gì không hay chỉ góp ý cho vui. Thứ hai là không có sự bình đẳng giữa chánh quyền và các hội đoàn trong sự trao đổi ý kiến. Thứ ba là cái quyền và sự bảo đảm sự tham gia của Hội đoàn để chống tham nhũng, nhứt là sự bảo vệ người tố cáo tham nhũng, không rõ ràng, thiếu hướng dẫn, thiếu khuyến khích.

2.  Việc thi hành luật lệ bài trừ tham nhũng

Trên thực tế sự hành luật bài trừ tham nhũng có nhiều sai trái. Nó chánh yếu là để bảo vệ đảng, để dối dân và quốc tế, là sự thanh toán giữa các đảng viên, vì tranh giành quyền lợi và chức vị.

Theo báo cáo của cơ quan quốc tế, thì trong vài năm gần đây tình trạng tham nhũng không giảm, chỉ có một số vụ tham nhũng lớn bị xử phạt. Như chúng ta đã biết.

Trong thi hành luật điều 13 (sự tham gia của xã hội) gần như không thực tế, chỉ có bề ngoài, như phần lớn luật lệ XHCN. Luật lệ thành văn và sự thi hành luật là hai việc khác nhau.

Bốn “tổ chức gà nhà” được cho phép tham gia ý kiến nói ở trên, từ nhiều chục năm nay không thấy đã góp ý kiến gì đáng kể cho việc xây dụng và bảo vệ công nhân.  Mặt trận Tổ quốc Báo chí Hội nghề nghiệp như mọi người biết đều là đảng viên cao cấp .

Quốc Hội trong vai trò quan trọng là chống tham nhũng, cũng chỉ thỉnh thoảng có vài ý kiến chống các vụ tham nhũng, nhưng cũng chỉ nghe qua rồi bỏ.

Phong trào chống tham nhũng được đảng phát động mạnh mẽ trong vài năm qua  thì các vụ bị xử lý đều do đảng đưa ra. Không có vụ nào từ dân chúng hay Hội đoàn dân sự. Và theo luật đảng thì các viên chức cấp cao, Tổng trưởng, Bí thư tỉnh.. chỉ được thanh tra chánh phủ mở cuộc điều tra khi đảng cho phép.

Quyền được bảo vệ người tố cáo tham nhũng không được tôn trọng, mà còn ngược lại. Người dân sợ tố tham nhũng, vì sợ bị trù dập.

Những dự án lớn giao cho Trung cộng làm mà không có đấu thầu công khai gây thiệt hại hàng tỷ Mỹ kim.

Tình trạng tham nhũng hiện nay. Chúng ta biết tình trạng tham nhũng ở VN quá khủng khiếp. Và chúng ta cũng đã biết nguyên nhân chánh yếu của tham nhũng ở VN là từ bản chất và sự vận hành của chế độ CS.

Hệ quả nghiêm trọng của nạn tham nhũng về kinh tế và xã hội

Tham nhũng đưa tới hệ quả cực kỳ to lớn cho nền kinh tế và cả về mặt xã hội.

Theo các cơ quan quốc tế, mỗi năm nền kinh tế thế giới bị thiệt trên 1000 tỷ mỹ kim do tham nhũng.

Luật lệ về phòng chống tham nhũng ở VN quá nhiều và sự hô hào khẩu hiệu đánh tham nhũng cũng kêu to lên. Nhưng thực tế, mọi người cho rằng như các vở kịch thôi, không giải quyết được gì cả. Vì cái gốc sinh ra tham nhũng là từ chế độ .

Qua một số vụ tham nhũng lớn gần đây, một số rất ít trong quốc nạn nầy, chúng ta có thể biết hệ quả tham nhũng quá lớn trên nhiều mặt.

Vài thí dụ : Công ty quốc doanh Gang thép Thái nguyên, mất trên hai ngàn tỷ. Công ty MobiFone mất hơn ngàn tỷ. Đường xe lửa cao tốc Hà đông-Cát linh thiệt hại  trên 500 triệu đô. Xa lộ Đà nẳng-Quảng ngải mất mát gần ngàn tỷ…Và nhiều nữa như Khu đô thị mới Thủ thiêm, khu đất Cần giờ.. Nếu không bị tham nhũng số tiền quá lớn trên có thể làm được nhiều trường học, bịnh viện và cải tiến nông thôn.

Về việc thu hồi tài sản do tham nhũng trên thực tế quá ít. Mặc dù có bắt được một số tham nhũng, nhưng thực sự thu hồi theo luật, chưa đầy 20% trị giá tài sản cdo tham nhũng cướp đi. Như vậy phần lớn tài sản tham nhũng được chuyển ra ngoại quốc, hay nhập vào tích sản của các công ty sân sau của đảng viên cao cấp.

Trên bình diện quốc nội, tham nhũng còn là gây bất công kinh tế xã hội. Và tạo ra sự cách biệt giàu nghèo càng ngày càng lớn hơn nữa.

Trên bình diện quốc tế, tham nhũng to lớn đem lại hai hậu quả chánh là mậu dịch và đầu tư ngoại quốc bị giảm sụt. Mặc dù trong biến chuyển kinh tế thế giới ngày nay, VN có nhiều thuận lợi hơn cho sự thu hút đầu tư ngoại quốc. Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại quốc thường xem tham nhũng như là một trở ngại. Nhất là các công ty từ Hoa kỳ và Âu châu. Và bất cứ sự suy giảm nào về hợp tác kinh tế với Tây phương, đều có lợi cho TQ. TQ càng gia tăng mức độ hợp tác với VN thì tham nhũng càng tăng. Đó là vòng lẩn quẩn và thế kẹt của VN với TQ hiện nay.

Chúng tôi vừa trình bày rất tóm tắt hai vấn đề rất quan trọng mang lại nhiều tiêu cực nhất cho sự phát triển VN. Đó là vấn nạn công đoàn và vấn nạn tham nhũng. Dù có vài cải đổi. Nhưng nguyên nhân thay đổi không phải từ sách lược của CSVN, mà từ nhiều  loại áp lực từ bên ngoài.

Nhìn từ góc độ nào, từ một cảm nghĩ chủ quan hay khách quan, hoặc từ yếu tính lịch sử, thì VN cần phải thay đổi thật sâu rông.

Giờ thì lại một tháng tư thứ 46. Thời gian tương đối khá dài cho một chánh thể độc tài. Cái bản chất, mục tiêu và cách thức hành động căn bản là vẫn thế. Những cái không thay đổi là cốt lõi. Những cái thay đổi là cái vỏ ngoài. Những sắp xếp cứ 5 năm một lần, chỉ là một mô hình chánh trị mang tính hài kịch mà người dân không buồn xem.

Nhưng sự thay đổi theo lòng dân và con đường đi tới của dân tộc là không có gì cản được.

Vận mạng dân tộc đã có nhiều cay nghiệt trong quá khứ, nhưng mỗi lần như vậy không phải là một bế tắc sau cùng.

Nguyễn Bá Lộc

Cali , tháng tư thứ 46– 2021.

Views: 71

Thăm Lại Chiến Trường Xưa

Thơ Trần Văn Lương

 

Dạo:

Xưa tuôn máu giữa chiến trường,

Nay tuôn lệ giữa quê hương không còn.

Thăm Lại Chiến Trường Xưa

 

Từng bước lẻ ngập ngừng theo tiếng nạng,

Nắng xoay chiều, chập choạng bóng thương binh.

Đích viếng thăm bỗng xuất hiện thình lình,

Người chưng hửng, tưởng rằng mình hoa mắt.

     

Sửng sốt nhìn quanh quất,

Tự hỏi mình có thật đến đúng nơi,

Xưa kia đã một thời,

Mình chấp nhận xương rơi cùng máu đổ?

 

Mấy mươi năm gian khổ,

Lất lây kiếm sống ở đô thành,

Cố chắt bóp để dành,

Làm một cuộc du hành thăm chốn cũ.

     

Muốn tìm tới chỗ mình từng tử thủ,

Cùng bạn bè chống lại lũ Cộng quân,

Để giữ gìn lãnh thổ, bảo vệ dân,

Và đã bỏ một phần thân thể lại.

 

Nhờ ít mốc thiên nhiên còn tồn tại,

Mò mẫm ra nơi đóng trại năm nao,

Nhưng còn đâu bao cát, thép gai rào,

Cùng hệ thống giao thông hào phòng thủ.

     

Lặng cúi đầu ủ rũ,

Hình ảnh xưa vần vũ kéo nhau về.

Mắt khép hờ, vật lộn với cơn mê,

Ôn lại trận đánh mùa hè năm đó.

                       *

                  *          *  

Trời rực cháy, mênh mông màu lửa đỏ,

Giặc cùng ta đụng độ suốt đêm ngày,

Súng lúc nào cũng nạp đạn luôn tay,

Xác chết cứ chất đầy như rơm rạ.

     

Trận đánh cuối thật vô cùng vất vả,

Cộng quân đông gần gấp cả chục lần,

Dùng biển người, không ngần ngại thí quân,

Nhưng vẫn bị ta cầm chân từng phút.

     

Đạn lớn nhỏ hai bên giành nhau trút,

Máu đào loang như nước lụt mùa mưa,

Mình kiên trì chống cự, gắng cù cưa,

Cả đại đội chỉ còn chưa đến chục.

    

Bạn bè thi nhau ngã gục,

Viện binh may vừa gấp rút đến nơi,

Thêm không quân tới yểm trợ kịp thời,

Quân ta dẹp tan biển người của giặc.

                       *

                  *         *

Tiếng cãi vã xé toang màn nắng gắt,

Người giật mình mở mắt thoáng nhìn quanh,

Đâu đấy toàn chuyện dối trá gian manh,

Lòng chợt tiếc thời giao tranh chống địch.

 

Chiến trường cũ giờ thành nơi du lịch,

Chẳng còn gì là vết tích ngày xưa,

Dân tình nay cũng quen thói lọc lừa,

Chuyện đạo đức như chưa hề hay biết.

 

Trẻ đua đòi trắc nết,

Già mải miết ăn chơi,

Ngày mất nước tới nơi,

Không một lời thắc mắc.

               

Người uất ức, sắc mặt dần tái ngắt,

Muốn hét lên, nhưng vắt chẳng ra lời,

Ngực phập phồng, dòng đau đớn chợt khơi,

Buồn so sánh hai cảnh đời trái ngược.

     

Cán bộ với bọn Tàu tiền như nước,

Cậy thế cậy quyền, ngang ngược khắp nơi,

Trong khi dân kiếm cả mấy tháng trời,

Không bằng chúng xài chơi trong thoáng chốc.

 

Rồi cố nén nỗi sầu đang chực bốc,

Nhìn người già cực nhọc đạp xích lô,

Kẻ tật nguyền, gầy ốm tựa xương khô,

Ôm vé số co ro ngồi rao bán.

     

Nhưng khi thấy đám mang danh “tỵ nạn”,

Kéo nhau về nhan nhản, miệng huyên hoa,

Người thương binh không kềm được xót xa,

Khối tuyệt vọng vỡ oà trên nạng gỗ.

Trần Văn Lương (CH 8)

Cali, đầu mùa Quốc Hận 2021   

Views: 372

Mấy Bài Thơ Ngắn Tháng Ba 2021

Thơ Lê Văn Bỉnh

Chút Nụ Ngượng Ngùng

Mấy cành hoa đầu xuân

Chui trốn ngày tháng dài dịch lạnh

Hé chút nụ ngượng ngùng

 

Mắt Đỏ

Lệ em không đủ nhỏ

Cho quê hương đau khổ triền miên

Xem phim cho mắt đỏ

 

Tù Ngục Thêm

Người giam gữ đời em

Giờ đây đã ra đi vĩnh viễn

Em thấy tù ngục thêm

 

Lao Mình Vào Không Trung

Anh vội ra balcon

Trốn không khí trong phòng nghẹt thở

Lao mình vào không trung

 

Cội Nguồn

Lén qua Vườn Địa Đàng

Adam và Eva đang quấn quít

Ta thương yêu cội nguồn

 

Hạnh Phúc

Hạnh phúc trên cành cao

Như đôi chim giúp nhau rỉa cánh

Rồi vụt bay thật mau

 

Mắt Sáng hay Mù Lòa

Tám thập niên đã qua

Bước tới nghĩ lui đời nhanh chậm

Mắt sáng hay mù lòa

 

Tưởng Niệm

Chúng ta thường tưởng niệm

Những đồng đội anh dũng ra đi

Để thấy lòng khâm liệm

 

Lê Văn Bỉnh

tháng 3/2021

Views: 77

Hy Vọng Khởi Đi Từ Màu Đen

Nguyễn Quang Dũng

1.

Tháng 5 1981. Tôi và vợ cùng hai đứa con, một trai một gái, quyết định vượt biển, vượt thoát khỏi quê hương Việt Nam khốn khó đang sống ngột ngạt trong cuộc đổi đời dưới chế độ kiểm soát tù tội của chính quyền cộng sản từ phương bắc.

Đây là lần vượt biên thứ tư của gia đình tôi, ba lần trước đều bị bỏ rơi, phải trở về, may mắn là không bị bắt, cũng như chưa ra biển.

2.

Lần này, chuyến vượt biên thành công. Chiếc tàu nhỏ dùng chạy đường sông được sửa mủi tàu để có thể vượt sóng biển, thoát khỏi lòng sông ở cửa Cần Giờ, Long An, trực chỉ biển lớn.

Những người tổ chức của chiếc tàu vượt biên mang theo 60 người, mãi mấy ngày sau tôi mới biết, chỉ có một kế hoạch duy nhất là chạy ra hải phận quốc tế và tìm tàu lớn để mong được cứu vớt. Chúng tôi mất đúng năm ngày đêm chỉ để thực hiện được mục tiêu này: Chạy được tới hải phận quốc tế, tìm thấy được nhiều chiếc tàu hàng hải lớn. Nhưng duy chỉ là mỗi lần xả máy lại gần để cầu cứu thì những chiếc tàu sắt lớn này im lặng lừng lững bỏ đi, không hề quan tâm đến những dấu hiệu S.O.S của chúng tôi.

Ngày thứ sáu lênh đênh giữa biển khơi trong những cuộc đuổi bắt và cầu cứu vô vọng, tôi biết được từ người tổ chức là chiếc tàu nhỏ của chúng tôi đã gần cạn xăng dầu và nước uống. Sẽ phải ngưng lại việc rượt đuổi theo tàu lớn và nước uống sẽ được phân phối hết sức hạn chế .

Những mệt mỏi. lo âu và thất vọng hiện ra ở gương mặt mỗi người lớn. Những đứa nhỏ nằm la liệt trên sàn tàu, ói mửa, hốc hác…

Tối hôm đó. Biển động.

Trời đen.

Biển đen.

Những con sóng đen ngòm, với độ cao và độ nghiêng đến chóng mặt.

Lần đầu tiên trong đời, tôi ở trong lòng biển động, giữa trùng khơi sâu thẳm.

Tôi sống ở Nha Trang từ nhỏ. Biển vẫn là niềm vui và gần gủi trong đời sống của tôi. Khi lớn lên, hàng ngày trước khi đi học, tôi thường ra biển từ sáng sớm để ngụp lặn bơi lội trong làn nước xanh mặn mát ấm. Biển do vậy là những nỗi niềm thân thiết rất riêng tư của tôi. Tôi biết Biển có những lúc là Biển của hiền hòa yên tĩnh, cùng nhịp với tiếng gió thông reo hay ánh trăng đêm rằm nhẹ nhàng tỏa sáng mặt biển đêm. Tôi biết Biển có những khi gầm thét, hung dữ trong những ngày bão lớn với những con sóng xám đen cao ngất lừng lững từ xa chạy vào và đập vỡ tung bờ cát trắng.

Nhưng tôi chỉ mới biết Biển khi chân tôi đứng trên mặt đất yên ổn nhìn Biển cuồng nộ. Chưa một lần tôi cảm nhận được cái nhỏ bé mong manh đến không tưởng của chiếc tàu nhỏ  như một cọng rơm giữa biển đen sóng dậy. Không một chỗ tựa. Tôi nhìn thấy chung quanh tôi là biển nước đen ngòm hun hút đến tận trời xa đen thẳm. Biển động đang sắp sửa nhận chìm chúng tôi xuống đáy biển sâu!  Ý tưởng đó, sắc như con dao nhọn bén, đâm thẳng trong đầu tôi.

Sợ hãi ập tới. Như con sóng lớn đen ngòm kia đang ập tới, nhận chìm và chiếm ngự  tôi trọn vẹn. Không gì cản nỗi.

3.

Sợ hãi là một thứ tình tự lạ lùng và ma quái. Tôi nhận ra trong đời tôi, tôi có nhiều nỗi sợ linh tinh, thường là những dấu hiệu báo trước một loại hiểm nguy hay bất trắc nào đó tôi nhắc tôi nên tránh. Tôi gọi nó là sợ hãi nhỏ. Thường vì nhỏ nên chuyện vượt qua loại sợ này cũng là chuyện nhỏ.

Nhưng tôi cũng nhận ra sự hiện hữu của một thứ sợ hãi với mức độ và tầm cỡ kinh khủng, ảnh hưởng và tác động cùng lúc trên nhiều người. Thứ sợ hãi này liên quan đến những biến cố lớn trong đời sống mỗi người.  Và cũng thường tình, người ta dùng màu đen để diễn tả một cánh ngắn gọn nhưng đầy đủ về những biến cố mang tính phá hoại hay bi thảm này. Tháng Tư Đen chẳng hạn, tên gọi ngắn cho  biến cố 30-4-1975, nhận chìm hàng triệu người miền Nam Việt Nam trong bóng đen của sợ hãi, chết chóc và bi thảm trong thân phận những người thua trận và mất nước.

Trải qua và vượt qua biển nước mênh mông đen kịt tối hôm mưa gió đó, tôi nhận ra tại sao màu đen gắn liền với sợ hãi trong tôi bấy giờ:

Đơn giản bởi vì tôi sợ những gì tôi không hình dung, không thấy được.

Biển động ngoài trùng khơi xa thẳm hôm đó chỉ toàn là một màu đen.

Biển đen. Trời đen.

Trong bóng tối, tôi không nhìn thấy được gì ngoài màu đen. Và chính trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra tôi không là gì hết khi đem cái hữu hạn của tôi đặt trước cái vô cùng của trời đất. Những gì tôi biết, tôi thấy, không là gì hết trước khoảng không của hằng hà vô số những gì tôi không thể biết và không thể thấy.

Chỉ như vậy: Tôi sợ.

 

4.

Tháng 4 năm 2020, Tháng Tư Đen của cả thế giới.

Con vi khuẩn nhỏ nhưng với khả năng phá hoại khủng khiếp đã làm cả thế giới sợ hãi.

Cho đến nay, đầu năm 2021, hàng triệu người chết. Hàng triệu người bị lây nhiễm phải nhập viện và vất vả chiến đấu tồn sinh. Đời sống và sinh hoạt thường nhật bị xáo trộn đến cùng cực. Lệnh cách ly và hạn chế mọi sinh hoạt tụ họp hay sinh hoạt mang tính giao tiếp làm mọi người co rúm trong sợ hãi.

Cha mẹ con cái xa cách ông bà. Người yêu người không còn biểu hiện ở những xiết chặt của vòng tay ôm, không còn những nụ hôn gần gũi ngọt ngào, không còn những nụ cười vui. Không còn ai thấy ai. Tôi có cảm tưởng dường như những ngày tháng của Tháng Tư Đen 46 năm trước lại trở về. Người xa người trong những chia xa, ngăn cách.

Và tôi cũng nhận ra len lõi đâu đó trong tâm trí dường như là nỗi sợ hãi khi đối diện với nhiều điều tôi không biết, không thấy được và không lường trước được. Con vi khuẩn nguy hiểm lây lan trong không khí là kẻ thù độc hại và khi nhìn thấy nó thì đồng nghĩa là tôi đã gục ngã. Nỗi sợ hãi này không khác gì nỗi sợ lúc tôi ở trong lòng biển đen trong chuyến vượt biển năm nào.

Chỉ khác một điều: Vào Tháng Tư Đen 1975 tôi biết rất ít về những gì sắp sửa xảy ra trong lúc ở Tháng Tư Đen 2020 thông tin về dịch bệnh lại nhiều đến mức không tưởng. Các cơn bão thông tin này với những phương tiện truyền thông hiện đại từ những chiếc điện thoại cầm tay nhỏ xíu lan truyền đi rộng rãi, khuếch tán lớn thêm mãi về cái hữu hạn của kiến thức loài người hay những-điều-không-biết của con người đứng trước bệnh tật.

5.

Nhưng điều tôi chưa viết ở đây là tối hôm biển động trong chuyến vượt biên của tôi và gia đình, đêm tối tôi tưởng là đã vùi thây trong lòng biển như hàng trăm ngàn thuyền nhân khác trên đường tìm tự do, biển lớn hay Trời Phật đã nhẹ tay không dìm chết những sinh mạng nhỏ nhoi kia, trong đó có tôi, đang loi ngoi trên làn nước mênh mông. Và còn ban phát những giọt nước cứu tinh.

Là mưa. Những giọt nước mưa lúc đó quý hơn vàng. Trong đêm tối, mưa ướt ngọt trong môi miệng tôi. Chúng tôi loay hoay hứng mưa dự trữ nước uống, cộng thêm kinh nghiệm của người lái tàu biết cách cỡi sóng và nhờ vậy cầm cự, sống sót thêm được vài ngày. Hai ngày sau, sau khi bàn thảo rút kinh nghiệm, chúng tôi đổi cách cầu cứu: Chiếc tàu nhỏ của chúng tôi sẽ ngừng máy, thả neo, đốt khói đen, giăng bản vải S.O.S và khi thấy tàu hàng hải lớn thì những người biết bơi sẽ nhảy xuống biển vẫy tay kêu cứu.

Kế hoạch này thành công một nửa: Một tàu hàng hải của Trung Cộng đã dừng lại cung cấp cho chúng tôi mọi thứ cần thiết: thức ăn, nước uống, xăng dầu và quan trọng nhất là bản đồ hàng hải hướng dẫn chúng tôi đi đến Mã Lai. Họ không cứu chúng tôi âu cũng là may mắn vì dĩ nhiên là chúng tôi không muốn chạy họa cộng sản lại đến một xứ cộng sản khác.

Bốn ngày sau đó chúng tôi tấp vào thương cảng Singapore thì bị tàu tuần quốc gia này kéo ngược ra, bảo là họ không nhận người tỵ nạn từ Việt Nam, họ khuyên chúng tôi đi đến Phi Luật Tân. Không còn cách nào khác hơn, tàu chúng tôi đâm vào bờ biển Mã Lai, thả người vào bờ và đục tàu, đánh chìm chiếc tàu nhỏ. Sáu chục thuyền nhân của tàu chúng tôi sau đó cũng gia nhập đại gia đình của người Việt tỵ nạn tại đảo Pulau Bidong.

 

6.

Tôi nhận ra trong tuyệt vọng của đói khát và đối diện với tử vong trong chuyến vượt biển năm nào thì hy vọng đến cho tôi cơ hội tiếp tục tồn sinh.

Đến bây giờ có một lý lẽ rất đơn giản mà tôi trực nghiệm từ những trải nghiệm của đời sống là tôi luôn sống trong cái hữu hạn của kiếp người. Cái biết của tôi không là gì hết trong cái vô hạn của Trời Đất.

Cũng cho đến bây giờ tôi vẫn còn tự hỏi: Làm sao tôi còn sống sót trong lúc hàng trăm ngàn người vượt biển tìm tự do  như tôi vùi thây trong lòng biển sâu? Có chăng Trời Phật với những sắp xếp mà loài người không biết được?

Và tôi cũng như triệu tỷ người khác trên trái đất này là những kẻ không-hiểu-gì, loay hoay cả đời trong những tất bật mang tính đối cực, nhị nguyên, cái lý lẽ hai-mặt-của một-đồng-tiền: Sáng-Tối. Vui-Buồn. Sướng-Khổ. Thăng-Trầm. Giàu-Nghèo. No-Đói. Trẻ-Già. Khóc-Cười. Sống-Chết…

Nhưng có một điều tôi hiểu rõ, một cách chắc chắn, là không khi nào tôi có thể ở mãi trong một mặt của đời sống. Tôi không thể có bình an mãi được vì đời sống vốn đầy dẫy những bất an giăng bủa chung quanh. Tôi không thể sống khỏe mãi được vì hàng triệu vi khuẩn gây đủ thứ bệnh tật tìm đủ mọi cơ hội để xâm nhâp các cơ quan chức năng của cơ thể tôi. Và không chóng thì chầy thì tôi sẽ chết vì lẽ đơn giản tôi không thể sống mãi được. Vậy thì tại sao tôi phải sống co rúm trong sợ hãi vì mãi lo bám víu một mặt nào đó của cái đồng-tiền-hai-mặt?

Cũng như trong bóng tối mênh mông của đêm trên biển động tôi tìm thấy hy vọng từ những giọt nước của Trời. Và sau đó là ánh sáng và bình lặng của Biển lớn.

Cũng như lúc này, ở đây,  trong trắng lạnh của tuyết giá một ngày cuối năm âm lịch tôi nhìn thấy con chim anh vũ đỏ từ đâu bay lượn về đáp xuống trước sân nhà bình thản  ngắm tuyết rơi.

Ơ hay! Nếu tôi không biết gì về cái lẽ chuyển vận vô hạn, vô cùng của Trời Đất, của Sống và Chết, thì không có lý do gì tôi phải sống trong lo sợ và bám víu. Buông Xả tôi sẽ Nắm Bắt được Cái Đẹp của màu đỏ con chim Anh Vũ trên màu trắng của Tuyết.

Còn gì cần thiết phải nghĩ ngợi lôi thôi?

Nguyễn Quang Dũng

tháng 2/2021

Views: 130

Vợ Vắng Nhà Và Chuyện Nàng Hoa Phượng       

Truyện vui Phạm Thành Châu

Có một triết gia đã nói một câu mà quí ông rất thích “Người đàn ông có hai lần hạnh phúc. Lúc cưới vợ và lúc trở lại thành độc thân” Vì sao? Vì vợ nói nhiều quá và bị (phải) ăn các thứ vợ nấu. Vợ nói nhiều xảy ra từ thời con người còn ăn lông, ở hang. Đàn ông muốn săn thú rừng phải im lặng. Gây tiếng động thì con thú chạy mất! Trong lúc quí bà, trong hang đá “Tùng tam tụ ngũ”, chuyện trò với nhau, chờ chồng đem thịt rừng về nhậu. Đó là xét theo khảo cổ học. Theo nghiên cứu khoa học, thì trường y khoa Indiana ở Indianapolis cho biết, đàn ông chỉ dùng nửa bán cầu não, có tên là Temporal Lobe để nghe và nói. Các bà thì dùng cả hai bán cầu não. Bởi thế các bà học ngoại ngữ rất tài và có thể nói suốt ngày đêm không mỏi miệng. Còn theo thống kê thì mỗi ngày, quí ông, trung bình, nói hai nghìn (2,000) tiếng. Quí bà nói năm nghìn (5,000) tiếng. Đa số là để la lối với chồng con và “Thế hả?” với các bà bạn trên điện thoại. Đức Khổng Phu Tử kính mến đã nhiều lần thở dài mà rằng “Ba bà thành cái chợ!” Có ông kia, đi uống cà phê với bạn, báo tin.

– Tôi sắp li dị vợ.

Hỏi vì sao? Ông ta thở dài.

– Nó không hề mở miệng nói với tôi lời nào!

Các ông cười, chế nhạo.

– Xạo hoài! Liên Hiệp Quốc vừa công bố: Sinh vật quí hiếm (người vợ ít nói) đó đã tuyệt chủng từ lâu rồi!

Ông khác thì theo năn nỉ.

– Ông muốn vợ nói nhiều thì đổi vợ cho tôi đi. Vợ tôi nói nhiều quá. Chịu hết nỗi. Khi ngủ nó cũng “mớ”, miệng lảm nhảm suốt đêm.

–  OK! Đổi thì đổi, nhưng không được trả lại.

Một ông khác khoe.

– Tôi có cách làm bà vợ hết nói. Để tôi kể cho quí vị nghe. Vợ tôi cũng nói cả ngày lẫn đêm. Một buổi tối, lên giường, tôi nói. “Em chiều anh đêm nay,được không?” Nàng hỏi. “Trong bao lâu?” Tôi nói “ Suốt đêm nay” Nàng hỏi “Sao bữa nay hăng quá vậy?” Tôi nói “Em cứ nhắm mắt ngủ. Đừng nói gì hết! Chuyện đó để anh lo” Nàng vui vẻ nhắm mắt ngủ (trong thế chờ!). Tôi cũng ngủ một giấc đến gần sáng thì thức dậy sửa soạn đi làm. Nàng chợt thức giấc, ngạc nhiên và giận dữ. Nói “Suốt đêm ông ngủ khò. Bắt tôi đi ngủ sớm mà có làm gì đâu? Bây giờ, dậy sớm để chạy làng phải không?” Tôi nói “Anh cần em chiều anh, là đi ngủ sớm, đừng nói gì cả để anh ngủ yên, lấy sức, sáng nay đi làm sớm”

Mấy ông gật gù.

– Hay. Hay! Rồi sao nữa?

– Thì nàng níu áo, bắt đền. Tôi “phải trả nợ quỉ thần”, lại đi làm trễ giờ.

Đọc đến đây, làm gì cũng có bà tức giận.

– Bộ các ông không nói nhiều sao?

– Xin thưa quí bà. Có ạ! Đó là cố đồng chí chủ tịch Phidel Castro của nước Cuba, từng đọc một bài diễn văn dài hơn 3 tiếng đồng hồ trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.. Và mới đây thôi đồng chí Kim Jong Un chủ tịch Bắc Hàn, thay vì đọc lời chúc Tết đầu năm 01-01-2020, đồng chí Un kính mến họp Hội Nghị Quân Ủy Trung Ương Mở Rộng, đã đọc một bài diễn văn dài bảy (7) tiếng đồng hồ. Đồng chí nào ngồi nghe mà ngáp hoặc ngủ gục thì tức khắc bị lôi ra, cho đi tàu suốt, ra nghĩa trang buồn, nằm nghe dế kêu.

Quí bà lắm lời trong nhà là chuyện bình thường. Vậy chứ có bà nào nói nhiều trước công chúng không? Nhiều lắm! Điển hình như tờ Spunik cho tin. Ngày 01 tháng 2 năm 2020, bà Bộ trưởng Tài chính Sithraman phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ dài 2 giờ, 38 phút khiến các ông nghị sĩ ngáp dài vì quá ngán.

Vợ hắn thì hơn các bà khác. Vừa nói vừa nạt vừa đánh chồng. Đi làm về, đã thấy nàng đứng chống nạnh với cái chổi lông gà.

– Ông nhìn đồng hồ coi! Giờ nầy mới mò về. Theo con đĩ chó nào mà về trễ cả nửa giờ? Đừng nói kẹt xe với tôi.

Và nàng vung cái chổi lông gà lên. Chỉ một cái lắc mình, hắn đã đứng xa nàng hai trượng, vòng tay thủ lễ.

– Tiểu nhân có điều gì thất thố, xin phu nhân lượng thứ!

Nàng bậm môi, tung chổi, tấn công liền. Hắn lùi lại.

– Tiểu nhân đi đây!

Rồi dùng thuật phi hành phóng chạy. Nàng ì ạch, như con vịt bầu, đuổi theo, miệng nheo nhéo.

– Đồ đàn ông mất nết. Có giỏi thi đứng lại!

Hắn chạy quanh nhà, nàng nổi xùng (ì ạch) đuổi tiếp. Vợ hắn hơi nặng cân, cỡ một tạ (100 kí lô). Bác sĩ bảo nàng phải chạy bộ mới bớt mập. Nàng hỏi.

– Tôi rượt ông xã tôi, có được không, bác sĩ?

Ông bác sĩ gật gù.

– Hai ông bà cùng chạy thì tốt quá, nhưng coi chừng, ông ta chạy luôn đến nhà bà khác thì phiền.

Hắn rất muốn giúp nàng giảm cân nên hắn chạy trước, nàng đuổi theo quanh nhà. Được một năm thì kết quả thật đáng kinh ngạc: Nàng sụt mất một nghìn (1,000) milligrams! Một lý do khác để nàng có dịp rượt đánh hắn, là vì hắn có máu dê. Ra đường, thấy người đẹp đưa ngực, đưa đùi, là hắn nhìn sửng “Bước đi rồi, con mắt còn có đuôi…” Nàng giận tím mặt. Về nhà, mới bước xuống xe, là nàng dùng hai ngón tay, kẹp miếng thịt bên hông hắn, vặn tréo, miệng đay nghiến.

– Tật dê không chừa! Tôi hỏi ông. Tôi khác mấy con chó cái đó chỗ nào mà ông nhìn muốn rớt con ngươi? Khác chỗ nào? Hả? Nói mau!

Hắn nói.

– Khác nhiều chỗ lắm!

Rồi tuông chạy, nàng lại rượt hắn.

Một lần khác, hắn đưa vợ đi chợ. Thông thường, hắn đẩy xe theo sau vợ. Vợ hắn muốn mua gì thì bốc bỏ vô xe. Hắn bỗng thấy một nàng đi vào chợ với đôi gò bồng đảo to, để lộ một nửa đồi ngực trắng hồng như hai trái bưởi (đã lột vỏ). Hắn như người mất hồn, đẩy xe theo cô ta đễ nhỉn trộm cái ngực bự, quên cả thế gian. Vợ hắn quay lại không thấy chồng, đi tìm, thấy hắn đứng nhìn sửng ngực người đẹp. Nàng kéo tai hắn, lôi đi. Về nhà, nàng đóng cửa lại, bắt hắn nằm sấp xuống xô pha, trở cán chổi lông gà. Vừa nhịp trên mông hắn vài cái là hắn đã mếu máo khóc như em bé. Vợ hắn tức cười nhưng làm nghiêm.

– Uả! Biết tội gì chưa? Đã đánh đâu mà khóc? Nín ngay! Tại sao thấy con đàn bà nào có ngực bự là ông cứ theo nhìn mê man, quên cả vợ con?

Hắn trả lời.

– Ngực nhỏ, nhà mình có rồi!

Nói xong hắn lại vùng dậy, tung cửa chạy ra đường.

Một hôm, nàng bảo hắn đi mua vé máy bay để nàng về Việt Nam thăm các dì của mấy cháu. Hắn hỏi.

– Em đi mấy ngày?

Nàng đáp.

– Một tháng!

Hắn tưởng mình đang nằm mơ, thấy Bụt hiện ra nói với hắn, (như trong truyên cổ tích) “Ta nói thế là để thử lòng nhà ngươi đấy thôi!” Nhưng đó là sự thật, không phải là giấc mơ. Hắn vội chạy đi mua vé máy bay, sợ nàng đổi ý thì mất vui. Hắn về, đưa vé máy bay cho nàng, mặt buồn thiu, cất tiếng hát “Em đi rồi… còn ai vuốt tóc tôi?” Hắn có tâm hồn nghệ sĩ, thi ca, hò, vè, hắn đều xuất sắc, Gặp chuyện gì hắn cũng có thể cất tiếng, hát hoặc ư ử ngâm vài câu thơ, nghe (rất) vừa dở vừa vô duyên. Lần nầy, hắn đóng kịch quá tệ, bị nàng lột mặt nạ.

– Đừng có vờ vịt. Tôi chưa lên máy bay là ông đã chạy theo mấy con “chó cái” đó rồi. Liệu cái thần hồn! Lạng quạng, tôi thiến tận gốc cho biết thân.

Hắn hát tiếp “Ngày mai em đi, ngày tháng bơ vơ đợi chờ…” Nàng không thèm cười, vớ lấy cái chổi lông gà. Thế là nàng lại rượt hắn.

Vợ vắng nhà. Đó là chân hạnh phúc. Vì sao? Vì không phải nhìn thấy mặt vợ. Có lần, vợ hắn trang điểm, diện áo quần đẹp, ẹo qua, ẹo lại trước gương soi, làm bộ thở dài để hắn chú ý và  khen nàng đẹp.

– Thỉnh thoảng, soi gương, thấy mình già và xấu quá! Thiệt, chán hết sức!

Hắn đồng tình ngay.

– Đúng vậy! Em thì thỉnh thoảng mới soi gương nhìn dung nhan mình. Còn anh thì ngày nào, giờ nào cũng nhìn thấy em. Chỉ muốn nhảy sông chết quách!

Nàng co chân, rút chiếc giày, ném vào người hắn rồi vớ lấy cái chổi lông gà. Hắn lại tuông chạy. Nàng, bước thấp, bước cao (một chân không giày), vừa rượt hắn vừa khóc hu, hu!. Hắn phải quay lại, ôm vợ, xin lỗi ríu rít.

– Sorry! Em đẹp nhất thế gian. Mấy con hoa hậu thế giới, so với em, là đồ bỏ!

Hạnh phúc thứ hai khi vợ vắng nhà là không phải ăn các món vợ nấu. Nhiều ông chồng, đôi khi, để làm vui lòng vợ, khen một món nào đó do vợ nấu. Chớ chơi dại! Vợ sẽ nấu mãi món đó, chồng ăn mãi món đó. Ăn tới “lòi cuống họng!”. Vừa rồi, đầu năm 2020, một đại họa giáng xuống thế gian, người chết như rạ. Đó là nàng Covid-19 hạ sơn, giết mấy triệu người. Chính phủ các nước vội ra lịnh “Cách ly” Ai ở nhà nấy. Văn phòng, xí nghiệp, nhà hàng… đóng cửa. “Nhàn cư vi bất thiện”, các bà nghĩ đến trò nấu nướng. Các bà sưu tầm cách nấu các món ăn, càng kỳ lạ càng hấp dẫn. Bà nầy nấu xong, dọn ra, chụp hình gửi cho các bà khác. Các bà trầm trồ “Chị nấu cách nào? Chỉ cho em với!” Rồi bắt chồng đi chợ (các bà không dám đi, sợ lây bịnh Covid-19, để chồng đi chợ, rủi có chết thì mình còn có dịp lên xe hoa lần nữa) Các bà lại hì hục nấu nướng, rồi lại chụp hình, gửi các chiến hữu, sau đó bắt ông chồng ăn, làm “vật thí nghiệm” (Rủi có trúng độc mà chết thì cũng đúng như “Lời nguyện cầu” của quí bà). Trong tám cái khổ của lũ đàn ông, có “Tắng oán hội” khổ. Nghĩa là đau khổ khi phải sống với (ai đó) mà mình không ưa. cái khổ thứ hai là “Cầu bất đắc” khổ. Nghĩa là muốn chết quách để khỏi phải nhìn thấy “người kia” mà không chết được, cũng là khổ. Có ông nọ, lúc sắp đưọc nằm ngủ trong lòng chị “Sáu… Tấm” có mấy lời trăn trối với vợ.

– Khi tôi chết, “Đừng quăng tôi ra biển”(nhại thơ Mr. Lê), bà cũng đừng nấu nướng gì cả. Cứ ra “tiệm cơm chỉ” (bán thức ăn nấu sẵn, thích món nào, chỉ món đó) mua về cúng tôi.

Bà vợ hỏi.

– Ông nói tôi nghe. Tại sao?

Ông chồng thều thào.

– Các món bà nấu, tôi “bị” ăn suốt mấy chục năm, ngán đến tận cổ. Tôi chết bà lại nấu cúng tôi, chỉ ngửi thấy mùi, tôi đã khiếp vía, không dám hưởng, sẽ thành ma đói, không siêu thoát được.

Bà vợ đay nghiến.

– Tôi sẽ chết theo để nấu cho ông ăn.

Ông chồng thất kinh.

– Tôi lạy bà. Để tôi đi một mình.

Nói xong, thở hắt ra, linh hồn “cấp tốc” phóng chạy vào hư không. (Như những chuyện tôi đã kể trước đây. Nhiều ông, trước giờ lâm chung cũng đã lạy “giả từ” vợ kiểu đó)

Trở lại chuyện vợ hắn về Việt Nam. Trên đường đưa nàng đến phi trường, hắn lại hát nho nhỏ “Người ơi! Chốn xa xăm biết người nhớ tôi những gì?…” Mặt lạnh tanh, nàng nói “Xạo đủ rồi!”. Hắn cười hề hề rồi liếc nhìn gương mặt hầm hầm của nàng để biết chắc gương mặt ‘đáng yêu’ đó sẽ không hiện diện trong cuộc đời hắn trong một tháng. Sau khi nàng lên máy bay, hắn ‘lưu luyến’ đứng nhìn chiếc máy bay (có nàng trong đó) lên cao dần cho đến khi chỉ còn là một chấm nhỏ, khuất vào trong mây trời, hắn mới tát vào mặt mình mấy cái, để biết chắc mình không nằm mơ, rồi ngâm nga “Vợ đi! Ừ nhỉ, vợ đi thực. Nàng giờ đây ở trên máy bay. Nàng giờ đây nhỏ như hạt bụi. Ta giờ đây, phải nhậu cho say…” Và hắn reo lên “Ha ha! Không thấy mặt vợ đến một tháng luôn!” Rồi nhảy chân sáo, ra xe, mở chai ‘Thằng Johny đi bộ’ (Johny Walker, đã mua, giấu kỹ cho giờ phút nầy), tì tì từng ngụm, mắt ngước nhìn mấy cánh chim đang lướt trên bầu trời xanh bao la, để suy ngẫm và thưởng thức hai chữ Tự Do. Hắn cứ ngồi lơ tơ mơ như thế cho đến khi dã rượu, hắn lái xe về mà cứ hồi hộp, lo lắng, không hiểu, vợ còn ở nhà hay đã về Việt Nam? Ngay đêm đầu tiên, nằm ngủ trên giường, thỉnh thoảng hắn quờ quạng khắp giường, thấy trống vắng, biết chắc vợ không nằm bên cạnh, hắn mỉm cười, chìm vào giấc ngủ (cô đơn!).

VÀ CHUYỆN NÀNG HOA PHƯỢNG 

Sáng hôm sau, trước khi đi làm, hắn móc điện thoại.

– A lô! Em Hoa Phượng đó hả? Anh Ba đây!

– Anh Ba nào vậy?

– Anh Ba Trợn đây!

– Dạ. Chào anh Ba Trợn. Em Hoa Phượng nghe anh đây!

– Trưa nay, giờ lunch (nghỉ ăn trưa) mình ra chợ Eden (tiểu bang VA) kiếm gì ăn?

– Dạ. Cám ơn anh. Khoảng mười hai giờ. Em sẽ ra với anh.

Nàng Hoa Phượng nầy là một trong các cô bạn rất thân của hắn, nhưng tình bạn còn rất trong sáng, không như các cô, bà khác (đã hết trong sáng). Sau khi chào hỏi, ngồi vào bàn, hắn làm bộ ngạc nhiên nói với người đẹp.

– Em là ảo thuật gia tài ba nhất ở đây.

Nàng cảnh giác.

– Em có ảo, iếc gì đâu?

– Em làm cách nào mà chung quanh đây anh chẳng thấy ai. Chỉ thấy mình em!

Rồi hắn cất giọng vịt đực hát “… Và hỏi tại sao thế giới đông người anh chỉ thấy riêng em?”

Cô bậm môi rồi nhìn hắn phì cười.

– Miệng ông dẻo như kẹo mạch nha!

Đàn ông có tật xấu là thấy đàn bà, con gái là cứ lỏ mắt nhìn mấy điểm chiến lược của người ta. Vì tò mò chứ chẳng ham muốn gì. Chỉ cần thoáng qua, các ông biết ngay hai quả đào tiên là thật hay ‘made in China’, quả cam hay trái mướp. Sách Thiên Mệnh Kinh (Tàu) có câu “Thiếu nữ như trái nho tươi, nạ dòng như trái nho khô!”. Quí bà mặc quần đùi ra đường là các ông nhìn chăm chăm, chẳng phải chiêm ngưỡng mà vì tò mò, xem đùi nàng có mấy con trùn (nổi gân xanh). Các bà, các cô biết “tật” của các ông là cứ nửa kín, nửa hở các ông mới lỏ mắt nhìn mê mẩn chứ mấy cô gái sắc tộc để ngực trần hay ở các bãi biển, người ta mặc hai mảnh tí xíu, các ông đâu thèm nhìn? Mà cũng chẳng có gì tội lỗi vì các bà cũng cần các ông ngắm nghía. Mình có đẹp, có hấp dẫn người ta mới ngắm nhìn. Bị ngó lơ mới đáng tủi thân. Nhưng xin quí ông đừng nhìn “nham nhở” quá khiến quí bà “nhột”. Trước khi đi đâu, quí cô, quí bà bỏ hàng giờ để trang điểm, lựa chọn áo quần để làm gì? Để “khoe” với các ông. Trên đời nầy mà không có đàn ông thì quí bà hoặc trùm kín mít như bên Ả Rập hoặc chẳng thèm mặc áo quần làm gì cho mất thì giờ. Cứ “vườn không, nhà trống” mà thổn thệnh ngoài đường “Cho gió mát cái bàn chân, cho gió mát cái cùi tay…” Ở bên Âu Châu có hội khỏa thân, ra bãi biển, chẳng ai thèm nhìn ai. Các bà, các cô không mặc áo quần thì cũng giống như con chim công, con chim phượng hoàng bị vặt trụi lông, chẳng biết đẹp ở chỗ nào?

Trở lại chuyện cậu Ba Trợn. Nàng Hoa Phượng ngồi trước mặt, trang phục lịch sự, kín đáo, chỉ dưới cổ, để trần một chút ngực trắng nuốt, mà mắt hắn cứ láo liên, nhìn trộm. Đàn bà nhạy cảm với đôi mắt đàn ông về mấy vụ nầy. Nàng biết, mỉm cười hỏi.

– Âm mưu gì đây? Không hi vọng gì đâu!

Bị lộ tẩy, hắn làm bộ rầu rỉ.

– Vui sướng gì! Vợ về Việt Nam…

Nàng ngạc nhiên.

– Anh mà cũng nhớ vợ?

– Không phải. Vợ anh về Việt Nam, đem luôn chìa khóa cửa. Tối nay không biết ngủ đâu!

Nàng lại cười.

– Thì ngủ khách sạn. Nhà em đông người lắm.

Đó là cách hắn “thả thính” dọ đường, mục đích cho người đẹp hiểu ý. Nếu nàng “lơ lửng” thì sẽ có chút hi vọng. Nghe trả lời như thế, hắn ngỡ mình sắp được ôm nàng Hoa Phượng trong vòng tay. Không ngờ, nàng cảnh giác, mấy lần sau, hắn mời nàng đi ăn thì bị từ chối thẳng thừng. Nàng chỉ đồng ý cho gặp trên điện thoại mươi phút thôi. Thấy nàng quyết liệt, mà một tuần đã trôi qua, hắn sốt ruột, đổi chiến thuật. Hắn khen nàng đẹp trên điện thoại. Khen từ mái tóc, gương mặt, đôi mắt cho đến hình dáng. Dĩ nhiên hắn phải khen đúng để nàng soi gương, mỉm cười và hài lòng. Đàn bà, con gái có chỗ yếu là được ai khen thì có cảm tình với người đó. Hắn thêm một bước nữa. Hắn tỉ tê rằng nhớ nàng, mong được gặp mặt cho đỡ nhớ. Nàng không trả lời, có lẽ còn đắn đo. Hắn biết, không lẽ nàng “Ừ!” ngay. Và hắn chờ đợi.

Một buổi chiều mùa thu, trời mưa lất phất và lạnh. Cảnh nầy làm các cô hơi lớn tuổi, độc thân, buồn ghê lắm. Không có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn cô đơn! Nàng Hoa Phượng gọi cho hắn.

– Em đi công chuyện, ngang nhà anh, em sẽ ghé thăm, độ năm phút thôi. Vì chuyện gấp nên em đến thăm anh là đi liền.

– Em có thể đến sớm, để chuyện trò lâu một chút? Cả tháng (xạo!) nay, em có cho anh gặp đâu!

Im lặng. Một phút sau.

– Bảy giờ em đến, bảy rưỡi em đi.

Ôi chà chà! Nửa giờ! Rõ ràng là nàng Hoa Phượng đã phó mặc số phận đẩy đưa, đến bến bờ nào cũng… OK!.

Hắn đi nấu trà, đem bộ đồ trà chưng trong tủ búp-phê ra, để trên bàn khách cho thêm phần long trọng. Nàng Hoa Phượng đến, hắn mở cửa mời vào. Nàng ngồi đối diện. Hắn rót trà mời. Trong ánh đèn mờ, hắn thấy trang phục nàng sang trọng, son phấn cẩn thận, chứng tỏ nàng  có đi đâu đó thật chứ không phịa chuyện để đến gặp hắn. Coi bộ gay go đây! Các bậc thức giả  có câu “Tri hành hợp nhất” nghĩa là khi ‘biết’ đối tượng muốn gì thì mình phải làm sao cho đương sự ‘hợp ý nhất’. Nhưng nàng có ý nghĩ giống như hắn không? Chợt nàng xem đồng hồ tay. Hắn thử đoán, nàng sốt ruột, muốn đi công chuyện hay muốn nói với hắn “Coi chừng hết giờ!”? Trò chuyện thêm mấy câu nữa, nàng nói.

– Thôi, em về!

Hắn cũng nói.

– Anh cũng đi công chuyện ngay bây giờ. Để anh tắt đèn!

Hắn đứng lên, tắt đèn. Tối thui!

Tôi, (người kể chuyện nầy) chưng hửng! Mà quí bạn đọc cũng chán nản “Tưởng gì gay cấn sắp xẩy ra. Mất công theo dõi nãy giờ!” Mà tôi có muốn kể tiếp, tả tình, tả cảnh cũng chẳng thấy gì. Tối mò mò!  Vả lại, họ sắp rời nhà, ra xe. Nhưng khoan. Xin lắng nghe. Trong bóng tối dày đặc, có tiếng nàng Hoa Phượng.

– Chìa khóa xe em đâu rồi?

– Anh đang giữ đây.

– Cho em, để em về.

– Cho anh hôn, anh đưa chìa khóa.

Yên lặng…

– Để em về!

Có tiếng rù rì của hắn, nghe không rõ nhưng đoán chừng hắn đang tỉ tê gì đấy với người đẹp. Nàng Hoa Phượng, giọng miễn cưỡng.

– Để em về kẻo trễ.

Lại tiếng thì thầm. Nàng cũng thì thầm.

– Đừng anh! Đừng làm em sợ!…

Rồi thì, tất cả rơi vào im lặng. Sự im lặng đáng sợ! Thưa quí bạn đọc kính mến. Quí bạn thử đoán xem chuyện gì đang xảy ra trong căn phòng tối om kia? Tôi thú thật, chịu thua! Trong nhà mà bị mất điện thì thành người mù, chả thấy đường mà làm việc gì!

Thời gian như ngừng trôi. Bỗng (trong bóng tối) có tiếng cười rúc rich.

– Anh là đồ ‘quỉ xứ!’. Làm người ta sợ muốn chết. Lần sau em không dám đến thăm anh nữa đâu!

Hắn cất tiếng hát “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Hết rồi còn chi đâu em ơi!”.

Có tiếng đập lưng hắn thình thịch

– Hết rồi thì đưa chìa khóa xe cho ngưòi ta về. Mở đèn lên. Quần áo xốc xếch hết cả rồi nè!

Đọc chuyện nầy, xin quí bà đừng trách rằng “Lũ đàn ông các ông như gậy thằng mù, chỗ nào cũng thọt được!” Xin thưa rằng. Bản tính đàn ông vốn tò mò mà người nữ lại là một sinh vật bí ẩn. Càng huyền bí, mơ hồ càng khiến lũ đàn ông say mê theo đuổi, khám phá. Ai lên mặt trăng. Quí ông. Ai đã cắm cờ trên đỉnh Everest? Cũng quí ông. Ai đã tìm ra Châu Mỹ? Cũng quí ông. Ai là chồng của quí bà? Cũng quí ông. Thế nên, thưa quí cô chưa chồng, quí bà độc thân, xin hãy thông cảm cho nàng Hoa Phượng cô đơn của hắn.

Phạm Thành Châu

Views: 153

Chiến Tranh Mậu Dịch Mỹ -Trung Và Hệ Quả Đến Việt Nam

Nguyễn Bá Lộc

(Cập nhựt và bổ sung lần ba)                            

                                                                                                                           

Chiến tranh mậu dịch giữa Hoa kỳ và Trung quốc đã manh nha từ năm 2017, và khởi đầu từ 2018. Trên danh nghĩa là cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kinh tế. Thực sự là một sự xung đột trên nhiều mặt, kinh tế, khoa học kỹ thuật, và ý thức hệ. Ngoài ra, và sâu xa hơn, đó là do âm mưu đại bá của Trung cộng từ lâu.

Bởi do tính chất và qui mô, chiến tranh mậu dịch nầy có ảnh hưởng và hậu quả to lớn chẳng những cho hai quốc gia tham chiến, mà còn cho hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Sau ba năm, giờ cuộc chiến chưa chấm dứt, mặc dù có tạm đình chiến của giai đoạn I, hai bên vẫn còn một số bất đồng lớn, một số xung đột còn lan rộng ra trên một số lãnh vực khác.

Để hiểu thêm về một xáo trộn lớn của thế giới, trong hai năm 2018 và 2019, tôi có bài khảo luận về Chiến tranh mậu dịch Mỹ – Trung , nay tôi xin cập nhựt lần thứ ba nầy.

I. TÓM LƯỢC CHIẾN TRANH MẬU DỊCH MỸ -TRUNG

I.1. Nguyên do

Trong lịch sử chiến tranh kinh tế thế giới, đây là một trong những cuộc chiến lớn.  Hoa kỳ coi đây là cuộc chiến chẳng đặng đừng, trễ còn hơn không.

Còn Trung quốc thì phải chống đỡ bằng mọi giá, vì đó có liên hệ tương lai chế độ, tương lai mô hình và chiến lược kinh tế, và mục tiêu toàn cầu hóa. Các nguyên do:

Thâm thủng mậu dịch: Chánh yếu là sự thâm thủng mậu dịch quá lớn của Hoa kỳ đối với Trung quốc, trên $375.2 tỷ (2017) càng ngày càng lớn, Hoa kỳ nhập siêu 420 tỷ (2018). TT  Trump yêu cầu TC giảm ngay thâm thủng bớt $100 tỷ mỗi năm. Sự mất mát lớn đó của Mỹ chánh yếu là do TQ chơi nhiều đòn bất chính và do Mỹ lầm lẫn chế độ TC. Hoa kỳ yêu cầu TC phải có chánh sách mậu dịch đàng hoàng (fair trade).

Về đầu tư, hàng trăm công ty Mỹ qua kinh doanh ở TQ, làm cho thất nghiệp trong nước Mỹ gia tăng cao. Điều nguy hiểm khác là TC cho các công ty lớn, nhứt là ngành công nghệ thông tin đầu tư ngay tại Mỹ. Cơ hội TC ăn cắp khoa học kỹ thuật cao của Mỹ tăng cao hơn. Trong nước, nhiều công ty Mỹ bị phá sản hay bị TC mua, và thất nghiệp tăng cao.

Trên bình diện quốc tế, Mỹ bị thua thiệt dần cả trên mặt ngoại thương lẫn đầu tư ngoại quốc. Một thí dụ rõ ràng là trong thời đại dịch Covid 19, TC đầu cơ và tung sản phẩm y tế khắp mọi nơi, trong lúc Hoa kỳ và Âu châu thiếu hụt trầm trọng.

Về phía TC, thì sau thành công vượt bực về kinh tế, TQ nuôi dưỡng mộng bá quyền toàn cầu. Khi Tập cận Bình lên nắm quyền, thì ý đồ TC càng mạnh và rõ ràng. TC bành trướng thế lực mình  trong nhiều lãnh vực, trong nhiều quốc gia chậm tiến hoặc đang phát triển, kể cả tạo ảnh hưởng và nắm giữ một số cơ quan quốc tế.

Xây đắp “Giấc Mộng Trung Hoa” (Chinese Dream). Đó là ước mơ truyền thống của TQ từ các vua chúa ngày xưa, nay Tập cận Bình muốn dựng lại. Ý đồ của Tập là đến năm 2050 TC sẽ mạnh trong nước và có nhiều ảnh hưởng quốc tế và thay Mỹ trở thành lãnh đạo thế giới.

I.2.Thế và Lực của hai bên lâm chiến

Thế  và lực của Mỹ so với TC: Cho tới nay, Mỹ vẫn được coi như có thế và lực mạnh nhứt thế giới về các lãnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự và tư tưởng chánh trị văn hóa. Nhưng cái thế và lực đó đã, đang và sẽ còn đi xuống nữa nếu Hoa kỳ không có những biện pháp thích ứng kịp thời.

Về kinh tế mặc dù bị TC qua mặt xuất cảng, bị nhập siêu quá lớn hàng TC. Nhưng GDP của TC chỉ bằng  2/3 của Mỹ. Lợi tức đầu người của Mỹ cao gấp hơn sáu lần TC.

Vài so sánh sức mạnh kinh tế (2019):

                            GDP          GDP /GDP toàn cầu  Per capita              Xuấtcảng

Hoakỳ               21.374 tỷ     24.4%                     $ 65.165                     1.646 tỷ

Trung quốc       14.343 tỷ     16.4%                      $10.260                      2.479 tỷ

Nguồn: World Bank / Data

Về khoa học kỹ thuật, Mỹ có thế cao hơn nhiều vì có nghiên cứu và phát minh liên tục, còn TC thì phần lớn sao chép hay đánh cắp kỹ thuật từ bên ngoài. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, TC đã đầu tư nhiều cho khoa học kỹ thuật. Cái lợi của TC là những phát minh dùng được cho cả kinh tế và quân sự. Mức độ khoa học kỹ thuật TC hiện nay cũng khá cao.

Về quân sự, Mỹ có tiềm năng cách xa TC mặc dù trong những năm gần đây TC sản xuất nhiều sản phẩm quân sự mới. Trong khi đó thì những năm trước kia Mỹ đầu tư ít cho quân sự. Gần đây Hoa kỳ đã thấy nhược điểm nầy và có một số cải tiến.

Về toàn cầu hóa, từ sau đệ nhị thế chiến Mỹ dẫn đầu phong trào toàn cầu hóa. Các công ty đa quốc Mỹ phát triển rất nhanh. Cái ưu thế thứ hai của Mỹ là toàn cầu hóa dựa trên nguyên tắc kinh tế tự do, và được hầu hết các quốc gia và các Tổ chức quốc tế đi theo mà không bị cản trở gì nhiều.

Sau nầy với chủ trương mới, TC có thế cao hơn Mỹ ở phần viện trợ quốc tế, và sự hơp tác với các nước đang phát triển, đồng thời vận động thâm nhập vào các cơ quan quốc tế. TC lợi dụng Toàn Cầu Hóa một  cách rộng rãi để tấn công Mỹ và Âu châu với sự xuất cảng ào ạt hàng giá rẽ, và thu hút đầu tư với nhân công lương thấp. Đồng thời TC tung tiền viện trợ cho nhiều nước nghèo. Cách hợp tác quốc tế, TC không đòi hỏi dân chủ hay nhân quyền, nên thu hút được nhiều quốc gia. Đó là thế quốc tế quan trọng.

Nhưng nay, TC và Mỹ đều gặp khó khăn, nhứt là sau đại dịch Covid-19. Khó khăn và cách giải quyết của hai bên có khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu thì hiện nay khó khăn của TC nhiều hơn, mức nguy hiểm sâu hơn. Mặc dù bề ngoài TC nói là kinh tế 2020 vẫn phát triển với số dương, còn Mỹ thì có số âm.

Trong 30 năm qua, TQ tung hàng hóa ra khắp thế giới với giá rẽ, từ 257 tỷ (2000 lên 2.400 tỷ (2016) (theoMcKensey& Company Global Institute,www.mckensey.com). Và TC qua mặt Mỹ chiếm hạng nhì thế giới về xuất cảng.

Đầu tư ngoại quốc: Nhờ thị trường nội địa rất lớn và nhân công rẽ, TQ đã thu hút đầu tư ngoại quốc mạnh nhứt thế giới. FDI tại TC vừa cung ứng cho thị trường nội địa vừa chủ yếu cho xuất cảng, 50% xuất cảng là do FDI. (Theo Mac Kensey Global Institute)

TC ăn cắp kỹ thuật cao phần lớn là từ Hoa kỳ (sản phẩm trí tuệ, intellectual property), đem áp dụng trong nước và đã phát triển đến mức quan trọng. Những loại kỹ thuật cao đó xử dụng trong công nghiệp và kỹ nghệ quốc phòng .

Thái độ của TC là lặng lẽ tiến công Mỹ và Tây phương qua các kế hoạch và chủ trương lớn như tự do thương mại hoàn toàn, gia tăng viện trợ và đầu tư tại các nước nghèo đang phát triển qua Kế Hoạch Belt & Road, và đặc biệt mở rộng đầu tư của TC tại Mỹ và Âu châu với công ty rất lớn và kỹ thuật cao.

Trước tình trạng TC vừa đạt mức phát triển kinh tế cao, chiếm giữ phần lớn kinh tế toàn cầu. Mặt khác, là TC muốn soán ngôi thứ nhứt của Hoa kỳ để lãnh đạo thế giới. Đây là một biến chuyển thế giới rất lớn, có thể thay đổi trật tự thế giới trong tương lai.

Trong cuộc chiến mậu dịch TC coi như bị tấn công. Nhưng TC nhiều lần tuyên bố sẽ đánh trả bất cứ giá nào. Mặt khác, bề ngoài thì TC tuyên bố cần hợp tác để Mỹ và TQ cùng có lợi hơn là đánh nhau hai bên sẽ bị thiệt hại.

Về mô hình chánh trị, mặc dù TC là nước độc tài CS, không tự do, dân chủ, nhân quyền, nhưng TC xử dụng công cụ tiền bạc cách tối đa để dụ dỗ các nước nghèo, và tạo được thế quốc tế mạnh cho TC. Hiện nay dân chúng trên thế giới có ý nghĩ xấu về TC nhiều hơn trước. TC là một đe dọa lớn của nhiều nước.

Trong nước, các sắc tộc luôn bất ổn vì sự chênh lệch giàu nghèo quá cao, nạn tham nhũng quá khủng khiếp, cùng sự tranh giành quyền lực trong đảng, chánh quyền TC luôn cứng rắn đàn áp.

Tóm lại, mỗi bên tham chiến có những cái mạnh và yếu khác nhau, võ công khác nhau. Nhưng chắc chắn mâu thuẩn hai bên không dễ dàng giải quyết nhanh chóng.

I.3.Tóm tắt các trận chiến

Tóm tắt các trận đánh:

Mặt trận ngoại thương

Trận đánh thứ nhứt, 22-tháng giêng -2018, Mỹ đánh thuế 25% lên tấm solar (với trị giá 8.5 tỷ) và máy  giặt (1.8 tỷ). Đánh trả lại, TC tăng  thuế

Tháng 4-17-2018 TC đánh thuế phá giá bo bo nhập từ Mỹ thuế  178.6%

Tháng-2018, TC chấm dứt đánh thuế bo bo, vì đang thương thảo Mỹ TC để ngưng chiến.

Tháng  8- 14-2018, TC kiện Mỹ ra WTO.

Trận đánh thứ 2, Mỹ đánh thuế nhôm và thép 25% của tổng số nhập 48 tỷ, nhưng thực sự phần lớn nhôm thép Mỹ nhập từ Canada, Âuchâu, Mexico.

Tháng 7-24-2018, Mỹ kiện ra WTO về các nước Canada, Âu châu tăng thuế nhập từ Mỹ, vì Mỹ tăng thuế nhôm và thép là áp dụng “luật bảo vệ an ninh quốc gia”.

Tháng 7-24-2018, Mỹ ký sắc lịnh trợ cấp nông sản 12 tỷ do TQ không  nhập.

Trận đánh thứ 3,  ngày 18 tháng 8-2017, Mỹ phản đối TC vi phạm quyền sản phẩm trí tuệ và sản phẩm kỹ thuật cao khác.

Ngày 3-tháng 4-2018, Mỹ dự trù đánh nhiều món hàng từ TC trị giá $50 tỷ với thuế 25%

Ngày 3 tháng 4-2018, TC đánh thuế lại cũng 25% lên xe hơi, máy bay và nông sản trị giá 50 tỷ.

Ngày 5 tháng 4-2018, Mỹ đưa thêm danh sách 100 tỷ hàng TC với 25% thuế.

Các trận đánh tạm ngưng từ tháng  5-20-2018 vì hai bên thương thảo lại.

Ngày 10 tháng 7-2018, Mỹ đưa ra danh sách 200 tỷ hàng hóa TC sẽ bị đánh thuế 25%, vì cuộc thương thảo không thành. TT Trump nói sẽ đánh thuế cao cho tất cả hàng TC vào Mỹ. Đó là phần lớn  hàng tiêu dùng cá  nhân.

Ngày 24- tháng 9-2018, TT Trump tuyên bố sẽ đánh thuế  25% của danh sách 200 tỷ (đang bị thuế  10%). Để đánh trả, TC sẽ cho đánh thuế tăng 25% của gói hàng trị giá 60 tỷ.

Ngày 2/12/2018  hai bên ngưng chiến để thương thảo .

Đến tháng 5-2019, thương thảo không thành, Mỹ cho biết sẽ đánh thuế 25% lên số hàng 250 tỷ. Chia ra hai lần. Lần 1 vào tháng 10-2019 và lần 2 vào tháng 12-2019. Và sau đó còn có thể có danh sách khác với 300 tỷ nữa. TC cũng sẽ đánh trả 75 tỷ với 25% thuế.

Ngày 26/tháng 6/2019, ở buổi họp G20 tại Nhựt, hai bên đồng ý ngưng đánh để thương  lượng.

Hai bên thỏa thuận được. Mỹ không đáng thuế  25%  của danh sách 250 tỷ nầy vào tháng 12/2019. Đáp lại TC hứa nhập 200 tỷ hàng nông sản và hàng công nghiệp Mỹ trong hai năm 2020 -2021. Thỏa hiệp ký ngày 15-12-2019. Và sẽ thi hành từ 15 tháng  giêng -2020. Rồi đại dịch bùng nỗ gây khó khăn trong việc thực hiện. Thảo luận cho giai đoạn hai cũng không thực hiện.

Bên cạnh mặt trận thuế quan, Mỹ có hai cú đánh nhỏ là Hoa kỳ đưa TC ra WTO cho là TC lợi dụng qui chế “developing country status” để hưởng lợi nhiều trên thị trường quốc tế. Trận đánh nữa là Mỹ tố cáo TC định giá thấp đồng yuan để hàng xuất cảng có giá quá rẽ.

Nguồn: Peterson Institute for International Economics, www.www.piie.com, 28/9/2020

Thỏa hiệp giai đoạn I chỉ nói đến mậu dịch. Còn các vấn nạn khác mà Mỹ đưa ra tạm hoãn lại cho giai đoạn II (chưa biết bao giờ). Đó là: TC trợ cấp sai trái cho quốc doanh để cạnh tranh bất chánh, việc TC buộc các FDI ngoại quốc chuyển giao kỹ thuật; vấn đề bảo vệ sản phẩm trí tuệ; vấn đề FDI của TC tại Mỹ, vấn đề đánh cắp kỹ thuật; vấn đề tình báo kinh tế; vấn đề lủng đoạn tiền tệ. Đó là những vấn đề lớn và khó khăn giải quyết nhanh.   

Mặt trận đầu tư và kỹ thuật.

Có hai vấn đề: Hoa kỳ yêu cầu TC cải sửa luật buộc nhà đầu tư ngoại quốc tại TC    không được đánh cắp kỹ thuật hay cộng tác ở các trung tâm chuyển kỹ thuật cách bất hợp pháp về TC. Dĩ nhiên TC chối vấn đề nầy. Nhưng tình báo Mỹ đã tìm  ra một số vụ. Các nhà khoa học TQ bị đuổi về nước hay bị tù. Tháng 12-2017 Mỹ cấm các công ty Mỹ làm ăn với một số công  ty lớn kỹ thuật cao của TC. Các công ty nầy có thể xử dụng cho kỹ nghệ quân sự.

Ngày 23/8/2019, TT Trump ra lịnh cho công ty Mỹ rút khỏi TQ đến một nước khác hay về lại HK. (Theo cơ quan Politico)

Mặt trận tình báo.  

TC gài tình báo khắp nơi, và trên hầu hết các lãnh vực, các mặt trận quân sự kinh tế và kỹ thuật

Mặt trận văn hóa truyền thông.

Vì TC dùng chiến thuật văn hóa và truyền thông để tấn công Mỹ và bành trướng trên toàn cầu, Mỹ đánh trên mặt trận nầy. Mỹ cho phổ biến những tin tức và nhận định tệ hại của chế độ độc tài CSTC mà TC ngụy trang dưới hình thức văn hóa và chủ nghĩa dân tộc.

Song  một trong nhược điểm của Hoa kỳ cũng như Tây Âu là chế độ tự do dân chủ nên phải trình bày cho dân các chương trình kế hoạch rõ ràng. Do đó TC đã biết được một số điều về đối phương. Trận chiến trở nên khó khăn hơn.

I.4. Trung cộng phản công

TC bị đánh trước. TC dùng chiến thuật trên 4 mặt:

Thương mại/ quan thuế, vừa đánh trả vừa thương lượng. Một mặt tìm thị trường mới thêm ở nhiều nước ,nhứt là Âu châu.

Về đầu tư, sửa luật đầu tư cho nhà đầu tư ngoại quốc có thuận lợi hơn nữa, cải tổ quốc doanh cho lành mạnh. Chấn chỉnh các công ty ở ngoại quốc, sau khi bị Mỹ trừng phạt hay cấm.

Gia tăng viện trợ và đầu tư đến nhiều nước ĐNÁ và Phi châu theo kế hoạch Belt & Road. Gia tăng phát triển kỹ thuật trong nước cho dự án “Made in China 2025”.

Phá giá thêm đồng “yuan” để tăng xuất cảng.

Về quốc tế vận, TC gia tăng tuyên truyền, nhất là trong thời kỳ có đại dịch để tiếp tục tạo hình ảnh một Trung quốc mới tốt và nhân đạo đối với mọi nước. Chia rẽ đồng minh của Mỹ. Kết hợp liên minh mới, Hiệp ước kinh tế RCEP, Regional Cooperation Economic Partnership, gồm 15 nước, 10 nước Asean cộng với Úc, Tân Tây lan, Nhật, Nam Hàn, Trung quốc, lúc đầu có Ấn độ sau nầy Ấn độ rút ra. Hiệp ước nầy do TQ dẫn đạo và vừa ký chung vào tháng 11 /2020. Đây là một thỏa ước kinh tế lớn nhất hiện nay.

Trong  nước, TC củng cố nội bộ đảng và trấn an dân, thúc đẩy tự hào dân tộc. Quyết tâm tiến lên đánh nhào Tư Bản và chiếm vị trí số một toàn cầu.

I.5. Kết Quả và Hậu Quả Tạm Thời

Tới nay (12/2020), chiến tranh mậu dịch Mỹ Trung đã xẩy ra gần ba năm. Như trên đã nói cuộc chiến không phải chỉ giới hạn trong thương mại và đầu tư, mà còn lan rộng tới nhiều lãnh vực. Một số xung đột vẫn tiếp diễn. Cuộc chiến chưa biết sẽ chấm dứt lúc nào và sẽ ra sao.

Dưới đây là tóm tắt một số kết quả và hệ quả tạm thời (tới cuối 2020) .

I.5.1.Hệ quả về phía Hoa kỳ

Về thương mại thì hai bên đánh và đàm nhiều lần. Thương thảo cho giai đoạn I, được hai thực hiện là vào tháng giêng năm 2020. Coi như tạm huề. Nhưng rồi bị đại dịch. Thỏa ước không được thực hiện đúng như cam kết. Trung quốc mua nông sản Mỹ ít hơn lời hứa. Hàng TC vào Mỹ bị giảm.Thuế đánh vào hàng TC cao lên thì giá bán lẻ cao ảnh hưởng người tiêu thụ và một số công  ty sản xuất Mỹ.

Về đầu tư, một số công ty Mỹ ở TQ  dời đi  qua một số nước khác, như Google, Apple, Nike… Mặt khác TC đang sửa luật đầu tư theo yêu cầu của Mỹ. Về phần công ty TC  ở Mỹ thì một số bị cấm hay bị phạt. Như công ty công nghệ thông  tin  lớn ZTE và Huawei. Hoa kỳ còn cấm các công  ty Mỹ không được giao dịch với công ty do quân đội TC  làm chủ. Các công ty TC không được lên thị trường chứng khoán Mỹ nếu không được Mỹ kiểm soát tài chánh. Tuy  nhiên, sự cấm đoán bán  cho TC các  sản phẩm bán dẫn (semiconductors, software)  làm một số  công ty Mỹ bị thiệt hại. Một món hàng lớn khác là 900 chiếc máy bay Boeing  (trị giá 1,000 tỷ) mà TC hứa mua trước Thương chiến, nay  bị hoãn lại.

Đối với nông dân Hoa kỳ, thương chiến có ảnh hưởng lớn vì TC nhập một số lượng lớn đậu nành, thịt heo, gà của Mỹ. Nếu thỏa hiệp sau cùng (tháng giêng/2020) bị trục trặc, TC không giữ lời hứa mua 55 tỷ nông sản Mỹ thì đó là thiệt hại cho nông dân.

Một số nhà khoa học TC làm việc tại Mỹ bị bắt vì là tình báo cho TC.

Tâm lý chiến và vận động đồng minh. Chánh quyền Mỹ kêu gọi và trình bày cho dân trong nước thấy thiệt hại của Mỹ về nhập siêu từ TQ quá lớn từ nhiều năm.Tình trạng thất nghiệp ở Mỹ do công ty Mỹ sang làm ăn ở TQ trong mấy chục năm qua. Chánh quyền kêu gọi người tiêu thụ mua hàng Mỹ (Buy American), công ty Mỹ trở về cố hương với sự giúp đỡ về thuế và tín dụng.

Chánh quyền và một số truyền thông Mỹ cũng cho dân chúng thấy TC là nước CS, họ dùng những mánh khoé gian dối. TC không có đủ điều kiện và giá trị cần thiết cho một lãnh đạo thế  giới. Mỹ và một số đại học đóng cửa các Viện Khổng Tử, một nơi truyền bá văn hóa lỗi thời và là nơi ẩn dấu cho tình báo TC.

Do đó, gần đây người Mỹ hiểu rõ hơn TC và đa số họ coi TC là kẻ thù cần cảnh giác.

Đối với đồng minh, Hoa kỳ có thay đổi. Lúc đầu TT Trump với chủ trương“America First” làm cho một số đồng minh, nhứt là Âu châu xa Mỹ. Trong đối phó đại dịch, một số nước hiểu TC hơn, và có sự hợp tác trên một số mặt với Hoa kỳ. Về bang giao quốc tế, Mỹ lôi kéo được các nước mạnh như Nhật, Ấn, Úc thành liên minh “Chuổi Kim Cương ” ở Ấn độ-Thái bình dương. Hoa kỳ đi gần hơn với VN và các nước ASEAN để đối phó sự xâm lăng của TC ở Biển đông.

Hoa kỳ gặp ba khó khăn cùng lúc, là sự suy giảm do chiến tranh mậu dịch, do đại dịch rất nặng nề, và do cuộc bầu cử Tổng thống 2020.

Nhưng kinh tế phục hồi từ tháng 10 năm nay. Thị trường chứng khoán lên cao. Về kinh tế tài chánh, Hoa kỳ còn khó khăn lớn khác là nợ công quá cao do ngân khoản cứu trợ đại dịch. Vào những ngày cuối năm thì dịch covid bùng phát trở lại. Có cái may là thuốc chủng dịch covid- 19  được bắt đầu xử dụng. Kinh tế chưa có dấu hiệu lạc quan .

I.5.2.Hệ quả về phíaTrung Cộng

Kinh tế TQ chậm lại và mức phát triển suy giảm, một phần do thương chiến, một phần do đại dịch. Theo cơ quan nghiên cứu Terence Tai-Leung Chong & Xiao Yang Li ước lượng thiệt hại do thương chiến làm GDP TC giảm 1% và thất nghiệp tăng 1.1%. (Research Gate). Cộng với sự suy giảm do đại dịch, theo ước tính của Ngân hàng thế giới năm nay, suất số phát triển của TC chỉ có 2.9% . Được như vậy là may rồi. Dù sao kinh tế TC vẫn còn mạnh, vẫn còn là đối thủ đáng ngại của Hoa kỳ.

Xuất cảng: Tháng giêng và hai /2020 giảm 17% so với cùng thời kỳ 2019. Trong đó xuất qua Mỹ giảm 28%. (Theo Peterson Institute for International Economics,)

Đầu tư ngoại quốc  :   Đầu tư của TC tại Mỹ giảm từ 46.5 tỷ (2016) xuống còn 5.4 tỷ (2018) (Theo trung tâm nghiên cứu kinh tế Rodium Group).

Khoa học kỹ thuật, TC dù có nhiều cố gắng trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn lệ thuộc nhiều ở Mỹ. Như công  ty ZTE và Huawei phải nhập một chip quan trọng từ Mỹ.

Công nợ và ngân hàng. Nợ công rất cao nay phải cho quốc doanh vay thêm, nhưng tình trạng bị lỗ. Đó là một mối nguy hiểm lớn. Tiền trả nợ cho các nước vay trong kế hoạch BRI bị gián đoạn hay hoãn nợ vì phần lớn các dự án không có lời hay bị đội vốn. Nợ xấu do đó tăng cao.

Chuyển tài sản ra ngoại quốc. Vì tình trạng kinh tế khó khăn, nhiều nhà giàu tìm cách chuồn tiền ra ngoại quốc. Và tham nhũng gia tăng.

Trên bình diện quốc tế, dân chúng và chánh quyền nhiều nước có cảm nghĩ xấu với TC vì phần lớn thấy được mặt thật của “chế độ CS biến thể”

I.5.3. Hệ quả cho thế giới

Tổng quát xuất cảng trên thế giới giảm khoảng3%, GDP thế giới bị giảm 1.7%, trong năm 2020 do chiến tranh mậu dịch, (theo World Bank và Research Gate ghi lại).

Theo ước tính của Viện Nghiên Cứu Peterson Institute Global Economics thì cho tới năm 2030 kinh tế thế giới bị giảm mất 301 tỷ, chỉ do chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung.

Giá cả hàng hóa nói chung sẽ tăng khắp mọi nơi.

Đầu tư ngoại quốc bị giảm. Một số công ty bị ngưng hoạt động. Hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi. TC sẽ không còn nắm các chuỗi cung ứng nhiều thứ hàng hóa quan yếu như trong hàng chục năm qua. Mỹ và Âu châu sẽ tự sản xuất cho thị trường nội địa các loại hàng quan trọng cho kinh tế quốc nội, y tế và quân sự. Mặt khác một số chuỗi cung ứng bị chẻ nhỏ ra và được sản xuất tại một số nước Á châu như VN, Thái Lan, Indonesia, Bangladesh, Mexico, Chile..

Hệ thống tài chánh quốc tế bị ảnh hưởng xấu đi. Thị trường chứng khoán dễ giao động hơn.

Mô hình toàn cầu hóa theo kiểu tự do hoàn toàn, kéo dài trên 50 năm nay, bị thay đổi ít hay nhiều. Vì chủ trương bảo hộ mậu dịch một phần của một số nước. Và các lưởn tài chánh trên thế giới có những thay đổi, kể cả các định chế tài chánh lớn. Toàn cầu hóa sẽ được tái định hình, tùy diễn tiến chiến tranh mậu dịch trong tương lai

Tuy nhiên trước mắt cũng có một số quốc gia có lợi trong cuộc thương chiến nầy, vì sự di dời của các công ty ngoại quốc ra khỏi TC và vì nhờ được xuất cảng tăng thêm do hàng hóa TC bị sụt giảm trên thị trường quốc tế. Trong số đó có Việt Nam

II. HỆ QUẢ THƯƠNG CHIẾN MỸ TRUNG ĐẾN VỊÊT NAM

Chiến tranh mậu dịch Mỹ -Trung cho tới nay đem tới những hậu quả lớn chẳng những cho hai nước đương đầu mà còn cho nhiều nước trong đó có VN.

Trong nhứt thời, nhiều người cho rằng đây là cơ hội mà VN hy vọng được nhiều thắng lợi nhất. Song , về phương diện kinh tế, Hoa kỳ và TC là hai đối tác quan trọng nhất của VN, và vì chiến tranh mậu dịch nầy nhiều phức tạp, nên hệ quả cho VN vừa tích cực vừa tiêu cực.

Trong chương nầy, xin tóm tắt qua hai vấn đề: Mối liên hệ kinh tế VN với Hoa kỳ và Trung quốc và Hệ quả chiến tranh mậu dịch Mỹ- Trung đến với VN.

II.1. Tóm lược Tiến Trình Việt Nam Hội Nhập Toàn Cầu
 II.1.1. Tiến trình Hội nhập toàn cầu của VN

Sau  khi đổi mới kinh tế (1986), VNCS theo đuổi nền kinh tế pha trộn giữa kinh tế tự do và nền kinh tế độc quyền XHCN. VN chấp nhận nhiều thành phần kinh tế: quốc doanh, tư doanh, tư doanh ngoại quốc, hợp tác xã và cá thể. Khu vực kinh tế quốc nội quá yếu, nhứt là quốc doanh chiếm khoảng 60% tài sản và phương tiện kinh tế nhưng 65% bị lỗ triền miên. Tư doanh trong nước còn quá yếu. Cho nên VN phải đẩy mạnh kinh tế đối ngoại từ khoảng năm 2000. Từ đó đến nay, VN đạt một số kết quả khá tốt về xuất cảng và đầu tư ngoại quốc (FDI).

Chúng tôi xin tóm tắt một số điểm quan trọng quá trình mở cửa và đi mạnh vào thị trường thế giới của VN trong 20 năm qua.

Về mậu dịch, từ khi vào WTO cho tới nay VN đã ký 17 Hiệp định (HĐ) mậu dịch song phương cũng như đa phương. Song phương VN ký với các nước: Hoa kỳ, Nhật bản, Trung quốc, Đại hàn, Đài loan, Hồng kong, Singapore. Về đa phương VN ký với nhiều nước trong các HĐ : ASEAN với các nước, với HĐ RCEPT do TC cầm đầu,  CPTPP với 11 nước Xuyên Thái Bình Dương (Hoa kỳ rút ra), và EVFTA, VN với Cộng đồng Âu châu. Hai HĐ sau cùng nầy là HĐ thuộc thế hệ mới và toàn diện.

Một số thành quả về ngoại thương:    2015                          2018                             2019

Xuất cảng:   ($ triệu)                            162,107                      236,862                       253,903

Đầu tư ngoại quốc  ($ tỷ)                   14,100 (2007)            16,120   (2019)

Nguồn: Oxford Business Group

Trong 10 năm qua, xuất cảng tăng trung bình 12-15%/năm.

Tổng cộng FDI cho tới năm 2016 là $293 tỷ. FDI chiếm 25% tổng số đầu tư, và chiếm 70% tổng số hàng hóa xuất cảng (theo IMF).

HĐ mậu dịch CPTPP và EVFTA

HĐ CPTPP chính thức thi hành từ tháng giêng 2019. HĐ EVFTA bắt đầu thi hành từ tháng 8- 2020. Hai HĐ nầy gần như giống nhau. Ở đây xin nói một số điểm chánh của hai HĐ nầy.

Đặc điểm:

Hợp tác toàn diện, vừa đẩy mạnh phát triển mậu dịch và đầu tư, vừa gián tiếp cải thiện các định chế, hệ thống pháp lý và lành mạnh hóa xã hội; đặc tính thứ hai là HĐ dựa trên nguyên tắc kinh tế tự do hay kinh tế thị trường.

Ngoài các qui định về kỹ thuật của mậu dịch và FDI, hai HĐ nầy còn qui định bắt buộc mà các HĐ trước kia không có: sự minh bạch, công bằng trong kinh doanh, sự tham gia của công chúng, tôn trọng tự do và nhân quyền.

Tầm quan trọng và lợi ích:

Khi Hoa kỳ rút ra hồi 2017, CPTPP yếu hơn TPP có Hoa kỳ. Vì Hoa kỳ chiếm tỷ trọng 58% của CPTPP. Nếu có Hoa kỳ (tương lai có thể Hoa kỳ trở lại) thì 12 nước thì GDP chiếm 40% GDP thế giới, và 37.5 % lượng hàng hóa giao dịch của thế giới. CPTPP nay chỉ có tỷ trọng 13% GDP và 17% của thế giới. Hiện nay, EVFTA lớn nhứt của VN, và CPTPP hàng thứ tư, sau Hoa kỳ và TC ( VN xuất siêu qua Hoa kỳ khoảng $40 tỷ/ trong năm vừa qua, còn với TC thì VN phải nhập siêu trên $30 tỷ/ năm).

Theo ước tính của các chuyên gia thì tới 2030, EVFTA sẽ giúp VN tăng xuất cảng 12% năm và GDP tăng 2,4% . (Theo Report World Bank tại VN, tháng 5/2020).

Hai HĐ mới còn giúp gia tăng năng suất công nhân, tạo thêm việc làm, cải tiến phẩm chất hàng hóa, và giúp cải thiện vấn đế tài chánh, tín dụng theo chiều hướng tiêu chuẩn quốc tế.

Các khó khăn nghiêm trong:

Mặc dù tương đối thành công trong Hội nhập, mặc dầu hai HĐ mới có tầm mức quan trọng và là hy vọng nhiều cho VN, nhưng con đường đi tới của Hội nhập toàn cầu của VN còn rất nhiều khó khăn và thử thách. Nếu VN như các quốc gia có Tự do Dân chủ và Nhân quyền thì khó khăn ít hơn và dễ cải thiện hơn nhiều. Mà những khó khăn lớn lại nằm trong các lãnh vực ngoài tính chuyên môn trong mậu dịch và đầu tư. Nhưng nó gián tiếp và quan trọng, vì nếu VN không thi hành đúng sẽ bị chế tài, nghĩa là không được hưởng những ưu đãi của hai HĐ.

Các khó khăn chánh yếu là:  Phải tôn trọng nguyên tắc kinh tế thị trường thực sự. Phải có công đoàn độc lập và bảo vệ quyền công nhân theo luật quốc tế. Phải bảo vệ môi trường. Phải điều hành kinh tế cách minh bạch và công bằng. Phải cải sửa và giảm quốc doanh. Phải giảm tham nhũng và có công bằng xã hội.

Đó là những thử thách, những khó khăn tồn tại từ rất lâu và nguyên do là từ bản chất chế độ và sự vận hành nhiều sai trái của chánh quyền.

II.1.2.  Mối liên hệ kinh tế VN với Hoa kỳ và Trung cộng

Lịch sử cho biết VN từ lâu ở trong thế kẹt trong tranh chấp Hoa kỳ và Trung quốc, từ sau đệ nhị thế chiến cho tới ngày nay.

Sự mâu thuẩn và tranh chấp lớn của hai siêu cường quốc Hoa kỳ và TC có liên quan đến VN  từ chiến tranh với Pháp, rồi qua cuộc đụng độ giữa hai khối Tự do và CS, đến chiến thắng của CS tại VN, đến nay là sự tranh giành “độc bá thiên hạ” của hai siêu cường nầy.

Hệ quả đó với VN trên nhiều mặt, từ chánh trị, quân sự , kinh tế và xã hội. Có những hệ quả nhứt thời, nhưng cũng có những hậu quả trong lâu dài.

Để hiểu về hệ quả của Chiến tranh Mậu dịch Mỹ-Trung cho VN,  chúng tôi xin tóm tắt mối tương quan giữa VN và Trung quốc , giữa VN và Hoa kỳ trên mặt thương mại và đầu tư.

Trên con đường phát triển hội nhập toàn cầu, TC và Hoa kỳ là hai đối tác quan trọng nhứt nhì cho VN. Sự gắn chặt kinh tế VN với hai đại cường Hoa kỳ và TC có tính chiến lược.

II.1.2.1. Tương quan kinh tế VN -Trung quốc:

Sự lệ thuộc kinh tế TC quá lớn và khó thoát ra có nguồn gốc từ mối tương quan chánh trị giữa hai nước. VN ở thế yếu vì các lý do: Thứ nhứt là hai chế độ CS độc tài chuyên chính giống nhau. Sau khi Sô Viết sụp đổ thì hai nước càng sát nhau hơn để bảo vệ nhau sự sống còn, nhứt là về an ninh chính trị, đảng CS VN hay các lãnh tụ đảng luôn coi đảng CSTC là sự bảo đảm tốt nhứt; thứ hai là vì địa lý, VN nằm cạnh một nước khổng lồ có sức mạnh lớn hơn nhiều lần và với truyền thống tham vọng bá quyền;  thứ ba là VN là nước nghèo cần phát triển kinh tế, mà TC là một nước đàn anh giúp đỡ đầu tư, vay mượn dễ dãi, và sự cấu kết tham nhũng cũng dễ dàng hơn. Về mặt kinh tế, VN là thị trường lớn nhất của TC ở Đông nam Á, và ngược lại thị trường TC cho hàng hóa VN khá lớn, đứng hàng thư tư. Sự lệ thuộc TC được xác lập qua sự kiện quan trọng là hai lãnh đạo Trung quốc, Giang Trạch Dân và lãnh đạo VN , Nguyễn văn Linh, ký Hiệp đinh bình thường hóa vào ngày 7 tháng 11 năm 1991. Tiếp theo từ đó có nhiều Hiệp định toàn diện và theo đó CSVN dâng cho TC nhiều điều nhiều thứ kể cả kinh tế có lợi cho TQ và quá nhiều thiệt hại cho VN.

Tóm tắt mối tương quan kinh tế VN- TC  

Cam kết mạnh mẽ và rõ ràng giữa hai đảng và hai chánh phủ bắt đầu từ 1991. Năm 2007, Thành lập Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại . Mới nhứt là Thỏa ước hợp tác kinh tế toàn diện ký hồi tháng 11/2017 giữa Trần đại Quang và Tập cận Bình. Hai bên trao đổi qua các hiệp ước song phương và đa phương.

Sự trao đổi giữa hai lãnh đạo thường dễ dàng vì có chủ thuyết và mô hình kinh tế của hai nước  giống nhau .

Trên quan điểm và sự cấu kết , hai nước Việt Trung cụ thể hóa các Thỏa ước, đã có nhiều phái đoàn chánh phủ cũng như doanh nhân hai bên trao đổi kế hoạch đầu tư và mậu dịch cụ thể.

Về Đầu tư trực tiếp và thầu công trình lớn

TQ là một trong 4 nước có đầu tư ngoại quốc cao nhứt tại VN. TQ đầu tư gia tăng: 2 tỷ mỹ kim (năm 2012) lên $10.5 tỷ mk (2016) từ hạng 13 lên hạng 8. Theo báo cáo của  Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì chỉ riêng tháng giêng 2017 , TQ đã đầu tư trực tiếp $340 triệu mk (chiếm 22% tổng số đầu tư ngoại quốc tại VN), và đứng hạng ba sau Singapore và Nam Hàn. Từ khi Hiệp định TTP được ký hồi đầu năm 2016, TQ đẩy rất mạnh đầu tư ở VN. Chỉ trong 10 tháng năm 2017, TQ đầu tư 214 dự án với tổng số vốn $1,6 tỷ mk (theo Vietnam Business News, tháng giêng 2018). Các FDI của TC có ba mục đích: Cạnh tranh với công nghiệp và tiểu thương VN để chiếm thị trường VN, mục tiêu thứ hai là khai thác dầu khí, khoáng sản cho kinh tế TQ, loại thứ ba là các ngành né tránh các HĐ đa phương như tơ sợi, phân bón hay ngành có thể dùng chứng chỉ xuất xứ VN để bán qua Mỹ tránh né thuế quan cao như nhôm thép , đồ gỗ, và thứ tư là các dự án trong kế hoạch “Belt and Road” trong chiến lược bao vây toàn cầu như hải cảng, đường xe lửa, sân bay…

TQ thầu thực hiện các dự án đầu tư công lớn, trên 100 triệu mỹ kim. Tổng quát từ 5 năm nay, 80% các dự án xây dựng hạ tầng, điện nước hầm mỏ , chánh quyền VN giao cho TQ thực hiện.

Khai thác quặng nhôm ở  Lâm đồng và Gia lai, năm 2008 với kinh phí hai dự án lên 950 triệu mỹ kim. Công trình bị kéo dài đến 2014 mới bắt đầu sản xuất.  Nhôm sơ chế bán hết qua TC và bị ép giá. Hai dự án nầy bị lỗ $200 triệu/năm.

TQ thầu được nhiều dự án lớn: nhà máy điện Bình Tuy, Vĩnh Bình tổng cộng trên 2 tỷ mỹ kim,

Dự án Đường xe lửa Cát Linh- Hà Đông (2008) với chi phí đầu tư lúc đầu $552.89 triệu, trong đó tiền vay TQ $419 triệu. Đến 2016 tổng chi phí được điều chỉnh lên $868.04 triệu.Tới năm 2020  chưa xong, dù thời gian thực hiện kéo dài gấp ba. Mỗi năm theo tính toán lúc đầu, VN phải trả nợ cho TQ  $28.8 triệu. Nay công trình kéo dài nợ phải trả nhiều hơn.

Về xuất nhập khẩu: Trung bình từ năm 2010 -2016 hàng nhập từ TQ tăng 18%/năm, năm 2017 ước lượng tăng 15.3%. Theo Vietnam Business Forum, tháng giêng 2018, tổng trị giá xuất nhập năm 2016 là $73 và 11 tháng năm 2017 lên tới 82 tỷ. Xuất siêu với Hoa kỳ gần bằng nhập siêu từ TC.

Hoa kỳ nhập siêu tăng từ US$9 tỷ (2007), lên $17.3 tỷ lên $28.9 tỷ (2015), 39 tỷ (2017). VN đứng hàng thứ 7 trong các nước Hoa kỳ nhập siêu, ý là chưa có TPP.

Về đầutư Hoa kỳ vào VN (FDI): Cũng tăngnhanh. Từ $2000 tỷ đô (2010) lên $10.5 tỷ (2016). Từ hạng 19 (2010) lên hạng 9 (2016). Và tiếp tục tăng, nhứt là vì Chiến tranh Mậu dịch, một số công ty lớn của Mỹ chuyển qua VN. Nhìn chung qui mô FDI của Mỹ khác với TC. Mỹ chủ yếu đầu tư các ngành quan trọng mà VN rất thiếu khả năng như dầu khí, nhiệt điện, sửa chữa máy bay, điện tử…

Còn TC đầu tư đủ thứ, một loại có tác hại xâm nhập thị trường và cạnh tranh thị trường VN như : địa ốc, khu giải trí, casino, bán lẻ ..

Càng tăng giao thương tăng VN càng lỗ vì nhập siêu của VN với TC rất cao, trung bình US $ 30 tỷ, gần bằng số xuất siêu của VN với Hoa kỳ. Như trên, trong vòng 16 năm mà mậu dịch hai bên gia tăng gấp hơn 23 lần. VN trở thành thị trường lớn nhứt của TC trong khối ASEAN. Còn TC là thị trường lớn thứ ba của VN. Chưa kể hàng hóa qua lậu giữa hai nước ước lượng US $20 tỷ/ năm.

VN mua của TC đủ mọi thứ hàng tiêu dùng vì giá rẻ, một phần số lớn hàng qua lậu ở biên giới. Còn TC mua của VN hầu hết dầu thô, nông sản, khoáng sản.

Đầu tư tại VN, TC tràn ngập đầu tư dưới nhiều loại từ điện lực, cầu cống, phi trường, nhà đất tới cơ sở mua bán nhỏ trải dài từ Bắc vô Nam. Trong 10 tháng 2017, TC nhận được các gói thầu và dự án đầu tư tại VN trị giá US $11.9 tỷ (theo WTO văn phòng VN). Ngoài ra, kỹ nghệ VN bị lệ thuộc nguyên liệu của TC. Như ngành may mặc, giầy dép có nguyên liệu nhập 80% từ TC.

Viện trợ. TC cho VN vay rất lớn, họ giữ bí mật con số tổng quát. Nhưng qua một số dự án lớn, đang thực hiện, như ba công trình nhiệt điện ở Phan thiết, Bình Tân và Vĩnh Bình lên tới 6 tỷ mỹ kim, dự án đường xe lửa Cát linh – Đông hà với kinh phí lúc đầu $385 tỷ  sau 4 năm thi công tăng đội vốn lên $850 tỷ, nay sau 8 năm vẫn chưa hoàn tất. Thường TC cho vay 80% chi phí dự án. Các dự án lớn hầu hết nằm trong đại kế hoạch Belt & Road Initiative (BRI). Nội phần trả lãi cũng là gánh nặng cho người dân.

Riêng về mặt kinh tế TC-VN có tầm mức rất quan trọng. Đầu tư TC tại VN (2017) đã lên hàng thứ tám trong các nước.

Theo thỏa hiệp ký vào năm 2011 về dự án thăm dò dầu và lợi ích khác dưới biển trong đó có phần chánh là lãnh hải TC chiếm của VN. Một “hợp tác” khai thác dầu khí trị giá một tỷ mỹ kim. Dự án nầy do công ty quốc doanh dầu lửa CNOOC của TC (theo báo The Gardian ngày 15-5-2014). Từ đây đưa tới hậu quả là TC cứ tự nhiên kéo giàn khoan thăm dò dầu khí từ vùng nầy đến vùng kia của VN. Và TC còn ra lịnh cấm và đuổi các các nước khác hợp tác VN khai thác như công ty Rapsol của Tây ban Nha, công ty Exon của Mỹ.

Năm 2013 VN- TC lại ký Thỏa ước hợp tác về mậu dịch, hạ tầng cơ sở, an ninh biển, kể cả khai thác dầu khí.

Năm 2017 khi Tập cận Bình (TCB) đến VN dự Hiệp định APEC, hai bên có ký một Bản ghi nhớ cho Thỏa hiệp 5 năm hợp tác về mậu dịch và kinh tế giữa VN-TC . Trong đó nói về các mục: mậu dịch, đường xe lửa Vân nam-Hà nội-Hải phòng, hai bên còn cam kết sẽ kiểm soát và quản lý tốt về quyền lợi lãnh hải (theo báo Shanghai Daily ngày 4 tháng 11 2017). Tiếp sau chuyến thăm của TCB, VN-TC ký một loạt 83 Hiệp định thương mại trị giá US $1,94 tỷ (theo Reuter 8-11-2017).

Sau đó các HĐ được chi tiết hóa bởi nhiều Bộ hay cơ quan liên hệ của hai bên. Ví dụ một phái đoàn 60 đại diện của 30 công ty do Bộ Thương mại TC qua VN làm việc bởi Bộ Công thương VN để thực hiện cụ thể. Sự hợp tác kinh tế VN-TC được đẩy mạnh với bề ngoài TC đưa ra hình thức tốt đẹp, như lời ông Zhi Luxun, trưởng phái đoàn phát biểu “China is ready to join hands with VN in upholding the Silk Road spirit of peace and cooperation, openness and exclusiveness, mutual learning and mutual benefit” (theo China Daily 9-11-2017) – “TC sẵn sàng hợp tác với VN trong tinh thần dự án Silk Road là hợp tác hòa bình, cởi mở và đặc biệt, hai bên hiểu biết nhau và cùng nhau có lợi” . Đó là chánh sách chung của TC khi hợp tác kinh tế với nước khác, một thể hiện êm ái lúc đầu và hiểm độc về sau của “Thực dân kiểu TC”.

Vấn nạn tồn tại giữa VN – TC trong hợp tác kinh tế:

Tinh thần hợp tác toàn diện của TC là sự kềm kẹp toàn diện. Kinh tế đi song song với chánh trị và an ninh.

Thái độ TC luôn trịch thượng kẻ cả đối với VN, nhứt là khi đảng CSVN chưa thoát khỏi đảng CSTQ. Nhứt là thái độ các lãnh đạo VN “thà mất nước hơn mất đảng”.

Sự áp đảo chiếm đoạt VN có tánh cách chiến lược và lâu dài, vì địa lý, tài nguyên dầu khí, vì văn hóa, vì việc phát triển lực lượng Hoa kiều hải ngoại, và vì thế quân bình quốc tế khi Hoa kỳ và Âu  châu chuyển trục qua Á châu.

Sự hợp tác kinh doanh hay viện trợ còn là sự “hợp tác tham nhũng” và hủy hoại tài sản VN 

Về mặt chiến lược, TQ  coi VN là một quốc gia ưu tiên số một cần nắm chặt về phương diện an ninh và kinh tế. CSVN ở thế yếu, cần chỗ dựa chắc, nên thường không cưỡng lại ý đồ của TQ.

Về thầu xây cất các công trình lớn. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trong chánh sách bung mạnh ra thế giới, TQ yểm trợ cho nhiều nước đang phát triển, trong đó có VN, xây dựng nhiều công trình hạ tầng cơ sở bằng sự phối hợp cho viện trợ khoảng 80% kinh phí, nước nhận viện trợ giao cho TQ thầu, mà không có đấu giá cách bình thường, TQ bán máy móc trang thiết bị, và đem chuyên viên và công nhân qua thi công. Trong vòng 10 năm nay, VN giao cho TQ 80% công  trình và phẩm chất công trình rất yếu kém.

Một nguy hại về mặt xã hội là VN đang xây dựng nhiều casino ở các khu kinh tế Vân đồn, Vân phong và Phú quốc. Dân TC qua VN rất đông sống bừa bãi và gây ra nhiều loại tội phạm.

 Dự án công trình lớn song phương và đa phương VN – TQ: Hành lang kinh tế Việt Trung, đại dự án”  Vành đai con đường” qua nhiều quốc gia.

Một số công trình lớn của TC tại VN có liên hệ đến an ninh quốc phòng. Như Dự án Hành lang Trung-Việt với chi phí trên 4 tỷ US$ từ năm 2012, (Ngân phát triển Á châu cho vay 2 tỷ.) trong đó phương án xây dựng các xa lộ từ TC qua 6  tỉnh miền Bắc, và phương án đường xe lửa từ Vân Nam qua Hà nội đến Hải phòng. Dọc bờ biển và các đảo bị TC chiếm trái luật và tự tiện khai thác dầu khí, và đặt căn cứ quân sự. Các điểm trọng yếu thì VN xây các Đặc khu kinh tế cho TQ. Trên cao nguyên TC khai thác dự án quặng nhôm. Phía Tây nam thì TC có căn cứ lớn ở Cambodia. Còn ngã nào để thoát khỏi TC!

II.1.2.2.  Tương quan kinh tế VN – Hoa kỳ

Hoa kỳ và VN thiết lập bang giao năm 1995. Trong hoàn cảnh mới hai nước tiến lại gần nhau nhanh chóng. Nhất là từ khi bá quyền TC muốn chiếm đoạt Biển đông. Ngày nay sự hơp tác Hoa kỳ – VN nâng lên mức toàn diện. Riêng về lãnh vực kinh tế, Hoa kỳ trở thành đối tác số một của VN, chẳng những về thương mại mà còn nhờ có  ảnh hưởng Hoa kỳ với các định chế quốc tế và với một số nước tư bản tự do, và an ninh vùng Biển đông.

 Nay với chiến tranh mậu dịch Mỹ -Trung, tác động cho hai bên Mỹ- Việt chắc có ít nhiều thay đổi trong tương lai mà cả hai bên hy vọng theo chiều hướng tốt.

Hoa kỳ – VN  Ký Hiệp định kinh tế song phương ngày 13-tháng 7 năm- 2000, có hiệu lực từ tháng 12/2001. Đó là HĐ thương mại kiểu cũ, không kèm theo điều kiện Dân chủ và Nhân quyền như các HĐ sau nầy. Trong đó có các điều khoản quan trọng: Hoa kỳ cho VN “qui chế tối huệ quốc” (đ.1,Ch.I). Hàng hóa VN xuất qua Mỹ với thuế quan giảm từ 40% còn 5%. Về bảo vệ và chế tài sản phẩm trí tuệ. Về đầu tư, nếu có tranh chấp sẽ xử dụng trọng tài Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL).

Hai bên hứa tạo thuận lợi về mậu dịch và đầu tư (Ch.V).

Cái hy vọng lớn cho hai bên, nhứt là phía VN là HĐ đa phương mang tính cách lịch sử và đặc  điểm mới của Tòan cầu hóa. Đó là HĐ TPP (Trans Pacific Partnership) hồi 2016 gồm  12 nước trong đó Hoa kỳ và VN. HĐ nầy toàn diện hơn đầy đủ hơn trước, ngoài qui định về mậu dịch và đầu tư còn qui định về sự tham gia của người dân, về nhân quyền… Nhưng năm 2017, TT Trump rút ra khỏi TPP. 11 còn lại tiếp tục với tên mới CPTPP. Không có Hoa kỳ là thiệt thòi lớn cho VN, vì Hoa kỳ là đối tác lớn nhất.

Thấy tầm mức quan trọng của Hoa kỳ, VN nổ lực vận động Hoa kỳ qua nhiều công tác như: Hoa kỳ bãi bỏ luật Valik Jackson, (cấm vận với nước CS), sau nầy Hoa kỳ bỏ luật cấm bán vũ khí sát thương tập thể. VN vận động gia nhập Hiệp hội ASEAN, và Hiệp ước mậu dịch tự do APEC.

Về mậu dịch hai bên, tăng nhanh. Dù Hoa kỳ không có là thành viên CPTPP. Trong vòng 20 năm, từ 2001 đến 2011, tăng 1200%, từ US $1.500 lên US $20 tỷ (Theo Wikipedia). Và tiếp tục lên US $77.600 năm 2019. Trong giao thương nầy, VN có lợi nhiều. VN xuất siêu từ US $592 (2001) lên US $39 tỷ (2019)

Về Đầu tư (FDI) của Hoa kỳ tại VN: Có lẽ các công ty của Mỹ với qui mô lớn, trong những năm trước TC mở cửa FDI Mỹ qua TC, nên qua VN ít hơn. Từ 2000- 2018, tổng số FDI của Mỹ ở VN trị giá US $54,5 tỷ dự án (Theo US Department of Trade) . Trong đó các công ty Microsoft, Cisco, Fedex, Coca Cola, Visa, Intel, Bank of America, City Bank… Dù không chiếm vị trí cao, nhưng FDI của Mỹ ở VN trong quá khứ có gia tăng. Hai nước càng ngày càng gần hơn, về mặt đầu tư sẽ tăng hơn và VN cần nhập hàng Mỹ nhiều hơn.

Trong chiến tranh mậu dịch, có một số công ty Mỹ chuyển qua VN. Mặt khác, Hoa kỳ và VN  đang gia tăng đầu tư về năng lượng. Như hồi tháng 10 vừa qua, Công ty Mỹ ký hợp đồng khí hóa lỏng trị giá $2.8 , hợp đồng đầu tư $3 tỷ nhà máy nhiệt điện Bình sơn, Bình Thuận, và một vài dự án lớn nữa trong chiều hướng có vẻ thuận lợi cho hai bên.

Vấn nạn tồn tại giữa Hoa kỳ-VN trong lãnh vực kinh tế:

Bang giao hai nước ngày nay tới mức toàn diện, nghĩa là ngoài kinh tế còn an ninh vùng. Nhưng riêng về mặt kinh tế, hãy còn một số tồn tại như:

Hoa kỳ không tin CSVN thật lòng hợp tác, mà muốn lợi dụng Hoa kỳ về kinh tế, vì VN nằm trong thòng lọng  ác nghiệt của TC, và sự thiếu thành thật của trong quản lý kinh tế .

Hoa kỳ không công nhận VN có nền kinh tế thị trường thực sự (Non Market Economy, NME). Theo luật về thương mại quốc tế của Hoa kỳ thì nếu một quốc gia được cho là có  nền kinh tế không phải thị trưòng thì bị áp đặt một số biện pháp khác có hại cho đối tác đó. (Theo luật US19-USC 1677 về NME “ any foreign country that the administering authority determine do not operate on the market principles of cost or pricing structures so that sale of merchandise in such country do not reflect the fair values of merchandise”- Một nền kinh tế không phải thị trường là bất kỳ một quốc gia bên ngoài khi cơ quan thẩm quyền xác nhận không điều hành theo nguyên tắc thị trường về giá thành hay cách định giá bán một món hàng của quốc gia nầy không phản ánh trị giá đúng của món hàng ). Nhiều lần VN yêu cầu Mỹ công nhận cho VN được qui chế nền kinh tế thị trường. Tới nay Hoa kỳ chưa chánh thức xác nhận .

VN phải gia tăng nhập hàng Mỹ để giảm bới nhập siêu của Hoa kỳ nay lên tới gần US $ 40 tỷ/năm. VN đã hứa nhập thêm hàng các món hàng như máy bay, sản phẩm cho quốc phòng, máy móc kỹ thuật cao, một số nông sản với hàng nhiều tỷ.

Hồi tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Thương Mại HK nêu vấn đề VN đang lũng đoạn tiền tệ để gia tăng xuất cảng. Đó là vấn đề rắc rối có thể xem như sự sai trái trong thanh toán ngoại thương. VN bị Mỹ coi như không minh bạch và công bằng trong điều hành kinh tế tài chánh trong nước. VN không công khai và minh bạch ngân sách, viện trợ, và trong các vụ thầu cho chánh quyền mà VN giao 80% các dự án lớn cho TC. Tin mới nhứt là Hoa kỳ chính thức trừng phạt VN về sự lũng đoạn tiền tệ, là hạ tỷ suất đồng bạc VN so với Mỹ kim. Trừng phạt nầy khá nặng và Mỹ tuyên bố vào ngày gần Giáng sinh, chắc chắn có ảnh hưởng xấu với kinh tế VN.

Hệ thống luật lệ trong kinh tế, VN không đúng tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn về quyền công nhân, luật biểu tình, luật hình sự, cũng như nhiều vụ gian lận như việc dán nhãn “Made in VN” cho hàng sản xuất TC. Tóm lại bang giao kinh tế hai bên Mỹ-Việt tiến bộ tốt. Nhưng còn nhiều mâu thuẩn tồn tại phải giải quyết, trong đó có sự lệ thuộc của VN với TC và sự bất quân bình quá lớn có lợi cho VN.

II.2.   Hệ quả Chiến tranh Mậu dịch Mỹ Trung đến VN

Trong phần trên, chúng ta thấy mối tương quan kinh tế VN- TC và VN-Hoa kỳ càng ngày càng gia tăng và có vị thế rất lớn đối với kinh tế VN. Vì vậy khi hai quốc gia số một và số hai đánh nhau thì VN là một trong các nước chịu ảnh hưởng quan trọng. Nhưng cuộc chiến chỉ mới còn ở giai đoạn khởi đầu cho nên hậu quả cho  hai bên cũng như cho VN chưa có nhiều. Ảnh hưởng sẽ nhiều hay ít lâu hay mau tùy cường độ cuộc chiến, và tùy sự chấn chỉnh của VN.

Chiến tranh mậu dịch Mỹ -TC là một trong những biến động thế giới. Có thể đây là khởi đầu cho sự thay đổi lớn về Toàn cầu hóa, và sự tái định hình trật tự thế giới. Với vị thế đặc biệt VN phải dính líu những biến động quốc tế trong ngắn hạn và dài hạn. Muốn được nhiều lợi ích hay tránh bớt hậu quả tai hại, VN cả chánh quyền và dân chúng, cần cứu xét kỹ lưỡng lợi và hại trong sách lược hội nhập toàn cầu của chính mình.

Trong gần hai năm qua , nhiều người nói nhiều đến VN được lợi nhiều nhứt. Nhưng ít người nói đến thử thách cho VN trong ngắn hạn và trong lâu dài.

II.2.1. Hệ quả tích cực 

Hậu quả cuộc chiến mậu dịch làm cho một số nước có lợi và một số nước có thêm khó khăn. Về mặt kinh tế, thì nhiều nhà nghiên cứu cho rằng VN là một trong các nước có lợi nhiều nhứt. Vì VN có nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà kinh doanh ngoại quốc.

Các yếu tố đem lại thuận lợi và tích cực cho VN trong kinh tế quốc ngoại:      

Lực lượng lao động đông đảo và trẻ. Lương công nhân rất thấp, thấp nhứt trong vùng .

Sách lược kinh tế và và hội nhập được coi là mở rộng, hợp tác với mọi quốc gia.

Địa lý thuận tiện cho việc đầu tư xuất cảng. Có thể trở thành trung tâm chế tác khá lớn cho toàn cầu, kể cả chuổi cung ứng trong mô hình Toàn cầu hóa.

Một số thành công và kinh nghiệm trong quá khứ. Trong quá khứ VN tương đối thành công trong mậu dịch và đầu tư quốc tế.

Văn hóa VN tương đối cởi mở, và đã du nhập và hòa hợp được với hai nguồn văn hóa Đông phương và Tây phương.

Trên thực tế, vì chiến tranh mậu dịch, đã và sẽ có một số công ty Mỹ, Nhựt, Đại Hàn chuyển cơ sở qua VN.

Nếu có nhiều công ty chuyển từ TC qua là cơ hội tốt cho VN ổn định thêm kinh tế nội địa quá yếu. Giúp giải quyết thất nghiệp, và tạo thế mạnh hơn trong hội nhập kinh tế toàn cầu.

II.2.2. Hệ quả tiêu cực

VN cũng gặp nhiều khó khăn và thử thách làm cho thuận lợi bị giảm đi. Các yếu tố tiêu cực hay không thuận lợi có thể là:

Mô hình “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là hai nền kinh tế mâu thuẩn, đối nghịch. VN không có kinh tế thị trường thực sự. Thực tế, kinh tế XHCN hướng dẫn kinh tế thị trường. Cho nên khu vực tư doanh kể cả tư doanh ngoại quốc bị đối xử không công bằng, bị nhiều thiệt thòi.

Môi trường chánh trị dù “ổn định”, nhưng không có Dân chủ, Tự do và Nhân quyền mà luật lệ các nước đối tác yêu cầu và bắt buộc.

Công nhân rẻ nhưng thiếu chuyên môn, các công ty ngày nay xử dụng kỹ thuật nhiều không mướn được. Một số công nhân có thái độ không tốt do chịu ảnh hưởng nền giáo dục XHCN.

Hạ tầng cơ sở còn rất kém. Trong đó có tình trạng các hải cảng lớn, đường xá cầu cống, điện nước, môi trường ô nhiễm.

Bộ máy hành chánh công quyền rất tệ hại. Luật lệ rắc rối, đôi khi mâu thuẩn giữa luật đảng và luật chánh quyền, một số không theo tiêu chuẩn quốc tế. Bộ máy có hai hệ thống rất to lớn và rất tốn kém. Nhân sự kém khả năng vì nạn con ông cháu cha người có tài không được xử dụng đúng.  Kém hiệu năng chuyên môn và kém đạo đức hành chánh, không minh bạch

Giáo dục yếu kém, không đi sát với bước phát triển kinh tế.

Tệ trạng xã hội: Tham nhũng, bất công xã hội đầy dẫy và khủng khiếp. Đây là một trong những ngại ngùng của doanh nhân ngoại quốc.

Phong cách và tinh thần làm việc của nhiều người, nhứt là ở khu vực chánh quyền là thiếu minh bạch, nghĩa là dấu diếm, gian lận, không thật tình. Chẳng hạn hàng giả, hàng TC dán nhản “made in VN” để xuất cảng qua Mỹ, đã bị bắt gặp, và bị phạt nặng. Sao chép và bàn các loại sản phẩm trí tuệ.

Chánh quyền VN thường chối cải và dấu các vi phạm nhân quyền điều mà luật các đối tác qui định. Các đối tác ngoại quốc rất lo ngại vì chính luật nước họ cũng buộc cho.

Cán cân mậu dịch là điều quan trọng cho hợp tác quốc tế. Nếu VN có xuất siêu quá cao là vấn đề. Trong đó vấn đề lủng đoạn tiền tệ mà Hoa kỳ mới nêu ra cho VN.

Về sách lược và mô hình phát triển. VN phải cải đổi nhanh việc thực thi đúng đắn nền kinh tế thị trường. Chánh quyền phải sửa đổi nhiều luật lệ theo tiêu chuẩn quốc tế. VN phải tôn trọng nhân quyền và Tự do Dân chủ. Trong đó có vấn đề cần phải thực hiện ngay là Công đoàn độc lập. Nó chứng tỏ sự quan trọng về hai điều, thực thi đúng luật pháp quốc tế mà VN hứa nhiều lần, thứ hai là nó có tác dụng tốt cho việc phát triển về hợp tác kinh tế .

Trên đây là tóm tắt thuận lợi và khó khăn của VN trong thời buổi chiến tranh mậu dịch và có thể cho tình trạng thay đổi mạnh mẽ Toàn cầu hóa. VN cần xem kỹ lại mình. Toàn cầu hóa là phải cạnh tranh và là sự hợp tác công bằng không mưu sĩ của nhiều quốc gia. Thứ hai là trên mặt thu hút đầu tư ngoại quốc, VN phải cạnh tranh với Thái lan, Indonesia, Malaysia, Ấn độ, và một số nước ở những khu vực khác.

II.3. Xung đột Mỹ – Trung và Trật Tự Thế Giới trong Tương Lai
II.3.1.Tương lai cuộc chiến Mỹ Trung

Cách tổng quát tình hình xung đột Mỹ Trung cho tới cuối năm 2020 nầy còn nhiều ẩn số và còn nhiều điều chưa giải quyết. Dù thương chiến còn tạm đình chiến, dù các đụng độ trên các mặt trận khác còn đang tiếp diễn và phải tiếp tục trong tương lai. Nói chung vấn đề cực kỳ khó khăn, có lẽ khó hơn thời kỳ chiến tranh lạnh. Dù Mỹ có Tổng thống mới từ năm tới, vì tích tụ từ quá lâu và chằn chịt trong nhiều lãnh vực. Đặc biệt là là do sự tranh bá để chiếm đoạt địa vị lãnh đạo số một thế giới. Có nhiều người ngiên cứu về cuộc chiến không đổ máu nầy, nhưng những kết luận chỉ là suy diễn. Đó là các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai.

Có một điều có thể thấy được là cuộc đụng độ Mỹ Trung làm thay đổi trật tự thế giới. Sự tái định hình như thế nào còn tùy các chiến trận trong tương lai giữa hai siêu cường, tùy quan điểm mới về Toàn cầu hóa, và tùy Mỹ và Trung cộng xây dựng được đồng minh như thế nào, hay nói khác tùy mức độ quốc tế hóa cuộc chiến nầy.

Dù thế nào ở tương lai, thì hiện nay Trung quốc và Hoa kỳ đang có những thử thách rất lớn.

Về phía TC, nếu nhìn bề ngoài thì nước CS nầy chưa bị sứt mẽ bao nhiêu. Thậm chí có một số nhà nghiên cứu cho rằng Mỹ bị thua thiệt nhiều hơn TC. Và cũng theo tin tức của một số nhà nghiên cứu sâu bên trong thì TC bị khó khăn lớn về nhiều mặt.

Về kinh tế, mức phát triển 2020 chỉ còn độ 2.9% (World bank) . Xuất cảng giảm. Đầu tư ngoại quốc giảm. Kinh tế trong nước giảm mạnh vì thất nghiệp tăn cao. Mãi lực giảm, mặc dù hai năm qua TC Bình muốn chuyển chánh sách kinh tế cho trong nước nhiều hơn Quốc doanh bị khó khăn hơn, trong đó đặc biệt các ngân hàng vị nợ xấu tăng cao do nhiều công ty phá sản và do một số nước mắc nợ trong kế hoạch Belt& Road bị thua lỗ không tiền trả nợ.

Xã hội và chánh trị TC bị khó khăn vì cùng lúc xẩy ra các vụ chống đối mạnh ở Hồng kong, Tân cương, và Đài loan .

Trên bình diện quốc tế, có nhiều nước, nhiều dân chúng hiểu rõ và chống TC nhiều hơn về mô hình chánh trị XHCN, về thủ đoạn trên thương mại và về văn hóa truyền thông. Nói tóm lại TC đang phải đối diện nhiều thử thách khó giải quyết trong tương lai gần.

Về phía Hoa kỳ cũng đang gặp nhiều khó khăn lớn. Mục tiêu thương chiến không có kết quả bao nhiêu. Vẫn nhập siêu lớn. Đầu tư mới trong nước giảm một phần vì đại dịch. Nợ công tăng , ngân sách thiếu hụt thêm. Người tiêu thụ có khó khăn vì giá cả tăng.

Qua hơn hai năm, cuộc thương chiến chưa có kết quả rõ ràng, nên tương lai cũng chỉ suy đoán .

Có thể có ba kịch bản xảy ra trong tương lai:

1/ Trung quốc kiệt sức trước. Có thể TC suy sụp và chống đở khó khăn. Lý do là tham vọng quá lớn. Thực hiện quá nhanh và quá rộng. Kinh tế dựa vào xuất cảng quá nhiều, khi kinh tế toàn cầu thay đổi TC bị ảnh hưởng mạnh nhứt. Nội bộ chia rẽ và nhiều chống đối. Trên thế giới TC bị phản ứng xấu và sức mạnh kinh tế bị hạn chế. Trong trường hợp nầy TC phải thay đổi sách lược kinh tế. Dù trong khó khăn nào thì sức mạnh kinh tế TQ không dễ dàng vị sụp đổ nhanh chóng.

2/ Hoa kỳ thất bại. Trường hợp thứ hai là Mỹ bị suy yếu, bị hụt hơi. Vì kinh tế không phục hồi nhanh và mạnh. Chánh trị trong nước bị xáo trộn hơn, chia rẽ làm sức mạnh Mỹ yếu từ trong nước lẫn quốc tế. Hoa kỳ đi vào giai đoạn khó khăn nhất từ sau thế chiến thứ II. Do đó thế số một thế giới bị thách thức. Mặc dù chánh nghĩa Dân chủ Tự do, Nhân quyền còn đó. Nhưng những giá trị nào cũng phải xây dựng cách thực tế dựa trên sức mạnh kinh tế.

3/ Hai bên giải hòa. Vì cả Hoa kỳ và TC đều nhận ra rằng khó có thể một bên chết và một bên chiến thắng. Ngày nay cả hai siêu cường cần hợp tác, mặc dù có nhiều xung khắc, nhiều  mâu thuẩn. Tức là hai nước giải quyết trên quyền lợi thực tế, hai bên cùng có lợi. Điều mà TQ đã nêu ra từ lâu, nhưng không phải là điều mà TC thực lòng theo đuổi. Từ thời Tổng thống  Nixon thiết  lập bang giao với TC nay đã gần 60 năm , Hoa kỳ và Âu châu đã hiểu sai về TC quá lâu và quá nhiều. Liệu tương lai ra sao, có rút được nhiều kinh nghiệm đau thương không?

Hợp tác quốc tế trên căn bản hòa bình và thịnh vượng luôn là nguyên tắc đúng. Nhưng lợi dụng danh nghĩa đó cho mưu đồ đen tối là không chấp nhận được.

II.3.2. Vấn đề trật tự thế giới mới

Nhiều người nghĩ là là báo hiệu sự cáo chung của Toàn cầu hóa (TCH) theo căn bản tự do hoàn toàn, nghĩa là không có hạn chế và cản ngăn trong trong ngoại thương trong đầu tư ngoại quốc và giao lưu tiền tệ. Mặc dù qua hơn năm thập niên của mô hình TCH đó đem lại nhiều lợi cho kinh tế thế giới. Nhưng nó đã bị TC lạm dụng và lợi dụng để phát triển sức mạnh toàn diện của mô hình XHCN kiểu mới. Nếu tiếp tục như vậy trong tương lai không xa, TC sẽ chiếm vị trí lãnh đạo thế giới.

Như vậy có thể thế giới trở lại “lưỡng cực” như thời chiến tranh lạnh của hai khối Tự do và Cộng sản. Sau khi Liên sô và Đông Âu sụp đổ (1991), khối CS bị bể. TC lúc đó không đủ sức mạnh để đương đầu với Mỹ và Âu châu. TC thay đổi quan trọng  mô hình XHCN với sắc thái Trung quốc để đánh lừa khối tự do, khối thế giới thứ ba gồm các nước đang phát triển, và TC còn đánh lừa cả quần chúng TQ, để tìm một con đường mới. “Giấc mộng TQ” mà Tập cận Bình theo đuổi cách quyết liệt là trong tương lai gần TQ có vị trí siêu cường ngang hàng với Hoa kỳ. Lúc đó thế giới có trật tự lưỡng cực, nhưng rất khác với lưỡng cực trước 1991. Bây giờ TQ nguy hiểm hơn Liên Sô nhiều. Cực thứ ba là Âu châu, sau nhiều năm thụt lùi, giờ muốn vùng lên. Nhưng thế và lực của Âu châu chưa đủ mạnh. Nhu cầu tốt nhứt để chận TC lên “độc bá quyền” là Hoa kỳ và Âu châu trở lại tình đồng minh tốt hơn hiện nay. Một “liên minh  lõng lẽo” chưa đủ mạnh nhưng cũng có thế và lực nào đó không nhỏ và có lập trường chống TC là  “Liên minh Kim Cương” gồm  Mỹ , Nhật , Úc và Ấn độ.  Thế giới còn lại là rất nhiều nước, phần lớn nghèo và “cuốn theo chiều gió”.

Người ta nghĩ tương lai trật tự thế giới sẽ có thay đổi nhiều , nhưng chưa ai có thể biết rõ nó như thế nào vì thế giới còn nhiều biến động, trong đó hận thù và mặc cảm quá khứ, về chủng tộc  vẫn còn đè nặng trong tâm tư con người.  Còn biến động quốc tế thì Việt Nam còn bị lôi cuốn vào nhiều khó khăn lớn gần như một định mạng .

Cali, cuối năm 2020          

Nguyễn Bá Lộc.

 

                                             

                

Views: 243

Đi thăm Australia và New Zealand

Đặng-Quốc-Tuấn 

                                                          

Australia và New Zealand thường được gọi là Down Under (Miệt Dưới) vì ở Nam Bán Cầu và “below” rất nhiều nước khác. Down Under được dùng từ cuối Thế-kỷ 19 và trở nên rất thông-dụng. Bản nhạc nổi tiếng “Down Under” của ban nhạc Men At Work đã quảng-bá thêm cho tên gọi thân-thương này với những lời ca yêu-mến:

Do you come from a land down under

Where women glow and men plunder

I come from a land down under

Where beer does flow and men chunder

Năm 2004, khi hoa-hậu Úc Jennifer Hawkins thắng giải Hoa-hậu Hoàn-vũ (Miss Universe), cô được giới-thiệu là Hoa-hậu của Miền Down Under.

Hội-ngộ Liên Khóa Úc Châu 2018

Tôi không gọi là HNLK Kỳ 4 như Ban Tổ-chức và nhiều người gọi vì theo tôi, đây là Kỳ 5. Năm 1999, Tổng Hội CSV/QGHC đã tổ-chức Họp Mặt lần đầu tiên ở Virginia. Năm 2014, Hội CSV/QGHC Texas tổ-chức cuộc Họp Mặt Kỳ 2 nhưng lại gọi là Kỳ 1. Một hội-viên Hội Miền Đông đã đính-chính nhưng Hội CSV/QGHC Texas vẫn giữ tên là Kỳ 1 và giải-thích rằng Họp Mặt Năm 1999 là Đại Hội QGHC Thế Giới, đêm Liên-hoan gọi là Đêm Hành Chánh Hội Ngộ chứ không phải Hội-nghị Liên Khóa; bởi vậy HNLK 2014 ở Houston là HNLK Kỳ 1. Tôi không hiểu sự khác biệt giữa “Đêm Hành Chánh Hội Ngộ” và “Hội Ngộ Liên Khóa” ra sao? Có lẽ chỉ nên đặt tên Họp Mặt theo năm và nơi tổ-chức, không cần “Kỳ” nữa. Nói vậy thôi chứ Hội CSV/QGHC nào tổ-chức họp mặt và đặt tên ra sao tôi cũng đi để gặp bạn-bè.

Tôi và Nhà Tôi vẫn có ý-định đi thăm vùng Miệt Dưới từ lâu nên khi Hội CSV/QGHC Úc tổ-chức HNLK 2018 tôi ghi tên ngay. HNLK 2018 được tổ-chức rất chu-đáo, thành-công tốt-đẹp. Trước ngày Đại-hội có tour đi Canberra, hai buổi họp-mặt “Tiền Hội-ngộ” và “Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô.” Sau ngày Đại-hội lại có tour Sydney, tour Symbio Wildlife Park và cruise Great Barrier Reef. Thật là qúa đầy đủ, ít cuộc họp mặt thân-hữu nào có nhiều “options” như vậy.

Trung Tâm Sinh Hoạt Văn Hóa Cộng Đồng

Tour Canberra do anh Đặng Văn Hiền hướng-dẫn. Anh Hiền vốn là một công-chức lâu năm ở đây nên hiểu biết rành-rẽ tổ-chức của chính-quyền Úc. Anh Hiền và người hướng-dẫn ở văn-phòng Quốc-hội đã đưa chúng tôi đi thăm các văn-phòng Thượng và Hạ Nghị-viện Úc. Đi thăm Australian War Memorial thấy hình ảnh cuộc chiến Việt Nam lại buồn nhớ đến hơn 3 triệu người Việt Nam chết, gần 60,000 chiến-sĩ Hoa Kỳ và Đồng Minh đã bỏ mình để ngăn làn sóng Đỏ ở Việt Nam, bảo-vệ tự-do cho Thế-giới. Xin cám-ơn Chính-phủ, Quân-đội, và nhân-dân Úc đã trực-tiếp tham chiến tại Việt Nam, khởi sự từ con số khiêm-nhường 30 Cố-vấn Quân-sự năm 1962 lên đến một lực-lượng hùng-mạnh 7,672 chiến-sĩ. Trước chiến tranh Afghanistan, chiến-tranh Việt Nam là cuộc chiến dài nhất trong lịch-sử Úc. Tuy chiến tranh Afghanistan dài hơn chiến-tranh Việt Nam, lực-lượng Quân-đội Úc ở Afghanistan lại ít hơn ở Việt Nam nhiều. Khoảng 60,000 chiến-sĩ Úc đã tham chiến tại Việt Nam, 521 chiến-sĩ Úc đã bỏ mình, và hơn 3,000 người bị thương. Chúng ta không thất trận ở Việt Nam, chúng ta đã thất trận ở Paris và Washington!

Trụ-sở Quốc-hội Australia

 

Sydney Opera House

Tour Sydney và Tour Symbio Wildlife Park do hai anh David Ngô và Lê Văn Thái hướng-dẫn đã đưa chúng tôi đi thăm hầu hết các thắng cảnh ở Sydney. Vào những đêm giao-thừa Dương lịch, tôi hay theo-dõi Năm Mới tuần-tự đến với các nước. Sydney, vì ở Down Under, nên là thành-phố lớn đầu tiên đón Năm Mới. Nhìn cảnh pháo bông rực-rỡ trên Sydney Opera House và Sydney Harbour Bridge, vợ chồng tôi vẫn có ý-định đến thăm nơi này vào một đêm giao-thừa. Nay tuy không phải là giao-thừa nhưng chúng tôi cũng đã được đi trên Harbour Bridge, vào thăm Opera House thì cũng mãn nguyện. Hàng năm có hơn 8 triệu người viếng thăm Sydney Opera House, một thắng cảnh được liệt-kê là UNESCO World Heritage Site. Tour Symbio Wildlife Park không hấp-dẫn cho lắm vì tôi không thấy con kangaroo mẹ đìu con trước bụng như tôi đã thấy ở Mỹ; kangaroo ở sở thú này nhỏ nhưng rất hiền và thân-thiện. Nhà Tôi rất thích con két trắng cứ luôn luôn chào “Hello” với nàng.

Sri Venkateswara Temple – Helensburg                            

Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô đựợc tổ-chức rất long-trọng và cảm-động. Hội CSV/QGHC Úc vẫn tổ-chức lễ này hàng năm nên có nhiều kinh-nghiệm, tổ-chức rất chu-đáo. Có Chủ Tế, Bồi Tế mặc áo thụng, khăn đóng cổ-truyền với tiếng chiêng, tiếng trống linh-thiêng. Có dâng hương, hoa, rượu, trà, bánh trái. Anh Trần Thiện Tích đã nói lên tình thầy trò đậm-đà và nỗi lòng biết ơn, thương-tiếc của CSV/QGHC với các Thầy, các Cô đã qua đời. Anh Tích và Chủ Tế Bùi Đức Hùng cũng nhắc đến một số đồng môn đã đi trước chúng ta, nhiều người đã anh-dũng hy-sinh cho Tổ-quốc. Đặc-biệt năm nay khi các CSV/QGHC tổ-chức Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô thì một vị Thầy khả-kính là Giáo-sư Nguyễn Khắc Nhân vừa nằm xuống ngày hôm trước ở Sydney. Nơi Thầy đang nằm chỉ cách chỗ các học-trò đang tổ-chức Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô một khoảng đường rất ngắn. Nguyện xin Thầy an-nghỉ và cầu mong hương-linh Thầy sớm siêu-thoát về Miền Cực Lạc. Riêng con, con không bao giờ quên ơn Thầy đã chấm Luận-văn Tốt-nghiệp Khóa Đốc-sự 10 của con hạng nhất trong lớp.[1]

Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô

Tôi sang Úc hơi trễ nên đã không còn gặp được một vài người bạn thân-thương đã đi trước chúng ta. Anh Lưu Văn Của học chung với tôi Khóa Cao-học 2. Anh Nguyễn Khoa Huân, huynh-trưởng Khóa Đốc-sự 2, một người bạn vong niên của tôi. Khi Anh làm Trưởng-ty Thuế-vụ Nha-trang / Khánh-hòa thì tôi làm Trưởng-ty Thuế-vụ Lâm-đồng, chúng tôi có chung một “xếp” và vẫn đi họp với nhau. Anh không nề-hà tuổi cao đã dấn thân ra làm Chủ-tịch Hội CSV/QGHC South New Wales với ý-định cùng ACE tổ-chức HNLK 2018 cho thật đẹp. HNLK chưa tới thì anh đã ra đi. Một đàn anh nữa là Anh Nguyễn Văn Thực làm Chánh Sự Vụ Sở Hành-chánh khi tôi về học Cao-học. Về Sài-gòn tôi phải thuê nhà hết gần $2,000 một tháng lại mất phụ-cấp chức-vụ nên ăn tiêu hơi thiếu thốn; tôi đi tìm việc làm thêm. Anh Thực lúc ấy đang coi Trung-tâm Văn-hóa Bình-dân vào buổi tối; anh nhường cho tôi khi biết tôi chưa tìm được việc làm. Hội Văn-hóa Bình-dân mở các lớp học vào buổi tối dạy chữ, dạy nghề cho các em lớn tuổi nhưng không có điều-kiện theo học các trường ban ngày. Hết khóa học, tôi trả lại anh Thực việc làm này và đi dạy học ở Trường Trung-học La-san Đức Minh. Tôi không bao giờ quên nghĩa-cử này của anh Thực đã dành cho tôi. Nói chuyện với chị Thực tôi mới biết anh Cung Đình Thanh, Luật-sư Chủ-tịch Hội Văn-hóa Bình-dân cũng mới mất ở Úc.

Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô

Một người bạn nữa tôi không được gặp là anh Đặng Gia Thoại; Thoại học chung với tôi Khóa Đốc-sự 10 lại ở cùng phòng trong Ký Túc Xá. Tôi quen biết hầu như hết mọi người trong gia-đình Thoại. Tôi còn học chung với chị Thoại ở Đại-học Văn-khoa Sài-gòn. Xem danh-sách, tôi có thấy chị Thoại ghi tên tham-dự Lễ Tưởng Niệm nhưng tôi đi quanh phòng họp mấy lần cũng không thấy chị. Sợ rằng không gặp Chị từ lâu nên tôi không nhận được Chị, tôi nhờ Dũng và Khôi là dân Khóa 10 ở Úc đi tìm mới hay Chị không đi dự được. Trong buổi Lễ Tưởng Niệm này, tôi đau buồn nhớ đến mấy người bạn thân-thương của tôi ở Úc mà tôi không còn gặp được nữa. Họ đã bỏ chúng ta sang bên ấy thành-lập một Chi-hội CSV/QGHC mới. Chắc chắn là Chi-hội của họ sẽ càng ngày càng đông hội-viên, Chi-hội của chúng ta ở lại sẽ càng ngày càng ít đi. Không biết ai sẽ là người cuối cùng ở lại cõi đời vô thường này?

Về đến Hoa Kỳ, nhà tôi, vốn là một nhà giáo, vẫn tấm-tắc khen-ngợi “Em chưa từng dự một Lễ Nhớ Ơn Thầy Cô long-trọng và cảm-động như ở Úc.” Tôi đề-nghị các Hội CSV/QGHC và ACE/CSV gửi về Hội QGHC Úc Châu hình, ngày sinh, ngày qúa vãng của các thầy, các cô, các bạn CSV đã qua đời để Hội Úc Châu cập nhật Bàn Thờ. Nếu không đủ chỗ thì in hình nhỏ, nếu không có hình thì chỉ ghi tên trên bài-vị. Hiện nay Hội Úc Châu chỉ có hình của 8 Thầy.

Đêm Liên Hoan được tổ-chức rất tưng-bừng, náo-nhiệt, thành-công rực-rỡ. Văn-nghệ rất hay, MCs lưu-loát, thức ăn đầy-đủ. Đặc-biệt Ban Tổ-chức còn “đãi” anh em món thịt đuôi con Kangaroo. Nhà Tôi rời bàn ăn, không muốn nhìn tôi ăn thịt Kangaroo là một con vật Nhà Tôi rất thương-yêu vì chúng có tình mẫu tử vô cùng đặc-biệt.

Đêm Liên Hoan là một đêm tràn đầy niềm vui được “Hội Ngộ.” Video đẹp, rõ-ràng nhưng chỉ tiếc là mỗi khi anh Đượm hay MC giới-thiệu ai thì video vẫn chỉ chiếu hình anh Đượm hay MC chứ không thấy “long nhan” của người được giới-thiệu. Video cũng ít chiếu hình những bàn ở xa.

Đêm Liên-Hoan

Xin chân thành cám ơn Anh Hà, Anh Thái, Anh Đượm và Ban Tổ Chức đã bỏ công, bỏ của, bỏ thời giờ tổ-chức một cuộc Hội Ngộ vui-vẻ, chu-đáo, đẹp-đẽ, thành-công vượt bực mặc dù Cờ Luân Lưu đã có lần bị gửi trả lại cho Hội CSV/QGHC Nam Cali để tìm một hội khác tổ-chức HNLK 2018. Với tư cách là một thành viên của Hội CSV/QGHC Miền Đông, tôi đang lo-ngại cho Hội của tôi sang năm tới rất khó “qua mặt” được Hội CSV/QGHC Úc.

Đêm Liên-Hoan

Tổ-chức nào cũng có người khen, kẻ chê. Tôi có nghe loáng thoáng mấy lời “xì xào” của vài tham-dự viên và vài ACE trong Ban Tổ-chức nhưng, các anh ơi, không bao giờ chúng ta có thể thỏa-mãn 100% mọi người. Người không bao giờ bị chỉ-trích là người không làm gì và cũng chẳng bao giờ phát-biểu ý-kiến, chẳng bao giờ viết một bài gì. Học-viện QGHC đào-tạo sinh-viên thành những công-chức cao-cấp. Dù theo nhiều ngành hành-chánh, quân-sự khác nhau nhưng nói chung, các cựu sinh-viên này đều phải điều-khiển nhân-viên dưới quyền để đạt mục-đích phục-vụ dân chúng. Khi làm nhiệm-vụ này, chúng ta khó (có thể là không bao giờ) thỏa-mãn 100% nhân-viên dưới quyền và thỏa-mãn 100% dân chúng.

Cruise Sydney-Great Barrier Reef

Sau Đêm Liên Hoan, 56 người đi cruise Sydney-Great Barrier Reef với Carnival Legend. Tôi đã đi “cruise” nhiều lần và tôi không thích đi “cruise” vì tôi thấy rất “boring.” Tuy nhiên tôi thông-cảm rằng đi “cruise” là cách tổ-chức dễ nhất cho các Ban Tổ-chức họp mặt: không phải lo xe bus, không lo ăn uống, không cần tổ-chức tours, không sợ “trẻ lạc;” mọi việc đều do “cruise” lo hết. Nếu Ban Tổ-chức siêng thì lo chụp hình nhóm và sinh-hoạt nhóm trên tàu. Anh Đượm đã lo hết các vụ này, lo chu-đáo. Trong hai buổi Họp-mặt Nhóm trên tàu, anh Đượm bao ACE uống rượu “unlimited.” Tiền rượu, thuê phòng họp, thuê đàn, thuê chuyên-viên âm-thanh đều do tiền bonus của anh khi anh booked cruise cho ACE (cứ 8 cabins anh được một vé free). Anh đã không bỏ tiền bonus này vào túi mà bao ACE hết; tôi sợ tiền bonus này không đủ trả tiền rượu cho ACE; có lẽ “Cô Thắm” phải chi thêm. Hoan Hô Anh Chị Đượm!

Cruise Great Barrier Reef

Chuyến đi “cruise” có một chuyện làm nhiều người bất-mãn là đã không được đi thăm Great Barrier Reef mặc dù tên chuyến đi là Sydney – Great Barrier Reef. Tàu Carnival chở hơn 2,500 hành-khách mà khi đi thăm Great Barrier Reef chỉ có một tàu nhỏ chở 60 người; khi chúng tôi ghi tên thì đã hết chỗ. Sau cùng, Carnival tăng thêm một tàu nhỏ 60 chỗ nữa, chúng tôi hí-hửng ghi tên. Sáng hôm sau Carnival thông-báo tàu nhỏ thứ hai không có glass bottom; như vậy hành-khách không nhìn thấy san-hô và cá lội. Chúng tôi đành hủy-bỏ chuyến đi thăm Great Barrier Reef và đi thăm quanh Airlie Beach. Đi Úc mà không thăm được Great Barrier Reef là một thiếu-sót lớn. Tụi tôi buồn mà anh Đượm cũng rất buồn.

Uluru / Ayers Rock

Đi “cruise” về, vợ chồng tôi tạm-biệt ACE rồi bay vào sa-mạc Úc thăm Uluru / Ayers Rock. Uluru là một hòn đá nguyên khối (monolith) lớn thứ nhì trên thế-giới, chỉ thua Mount Augustus (Burringurrah) ở Western Australia. Tính từ mặt đất, Uluru cao 348 m (1,142 ft) [2], nhưng nếu tính từ mực nước biển, Uluru ở độ cao 863 m (2,831 ft). Chu-vi hòn đá Uluru phần sát mặt đất là 9.4 km (5.8 mi). Người thổ-dân Anangu gọi hòn đá là Uluru, một địa-danh linh-thiêng của họ. Người Âu Châu tìm thấy Uluru năm 1872; năm sau họ đặt tên hòn đá là Ayers Rock để vinh-danh Sir Henry Ayers, Chief Secretary of South Australia. Sau vài lần thay đổi, tên chính-thức từ 2002 là “Uluru / Ayers Rock.”

Uluru / Ayers Rock

Uluru là một “hòn đảo núi” (inselberg hay island mountain) là một ngọn núi nổi lên giữa một vùng đất bằng-phẳng có khí-hậu khô, nóng. Hàng trăm triệu năm trước đây nước biển tràn ngập khu-vực này mang theo nhiều “phù-sa” gồm đất, cát và đá. Cát này rất lớn có đường kính từ 2 đến 4 millimeters. Nước biển rút đi mang theo đất nhưng để lại cát và đá tương-đối nặng hơn. Nhờ những chất hoá-học calcite, clays, và silica mang tới từ những dòng nước ngầm, cát và đá “dính” lại thành một khối: “sands” trở thành “sandstone,” Uluru là một sandstone (sa thạch). Sau hàng trăm triệu năm, khối sandstone này trở thành một hòn đá nguyên-khối trồi lên mặt đất trong thời-kỳ Petermann Orogeny[3] cách đây khoảng 550 triệu năm[4]. Cùng vào thời-gian này, những hòn đá ở vùng Kata Tjuṯa, cách Uluru 25 cây số, cũng được tạo dựng tương-tự như Uluru. Kata Tjuta có nhiều hòn đá nhưng đều nhỏ hơn Uluru. Ngày nay, cả Uluru và Kata Tjuta cùng nẳm chung trong Uluṟu–Kata Tjuṯa National Park.

Người thổ-dân Anangu tin rằng Uluru và Kata Tjuta là địa-danh linh-thiêng của họ; Uluru có nghĩa là “Mẹ Trái Đất” (Earth Mother). Tổ-tiên người Anangu đã định-cư tại vùng này từ 10,000 năm trước. Thổ dân Anangu không bao giờ bước chân trên mặt các hòn đá, nhất là Uluru, vì họ tin rằng đó là một điều bất-kính, một tội-lỗi với thần-linh của họ. Gần trăm năm qua, người Anangu cố-gắng vận-động Chính-phủ Úc cấm các du-khách đi trên mặt Uluru; có lúc họ thắng nhưng rồi lại thua. Năm 2017, Uluṟu–Kata Tjuṯa National Park mới ra quyết-định cấm không cho ai được leo qua Uluru kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2019. Tôi cũng muốn leo qua một lần cho biết nhưng hãng du-lịch của tôi rất thân-thiết với người Anangu nên không tổ-chức hoạt-động này; chúng tôi chỉ đi bộ quanh chân các hòn đá. Khi dừng lại uống trà, cà-phê chúng tôi cũng không được đổ trà, cà-phê, nước ngọt thừa xuống đất; cô hướng-dẫn-viên du-lịch đem những nước thừa này về đổ ở thành-phố. Cô ta nói thẳng với chúng tôi là không được tiểu tiện ở đây. Cô ta cho hay ngoài tính cách thiêng-liêng của vùng này, cây cỏ ở đây có thể chết vì những thứ “nước lạ” này, mà cây cỏ ở vùng sa-mạc rất quý. Nhà Tôi cũng không muốn tôi leo lên đỉnh Uluru vi dốc cao và trời nóng 106° F [5]. Kể từ thập-niên 1950s đã có 37 người chết vì leo qua Uluru và nhiều người khác phải nhờ trực-thăng chở về bệnh-viện.

Leo qua Uluru

 Uluru thay-đổi màu sắc trong ngày tùy theo thời-tiết, ánh sáng. Đặc-biệt Uluru có màu đỏ thắm tươi đẹp khi mặt trời mọc và lặn. Phần lớn du-khách tới đây đều đi thăm “Sunrise at Kata Tjuta” và “Sunset at Uluru”. Uluṟu–Kata Tjuṯa National Park có sẵn nhiều nơi để du-khách đứng coi cảnh này. Tôi cũng dậy từ 3:30 sáng vì xe bus đến đón lúc 4:30 để đi xem Sunrise at Kata Tjuta. Hàng ngàn người chen chúc nhau, máy hình trong tay, dành nhau chỗ tốt để xem những cảnh đẹp của mặt trời.

Sunset at Uluru

Uluru và Kata Tjuta là sa-mạc nhưng cũng có nhiều loại thú, đặc-biệt có Red Kangaroo, đà-điểu (emu), và lạc-đà (camel). Cuối thế-kỷ 19, người Anh mua lạc-đà từ Ấn Độ, Afghanistan để chuyên-chở dụng-cụ xây cất vào vùng sa-mạc Úc. Khi có phương-tiện chuyên-chở cơ-khí họ thả lạc-đà sống tự-do ở sa-mạc. Khí-hậu ở đây rất thích-hợp với lạc-đà nên hiện nay Úc có khoảng 700,000 con lạc-đà hoang; nhiều nhất trên thế-giới. Chính-phủ Úc đang tìm cách giảm số lạc-đà này vì chúng dành ăn cỏ, cây hiếm-hoi ở sa-mạc với những con vật khác. Nhiều người cũng tìm bắt lạc-đà hoang để bán sang Afghanistan, Pakistan vì lạc-đà ở những nơi này bị chết nhiều vì chiến-tranh. Giá một con lạc-đà bán sang Afghanistan hay Pakistan khoảng một triệu đồng Úc. ACE/CSV/QGHC nào còn khỏe-mạnh nên sang Úc bắt lạc-đà hoang; mỗi năm chỉ cần bắt được một con cũng đủ nhậu nhẹt lai-rai.

Sống ở vùng sa-mạc Uluru / Ayers Rock ba ngày là một kỷ-niệm khó quên của vợ chồng tôi. Ngày nào cũng nóng trên 100° F, ra khỏi cửa là lo đuổi ruồi, muỗi, và nhiều con “bugs” khác. Vậy mà chúng tôi rất vui-thích được thăm vùng sa-mạc cằn-cỗi này.

Melbourne

Vợ chồng tôi nằm ở Melbourne một tuần để chờ ngày đi “The Ghan” nên có nhiều thời-giờ thăm viếng Melbourne và vùng phụ-cận. Melbourne có nhiều tours du-lịch, có lẽ hai tours được nhều người đi nhất là “Great Ocean Road Tour” và “Phillip Island Penguin Parade Tour.”

Twelve Apostles

Tour Great Ocean Road đi thăm một vùng bờ biển đẹp với những trụ đá nằm dọc theo bờ biển (gần giống bờ biển Oregon). Có 12 trụ đá gọi là Twelve Apostles. Nếu đi vào buổi chiều thì có thể thấy cảnh đẹp của hoàng-hôn trên mặt biển: mặt trời từ từ lặn xuống mặt nước biển.

Đi tour Great Ocean Road, chúng tôi được đi ngang một khu-vực đồi núi thấp với những đồng cỏ mênh-mông; bò, cừu tràn-lan trên đồng cỏ. Khu này do các cựu-chiến-binh Thế Chiến II định-cư. Sau cuộc Thế Chiến II, các cựu-chiến-binh Úc không có việc làm lại không còn lương quân-nhân nên rất nghèo-đói. Chính-phủ Úc đem họ lên vùng rừng núi âm-u này để khai-hoang. Chính-phủ không đầy họ lên đây như một Vùng Kinh-tế Mới của Việt Cộng; Chính-phủ Úc đem theo máy ủi đất hạng nặng, máy cày, máy cưa…để phá rừng làm rẫy rồi bán đất cho các cựu-chiến-binh với một giá tượng-trưng, gần như cho không.

Chính-phủ và nhân-dân Úc luôn luôn kính-trọng và biết ơn các cựu-chiến-binh. Hầu như thành-phố lớn nào cũng có các Trung-tâm trưng-bày hình ảnh các cuộc chiến-tranh mà người Úc đã tham-dự. Các cựu-chiến-binh Việt-Nam cũng được Úc công-nhận vì đã chiến-đấu cạnh chiến-sĩ Úc trong cuộc Chiến-tranh Việt-Nam; các cựu-chiến-binh Việt-Nam cũng được hưởng quyền-lợi về ý-tế, hưu-bổng…như cựu-chiến-binh Úc. Thật là một Tình Huynh Đệ Chi Binh không đâu có trên thế-giới. Chính-phủ Hoa-kỳ đã đài-thọ hầu hết chiến-phí cho cuộc chiến Việt-Nam nhưng sau cuộc chiến, họ cũng không có một chính-sách cựu-chiến-binh cho người Việt như ở Úc. Mấy trăm chiến-sĩ Biệt-kích đã phải mướn luật-sư kiện Chính-phủ Hoa-kỳ mới được bồi-hoàn mỗi người vài nghìn US Dollars, tiền lương cho mấy chục năm bị tù. Họ đã được Hoa-kỳ tuyển-dụng (trực-tiếp hoặc gián-tiếp), huấn-luyện và thả dù ra Miền Bắc để hoạt-động gián-điệp. Đa số bị bắt và bị tù nhiều năm. Năm 1973, họ cũng không được nằm trong chương-trình trao-đổi tù-binh như đã quy-định trong Hiệp-định Đình-chiến Paris vì họ là những”chiến-binh không có quân số.” Thật ra Chính-phủ và nhân-dân Hoa-kỳ đã hy-sinh rất nhiều trong việc định-cư mấy triệu người Việt-Nam gồm những người tị-nạn năm 1975, những người vượt biển, vượt biên, những người đến Hoa-kỳ theo chương-trình đoàn-tụ gia-đình ODP và “Chương Trình Tái Định Cư Những Cựu Tù Nhân Chính Trị.”[6]. Chúng tôi xin thành tâm cám-ơn Chính-phủ và nhân-dân Hoa-kỳ đã mở rộng vòng tay đón-tiếp chúng tôi, chúng tôi không hề than-vãn, so-sánh với chính-sách cựu-chiến-binh của Úc. Chương Trình Tái Định Cư Những Cựu Tù Nhân Chính Trị và Gia-đình là một quyền-lợi đặc-biệt, vĩ-đại cho các cựu-chiến-binh Việt-Nam, một chương trình đầy ắp tình người, hoàn-toàn ngược lại với chính-sách dã-man, tàn-bạo, vô nhân đạo, không còn tình người của các trại học-tập, cải-tạo của Cộng-sản Việt-nam.

Knickers, một con bò khổng-lồ ở Australia  

Những khu rừng âm-u, khỉ ho cò gáy đã được các cựu-chiến-binh Úc khai-phá thành những đồng cỏ mênh-mông, bò, cừu tràn-lan. Vùng nầy bây giờ là xương sống của nền chăn-nuôi ở Úc. Năm 2017, dân-số Úc là 24.3 triệu người; họ có 27.8 triệu con bò, 99.3 triệu con cừu; như vậy mỗi người Úc có hơn một con bò và hơn 4 con cừu. Úc đứng thứ 4 trong năm nước trên thế-giới có số bò nhiều hơn dân số. Làm sao mà họ đói được? Nhìn những đàn bò, đàn cừu đi ăn trên những đồng cỏ mênh-mông mà thương cho những con bò, con trâu ở quê-hương mình, thương cho dân mình!

Cừu ở Australia

Tour Phillip Island Penguin Parade thì không được như ý muốn. Nhìn hình quảng-cáo cũng như nhớ lại hình ảnh trên TV, tôi tưởng sẽ được thấy hàng ngàn con penguins chạy lạch-bạch trên bãi cát đề về nhà. Không có như vậy. Ngồi chờ gần hai giờ, tôi chỉ thấy có 12 con penguins chạy từ biển qua bãi cát đề về nhà trong đám cỏ. Gió biển lạnh quá nên vợ chồng tôi bỏ cuộc, đi lên nhà hàng ăn chờ xe bus đến đón. Trời lạnh nhưng vẫn có hàng ngàn người ngồi dưới bãi biển chờ xem “Penguin Parade.” Không ngờ trên đường về chúng tôi lại thấy rất nhiều penguins chạydọc theo con đường dẫn lên nhà hàng ăn. Thì ra có nhiều con penguins đã vượt bãi cát ở những chỗ tối nên chúng tôi không thấy. Chính lúc thất vọng nhất lại được xem vài trăm con penguins. Penguins ở đây rất nhỏ, chỉ nhỏ bằng con vịt; penguins ở Australia và New Zealand là penguins nhỏ nhất trên thế-giới.

Penguins ở Australia

Những tours du-lịch ở Melbourne có rất nhiều du-khách Tầu; tour nào họ cũng chiếm hơn một nửa. Họ đi thành từng đoàn, có hướng-dẫn-viên du-lịch người Tầu. Họ nói chuyện lớn tiếng như chỗ không người, chen ngang vào những hàng người đang xếp hàng chờ đợi. Họ hút thuốc lá, xả rác công-khai. Năm ngoái vợ chồng tôi đi sang Âu Châu cũng đã gặp cảnh này. Nhiều người Âu Tây liếc nhìn mình làm mình xấu-hổ; chắc họ cũng tưởng vợ chồng tôi là Tầu, có những hành-động xấu tương-tự. Ở khu xem “Penguin Parade” luôn luôn có những loan-báo bằng tiếng Tầu theo sau loan-báo bằng tiếng Anh. Phi-trường, khách-sạn ở Melbourne cũng in chữ Tầu ở dưới các bảng chỉ-dẫn bằng chữ Anh. Nhiều người Tầu có máy “thông-dịch” nhỏ: họ nói vào máy bằng tiếng Tầu rồi bấm nút dịch sang tiếng Anh. Đôi khi tôi và người Úc cũng chẳng hiểu lời dịch tiếng Anh của họ khi muốn giúp-đỡ vài du-khách Tầu.

Theo Tổ-chức Du-lịch thế-giới của Liên Hiệp Quốc, du khách Tầu chi $257.7 tỷ USD trong năm 2017, đứng nhất trên thế-giới trong khi du khách Hoa-kỳ (đứng thứ nhì trên thế-giới) chỉ tiêu có $135.0 tỷ USD. Năm 2017 có 130.5 triệu người Tầu du-lịch nước ngoài, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước. Du-khách Tầu là mối lo lớn cho các nước trên thế-giới dù họ mang đến lợi-ích kinh-tế qua ngành du-lịch. Nhưng lợi mà họ đem lại không bằng cái hại họ gây ra về môi-sinh, về thuần-phong mỹ-tục của dân chúng địa-phương.

”The Ghan” là một trong những đoàn tàu vận chuyển hành-khách bằng đường sắt dài nhất trên thế-giới, chạy xuyên qua sa-mạc Úc. Cái tên “The Ghan” và huy-hiệu hình một người cưỡi lạc-đà được đặt theo tên Afghanistan (hay còn gọi là Ghan) vì lạc-đà nhập-cảng từ Afghanistan đã đưa những người thám-hiểm đầu tiên vượt qua sa-mạc Úc vào cuối thế kỷ 19.

The Ghan

The Ghan chạy từ Adelaide, miền Nam nước Úc, tới Darwin, miền Bắc[7] . The Ghan đi qua rất nhiều địa danh tuyệt vời của Australia như: Alice Springs, Tennant Creek, Kulgera, Kingoonya, Katherine… với chiều dài quãng đường là 2,979 km. Chuyến tàu đi hết 3 ngày 2 đêm[8]. Hiện nay, The Ghan có ba loại vé: Red Service, Gold Service, và Platinum Service; gía vé rất khác nhau. Gold Service lại chia ra mấy loại nữa. Đoàn xe có chiều dài trung-bình 902 meters có 25 giường Platinum Service, 258 giường Gold Service và một số toa Red Service, nhà hàng ăn, máy điện, toa chứa nước, diesel, và các vật-liệu khác.

The Ghan

Đầu tháng 6 tôi vào website của The Ghan để xem tin-tức chứ không định mua vé vì sớm quá; mãi ngày 1 tháng 11 Cruise Great Barrier Reef mới về lại Sydney. Không ngờ khi vào website của The Ghan tôi mới biết hầu hết vé các chuyến xe sau ngày 1 tháng 11 đã “sold out.” Chuyến ngày 4 tháng 11 thì còn mấy vé Gold Service nhưng đi chuyến này thì hơi trục-trặc vì tôi định thăm Melbourne trước The Ghan. Chuyến xe ngày 11 tháng 11 thì Gold Service và Red Service đều “sold out,” chỉ còn vé Platinum Service.

The Ghan chạy qua vùng sa-mạc khô-cằn, cây cỏ thấp, thưa-thớt. Đất phần lớn màu đỏ nên người ta gọi vùng này là “Red Centre” bao gồm Uluru, Kata Tjuṯa và là trung-tâm-điểm của Australian Outback. Thỉnh-thoảng tôi thấy vài con bò, cừu mà tôi không biết là bò hoang, cừu hoang hay của thổ-dân nuôi? Tôi thấy có nhiều đám muối trắng, không biết muối này có liên-hệ gì đến nước biển mấy triệu năm trước hay không?

The Ghan

Mặt Trời mọc ở sa-mạc Úc

Từ Adelaide, trạm dừng đầu tiên là Manguri. Chúng tôi xuống tàu từ 4 giờ sáng để xem mặt trời mọc. Manguri chỉ là trạm xe lửa của The Ghan ở giữa sa-mạc chứ không phải là một thành-phố. Chúng tôi quây-quần quanh hai đống lửa trại để ăn sáng chờ mặt trời mọc. Chúng ta quen dùng những chữ mặt trời mọc, sunrise, mặt trời lặn, sunset là sai, hoàn-toàn phản khoa-học. Mặt trời không mọc, không lặn mà đứng yên một chỗ bởi vì mặt trời là một định-tinh. Thời Cổ Hy-lạp, những chữ này được coi là rất đúng vì người ta tin rằng trái đất là trung-tâm của vũ-trụ; mặt trời, mặt trăng và các tinh tú xoay quanh trái đất (terracentric).

The Ghan

Nitmiluk Gorgges

Trước khi đến Darwin, The Ghan dừng lại rất lâu ở hai trạm Alice Springs và Katherine. Ở hai trạm này, du-khách chọn đi những tours du-lịch địa-phương khác nhau. Alice Springs là một thành-phố nằm giữa sa-mạc mà cũng có một Đài Kỷ-niệm các trận chiến Quân-đội Úc đã tham-dự, trong đó có Việt-Nam. Katherine có nhiều cảnh đẹp hơn, tôi chọn đi thuyền trên sông Katherine để thăm các Nitmiluk Gorgges; phong-cảnh rất đẹp.

Tưởng cần nói thêm là ở Melbourne, du-khách người Tầu chiếm hơn 50%; ở Uluru / Ayers Rock tỉ-lệ này chỉ còn dưới 10%. Đi The Ghan, chúng tôi chỉ gặp một người Á Châu (Nhật Bản) trong số gần một ngàn du-khách.

New Zealand:Kia Ora!”

Kia Ora là tiếng chào thông-dụng ở New Zealand. Kia Ora nguyên nghĩa là “Chào mạnh giỏi” và thường dùng như “Hello.” New Zealand rất đẹp nên du-lịch là một phần quan-trọng trong nền kinh-tế New Zealand. Năm 2016, New Zealand thu được $12.9 tỷ USD về du-lịch (5.6% GDP) và xử-dụng 7.5% nhân lực toàn quốc.

New Zealand đứng thứ hai trong năm nước có số bò nhiều hơn số dân. Năm 2017, dân-số New Zealand là 4.6 triệu mà có tới 9.9 triệu con bò và 39.6 triệu con cừu. Tính ra mỗi người dân New Zealand có 2.17 con bò và 8.6 con cừu. Đi đâu cũng thấy đồng cỏ mênh-mông; bò, cừu đầy đồng; vườn nho, vườn kiwi tươi-tốt.

Nữ Hoàng Anh cũng là Nữ Hoàng của Australia và New Zealand[9]; tuy nhiên, quyền-hành nằm trong tay các Thủ-tướng (Prime Minister). Thủ-tướng hiện-tại của New Zealand là Jacinda Ardern. Bà là nữ lãnh-tụ quốc-gia trẻ nhất trên thế-giới. Bà là người lãnh-tụ quốc-gia thứ hai sinh con khi tại chức [10]. Tuy nhiên Bà Ardern lại là lãnh-tụ quốc-gia thứ nhất bế con nhỏ đi họp Liên Hiệp Quốc. Tòa nhà Dinh Thủ-tướng có mái tròn với nhiều khuôn cửa sổ trông giống như một tổ ong nên dân chúng gọi đùa là “Beehive;” Chính-phủ New Zealand bèn đặt tên website của mình là “beehive.govt.nz.” Dân chúng gọi Jacinda Ardern là “Queen Bee.”

New Zealand chọn con chim kiwi là biểu-tượng cho đất nước mình nên người ta gọi người dân New Zealand là Kiwi. Khi dùng để gọi người New Zealand chữ Kiwi viết với chữ K hoa, khi dùng để chỉ chim kiwi, chữ kiwi viết với chữ k thường. Ngoài ra, khi dùng để chỉ người New Zealand, chữ Kiwis có “s” cho số nhiều nhưng khi dùng để chỉ chim kiwi thì số nhiều cũng không có “s”. Bởi vậy “two Kiwis” là hai người New Zealand còn “two kiwi” là hai con chim kiwi. Rất nhiều người trên thế-giới, kể cả người Việt-Nam, đều biết hình chim kiwi. Các bạn đi lính chắc còn nhớ dầu đánh giày hiệu kiwi; đây là một sản-phẩm của New Zealand đang bán trên khắp các nước trên thế-giới và con chim kiwi này là biểu-tượng cho nước New Zealand.

Auckland

Auckland là thành-phố lớn nhất New Zealand có dân-số 1.6 triệu người, khoảng một phần ba dân-số New Zealand. Trước đây (1842 – 1865) Auckland là thủ-đô của New Zealand. Tôi ở Khách-sạn SkyCity Hotel nằm sát cạnh Sky Tower. Sky Tower cao 328 meters, cao hơn Tháp Eiffel 28 meters và cao gấp 3.5 lần Tượng Nữ Thần Tự-do. Sky Tower có thể chịu-đựng được động đất với cường độ 8.0 độ Richter. Auckland là thành-phố duy nhất trên thế-giới được xây-dựng trên một vùng núi lửa vẫn còn hoạt-động. Cũng nhờ núi lửa, Auckland có nhiều động đá (caves) rất đẹp.

Auckland với Sky Tower

Trên đường từ Auckland đến Rotorua, chúng tôi ghé thăm Động Waitomo Glowworm. Động này không lớn bằng Động Luray Caverns ở Virginia nhưng Waitomo Glowworm Caves không có đèn điện, chỉ có nhiều ánh-sáng của những con glowworms bám trên trần, trên tường, có chỗ phải đi bằng thuyền nên có vẻ âm-u, kỳ-bí như trong truyện kiếm-hiệp. Glowworms là những côn-trùng phát ra ánh sáng như con đom đóm. Glowworms có nhiều loại và có ở nhiều nơi trên thế-giới nhưng con Glowworms Arachnocampa Luminosa sống trong Waitomo Glowworm Caves thì chỉ có ở New Zealand. Đời sống của con glowworm này kéo dài độ 11 tháng và chia ra làm 4 thời-kỳ: trứng, ấu-trùng, con nhộng, và con glowworm. Con glowworm mẹ đẻ từng chùm trứng, mỗi chùm có khoảng từ 30 đến 40 trứng. Sau 20 ngày trứng nở ra con ấu trùng. Ấu trùng tự làm tổ, phát ra ánh sáng để dẫn-dụ những con mồi. Tổ nó làm bằng những sợi tơ có nhựa dính nên dễ bắt mồi. Ấu trùng sống như vậy khoảng 9 tháng thì biến thành con nhộng tương tự nhộng tằm. Con nhộng sống 13 ngày thì cắn tổ nở thành con glowworm giống như một con muỗi to. Con glowworm không có miệng nên sẽ chết đói sau vài ngày. Nhiệm-vụ của chúng trong vài ngày ngắn-ngủi này là giao-hợp và đẻ trứng; mỗi con glowworm cái đẻ độ 120 trứng. Cuộc đời của chúng còn buồn hơn đời sống con ve sầu.

Glowworms trong Waitomo Glowworm Caves

Waitomo Glowworm Caves không cho chụp hình, quay phim. Hình tôi đứng trong Động là một hình ghép. Trước khi vào Động họ chụp hình cho mọi người, chụp đủ kiểu. Khi cô thợ chụp hình yêu-cầu tôi chỉ tay lên trời, tôi không hiểu ý định của cô ta. Cô ta ghép hình này với một hình trong Động, ngón tay tôi chỉ lên những con glowworms như diễn-tả cảnh đẹp kỳ bí của chúng. Những hình này họ bán cho du-khách rất dễ-dàng[11] .

Trung-tâm-điểm của Waitomo Glowworm Caves là “The Cathedral,” chỗ cao nhất trong Động có nhiệt độ 14° C (57° F) quanh năm suốt tháng. Sự cấu-tạo của trần và vách tường thạch-nhũ chung quanh The Cathedral đã khuếch-tán âm-thanh một cách tuyệt-vời. Nhóm du-khách nào cũng có một người hát ở The Cathedral. Đi xa The Cathedral vẫn còn nghe thấy du-khách Tầu hát. Có đoàn du-khách Tầu đã sửa-soạn trước đồng ca một bài ca hùng-tráng; chắc là nhạc Cách-mạng Văn-hóa hoặc nhạc chiếm Trường-sa, Hoàng-sa của Việt-Nam. Tôi định trở lại The Cathedral để hát bài Hội-nghị Diên Hồng hoặc Bạch Đằng Giang để trả lời họ nhưng thấy cũng hơi lố-bịch nên lại thôi. Hơn nữa nhóm tôi đã có một người Đức hát một bài nhạc cổ-điển Tây-phương rất hay.

Waitomo Glowworm Caves

30 triệu năm trước, Waitomo ở sâu dưới mặt nước[12] với những hòn đá vôi bắt-đầu hình thành. Khi núi lửa hoạt-động đã đẩy những hòn đá vôi này trồi lên mặt nước; những hòn đá vôi này cũng bị rạn-nứt tạo ra nhiều khe nhỏ. Nước chảy qua những khe này chảy vào khoảng trống bên dưới. Đá vôi theo nước đọng lại ở chỗ nhỏ nước trên trần và ở chỗ nước nhỏ xuống nền. Chỗ đá vôi đọng lại trên trần gọi là “stalactites,” chỗ đá vôi đọng lại dưới nền là “stalagmites.” Cứ mỗi 100 năm đá vôi đọng lại được một phân khối (1 cubic centimeter). Khi stalactites gặp stalagmites sẽ tạo nên một cây thạch-nhũ từ trần xuống nền gọi là “helicti,” chu-kỳ này cần mấy trăm nghìn năm mới hoàn-thành.

Nông-trại Agrodome

Quanh vùng Auckland chúng tôi còn đi thăm nông-trại Agrodome xem họ cắt lông cừu, dùng chó đuổi cừu vào chuồng…Trước đây tôi cứ tưởng trái kiwi mọc trên cây (trees) nhưng đến Agrodome tôi mới biết kiwi leo như nho (vines); gốc và nhành đều lớn hơn cây nho nhiều. New Zealand trồng rất nhiều kiwi. Phải tới năm 1966 Hoa-kỳ mới nếm thử mùi-vị trái kiwi và những trái kiwi đầu tiên này đã nhập-cảng từ New Zealand. Ngày nay nhiều người Mỹ “nghiện” mùi-vị ngọt, chát, chua của kiwi và thích những chất bổ-dưỡng của kiwi. Có thuyết cho rằng tên trái kiwi do người New Zealand đặt ra từ giữa thế-kỷ 20. Họ đổi tên từ “gooseberry”[13] thành “kiwi” vì thấy trái kiwi và cái bụng con chim kiwi hơi giống nhau. Mặt khác, thời ấy các sản-phẩm mang tên Kiwi, hình ảnh tượng-trưng của New Zealand, được hưởng thuế nhẹ.

Chúng tôi thăm làng Te Puia để xem những tục-lệ cổ-truyền của người Maori. Buổi tối, chúng tôi lại ghé thăm Mitai Maori Village để xem những vũ-khúc văn-hóa cổ-truyền của họ, xem họ diễn lại những chiến trận trên sông. Tối đó chúng tôi thưởng-thức “hangi dinner” của người Maori, một bữa ăn nấu trên đá nóng. Họ đào một hầm sâu, đốt củi thành than rồi kê một tấm đá lớn trên mặt than hồng. Gà, cừu, khoai tây, các loại rau đuợc “nướng” trên tấm đá nóng này.

Mitai Maori Village

Trên đường từ Rotorua đi Napier, chúng tôi đi ngang rừng Kaingaroa, một rừng thông nhân tạo lớn nhất thế-giới, rộng 2,900 cây số vuông. Xe bus chạy 100 cây số một giờ mà đi mãi vẫn không hết rừng thông nhân tạo. Dân số New Zealand chưa tới 5 triệu (ít hơn dân số nhiều thành-phố) mà họ trồng được một rừng thông vĩ-đại như vậy trong khi Việt-Nam cứ chặt cây rừng bán cho Nhật và Tầu.

Napier là một thành-phố nhỏ, dân-số khoảng 64 ngàn, nhưng đón tiếp nhiều du-khách nhờ kiến- trúc Arc Deco, hòa nhạc, và hải-cảng quan-trọng. Trận động đất năm 1931 hầu như hủy-diệt Napier, nhất là khu trung-tâm thành-phố. Trận động đất cường-độ 7.8 này giết hại 256 người và là một thiên-tai giết hại nhiều người nhất trong lịch-sử New Zealand. Bên cạnh sự tàn-phá kinh-khủng này, trận động đất lại tạo nên 40 cây số vuông đất mới vì đã nâng vùng bờ biển lên khoảng 2 meters (đáy Đầm Ahuriri Lagoon được nâng lên 2.7 meters). Người hướng-dẫn-viên du-lịch đưa chúng tôi đi thăm thành-phố thỉnh-thoảng lại dậm chân xuống sàn xe “This was water before.”

Ahuriri Lagoon trước (trái) và sau (phải) trận động đất

Mission Estate do các Cha người Pháp thành-lập ở New Zealand vào năm 1838 nhằm mục-đích giảng Đạo Thiên Chúa. Năm 1851, Mission Estate xây-cất trụ-sở ở Pakowhai nhằm nuôi bò, trồng nho và cây ăn trái. Mission Estate là nhà máy làm rượu nho đầu-tiên ở New Zealand. Năm 1858, các Cha mua được một miếng đất mới ở gần Napier nên dọn về đây. Trụ-sở Nhà Dòng là một căn nhà gỗ rất lớn. Các Cha cắt căn nhà này ra làm 11 phần và chuyển về miếng đất mới bằng các dụng-cụ di-chuyển thô-sơ. Các Cha làm thêm căn phòng chính rồi ghép 11 “miếng nhà” từ trụ-sở cũ vào. Riêng Nhà Thờ thì các Cha không chuyển về và quyết-định xây một Nhà Thờ mới bằng đá. Trận động đất 1931 đã phá-hủy Nhà Thờ đá, giết hại 2 linh-mục và 7 tu-sĩ trong khi trụ-sở Nhà Dòng ghép lại bằng 12 “miếng” bằng gỗ lại không việc gì. Thật là kỳ-lạ!

Năm 1931, tờ báo The Dominion nói “Napier là một thành-phố đã bị xoá tên trên bản-đồ” (Napier as a town has been wiped off the map). Mười năm sau, tờ báo New Zealand Listener nhận-xét “Napier đã sống lại từ tro tàn như một con chim Phượng Hoàng” (Napier had risen from the ashes like a phoenix).[14]

Wellington là thủ-đô của New Zealand được gọi là “the World’s Coolest Little Capital” bởi vì trung-tâm thành-phố chỉ rộng khoảng một cây số vuông. Tòa nhà trụ-sở của Chính-phủ là một trong những căn nhà gỗ lớn nhất trên thế-giới. Wellington rất đẹp nhờ có biển, đồi núi bao quanh.

Wellington – New Zealand

Người dân Wellington có những kỷ-niệm đẹp với US Marines. Đầu năm 1942, Chính-phủ New Zealand rất lo sẽ bị Nhật tấn-công trong khi hầu hết lực-lượng New Zealand đang chiến-đấu bên cạnh Quân-đội Anh ở Âu Châu và Trung Đông. Cùng lúc đó, Hoa Kỳ sửa-soạn tấn-công Nhật nên muốn tìm một căn-cứ quân-sự để tổ-chức một hậu-phương vững-chắc nhằm yểm-trợ mặt-trận Thái Bình Dương và săn-sóc các thương binh. New Zealand là một địa-điểm lý-tưởng. Giữa năm 1942, Sư-đoàn 2 US Marines đã đổ-bộ lên Wellington làm đẹp lòng cả ba nước New Zealand, Hoa-kỳ, và Anh. US Marines trải quân bảo-vệ thủ-đô Wellington và các quân-nhân Công-giáo thường đi xem lễ ở Nhà Thờ Old St. Paul’s. Dần dần giáo-dân và Marines đã vun-đắp những tình bạn thân-thiết, đậm-đà. Từ đó đến nay, năm nào Nhà Thờ Old St. Paul’s cũng cử-hành một Lễ Cầu-nguyện cho US Marines. Trong Nhà Thờ vẫn còn treo lá cờ của Second Division of the US Marines và cờ Hoa Kỳ; Quốc kỳ này chỉ có 48 sao vì hồi ấy, Hoa Kỳ chưa có hai tiểu-bang Alaska và Hawaii. Ngày nay, nhiều người dân Wellington, dù sinh ra sau năm 1942, cũng biết tên những con đường, nhà thương…do US Marines xây nên. Một điểm dễ thương nữa là Wellington có một khu phố mang tên Brooklyn, cạnh Brooklyn là Central Park; Wellington có nhiều đường phố mang tên các tổng-thống Mỹ.

Cờ trong Nhà Thờ Old St. Paul’s

Đến Wellington thì phải đi thăm vườn hồng, đi Cable Car, đi lên đỉnh Mount Victoria, và đi xe Tram. Có hai vườn hồng mà vườn nào cũng có hàng trăm loại hoa hồng khác nhau. Mount Victoria cao 196 meters nên từ trên đó có thể nhìn thấy toàn cảnh Wellington. Xe Tram gần giống như xe điện ở Hà Nội; ngồi trên xe Tram có thể đi khắp thành-phố, rẻ hơn mua một tour “sightseeing.” Wellington đẹp đến nỗi Nhà Tôi muốn dọn qua Wellington ở vài năm để tránh nghe về Tổng-thống Trump.

Christchurch

Năm 1848, John Robert Godley đề-nghị đặt tên cho thành-phố là Christchurch; Godley vốn tốt-nghiệp từ Trường Đại-hoc Christ Church ở Oxford, Anh-Quốc. Christchurch được gọi là “The Garden City” nên rất hãnh-diện với các vườn hoa của mình, nhất là “Christchurch Botanic Garden” rộng 52 mẫu (acres). Vườn này trồng rất nhiều loại cây, hoa trên thế-giới. Có cả cây Red Wood đem từ California sang trồng hơn 100 năm trước, vườn hồng có hơn 250 loại hồng khác nhau. Christchurch Botanic Garden không thu tiền vào cửa nhưng những hãng du-lịch cho thuê xe, thuê thuyền đi thăm các nơi trong vườn. Mỗi năm có hơn 1.1 triệu du-khách thăm-viếng Christchurch Botanic Garden.

Christchurch Botanic Garden

Muốn nhìn Christchurch từ một góc cạnh khác thì đi xe “Gondola,” một toa xe nhỏ treo vào giây “cable” rồi kéo lên đỉnh núi hoặc đưa xuống mặt đất tương-tự như “Ski Lift” ở những núi trượt tuyết. Christchurch Gondola đưa du-khách lên đỉnh núi Cavendish, cao 445 meters trên mực nước biển. Từ trên cao, Christchurch giống như cảnh thần tiên.

Christchurch nhìn từ Mount Cavendish

Năm 2010, một trận động đất cường-độ 7.1 đã tàn-phá Christchurch nặng-nề nhưng không có ai chết. Năm 2011, một trận động đất 6.3 yếu hơn lại giết hại 185 người. Kể từ 2010 đến 2014, có 4,558 trận động đất có cường-độ lớn hơn 3.0. Rất nhiều tòa nhà bị hư-hại mà đến nay vẫn chưa tu-bổ xong kể cả Vương-cung Thánh-đường Christchurch. Thánh-đường này thuộc Giáo-hội Anglican được xây từ 1864 và hoàn-tất năm 1904; Thánh-đường bị hư-hại trầm-trọng sau nhiều trận động đất. Năm 2012 Tòa Giám-mục quyết-định phá-hủy ngôi Thánh-đường rồi xây một Nhà Thờ mới nhưng có nhiều nhóm dân phản-đối; UNESCO World Heritage Centre cũng hậu-thuẫn cho những nhóm này. Phá-hủy rồi xây một Nhà Thờ mới sẽ tốn-kém từ $56 triệu tới $74 triệu, và cần từ 4 đến 9 năm trong khi sửa-chữa lại sẽ tốn-kém từ $104 triệu tới $221 triệu, và cần từ 6 đến 22 năm. Tiền bồi-thường từ bảo-hiểm động đất là $40 triệu. Tòa Giám-mục không chịu sửa-chữa vì qúa đắt, phần lớn giáo-dân cũng đang bị hư-hại nhà cửa nên không thể đòi-hỏi họ đóng góp nhiều cho việc sửa-chữa Nhà Thờ. Các nhóm dân phản-đối kiện Tòa Giám-mục và họ thắng. Năm 2017, Tòa Giám-mục quyết-định sẽ sửa-chữa Vương-cung Thánh-đường Christchurch.

Christchurch là cửa ngõ đi xuống Nam Cực. Không-quân và Hải-quân Hoa-Kỳ cộng thêm Không quân New Zealand và Không-quân Australia đều lấy phi-trường Christchurch làm điểm xuất-phát để đi tiếp-tế cho các căn-cứ McMurdo và Scott Bases ở Nam Cực. Hậu-cứ Christchurch chứa hàng ngàn bộ quần áo và đồ phụ-tùng để chống lại nhiệt-độ cực lạnh dùng cho các chương-trình của Hoa-Kỳ ở Nam Cực.

Christchurch là thành-phố cuối cùng của cuộc du-lịch “Miệt Dưới” 40 ngày của hai vợ chồng tôi. Đi dự HNLK năm nay còn là dịp hai đứa tôi kỷ-niệm hơn nửa thế-kỷ chung sống bên nhau, hơn nửa thế-kỷ trôi-nổi theo vận-mệnh đất nước. Ở New Zealand chúng tôi đi tour của hãng Thrifty Tours New Zealand nhưng suốt 9 ngày này tôi không gặp một nhân-viên nào của Thrifty Tours; họ chỉ là người trung-gian thuê các hãng du-lịch địa-phương để ghép lại thành 9 ngày du-lịch cho vợ chồng tôi. Từ trước tới nay, khi du-lịch nước ngoài, tôi đều đi với hãng Grand European Travel hay Trafalgar; họ tổ-chức khác hẳn Thrifty Tours. Grand European đón mình từ nhà, đưa mình về lại nhà sau tour. Tour dù dài, dù ngắn cũng chỉ có một hướng-dẫn-viên du-lịch đi với mình từ đầu đến cuối (đôi khi họ có thêm hướng-dẫn-viên người địa-phương). Nhóm du-khách đi tour với mình cũng không thay-đổi. Ở New Zealand 9 ngày, chúng tôi đi với hơn mười hãng du-lịch khác nhau, hướng-dẫn-viên du-lịch cũng như bạn du-khách cũng thay-đổi theo mỗi tour địa-phương. Mặt khác, mua tours ở Australia và New Zealand phải đọc kỹ chi-tiết vì nhiều tours rẻ họ cắm trại (camping) chứ không ở khách-sạn hoặc mình phải lái xe lấy.

Anh Nguyễn Trường Phát, Hội QGHC Miền Đông HK, nhận cờ Luân Lưu từ Anh Nhan Tử Hà

Cảm tạ Chúa, cám ơn Thượng-đế đã cho chúng con sống đến tuổi này lại cho chúng con còn sức-khỏe để đi đây đi đó. Cám ơn Anh Nhan Tử Hà, Anh Lê Văn Thái, Anh David Ngô Văn Đượm và các ACE trong Ban Tổ-chức HNLK 2018, các ca-sĩ, nhạc-sĩ, MCs.. đã cho chúng tôi có cơ-hội gặp mặt nhau; cám ơn Anh Nguyễn Văn Sáu đã như con thoi chuyển tin từ Úc đến chúng tôi. Cám ơn tất cả ACE/QGHC ở Úc đã đón-tiếp chúng tôi rất niềm-nở, thân-thiện, chan-hòa tình-nghĩa ACE đồng song, đồng môn. Hẹn gặp lại các ACE trong kỳ HNLK 2019 ở Washington. Tuổi chúng ta đều đã 6, 7, 8 bó; hãy tận-dụng những ngày còn lại ít-ỏi của chúng ta để gặp mặt nhau, hàn-huyên, thăm hỏi nhau. Tôi xin cám ơn hai anh David Ngô Văn Đượm và Nhan Tử Hà đã sốt-sắng gửi cho tôi nhiều tài-liệu du-lịch Australia và New Zealand.

Tôi đi Úc về trễ nên giữa Tháng 12 mà vẫn chưa viết xong bài này thì vừa nghe tin Chị Trần Thiện Tích mới qua đời ở Úc. Khi sang Úc, vợ chồng tôi có ghé thăm Chị vì Chị không đi họp HNLK. Anh Tích học với tôi ở Cao-học 2, Chị Mỹ Nam học với tôi ở Đại-học Văn-khoa Sài-Gòn. Vừa được gặp lại Chị thì nay Chị đã ra đi. Mong xin Chị an-nghỉ, quên đi cõi đời vô thường này và nguyện cầu hương-linh Chị Mỹ Nam, Pháp-danh Tâm Tường sớm tiêu-diêu Miền Vĩnh Hằng.

Đặng-Quốc-Tuấn

ĐS 10 / CH 2

12/2018


Ghi chú:

[1] Tôi được giải nhất Luận-văn Tốt-nghiệp Khóa Đốc-sự 10 và Khóa Cao-học 2 (Ban Hành-chánh) nhưng ở cả hai khóa, tôi đều đồng điểm với một sinh-viên khác. Cả hai lần Giáo-sư Bông đều phải họp Hội-đồng Giáo-sư để chọn một sinh-viên nhất vì Học-viện muốn tặng một quyển Luận-văn chiếm Giải Nhất cho vị Chủ-tọa Lễ Tốt-nghiệp. May mắn thay, tôi được Hội-đồng Giáo-sư chọn cả hai lần. Cám-ơn Thầy Nguyễn Văn Bông, Thầy Nguyễn Khắc Nhân, Thầy Nguyễn Văn Tương và các Thầy, Cô khác đã chọn con. Nhờ vậy con đã có đủ lòng tự tin khi viết Luận-án Tiến-sĩ Tài-chính / Kế-toán ở Pace University, Hoa-Kỳ. Lần này con đã chiếm giải Nhất mà không có sinh-viên nào đồng điểm vì cả 5 vị Giáo-sư chấm Luận-án Tiến-sĩ của con đều cho con A+.

[2] phần dưới mặt đất của Uluru lớn hơn phần trên mặt đất nhiều

[3] Orogeny là sự tạo núi hay mountain building

[4] ký-hiệu là 550 Ma (Ma viết tắt chữ megaannum, đơn-vị đo thời-gian cho một triệu năm)

[5] bây giờ đang Mùa Xuân; Mùa Hè có thể nóng tới 115° F (46° C), mùa Đông có thể xuống

tới 23° F (-5° C).

[6] Từ nhiều năm nay, chúng ta quen dùng tên “Chương-trình H.O.” theo nghĩa HO là Humanitarian Operation nhưng có người cho rằng chữ “H” là chữ viết tắt chữ “Hồ-sơ” của Hà-nội, 0 không phải là chữ O mà là số zero; H 01 là Hồ-sơ 01 chứ không phải là HO 1, H 02 là Hồ-sơ 02 chứ không phải là HO 2… Những Hồ-sơ từ 10 trở lên không có số zero nữa (H 11, H 12….). Cộng-sản Việt-nam đã lợi-dụng tên sai-lạc H.O. Humanitarian Operation này để tuyên-truyền cho một chính-sách nhân-đạo tưởng-tượng của họ. Tôi tìm (chỉ “Googled” sơ thôi chứ chưa nghiên-cứu kỹ) trong vài hồ-sơ của Bộ Ngoại-giao Hoa-kỳ thì không thấy họ dùng chữ “H.O. Humanitarian Operation.” (In 1989, the Reagan administration entered into an agreement with the Vietnamese government, pursuant to which Vietnam would free all former ARVN soldiers and officials held in re-education camps and allow them to emigrate to the United States under the Orderly Departure Program (ODP)).  Tôi sẽ tìm hiểu thêm về vấn-đề này.

[7] tàu sẽ đi ngược lại cho chuyến tàu Southbound, bán vé riêng biệt

[8] có những chuyến xe đặc-biệt, “The Ghan Expedition,” đi 4 ngày 3 đêm, giá vé đắt hơn

[9] New Zealand vốn là thuộc-địa của Anh từ 1841, được độc-lập năm 1947.

[10] người thứ nhất là Thủ-tướng Benazir Bhutto của Pakistan

[11] tương-tự như các du-thuyền

[12] Waitomo là chữ Maori; wai có nghĩa là nước, tomo là động sâu

[13] tên gọi trái kiwi ở Tầu; Tầu là nước trồng kiwi nhiều nhất trên thế-giới.

[14] Con chim Phượng Hoàng khi gìa gần chết lại nhẩy vào “tắm” trong lửa để trẻ lại như thời son trẻ.

Views: 670

Tuyển Tập Tâm Thanh

Trân trọng giới thiệu Tuyển Tập Tâm Thanh bao gồm nhiều truyện ngắn, bút ký của nhà văn Tâm Thanh tức Ngô Thanh Tâm (1939-2015, Cao Học 2/ QGHC)

Tuyển Tập Tâm Thanh dày 251 trang dưới đây là công phu sưu tập trình bày và sắp xếp do anh Đặng Quốc Tuấn (ĐS 10/CH2 /QGHC), một đồng môn và bằng hữu  49 năm thâm giao với cố nhà văn Tâm Thanh.

Chúng tôi xin cảm ơn anh Đặng Quốc Tuấn với công phu sưu tập và nhất là bài viết rất cảm động và mang nhiều tâm tình của anh về Nhà Văn Tâm Thanh.

Mời đọc bài viết “Nhà Văn Tâm Thanh” của anh Đặng Quốc Tuấn trong mục “ĐỌC VÀ GIỚI THIỆU SÁCH-BÁO-TÁC GIẢ” ở Trang Chủ của website HCMĐ hay theo link dưới đây:

https://quocgiahanhchanhmd.com/2021/01/02/nha-van-tam-thanh/ 

Chúng tôi trân trọng cảm ơn chị Khánh Hà (Cao Học 3/QGHC), hiền thê của anh Ngô Thanh Tâm, cũng như nhiều website, diễn đàn mà chúng tôi xin phép được trích đăng tải các bài viết, truyện ngắn, bút ký của nhà văn Tâm Thanh trong “Tuyển Tập Tâm Thanh” do anh Đặng Quốc Tuấn sưu tập.

BBT Website HCMĐ

Views: 607

Nhà Văn Tâm Thanh

Đặng Quốc Tuấn

Tâm Thanh là bút hiệu của Ngô Thanh Tâm (Cao-học 2 / QGHC) như thi-sĩ Khánh Hà (Cao-học 3 / QGHC), người vợ thân-yêu của Tâm đã giới-thiệu chồng:

Tìm bút hiệu không khó gì

Tâm Thanh đảo lại- nghe đi tiếng lòng

Nhà văn Phạm Phú Minh, bạn thân của Tâm từ Viện Đại-học Đà-Lạt, nguyên Chủ-nhiệm Tạp-chí Thế Kỷ 21, đã nhận xét: “Và tôi nghĩ tên của anh, Thanh Tâm – một tấm lòng trong trẻo – là một cái tên tiền định cho phẩm chất đời sống của anh. Và cả bút hiệu của anh nữa, từ tên nói ngược thành Tâm Thanh – tiếng lòng – cũng rất xứng đáng: những gì anh viết ra sẽ là tiếng nói chân chính từ cõi lòng anh.”

Hãy nghe chính Tâm Thanh nói về lối viết văn của anh: “…đôi khi tôi cũng suy nghĩ một chút về việc viết lách. Xin cho phép tôi nói ra tiêu chí văn chương của mình: Bản chất văn chương là hư cấu. Khi viết tôi bịa đặt hoàn toàn; nhưng khi sống, tôi ráng không phản bội những điều mình viết, dù một chữ. Thả bút viết “tình yêu” mà trong lòng đầy oán hờn, tôi không làm được.” (Trích thư Tâm Thanh gửi Ban Tổ chức Ngày Văn Hóa Việt Nam ở Oslo, Na Uy ngày 3 tháng 5, 2014, với chủ đề nói về tác phẩm của nhà văn Tâm Thanh, với hơn hai trăm người tham dự. Nhà văn Tâm Thanh vì bệnh nặng không đến dự được, đã gửi bức thư này để được trình bày với cử tọa.)

Tâm tốt-nghiệp Đại-học Sư-phạm Đà-Lạt rồi về dạy Triết tại Trường Trung-học Ngô Quyền, Biên-hòa. Năm 1966, Tâm thi đậu vào Cao-học Hành-chánh Khóa 2, Ban Hành-chánh. Theo chương-trình Cao-học, những sinh-viên chưa có kinh-nghiệm hành-chánh phải đi thực-tập 5 tháng trước khi nhập học. Tâm chọn thực-tập ở Lâm-đồng vì chị của Tâm là Sœur Hiền đang tu tại đây. Lúc ấy tôi đang làm Trưởng-ty Hành-chánh Lâm-đồng và cũng đang chờ về học Cao-học Khóa 2; tôi có nhiệm-vụ phải tổ-chức 5 tháng thực-tập Hành-chánh Địa-phương cho Tâm. Từ đấy, tôi được hân-hạnh quen biết anh gần một nửa thế-kỷ (49 năm).

Tôi và Tâm rời Lâm-đồng về Sài-Gòn học Cao-học; Tâm thuê dùm vợ chồng tôi một căn nhà trong Xóm Đạo Bùi Phát. Sau khi thành-hôn với Khánh Hà, vợ chồng Tâm Hà cũng thuê một căn nhà gần tụi tôi. Khi nghe tin Tâm và Khánh Hà sắp lấy nhau, một cô học trò cũ của Tâm uống sẵn một chai thuốc ngủ rồi vào thăm Tâm trong Ký Túc Xá Học-viện QGHC. Đang ngồi nói chuyện với Tâm thì cô ta ngã lăn ra bất tỉnh; cô ta muốn được chết trong vòng tay người thầy cũ của mình. Tâm lật-đật gọi xe cứu-thương đưa cô ta vào bệnh-viện. Khánh Hà đến trường nghe tin vội chạy vào bệnh-viện giúp Tâm. Tâm, Khánh Hà cùng với các bác-sĩ, y-tá đã cứu sống được cô học trò nhỏ. Vì chuyện cô gái tự-tử hụt này, Học-viện QGHC không cho Tâm ở trong Ký Túc Xá nữa mặc dù Tâm đã trần-tình rằng Tâm không hề có liên-hệ tình-ái với cô học-trò cũ. Sau này, khi viết bài “Cuốn Luận Văn” Tâm cũng qủa-quyết lập lại: “có Trời làm chứng, cô bé và tôi không có gì” (Cuốn Luận Văn, Kỷ Yếu Quốc Gia Hành Chánh 1952-1975 do Tổng Hội CSV/QGHC phát-hành năm 1999, trang 300). Hôm đó tôi, Tâm, và Vũ Công phải thuyết-trình về một đề-tài hành-chánh do Thầy Nghiêm Đằng chỉ-định. Tôi đành gồng mình thuyết-trình thêm phần của Tâm. Ngoài cô gái tự-tử hụt này còn có một cô học trò Ngô Quyền khác nữa, từng bị anh bồ Không Quân bắn vì ghen với giáo sư Tâm, mặc dù thầy Tâm không hề có tình ý gì với cô ta. Trong bài “Cuốn Luận Văn” Tâm đã tâm-sự: “Tôi bỏ nghề dạy học là vì truyện riêng ( tôi không biết cách đối xử với những cô học trò mới lớn, mà tôi cũng mới lớn…)”

Tâm Hà tham-dự Đại-hội CSV/QGHC Washington, D.C. 1999

Hình như chuyện cô học-trò cũ tự-tử hụt đã thúc-đẩy Tâm Hà thành-hôn sớm hơn dự–định. Vợ chồng Tâm Hà như hai nhánh sông hợp lại:

ta như hai nhánh sông

gặp nhau chung một dòng

đổ vào nhau bất tận

trôi giữa đời mênh mông”

(Khánh Hà, hai nhánh sông)

Sau khi “hai nhánh sông” hợp lại, Khánh Hà đưa chồng về thăm quê:

“Như chú rể Bắc của tui lần đầu

Về thăm quê vợ vùng sâu

Chưa nghe tiếng Bắc, lần đầu lạ tai

Ngoại hỏi nhỏ “Thẳng là ai?

Là người xứ nào, chẳng phải xứ ta?”

Nhà văn Phạm Tín An Ninh nhận xét: Chị [Khánh Hà] luôn đồng hành cùng anh trên mọi nẻo đường đời, luôn được tất cả mọi người quí mến, nể nang. Chồng Bắc vợ Nam, nhưng có lẽ đây là đôi tình nhân hạnh phúc nhất, cặp vợ chồng tâm đầu ý hợp nhất mà tôi biết được.”

Từ hồi học Đại-học Sư-phạm ở Đà-Lạt, Tâm đã kết bạn trao đổi thư tín với Hà năm năm trời:

Xa xôi Đà lạt thuở nào

Pensée anh ép gửi vào trang thư

(Khánh Hà, Chỉ còn)

Khi Tâm không được ở trong Ký Túc Xá Học-viện QGHC nữa, Tâm rủ Hà: Bạn đề nghị hai đứa thuê nhà chung, nhưng năn nỉ thuyết phục thế nào cô cũng không chịu. Cuối cùng bạn nói bạn bị lao, ho ra máu. Đó là bạn đánh một canh bạc liều − nếu cô yêu bạn thật cô sẽ theo bạn, nhưng lỡ gia phong thắng lướt tình yêu thì sao? Không ngờ, cô sụp đôi mi cong xuống, nói, “Cũng được. Chỉ để em chăm sóc anh thôi à nghe” (Tâm Thanh, Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 30). Thật ra bệnh lao của Tâm đã khỏi từ lâu rồi. Năm, sáu năm trước, nhân dịp đi chụp hình phổi để làm thủ-tục vào đại-học, Tâm phát giác bị lao phổi vì những đêm thức khuya học thi tú tài II. Tâm đã nằm Bệnh-viện Thánh Tâm, Biên-hòa 3 tháng, Bệnh-viện Hồng-bàng, Sài-gòn 6 tháng và, tạ-ơn Chúa, bệnh lao của Tâm đã được trị sạch hoàn-toàn.

Cũng nhờ việc “Chỉ để em chăm sóc anh thôi à nghe” đã dẫn đến một đám cưới thân-mật, đầm ấm. Tâm Hà lấy nhau qua một “Phép Giao” (một nghi-thức hôn-phối Công-giáo đơn-giản) trong một tu-viện Dòng Mân Côi. “Các bạn không có tiệc cưới, chỉ có tiệc trà cực kỳ đơn sơ tổ chức trong một lớp học bạn dạy còn ngái mùi phấn, “ban tổ chức” là 12 nữ sinh, quan khách khoảng mươi lăm người bà con và bạn bè chí thân. Vậy mà vợ chồng còn ăn ở với nhau tới khi tóc bạc ruột lủng, cũng lạ.” (Tâm Thanh, Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 103). Nhờ vậy chúng ta được quen biết một gia-đình đầy ắp tình yêu-thương giữa vợ chồng, con cái; một gia-đình tràn đầy tình-yêu qua những thành-công của Tâm trong lãnh-vực nghề-nghiệp, văn-chương cũng như qua những cơn bệnh hiểm-nghèo, đau-khổ của Tâm. “Chỉ để em chăm sóc anh thôi à nghe” là một khúc ngoặt quan-trọng trong đời Tâm. Nó chấm dứt giai-đoạn cô-quạnh trong mặc-cảm yếu-đuối. Bạn phải kể lại chuyện quá khứ để bằng hữu và con cái biết câu “Chỉ để em chăm sóc anh thôi à nghe” quyết định hạnh phúc đời bạn như thế nào. Tình yêu đến với bạn như giấc mơ, như phép lạ. Nước cam lồ rót vào bạn qua cái phễu bất hạnh, đau đớn, bệnh tật” (Tâm Thanh, Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 32).

Tốt nghiệp Cao-học Hành-chánh, Tâm về làm Giảng-sư tại Viện Tu-Nghiệp Quốc-Gia. Đổi nghề từ Giáo-sư Trung-học sang Đốc-sự Hành-chánh, Tâm vẫn làm công việc “dạy học,” một công việc rất thích-hợp với con người và tính-tình Tâm.

Khi Miền Nam sắp sụp-đổ, Tâm đang tu-nghiệp ở Hoa-kỳ. Trong lúc hàng triệu người Việt-Nam tìm đủ cách để bỏ nước ra đi thì Tâm tìm cách về lại Việt-Nam để “lo cho vợ con” dù chương-trình tu-nghiệp chưa hoàn-tất. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tâm Hà làm đủ nghề để sống, kể cả đạp xích-lô. Thật ra sức Tâm yếu không đủ sức chở những ông bà phốp-pháp mà chở những cô học-trò nhỏ-nhắn thì Khánh Hà lại không an-tâm. Tuy nhiên, để tránh khỏi bị đẩy đi Vùng Kinh-tế Mới, Tâm phải thuê một xe xích-lô đậu trước cửa nhà. Tâm Hà học được nghề trồng nấm tai mèo (mộc nhĩ) tương-đối kiếm được đôi chút nuôi con và chờ dịp vượt biên. Tâm gia-nhập đội đánh cá Quận Bình Thạnh, mua ghe đi đánh cá và chở công nhân viên tuyến Sài Gòn – Cần Giờ… để tìm cách vượt biển. Cũng may trước đây cả hai đều giữ những chức-vụ chuyên-môn nên không phải đi học-tập, cải-tạo dã-man của Cộng-sản.

Nhờ nghề đánh cá, Tâm có cơ-hội móc nối vài người bạn liều mạng tổ-chức một chuyến vượt biển vào cuối năm 1979. Thuyền nhỏ (dài 12.5 mét), chở 51 người, không có đủ dụng-cụ hải-hành nên thuyền không đến được một nước láng giềng nào như Thailand, Malaysia hay Indonesia. Thời ấy các trại tỵ-nạn quanh vùng Đông Nam Á chật ních dân tỵ-nạn Việt-Nam bởi vì chính-khách ngu-dốt, dã-man của Cộng-sản. Ít có tầu biển nào dám vớt người tỵ-nạn vì sợ trách-nhiệm; cùng lắm họ dừng lại cho thực-phẩm, săng nhớt hay giúp sửa máy chứ không vớt thuyền nhân. Chiếc thuyền nhỏ bé của bọn Tâm Hà lênh-đênh trên biển cả ba ngày ba đêm, gặp 29 tầu biển nhưng không tầu nào dừng lại cứu vớt. Nước uống và mì gói sắp hết, thời-tiết như sắp có bão, mọi người lo-sợ sẽ làm mồi cho cá biển. May sao tầu “Seaspeed Dima” thuộc công-ty hàng hải Na-Uy Sjøhistorie đã dừng lại vớt hết mọi người và chở bọn Tâm Hà vào trại tỵ-nạn Singapore. 51 người vừa được vớt thì một cơn bão ập tới. Suốt đời bạn không bao giờ quên ơn cứu tử của thuyền trưởng và thủ thủy tàu Sea Speed Dima” (Tâm Thanh, Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 65). Thời-tiết Na-Uy lạnh gía nhưng tình người Na-Uy rất ấm-áp.

Seaspeed Dima / Sjøhistorie.no

Ba mươi ba năm sau (2012), Tâm Hà trở lại Singapore để thăm lại trại tỵ-nạn Việt-nam nhưng không tìm được. Hỏi thăm nhân-viên khách-sạn họ cũng không biết nhưng có người tìm trên “internet” được một bản đồ cũ có chỉ vị trí của “Vietnamese Refugee Camp” ở vùng Sembawang phía cực bắc Singapore. Khi Tâm Hà lần mò tới nơi, không còn vết tích xưa nữa. Thật ra trại tỵ-nạn này đã đóng cửa từ tháng 6 năm 1996, nhà cửa vốn thuộc một doanh trại cũ của quân đội Anh bị phá hủy, tên đường phố Hawkins Road cũng gỡ xuống; lúc ấy còn 99 người tỵ-nạn Việt-Nam không có nước nào tiếp-nhận nên bị trả về Việt-Nam. Trại Hawkins Road được coi là một trong những trại tỵ nạn nhân-đạo tốt hơn hết trong khu vực Đông Nam Á.

Định-cư ở Na-Uy, Tâm Hà đều đi làm Bưu-điện (hèn chi thư từ tôi gửi cho Tâm Hà cứ bị thất-lạc); sau Tâm bỏ Bưu-điện đi làm cho đài truyền hình Quốc Gia Na Uy NRK. Ổn-định cuộc sống rồi, Tâm Hà sáng-tác rất mạnh, chàng viết văn, nàng làm thơ. Tâm đã xuất bản ba quyển truyện ngắn: Thiên Nga giữa cõi người, Gỗ thức trên rừng, Thiên Hương về Trời, và quyển Nụ cười xã hội chủ nghĩa. Khánh Hà cũng in ba tập thơ: Cõi Thơ, Ở Đây Cuối Đường. Tâm Hà còn dịch sang tiếng Việt vở kịch thơ Peer Gynt của đại thi hào Henrik Ibsen, một tác phẩm cổ điển giá trị của Na-Uy. Tâm còn vài truyện ngắn và truyện dài Ngọn hải đăng bỏ hoang chưa xuất-bản. Gần cuối cuộc đời Tâm viết một “chúc thư”: Lệnh Triệu Ban Rồi-Một Trường Hợp Ung Thư, quyển này chỉ in ít bản dành tặng bạn bè. Nhân vật chính trong Lệnh Triệu Ban Rồi“Bạn” vừa có thể hiểu là ngôi thứ nhất: tác giả, mà cũng có thể hiểu là ngôi thứ hai: độc giả nhưng thật ra “Bạn” trong “chúc thư” là người bạn thân-thương Tâm Thanh của chúng ta. Sau phần “chúc thư” của Tâm Thanh là 23 bài thơ của Khánh Hà: “Vần Cuối Cho Anh.” Hình như Khánh Hà đã dùng nước mắt mình làm mực để viết Vần Cuối Cho Anh.

Tâm Thanh viết văn giản-dị, nhẹ-nhàng, trong sáng nhưng thỉnh-thoảng cũng lồng thêm nhiều tình-tiết bất-ngờ, gay-cấn. Đôi khi độc-gỉa thấy một câu văn hay tên truyện hơi “khó hiểu;” hãy đọc chậm lại bạn sẽ hiểu ý của Tâm và xin nhớ rằng nhà văn thân-thương của chúng ta vốn là một giáo-sư Triết học. Cố văn-sĩ Nguyễn Mộng Giác, người viết Tựa “Đọc Tâm Thanh, từ một góc riêng” cho quyển truyện đầu tay của Tâm Thanh, Thiên Nga giữa cõi người” đã viết: Người đọc bước vào truyện như lạc vào một cõi mơ, và ra khỏi truyện thì ngơ ngẩn bàng hoàng vì băn khoăn không hiểu nổi những vấn nạn muôn thuở của nhân sinh. Có thể xem truyện ngắn của Tâm Thanh như những bài thơ triết lý” và: Tâm Thanh viết văn như một cách tiếp nối nghề nghiệp anh đã từng làm ở quê nhà trước ngày tan đàn rã gánh: nghề một giáo sư triết học. Chỉ khác là lần này anh “triết lý” bằng “thi ca.

Buổi Ra Mắt Sách do Tổng hội CSV/QGHC, Câu Lạc Bộ Văn Học Vùng Hoa Thịnh Đốn và Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do Đông Bắc Hoa Kỳ phối-hợp tổ-chức (Virginia 1999).
Từ trái: Khánh Hà (CH3), với tác-phẩm “Cõi Thơ”
Đặng Quốc Tuấn (ĐS10, CH2) bút hiệu Đặng Vũ Hoài Việt, với bộ truyện dài “Trôi Giạt”
Ngô Thanh Tâm (CH2) bút hiệu Tâm Thanh, tập truyện ngắn “Thiên Nga giữa cõi người”
(Không có trong hình là chị Phạm Thị Quang Ninh, phu-nhân anh
Hà Thế Ruyệt (ĐS 9, CH4) với tập hồi ký “Cùng Nhau Trôi Nổi”

Nhà văn Phạm Tín An Ninh, người đã được Tâm Thanh khuyến-khích viết văn, nhận xét về Tâm Thanh: “Tính của anh không thích nghe những lời khen, những lời cám ơn hay ngưỡng mộ mình” Anh rất xứng đáng là thầy tôi, nhưng không bao giờ chịu nhận. Đôi lúc tôi còn giận anh cái tính quá khiêm nhường.” Phạm Tín An Ninh viết những lời này trong ngày Giỗ 49 Ngày của Tâm Thanh; khi ấy (2015) có người cho rằng Phạm Tín An Ninh còn nổi tiếng hơn cả “Thầy” Tâm Thanh của mình.

Trong cuốn “chúc thư” Lệnh Triệu Ban Rồi-Một Trường Hợp Ung Thư, Tâm ghi vội nhiều cảm nghĩ của mình về nhiều vấn-đề như bệnh-tật, đau-đớn, đau-khổ, tôn-giáo, bạn bè, và nhiều chuyện lặt-vặt hàng ngày mà Tâm đã trải qua trong cuộc đời mình. Khi biết mình sắp ra đi Tâm viết lại những cảm nghĩ này để gửi vợ con, bạn bè, chủ-yếu là khuyên-bảo mọi người làm cách nào để sống quãng đời còn lại một cách phong-phú và hạnh-phúc.

 Tâm viết về cha mẹ, các anh chị và em gái. Tâm có ba người chị, anh Lưu, và một em gái. Chị Hiền lớn nhất đi tu Dòng St. Paul ở Hà-Nội từ năm 14 tuổi. Hai chị kế đã đi lấy chồng, anh Lưu ở xa với người chú ruột. Bố của Tâm vốn là Chủ-tịch Ủy-ban Hành-chánh Xã Thiên Thiện của Việt Minh nên bị Tây bắt giam. Chú của Tâm, một linh-mục, đến xin và bảo-lãnh cho anh nên bố của Tâm được thả ra. Việt Minh cho rằng phải là Việt gian hay nhận làm Việt gian, mới được Tây thả nhanh như vậy, nên họ muốn thanh toán ông. Ông trốn thoát kịp. Ông trốn ở đâu, gia đình cũng không biết. Trong thời gian đó mẹ Tâm bị bệnh nằm liệt giường; Tâm mới 11 tuổi, vừa coi em gái út Minh 5 tuổi vừa coi Mẹ; mỗi ngày chị thứ hai về nhà nấu cơm cho mẹ một lần rồi phải trở lại nhà chồng. Có lần Tâm đang giặt áo cho Mẹ trên cầu ao, em Minh ngã xuống ao, Tâm nhanh tay nắm được chân em lôi lên. Hơn 60 năm sau, Minh và con gái đi lùng khắp làng để xin lá đu đủ đực gửi sang Na-Uy cho anh uống chữa bệnh ung-thư tụy tạng.

Anh Lưu của Tâm xa nhà từ năm 9 tuổi để sống với chú là một linh-mục. Chú rất thương cháu nhưng lại rèn-luyện cháu theo khuôn-khổ một nhà tu-hành nghiêm-khắc, kỷ-luật nên thường hay đánh đòn cháu. Theo Tâm, chính vì đời sống khắc-khổ thời niên thiếu nên Lưu rất cô-đơn, ít biểu lộ tình-cảm. Lấy vợ cũng không biết tự tìm mà để chú lo-liệu. Tuy không quen nhau trước khi cưới nhưng hai vợ chồng Lưu rất thương-yêu nhau. Lưu tốt-nghiệp Học-viện QGHC Khóa 6 Đốc-sự. Tâm và gia-đình rất hãnh-diện khi thấy người ký văn-bằng tốt-nghiệp của Lưu là Tổng-thống Ngô Đình Diệm, một chí-sĩ của Việt-nam, một ân-nhân, một “thần tượng” của những người Bắc di-cư vào Nam năm 1954-1955.

Trong một kỳ nghỉ Tết, Lưu chở vợ bằng xe Lambretta đi chơi bị đụng xe gần Vũng Tàu. Vết thương ở chân chị Lưu không nặng lắm nhưng vì là chiều Giao-thừa, nhân-viên y-tế thiếu, nên thay vì sắp-xếp xương gẫy cho ngay-ngắn rồi bó bột thì người ta cưa một chân của chị. Ít năm sau Anh Lưu mất vì bướu não khi chưa đầy 35 tuổi. Cũng may Chị Lưu rất tháo-vát, giỏi kinh-doanh, nuôi ba đứa con côi thành-công và hiện đang định-cư ở California. Không kể hồi nhỏ còn bú mẹ, Tâm và Lưu chỉ sống chung với nhau khoảng hai năm. Tâm vẫn nhớ một việc duy nhất Tâm làm anh Lưu hài lòng là gãi đầu Lưu khi Lưu bị bướu não vì bướu não lan đau-đớn ra tận chân tóc. Tâm “bon chen vào học hành chánh (CH2), một phần do muốn theo chân anh” (Ngô Thanh Tâm, Anh tôi).

Tâm Thanh & Khánh Hà tại Norwegian Wood

Cuối cùng bố Tâm cũng bị Việt Minh bắt. Ông được thả về vài tháng thì mẹ Tâm mất. Ông gửi Tâm cho ông chú để Tâm có chỗ đi học. Chú lại gửi Tâm sang trường Dòng. Năm 1954 Tâm theo trường Dòng di cư vào Nam, trong khi Bố Tâm ở lại, bị Việt Minh đấu tố tới chết.

Sống trong trường Dòng, liên hệ gia đình chỉ còn là những lá thư hằng tuần của người chị. Để em bớt cô đơn, Sœur Hiền cho Tâm một tấm hình bỏ túi áo. Nhiều anh lớn (học-sinh trong trường) hối lộ tiền hoặc kẹo lạc, bong bóng để xin một tấm hình tương tự; xin không được thì mượn hình Sœur Hiền hôn một cái. Tâm tức lắm mà không làm gì được. Nhưng một anh đã đi quá đáng, anh ta ôm chặt Tâm và gọi tên chị Hiền. Tâm mách cha, anh này bị đuổi. Tâm không ngờ hậu quả cho anh ta lớn như vậy, nên vẫn hối hận dù anh ta đã chết bên Mỹ.

“Trong trường dòng tại Sài Gòn, bạn rất chuyên tâm, không ngại ngùng chi cả, chỉ ngại những ngày lễ và kỳ nghỉ hè. Bởi vì mỗi lần bãi trường bạn bè hân hoan về với gia đình (quen gọi là “về quê”), còn bạn không biết về đâu. Hai chữ “về quê” nghe đẹp làm sao, nhưng chưa bao giờ bạn được hưởng. Có lần Tết Nguyên Đán bạn không biết đi đâu, phải cùng một đứa bụi đời leo xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho, lang thang ở bờ sông, cuối cùng ngủ trên cái thuyền bỏ cạn, ngực áp một cuốn sách cho đỡ lạnh. Đó là cuốn Sans Famille (Vô gia đình) của Hector Malot, cuốn truyện tiếng Pháp đầu tiên bạn đọc. Mỗi lần đọc lại khóc, nhưng cứ thích đọc. Suốt đời bạn mơ ước mình có một gia đình để nếm mùi ngọt ngào” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 31 – 32). 

 “Chị Hiền ơi,

Em nói câu này nếu Chị không bằng lòng thì xin Chị tha-thứ cho em. Theo em nghĩ, khi Bác Gái đau nằm liệt giường, Bác Trai đang trốn-tránh Việt Minh hoặc bị tù thì Chị phải xin phép Bề Trên về nhà săn-sóc Mẹ và các em. Khi nào các em 1ấy chồng, lấy vợ hoặc các em đã khôn lớn thì Chị sẽ trở lại Nhà Dòng tiếp-tục cuộc đời tận hiến cho Chúa và Mẹ Maria. Em chỉ gặp Chị hai lần, chắc Chị chẳng còn nhớ em ra sao nhưng em còn nhỏ hơn Tâm vài tuổi nên Chị cứ la mắng em như một người em của Chị nếu Chị cho là em sai. Em xin lỗi Chị. Cám-ơn Chị đã cho Tâm Hà một tình-yêu trìu-mến, một tình-yêu pha trộn giữa tình Mẹ và tình Chị, một an-ủi nồng ấm trong những năm tháng bệnh-tật của Tâm.”

Đôi uyên-ương Tâm Hà tại Đại-hội CSV/QGHC Washington, D.C. 1999

Trong cuốn “chúc thư,” Tâm dành nhiều trang viết về bạn bè: bạn thời niên-thiếu ở Trường Dòng, Trường Hồ Ngọc Cẩn, bạn đồng môn ở Đại-học Văn-khoa Sài-gòn, Đại-học Sư-phạm Đà-Lạt, và Học-viện QGHC. Tâm viết về các bạn trong giới văn-chương, các nữ tu Dòng Mân Côi, và các bạn ở Na-Uy kể cả người đồng hương và người bản xứ. Tâm còn viết về bạn bè của Khánh Hà và của Anh Lưu. Trang nào cũng đầy ắp tình người, tràn ngập tình bằng hữu, ngào ngạt hương thơm vì Tâm rất thích La Fontaine đã thi vị hóa tình bạn già bằng một hình ảnh sinh động “Tình bạn như bóng chiều, ánh dương đời càng xuống thấp nó càng trải dài ra”.

“Chữ ký” của Tâm Hà trong nhiều emails

Gần ngày ra đi, Tâm nghĩ có thể Tâm đã no đủ rồi, không ước ao gì nữa: “Quan trọng nhất là bạn cho vợ con thấy bạn đã sống hạnh phúc, đã thương yêu họ, đã nhận lãnh đủ tình thương của họ, no đầy. Bạn sẵn sàng ra đi trong no đủ, thảnh thơi đến một nơi hạnh phúc tuyệt vời… Thương khóc hay nguyền rủa, bạn không hay. Có mấy người tiễn đưa? Có mấy vòng hoa, to hay nhỏ?… Tất cả sẽ là hài kịch cuối cùng mà vai chính không được tham dự, đành xin lỗi và cám ơn trước” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 174). Thực ra Tâm vẫn còn một giấc mơ chưa đạt được: “Giấc mơ một nước Việt Nam tự do no ấm – có lẽ là giấc mơ duy nhất tan vỡ, bạn nhắm mắt trước khi thấy một tia sáng” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 173).

Tâm chỉ có một “Di chúc duy nhất của bạn là được liệm bằng cái áo lính mà Trung tâm Huấn luyện Quang Trung phát cho khi bạn đi ‘lính chín tuần’. Cũng cái áo này bạn đã mặc khi đi đạp xích-lô và vượt biên” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 174). Chiếc áo lính này đã được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Hàng Hải Na-Uy nhân Ngày Kỷ Niệm Thuyền Nhân. Tâm chỉ đi lính chín tuần nhưng theo Tâm, chúng ta đã “nợ người lính Cộng Hòa. Họ đã lấy thân đỡ đạn cho các bạn ngồi trên ghế nhà trường, ngủ yên trong nhà ở thành phố mấy chục năm trời, mấy ngàn đêm ngày” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 137).

“Lệnh Triệu Ban Rồi, thôi tôi đi đây” là thơ của Rabindranath Tagore (1861–1941) do Đỗ Khánh Hoan dịch. Tagore là người Bengale; ông là một triết gia, một thi-sĩ, văn-sĩ, nhạc-sĩ, và họa-sĩ. Năm 1913, Tagore là người không thuộc Âu-châu đầu tiên (the first non-European) giật giải Nobel Văn-chương. Tâm Thanh đã mượn câu thơ của Tagore để trối-trăn với vợ con, bạn bè; đây là dòng chữ cuối cùng Tâm Thanh viết cho những người thân-yêu của mình. Giuse Ngô Thanh Tâm đã theo Tagore ra đi vào ngày 9 tháng 4 năm 2015 nhưng Tâm Thanh vẫn mãi mãi ở lại trong lòng vợ, con, chị, em và bằng-hữu.

Trước khi bị ung-thư, Tâm rất săn-sóc sức-khỏe của mình. Anh ngồi thiền, tập tài-chí khí công được 20 năm. Tâm Hà ăn gạo lức, muối mè theo phương-pháp dưỡng-sinh của Triết gia Nhật-bản Ohsawa; Tâm Hà cũng ăn nhiều đậu hũ. Có lần vợ chồng tôi và Tâm Hà đi ăn cơm Việt-nam ở Virginia, Tâm rất ngạc-nhiên và thích-thú khi thấy nhà hàng có bán canh tôm đậu hũ nấu với lá hẹ. Tâm say-mê món ăn bình-dân, giản-dị này, ít động đũa tới những món thịt, cá cầu-kỳ khác. Khi Sœur Hiền từ Việt-nam sang Na-uy thăm các em, các cháu “cái vali chỉ có một bộ đồ, chỗ còn lại dành cho cái máy xay sữa [đậu nành] làm đậu hũ”.

“Anh-hùng thấm mệt”
(ngày gần cuối trong chuyến du-lịch Nhật Bản và Đại Hàn, 2014)

Căn bệnh nan-y của Tâm được chẩn bệnh vào năm 2012; Tâm thấy hay mệt, ăn không ngon, hay đau thắt ngang hông. Đi khám bác-sĩ mới biết bị ung-thư tụy-tạng (Pancreatic Cancer); tin xấu này đến trong Mùa Chúa Giáng-sinh 2012. Qua Tết Ta (Tết Qúy Tỵ, tháng 2 năm 2013) Tâm vượt qua được cuộc giải-phẫu nguy-hiểm Whipple (Whipple procedure hay còn gọi là pancreaticoduodenectomy). Giải-phẫu Whipple rất phức-tạp nhằm cắt bỏ phần đầu của tụy-tạng (the head of the pancreas), khúc đầu ruột non (duodenum), túi mật (gallbladder), và một khúc ống mật (bile duct). Phần còn lại của tụy-tạng, ruột non và ống mật được các bác-sĩ nối lại để bệnh-nhân có thể tiếp-tục tiêu-hóa thực-phẩm. Cuộc giải-phẫu Whipple của Tâm kéo dài hơn 7 giờ. “Bạn vừa chết bảy tiếng đồng hồ! Sống dậy, nhưng không biết có sống thật không.” Khoảng 25% bệnh-nhân hoặc chết trên bàn mồ Whippel hoặc chết chỉ sau đó ít lâu.

Cục u nằm ở đầu tụy-tạng của Tâm dài 1.5 cm; nó nằm ngay chỗ mấy giây thần-kinh giao nhau nên đau lắm. “đau nhói như chưa bao giờ đau như vậy. Cơn đau dữ dội nhưng ngắn gọn như đạn xuyên…Có lần đau đến nỗi không há miệng cầu cứu vợ được.” Đau như vậy nhưng Tâm lại tự an-ủi “Đó là cái may của bạn, vì nhờ đau, bệnh được phát giác kịp thời. Về phương diện thể lý, đau là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ, một cảnh báo rất tử tế của Tạo hóa. Cơ thể không biết đau có thể ví như chiếc xe hơi không có đèn báo thiếu nhớt, cạn dầu thắng, cứ chạy cho tới khi lao xuống vực thẳm.” Tôi có một kinh-nghiệm giống hệt lời ví rí-rỏm của Tâm về việc “cơ-thể không biết đau.” Tôi bị bệnh lở bao tử (stomach ulcer) mà không biết vì không đau; vết lở không nằm trong bao tử mà nằm ngoài cuống bao tử, chỗ ấy không có giây thần-kinh nào nên không đau. Khi tôi mệt qúa, nhà tôi đưa tôi vô nhà thương. Nằm chờ ở Phòng Cấp-cứu tôi thấy chóng mặt, khó chịu nên xin cô y-tá một cái gối nữa hy-vọng gối cao lên sẽ dễ chịu hơn. Cô ta chẩn mạch tim, đo “blood pressure,” gọi phòng thí-nghiệm đang thử máu của tôi rồi thay vì cho tôi thêm một cái gối nữa, cô ta lấy nốt cái gối tôi đang nằm. Thì ra tôi đã mất khoảng nửa số máu trong cơ-thể mà tôi không biết, cô y-tá sợ tôi không có đủ máu chạy lên não nên hạ thấp đầu tôi xuống trong khi đang tiếp máu cho tôi.

Sau giải-phẫu Whipple, Tâm tiếp tục chữa ung-thư tụy-tạng bằng chemotherapy (hóa trị) trong 6 tháng. Bệnh tình thấy thuyên-giảm đôi chút nhưng cuối năm 2013, Tâm bị pancreatitis (viêm tụy), lại vô nằm nhà thương. Khổ cho Tâm; phần lớn người ta hay bị pancreatitis trước khi bị pancreatic cancer. Chúa ơi! sao đôi khi Chúa thử thách chúng con qúa nặng nề! Trong bài giảng Lễ an táng Giuse Ngô Thanh Tâm, Đức Ông (Monsignor) Huỳnh Tấn Hải, người đã quen biết Tâm 33 năm, cho hay Anh ngưỡng mộ giáo lý từ bi và giải thoát của Nhà Phật. Anh quí trọng nền lễ giáo của thầy Khổng Tử, lối sống phóng đạt, siêu thoát của Lão Tử, nhưng anh luôn bám chặt niềm tin cứu độ của Kitô giáo. Và điều này không dễ dàng.” Đã có lần qúa thất-vọng, Tâm có phần than trách Chúa.” Từ Đại Hàn, Tâm đã viết cho Đức Ông “Con ở tại một khách sạn sát cạnh một nhà thờ, con ngẫm nghĩ tinh thần Kitô giáo có thể chuyển hoá cả một quốc gia Đại Hàn, thì sao không đem lại bình an cho tâm hồn và thể xác bé mọn của con.”

Vì Tâm yếu sức hầu như không chịu đựng nổi chemotherapy nên bác-sĩ cho Tâm nghỉ ít ngày và khuyến-khích Tâm Hà đi du-lịch cho khuây-khỏa. Từ lâu Tâm Hà vẫn muốn đi thăm Nhật Bản vào mùa hoa Anh Đào. Tâm Hà đã mua vé năm 2011 nhưng Nhật bị động đất nên chuyến đi phải hủy-bỏ. Được phép của bác-sĩ, Tâm Hà vui-vẻ đi thăm Nhật Bản và Đại Hàn. Tâm thích chuyến du-lịch này lắm, Tâm chụp nhiều hình và làm video “HOA ĐÀO” dài 50 phút; video có nhiều hình đẹp, nhạc rất hay. Tâm giới-thiệu nước Nhật: “Không thấy đâu một cọng rác trừ những cánh hoa đào rơi.”

Hoa Đào Nhật Bản (Tâm chụp năm 2014)

Một điều tôi vẫn tiếc là đã không đi với Tâm Hà sang Nhật bởi vì cùng lúc ấy Nhà Tôi đã ghi tên đi Machu Picchu (Peru). Lúc ấy dù tôi có bỏ “tour” Machu Picchu thì cũng không mua được vé đi Nhật với Tâm Hà vì họ đã “sold out.” Tâm an-ủi tôi: “Nếu đi Nhật về, chữa bệnh tiếp mà bớt thì chúng tôi thoáng nghĩ hai cặp chúng ta đi BHUTAN (nước Phật hiền hòa) với nhau.” Tâm ơi! Mộng ước bốn đứa mình đứng dưới chân núi Hi-Mã-Lạp-Sơn hay đi thuyền trên sông Seine (Paris) thay vì dòng sông Trương Minh Giảng đen ngòm không bao giờ thành!

Tâm Hà thăm Đền Thần Đạo Itsukusima Shrine, Hiroshima (Nhật Bản 2014)

Đi Nhật về Tâm bị đau 3 ngày rồi sau đó ra vào bệnh-viện liên-miên để chemotherapy, radiation therapy (quang trị), và truyền máu…Thường Chị Khánh Hà cũng ở luôn trong bệnh viện để săn-sóc chồng. Khi không chữa thuốc Tây, Tâm Hà đã thử dùng đủ mọi loại thuốc thiên-nhiên như lá đu đủ, măng tây, mãng cầu, nghệ, fucoidan, trái khổ qua.. Tôi và Nguyễn Minh Triết (CH 2) rủ Tâm Hà dự Đại Hội Liên Khóa CSV/QGHC ở Houston năm 2014 nhưng Tâm không dám đi, Tâm than có lẽ tôi phải bỏ giấc mộng giang hồ vặt để chuẩn bị cho một chuyến đi lớn cuối cùng.” Chuyến đi lớn cuối cùng này đã xảy ra vào ngày 9 tháng 4 năm 2015. Trong ngày đau-buồn này, Cao-học Hành-chánh 2 mất hai người bạn thân-thương: Ngô Thanh Tâm mất ở Na-Uy, Nguyễn Ngọc Diệp mất ở California, Hoa-kỳ.

Tâm đã bỏ chị Khánh Hà, các cháu Tiêu Dao, Như Thủy, Camillia; Tâm đã bỏ chúng ta đi về “Bên Kia,” Tâm đi một mình, cô-độc. Nguyện xin Chúa Nhân-từ, qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, sớm đưa linh-hồn Giuse Ngô Thanh Tâm về hưởng Nhan Thánh Chúa, sớm cho Tâm được gặp lại Ba Mẹ và Anh Ngô Đức Lưu. May God hold you in the palm of his hand.

Khi không còn anh

Em phải đi bằng đôi chân của mình

Trong mùa đông giá lạnh

Bàn tay em không người sưởi ấm

(Khánh Hà , Khi không còn anh)

Mới ngày trước, Bàn tay em không người sưởi ấm” này đã cầm chặt tay Tâm để “con đau nó bò sang em.”

Sau đây là một số truyện ngắn và bài viết của Tâm Thanh. Gọi là một “Tuyển Tập” thì không đúng hẳn nhưng đây là một sưu-tập những bài của Tâm Thanh đang có sẵn trên “internet”. Cách đây ít lâu, bạn Lê Qúy Đính (ĐS 10 / CH 3) “posted” truyện ngắn “Trích tiên” của Tâm Thanh trên Diễn-đàn Khóa 10 và nhiều bạn của Tâm Thanh muốn xem thêm truyện của Tâm. Tôi có một số sách truyện của Tâm và thơ của Khánh Hà (CH 3) nhưng đều là “sách;” khó gửi luân-lưu cho bạn bè. Tôi tìm trên “internet” thấy có một số truyện ngắn của Tâm Thanh nên góp lại đây để chuyển cho các bạn. Ngoại trừ bức thư của Tâm tôi cố ý để cuối cùng, những truyện khác tôi không xếp theo một thứ tự nào; gặp truyện nào của Tâm ở trên mạng là tôi mừng hú, “copy” ngay; tôi biết còn sót nhiều truyện. Tôi trân-trọng cám-ơn những diễn-đàn, đặc-san đã in truyện / bài của Tâm Thanh Ngô Thanh Tâm mà tôi đã sao in trong sưu-tập này; tôi xin lỗi qúy vị vì tôi không xin phép trước.

 

Hoa Đào Khánh Hà và Hoa Đào Nhật Bản của Tâm (2014)

Truyện / Bài                                        Trang                 Nguồn

  1. Thiên nga giữa cõi người                    17                    http://phamtinanninh.com/
  2. Nén hương nhớ mẹ                             23                    https://vnthuquan.net/
  3. Cổ Thành (truyện Tâm Thanh)            29                    http://phamtinanninh.com/
  4. Cổ Thành (thơ Khánh Hà)                  40                    http://phamtinanninh.com/
  5. Đám mây bên kia hồ Mjøsa                42                    https://tiengthongreo.blogspot.com/
  6. Chân dung một cô gái Việt-Nam        50                    https://tiengthongreo.blogspot.com/
  7. Ngôn Ngoại                                        56                    https://quocgiahanhchanhmd.com/
  8. Chiêu hồi ngôn từ                               65                    https://www.diendantheky.net/
  9. Nụ cười Xã Hội Chủ Nghĩa                78                    https://tiengthongreo.blogspot.com/
  10. Trích tiên                                             79                    https://vietmessenger.com
  11. Lụa bạch                                             94                    https://www.luanhoan.net
  12. Di ngôn lạ                                           109                  https://www.luanhoan.net
  13. Hương xưa                                          119                  https://www.luanhoan.net
  14. Bàn tay                                                128                  https://www.luanhoan.net
  15. Chó và người giữa Hà-Nội                 133                  https://tiengthongreo.blogspot.com/
  16. Nhà sư dắt con                                    138                  https://tiengthongreo.blogspot.com/
  17. Túp lều của chị tôi                               143                  https://buonmathuot.org/content.php
  18. Con bọ mắt                                         151                  https://www.diendantheky.net/
  19. Mai sau kiếp khác                               155                  https://www.diendantheky.net/
  20. Thiên Hương về trời                           168                  http://www.hocxa.com
  21. Gỗ thức trên rừng                               177                  http://www.hocxa.com
  22. Tên người yêu                                     190                  https://www.diendantheky.net/
  23. Phấn thông                                          197                  https://www.diendantheky.net/
  24. Hỏi vườn dâu đâu giòng nước cũ       206                  https://www.diendantheky.net/
  25. Mùi trần                                              216                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  26. Trái mùa                                              224                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  27. Em gái tôi và con dê đen                    231                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  28. Qùa cho em                                         238                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  29. Cuốn Luận Văn                                  242                  Kỷ Yếu QGHC 1952-1975 (xb 1999)
  30. Anh tôi                                                245                  Đặc-san “Nửa Thế Kỷ Hội Ngộ”
  31. Giáng phước                                       248                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  32. Đọc thơ người nhà                              253                  https://www.luanhoan.net
  33. Câu truyện hay nhất thế giới              256                  http://www.hocxa.com
  34. Bức Thư của Nhà Văn Tâm Thanh     263                  http://www.hocxa.com

Tuyển tập này dài 264 trang nên không tiện “layout” để đăng trên Diễn-đàn Hội Cựu Sinh Viên Quốc-Gia Hành-Chánh Miền Đông. Bởi vậy tôi chỉ đăng bài “Nhà Văn Tâm Thanh” để giới-thiệu tác-gỉa. Độc-giả xin theo “nguồn” mà tôi ghi trên để tìm đọc truyện, bài của Tâm trên mạng; tiện dịp mời qúy vị ghé thăm một số diễn-đàn văn-nghệ, diễn-đàn hội ái-hữu của người Việt mình. Ngoài truyện của Tâm Thanh, quý vị sẽ có dịp thưởng thức các truyện, bài, tin-tức khác trên các diễn-đàn này. Tuy nhiên nếu độc-giả nào muốn có toàn bộ tuyển tập này xin “email” cho tôi, tôi sẽ gửi đến quý vị.

Hy-vọng qúy vị “enjoy” sưu-tập này. Hãy thắp lên một nén hương lòng để tưởng nhớ người bạn Tâm Thanh Ngô Thanh Tâm thân-thương của chúng ta.

Một người bạn cũ của Tâm
Đặng Quốc Tuấn
(ĐS 10 / CH 2)
Ngày cuối năm 2020
Dr.MichaelDang@gmail.com

Vợ chồng Ngô Thanh Tâm & Khánh Hà và vợ chồng Thu-Cảnh & Đặng Quốc Tuấn Đại-hội CSV/QGHC Washington, D.C. 1999 (Ảnh do Cố Huynh-trưởng Châu Kim Nhân chụp)

 

Views: 1105